Chương V: THIỀN ĐỘ VÔ CỰC
Thiền độ vô cực là gì?
Đó là lòng ngay thẳng, ý chuyên nhất, gồm thâu các lành, mang lấy trong lòng, dùng thiện để tiêu trừ các ý xấu nhơ. Thiền có bốn bậc. Hành Thiền thứ nhất bỏ chỗ tham ái, năm việc yêu tà. Mắt thấy sắc đẹp, lòng dại vì dâm, bỏ tai nghe tiếng…, mũi ngửi hương…, miệng nếm vị…, thân ưa tốt… Người có chí hành đạo ắt phải xa lìa chúng.
Lại có năm thứ che phủ: che do tham của cải, che do sân hận, che do mê ngủ, che do dâm dục, che do nghi ngờ. Có đạo hay không đạo, có Phật hay không Phật, có kinh hay không kinh, tâm ý luôn nhớ nghĩ thì thanh tịnh không nhơ bẩn. Tâm sáng suốt; thì thấy được nẻo chân, chứng đạt thì không gì là không biết. Trời, Rồng, Quỷ yêu không thể mê hoặc được, như người có mười nỗi oán mà đã lìa bỏ, thoát thân được, một mình ở trong núi, không ai biết, không còn lo sợ. Người xa tình dục, trong sạch, tâm lặng, đó gọi là Thiền thứ nhất.
Tâm đã đạt được Thiền thứ nhất rồi thì tiến hướng đến Thiền thứ hai. Bậc Thiền thứ hai như người tránh oán thù, tuy ở trong núi sâu mà vẫn còn sợ oán thù tìm đến, càng tự giấu sâu thêm. Hành giả tuy xa mười oán thù dục tình, vẫn còn sợ giặc dục đến hủy hoại chí đạo. Khi chứng được Thiền thứ hai thì dục tình hơi xa không thể làm ô uế mình được. Ở bậc Thiền thứ nhất, thiện ác tranh nhau, dùng thiện trừ ác, ác lùi thiện tiến, ở bậc Thiền thứ hai, lòng vui dừng lặng, không còn dùng thiện để tiêu diệt ác nữa. Hỷ, thiện hai ý đều tiêu diệt, mười ác bặt tăm, nhân duyên bên ngoài không len vào được trong lòng. Ví như đỉnh cao có suối, suối không có nguồn nước chảy vào, cũng chẳng phải nước do rồng mưa xuốg, mà suối tự có nước trong sạch tràn đầy, thiện từ tâm ra, ác cũng không còn do mắt, tai, mũi, miệng vào nữa. Chế ngự được tâm như vậy thì lòng hướng về Thiền thứ ba.
Ở bậc Thiền thứ ba, giữ ý vững vàng chắc chắn, thiện ác không vào được, lòng an như núi Tu-di, ác thiện không ra với việc bên ngoài, thiện ác vắng tiêu, không len vào trong lòng, giống như hoa sen, gốc cành ở trong nước, hoa búp chưa nở bị nước phủ che. Hành Thiền thứ ba thanh tịnh như hoa sen, bỏ lìa các ác, tâm ý đều an. Chế ngự được lòng như thế liền hướng về Thiền thứ tư.
ở bậc này, thiện ác đều bỏ hết, lòng không nghĩ thiện, cũng chẳng nhớ ác, trong lòng sáng sạch như ngọc lưu ly. Lại như vương nữ, tự tắm gội sạch sẽ, thân thoa hương thơm, áo mới mặc trong ngoài rực rỡ, thơm sạch hiển bày. Bồ-tát lòng ngay chứng Thiền thứ tư. Lũ tà chúng bẩn, không thể che lòng, giống như lụa sạch nhuộm màu gì chẳng được. Lại như thợ gốm, nhồi đất nặn đồ, đất không cát sỏi thì nắn đồ gì cũng được. Lại như thợ bạc, nấu chín vàng ròng, trăm lạ, ngàn khéo theo lòng mình muốn. Bồ-tát tâm tịnh, chứng được bốn Thiền ấy rồi tùy ý tự do, nhẹ nhàng bay nhảy, bước trên nước mà đi, phân tán thân thể, biến hóa muôn điều ra vào không gián đoạn, mất còn tự do, sờ mó mặt trời mặt trăng, lay động trời đất, thấy nghe thông suốt, không gì là không lãnh hội thấu đáo. Tâm thanh tịnh xem xét sáng suôt, chứng được Nhất thiết trí. Được trí này rồi, thì từ khi chưa có trời đất chúng sinh đổi thay mười phương hiện tại, các tâm đã nghĩ nhớ, việc chưa nẩy sinh, hồn linh của chúng sinh làm trời, làm người, đọa vào địa ngục Thái sơn, sinh trong loài ngạ quỷ, súc sinh, phước hết thì thọ tội, tai ương hết thì thọ phước, không chỗ xa nào mà không đi tới. Phàm được bốn Thiền rồi mà muốn được trí sáng suốt của các bậc Câu cảng, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi và trí sáng giác ngộ của các Bậc Như Lai Chí Chân Bình Đẳng Chánh Giác Vô Thượng thì cầu là được ngay, giống như muôn vật đều từ nơi đất mà sinh ra. Từ bậc đạt trí năm thông cho đến Bậc Thế Tôn đều từ bốn Thiền mà thành, cũng như chúng sinh không thể đứng vững nếu không có đất.
Đức Thế Tôn lại dạy:
-Quần sinh ở đời, dù cho có được trí của các bậc Thiên đế, Tiên thánh tuệ thông, mà không gặp kinh này thì cũng không đạt được cái định dứt lìa bốn thứ, khác nào người ngu tối. Đã có trí tuệ, mà lại nhất tâm, là gần với việc độ đời.
Đấy là Thiền độ vô cực của Bồ-tát, nhất tâm như vậy.
***
75– Thuở xưa có vị Tỳ-kheo ăn xong rửa tay, súc miệng, đi vào núi sâu, nơi gò mả, bên gốc cây mà ngồi, chấp tay, cúi thấp đầu, nhất tâm diệt tạp niệm, trong tâm ý quyết tiêu trừ năm thứ phủ che. Năm thứ ấy diệt rồi thì tâm kia bừng sáng, tối tăm lui mất, sáng suốt hoàn toàn ngự trị. Bèn nhìn lại thương xót trời người, các loại bò bay máy cựa, thương chúng ngu si mê hoặc mãi ôm nặng năm thứ phủ che, ngăn dứt cái tâm lành sáng suốt. Trừ bỏ năm thứ che phủ thì các thiện liền mạnh, giống như người nghèo vay nợ để làm ăn, được lợi trả nợ, của cải còn dư dùng sửa nhà ở, hàng ngày có lợi thu vào, lòng người ấy vui mừng.
Lại như hàng nô tỳ được thoát làm người dân lương thiện, kẻ khỏi được bệnh khốn cùng, họ hàng ngày một đông đảo, như kẻ bị tội nặng giam cầm trong ngục, gặp dịp ân xá được thoát khỏi.
Lại như người đi tìm châu báu qua biển, trải nhiều hiểm nguy được về đến nhà, gặp lại người thân, vui sướng không lường.
Lòng mang năm thứ che phủ như bị năm cái khổ ấy. Tỳ-kheo thấy rõ sự thật, lìa bỏ năm thứ che phủ, giống như những người phàm kia thoát khỏi năm nạn trên. Năm thứ che phủ lùi thì trí sáng tiến, các ác thảy đều bị tiêu diệt, chí đạo cường thịnh, liền chứng được Thiền thứ nhất, từ Thiền thứ nhất đến Thiền thứ hai, thường có ba hạnh:
Một là Cần lực.
