TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998

***

QUYỂN THỨ 20

Tổng nhiếp tụng môn thứ sáu:

Mãnh thú cân bất ưng,
Đăng quang cập dũng kiện,
Ðà-sa độ ny pháp,
Nhân hứa KiềuÐáp Ma,
Ny bất tiền trưởng giả,
Khả dữ dư ngoạ cụ,
Bất hợp thế thủy ô,
Ðệ lục tổng ưng tri.

Nhiếp tụng một trong biệt môn thứ sáu:

Mãnh thú cân bì diên,
Ung tiền phục ưng hậu,
Lưỡng giác cập tiêm đầu,
Chư ngoa giai bất hợp.

* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Phật dạy, Bí-sô không nên dùng da của năm loại mãnh thú có móng vuốt răng ngà là voi có trí, ngựa có trí, sư tử, cọp, beo.

Lục chúng dùng gân các loại thú trên lại có lỗi như trước. Phật dạy:

– Không nên dùng các loại gân trên may giầy dép.

Lục chúng lại dùng mũ da nên bị lỗi như trước. Họ lại dùng da để sửa dép. Phật dạy:

– Ðều không nên dùng, như vậy nên biết các loại giầy dép nếu có che trước che sau, hai góc, mũi nhọn, giầy gai giầy ủng đều không nên mang. Ai mang bị tội vượt pháp, trừ dép da hai ba lớp. (Những loại này, người Tây quốc không mang, nếu ngoại quốc bị lạnh vì ý giữ mạng sống nên dùng).

Nội nhiếp tụng:

Tứ đại vương sơ đản,
Quang minh phổ giai chiếu,
Phụ mẫu nhân tư sự,
Các vi lập kỳ danh.

* Bấy giờ, Bồ Tát (Hộ-Minh) đang ở thiên cung Ðổ Sử.

Trong thành Vương-xá, vua tên Ðại Liên Hoa, dùng pháp trị đời, nhân dân phồn thịnh, an ổn giàu vui, không có trộm cướp.

Thành Thất La Phiệt, vua hiệu Phạm Thụ.
Thành Xướng-thệ-ni, vua hiệu Ðại Luân.
Thành Kiêu-thiểm-tỳ, vua tên Bách Quân.

Bốn vị vua này đều là pháp vương, dùng pháp trị đời nói rộng như nơi khác. Trên thiên cung, Bồ Tát dùng năm sự việc quan sát thế gian.

Ðó là:

1. Xem xét về tổ tiên.
2. Xem xét về thời tiết.
3. Xem xét về quốc độ.
4. Xem xét về giòng họ gần.
5. Xem xét về người mẹ.

Sau khi chư thiên Lục Dục ba lần làm bụng người mẹ thanh tịnh, phu nhân Ma-Da mộng thấy voi trắng sáu ngà giáng hạ vào bụng. Khi ấy quả đất chấn động sáu cách, ánh sáng lớn chiếu ra khắp cả thế giới, hơn cả quang minh của chư Thiên. Những nơi tối tăm mà nhật nguyệt không chiếu đến được trong thế giới đều sáng rực lên. Chúng sinh nơi đó đều thấy được nhau. Phần sau sẽ nói về lúc Bồ Tát đản sinh.

Vua bốn đại quốc đều sinh thái tử. Thấy ánh sáng như màu dung-kim vàng ròng, họ đều nói rằng vì ta sinh con trai có sức uy thần làm cho trời đất sáng rực một cách kỳ lạ, nên đều đặt tên con hợp theo điềm linh ứng này.

Vua Ðại Liên Hoa bảo mọi người:

– Khi con ta sinh như ảnh mặt trời, trời đất sáng suốt xinh đẹp lạ lùng, nên đặt tên con ta là Ảnh Thắng (Phạm ngữ là Tần-tỳ-sa-la).

Vua Phạm Thụ bảo mọi người:

– Khi con ta sinh ra, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp thế gian, nên đặt tên là Thắng Quang.

Vua Ðại Luân bảo mọi người:

– Khi con ta sinh ra như cây đèn lớn chiếu sáng khắp nơi, nên đặt tên Ðăng Quang.

Vua Bách Quân bảo mọi người:

– Khi con ta sinh như mặt trời mọc chiếu ánh sáng khắp nơi, nên đặt tên là Xuất Quang.

Họ đều cho đó là công năng của con mình, nhưng nào biết do uy lực của Bồ Tát.

Nội nhiếp tụng:

Phúc trung thiên thủ hộ,
Sinh dĩ đạp liên hoa,
Cử thủ độc xưng tôn,
Hoán tẩy hoa y lạc.

Khi Bồ Tát đã giáng thần trong thai mẹ, Thiên chủ Ðế Thích sai bốn vị thiên tử đều cầm khí trượng hộ vệ người mẹ, không cho người và phi nhân làm tổn hại. Ở trong thai, Bồ tát không bị máu và chất dơ trong thai làm ô nhiễm. Ví như các vật báu tụ lại một nơi không làm ô nhiễm nhau, Bồ Tát ở trong thai cũng như vậy. Lại như ngọc lưu ly trong suốt xinh đẹp đặt trên năm màu sắc, người có mắt sáng nhìn thấy phân biệt rõ ràng, người mẹ nhìn vào bụng thấy rõ ràng cũng như vậy. Tuy mang thai nhưng thân thể người mẹ không mệt nhọc, tự nhiên giữ gìn năm học xứ, đó là trọn đời không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối trá, không uống rượu, không có ý tưởng dâm dục với đàn ông. Ðầy đủ mười tháng, người mẹ đi đến rừng Lâm Tỳ Ny, vịn nhánh cây Vô-ưu, tạm thời đứng lại, đản sinh Bồ Tát bằng hông bên phải. Khi ấy trái đất chấn động sáu cách phóng ánh sáng lớn như khi vào thai.

