1
2
3
4

Kinh Nhân Duyên Đồng Tử Quang Minh

Phật Thuyết Quang Minh Đồng Tử Nhơn Duyên Kinh

Tống Thi Hộ dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Diệu Thiện

***

QUYỂN 1

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại tinh xá Ca Lan Đà Trúc Lâm, thành Vương Xá. Trong thành ấy có một trưởng giả tên Thiện Hiền, có nhiều của cải, tài sản quý báu, nhiều quyền lực. Trưởng giả này rất kính tin các ngoại đạo Ni-kiền-đà.

Lúc đó, trưởng giả do nhân duyên đời trước, nên sau khi người vợ ông mang thai, vào một sáng hôm ấy, đức Thế tôn đắp y ca sa, mang bình bát vào thành Vương Xá. Ngài lần lượt đi khất thực, dần đến nhà trưởng giả Thiện Hiền.

Trưởng giả thấy Thế tôn đến gần nhà mình, liền nói với vợ rằng:

– Chúng ta nên đến chỗ đức Thế tôn.

Nói xong, cùng vợ đến trước đức Phật. Đến rồi, bạch Phật rằng:

– Bạch Thế tôn, con tên Thiện Hiền. Còn đây là vợ con. Vợ con mang thai, sắp đến ngày sinh. Người con sinh ra sẽ là nam hay nữ?

Phật bảo:

– Trưởng giả! Trong thai vợ ông chắc chắn là con trai. Sau khi sinh rồi, gia đình được giàu thịnh, an lành tối thượng. Ở trong loài người được hưởng thọ phước trời. Sau đó xuất gia học đạo trong pháp của ta, dứt các phiền não, chứng A-la-hán.

Khi ấy, trưởng giả liền đặt vào trong bình bát đầy thức ăn vị ngon thanh tịnh, dâng lên Thế tôn.

Thế tôn nhận rồi, nói rằng:

– Nguyện cho người thí thức ăn này được kiết tường an lạc.

Nói xong, Thế tôn mang thức ăn ấy trở về chỗ ở.

Phật đi chưa lâu, có một người ngoại đạo, trước đây được Thiện Hiền tin trọng. Ông ta thấy Thế tôn bèn nghĩ rằng: “Có phải hôm nay Sa môn Cù Đàm làm mất lòng tin của trưởng giả đối với ta? Ta nên đến hỏi việc ấy, xem Sa môn Cù Đàm đến nói gì?”.

Nghĩ vậy rồi, người ngoại đạo đến nhà của trưởng giả, nói thế này:

– Trưởng giả, Sa môn Cù Đàm cầu xin gì mà đến nhà ông? Lại nói điều gì?

Trưởng giả đáp:

– Thưa thánh giả, thầy con! Vì vợ con mang thai nên con đến hỏi Sa môn Cù Đàm đứa con sắp sanh là nam hay nữ? Ngài bảo con rằng: Chắc chắn sẽ sanh con trai. Đứa con sanh rồi, gia đình được giàu thịnh, an lành tối thượng. Ở trong loài người hưởng thọ phước trời. Cuối cùng sẽ xuất gia học đạo trong pháp của Ngài, chứng A-la-hán. Người ngoại đạo này vốn đoán tướng rất giỏi. Nghe nói xong, liền lấy đá trắng sắp bày toán pháp, tính đếm xem việc ấy là thật hay giả. Bày tính rồi, biết việc ấy đúng như Phật nói, là thật không giả dối.

Người ngoại đạo dù biết ấy là thật nhưng lại nghĩ: “Nếu ta nói sự thật thì trưởng giả này chắc chắn tin kính Sa môn Cù Đàm. Ta nên bảo trưởng giả rằng: Lời Cù Đàm nói có thật có giả”.

Ngoại đạo nghĩ xong, bảo vợ của trưởng giả đến trước mặt, nắm lấy hai tay xem chỉ tay và tướng mặt.

