1
2

QUYỂN HẠ

Bấy giờ, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:

Hy hữu thay, Thế Tôn! Người thế gian tụ tập bàn tán mới có nhiều lỗi lầm xấu xa như thế, nên không có công đức hoà hợp. Lời bàn tán về thế gian chỉ tăng thêm các phiền não sẽ tạo sự hư dối ở trong thiện pháp này.

Bạch Thế Tôn, có bậc trí Bồ tát nào cầu công đức mà sau khi nghe tai hoạ của lời nói ở thế gian sẽ không thích sống một mình? Bạch Thế Tôn tại sao Bồ tát thích nói nhiều lại quán các hoạn nạn? Khi quán Bồ tát ưa chọn chân nghĩa về sau không hối tiếc?

Phật bảo Di Lặc:

Tại vì trong đó Bồ tát phải quán hai mươi hoạn nạn của việc ưa nói nhiều, hai mười pháp đó là gì? Này Di Lặc! Người ưa nói nhiều sẽ không có tâm cung kính. Vì đa văn nên ngã mạn, phóng dật, đối với ngữ ngôn tư duy sẽ nhiễm trước, sẽ mất bổn niệm, tự mình không có chánh niệm, việc làm sẽ mất oai nghi đúng đắn, không thể điều phục thân tâm, đi đến đâu thân sẽ không đoan chánh mất đi sự chịu đựng, thân tâm ương ngạnh khó có thể điều phục, xa lìa pháp chỉ quán, lời nói không biết thời, nói lời uế trược, tham ăn uống, không được thánh trí, các trời rồng không kính trọng. Người có biện tài thường khinh chê kẻ khác, về sau thường hối hận, không trụ trong chánh hạnh nên sơ xuất, không thể đoạn trừ các thói nghi ngờ, khi đi như Na Tra chỉ dạy theo danh tiếng, sẽ thuận các thú vui của dục, tâm thức theo dòng phỉ báng chánh pháp bởi không quán như thật, nên luôn phát sanh sự mong cầu, chỗ động thì không động, chỗ không động thì động, đáng được cúng dường thì lại không được, do tâm không điều phục bị người dắt dẫn, bởi không thấu suốt pháp giới, bị các phiền não lôi kéo là do không điều phục các căn. Này Di Lặc! Bồ tát ưa nói nhiều có hai mươi hoạn nạn như vậy, vì chỉ biết tin vào âm thanh mà không quán chánh nghĩa.

Khi ấy, Thế Tôn muốn nói lại nghĩa trên mà thuyết kệ:

Đa văn như say tâm bất kính

Bám vào ngôn ngữ thêm rối loạn

Quên mất chánh niệm không chánh trí

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Rất lơ là việc nội tư duy

Thân không an tỉnh tâm cũng vậy

Cử chỉ hành động thiếu oai nghi

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Quên mất ý tư duy chánh pháp

Tâm chỉ ương ngạnh không nhu hoà

Xa lìa thiền định và chánh quán

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Gần bậc tôn kính ý không kính

Thường ưa dùng lời nói đấu tranh

Nơi ở không yên, ý điên đảo

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Các chúng chư thiên không cung kính

Các rồng dạ xoa không nghĩ đến

Về sau không được các biện tài

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Bị các bậc trí thường quở trách

Những việc ấy thân cần chứng biết

Sống như vậy rỗng không, không lợi

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Người ngu khi chết sanh hối hận

Ta tự lừa mình nay nói gì?

Họ phải chấp nhận chịu các khổ

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Vội vàng giống như gió thổi cỏ

Tâm có các nghi không giải được

Ý không kiên cố chẳng thế định

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Giống như Na Tra ở hý trường

Nói các công đức, người khỏe mạnh

Khi ấy, họ cũng như Na Tra

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Tai nghe tiếng hay sanh tâm nhiễm

Họ thích âm thanh lìa chánh trí

Như có tư duy chẳng đúng lý

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Nịnh hót quanh co chẳng được gì

Luôn luôn gây lại sự đấu tranh

Đối với Thánh hạnh mãi xa lìa

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Hành động hữu vi, niệm yếu kém

Ai hỏi Thánh đức thường coi nhẹ

Giống như khỉ vượn tâm loạn động

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Người ấy ngu si bị người sai

Vì trí không có ý chánh định

Bị các phiền não theo hỗ trợ

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Mắt tai mũi họ luôn bị loạn

Lưỡi thân và ý cũng đảo điên

Tất cả các căn đều rối bời

Ưa nói nhiều hoạ hoạn như vậy.

