Kinh Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng
Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng Kinh [分別善惡報應經]
Tống Thiên Tức Tai dịch
Việt dịch: Thích Chánh Lạc
***
QUYỂN THƯỢNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời Thế tôn ở vườn ông Cấp cô độc, rừng cây ông Kỳ đà, nước Xá vệ. Bấy giờ đức Thế tôn đúng giờ ăn, ôm bát mang y vào thành Xá vệ, thứ lớp khất thực. ngài đi đến nhà của trưởng giả Đâu-nễ-dã-tử Du-ca, đứng ở ngoài cửa. Bấy giờ trưởng giả Du ca có một con chó tên là Thương khư, nó thường đứng giữ cửa. Khi ấy trưởng giả thường dùng bát đồng đựng đầy đồ ăn ngon cho Thương khư ăn. Con chó thấy đức Thế tôn nó liền sân hận và sửa. Bấy giờ đức Thế tôn nói với con Thương khư:
–Ngươi do chưa biết tỉnh ngộ nên thấy ta mới sửa.
Ngài nói như vậy xong, con Thương khư chuyển từ ác tâm sanh ra sân hận, nó bỏ chỗ trước, đi đến ở dưới tòa chiên đàn. Khi ấy trưởng giả Du ca đi ra khỏi nhà, ở ngoài cửa, thấy con chó ở dưới tòa chiên đàn, trưởng giả hỏi:
–Người nào làm ngươi tức giận?
Con Thương khư im lặng. Bấy giờ trưởng giả Du ca lại hỏi:
–Này hiền tử, người nào làm Thương khư tức giận?
Thưa rằng:
–Sa môn Cù đàm đã đến đây, đứng ở trước cửa, con thấy rồi sửa, sa môn Cù đàm ấy nói như vầy: “Do ngươi chưa ngộ nên nay mới sửa”. Con nghe lời nói ấy rồi, tâm liền tức giận, đứng dậy bỏ chỗ ở cũ, đi đến ở dưới tòa chiên đàn.
Bấy giờ Du ca nghe lời nói ấy rồi, hết sức tức giận, đi ra khỏi thành Xá vệ, đi đến vườn ông Cấp cô độc, rừng cây ông Kỳ-đà. Khi ấy đức Thế tôn cùng vô lượng trăm ngàn chư tỳ kheo trước sau đoanh vây ở tòa của ngài để nghe thuyết pháp. Bấy giờ đức Thế tôn từ xa trông thấy trưởng giả Du ca đi lại, bảo các tỳ kheo rằng:
–Các ngươi có thấy Du ca trưởng giả từ xa đi đến chăng?
Các tỳ kheo thưa:
–Thưa vâng, chúng con đã thấy.
Đức Thế tôn bảo:
–Người con của trưởng giả này đang có tâm sân hận đối với đức Phật, sau khi mạng chung sẽ đọa vào trong địa ngục lớn nhanh như tên bắn vậy. Vì sao? Vì phân biệt kế chấp hư vọng, ta người, khởi ra phiền não sân, hủy báng đức Phật, nó sẽ đọa vào các ác thú, thọ vô lượng khổ. Nó lại còn sanh tâm khinh mạn đối với ta, cũng như đối với tất cả chúng sanh.
Bấy giờ đức Thế tôn bảo các tỳ kheo bằng bài kệ rằng:
“ Khởi ác tâm với Phật
Hủy báng, sanh khinh mạn
Vào trong địa ngục lớn
Thọ khổ vô cùng tận
Có các loại hữu tình
Với Đạo sư, tỳ kheo
Tạm thời sanh ác tâm
Mạng chung đọa địa ngục
Nếu đối với Như lai
Đều đọa trong ác đạo
Khởi tâm đại sân hận
Mãi luân hồi thọ khổ”.
Bấy giờ Đâu nễ dã tử đi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, ở trước đức Thế tôn nói lên những lời nhu hoà, thiện tùy thuận, xưng tán đức Như -Lai. Nói như vậy rồi đứng qua một bên, bạch Thế tôn rằng:
–Thưa Thế tôn! Do nhân duyên gì mà ngài đến nhà tôi?
Đức Phật bảo trưởng giả Du ca rằng:
–Đã đúng giờ ăn, ta bèn mang y cầm bát vào thành Xá vệ, thứ lớp khất thực, cho đến nhà của ngươi thì ta đứng nơi cửa. Bấy giờ con Thương khư đang đứng ở trước cửa, từ từ ăn đồ ăn đựng trong bát bằng đồng. Thương khư thấy ta đang đứng nơi cửa, mới thấy nó liền sửa, ta nói: “ Này Thương khư, do ngươi chưa ngộ, cớ gì mới thấy ta liền sửa?!”. Con chó nghe lời ấy liền sanh tâm sân hận, đi đến chỗ khác.
