Kinh Pháp Hoa Tam Muội
Tống Trí Nghiêm dịch
Bản Việt dịch của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
***
Một thuở nọ, Đức Phật ngự trên núi Kỳ-xà-quật thuộc thành La-duyệt-kỳ cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đệ tử Tỳ kheo, bảy mươi ba ngàn vị Bồ-tát nhiều không kể xiết, các vị Đế Thích, Phạm vương từ mười phương đến, đều có thần thông nhiệm mầu, lại có người, trời và Bồ-tát ở các phương khác, nhiều như số cát sông Hằng. Trăm ngàn ức hằng hà sa số các vị như thế đều tụ hội đến ngồi trước Đức Phật.
Các vị Bồ-tát như Xá-lợi-phất, Tu-bồ-đề… đều sinh tâm nghi mà nghĩ: “Vì nhân duyên gì mà các bậc Thượng nhân đều đến hội tại nơi này? Có điềm lành khác lạ gì đây?”
Lúc bấy giờ, các đệ tử đều sinh tâm nghi, bèn làm lễ, quỳ thẳng để thưa hỏi Đức Phật. Bấy giờ, Đức Phật phóng ra vô số ánh sáng từ miệng Ngài. Các ánh sáng ấy lần lần tỏa sáng khắp hư không, chiếu xa đến hằng hà sa số thế giới. Mặt đất lại rung động và trong tận cùng dải ánh sáng ấy mọi người không thấy thân tướng Đức Phật. Đại chúng ngạc nhiên bàn luận với nhau: “Đức Phật nhập Tam-muội gì? Và hiện đang ở đâu?”
Mỗi người tự suy nghĩ việc ấy, họ liền trở về chỗ ngồi nhập vào Tam-muội để tìm đến chỗ Phật. Trước tòa ngồi của Phật có vị Bồ-tát tên Tuệ Tướng liền nói:
–Lành thay, lành thay!
Lúc này, các Tôn giả suy nghĩ xong vẫn không biết được chỗ Phật đến, trong giây lát vua La-duyệt, hậu cung, thái tử, hoàng nữ và the nữ phu nhân, có đến ba mươi hai ngàn người, đều theo vua đến núi Kỳ-xà-quật, nhưng không thấy Phật.
Lại có vị Bồ-tát tên Bất Tưởng, hỏi nhà vua sao dẫn theo tùy tùng nhiều thế? Nhà vua tên là Biện Thông đáp:
–Vì thấy ánh sáng của Đức Phật nên họ đến đây.
Công chúa con vua tên Lợi Hành liền hỏi Bồ-tát:
–Hiện giờ Đức Phật đang ở phương nào?
Vị Bồ-tát đáp:
–Vừa rồi đã đi tìm Phật nhưng hoàn toàn không biết chỗ.
Vương nữ đáp:
–Ngài là vị đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật nên phải biết chỗ Đức Phật đến chứ.
Vị Bồ-tát đáp:
–Xin hãy mời ngồi.
Trong khoảng giây lát mặt đất liền rung động, tự nhiên từ trong đất, Đức Phật ngồi trên tòa sen báu lớn hiện ra. Các bậc Thượng nhân đang ngồi đều ngạc nhiên.
Vương nữ Lợi Hành đứng dậy lễ Đức Phật, đoạn đứng trước Đức Phật nói kệ hỏi Phật rằng:
Vừa rồi thấy ánh sáng
Ngờ Phật có khác thường
Nên dẫn đại chúng đến
Muốn hỏi điều nghi ngờ,
Nhưng lại không thấy Phật
Lòng con rất kinh hoàng
Xin giảng nói con nghe
Khiến đại chúng được hiểu.
Mọi người vào Tam-muội
Tìm cầu thân tướng phật
Nhưng đều nói không biết
Họ bàn luận với nhau
Nên nhập Tam-muội nào
Để cầu ý Như Lai.
Vương nữ hỏi đại chúng
Hiện giờ Phật ở đâu
Con dốc lòng thuần hạnh
Hẳn có điều muốn hỏi
Nguyện Thế Tôn dạy bảo
Khiến tâm hết nghi ngờ.
Xin vì chúng hiện tại
Giảng nói giải thích cho
Tam-muội vừa rồi đó
Tên gì, ở chỗ nào?
Phật bảo vương nữ Lợi Hành:
–Điều nàng hỏi rất sâu sắc, ta sẽ giảng nói giải thích cho nghe. Tam-muội vừa rồi tên là Pháp hoa. Ví như trong nước lớn có một cây, cây có một hoa che trùm tam thiên đại thiên thế giới. Hương thơm của nó xông khắp hằng hà sa số cõi Phật. Nếu có người nghe được danh tự mà hiểu thì tự nhiên mau được Tam-muội này. Nếu những kẻ đau bệnh được nghe pháp Tam-muội này thì ngay đó liền tự giải trừ, các bệnh gốc của con người đều tiêu hết.
