1
2
3
4
5
6
7
8

QUYỂN 4

Này thiện nam tử! Sao gọi là Bồ tát khéo biết phép tắc nghi thức tu hành lìa khỏi tối tăm thu hoạch nhận được ánh sáng, chẳng theo duyên khác được trí tự nhiên, mau chóng đi đến trí Nhất thiết trí của Đại thừa? Này thiện nam tử! Nếu Bồ tát đối với phép tắc nghi thức của sở hạnh đó mà tất cả các hạnh chẳng thoái, chẳng động thì thu được ánh sáng tên là Chánh pháp tự trí quang minh, cũng tên là trí đối với pháp không chướng ngại, có thể lìa khỏi tối tăm thu được ánh sáng, chẳng theo duyên khác được trí tự nhiên. Vì sao vậy? Vì khi Bồ tát đó trụ ở ánh sáng của trí tự nhiên thì ở hữu tình khác và ở pháp này soi rõ quyết định, chẳng theo duyên khác, mau chóng có thể chứng trí Nhất thiết trí.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Người trí đã thoát được các kiến

Thì đủ phước đức trong tử sinh

Trụ ở Du già xa các tướng

Hồi hướng Bồ đề không chỗ cùng (tận)

Nên đủ tư lương Nhất thiết trí

Vô biên trí tuệ tính hư không

Không sắc, không tướng cũng không pháp

Thì Nhất thiết trí đầy đủ liền.

Nên nghĩ thân Phật thắng sinh tử

Ở đó tâm ý chẳng động tan

Chẳng thủ sắc tướng và chủng tánh (dòng họ)

Vậy nên gọi là niệm Thế Tôn (Như Lai)

Pháp thể xa lìa khỏi các dục

Sáng ra tịch tịnh tướng vô thường

Với sở duyên nếu xa lìa khỏi

Vậy nên gọi là niệm pháp chơn

Vô vi, vô nhiễm thường giải thoát

Vậy nên gọi là nghĩ đến Tăng

Tất cả của (cải) duyên sự vật

Đều hay xả thí, chấp trước không.

Không nghĩ thanh tịnh không phân biệt

Vậy nên gọi là niệm xả luôn

Không vì thi la (trì giới) không các lậu

Lìa thân ngữ ý chẳng chuyển vần

Không chỗ nương, chẳng sinh ba hữu

Là niệm vô lậu giới chánh chân

Chư thiên Tịnh Cư thể vô cấu

Và trụ Đâu Suất nối (ngôi) Pháp Vương.

Nên nghĩ như vậy trời thanh tịnh

Chẳng lâu ta cũng như họ luôn

Nếu trì chánh pháp của chư Phật

Chẳng nên chấp trước việc não phiền.

Với pháp, phi pháp đều giải thoát

Như vậy mới trì pháp Thế Tôn (Phật)

Như Phật đã được Bồ đề tướng

Cũng vậy, người thọ pháp giữ gìn.

Nếu biết bản tế không có bụi (trần)

Đó là trì pháp các Thế Tôn (chư Phật)

Do ngã tịnh nên hữu tình tịnh

Tịnh pháp, người trí theo tu hành.

Biết các hữu tình tâm tính tịnh

Dùng hạnh như vậy mà tác thành

Cõi hữu tình chẳng tác đoạn diệt

Cũng chẳng thấy đó có giảm tăng.

Vì họ nói, trừ điên đảo kiến

Hóa vô lượng chúng khiến sạch trong.

Nên nói thế gian, các cảnh giới

Chẳng khác cảnh giới của Thế Tôn (Như Lai)

Cảnh giới Phật như hư không đó

Cũng như vậy cảnh giới thế gian.

Tất cả ngôn ngữ và văn tự

Đều giống như hang rỗng âm vang

Trung gian không có điều nghe thấy

Vậy thì biết Tổng Trì đã thành.

Thọ trì, tu tập và đọc tụng

Lý thú pháp hết lòng tuyên dương.

Không ngã, không nhân, không pháp tướng

Đà la ni như vậy trụ yên

Hay trì tất cả các Phật pháp

Người khéo nói nghe đều vui mừng.

Chánh niệm chẳng lìa Tam ma địa

Từ đây quyết định Tổng Trì xong

Với pháp chẳng động, lòng không loạn (tán loạn)

Cũng với các pháp không nghi nan.

Giống như Long vương tuông mưa lớn

Cũng vậy pháp người đó tuyên dương,

Không trước, không phược không chướng ngại

Hay nói ngàn ức câu chỉ Kinh (điển)

Với các hữu tình không pháp tưởng

Được biện tài công đức thắng hơn.

Thừa uy thần Phật nói diệu pháp

Ngàn câu chỉ kiếp không ngại ngăn

Khiến các hữu tình, lòng hoan hỷ

Biện tài công đức Phật trụ yên.

