Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa
Vội vàng sum họp vội chia xa.
Vội ăn, vội nói rồi vội thở
Vội hưởng thụ mau để vội già.

(Trích trong bài Vội – Thích Tánh Tuệ)

Lẽ thường ở đời, ai cũng muốn làm được nhiều điều và hoàn thành một cách nhanh chóng. Như vậy cũng tốt nhưng chúng ta sẽ không có thời gian để tận hưởng những hạnh phúc giản dị, tình yêu thương và bình yên xung quanh minh. Đôi khi chúng ta quay cuồng chạy theo những thứ hư ảo có đó rồi lại mất, và đến khi chợt nhìn lại thì ta đã già, đánh mất khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của cuộc sống.

Vội nghĩa là vội vàng, gấp gáp. Bên cạnh đó, vì tính vô thường mà chúng ta không thể duy trì tất cả mọi việc được lâu dài, không ngoại trừ là mạng sống của chính mình.

Học hiểu giáo pháp và ứng dụng giáo pháp là khác nhau. Mọi người ít ai ứng dụng để điều phục ngã mạn, ngã ái, đau khổ… biết rằng vạn pháp là vô thường, tình cảm vô thường.  Và khi giác ngộ được vô thường đổi thay, chúng ta sẽ tự bớt đi sự ngã mạn, cố chấp, tham lam, thù hận và bên canh đó chúng ta sống tốt hơn.

Bài pháp thoại Sống Vội được đại đức giảng sư Thích Phước Tiến thuyết giảng trong khóa tu Một Ngày An Lạc lần thứ 66 tại Tu Viện Tường Vân ngày 29/05/2016 (23/04/Bính Thân)

Download MP3

Con người vốn dĩ như vậy…

Cứ sống cho thật nhanh thật gấp…

Để rồi vô tình lướt qua…

Vô tình bỏ sót những điều quan trọng trong cuộc đời mình.

– Có khi nào, chúng ta dừng lại và để ý, rằng tóc Mẹ đã bạc dần vì sương gió, đôi mắt Mẹ đã hằn sâu bao nhiêu vết chân chim? Đôi vai Mẹ đã trùng xuống vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, để đánh đổi tương lai và hạnh phúc cho những đứa con…?

– Có khi nào chúng ta dừng lại và để ý, đôi tay Cha gân guốc gầy gò đầy khó nhọc, làn da Cha rạm đi vì nắng cháy, quần quật sớm hôm cũng chỉ mong cho con khôn lớn nên người…?

– Có khi nào chúng ta chợt nhìn thấy, người vợ thân yêu của mình mỗi ngày trôi qua lại héo hon đi một chút, nhan sắc nhạt nhòa theo năm tháng, để vun vén ấm êm cho một gia đình nhỏ. Đôi khi, chúng ta thấy xót xa, muốn ôm chầm lấy cô ấy, muốn nói lời “Cảm ơn em” cho vẹn đầy yêu thương, nhưng sao…khó quá?

– Có khi nào chúng ta chợt nhớ đến một người bạn thân ngày trước. Người đã gắn bó, chia sẻ với ta qua bao nhiêu năm tháng khó khăn. Đường đời cứ trôi, mỗi người mỗi ngả, đã bao nhiêu lần chúng ta hứa hẹn “Bữa nào rảnh sẽ gặp nhau”, nhưng sao cái ngày ấy dường như chẳng bao giờ tới?

– Và, một ngày nào đó, khi những người chúng ta “muốn yêu thương” không còn ở bên ta nữa, lúc ấy ta mới cuống quít, mới khóc than và hối tiếc “Biết vậy, tôi đã thể hiện yêu thương kia sớm hơn…”

– Tại sao chúng ta lại trì hoãn sự yêu thương trong khi chúng ta có thể thể hiện điều đó hàng ngày, từng giây, từng phút. Cuộc sống không chờ đợi chúng ta như cái cách chúng ta thường tự nhủ:

“Đến một lúc nào đó,

tôi sẽ yêu thương thật nhiều”

Lúc nào đó chính là LÚC NÀY ĐÂY!

-st-


Kính chúc quý Phật tử có những phút giây thư giãn và tu học tinh tấn, thân tâm an lạc vạn sự kiết tường. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Tiểu sử thầy Thích Phước Tiến

Thầy Thích Phước Tiến, thế danh Lê Thanh Tròn, sinh năm 1974, nguyên quán xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Thầy xuất gia với HT. Thích Hoàn Phú, tại Tổ đình Phước Hậu vào năm 1988.

Năm 2004 sau khi hoàn tất chương trình Cao cấp Giảng sư, năm 2006 Thầy du học Ấn Độ và đã hoàn tất cao học năm 2008. Thầy đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào tháng 12-2016. Thầy được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa vào tháng 12-2019.

Thầy hiện là Phó Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học; Ủy viên TT Ban Hoằng pháp Trung Ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam; Phó Ban Hoằng pháp Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh; Phó Ban TT Ban Giáo dục Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh; Trụ trì Tu Viện Tường Vân (Địa chỉ: 128 Nguyễn Hữu Trí, TT. Tân Túc, H. Bình Chánh, HCM) và Chùa Nhị Mỹ (Địa chỉ: xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long); Chủ tịch Quỹ từ thiện Tu Viện Tường Vân, do Thầy sáng lập vào năm 2016.

Bài giảng theo năm: 2008 - 2009 - 2010 - 2011 - 2012 - 2013 - 2014 - 2015 - 2016 - 2017 - 2018 - 2019 - 2020 - 2021 - 2022

Bài liên quan