Lúc Bồ tát đản sinh, Ðế Thích đưa tay đỡ lấy Ngài đặt lên hoa sen, chân đứng không cần phải vịn. Sau khi đi bảy bước trên bảy hoa sen, Bồ Tát nhìn khắp bốn phương, tay chỉ lên tay chỉ xuống, tuyên bố lời này:

– Ðây chính là thân cuối cùng của Ta, Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Ðộc Tôn.

Phạm vương giương lọng, Ðế Thích cầm phất, trong hư không Long vương phun nước một vòi ấm một vòi lạnh tắm rửa Bồ Tát. Khi vừa đản sinh, ngay trước mặt mẹ Ngài xuất hiện một suối phun thơm, xử dụng tùy ý. Trên không trung, chư thiên rãi hoa sen xanh, đỏ, vàng, trắng và các loại bột thơm kỳ diệu khác, âm nhạc cõi trời tự nhiên vang lên, y lụa trời đẹp từ hư không rơi xuống loạn xạ, lại có rất nhiều điềm lành kỳ diệu … nói như các nơi khác.

Nội nhiếp tụng:

A-tư-đa đổ tướng,
Na Kích Ðà khuyến sư,
Ngũ bách thụy hiện tiền
Phụ vương lập tam tự.

Bấy giờ, trong núi lớn ở phương Nam có một tiên nhân già tên A Tư Ðà biết rõ được thời gian thành hoại của thế giới. Có một người tên là Na-Kích-Ðà, thông minh mẫn tuệ thường đến yết kiến tiên A Tư Ðà để bàn luận về sự thành hoại của thế gian.

Sau khi nghe dạy, vị này cảm thán nên xuất gia nơi vị tiên nhân. Một hôm, đang cùng tiên nhân ở trong hang đá, thấy hào quang chiếu sáng rực rỡ dị tướng kỳ lạ, vị này nói kệ hỏi thầy:

– Vì sao quang minh này,
Chiếu khắp như mặt trời,
Tràn ngập cả núi rừng,
Xuất hiện kỳ lạ vậy?

Tiên nhân đáp:

– Nếu ánh mặt trời thì nóng rực,
Ánh sáng này mát thật lạ kỳ,
Chắc là Vô thượng Mâu Ny tôn,
Vừa ra thai mẹ hiện điềm lành,
Tướng này Bồ Tát khi đản sinh,
Quang minh thanh tịnh thật kỳ lạ,
Như màu vàng kim tràn mười phương,
Chiếu sáng rực rỡ khắp ba cõi.

Na Kích Ðà bạch với thầy mình:

– Nếu như vậy nên cùng đi đến thăm viếng Bồ Tát.

Thầy nói:

– Con biết không, Bồ đề tát đỏa có đại uy thần, vô lượng Chư Thiên đều vân tập, chúng ta tuy đến nhưng không sao đảnh lễ yết kiến được, đợi Ngài vào thành đặt tên xong, nhiều lần như vậy, ta mới mong gặp được.

Khi Bồ Tát đản sinh, Xiển Ðạc Ca … năm trăm thị giả cùng sinh đồng thời, Xiển Trĩ Ca … năm trăm thị nữ cũng sinh đồng thời, voi ngựa giỏi trong chuồng đều sinh năm trăm, năm trăm kho kín tự nhiên hiển lộ, các vua láng giềng đều dâng tín vật. Thấy như vậy, đại thần tâu vua Tịnh-phạn:

– Ðại vương! Hôm nay đất nước hưng long, đản sinh thái tử, hiện các điềm lành, năm trăm thị nam, năm trăm thị nữ, voi ngựa giỏi đều sinh năm trăm, năm trăm kho kín tự nhiên hiển lộ, các nước đều triều kiến mang vật trân kỳ đến.

Nghe tâu, vua rất vui mừng, bảo đại thần:

– Thái tử sinh ra, các việc đều thành tựu vậy nên đặt tên là Nhất Thiết Sự Thành ( Phạm ngữ Tát Bà Aùt Tha Tất Ða). Ðây là tên đầu tiên của Bồ Tát, hiệu Nhất Thiết Sự Thành.

Bấy giờ, Bồ Tát đi xe bốn báu với vô lượng trăm ngàn người trời tùy tùng đi vào thành Kiếp Tỷ La. Các Thích Ca tử tâm ý kiêu mạn bản tính nhiều lời nhưng khi Bồ Tát vào thành, họ đều mặc nhiên im lặng không nói gì được. Thấy như vậy, vua bảo đại thần:

– Các Thích Ca tử tâm luôn kiêu mạn, tính vốn nhiều lời, khi thái tử vào thành, họ đều mặc nhiên im lặng không nói được gì, vậy nên đặt tên cho thái tử là Thích Ca Mâu Ny (Im lặng). Ðây là lần đặt tên thứ hai của Bồ Tát.