Nếu biết lý thú tất cả pháp

Thể tánh đều như là hư không

Không nhập, không mạng và không thọ (sống lâu)

Đó là Trì Chánh Pháp Thế Tôn

Bản tánh hữu tình đều viên tịch

Rốt ráo các pháp đều vô sanh

Cảnh giới nhẫn đó không cấu tịnh

Được đây gọi là không buông lung.

Thấy ở các uẩn đều như huyễn

Thì thấy tính các pháp thật chân.

Biết đến sáu chỗ như ấp rỗng

Thì với ma uẩn vượt khỏi liền.

Ví như không trung phù vân khởi

Các hoặc cũng như vậy dấy lên.

Thường với chánh lý siêng quan sát

Thì có thể vượt ma não phiền

Nếu biết vô sinh thường chẳng sinh

Thì biết Tịch diệt cũng không diệt

Pháp không có đời sau đời trước

Quyết định không bị ma chết xâm (lấn lướt)

Với pháp không động cũng không nghĩ

Chẳng trụ Bồ đề, giác tưởng không

Không ngã không nhân khởi bi tế (tế độ)

Bà con ma trời bị phục hàng.

Thấy thức, trí cả hai bình đẳng

Vô vi, hữu vi chẳng trụ yên

Biết thế gian lòng như huyễn hóa

Gọi là dũng kiện diệt khó khăn.

Ở đây bờ giác (bờ kia) không chấp trước

Nói pháp, tu tập đều tương ưng

Cứu vớt hữu tình không nhân tưởng

Đó gọi Bồ tát, thầy dẫn đường.

Quan sát ba cõi như khoáng dã

Chẳng biến dị cũng như tính không

Vô lộ (đường) vô nhân, không cứu vớt

Đó là nói pháp chủ đại thương.

Khéo nói có pháp không chân thật

Rõ pháp bản lai thường sạch trong.

Bi cùng tịch diệt lý tương ứng

Đó gọi Bồ tát, thầy dẫn đường.

Trước sau lưu chuyển lòng tương tục

Như đây chẳng hòa hợp hai lòng.

Rõ biết thể tánh tâm lưu chú (rót chảy)

Đó gọi là Bồ tát dũng cường.

Biết tính các pháp vốn thanh tịnh

Như trăng trong nước, như hư không

Chẳng nhiễm trước tất cả phiền não

Là tịnh Tát đõa (Bồ tát) thường ngợi khen.

Nếu biết một pháp đồng các pháp

Không sở thủ, như nóng huyễn loáng nắng

Chẳng thường hằng, rỗng lặng hư vọng

Người đó chẳng lâu Chơn giác thành.

Khi nói pháp môn quyết định này thì bảy vạn hai ngàn na du đa trời, người, Khẩn na la, Ma hầu la già…đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Ba vạn hai ngàn Bồ tát được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ở ba ngàn đại thiên thế giới này sáu thứ chấn động, ánh sáng lớn soi khắp. Hàng trăm ngàn chư thiên mưa xuống đủ thứ hoa, tấu lên các kỹ nhạc, dùng Ổ đà nam (?) mà chung khen ngợi. Các loài hữu tình này đã được pháp ấn của Như Lai in vào họ. Nếu có người nghe pháp môn này có thể sinh ra thắng giải, thọ trì, diễn nói, theo đúng như pháp tu hành Nhất thiết trí thì ở cõi Phật này đều nên lễ kính, dùng trang nghiêm mình. Sở dĩ vì sao? Vì do Phật Thế Tôn xuất hiện ở thế gian diễn nói pháp môn quyết định bí mật này khiến cho chúng ta nghe, chẳng phải việc nghe thấy của loài hữu tình khác vậy.

Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại Hư Không Tạng theo đức Thế Tôn nói lời thế rồi, tức thời thu hoạch được sáu Vô Cấu thanh tịnh tam ma địa môn, đem lưới báu ma ni giá trị ba ngàn thế giới, che bên trên đức Phật mà cúng dường, một lòng chắp tay nói lên như vầy:

– Thưa đức Như Lai! Hôm nay ngài dùng trí vô ngại, quan sát khéo léo trước sau căn tính của tất cả loài hữu tình mà tuyên nói lý thú thậm thâm của pháp vô chướng ngại. Do điều này mà chúng hội đều rất vui mừng tán thán Đại thừa.

Những Bồ tát đến tập hội từ mười phương thế giới lại phóng ra ánh sáng đều nói rằng:

– Do đức Như Lai nói pháp môn như vậy khiến cho chúng con nghe mà phát sinh niềm khánh hạnh sâu sắc, không ai chẳng vui mừng.

Lúc bấy giờ, trong hội có vị Bồ tát Ma-ha-tát tên là Tấn Biện bạch Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Thưa Chánh sĩ! Ngài tên là Kho Tàng Hư Không mà ngài há dùng Hư không làm kho tàng sao?

Bồ tát Đại Hư Không Tạng đáp rằng:

– Thưa thiện nam tử! Tôi cũng chính là Hư không, cũng chính là kho tàng.

