Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật
Phật Thuyết Mục Liên Vấn Giới Luật Trung Ngũ Bá Khinh [Trọng, Trùng] Sự
Thất dịch
Bản Việt dịch của Thích Nguyên Lộc
***
1.PHẨM HỎI VỀ QUẢ BÁO PHẠM NĂM THIÊN GIỚI
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời Đức Phật cư ngụ tại vườn trúc Ca-lan-đà thuộc thành Vương Xá. Lúc bấy giờ, Mục-kiền-liên đứng dậy bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Nay con có điều muốn thưa hỏi, xin đức Thế Tôn chỉ dạy!
Phật dạy:
– Quí thay! Nếu việc ấy có thể làm lợi ích vô lượng cho chúng sinh thì ông cứ tùy ý mà hỏi.
Mục-kiền-liên bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Vào thời mạt pháp, nếu có tì-kheo khinh mạn lời dạy của Phật, phạm giới Chúng học, sử dụng lẫn lộn những vật dụng của Tam bảo thì sẽ đọa vào chốn nào?
Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:
– Ông hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho ông rõ!
Nếu tì-kheo không biết hổ thẹn, khinh mạn lời Phật dạy, phạm giới Chúng học thì chịu khổ trong địa ngục chín trăm nghìn năm, bằng thọ mạng năm trăm năm của chư thiên cõi trời Tứ Thiên Vương. Nếu tì-kheo phạm Ba-la-đề-đề-xá-ni, sẽ chịu khổ trong địa ngục ba ức sáu mươi nghìn năm, bằng thọ mạng một nghìn năm của chư thiên cõi trời Tam Thập Tam. Nếu tì-kheo phạm Ba-dật-đề, thì sẽ chịu khổ trong địa ngục hai mươi ức nghìn năm, bằng thọ mạng hai nghìn năm của chư thiên cõi trời Dạ-ma. Nếu tì-kheo phạm Thâu-lan-giá, thì sẽ chịu khổ trong địa ngục năm mươi ức sáu mươi nghìn năm, bằng thọ mạng bốn nghìn năm của chư thiên cõi trời Đâu-suất. Nếu tì-kheo phạm Tăng-già-bà-thi-sa, thì sẽ chịu khổ ở địa ngục hai trăm ba mươi ức bốn mươi nghìn năm, bằng thọ mạng tám nghìn năm của chư thiên cõi trời Hóa Lạc. Nếu tì-kheo phạm Ba-la-di, thì sẽ chịu khổ trong địa ngục chín trăm hai mươi mốt ức sáu mươi nghìn năm, bằng thọ mạng mười sáu nghìn năm của chư thiên cõi trời Tha Hóa Tự Tại.
*
2. PHẨM HỎI VỀ VẬT DỤNG CỦA PHẬT
Hỏi: Vật dụng của Phật đặt một nơi, nếu tì-kheo chuyển đến một nơi khác để làm Phật sự, thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Khí[1]. Tất cả vật dụng của Phật đều không được dời đi nơi khác. Nếu có nạn, tăng chúng bỏ đi nơi khác hết, thì tì-kheo nên bạch đại chúng. Nếu đại chúng chấp nhận, tì-kheo được mang đến chỗ khác mà không có tội.
Hỏi: Vật dụng của Phật, tì-kheo có thể bán lấy tiền mua các vật dụng khác để cúng dường Phật được không?
Đáp: Được!
Chú giải: Đây là nói những vật như hoa quả, hương đèn, cờ lọng… mà thí chủ cúng dường cho Phật. Nếu những vật này quá nhiều, tì-kheo được bán rồi lấy tiền mua lại các vật khác dâng cho Phật thụ dụng. Việc này đều khiến cho thí chủ được phúc. Nếu vật cúng dường cho quỉ thần… thì không được làm thế.
Hỏi: Dùng vật dụng của Phật để xây nhà rồi định giá thuê mướn được không?
Đáp: Được mua lại tất cả vật dụng của Phật, nhưng không được thuê mướn.
Hỏi: Tì-kheo làm Phật sự có thể mượn người giúp việc, trâu, lừa, ngựa của Phật để sử dụng không?
Đáp: Nếu đã biết đó là vật dụng của Phật thì không được. Nếu không biết thì được, vì hoàn toàn không biết phép tắc.
Hỏi: Xây tháp Phật trên đất của tăng, lại dùng vật dụng của Phật làm rào chắn, tì-kheo có thể ở trong đó không?
Đáp: Nếu biết mà cố ý vào thì phạm tội Đọa; không biết mà vào thì không phạm. Nếu biết, dù đã ba lần can gián mà vẫn cố ở thì tì-kheo phạm tội Thâu-lan-giá; qua bốn lần can gián thì phạm tội Ba-la-di.
Hỏi: Điện thờ Phật bị hư sập, có người xuất tiền riêng để sửa lại, rồi cúng cho tăng những vật liệu cũ thì tăng được nhận không?
Đáp: Không được.
Chú giải: Vì đó là những vật của Phật. Nếu tăng nhận thì tính thành tiền mà định tội nặng nhẹ. Lại không được dùng vào việc khác, chỉ để dùng cho Phật thôi.
Hỏi: Dùng vật dụng của Phật rào ngăn phần đất của chư tăng. Các thứ như giếng, rau, quả có trước trong đó, tì-kheo có thể lấy dùng không?
Đáp: Không được! Nếu là vật của đàn việt dùng làm Phật sự, trước tiên phải cúng dường chư tăng rồi mới được dùng. Nếu không làm như vậy tì-kheo không được dùng. Hoặc mua với giá gấp năm lần rồi dùng. Nếu biết mà không mua, tự tiện lấy dùng thì tính thành tiền dù nhiều hay ít tì-kheo đều phạm tội.
Hỏi: Quét bỏ bụi đất trên tháp Phật có tội không?
Đáp: Không! Nhưng không được dùng đất này vào việc khác.
Chú giải: Đã nói tháp Phật tức là vật dụng của Phật. Nên biết, quét bụi tháp Phật mà còn như vậy, việc lớn hơn có thể biết được. Phật pháp sâu xa vi diệu như thế là để đề phòng những lỗi nhỏ, ngăn chặn phát triển, khiến mọi người biết rõ nhân quả, tội phúc. Cho nên nói chớ khinh thường việc thiện nhỏ cho là không có phúc, tuy nước nhỏ giọt lần lần đầy bình lớn.
Hỏi: Nợ vật dụng của Phật trong thời gian lâu, thì phải bồi thường như thế nào?
Đáp: Bồi thường bằng với giá trị của vật ấy, vì Phật không chi thu, nên không bồi thường thêm. Dù vậy, vẫn đọa địa ngục.
Thuở xưa, sau khi Phật nhập niết-bàn, có một vị tì-theo thông minh, tinh tiến tu hành. Lúc bấy giờ có một vị bà-la-môn thấy tì-kheo như vậy, nên cho con gái mình theo vị tì-kheo này xuất gia làm tì-kheo ni. Tì-kheo này liền chấp nhận. Vì người nữ kia xinh đẹp, nên một thời gian sau vị tì-kheo sinh lòng yêu thương, rồi cùng chung sống. Mỗi người trong họ sử dụng của Phật, pháp và tăng, tất cả khoảng mười vạn tiền để sắm sửa y phục và thức ăn. Nhưng vị tì-kheo này rất thông minh, có thể nói pháp khiến cho người chứng bốn đạo quả[2]. Ông tự nghĩ tội mình rất nặng, muốn bồi thường số tiền này, nên đến nước Sa-khư khất thực được rất nhiều tiền của và vật dụng rồi trở về để bồi thường. Nhưng khi tì-kheo này đi qua đoạn đường núi thì bị Thất bộ xà[3] cắn.
Tì-kheo biết khi bị loại rắn này cắn, thì đi bảy bước sẽ chết. Vì thế khi ông đi đến bước thứ sáu, thì liền truyền đạt cho đệ tử biết ý phân chia các vật dụng bồi thường, rồi sai mang về nước và nói: “Khi ông bồi thường vật dụng xong thì trở lại. Ta ở đây đợi ông!”. Đệ tử mang vật dụng đi bồi thường, trở về báo xong. Tì-kheo đứng dậy đi bước thứ bảy thì qua đời và đọa vào địa ngục A-tỳ. Lúc mới vào ngục, tì-kheo còn cảm thấy ấm áp, chưa đến nỗi quá nóng khổ, bèn cho là ngôi nhà ấm áp, nên cất to giọng tụng kinh chú nguyện giúp cho vô số tội nhân và quỉ sứ trong địa ngục được độ. Thấy vậy, ngục tốt rất tức giận, liền lấy chỉa ba bằng sắt đánh, vị đó mạng chung sinh lên tầng trời thứ Ba Mươi Ba[4]. Lấy câu chuyện này mà nghiệm biết, hễ thụ dụng vật của Phật, pháp và tăng thì không thể không bồi thường. Về sau tuy bị thụ tội, nhưng vị ấy sẽ có lúc thoát khỏi.
Hỏi: Tì-kheo lấy vật dụng của Phật cho người khác vay, rồi lấy chỗ lời đó sử dụng thì có tội không?
Đáp: Vật dụng của Phật mà lấy cho người khác vay thì phạm tội trọng. Vì chỗ lời đó cũng đồng với vật dụng của Phật, cho nên đều phạm tội trọng. Tăng lấy chỗ lời đó cúng Phật mà còn không có phúc, vì hủy hoại pháp thân, cung dưỡng cho sắc thân.
Hỏi: Người chủ chùa cấp trẻ em, nô bộc của Phật cho tì-kheo. Tì-kheo có thể sai khiến họ không?
Đáp: Không được sai khiến, vì đây là người của Phật.
Hỏi: Tì-kheo làm việc cho Phật, có được phép dùng thức ăn của Phật không?
Đáp: Không được! Tì-kheo không có lí làm thuê, huống gì lấy vật dụng, y phục, thức ăn uống của Phật để dùng!
Hỏi: Hàng cư sĩ làm việc cho Phật, nhận được vật dụng của Phật, lại dùng vật này đổi lấy thức ăn thức uống, rồi thỉnh chư tăng dùng, chư tăng dùng được không?
Đáp: Không được dùng!
Chú giải: Tuy đã qua tay cư sĩ, nhưng vì đó vốn là vật của Phật. Đây là vật dụng nuôi sống gia đình cư sĩ, đối với họ là đúng lẽ. Nhưng nếu là tì-kheo hiện tiền biết pháp mà phạm pháp cũng tính thành tiền mà định tội.
Hỏi: Làm Phật sự, pháp sự được phép cất giữ tiền của, vàng bạc không?
Đáp: Không được! Nắm giữ thì phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Với những Phật sự, pháp sự lại dùng phép tắc thường tình của thế gian mà lễ tạ, như lấy tiền tài… thì cũng giống như buôn bán, như người làm thuê, trái với những điều Phật chế định, nên không được. Trong kinh luật, Đức Phật dạy tì-kheo chỉ nên khất thực, không được cất giữ tiền tài. Nếu có người vì pháp, nhất định xin được cúng dường, tì-kheo nếu không thể từ chối được, thì nên làm cho thanh tịnh, dùng để tạo một công đức khác thì được.
Hỏi: Người cúng dường trâu, lừa, ngựa, nô tì cho Phật để làm các Phật sự, pháp sự, tì-kheo được thụ nhận không?
Đáp: Được phép thụ nhận và sử dụng! Nhưng không được phung phí. Lại cũng không được nhận khí giới quân dụng như cung tên, đao kiếm.
Hỏi: Người cúng dường nhà cửa cho Phật, nhưng Phật chưa sử dụng thì tì-kheo có thể tạm trú được không?
Đáp: Không được! Vì đây là vật dụng của Phật.
Hỏi: Đèn thắp cúng Phật, ban ngày tắt được không?
Đáp: Không được! Nếu tắt thì phạm tội Đọa, dù Phật không có sáng-tối. Người cúng dường thì được phúc, người tắt đèn thì phạm tội.
Hỏi: Nếu không phải là nhà của Phật mà có tượng Phật trong đó, thì có thể ăn uống, nằm ngủ trước Phật không?
Đáp: Được! Như Phật còn tại thế, thì mọi người vẫn ăn uống, nằm ngủ trước Ngài được, huống gì tượng Phật mà không được sao! Nhưng khi nằm phải dùng màn ngăn che. Nếu có đèn sáng thì không được đạp hoặc đứng trong vùng ánh sáng đó. Nếu tự mình cầm đèn thì được.
