Kinh Tân Đầu Lô Đột La Xà Vì Vua Ưu Đà Diên Thuyết Pháp

Tân Đầu Lô Đột La Xà Vị Ưu Đà Diên Vương Thuyết Pháp Kinh

Lưu Tống Cầu Na Bạt Đà La dịch

Bản Việt dịch của Thích Như Điển

***

Muốn được mùi vị thì thật ít mà sự ưu khổ, xung khắc lo sợ thật là nhiều. Là người trí thì nên tin phương tiện, xa rời những món tham dục; siêng thực hành tịnh hạnh.Ta xưa đã từng nghe rằng: Có vị Thiên Tử Thiên Phước tên là Ưu Đà Diên, mời cha mình đến để được phong vương tại thành Câu Xá Di. Thành nầy rất đẹp đẽ, rộng rãi, trang nghiêm thanh tịnh; cung điện xán lạn đẹp mắt, sự trang hoàng thật dễ ngắm nhìn, cửa vách thông nhau, giáp nhau như võng lưới, nhà cửa lầu các hàng vạn, đều xây dựng trong thành nầy. Phố sá cũng tương đương như vậy. Ruộng vườn ngay ngắn, chợ búa sung thịnh. Có nhiều của quý. Chu vi thành nầy bao bọc bởi rừng vườn đẹp đẽ. Cây cối sum sê, hoa quả đầy cây, suối nước trong vắt, trong ấy có nhiều hoa sen đủ màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Màu sắc hòa hợp, có nhiều chim chóc như bồ câu, se sẻ, oanh vũ lẫn Ca Lăng Tần Già cùng với các loài chim khác, cùng cất tiếng hót hòa với nhau, giống như âm nhạc cùng tấu, trang nghiêm tráng lệ, giống như vua núi Kì Bà La sùng bái núi rừng mà tự trang nghiêm vậy. Lại có tượng Đế Thích cũng dựng nơi thầy ấy cho mọi người xem.

Vua Ưu Đà Diên tướng mạo đoan chánh, có tướng uy nghiêm, thông minh mẫn tuệ, vũ dũng tuyệt luân, tài nghệ song toàn, chẳng ai mà không biết. Lại hay điều phục voi, làm cho các voi hoặc đến tập họp. Hay có thể cỡi lên. Tất cả đều điều phục được. Lại giỏi đờn ca, âm thanh hòa nhã, cung thương đều nhau, khi đàn thì chim thú nhảy múa. Các hương thơm từ xa bay lại dùng để hàng phục quân địch, xua đuổi tà khí, làm cho phải quy thuận. Lại hay khắc họa những hình tượng đẹp đẽ. Cũng có những bức tượng giống như tượng thật không khác. Cả 62 nghề vua đều rành mạch, cho đến áo quần, ăn uống chẳng có loại nào mà không rành. Cho đến cung kính những người lớn tuổi và lưu tâm đến thứ dân và lấy chánh pháp trị nước, ngày đêm quên mệt nhọc. Tất cả lễ nghi pháp luật đều nương vào những luật lệ xưa, giống vua đời trước thập phần viên mãn, dân giàu nước mạnh, kho chứa đầy thóc, những người phước đức đều chung sống trong quốc gia nầy. Họ thọ nhận sự giáo hóa của Vua; hoặc hay làm lành, rộng thông kinh điển, giải rõ lý luận những điển tích của thế gian, chẳng cái nào là không tôi luyện. Mạnh mẽ uy dũng như La Ma Diên A Thuần cũng khó sánh được. Do Vua trước đó ở nơi vị Bích Chi Phật đã sâu trồng những căn lành mà được phước báu như vậy. Uy đức của vua làm cho lân quốc cũng phải nể phục, ánh đạo chan hòa, tiếng đồn trong thiên hạ.