Hai là Sổ niệm.
Ba là Tư duy.
Từ ba việc này thành được Thiền thứ tư. Đi từ Thiền thứ nhất đến Thiền thứ hai, từ Thiền thứ hai đến Thiền thứ ba, từ Thiền thứ ba đến Thiền thứ tư. Thiền thứ tư hơn Thiền thứ ba, Thiền thứ ba hơn Thiền thứ hai, Thiền thứ hai hơn Thiền thứ nhất, ở bậc Thiền thứ nhất thì mười ác lui, năm thiện tiến lên.
Mười ác gồm những gì?
Mắt ưa sắc đẹp, tai ưa tiếng hay, mũi ưa hương thơm, miệng ưa vị ngon, thân ưa chạm tốt, cộng thêm với năm thứ che phủ ở trên, gọi là mười ác.
Năm thiện gồm những gì?
Một là kế, hai là niệm, ba là ái, bốn là lạc, năm là nhất tâm. Đây là năm thiện ở bên trong.
Ở bậc Thiền thứ hai thì không còn kế, niệm nữa. Chế ngự tâm quán sát bên trong, hạnh thiện ở bên trong, không còn do tai, mắt, mũi, miệng ra vào nữa nên hai hạnh thiện, ác không còn can thiệp vào nhau, tâm trụ ở trong chi có hoan hỷ. Hạnh Thiền thứ ba trừ bỏ hoan hỷ, tâm hướng về thanh tịnh, trong lặng tịch tĩnh. Đức Thế Tôn, chư Phật, A-la-hán dạy:
-Những ai có thể diệt dục, làm sạch cõi lòng thì thân trọn đời luôn an ổn.
Bậc Thiền thứ tư thì tâm hỷ bỏ đi, chứng được định, tịch tĩnh. Thiền thứ nhất, tai bị tiếng làm loạn. Thiền thứ hai, tâm bị niệm làm loạn. Thiền thứ ba, tâm bị hoan hỷ làm loạn. Thiền thứ tư tâm bị hơi thở làm loạn. Thiền thứ nhất tai ngừng tiếng loạn thì tiến đến Thiền thứ hai. Thiền thứ hai niệm diệt hết thì tiến đến Thiền thứ ba. Thiền thứ ba hoan hỷ diệt thì tiến đến Thiền thứ tư. Thiền thứ tư hơi thở diệt thì chứng được pháp Định không.
Thiền độ vô cực của Bồ-tát luôn nhất tâm như vậy.
***
76– Chí đạo của Bồ-tát, thường dùng mấy sự việc có thể khiến cho trong tâm thanh tịnh chuyên nhất, chứng đắc thiền. Khi thấy người già đầu bạc, răng rụng, hình thể đổi khác, thấy thế thì lòng hiểu rằng: “Ta sau này ắt như vậy”. Một lòng hiểu vậy thì đạt được thiền.
Hoặc thấy người bệnh, thân tâm khôn đốn, đau đớn như bị đánh gậy, bùi ngùi hiểu ra: “Ta sau này cũng như thế”. Một lòng hiểu như vậy thì đạt được thiền.
Hoặc thấy chúng sinh thọ mạng hết rồi, hơi thở dứt, khí ấm tan đi, thần hồn rời khởi, thân xác lạnh tanh, họ hàng bỏ rơi, đem đặt ngoài đồng xa, trong khoảng mười ngày thì thân thể sình lên thôi rữa, hoặc bị chồn, chó, các loài chim đến ăn thịt, thịt da sinh dòi, dòi quay lại ăn thịt của thân, mủ, máu nước dơ chảy nhầy nhụa trên đất, xương cốt rời rã mỗi đoạn một nơi, chân, bàn chân, đùi vế, xương mông, xương ống, xương sườn, xương tay, đầu, răng, sọ mỗi thứ đều tự chia lìa. Người học đạo nghĩ: “Phàm đã sống là có chết, người vật như huyễn, hợp tức có tan, thần hồn, đi thân thể rã. Ta há được riêng khác, không như thế sao?” Thấy vậy thì buồn thương, một lòng hiểu như thế thì được thiền.
Hoặc thấy thây chết lâu thân thể xương cốt tiêu diệt, tan cùng với cát bụi bùn đất, tự nghĩ sâu rằng: ‘Thân thể ta rồi cũng như vậy”. Một lòng hiểu như thế thì đạt được thiền.
Hoặc do nghe về khổ độc dữ, nước sôi, lửa bỏng của ngục Thái sơn, đau đớn khốc liệt, những nỗi nhọc nhằn, đói khát của loài ngạ quỷ, những sự khổ sở vì bị mổ, giết, cắt, chặt của loài súc sinh, lòng thấy những điều đó, ngạc nhiên. Một lòng hiểu vậy thì được thiền.
Hoặc thấy kẻ nghèo cùng, đói rét, mà chết. Hoặc thấy kẻ có hành vi phi pháp bị phép vua trừng phạt. Người học đạo nghĩ: “Người này bị nạn là do không có chí đạo. Ta không tinh tấn ắt lại như họ vậy thôi”. Một lòng hiểu vậy thì đắc thiền. Nghĩ sâu, quan sát chính bên trong bản thân, dưới thì bị đại, tiểu tiện bức bách, trên thì bị nóng lạnh lấn hiếp. Nhân đó biết rõ về thân là đáng ghét. Một lòng hiểu vậy thì được thiền.
Hoặc gặp năm mất mùa, ngũ cốc vơi cạn, dân chúng nghèo cùng làm loạn, đánh giết lẫn nhau, thây chết ngổn ngang. Thấy đó nên buồn thương nghĩ: “Ta không hành đạo ắt cũng như vậy”. Một lòng hiểu thế thì được thiền. Thấy có thịnh có suy, của cải khó má bảo tồn, trẻ trung tráng kiện thì có già lão bệnh hoạn thọ, mạng như ánh chớp. Kinh ngạc nhớ nghĩ thế thì ngạc nhiên, một lòng hiểu vậy thì được thiền. Nghĩ về Đức Phật tướng tốt lồng lộng, đều do tu hành thanh tịnh mà thành Bậc Thế Tôn, nghĩ vậy lòng vui, một lòng hiểu thế thì được thiền.
Hoặc luôn nhớ diệu nghĩa sâu xa của kinh điển, những hạnh cao của hàng Sa-môn, một lòng hiểu vậy thì được thiền. Thân chỉ
làm thiện, trước sau tích lũy công đức, một lòng nghĩ vậy thì được thiền. Chỉ kẻ ngu mới mong trái với pháp sáng của Đức Phật, đã nhọc nhằn mà thêm tội. Chư Thiên ở đời, giữ giới trì trai, tự đạt đến cõi trời, sống lâu, vinh hiển không lường. Một lòng hiểu như vậy thì được thiền.
Nhận kinh thâm diệu của Đức Phật, rồi tư duy kỹ lưỡng về nghĩa sâu đó, vì chúng sinh dạy bảo dắt dẫn, trong lòng hoan hỷ. Một lòng nghĩ vậy thì đạt được thiền. Luôn nhớ nghĩ về chúng sinh có thành liền có hoại, mọi sự hoại diệt đều thống khổ, nghĩ thế buồn thương. Một lòng nghĩ vậy thì đạt được thiền.