Hỏi: Trèo trên tháp Phật, bức tường có vẽ tượng Phật để nhìn xa thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu không biết thì không phạm, gặp nạn nguy cấp cũng không phạm. Nếu biết mà ngã mạn đứng trên đó thì phạm tội Đọa. Đã ba lần can gián mà không nghe thì người ấy phạm tội Thâu-lan-giá; bốn lần can gián mà vẫn đứng thì phạm tội Ba-la-di.
Hỏi: Đã quyết định những vật liệu dùng để in kinh, tạc tượng Phật, sau đó được vật liệu khác nên không sử dụng vật ấy nữa. Như vậy được không?
Đáp: Không được! Vì đã định dùng vật gì thì phải dùng đúng vật đó.
Chú giải: Nếu không làm như vậy thì tâm tham cầu không chán, nhân quả có sai lạc, lời nói không thật. Vì có ba lỗi này, nên không được. Không luận vật của Phật, vật của pháp, trước hay sau, tất cả đều dùng thì phúc đức nhiều vô lượng.
Hỏi: Quan sát, so sánh, hình dung tướng hảo của Phật tương tợ những gì, những gì… thì phạm tội thế nào?
Đáp: Tất cả tượng Phật, dù đẹp hay xấu, đều không được so sánh giống những gì. Tội này rất nặng, nhất định không được phạm.
Hỏi: Được phép mua tơ lụa đã dâng cúng Phật để may pháp y cho mình không?
Đáp: Không được!
Chú giải: Đây là vải vóc, tơ lụa mà tín thí vì cầu phúc mà cúng dường Phật. Tì-kheo có tâm tham không biết xấu hổ, tự mua may pháp y cho mình, khiến cho thí chủ tổn phúc, thoái tâm, theo lí thì phạm tội trọng.
Hỏi: Người trước tạo tượng Phật, mũi không có lỗ, người sau có được tùy hỉ sửa lại để tượng có lỗ mũi không?
Đáp: Không được!
Chú giải: Đồng với tội nặng so sánh tượng Phật đã nói trên. Vì sao? Vì tượng đã được tạo thành.
Hỏi: Tường vách có họa, khắc tượng Phật, được phép tựa đồ vật vào không?
Đáp: Không được! Nếu tựa thì phạm tội Đọa. Thuở xưa, có một vị tì-kheo vào chùa lễ Phật, có một vị bà-la-môn giỏi tướng số, thấy vị tì-kheo này có tướng làm thiên tử, nên nói với tì-kheo: “Ta có một đứa con gái muốn gả cho ông”. Tì-kheo nói: “Đợi tôi vào lễ Phật trở ra rồi nói!”. Tì-kheo liền tựa tích trượng vào tường, vào chùa lễ tháp rồi trở ra. Vị bà-la-môn không nói gì cả.
Tì-kheo hỏi:
– Ông có gả con gái cho tôi không?
Bà-la-môn đáp: Không!
– Tại sao lúc nãy ông nói gả con gái cho tôi, bây giờ lại không?
– Lúc nãy tôi thấy ông có tướng đại quí nên muốn gả con gái, nhưng nay không còn tướng ấy nữa nên không gả. Tại sao? Vì công đức đã tiêu hết rồi.
Do đó, không nên tựa đồ vật vào tháp Phật và tường vách có họa vẽ hình Phật. Làm vậy, đã phạm giới, lại tiêu hết vô lượng công đức.
Hỏi: Vật dụng của Phật có thể dùng để tạo hình súc sinh và trời người không?
Đáp: Nếu tạo các hình tượng trời-người và các vật hầu bên Phật thì được.
Hỏi: Nếu tì-kheo độ người mà không hỏi rõ nguồn gốc, sau đó biết người kia là người thuộc về Phật mà vẫn không bảo rời đi thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu biết mà độ, thì tì-kheo phạm tội trọng. Nếu trước đó không biết, độ rồi mới biết thì nên bảo rời đi. Nếu không bảo rời đi thì phạm tội trọng.
Hỏi: Người được độ này có phải là đại đạo nhân không?
Đáp: Không phải!
Chú giải: Do tì-kheo độ người cố ý trái với luật Phật chế, không sợ nhân quả, không biết xấu hỗ, không có trí tuệ, nên không phải là đại đạo nhân.
Hỏi: Có người đem của cải mình ra thuê tì-kheo tạo tượng Phật, tì-kheo được nhận tiền công không?
Đáp: Không được!
Chú giải: Vì sẽ phạm hai lỗi: Một, tiền công này từ Phật mà được, nên cũng là vật của Phật. Hai, đã có khả năng này thì mọi người cùng nhau làm, công đức sẽ càng cao, nếu lấy tiền thì giống như người làm công, mất giới thể tì-kheo.
Hỏi: Tràng phan treo trên Phật, tì-kheo được phép lấy làm Phật sự không?
Đáp: Để làm Phật sự thì được, nhưng nếu đàn việt không đồng ý thì không được dùng.
Hỏi: Được đỉnh lễ chung bảy Đức Phật thời quá khứ không?
Đáp: Được, vì pháp thân đồng thể.
Chú giải: Trong kinh có nói bảy Đức Phật quá khứ và bảy Đức Phật hiện tại. Lại chia ra các vị Phật quá khứ như Phật Tì-bà-thi…, các vị Phật hiện tại như Phật Câu-lưu-tôn…. Nói được, là do danh hiệu ba đời chư Phật tuy sai khác, nhưng pháp thân không hai, chỉ có thể chí tâm lễ bái, thì công đức vô lượng. Lại không phân biệt quá khứ, vị lai. Ý nghĩa danh hiệu của bảy Đức Phật, trong luật Tứ phần lược giải thích rõ ràng.
Hỏi: Nếu có người lúc trước hứa lập ba lễ hội Phật (Đản sinh, Thành đạo và Niết-bàn), nhưng sau đó chỉ lập một hội; hoặc ba lần dâng hương, ba lần bố thí thì có được không?
Đáp: Không được. Vì trái với lời hứa là phạm tội.
Chú giải: Vì có tâm tham tiếc và miệng nói dối, nên phạm tội Xả đọa. Than ôi! Đời mạt pháp lòng tin của tì-kheo nông cạn, xem Phật sự như trò đùa, làm sao mà không chuốc lấy các tội lỗi, há không cẩn thận sao?
Hỏi: Tì-kheo phạm tội Quyết đoạn[5] được ở trong đất Phật sám hối không?
Đáp: Không được!
Chú giải: Đất Phật là khu vực phía trước hình tượng Phật. Đây chẳng phải là nơi mà tăng tác pháp sám hối. Nói không được làm, vì chiếu theo luật thì người phạm tội Tăng tàn, nên cưỡng cho hành biệt trụ, cho đến sám hối… Sau đó tì-kheo đối trước hai mươi vị tăng trình bày lỗi lầm, thiếu một người tội còn chưa trừ, huống gì sám hối trên đất Phật mà không có chúng. Phá phép tắc của Như Lai mà được sao?
Hỏi: Ngôi chùa quá lâu đời, hư đổ, không có tường vách phân định, không biết đất của Phật rộng hẹp. Nếu muốn xây sửa, thì làm sao xác định ranh giới?
Đáp: Nếu không biết thì phải khởi ý tưởng định ra ranh giới. Vì không biết, nên tăng hay giảm đều không có tội.
Hỏi: Lấy vật dụng của Phật làm nơi ở cho quỉ tử mẫu và tạo hình tượng chúng thì có tội không?
Đáp: Phạm tội bằng tội lấy vật dụng của Phật cho người khác.
Chú giải: Tội đó rất nặng, giống như trên có thể biết, vì lấy vật tôn quí để làm việc thấp hèn, giống như làm mất các vật của tín thí. Lại nữa, tì-kheo không được thờ cúng quỉ thần. Đây là tham danh lợi mà mất oai nghi, tuyệt đối không thể được.
Hỏi: Tì-kheo tự tay chặt cây, đào đất để làm chùa, tháp Phật và tạc hình tượng, có phúc không?
Đáp: Còn không thoát khỏi tội khổ trong địa ngục, làm sao có phúc được! Vì phạm giới.
Hỏi: Tì-kheo được đỉnh lễ tì-kheo khác ở trước tháp Phật không?
Đáp: Không được! Nếu lễ thì phạm tội Đọa.
Chú giải: Vì trước điện thiên tử hay trong công đường xử án, quan lại thứ dân còn không nhường nhau, há trước tượng Đại thánh mà như vậy được sao? Cho nên lễ thì phạm tội này. Nay rất nhiều tì-kheo phạm tội này, nên phải cẩn thận.
Hỏi: Tì-kheo bán tượng Phật có tội không?
Đáp: Phạm tội giống như tội bán cha mẹ.
Chú giải: Lời Phật dạy mà không tin thì tin lời của ai? Tì-kheo đời này cũng có những việc như vậy, nên tội đồng như tội ngũ nghịch, đâu thể làm vậy? Người xưa nói: “Việc này đáng nhẫn, sao lại không thể nhẫn?”. Trong kinh “Phạm võng” ghi: “Cần phải bảo dùng tài vật chuộc lại”. Nay không chỉ không tôn kính mà còn bán, thì chuốc lấy khổ báo của tội ngũ nghịch, nhất định không thể tránh khỏi. Hoặc nói: “Đức Phật đại từ bi, bán cũng không sao”, đó là lời của kẻ xiển-đề tà kiến. Xét kĩ lời này mà có thể làm trái ư!
*
3. PHẨM HỎI VIỆC THUYẾT PHÁP
Hỏi: Tì-kheo ngồi trên tòa cao thuyết pháp, thính chúng tì-kheo mặc áo quần thế tục thì có thể thuyết pháp không?
Đáp: Người thuyết và người nghe đều phạm nhiều tội, trải qua ba lần can gián mà không sửa đổi, phạm tội Đột-kiết-la; lại trải qua ba lần can gián nữa mà không nghe thì phạm tội Thâu-lan-giá; lại trải qua ba lần can gián nữa vẫn không nghe thì phạm tội Ba-la-di. Nếu không can gián, để trải qua ba lần thuyết giới thì tội họ dần dần tăng.
Hỏi: Tì-kheo thuyết pháp đúng như pháp, người nghe pháp không đúng như pháp, thì thuyết pháp được không?
Đáp: Nếu thuyết thì phạm tội giống như trên.
Hỏi: Tòa thuyết pháp của tăng, thỉnh Phật ngồi lên trước, sau tăng có được ngồi lên đó thuyết pháp không?
Đáp: Thỉnh Phật ngồi lên trước, thì được. Nếu tăng ngồi lên đó trước thì không được.
Chú giải: Đây nói pháp sư thăng tòa thuyết pháp, trước tiên phải thỉnh Phật lên tòa trước, đúng lí là thay Phật tuyên dương giáo pháp. Nếu không làm như vậy là mất thứ bậc cao thấp, cũng mất ý nghĩa thay Phật tuyên dương giáo pháp, nên tăng không được ngồi trước.
Hỏi: Thỉnh người lên tòa cao thuyết pháp, nhưng trên tòa cao ấy đã giăng màn, treo lọng báu, là những phẩm vật cúng dường Phật, tì-kheo được phép ngồi dưới không?
Đáp: Nếu không biết thì không phạm, còn biết thì không được ngồi!
Hỏi: Có người thỉnh tì-kheo tụng kinh, thuyết pháp, nếu họ cúng dường phẩm vật thì được nhận không?
Đáp: Nếu có tâm mong cầu mà thụ nhận thì phạm tội Xả đọa. Nếu không có tâm tham mà thụ nhận thì không phạm. Nếu không có y bát thì được nhận, không phạm.
Hỏi: Tì-kheo lên tòa cao thuyết pháp cho chúng tăng nghe, được phép dùng ghế đỡ chân và cầm phất trần không?
Đáp: Nếu chân không bệnh mà ngồi đặt chân lên ghế nhỏ, cầm phất trần thì phạm tội Đọa. Nếu phất trần không phải lông đuôi, lông cánh loài vật thì được.
Hỏi: Giấu giếm kinh luật không chịu truyền, có phạm tội không?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Kinh luật là đạo nhiệm mầu để thành Phật, là kim chỉ nam để xuất thế, nên truyền bá rộng rãi để được công đức vô lượng. Ngược lại, nếu giấu giếm, lười biếng không chịu truyền bá thì phạm tội này. Vì nửa bài kệ mà xả thân, chặt tay để cầu pháp đều chỉ vì việc này, vì thế tì-kheo không được tham tiếc.
Hỏi: Thầy bị bệnh, mặc áo quần thế tục, có được thuyết pháp cho người nghe và đệ tử nên đỉnh lễ không?