Bấy giờ trưởng giả Thiện Hiền nói với ngoại đạo:

– Thưa thánh giả thầy con! Ngài đã tính rồi, vậy còn xem chỉ tay, tướng mặt làm gì?

Người ngoại đạo nói:

– Ta mới vừa tính xem lời Cù Đàm đã nói và tướng của vợ ông, biết việc này có chút phần chân thật, chút phần giả dối.

Trưởng giả hỏi:

– Thế nào là giả? Thế nào là thật?

Ngoại đạo đáp:

– Cù Đàm đã nói vợ ông sẽ sinh nam, đây là lời nói thật.

– Sinh rồi gia đình giàu thịnh, đây cũng là thật.

– Nhưng khi sinh con có chút ánh sáng lửa hội lại, người con này về sau chắc chắn hại gia đình ông.

– Lời nói là được an lành tối thượng, ở trong loài người hưởng thọ phước trời, việc ấy là dối trá.

– Trưởng giả! Ngươi có nghe rằng: có người sống trong loài người mà hưởng thọ phước trời hay không? Việc này là khó tin.

– Nói sẽ xuất gia trong giáo pháp của Cù Đàm, đây là nói thật. Do vì nhu cầu thiếu thốn cơm áo, sau chắc chắn cầu xuất gia theo Cù Đàm.

– Nói dứt các phiền não, chứng A-la-hán, đây là giả dối, vì trong pháp của Cù Đàm, chắc chắn không có dứt các phiền não, chứng quả thánh.

Lúc trưởng giả Thiện Hiền nghe nói việc này, tâm nghi ngờ, không biết là thật hay giả, liền sanh buồn não. Ông bèn nói với ngoại đạo:

– Thưa thánh giả thầy con! Việc này con phải nên làm thế nào?

Ngoại đạo nói:

– Trưởng giả nên làm cho đứa con sinh ra, sau xuất gia tu học trong giáo lý của ta, tức có thể học hết sự nghiệp. Trưởng giả! Tuy ta nói như vậy, nhưng ông tự tính lấy.

Người ngoại đạo kia nói rồi, liền ra khỏi nhà ấy.

Trưởng giả Thiện Hiền ngồi yên một chỗ, suy nghĩ rất kỹ: “Hiện nay ta không thể nào tiếc, vì tất cả mà phải xả bỏ. Phải bày mưu kế để phá bỏ thai”.

Nghĩ xong, trưởng giả Thiện Hiền liền đem thuốc độc xoa vào bụng vợ. Lúc trưởng giả xoa thuốc bên phải, đứa con chuyển sang trái; xoa thuốc bên trái, đứa con chuyển sang phải. Xoa khắp hết bụng thì đứa con hết chỗ chịu nổi. Do xoa thuốc độc nên vợ trưởng giả chết.

Thiện Hiền nghĩ: “Mẹ đã chết, con cũng chết theo. Sau sẽ không còn người phá hoại gia đình ta, cũng không có người chứng được thánh quả”.

Bấy giờ trưởng giả thấy vợ đã chết, liền tuôn lệ kêu khóc. Người xóm làng thân thuộc đến an ủi thăm hỏi trưởng giả Thiện Hiền rằng:

– Vợ ông vì sao bỗng nhiên mà chết?

Trưởng giả kể lại rằng:

– Do bào thai hại, bỗng nhiên chết.

Xóm làng thân thuộc hỏi thăm rồi, ai về nhà nấy.

Trưởng giả Thiện Hiền tự nghĩ: “Vợ ta chết rồi, chớ để trong nhà. Nên sắm các đồ tang lễ rồi đưa xác ra rừng Thi Đà”. Nghĩ rồi liền chuẩn bị các đồ tang lễ, sắp sửa đưa đi.

Xóm làng thân thuộc biết vậy, lại đến nói với trưởng giả:

– Vợ ông chết rồi, khóc lóc làm gì mà tự mình sanh buồn khổ!