Bồ tát Tấn Biện nói rằng:

– Thưa thiện nam tử! Tôi nguyện được thấy tướng sai biệt kho tàng hư không của ngài!

Ngài Đại Hư Không Tạng Bồ tát nói rằng:

– Thưa thiện nam tử! Như lòng ngài đã suy nghĩ về vật gì thì tôi khiến cho trong hư không vì ngài mưa xuống vật đó!

Bồ tát Tấn Biện nói rằng:

– Thuở xưa, tôi từng thấy ở thế giới Liên Hoa Trang Nghiêm của đức Như Lai Ưu Ba La Cát Tường có hoa sen tên là Nhất Thiết Quang Minh Biến Chiếu. Hoa ấy lớn độ chừng một Câu lô xá, có hàng nghìn cánh, hương thơm thanh khiết nhu nhuyến giống như tơ nõn ca chỉ lật na. Khi thân chạm vào nó thì thọ cực khoái lạc. Hương thơm hoa ấy thơm lừng cùng khắp đến vô lượng trăm ngàn thế giới. Bồ tát trong cõi đó nghe mùi thơm, thấy hoa liền đều được định. Nguyện xin ngài ở chúng hội này mà mưa xuống hoa đó!

Bồ tát Tấn Biện một lòng tịnh ý thời gian chưa lâu, Bồ tát Đại Hư Không Tạng dùng lực đại uy thần gia trì nên tức thời ở trong không mưa xuống hoa như vậy. Chúng hội này thấy hoa đó rồi, mỗi mỗi đều thu hoạch được Ái Lạc Hoa tam ma địa. Từ định ra rồi, chúng hội khác miệng đồng tiếng khen ngợi Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Hay thay! Hay thay! Thưa Chánh sĩ! Nhờ lực trí gia trì của ngài nên khiến cho tất cả loài hữu tình đều thu được lực như vậy.

Lúc bấy giờ, trong chúng lại có Bồ tát tên là Bảo Trang Nghiêm bạch Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Thưa Đại sĩ! Nguyện xin ngài vì tôi và các loài hữu tình, ở trong hư không mưa xuống hạt vàng nho nhỏ!

Lời nói chưa xong, liền có vô lượng hạt vàng từ hư không rơi xuống như mưa. Bồ tát Bảo Trang Nghiêm lại nói rằng:

– Nguyện xin ở trong không mưa xuống tất cả báu.

Lời nói chưa xong liền ở trong không có vô lượng vô số đủ thứ sắc, đủ thứ danh, đủ thứ báu ma ni rơi xuống như mưa. Đó là vàng, bạc, pha chỉ ca (?) Phệ lưu ly, mã não, xích châu, Mâu ta la tạng bảo, Cát tường tạng bảo, Kế ta la vô cấu quang bảo, Nguyệt quang bảo, Nhật quang bảo, Chiếu diệu bảo, Châu thắng quang bảo, Thiệm bộ quang bảo, Hỏa quang bảo, xa cừ, bích ngọc, san hô, Đế thanh bảo, Đức tạng bảo, Tịch tịnh quang bảo, Trừng thanh trược thủy bảo (báu lắng trong nước đục), Bất hoại quang minh bảo, Kiến lập nhãn bảo, Toàn chuyển bảo, Thích Ca Lăng Già bảo, Thắng bảo, Đại thắng bảo, Uy đức xí thạnh bảo, Cát tường tạng vương bảo, Kim cương nhị bảo, Thế quang bảo, Quang vị bảo, Trì quang bán nguyệt bảo, Thiệm bộ đàn bảo, Thiệm bộ châu quang bảo, Thiên quang bảo, Cự hỏa quang bảo, Thắng trang nghiêm bảo, Tức (dứt) nhiệt bảo, Vô nhiệt não bảo, Trừ bịnh bảo, Tịnh nhãn bảo, Tịnh nhĩ, tỵ, thiệc, thân, ý bảo, Chiếu diệu chi bảo, Chiếu diệu bảo, Thanh quang bảo, Huỳnh quang bảo, Pha uy ca bảo, Bạch pha chỉ ca bảo, Võng (lưới) bảo. Nói tóm lại, còn vô lượng báu cùng loại như vậy đều mưa xuống cả. Danh tự chúng bảo nhiều vô biên như vậy, nếu cả một kiếp cũng chẳng thể nói hết.

Lúc bấy giờ, lại có Bồ tát Thời Vương bạch Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Thưa Đại sĩ! Thế giới Ta Bà này có vô lượng hữu tình thọ khổ, nghèo thiếu, đói khát, không có đồ ăn, thức uống, mặc quần áo rách rưới, có kẻ trần truồng và những loài quỉ đói lộ bày thân thể đói khát, lấy tóc che thân, thường nghĩ nhổ bỏ nước mắt, nước dãi, mủ máu. Vì những loại như vậy, nguyện xin ngài phát sinh thương xót mà mưa xuống quần áo, đồ ăn nhiều để cứu tế họ.