Đáp: Nếu có bệnh thì được thuyết pháp cho nghe và đỉnh lễ. Nếu thầy không bệnh mà mặc y phục thế tục thì chỉ nhận đỉnh lễ chứ không được nói pháp cho nghe.
Hỏi: Có thể thuyết pháp cho người đội mũ nghe không?
Đáp: Trừ người có bệnh cần phải đội mũ, ngoài ra đều không được.
Chú giải: Phép tắc này không chỉ Tây Vực mới có mà Trung Quốc cũng vậy. Người đời nay khi tham dự các lễ tiết long trọng nhất định có áo mũ là đúng. Nhưng các lễ tiết thông thường thì không như vậy, so sánh với đây cũng có thể biết. Ở Tây Vực có phép tắc này. Trong luật dạy là tì-kheo không được thuyết pháp cho những người che trùm đầu, trừ người bệnh. Người thuyết pháp thời nay, chỉ y theo những lễ nghi long trọng thì đội mũ cũng đúng, không cần phải bó buộc.
Hỏi: Trên quyển kinh có bụi, rác được phép dùng miệng thổi không?
Đáp: Không được.
Chú giải: Vì hơi dơ trong miệng xông vào quyển kinh, xem thường không cung kính kinh, nên phạm tội. Nên dùng khăn sạch mà lau, cho đến tượng Phật… đều không được dùng miệng thổi.
Hỏi: Tì-kheo được phép chép kinh để đổi lấy tài vật không?
Đáp: Không được! Nếu lấy phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Nếu tự chép và bảo người chép để truyền bá thì công đức vô cùng, báo được ân của Phật. Nếu chép để đổi lấy vật thì có tâm tham lam, khinh mạn, nên phạm tội này.
Hỏi: Đặt thức ăn trên kinh mà dùng thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu có tâm ngã mạn cố ý làm, thì phạm tội Thâu-lan-giá; không có tâm ngã mạn thì phạm tội Đọa.
Hỏi: Các bản giới luật không sử dụng, hư rách được phép đốt không?
Đáp: Không được! Nếu không biết là đốt sẽ có tội, thì đốt sẽ phạm tội Đọa. Nếu biết đốt là có tội mà cố ý đốt thì phạm tội Thâu-lan-giá, đồng với tội phương tiện phá tăng, cũng giống như tội đốt cha mẹ.
*
4. PHẨM HỎI VỀ PHÁP KIẾT GIỚI
Hỏi: Pháp kiết giới như thế nào?
Đáp: Về cách thức kiết giới, nếu ở trong núi sâu, đầm vắng không có người thì tùy ý kiết giới xa hay gần đều được. Nếu ở trong thành ấp, xóm làng thì không được kiết giới xa, cũng không được kiết giới ban đêm. Trước khi tác pháp kiết giới trường, nên tập họp chư tăng, cư sĩ và những người phục vụ trên giới trường, ước định ranh giới ở bốn hướng. Đến lúc tác pháp kiết giới thì nên cho sa-di và cư sĩ ra khỏi phạm vi giới trường, lại phải có tì-kheo đứng bốn góc, không được cho người ngoài vào. Nếu có người ngoài vào thì kiết giới không thành. Lúc kiết giới phải trừ bốn nơi:
1. Xóm làng.
2. Bên ngoài xóm làng, những khu vực mà người thế tục thường đến làm việc như ruộng vườn…
3. Nếu a-lan-nhã nằm riêng trong núi rừng, khe suối, sợ lúc yết-ma thuyết giới gặp nhiều sự nạn, tăng không thể đến được, thì nên bạch đại chúng xin kiết tiểu giới riêng. Nếu đại chúng chấp nhận thì được. Nếu chỗ kia không đủ năm người, thì nên mời chư tăng đến cho đủ mà kiết tiểu giới riêng. Đây chính là kiết giới trụ xứ a-luyện-nhã.
4. Kiết giới trường thụ giới, thì bỏ hết tất cả những lằn ranh đã kiết giới trước kia rồi mới kiết giới trường; xóa những chỗ kiết giới này mới được. Nếu kiết đại giới trước, sau mới kiết giới trường, rồi ở trong đó thụ giới thì giống như công sở nằm trong châu, quận, thành, ấp. Ở trong đó mà thụ giới thì sẽ không đắc giới vậy. Bởi sợ có người không xác định được tướng của giới trường, lại cho rằng không biết, cũng giống như chưa chế định. Nếu có người nhờ đây mà biết giới trường để vào, thì cũng chỉ mà may mắn mà thôi. Nếu có tì-kheo bị bệnh không thể đến trong tăng được, xin kiết giới riêng trong một phòng, chư tăng cũng nên cho phép, nhưng trước tiên phải giải đại giới, sau đó mới kiết riêng tiểu giới; khi kiết tiểu giới xong, sau đó kiết lại đại giới. Ban đêm, tất cả tì-kheo, nếu không mang y thì không được vào. Trụ xứ có kiết đại giới, một tì-kheo cũng có thể đánh kiền chùy thuyết giới, nhưng trước tiên phải sám hối tăng bốn phương rồi mới thuyết và cũng được ba lần thuyết giới.
Hỏi: Kiết giới trường thụ giới, nếu đất chật thì có được phép kiết thông với đất của Phật trong đại giới không?
Đáp: Không được ở trong đó thụ giới. Nếu trước đó sa-di không biết phép tắc mà đã thụ giới thì đắc giới. Nếu tam sư và thất chứng biết mà cố ý làm trái thì phạm tội.
Hỏi: Đi trên thuyền có được kiết giới không?
Đáp: Được! Nếu có sa-di, cư sĩ trong đó thì nên cho lên bờ, rồi mới kiết giới. Nếu không đưa họ lên thì ngăn ra một phần rồi kiết giới. Sau khi kiết giới xong, vào ban đêm, một tì-kheo khác, nếu không mang y thì không được vào trong đó.
Hỏi: Đại tăng đi hết, chỉ có sa-di ở trong đại giới, được không?
Đáp: Chỉ cần có một thiện nam, tín nữ thì giới tướng không bị mất, huống gì có sa-di. Nếu tất cả mọi người vắng một đêm thì giới tướng bị mất. Nếu chư tăng đi hết mà không trở về thì cũng không cần giải giới tướng.
Hỏi: Giặc cướp vào trong phạm vi kiết giới giết tì-kheo, thì giới tướng bị mất không?
Đáp: Không mất!
Chú giải: Giặc cướp giết tì-kheo cũng không liên quan đến giới tướng, huống gì trong giới vẫn có tì-kheo ở, cho nên không mất.
Hỏi: Một, hai, ba hay bốn người đi trên đường hoặc ở nhà cư sĩ được phép kiết giới không?
Đáp: Không được! Năm người trở lên mới được kiết giới.
Hỏi: Khi kiết giới, được phép kiết thông với sông, suối, ao hồ không?
Đáp: Tất cả dòng nước, nếu không chảy thì được, có phân dòng tuôn chảy thì không được. Vì không biết ranh giới ở đâu.
Hỏi: Sau khi kiết giới mà không đánh kiền chùy thì đại giới mất không?
Đáp: Không mất!
Chú giải: Pháp tu hành không phụ thuộc vào việc đánh kiền chùy. Đánh kiền chùy chẳng qua là để nhóm họp chúng thanh tịnh, cho đến làm lợi ích chúng sinh trong đường khổ. Cho nên đánh kiền chùy hay không đánh cũng không ảnh hướng đến việc kiết giới.
Hỏi: Kiết giới được phép kiết thông với đường lớn không?
Đáp: Được! Nhưng lúc kiết giới nên sai người chặn hai đầu không cho người đi vào, sau đó mới được kiết giới.
Hỏi: Đất không có chủ được kiết giới không?
Đáp: Được! Giống như phép tắc ở cõi Uất-đơn-việt[6] vậy.
Chú giải: Người cõi Bắc Câu-lô châu không có ngã chấp, nên tất cả vật đều không có chủ; đã không có chủ thì nơi nào nên kiết giới thì liền kiết.
Hỏi: Kiết giới trước, sau đó có nước dâng, hoặc đào hầm dài mười lăm bước, hoặc ở trong đó hành dục, thì giới tướng này mất không?
Đáp: Đều không mất. Giả sử có đào một hố sâu, rộng một do-tuần, giới vẫn không mất, huống gì hố nhỏ.
Hỏi: Tì-kheo được vào trong đại giới của ni ở lại qua đêm không?
Đáp: Được, nhưng không được vào phòng ni, cũng được không rời y.
Hỏi: Tăng kiết giới xong, sau đó có vị tăng đến cùng ở, nhưng không mang y thì mất y không?
Đáp: Không mất! Vì lúc kiết giới đã kiết thông cả tăng ba đời.
Hỏi: Tăng không nhóm họp hết, được kiết giới không?
Đáp: Nếu có việc phải vắng, có dặn dò truyền lại thì được, còn không có việc mà vắng thì không được.
Hỏi: Một lần kiết giới được trải qua thời gian bao lâu?
Đáp: Không giới hạn thời gian. Nếu thí chủ dâng cúng thêm đất thì kiết lại.
Hỏi: Chư tăng đã kiết giới, không giải giới mà bỏ đi, tăng đến sau có được kiết giới lại nơi đó không?
Đáp: Được!
Chú giải: Tuy tăng không giải giới, nhưng qua một đêm thì mất đại giới, vì không có người giữ pháp, nên tăng đến sau được kiết giới lại nơi đó.
Hỏi: Lúc kiết giới trường, cần phải nhóm họp tất cả chư tăng hay tùy ý bao nhiêu vị cũng được?
Đáp: Năm người trở lên thì được. Nếu không có đại giới, chúng tăng không vân tập cũng không phạm.
Hỏi: Khi kiết giới trường, tăng cần phải ở trong giới trường hay cũng được phép ở xa kiết?
Đáp: Cần phải vào trong giới trường mới được kiết giới.
Chú giải: Không đến là không được. Vì sao? Vì thân tâm không cung kính, trái với lời Phật chế, không thể thành tựu.
Hỏi: Hai đại giới của hai chúng (hoặc hai bộ chúng tăng-ni, hoặc hai chúng của hai trụ xứ) có được kiết trùng nhau không?
Đáp: Không được kiết trùng nhau, chỉ được kiết thông nhau mà thôi.
Chú giải: Kia đây trùng nhau, lẫn lộn khó phân, lại tranh cãi lẫn nhau, cho nên không được. Chỉ được kết giới thông với nhau, tuy nói hai chúng, nhưng sự thì đồng một thể.
Hỏi: Trong một đại giới được đánh hai kiền chùy không?
Đáp: Được, nhưng không được phép ở hai nơi thuyết giới và yết-ma các việc của tăng. Chỉ được đốt hương, ăn uống mà thôi.
Hỏi: Đại tăng được phép kiết đại giới thông với đại giới của ni không?
Đáp: Được!
Chú giải: Khi kiết thông, thì tất cả tăng ni cần phải nhóm họp lại để kiết giới. Đây gọi là Tứ phương đại giới, cho nên kiết giới thông nhau cũng không phạm lỗi.
*
5. PHẨM HỎI VỀ VIỆC AN CƯ
Hỏi: Trong ba tháng hạ có bao nhiêu ngày được kiết giới an cư để nhận tuổi hạ?
Đáp: Từ ngày mười sáu tháng tư đến hết ngày mười lăm tháng năm, thì ngày nào cũng có thể kiết hạ an cư. Đây là nói lúc mới an cư, gặp nạn duyên nên không kiết hạ được. Hoặc từ ba, bốn, năm ngày cho đến hết một tháng mà kiết hạ thì cũng đồng với người đã đến trước, đây gọi là ba mươi ngày kiết hạ, mà chỉ có một ngày thụ tuổi hạ. Nhưng người đến sau thì chỉ được một ngày kiết giới an cư. Nếu sau ngày mười lăm tháng bảy mà có nạn, thì ngày nào cũng có thể thụ tuổi hạ, đến hết ngày mười lăm tháng tám. Đây gọi là một ngày kiết giới an cư mà ba mươi ngày thụ tuổi hạ.
Hỏi: Kiết hạ thụ pháp xuất giới bảy ngày, là khi mới vào an cư thụ hay là lúc đi mới thụ?
Đáp: Nếu thụ lúc mới vào an cư thì rất tốt, đến lúc đi thụ cũng được. Hễ thụ pháp bảy ngày, nhưng đi không đủ bảy ngày mà trở về, sau đó nếu có đi nữa thì cũng không cần thụ lại, khi đủ bảy ngày thì mới thụ lại. Nếu sợ quên thì cũng có thể hằng ngày thụ.
