Kinh Nhân Duyên Tiên Nhân Nhất Thiết Trí Quang Minh Từ Tâm Không Ăn Thịt

Thất dịch

Bản Việt dịch của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

***

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại tinh xá Tự tại thiên tự, thôn Di-da-nữ, đạo tràng Tịch diệt, nước Ma-già-đề.

Bấy giờ có con của Bà-la-môn Ca-ba-lợi tên là Di-lặc. Di-lặc bó thân hình sắc vàng óng, đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, thân tỏa ra ánh sáng bạc và trang điểm vòng vàng, oai quang vô lượng giống như núi bằng bạc trắng, ông đi đến chỗ Đức Phật.

Khi ấy Đức Thế Tôn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo đi kinh hành trong rừng, lại có năm trăm Phạm chí búi tóc. Từ xa mọi người đều trông thấy Di-lặc tướng hảo thanh tịnh, oai nghi tề chỉnh, năm vóc sát đất như núi bạc đổ xuống, tạo thành một khoảng không gian quý báu như đóa hoa bằng vàng, hoa vàng đài vàng, bảy báu làm quả, ở trong đài gác, có âm thanh vi diệu nói kệ:

Con thấy Đức Mâu-ni

Diện mạo thường thanh tịnh

Tướng trăm phước kỳ đặc

Thế gian không sánh bằng,

Bụi phiền não dứt sạch

Trí tuệ đã viên mãn

Con thường cung kính lễ

Thân tâm chẳng mỏi lười,

Năm vóc cúi sát đất

Mong được tối an lạc

Thoát khổ không lo sợ

Kính lễ Thích-ca Văn.

Lúc ấy Phạm chí thấy nghe sự kiện này bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn, vị đồng tử này uy nghi tề chỉnh, ánh sáng vô lượng không khác gì Đức Phật, ban đầu nhờ Đức Phật nào mới phát đạo tâm và thọ trì kinh điển gì? Cúi xin Thế Tôn giải nói cho chúng con biết.

Đức Phật bảo Phạm chí Thức Càn:

-Ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ. Ta sẽ phân tích, giải nói cho ông được hài lòng.

Vào thuở quá khứ vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp, có cõi nước tên là Thắng Hoa Phu, Đức Phật hiệu là Di-lặc, thường dùng pháp Tứ vô lượng tâm giáo hóa tất cả chúng sinh. Đức Phật Di-lặc thuyết kinh Từ Tam-muội Quang Đại Bi Hải Vân, nếu có người nghe được kinh này có thể vượt qua được trăm ức vạn kiếp tội khổ sinh tử, nhất định đạt đến quả vị Phật không có nghi ngờ.

Trong nước kia có đại Bà-la-môn tên Nhất Thiết Trí Quang Minh, trí tuệ thông đạt, hiểu biết nhiều kinh. Ông ta có khả năng tinh xảo tất cả sáu mươi bốn ngành kỹ nghệ của thế gian, nghe nói có Đức Phật ra đời thuyết kinh Từ Tam-muội Quang Đại Bi Hải Vân, người Bà-la-môn này liền đem tất cả đề tài nghị luận trong đời để hỏi Đức Phật kia. Ông dùng hết lời biện luận vẫn không thể khuất phục được Đức Phật. Vì vậy, ông ta rất tin phục Đức Phật và xin làm đệ tử Ngài và phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ông bạch cùng Đức Phật:

-Con nay ở trong giáo pháp Phật, trì tụng kinh Đại Từ Tam- muội Quang Đại Bi Hải Vân. Con nguyện đem công đức này ở đời vị lai quá vô số kiếp sẽ đặng thành Phật hiệu Di-lặc.

Từ đó Nhất Thiết Trí Quang Minh từ bỏ gia đình, đi vào núi sâu, để tóc dài làm tướng tu hành Phạm hạnh. Trong suốt tám ngàn năm ông chỉ khất thực nuôi thân, sống đời thiểu dục vô sự, nhất tâm chuyên niệm tụng kinh này.

