1
2
3
4

QUYỂN 2

Bấy giờ trong thành Vương Xá có hai đồng tử, một người là dòng Bà la môn, người thứ hai dòng Sát đế lợi.

Đồng tử dòng Sát đế lợi tên là Thọ Mạng.

Hai đồng tử này từ thành Vương Xá ra đi, đang cùng đùa giỡn ở bên trái đường. Từ lâu, đồng tử Thọ mạng đã có lòng tin chơn chánh. Đồng tử Bà la môn không có lòng tin chơn chánh.

Đồng tử Thọ Mạng nói rằng:

– Tôi nghe trước đây Thế tôn nói: “Vợ của trưởng giả Thiện Hiền sẽ sinh con trai, sau khi sinh rồi, gia đình giàu thịnh, an lành tối thượng, ở trong loài người hưởng thọ phước trời. Về sau sẽ xuất gia học đạo trong pháp của Phật, dứt các phiền não, chứng A-la-hán”. Vợ của Thiện Hiền đã chết, con cũng chết theo. Thân thuộc của trưởng giả đem xác đặt trong rừng Thi Đà. Không biết có phải Thế tôn nói dối việc này hay không?

Lúc ấy đồng tử Thọ Mạng vì đồng tử Bà la môn nói kệ rằng:

– Mặt trời, sao, trăng có thể rơi

Núi đá, đất bay lên hư không

Nước biển, vực sâu có thể khô

Lời Phật đã nói quyết không dối.

Đồng tử Bà la môn nghe kệ rồi, đồng tử Thọ Mạng nói:

– Nếu bạn không tin, tôi cùng bạn đi đến rừng Thi Đà xem rõ sự việc này.

Khi ấy Thế tôn từ thành Vương Xá tiếp tục ra đi. Hai đồng tử kia đang đùa giỡn bên trái đường. Đồng tử Thọ Mạng trông thấy Thế tôn và đại chúng thân cận, do thiện căn trước liền nói kệ rằng:

– Đại Mâu Ni hiếm có

Lìa các tướng loạn động

Khắp đại chúng trời người

Tuần tự đi theo Ngài

Rống lên tiếng Sư tử

Phá các luận ngoại đạo

Dứt hẳn các lưới nghi

Tối thượng rất khó thấy

Phật đến rừng Thi Đà

Tướng oai nghi xinh đẹp

Như gió thổi sạch tuyết

Sáng lạnh khắp không gian

Thích Ca Mâu Ni tôn

Biến hóa hiện ánh sáng

Người thấy trong khoảnh khắc

Theo đó được lợi ích.

Bấy giờ quốc chủ Ma-Già-Đà, vua Tần Bà Sa La, trước đã nghe Phật Thế tôn nói: “Vợ của trưởng giả sẽ sinh con trai. Sau khi sinh rồi, gia đình được giàu thịnh, an lành tối thượng. Ở trong cõi người hưởng thọ phước trời. Về sau xuất gia học đạo trong pháp của Phật, dứt các phiền não, chứng A-la-hán. Vợ của trưởng giả đã chết, thân thuộc đưa vào rừng Thi Đà. Nay Phật Thế tôn cùng đại chúng thân cận cũng đến rừng Thi Đà”.

Vua nghe rồi, tự nghĩ: “Phật Thế tôn ta, nếu không vì lợi ích thì không đến rừng Thi Đà. Không phải vợ của Thiện Hiền chết rồi mà sống lại được. Thế tôn đến đó vì muốn làm các việc lợi ích. Ta nên đến xem việc ấy”.

Vua Tần Bà Sa La nghĩ rồi liền cùng đại thần Đỗ Cựu, quyến thuộc, cung tần thân cận ra khỏi thành. Khi ra thành, hai đồng tử kia còn đang đùa giỡn bên trái đường.

Đồng tử Thọ Mạng trông thấy vua Tần Bà Sa La, liền đến trước mặt nói kệ rằng

– Quốc chủ Ma Già Đà tối thắng

Phụ tá hộ vệ ra khỏi thành

Phát lòng tin thanh tịnh chắc chắn

Tất cả mọi người đều vui mừng.