Bồ tát Đại Hư Không Tạng dùng lực Gia trì tức thời ở hư không mưa xuống đủ thứ đồ ăn thức uống, quần áo khác loại, hàng trăm ngàn sắc tướng vô lượng vô biên chẳng thể tính toán, thượng diệu tế nhuyễn hơn cả tơ noãn Ca-chỉ-lật-na. Khi thân chạm vào chúng thì rất khoái lạc. Ở ba ngàn đại thiên thế giới này, tất cả loài hữu tình nghèo thiếu cô lộ và những quỉ đói nhờ đồ ăn, thức uống và y phục thắng diệu này nên đều sung túc.

Lúc bấy giờ, trong hội có vị Bồ tát tên là Y vương bạch Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Thưa Đại Sĩ! Nay ở thế giới này có vô lượng hữu tình mắc những bệnh tật lại không có quyến thuộc chăm sóc nên bệnh triền miên chịu khổ não lớn. Nguyện xin ngài vì những loại hữu tình này mưa xuống dược thảo khiến cho bệnh hoạn của họ đều được chửa lành!

Lời nói chưa xong, tức thời từ hư không mưa xuống vô lượng cam lồ diệu dược. Nhờ thuốc này nên tất cả người bệnh uống vào đều trừ hết bệnh. Lại có vị Bồ tát tên là Tồi Ác Thú bạch Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Thưa thiện nam tử! Nguyện xin ngài dùng Đại Bi dứt trừ tất cả loài hữu tình chịu những kịch, khổ ở ba đường ác.

Lời nói chưa xong, tức thời ở trong không phát ra ánh sáng lớn soi đến Nại lạc ca bàng sanh quỉ thú. Các hữu tình đó đều dứt mọi khổ, được thọ an vui. Lại, ở hư không mưa xuống những hoan mạn, hương xoa, hương bột, tràng phan, táng cái, đèn đuốc, âm nhạc, nô tỳ, thê thiếp, đồng tử, thể nữ, voi ngựa, xe cộ, nhà cửa, thành quách, thôn ấp, tụ lạc, đất nước, cung điện, lâu các, hoa viên, cửa sổ (song dũ), gường chiếu, trân báu, xe kiệu, xe kéo bằng bốn trâu, mười sáu trâu…cho đến hàng ngàn trâu…đều ở hư không rơi xuống như mưa. Tất cả đều do lực gia trì của Bồ tát Đại Hư Không Tạng. Ngài lại bảo chúng rằng:

– Này thiện nam tử! Các ngài hãy đều lấy những vật như vậy mà tùy ý sử dụng thí cho sẽ khiến cho các ngài đủ đầy Đàn Ba la mật.

Lại có Bồ tát tên là Giới Trang Nghiêm bạch Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Thưa thiện nam tử! Ngài đã mưa xuống Đàn Ba la mật, sao chẳng lại mưa xuống Giới Ba la mật?

Lời nói chưa xong, tức thời chư Phật và những vị Bồ tát trong mười phương đều chung khen ngợi công đức trang nghiêm của Giới Ba la mật. Như vậy, tiếng khen ngợi giới công đức từ trong không phát ra. Như vậy tiếng phát ra khen ngợi công đức trang nghiêm của nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ cũng lại như vậy. Lại nghe hàng trăm ngàn từ cú của các đức Phật, Bồ tát xưng tán các pháp không tăng không giảm. Do âm hưởng của pháp này giác ngộ ba ngàn đại thiên thế giới khiến cho vô lượng vô số loài hữu tình tu học Tam thừa mà được thành tựu.

Lại có vị Bồ tát tên là Phổ Biến Quang Minh bạch Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Kho tàng hư không của ngài chỉ là ở trong thế giới này hiện lợi ích cho hữu tình hay là lại có thể ở những thế giới khác thị hiện việc ấy của ngài?

Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại Hư Không Tạng bảo Bồ tát Phổ Biến Quang Minh rằng:

– Thưa thiện nam tử! Ngài đã được Thiên nhãn vô cấu tịnh diệu. Ngài hãy quan sát thế giới chư Phật trong mười phương là ngài sẽ thấy những vật gì?

Nói lời đó xong thì ngài Phổ Biến Quang Minh liền dùng thiên nhãn quan sát thấy mười phương a tăng kỳ thế giới đã mưa xuống bảo vật, đồ ăn, thức uống, quần áo…nhất nhất như cõi này không chút giảm thiểu. Lại còn nghe trong hư không nói tất cả pháp âm vi diệu cũng chẳng tăng giảm.

