Kinh Nhân Duyên Tu Tập Của Thiên Tử Đại Tự Tại

Phật Thuyết Đại Tự Tại Thiên Tử Nhơn Địa Kinh

Tống Thi Hộ dịch

Bản Việt dịch của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

***

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đúng thời khất thực, đắp y mang bát, dùng diệu lực tinh tấn, vận dụng thần thông lớn, phóng ra vô số ánh sáng màu vàng ròng, chiếu khắp hư không. Lại dùng thần lực biến hóa thân mình hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc một thân hay nhiều thân, sáng rực như ánh lửa, đi đến núi Côn lôn, đỉnh núi như tuyết. Nơi đỉnh núi ấy, đất được trang nghiêm bằng các thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, chân châu, mã não, san hô, ma-ni, có các cung điện được trang hoàng bằng các thứ báu đẹp đẽ, đặc biệt. Ở khoảng giữa ấy có cung Đại tự tại, rộng hai do-tuần, cao năm do-tuần. Ánh sáng chiếu soi rực rỡ, có sáu mươi vị thần lớn thường bảo vệ, có trăm ngàn Thiên nữ vây quanh bốn phía, tấu lên bảy thứ âm nhạc. Nơi bốn mặt của cung điện có bảy điện rộng một câu-lô-xá đều dùng bảy thứ báu để trang hoàng. Bốn phía có ao tấm đầy tràn nước cam lồ thanh tịnh, trong ao đầy hoa sen trắng, hoa câu mẫu nại, như trăng sáng nơi bầu trời. Bên trên những hoa ấy đều trang nghiêm bằng các thứ vàng, bạc, ma-ni… Thiên tử Đại Tự Tại cùng với Thiên hậu Ô-ma đồng ngồi trên tòa Sư tử. Các Thiên chúng thường đến vây quanh, cung kính, cúng dường. Chư Thiên chợt nghe tiếng đàn, nhạc, âm thanh vi diệu, nghe rồi ưa thích, say đắm, khiến tâm mê loạn.

Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên tuy có nghe tiếng nhạc kia, nhưng dùng căn lành vô úy để điều phục tâm mình dứt mọi tham vướng, như núi Diệu cao hiện lên từ nơi biển cả, đứng vững không lay động. Tôn giả đã thực hành diệu hạnh tinh tấn, thọ nhận sự cúng dường của tất cả thế gian, thân tướng đoan nghiêm, oai nghi đầy đủ, tay bưng bình bát. Thiên hậu Ô-ma bỗng nhiên thấy Tôn giả rồi sinh tâm nghi ngờ, tâu với Thiên tử:

-Đây là người gì mà thân mặc pháp phục đoan nghiêm, tịch tĩnh, các căn điều phục, đầy đủ oai nghi, có vòng ánh sáng chiếu rực rỡ như mặt trời mới mọc, an nhiên không động như núi Diệu cao?

Thiên tử nghe xong, bèn quan sát Tôn giả, rồi nói:

-Này Thiên hậu! Nàng nhận biết được chăng?

Thiên hậu đáp:

-Thiếp từ xưa chưa thấy, hôm nay cũng chẳng biết.

Thiên tử Đại Tự Tại bảo:

-Đây là đệ tử của Đức Phật có phước đức lớn, xa lìa tham dục, có thể dứt trừ các tội lỗi, giáo hóa chúng sinh và tạo mọi sự an lạc, nhân vì đi khất thực mà đến nơi này.

Thiên hậu Ô-ma nghe lời ấy rồi liền thưa với Thiên tử:

-Vị sư đó thế nào đầy đủ sắc tướng? Có đạo đức, oai lực và pháp hy hữu gì? Thiếp xin muốn được nghe về những điều ấy.

