1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Quyển thứ năm

Tụng thứ bảy.

Ngoại đạo phú nhẫn y

Tác ký tử thời thí

Hữu ngũ chủng thân hữu

Ðắc pháp độc ưng hành.

Phật ở thành Vương xá, vườn Trúc Lâm. Ðại vương Anh Thắng, vua nước Ma Kiệt Ðà nghe diệu pháp được kiến đế, cùng với tám vạn chúng hoàng thân và các trưởng giả, cư sĩ, Bà la môn nước Ma Kiệt Ðà hơn trăm ngàn người. Ngay trong tập thể đại chúng này cùng nhau lập ra qui ước nghiêm chỉnh, gióng trống tuyên bố cho nhân dân trong nước đều biết: Nghiêm cấm mọi người không được trộm cắp. Nếu ai quy phạm, đuổi ra khỏi nước. Tất cả tài sản của kẻ ấy được giao hết cho người bị mất trộm.

Bấy giờ Thế Tôn vì đại vương Thắng Quang nước Kiều Tát La, thuyết kinh Thiếu Niên, sau khi nhà vua được điều phục, ngay tại đất nước của mình, tuyên bố nghiêm lệnh: Ngay trong nước của ta, không được có kẻ nào làm trộm cướp. Nếu ai quy phạm sẽ bị xử tử. Tất cả tài sản của kẻ này đều bị chuyển giao cho người b? trộm cướp.

Bấy giờ bọn trộm cướp đều trốn về ẩn nấu ở biên giới giữa hai nước.

Có một số khách buôn ở Ma Yết Ðà, cùng nhau đi đến nước Kiều Tát La. Khi đã đến biên giới, những khách buôn này nói với người hộ vệ rằng: Nay chúng tôi đã bình an, quí vị có thể trở về. Sau khi người hộ vệ trở về, bọn giặc trông thấy biết là thương nhân không có người hộ vệ, cùng nhau cướp đoạt.

Những khách buôn này bỏ chạy sang nước Kiều Tát La thuộc vua Thắng Quang. Gặp được vua, họ tâu rằng:

– Ðại vương biết cho! Ngay tại nước này trước đây việc giao dịch phồn thịnh. Ngày nay do bọn cướp nên thương khách không đến nữa.

Bấy giờ vua Thắng Quang ra sắc lệnh cho đại tướng quân tên là Tỳ Lư Trạch Ca:

– Khanh hãy mau đi bắt bọn cướp, mang tất cả tài vật chúng cướp được đến đây cho trẫm.

Ðại tướng thống lĩnh bốn loại binh tướng mã, xa, bộ mạnh bạo vô cùng. Ðoàn quân tiến đến chỗ giặc trú trong rừng hoang dã. Bọn cướp đang tập họp trong rừng hiểm, bỏ vũ khí xuống để phân chia của cải cướp được.

Bấy giờ tướng quân thấy giặc từ xa, liền đưa quân bao vây bốn mặt. Trống trận vừa đánh lên, bọn giặc kinh hoàng, có tên bỏ chạy, có tên bị thương, có tên bị bắt. Ðoàn quân thu thập tài vật và bọn giặc cướp đem về triều vua, tâu rằng:

– Ðây là bọn cướp và tài sản của chúng cướp được.

Bấy giờ vua Thắng Quang bảo với mọi người:

– Vật nào là của các ngươi thì nhận lấy mang đi.

Sau khi thương khách nhận lại tài sản của họ xong, chúng ngoại đạo cũng nhận tài vật của họ và lấy luôn cả y phục nhuộm màu đá đỏ và y bát của các Bí-sô.

Các Bí-sô đến chỗ vua, vua nói:

– Quí ngài cũng nên nhận y bát.

Bí-sô đáp:

– Trong các vật này không có y bát của chúng tôi.

Vua nói:

– Quí ngài trước đây chẳng phải bị giặc cướp hay sao?

Ðáp:

– Vâng! Chúng tôi cũng bị giặc cướp.

Vua phán:

– Nếu không có y bát của quí ngài ở đây, phải gọi chúng ngoại đạo và đem y vật họ đã nhận theo đến đây luôn.

Bấy giờ chúng ngoại đạo kia nghe lệnh vua đòi, liền mang y vật đến. Bí-sô thấy y vật liền nói:

– Ðây là tăng già phi của tôi; đây là tăng khước chi.

Nhà vua hỏi các ngoại đạo:

– Họ là giặc nhỏ, các người là giặc lớn vì cố nhận y của người khác.

Họ im lặng không trả lời được.