Hỏi: Trong mùa an cư, nếu không tác pháp thụ nhận mười hai loại vật dụng như giường, tòa, phòng xá… thì có được an cư không?
Đáp: Không cần thụ!
Chú giải: Mười hai vật thì đã nói rõ trong Căn bản tì-ni. Phần sau nói trong ba tháng được sửa chữa phòng xá, thì tợ như cũng nên cho thụ ba y, sáu vật, không thể thiếu. Những vật khác như ngọa cụ… mùa hè trời nóng thì không thụ cũng được.
Hỏi: Trong mùa hạ hoặc có việc Tam bảo, hoặc gặp các sự nạn như bệnh… thì được dời đến nơi khác an cư không?
Đáp: Được! Lúc mới vào an cư thì phải bạch đại chúng, rồi ở trong chúng thụ pháp ba mươi chín ngày. Khi thụ pháp ba mươi chín ngày xong, có việc phải đi ra ngoài giới ba mươi chín ngày, đủ ba mươi chín ngày rồi trở về lại thì tốt; còn không về được, thì có thể ở nơi đó mà nhận tuổi hạ cũng không phạm. Nếu lúc mới vào an cư không thụ pháp này, thì đến lúc đi, thụ cũng được. Nếu ở nơi kia đã an cư đủ ba mươi chín ngày, khi có việc ra ngoài giới thì không cần thụ lại. Nếu vì công việc mà không trở về được thì cũng có thể ở trú xứ đó nhận tuổi hạ.
Hỏi: Nếu kiết hạ mà không nhập hạ thì được tuổi hạ không?
Đáp: Nếu trước đó không biết pháp an cư thì được thụ tuổi hạ, còn biết mà cố ý trái thì không được.
Hỏi: Không kiết hạ, không an cư được nhận tuổi hạ không?
Đáp: Nếu trước đó không biết có kiết hạ, không biết có pháp an cư thì được nhận tuổi hạ. Khi biết rồi thì nên đến chúng tăng sám hối. Nếu trước đó biết pháp kiết hạ an cư mà cố trái phạm thì không được.
Hỏi: Nếu không kiết hạ mà an cư, được thụ tuổi hạ không?
Đáp: Giống như việc vừa nói trên!
Hỏi: Trong lúc an cư, được phép xuống sông, suối, ao, hồ tắm không?
Đáp: Nếu thuộc nội giới thì được. Nếu đã thụ pháp bảy ngày, khi đi gặp sông suối thì cũng được tắm.
Hỏi: Trong lúc an cư, nếu phạm tội Thâu-lan-giá mà không sám hối thì được thụ tuổi hạ không?
Đáp: Dù có tội, nhưng vẫn được nhận tuổi hạ. Vì vị này vẫn là tì-kheo.
Hỏi: Người phạm tội, nếu lúc nhận tuổi hạ mà tăng không hòa hợp thì được tuổi hạ không?
Đáp: Trước tiên người đó cần phải sám hối, rồi mới thụ tuổi hạ. Nếu người đó không chịu sám hối thì đuổi ra ngoài, sau đó tăng mới được thụ tuổi hạ. Nếu vị đó không chịu ra, chúng tăng nên can gián ba lần. Nếu can gián quá ba lần mà không chịu ra thì phạm tội Thâu-lan-giá, can gián quá bốn lần phạm tội Ba-la-di. Nếu cố sức đuổi ra khỏi cương giới thì tốt, còn chịu không ra thì nên giam riêng người này trong phòng, rồi chúng tăng thụ tuổi hạ mà không cần quan tâm, vì vị đó không còn là tì-kheo nữa. Nếu có nhiều người xấu ác ở trong đại giới mà không đuổi ra được, thì tăng nên dời ra ngoài giới để tác pháp thụ tuổi hạ, nếu cùng cương giới với họ mà thụ tuổi hạ thì không thành.
Hỏi: Trong lúc an cư được phép sử dụng quạt không?
Đáp: Tất cả quạt bằng lông chim thì không được, còn quạt bằng cây lau, trúc thì được phép sử dụng.
Hỏi: Trong lúc an cư, được phép tạo phúc cho hòa thượng, a-xà-lê đã thị tịch không?
Đáp: Được, nhưng không được tự tay mình làm các việc ấy.
Hỏi: Người hậu an cư, được phép thụ tuổi hạ trong ngày mười lăm tháng bảy và rời khỏi đại giới không?
Đáp: Không được! Nếu trước đó không biết mà đã thụ tuổi hạ thì được, còn biết pháp mà cố ý trái thì không được. Nếu tăng hòa hợp, thì người hậu an cư chỉ được tính vào số tăng thụ tuổi hạ mà thôi, khi đủ số ngày an cư mới được rời khỏi cương giới. Nếu người hậu an cư lúc thụ tuổi hạ như vậy, thì người tiền an cư cũng như vậy.
Hỏi: Hai người đồng tuổi hạ, người nhỏ thì tiền an cư, người lớn thì hậu an cư, người tiền an cư đã thụ tuổi hạ, người hậu an cư chưa thụ, thì trong một tháng ấy ai lớn tuổi hạ hơn?
Đáp: Người thụ giới cụ túc trước lớn hơn, vì tính ngay ngày đầu thụ giới, chứ không tính ngày thụ tuổi hạ.
Hỏi: Trong an cư, không thụ pháp bảy ngày, tạm ra khỏi đại giới thời gian ngắn, thì được trở về tiếp tục an cư không?
Đáp: Nếu sám hối thì được!
Chú giải: Không thụ pháp mà ra khỏi đại giới, thì phạm tội Việt pháp, nên phải sám hối mới được thụ hạ. Nên biết trong luật qui định, khi ra khỏi đại giới phải thưa cho đại chúng biết, hoặc có việc đột xuất không kịp thưa đại chúng, thì khi về phải sám hối. Nếu không sám hối thì tội càng nặng thêm.
Hỏi: Trong an cư, chỉ một sự duyên, được phép ba lần thụ pháp bảy ngày không?
Đáp: Được!
Chú giải: Tì-kheo có nhân duyên như vì Tam bảo, chăm sóc người bệnh, cúng dường đại chúng… hoặc đi đường xa gặp nạn, hết ngày mà công việc chưa xong, nhọc công ra vào, nên Đức Phật từ bi phương tiện mà khai cho. Nhưng cũng chớ vì việc này mà rong chơi, mong an thân, lười biếng, mất hết công đức lớn.
Hỏi: Trong mùa hạ có mười, hoặc năm người không an cư muốn đến nương để cùng nhận tuổi hạ, thì được phép cùng ở, cùng nhận tuổi hạ không?
Đáp: Nếu kịp thời gian hậu an cư sau thì được tác pháp an cư, còn không kịp hậu an cư thì không được. Nếu người này hoàn toàn không biết có pháp kiết hạ an cư thì cho phép. Nếu biết mà cố ý làm trái thì không được.
Hỏi: Không an cư, hoặc không thụ pháp bảy ngày mà đã nhận tuổi hạ thì được công đức hạ an cư không?
Đáp: Không biết pháp và đã thụ thì được tuổi hạ, nhưng không được công đức hạ an cư. Nếu chúng tăng can gián một lần mà người này tác pháp kiết hạ và thụ pháp thì tốt. Nếu ba lần can gián mà không chịu tác pháp an cư và thụ pháp bảy ngày thì phạm tội Thâu-lan-giá. Bây giờ nếu chịu tác pháp, thụ pháp thì cũng được. Lúc tác pháp thụ pháp phải bạch đại chúng; đại chúng chấp nhận thì mới được.
Hỏi: Tì-kheo không thụ tuổi hạ phạm tội gì?
Đáp: Nếu một tì-kheo không thụ tuổi hạ, đại chúng can gián một lần cho đến ba lần mà thụ thì tốt. Nếu can gián quá ba lần mà không thụ, thì phạm tội Thâu-lan-giá; Can gián quá bốn lần mà không thụ thì chẳng phải sa-môn, vì không chịu thụ pháp.
Hỏi: Trong thời gian an cư, tì-kheo mới thụ giới, đúng Ngọ hoặc sau Ngọ mới tác pháp an cư thì được nhận tuổi hạ không?
Đáp: Được, nhưng đến cuối đêm thì không được.
Chú giải: Theo lời này thì hình như mới tối vẫn còn được. Cuối đêm có hai nghĩa: Một, đã thuộc ngày hôm sau; Hai, thiếu lòng chí thành.
Hỏi: Trong hạ an cư, vì quên nên không thụ pháp bảy ngày mà ra ngoài giới một lần thì được an cư không?
Đáp: Nếu nhớ lại liền sám hối thì được, nhưng trong một mùa hạ không được sám hối quá ba lần. Nếu sám hối quá ba lần thì không được tuổi hạ.
Hỏi: Lúc thụ tuổi hạ, nếu trời mưa thì được phép ở tại phòng thụ tuổi hạ không?
Đáp: Được!
Chú giải: Theo luật, khi thụ tuổi hạ, nên ở trong khu vực đất trống của giới trường mà thụ, biểu thị công đức thụ hạ viên mãn, vượt ngoài ba cõi. Nhưng vì trời mưa mà dời vào phòng thì cũng không có gì ngại.
Hỏi: Đã định đến một nơi nào đó kiết hạ an cư mà bị chướng ngại không đến được, thì cho phép từ xa tác pháp an cư không?
Đáp: Không được! Phải đến chỗ ấy để tác pháp hậu an cư, hoặc trên đường đi có trú xứ của chư tăng, thì đến đó tác pháp an cư, dọn dẹp phòng ốc hai ba ngày, rồi ở đó ba mươi chín ngày mới được đi. Nếu không có trú xứ của chư tăng, thì năm người trở lên cùng kiết giới an cư. Sau đó một hoặc hai người ở lại giữ cương giới, đủ ba mươi chín ngày mới được đi. Nếu người ở lại không đủ ba mươi chín ngày mà bỏ đi, như người đi trước không biết thì không mất hạ, người đi sau sẽ mất.
Hỏi: Một tì-kheo cho đến bốn tì-kheo được phép ở nhà cư sĩ kiết giới an cư không?
Đáp: Không được! Năm người trở lên mới được.
Chú giải: Năm người cho đến nhiều người mới có thể tác pháp yết-ma kiết tiểu giới mà tọa hạ. Nếu thiếu người thì không đúng pháp, kiết giới không thành.
Hỏi: Một người ở nơi vắng vẻ được phép tác pháp an cư không?
Đáp: Nếu trước đó đã kiết giới và hai người trở lên thì được, một người thì không được. Vì không có người cùng thụ an cư và không có cương giới thì không được. Nếu muốn an cư riêng, thì phải thỉnh chúng tăng kiết giới mới được.
Hỏi: Trong lúc hạ an cư, tì-kheo được thụ nhận phẩm vật thanh tịnh cúng dường và đồ vật kí gởi của người khác từ mười ngày cho đến ba tháng không?
Đáp: Nếu không khởi ý tham mà thụ nhận thì không giới hạn thời gian.
Hỏi: Lúc hạ an cư, ở trong cương giới làm các việc hữu vi thì được công đức an cư không?
Đáp: Nếu làm việc có phúc đức thì được, nhưng chỉ bày cho người khác làm, chứ không được tự tay làm, vì sợ mất oai nghi, xao lãng việc ngồi thiền. Tất cả những việc khác đều không được.
Hỏi: Người thụ an cư nói gian phòng này bị hư dột, nên sửa sang lại. Đó là nói lúc mới an cư để tu sửa hay an cư xong mới tu sửa?
Đáp: Nếu trong ba tháng an cư mà phòng ốc hư thì nên tu sửa.
Hỏi: Lúc thụ tuổi hạ, chúng ni vào nội giới cầu xin thụ tuổi hạ, thì nên cho thụ tuổi hạ không?
Đáp: Nếu hai vị ni trở lên thì được, còn một thì không được. Tại sao? Vì một vị tì-kheo ni ra khỏi cương giới là phạm tội trọng.
*
6. PHẨM HỎI VIỆC ĐỘ NGƯỜI
Hỏi: Một tì-kheo được phép độ sa-di không?
Đáp: Không! Hai người trở lên mới được độ sa-di.
Chú giải: Vì cần một vị làm hòa thượng, một vị làm giáo thụ a-xà-lê. Hòa thượng thì đích thân truyền giới pháp, còn a-xà-lê thì dạy cho phép tắc. Không giống như thế gian một người cũng được. Vì thế nhiều người thì càng tốt, chỉ một người thì không thể làm thầy.
Hỏi: Tì-kheo độ sa-di, được phép từ xa thỉnh hòa thượng không?
Đáp: Không được!