Tánh khí của chúng sinh, không thể tự giữ lấy, xưa nay luôn biến đổi, người học đạo tự sợ hãi, mạng hết chết đến, hoặc đọa vào đường ác, thấy rõ nẻo vinh hoa của cuộc đời thật dối như mộng, tâm lại tỉnh ngộ. Một lòng nghĩ vậy thì đạt được thiền.
Các món ăn vào miệng, cùng với nước giải hòa quyện, ngoài ngon trong thôi, hóa thành phân, nước tiểu. Nhớ nghĩ lại đáng chán, một lòng nghĩ vậy thì được thiền.
Đứa trẻ ở trong bụng mẹ, mới đầu đọng lại như cháo, rồi dần dần lớn lên, đủ tháng đủ ngày, thân thể đều hình thành, đến nạn sinh ra, nhiều nguy ít an, sau khi đã sinh, các thứ bệnh hoạn cùng tăng, hoặc sống được một, hoặc mười, hoặc năm mươi, thậm chí cả trăm năm đi nữa cũng đều phải già chết, không ai khỏi cái nạn ấy. Nghĩ mình cũng thế. Một lòng nghĩ vậy thì được thiền.
Có còn tức có hoại, theo tìm không chốn, ba cõi đều không, lòng chẳng tham luyến, nghĩ thương chúng sinh không thấy kinh Phật, bị tà dục che khuất, không biết vô thường, nên thệ nguyện cứu vớt. Một lòng nghĩ vậy thì được thiền.
Hoặc chí quyết hoàn thành hạnh cao, luôn giữ bốn thứ tâm, thương xót nuôi dưỡng chúng sinh, giống như mẹ hiền thương giữ con trẻ. Con theo bạn bè nô đùa, mẹ đem lòng Từ bi đi tìm, thấy con bị bùn bụi làm dơ bẩn, đói khát kêu khóc. Thấy con như thế, thương đến rơi nước mắt, bồng con trở về, tắm rửa thay quần áo, cho ăn uống, con được khỏe khoắn, vui tươi, lòng từ mẫu hoan hỷ. Mẹ thương yêu giữ gìn con quanh quẩn bên mình, không bỏ bê như trước nữa. Người học đạo từ bi, yêu thương giúp đỡ chúng sinh còn hơn mẹ hiền kia, chỉ dạy mọi người trong thiên hạ, cùng các loài bò, bay, máy, cựa… thờ Phật, xem kinh, thân chuộng chúng Sa-môn, giữ lấy giới Phật, nhớ nghĩ mà thực hành theo, xa lìa ba ác, lòng nghĩ điều thiện, miệng nói điều thiện, thân làm việc thiện, ngăn chặn ba việc ác trên, luôn hưng khởi ba việc thiện, thì mãi mãi khiến không phải chịu nỗi cùng khổ, hiểm nguy nơi địa ngục Thái sơn, ngạ quỷ, súc sinh nữa, yên ổn nơi nhà phước đức vô bờ. Người học đạo lại còn tìm theo để dạy dỗ, sợ ở nơi nhiều phước rồi trở nên kiêu ngạo, phóng đãng, buông thả theo lòng ác mà trở lại nơi ba nẻo dữ, cũng là cái họa của sự giàu sang. Bèn đem cảnh vô thường, khổ, không, biến đổi để khuyên răn. Khuyên giữ vô vi, như lòng người mẹ hiền gìn giữ con. Tư duy về mười sáu việc, một lòng nghĩ vậy thì đạt được thiền. Mười sáu việc ấy gồm những gì?
-Hơi thở dài, ngắn liền tự biết, hơi thở động thân liền tự biết. Hơi thở nhỏ liền tự biết. Hơi thở nhanh chậm liền tự biết. Hơi thở dừng, đi liền tự biết. Hơi thở vui, buồn liền tự biết. Tự nghĩ về vạn vật vô thường, hơi thở tự biết, vạn vật quá khứ không thể đuổi theo, hơi thở tự biết. Lòng không điều suy, bỏ đi chỗ nghi hơi thở tự biết. Buông bỏ thân mạng hay không bỏ thân mạng, hơi thở tự biết. Người học đạo nghĩ ngợi sâu xa. Có đó tức được đó. Không có tức không được đó. Phàm có sống ắt có cái nạn già chết, hồn linh không mất, liền phải thọ thân. Không sinh thì không già, không già thì không chết. Một lòng nghĩ vậy thì được thiền.
Người học đạo dùng mắt quan sát về sự sống chết ở đời, chỉ dốc quán về mười hai nhân duyên, một lòng nghĩ vậy thì được thiền.
Người học đạo dùng năm việc để tự quán về hình thể. Một là tự quán về mặt mày nhiều lần biến đổi. Hai là khổ vui nhiều lần thay đổi. Ba là tâm ý nhiều lần biến đổi. Bốn là thân thể nhiều lần đổi khác. Năm là thiện ác nhiều lần cải đổi. Đó là năm việc, có nhiều biến đổi giống như dòng nước chảy trước sau dồn dập. Nghĩ những việc này mà dốc một lòng thì được thiền.
Người học đạo nhớ thiền phải thế nào?
Mắt thấy người chết, từ đầu đến chân, nghĩ kỹ nhìn rõ giữ niệm trong tâm; đi, đứng, nằm ngồi, ăn uống… mọi việc luôn giữ niệm ấy nơi tâm để củng cố ý chí thì được thiền, suy nghĩ tự tại. Ví như người nấu cơm đến mấy hộc gạo, muốn biết chín chưa, chỉ cần lây một hột gạo đang nấu mà xem, hột gạo ấy đã chín thì biết là phần còn lại đều chín. Chí đạo cũng như thế.
Tâm đi về giống như dòng nước chảy. Người học đạo nghĩ thẳng một việc, tâm dừng, ý sạch thì có thể chứng được đạo chân A- la-hán giải thoát. Ớ bậc Thiền thứ nhất, muốn chứng A-la-hán có thể được chăng?
Đáp:
-Trong ấy có người chứng được, có người không chứng được.
-Làm gì thì có thể được, làm gì thì không được?
Trong Thiền thứ nhất mà có “niệm”, có “ái” thì đạo không thành. Trời đất vô thường, hư không khó giữ, cấu bẩn nơi tâm sạch hết, không còn ý niệm tham ái, tâm thanh tịnh như thế thì chứng được A-la-hán. Từ Thiền thứ hai, thứ ba đến Thiền thứ tư giữ tâm như ở Thiền thứ nhất, luôn nhớ đến Thiền thứ nhất, dù chưa đắc A- la-hán thì sau khi mạng chung, cũng có thể hướng đến, liền sinh lên cõi trời thứ bảy, thọ mạng một kiếp. Ở Thiền thứ hai, mạng chung sinh lên cõi trời thứ mười một, thọ mạng hai kiếp. Ở Thiền thứ ba, mạng chung sinh lên cõi trời thứ mười lăm, thọ mạng tám kiếp. Ở Thiền thứ tư, mạng chung sinh lên cõi trời thứ mười chín, thọ mạng mười sáu kiếp. Người học đạo tự quan sát về mọi nẻo trong thân thể đều không sạch, tóc da, đầu lâu, thớ thịt, nước mắt, nước dãi, gân mạch, thịt tủy rồi cả sáu phủ, năm tạng. Các thứ dơ bẩn ấy chung hợp lại mới làm thân người. Giống như dùng bao đựng đầy năm thứ lúa thóc hoa màu. Có túi chứa nước mắt, xem xét riêng ra từng thứ từng thứ đều khác. Nhận rõ về người như thế, nội quán về thân mình số lượng giống loại của bốn đại mỗi thứ đều có tên, đều là không có chủ thể. Dùng quán vô dục mới thấy người vốn không. Quán như thế mà dốc một lòng thì được thiền.