Nhà vua nói:

– Thánh giả! Quí ngài có ghi ký hiệu trên y vật không, để cho tôi biết đây là vật thuộc ngoại đạo, đây là vật thuộc Bí-sô.

Bí-sô đáp:

– Y vật tôi không có làm dấu.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Y vật của Bí-sô nên làm dấu để ghi nhận.

Bí-sô không biết làm thế nào. Phật dạy:

– Nên kết nút hoặc điểm tịnh bằng mực và làm dấu bằng các phương pháp khác mới được sử dụng.

Khi ấy, Phật ở thành Thất La Phạt. Trưởng giả nọ lấy vợ chưa bao lâu sinh được một con trai. Sau khi người vợ này chết đi, trưởng giả lại lấy vợ khác. Không bao lâu người vợ sau sinh được một con trai nữa.

Người con thứ hai là chỗ lo lắng của người mẹ. Cậu ta hy vọng được xuất gia trong pháp luật tốt đẹp. Sau khi đã xuất gia, vị này du hành trong nhân gian. Sau một thời gian, người cha bị bệnh nặng biết mình sắp chết, bảo với con lớn rằng:

– Tài sản của cha, phải chia làm ba phần.

Người con vâng lệnh cha, chia tài sản thành ba phần. Người cha bảo con:

– Ðây là phần của con để sung dụng nghiệp nhà. Phần thứ hai này để lo đám tang cho cha. phần thứ ba giao cho người con đã xuất gia, người cha cảm thán nói kệ:

Chứa góp rồi tiêu tan

Cao lên phải rớt xuống

Hội họp tất biệt ly

Có thân đều phải chết.

Sau khi nói kệ, người cha qua đời. Người con xuất gia kia nghe cha đã chết, liền tìm đến nhà của anh mình để mong gặp nhau. Hai bên cùng nhau buồn khổ than thở xong, người anh bảo rằng:

– Ngày cha mất đi, có trối lại để cho em một phần gia tài, em nên nhận lấy.

Vị Bí-sô này tự nghĩ: “Như Thế Tôn dạy: Sau khi chết mới đưa là tài sản phi pháp”.

Bấy giờ các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Người tại gia khi lâm chung, có tâm thân ái buộc ràng, cho tài vật như vậy đều nên thu lấy. Phần tài sản của cha không nên nghi hoặc, sau khi được tài sản nên cúng dường Tam Bảo. Người xuất gia khi lâm chung, không được có tâm luyến ái, nếu nói sau khi ta chết rồi cho, tài vật như vậy không được lấy.

Duyên xứ như trước. Có hai Bí-sô là bạn thân với nhau, tâm đầu ý hợp, cùng ở một chỗ. Bấy giờ một trong hai Bí-sô đi du hóa trong nhân gian tùy duyên hóa độ. Khi đi, ông ta bỏ quên y vật, tâm xỉa răng, bột đất ở trong phòng và chỗ kinh hành.

Khi ấy, người bạn thân còn lại thu cất lấy; sau đó sinh tâm nghi ngại, đến bạch Phật.

Phật dạy:

– Thu cất không phạm. Bạn thân có năm hạng:

1- Yêu mến nhau.

2- Tâm hoan hỷ.

3- Sư trưởng.

4- Vừa ý nhau.

5- Họ nghe ta dùng vật (của họ) thì sinh tâm vui mừng.

Vật dụng của năm hạng người này được phép thu cất sử dụng.

Duyên xứ như trước. Trưởng giả kia lấy vợ chưa bao lâu sinh được một gái. Cô này lớn lên, lìa bỏ tục lụy, xuất gia trong Phật pháp.

Gặp lúc đói kém, khất thực khó khăn. Bí-sô ny đi từng nhà khất thực, lần lượt đến nhà của cha, thấy con đến liền hỏi rằng:

– Thánh nữ! Nay con sinh sống như thế nào?

Ðáp:

– Ði khất thực từng nhà thật là khó được, tuy nhiều cay đắng lại không đủ dùng, lửa đói thiêu đốt thật là khó chịu.

Người cha nghe con nói, buồn bã không vui, bảo với con gái rằng:

– Nếu con không xuất gia, dù thế nào đi nữa con cũng được cung cấp. Từ nay về sau, hàng ngày con có thể về nhà thọ thực.

Bí-sô ny này được thọ thỉnh; vào một ngày khác đem một người bạn về nhà cha để thọ thực.

Người cha bảo con:

– Nay cha không đủ khả năng cung cấp cho hai người. Con nên về thọ thực một mình.

