Kinh Giải Ưu

Phật Thuyết Giải Ưu Kinh

Tống Pháp Thiên dịch

Bản Việt dịch của Chơn Tĩnh Tạng

***

Cúi đầu qui y bậc Chánh giác,

Vượt qua biển khổ lớn vô biên

Thường rưới cam lộ khắp quần sinh,

Khiến được niết-bàn, con đỉnh lễ!

Cúi đầu qui y tạng chánh pháp,

Chấm dứt hết nhân khổ vô biên

Chỉ bày lầm lỗi lợi chúng sinh,

Khiến được tịch tĩnh, con đỉnh lễ!

Cúi đầu qui y đại tì-kheo,

Hay làm ruộng phúc cho thế gian

Khởi hạnh siêng tu nhân an lạc,

Khéo dứt luân hồi, con đỉnh lễ!

****

Ái biệt li khổ nhất,

Lửa ưu thường thiêu đốt.

Nếu muốn tự an tâm,

Bình thường luôn quán tưởng

Giống như bầy chim thú,

Tạm hợp rồi bay đi

Việc sinh tử cũng vậy,

Tại sao lòng sầu khổ?

Chỉ một mình ta chết,

Còn mọi người sống lâu

Biệt li đau khôn xiết,

Người thân phải khóc than

Luân hồi trong ba cõi,

Chẳng ai thoát điều này

Đồng phải chịu vô thường,

Tại sao lòng ưu khổ?

Nếu người sinh tham ái,

Đâu biết lửa tham đốt

Như loài trâu mao kia,

Tiếc đuôi bị người giết

Người đời nhiều say mê,

Muốn trốn đường hiểm ác

Nghĩ ra đủ mọi cách,

Nhưng không thể thoát khổ

Như hươu nai rừng kia,

Thường bị sư tử rượt

Cuối cùng không thể thoát,

Tại sao lòng ưu khổ?

Dưới đất và trên trời,

Ba cõi và bốn loài

Chưa từng nghe thấy ai,

Mà không bị vô thường

Như lửa nơi sơn dã,

Khi thiêu cháy cỏ cây

Không kể rừng hoa quả,

Đều trở thành tro bụi

Những chúng sinh ngu si,

Điên đảo sinh vọng tưởng

Thân buộc dây vô thường,

Không người nào gỡ được

Phạm thiên thuộc cõi Sắc,

Thiền vị là an lạc

Như cây bên bờ sông,

Bị gió nước xô ngã

Trăm ức Chuyển luân vương,

Nghìn vạn trời Đế Thích

Niệm niệm là vô thường,

Như gió thổi ngọn đèn

Xưa có tiên Ngũ thông,

Thân tâm được tự tại

Qua lại trên hư không,

Còn bị vô thường bắt

Thân kim cang kiên cố,

Còn thị hiện tịch diệt

Phàm thức như cây chuối,

Tại sao muốn trụ lâu?

Đại địa núi Tu-di,

Cho đến bốn biển lớn

Kiếp hoại cũng về không,

Huống gì là chúng sinh!

Rồng ở trong biển sâu,

Quyến thuộc thường vây quanh

Còn bị Sí điểu ăn,

Khổ biệt li cũng thế.

Hoặc người đến cõi khác,

Muốn thoát lẽ vô thường

Như vào miệng cá voi,

Để mong được an ổn

Như vậy cõi Dục-Sắc,

Và Phi Phi Tưởng kia

Chưa từng có một vật,

Không bị vô thường nuốt

Chỉ có Chánh Đẳng Giác,

Là nơi đáng nương nhờ

Các ông nghe tin nhận,

Thì thoát các ưu não.

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Đức Phật ở Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên. Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy các vị tì-kheo:

– Chúng sinh vô số, luân hồi vô biên, như kiến bò vòng quanh không có chỗ cuối cùng. Chúng sinh tham ái, bị vô minh ngăn che, như rơi xuống bùn không thể ra được. Trong quá khứ, chúng sinh từng luân hồi lui tới nhiều không thể đếm xuể. Này các tì-kheo! Dồn tất cả đất trên đại địa lại một chỗ, trộn với bùn rồi vo lại thành từng viên bằng hạt đậu. Số lượng cha mẹ và con cháu của chúng sinh kia từ vô thỉ kiếp đến nay còn nhiều hơn số viên đất bùn ấy nữa.

Này các tì-kheo! Như thế chúng sinh luân hồi vô biên, đều do tham ái vô minh, đảo điên mà rơi vào bùn ái dục, khiến sinh tử luân hồi không biết bao nhiêu lần. Biết vậy nên Ta dạy các ông tu tập để chấm dứt luân hồi.

Đức Phật lại dạy:

– Này các tì-kheo! Như thế chúng sinh hữu tình luân hồi xương chất thành đống như núi Tu-di, không hư, không hoại. Như thế, hàng thinh văn Vô học chứng bốn thánh đế, biết rõ khổ này chân thật là khổ, khổ diệt, chứng Khổ thánh đế. Chúng sinh ấy thấy xương cốt không biết là khổ, cũng không thể diệt khổ não trong ba cõi. Nếu diệt được khổ não trong ba cõi, chứng pháp bất không của Tu-đà-hoàn thì nhất định đắc Bồ-đề. Do bảy lần tái sinh vào trong cõi trời cõi người, chấm dứt luân hồi, trừ diệt phiền não. Bảy lần tái sinh đã qua thì thánh đế hiện tiền, trí tuệ chánh kiến diệt sạch các lậu hoặc còn lại, đạt đến niết-bàn tịch tĩnh, thì chúng sinh ấy mới được giải thoát khổ luân hồi.