Trong thành này vốn có Dược xoa cựu trú tên Thích-Ca Tăng Trưởng được mọi người kính trọng lập miếu thờ. Mỗi khi giòng họ Thích sinh được trai hay gái đều tắm rửa sạch bồng đến miếu Dược xoa để kính lễ.Vua Tịnh Phạn dùng mật bơ thượng hạng bôi đầy miệng thái tử, bảo đại thần:

– Hãy bồng thái tử đến lễ Dược xoa.

Trông thấy đại thần bồng thái tử đến, Dược xoa liền hiện thân, đến đảnh lễ sát chân Bồ Tát. Nghe đại thần trở về tâu lại, vua sinh tâm cho là hy hữu:

– Nay thái tử của ta là bậc tôn thắng trong thiên thần, vậy nên đặt tên là Thiên Trung Thiên. Ðây là lần thứ ba đặt tên cho Bồ Tát.

Nội nhiếp tụng:

Phó mẫu dưỡng thái tử,
Linh quán đại nhân tướng,
A Tư Ðà viễn chí,
Thân đổ Mâu Ny hình.

Phụ vương giao thái tử cho các dưỡng mẫu, tùy lúc tắm rửa cho bú mớm ăn uống, thường làm cho thân tâm an ổn thích thú. Dưỡng mẫu dùng hương thơm thượng hạng thoa thân thể Ngài, trang sức với đầy đủ anh lạc rồi trao cho vua cha. Vua cha bồng giữ hoan hỷ ngắm nhìn rồi ra lệnh tập trung tất cả các Bà-la-môn, những người biết xem tướng, hiểu toán số trong nước đến xem thái tử, bảo họ:

– Các vị nên quan sát, ta nghe vị tiên xưa nói rằng, người đầy đủ 32 tướng đại trượng phu thì có hai trường hợp. Nếu sống tại gia sẽ làm Luân Vương, thống lĩnh bốn châu dùng pháp trị đời, đầy đủ bảy bảo.

Ðó là luân bảo, tượng bảo, mã bảo, châu bảo, nữ bảo, chủ tàng thần bảo, chủ binh thần bảo; đủ ngàn người con trai dũng mãnh trung lương, chiến thắng được oán địch, khắp trong hải nội không có hoạn nạn, nhân dân sống giàu có sung sướng an ổn. Nếu xuất gia cạo bỏ râu tóc, mặc y ca-sa thì thành Bậc Chánh-đẳng-giác, có tiếng tăm lớn vang khắp thế gian.

Nghe vua nói xong, các tướng sư cùng nhau quan sát rồi tâu:

– Ðúng như việc đại vương đã nói, ai thành tựu 32 tướng chắc chắn chỉ có hai việc là Luân-vương hay thành Phật … cho đến vang khắp thế gian.

Vua lại hỏi:

– Tướng ấy như thế nào?

Các vị tướng sư đều đáp đầy đủ từng tướng trong 32 tướng, văn có ghi đủ (không khác các Kinh, Luật, Luận khác nên chẳng phiền dịch)

Bấy giờ, tiên nhân A-Tư-Ða bảo Na-Kích-Ðà:

– Này Ma Nạp Bà Tỷ, tính ra Bồ Tát đã vào thành và đặt ba tên xong, chúng ta nên đến lễ bái chiêm ngưỡng dung nhan.

Họ dùng thần thông nương hư không bay đi. Do sức uy thần của Bồ Tát, còn cách thành Kiếp Tỷ La chừng một trạm ngựa, họ bị mất thần túc nên phải đi bộ. Sau khi vào thành đến cửa đền vua, họ nói với nguời giữ cửa:

– Ông vào báo vua, có tiên A Tư Ða đến ngoài cửa.

Nghe sứ báo, vua phán:

– Cho vào tùy ý, ai lại ngăn đại tiên.

Tiên liền vào đền vua. Thấy tiên đến, vua nói vọng ra:

– Chào ngài mới đến, xin vâng theo sự an lành.

Sau khi rửa chân, mời tiên an tọa vào tòa sư tử, vua lạy sát chân rồi bạch:

– Ðại tiên, có việc gì mà được ngài đến đây?

Tiên nói kệ:

– Ðại vương, tôi đến đây,
Muốn gặp vương thái tử,
Chiêm ngưỡng Mâu Ny tôn,
Bậc đạo-sư đệ nhất.Vua nói:

– Thái tử đang ngủ.

Ðáp:

– Tuy Ngài ngủ, tôi muốn xem qua.

Vua bồng ra, thấy hai mí mắt thái tử không khép kín, tiên nói kệ:

– Ngựa giỏi không ngủ nhiều,
Nữa đêm tạm thời nghỉ,
Bởi vì việc chưa thành,
Làm sao an nghỉ lâu!Tiên lại hỏi:

– Những người xem tướng dự đoán như thế nào?

Vua thưa:

– Ðại tiên, họ nói sẽ làm Luân Vương trị vì bốn châu thiên hạ.

Tiên nói kệ đáp:

– Tướng sư nói quá sai,
Kiếp cuối, không Luân Vương,
Bậc có thắng phước này,
Sẽ đoạn hoặc, thành Phật,
Nếu giáo hóa bốn châu,
Tướng Luân-vương không hiển,
Tướng Ðại-sư phân minh,
Quyết thành Phật không sai.