Vương nữ Lợi Hành bạch Đức Phật:
–Thế nào là uy đức của hoa mới có tuệ này?
Phật bảo vương nữ Lợi Hành:
–Hoa là sắc của một cây, mọi người nhìn thấy không ai không ưa thích, muốn có được nó thì đó chính là Tam-muội Pháp hoa, là sắc trong sinh tử, ánh sang rực rỡ thọ hữu hình.
Người không biết không nghe, không tin Tam-muội này, không thực hành nó thì chưa xứng là Bồ-tát, chẳng thấy tuệ, mất gốc của con người, trở lại theo ngọn ngành, không bao giờ thấy được ánh sáng.
Vương nữ Lợi Hành lại bạch Đức Phật:
–Bây giờ con muốn được Tam-muội này, phải thực hành pháp nào? Có mấy việc thực hành được đúng? Nguyện xin Phật mở rộng lòng Từ ban ân, rộng bàn nở lối tu hành, khiến cho tất cả nghe hiểu, đều được vào trong Tam-muội.
Phật dạy:
–Lành thay, lành thay! Được độ thoát nhiều, độ thoát hẳn không cùng. Có hai việc. Sao gọi là hai?
1. Biết pháp, thân như huyễn hóa.
2. Biết dâm, nộ, si không gốc không hình. Lúc bấy giờ, Đức Phật nói kệ rằng:
Pháp thân có tất cả
Huyễn hóa hiện nổi chìm
Dâm, nộ, si vô hình
Như nước kia nổi bọt
Quán sát vật trong thân
Như diệt không hình trụ
Tự thanh hợp rồi tan
Phân biệt đều là không.
Phật bảo vương nữ Lợi Hành:
–Lại có bốn việc riêng cho người thực hành Tam-muội, bốn việc ấy là?
1. Thực hành giới vô sắc tưởng.
2. Thực hành bố thí không thọ.
3. Chẳng nhàm chán không loạn động.
4. Thực hành trí không ngu. Đó là bốn.
Lúc đó Đức Phật nói kệ rằng:
Không phạm giới, không hủy
Hành Bố thí không trí
Chẳng chán, không si loạn
Chẳng ngu, không trí tuệ
Không nói không làm lấy
Có làm, không nói theo
Tam-muội có thể vào
Không chỗ, không giữa, bên.
Phật bảo vương nữ Lợi Hành:
–Lại có ba mươi sáu việc nữa. Đó là những việc mà Tam-muội thấy được. Ba mươi sáu việc gồm: Chẳng thấy sinh, chẳng thấy tử, chẳng giảm, chẳng tăng, chẳng ra, chẳng vào, chẳng ở ngoài, chẳng ở trong, không đứng, không dưng, không thủy sắc, không hỏa sắc, không phong sắc, không địa sắc, không đau, không bệnh, không nghĩ, không tưởng, không sinh, không tử, không thức (biết), không tham, không dâm, không sân, không nhuế, không ngu, không si, không san, không thí, không ác, không thiện, không tâm, không ý, không thức hành. Chẳng sinh khởi những sự việc trên, chẳng dứt bỏ những sự việc trên. Như một không hình tượng. Đó là ba mươi sáu việc, là những việc mà Tam-muội Pháp hoa thấy được.
Khi ấy, Đức Phật nói kệ rằng:
Chẳng tưởng niệm, vô niệm
Không theo Sắc tưởng xấu
Không hành Pháp hoa tịnh
Vắng lặng không tôi, ta
Không chỗ có thể vào
Diệt mất không hình tượng
Không thấy thiện và ác
Thảy đều không, tự nhiên.
Phật bảo vương nữ Lợi Hành:
–Những điều mà Tam-muội Pháp hoa thấy được cũng giống như vậy.
Khi Phật nói phẩm Ba Mươi Sáu Việc này thì vô số các vị trời và đại chúng ở thế gian cùng những người theo hầu vua, lớn nhỏ có đến bốn mươi ức vạn, đều phát tâm đạo Vô thượng chánh chân. Vương nữ Lợi Hành và những người thuộc hậu cung có đến ba mươi hai ngàn thể nữ, phu nhân, đều đắc được “Pháp lạc không từ đâu sinh”.
Vương nữ Lợi Hành trụ trong đó thấy mọi người đều phát tâm đạo, nên lòng rất vui mừng, đứng dậy lễ Phật, đi nhiễu Phật ba vòng, rồi đứng trước Đức Phật nói kệ rằng:
Thế Tôn thật thần diệu
Biết rõ việc ba đời
Dứt cấu uế dâm, nộ
Khai hóa người thế gian
Đều đến thành Vô vi
Vui sướng mới an ổn
Trong trời người như vậy
Mặt đất bị rung động
Ngày nay đại chúng họp
Ức ức trăm muôn ngàn
Tương lai và quá khứ
Hiện tại được tự nhiên
Nguyện được ân rộng khắp
Sức oai thần Pháp hoa
Mọi người trong ba cõi
Đều được Tam-muội này
Khiến con ở thế gian
Thường làm việc Pháp hoa
Khiến đời không già chết
Vui sướng không lo buồn
Ba khổ tự nhiên dứt
Đều như Tam-muội này
Không tưởng bởi nguyện thức
Tự nhiên hiện tướng tốt
Dạy bảo người hèn kém
Tâm Từ ban rải khắp
Uy nghi đẹp rỡ ràng
Ngang bằng thân Như Lai
Nhóm lại thành chùm bọt
Tam-muội sớm tu hành
Liền khiến ở trong không
Được tuệ như Thượng thủ.