Lúc bấy giờ, Bồ tát Phổ Biến Quang Minh thấy việc đó rồi phát sinh ý lạc kỳ sâu sắc, khen chưa từng có. Ngài dùng ổ đà nam khen ngợi Bồ tát Đại Hư Không Tạng là: “Chẳng thể nghĩ bàn, khó có thể đo lường nên có thể ngay tức thời ở tất cả thế giới hiện ra đủ thứ vật báu như vậy…Nguyện xin Bồ tát dùng lực uy thần của đức Phật và sức gia trì của ngài khiến cho chúng hội và tất cả hữu tình ở thế giới khác đều thấy được mọi báu như vậy khắp nơi, đều được nghe pháp âm trong hư không khắp nơi”. Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại Hư Không Tạng liền theo đúng như lời nói ấy, lại mưa xuống đủ thứ những vật báu như vậy khiến cho chúng hội này và tất cả hữu tình của đất nước phương khác đều được thấy, mỗi mỗi đều phát tâm Bồ đề Vô thượng Chánh Đẳng.

Lúc bấy giờ, thành Vương Xá có năm trăm nữ nhân cùng nhau đi đến chỗ ngài Bồ tát Đại Hư Không Tạng. Đến nơi rồi họ bạch với ngài rằng:

– Chúng tôi nghe Chánh sĩ có thể thỏa mãn sở nguyện của tất cả loài hữu tình. Nhưng hôm nay phu chủ của chúng tôi đều chết chẳng biết đi về đâu, nguyện xin Đại sĩ chỉ vẽ hiện cho chúng tôi được thấy!

Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại Hư Không Tạng dùng sức uy thần, liền vì năm trăm nữ nhân, từng người, từng người hiện ra hình dáng chồng của người ấy trụ ở trước Bồ tát. Ngài Đại Hư Không Tạng báo các nữ nhân rằng:

– Này chị em! Hãy xem đây chính là chồng của các cô đó chăng?

Những nữ nhân đó đều thấy chồng mình nên buồn vui lẫn lộn. Chồng của họ đều tự đi theo những người nữ đó trở về nhà cũ. Trong bảy ngày họ vì nữ nhân nói pháp khiến cho các cô được, thành tựu. đều phát tâm Bồ đề Vô thượng, trụ ở bất thoái chuyển. Năm trăm người nữ cùng nhau đi đến chỗ của Bồ tát Đại Hư Không Tạng, một lòng đồng thanh dùng kệ khen rằng:

Chúng tôi nay biết pháp tướng đó

Giống như huyễn hóa, tính hư không

Mà vì chúng tôi thị hiện chồng

Nay tôi thành tựu nghiệp tối thắng.

Vì các pháp đó đều hóa biến

Vốn không, không tâm, không sở động

Do đây thông đạt pháp vô lậu

Mãi chẳng đuổi theo các não phiền.

Vậy nên tâm Bồ đề đều phát

Nguyện muốn cứu vớt loài hữu tình

Mong vì chúng tôi trao ký biệt

Sẽ được thành Phật độ hữu tình.

Thiện điều Như Lai đồng danh hiệu

Các hạnh đời sau rộng tu hành

Chúng tôi được mưa diệu pháp ấy

Vậy nên khen ngợi thầy dẫn đường.

Lúc bấy giờ, lại có năm trăm trượng phu bị giặc muốn hại liền nghe tiếng trong hư không nói rằng: “Các ngươi phải biết, có vị Bồ tát tên là Đại Hư Không Tạng có thể đối với các hữu tình sợ sệt thí cho vô úy. Các ngươi nên phải qui y cúi đầu thì nhất định không bị hại!” Những người đó vì sợ hãi nên đều chung một lòng, khác miệng đồng thanh, nói lên như vầy:

– Nam mô Đại Hư Không Tạng Bồ tát!

Khi họ nói lời đó thì Bồ tát Đại Hư Không Tạng hóa ra năm trăm người từ hư không hạ xuống, trụ ở trước những người đó mà bảo bọn giặc rằng:

– Những kẻ nghèo thiếu đó hại họ làm gì!? Thà giết chúng ta đây thì hôm nay ta sẽ cho các ông quần áo, chuỗi ngọc và những vật cần dùng khiến cho các ông không còn thiếu thốn! Chớ đoạn dứt mạng của họ.

Những tên giặc đó liền giết hóa nhân. Năm trăm người ấy đều lìa khỏi sợ hãi, bỗng nhiên yên ổn. Họ đều đi đến chỗ của Bồ tát Đại Hư Không Tạng cung kính chắp tay, đầu mặt đảnh lễ dưới chân Bồ tát nói lên như vầy:

– Chúng con hôm nay đều từ Đại Sư được toàn tính mạng nên đảnh lễ ngài, không biết lấy gì đền đáp ơn rộng lớn. Nguyện xin ngài vì chúng con nói pháp vi diệu. Chúng con sẽ chung thọ trì, thành tựu hai lợi hạnh.

Lúc bấy giờ, Bồ tát Đại Hư Không Tạng bảo rằng:

– Này thiện nam tử! Các ông nay đã không còn gì sợ thì mỗi mỗi nên phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì được thành tựu tự lợi và lợi tha!