Sau khi xem khắp thấy tướng thành Phật rồi, lại quán sát bao lâu Ngài sẽ chứng Vô Thượng Cam Lộ, chuyển diệu pháp-luân, tiên nhân thấy vào năm 29 tuổi, Thái tử rời khỏi thành vua, sáu năm khổ hạnh sẽ thành Chánh Giác. Lại xem tự thân còn sống bao lâu được thấy Phật không? Tiên nhân biết không gặp Phật nên buồn bã nước mắt đoanh tròng.

Thấy tiên nhân sầu não, vua nói kệ hỏi:

– Dù nam hay nữ đến trông thấy,
Ðều cũng hoan hỷ khắp thân tâm,
Nay ngài trông thấy tướng phi thường,
Vì sao hai mắt lại rơi lệ?
Giả sử tướng thái tử chẳng tốt,
Ðoản mệnh, nhiều bệnh, không an lành,
Cầu xin đại tiên nói thật ra,
Chớ làm tâm tôi thêm lo lắng.

Tiên nhân nói kệ đáp:

– Giả sử sấm sét trên không xuống,
Ðáng sợ đến cạnh thân thái tử,
Ðối với Vô-thượng Mâu-Ny tôn,
Chỉ như lông tóc không gây hại,
Giả như lửa dữ bùng theo gió,
Kiếm bén như sương ngay trước mặt,
Ðộc dược, độc xà đến một lần,
Gặp phải thái tử, đều tan hoại.

Tôi buồn chết sớm không gặp Phật,
Lệ tràn đầy mắt không ngăn được,
Bỏ pháp vô-thượng, tôi chết trước,
Chưa được thành tựu sự nghiệp gì,
Bậc này phước lớn trừ khổ não,
Chứng pháp Cam-lộ, làm đạo-sư,
Ai nghe giảng dạy, làm đúng pháp,
Ðều chứng Tịch-diệt, cảnh Niết-bàn.

Nghe Thái tử chứng pháp Cam Lộ, nhà vua im lặng không nói gì. Phàm là người đời đều bị tâm tà quấy nhiễu nên nói ra hư dối không dựa vào sự thật.

Tiên nhân bảo vua:

– Hằng ngày đại vương thường suy nghĩ, bao giờ được tiên A Tư Ðà đi bộ vào thành gặp ta để mọi người ân cần kính trọng. Vì thương xót vua nên tôi đi đến đây, nay việc đã xong, muốn ra khỏi thành, hãy quét dọn làm sạch sẽ thành phố.

Vua Tịnh Phạn ra lệnh quần thần sửa chữa đường xá, bảo khắp trong thành cùng nhau quét dọn các ngõ phố cho khang trang sạch sẽ, rưới bằng nước thơm Chiên Ðàn, rãi hoa Chiêm Bát Ca, phướng lọng rợp trời, khói thơm tràn ngõ, mọi người ưa thích như trong vườn Hoan-hỷ. Vua lại sai rung chuông báo khắp nơi:

– Mọi người nên biết hoặc cựu trú trong thành hoặc nơi khác mới đến, đều phải ghi nhớ, sáng sớm mai tiễn đại tiên đi về.

Nghe như vậy, mọi người đổ xô ra đường chiêm ngưỡng tiên nhân đi ra khỏi thành, cùng nhau khát vọng buồn bã ngóng theo rồi trở về.

Vừa về đến núi cũ, tiên A Tư Ðà trụ tâm thiền định, dùng trí phương tiện phát thần thông, biết sắp qua đời nên sinh ra bệnh, tuy có uống thuốc nhưng không thuyên giảm.

Na Kích Ðà đến lạy sát chân thầy thưa:

– Ðại sư, con xuất gia vì cầu vị Cam Lộ, điều thầy chứng được xin chia cho con.

Thầy nói:

– Ta cũng như ông, khi xuất gia, ý muốn cầu Cam Lộ, cuối cùng chẳng được gì chỉ lao nhọc uổng công. Thành Kiếp Tỷ La bên cạnh Tuyết Sơn, có thái tử ra đời, tướng sư đều dự đoán sẽ thành bậc Chánh Giác hiệu Thiên Nhân Sư, xưng là Nhất Thiết Trí. Ông nên cầu xuất gia nơi vị ấy, phải tự khiêm tốn, bỏ tâm kiêu mạn, siêng tu tập phạm hạnh không sống phóng dật. Khi ấy, ông sẽ nhận được vị Cam Lộ.

Tiên nhân nói kệ:

– Như Lai xuất thế khó được gặp,
Nay được tương phùng thật hiếm có,
Ông chớ phóng dật, chí tâm cầu,
Sẽ được vị Cam Lộ vô-sinh.

Sau khi nói xong, tiên nhân qua đời, như bài kệ:

– Tích tụ đều tiêu tán,
Cao tột tất rơi xuống,
Hội họp rồi biệt ly,
Có sống phải bị chết.

Sau khi tiên A Tư Ðà qua đời, đệ tử Na Kích Ðà hỏa thiêu đúng pháp, an táng xong không còn ưu buồn nưã, đi đến cư trú ở Bàlanytư trong chỗ chư tiên. Na Kích Đà vốn thuộc chủng tộc Ca Ða Diễn Na, nên người đương thời đều kính trọng gọi là tiên nhân Ca Ða Diễn Na.

Vua Oân Thệ Ny sinh thái tử đặt tên Ðăng Quang, giao cho tám bà mẹ nuôi dưỡng đầy đủ, khi vừa khôn lớn đều thông suốt các kỹ thuật nghề nghiệp, luyện tập đầy đủ cả văn lẫn võ.