Bí-sô ny thưa với cha:

– Thế Tôn không cho phép người nữ đi một mình. Nếu Phật cho phép thì không gặp khổ này.

Bí-sô ny đem việc này bạcb với Bí-sô. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Gặp lúc đói kém khất thực khó khăn, không thể no đủ, cho phép Bí-sô ny xin phép chúng được đi lại nhà cha mẹ, phải xin phép như thế này: “Trải tòa, đánh kiền chùy tác bạch”. Khi ny chúng tập họp xong, trước tiên vị ny này xin phép thượng tọa lần lượt lễ tăng. Ngay trước chúng chắp tay cung kính lễ quì xuống, xin phép như thế này:

– Ðại đức ny tăng già lắng nghe, con là Bí-sô ny… nay gặp năm đói kém, khó khăn trong ăn uống. Nếu không ăn uống thì không thể sống được. Con tên là…, nay theo ny tăng già, xin phép được làm Yết ma được đến, đi, dừng lại, ở nơi bên cạnh thân tộc. Ngưỡng mong ny tăng già, cho phép con… Yết ma đi đến, dừng lại, ở nơi bên cạnh thân tộc (vãng hoàn trụ Yết ma). Nếu vị nào có thể đồng ý, ngưỡng mong thương xót cho. Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy Yết ma bạch nhị. Căn cứ đây mà làm như thuyết minh rõ trong Bách Nhất.

Nếu đại chúng Bí-sô ny vì vị ấy tác pháp yết ma được qua lại cùng người thân tộc thế tục xong, Bí-sô ny này được phép đi lại một mình không phạm. Tùy ý đến nhà thân tộc thọ thực. Sau đó đến khi thực phẩm trở lại đầy đủ, không được đến nữa. Nếu sau đó tự đến một mình, bị tội vượt pháp.

Tụng thứ tám.

Thủ xa tha y khứ

Cập vi tha hòa thị

Bất cao hạ mãi y

Ủng nhi tam thù giá.

Duyên xứ như trước. Có Bí-sô mua chịu y của cư sĩ, đem về đến chùa thì qua đời. Người chủ bán y được tin, vội đến chùa, hỏi mọi người, Bí-sô giờ ở đâu?

Bí-sô khác đáp:

– Vị ấy đã qua đời!

Chủ y nói:

– Vị ấy mua chịu y của tôi, nay phải trả tiền lại.

Bí-sô đáp:

– Ngài có thể đến Thi Lâm để đòi tiền y lại.

Chủ y nói:

– Y bát của vị đã chết kia, quý ngài đã chia nhau rồi. Nay lại bảo tôi vào rừng đòi tiền ở thây chết. Tại sao Thích tử khinh khi dối gạt người như vậy?

Bấy giờ các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô qua đời dùng y bát của vị ấy trả lại tiền sắm y.

Có Bí-sô mua chịu y quí giá nơi nhà cư sĩ, mãi đến khi qua đời vẫn chưa trả tiền.

Người chủ y đến chùa hỏi rằng:

– Bí-sô nay ở đâu?

Ðáp:

– Vị ấy đã qua đời.

Chủ y bảo rằng:

– Vị ấy đã mua chịu y của tôi.

Các Bí-sô đem y ấy trả cho chủ y.

Chủ y nói:

– Khi vị ấy lấy là y mới, có giá trị cao. Nay trả lại vật cũ này, giá trị còn có bao nhiêu?!

Các Bí-sô không biết phải giải quyết thế nào, đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Lấy những vật hiện còn của vị ấy để bổ sung vào tiền mua y. Nói với họ rằng: “Người ấy đã qua đời, tài sản riêng chỉ có số này. Nay chúng tôi giao quí vị, mong quí vị sinh lòng hoan hỷ”.

Hai vị cư sĩ nọ cùng nhau buôn bán.

Người mua hỏi:

– Y này giá trị bao nhiêu?

Chủ y đáp:

– Hai mươi ca lợi sa ba noa.

Người mua trả giá:

– Mười ca lợi sa ba noa.

Bấy giờ Ô Ba Nan Ðà đi đến chỗ ấy. Cả hai người đều nghĩ: “Các Ðại đức Bí-sô nói lời chân thật chắc chắn. Chúng ta nên thỉnh vị ấy định giá y”. Sau đó cả hai gặp riêng Ô Ba Nan Ðà:

– Ðại đức! Y này giá trị bao nhiêu?

Ô Ba Nan Ðà hỏi người thứ nhất:

– Ông định mua hay là bán y?

Ðáp:

– Tôi mua.

Ô Ba Nan Ðà nói:

– Y này giá trị hai mươi ca lợi sa ba noa.