Lúc ấy có con của vị Đại Thần tên là Tân Đầu Lô Đột La Xà, dung nghi trác tuyệt trong đời khó có, thông minh trí tuệ, quảng học đa văn, nhơn từ nhân ái, có ý chí cứu khổ mọi loài; nên khuyến hóa quốc dân nên tu Thập Thiện và tin tưởng nơi Tam Bảo, xuất gia học đạo được quả tròn đầy, rồi đi đây đó giáo hóa và trở lại thành Câu Xá Di độ cho những người thân thuộc, nên đi khất thực. Sau khi khất thực xong ở dưới gốc cây, ngồi kiết già tư duy nhập định. Lúc ấy có một người biết rõ Tân Đầu Lô nên về thưa cho Vua rõ, đó chính là ngày xưa con của Đại Thần, tên Tân Đầu Lô; bây giờ đang ở gần đây ngồi dưới gốc cây trong rừng. Vua nghe rất lấy làm vui, tâm khao khát kính ngưỡng, liền sai đem xa giá và cùng với cung nhơn quyến thuộc đi nghinh đón Tôn Giả. Khi hỏi han vua cùng ngồi và vua liền suy nghĩ những chỗ nghi ngờ liền đem ra hỏi mà nói rằng:

Nầy Tân Đầu Lô, bây giờ ta hỏi ngươi có rõ biết ít nhiều việc xưa của Tổ Tiên nhà ngươi là vì đời mà làm Đại Thần, thông minh trí đạt, thường hay làm Quốc sư; nhưng bây giờ gặp ngươi thì ta lại muốn hỏi những điều nghi ấy, hãy đừng buồn mà vì ta giải bày có được chăng ?

Tôn Giả liền đáp: Xin theo câu hỏi mà tôi sẽ vì vua phân biệt giải bày. Vua lúc ấy dùng kệ hỏi rằng:

Tất cả người đời

Tham trước ngũ dục

Theo tình buông lung

Lấy đó làm vui

Như Ngươi bây giờ

Độc xứ không nhàn

Xa lìa ân ái

Vậy có vui chi ?

Tôn Giả đáp rằng:

Ta quán nhân duyên tất cả đều vô thường. Cho nên mới xuất gia, cắt bỏ tình ái, vui với cây rừng, giống như nai tơ, chuyên tâm tu hành xa rời phiền não. Dùng trí tuệ như búa để đốn chặt cành lá của cây ái dục, tâm chẳng luyến trước thì quả độc tiêu diệt. Cái kiết sử chảy qua sông sanh tử, ta đã vượt qua, liền chẳng còn lo rầu gì nữa, giống như chim thú thoát khỏi lưới giăng, xa rời chuyện hư cấu. Nên được gọi là quả giải thoát.

Vua nghe lời ấy rồi liền bảo Tân Đầu Lô rằng:

Nay ta có thế lực hay điều phục các nước, uy đức chẳng ai bì. Nếu có một ngày đẹp trời nào đó, đầu đội vương miện, anh lạc đầy mình, theo sau thể nữ hầu cận giống như vua trời Đế Thích. Ngươi nay ở riêng một mình, không ham muốn như ta sao?

Tôn Giả trả lời rằng: Tâm tôi không ham muốn.

Vua lại hỏi: Vì sao được như ta mà Ngươi lại không ham muốn ?

Tôn Giả đáp rằng: Tôi nay đối với sự ham muốn ấy như buồn dơ đã khô cạn rồi. Các hữu kết chặt, bây giờ tôi đã được giải thoát; cho đến như Đế Thích cùng với những vị Thiên nữ đẹp đẽ đi nữa thì cũng chẳng làm cho tôi ham muốn, huống hồ là nhơn gian kia dơ uế là dường bao. Ai là người có trí thì phải lìa những ma ấy, quyết qua khỏi bờ sanh tử và liền được tuệ nhãn thanh tịnh, quyết chẳng còn bóng tối vô minh ám hại, mà luyến tiếc ngôi vua sao ?