Thiên tử Đại Tự Tại đáp:

-Vị sư đó ở trong ba vô số kiếp cầu đạo Bồ-đề, rộng tu phước lực. Vị ấy ở trong thế gian làm những việc lớn khó làm, thực hành hạnh Bố thí ba-la-mật, bố thí các thứ thức ăn, y phục, nô tỳ, xe cộ, thành ấp, xóm làng, kho báu lớn và cả ngôi vua. Cũng từng bố thí cho các Bà-la-môn: vợ con nam nữ, mà tâm vị ấy không hề có chút tham tiếc, phiền não, cũng không có tên gọi về tham ái. Lại vì thương yêu tất cả chúng sinh mà xả bỏ đầu, mắt, tủy, não, mũi, lưỡi, thân, thịt mà không hề có tư tưởng thống khổ, cũng không có tên gọi là hư dối. Thực hành bố thí chân thật vì dốc cầu quả với oai lực lớn của đạo Bồ-đề, nên đạt đầy đủ Bố thí ba-la-mật. Lại ở trong ba vô số kiếp, đối với vô số cảnh giới thực hành Trì giới ba-la-mật, giữ vững giới cấm. Nhờ oai đức trì giới nên thường được hàng trời, người cúng dường. Lại vì kẻ oán người thân luôn bình đẳng, không chống đối. Thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật, dùng tám chánh đạo để điều phục tâm mình, thường hoan hỷ nhẫn nhục khiến tâm bình đẳng. Lại vì ba loại chúng sinh thượng, trung, hạ luôn thương yêu, tạo mọi lợi ích an lạc cho họ, nên hành Tinh tấn ba-la-mật, ngày đêm siêng năng tu tập. Lại sợ tâm ý tán loạn, duyên theo cảnh vọng, thoái chuyển nên thực hành Thiền định ba-la-mật, khiến tâm được hoàn toàn tịch tĩnh, khinh an. Lại nhằm để phát sinh trí tuệ, đọc tụng, phân biệt kinh điển vi diệu nên hành Trí tuệ ba-la-mật. Như vậy, trong ba vô số kiếp, thực hành đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật để cầu trí Nhất thiết trí. Ngày nay được quả Phật viên mãn, hàng phục tất cả Ma vương, chứng lý tịch diệt, sắc tâm vi diệu, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, sắc vàng trang nghiêm, ánh sáng như mặt trời, ba cõi không ai bằng, ra khỏi nạn luân hồi, đạt được giải thoát an lạc.

Lúc Đại Tự Tại thiên nói lời ấy xong, Thiên hậu Ô-ma rất vui mừng, cho thực hành bố thí… đạt được quả báo lớn, hôm nay nghe có thể hiểu được.

Lại hỏi:

-Đối với Thiên tử thì trước đây đã từng tu tập, hành hóa nghiệp gì? Nguyện xin Thiên tử hoan hỷ vì tôi lược nói.

Thiên tử Đại Tự Tại bảo:

-Nàng hãy lắng nghe, ta sẽ vì nàng mà nêu rõ. Này Thiên hậu! Ta ở đời quá khứ, trong vô số kiếp nơi trụ xứ của Đức Phật Đại Mâu-ni bố thí cúng dường, tu phước, trì giới, huân tập trí tuệ, từ đó đến nay mới được phước báo tự tại, ở trong tám đời thọ sinh đạt được tám thứ tự tại. Ta đã đời đời từng bố thí, trì giới, tu tập khổ hạnh để cầu được làm bậc chủ tể tự tại, mến mộ sự giải thoát cho đến hoàn toàn vắng lặng an lạc. Do đó quán xét bô thí, trí tuệ phải nhất tâm gìn giữ, tu hành không gián đoạn.

Nói xong, Đại Tự Tại thiên ở trong nội cung dùng bát vàng đựng đầy trăm vị thức ăn, cơm thơm ngon đi đến trước Tôn giả Mục-kiền-liên, chí tâm dâng cúng. Tôn giả Mục-kiền-liên thọ nhận bát cơm rồi bay vọt lên hư không, muốn trở về.

Đại Tự Tại thiên vốn đầy đủ trí túc mạng nên thưa với Tôn giả Mục-kiền-liên:

-Xin Tôn giả hãy tạm dừng lại, lắng nghe tôi nói. Vào thuở rất xa xưa, lúc Đức Phật mới xuất hiện, tôi nhớ trong đời quá khứ đã làm chúa tể ở vùng đất này, làm thầy trong ba cõi, biết được sự sinh diệt của thế gian, không ai sánh bằng. Tôn giả lắng nghe lời này, nhất tâm đi đến núi Hương túy.