Lúc ấy, Phật và tất cả đại chúng trời người, vua Tần Bà Sa La, đồng tử Thọ Mạng.v.v… đều đi đến rừng Thi Đà.

Bấy giờ, từ trong miệng Thế tôn phóng ra ánh sáng thanh tịnh chiếu khắp chúng hội. Người đoán tướng ngoại đạo Ni-kiền-đà cũng có trong hội. Thấy Phật Thế tôn phóng ánh sáng liền nghĩ: “Sa môn Cù Đàm hiện tướng ánh sáng ở trong đại chúng, lẽ nào con của Thiện Hiền chưa chết hay sao?!”.

Nghĩ xong, ông ta nói với trưởng giả:

– Trưởng giả! Ta thấy Sa môn Cù Đàm hiện tướng ánh sáng, ắt là con ông còn, không chết.

Trưởng giả Thiện Hiền hỏi:

– Thưa thánh giả thầy con! Nếu việc này như vậy, con phải làm sao?

Ngoại đạo bảo rằng:

– Trưởng giả! Nếu con ông còn thì nên cho vào tu học trong pháp của ta.

Bấy giờ trưởng giả sắp hỏa táng người vợ, chất củi và các đồ tang lễ bên ngoài rồi châm lửa đốt. Khi ngọn lửa đã cháy thì từ giữa rốn người vợ dần nứt, mọc ra một hoa sen, trong hoa sen ấy có một đồng tử ngồi ngay thẳng, diện mạo xinh đẹp, sắc tướng khác thường.

Lúc ấy, vô số đại chúng trong hội đều thấy tướng này, khen chưa từng có. Những người chánh tín nhớ lời trước Phật đã nói là thành thật không giả dối. Ngoại đạo Ni-kiền-đà thấy việc này, trong lòng buồn khổ, đứng yên lặng.

Thế tôn bảo trưởng giả Thiện Hiền rằng:

– Ông đem đồng tử này về giữ gìn nuôi dưỡng.

Khi ấy, ngoại đạo Kiền-đà lén nhìn thái độ của trưởng giả rồi nói:

– Trưởng giả! Trong lửa đốt xác chết bỗng sinh ra đồng tử. Tất cả việc này đều không an lành. Ông không nên mang đứa bé về nuôi dưỡng.

Trưởng giả Thiện Hiền nghe lời, không bằng lòng nhận đồng tử ấy. Khi ấy, Phật bảo đồng tử Thọ Mạng rằng:

– Ông nên nhận đồng tử này về gìn giữ dưỡng nuôi.

Đồng tử Thọ Mạng suy xét trước sau mới bạch Phật rằng:

– Ở trong nhà của con không nơi nào chứa nhận. Giả như được đứa con này không phải việc con nên làm.

Sau khi vợ Thiện Hiền được hỏa táng xong, Phật dùng sức oai thần của ánh sáng, lửa tự diệt tắt. Trong khoảnh khắc, bầu trời rơi tuyết nhỏ, tự nhiên trong lành, thâu cuốn củi dư, làm sạch đất nơi hỏa táng. Trong lửa sanh ra một đồng tử đứng vững vàng.

Thế tôn bảo trong chúng và đồng tử Thọ Mạng rằng:

– Các ông là người có lòng tin, chớ học theo sự cuồng loạn của ngoại đạo tà khác, nên trụ trong chánh niệm.

Đồng tử Thọ Mạng bạch Phật:

– Con sanh trong dòng vua, cũng là dòng vua lâu đời, thân con thanh tịnh, như hương Ngưu đầu chiên đàn. Con thật không biết việc cuồng loạn của ngoại đạo tà khác.

Lúc ấy Thế tôn lại bảo trưởng giả Thiện Hiền:

– Đồng tử này là con ông, ông nên đem về giữ gìn nuôi dưỡng.

Trưởng giả Thiện Hiền kia tà kiến cứng cỏi, không thực hành chánh đạo. Lúc đó lại lén nhìn ngoại đạo Ni-kiền-đà.