Bấy giờ trưởng giả bạch đức Thế tôn rằng:
–Con chó Thương khư này không biết kiếp trước nó như thế nào, cúi mong đức Phật diễn thuyết cho.
Đức Phật bảo:
–Thôi đi, đừng hỏi việc này. Nếu ngươi nghe việc này càng thêm ảo não, không thể chịu nổi đâu.
Trưởng giả Du ca ba lần thưa đức Phật như vầy:
–Cúi mong đức Phật diễn thuyết việc này cho con, con rất muốn nghe.
Bấy giờ đức Thế tôn bảo trưởng giả rằng:
–Nay ngươi hãy lắng nghe và khéo nhớ nghĩ, ta sẽ phân biệt, diễn thuyết cho nghe. Con chó ấy chính là thân của Đâu nễ dã, cha của ngươi đó. Ở trong đời quá khứ vọng chấp thân này, vô ngã chấp là ngã, xan tham, tật đố, không chịu bố thí, tham tiếc tiền của, không tin tam bảo, cho nên phải đọa vào loài súc sanh vậy. Nay con chó Thương khư này chính là cha của trưởng giả.
Trưởng giả Du ca lại bạch đức Thế tôn:
–Cha của con là Đâu nễ dã những ngày còn sống thường hay bố thí, thờ cúng thiên hỏa và các quỉ thần, như vậy thân của cha con nhất định phải được sanh lên trời Phạm, hưởng sự giàu có, sung sướng, vì cớ gì lại đọa vào trong loài súc sanh vậy? Điều này thật khó tin!
Đức Phật bảo trưởng giả:
–Cha của ngươi là Đâu nễ dã, do sự phân biệt này vọng sanh kế chấp, không hành huệ xả, không tin Tam bảo, do nhơn duyên ấy phải đọa vào loài chó vậy.
Ngài lại bảo:
–Nay ta đã nói sợ ngươi không tin, vậy ngươi hãy trở về nhà hỏi con Thương khư (thì rõ).
Bấy giờ trưởng giả chào đức Phật rồi trở về nhà. Đến nhà rồi, bảo con chó:
–Này Thương khư! Ngươi nếu thật là cha của ta tên là Đâu nễ dã, thì này chó, ngươi hãy ngồi lên tòa chiên đàn đi!
Trưởng giả lại nói.
–Này Thương khư! Nếu ngươi thật là cha của ta tên là Đâu nễ dã thì hãy đến mâm đồng ăn món thịt này đi!
Sau khi con Khương khư ăn xong, trưởng giả lại bảo:
–Nếu ngươi thật là cha của ta, tên là Đâu nễ dã, vậy làm sao hãy hiển bày điều kỳ dị đi!
Bấy giờ con Thương khư nghe lời nói ấy rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ cũ, lấy mũi ngửi đất ở dưới tòa chiên đàn, dùng chân bươi ra một cái hũ, bên trong chứa đầy bình bằng vàng, mâm bằng vàng và các loại tạp khí. Khi ấy trưởng giả Du ca thấy các thứ kim ngân châu báu hy hữu này liền sung sướng nhảy nhót, yêu thích những đồ được cất giấu này. Bấy giờ trưởng giả đi ra khỏi thành Xá vệ, đến chỗ đức Phật một lòng quy y.
Khi ấy đức Thế tôn cùng vô lượng trăm ngàn chúng tỳ kheo ở trước tòa đang thuyết pháp. Bấy giờ đức Thế tôn bảo các tỳ kheo:
–Các ngươi có thấy trưởng gia Anh Võ, con của Đâu nễ dã từ xa đi đến không?
Các tỳ kheo thưa:
–Thưa vâng, chúng con đã thấy.
Đức Phật nói:
–Này tỳ kheo, nay trưởng giả này nếu thân ta mạng chung thì như buông gánh nặng xuống, liền sanh lên trời, do vì người ấy đang hoan hỷ, phấn khởi, phát tâm chân thật đối với ta, cho nên được quả báo như vậy.