Khi ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên vận dụng diệu lực thần thông bay lên hư không, đến núi Hương túy. Một bên của núi ấy có ao là dấu vết của bậc Thánh tên là Thiên Thủy, liền vào trong ao ấy tắm gội, rồi ngồi nơi đỉnh núi mở bát vàng ra, cơm trong bát ấy thơm ngon, hương sắc đầy đủ, biến thành thức ăn của hàng trời. Tôn giả Mục-kiền-liên ăn xong chợt có Thiên nữ dâng lên nước sạch, Tôn giả thọ nhận rồi, năm phần thân thể đều sạch sẽ, an tọa trên núi ấy buộc ý chuyên tâm nhập định, quán xét, suy nghĩ lời nói của Đại Tự Tại thiên: “Vào thuở rất lâu xa, Phật mới xuất hiện ở đời trải qua hàng ngàn đời không thể biết được, trong trăm ngàn đời cũng không thể biết được. Trải qua hàng ức trăm ngàn đời cũng không thể biết được.”

Tôn giả bèn ra khỏi thiền định đứng dậy đi đến núi Ma-tư-ấn-nại-la vào định, suy nghĩ cũng chẳng có thể biết. Lại đi vào hang động của núi chúa Ma-tư-ấn-nại-la cũng nhập định, suy nghĩ nhưng cũng chẳng thể biết được. Từ đó, đi qua bảy mươi ngọn núi, nhập định quán xét, tư duy cũng không thể nhận biết. Lại đến ba mươi hai châu, ngồi yên lặng suy nghĩ, mà cũng không thể biết được.

Tôn giả Mục-kiền-liên nói:

-Trí tuệ của Đại Tự Tại thiên kia, dù trong lời nói, ý nghĩ nhỏ nhất mà hàng Thanh văn và Bích-chi-phật cũng không thể biết được.

Tôn giả Mục-kiền-liên bèn nhất tâm nói với Trưởng lão Xá- lợi-phất:

-Tôn giả hãy lắng nghe, tôi ở đỉnh núi Côn lôn, thấy Thiên tử Đại Tự Tại, vị ấy đã nói với tôi: “Vào thuở xa xưa, lúc Đức Phật mới xuất hiện ở đời”, đối với tôi ý nghĩ này hoàn toàn không thể nhận biết. Nay Tôn giả là bậc đầy đủ trí tuệ lớn, sâu xa vi diệu, tinh tế, trí của Tôn giả có thể nhận biết về số giọt mưa trong ba năm ba tháng, biết được số’giọt nước nơi bốn biển lớn, biết được nẻo hành nơi tâm của mọi người trong bốn châu lớn. Do trí tuệ lớn như vậy, nên Tôn giả đối với ý nghĩa của lời nói ấy có thể hiểu biết được, xin Tôn giả Từ bi lược giải chỉ bày.

Trưởng lão Xá-lợi-phất nghe rồi liền nhập định, trải qua trăm ngàn vạn ức đời, tư duy việc này mà không thể nhận biết.

Lúc ấy, Trưởng lão Đại Ca-diếp nói với Trưởng lão Xá-lợi-phất:

-Pháp được Thiên tử Đại Tự Tại nêu bày, ý nghĩa rất là sâu xa vi diệu khó lường. Nếu Tôn giả đạt được diệu lực của Phật thì mới có thể biết. Còn chỉ dùng tự lực để suy xét thì khác nào cầm một tấc cỏ đo lường núi Tu-di.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp tự suy nghĩ: “Trong khoảng sát-na nhanh như ánh chớp có thể quán xét sự việc trong thời quá khứ lâu xa như ở trong lòng bàn tay, thì chỉ có trí lớn của Đức Phật mới nhận biết được”.

Trưởng lão Đại Ca-diếp phát ra âm thanh thanh tịnh nói với Tôn giả Mục-kiền-liên:

-Nếu Thiên tử Đại Tự Tại tự thể hiện phép tắc mẫu mực, thì ở thế gian, cõi trời không ai có thể nhận biết được, chỉ có trí tuệ của Bậc Nhất Thiết Trí, trong ba cõi không ai sánh bằng mới có thể chứng biết. Vì sao? Vì Đức Phật Thế Tôn đối với tâm hành của tất cả chúng sinh thuộc căn cơ thượng, trung, hạ hiện có, nơi đời quá khứ, hiện tại trong trăm ngàn ức hằng hà sa thế giới thảy đều có thể nhận biết rõ như xem vật nơi lòng bàn tay. Như vậy nên gọi là trí Nhất thiết trí.