Khi Bồ Tát Thích Ca còn đồng tử vui chơi, thái tử Ðăng Quang cũng là đồng tử vui chơi. Khi Bồ Tát thọ lễ quán đảnh thái tử, Ðăng Quang cũng thọ quán đảnh thái tử. Bồ Tát ra khỏi thành quan sát lão, bệnh, tử, khổ rồi liền sinh tâm nhàm chán ba bà phu nhân. Ðó là phu nhân Ngưu Hộ, phu nhân Lộc Dưỡng, phu nhân Danh Xưng đứng đầu sáu ngàn thể nữ. Ngài xả bỏ tất cả, nữa đêm vượt thành đi đến rừng vắng tu tập sự nghiệp xuất gia, y chỉ tiên nhân học thiền định thù thắng ly dục của Dục-giới. Sau đó, Ngài theo Yết La Ma Tử tu tập định Vô Sở Hữu, muốn vượt qua Vô Sở Hữu Xứ, lại không người hướng đạo, liền chuyên cần tu tập khổ hạnh trong sáu năm, không chứng ngộ gì khác, cho là vô ích nên sống tự nhiên không gò bó nữa, ăn uống thức ăn ngon, dùng dầu thoa thân, tắm bằng nước nóng, đi vào tụ-lạc. Tại nơi hai mục nữ là Nan Ðà và Nan Ðà Lực, Ngài thọ hưởng cháo sữa thượng hạng gấp 16 lần loại thường, được Long vương Ca Lợi Ca tôn trọng tán thán, bên bờ sông Thiện Cát nhận cỏ Cát-tường, đến gốc Bồ-đề tự trãi cỏ ra, thẳng người chánh niệm ngồi kiết già, tâm nghĩ miệng nói:

– Nếu không đoạn trừ hết các lậu hoặc, Ta quyết không xả tư thế kiết già.

Sau khi Bồ Tát dùng khí trượng tâm từ chiến thắng ba mươi sáu ức ngàn ma chúng, chứng Vô-thượng-trí, nhận lời thỉnh của Phạm Thiên đi đến Ba La Ny Tư, ba lần chuyển mười hai hành pháp luân.

Trong thời gian này, vua Ðăng Quang cũng lên ngôi vị vua quán đảnh, dùng pháp giáo hóa, nước Oân Thệ Ny nhân dân phồn thịnh, an ổn giàu vui … nói rõ như chỗ khác. Nhờ uy lực của vua nên trăm họ hoan ca, cùng nhau vui hội tùy chỗ cúng dường thiên thần thắng thượng, đào năm trăm ao, năm trăm ngòi nước để mọi người xử dụng không bị thiếu thốn.

Nhiếp tụng hai trong biệt môn sáu:

Ðăng Quang đắc vi vương,
Hữu ngũ thù thắng vật,
Nhân tự kỳ dị sự,
Quảng thuyết Kiền Ðà La.

Vua Thắng Quang có năm thắng vật, đó là:

Một: Voi đực thù thắng tên Vĩ Sơn.
Hai: Voi mẹ thù thắng tên Hiền Thiện.
Ba: Lạc đà thù thắng tên Hải Túc.
Bốn: Ngựa thù thắng tên Y Cảnh.
Năm: Sứ giả thù thắng tên Phi Ô.

Voi đực đi 100 trạm d?ch trong một ngày đêm. Voi mẹ đi 80 trạm dịch trong một ngày đêm. Lạc đà đi 70 trạm dịch trong một ngày đêm. Ngựa đi 50 trạm dịch trong một ngày đêm. Phi-ô đi 25 trạm dịch trong một ngày đêm. Tuy có thắng vật an ổn khóai lạc như vậy nhưng thân thể nhà vua không an ổn bị bệnh mất ngủ. Do bệnh này nên vua ghét bơ thích rượu. Các thầy thuốc dùng những loại thuốc hay nấu cùng bơ dâng lên, nhưng vua không chịu dùng. Trong cung, Thái tử đều biết thuốc bơ có thể trị bệnh mất ngủ nên dâng thuốc bơ lên, vua càng giận thêm. Vua ra lệnh:

– Ai nói tên bơ trước mặt ta, sẽ bị chém đầu.

Không ngủ được, vào đầu đêm vua cùng người trong cung chơi đùa, giữa đêm đến kiểm tra nơi chuồng voi ngựa, cuối đêm xem xét các kho tàng, tự cầm gươm bén hỏi người giữ canh:

– Ai làm việc đánh thức?

Hỏi một hai lần mà không đáp được thì còn dung thứ, đến lần thứ ba không đáp được, vua liền chặt đầu họ. Do tàn ác nghiêm khắc như vậy nên không còn tên Ðăng Quang, gọi thêm là Mãnh Bạo Ðăng Quang vương.

Một lúc khác, vua lệnh phu nhân và nội cung:

– Ta đích thân đánh thức, vì sao các ngươi ngủ say?

– Ðại vương, tôi cũng đánh thức.

Nhiều đêm không được ngủ như vậy, họ cùng thưa với vua:

– Nếu khiến chúng tôi nhiều đêm chẳng ngủ như vậy thì không sao làm vừa ý vua được. Lại không ngủ như vầy làm bỏ cả việc của chúng tôi.

Vua nói:

– Nếu không phải việc của các ngươi, ai nên làm việc này?