Ô Ba Nan Ðà hỏi người thứ hai:

– Ông muốn bán y?

Ðáp:

– Tôi bán.

Ô Ba Nan Ðà nói:

– Y này có thể giá trị bốn mươi ca lợi sa ba noa.

Hai người giao dịch với nhau.

Người bán thách bốn mươi. Người mua trả hai mươi, đưa đến cãi cọ.

Người mua nói:

– Tôi nghe ngoài chợ họ cho giá hai mươi.

Người bán nói:

– Tôi nghe ngoài chợ họ cho giá bốn mươi.

Cả hai bàn luận, hai ta cùng nghe một chỗ cho giá, lại không đồng nhau. Vậy chắc chắn người cho giá cố ý gây mâu thuẫn giữa chúng ta.

Các Bí-sô nghe việc này, bạch Phật. Phật dạy:

– Các Bí-sô không được đoán giá cho người thế tục; cũng không được tại chỗ họ giao dịch, khen chê cao thấp như người ở chợ. Nếu ai vi phạm, bị tội ác tác.

Các Bí-sô muốn mua y, trả giá cao thấp. Người thế gian nói:

– Tôi là người tạo đời sống thấp hèn còn quí vị là người tạo đời sống cao đẹp.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy: – Bí-sô không được trả giá cao thấp. Nếu muốn mua y, nên bảo người thế tục trả giá hộ cho. Nếu không có người thế tục, được phép trả đến ba giá. Nếu trả nhiều hơn, bị tội ác tác.

Tụng thứ chín.

Quả thọ sai tu lý

Tứ chủng bất ưng phân

Quả thục hiện tiền phân

Quán thời mạc huyên hí.

Phật ở thành Vương Xá. Vua Tần Tỳ Sa La đem vườn Yêm một la (xoài) một ngàn cây cúng cho tăng già. Các Bí-sô thu hoạch quả để ăn nhưng không sai người trông nom, đến nỗi cây hư gãy làm cho vườn xơ xác. Vua Tần Tỳ Sa La thấy vườn xoài xơ xác hỏi tả hữu rằng:

– Rừng xoài này là vườn cây của ai vậy.

Ðại thần trả lời:

– Vườn này của đại vương! Trước đây ngài đã cúng 1000 cây cho Bí-sô Tăng già. Tăng già thu hoạch nhưng không trông nom, do đó vườn xoài bị xơ xác như thế, các Thánh giả ấy chưa bao giờ sửa sang lại.

Bấy giờ các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Ðối với sản nghiệp của chùa không được bỏ bê. Ðại chúng phải cắt đặt người giữ vườn để sửa sang.

Khi ấy người được sai giữ vườn, xây dựng rào giậu, tính toán trái cây để phân bổ cho mọi người. Ngay gốc xoài, họ đánh răng xúc miệng, rửa chân, rửa tay, rửa mặt, giặt y. Cây xoài được tưới nước nên cành lá rậm rạp cho nhiều quả chín.

Có nhiều Bí-sô khách đến, bảo với người cựu trú rằng:

– Trái mới chín tươi tốt quá, quí vị nên cho tôi.

Người cựu trú đáp:

– Chúng tôi đã phân chia rồi, làm sao cho quí ngài ăn được.

Khách hỏi:

– Ðây là quĩ phạm sư phân chia hay là thân giáo sư phân, hay bậc đồng thân giáo sư hay bậc đồng quĩ phạm sư phân?!

Các Bí-sô đem sư việc bạch Phật. Phật dạy:

– Có bốn loại vật không được phân chia. Thế nào là bốn?

1- Vật của tứ phương tăng.

2- Vật của tháp.

3- Thuốc trị bệnh trong nhà của tăng.

4- Tài sản của chùa.

Người nào vi phạm bị tội ác tác. Tất cả trái cây này nên đưa hết đến tăng.

Bấy giờ có kẻ trộm đến lấy trái.

Thế Tôn dạy:

– Ðại chúng nên sai người giữ vườn.

Người nhận tăng sai giữ vườn chuyên cần, bị thiếu thức ăn.

Phật dạy:

– Nên bảo thêm người khác ăn trước, rồi thay thế để vị ấy ăn.

Như Thế Tôn dạy:

– Phân quả yêm một la đến chúng tăng.

Bấy giờ người giữ vườn phân chia bình đẳng nhưng gặp trái có sâu.

Phật dạy:

– Nên xem kỹ nếu trái nào có sâu thì bỏ ra. Trước phải lựa trái sạch rồi mới phân chia.