Chú giải: Một khi đã độ người tức là bổn sư của người ấy, nhưng tự mình đã không thể, hơn nữa phải tuân theo thời gian, nên không được phép từ xa thỉnh hòa thượng. Không được từ xa thỉnh, nghĩa là không được ở nơi xa thỉnh một thầy khác thay mình độ, vì vị khác độ tức là đệ tử vị đó. Hoặc hướng vào hư không lễ thỉnh, xướng tên bổn sư để chứng minh, thì cũng không được, vì khi truyền giới thì thầy trò phải đối mặt thấy nhau.
Hỏi: Tì-kheo chưa đủ năm tuổi hạ mà độ người thì phạm tội gì? Vị đệ tử đó đắc giới không?
Đáp: Nếu biết là không đúng pháp mà vẫn độ, thì phạm tội Đọa. Quá ba lần can gián mà không bỏ thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nếu vị đệ tử không biết đó là phi pháp thì đắc giới, còn biết thì không đắc giới.
Hỏi: Tì-kheo không tụng giới, lại không biết các việc của tăng mà độ nhiều người, hoặc làm tam sư[7]thì có phạm tội không?
Đáp: Người này còn không đáng ăn cơm của tín thí, huống là độ người.
Chú giải: Nếu tì-kheo không tụng giới, thì mỗi ngày ăn cơm uống nước là phạm tội trộm cắp, nên nói không được… Tự mình mê muội, không thể khiến cho người khác sáng tỏ, nên Phật chế giới này. Đã thụ giới cụ túc, phải siêng năng cần mẫn như cứu lửa cháy đầu. Trước tiên phải theo vị tì-kheo có trí tuệ học giới mới được, chớ lười biếng để cho một đời luống uổng trôi qua.
Hỏi: Nếu người mà cha mẹ, pháp vua không cho phép độ, nhưng tì-kheo vẫn lén dẫn đi độ xuất gia thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội trọng! Nếu người của nhà quan hay nô bộc đến chỗ tì-kheo học đạo, tì-kheo biết mà vẫn cho ở thì phạm tội trọng, cho dù chưa độ xuất gia.
Hỏi: Nếu con xuất gia trước, cha mẹ đến chỗ người con cầu xin xuất gia thì người con được phép độ không?
Đáp: Được!
Chú giải: Xuất gia học đạo lấy việc ngộ lí làm đầu, chỉ luận Phật pháp, không câu nệ lễ tiết thế gian. Nếu đã có khả năng độ người thì được độ tất cả. Như vua Tịnh Phạn lễ bái đức Như Lai, thánh mẫu Ma-gia nghe Phật nói pháp. Cho nên nói là độ được.
Hỏi: Tì-kheo phạm giới được phép độ người không?
Đáp: Nếu tì-kheo phạm giới trọng thì không được độ người; Nếu phạm tội Thâu-lan-giá mà độ người thì đồng như tì-kheo chưa được năm tuổi hạ mà độ người nêu trên. Nếu phạm các giới khinh khác, thì y theo pháp phải sám hối rồi mới được độ người.
Hỏi: Cư sĩ muốn đến một vị tì-kheo xin xuất gia, tì-kheo liền nhận, nhưng lại thỉnh hòa thượng truyền giới cho người này. Vậy tì-kheo kia có phải là thầy của người ấy không?
Đáp: Không phải là bổn sư của người ấy. Nếu sau này theo tì-kheo ấy thụ pháp thì có thể làm pháp sư, còn nương theo thì có thể làm thầy y chỉ.
Hỏi: Tì-kheo độ nhiều đệ tử, hoặc làm tam sư mà không biết dạy bảo, thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa. Thuở xưa, vào thời Phật Ca-diếp có một vị tì-kheo độ đệ tử mà không biết dạy bảo. Các đệ tử làm nhiều việc phi pháp, lúc mạng chung có kẻ sinh làm loài rồng. Theo nghiệp của loài rồng, trong bảy ngày thì có một ngày bị lửa đốt, thịt da cháy sạch chỉ còn bộ xương; sau đó hoàn lại như cũ, rồi lại đốt tiếp, đau khổ không thể chịu nỗi. Lúc ấy nó suy nghĩ: “Kiếp trước ta bị tội gì mà nay chịu khổ như thế này?”.
Thế là nó liền quán chiếu thân mạng kiếp trước, thì thấy mình là một sa-môn không giữ giới cấm, thầy mình cũng không dạy bảo. Thế là nó liền khởi niệm ác, giận bổn sư của mình, ý muốn hãm hại. Sau đó gặp bổn sư và năm trăm người đi thuyền qua biển, con rồng kia từ dưới biển nổi lên giữ thuyền lại.
Mọi người liền hỏi: “Ngươi là ai?”.
Đáp: Ta là rồng.
Hỏi: Tại sao người giữ thuyền chúng tôi?
Đáp: Nếu các ngươi thả vị tì-kheo này xuống biển, thì ta sẽ tha cho các ngươi đi!
Hỏi: Tì-kheo này đâu có dính dáng gì đến việc của ngươi mà ngươi chỉ bắt ông ấy, còn tha tất cả mọi người?
Đáp: Vị tì-kheo này vốn là thầy của ta, nhưng không dạy bảo, khiến cho ta hôm nay phải chịu sự thống khổ này, nên tìm bắt. Việc của mọi người thì cứ tiếp tục, ta chỉ muốn bắt vị tì-kheo đưa xuống biển.
Tì-kheo nói: “Ta tự nhảy xuống nước, không cần ngươi bắt”.
Tì-kheo nói xong, liền nhảy xuống nước chết. Thần thức thụ sinh vào các nơi đau khổ, chịu vô lượng tội. Kiểm nghiệm chuyện này thì biết việc độ người rất quan trọng, không thể không dạy bảo.
*
7. PHẨM HỎI VIỆC THỤ GIỚI
Hỏi: Sa-di phạm mười giới, hoặc một, hai, ba giới mà không sám hối, được phép thụ đại giới không?
Đáp: Nếu nhớ có tội mà không sám hối thì không được thụ đại giới. Tất cả đều không nhớ, lại không biết pháp đã thụ thì được. Phàm lúc thụ giới, vị pháp sư nên hỏi sa-di: “Ông có phạm giới không?”. Nếu sa-di đáp phạm, liền dạy sám hối. Nếu bổn sư không hỏi, thì trên giới đàn, thầy truyền giới phải hỏi. Nếu không hỏi thì tất cả đều phạm tội Đọa.
Hỏi: Khi đã thụ đại giới, được phép sám hối những tội đã phạm lúc còn làm sa-di không?
Đáp: Được! Nên thực hành pháp sám hối giống như pháp sám hối khi làm sa-di.
Chú giải: Hoặc đến trước bổn sư, hoặc trước một tì-kheo sám hối cũng được, không nhất định đồng với phép sám hối của đại tì-kheo. Nếu không sám hối thì e rằng đại giới không bền vững. Lại nữa, không thể làm đại khái giống như trên được. Trước đã phạm mà không nhớ, đến khi thụ đại giới mới nhớ mà sám hối. Đó là sợ sau khi thụ đại giới nhớ mà không sám hối, nên mới nêu ra việc này.
Hỏi: Sa-di sắp đăng đàn thụ đại giới, hoặc mặc y phục của thế tục, chân mang giày dép, hoặc y bát không đủ phải đi mượn, vị đó có đắc giới không?
Đáp: Chỉ cần mặc y phục thế tục, mà giới sư không hỏi thì sa-di ấy không đắc giới, còn tất cả đều đắc giới, nhưng giới sư phạm tội Đọa.
Hỏi: Tì-kheo không xả giới mà làm sa-di, tức là đại đạo nhân, nếu thụ giới lại thì đắc giới không?
Đáp: Không!
Hỏi: Nếu không đắc giới, thì giới đã thụ khi trước còn không?
Đáp: Vẫn còn.
Chú giải: Do giới đã thụ trước vẫn còn, nên nay thụ lại không được. Vì trong luật dạy, nếu tì-kheo phạm giới trọng, thì phải xả giới làm sa-di, còn chưa cho thụ đại giới lại, huống gì người chưa xả mà được thụ đại giới ư!
Hỏi: Nếu giới trước vẫn còn, thì vị thầy truyền giới sau được gọi là thầy của vị đó không?
Đáp: Không được!
Chú giải: Do không đắc giới, nên không được gọi vị ấy là thầy.
Hỏi: Nhiều người thụ giới mà cùng thỉnh một người làm thầy truyền giới, thì được phép cho năm người, mười người cùng lúc thụ giới không?
Đáp: Không có lẽ này!
Chú giải: Trong luật dạy, thụ giới cụ túc phải đủ thập sư: Một vị hòa thượng, hai vị a-xà-lê và bảy vị thầy như pháp làm chứng. Tất cả đều phải thỉnh các vị tăng thanh tịnh. Nếu không đủ mười vị thì giới không thành tựu. Vì sao? Như trong bộ “Hoằng pháp giới nghi” ghi: “Tròn đủ Tam tụ ắt phải nương vào tam sư; kiểm xét bảy lỗi hoàn toàn nhờ vào thất chứng”. Thế nên phải đủ mười vị mới được cho người thụ giới.
Hỏi: Sa-di thụ đại giới, thỉnh một vị tì-kheo làm đại giới sư, nhưng vị tì-kheo này không biết yết-ma và pháp thụ giới, lại thỉnh một người khác truyền giới, người này được làm thầy không?
Đáp: Vị truyền giới là thầy, còn người không có giới pháp để truyền trao thì chẳng phải thầy.
Chú giải: Pháp yết-ma, một lần bạch ba lần yết-ma, khuyến phát và hỏi các việc rõ ràng kĩ lưỡng. Nhưng muốn làm người thầy mô phạm, thì phải biết rõ ba pháp quán, thông suốt chỉ trì và tác trì, năm đức, thập số, lời nói và việc làm đều trọn vẹn mới được. Nếu không được như vậy, thì việc của mình đã không thông mà muốn làm thầy của người thì không thể được.
Hỏi: Giới sư đăng đàn truyền giới, hoặc mặc y phục thế tục, hoặc phạm giới, thì người thụ giới đắc giới không?
Đáp: Nếu người thụ giới biết hành vi đó không đúng pháp thì không đắc giới, còn không biết thì đắc.
Hỏi: Lúc thụ giới, chúng tăng không hòa hợp, hoặc đánh mắng nhau, thì giới tử đắc giới không?
Đáp: Nếu đăng đàn truyền giới mà chúng tăng hòa hợp thì đắc giới, còn không hòa hợp thì giới tử không đắc giới.
Chú giải: Vì khởi niệm nghi ngờ, nên trong kinh có dạy: Nếu một pháp không thanh tịnh thì giới luật nghi của ông không thanh tịnh, nhất định không thể thành tựu. Còn không biết thì được. Nghĩa là tuy thầy có lỗi, đệ tử nhận thức đúng, thiết tha chí thành, hoàn toàn không có niệm nghi ngờ, thì đắc giới. Lòng tin là nguồn của đạo, là mẹ của các công đức, chính là tại chỗ này. Như vậy, thầy truyền cho đệ tử mà không gián đoạn.
Hỏi: Thụ giới có giới hạn thời gian không?
Đáp: Chỉ thụ vào cuối đêm là không được, nhưng đầu đêm hay giữa đêm mà không có đèn cũng không được, vì cần phải nhìn thấy nhau mới được.
Hỏi: Lúc thụ giới, gặp trời mưa phải chuyển giới trường vào trong nhà thụ giới, thì có đắc giới không?
Đáp: Không được! Nếu muốn chuyển giới trường, trước tiên phải giải đại giới, kiết lại giới trường thì mới cho thụ giới. Nếu không làm như vậy thì không được.
Hỏi: Lúc thụ giới, như có sự nạn khiến tác pháp chưa trọn vẹn, thì người này thành đại tì-kheo không?
Đáp: Chỉ cần xong ba lần yết-ma là được.
Chú giải: Nếu ba lần yết-ma chưa xong, thì người này chưa đắc giới. Về sự nạn, thì như bị nạn nước, lửa… nêu trên. Xong tức là sau ba lần yết-ma, lại nói tứ tùy[8], tứ y[9], khai thị các pháp. Văn sau có giảng rộng.
Hỏi: Khi thụ giới cụ túc, giới sư mới đọc đến tụ Mười ba việc[10] thì không đọc nữa. Sau đó các hòa thượng giới sư lại không tiếp tục giáo giới, thì giới tử đắc giới không?