Vương nữ Lợi Hành nói kệ xong liền nghĩ: “Nay muốn dạy bảo người mà không thấy phép tắc thì lấy gì khai mở cho người đây.” Phật liền biết ý niệm của vương nữ, bèn hỏi rằng:
–Vương nữ muốn thọ trì pháp gì? Dạy người pháp gì? Người tu hành phải ở tại đâu? Phải dừng lại chỗ nào?
Vương nữ bạch Phật:
–Thưa đó là những điều đã nói: không pháp, không giáo, không người.
Phật bảo vương nữ:
–Không pháp có tám việc phải hành trì. Không giáo có sáu việc phải dứt bỏ. Không người có bảy việc phải xua tan.
Vương nữ hỏi Phật:
–Thế nào là tám việc phải hành trì? Sáu việc phải dứt bỏ? Bảy việc phải xua tan?
Đức Phật dạy:
Thấy chính xác không tà vạy.
Nghe chân thật không nghi đoán.
Thẳng thắn không quanh co.
Nói ngay thẳng chẳng phiền muộn.
Làm chánh trực chẳng mê muội.
Nghĩ chân thật không lo lắng.
Ý thành thật không động.
Thọ nhận đúng không tìm cầu.
Đó là tám việc hành trì của Vô pháp.
Thế nào là sáu việc phải dứt bỏ của Vô giáo?
Chẳng nhớ nghĩ có thấy, không thấy, cả hai đều không.
Chẳng nhớ nghĩ có tiếng, không tiếng, cả hai đều không.
Chẳng nhớ nghĩ có vị, không vị, cả hai đều không.
Chẳng nhớ nghĩ có hương, không hương, cả hai đều không.
Chẳng nhớ nghĩ có xúc, không xúc, cả hai đều không.
Chẳng nhớ nghĩ có ý, không ý, cả hai đều không. Đó là sáu việc phải dứt bỏ của Vô giáo.
Thế nào là bảy việc phải xua tan của Vô nhân?
Không thủy sắc.
Không phong sắc.
Không hỏa sắc.
Không địa sắc.
Không tâm sắc.
Không thức sắc.
Không hành sắc.
Đó là bảy việc phải xua tan. Không người nào có thể dạy được, phải hiểu như thế. Khi ấy Đức Phật nói kệ rằng:
Có ai hiểu Pháp hoa
Phẩm Tam-muội Yếu cú
Phải nhớ nghĩ tinh tấn
Hiểu được lời chân chánh
Bảy, tám, sáu đã đủ
Rễ gốc không hình tướng
Chẳng nhận, tự đáng muốn
Bỏ tưởng, được vắng lặng
Nói pháp, không lời lẽ
Không thấy có tuổi thọ
Người vốn không, vắng lặng
Không hiểu lời bọt bèo
Không dứt, không bỏ dục
Ra vào chỗ không trụ
Không đau, không tư tưởng
Không sinh, không chết đi
Có niệm là khổ nhọc
Không còn đắm nhân duyên
Thị hiện có sắc dục
Trở lại thích tro bụi
Quán thấy có bệnh đau
Ý và gốc hợp nhau
Tuệ thấy chẳng niệm không
Vắng lặng, yên không không
Tam-muội Pháp hoa hiện
Không ra, không vào, trụ
Không thấy, chẳng thấy không
Đó là mau được Như,
Liền thực hành thí pháp
Lấy tuệ để bố thí
Nói tuệ thảy như thế
Các Phật đều ngợi khen.
Khi vương nữ Lợi Hành nghe nói thế, càng thêm vui mừng hớn hở, bèn đứng dậy làm lễ Đức Phật, rồi bay lên hư không cách đất bảy thước, rồi trở về ngồi trên hoa sen bằng kim cương. Khi ấy, trong số người đang ngồi, có vị Tỳ-kheo nghĩ: “Đây là cô gái thật, hay là người huyễn hóa ra.”
Vị Tỳ-kheo này bèn đứng lên làm lễ Đức Phật, rồi quỳ thẳng chắp tay, nói kệ hỏi Phật:
Vốn tự sinh ngu si
Không biết nghĩa đạo tuệ
Chẳng biết nàng Lợi Hành
Thật là gái hay trai,
Xét là nhất định người
Dùng pháp nào để hỏi
Thật là thân người nữ
Lời hỏi sao quá sâu
Suốt đời giữ Phật pháp
Chưa thấy người như thế
Chỗ thấy, phàm không bằng
Trí tuệ sao lắm thay!