Ngoại đạo nói:

– Trưởng giả Thiện Hiền! Ông nên suy xét, đồng tử này là di vật trong lửa còn sót lại, rất xui xẻo. Tuy lửa không đốt nhưng tướng sao tốt được? Nếu ông đem về ở với ông, gia đình ông sẽ bị phá hoại; lại không hợp với mạng của ông, về ở với ông sẽ gây nhiều tổn hại, muốn làm việc gì thì không được thuận lợi, sau sẽ hối hận.

Trưởng giả nghe ngoại đạo nói vậy, không bằng lòng nhận đồng tử.

Bấy giờ Thế tôn bảo vua Tần Bà Sa La:

– Đại vương, ông nên mang đồng tử này về cung nuôi dưỡng.

Vua Tần Bà Sa La vâng lời Phật dạy, vội vàng đứng dậy, khom người xuống, đưa hai tay bồng đồng tử, nhìn khắp đứa bé, rồi bạch Phật rằng:

– Con vâng lời Phật dạy, đem đồng tử về cung, nhưng đặt tên đồng tử là gì? Xin Phật Thế tôn đặt cho.

Phật bảo:

– Đại vương! Đồng tử này được sanh từ trong lửa, nên đặt tên là Hỏa Quang Minh.

Lúc ấy, Thế tôn ở trong đại chúng, đem đồng tử giao phó cho vua Tần Bà Sa La rồi quan sát biết vua Tần Bà Sa La và chúng hội, tùy theo căn tánh, sở thích của họ mà thuyết pháp cho họ.

Các chúng hội này được nghe pháp rồi, có hơn trăm người phát lòng tin thanh tịnh tối thượng. Có người chứng quả Tu-đà-hoàn, có người chứng quả Tư-đà-hàm, có người chứng quả A-na-hàm, có người chứng quả A-la-hán, có người đạt đến Noãn vị thiện căn, có người đạt đến Đảnh vị của thiện căn, có người đạt đến Nhẫn vị thiện căn, có người phát tâm Thanh văn Bồ đề, có người phát tâm Duyên giác Bồ đề, có người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác Bồ đề, có người phát tâm quy y nhiếp thọ, có người phát tâm thọ trì giới luật.

Các chúng hội như vậy, Phật đều đem sức công đức làm chúng hòa hợp, tùy theo trường hợp đều được lợi ích.

Khi ấy, vua Tần Bà Sa La ra khỏi hội Phật, đem đồng tử trở về cung vua. Đại vương triệu tập tám cung tần làm tám người mẹ:

– Hai người làm dưỡng mẫu để nuôi dưỡng.

– Hai người làm nhũ mẫu lo việc cho bú mớm.

– Hai người làm tịnh mẫu để tắm giặt.

– Hai người làm hý mẫu để làm bạn học tập và vui chơi.

Đại vương sai tám bà mẹ làm như vậy rồi giao đồng tử cho họ nuôi, từ lúc còn bú mớm cho đến trưởng thành. Lúc ăn, lúc bú và các việc làm khác, suốt cả ngày đêm ân cần nuôi dưỡng, vỗ về, thương yêu, không để thiếu sót. Dần đến khi trưởng thành, trang nhã thanh tịnh như một hoa sen từ trong ao mọc lên, luôn luôn thương yêu giữ gìn như vậy.

Đồng tử Quang Minh có một người cậu họ, đem của cải đi ra ngoài buôn bán đã lâu, trải qua nhiều năm chưa quay trở về. Bỗng một lúc nọ nghe người ngoài nói: “Em gái ông mang thai, Phật đã thọ ký chắc chắn sẽ sanh con trai. Sau khi sanh rồi, gia đình giàu thịnh, an lành tối thượng, ở trong cõi người hưởng thọ phước trời. sau đó xuất gia học đạo trong pháp của Phật, dứt các phiền não, chứng A-la-hán”.