Vô trí tuy cầu nhiều ngôn ngữ

Ý cầu các pháp không biết chán

Họ không lãnh thọ pháp hỷ lạc

Đối với nhất niệm tâm không thích

Vỏ thân cây mía không bền chắc

Nhưng trong ruột nó vị rất ngon

Không phải bỏ vỏ mà có vị

Vị ấy không rời thân cây mía

Như vỏ, nói nhiều đã như vậy

Như nhựa tư duy nghĩa cũng thế

Cho nên nói nhiều hay xa lìa

Tư duy chánh nghĩa, chớ phóng dật

Vị nghĩa vị pháp hơn mọi vị

Vị của giải thoát cũng vi diệu

Vị ấy tối thượng trong các vị

Sao bậc trí không sống một mình

Nói nhiều như vậy đã biết rồi

Nghĩa công đức tối thắng như thế

Nếu có bậc trí muốn học đạo

Thì đối chân nghĩa phải tư duy

Vậy nên xa lìa lời vô ích

Muốn cầu thắng nghĩa của Chơn như

Cần phải gần gũi pháp tối thắng

Nên trụ vào đó chứng thắng đạo

Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:

Hy hữu thay! Thế Tôn mới khéo giảng thuyết tội lỗi của việc nói nhiều. Bạch Thế Tôn! Tư duy chánh nghĩa có công đức lớn. Bạch Thế Tôn! Nếu muốn cầu nghĩa vững chắc, Bồ tát muốn mang giáp, đeo trượng thì đối với lời hư dối không nên huân tập. Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Bồ tát thích quán các lỗi của việc ngủ nghỉ? khi Bồ tát quán nên bỏ sự ngủ nghỉ, phát sanh tinh tấn không mệt mỏi. Sau khi Bồ tát Di Lặc nói, Phật bảo Bồ tát Di Lặc:

Này Di Lặc! Trong đó Bồ tát cần phải quán hai mươi lỗi lầm của việc ngủ nghĩ. Hai mươi lỗi lầm là những gì? Này Di Lặc! Bồ tát ưa việc ngủ nghỉ sẽ sanh làm biếng, thân thể nặng nề, làn da nhơ nhớp, thịt da rít nhám, các đại nhơ nhớp, oai đức mỏng dần, ăn uống không tiêu, thân thể sanh ghẻ chốc, nhiều biếng nhác, thêm lớn ngu si, trí huệ sút kém, hay mệt mỏi, sẽ hướng đến tối tăm, người không cung kính, bẩm chất ngu si, nhiều phiền não, tâm theo các sử, ở trong thiện pháp mà không sanh ham thích, làm cho tất cả bạch pháp giảm sút, thường đi trong sự sợ hãi thấy người tinh tấn thì huỷ nhục họ, đến chỗ đông người bị người khinh rẽ. Này Di Lặc! Bồ tát ưa ngủ nghỉ có hai mươi lỗi lầm như vậy. Khi Bồ tát quán chiếu pháp ấy thì sẽ phát sanh tinh tấn.

Khi ấy, Thế Tôn muốn nói lại nghĩa này nên đọc kệ:

Thân thể trì trệ không tịch định

Lười biếng thân hình không đoan chánh

Làn da nhơ uế không thanh tịnh

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Nước miếng nước mắt…phong hoàng ẩn

Có nhiều thứ ấy trong thân thể

Các giới rối loạn không quân bình.

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Họ ăn thức ăn không tiêu được

Thân thể thô kệch không sáng sủa

Âm thanh lời nói bị tắt nghẽn.

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Thân thể có nhiều các thứ ghẻ

Ngày đêm tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Thân thể phát sanh nhiều thứ khổ.