Nàng vốn từ đâu đến
Mà sinh nơi Vương gia
Kiếp trước tu pháp gì
Gặp bao nhiêu Đức Phật
Tinh tấn mạnh mẽ thế
Đã hỏi, Phật trả lời
Giới đủ, thật có hạnh
Hỏi được lời như thế
Nhẫn được ý mềm mỏng,
Chỉ có thể miệng nói,
Làm sao dừng tâm ý
Thật muốn đến thử xem
Thích ứng mấy pháp trụ
Trụ đối chẳng khởi tâm
Nếu thật có trí tuệ
Con muốn hiểu cho thông
Xem xét pháp đã nói
Rộng khen vào đạo đời
Nào có tâm ý lạ
Riêng được trí tuệ này.
Đức Phật liền bảo vị Tỳ-kheo: “Từ những nhân duyên ấy”. Rồi nói bài kệ đáp:
Bản tâm của Lợi Hành
Lập đức biết bản xứ
Ở đời đã ngàn năm
Thường tu tập Tam-muội
Tâm hiểu các sắc yếu
Vắng lặng đồng với thiền
Thật là thân người nữ
Chẳng phải hóa hiện ra
Vốn từ cõi Vô sắc
Nay đến thế giới này
Lại tiếp nối bản hạnh
Đã làm, liền lập chánh
Không thân hiện nói tâm
Khắp nghĩ các hạnh Từ
Nghĩ “Pháp – Không” là gốc
Chẳng khởi tướng nhân duyên
Tỳ-kheo chẳng tự hiểu
Lạ sao thân gái này?
Chẳng thấy gốc vô hữu
Lại tự chịu trói buộc
Thiền định muốn bỏ sắc
Lại bị sắc làm loạn
Lìa khổ tránh ba độc
Đã mang ba khổ độc
Ngươi không tự biết thân
Tự cho là thường an
Muôn vật như huyễn hóa
Vào ra không hình tướng
Bốn sắc vốn rỗng không
Tự nhiên chịu hình tướng
Ái tập tự trói buộc
Ôm gốc, khởi ngọn dục.
Lúc bấy giờ tám mươi bốn ngàn vị Tỳ-kheo nghe nói kệ ý giải liền phát tâm đạo Vô thượng chánh chân. Trời người không kể xiết đều đến tung hoa hương thơm cúng dường Đức Phật. Khi ấy, Xá-lợi-phất nghĩ: “Cô gái này quả thật có biệt tài, sao không bỏ thân nữ làm thân nam?”
Phật biết được điều Xá-lợi-phất nghĩ, liền bảo Xá-lợi-phất:
–Ông hãy tự hỏi vương nữ ấy.
Xá-lợi-phất liền hỏi:
–Này Lợi Hành! Vương nữ cùng Đức Như Lai đối đáp việc phi thường, sao nàng không bỏ thân nữ làm thân nam?
Lợi Hành đáp:
–Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Cái cốt yếu của đạo đức là dùng tuệ để khéo thấy, không thấy có bốn sắc là đất, nước, lửa, gió. Năm căn hợp với sáu trần bị suy. Tâm ý thức như huyễn như hóa, xuất nhập không hình tướng, ý si chẳng hết nên đối lập với ba dòng, lại ra nổi chìm, có gì đáng quý? Tuy là hữu lậu dứt hết, kết sử giải trừ nhưng có ý tưởng bất tịnh, không sắc vẫn là ác, ở chỗ khổ mà lại cho là vui.
Xá-lợi-phất hỏi:
–Về cách học Phật nên có lời hủy báng chăng?
Lợi Hành hỏi:
–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Thế nào là hủy báng?
Đáp:
–Một tốt, một xấu đó là hủy báng.
Lại hỏi:
–Chưa hiểu, chưa rõ. Bậc Đại nhân đã nói, chẳng cho nhỏ la nhỏ, lớn là lớn, tốt xấu không hai, như nhau không khác. Hủy báng thân, thân là sắc, hủy báng ý, ý vô hình. Bốn sắc pháp rỗng không, không hình, không tạo tác thì cái gì bị hủy báng?
Đáp:
–Điều vương nữ nói chính là việc mà Bồ-tát Đại nhân thực hành. Vương nữ chưa phải là Bồ-tát, vì sao lại nói việc này?
Hỏi:
–Bậc Đại nhân lấy gì mà lập nên?
Đáp:
–Lấy “Phổ đẳng” làm nên. Sao gọi là Phổ? Dạy bảo mọi người trong mười phương, lìa khổ được đạo, đó là Phổ. Như Hiền giả đã nói thì không nói “Phổ” mà nói về sinh tử siêng năng khổ nhọc vậy.
