Kinh Lạc Tưởng
Lạc Tưởng Kinh [樂想經]
Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch
Việt dịch: Thích Chánh Lạc
***
Nghe như vầy:
Một thời Bà Già Bà ở tại rừng cây ông Kỳ Đà, vườn ông Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:
–Có các Sa môn, Bà la môn đối với địa có địa tưởng, ưa thích địa, chấp cho địa là ngã. Kẻ ấy nói: “Địa là ngã”. Ta nói kẻ ấy chưa biết được thủy, hỏa, phong, Thiên thần, Phạm thiên, A Bà thiên, A Tỳ bà thiên; đối với tịnh có tịnh tưởng, ưa thích tịnh, chấp tịnh là ngã. Kẻ ấy nói: “Tịnh là ngã”. Ta bảo kẻ ấy chưa biết Hư không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Vô tưởng xứ, hoặc một, hoặc nhiều, hoặc riêng thấy, nghe hay biết được quán giác hạnh, từ đời này đến đời sau, từ đời sau đến đời này. Kẻ ấy có tưởng này nên ưa thích nó, vì ưa thích nó, vì ưa thích nó nên chấp nó là ngã. Kẻ ấy đã hoàn toàn chấp nó là ngã rồi, ta bảo kẻ ấy (thật sự) chưa biết nó.
Có các Sa môn, Bà la môn chấp địa là thần thông, không thích địa, do không thích địa nên không chấp địa là ngã. Kẻ ấy không bảo rằng: “Địa là ngã”. Ta nói kẻ ấy đã biết thủy, hỏa, phong, Thiên thần, Phạm thiên, A Bà thiên, A Tỳ bà thiên. Cho tịnh là thần thông, không thích tịnh, vì không ưa tịnh nên không cho tịnh là ngã, ta bảo rằng kẻ ấy đã biết Hư không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Vô tưởng xứ, hoặc một, hoặc nhiều, hoặc riêng thấy, nghe hay biết được quán giác hạnh, từ đời này đến đời sau, từ đời sau đến đời này, kẻ ấy vận dụng tất cả thần thông, tỏ ý không thích, cũng không ưa, cũng không chấp là ngã, cũng không bảo rằng: “Đó là ngã”. Ta bảo kẻ ấy đã biết tất cả.
Lại nữa, ta cho địa là thần thông, không thích địa, không ưa địa, không cho địa là ngã, ta không chấp địa, ta đã biết thủy, hỏa, phong, Thiên thần, Phạm thiên, A Bà thiên, A Tỳ bà thiên, các thần thông ấy không cho là tịnh, vì không cho là tịnh nên không chấp tịnh là ngã. Ta đã biết được Hư không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Vô tưởng xứ, hoặc một, hoặc nhiều, hoặc riêng thấy, nghe hay biết được quán giác hạnh, từ đời này đến đời sau, từ đời sau đến đời này, tất cả thần thông đều không ưa thích, vì không ưa thích nên không chấp là ngã. Cho nên ta đã biết chúng.
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ kheo nghe đức Thế Tôn đã thuyết, hoan hỷ vui mừng, dứt sạch nguyên nhân chấp ngã.