Có con mắt sáng rồi làm sao tham đắm nơi mắt mù? Có được sự mạnh khỏe rồi, làm sao tham đắm nơi bịnh khổ. Có được chỗ không tội lỗi rồi làm sao đi tham đắm chốn lao tù? Có được sự giàu có rồi, làm sao đi tham đắm chỗ bần cùng. Có được chỗ cao quý rồi, làm sao đi tham đắm chỗ nô bộc. Có được trí tuệ rồi, làm sao tham đắm chỗ ngu si. Có được sự dũng kiện rồi thì làm sao tham đắm chỗ yếu đuối làm gì?

Vua nghe qua rồi, tâm mang nhiều phiền não mà nói rằng: Theo như lời của Ngươi thí dụ thì tấm bi kịch ấy ta đang khốn khổ cũng như thế chăng ?

Tôn Giả đáp rằng: Vua chẳng có mắt huệ, phiền não làm cho bịnh hoạn. Bốn sự chấp thủ làm cho trôi chảy lưu đày, làm cho mất đi sự dũng kiện, chẳng thể tinh tấn, như đứa bé ngu dại,chẳng rõ đường chánh trầm luân khổ ải, mà vua có dự phần trong ấy. Sống trong ngũ dục, sanh ra tưởng tượng việc khó có như tưởng tượng việc nầy, thật sai với hạnh lành.

Vua lại hỏi rằng: Có cái gì là sai mà nói sai quá nhiều ?

Tôn giả đáp rằng: Ngũ dục nầy là những cái khổ căn bản làm hại chúng sanh, làm hại các căn lành như dứt cái mầm sống và làm não hại chúng sanh; giống như trùng độc; lại như lửa cháy hay thiêu đốt các công đức; lại cũng như chim rừng. Như người phàm phu điên cuồng; lại như huyễn hóa, mê loạn nghi hoặc; dục là giả dối thân thiện mà như oan gia, dục như trâu già chưa khỏi bùn dơ; dục như mắc võng trói chặt 3 cõi. Dục như đường kiếm, khó thể che chở; dục hay cột trói, giết hại chúng sanh. Tất cả sự sai trái đều do dục mà khởi. Như ngày xưa có Bà Tu Thiên do nhơn duyên dục mà bị A Tu La Bà Lợi cột trói,cho vào nước sôi, Bà Lặc Thiên phá thành A Tu La rồi chém giết dân ở đó, rồi do não hại khổ não, Vua Bà La cùng với 8 Thuần Đề Vương và 100 con tất cả đều bị tru diệt. Tỉ Đa La A Tu La làm hại cả ngàn con mắt của La Ma, làm hại 10 đầu của La Sát và con số hàng ngàn ức La Sát bị La Mạn làm hại là nguyên nhơn. Đà La Cụ Xoa Vương, Ma La Chi Vương diệt họ của Đa Ma La Chất. Ca Đế Tỳ Vương vì Diệm Ma Ni Bà La Môn mà sát hại. Tỳ Na Tất Na sát hại quyến thuộc của Đề Đầu Lại Ngật. Năm người con của Bang Du sát hại 18 ức người. Bật Nặc An Độc Đa La Tăng Già Vương cùng với thân thuộc. Cụ La Vương cùng với thân thuộc. Di Hi La Đàn Đặc Già Vương cùng với thân tộc… Những vua nầy đều do dục mà ra, liền tự tương tàn và tương diệt. Sau đó liến nói kệ rằng:

Ngôi vua tuy tôn quý

Đời cảm ơn chẳng hết

Tật nhẹ như ánh sáng

Tu Di cũng phải diệt

Ngôi vua thật cao quý

Kẻ ngu si ái tình

Sầu mất chết đến nơi

Bi khổ như giặc cướp

Làm vua ngồi trên cao

Tên nghe khắp bốn phương

Đoan chánh lẫn khả ái

Đủ loại đẹp nghiêm thân

Giống như người mới chết

Cài hoa và anh lạc

Mạng nầy chưa biết lúc

Ngôi vua lại cũng thế

Làm vua giống như chim

Thường hay sợ khủng bố

Đi đứng và nằm ngồi

Cho đến tất cả lúc

Ở nơi người thân thích

Lại có tâm nghi ngờ

Thần, dân, cung, phi, hậu

Voi ngựa và đồ quý

Sở hữu của giang sơn

Tất cả đều của vua

Lúc các vua băng hà

Đều bỏ chẳng mang theo

Vua người và vua trời

Cùng với vua Tu La

Uy lực hại người dân

Dao búa để sát hại

Chẳng rõ khổ vô thường

Làm tăng não tham si

Giống như rừng hoa đẹp

Rắn vàng nằm ở trong

Người ngu ngỡ của quý

Cắt lấy chở về nhà

Rắn thức tung lửa độc

Đốt cháy cả nhà cửa

Ngôi vua như hoa rừng

Lo cháy như rắn vàng

Kẻ ngu cho là quý

Người trí lại chẳng vui

Giống như một khúc thịt

Đặt ở bốn đầu đường

Lang sói và kênh kênh

Tranh nhau đến giành ăn

Ngôi vua lại cũng thế

Ai cũng cố tranh lấy

Chim thú dùng móng vút

Cào cấu để tranh nhau

Làm vua hay dùng đao

Để sát hại tranh ngôi

Lại như chim chóc kia

Ngu si chẳng có khác

Ta thà ăn đất nung

Quả, lá để tự tồn

Thân nầy như ung nhọt

Ăn xong lại tan rã

Vì sao lại vì nó

Tạo ra các nghiệp ác

Như ăn một quả xoài

Hương vị đều đầy đủ

Lúc quả ấy tiêu rồi

Thân thể liền hết nát

Ngôi vua như quả kia

Mất tiêu, sanh khổ não

Giống như có một nơi

Tai dịch tạo tật bịnh

Có kẻ trí hơn người

Nghi nên liền xa rời

Nếu chẳng xa rời đi

Như ngược gió cầm lửa

Chẳng bỏ tâm tự đốt

Như khát uống nước muối

Chẳng được no bao giờ

Như La Sát đầy dẫy

Thành quách và quyến thuộc

Vì do dục sanh ra

Mất tiêu chẳng còn gì

Lại như vua muốn hơn

Huynh đệ cả trăm người

Vì dục làm nhơn duyên

Lại đều bị bại diệt

Giống như vua Bàn Triệu

Và Đề Đầu Lại Ngật

Như thế các vua kia

Mất ngôi cũng vì dục

Nên biết quốc thổ cũng như mắc lưới, lại giống như chỉ mành, như bùn nhơ, lại như sóng vỗ, lại cũng như sóng biển, như rừng bị cháy, lại như vực thẳm nguy hiểm, giống như địa ngục. Ai là người trí; đang vui tham đắm, là những khổ lớn. Ai là người trí mà sanh lạc tưởng như Đại Vương nầy, thật là kinh khủng, bị sai lầm như vậy, bị cuồng si như thế cũng giống như lấy tay người cuồng đánh vào trẻ thơ, bịnh tật chẳng dừng. Giống như huyễn hóa, ngũ dục điên cuồng, lại cũng như thế, giống như khỉ vượn ở trên núi cao thấy mây che phủ tưởng là chỗ kiên cố nghĩ là đất cứng, liền phi thân nhảy xuống xa cả trăm trượng, chỉ làm khổ cho thân mệnh. Tất cả đều đổ vỡ chết chóc.