Vương nữ nói với Xá-lợi-phất:
–Cái gọi là Phổ ấy chẳng thấy có người, không người, có giáo, không giao, có pháp, không pháp để nhớ nghĩ. Đó gọi là Phổ. Không vì thấy khổ sinh tử mà muốn dạy họ khiến họ đắc đạo. Đó gọi là Phổ.
Tôn giả Xá-lợi-phất không còn biện tài nào bắt bẻ lời đáp này nữa. Lúc bấy giờ, vương nữ Lợi Hành làm bài kệ than rằng:
Người bị ba trần loạn
Liền bị sáu suy đắm
Năm ác, mười giặc đối
Ba ách rơi khốn cùng
Mười hai duyên nối liền
Bốn sắc kéo chìm ba
Không hiểu gọi điên đảo
Ngồi chịu không tụ giấu
Vô cớ chìm ba họ
Tự khốn, gieo vực sâu
Giấu kỹ, sợ hai ba
Tự diệt, lại thọ sinh
Dần bị không buộc ràng
Thường mang tưởng bất tịnh
Tự cho là an ổn
Là được chân tự nhiên
Bọn ấy đầy Diêm-phù
Ức ức trăm muôn ngàn
Sở hành khắp mười phương
Chẳng ích cho mọi người
Nếu ai theo thọ, hành
Đều cùng rơi xuống biển
Hãy làm Đại pháp hành
Vào biển khỏi căn dục
Quyết làm biển khô cạn
Nên không trở lại dòng
Về nguồn bỏ nhà dục
Khiến người về quê cũ
Quê cũ tên vô vi
Hiệu là nhà thanh tịnh
Vui sướng lắm vàng ròng
Ra vào đầy ánh sáng
Thường gần vô số Phật
Không ai không khen ngợi
Dùng pháp không, vô hý
Vô tướng, chẳng nguyện thức
Vực sâu do nước biển
Đều lại chẳng đáng nói
Ý rộng khai hóa người
Tự nhiên thường tự an
Chỉ nghĩ các Hiền giả
Tự mình lại không hiểu
Vô cớ tự chịu buộc
Huyễn hóa chịu báo ứng.
Lúc bấy giờ, bốn mươi hai ngàn vị La-hán đều chánh ý ở đệ Thất trụ, tám mươi lăm ngàn vị Đế Thích, Phạm vương đều chứng “Vô sở hành tùng sinh”, sáu mươi bốn ngàn vị Hiền nữ đứng dậy lễ Phật rồi đứng trước Phật nói kệ rằng:
Hôm nay nàng Lợi Hành
Giảng nói chúng con nghe,
Nghe pháp Phật sâu xa
Khiến tâm con khai mở
Thật muốn biết đạo đức
Đều từ đâu mà đến
Nhóm họp hết mọi người
Có công đức mầu gì?
Mà đến cùng đại chúng
Tâm ai cũng kinh ngạc
Ý phục đến vui theo
Theo sở hành dạy trao
Nguyện muốn cầu Đức Phật
Thương xót dạy bảo người
Dốc lòng thọ đại tuệ
Sức thần Phật hóa hiện
Đúng lúc các thân nữ
Trái nguyện, bỏ sắc dục
Bèn muốn làm Sa-môn
Phật biết lòng chúng con
Giác ngộ các đế sâu
Khiến thân như Bồ-tát
Tuyên dương đạo giáo Phật
Sẽ lại chuyển hóa người
Các đại chúng Hiền nữ
Đều đứng trước Như Lai
Trán lạy sát chân Phật
Nguyện được hình dáng Phật.
Phật bảo các Hiền nữ:
–Lời các Hiền nữ nói thật hết lòng “Nay muốn cầu được sở nguyện thì trước phải xin phép cha mẹ, sau đó phải được vua cho phép thì mới đi xuất gia.”
Bấy giờ, các Hiền nữ nói kệ đáp:
Nguyện muốn làm Sa-môn
Trước phải xin cha mẹ
Rồi sẽ xin đại vương
Được phép mới xuất gia
Làm đạo chẳng khổ công
Chỉ cần siêng, mở tâm
Hiểu rõ gốc tâm ý
Tất cả đều bình đẳng
Liền có ý quyết lớn
Tâm hiểu mới đến đạo
Đạo từ tâm kiểu sinh
Chẳng trụ nơi buộc ràng
Hóa đạt xét các kiến
Như tâm lại sinh ra
Từ gốc biết vốn không
Biết đều khổ vô thường
Tâm loạn liền theo dòng
Chỗ thấy sẽ có đối
Chẳng sinh tâm thiện ác
Vậy mới làm Sa-môn.