Lúc này, các Tôn giả Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất, Đại Ca-diếp cùng đi đến chỗ Phật, nhiễu quanh Đức Thế Tôn rồi năm vóc gieo sát đất, nhất tâm cung kính và lui ra ngồi qua một bên.

Khi ấy, Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của các vị Tôn giả nên nhìn họ rồi mỉm cười. Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên tán thán công đức của Phật, mặt Phật đoan nghiêm như hoa sen vàng nở, dung nhan từ hòa vui vẻ, phước tướng sâu dày, hàng răng bằng khít, thân tướng đẹp đẽ, phóng ra ánh sáng lớn đủ các màu sắc, tỏa chiếu khắp thế gian, núi sông, hang động không đâu là không được chiếu sáng. Giả sử ánh sáng của trăm ngàn ức mặt trời, mặt trăng tụ hội lại thì cũng không thể sánh bằng. Đức Thế Tôn tuyên thuyết pháp vị giải thoát thấm nhuần khắp ba cõi, tất cả chúng sinh đều được lợi ích.

Tán thán như vậy rồi cung kính đảnh lễ, thưa:

-Bạch Thế Tôn! Hôm đó con mang bình bát đến cung trời Đại Tự Tại khất thực, lúc ấy Thiên tử Đại Tự Tại trông thấy liền đúng như pháp cúng dường thức ăn và nói: “Thuở rất xa xưa lúc Đức Phật mới xuất hiện ở đời”, con đối với lời nói ấy hoàn toàn không thể thông đạt. Đức Phật là bậc đầy đủ Nhất thiết trí thì đối với tâm hành sai biệt của chúng sinh trong trăm ngàn vạn ức hằng hà sa số thế giới hiện có trong thế gian đều nhận biết rõ như xem vật nơi lòng bàn tay. Lưỡi của Đức Thế Tôn dài rộng che khắp diện, luân. Nguyện xin Đấng Mâu-ni giải quyết tâm nghi ngờ cho con.

Đức Thế Tôn bèn dùng Phạm âm vi diệu bảo Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

-Ông hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, Như Lai sẽ vì ông mà phân biệt, giải thích.

Thời ấy, vào thuở quá khứ xa xưa cách đây tám vạn bốn ngàn kiếp, lúc đó Đức Phật là Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, hiệu là Công Đức Hải, có một thành lớn cũng tên là Công đức hải.

Nơi đại thành ấy có một vị Bà-la-môn tên là Tịch Tĩnh, có hai người con, một tên Thương-ca, hai là Lỗ-chi dần dần trưởng thành, thông minh đều do chán ghét sinh tử nên làm lễ thưa với cha mẹ:

-Chúng con muốn vào núi để tu tập.

Cha mẹ không đồng ý nên bảo họ không được đi. Lại thưa với cha:

-Con phải nên tu tập đạo.

Thưa như vậy ba lần liền rời cha mẹ vào nơi hang núi, dựng am tranh làm chỗ nương thân, cách am khoảng mười một bước bên ngoài có một Bà-la-môn già tu theo pháp của bậc Tiên nhân. Lại có một người cũng trú gần đấy, tự tu hành. Nhân ngày lễ, bốn người tụ hội cùng hỏi thăm nhau, mỗi người đều nói về chỗ mong cầu, ưa thích của mình. Lỗ-chi hỏi vị Bà-la-môn già:

-Ông tu tập theo hạnh gì, nhằm cầu quả báo gì?

Vị Bà-la-môn tuổi cao đáp:

-Ta tu hành là để cầu được thân tướng như Phạm thiên sống hàng ngàn năm ở cõi trời.

Lại hỏi người tu hành ở gần bên:

-Ông tu theo hạnh gì, nhằm cầu quả báo như thế nào?

Vị ấy đáp:

-Tôi cầu làm chủ nơi ba cõi, thọ mạng hàng ngàn năm nơi cõi trời.

Đại tiên Thương-ca thì tự nói:

-Tôi cầu sống hàng ngàn năm nơi cõi trời, lại được mọi người ở thế gian yêu kính.