Đáp: Nếu hòa thượng giới sư không giáo giới, trải qua mười lăm ngày, khi thuyết giới mà giới tử chuyên tâm lắng nghe và thụ trì thì người này cũng đắc giới.
Hỏi: Lúc thụ giới mà không đủ ba y, chỉ có vải đã nhuộm hoặc chưa nhuộm, hoặc đã cắt rọc hoặc chưa cắt rọc, thì người đó được y không?
Đáp: Đều không được!
Chú giải: Không được y, vì chỉ có danh mà không thật, lại mất oai nghi. Người thụ giới phải đủ ba y, thiếu một không được. Mặc dù là y có giá trị, nhưng chưa đầy đủ y, nên đều không được. Như ở trên nói mượn y… chẳng những không đắc giới mà về sau rơi vào ba đường khổ.
Hỏi: Lúc thụ giới, khó thỉnh được số tăng đúng qui định. Vậy bao nhiêu vị tăng thì được phép cho thụ đại giới?
Đáp: Trừ tam sư ra, năm người trở lên thì được.
Chú giải: Nếu đủ mười thì đúng, đồng với tam sư thất chứng ở trước. Nếu sáu người cũng được. Đây chỉ tạm thời theo phương tiện, chẳng phải pháp hằng thường. Có thuyết cho rằng thất chứng là biểu thị phá bảy tội nghịch.
Hỏi: Sa-di từng dối xưng là đại đạo nhân, nhận sự lễ lạy của đại tì-kheo, sau này thụ đại giới được không?
Đáp: Không được!
Chú giải: Vì phạm tội đại vọng ngữ.
Hỏi: Sa-di từ biệt thầy để đi xa, gặp sự nạn không trở về được, liền ở chỗ kia xin thầy y chỉ thụ đại giới, như vậy có đắc giới không?
Đáp: Đắc giới!
Chú giải: Gặp sự nạn thì không sao. Nếu gặp vị thầy như pháp nên thụ thì liền thụ, hai bên đều không có lỗi.
Hỏi: Nếu tì-kheo dụ dỗ đưa sa-di của một vị thầy kia đến chúng tăng khác cho thụ đại giới thì phạm tội gì? Chúng kia biết việc này, có nên cho thụ không?
Đáp: Nếu vị thầy của sa-di đó làm việc phi pháp, thì sa-di và người dẫn đi đó không có tội. Nếu vị thầy đó không làm việc phi pháp, người dẫn đi đó phạm tội trọng. Vị thầy trên đàn truyền giới phạm tội Đọa.
Thuở xưa, có vị tì-kheo già chỉ có một sa-di chăm sóc. Lúc ấy có một vị tì-kheo dụ dẫn vị sa-di bỏ đi. Vị tì-kheo già không có người chăm sóc, chẳng bao lâu thì mạng chung. Nhân việc này mà Phật chế giới: Không được dụ dỗ sa-di của thầy khác. Nếu dụ đi thì phạm tội trọng. Nếu tì-kheo thấy sa-di khác chăm sóc người già bệnh mà bảo bỏ đi, thì phạm tội trọng.
*
8. PHẨM HỎI VỀ VIỆC NHẬN PHẨM VẬT CÚNG DƯỜNG
Hỏi: Tì-kheo nhận tứ sự của đàn-việt cúng dường, những phẩm vật đã nhận đó được phép ban cho người khác không?
Đáp: Được!
Chú giải: Mình tổn thất mà người khác được, hoặc bố thí cho những người đói khát… thì công đức vô lượng, đúng với việc chính của mình, hiển rõ tâm không tham lam.
Hỏi: Đã nhận lời thỉnh của thí chủ cúng dường tứ sự lâu dài, nếu có các sự duyên nhỏ ra ngoài, được phép thụ nhận thức ăn, y phục, thuốc men của người khác không?
Đáp: Nếu thí chủ đó cho phép thì được!
Chú giải: Vì muốn khiến cho tất cả mọi người tu phúc. Nếu không nhận thì không được, vì trái với tâm nguyện của người khác, khiến họ chê trách. Người xưa nói: “Đạo sư có dạy, khuyên răn tì-kheo tiến đạo nghiêm thân, ăn-mặc-ngủ thường không đủ, tham cầu quá mức, nên tự xét suy”.
Hỏi: Có người muốn cúng dường vật dụng cho tì-kheo, trước tiên phải hỏi tì-kheo kia có vật ấy hay chưa. Nếu tì-kheo kia đã có mà vì tâm tham nên nói dối là không, người kia liền cúng dường vật dụng, tì-kheo này nhận thì phạm tội gì?
Đáp: Vì tham mà nhận lấy thì phạm tội Xả đọa, nói dối thì phạm tội Đọa.
Hỏi: Thức ăn của chúng tăng mà chỉ dâng cho thượng tọa, thì thượng tọa được phép ăn không?
Đáp: Nếu thượng tọa có tâm tham mà nhận thì phạm tội Đọa.
Chú giải: Việc lớn xuất thế, quan trọng nhất là bỏ tham, sân, si. Đã xưng là thượng tọa thì nên tự biết, mặc dù vì chúng mà làm các việc lao nhọc, theo lí thì sẽ được cúng những món khác, nhưng không tham thì không có tội, còn tham thì mang tội. Như trong kinh “Tăng hộ” ghi: “Thượng tọa có tâm tham, đọa vào địa ngục, hoặc thụ thân lạc đà, bị các khổ lửa đốt, kêu gào”. Lẽ nào không cẩn thận ư?
Hỏi: Tì-kheo không bệnh mà nói có bệnh khổ để xin được thức ăn ngon. Nếu được thức ăn thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội trọng!
Chú giải: Vì dối trá, tham lam chẳng khác gì kẻ trộm; lừa gạt những người nghèo khổ.
Hỏi: Tì-kheo không đắp ba y mà thụ thực thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Vì trái lời Phật dạy. Lại nữa tì-kheo khất thực được phép đắp y chín điều, dự trai hội thì đắp y bảy điều, bình thường thụ thực đắp y năm điều. Lại nữa, không chỉ thụ thực mới đắp y, mà y thứ ba không thể lìa thân mới gọi là người chân chính giữ gìn luật hạnh. Nếu không tuân theo lời Phật dạy, chỉ mong giản tiện thì phạm tội này.
Hỏi: Đàn việt chỉ thỉnh hai hoặc ba vị tăng, có cần xướng lên cho đại chúng biết không?
Đáp: Cần phải xướng lên.
Chú giải: Xướng tức là vị tăng chấp sự theo thứ tự lần lượt luân phiên mời thỉnh, không được vượt thứ bậc. Vì tất cả khách tăng đều có phần lợi dưỡng, nếu không xướng thì không biết, cho nên phải xướng.
Hỏi: Lúc đại tì-kheo yết-ma phân chia phẩm vật, có vị ni vào trong đại giới, vị này được chia phần không?
Đáp: Được!
Chú giải: Vị này được chia phần, vì đây là phẩm vật của mười phương tăng hiện tại. Ni cũng thuộc tăng số, nên được chia. Nếu không như vậy thì có phân biệt ta và người, bị quả báo xan tham, nên vị trụ trì cần phải biết.
Hỏi: Có người gởi phẩm vật cúng dường cho chư tăng của một trú xứ. Sau khi đưa phẩm vật đến, lại có một vị tì-kheo đến, lúc phân chia phẩm vật cũng có mặt. Vậy tì-kheo ấy được chia phần không?
Đáp: Nếu đánh kiền chùy thì được chia, còn không đánh thì không được chia.
Chú giải: Đánh kiền chùy là thông báo cho tăng khắp mười phương biết, nên có tăng đến thì phải chia, nếu không chia thì phạm lỗi. Không đánh kiền chùy thì không được chia, vì vật này chỉ cúng dường cho một trú xứ, chứ không cúng dường cho tăng mười phương, nên không thông báo cho tăng mười phương. Vì thế, dù tăng đến mà không chia cũng là phải lẽ.
Hỏi: Tì-kheo đi trên đường gặp một người nữ cúng dường vật dụng, được nhận lấy không?
Đáp: Nếu người đó là bà con làng xóm hay người quen thì được phép nhận.
Chú giải: Luật chế định không được xin phẩm vật từ những người nữ không quen biết. Nếu xin được sẽ bị mọi người nghi ngờ, chê trách.
Hỏi: Tì-kheo đi trên đường gặp tì-kheo ni cúng dường vật dụng, được phép nhận không?
Đáp: Nếu cúng dường cho đại chúng thì nhận, còn không cúng cho đại chúng mà nhận là phạm tội Đọa.
Chú giải: Vì nếu nhận cho đại chúng thì không sao. Nếu nhận vật mà ni cúng cho riêng mình thì sợ người đời nghi ngờ, chê trách.
Hỏi: Trai chủ cúng dường gạo cho chư tăng mà chư tăng có việc phải đi. Trai chủ dùng gạo đó cúng dường cho chư tăng đến sau. Chư tăng đến sau được dùng không?
Đáp: Nếu đánh kiền chùy thì được dùng, còn không đánh kiền chùy mà dùng một bữa thì phạm tội Ba-la-di.
Chú giải: Đánh kiền chùy tức đã có tâm vì đại chúng, không lấy riêng cho mình, nên thụ thực không phạm tội. Vì thức ăn này vốn là của tăng mười phương, nếu người đến sau lấy dùng riêng, tức là trộm vật của tăng mười phương vậy.
Hỏi: Ngày mùng tám tháng tư thí chủ cúng dường phẩm vật. Đến ngày mười lăm tháng bảy, chúng tăng ở trước đã đi. Vị chủ chùa đem các phẩm vật đó phân chia cho chúng tăng đến sau. Nếu chúng tăng đến sau chia nhau nhận thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu đánh kiền chùy nhóm họp chúng tăng hiện tiền cùng phân chia thì không có tội. Còn không đánh kiền chùy mà phân chia là phạm tội trộm cắp.
Hỏi: Cư sĩ dâng phẩm vật cúng dường cho tăng, nhưng có một vị tăng chưa kịp nhận thì đã đi xa. Vị cư sĩ kia đem phần này cúng cho vị tăng đến sau. Vị tăng đến sau được phép nhận không?
Đáp: Vị này nên hỏi mọi người xem vị tăng kia có trở về không. Nếu họ nói vị ấy không về, thì chú nguyện và nhận. Còn họ nói sẽ trở về thì không được nhận, nếu nhận thì phạm tội Xả đọa. Nếu biết vị tăng kia đã chết mà nhận thì phạm tội Ba-la-di. Vì khi vị tăng kia chết thì những đồ vật này thuộc về tăng bốn phương.
Hỏi: Tì-kheo kinh doanh sinh sống kiếm lời, cúng dường thức ăn, y phục cho tì-kheo khác, thì vị ấy được phép nhận không?
Đáp: Nhận y thì phạm tội Xả đọa. Nếu ở những nơi nguy hiểm không có thức ăn, tì-kheo kinh doanh đó sai cư sĩ làm thức ăn dâng cúng, thì tì-kheo kia có thể thụ dụng. Bấy giờ vị tăng kinh doanh nên bạch đại chúng: “Vật này không phải của tôi, đây là vật của người kia”. Nếu được như vậy thì có thể ăn. Còn tì-kheo này không bạch đại chúng mà tì-kheo kia ăn thì phạm tội Đọa. Chỉ có hai, ba vị cũng nên bạch. Nếu vị tăng này đã thí cho người được sai sử kia, thì người ấy thưa: “Đây là phẩm vật của tôi, quí thầy có thể dùng!”.
Hỏi: Tì-kheo được phép xuất vật để thâu lợi tức không?
Đáp: Không được! Nếu xuất thì phạm tội Xả đọa.
Hỏi: Tì-kheo nhận lời thỉnh của thí chủ thụ trai một trăm ngày. Trong khoảng thời gian đó vị này có được phép thụ nhận một hoặc hai bữa ăn của người khác không?
Đáp: Thí chủ kia cho phép thì được, còn không cho thì không được.
Hỏi: Tì-kheo khất thực có thức ăn dư, được phép cho người khác không?
Đáp: Trước đó không có lòng tham mà nhận thức ăn, nếu có dư thì bố thí cho chúng sinh. Nếu không có chúng sinh, thì treo trên cành cây, có chúng sinh đến ăn thì tốt. Còn không có chúng sinh đến ăn, hôm sau trở lại rưới nước và lấy ăn chứ không được bỏ, vì phẩm vật của tín thí rất nặng. Sở dĩ trở lại được phép tự lấy ăn là vì thức ăn đó không có chủ, giống như cách lấy thức ăn ở cõi Uất-đơn-việt.