Khi ấy trong nước có mưa to và sao chổi xuất hiện. Quốc vương vì hoang dâm nên sao chổi càn quét, mưa triền miên không dứt làm nước lớn trào dâng. Vị Tiên nhân trong suốt bảy ngày vẫn ngồi lặng yên không đi khất thực được. Lúc đó, trong rừng có năm trăm con thỏ trắng, một con thỏ chúa. Hai mẹ con thỏ chúa thấy đã bảy ngày vị Tiên nhân không ăn nên nói:

-Nay vị Tiên nhân vì Phật đạo, cho nên đã nhiều ngày nhịn đói, e tánh mạng khó sống. Ngọn cờ pháp sắp gãy ngã, biển giáo pháp sắp khô cạn. Ta nay phải vì sự tồn tại của đại pháp Vô thượng mà không tiếc thân mạng.

Liền nói cùng các thỏ:

-Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Chúng sinh chưa từng vì pháp nên yêu mến thân sinh tử rỗng không. Ta nay muốn rằng tất cả chúng sinh làm chiếc cầu lớn cúng dường Pháp sư khiến Chánh pháp được trường tồn.

Lúc bấy giờ thỏ chúa dùng lời kệ nói với bầy thỏ:

Nếu có loài súc sinh

Được nghe tên chư Phật

Xa lìa ba đường ác

Không sinh tám chỗ nạn.

Nếu nghe pháp, phụng hành

Sinh chỗ thường gặp Phật

Tin pháp không nghi hoặc

Quy y Hiền, Thánh Tăng,

Tùy thuận các giới hạnh

Như vậy mau thành Phật

Ắt đến đại Niết-bàn

Thường hưởng vui vô thượng.

Thỏ chứa nói kệ xong, báo với bầy thỏ:

-Ta nay muôn đem thân cúng dường pháp, tất cả các ngươi nên tùy hỷ. Vì sao? Ta từ nhiều kiếp mất vô số thân. Vì ba độc khiến phải làm chim làm thú, sinh tử hư giả, chưa từng vì pháp. Ta này muốn vì pháp Vô thượng cho nên xả bỏ thân mạng cúng dường Pháp sư.

Khi ấy Thần núi rừng chất cỏ thơm để thỏ chúa thiêu thân. Mẹ con thỏ chúa đi vòng quanh vị Tiên nhân bảy vòng rồi thưa:

-Bạch Đại sư, con xin vì pháp cúng dường Tôn giả.

Tiên nhân hỏi:

-Ngươi là súc sinh, tuy có tâm Từ nhưng ngươi hãy nói vì sao có nhân duyên này?

Thỏ chúa đáp:

-Tự con đem thân cúng dường nhân giả, vì pháp tồn tại lâu dài sẽ khiến chúng sinh được nhiều lợi ích.

Thỏ mẹ lại nói với thỏ con:

-Con có thể tùy ý đi tìm nước cỏ, nhớ chú tâm tư duy, chánh niệm Tam bảo.

Thỏ con nghe mẹ nói, quỳ xuống thưa mẹ:

-Như mẹ đã nói: Muốn cúng dường đại pháp Vô thượng, con cũng muốn cúng dường.

Nói những lời này xong, thỏ con tự nhảy vào trong lửa. Thỏ mẹ cũng nhảy theo.

Trong lúc Bồ-tát xả thân, đất trời chuyển động lớn. Cho đến cõi trời Sắc giới và chư Thiên mưa hoa để cúng dường.

Sau khi thịt hai mẹ con thỏ đã chín, Thần núi rừng bạch Tiên nhân:

-Mẹ con thỏ chúa vì muốn cúng dường cho nên đã nhảy vào lửa. Bây giờ thịt đã chín, ngài có thể dùng được.