Ðáp:

– Thái tử nên làm.

Nhà vua đi bảo thái tử:

– Sao không đánh thức?

– Con chịu đánh thức.

Sau đó, không kham nổi, thái tử tâu vua:

– Nếu sai con đánh thức mãi thì bỏ cả vương nghiệp, đây không phải là việc của con.

Vua hỏi:

– Ai nên làm?

– Ðại thần nên làm.

Vua đi đến bảo đại thần:

– Sao không đánh thức?

– Thần chịu đánh thức.

Sau đó không kham nổi, đại thần tâu vua:

– Nếu bảo thần đánh thức mãi, ai phụ tá nhà vua trị đời như pháp, đây không phải là việc của thần.

Vua hỏi:

– Ai nên làm?

– Binh lính nên làm.

Vua đến bảo binh lính:

– Ta tự đánh thức, vì sao các ngươi không chịu đánh thức?

Sau đó vì không kham nổi, họ đến gặp vua tâu:

– Nếu thường bảo chúng tôi đánh thức mãi, làm sao vì vua giao chiến với kẻ khác, đây không phải là việc của tôi.

Vua hỏi:

– Ai làm được?

– Dân chúng làm.

Vua đến gặp nhân dân và hỏi đáp như trước.

Bấy giờ nhân dân trong nước ấy luân phiên nhau làm việc giữ canh đánh thức. Ðến lượt mình đánh thức, đồng tử bán hương suy nghĩ:

– Vua bạo ác hoặc sẽ giết ta. Trong đêm anh ta chống má buồn bã.

Thấy vậy, người quen hỏi:

– Vì sao bạn buồn vậy?

Anh ta đem hết sự việc kể cho người kia nghe. Người kia nói:

– Cách nhà anh không xa, có người tên là Kiền Ðà La, sao không nhờ làm việc đánh thức?

Ðồng tử nói:

– Như tôi tiếc mạng sống, họ nào chịu làm, giả sử có nhờ chắc chắn không làm.

– Cho tiền vật, chắc chắn họ sẽlàm.

Ðồng tử liền đến nhờ làm, họ nói:

– Nếu đưa năm trăm tiền vàng thì tôi sẽ làm.

Ðồng tử chấp thuận. Kiền Ðà La nói:

– Tạm đưa tôi một nữa, nếu tôi còn sống, đưa luôn không muộn, nếu tôi bị chết thì vật này thuộc bạn, tùy ý xử dụng.

Sau khi được đồng tử giao một nữa số tiền, người kia dùng mua rượu thịt bánh trái, mời những người cận vệ của vua ăn uống no nê rồi nói với mọi người rằng đang đến lượt mình đánh thức theo lệnh vua. Kiền Ðà La lại hỏi mọi người:

– Vì sao đại vương làm việc đánh thức?

Những người kia kể lại đầøy đủ lý do. Kiền Ðà La nói:

– Mong các anh lo liệu cho tôi.

– Chúng tôi được bạn cho ăn ngon còn trong bụng chưa tiêu, sao lại không làm giúp!

Ðáp:

– Nếu vua đến hỏi ai đánh thức, thì gọi tôi dậy.

– Vâng.

Tối đêm ấy, Kiền Ðà La dùng tấm mền lông phủ chân, ngồi ngủ tạm.

Ðầu đêm, vua vui chơi với cung nhân, nữa đêm đi trông voi ngựa, cuối đêm đến hỏi đến người thủ canh.

Mọi người đều kêu gọi:

– Bạn hãy thức dậy, đại vương sắp đến. Kiền Ðà La liền tĩnh thức.

Vua hỏi:

– Người đánh thức là ai?

Nghe hỏi, Kiền Ðà La không đáp vì suy nghĩ:

– Nếu hỏi lần đầu ta đáp ngay mà lần sau không đáp kịp, chắc chắn vua sẽ chém đầu ta rơi xuống đất.

Vua lại hỏi:

– Người đánh thức là ai?

Anh ta cũng im lặng.

Ðến lần thứ ba vua hỏi:

– Người đánh thức là ai?

– Ðại vương, thần là Kiền Ðà La.

Vua hỏi:

– Này Kiền Ðà La, ngươi đang suy nghĩ việc gì?

Kiền Ðà La có trí tuệ giỏi đàm thuyết việc thế gian nên đáp:

– Tôi suy nghĩ việc thế gian.

Nội nhiếp tụng:

Hưu lưu hạc ẩm thủy,
Mang thảo vĩ thân tề,
Ban bác dữ mao đồng,
Sa bồn thủy bất dật,

Diêm xiểu thủy bất đồng,
Y ngõa biến thành trần,
Thị vị Kiền Ðà La,
Thế gian tư thập sự.

Vua hỏi:

– Ngươi suy nghĩ về việc gì trong thế gian?

Kiền Ðà La nói:

– Thế gian có việc kỳ lạ như chim tu-hú có lông không lông, dùng cân cân nặng nhẹ tương tự.

Vua nói:

– Việc này thật không?

– Vua nên tự kiểm nghiệm.

Vua nói:

– Nếu vậy thì tốt, ta sẽ đích thân xem.

Sáng sớm, Kiền Ðà La bắt chim tu-hú cân cho vua xem khi còn lông và nhổ hết lông vẫn nặng như nhau.

Vua hỏi:

– Vì sao như vậy.

Ðáp:

– Vì gió làm lông nhẹ lên.