Bấy giờ đức Thế tôn bảo các tỳ kheo mà nói tụng rằng:
“Đây là một hữu tình
Phát tâm muốn thấy ta
Mạng chung sanh lên trời
Như buông xả gánh nặng
Đối với Thầy thuyết pháp
Như Lai và tỳ kheo
Tạm thời tâm hoan hỷ
Quả báo cũng như vậy”
Bấy giờ đức Thế tôn đã nói kệ này rồi, khi ấy trưởng giả Du ca đi đến chỗ đức Phật, Đầu mặt lạy dưới chân ngài, vô cùng hoan hỷ, hết lời xưng tán, khen ngợi là điều chưa từng có. Nói như vậy xong, ông đứng qua một bên. Bấy giờ đức Thế tôn bảo Du ca rằng:
–Con chó Thương khư này quả thật là cha của ngươi?
Trưởng giả thưa:
–Đúng vậy, Thưa Thế tôn, như lời đức Phật đã nói chân thật không hư dối, tất cả những điều nghi hoặc của con đều đã đoạn trừ.
Khi ấy trưởng giả Du ca thưa đức Thế tôn rằng:
–Tất cả loài hữu tình chết yểu, sống lâu, có bệnh, không bệnh đoan nghiêm, xấu xí, sanh nhà hào quý, đê tiện, thông minh, ngu độn, mềm mại, thô lỗ… Các việc ấy không giống nhau. Vậy nhân quả thiện ác báo ứng như thế nào?.
Đức Phật bảo Du ca trưởng giả tử rằng:
–Lành thay! Lành thay! Ngươi hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ nói cho: Tất cả hữu tình tạo nghiệp, tu nhân thiện ác không giống nhau, cho nên mới có sự báo ứng sang hèn, trên dưới, chủng tộc cao, thấp, sai biệt khác nhau. Nay ta lược nói những việc như vậy. Nếu phân biệt rộng rãi thì nghĩa ấy hết sức thâm sâu.
Bấy giờ trưởng giả lại thưa đức Phật rằng:
–Cúi mong đức Phật diễn thuyết cho con nghe!
Bấy giờ đức Phật bảo trưởng giả rằng:
–Ngươi hãy lắng nghe! Tất cả hữu tình tạo các thứ nghiệp, khởi ra các thứ hoặc. Nghiệp của chúng sanh có đen có trắng quả báo phân ra có thiện có ác. Hắc nghiệp thọ quả báo nơi tam đồ, bạch nghiệp nhất định cảm quả báo nhân thiên. Lại nữa, nghiệp có phân hạng, mạng sống có ngắn dài. Lại nữa, bổ đặc già la có nghiệp, nhiều bệnh, ít bệnh, đoan nghiêm, xấu xí, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la, Phú quý, bần cùng, thông minh trí huệ, căn cơ đần độn, ngu si ám muội, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la, sanh ba đường ác, hoặc lại có nghiệp sanh ở dục giới, nhân thiên, cho đến trời Hữu đảnh, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la đi xa và gần, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la mong cầu không toại, hoặc lại có nghiệp không cầu mà tự đến, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la thành tựu khó hay dễ, thành công hay không thành công, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la thọ mạng viên mãn ở trong địa ngục hay yểu mạng, nhẹ nặng không đồng, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la phú quý bần cùng, hoặc trước hoặc sau không nhất định, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la phú quý bần cùng ưa thích bố thí hay keo kiết không nhất định, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la thọ mạng dài ngắn không nhất định, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la thân tâm vui vẻ hay bị khổ não không nhất định, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la hình dáng đoan nghiêm, sáng mát đáng yêu, hay bị xấu xí, thô lỗ, đáng ghét, hoặc lại có nghiệp bổ đặc già la các căn đầy đủ hay không đầy đủ.
Bấy giờ đức Phật bảo con của trưởng giả rằng:
-Có mười thiện nghiệp cần phải tu tập, còn mười ác nghiệp ngươi hãy nên đoạn trừ.
Bấy giờ trưởng giả bạch đức Phật:
–Thưa Thế tôn, hữu tình bị chết yểu là do nghiệp gì mà bị như vậy?
Đức Phật bảo con của trưởng giả rằng:
–Do sát sanh nên bị như vậy.
Lại nữa, nghiệp sát có mười loại:
1. Tự tay giết.
2. Khuyên người khác giết.
3. Thấy giết thì hoan hỷ.
4. Tùy hỷ việc giết.
5. Giết bào thai.
6. Khuyên trục thai cho chết.
7. Oán thù mà giết.
8. Giết bằng cách đoạn nam căn.
9. Bằng phương tiện giết.
10. Sai người giết.
Mười thứ như vậy đưa đến quả báo chết yểu.