Các Bí-sô khi lựa chọn trái cây sạch, la lối ồn ào, nước miếng văng ra làm bẩn trái cây.

Phật dạy:

– Không được ồn ào, phải im lặng như bậc thánh để xem xét. Nếu ai giành giật ồn ào bị tội ác tác.

Tụng thứ mười.

Vô tịnh nhân tự hành

Tự thủ bất ưng thực

Bất tuyển khai kỳ bệnh

Kết giới chứng canh thân.

Như Thế Tôn dạy:

– Nên phân quả xoài đến cho tăng. Vậy người nào thích hợp cho việc mang đi?

Phật dạy:

– Sai tịnh nhân mang đi. Nếu không có tịnh nhân, nên sai cầu tịch. Nếu không có cầu tịch, trước tiên phải tác tịnh, sau đó Bí-sô nhận lấy, mới có thể tự mang đi.

Như Thế Tôn dạy: – Sai người giữ vườn quản lý giữ gìn. Sau khi tịnh nhân hay cầu tịch vừa đi, chim chóc bay đên mổ hư trái cây.

Phật dạy:

– Nên lấy lá cây che đậy trái cây lại. Sau khi tịnh nhân cầu tịch làm xong việc trở về, nên chỉ chỗ trái cây cho họ.

Bấy giờ lục chúng Bí-sô theo thứ lớp đến giữ vườn. Nhân đó, họ chọn những trái xoài ngon mang về trú xứ, tác pháp thọ rồi ăn.

Các Bí-sô bàn tán với nhau rằng:

– Trái cây ngon tốt, đã lâu không thấy đưa đến.

Ðáp:

– Không thể đem đến được. Tất cả đều bị lục chúng lựa trước, lấy trái tốt đem về trú xứ, bảo người khác trao cho và tự nhận lấy ăn.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Không được tự lấy ăn. Nếu ăn như vậy bị tội ác tác.

Bấy giờ lục chúng tự chọn trước những trái tốt, bảo người khác cầm lấy đưa cho mình để ăn. Ðưa người này đưa người kia sinh ra gây lộn.

Phật dạy:

– Không được tự chọn lấy ăn. Ai ăn như vậy bị tội ác tác.

Trường hợp không phạm:

– Nếu sức lực yếu được ăn trái chín. Sức lực mãnh mẽ có thể ăn trái sống.

Duyên xứ như trước. Các Bí-sô du hành trong nhân gian, đến một thôn kia. Trong thôn có ngôi chùa. Khi vào chùa, họ không thấy một Bí-sô cựu trú nào cả. Vì hôm trước, đã đi chơi nên trong chùa vẫn không có ai.

Bấy giờ, các Bí-sô khác bàn với nhau rằng:

– Trong chùa này không có một Bí-sô nào, chẳng lẽ chúng ta cư trú nơi không có cương giới hay sao? Hãy cùng nhau kết cương giới để cư trú.

Trước tiên họ kết tiểu cương giới. Bấy giờ các vị Bí-sô cựu trú trở về. Các Bí-sô khách (tưởng là khách) nói:

– Thiện lai! Thiện lai cụ thọ! Quí vị đến đây chúng tôi xếp đặt chỗ nghỉ ngơi.

Bí-sô chủ chùa nói:

– Cụ thọ! Tại sao lại cho chúng tôi nghỉ ngơi. Chúng tôi là chủ nhân, ngày tạm thời đi vào nơi nhàn tịnh.

Khách nói:

– Chúng tôi muốn kết giới. Ngay tại chỗ này đã kết tiểu giới.

Chủ nhân nói:

– Nơi này trước đây chúng tôi đã kết giới.

Hai bên hoài nghi không biết nên lấy giới trước hay lấy giới sau, đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Phải lấy giới đã kết trước, kết sau không thành. Phàm Bí-sô khách đến trú xứ khác, phải ở đến bảy tám ngày, nếu không có người đến, nên cùng nhau kết giới. Làm sai quy định này bị tội ác tác.

Duyên xứ như trước. Có Bí-sô ở tại nơi A Lan Nhã. Hai nông dân cãi nhau, đưa đến đánh lộn, cả hai người này đều lấy Bí-sô làm chứng.

Cả hai đưa nhau đến nhà vua, cùng tự đưa lý lẽ của mình ra, nói có người làm chứng, bảo gọi Bí-sô.

Sau khi Bí-sô đến, nhà vua hỏi rằng:

– Sự việc này như thế nào?

Bí-sô đáp:

– Ðại vương! Nếu ngài cam kết với tôi là giải quyết như vua chuyển luân, tôi sẽ trình bày.