Vua nói:

– Ngươi có trí kỳ diệu.

Ðáp:

– Nhờ vua nên được vậy.

Vua im lặng.

Sau một đêm lo buồn, Kiền Ðà La lấy tay vò đầu, trở về nhà cũ. Ðồng tử bán hương đem nữa phần vật giao cho Kiền Ðà La.

Bấy giờ trong nước, ai đến lượt đánh thức đều dùng năm trăm tiền vàng thuê Kiền Ðà La làm thay. Muốn biết đến lượt ai canh, vào cuối đêm vua hỏi:

– Ai đánh thức?

Ðáp:

– Tôi, Kiền Ðà La.

Vua hỏi:

– Ngươi suy nghĩ gì?

Ðáp:

– Tôi suy nghĩ việc thế gian.

Vua hỏi:

– Việc thế sự gì?

Ðáp:

– Cho uống nước hòa với sữa, bạch hạc cổ dài chỉ uống sữa, chừa lại nước.

Vua nói:

– Việc này thật không?

Ðáp:

– Vua sẽ thấy tận mắt.

Vua nói:

– Ðúng vậy thì tốt.

Sáng mai, trước vua, đem hạc ra uống, đúng như lời nói.

Vua nói:

– Ðây có duyên cớ gì?

Ðáp:

– Miệng hạc vốn có chất dấm chua, khi uống sữa làm sữa hóa lạc, loại trừ phần nước ra.

Vua nói:

– Ngươi có diệu trí.

Ðáp:

– Nhờ vua nên như vậy.

Vua im lặng.

Vào đêm khác, vua hỏi ai đánh thức, như trước …đáp: tôi đánh thức.

Vua hỏi:

– Ngươi suy nghĩ gì?

Ðáp:

– Tôi suy nghĩ việc thế gian.

Vua hỏi:

– Việc thế sự gì?

Ðáp:

– Trên đời có cỏ lau dùng vật đập dập, đem cân với loại chưa đập thì nặng nhẹ như nhau, loại cỏ khác không như vậy.

Vua nói:

– Việc này thật không?

Ðáp:

– Vua sẽ thấy tận mắt.

Vua nói:

– Ðúng vậy thì tốt.

Ðến sáng trước mặt vua, anh ta đem cỏ lau ra đập rồi cân lên, đúng như lời nói.Vua hỏi:

– Vì sao vậy?

Ðáp:

– Khi đập, có gió lồng vào.

Vua im lặng. Vào đêm khác, vua hỏi ai đánh thức?

Ðáp:

– Tôi, Kiền Ðà La.

Vua hỏi:

– Ngươi suy nghĩ gì?

Ðáp:

– Tôi suy nghĩ việc thế gian.

Vua hỏi:

– Việc thế sự gì?

Ðáp:

– Có chuột kiết-linh, đuôi và thân bằng nhau.

Vua nói:

– Việc này thật không?

Ðáp:

– Vua sẽ thấy tận mắt.

Vua nói:

– Ðúng vậy thì tốt.

Ðến sáng trước mặt vua, anh ta đem chuột ra so sánh, đúng như lời nói. Vua hỏi:

– Vì sao vậy?

Ðáp:

– Vào mùa xuân, thấy nó dưới gốc cây, thân bằng đuôi .

Vua im lặng.

Vào đêm khác, vua hỏi:

– Ai đánh thức?

Ðáp:

– Tôi đánh thức.

Vua hỏi:

– Ngươi suy nghĩ gì?

Ðáp:

– Tôi suy nghĩ việc thế gian.

Vua hỏi:

– Việc thế sự gì?

Ðáp:

– Ðại vương, tôi nghĩ về chim trĩ, trên thân nhiều màu sặc sỡ cho đến từng cái lông, nhưng trừ đuôi ra.

Vua nói:

– Việc này thật không?

Ðáp:

– Vua sẽ thấy tận mắt.

Vua nói:

– Ðúng vậy thì tốt.

Ðến sáng trước mặt vua,anh ta đem chim trĩ ra, đúng như lời nói. Vua hỏi:

– Vì sao vậy?

Ðáp:

-Tôi đã biết trước .

Vua nói:

– Ngươi có diệu trí.

Ðáp:

– Nhờ vua.

Vua im lặng.

Vào đêm khác, vua hỏi:

– Ai đánh thức?

Ðáp:

– Tôi, Kiền Ðà La.

Vua hỏi:

– Ngươi suy nghĩ gì?

Ðáp:

– Ðại vương, như bồn đã đựng đầy cát, cho nước thêm vào đầy nhưng nước không tràn. Cát và nước một nơi nhưng không trở ngại nhau.

Vua nói:

– Việc này thật không?

Ðáp:

– Vua sẽ thấy tận mắt.

Vua nói:

– Ðúng vậy thì tốt.

Ðến sáng trước mặt vua, anh ta đem bồn đựng đầy cát, đổ nước vào cho đầy nhưng nước không tràn. Vua im lặng.

Vào đêm khác, vua hỏi:

– Ai đánh thức?

Ðáp:

– Tôi đánh thức.

Vua hỏi:

– Ngươi suy nghĩ gì?

Ðáp:

– Tôi suy nghĩ việc thế gian.

Vua hỏi:

– Việc thế sự gì?

Ðáp:

– Tôi suy nghĩ, dùng một thăng muối hòa với một thăng nước nhưng nước không tăng.