Lại như Giả Can thấy cây Thục Gia và tưởng quả nầy giống thịt khi rơi xuống đất, liền bốc để ăn. Rõ chẳng phải thịt, liền nghĩ lại rằng: Đây chẳng phải thịt thì trên cây kia chắc là có thịt, nên chấp thủ ấy giống như sự khốn khổ của ngũ dục làm cho vua điên cuồng, lại cũng giống y hệt như thế. Lại giống như trẻ thơ ngu dại tham mùi vị của kẹo tròn; nên khi người ta viên bùn tròn, tưởng là kẹo, mà thật ra chẳng phải điều chơn thật, chạy theo cực khổ, cũng chỉ được viên bùn. Cũng giống như khi nóng bức thiêu cháy khát khao kẻ ngu khờ. Cũng giống như có nhiều người đứng trước việc huyễn hóa mà có thể thấy nhiều loại khác nhau. Nếu huyễn tan đi, màu sắc hình ảnh liền mất. Cũng giống như họa hình và các cơ quan của Sư. Như chó sủa hình ảnh của mình nơi miệng giếng, giận mắt cắn đuôi. Nghĩa là thấy ảnh đục ở dưới đáy giếng liền la hoán lên rồi sanh ra sân hận, rồi lao đầu xuống giếng mà chết.

Nầy Đại Vương! Vì việc lành mà quan sát. Vì sao ngũ dục mà được thường còn. Vì sao ngôi vua mà được lâu bền? Danh vọng uy thế rồi cũng chẳng còn gì ở lại. Làm sao biên giới quốc gia chẳng bị dời đổi. Làm sao cho những của quý mà chẳng bị mất mát? Làm sao cho dục lạc lại thường hằng bất biến? Cái khổ ấy thọ rồi, tất thọ tiếp chuyện sầu bi liên tục. Làm sao có chuyện gặp gỡ mà chẳng có sự biệt ly? Tất cả ngũ dục thể tánh của nó thật là khổ sở. Tất cả đều từ sự vọng tưởng mà sanh ra và cho đó là vui. Làm sao các hành chẳng giống cây chuối của thành Càn Thát Bà? Đại Vương vì sao ở nơi sanh, già, bệnh, chết, sầu bi, lo sợ, bức bách? Vì sao vì quốc gia ít vui mà lại sanh ái lạc? Như nai trong rừng tứ bề bị lửa thiêu, như chim mắc bẫy; như cá bị lưới, như rùa bị câu, như sư tử bị tên độc xuyên tim. Như rồng khóc than, như người ở trong phòng bốn bề bị lửa vây. Như ở chỗ hiểm nguy hoa gỗ mục, liền sanh bịnh tật. Như ao hoa đẹp có La Sát ăn nuốt sống người. Rồi lại nói kệ rằng:

Sanh, lão, bệnh, tử lo

Trong ấy chưa giải thoát

Vô minh, ái tên độc

Nếu chưa được ra khỏi

Người, vua, ngươi thế nào

Mà sanh vui, trước, tưởng

Như voi ở trong rừng

Bốn bề bị lửa lớn

Chạy khỏi nơi chốn nầy

Sao có được niềm vui

Đại Vương phải nên rõ

Ngôi cao như Tu Di

Người trí quán sát sâu

Chẳng muốn nơi việc nầy

Mà sanh suy nghĩ kỹ

Người muốn thoát thế nào

Thật làm nô bộc ái

Mà suy nghĩ cao quý

Xả bỏ tài sản quý

Lại sanh ra giàu có

Chẳng lành dùng phương tiện

Sanh ra tưởng trí tuệ

Vì chúng, lo phiền não

Lại sanh tưởng không bịnh

Chưa thoát khỏi kiếp người

Đừng sanh tưởng không sợ

Nơi mười hai rừng cắt

Đừng sanh tưởng không lìa

Dục liền thúc các căn

Lại sanh nên có giặc

Đại Vương nên biết rằng khi thân nầy một ngày nào đó tất phải bị bại hoại, có gì đâu mà nương chiều yêu đắm, tất có ngày sầu khổ về sự hoại diệt ấy. Tài sản, xe cộ tất cũng có ngày tản mất.