Vua đồng ý cam kết theo yêu cầu của Bí-sô.

Bí-sô nói:

– Hai người này tranh cãi, đưa đến hành động đánh đập nhau.

Nhà vua nghe xong, phán cả hai đều bị tội.

Bí-sô thưa:

– Ðại vương! Vì sao lại hành phạt vừa rồi đã cam kết như vua chuyển luân giáo hóa trong đời.

Vua hỏi:

– Luân vương hành hóa như thế nào?

Ðáp:

– Là bậc Luân vương, ngăn ngừa sự vô ích, thi hành việc hữu ích.

Vua nói:

– Như vậy thì cả hai đều phạm tội, xử hình phạt nhẹ rồi thả cả hai.

Bấy giờ cả hai đều giận Bí-sô. Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Họ đánh nhau Bí-sô không được đứng xem, nếu thấy người đánh nhau phải mau bỏ đi. Nếu không bỏ đi phạm tội ác tác.

-ooOoo-

Ny Ðà Na Biệt Môn Tụng tổng nhiếp thứ năm.

Bồ tát tượng cúng dường

Kiết tường đại chúng thực

Ðại hội thảo trân cư

Tập tăng minh đại cổ.

Tụng thứ nhất.

Thính vi Bí-sô tượng

Phục hứa ngũ chủng kỳ

Vi hòa trí tôn nghi

Thuyết can tùy ý sở.

Duyên xứ như trước. Nếu đức Phật Thế Tôn hiện tiền tự dẫn đầu chúng, ngài là thượng tọa. Ngài có uy đức nên chúng tăng đều nghiêm túc. Nếu Thế Tôn không hiện diện, không có sự việc trên.

Trưởng giả Cấp Cô Ðộc đến chỗ Phật, lạy sát chân ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:

– Nay con muốn làm hình tượng chiêm bộ. Mong Thế Tôn cho phép.

Phật dạy:

– Ðược làm.

Trưởng giả muốn trang trí phướn lọng. Phật dạy:

– Tùy ý.

Trưởng giả không biết làm loại phướn gì. Phật dạy:

– Có năm loại cờ phướn là:

1- Phướn sư tử.

2- Phướn mộ yết la.

3- Phướn rồng.

4- Phướn yết lộ trà.

5- Phướn ngưu vương.

Trưởng giả xin phép làm tòa cho hình tượng chiêm bộ.

Phật dạy:

– Có thể làm.

Lại xin làm cây sắt để treo cờ phướn. Phật dạy:

– Ðược làm.

Tụng thứ hai.

Cúng dường Bồ tát tượng

Tịnh tác như anh lạc

Ðồ hương cập xa dư

Tác tản cái kỳ phan.

Duyên xứ như trước. Trưởng giả Cấp Cô Ðộc bạch Phật rằng:

– Có phải khi Phật còn là Bồ tát ngài thường cúng dường rộng lớn không?

Phật dạy:

– Ðúng vậy.

Trưởng giả thưa:

– Thế Tôn! Nay con muốn cúng dường hình tượng chiêm bộ.

Phật dạy:

– Nên làm.

Trưởng giả thưa:

– Thế Tôn! Khi ngài còn là Bồ tát có mang các chuỗi ngọc?

Phật dạy:

– Ðúng vậy.

Trưởng giả thưa:

– Nay con muốn vì hình tượng chiêm bộ làm các chuỗi ngọc.

Phật dạy:

– Tùy ý. Nhưng trừ ra vòng đeo chân và vòng đeo tai. Ngoài ra được phép làm.

Trưởng giả thưa:

– Nay con muốn làm hương bột, hương thoa, lau chân, tay Phật.

Phật dạy:

– Nên làm.

Trưởng giả

– Phật thường khi là Bí-sô thường đi xe ra vào hoặc đi xe vua. Nay muốn làm xe đẩy.

Phật dạy:

– Nên làm.

Trưởng giả lại bạch:

– Khi Phật còn là Bồ tát thường có tàng lọng che và cờ phướn theo hầu. Nay con muốn vì hình tượng làm tàng lọng và các loại phướn.

Phật dạy:

– Nên làm.

Trưởng giả thưa:

– Bồ tát khi tại gia thường mang vòng hoa chuỗi ngọc để trang sức. Nay con cũng dùng những vật ấy để trang nghiêm tượng?

Phật dạy:

– Ðược! Tất cả các vật để trang hoàng ta đều cho phép làm.

Tụng thứ ba.

Kiết tường tinh cúng dường

Hoa mang cập hương hợp

Chư nhân đại tập thời

Trú khai môn dạ bế.