Các Hiền nữ liền đứng dậy, trở về chỗ cha mẹ, quỳ thẳng thưa với cha mẹ và nhà vua:
–Hôm nay được ân đức của vua mà đến chỗ Đức Phật, được nghe Lợi Hành đáng kính hỏi Phật về pháp sâu xa, muốn cầu đạo vô vi mà hiện thân, và tất cả Đức Phật đã vì giảng nói gốc ngọn của nỗi khổ sinh tử, chỉ vì mê đắm sắc dục, chẳng biết cội gốc đạo đức, do vậy khi vô thường đến phải chịu ba khổ cần. Chúng con nguyện muốn làm Sa-môn, xin cha mẹ cho phép chúng con làm Sa-môn, đắc đạo rồi chúng con sẽ trở về độ cha mẹ.
Cha mẹ nói với các nàng:
–Cầu đạo tự nhiên, mỗi người đều thấy chỗ thuận lợi của mình, cứ theo ý mình mà tu hành, các con cứ đi, chúng ta cũng se đi theo các con. Các con hãy đến thưa với nhà vua, được phép rồi cứ tự tiện ra đi, không cần hỏi chúng ta làm gì.
Các Hiền nữ cúi đầu trước đại vương, rơi nước mắt mà tâu:
–Con người sống trong ba cõi, khổ dục vì sắc tưởng, chẳng được tự tại, vô thường chợt đến, không có ai thay thế nên bọn con gái chúng con cùng thật lòng muốn làm Sa-môn. Khi đạt được đạo vô vi rồi chúng con sẽ trở lại độ cha mẹ. Cúi xin Đức vua thể theo ý nguyện của chúng tôi.
Nhà vua bảo Lợi Hành:
–Ta sớm muốn khuyên các ngươi đi xuất gia thực hành hạnh Sa-môn, nhưng vì các ngươi chưa đủ ba việc nên ta chẳng khuyến khích vậy. Một là chưa học biết các lễ giáo; hai là do thường an vui chưa thấy khổ; ba là miệng ăn thỏa thích mà chưa biết đủ, do đó nên ta chẳng khuyến khích. Nếu các ngươi dốc lòng như thế thì cứ đi xuất gia chớ nghi ngờ gì nữa. Ta cũng muốn làm Sa-môn đây.
Nhà vua liền đứng dậy đến chỗ Đức Phật, làm lễ bạch Phật:
–Nghe Phật giảng nói về ý sâu nguyện lạc của trí tuệ, con giao đất nước cho thái tử, quy y Tam tôn, hầu hạ phục dịch, thọ trì giáo pháp, con muốn làm Sa-môn, cầu đạo như Đức Phật.
Đức Phật liền phát ra ánh sáng, vô vàn màu sắc, soi khắp mười phương, mặt đất rung động sáu cách, các vị trời tấu nhạc vang lừng hư không, tung hoa quý phủ khắp ba ngàn cõi, gò nỗng trong thiên hạ đều bằng phẳng. Có ngọn núi lớn hóa thành vàng ròng, cây chết khô sống lại. Ai có điều gì không vừa lòng đều được như nguyện ước. Cây khô chết đều đâm chồi lá. Gió thổi tự nhiên đều ca ngợi công Đức Phật, hoa tươi tự rơi rụng, mùi hương xông đến chỗ Phật, la liệt trong không trung, mỗi bông hoa đều nói kệ khen ngợi công Đức Phật:
Nay nhờ sức Thần thánh
Cứu người chết sống lại
Sắc sáng trở về gốc
Lại thật, đạo này thành
Sinh tử dâm loạn sắc
Ví như khi cây khô
Gặp âm thanh Phật nói
Trở lại hợp với gốc
Sáu sắc chìm trong tối
Bốn sắc hợp năm dục
Phân biệt “Pháp rỗng không”
Hiểu đạo, thành pháp hạnh
Là được trí chân định
Được vui sướng an ổn
Tất cả đều vui mừng
Cúi đầu lễ chân Phật.
Lúc bấy giờ, các vị đã chứng được sáu thần thông và các vị La-hán thấy các bông hoa nói thế. Lợi Hành liền hóa thành người nam, lại hóa thêm một nữ Bồ-tát, thực hiện hai biến hóa ấy khiến mọi người ngồi trong hội đều vui mừng.
Khi ấy, trong một cõi Phật không có người nữ, mười lăm ngàn vị Đạo sĩ đã chứng được sáu thần thông, ba mươi ngàn vị Tu-đà-hoàn đều không còn lui sụt, tám mươi sáu ngàn vị A-na-hàm đều chứng được Nhu thuận pháp nhẫn. Không thể tính kể các vị A-la-hán lại phát tâm đạo Vô thượng chánh chân. Trong số ấy có những người theo hạnh Bích-chi-phật, như ngài Di-lặc… Nhà vua liền giao đất nước cho thái tử, thái tử tên là Biện Tích quỳ lạy thưa vua:
–Phụ vương vì muốn đem ương họa cho con cháu nên cho con cháu phước sắc thân, đổi lấy lợi ích pháp tài, giữ cái tội lớn oán thù tru diệt cho con cháu, phép trị của nước lớn đời đời tan mất, căn người chẳng biết đại tuệ, diệt hết đường lành mà cho con cháu thì phải làm sao đây? Vua cha có dạy không được chẳng vâng lời.