Người anh nghe nói vậy rồi, liền thâu góp của cải buôn bán, mang vác lặn lội từ xa trở về nhà mình. Về đến nhà biết em đã chết, kêu buồn khóc lóc. Tự nghĩ: “Lúc trước ở ngoài đã nghe Phật thọ ký em ta chắc chắn sinh nam, dứt các phiền não, chứng A-la-hán. Nay em ta đã chết, lời Phật nói là dối. Chẳng lẽ Phật Thế tôn cũng nói dối hay sao?”.

Nghĩ vậy rồi đến nhà làng xóm hỏi han việc ấy. Đến nơi hỏi người làng xóm rằng:

– Tôi đi buôn bán xa mới về. Trước đã nghe người nói: em tôi mang thai, Phật thọ ký chắc chắn sẽ sinh con trai. Sau khi sinh rồi, gia đình giàu thịnh, ở trong cõi người hưởng thọ phước trời. Sau đó xuất gia học đạo trong giáo pháp của Phật, dứt các phiền não, chứng A-la-hán. Tôi nghe nói vậy, vui mừng vội trở về. Kịp về đến nhà thì em tôi đã chết. Lời Phật đã nói có phải là giả dối hay không?

Người làng xóm vì người anh, nói kệ rằng:

– Trăng sao ở dưới đất

Núi đá bay lên không

Biển lớn có thể khô

Lời Phật thật không dối.

Người làng xóm nói kệ rồi, lại bảo với người anh rằng:

– Lời Thế tôn nói thật không giả dối, nhưng em ông đã chết là có nguyên nhân. Trưởng giả Thiện Hiền tin lời ngoại đạo nói, nên tạo nghiệp giết hại. Do nguyên nhân giết hại mà em ông chết. Đồng tử Quang Minh có oai đức lớn, lửa không thể đốt cháy, người sanh ra từ trong hoa sen. Nay vua Tần Bà Sa La đang nuôi dưỡng trong cung.

Người làng xóm kể lại đầy đủ việc ấy cho người anh.

Lúc người anh nghe rồi, trở về nhà nói với trưởng giả Thiện Hiền rằng:

– Việc trưởng giả làm không theo pháp lý. Em gái tôi làm sao chết, tôi đã biết rõ. Em tôi mang thai, ông sắp bày mưu kế, sinh sản không tròn. Nguyên nhân ông dùng tà kiến, tin theo ngoại đạo, giết hại em tôi. Đồng tử Quang Minh có oai đức lớn, sinh ra từ trong hoa sen, lửa không thể đốt cháy, nay đang ở trong cung vua. Việc này thật phi lý! Trong ngày nay, ông hãy mau đến cung vua đem đồng tử về thì việc này tốt. Nếu không làm vậy, ắt tôi cùng ông sẽ không còn hòa thuận. Tôi sẽ đem tro trắng đi rải khắp trong các ngã tư đường và khắp nơi, làm cho trắng đất, khiến mọi người sợ hãi, rồi tôi xướng lên rằng: “Trưởng giả Thiện Hiền giết hại người nữ. Em tôi trước do nguyên nhân này bị chết. Đồng tử Quang Minh nay ở trong cung vua, bây giờ vua sẽ làm việc không lợi ích”. Tôi sẽ rao việc này khắp nơi. Ông hãy tự tính toán, không nên để lại sự xấu hổ.

Trưởng giả Thiện Hiền nghe nói xong, lòng sanh buồn não, nghĩ rằng: “Như anh nói là thật không phải dối. Nếu thật như vậy, tôi phải xấu hổ!”. Nghĩ rồi, liền đến cung vua. Đến rồi, quỳ bái cung kính, đem việc ấy tâu vua rằng:

– Đại vương! Tôi quá khinh xuất, ngài thật cao tột! Nếu không đem được đồng tử về, e vua bị chê bai. Xin vua cho đồng tử này đem về.

Vua nói:

– Trưởng giả! Lòng ta vốn không giữ lấy đồng tử này. Do Phật Thế tôn giao phó cho ta. Nếu không phải Phật bảo, ta giữ lấy làm gì? Nếu ông muốn đem đồng tử này về, nên đi đến chỗ Phật trình bày đầy đủ việc ấy.