Lúc ấy trưởng giả lấy áo quần đủ các màu xanh, vàng, đỏ, trắng và vật trân bảo để trang trí, cùng quyến thuộc đưa xác đi, đến trong rừng Thi Đà.

Người đoán tướng lúc trước là ngoại đạo Ni-kiền-đà, biết được việc này lòng rất vui mừng, liền mang dù, cờ nghiêm sức đi khắp các ngã tư đường trong thành Vương Xá, nói với các ngoại đạo Ni-kiền-đà:

– Các ông biết không? Trước đây Sa môn Cù Đàm nói: “Vợ trưởng giả Thiện Hiền sẽ sanh con trai. Sau khi đứa con sanh rồi, gia đình giàu thịnh, an lành tối thượng, ở trong loài người hưởng thọ phước trời. Rốt sau xuất gia học đạo trong pháp của Ta, dứt các phiền não, chứng A-la-hán”. Lời nói ấy là giả dối, nay vợ trưởng giả đã chết, con cũng chết theo. Các ông nên biết, thí như đại thọ đã chặt đứt gốc rồi, nhánh lá hoa quả sao có thể sống?

Các bọn ngoại đạo nghe nói rồi, lòng đều vui mừng.

Những người có lòng tin thanh tịnh biết Phật Thế tôn pháp nhĩ chân thật, không chỗ nào không biết không thấy, không chỗ nào không giải được, không chỗ nào không rõ, phát lòng đại bi lớn phủ khắp thế gian làm một ý che chở, ban bố cho sự không sợ hãi; đã tròn đầy định huệ song tu, thành tựu ba việc điều phục, đã qua khỏi bốn dòng phiền não của biển lớn, có thể an trụ trong hành tứ thần túc, đem tứ nhiếp pháp nhiếp phục khắp chúng sanh. Trong đêm dài thường nghĩ độ thoát, có thể thành tựu bốn vô sở úy, dứt năm phần kiết sử. Đã ra khỏi năm đường, đầy đủ sáu pháp, sáu ba la mật, hết thảy đêu viên mãn, đầy đủ sáu pháp Phật thường làm. Hoa thất giác nở thành quả bát chánh, thành tựu Tam-ma-bát-để, cưu tiên hành thiện, thập lực kiên cố, tiếng khen vang khắp mười phương thế giới. Đầy đủ ngàn thứ tự tại tối thắng. Ngày ba thời và đêm ba thời thường dùng Phật nhãn xem xét thế gian, chánh tri kiến luân chuyển trong chúng sanh. Các việc đã làm, nếu có chỗ nào thêm, chỗ nào bớt, chỗ nào có phiền não, chỗ nào chịu cực khổ, chỗ nào phá hại, chỗ nào có đủ các việc phiền não, cực khổ, phá hoại.v.v… Chỗ nào sắp đặt chút phần phương tiện, chỗ nào sắp đặt sức phương tiện lớn, chỗ nào sắp đặt các việc phương tiện, chỗ nào chúng sanh đọa trong ác thú, chỗ nào chúng sanh được sanh cõi trời, chỗ nào chúng sanh được quả giải thoát, chỗ nào chúng sanh chưa trồng căn lành, làm cho trồng căn lành. chỗ nào chúng sanh đã trồng căn lành làm cho được thành thục, chỗ nào chúng sanh thành thục rồi, làm cho được giải thoát. Công đức của Phật Thế tôn đầy đủ như vậy, lời nói không giả dối, lìa các lỗi lầm.

Bấy giờ Thế tôn xét biết rõ các sự việc và nơi chốn, biết đã đến lúc cần phóng ánh sáng, liền từ trong miệng phóng ra các ánh sáng màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Ánh sáng ấy soi khắp trên dưới bao nhiêu cảnh đời sống trong địa ngục. Có các địa ngục hắc thằng, địa ngục chúng hợp, địa ngục kêu khóc, địa ngục kêu khóc lớn, địa ngục viêm nhiệt, địa ngục cực viêm nhiệt, địa ngục A-tỳ. Tám loại địa ngục nóng như vậy được ánh sáng chiếu đến thảy đều thành mát mẻ.