Nầy Đại Vương! Theo như Phật dạy: „Ngôi cao như mộng, ân ái bỗng có và người ở nơi ngũ dục sanh ra hy hữu cho rằng khó gặp được; nhưng bậc hiền đức đối với việc nầy, chẳng phải vì cái danh ấy, nên đã thường quan sát“. Vì sao vậy? Vì ngôi vị, ái ân tất nhiên có sự chia lìa như những con chim tối bay về đậu chung một cây; nhưng sáng sớm đã tứ tán. Lại cũng giống như phòng trọ, tối khách đến; nhưng sáng mai lại đi đường khác. Cũng giống như lên thuyền, ghe chở nhiều người khác nhau, khi đến bờ rồi, phần ai nấy đi theo đường của mình. Lại cũng giống như thuyền trôi nổi đó đây gom lại thành cây gỗ, chất cao như núi Tu Di; nhưng rồi cũng lại phân tán mỏng ra. Cũng giống như mây bay và núi Tu Di kia cũng tan hoại. Nơi tạo ra âm nhạc, nam nữ tụ tập vui chơi theo tiếng nhạc rồi sau đó cũng rã bè, mỗi mỗi tự tan. Cung nhơn, mỹ nữ, đoan chánh, mỹ miều; nhưng cũng phải gặp lẽ vô thường; nên mới gặp đó rồi lại bỏ đi. Cũng như hoa trên cây có ong vầy tổ ở đó; nhưng khi hoa rụng hết rồi thì ong lại bay xa. Như ao kia hoa khô héo thì trâu voi chẳng có vào. Như hồ lớn nước đầy thì hạc vui ở đó và ca múa; nếu khô cạn rồi liền lại bay xa. Khi phước của một nhà hết rồi thì danh lợi chẳng còn nữa. Cũng giống như mây đen bủa vây, sấm chớp nổi dậy; như gió thổi mây và điện ấy chẳng hiện hữu. Nếu kia không bỏ ngươi thì ngươi cũng phải bỏ kia. Như mùa hạ qua đi thì lông cánh của chim se sẻ đều phải rụng lông. Như mùa đông lạnh chim hồng đến ở, rồi lại xa bay. Như cây A Du Đà lúc hoa lá đầy cành thì người người vui chơi ưa thích; nhưng đến khi khô héo rồi, lúc chẳng có hoa thì người ta chẳng hề ngó ngàng đến. Cũng giống như những tàng hoa, người mến thì yêu quý; nhưng khi hoa héo rồi lại vứt bỏ đi. Nên liền nói kệ rằng:

Vô thường chẳng bền chắc

Như cây chuối chẳng thật

Giống như mây bay kia

Thiên Vương ngôi tối cao

Nguy hại cũng dường ấy

Người, Vua nên rõ biết

Tham lợi quá, xa lìa

Như nước nhỏ trong hang

Ham thích hay khinh thường

Thay đổi như chong chóng

Ngu si nhiễm chỗ dục

Chẳng rõ nên đọa lạc.

Tôn Giả bảo rằng: Nầy Đại Vương! Nay ta vì Vua mà lược nói thí dụ về những sự sanh tử, tham đắm mê muội. Nhà vua chí tâm nghe.

„Có một người đi ở giữa đường gặp một con voi dữ, thấy voi vội chạy, voi hung hăng đuổi theo xuống hố; chẳng thấy có chỗ nào nương tựa liền thấy một miệng giếng, rồi tìm được rễ cây. Khi vào trong giếng rồi thấy có hai chuột đen trắng, đang lấy răng cắn rễ cây kia. Chung quanh 4 thành giếng lại có 4 con rắn độc, muốn nuốt chửng người nầy, mà ở phía dưới đáy giếng cũng có một con rồng độc. Bên hông thì sợ 4 con rắn; phía dưới lại sợ rồng độc nên cố bám vào rễ cây, cây nầy lại giao động và từ trên cây cao ong nhỏ 3 giọt mật rớt ngay vào miệng. Lúc ấy nếu động cây gây đổ thì ong bay đi nơi khác. Nọc độc sẽ hại người nầy. Rừng lại bị cháy, lan dần đến thiêu đốt cây nầy. Đại Vương nên rõ! Người kia khổ não biết là dường bao! Không thể kể xiết nổi“.