Rồi liền làm lễ, giã từ vua ra đi. Thái tử trở về cung điện, lãnh đạo đất nước rồi báo cho toàn dân biết: “Nếu ai không đến chỗ Phật cầu đạo vô vi, làm người hiếu thiện thì tội đồng như ba nghịch tội.”
Rồi thái tử ở trên điện, tinh tấn mạnh mẽ, mở rộng ý đại đạo, tâm thấy gốc tội cũng vô lượng, liền diệt được tất cả điều ác, mặt đất liền rung chuyển sáu cách, nhân dân đều nói: “Nguyện thái tử được thành Phật, mọi người chúng ta vâng làm theo rồi cũng sẽ thành Phật.” Khi ấy, Đức Phật mỉm cười, ánh sáng năm màu phát ra soi khắp các cõi Phật mười phương. Nhân dân ở các cõi Phật đó đều phát nguyện: “Khiến cho chúng con đắc đạo như Phật”. Thức uống ăn trong thiên hạ tự nhiên ở trước mặt như trên tầng trời Đao-lợi. Bồ-tát ở cõi ấy đều như ở cõi nước của Đức Phật A-di-đà. Thái tử Biện Tích đắc công đức ở trong cung bảy ngày, rồi đi đến chỗ Phật. Đại chúng các quan, nhân dân lớn nhỏ tháp tùng theo thái tử đến chỗ Phật nhiều vô số.
Họ làm lễ Đức Phật rồi đứng trước mặt Phật nói ức ức muôn ngàn bài kệ khen:
Phật tạo Tam-muội quyết
Công đức thật vòi vọi
Ánh sáng uy thần chiếu
Cảm động ba ngàn cõi
Cho người tuệ Vô thượng
Đức vào khắp tâm chúng
Khai phát kẻ sơ cơ
Không ai không được phước
Ngâm vịnh việc Pháp hoa
Đổi đời, sạch bọn khác
Hàng phục kẻ ngang bướng
Hòa hợp chịu nhu thuận
Đều tìm ánh đạo tràng
Người đời thọ nghiệp mãi
Bỏ già, được vắng lặng
Chẳng chết mà sống lại
Dứt bệnh, xa nhục dơ
Sắc tưởng hết, dứt nhọc
Ấm cái liền diệt trừ
Thanh tịnh không bụi dục
Tư tưởng được dục định
Truyền bá đến vô vi
Không định thường vắng lặng
Chẳng đứng, cũng chẳng đi
Chẳng làm vô pháp thức
Thị hiện tướng sáng thành
Pháp gốc không tăng giảm
Thường vắng lặng không không
Như Lai hiện thần hóa
Tất cả được đạo chân
Định ngu si lặng lẽ
Tâm đồng với vô sinh
Nay con nghe nói pháp
Về trí tuệ Pháp hoa
Tâm hiểu được phát nguyện
Tất cả được như Phật
Nay muốn thành cõi nước
Nguyện được nói Pháp hoa
Dùng pháp gì hành được?
Sẽ hiểu được mấy việc?
Chóng được Pháp hoa này
Nương nghĩa nói tuệ ấy
Đều khiến phân biệt biết
Tất cả tâm được hiểu
Hiểu rõ các Pháp sự
Sẽ từ trong được ngoài
Được đó là xa gần
Có thể lập được Phật.
Lại nữa số kiếp xưa
Theo thọ bao nhiêu Phật
Giải tuệ có yếu quyết
Giây lát biến hóa thành
Nguyện đem hết giảng nói
Đều khiến đại chúng biết
Thái tử và mọi người
Lễ Phật rồi lại ngồi.
Đức Phật bảo vương nữ Lợi Hành:
–Vương nữ nên biết những điều hiện bày ra do sự khai giải Pháp hoa này. Chư Phật đời tương lai, quá khứ và hiện tại đều từ phẩm Tán Thân Thí Dụ này mà được Đạo, biết Đế.
Lúc bấy giờ, có hàng ức trăm ngàn vị trời và các Phạm vương, không thể tính kể nhân dân, bốn mươi tám muôn vị Bồ-tát… chứng được Vô sở tùng sinh. Trong số ấy có hàng Thanh văn đều cũng phát tâm. Bấy giờ, Bồ-tát Bất Tưởng bạch Phật:
–Hôm nay đại chúng nghe giảng nói về sự quan trọng của Tam-muội Pháp hoa nhưng đều chưa thọ quyết.
Phật bảo Bồ-tát:
–Hôm nay nói Tam-muội Pháp hoa đều đã thọ quyết có kiếp số. Mỗi mỗi đều có đất nước, nơi chốn của mình, cho nên không nói lại. Nếu ông không hiểu thì tự mình đến hỏi họ.