Nói lời đó xong thì nhất thời những người đó đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Họ liền dùng y phục thượng diệu trị giá trăm ngàn dâng lên Bồ tát Đại Hư Không Tạng để tỏ lòng cúng dường. Cúng dường Bồ tát Đại Hư Không Tạng như vậy rồi, họ liền cúng dường tất cả các đức Phật. Bấy giờ, đức Thế Tôn đều cùng với những người đó trao cho ký biệt rằng: “Vào đời đương lai, qua vô số kiếp tu pháp Bồ đề phận xong thì sẽ được thành Phật đồng hiệu là Vô Bố Úy Như Lai Đa Đà A Già Độ A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà.

Lúc ấy, ngài Xá Lợi Tử bạch Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Thưa thiện nam tử! Ngài được kho tàng Hư không này đến nay đã trải qua bao lâu rồi mà chẳng khô chẳng cạn, chu cấp tất cả không có cùng tận?

Ngài Đại Hư Không Tạng nói rằng:

– Thưa Đại đức! Ý ngài thế nào? Há có hư không mà cạn hết sao?

– Chẳng phải vậy! Thưa Đại sĩ!

Ngài Đại Hư Không Tạng nói:

– Như vậy, thưa đại đức Xá Lợi Tử! Tự tánh của hư không không tận công đức thiện căn sở hữu hôm nay của tôi cũng lại như vậy. Sở dĩ vì sao? Vì tôi vì Bồ đề nên ở vô lượng kiếp gom chứa vô lượng vô biên thiện căn đều hồi hướng như hư không kia không có cùng kiệt. Vậy nên tôi chu cấp chẳng cạn chẳng hết. Như ngài đã nói, mà trong hư không này tôi đã thiết lập kho tàng trải qua bao lâu rồi? Thời gian tôi phát tâm Bồ đề đến nay so với kho tàng trong hư không lâu gần như vậy.

Ngài Xá Lợi Tử hỏi:

– Ngài phát tâm Bồ đề lại trải qua thời gian bao lâu?

Đáp rằng:

– Như đức Phật Thế Tôn biết thời gian phát tâm ấy gần xa!

Ngài Xá Lợi Tử liền bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Bồ tát Đại Hư Không Tạng này đã phát tâm Bồ đề trải qua thời gian bao lâu vậy?

Đức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Ta nếu nói đủ thì người, trời nghe đều sinh ra nghi hoặc.

Ngài Xá Lợi Tử thưa rằng:

– Hay thay! Thưa đức Thế Tôn! Xin nguyện ngài rũ lòng từ vì con khai thị cho! Lại, trong hội này, có vô lượng chúng sinh đều chung khát ngưỡng. Nguyện xin ngài vì họ giải nói khiến cho họ được tịnh tín.

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo ngài Xá Lợi Tử rằng:

– Ví như vi trần sở hữu của hằng hà sa số thế giới mà mỗi một vi trần lại là một kiếp. Số trần kiếp như vậy là một lạc xoa. Lại có vô lượng na do tha lạc xoa trần kiếp. Hết số kiếp sở hữu vi trần đó, Bồ tát Đại Hư Không Tạng này phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Ông ấy đã trải qua thời gian như vậy.

Ngài Xá Lợi Tử lại bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Bồ tát Đại Hư Không Tạng khi mới phát tâm đã gặp đức Như Lai danh hiệu là gì?

Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Tử rằng:

– Lúc đó đức Như Lai xuất hiện ở đời hiệu là Nhất Thiết Thắng Nguyệt Bảo Uy Đức Vương Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hành Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn. Thế giới đó tên là Hiện Nhất Thiết Phật Sát, kiếp tên là Bảo Trang Nghiêm. Này Xá Lợi Tử! Thế giới Hiện Nhất Thiết Phật Sát đó đã có công đức trang nghiêm thành tựu mà ta dùng cả một kiếp thọ mạng nói chẳng thể hết. Này Xá Lợi Tử! Đạo tràng của đức Phật Thế Tôn đó đã ngồi giáp cùng cả ngàn thế giới. Đức Phật đó lại có vượt quá số lượng các chúng Bồ tát để làm quyến thuộc. Này Xá Lợi Tử! Lúc đó thế giới có vua Chuyển Luân tên là Nhất Thiết Thiên Quán Đảnh Vương, ở ba ngàn đại thiên thế giới. Vua đó lại có Bảo tàng nhiều chẳng thể nghĩ bàn, có ba vạn sáu ngàn người con đều do hoa sinh có uy đức lớn. Thế giới đức Phật đó thậm chí không có danh xưng nữ nhân. Này Xá Lợi Tử! Đức Phật Thế Tôn đó sống lâu một trăm ngàn kiếp. Vua Nhất Thiết Thiên Quán Đảnh ấy, ở trong bốn mươi kiếp, thừa sự đức Phật đó. Trong một ngày nhà vua dùng hàng ngàn câu chỉ đồ dùng thượng diệu chứa cao như núi Tu di để làm đồ cúng dường, đã gom chứa phước đức chẳng thể nghĩ bàn. Các con và các quyến thuộc của vua ấy đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này Xá Lợi Tử! Vua Nhất Thiết Thiên Quán Đảnh lúc đó, ông chớ xem là ai khác mà chính là Bồ tát Đại Hư Không Tạng hôm nay đó.