Có các địa ngục pháo, địa ngục pháo liệt, địa ngục A thác thác, địa ngục ha ha thông, địa ngục hổ hổ thông, địa ngục hoa sen xanh, địa ngục hoa sen đỏ, địa ngục hoa sen hồng lớn. Tám địa ngục lạnh như vậy khi ánh sáng ấy soi đến rồi đều trở thành ấm áp.

Nhờ năng lực ánh sáng tối thắng của Phật, các chúng sanh trong đó nhờ tiếp xúc với ánh sáng mà thân được lìa khổ, lòng sanh vui vẻ. Mỗi người tự nói: “Chúng ta do gây tội gì mà đọa vào trong địa ngục, ngày nay thấy được ánh sáng kỳ lạ này?”.

Khi các chúng sanh trong địa ngục phát tâm thanh tịnh như vậy, Thế tôn lại vì lòng đại bi, ở trong ánh sáng ấy biến hiện các việc. Các chúng sanh kia thấy các sự do biến hóa, nói rằng: “Ngày này chúng ta đã thấy các tướng biến hóa kỳ lạ này. Nếu ra khỏi chỗ này, không nên sanh lại trong cảnh giới ác nữa. Nhờ vào ánh sáng tối thắng của Phật nên thân được lìa khổ não, lòng sanh vui vẻ”.

Nói vậy rồi, mỗi người phát lòng tin thanh tịnh tối thượng, nghiệp của địa ngục kia thảy đêu diệt hết, liền thọ sanh vào hai cảnh giới trời người. Do sự chơn thật này nên chúng sanh trong địa ngục được lợi ích như vậy.

Ánh sáng của Phật lại chiếu lên đến cõi trời Tứ thiên vương, trời Đao Lợi, trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Đại phạm, trời Thiểu Quang, trời Vô lượng quang, trời Quang âm, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Vô vân, trời Phước sanh, trời Quảng quả, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời Thiện hiện, trời Sắc cứu cánh.

Ánh sáng soi đến các cõi trời rồi, trong ánh sáng ấy phát ra tiếng vô thường, khổ, không, vô ngã. Lại trong ánh sáng ấy nói kệ rằng:

– Ví như voi lớn lún trong bùn

Dùng sức mạnh nên liền ra khỏi

Lời Phật dạy sức mạnh mẽ lớn

Có thể phá tan trận sanh tử

Nay đây khéo điều phục chánh pháp

Xa lìa các lỗi lầm đã làm

Chấm dứt luân hồi ba cõi rộng

Diệt hết bến bờ khổ chúng sanh.

Khi ấy, ánh sáng Thế tôn phóng ra chiếu khắp mọi nơi, soi đến khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Phật Thế tôn tuy phóng một ánh sáng, nhưng khi quay trở lại thì ở mỗi chỗ khác nhau.

Nếu Thế tôn muốn nói việc quá khứ thì ánh sáng ấy liền đi vào sau lưng Phật. Nếu muốn nói việc đời vị lai, ánh sáng ấy liền đi vào trước mặt Phật.

Nếu muốn nói đến việc địa ngục, ánh sáng ấy đi vào nơi lòng bàn chân Phật. Hoặc muốn nói việc ngạ quỷ, ánh sáng liền đi vào theo ngón chân Phật. Muốn nói việc bàng sanh thì ánh sáng ấy đi vào lưng bàn chân Phật.

Hoặc muốn nói việc trong cõi người, ánh sáng ấy liền đi vào nơi đầu gối Phật.

Nếu muốn nói việc của Tiểu chuyển luân vương, ánh sáng ấy đi vào lòng bàn tay trái của Phật.

Nếu muốn nói đến việc Đại chuyển luân vương, ánh sáng ấy đi vào lòng bàn tay phải của Phật.

Nếu muốn nói việc trong cõi trời, ánh sáng ấy liền đi vào nơi rốn của Phật.