Người học đạo quan sát sâu xa, nhận rõ về trong thân bốn đại: đất, nước, gió, lửa, tóc, lông, xương, răng, da, thịt, năm tạng… Đó là thuộc đất. Nước mắt, mũi dãi, máu mủ, mồ hôi, mở, tủy não, tiểu tiện… đó là thuộc nước. Nóng ấm trong thân, chủ làm tiêu việc ăn uống, ấy là thuộc lửa. Hơi thở ra vào ấy là thuộc gió. Ví như người đồ tể giết súc vật, mổ ra riêng biệt làm bốn phần, biết tường tận đầy đủ.
Người học đạo quan sát trong thân, phân biệt bốn đại rành mạch: “Đây là đất, kia là nước..”. Lửa, gió cũng vậy, đều là không chủ thể. Luôn tâm niệm, về điều đó cho đến khi lòng hoàn toàn trong lặng. Một lòng như vậy thì được thiền.
Người học đạo biết được hơi thở dài ngắn, chậm mau, lớn nhỏ. Thảy đều phân biệt biết rõ. Giống như người nạo đồ vật thì sâu cạn tự biết, nhớ nghĩ về hơi thở cũng như thế. Một lòng nghĩ vậy thì đạt được thiền.
Thiền độ vô cực của Bồ-tát luôn nhất tâm như vậy.
***
77– Thái tử ra ngoài dạo chơi, nhà vua ra lệnh cho trong nước dẹp hết các thứ ô uế có trên đường thái tử đi qua. Thái tử ra khỏi thành, vua cõi trời thứ hai hóa làm một người già, đứng ở trước xe, đầu bạc, lưng còng, chống gậy lần bước đi. Thái tử hỏi:
-Đây là người gì?
Người đánh xe thưa:
-Đó là người già.
Hỏi:
-Sao gọi là già?
Thưa:
-Bốn đại trong các căn đã rệu rã, mạng sống còn lại khổng bao nhiêu!
Thái tử hỏi:
-Ta sau này cũng sẽ già ư?
Thưa:
-Từ xưa ai cũng phải già, không Thánh nào tránh khỏi.
Thái tử nói:
-Ta được gọi là bậc sang quý, so với kẻ phàm có khác, mà đều không tránh, như thế thì giàu sang có ích gì cho mình đâu?
Trở về cung, lòng nghĩ mãi về đều ấy. Một lòng nghĩ vậy thì được thiền.
Nhà vua hỏi người theo hầu:
-Thái tử đi dạo chơi, xem đất nước có vui không?
Thưa:
-Trên đường đi thái tử thấy người già, cảm nhận đời vô thường nên lòng không vui.
Nhà vua sợ thái tử bỏ nước đi tu, nên tăng thêm mọi sự hoan lạc, dung vinh hoa để mê hoặc, đem âm nhạc để làm loạn chí, nhằm phá lòng tìm đạo, khiến ở lại giữ ngôi báu. Sau đó thái tử lại đi dạo, vua ra lệnh:
-Không được để bất cứ người già yếu nào ở ven đường.
Vị Đế Thích trước đây lại hóa làm người bệnh với thân thể mệt mỏi, hơi sức yếu ớt, da bọc xương, nước bẩn bôi trét lên thân, đứng tựa bên cửa.
Thái tử hỏi:
-Đây lại là người gì?
Người hầu thưa:
-Đó là người bệnh.
Hỏi:
-Sao gọi là bệnh?
Thưa:
-Ăn uống không điều độ, thức ngủ không giờ giấc, nên bị bệnh. Bệnh thì có thể hết, cũng có thể chết.
Thái tử nói:
-Ta cũng ăn uống không điều độ, nằm dậy cũng không giờ giấc, nên lại cũng bị bệnh ư?
Thưa:
-Có thân tức là có bệnh, không ai khỏi được cái nạn ấy.
Thái tử nói:
-Ta không tránh khỏi được nạn này, về sau ắt cũng bị như thế.
Trở về cung, trong lòng mãi nhớ nghĩ về điều ấy mà một lòng vào thiền.
Sau lại ra đi dạo nữa. Trời Đế Thích lại hóa làm người chết, người khiêng xác, kẻ vác cờ, thương khóc đầy cả lối đi.
Thái tử hỏi:
-Đây lại là người gì?
Thưa:
-Đó là người chết.
Hỏi:
-Sao gọi là người chết?
Đáp:
-Khi mạng chung, thần hồn lìa khỏi xác, hình hài bị tiêu tan, cùng người thân xa lìa mãi, đau đớn khôn xiết.
Thái tử nói:
-Ta rồi cũng vậy sao?
Thưa:
-Ngay cả bậc Thượng thánh, đức độ thuần thục cũng khổng khỏi nạn ấy.
Thái tử cho quay xe trở về cung, rồi dốc lòng nhập thiền. Sau đó, lại ra dạo, đi đến nhà trực của ruộng vua, ngồi bên gốc cây, thấy người cày ruộng lật đất bày trùng ra, con thì bị thương, con thì chết, chim chóc đuổi theo mổ ăn, trong lòng buồn bã, than dài:
-Ôi, chúng sinh thật rối rắm, thống khổ thế này mà chịu được.
Nghĩ rồi buồn thương một lòng nhập thiền. Khi mặt trời lên cao nắng chiếu vào thân thái tử, cây liền rũ thấp cành xuống che, không cho mặt trời thiêu đốt. Vua cha tìm đến chỗ thái tử, từ xa trông thấy uy linh của bậc Thánh đức vô thượng, lòng buồn vui lẫn lộn, bất giác gieo mình cúi đầu làm lễ. Thái tử cũng cúi đầu sát đất. Cha con thăm hỏi nhau xong, Vua trở về cung, thái tử dốc lòng nhập thiền.
Thiền độ vô cực của Bồ-tát luôn nhất tâm như vậy.
***
78– Lúc thái tử mới sinh, vua bảo thầy xem tướng. Thầy tướng tâu:
-Ở lại trị nước ắt sẽ làm Phi hành hoàng đế, nếu bỏ nước đi làm Sa-môn thì sẽ làm bậc thầy của trời người.