Lại nghiệp như thế nào mà được quả báo trường thọ? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?:
1. Xa lìa việc tự tay giết.
2. Xa lìa việc khuyên bảo người giết.
3. Xa lìa sự hoan hỷ khi (thấy) giết.
4. Xa lìa việc tùy hỷ giết.
5. Cứu người hình ngục bị giết.
6. Phóng sanh mạng.
7. Bố thí sự không sợ cho kẻ khác.
8. Thương xót vỗ về người bệnh.
9. Bố thí đồ ăn uống.
10. Cúng dường tràng phan, đèn đuốc.
Mười nghiệp như vậy đưa đến quả báo trường thọ.
Lại nghiệp như thế nào mà bị đến quả báo nhiều bệnh? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?
1. Tự hủy hoại loài hữu tình.
2. Khuyên người khác hủy hoại.
3. Tùy hỷ sự hủy hoại.
4. Tán thán sự hủy hoại.
5. Bất hiếu với cha mẹ.
6. Kết nhiều oán xưa.
7. Làm thuốc do tâm độc hại.
8. Keo kiết sự ăn uống.
9. Khinh chê ngạo mạn đối với thánh hiền.
10. Hủy báng pháp sư.
Mười loại như vậy bị quả báo có nhiều bệnh.
Lại nữa, nghiệp như thế nào mà được quả báo ít bệnh? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?
1. Không gây tổn hại hữu tình.
2. Khuyên người đừng làm tổn hại.
3. Không tùy hỷ sự làm tổn hại.
4. Không tán thán sự tổn hại.
5. Xa lìa việc vui sướng làm tổn hại.
6. Hiếu dưỡng cha mẹ.
7. Tôn trọng sư trưởng.
8. Không kết oán xưa.
9. Bố thí chúng Tăng được an lạc.
10. Bố thí thuốc men, ẩm thực.
Mười loại như vậy được quả báo ít bệnh.
Lại nữa, nghiệp như thế nào mà bị quả báo xấu xí? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?
1. Luôn khởi tâm phẫn nộ.
2. Buông lung tâm ngạo mạn.
3. Không hiếu thuận cha mẹ.
4. Luôn luôn buông lung tâm tham si.
5. Hủy báng hiền thánh.
6. Xâm đoạt, cưỡng bức.
7. Ăn trộm ánh sáng (dầu đèn) của Phật.
8. Cười giỡn trên sự xấu xí của người khác.
9. Hủy hoại ánh sáng của đức Phật.
10. Làm việc phi phạm hạnh.
Do mười thứ như vậy nên bị quả báo xấu xí.
Lại nữa, do nghiệp gì mà được quả báo trang nghiêm? Có mười loại nghiệp. Mười nghiệp ấy như thế nào?
1. Tu từ bi, nhẫn nhục.
2. Bố thí pháp của Phật.
3. Quét dọn chùa tháp.
4. Trang nghiêm tu sửa tinh xá.
5. Trang nghiêm tượng Phật.
6. Hiếu dưỡng cha mẹ.
7. Tin kính, tôn trọng Thánh hiền.
8. Khiêm cung, xa lìa sự ngạo mạn.
9. Phạm hạnh không sứt mẻ.
10. Xa lìa tâm tổn hại.
Như vậy, do mười thứ này được quả báo trang nghiêm.
Lại nữa, do nghiệp gì mà bị sanh vào dòng họ ti tiện? Có mười loại nghiệp, mười loại ấy như thế nào?:
1. Tham ái sanh lợi, không tu bố thí.
2. Ganh ghét vì sự vinh hoa của người khác.
3. Khinh chê hủy báng cha mẹ.
4. Không tuân lời pháp sư.
5. Hủy báng bậc hiền thiện.
6. Thân cận bạn ác.
7. Khuyên người khác làm ác.
8. Phá hoại điều thiện của kẻ khác.
9. Mua bán kinh tượng.
10. Không tin tam bảo.
Do mười nghiệp như vậy bị quả báo ti tiện.
Lại nữa, do nghiệp gì mà được quả báo sanh vào nhà hào quý giàu có? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?
1. Xa lìa tâm ganh ghét, vui mừng thấy danh lợi của người khác.
2. Tôn trọng cha mẹ.
3. Tin kính, tôn sùng Pháp sư.
4. Phát tâm bồ đề.
5. Bố thí dù lọng cho đức Phật.
6. Tu sửa trang nghiêm chùa tháp.
7. Sám hối nghiệp ác.
8. Rộng tu hạnh bố thí.
9. Khuyên người khác tu tập thiện.
10. Tin kính, tôn sùng tam bảo.
Do mười thứ như vậy nên được quả báo hào quý.