Nếu muốn nói Bồ-đề Thanh văn, ánh sáng ấy đi vào trong miệng Phật.

Hoặc muốn nói Bồ-đề Duyên giác, ánh sáng ấy đi vào nơi mi mắt của Phật.

Nếu muốn nói Vô thượng chánh đẳng giác, ánh sáng ấy đi vào nơi đỉnh đầu Phật.

Phật Thế tôn đã phóng ánh sáng chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới xong, ánh sáng ấy xoay chuyển rồi đi vào trong miệng của Thế tôn.

Bấy giờ, tôn giả A-Nan hầu bên Phật, thấy ánh sáng này liền chắp tay bạch Phật rằng:

– Bạch Thế tôn, nay các loại ánh sáng sắc đẹp thanh tịnh tối thượng này từ miệng Phật phóng ra, chiếu rực rỡ khắp thế giới. Vì nhơn duyên gì có sự việc này?

Nói lời này rồi, liền nói kệ rằng:

– Ở thế gian Phật là tối thượng

An trụ chơn chánh nhơn chơn thật

Ngài đã xa lìa nói hai lời

Dứt trừ kiêu mạn, các lỗi lầm

Như thương khư, ngẫu sen trong đời

Phải có nhơn duyên màu tự trắng

Như Lai tối thắng nhơn trung tôn

Không phải không nhơn hiện ánh sáng

Như Lai bằng sức hành nguyện mình

Hiện chứng thần thông và đại trí

Xem xét người nghe vui nghe pháp

Phật chủ cõi người muốn diễn bày

Đại ngưu vương trí lớn vắng lặng

Ắt nới lời diệu pháp tối thượng

Như Lai giảng một âm thanh tịnh

Đều dứt trừ lưới nghi chúng sanh

Lại như núi chúa và biển lớn

Nếu không nhơn duyên không thể động

Như lai chánh giác nhơn trung tôn

Không nhơn, không hiện tướng ánh sáng

Đại trí xem xét việc nguyên nhân

Việc đáng nên làm đều lợi ích

Tùy chỗ mong cầu của chúng sanh

Nên Như lai hiện tướng ánh sáng.

Lúc ấy, đức Thế tôn bảo A-Nan rằng:

– Đúng vậy, A-Nan nên biết! Như Lai Ứng cúng chánh đẳng giác nếu không có nhơn duyên không phóng ánh sáng. Nay ta muốn đến rừng Thi Đà. Ông đến bảo chúng Bí sô rằng: “Như Lai sắp đến trong rừng Thi Đà, Bí sô các ông nên phát tâm dõng mãnh, mỗi người nên đắp y ca sa theo hầu Như Lai đến rừng Thi Đà”.

Lúc ấy, A-Nan vâng lời Phật dạy, đến chỗ các Bí sô. Đến rồi, nói rằng:

– Phật dạy các Tỳ kheo: Như Lai sắp đến rừng Thi Đà. các Bí sô nên phát tâm dõng mãnh, mỗi người đắp y ca sa, đi theo Như Lai đến rừng Thi Đà.

Khi đó, tôn giả A-Nhã Kiều Trần Như, Mã Thắng Phược Sáp Ba, Đại Danh Bạt Nại Lý Ca, Xá Lợi Tử, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Mãn xưng.v.v… các chúng đại Thanh văn vâng lệnh Phật rồi, như nghi thường lệ, đắp y ca sa đi đến chỗ Phật.