Khi ấy trưởng giả Cấp Cô Ðộc bạch Thế Tôn:

– Phật khi còn là Bồ tát, tất cả đại chúng lấy việc tốt đẹp an lành để cung kính cúng dường. Nếu Phật cho phép, ngay trước tượng chiêm bộ con làm việc tốt đẹp và thiết cúng dường.

Phật dạy:

– Nên làm tùy ý.

Trưởng giả bạch:

– Nay con muốn làm vòng hoa trang sức trên đầu và các loại hương thơm tổng hợp để cúng dường tượng chiêm bộ.

Phật dạy:

– Nên làm.

Trưởng giả bạch:

– Con sẽ vì tượng chiêm bộ để trang hoàng chùa.

Bấy giờ các Bí-sô vẻ vời nhiều màu sắc nơi chùa.Họ dùng dầu thơm, vòng hoa, hương đốt, hương bột, tấu các loại kỹ nhạc thiết lễ cúng dường rộng lớn.

Mọi người thấy việc đặc biệt này phát tâm hâm mộ việc chưa từng có, cùng nhau nói rằng:

– Trú xứ này thật là trang nghiêm.

Các Bí-sô thấy mọi người làm ồn ào nên đóng cửa cả ngày đêm. Mọi người thấy vậy sinh tâm chê bai. Họ nói:

– Ðóng cửa chùa là ngăn chặn việc sinh thiện pháp.

Mọi người đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Khi tấu nhạc để cúng dường, ban ngày chỉ mở cửa, về đêm nên đóng lại.

Tụng thứ tư.

Ðại chúng tập hội thực

Tiết xá khư nguyệt sinh

Hương đài ngũ lục niên

Tinh ưng vi đại hội.

Trưởng giả Cấp Cô Ðộc, thiết lễ cúng dường. Nhiều Bí-sô cùng bảy chúng đều tập họp. Trưởng giả thấy vậy sinh tâm vui vẻ, tự nghĩ:

– Như Thế Tôn dạy: Bí-sô có năm lúc để bố thí. Thế nào là năm?

1- Cấp thí cho người mới đến hoặc sắp lên đường.

2- Cấp thí cho người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân.

3- Cấp thí vào năm đói kém và tại đường hiểm trở.

4- Ðược ngũ cốc mới, và những ngày lễ, tết của năm, trước phải cung cấp cho người trì giới, có đức, sau đó mình mới sử dụng.

5- Gặp khi gió mưa tuyết lạnh, nên đem bánh, cháo, mỳ và các loại nước uống đến cúng cho chúng Tăng, đừng để các bậc thánh giả phải đi lại cực khổ. Họ nhận được thức ăn, sống được an lạc.

Nay ta thấy các vị Bí-sô, Bí-sô ny, Ô ba sách ca (cận sự nam), Ô ba tư ca (cận sự nữ) từ xa đến, trên đường đi rất mệt nhọc. Nếu Phật cho phép, ta sẽ vì họ lập đại hội.

Trưởng giả đến chỗ Phật, lạy hai chân, ngồi qua một bên, bạch rằng:

– Thế Tôn! Như Phật dạy có năm trường hợp nên bố thí (rộng như trình bày cúng dường ở trên). Do quan sát đại hội bố tát mọi người ở bốn đều tập họp đến, đi đường cực khổ. Nếu Phật cho phép, con sẽ thiết lễ cúng dường.

Phật dạy:

– Tùy ý làm.

Trưởng giả thiết lập đại hội vô giá.

Bấy giờ trưởng giả lại bạch Phật rằng:

– Nay con xin thiết lập đại hội nữa.

Phật dạy:

– Nên làm.

Trưởng giả bạch Phật:

– Bồ tát đản sanh vào ngày tháng mấy?

Phật nói với trưởng giả:

– Ta sinh vào ngày trăng tròn tháng Tiết Xá Khư (Vesakha – tháng năm lịch Ấn Ðộ – N.D)

Trưởng giả thưa:

– Nay con muốn làm đại hội sinh nhật của Phật.

Phật dạy:

– Nên làm.

Trưởng giả thưa:

– Nay con muốn vì hình tượng chiêm bộ làm đài hương.

Phật dạy:

– Nên làm.

Trưởng giả thưa:

– Thế Tôn! Khi ngài còn là Bồ tát, đến bao nhiêu tuổi mới cắt búi tóc trên đảnh đầu.

Phật nói:

– Năm tuổi.

Trưởng giả thưa:

– Thế Tôn! Con muốn làm đại hội năm năm.