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Có nhiều biếng nhác lìa tinh tấn

Niềm vui càng xa, không có phần

Thường ngủ mê man không chánh ý

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Thường làm thêm lớn lưới ngu si

Hiểu biết điên đảo rất khó sữa

Không có chánh niệm, bị mất ý

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Họ có trí huệ rất yếu kém

Không thiền định các pháp giảm sút

Xa lìa trí tuệ và chánh trụ

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Tự biết mình lười không cần học

Thường bị phi nhơn đoạt oai đức

Ở nơi thanh vắng thường sợ hãi

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Luôn thường mông lung mất chánh niệm

Không thể an trú lúc đọc tụng

Chánh niệm đã nói thường quên mất

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Họ thường hổ trợ các phiền não

Thượng bị mê loạn tánh thô tháo

Về sau họ sanh tâm hối hận

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Có nhiều thiện nghiệp bị diệt mất

Khi nhớ xét lại sanh buồn hận

Tăng thêm các sử đất phiền não

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Không muốn mong cầu các thiện nghiệp

Đối với thiện pháp tâm không cầu

Họ luôn luôn làm việc phi pháp

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Tức là lìa xa đạo bồ đề

Tất cả công đức đều giảm sút

Bỏ mất chỗ sáng đến nơi tối

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Không có tâm vô uý sáng ngời

Họ thường không sanh niệm hoan hỷ

Bám vào ngủ nghỉ việc mông lung

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Họ tự biết mình là biếng nhác

Ghét người an trú sức tinh tấn

Nói là tinh tấn chẳng phải thiện

Ai ưa tuỳ thuận việc ngủ nghỉ

Bậc trí nếu thấy lỗi như thế

Ai sẽ vui mừng việc ngủ nghỉ

Chỉ sanh ngu si nhiều ràng buộc

Không thích chánh pháp diệt công đức

Bậc trí ai chẳng ưa tinh tấn

Hay diệt các khổ hết tối tăm

Vị lai đường ác đều đoạn tận

Được cam lồ gốc các niềm vui

Thế gian có được bao tài nghệ

Và xuất thế gian các quyền năng

Phát sanh tinh tấn không ngại khó

Bậc trí vì sao không tinh tấn?

Muốn trụ vào Bồ đề cao tột

Mọi người phải biết lỗi ngủ nghỉ

Tinh tấn không lười, không phóng dật.

Ta nhờ biết được pháp như vậy

Nên không phóng dật và sợ hãi

Phát khởi tâm tinh tấn thiền định

Bỏ các lỗi lầm lìa ngủ nghỉ

Gìn giữ Bồ đề và hạt giống.

Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Như Lai đã vì các Bồ tát mà chỉ bày nhưng dù đã nghe các lỗi lầm của việc ngủ nghỉ nhiều như vậy, song Bồ tát không thể đoạn trừ, cũng không thể sanh tâm nhàm chán, thì bạch Thế Tôn! Bồ tát nào muốn học tín tâm và muốn thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác mà còn sanh lười biếng, vì cầu thiện pháp nên đối với công đức nhiều như vậy, tuy đã nghe rồi nhưng không thể phát khởi hạnh tinh tấn. Vì mong viên mãn Bồ đề phần nên Như Lai đã khéo nói các lỗi của việc ngủ nghỉ nhiều, và mở bày các công đức của tinh tấn. Bạch Thế Tôn! Tại sao Bồ tát phải quán các lỗi của việc ưa tạo các nghiệp, và Bồ tát sau khi quán sẽ sống thiểu dục tri túc?

Phật bảo Di Lặc: -Bồ tát trong đó ưa tạo nghiệp nên quán hai mươi thứ tội lỗi. Hai mươi thứ lỗi là gì? Này Di Lặc! Đó là phàm Bồ tát ưa tạo các nghiệp thì sẽ ưa thích pháp thế gian tức ở trong tất cả các nghiệp thấp kém nhất. Đó là khinh chê người siêng năng đọc tụng, có người chuyên cần thiền định một mình cũng bị họ chế giễu, đến nỗi họ bị lưu chuyển trong sanh tử không cùng, về sau lại tạo nghiệp không dứt… Họ có lòng tin đối với các bậc trưởng thượng, nhưng không thể vì các vị ấy mà tạo phước điền, thường có tham dục ưa mến các vật, tâm vừa nghĩ việc ấy thì hết sức siêng năng, thường lo gia nghiệp, trái với thiện pháp của người, được ban cho giáo pháp mà không tuỳ thuận, có nhiều suy nghĩ, nhiễm trước các mùi vị, được việc tốt lành mà không ưa thích, thường tạo ác nghiệp gây hại lẫn nhau, hướng về các tri thức mới quen hay quen đã lâu thì thường nhớ việc ăn uống, thường thích biết việc hay dở phải trái của người khác, bàn luận thường ưa chống trái, các bậc phạm hạnh dạy bảo không lảnh thọ, thường nhìn lỗi người không thấy lỗi mình liền bị coi rẻ, hợp với lời bàn luận chơn chánh thường thì rất ít.