Khi Tiên nhân nghe vị thần kia nói, lòng nghẹn ngào thương xót, đặt kinh sách trên lá cây rồi nói kệ:

Thà phải đốt thân làm hoại mắt

Nỡ nào giết hại, ăn chúng sinh

Chư Phật đã thuyết kinh từ bi

Dạy người luôn sống với hạnh Từ.

Thà phá hoại đầu, xương, tủy, não

Chẳng đành lòng ăn thịt chúng sinh

Chư Phật đã dạy: Ai ăn thịt

Người này do thiếu hạnh Từ bi

Sống đời ngắn ngủi, thân hay bệnh

Chìm đắm tử sinh, Phật chẳng thành.

Tiên nhân nói kệ xong phát thệ nguyện:

-Con nguyện đời đời không có ý tưởng sát sinh và không bao giờ ăn thịt.

Tiên nhân liền nhập tam-muội Bạch quang minh từ và nguyện:

-Nguyện đến khi thành Phật, con sẽ chế giới không ăn thịt.

Phát nguyện xong, Tiên nhân tự nhảy vào hầm lửa cùng chết với hai thỏ. Lúc ấy trời đất chấn động sáu cách. Nhờ thần lực của chư Thiên cho nên cây ciì phát ra ánh sáng vàng rực rỡ chiếu khắp ngàn cõi nước. Nhân dân trong nước đều thấy ánh sáng vàng phát ra từ núi rừng nên đi tìm ánh sáng đó. Khi đến nơi họ thấy Tiên nhân và hai mẹ con thỏ đã chết trong đông lửa. Họ còn tìm được kinh Phật và bài kệ, đem về dâng lên vua. Vua nghe pháp này, truyền bá cho mọi người đều biết, khiến cho người nào học được pháp này đều phát tâm Vô thượng đạo chánh chân.

Đức Phật dạy Thức Càn:

-Ông nên biết, lúc bấy giờ thỏ trắng chúa nay chính là Phật Thích-ca Văn. Thỏ con tức La-hầu-la. Tiên nhân tụng kinh khi ấy, nay trong chúng này là Bà-la-môn Đại Bồ-tát Di-lặc. Sau khi Ta nhập Niết-bàn năm mươi sáu ức vạn năm, đến lúc ấy dưới cội Long hoa Bồ-đề, nơi tòa Kim cang, trong vườn hoa ở tại quốc độ của Chuyển luân thánh vương Nhượng Khứ, vị ấy đắc thành Phật đạo và chuyển pháp luân vi diệu. Năm trăm con thỏ lúc ấy nay là năm trăm vị Tỳ-kheo như Ma-ha Ca-diếp… Hai trăm năm mươi thần rừng núi nay là Xá-íợi-phất, Mục-kiền-liên và hai trăm năm mươi Tỳ-kheo. Một ngàn vị quốc vương nay là một ngàn vị Bồ-tát như Bạt-đà-bà-la…

Vua quan cùng nhân dân trong nước đó được nghe kinh từ khi Ta xuất thế cho đến Phật Lâu Chí, trong thời gian đó họ làm đệ tử thọ học giáo pháp và đắc đạo.

Đức Phật bảo Thức Càn:

-Bồ-tát cầu pháp phải trải qua nhiều kiếp tinh cần gian khổ, không tiếc thân mạng. Tuy theo nghiệp báo làm thân súc sinh nhưng thường vì giáo pháp mà quên thân mình, tự nhảy vào hầm lửa để cúng dường sẽ thoát khỏi tội sinh tử trong chín trăm vạn ức kiếp. Từ đó thường được ở trong ánh sáng của hằng hà sa số vô lượng chư Phật, trước hết ở trước Di-lặc sẽ được thành Phật đạo, thì vì sao các ông không siêng năng thực hành pháp?

Khi Phật nói như vậy, Thức Càn và năm trăm Phạm chí cầu xin Phật cho xuất gia.

Phật dạy:

-Thiện lai.