Lại nữa, do nghiệp gì bị quả báo gian ác ở nhân gian? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười loại?
1. Buông lung tâm ngã mạn.
2. Khinh mạn cha mẹ.
3. Khinh mạn sa-môn.
4. Khinh mạn bà la môn.
5. Khinh chê hủy báng bậc hiền thiện.
6. Khinh mạn người trong thân tộc.
7. Không tin nhân quả.
8. Ghét bỏ tự thân.
9. Hiềm ghét kẻ khác.
10. Không tin Tam bảo.
Do mười thứ như vậy bị quả báo ác ở nhân gian.
Lại nữa, do nghiệp gì mà được quả báo thù thắng ở nhân gian? Có mười loại nghiệp, mười loại ấy là gì?
1. Khiêm cung, xa lìa ngạo mạn.
2. Tôn trọng cha mẹ.
3. Tôn trọng sa-môn.
4. Tin kính, tôn sùng bà la môn.
5. Yêu thương, giúp đỡ người thân tộc.
6. Tôn trọng bậc hiền thánh.
7. Tu hành 10 điều thiện.
8. Không khinh mạn bổ đặc già la.
9. Tôn trọng vị Pháp sư.
10. Tin một cách vững chắc ngôi tam bảo.
Do mười thứ như vậy nên được quả báo thù thắng ở nhân gian.
Lại nữa, do nghiệp gì mà bị quả báo cô đơn nghèo khổ? Có mười loại nghiệp. Mười loại ấy là gì?
1. Luôn luôn trộm cướp.
2. Khuyên người khác trộm cướp.
3. Khen ngợi sự trộm cướp.
4. Tùy hỷ sự trộm cướp.
5. Hủy báng cha mẹ.
6. Hủy báng thánh hiền.
7. Làm chướng ngại người khác bố thí.
8. Ganh ghét khi thấy danh lợi của kẻ khác.
9. Keo kiết tiền của.
10. Khinh khi, hủy báng tam bảo, muốn tam bảo thường đói khát.
Do mười loại như vậy nên bị quả báo cô đơn nghèo khổ.
Lại nữa, do nghiệp gì mà được quả báo có phước đức lớn? Có mười loại nghiệp, mười loại ấy là gì?:
1. Xa lìa trộm cướp.
2. Xa lìa việc khuyên người trộm cướp.
3. Xa lìa việc tùy hỷ trộm cắp.
4. Hiếu dưỡng cha mẹ.
5. Tin kính, tôn sùng thánh hiền.
6. Vui mừng thấy danh lợi của người khác.
7. Rộng làm việc bố thí.
8. Không ganh ghét danh lợi của kẻ khác.
9. Không tiếc tài bảo, thương xót kẻ cô đơn bần cùng.
10. Cúng dường tam bảo.
Do mười thứ như vậy nên được quả báo có phước đức lớn.
Lại nữa, do nghiệp gì mà bị quả báo ngu độn? Có mười loại nghiệp. 10 nghiệp đó là gì?
1. Bổ đặc già la này không tin sa-môn, cũng không thân cận sa-môn.
2. Không tin bà la môn.
3. Không tin pháp sư, cũng chẳng thân cận.
4. Cất giấu giáo pháp, không truyền dạy.
5. Xoi bói những điều xấu của pháp sư.
6. Xa lìa chánh pháp.
7. Đoạn diệt thiện pháp.
8. Hủy báng bậc hiền trí.
9. Học tập điều phi pháp.
10. Hủy báng chánh kiến, xưng dương tà kiến.
Do mười pháp như vậy cho nên bị quả báo ngu độn.
Lại nữa, do nghiệp gì mà được quả báo có trí huệ lớn? Có mười loại pháp, 10 pháp ấy là gì?
1. Bổ đặc già la này thân cận sa-môn, thâm tín cầu pháp.
2. Tin bà la môn.
3. Thân cận pháp sư, cầu hiểu được nghĩa sâu kín.
4. Tôn trọng tam bảo.
5. Xa lìa kẻ ngu si.
6. Không hủy báng pháp sư.
7. Cầu được trí huệ sâu rộng.
8. Truyền pháp lợi sanh khiến cho chánh pháp không bị đoạn diệt.
9. Xa lìa điều phi pháp.
10. Xưng dương chánh kiến, xa lìa các tà kiến.
Do mười pháp như vậy cho nên được quả báo có trí huệ lớn.
Lại nữa, do nghiệp gì mà bị quả báo địa ngục? Có mười loại pháp, mười pháp ấy là gì?