Tiên nhân Lỗ-chi vốn đầy đủ trí tuệ nên nói với những người kia:

-Sự mong cầu của ba người các ông thành tựu được quả báo của thế gian, còn chỗ mong cầu của tôi hiện nay là vì tất cả chúng sinh: từ loài hai chân, bốn chân, nhiều chân, không chân, loài có hình sắc, không có hình sắc, cho đến hàng căn cơ thượng, trung, hạ đang bị luân hồi trong thế gian đều khiến được giải thoát.

Như vậy, qua thời gian sau, từ trên cõi trời, Đức Phật Công Đức Hải cùng với vô số trăm ngàn ức chúng, nào Đế Thích, Phạm vương, hàng trời, người, phàm, thánh tùy tùng đang vây quanh trước sau. Đức Phật ấy an tọa trên tòa sen vàng, thân khoác y đỏ, mặt như vầng trăng tròn, phóng ra ánh sáng an lành gồm đủ màu sắc xanh vàng đỏ trắng, tỏa chiếu xuống mặt đất, soi sáng các chúng sinh khiến cho tâm họ đều được thanh tịnh. Bốn người tu hành kia liền đến trước chỗ Phật.

Lúc này, vị Bà-la-môn lớn tuổi dùng hoa cỏ cát tường trắng cúng dường nơi Phật, làm lễ đi quanh chỗ Phật rồi phát nguyện:

-Nhờ việc lành này của con, xin được làm chủ cõi Phạm thế, năm mặt đoan nghiêm, ban cho vô số chúng sinh được viên mãn mọi sở nguyện.

Tiếp theo, một vị Tiên nhân đem một thanh sắt để cúng dường Phật, rồi dùng dầu thơm xoa lên chân Phật, sau đấy phát nguyện:

-Nhờ việc thiện này mà con xin sẽ được thân trời Na-la-diên, làm chủ tể ba cõi.

Tiếp đến là Tiên nhân Thương-ca, thắp ba cây đèn, bày ra ba cây kim, chí tâm cúng dường, phát nguyện:

-Nhờ việc hiến cúng ba cây đèn và ba cây kim này, nguyện được đầy đủ ba mắt và tay cầm cây chĩa ba, đời đời nguyện thường thực hành bố thí, làm chủ tể thế gian, được tám thứ tự tại, thành tựu mọi đều mong muốn, tâm thức thông đạt.

Khi ấy, Tiên nhân Lỗ-chi với búi tóc dài màu đỏ nơi đầu rất đẹp, liền xõa ra, trải trên đường và thưa Đức Thế Tôn:

-Xin Phật Từ bi giẫm lên tóc con mà đi qua.

Hai chân của Phật ở trong ba cõi đạt được điều chưa từng có, tức bên dưới bàn chân có tướng Thiên bức luân gồm có dấu cờ, dấu phướn, dấu chày kim cang, các tướng như vậy đều có hình hoa văn giống như bức họa thêu trang hoàng đẹp đẽ. Đức Phật bèn giẫm lên tóc đi ngang qua. Vị ấy phát nguyện:

-Nhờ việc thiện này, con xin sẽ được thành Phật để cứu độ tất cả chúng sinh trong các nẻo luân hồi.

Sau khi bốn người đều phát nguyện như vậy, thì vị Bà-la-môn tuổi cao, nhờ tu tập các điều thiện nên được thân Phạm vương, đầy đủ năm đầu mặt, làm chủ ba cõi, do dùng hoa cỏ cát tường cúng dường, nên nhận lấy quả báo là tay cầm Thiên phất. Vị tu hành tiếp theo do tu tập căn lành nên tích tụ phước vô tận, được thân trời Na-la-diên, nhờ cúng dường thanh sắt nên tay cầm bánh xe báu tên là Diệu hiện, có thể phá trừ tất cả hàng A-tu-la. Vị thứ ba là Tiên nhân Thương-ca, nhờ cúng dường ba ngọn đèn nên mặt có ba mắt, do cúng dường ba cây kim nên tay cầm cây chĩa ba, nhờ đi quanh Thế Tôn nên được thế gian yêu kính, đạt tám thứ tự tại, làm chủ thế gian, có thể hiểu rõ sự sinh diệt ở đời. Vị thứ tư là Lỗ-chi, nhờ trải tóc cúng dường, do nguyện lực này nên được xa lìa tham dục, ra khỏi ba cõi, thành tựu trí Nhất thiết trí, hiệu là Thiên Trung Thiên.