Này Di Lặc! Bồ tát nào ưa tạo các nghiệp sẽ có hai mươi thứ lỗi lầm như vậy.

Khi ấy Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ:

Thường trụ trong các nghiệp thấp hèn

Họ lìa xa các nghiệp cao đẹp

Trong giáo pháp này không rộng rãi

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Các Tỳ kheo ưa thích đọc tụng

Bị họ khinh chê, không ngưỡng mộ

Người tu thiền định lìa bỏ họ

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Với nghiệp sanh tử thường siêng năng

Xa chốn giải thoát trụ trói buộc

Thọ nhận thức ăn không thanh tịnh

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Luôn luôn hướng đến các nghiệp ấy

Nhận được vật gì cũng vui mừng

Thường siêng mong muốn nhận các vật

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy.

Mến chuộng bạn bè có cùng hạnh

Tạp hạnh gần nhau nhiễm lẫn nhau

Giống như chim bị nhốt trong lòng

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Luôn luôn lo lắng các gia nghiệp

Tâm ý ưu sầu ít khi vui

Có nói điều gì người chẳng nghe

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Dạy cho đạo đức không tuỳ thuận

Dù thuận giáo pháp nhưng chẳng thọ

Có giới hạnh nhưng không trọn vẹn

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Thường luôn ưu sầu tâm không an

Với nghiệp thế tục tâm cần mẫn

Trí huệ tịch tịnh họ chẳng màng

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Họ thường có rất nhiều sự nghiệp

Họ bị buộc chặt đủ các vị

Ở nơi nào cũng không biết đủ

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Thường vui thích ở chốn đông người

Người trí không thích nói với họ

Thích nơi tạp nhạp giống như lừa

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Tâm thường sân hận không nhu thuận

Thêm lớn các nghiệp mãi không cùng

Họ bị ái nhiễm buộc chặt cứng

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Họ không nương tựa bậc tôn trưởng

Nương tựa người đời giúp lẫn nhau

Thấy người giữ giới thì phỉ báng

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Ngày đêm luôn nhớ đến các việc

Ăn uống y phục và ngọa cụ

Chẳng muốn nghe công đức xuất gia

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Thích hỏi nghiệp công đức thế gian

Nghe việc kinh doanh họ phấn khởi

Siêng tu thắng đức họ không thích

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Say mê kinh doanh cùng bè bạn

Dùng thế lực mình trấn áp người

Những ác nghiệp ấy họ đều làm

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Luôn luôn ưa thích xét lỗi người

Lỗi của chính mình không tự biết

Thấy người có đức thường trêu chọc

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Đến đâu cũng bị người khinh chê

Người đến thỉnh pháp: Xin giảng thuyết

Trí không hiểu thấu, không phương tiện

Kinh doanh sự nghiệp có lỗi ấy

Các lỗi như vậy nên quán kỷ

Có các Bồ tát thích nghiệp này

Cần phải tu nghiệp tối thắng ấy

Tạo tác các nghiệp đều chẳng mất

Xả bỏ ngàn tiền lấy một tiền

Người có trí cần phải quở trách

Người như vậy bị người khinh chê

Vì ưa tạo nghiệp thấp hèn ấy

Cho nên người trí có phương tiện

Đã vứt bỏ đi nghiệp thấp hèn

Thì nên tu tập nghiệp cao thượng

Nên biết được tất cả Phật khen

Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Các Bồ tát kia trí tuệ thấp kém, tâm ý hẹp hòi, Đức Chánh Đẳng nhọc công nhưng họ bỏ pháp tối thắng mà tạo các tiểu nghiệp. Phật bảo:

Này Di Lặc! Ta nay bảo ông, Ta nay chỉ dạy ông: Vì các Bồ tát kia không nương vào giáo pháp của Phật xuất gia, nên không thể diệt độ, không thiền định, không đọc tụng, không mong cầu đa văn.