Vua cho xây dựng cung điện ba mùa, xuân, hạ, đông, mỗi mùa có một cung điện khác nhau. Mỗi cung điện có năm trăm kỹ nữ, không mập, không gầy, cao thấp hài hòa, nhan sắc tươi sáng đều như đào mận. Mỗi cô đều rành một ít môn nhạc, dáng vẻ dịu hiền, để làm vui thái tử. Trước điện, vua cho trồng từng hàng cây ăn quả ngon ngọt, hương hoa thơm phức, xây ao trong sạch, trong có đủ các thứ hoa, các loài chim khác lạ tiếng hót hòa nhau, cửa cung đóng mở tiếng nghe xa đến bốn chục dặm, trung thần vệ sĩ tuần tra không chút lơ là. Các chim báo động như Giao thanh, Uyên ương, có điều gì khác thường là kêu liên tục. Năm mười bảy tuổi, thái tử không kinh điển gì mà không thông thạo, thầy phải quay lại bái phục thọ giáo. Nhà vua cưới vợ cho thái tử, vợ tên Cừu-di, dung nhan như hoa sánh với Thiên nữ. Sức mạnh của thái tử có thể quật ngã một lúc sáu chục con voi lớn. Năm lên mười chín tuổi, thái tử tập hợp hết kỹ nữ của ba cung điện, gồm một ngàn năm trăm người về ở một điện, buộc họ tấu các món kỹ nhạc, khiến họ mệt mỏi ngủ say để tiện bề ra đi. Trời khiến mọi người chơi nhạc đều ngủ say không biết gì. Thái tử lặng nghĩ, nhìn các kỹ nữ giống như người gỗ, xương cốt đều rỗng trông như đốt tre, tay chân rũ xuổng đất, nước mắt, nước mũi chảy ra, miệng trào nước dải hoen bẩn cả má, đầu rối, gối trống.Người tấu nhạc đều mang vòng khuyên ngọc quý lủng lẳng, khi đi đong đưa màu sắc lấp lánh. Hạt châu, chuỗi ngọc, vòng côn đẹp, khéo lụa là thêu hoa văn năm màu trên quần áo vua ban. Các nhạc khí như đàn cầm, đàn sắt, đàn tranh, sáo, kèn, ống tiêu tất cả đều để ; ngổn ngang trên mặt đất. Các chim báo động và đám người bảo vệ đều ngủ cả không biết gì. Thái tử dùng đôi mắt sáng suốt quan sát khắp mọi thân, lại nhìn vợ mình, từ đầu tóc, sọ, xương, răng, móng tay da thịt, máu, mủ, tủy não, gân mạch tim mật, lá lách, thận, gan, phổi, ruột, bao tử, nước mắt, phân, nước tiểu, nước dãi… Bên trong xem như xương khô, bên ngoài trông như bị thịt, tất cả không chút đáng quý, nơi nơi toàn là đồ bất tịnh hôi thối. Thấy đó nhớ lại cũng đủ thấy người buồn nôn, như ngoài mặt trang điểm áo quần lụa là hoa văn sặc sỡ, xông thoa hương thơm mà bên trong thì chứa đầy ; phân, nước tiểu, mủ máu. Người ngu tin cái bày bên ngoài, còn người sáng suốt thì thấy rõ bên trong nên họ lìa xa muôn dặm, hãy còn nhắm mắt lại.
Thái tử thấy chúng như là huyễn mộng, khó giữ lâu dài được, ở đời tam mượn, ắt sẽ trả về cho chủ, người nằm ngổn ngang giống như thây chết, không có gì vui. Dốc một lòng được thiền, từ thiền tỉnh ra, ngước nhìn sao trời, biết đã nửa đêm, chư Thiên hiện ra đầy bên cạnh, đang chắp tay làm lễ, tung hoa hương, tấu kỹ nhạc, cất lời nguyện vô lượng. Thái tử thấy chư Thiên cúi đầu làm lễ liền nói kinh rằng:
-Dâm dật rất ác, khiến người say cuồng. Chê chánh, khen tà, lấy tôi làm sáng. Thế nên chư Phật, Bích-chi, La-hán, chẳng khen là hay, phải mau xa tránh.
Suy đi nghĩ lại, bèn gọi Xa-nặc bảo:
-Hãy mau thắng ngựa Kiền-trắc.
Rồi lại tự nghĩ: “Cửa thành đóng mở, nghe xa đến bốn chục dặm, biết làm sao đây?”. Chư Thiên đều nói:
-Kính thưa Thế Tôn, chúng tôi ngăn cửa, khiến nó không động, để người trong cung không biết!
Chân ngựa tuyệt nhiên không nghe một tiếng nhỏ. Thái tử lên ngựa, trăm ức Đế Thích, bốn trăm ức Tứ đại Thiên vương, Trời, Rồng, Quỷ, Thần bay theo dẫn đường. Đường đi bằng phẳng, nhạc trời vịnh ca: “Đấng Vô Thượng lồng lộng. Chúng ta sinh gặp Ngài. Ánh thiêng được thấy rồi. Tiêu diệt lòng trần bẩn. Trọn đời chẳng suy phai. Khổ đau thay tám nạn. Đáng thương phải xa Ngài!”
Chư Thiên lại nói:
-May mắn thay cho chúng ta gặp Ngài!
Ngựa vừa ra khỏi cửa, cửa liền phát ra tiếng động, ngựa nghẹn ngào kêu đau thương, nước mắt chảy quanh má. Chư Thiên giấu vua, cả nước không hay biết, sở dĩ như vậy là muốn cho thái tử sớm được đắc đạo. Thái tử bỏ ngôi vị Kim luân vương bảy báu, chịu các khổ sở để cứu độ chúng sinh.
Thiền độ vô cực của Bồ-tát luôn nhất tâm như vậy.
***
79– Khi Thái tử chưa đắc đạo, lấy cỏ rơm trải đất bên gốc cây, rồi chắp tay ngồi ngay thẳng, loại bỏ các ý niệm dơ bẩn, làm trong sạch tâm, chuyên nhất chí, tự nghĩ: “Bắt đầu từ hôm nay, dù cho thịt gân khô nát tại nơi đây, nếu ta không thành Phật, nhất định không đứng dậy.”
Bồ-tát liền đắc Thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba đến Thiền thứ tư. Trong đêm thứ nhất chứng được ‘Thuật đồ thứ nhất”, biết được cha mẹ, anh em, vợ con, họ hàng của mình từ vô số kiếp. Trong đêm thứ hai chứng được ‘Thuật đồ thứ hai” tự biết chúng sinh từ vô số kiếp, giàu nghèo sang hèn, cao thấp, tốt xấu, trong tâm chúng sinh có niệm hay không niệm, không gì là không biết. Trong đêm thứ ba chứng được “Thuật đồ thứ ba”, ba độc đều diệt. Lúc đêm trở về sáng, Phật đạo đã thành, Ngài trầm lặng suy nghĩ: “Ta nay thành Phật, hết mực sâu xa, hết sức sâu xa, khó hiểu khó biết, nhỏ nhiệm nhất trong mọi nhỏ nhiệm, huyền diệu nhất trong mọi huyền diệu. Phật đạo nay đã thành, không đâu là không thông tỏ.”, bèn đứng dậy đi đến cung rồng, rồng tên là Văn Lân, chỗ ở của nó bên sông có cây. Đức Phật ngồi bên gốc cây nội: ‘Thuở xưa, Đức Phật Định Quang trao cho Ta ấn quyết tôn quý, là sẽ làm Phật hiệu Thích-ca Văn, thật đúng như điều đã nghe. Ta nay được thành Phật là do từ vô số kiếp đến giờ, dốc tu sáu độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, nguyện tích lũy công đức nay mới chứng quả cực quý, làm thiện phước theo về, không hề mất công sức của ta”. Đức Phật vừa nghĩ đến đó, thì vào thiền định vượt bực. Bên bờ sông, Đức Phật phóng hào quang chiếu suốt đến chỗ rồng ở. Rồng thấy bóng ánh sáng, vẩy vi đều dựng ngược. Rồng đã từng được thấy ba Đức Phật là Phật Câu-lũ-tần, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni và Phật Ca-diếp. Ba Đức Phật này đều ngồi tại đây thành đạo, ánh sáng đều chiếu đến chỗ của rồng. Nay rồng thấy ánh sáng liền nghĩ: “Ánh sáng này cùng với ánh sáng của ba Đức Phật trước như nhau. Thế gian lại có Phật ra đời nữa ư?” Rồng rất hoan hỷ ra khỏi nước, quay nhìn hai bên phải trái, thấy Đức Phật ngồi bên gốc cây, thân có ba mươi hai tướng tốt, màu sắc vàng tía, ánh sáng rực rỡ hơn cả mặt trời, mặt trăng, tướng tốt đoan chánh như cây cố hoa. Rồng đến trước Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát đất, rồi đi quanh Đức Phật bảy vòng, thân rồng lùi cách Đức Phật bốn mươi dặm, dùng bảy đầu che trên Phật, rồi rồng vui mừng làm mưa gió bảy ngày, bảy đêm. Đức Phật ngồi ngay thẳng, không lay động, không hít thở. Bảy ngày không ăn thì được thành Phật, lòng mừng đều dứt mọi tưởng. Rồng rất vui mừng, cũng không ăn suốt bảy ngày mà không có ý niệm về đói khát. Hết bảy ngày, gió mưa tạnh. Đức Phật từ thiền định xuất, rồng hóa làm một Phạm chí trẻ tuổi, ăn mặc tươm tất, quỳ thẳng chắp tay cúi đầu hỏi:
-Ngài đạt đến trạng thái không lạnh, không nóng, không đói, không khát, công đức hội tụ, các độc không hại, ở đời làm Phật, ba cõi đặc biệt tôn trọng, há không thích sao?