Hỏi: Tì-kheo ăn cơm, hoặc ngậm cơm trong miệng rồi phun ra, hoặc ném bỏ một vắt cơm thì phạm tội không?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Do lúc ăn cơm không quán xét năm việc. Nếu có thức ăn dư, thì hoặc niệm chú gia trì, thành tâm đặt ở nơi sạch sẽ, khiến cho quỉ thần thụ hưởng, hoặc các loài chim nhỏ… dùng thức ăn đó, thì được công đức vô cùng. Nếu ngậm, nhả bỏ các thức ăn đó tức là xem thường vật cúng dường của đàn-na tín thí, nên bị tội này.
Hỏi: Có vị thí chủ tha thiết thỉnh tì-kheo cúng dường tài vật lâu dài, tì-kheo ấy được phép nhận lời không?
Đáp: Nếu ở chỗ của thí chủ đó, tì-kheo được phép hành đạo, không có các nạn duyên, nhân dân không nghèo thiếu thì được phép đến thụ nhận.
Hỏi: Thí chủ thỉnh tì-kheo đến nhà dùng cơm, tì-kheo ấy được phép sai người đi thay không?
Đáp: Nếu ý của thí chủ không quyết định một vị nào thì được, còn thí chủ đã quyết định, lại còn không thích người đi thay thì tì-kheo ấy phạm tội Đọa.
Hỏi: Thức ăn của quỉ tử mẫu, tì-kheo dùng được không?
Đáp: Được, nhưng phải chú nguyện rồi mới ăn.
Chú giải: Nếu chỉ có nhang đèn và các thức ăn của quỉ thần, thì tăng đều phải chú nguyện mới có thể ăn. Chú thì tùy ý giữ gìn, nguyện tức nguyện cho quỉ tử mẫu, thần… mau siêu thoát về cõi tịnh; lại nguyện cho thí chủ cúng thức ăn được tăng thêm phúc tuệ. Tuy nhiên, nếu tăng tình cờ gặp mà không có gì ăn thì được, còn không thì không được dùng thức ăn này.
Hỏi: Thí chủ cúng dường trâu, ngựa và người giúp việc đúng với giá trị thức ăn cúng cho tì-kheo, thì tì-kheo được phép nhận không?
Đáp: Được phép nhận và sử dụng, nhưng không được bán. Nếu thí chủ trao cho hung khí như cung, dao, gậy thì không được nhận.
Hỏi: Có thí chủ xuất tài vật cúng dường cơm chay cho chư tăng trong một trú xứ. Khi thụ trai xong, chư tăng đi, thức ăn còn lại, tăng mười phương đến được phép dùng không?
Đáp: Nếu đánh kiền chùy thông báo thì được dùng, còn không đánh kiền chùy mà dùng thì phạm tội trộm cắp.
Hỏi: Nhiều tì-kheo ngồi cùng mâm, vị này dùng qua phần của vị kia phạm tội gì?
Đáp: Nếu hỏi vị kia, vị kia đồng ý thì không phạm tội; Còn không được đồng ý mà lấy ăn thì phạm tội Đọa. Nếu không hỏi mà lấy ăn thì cũng phạm tội Đọa. Sở dĩ không phạm tội trộm cắp là vì phẩm vật đó được người cúng trao cho.
Hỏi: Tì-kheo xin phẩm vật, vị thí chủ hỏi tì-kheo đã chứng quả thánh chưa, tì-kheo trả lời là đã chứng quả thánh, nếu xin được thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu đã thật chứng mà tự nói mình chứng thì phạm tội Đọa, còn chưa chứng mà nói đã chứng thì phạm tội Ba-la-di.
Hỏi: Tì-kheo lần lượt cúng dường tất cả đồ vật dư cho người khác rồi nói: “Sau này nếu cần thì tôi sẽ tự đến lấy lại”, được phép như vậy không?
Đáp: Nếu người được cho ấy là người đáng tin. Tuy nhiên, sau đó cũng phải nói với một người khác: “Tôi cúng dường phẩm vật cho vị tì-kheo tên…”. Lúc lấy thì đến nói với người ấy rồi mới lấy, không được tự ý lấy liền.
*
9. PHẨM HỎI VỀ BỆNH TẬT
Hỏi: Lúc tì-kheo bệnh được lìa bát mà thụ thực không?
Đáp: Bệnh nặng thì được, bệnh nhẹ thì không được.
Hỏi: Tì-kheo bị bệnh không mang theo ba y phạm tội gì?
Đáp: Nếu bệnh quá nặng không biết gì thì được rời ba y. Nếu còn biết thì không được rời y.
Chú giải: Tiếc thay! Nếu bệnh mà còn tỉnh thì cũng không được lìa ba y, huống gì không bệnh. Tì-kheo thời này mạnh khỏe mà không chịu cầu tiến, chỉ dựa vào sức tu riêng lẻ, mà bỏ quên y bát, nên trái với lời Phật dạy, há không bị tội ư! Tì-kheo trì giới nhất định nhớ lấy lời này, khắc cốt ghi tâm mới được.
Hỏi: Tì-kheo chăm sóc người bệnh, tự ý lấy tiền của người bệnh này cấp cho người bệnh khác và may y, làm thức ăn, mua thuốc men thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu sử dụng từ năm tiền trở lên thì phạm tội Ba-la-di. Nhưng nếu sau đó tì-kheo nói với người bệnh việc này, người bệnh hoan hỉ thì không phạm. Nếu người bệnh tức giận, tì-kheo lại không bồi thường thì cũng phạm tội Ba-la-di.
Hỏi: Vì tì-kheo bệnh, nên thí chủ cúng dường mỗi ngày một trăm tiền. Tuy nhiên chỉ cần năm mươi tiền là đủ, số dư đó được phép cho người bệnh khác mua thức ăn và thuốc không?
Đáp: Người bệnh ấy tự cho thì được.
Hỏi: Tì-kheo bị bệnh mà không có người chăm sóc, tì-kheo khác được phép làm thức ăn cung cấp cho không?
Đáp: Ở chốn núi rừng vắng vẻ không người, hằng ngày không có ai đến, thì được làm thức ăn trong vòng bảy ngày. Tuy nhiên, tì-kheo trước tiên phải nhận lấy gạo củi thanh tịnh mới được làm.
Chú giải: Nhận gạo củi không thanh tịnh vì sợ làm tổn thương loài trùng kiến. Lại nói, ở trong chúng yết-ma tác tịnh, rồi nhận lấy mà làm thức ăn cũng được. Chương “Pháp thụ nhật” trong bộ “Đàm Vô Đức” ghi: “Lúc có việc Phật, việc tăng, việc tháp, hoặc gặp các duyên cha mẹ, đàn việt thỉnh tì-kheo đến truyền giới, sám hối, xem bệnh bốc thuốc, hỏi các việc nghi, hỏi về pháp thì không biết làm thế nào?”. Phật dạy: ‘Nếu trong một ngày trở về không kịp, thì cho phép tì-kheo đi bảy ngày; nếu công việc bảy ngày về không kịp, cho phép đi mười lăm ngày; nếu mười lăm ngày về không kịp, thì cho đi một tháng. Đến ngày cuối tháng tì-kheo nên trở về, nhưng khi đi cần phải thỉnh chúng tăng hòa hợp, bạch nhị yết-ma mới được ra khỏi giới. Việc xong trở về an cư cho đến lúc mãn thụ tuổi hạ’”.
Hỏi: Người bệnh cần một hoặc hai lít rượu để hòa thuốc chữa bệnh, có được không?
Đáp: Nếu thầy thuốc nói uống vào có thể lành bệnh, thì cho hòa vào thuốc để uống, chứ không được uống rượu không.
Chú giải: Uống rượu trắng thì phá giới, sẽ phạm tội Đọa, nên không được uống. Uống rượu phạm ba mươi sáu lỗi, cho đến vô lượng lỗi. Nếu ngươi sống với gia đình mà uống rượu thì tan nhà mất nước. Đối với chư tăng thì rượu làm cho mê mờ, đánh mất chân tính, trong luật có giải rõ, không dẫn ra đây.
Hỏi: Tì-kheo bệnh, được phép phục khí[11] không?
Đáp: Không được, vì đồng với ngoại đạo.
Hỏi: Tì-kheo bị bệnh thủng được phép nhờ người niệm thần chú để chữa trị không?
Đáp: Được.
Chú giải: Thủng là căn bệnh do các khí hàn và nhiệt kết tụ lại mà thành, tức do phong đại không điều hòa mà sinh. Nếu tì-kheo bị bệnh này, thường thì cho uống thuốc để khí lưu thông. Trong nội giáo có pháp Chú thủy có thể dùng để trị bệnh này chăng? Đức Phật cho phép. Bởi duyên khởi sâu xa của bệnh này là do tâm vọng tưởng điên đảo mà sinh, thần chú có thể giúp tiêu trừ vọng tưởng. Trong kinh “Quán đỉnh” ghi: “Gia trì một trăm lẻ tám biến thần chú vào nước không có vi trùng, rồi cho người bệnh uống, thì tất cả bệnh khổ đều tiêu trừ”, chính là ý này.
Hỏi: Tì-kheo bị bệnh nặng mà giảm bớt ba y và bình bát để cúng dường chúng tăng, hoặc bán y bát của mình lấy tiền làm phúc thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu có y cũ thay thế thì được, còn bán rồi mà không có y cũ thay vào thì phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Đó là vì muốn lành bệnh mà trái lời Phật dạy. Phật đã dạy: Y bát là những vật tối cần thiết để nuôi sống và bảo vệ thân, cũng là chính duyên để vào đạo, giống như hai bánh của chiếc xe, hai cánh của con chim. Cho nên thà bỏ thân mạng, chứ không được lìa y bát qua một đêm.
*
10. PHẨM HỎI VỀ VIỆC TÌ-KHEO THỊ TỊCH
Hỏi: Đối với vật dụng của tì-kheo thị tịch, nếu chúng tăng không đánh kiền chùy thông báo, không yết-ma mà phân chia thì phạm tội gì?
Đáp: Trong phạm vi kiết giới có từ mười người trở lên đều phải đánh kiền chùy thông báo để yết-ma phân chia vật dụng. Nếu không đánh kiền chùy mà yết-ma, hoặc đánh kiền chùy mà không yết-ma đều phạm tội Ba-la-di. Sở dĩ như vậy là vì tất cả đồ vật của tì-kheo thị tịch đều thuộc về tăng bốn phương, nên không được tự ý phân chia. Nếu ở ngoài phạm vi kiết giới, từ năm người trở lên được phép yết-ma phân chia phẩm vật mà không cần đánh kiền chùy, vì không có cương giới. Từ bốn người trở xuống không được yết-ma phân chia phẩm vật, mà phải mang đến một trú xứ chư tăng. Nếu tự ý chia phạm tội Ba-la-di. Nếu tự lấy mang đến trú xứ tăng khác, vào đại giới thì không phạm, sau đó tự mang phẩm vật ra khỏi đại giới thì phạm tội Ba-la-di. Như vậy, khi mang đến trú xứ chư tăng khác, một lần đem ra khỏi đại giới là một lần phạm tội Ba-la-di. Đệ tử mang vật của thầy mình đi cũng vậy.
Hỏi: Tì-kheo thị tịch, đệ tử không mang đồ vật của thầy trao cho đại chúng mà tự phân chia cúng dường chư tăng tại trú xứ đó, chúng tăng được phép dùng không?
Đáp: Vị đệ tử đó biết có qui định phải đánh kiền chùy thông báo trước mà không đánh thì phạm tội. Chúng tăng không đánh kiền chùy, không yết-ma mà dùng thì phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Người làm đệ tử ngày nay khi thấy thầy mình thị tịch, liền cho rằng tất cả những tài sản, vật dụng của thầy để lại đương nhiên là thuộc về mình, giống như gia nghiệp của cha mẹ hẳn để lại cho con cái, ai dám giành lấy. Nhưng họ không biết rằng Phật pháp khác với lẽ đời, nên chẳng kể là phạm tội hay không phạm tội, dẫu cho có địa ngục đi nữa họ vẫn làm! Hãy nhìn trước mắt xem! Những người này chỉ là ông tăng thế tục, tuy học đạo mà không thông Phật pháp. Thật buồn tiếc thay! Phàm, người học đạo nên thông hiểu giáo tướng, tin rõ nhân quả. Nếu không, dù học đạo mà lại rơi vào địa ngục, thật chẳng có chỗ để cầu xin!
Hỏi: Nếu thầy thị tịch, chúng tăng yết-ma phân chia đồ vật, đệ tử có phần không?
Đáp: Được, vì đệ tử cũng là tăng.