Lại nữa, Di Lặc! Các Như Lai đã dạy: Diệt hết trí hành tạo dựng trí trí, nhờ sự chuyên cần đầy đủ nên mới có thể hiểu rõ, không thể đem nghiệp (trí) thế tục đo lường, mà biết được. Vì đây chẳng phải người thường ham thích nghe việc lưu chuyển trong sanh tử, như là: việc đo lường tạo tác của thế gian, việc mua bán của cải ở thế gian, những việc đó Bồ tát không được ham thích.

Di Lặc! Giả sử đo lường sự chuyên cần của Bồ tát tạo dựng tháp bằng bảy báu đầy đủ cả ba ngàn đại thiên thế giới này, cũng không thể làm cho ta hân hoan, chẳng phải cúng dường ta, chẳng phải thừa sự ta.

Này Di Lặc! Nhưng nếu có Bồ tát thọ trì đọc tụng thậm chí một bài kệ bốn câu tương ưng cùng với trí tuệ độ thì người đó làm cho ta hân hoan là cúng dường ta và thừa sự ta. Vì sao vậy? Di Lặc! Vì Đa văn vậy, sự giác ngộ của các đức Như Lai không chấp trước các vật.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ tát nào chuyên cần trong sự nghiệp kinh doanh, đối với việc chuyên cần đọc tụng của Bồ tát, mà làm não loạn, dẫn đến việc tu tập sự nghiệp của các Bồ tát (đọc tụng) có nhiều chướng ngại tội lỗi, thì không tích được phước đức. Vì sao? Vì ba loại phước thù thắng đều do trí phát sanh. Vì thế cho nên Bồ tát chuyên cần trong sự nghiệp kinh doanh, đối với các Bồ tát chuyên cần đọc tụng không nên làm chướng ngại. Di Lặc! Ví như người kinh doanh sự nghiệp đầy khắp trong Diêm Phù Đề số ấy vô lượng, đối với một Bồ tát chuyên cần tụng niệm thì nên cung cấp phụng sự. Ví như các Bồ tát chuyên cần tụng niệm đầy khắp trong cõi Diêm Phù Đề thì cần phải cung cấp cho một vị thiền định. ta nói rằng những Bồ tát ấy khéo cung cấp. Người ấy đã tích tụ vô lượng phước. Vì sao? Vì đó là cái được hơn hết, nghĩa là tương ưng với trí tuệ đệ nhất nghĩa, sự chứng biết không có gì trên nữa, nên là tối thượng, tối thắng, tối cao trong tất cả thế gian.

Này Di Lặc! Vì thế cho nên muốn được thiền định và tinh tấn thì cần phải tu tập trí nghiệp và cầu sanh trụ xứ bát nhã.

Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Ngài đã vì các Bồ tát nói các hoạ hoạn của việc ưa lời nói thế gian, ưa nói nhiều, ưa ngủ nghỉ và các hoạ hoạn của việc ưa tạo nhiều nghiệp.

Bạch Thế Tôn! Tại sao Bồ tát phải quán việc ưa hý luận, như pháp đã quán sẽ hướng đến hạnh tịch tịnh?

Phật bảo Di Lặc:

Lời của người hý luận nói có hai mươi điều lầm lỗi cần phải quán sát. Nếu nói rộng ra thì có vô biên, hai mươi điều đó là gì?

Này Di Lặc! Bồ tát nhiều hý luận thấy trong giáo pháp nhiều hạnh không thích, đối với Nhẫn nhục thì lại giảm sút, huân tập sân hận, thiện căn chưa sanh không làm phát sanh, thiện căn đã sanh làm cho giảm sút, sẽ có tranh đấu oán hờn, sẽ bị đoản mạng, không đoan chánh, nói năng không trôi chảy, nghe người khác dạy giáo pháp tâm không an trụ, kinh pháp sắp giảng thuyết thì không nhớ, các thiện tri thức đều lìa xa, mau chóng hoà hợp với ác tri thức, sẽ vào đường khổ, trong mọi lúc đều nghe lời không vui, sanh ở nơi nào thường rơi vào lưới nghi, gần gũi tám nạn, trong pháp bạch tịnh mong cầu học hỏi có nhiều chướng ngại. Này Di Lặc! Ta vì các Bồ tát nhiều hý luận mà lược nói hai mươi lỗi lầm như vậy.