Đức Phật bảo rồng:
-Kinh điển của các Đức Phật thời quá khứ nói: chúng sinh lìa ba đường ác được làm người là thích. Ớ đời sống an nhàn, giữ chí đạo là thích. Điều xưa từng nghe, nay đều hiểu được là thích thú. Ở đời có lòng Từ bi, không hại chúng sinh là thích thú. Thiên ma, độc dữ đều tiêu diệt hết là thích thú. Đạm bạc, vô dục, không ham sang giàu là thích thú. Ớ đời đắc đạo, làm bậc thầy cả trời người, tâm đạt được định không, bất nguyện, vô tướng. Thân hữu lậu của các dục, trở về với bản thể không, trường tồn với cõi tịch tĩnh, cùng với sự khổ vĩnh viễn dứt hẳn, đó là niềm thích thú vô thượng.
Rồng cúi đầu thưa:
-Từ nay về sau, con xin tự quy y Phật, quy y Pháp.
Đức Phật bảo rồng:
-Vừa có Thánh chúng, các bậc quyết chí đạt A-la-hán, các Tỳ- kheo khổ hạnh, cũng nên tự quy y với họ.
Rồng đáp:
-Vâng, con xin tự quy y chúng Sa-môn.
Trong loài súc sinh, rồng ấy là con vật được Phật hóa độ theo về trước tiên.
Thiền độ vô cực của Bồ-tát luôn nhất tâm như vậy.
***
80– Một hôm, Đức Phật đi vào một lỐi nhỏ, bên đường có một cây lớn, Ngài ngồi bên gốc cây cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, một lòng nhập định. Có năm trăm cỗ xe đi qua. Khi ấy Đức Phật khát nước, nên gọi Tôn giả A-nan bảo:
-Ông đi lấy nước! Ta đang muốn uống.
A-nan thưa:
-Vừa có năm trăm cỗ xe đi qua, nên nước chỗ ấy rất đục, không thể uống được.
Đức Phật lại bảo:
-Ta cần nước, ông mau lấy nước lại đây.
Nói đến lần thứ ba, A-nan thưa:
-Có khe nước tên là Cưu-đối, nước trong lại ngon, tắm được uống được.
Đức Phật cùng Tôn giả A-nan nói chưa xong, thì có một người tên là Bào Kế, thờ đạo sĩ tên là La-ca-lam làm thầy. Bào Kế thấy vẻ uy linh rực rỡ của Phật, thân màu vàng tía, tướng đẹp lạ lùng, ngay cả thánh xưa cũng ít có, nên lòng vui mừng gấp bội, chắp tay tiến đến, cúi đầu thưa:
-Vừa có năm trăm cỗ xe đi qua, Đức Thế Tôn không hay biết ư?
Đức Phật đáp:
-Ta chẳng thấy, chẳng nghe gì.
Bào Kế nói:
-Đức Thế Tôn ngủ sao?
Đức Phật đáp:
-Ta ngồi thiền, được định nhất tâm.
Bào Kế ca ngợi.
-Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Giác đạt được định huyền diệu sâu xa đến thế sao? Ban nãy xe đi chấn động cả nước, thân lấm bụi bặm mà chí đạo không đổi, không hay không thấy gì. Trời đất có thể lay động mà chí ấy vẫn an định. Lúc thầy con còn sống, cũng ở nơi gốc cây bên đường mà nhập thiền, bấy giờ cũng có năm trăm cỗ xe đi qua trước mặt. Có người hỏi: ‘Ông có nghe thấy gì không?’ Thầy con đáp: ‘Không nghe không thấy’. Người kia hỏi: ‘Khi đó ông ngủ hay đi đâu?’ Đáp: Ta nhất tâm được định thanh tịnh nên không nghe không thấy’. Người kia nói: ‘Bậc A-la-hán chí đạo sâu xa mới được như thế sao! Xe qua trước mặt, thân lấm bụi đất mà không biết.’ Người kia thấy chí đạo của thầy con u huyền nên trọn đời thờ làm thầy.
Bào Kế nói:
-Chí Phật tịch định, không hề lay động, giống như thầy con thuở trước. Bắt đầu từ hôm nay đến trọn đời, con xin phụng giữ năm giới của Phật, làm Thanh tín sĩ, dốc sức dứt trừ các ác.
Đức Phật bảo Bào Kế:
-Tiếng năm trăm cỗ xe có bằng tiếng vang của sấm động không?
Thưa:
-Tiếng của một ngàn cỗ xe còn không sánh được với tiếng sấm nhỏ trong cơn mưa, nói chi đến tiếng sấm sét đùng đùng.
Đức Thế Tôn nói:
-Lúc trước Ta ở huyện A-đàm, ngồi dưới lều cỏ, tư duy về nguồn gốc của sinh tử. Bỗng có trận gió bão mưa gió sấm chớp ầm ầm đánh chết bốn con trâu đực và hai anh em người đi cày. Dân chúng của huyện ấy, người xem rất đông. Khi Ta ra khỏi lều đi kinh hành, có một người đến chỗ Ta, Ta hỏi người ấy:
-Người ta đến xem chuyện gì vậy?
Người kia kể lại sự việc, rồi hỏi: “Đức Phật lúc ấy ở đâu?”. Ta đáp:
-Ớ một mình trong lều.
Người kia hỏi:
-Khi đó Đức Phật ngủ à?
Đáp:
-Không.
Người kia nói:
-Đâu có chuyện thức mà không nghe? Chí đạo của Ngài rất sâu, từ nay về sau con nguyện thờ Đức Thế Tôn làm thầy, dốc giữ năm giới thanh tịnh làm Thanh tín sĩ, trọn đời giữ đạo chân chánh.
Bào Kế nghe chuyện ấy thì tâm mở, mọi vướng mắc đều thông tỏ, quay lại bảo người đi theo:
-Trong kho, vàng lụa dệt thành áo có hàng ngàn bộ, hãy chọn bộ nào đẹp nhất đem đến đây, ta muốn dâng cúng Đức Phật.