1. Thân nghiệp bất thiện.
2. Khẩu nghiệp bất thiện.
3. Ý nghiệp bất thiện.
4. Hằng khởi lên thân kiến.
5. Hằng khởi lên biên kiến.
6. Tà kiến không dứt.
7. Làm ác không ngừng.
8. Dâm dục, tà hạnh.
9. Hủy báng Thánh hiền.
10. Hoại diệt chánh pháp.
Do mười nghiệp như vậy nên bị quả báo địa ngục.
Lại nữa, do nghiệp gì mà bị quả báo súc sanh? Có mười loại nghiệp. Những gì là mười?
1. Thân nghiệp làm ác bậc trung.
2. Ngữ nghiệp làm ác bậc trung.
3. Ý nghiệp làm ác bậc trung.
4. Khởi sanh nhiều lòng tham.
5. Khởi sanh nhiều lòng sân.
6. Khởi sanh nhiều lòng si.
7. Bố thí phi pháp.
8. Cấm chú yểm thuật.
9. Hủy hoại phạm hạnh của Bồ tát.
10. Khởi ra thường kiến, biên kiến, cho rằng “người chết trở lại thành người”.
Do mười nghiệp như vậy nên bị quả báo súc sanh.
Lại nữa, do nghiệp gì mà bị quả báo ngạ quỷ? Có mười loại nghiệp. mười loại nghiệp ấy là gì?
1. Thân ác nghiệp nhẹ.
2. Khẩu ác nghiệp nhẹ.
3. Ý ác nghiệp nhẹ.
4. Tham tiếc tài vật không chịu bố thí.
5. Khởi ra đại tà kiến hủy báng nhân quả của Phật.
6. Ngạo mạn, tự thị, khinh khi, hủy báng kẻ hiền lương.
7. Làm chướng ngại người khác bố thí.
8. Không thương xót kẻ đói khát.
9. Tham tiếc đồ ẩm thực, không bố thí cho Phật, Tăng.
10. Người khác được danh lợi thì phương tiện làm cho ly cách.
Do mười nghiệp như vậy nên bị quả báo ngạ quỉ.
Lại nữa, do nghiệp gì được quả báo làm người? Có mười loại nghiệp. Mười nghiệp ấy là gì?
1. Xa lìa sát sanh.
2. Xa lìa sự không cho mà lấy.
3. Xa lìa việc phi phạm hạnh.
4. Xa lìa lời nói hư dối.
5. Xa lìa lời nói tạp uế.
6. Không nói lời ly gián.
7. Xa lìa lời nói thô ác.
8. Xa lìa việc uống rượu, ăn thịt.
9. Xa lìa sự si ám.
10. Xa lìa tà kiến, vững tin tam bảo.
Do tu mười nghiệp nhẹ như vậy nên được quả báo làm người.
Lại nữa, do tu nghiệp gì mà được sanh cõi Dục thiên? Do tu mười thiện nghiệp được sanh cõi trời ấy. Lại do tu nghiệp gì mà được sanh cõi trời Sắc giới? Do tu mười định thiện mà được sanh cõi trời ấy. Lại do tu nghiệp gì, mà được sanh cõi Tứ Vô sắc giới? Do tu tập tam ma bát đố làm nhơn mà được sanh cõi trời ấy. Những gì là tứ? Xa lìa tất cả sắc, là vô biên không tưởng. Lại nữa, do tu định ấy trừ phục được chướng ngại, sau khi mạng chung được sanh lên Không vô biên xứ, xa lìa thô thức và tế thức hiện tiền, tạo ra Vô biên tưởng, trừ phục được chướng ngại. Lại do tu định ấy nên đời sau được sanh cõi trời ấy. Xa lìa chướng ngại ấy, lại tu định kia, sau khi mạng chung được sanh lên cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Lại nữa, do tu tập nghiệp gì không sanh vào Vô gián? Do tu các thiện nghiệp, hồi hướng mong cầu, quyết định được sanh trong cõi thiện, không nhập vào vô gián.
Lại nữa, do tu nghiệp gì mà cảm được quả gì? Nếu tu thiện nghiệp thì cảm quả báo đáng yêu, nếu tạo ác nghiệp thì cảm quả báo đáng ghét. Nếu xa lìa thiện và bất thiện nghiệp này thì trọn không thể có quả báo đáng yêu hay đáng ghét gì cả. Thí như người gái hiền nhưng có người chồng đi buôn ở xa, đã lâu mà chưa về nhà thì làm gì cô ấy có con?!