Khi ấy, Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này, nên nói kệ:

Hiện pháp khổ sở tâm không vui

Xa lìa Nhẫn nhục giúp sân hận

Oan gia của họ đều hoan hỷ

Người hành hý luận có họa này

Làm cho ác ma thêm vui vẻ

Quyến thuộc nhà ma cũng vui theo

Được bao điều thiện đều xả bỏ,

Người hành hý luận có họa này.

Mong muốn tạo dựng các hạnh lành

Họ vì phóng dật nên không trụ

Hướng đến nẽo ác vì phóng dật

Người hành hý luận có họa này.

Vì không tin nên tâm khó phục

Sanh nhà hạ tiện thường bị khinh

Lưỡi của họ luôn bị nói lắp

Người hành hý luận có họa này.

Nói pháp cho người tâm không trụ

Cho nên pháp ấy bị quên mất

Các thiện tri thức đều bỏ họ

Người hành hý luận có họa này.

Thường hòa hiệp với các nghiệp ác

Ở trong các thừa rất khó tịnh

Nghe nói pháp ý không vui vẻ

Người hành hý luận có họa này.

Đối với các thiện nhiều chướng ngại

Ở trong các hạnh nhiều oán hờn

Khi họ siêng năng, nhiều chướng ngại

Người hành hý luận có họa này

Các hoạ như vậy bậc trí biết

Tất cả hý luận nên xả bỏ

Người hành hý luận khó đắc đạo

Vì thế không nên trụ hý luận

Hãy mau tránh xa nhiều do tuần

Chỗ có hý luận và tranh đấu

Ta nay không thể ở một mình

Chỗ có phiền não dù khoảnh khắc

Ta muốn xuất gia cầu lợi đức

Chớ gây tranh luận sanh ác tâm

Không có ruộng vườn và buôn bán

Thì vì việc gì sanh đấu tranh?

Không có nhà cửa các của cải

Vợ và con cùng các nô tỳ

Không có nô bộc được tự tại

Đã xuất gia rồi chớ đấu tranh

Đã khoác trên mình chiếc ca sa

Đã ấn khả gọi là Tịch tịnh

Các ông đầy đủ công đức ấy

Xả việc hý luận sẽ sanh nhẫn

Tâm như rắn độc như La sát

Sẽ sanh địa ngục, quỷ, súc sanh

Người hành hý luận dễ vào đó

Giải thoát việc ấy sanh tinh tấn

Có các khổ não hại, trói buộc

Oán thù quở trách trói đánh đập…

Cùng nhau tụ tập rồi tranh luận

Ở thế gian này đều như vậy

Nếu có hoà hiệp oán khó sanh

Người sống hòa hiệp thêm danh tiếng

Người sống hòa hiệp được yêu mến

Sao người có trí không hòa hiệp

Tìm lỗi lầm người không dễ được

Quyến thuộc không từng phá hoại nhau

Bạn bè của họ không ly tán

Lìa hý luận thuận theo lời dạy

Trong xe an lạc sẽ được tịnh

Được giải thoát hoàn toàn nghiệp chướng

Hàng phục ma và cả ma quân

Bị người phỉ báng nên sanh nhẫn

Nếu hý luận thì nhiều họa hoạn

Người không hý luận đức khó lường

Ta đã chỉ dạy rõ như vậy

Muốn giác ngộ phải sanh tâm nhẫn.

Khi ấy Bồ tát Di Lặc bạch Phật:

Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Chỉ có Như Lai mới nói ra các phiền não này. Bạch Thế Tôn! Có Bồ tát nào nghe việc phát giác các phiền não như vậy mà sanh sự nhàm chán chăng? Ở trong hạnh phiền não có đoạn trừ chăng?

Phật bảo Bồ tát Di Lặc:

– Này Di Lặc! Ở đời vị lai năm trăm năm sau, sẽ có ít người hành Bồ tát thừa dứt sạch hạnh phiền não, nhiều người có tâm ương ngạnh, không kính trọng, ngã mạn, tự cao tạo các sự phân biệt không thể tu tập. Cho nên ma ba tuần hiện hình làm Tỳ kheo đi đến trước mặt họ phá hoại, nói như vầy:

Các kinh này là văn chương của người khác chẳng phải lời của Như Lai nói. Vì sao vậy?