Khi ấy, thái tử và vương nữ Lợi Hành liền hỏi những điều trong tâm vị Bồ-tát, mỗi vị đều nói kệ đáp:
Chỉ bậc Thượng trí tuệ
Vì sao chẳng giải yếu?
Kia có cầu tưởng báo
Thảy đều chẳng thọ tuệ
Sẽ nói có nơi chốn
Chẳng phải việc Pháp hoa
Cần phải miệng nói lên
Muốn nghe tiếng chánh chân
Không hiểu gốc ngọn ấy
Nói cũng đều không biết
Chỉ bày đường đạo pháp
Giống như người bị mù
Tiếng rống của sư tử
Còn cho là quá nhỏ
Thọ quyết rồi, thành Phật
Không biết lễ chánh đạo
Thọ quyết có đất nước
Ví cũng như huyễn hóa
Có đối liền xuất ứng
Không còn sớm suy nghĩ
Thấy bám trụ giáo thọ
Đến khứ, lai, hiện tại
Thần thông đều rõ biết
Chẳng cầm có lời nói
Thọ quyết tại rỗng không,
Vắng lặng an vô vi
Thường định không lay động
Người riêng tư chẳng hay
Mở nói điều chưa nói
Vắng lặng không tạo tác
Đó là nước đáng yêu
Thanh tịnh là chứng chân
Chẳng nghĩ có tư tưởng
Đó là quyết pháp an
Tướng tốt hiện ánh sáng
Đó là cần khổ hiện.
Đệ tử có nhân dân
Đó là vào dục nhơ
Chẳng khổ, chẳng siêng nghĩ
Đều hết, chẳng sinh diệt.
Nói mười tám muôn ức bài kệ để đáp như thế xong, Bồ-tát liền vui mừng nói kệ khen:
Ta tự sinh ngu si
Không hiểu lời người trên
Chẳng biết Pháp âm kia
Lại bảo chưa thọ quyết
Như kệ hôm nay nói
Sâu xa khó tỏ bày
Nguyện phát ý bản thời
Cùng bàn luận với thần.
Khi ấy, thái tử bạch Phật:
–Nay các Hiền giả còn không hiểu được chỗ quan trọng nên dùng phương tiện khéo léo mà khai mở cho họ.
Phật liền mỉm cười, ánh sáng năm màu từ miệng phát ra, mười phương đều sáng tỏ.
Tôn giả A-Nan bạch Phật:
–Phật không bao giờ mỉm cười một cách vô cớ, chắc chắn là có lý do, chúng con xin được nghe điều ấy.
Phật bảo A-nan:
–Ông thấy đại chúng chăng?
A-nan đáp:
–Dạ, thấy.
Bấy giờ, Như Lai hỏi A-nan đều đáp đầy đủ. Mỗi mỗi tại mười phương giáo hóa, độ thoát hằng hà sa số trời người, nhân dân… đều giúp họ thành Phật.
Lúc bấy giơ, tự nhiên mưa hương hoa bảy báu trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới, giáp vòng khắp nơi không chỗ nào không có. Phật bảo thái tử:
–Đây là điều Pháp hoa giải thích. Việc của thân người là như thế.
Lúc bấy giờ, hàng trăm ngàn nhân dân nhiều như số cát sông Hằng không thể kể xiết đều phát tâm đạo Vô thượng chánh chân, chứng được tâm không từ đâu sinh. Vô số ngàn vị Thanh văn đều đắc quả vị không thoái chuyển.
A-nan quỳ thẳng bạch Phật:
–Kinh này tên là gì? Phải thực hành như thế nào?
Phật bảo A-nan:
–Kinh tên là Pháp Hoa Tam-muội, hoặc tên Nữ Lợi Hành Sở Vấn Giải Nhân Thân Tán Tình Kinh Yếu Tập. Nếu có kẻ nam, người nữ chép thành sách, đọc tụng kinh này thì công đức lớn hơn kẻ làm bố thí trong tám mươi kiếp. Nếu đối trước kinh cúng dường quỳ lạy thì hơn công đức của Bồ-tát tu hạnh Từ bi ba ngàn ức muôn kiếp. Nếu hiểu thấu đáo kinh này rồi xoay vần dạy bảo nhau thì công đức hơn việc cúng dường các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng. Nếu có ai một lần được nghe kinh này thì không còn sinh tử đau khổ nữa. Kẻ không tin mà còn hủy báng thì họ phải trôi theo dòng đời, không trở về cội gốc được.
Phật bảo A-nan:
–Ta giao phó cho ông việc Pháp Hoa Tam-muội, ngàn kiếp còn chẳng thể hết được. Ta đã nói sơ về yếu đế, ngươi thọ trì, viết chép, thực hành, không được bỏ bớt một chữ, chính kinh câu cú hòa hợp nhau.
Đại chúng đi theo thái tử được khai giải, mỗi người đều được đạo tuệ, đều như bậc Thượng thủ. Tất cả đứng dậy làm lễ Đức Phật mà lui ra.