Lại nữa, do nghiệp gì mà không có quả báo? Do đã tạo ác nghiệp rồi hồi tâm phát lồ, tỉnh ngộ, trách mình trước chẳng suy nghĩ, tâm nghĩ miệng nói, tác ý chuyên chú mãi mãi sám hối. Nghiệp ấy tuy đã tạo rồi nhưng không thọ quả báo. Đối với thiện nghiệp cũng lại như vậy.
Lại nữa, do nghiệp gì mà được thân tâm viên mãn? Do tu tập hạnh nhẫn nhục nên được thân tướng viên mãn. Do tu tập pháp nghe rồi suy nghĩ nên được tâm viên mãn. Tu tập nghiệp này chắc chắn đạt được quả báo như vậy.
Lại do nghiệp gì mà sau khi tu tập không bị tán thất? Nếu có thiện nghiệp đã làm không hối hận, không phiền trách, không nhiễu não, cũng không cho là không, không nói điều đúng điều sai, mà không xa lìa, cũng không náo động, tạo hạnh như vậy, tu tập nghiệp này trọn chẳng hao mất, chắc chắn phải thọ quả báo.
Lại do nghiệp gì mà không có quả báo? Do tu nghiệp vô ký nên không có quả báo.
Lại do tu nghiệp gì mà bổ đặc già la thọ mạng ở địa ngục nhưng không thoát được? Đó là có một bổ đặc già la đã tạo nghiệp rồi nhưng không hối hận, cũng không hiềm trách. Lại không bác bỏ vô tâm không sầu não, không nói điều phải điều trái, cũng không có náo động, làm việc làm như vậy nên biết được sanh lên cảnh trời. Làm tất cả nghiệp bổ đặc già la sanh trong địa ngục, trọn cả tuổi thọ mà không thoát khỏi.
Lại do nghiệp gì mà có bổ đặc già la ở trong địa ngục không trọn tuổi thọ? Đó là do một bổ đặc già la tạo nghiệp kia rồi, nhưng không hối cải, phiền não tự hoại, rồi tỉnh ngộ những điều sai quấy ở trước nên xa lìa nghiệp ấy mà không náo động. Làm việc làm như vậy nên bổ đặc già la này đã tạo nghiệp ấy rồi sanh trong địa ngục nhưng không hết tuổi thọ.
Lại do nghiệp gì mà có bổ đặc già la sanh trong địa ngục liền được mạng chung? Đó là có một bổ đặc già la đã tạo nghiệp kia rồi, hối hận, khinh tháo, nói rằng: “Bác không có”, giải trừ, xa lìa phiền não châm chích, không thể yêu thích, ta không tạo ra nữa, như vua A xà thế đã tạo tội giết cha rồi hối lỗi phát lồ: “ Con tạo ác nghiệp, con phải tự thọ quả báo, nay đối diện với đức Phật, sám hối giải bày lỗi trước”. Đức Phật thương nhà vua, bảo vua hãy quán tánh của tội từ duyên huyễn mà có, rõ ràng là không thể có. Cho nên bổ đặc già la này ở trong địa ngục liền được mạng chung.
Lại do nghiệp gì mà có bổ đặc già la trước được vui sướng, sau khi bị khổ não? Đó là có một bổ đặc già la ban đầu thực hành bố thí, yêu thích, hoan hỷ, nhưng bố thí rồi tâm lại hối tiếc, cho nên bổ đặc già la ấy sanh ở nhân gian vào nhà thượng chủng tộc, vàng bạc châu báu, voi, ngựa, xe cộ, tất cả đều đầy đủ. Cha mẹ, vợ con, quan dân, tri thức đầy đủ không thiếu, cho đến kho tàng cũng lại như vậy. Cho nên khi được quả báo, trước được vui sướng, sau bị khổ não.
Lại do nghiệp gì mà có bổ đặc già la trước bị nghèo khổ, sau được vui sướng? Đó là có một bổ đặc già la do nhân đời trước dùng tâm hạ phẩm bố thí chút ít. Bố thí rồi tâm không hối tiếc, sau lại hoan hỷ, cho nên bổ đặc già la này sanh làm người trong chủng tộc thấp hèn, ăn uống, châu báu, tất cả đều thiếu thốn, cũng không được tự tại. Về sau dần dần tài vật được Tăng trưởng rộng lớn, cho đến có vô số của cải không thiếu vật gì. Cho nên bổ đặc già la này sau khi được quả thì trước bị nghèo khổ, sau được vui sướng.