Lúc bấy giờ, ngài Xá Lợi Tử bạch đức Phật rằng:

– Rất lạ! Thưa đức Thế Tôn! Đại Hư Không Tạng Bồ tát này mặc giáp trụ chẳng thể nghĩ bàn cho đến thuở xa xưa đã trụ ở Đại thừa mới có thể chứng được pháp hạnh uy đức như vậy.

Đức Phật dạy rằng:

– Này Xá Lợi Tử! Bồ tát Đại Hư Không Tạng đó đã cúng dường Phật vượt qua vô lượng hằng hà sa số ở chỗ Phật tịnh tâm Bồ đề. Ở chỗ hằng hà sa số Phật tâm Bồ đề tịnh thì ý lạc tịnh. Hằng hà sa số ý lạc tịnh thì gia hạnh tịnh. Hằng hà sa số gia hạnh tịnh thì Tăng thượng ý lạc tịnh. Hằng hà sa số Tăng thượng ý lạc tịnh thì Đàn Ba la mật đa tịnh. Hằng hà sa số Đàn Ba la mật đa tịnh thì Thi la Ba la mật đa tịnh. Hằng hà sa số Thi la Ba la mật đa tịnh thì nhẫn nhục Ba la mật đa tịnh. Hằng hà sa số nhẫn nhục Ba la mật đa tịnh thì tinh tấn Ba la mật đa tịnh. Hằng hà sa số tinh tấn Ba la mật đa tịnh thì Thiền na Ba la mật đa tịnh. Hằng hà sa số Thiền na Ba la mật đa tịnh thì Bát nhã Ba la mật đa tịnh. Hằng hà sa số Bát nhã Ba la mật đa tịnh thì phương tiện Ba la mật đa tịnh. Hằng hà sa số phương tiện Ba la mật đa tịnh thì vô ngại tâm, vô ngại quang của tất cả hữu tình tịnh. Hằng hà sa số vô ngại tâm, vô ngại quang của hữu tình tịnh thì Đại từ tịnh…cho đến Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả, đại thần thông trí tịnh thì thân, ngữ, tâm tịnh. Do hằng hà sa số tâm thanh tịnh thì một tướng đại nhân tịnh. Như vậy nói rộng ra ba mươi hai tướng đại nhân, cho đến căn lành của tất cả tướng đại nhân tịnh thì kho tàng hư không tịnh. Này Xá Lợi Tử! Do như vậy nên Bồ tát Đại Hư Không Tạng này có thể ở trong hư không thị hiện tất cả hạnh Bồ tát. Này Xá Lợi Tử! Ví như hư không không có cùng tận. Này thiện nam tử! Như vậy, tất cả nguyện hạnh của Bồ tát thanh tịnh vô tận cũng lại như vậy. Vậy nên gọi là kho tàng hư không.

Khi nói pháp này, trong hội có một vạn Bồ tát thu hoạch được của báu vô tận can dự kho tàng hư không đầy đủ nguyện nhẫn.

Bấy giờ, trong hội lại có Bồ tát tên là Pháp Vương bạch Bồ tát Đại Hư Không Tạng rằng:

– Tôi nguyện từ trong hư không được nghe diệu pháp âm!

Bồ tát Đại Hư Không Tạng nói rằng:

– Thưa thiện nam tử! Ngài hết lòng sinh cung kính, trụ ở hư không, tác khởi đại sư trưởng thì tôi sẽ khiến cho ngài nghe diệu pháp âm.

Bấy giờ, Bồ tát Pháp Vương cùng các đại chúng một lòng chắp tay hướng lên hư không lễ kính, chiêm ngưỡng mà trụ. Nhờ lực gia trì của Bồ tát Đại Hư Không Tạng nên tức thời ở trong không phát ra kệ rằng:

Tâm ý cùng các pháp

Đều như ở hư không

Ta nay nói phần ít

Các ông nghe lớp lang

Hư không không cao vậy

Hạ xuống cũng chẳng xong

Các pháp cũng như vậy

Tính ấy cao, thấp không.

Hư không, sinh không có

Diệt, sở đắc cũng không.

Các pháp cũng như vậy

Chẳng thể được diệt, sinh

Không trung không tổn giảm

Lại tính không thêm tăng

Các pháp như hư không

Bình đẳng không tăng giảm.

Không trung không có tối

Cũng không gì bị nhiễm

Cũng như vậy tính lòng

Không tối cũng không nhiễm.