Người đi theo vâng lệnh, về nhà lấy mang tới. Bào Kế tự tay lấy y đắp lên Đức Phật, rồi lui lại cúi đầu thưa:
-Từ nay, nguyện xin Đức Thế Tôn bớt chút uy linh lớn lao, hạ cố đến chỗ các Thanh tín sĩ thôn chúng con, xin Ngài quá bộ đến nhà con, để cho người thân lớn nhỏ trong dòng họ được tự mình cúng dường Đức Phật. Đem hết tuổi thọ của trời đất và lòng chí kính để phụng dưỡng Trời, Rồng, Quỷ, Thần cùng các loài bò, bay, máy, cựa, cũng không bằng một ngày cúng đường trai phạn cho một vị Sa- môn, huống chi là cúng dường Đức Phật Vô Thượng Chánh Chân! Xin Đức Thế Tôn rủ lòng Từ rộng lớn, ban cho con cái phước báu vô bờ ấy.
Thế Tôn nói:
-Hay lắm!
Thiền độ vô cực, của Bồ-tát luôn dốc chí như vậy.
***
81– Đức Phật tự kể:
-Khi Ta còn làm Bồ-tát tên là Thường Bi. Bồ-tát Thường Bi thường vừa đi vừa rơi nước mắt. Đời bấy giờ không có Phật, kinh điển đều mất hết, không gặp được chúng Sa-môn Hiền thánh, mà Bồ-tát thường ao ước được thấy Phật, nghe diệu chỉ của kinh điển. Đời khi ấy uế trược, quay lưng với chánh, theo tà, ưa dối ham lợi, như loài thiêu thân thích lửa. Đâu biết Tứ đẳng tâm, Sáu độ làm cho nhà cửa an lành mãi, mà đời thì bỏ pháp ấy của Phật, chuốc lấy tai họa hiểm nguy kia để tự phá tan nát mình. Vì thế Bồ-tát mới buồn bã vừa đi vừa khóc.
Thuở xưa có Đức Phật hiệu Ảnh Pháp Vô Uế Như Lai Vương, diệt độ đã lâu, nên kinh pháp đều mất hết. Bồ-tát Thường Bi nằm mơ thấy Đức Phật ấy vì mình mà nói pháp:
-Cẩn thận đừng công cao, học hỏi hạnh của kẻ sĩ, trừ bỏ sự nhơ bẩn của lòng ân ái, không bị câu nhiễm những bụi bặm của sáu tình, không để sót lại các ái dục nhỏ như tơ tóc trong tâm ngươi. Các niệm luôn lắng trong tịch tĩnh, đó là vô vi.
Bồ-tát theo Đức Phật nghe pháp ấy, như người đói được ăn món ngon, vui mừng vô hạn, tâm cấu uế đã dứt trừ, vào được thanh tịnh. Liền rời gia đình, vợ con, vào chỗ núi sâu ở chỗ vắng lặng, dùng nước suối, trái cây rừng để nuôi thân. Trong chốn núi sâu ấy ngài dùng tay đấm ngực kêu than:
-Con sinh vào thời buổi đáng oán thay! Không gặp được đời có Phật, không nghe được kinh Phật! Đấng Thế Tôn Chí Chân của chúng sinh hiện tại khắp mười phương luôn nhìn suốt, nghe thông, đều biết hết tất cả, biến hiện phảng phất, nhưng ánh sáng soi tỏ không đâu là không tới. Xin hiện tôn linh khiến con thấy được Phật, nghe được ý thú tột đỉnh của đạo lớn pháp sáng.
Tiếng thỉnh cầu bi ai vừa dứt thì Thiên thần hiện xuống, nói: Kẻ sĩ sáng suốt chớ kêu than nữa! Đức Phật có pháp lớn gọi là ánh sáng của trí tuệ vượt bờ. Các Đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều do pháp ấy mà thành. Người phải tìm để đọc tụng tập kinh văn ấy, tìm hiểu diệu nghĩa để phụng trì, tu tập. Người ắt sẽ được bốn vô sở úy, mười lực, mười tám pháp bất cộng, thân màu vàng tía, quanh cổ có hào quang vô hạn. Kinh giáo mười phương, người sẽ làm Bậc minh chủ, Bậc tôn quý trong các Thánh, làm Thầy của trời người, các Phật, A-la-hán có chỗ không có.
Bồ-tát Thường Bi ngẩng đầu nhìn, đáp:
-Tôi phải theo ai để được pháp quý ấy? Phải dùng phương tiện gì và đi đến đất nước nào? Vị thầy đó tên họ là gì?
Vị trời kia đáp:
-Ngươi từ đây đi thẳng về hướng Đông, không nhớ nghĩ đến sắc, thống (thọ), tưởng, hành, thức; không nghĩ tới khổ vui, thiện ác. Tai, mắt, mũi, miệng, thân, tâm, ta, người và cả việc đời trước đã trải, việc đời sau sắp đến. Đừng nhớ tới đất, nước, gió, lửa, hư không; các sắc xanh, vàng, trắng, đen và các màu; các nẻo tham dâm, giận dữ, ngu si, ganh ghét, nam nữ, họ hàng, phải trái trước sau, cao thấp, chậm mau, không nghĩ đến có Phật, không Phật, có kinh đạo, không kinh đạo, có Thánh hiền, không Thánh hiền… tâm ý người phải rỗng không, dứt hết các ước nguyện, ngươi dốc giữ lòng, không trái lời chỉ dẫn của ta thì sẽ thấy được Thánh điển của trí tuệ vượt bờ.
Bồ-tát Thường Bi ngẩng đầu thưa:
-Vâng xin trọn đời giữ.
Vị trời lại nói:
-Phải siêng năng nhớ lấy.
Nói xong, vị trời chợt biến mất. Bồ-tát nhận lời chỉ dạy, lòng ngay ý sạch, nhắm hướng Đông đi tìm. Đi được vài ngày, bèn dừng lại tự nghĩ: “Ta trước vốn phước mỏng, sinh không gặp Phật, đời không có Sa-môn, vua tôi mờ mịt không biết có Phật là Bậc có trí tuệ vượt bờ, là Bậc Thầy tôn quý đã dứt bóng tối.” Cách đấy mấy dặm, lúc chưa thấy gì, trong lòng buồn thương hết mực, vừa đi vừa khóc, tâm thành như thế nên cảm động đến chư Phật. Đức Phật từ phương trên bay đến trước mặt, thân màu vàng tía, tướng tốt tuyệt vời hơn cả Thánh, mặt như trăng tròn, quanh đầu cổ có hào quang sáng như mặt trời. Chư Thiên theo hầu mang màn báu, lọng đẹp, tấu nhạc, tung hoa, chắp tay cúi đầu. Đức Phật khen ngợi Bồ-tát:
-Lành thay! Lành thay! Chí dốc cầu đạo của ngươi thật ít có trên đời.
Bồ-tát gặp Đức Phật, trong lòng vừa vui vừa buồn, cúi đầu thưa:
-Nguyện xin Đức Phật thương con! Dứt hết mọi hệ lụy, cởi hết mọi trói buộc giúp con, mở mất mù tối cùng chữa lành bệnh cho con, vì con mà thuyết giảng kinh pháp.