Vua nói:

– Việc này thật không?

Ðáp:

– Vua sẽ thấy tận mắt.

Vua nói:

– Ðúng vậy thì tốt.

Ðến sáng trước mặt vua, anh ta đem muối hòa với nước, đích thân vua nghiệm rõ. Vua hỏi:

– Vì sao vậy?

Ðáp:

– Muối lấy từ nước ra, bỏ vào nước thì như cũ.

Vua im lặng.

Vào đêm khác, vua hỏi:

– Ai đánh thức?

Ðáp:

– Tôi đánh thức.

Vua hỏi:

– Ngươi suy nghĩ gì?

Ðáp:

– Tôi suy nghĩ việc thế gian.

Vua hỏi:

– Việc thế sự gì?

Ðáp:

– Tôi suy nghĩ, dùng một thăng nước hòa với một thăng lương khô nhưng không kết nhau.

Vua nói:

– Việc này thật không?

Ðáp:

– Vua sẽ thấy tận mắt.

Vua nói:

– Ðúng vậy thì tốt.

Ðến sáng trước mặt vua, anh ta đem nước hòa với lương khô, đích thân vua nghiệm rõ. Vua hỏi:

– Vì sao vậy?

Ðáp:

– Người trong nước tôi, phần lớn ăn lương khô, thường thấy như vậy.

Vua nói:

– Ngươi giỏi nhớ việc.

Ðáp:

– Do sức đại vương.

Vua im lặng. Vào đêm khác, vua hỏi:

– Ai đánh thức?

như trước … cho đến …

Vua hỏi:

– Việc thế sự gì?

Ðáp:

– Tôi thấy suốt ngày đêm người đời dùng máy dệt sản xuất ra các loại vải lụa mà không biết chúng đi về đâu?

Vua nói:

– Ta cũng không biết chúng đi về đâu?

Kiền Ðà La đáp:

– Những vật này cuối cùng trở về đất.

Vua nói:

– Ðúng như ngươi nói, cuối cùng trở về đất.

Vào đêm khác, vua hỏi ai đánh thức?

như trước … cho đến …

Vua hỏi:

– Việc thế sự gì?

Ðáp:

– Tôi thấy suốt ngày đêm những người thợ gốm không ngừng sản xuất ra các loại đồ gốm nhưng không biết chúng đi về đâu?

Vua nói:

– Ta cũng không biết chúng đi về đâu?

Kiền Ðà La đáp:

– Những vật này cuối cùng trở thành đất bùn.

Vua nói:

– Ðúng như ngươi nói, cuối cùng chúng nát thành đất bùn.

Nội nhiếp tụng:

Mãnh-quang thân vấn mẫu,
Tri tùng hiết sở sinh,
Dữ bỉ ngũ bách kim,
Khu chi linh xuất quốc.

Thấy Kiền Ðà La lanh trí ứng đối giỏi, vua hỏi:

– Ngươi có nhiều trí tuệ, hiểu biết nhiều chuyện trong đời, vậy vì sao ta không ngủ được?

Kiền Ðà La thưa:

– Cầu mong đại vương tha, tội ban cho sự an toàn, tôi mới dám nói với ngài.

Vua nói:

– Ta ban cho sự an toàn, ngươi hãy tùy ý nói việc ấy.

Kiền Ðà La tâu vua:

– Ngài do bồ-cạp sinh ra.

– Ngươi mắng ta!

Ðáp:

– Ngài bảo tôi nói thật, nào dám mắng ngài. Nếu không tin, đợi sáng mai vua tự nghiệm biết rõ.

Vua nói:

– Tốt.

Trời sáng, Kiền Ðà La đào một cái hố, đổ đầy phân bò, trên phủ tấm nệm, bảo vua nằm lên liền ngủ được. Tự biết như vậy, vua còn nghi hư thật nên vào vương cung hỏi mẹ:

– Con có việc cần hỏi cho biết, mẹ nên nói thật con sinh ra từ đâu?

Mẹ nói:

– Nay, nếu đại vương ban cho sự bình an, tôi sẽ nói ra.

Vua nói:

– Cho mẹ sự bình an.

– Ngày xưa, phụ vương của con có nhiều thể nữ. Nhân khi ngài đi sang nước khác trải qua nhiều năm, ta sinh dục tâm bỗng thấy một con bồ-cạp, nên suy nghĩ: “Nếu đây là đàn ông cùng ta hành dục chẳng khoái lạc hay sao”. Khi ấy, bồ-cạp biến thành đàn ông, cùng giao hợp với ta, nhân đó có thai sinh ra con.

Nghe như vậy, vua suy nghĩ: “Kiền Ðà La có đại trí tuệ, biết rõ ta vốn do bồ-cạp sinh ra”. Ta đã cho hắn sự an ổn nên không giết được, nay nên trọng thưởng rồi đuổi ra khỏi nước chớ để mọi người biết việc này.

Sau khi ban thưởng Kiền Ðà La năm trăm tiền vàng, vua khiến anh ta ra khỏi nước.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 7. Thức-xoa-ca-la-ni - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 01 - Luật Tạng
  • Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 04 - Luật Tạng
  • Một Thời Truyền Luật - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 10 - Luật Tạng
  • Tỳ Nại Da - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 40 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 06 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 18. Pháp - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 23 - Luật Tạng
  • Luật Thiện Kiến Tỳ Bà Sa - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 02 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 34 - Luật Tạng