Trưởng giả Thiện Hiền liền ra khỏi cung vua, đến chỗ Phật, rồi bạch Phật rằng:

– Con có người thân từ xa về, bảo con rằng: “Đồng tử Quang Minh ở trong cung vua. Trong ngày nay mau đem đồng tử về là tốt. Nếu không, người ấy không hòa thuận, sẽ đến ngã tư đường hô lên rằng: “Trưởng giả Thiện Hiền giết hại người nữ. Em tôi trước do nhơn này mà chết. Đồng tử Quang Minh ở trong cung vua, lúc ấy vua cũng không làm việc lợi ích”. Con vì việc này đi đến cung vua xin lại đồng tử. Vua đáp: “Trước kia do Phật bảo ta đem về nuôi dưỡng”. Nay con đến đây xin Phật bảo vua trao lại đồng tử cho con.

Bấy giờ đức Thế tôn biết việc này rồi, xét biết nếu trưởng giả Thiện Hiền không được đồng tử này, trong lòng bị ép khổ não, không đạt được ý này chắc chắn sẽ nôn huyết mà chết.

Phật vì đại từ bi làm việc cứu giúp, liền bảo tôn giả A-Nan rằng:

– A-Nan, ông có thể đến cung vua Tần Bà Sa La nói lại như lời của ta: “Phật hỏi đại vương có được khỏe không? Nay có một việc xin nghe lời Phật dạy: – Trưởng giả Thiện Hiền đến xin lại đồng tử Quang Minh. Xin vua trao lại cho. Nếu trưởng giả Thiện Hiền không được đồng tử, lòng bị ép buồn não, ý này không đạt, chắc chắn sẽ nôn huyết mà chết. Vua vì việc này, nên làm theo lời Phật dạy”.

Tôn giả A-Nan vâng theo thánh chỉ của Phật, liền đến cung vua Tần Bà Sa La, gặp vua rồi nói như lời Phật dạy:

– Phật hỏi đại vương có được khỏe không? Nay có một việc xin nghe lời Phật: – Trưởng giả Thiện Hiền đến xin lại đồng tử Quang Minh. Nếu Thiện Hiền không được đồng tử này sẽ bị ép buồn khổ, không được như ý, chắc chắn sẽ nôn huyết mà chết. Đại vương vì việc này, nên trao đồng tử lại cho họ.

Bấy giờ vua Tần Bà Sa La vâng lời Phật dạy, liền nói rằng:

– Tôn giả đại đức! Xin trở về bạch Phật giúp con: – Vua Tần Bà Sa La cúi đầu dưới chân Thế tôn, kính lời thăm hỏi đức Thế tôn, con xin vâng theo lời Phật dạy.

Tôn giả A-Nan ra khỏi cung vua, trở về chỗ Phật, bạch Phật Thế tôn đủ như lời vua.

Lúc ấy, vua Tần Bà Sa La liền triệu trưởng giả Thiện Hiền đến nói rằng:

– Thiện Hiền! Đồng tử này được nuôi dưỡng giữ gìn trong cung vua đã lâu. Tám bà mẹ chăm sóc, bú mớm theo từng lúc. Lòng tôi thương yêu hơn là cha con. Tuy nay vâng lời Phật trao lại cho ông nhưng ông cũng sẽ như tâm ý của tôi, mỗi ngày ba lần ông đưa đồng tử vào cung, ta muốn gặp nó.

Trưởng giả Thiện Hiền vâng lệnh vua, liền tâu rằng:

– Tôi vâng lệnh vua, không dám làm trái. Mỗi ngày ba lần sẽ đưa đến cung vua.

Vua Tần Bà Sa La liền lấy các thứ báu đẹp trang nghiêm, vòng trang sức bằng ngà voi, để đồng tử Quang Minh cỡi voi báu, cho riêng một người hầu theo làm bạn đưa đến nhà trưởng giả. Sau đó mỗi ngày ba lần, trưởng giả đưa đồng tử đến cung vua, vua đích thân xem kỹ đồng tử Quang Minh làm việc gì đều theo như pháp lý.