Vua nghe buồn rầu và lo về những việc xấu tệ nên nói rằng: Người kia được hưởng vị ngọt thật ít, mà sự khổ lại quá nhiều. Kẻ hưởng vị ấy như dấu chân trâu ở dưới nước, mà sự khổ sở giống như biển lớn. Vị ngọt ấy như như hạt cải mà sự khổ như núi Tu Di. Vị ấy như lửa nung còn sự khổ như mặt trời mặt trăng đốt cháy, như ngó sen rỗng nầy đối với thái hư to lớn. Lại như con muỗi nhỏ sánh với chim Đại Bàng. Vị khổ não nầy nhiều ít cũng giống như vậy.

Tôn Giả bảo: Nầy Đại Vương! Sự mênh mông ấy dụ cho sanh tử. Người đàn ông kia dụ cho những kẻ phàm phu. Con voi kia dụ cho sự vô thường. Miệng giếng kia dụ cho thân người. Rễ cây kia dụ cho mạng người. Con chuột đen trắng ấy dụ cho ngày đêm. Rễ bị đứt tượng trưng cho niệm niệm hằng diệt mất. Bốn con rắn độc ấy dụ cho Tứ Đại. Mật kia dụ cho ngũ dục. Những con ong kia tượng trưng cho giác quan ác. Lửa rừng thiêu đốt ấy dụ cho sự già. Bên dưới giếng rồng độc dụ cho sự chết. Cho nên phải biết rằng: Vị ngọt thật ít; nhưng sự khổ quá nhiều. Sanh lão bệnh tử, đối với tất cả mọi người. Muốn được tự tại thì người đời thân tâm phải khổ sở, chẳng có nơi nương tựa. Các khổ ấy bức bách. Rõ ràng như điện, cho nên phải lo buồn, chẳng nên tham đắm.

Nầy Đại Vương! Bây giờ ta khuyên Vua lời nói tuy thô vụng; nhưng thật là lợi ích.

Vua nghe lời ấy rồi áo, lông đều dựng đứng, vui buồn lẫn lộn, nước mắt dầm dề, liền đứng lên chắp tay và năm vóc sát đất bạch cùng Tôn Giả rằng:

Ta là đứa trẻ dại khờ, chẳng có trí tuệ, ta là kẻ hạ tặc đã tạo lời điên cuồng và với sự điên cuồng ấy nay ta sám hối.

Tôn Giả đáp:

Với ta bây giờ nhẫn để xuất gia, chẳng có gì là chẳng nhẫn thọ. Tâm ta đã thanh tịnh giống như trăng mùa thu chẳng có mây che mờ. Vua nay sám hối và nguyện cho Đại Vương giống như Trời Đế Thích được thấy dấu chân của Đạo.

Vua rất vui mừng cùng với quyến thuộc làm lễ rồi lui về cung.

    Xem thêm:

  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 16 – Phóng Sanh - Kinh Tạng
  • Bồ Tát Long Thụ Vì Vua Thiền-đà-ca Nói Kệ Pháp Trọng Yếu - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 128 – Kinh Tùy Phiền Não (Upakkilesa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Sư Tử Tố Đà Bà Không Ăn Thịt - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Nguyệt Quang Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 26 – Dối Trá - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Nhật Tử Vương Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Thắng Quân Hóa Thế Bách Luận Già Tha - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 22 – Dục Cái - Kinh Tạng
  • Pháp Mật Yếu Trị Bệnh Thiền - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 19 – Suy Nghĩ Thận Trọng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 28 – Rượi Thịt - Kinh Tạng