Đức Thế Tôn muốn lập lại ý nghĩa trên nên nói kệ:

Hoa cát tường tốì thượng

Cúng dường rồi nhiễu quanh

Sẽ được thân Phạm vương

Làm chủ cõi Ta-bà.

Tướng năm mặt trang nghiêm

Tay cầm cây Thiên phất

Cúng sắt, đạt công đức

Làm trời Na-la-diên

Tay cầm vàng Diệu Hiện

Có thể phá Tu la.

Vị thấp ba ngọn đèn

Cúng dường ba cây kim

Nên mặt sinh ba mắt

Tay cầm cây chĩa ba.

Đại Tiên nhân Lỗ-chi

Trải tóc để cúng dường

Nhờ điều diệu thiện này

Sẽ được thành quả Phật.

Trời Tự Tại nhớ lại

Vô số kiếp quá khứ

Các vị ấy tu hành

Về sau sẽ thành Phật,

Xuất hiện ở thế gian

Thanh văn chẳng biết được

Chỉ có Phật vô thượng

Thấu tỏ nên phân biệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Mục-kiền-liên:

-Thiên tử Đại Tự Tại ấy có được thân như vậy rất là hy hữu. Vị đó từ cõi Phạm thiên hạ sinh xuống cõi người, khi ấy trong nghĩa địa có một nữ quỷ đói tên là Huyễn Hóa. Quỷ nữ ấy giao hợp với quỷ liền có thai, vị trời kia liền thác sinh vào trong bụng quỷ, sau đó mới sinh ra, mặt có ba mắt, thân có ánh sáng. Quỷ mẹ thấy thế rất sợ hãi bèn bỏ chạy. Do phước đức của vị trời kia nên ánh sáng chiếu tỏa khắp nghĩa địa. Lúc này, tất cả đám quỷ trông thấy ánh sáng như mặt trời liền sinh lòng nghi ngờ, sợ hãi, bèn hỏi:

-Ngươi là người gì?

Vị trời ấy đáp:

-Ta là Đại Tự Tại thiên, tên là Tự Sinh.

Các quỷ nghe vậy, nên cung kính, lễ bái, khen ngợi diệu lực thù thắng, tinh tấn, sắc tướng đẹp đẽ. Lại có Thiên nữ và các Phạm thiên cùng đến chiêm ngưỡng, thấy vị Phạm thiên kia đầy đủ năm đầu, trong đó có một đầu rất xấu xí, mọi người đều kinh sợ, lòng sinh bực bội bèn nói với Đại Tự Tại thiên:

-Xin hãy vì chúng tôi mà cắt bỏ cái đầu xấu ấy.

Đại Tự Tại thiên bảo:

-Nếu cắt bỏ đầu kia thì sẽ khiến cho ta phạm tội giết Phạm thiên.

Thiên chúng lại nói:

-Như có tội lỗi thì chúng tôi sẽ xin chịu gánh lấy.

Khi ấy, Đại Tự Tại thiên chấp thuận tự biến thành con chim ưng lớn, dùng móng tay của mình ngắt bỏ một cái đầu. Do đó Đại Tự Tại thiên nơi tay của mình đã cầm lấy đầu Phạm thiên, tất cả hàng trời, người, Bà-la-môn thảy đều thấy biết.

Khi Phật giảng nói về điều này rồi, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên… đều nhất tâm lắng nghe và hết sức hoan hỷ.

    Xem thêm:

  • Kinh Nghi Quỹ Kim Cang Đỉnh Du Già Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Tu Hạnh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Thái Tử Phước Lực - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Tuệ Sỹ dịch - Kinh Tạng
  • Pháp Thức Thực Hành Tâm Chú Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Mười Pháp Tu Vãng Sanh Cực Lạc - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Sự Tu Hành Của Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Duy Lực dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tu Hành Bản Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Nhân Duyên Nại Nữ Và Kỳ Vực - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Ưng Bộ Tập 2 – Thiên Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Duyên Khởi Từ A Nan - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Tiên Nhân Nhất Thiết Trí Quang Minh Từ Tâm Không Ăn Thịt - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Sự Nhân Duyên Lợi Ích Của Danh Hiệu Phật Vô Lượng Thọ - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Tuệ Nhuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Diệu Sắc - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Đỉnh Nhứt Thiết Như Lai Chơn Thực Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương - Kinh Tạng