Tức thì râu tóc của năm trăm Phạm chí tự rụng, trở thành Sa- môn. Đức Phật thuyết pháp cho họ nghe, tâm ý họ bỗng nhiên bùng mở và chứng đắc quả vị A-la-hán. Tám vạn chư Thiên cũng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trong chúng hội nghe Đức Phật thuyết pháp, ai ai cũng đều ca ngợi hạnh nguyện Bồ-tát.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

-Lúc vị Tiên kia nhảy vào hầm lửa thì sinh vào chỗ nào?

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

-Lúc Tiên nhân nhảy vào hầm lửa liền sinh vào cõi Phạm thiên, khắp vì tất cả chúng sinh mà thuyết pháp đại phạm, cho đến thành Phật chuyển đại phạm luân, thuyết kinh cũng tên là Từ Tam-muội Quang Đại Bi Hải Vân. Đức Phật này chế ra giới luật: Ai không thực hành hạnh từ bi thì gọi là người phạm điều cấm. Nếu người ăn thịt sẽ phạm giới trọng, đời sau sinh vào chỗ thường phải nuốt hòn sắt nóng, cho đến khi nào vị Tiên nhân thành Phật như kinh Di-lặc Bồ-tát Hạ Sinh Thuyết.

Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo áo bày vai phải, quỳ gối, chắp tay hướng về Đức Phật bạch:

-Kính bạch Đức Thế Tôn, khi Bồ-tát Di-lặc thành Phật sẽ thuyết giới pháp, chính là vì tâm Từ bi chế ra giới không ăn thịt, hễ phạm là bị tội nặng. Thật là kỳ đặc! Trong đại chúng mọi người đều tán thành, ca ngợi. Chúng sinh ở nước kia giữ giới không ăn thịt, chúng con nguyện được sinh vào cõi nước ấy. Xin Đức Thế Tôn thọ ký cho chúng con.

Tôn giả A-nan lại bạch Đức Thế Tôn:

-Kinh này đặt tên là gì? Thọ trì như thế nào?

Đức Phật dạy A-nan:

-Giáo pháp này tên là Thố Bồ-tát Bất Tích Thân Mạng Vị Vô Thượng Đạo (Bồ-tát thỏ không tiếc thân mạng vì đạo Vô thượng). Cũng gọi là Nhất Thiết Trí Quang Minh Tiên Nhân Từ Tâm Nhân Duyên Bất Thực Nhục (Nhân duyên Tiên nhân Nhất Thiết Trí Minh từ tâm không ăn thịt). Hãy như vậy mà thọ trì.

Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo nghe Đức Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Oai Đức Kim Luân Phật Đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu Trừ Nhất Thiết Tai Nạn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Đồng Tử Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Nhất Thiết Chư Như Lai Tâm Quang Minh Gia Trì Bồ Tát Phổ Hiền Đà La Ni Diên Mạng Kim Cang Tối Thắng - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đà La Ni Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Như Lai - Kinh Tạng
  • Kinh Phổ Biến Quang Minh Thanh Tịnh Sí Thạnh Như Ý Bảo Ấn Tâm Vô Năng Thắng Đại Minh Vương Đại Tùy Cầu Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Độ Chư Phật Cảnh Giới Trí Quang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Tiêu Trừ Hết Thảy Chướng Nạn Thiểm Điện Tùy Cầu Như Ý - Kinh Tạng
  • Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Duyên Khởi Từ A Nan - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Biến Chiếu Quang Minh Tạng Vô Tự Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Pháp Thức Thực Hành Tâm Chú Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi - Kinh Tạng
  • Kinh Nghi Quỹ Đại Minh Thành Tựu Trì Minh Tạng Du Già Đại Giáo Tôn Na Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Quang Minh - Kinh Tạng
  • Hợp Bộ Kinh Kim Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 27 – Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agganana Sutta) - Kinh Tạng
  • Pháp Mật Yếu Trị Bệnh Thiền - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bí Mật Bồ Tát Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại - Kinh Tạng
  • Kinh Quá Khứ Trang Nghiêm Kiếp Thiên Phật Danh - Kinh Tạng