Đức Phật bảo:
-Ba cõi đều không, phàm cái gì có đều là không, vạn vật như huyễn, vừa sinh liền diệt, giống như bọt nước, thấy rõ cuộc đời như vậy ngươi hãy nghĩ về điều ấy, Ta vì ngươi mà thuyết giảng kinh pháp, hãy giữ lòng ngay dốc lắng nghe, cẩn thận đừng quên. Từ đây đi về phương Đông hai dặm, có đất nước tên là Kiền-đà-việt, là thành trì của các vị Bồ-tát. cả nước toàn là những bậc Thượng sĩ, không có người phàm tục. Nếu muốn nói về công đức của các vị Bồ-tát thì dù có kể đến hết kiếp, công đức ấy vẫn còn. Có vị Bồ-tát đức cao chí tôn tên là Pháp Lai. Ở trong các thánh, khác nào chòm sao có thêm vầng trăng, luôn ghi nhớ kinh điển, trí tuệ vô hạn, thường diễn giảng về trí tuệ vượt bờ, dạy người liên tục. Các vị Bồ- tát có người nghe kinh, người tụng, người chép, người san định nguyên bản của kinh, ngươi đến sẽ thấy họ, họ ắt làm thầy ngươi, khuyên ngươi tìm Phật. Hãy mau đến đó, tự họ sẽ vì ngươi nói toàn bộ về đức lớn của trí tuệ vượt bờ.
Bồ-tát Thường Bi nghe Đức Phật khen ngợi danh đức của các vị Bồ-tát kia, tâm nhập vào pháp hỷ, đắc định hiện tại, các tưởng đều lặng, thấy hết chư Phật vì mình thuyết giảng công đức của trí tuệ vượt bờ, khen mình có công tinh tấn, dốc chí tìm Phật, nên đều khen:
-Lành thay! Chí đi tìm Phật, ngươi đã gặp rồi đó! Ta ở đời quá khứ, khi mới phát tâm cũng đều như thế. Các vị Phật quá khứ, đương lai và hiện tại cũng đều dốc cầu tìm như ngươi cả. Ngươi ắt sẽ thành Phật, tế độ tất cả chúng sinh.
Bồ-tát Thường Bi từ định xuất, ngoái nhìn hai bên không thấy chư Phật hiện nữa, lòng liền lại buồn, rơi nước mắt nói:
-Ánh sáng linh thiêng của chư Phật từ đâu đến, nay lại đi về đâu như thế?
Thiền độ vô cực của Bồ-tát luôn nhất tâm như vậy.
***
82– Thuở xưa, có hai vị Bồ-tát, chí hạnh thanh tịnh, bên trong lặng, vô dục, bên ngoài như vàng trời, lìa bỏ lũ uế trược, vào sông nơi núi đầm, khoét đá làm nhà, ở yên chí tịnh, áo cỏ, chiếu rơm, ăn trái cây, uống nước suối, thanh tịnh vô vi, tâm ý như hư không, gồm đủ bốn Thiền, chứng được trí năm thông: Một là có thể nhìn thấu suốt, không chỗ xa nào là không thấy. Hai là có thể nghe thổng, không tiếng nhỏ nào là không nghe. Ba là có thể bay lượn vào ra, khống gì ngăn trở được. Bốn là có thể biết rõ các ý niệm trong lòng chúng sinh khắp mười phương. Năm là có thể tự biết những thay đổi của đời mình từ vô số kiếp đến nay. Phạm vương, Đế Thích, Tiên thánh các Trời, Rồng, Quỷ… không ai là không cúi đầu đảnh lễ. Hai vị ở trong núi đầm đã hơn sáu mươi năm, thương xót nghĩ đến chúng sinh trôi nổi trong cảnh ngu tối, không biết làm ác, sau có tai ương nặng, hạn chế tình, từ bỏ dục, kính phụng ba ngôi báu, phước ứng liền ngay, ắt được giàu sang. Hai vị Phạm chí ấy, một tên là Đề-kỳ- la, một tên Na-lại. Đề-kỳ-la đêm dậy tụng kinh, mệt quá nằm ngủ, khi ấy Na-lại cũng dậy tụng kinh, lỡ đạp nhầm đầu của Đề-kỳ-la. Đề-kỳ-la liền thức dậy, nói:
-Ai đạp đầu ta, sáng mai khi mặt trời mọc một sào, ta sẽ đập bể đầu người ấy làm bảy phần, được chăng?
Na-lại nói:
-Tôi lỡ đạp nhằm đầu ông, sao nỡ rủa thề nặng thế? Phàm các thứ đồ vật không biết đi còn có khi đụng chạm, huống chi con người ở chung với nhau suốt cả đời mà không có lầm lỗi sao? Lời ông thường đúng! Sáng mai mặt trời mọc, đầu tôi ắt vỡ làm bảy phần. Vậy tôi phải ngăn mặt trời không cho nó mọc.
Mặt trời bèn không mọc trong khoảng năm ngày. Cả nước tối tăm, đèn đuốc phải thắp liên tục, các quan không đi làm được, vua dân hoảng hốt, họp các quan lại, mời đạo sĩ, vua nói:
-Mặt trời không mọc lỗi ấy tại đâu?
Trong số đạo sĩ ấy, người chứng được năm thông tâu:
-Hai vị đạo sĩ trong núi có chút tranh chấp, nên đã ngăn mặt trời không cho mọc.
Nhà vua hỏi:
-Họ tranh chấp duyên cớ gì?
Vị đạo sĩ thuật rõ đầu đuôi câu chuyện cho vua biết. Vua nói: Vậy phải làm sao đây?
Đáp:
-Vua nên đốc suất các quan cùng dân chúng không kể lớn nhỏ mau đến chỗ họ cúi đầu xin hòa giải, thì họ ắt sẽ tự hòa giải.
Nhà vua liền xuống chiếu, theo như lời đạo sĩ. Rồi vua đến chỗ núi đầm, cúi đâu thưa:
-Nước giàu dân an là nhờ ân nhuần của hai vị, mà nay hai vị , bất hòa làm cho đất nước mất chỗ trông nhờ, lỗi ấy tại ta, dân chúng không có tội gì, vậy xin xá cho.
Na-lại nói:
-Nhà vua nên hiểu ý của vị kia, nếu ý ông ấy đã mở thì tôi thả mặt trời ra ngay.
Vua đến chỗ Đề-kỳ-la, nói lại ý của Na-lại. Vua lại nói:
-Khiến vị kia lây bùn đắp lên đầu, rồi thả mặt trời ra, bùn trên đầu vỡ làm bảy phần, còn đầu Na-lại thì không hề gì.
Vua, tôi, lê dân không ai là không vui mừng. Hai đạo sĩ vì vua nói rộng về phương pháp trị nước:
-Phải dùng lòng Từ của bốn tâm khổng bị ngăn che, khuyên dân vâng giữ năm giới, thực hành mười nẻo thiện.
Vua và thần dân thảy đều cùng thọ giới. Nhà vua trở về kinh đô xuống chiếu:
-Người trong nước, chẳng kể là hàng tôn quý hay thấp hèn, đều phải mang kinh năm giới, mười thiện dùng làm chính sách của nước.
Từ đó về sau, ân vua thấm nhuần đến cây cỏ, tôi trung vừa thành thật vừa trong sạch, khiêm tốn; cha đúng phép, mẹ hợp nghi,
vợ chồng đều chuộng giữ đạo trinh tín, nhà có con hiếu.
Đức Phât nói:
-Hai vị Bồ-tát thấy vua nước ấy không biết ba ngôi báu, quan dân mờ tối, bi tà kiến ngăn che, giống như trong nẻo tối bịt mắt mà đi, các vị thương họ đến chết không thấy kinh Phật, nên biến hóa như thế là muốn cho họ thấy được ánh sáng.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Na-lại ấy là thân Ta, Đề-kỳ-la là Di-lặc.
Thiền độ vô cực của Bồ-tát luôn một lòng như vậy.