Phật dạy:

– Nên làm.

Trưởng giả thưa:

– Bồ tát bao nhiêu tuổi để thêm búi tóc.

Phật dạy:

– Sáu tuổi.

Ngoài ra như nói ở trên.

Trưởng giả thưa:

– Thế Tôn! Con muốn vì tượng chiêm bộ làm đại hội Phật Ðà.

Phật dạy:

– Nên làm.

Tụng thứ năm.

Ðại hội vi thảo truân

Bất ưng tạp loạn tọa

Ủng đã kiền chùy cổ

Cáo thời linh phổ tri.

Trưởng giả Cấp Cô Ðộc khi thiết lập đại hội, nhân dân của sáu đô thành lớn đều tập hợp đến. Các Bí-sô cũng tham dự. Do đó, chỗ ngồi không đủ.

Phật dạy:

– Trưởng giả! Nên kết tòa bằng cỏ rơm để tùy lúc ngồi ăn.

Bí-sô ăn xong không thu doạn bỏ đi. Có người đem việc này bạch Phật.

Phật dạy:

– Khi ăn xong Bí-sô phải thu dọn tòa cỏ xếp vào một bên, mới được ra đi. Nếu làm đại hội Phật Ðà xong thì vứt bỏ hẳn.

Bấy giờ các Bí-sô không căn cứ vào tuổi lớn nhỏ, vượt thứ lớp, ngồi xen tạp với nhau, làm mất nhiều thời gian cho người hành thực. Hoặc khi ăn xong rồi, lại có người đến. Mất cả thời gian.

Phật dạy:

– Nên báo giờ để họ đến.

Tuy có báo giờ đến, nhưng ồn ào họ không nghe.

Phật dạy:

– Nên đánh kiền chùy.

Họ cũng không nghe được hết.

Phật dạy:

– Nên thổi ốc, đánh trống.

Làm vậy họ cũng không nghe được hết.

Phật dạy:

– Ðánh chuông trống lớn. Ðánh trống, trước đánh ba tiếng, xong đánh thêm hồi dài.

Bấy giờ người bệnh và người phục vụ thiếu thức ăn. Phật dạy:

– Phải chờ người bệnh được mời ăn xong và người phục vụ ăn xong rồi mới đánh hồi dài. Nếu vi phạm bị tội vượt pháp.

Tụng thứ sáu.

Tập tăng minh đại cổ

Cúng liễu khứ tràng phan

Nhược ta hoạch trân bảo

Tùy ưng tất phân dữ.

Như Thế Tôn dạy: Nên đánh kiền chùy và thổi hai loa ốc. Tuy đã làm như vậy nhưng không nghe khắp.

Phật dạy:

– Nên đánh trống lớn để khắp nơi đều nghe. Khi làm đại hội xa gần đều đến.

Ðại hội đã xong, mọi người vẫn chưa giải tán.

Thế Tôn bảo:

– Nên tháo gỡ những trụ phướn cúng dường tại nơi đại hội.

Mọi người thấy vậy tự nhiên giải tán.

Khi tổ chức đại hội này, tăng chúng Bí-sô được nhiều tài vật quí giá, không biết phải giải quyết thế nào?

Phật dạy:

– Tập hợp tài vật lại một nơi. Trước hết từ bậc thượng tọa đến người thấp hạ nhất. Tùy theo lớn nhỏ căn cứ giáo pháp phân chia bình đẳng.

Bấy giờ các Bí-sô vẫn còn phân vân.

Phật dạy:

– Nếu chúng đông người quá thì chia một phần cho một ngàn người để họ tự phân chia. Nếu ít hơn thì phân một phần trăm người, hai mưoi người cho đến mười người để họ tự phân chia.

Ô Ba Ly bạch Phật:

– Nếu phân cho nhóm mười (10) người, trong nhóm có một người chết, phần người chết ai được lấy?

Phật dạy:

– Nếu trong nhóm mười người đã phân y xong, phần của người chết nhập vào của tăng già. Nếu họ chưa phân được chia cho chín người. Ngoài ra, những thành phần nhiều người cũng căn cứ đây để giải quyết.

    Xem thêm:

  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Yết Sỉ Na Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 8. Ca Thi Na - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc An Cư - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Xuất Gia - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Bật Sô Ni Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Bước Tới Thảnh Thơi phần 3 – Các Thiên Uy Nghi - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Tự Tứ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Các Cấp Độ Của Giới Pháp - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 11 - Luật Tạng
  • Sa Di Thập Giới Nghi Tắc - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Cương Yếu Giới Luật – Phần 1B - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 34 - Luật Tạng