Ví như nhật nguyệt quang

Hư không không ái nhiễm

Lòng cũng đồng hư không

Thí như như hư không

Không ái cũng không nhiễm

Mâu giáo không thương tổn

Bồ tát xem khổ nàn

Lòng cũng không lo sợ.

Như (hư) không mưa cam lộ

Hư không không yêu mừng

Bồ tát đối danh lợi

Chẳng sinh nhiễm ái tâm.

Chê khen (hư) không chẳng động

Khổ vui lòng lặng yên

Đại địa tuy lay động

Thường trụ, tính hư không.

Bồ tát đối thế pháp

Xa lìa phân biệt tâm

Như (hư) không lửa chẳng cháy

Nhiễm hoặc Bồ tát không.

Hư không lìa sinh diệt

Pháp giới, đi lại không

Mọi sắc hiện rỗng không

Các pháp nương tâm trụ

Vô sắc, phi sắc (là hư) không

Tâm tính cũng lại vậy.

Hư không chỉ giả danh

Tâm ý thức như thấy

Như hư không vô biên

Đức kẻ trí như vậy.

Như vết không khó thành

Hạnh Bồ đề vô tướng

Không cõi trước hư không

Tính năm uẩn cũng vậy.

Quá(khứ) hiện(tại) bốn đại không

Vị lai cũng như vậy.

Như kiếp cháy cõi không.

Các hữu tình khó thỏa

Nắm dục rót vào lòng

Khó thỏa cũng như thế.

Phật nói đại pháp cú

Lìa dục, xuất thế gian

Giáo pháp không bờ bến

Không sở đắc như (hư) không.

Rõ biết pháp thật chân

Chẳng hoại, chẳng trụ tánh

Biết tánh tánh là không

Chánh kiến trụ thật tế.

Tính (âm)thanh không có, (rỗng)không

Tính lời nói cũng vậy.

Pháp thể vốn vô ngôn

Không tiếng cũng không nói

Các pháp như huyễn viêm(hơi nóng)

Mộng ảnh, vang đều không.

Tịch tịnh không phương sánh

Vì dụ để dẫn đường

Nói tướng pháp vô tướng

Hay sở tướng đều không.

Chân như Bồ tát rõ

Không sở đắc như (hư) không

Không trước, không sở hữu

Không giác, không bàn suông (hí luận).

Chẳng độ loài hữu tình

Tính Như là Bồ tát.

Hữu tình vốn Niết bàn

Nghe điều này chẳng sợ

Mặc dũng mãnh giáp trụ

Gọi là trụ Bồ đề

Giống như ở huyễn sư

Hại nhiều chúng huyễn hóa

Cái hại thật không có

Cũng vậy, việc độ sinh.

Huyễn hóa và hữu tình

Pháp chư Phật cũng vậy.

Nếu ngộ một tính đồng

Không tự tính là tính.

Bồ tát Hư Không Tạng

Được kho tàng hư không

Sung túc các hữu tình

Tạng này không cùng tận.

Gom công đức vô biên

Được tạng này thanh tịnh

Ông quán các pháp tính

Tính chúng, di động không

Nên biết tất cả pháp

Hòa hợp nhân duyên sinh.

Do đây không cùng tận

Pháp tạng khó nghĩ bàn

Thế Tôn thường diễn nói

Bốn thứ pháp không cùng.

Hữu tình và hư không

Tâm Bồ đề Phật pháp

Như những vật thế gian

Có thể nói không hết

Không sở tận (cái hết) không vật

Vậy nên nói không cùng

Rốt ráo pháp diệt tận

Pháp tận, sở tận không

Không tận, không bất tận

Vậy nên nói vô tận

Nếu người nghe pháp này

Là Bồ tát giác ngộ

Thì biết như người đó

Mau trụ đạo Bồ đề.

Bấy giờ, đại chúng nghe kệ này rồi, tức thì ở trong hội, có tám ngàn Bồ tát được Vô Sanh pháp nhẫn. Một vạn hai ngàn thiên tử trụ ở hư không phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

    Xem thêm:

  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Dược Sư Tam Muội Hành Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Sư Tử Trang Nghiêm Vương Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Hải Long Vương - Kinh Tạng
  • Bài Kệ Ca Ngợi Đức Phật A Di Đà - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sở Thuyết Tối Thắng Danh Nghĩa - Kinh Tạng
  • Đại Thánh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Tán Phật Pháp Thân Lễ - Kinh Tạng
  • Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát Thần Chú - Kinh Tạng
  • Kinh Những Điều Trái Nghịch Của Ma - Kinh Tạng
  • Kinh Hưng Khởi Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Chư Pháp Vô Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Phật Không Thể Nghĩ Bàn - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 60 – Kinh Không Gì Chuyển Hướng (Apannaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Pháp Bảo Tàng Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Sát Chư Pháp Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Ha Điêu A Na Hàm - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 113 – Kinh Chân Nhân (Sappurisa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 5 - Kinh Tạng