Cho đến sau, người cha Thiện Hiền chết rồi, đồng tử Quang Minh làm chủ nhà, tiếp nối sự nghiệp, lại chuyên tinh tấn tin Phật, tin Pháp, tin Bí sô Tăng; quy y Phật, Pháp, Bí sô Tăng.

Ở nơi này, trước kia người cha đã tạo nghiệp giết hại, nay trưởng giả Quang Minh vì cha tu làm việc phước. Trong nhà lúc nào cũng làm đầy đủ bốn việc cung cấp, thừa sự bốn phương Bí sô. Tương lai sau là người kiết tạng chánh pháp của Thế tôn, là người cao tuổi đứng đầu trong các đại Thanh văn, cũng thường cung cấp, cúng dường các thứ.

Trưởng giả Quang Minh ở trong thành Vương Xá, tu các việc phước như vậy, đều vì cha làm việc lợi ích.

Bấy giờ có một khách buôn, trước là bạn cũ cùng buôn làng với Thiện Hiền, ở phương xa buôn bán lâu chưa về, nghĩ rằng Thiện Hiền hoàn toàn không làm nghiệp lành. Nay lại nghe biết ông ta đã chết, có con tên Quang Minh, trưởng giả Quang Minh tin Phật Pháp Tăng, quy y Tam bảo, làm việc đúng như lý. Người khách buôn nghe việc này rồi nghĩ thương Thiện Hiền, vui mừng cho trưởng giả Quang Minh, liền đem hương tốt Ngưu đầu chiên đàn, làm cái bát lớn chứa đầy vật báu, từ phương xa sai người đem đến nói thế này:

– Ý tôi mong rằng mãi mãi làm kỷ niệm để nhớ không quên.

Khi ấy trưởng giả Quang Minh liền đem câu thần chú ủng hộ cho họ. Câu chú ấy là:

– “Kế na tức tư thác dạ phược thất thác dạ phược yết lý ca thác kế na phược ngật lý hệ hằng”.

Nói chú này xong, lại nói rằng:

– Bát báu này biếu cho Sa môn hoặc Bà la môn, hoặc người có các thứ thần thông oai lực lớn sẽ nhận bát này. Nếu được như vậy nên vui.

Chú nguyện rồi liền mang bát này ra khỏi thành Vương Xá. Trước tiên trồng một cây trụ lớn ở bên trái đường, rồi trang sức dây lụa, trên lại treo linh, để cái bát ở dưới cây làm dấu hiệu.

Bấy giờ có các ngoại đạo, như thường lệ vào lúc sáng sớm đi đến sông tắm rửa, lần lượt đi qua đường ấy, thấy bát báu này liền hỏi trưởng giả Quang Minh:

– Trưởng giả! Ông để bát ở đây để làm gì?

Trưởng giả Quang Minh đem nguyên nhân nói lại cho các ngoại đạo, các ngoại đạo nói:

– Các vị Sa môn Thích tử thanh tịnh, có thể nhận lãnh bát này, người không năng lực không thể kham nhận.

Ngoại đạo nói rồi, theo đường mình mà đi.

Sau đó có các chúng Bí sô đại đức cao tuổi, mang bát khất thực vào thành Vương Xá, thấy bên trái đường có bát báu này mới hỏi trưởng giả Quang Minh rằng:

– Ông để bát ở đây làm gì?

Trưởng giả Quang Minh cũng đem nguyên nhân trước trả lời.

Các Bí sô nói:

– Trưởng giả! Bát báu này chúng tôi không thể nhận, nên đem dâng lên Phật để thêm lớn lợi hành, diệt các tội cấu.

Khi các Bí sô nói vậy xong, theo đường mình mà đi.

***

    Xem thêm:

  • Kinh Kim Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 32 – Linh Tinh - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Tịnh Từ Yếu Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Vãng Sanh Tịnh Độ Bản Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Nhân Duyên Nại Nữ Và Kỳ Vực - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 51 Đến Phẩm 60 - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Quy Nguyên Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Lục Độ Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Bản Khởi Thái Tử Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 1 Đến Phẩm 10 - Kinh Tạng