Đức Phật dạy:

– Này các tì-kheo! Như quyến thuộc thì luôn yêu thương lẫn nhau. Vì tham ái nên tạo tất cả các nghiệp, nên phải chịu sinh tử luân hồi, giống như voi sa vào hố bùn không thể thoát ra. Lại nữa, quyến thuộc đó nhiều như cát sông Hằng, cha mẹ dưỡng nuôi đều giống như con ruột. Cho nên khi sinh qua đời sau, tùy theo báo ứng, mỗi mỗi chịu khổ đồng: hoặc làm đầy tớ theo hầu, hoặc làm oan gia sân hận, lừa dối, sỉ nhục, đánh mắng lẫn nhau; hoặc làm bàng sinh ăn thịt lẫn nhau, hoặc bị giết hại. Như thế luân hồi qua khắp các đường, như nhóm bảy vị tiên nhân, lúc tụ lúc tán; cũng như trời mưa sinh ra bọt nước, vừa sinh liền diệt.

Chúng sinh vô cùng ngu si, mê hoặc điên đảo, không biết rõ luân hồi; đối với quyến thuộc của mình vọng sinh yêu thích, nhớ tưởng, tạo đủ mọi nghiệp, chưa từng có một phút giây an trú trong thanh tịnh. Lại nữa, chúng sinh luân hồi từ vô thỉ, rơi vào địa ngục uống nước đồng sôi nhiều hơn nước biển lớn; như heo, chó kia ăn vật nhơ bẩn nhiều như núi Tu-di. Lại có chúng sinh tuôn nước mắt sinh tử biệt li luyến ái nhiều như nước biển. Lại có chúng sinh sát hại lẫn nhau, đầu chất thành đống cao cả cõi Phạm Thiên, trùng giòi ăn máu mủ cũng nhiều như nước biển. Lại nữa, chúng sinh trong cõi ngạ quỉ, vì đời trước xan tham, nên phải chịu khổ đói khát, như gặp đồ ăn thức uống đều thành lửa đỏ. Quả báo ngạ quỉ hết rồi thì sinh trong cõi người, lại còn phải chịu nghèo cùng, đói khát khốn khổ không thể nói hết.

Lại nữa, những hữu tình kia nhờ tu phước thiện, nên sinh vào các cảnh giới thù thắng như trời Đao-lợi… thường thụ hưởng khoái lạc, tham ái nổi hừng hực như lửa đốt cỏ khô. Khi thụ báo hết liền rơi vào đường ác, giống như chim đang bay bị gãy hai cánh, chớp mắt liền rơi xuống đất, chịu đủ mọi đau khổ. Cho nên, các ông phải nên tu tập để chấm dứt luân hồi, mau cầu giải thoát!

Đức Phật dạy:

– Này các tì-kheo! Giống như sông ngòi, đại địa, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, núi Tu-di-lô và các xóm làng, thế giới chưa hoại diệt mà được tồn tại lâu dài ở thế gian. Kinh điển này cũng như thế, thế giới chưa hoại, pháp cũng tồn tại lâu dài. Vì sao? Vì kinh này giúp cho tất cả hữu tình chấm dứt luân hồi.

Các vị tì-kheo nghe Đức Phật dạy xong liền tin nhận và vâng làm.

Chú thích:

[1] Pháp Thiên 法天 (?-1001): Cao tăng người nước Ma-kiệt-đà thuộc Trung Ấn Độ. Sư vốn ở chùa Na-lan-đà. Vào năm Khai Bảo thứ 6 (973), sư đến Trung Quốc. Năm Thái bình hưng quốc thứ 5 (980) đời vua Thái Tông, vua triệu sư vào kinh đô ban sắc xây dựng viện dịch kinh. Hai năm sau (982), sư cùng các vị Thiên Tức Tai, Thí Hộ… được vua triệu vào ở trong viện Dịch kinh. Tại đây, các vị ấy cùng dịch các bản kinh tiếng Phạn do mình mang đến. Đến tháng 7 năm ấy sư dịch xong bộ kinh Đại thừa thánh cát tường trì thế đà la ni, được vua ban hiệu Truyền Giáo Đại Sư. Năm Hàm bình thư 4 (1001), sư thị tịch, vua ban thụy hiệu Huyền Giác Đại Sư.

    Xem thêm:

  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tân Đầu Lô Đột La Xà Vì Vua Ưu Đà Diên Thuyết Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Tội Nghiệp Báo Ứng Giáo Hóa Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Thiền Pháp Yếu Giải - Kinh Tạng
  • Giảng Giải Tinh Yếu Kinh A Di Đà - Kinh Tạng
  • Kinh Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Quỹ Nghi - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 16 – Phóng Sanh - Kinh Tạng
  • Kinh Thụ Thập Thiện Giới - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Duyên Khởi Từ A Nan - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng
  • Tịnh Lưu Ly Tịnh Độ Tiêu - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Tu Đại Noa - Kinh Tạng
  • Kinh Lời Dạy Cuối Cùng (Kinh Di Giáo) - Kinh Tạng
  • Kinh A Hàm Khẩu Giải Mười Hai Nhân Duyên - Kinh Tạng