-Vì kinh này chỉ nói các công đức mà không nói “bỉ, thử”. Nhưng đối với đồ chúng kia bị phá rồi, thì đối với lời nói của Như Lai trong các kinh họ sẽ sanh nghi ngờ, và phát sanh sự tranh cãi, không chịu thọ trì, không nói cho người, cũng không tu tập. Nhưng bọn họ là người ngu si không biết như vậy mà còn cho rằng: “Đây là quả báo của các nghiệp, chúng ta sẽ không thể chứng công đức như vậy”.

Khi ấy, Bồ tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai khen ngợi đức A Di Đà Như Lai phát mười loại tâm; trong đó đều tuỳ tâm niệm của chúng sanh mà phát khởi, như ai có niệm muốn sanh về cõi kia thì liền được sanh về cõi ấy.

Bạch Thế Tôn! Mười loại tâm sanh về cõi kia là gì?

Phật bảo Di Lặc: Những người phát tâm chẳng phải người thiếu trí, mà họ phát tâm là vì việc lớn. Nếu ai muốn sanh về thế giới A Di Đà thì vì tất cả chúng sanh mà phát tâm từ bi, không sanh sân hận, thì sẽ sanh về thế giới của Phật A Di Đà Như Lai. Vì tất cả chúng sanh, sanh tâm từ bi nên sanh về cõi kia lìa các sự sát hại thọ trì chánh pháp. Do phát tâm này nên sanh về cõi ấy.

Do phát tâm bỏ thân mạng, không chấp trước tất cả các pháp nên về cõi kia, phát tâm nhẫn nhục sâu xa, thực hành tín thanh tịnh. Nhờ phát tâm này nên sanh về cõi ấy, không nhiễm danh tiếng lợi dưỡng, được nhất thiết trí quý báu. Do phát tâm nầy nên sanh về cõi kia, được tất cả chúng sanh sanh lòng quý kính, do phát tâm không quên mất nên sanh về cõi kia, không kinh, không sợ, không thích lời nói phàm tục. Do phát tâm này nên sanh về cõi kia, nhập vào Bồ đề phần trồng các căn lành. Do phát tâm này nên sanh về cõi kia, nhưng không lìa niệm Phật. Do phát tâm này nên sanh về cõi kia, xa lìa các tướng.

Này Di Lặc! Đó là mười loại phát tâm, nếu Bồ tát nào phát một niệm đầy đủ các tâm ấy thì sẽ vãng sanh trong thế giới của Phật A Di Đà. Nếu không được sanh thì không có điều ấy.

Bấy giờ, Trưởng lão A Nan bạch Phật:

– Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Như Lai nói pháp bổn này là để thức tỉnh các Bồ tát.

Khi ấy, Thế Tôn khen ngợi trưỡng lão A Nan:

Hay thay! Hay thay! Này A Nan! Cho nên Bồ tát hiểu biết bổn pháp này thì phải thọ trì như vậy.

Khi Phật nói kinh này, Bồ tát Di Lặc và trưởng lão A Nan vui mừng hớn hở. Sáu mươi vị hành Bồ tát thừa và các thiện nam tử… Tất cả đều dứt hết nghiệp chướng, hoan hỷ phụng hành đảnh lễ lui ra.

    Xem thêm:

  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Nhật Tử Vương Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 50 - Kinh Tạng
  • Bồ Tát Giới Bổn Tiên Yếu - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Ðại Chánh Cú - Kinh Tạng
  • Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung – Thích Đức Niệm dịch - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Lâm Niết Bàn Ký Pháp Trụ - Kinh Tạng
  • Những Kinh Do Tăng Già La Sát Tập Thành - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 3 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nói Về Lễ Tắm Phật Sau Khi Đức Phật Đã Nhập Diệt - Kinh Tạng
  • Kinh Lời Dạy Cuối Cùng (Kinh Di Giáo) - Kinh Tạng
  • Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Lai Biến Đổi - Kinh Tạng
  • Kinh Ma Ni La Đản - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 21 Đến Phẩm 30 - Kinh Tạng