Bấy giờ Thế tôn cùng với đại chúng thân cận trước sau đến rừng Thi Đà. Nghĩa là: chúng khéo điều phục thân cận người điều phục, chúng giải thoát thân cận người giải thoát, chúng an ổn thân cận người an ổn, chúng luật nghi thân cận người luật nghi, chúng ứng cúng thân cận người ứng cúng, chúng lìa tham thân cận người lìa tham, chúng tướng tốt ngay thẳng thân cận người tướng tốt ngay thẳng. Giống như chúng ngưu vương thân cận ngưu vương. Lại như đàn voi thân cận voi chúa, như các thú thân cận sư tử chúa, như đàn ngỗng thân cận ngỗng chúa, như chúng kim sí điểu thân cận kim sí điểu, như học chúng thân cận Bà la môn, như người bệnh thân cận thầy thuốc, như quân lính thân cận tướng dũng mãnh, như của cải gần gũi người giàu có, như người buôn thân cận thương chủ lớn, như nhiều người gần gũi người đứng đầu, như người hộ vệ thân cận tiểu quốc vương, như thiên tử thân cận Chuyển luân vương, như các ngôi sao gần gũi thiên tử mặt trăng Như ngàn ánh sáng gần gũi thiên tử mặt trời, như Càn-thát-bà gần gũi Trì quốc Thiên vương, như chúng Bàn trà gần gũi Tăng trưởng Thiên vương, như chúng rồng gần gũi Quảng mục Thiên vương, như chúng Dạ xoa gần gũi Đa văn Thiên vương, như chúng A-tu-la gần gũi Tỳ ma chất đa la A-tu-la vương, như các cõi trời Tam thập tam gần gũi Thiên chủ Đế thích, như Phạm chúng gần gũi Đại phạm vương, như các Để-di-la xuất hiện trong biển lớn, như mây đen kéo đến sắp tuôn mưa lớn và các đám mây xung quanh đều giăng theo. Các căn của Như Lai đều nhu hòa và điều thuận hoàn toàn. Oai nghi đoan chánh, các tướng không khiếm khuyết. Như voi chúa bảy chi tròn đầy ngay thẳng, đứng vững trên đất bằng, lìa các lỗi lầm.

Như Lai có đầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp; thân tướng tốt, thanh tịnh trang nghiêm không ai hơn được, tròn sáng rực rỡ chiếu đến khắp nơi, như trong ánh sáng của ngàn mặt trời. Lại như núi báu cao hiển lộ ra ngoài, tất cả đều rực rỡ, hoàn hảo tốt đẹp, mười lực, bốn vô sở úy, tam bất hộ, tam niệm trú và đại bi.v.v… đầy đủ các pháp công đức.

Lúc đó, lại có vô số chúng Bí sô và vô số trăm ngàn người thân cận theo Phật đi đến rừng Thi Đà. Khi Phật đi có mười tám pháp rất đáng khen ngợi.

Thế nào là mười tám?

– Một là không sợ lửa.

– Hai là không sợ nước.

– Ba là không sợ sư tử.

– Bốn là không sợ cọp.

– Năm là không sợ nạn biển.

– Sáu là không sợ quân kẻ khác.

– Bảy là không sợ giặc cướp.

– Tám là không sợ nạn vua.

– Chín là không sợ người ác.

– Mười là không sợ thuế các cửa đường qua sông.

– Mười một là không sợ người.

– Mười hai là không sợ phi nhân.

– Mười ba là không sợ phi thời.

– Mười bốn là mắt trời, tai trời, thấy nghe như thật.

– Mười lăm là ánh sáng chiếu sáng rỡ, rộng lớn.

– Mười sáu là đối với pháp tự tại.

– Mười bảy là đối với người tự tại.

– Mười tám là không bị khổ não vì bệnh.v.v…

Các thiện pháp ấy khi Phật bước đi đều đầy đủ.

Bấy giờ lại có trăm ngàn người đều tập trung theo Thế tôn đi đến rừng Thi Đà xem Phật Thế tôn đã làm những gì.

***

    Xem thêm:

  • Kinh Kim Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 32 – Linh Tinh - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Tịnh Từ Yếu Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Vãng Sanh Tịnh Độ Bản Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Nhân Duyên Nại Nữ Và Kỳ Vực - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 51 Đến Phẩm 60 - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Quy Nguyên Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Lục Độ Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Bản Khởi Thái Tử Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 1 Đến Phẩm 10 - Kinh Tạng