Lại do nghiệp gì mà có bổ đặc già la trước được vui sướng, sau cũng vui sướng? Đó là có một bổ đặc già la khi chưa bố thí hoan hỷ muốn bố thí. Bố thí rồi hoan hỷ, trước sau không hối tiếc. bổ đặc già la này sanh làm người trong nhà giàu có, chủng tộc cao sang, cha mẹ vợ con, quan dân thân hữu viên mãn cụ túc, kho tàng châu báu voi, ngựa, trâu, dê, chó… đến vườn rừng, ruộng nhà chẳng thiếu thứ gì, tự do thọ dụng. Cho nên bổ đặc già la này trước được vui sướng, sau cũng vui sướng.
Lại do nghiệp gì mà có bổ đặc già la trước không vui sướng, sau cũng không vui sướng, mà thường bị khổ não? Đó là có một bổ đặc già la trước không có tâm bố thí, cũng không có bạn hữu tốt khuyên làm bố thí. Đã không có tín tâm, tham tiếc châu báu, từ đầu đến cuối chẳng bố thí một tơ hào nào. Cho nên bổ đặc già la đó nếu sanh làm người, ở trong chủng tộc thấp hèn, bần cùng, khốn khổ, tài bảo, ẩm thực, ruộng nhà, của cải cho đến quyến thuộc tất cả đều thiếu, trước đã không được vui sướng, sau cũng không được vui sướng. Cho nên bổ đặc già la này trước bị khổ não, sau cũng bị khổ não.
Lại do nghiệp gì mà có bổ đặc già la được đại phú quý mà lại tham tiếc tiền của, không có bố thí cho ai, dù rất ít? Đó là có một bổ đặc già la trong đời quá khứ có hướng về ngôi Tam bảo, đã từng bố thí nhưng không từng phát nguyện ở đời vị lai lại tu hạnh bố thí, cho nên bổ đặc già la này sau khi mạng chung, hoặc sanh ở nhơn gian được đại phú quý, được sanh vào đại chủng tộc có nhiều châu báu, voi ngựa, nô tỳ, trâu dê, ruộng nhà cũng rất nhiều, tự do thọ dụng. Nhưng lại đối với tài vật của mình thì tham tiếc, yêu mến bảo hộ, không làm bố thí, cho nên bổ đặc già la này giàu có, nhiều tiền của, tham lam tiếc của, cũng không có tín tâm.
Lại do nghiệp gì mà bổ đặc già la một đời nghèo khổ mà lại ưa thích bố thí? Đó là có một bổ đặc già la trong đời quá khứ đối với thắng xứ của Tam bảo đã từng tu hạnh bố thí, lại còn phát nguyện: cho đến đời vị lai tâm bố thí vẫn không dứt, sau khi mạng chung sanh ở nhân thiên, qua lại thọ phước. Người ấy về sau phước hết, lại sanh ở nhân gian, dù bần cùng nhưng thích bố thí. Cho nên bổ đặc già la này dù bần cùng nhưng ưa thích bố thí, tín tâm không đoạn.
Lại do nghiệp gì mà có bổ đặc già la một đời nghèo khổ mà lại tham lam keo kiết, không có bố thí, dù cho rất ít? Đó là có một bổ đặc già la trong đời quá khứ không gặp thiện hữu, lại còn ngu si không tin nhân quả, đối với bố thí ba la mật dù cho chút ít cũng không làm, cho nên bổ đặc già la ấy sau khi mạng chung sanh ở nhân gian, vào chủng tộc bần cùng, tiền của đồ ăn uống, ruộng vườn, của cải, tất cả đều bị thiếu thốn. Vì vậy bổ đặc già la này bần cùng, khốn khổ, không thích bố thí.
Lại do nghiệp gì mà cả thân lẫn tâm đều được vui sướng, giống như Luân vương, lại ưa làm phước? Đó là có một bổ đặc già la trong đời quá khứ tu giới không sát sanh, bố thí sự vô uý cho kẻ khác, lại còn phát nguyện: tâm bố thí không mê muội, cho nên hữu tình này sau khi mạng chung sanh ở nhân gian được cả thân lẫn tâm đều được khoái lạc, thường thích bố thí.
Lại do nghiệp gì mà có bổ đặc già la cả thân lẫn tâm đều vui sướng như một cụ già việc nhà đã giải quyết xong hết, không còn bận tâm việc gì? Đó là một bổ đặc già la trong đời quá khứ bố thí sự vô úy cho kẻ khác, không làm tổn hại hữu tình mà không phát nguyện thù thắng, cho nên bổ đặc già la ấy sau khi mạng chung sanh ở nhân gian được cả thân lẫn tâm đều được khoái lạc, không chịu tu phước.