Chú giải: Than ôi! Đệ tử cũng là chúng, nên chỉ được chia một phần. Theo đây có thể biết Phật pháp bình đẳng đến như vậy. Thời mạt pháp nếu có được đệ tử như vậy, thì có thể cho là người tu hành chân chính, nhất định tăng trưởng giới định tuệ, hi vọng được quả Vô thượng bồ-đề. Nếu không được như vậy, thì mờ mờ mịt mịt, không rõ nhân quả, muốn cầu đạo thánh thì sợ rằng không mong được gì trong hiện tại.
Hỏi: Nếu thầy thị tịch, ở đó không có tăng khác, chỉ có năm, mười đệ tử thì được phép yết-ma phân chia đồ vật không?
Đáp: Được! Vì đó chính là tăng nên được phân chia, nhưng phải đánh kiền chùy và yết-ma. Nếu không làm vậy thì không được.
Hỏi: Tì-kheo bệnh qua đời, vật dụng cúng dường người bệnh còn dư, đệ tử hoặc người chăm sóc bệnh được phép mang cho người bệnh khác không?
Đáp: Đây chính là vật dụng của tăng, không được tự ý cho người khác, nếu cho đủ giá trị bằng năm tiền thì phạm tội Ba-la-di.
Hỏi: Thầy trò, cha mẹ, anh em qua đời được phép khóc không?
Đáp: Không được! Khóc ra tiếng là phạm tội Đọa, chỉ được khóc thầm mà thôi.
Chú giải: Khóc thầm, tuy trong đạo xuất thế cũng không vượt ngoài pháp thế đế, cùng sinh trong một hội không nỡ bỗng chốc xa lìa. Như kinh Vu-lan-bồn nói ngài Mục-kiền-liên thương xót rơi lệ… thì có thể biết. Lại nữa, trong thiên Phụ giáo của thiền sư Minh Giáo Tung có nói rằng, cha mẹ, thầy tổ, chư tăng qua đời, trong lúc tổ chức tang lễ, không được mặc áo tang mà tụng kinh, nhưng mặc tăng phục, đại y cũng được. Nhất định để tâm tang ba năm, chí thành tu tập pháp thanh tịnh để tạo phúc cho người mất. Hai kì xuân thu truy niệm, phải thiết trai tụng kinh, cho đến mọi việc mọi pháp đều khác với thế tục. Đây là nói đại hiếu.
Hỏi: Khi một vị thị tịch, các tì-kheo có mặt, nhưng lúc yết-ma chia vật dụng thì không có mặt; hoặc lúc vị kia thị tịch, tì-kheo không có mặt mà yết-ma có mặt, thì được phân chia vật dụng không?
Đáp: Kịp có mặt khi yết-ma, thì họ đều được phân chia vật dụng. Còn lúc vị kia thị tịch, tì-kheo có mặt, mà yết-ma không có, thì cũng không được chia.
Chú giải: Lúc tăng thị tịch, tuy tì-kheo có mặt, nhưng đã thuộc quá khứ. Lúc yết-ma vắng mặt là thuộc vị lai, đều không phải hiện tại, nên không được chia. Nhưng y theo luật Tăng-kỳ, hoặc có khi gặp tăng thị tịch mà không gặp lúc yết-ma, cho đến tì-kheo vì người bệnh mà đi cầu thầy xin thuốc, hoặc vì việc tháp, việc tăng mà vắng mặt, nên cũng được phân chia. Đây gọi là pháp vật vô thường. Nhưng cũng có lúc không nên phân chia đồ vật. Trong đó nên phân chia cho những vị tụng đọc kinh luật…, không nên phân chia để bán, nếu phân ra bán thì phạm tội. Các vị nên cẩn thận việc này.
Hỏi: Tì-kheo thị tịch, các đệ tử mua quan tài, y phục để chôn cất thì phạm tội gì?
Đáp: Khi có tì-kheo qua đời thì nên bạch cùng tăng, tăng sẽ cấp cho y Nê-hoàn-tăng[12] và Tăng-kì-chi[13] để đắp. Còn tất cả vật dụng của tì-kheo ấy đều phải được sung vào tăng chứ không được chôn theo. Nếu chôn một vật giá trị bằng năm tiền thì phạm tội Ba-la-di. Nếu đó là đồ vật riêng của đệ tử thì được. Nếu người chết biết pháp, khi còn sống đã phân định trước, người sau y theo đó mà phân xử thì không có tội.
Hỏi: Cha mẹ, bà con qua đời, tì-kheo được phép cho y phục, quan tài để chôn cất không?
Đáp: Không được! Nếu cha mẹ bị bệnh không có người phụng dưỡng, tì-kheo được phép đi khất thực về chia một nửa. Nếu cha mẹ có thể tự làm việc nhỏ như xe chỉ, dệt vải thì không được cung cấp thức ăn. Nếu tì-kheo cấp thức ăn thì phạm tội Đọa, cấp y phục thì phạm tội Xả đọa, huống gì là qua đời mà cho quan tài để chôn cất!
Hỏi: Tì-kheo bị bệnh qua đời, trước đó tì-kheo này đã tặng y bát cho người chăm sóc bệnh mà không yết-ma. Sau đó người chăm sóc bệnh bán y bát lấy tiền mua thức ăn cúng dường tăng, tăng được phép dùng không?
Đáp: Nếu tăng chưa yết-ma mà dùng thì tăng phạm tội Xả đọa. Nếu người chăm sóc bệnh không biết trong Phật pháp cần phải yết-ma mới được ăn, mà bấy giờ chưa yết-ma thì tăng nên bảo yết-ma rồi mới dùng.
Hỏi: Tì-kheo cho tì-kheo khác mượn vật dụng, nhưng tì-kheo đó thị tịch. Tì-kheo này được phép tự ý lấy lại không?
Đáp: Tất cả đều không được. Nếu tự lấy lại phạm tội Đột-kiết-la. Nên bạch tăng, tăng trả lại thì được lấy, còn tăng không cho mà tự ý lấy thì phạm tội Đọa.
Chú giải: Đây là vật của tăng, không nên lấy, nếu xả là tốt, còn không xả là đọa vào địa ngục. Tham lam trái lời Phật chế, nên bị tội này.
Hỏi: Khi thầy thị tịch, tì-kheo được phép xây tháp thờ không?
Đáp: Nếu dùng tài vật của mình thì được xây, còn lấy tài vật của thầy thì không được.
Hỏi: Tì-kheo được phép đỉnh lễ mộ tháp của thầy không?
Đáp: Được! Có người gạn hỏi: “Lúc sống là thầy của ta, nhưng đã chết thì không còn là tì-kheo, chỉ một bộ xương khô mà thôi, thì vì sao mà phải đỉnh lễ?”. Trả lời: “Vậy khi Phật còn ở thế gian thì nên cung kính cúng dường. Sau khi Phật nhập niết-bàn cũng là bộ xương khô thôi, vì sao phải cúng dường? Cho nên biết, lúc thầy sống đã dùng chính pháp làm lợi ích mọi người, sau khi thị tịch, ta đỉnh lễ thì có lỗi gì!”.
Hỏi: Lúc yết-ma phân chia phẩm vật đã xong, nếu có tăng đến, vị này được chia phẩm vật không?
Đáp: Nếu ba lần yết-ma xong mới đến, không chia cũng không có tội. Nếu sau một lần yết-ma mà đến thì vẫn được chia.
*
11. PHẨM HỎI VỀ BA Y
Hỏi: Lúc tì-kheo giặt ba y cần phải thí xả không?
Đáp: Cần phải thí xả, không xả là phạm tội Đọa. Tức nên thí cho người khác, rồi họ trả lại thì mới được nhận.
Chú giải: Vì giặt xả y thì cũng đồng như may y mới, cho nên cần phải xả rồi nhận lại. Phàm giặt y cần phải có tế hạnh, không nên dùng tay đập, chân đạp, cũng không nên dùng miệng ngậm nước phun. Nên kính y như kính Phật, cẩn thận chớ xem thường. Các văn yết-ma xả thụ đều giống như trong luật. Nếu không kịp yết-ma, tùy ý dặn dò, hỏi han người nhận kí gởi và chỉ cần nói “xả hoặc thụ” cũng được.
Hỏi: Nếu ba y đều có điều bằng nhau được không?
Đáp: Nếu đại y thì được, còn y trung và hạ không được.
Chú giải: Trong mỗi điều của đại y, số đoạn dài nhiều hơn ngắn là biểu thị cho ý địa vi tế, tập khí phiền não nhiều. Lại cũng biểu thị mỗi khi thụ giới, đắp y thì trong ý nghiệp tâm thánh tăng trưởng, niệm phàm giảm thiểu, là nhân đầu tiên để vượt ra hai mươi lăm hữu trong ba cõi. Trong mỗi điều của y trung, số đoạn dài nhiều đoạn ngắn ít là biểu thị cho bốn lỗi của khẩu nghiệp. Kế đến nơi ý nghiệp, biểu thị rằng một khi thụ giới trì y, thì ý thánh tăng trưởng, niệm phàm giảm thiểu, là nhân đầu tiên để ra khỏi bảy đường. Trong mỗi điều của y hạ, số đoạn dài nhiều đoạn ngắn ít là biểu thị cho ba lỗi của thân nghiệp. Kế đến đối với bốn lỗi của khẩu nghiệp, một khi thụ giới trì y, thì niệm thánh tăng trưởng, niệm phàm giảm thiểu, là nhân đầu tiên để ra khỏi năm đường. Như vậy y trung và y tiểu, số điều và đoạn dài ngắn khác với công dụng cực cao của đại y nên nói là không được.
Hỏi: Tì-kheo được phép đắp y năm điều đốt hương cúng Phật và lên giảng đường nghe pháp không?
Đáp: Trường hợp không có y bảy điều thì được. Nếu y năm điều chưa đắp vẫn còn sạch sẽ thì cũng được.
Chú giải: Y năm điều vốn để đắp khi làm việc, uống nước, súc miệng… Còn các việc đốt hương… tì-kheo nên đắp y bảy điều. Nếu không có, thì tạm thay thế cũng được. Nếu có mà sử dụng không đúng thì loạn phép tắc, nên không được. Nên biết, vì y năm điều mặc sát người, phần nhiều bị dơ, nếu sạch thì Phật không cấm.
Hỏi: Tì-kheo giặt y, các sợi vải bị sút ra, được phép dùng nước gạo để tẩm dán lại không?
Đáp: Không được! Nếu dùng phạm tội Đọa.
Hỏi: Ba y có được phép may thêm lớp lót trong không?
Đáp: May hay không may đều được!
Chú giải: Trong luật dạy đại y có sáu lớp, y bảy điều và năm điều có thể một hoặc hai lớp, tùy theo thời tiết nóng lạnh.
Hỏi: Đại y được phép đắp lên nghe giảng và đỉnh lễ Phật không?
Đáp: Nếu không có y trung thì được.
Chú giải: Nghe giảng và đỉnh lễ Phật phải đắp y bảy điều; đắp đại y lúc thăng tòa và khất thực… Nay thuận theo những chỗ thiếu sót đó cũng là tạm khai phương tiện. Nếu không như vậy thì tì-kheo cũng không thể làm rối loạn qui chế đó. Cho nên làm trái cũng sợ phạm tội.
Hỏi: Tì-kheo được phép dùng tơ lụa mỏng may ba y không?
Đáp: Tất cả y tơ lụa mỏng, nếu không nhìn thấy thân thì được phép đắp.
Chú giải: Giới bản ghi: “Ba y nên dùng cỏ gai dệt thành vải thô làm thể. Nếu dùng lông thú, tơ tằm thì hại vật, tổn thương lòng từ bi, mặc dù đã may thành rồi, nhưng đều phải đem phá rách, chà xát trên đất”. Ở đây nói được dùng tơ lụa sống, là do đức Như Lai phương tiện, tùy theo cơ nghi. Kinh này nhất định là giáo bất liễu nghĩa trong giáo Tiểu thừa, tạm thời cho phép, chứ nhất định là pháp thường. Giới bản thì nêu ra những giới pháp thường hằng, bao gồm cả Đại thừa, cho nên hoàn toàn không chế định theo quyền thật tùy thời như vậy, suy nghĩ kĩ có thể hiểu rõ.
Hỏi: Tì-kheo phẫn nộ tự hủy hoại y bát, tích trượng thì phạm tội gì?
Đáp: Phẫn nộ tự hủy hoại ba y, bình bát thì phạm tội Xả đọa; hủy hoại tích trượng thì phạm tội Đọa. Nếu phá hoại đồ vật của người khác thì qui thành tiền mà định tội.
Hỏi: Được phép cho người khác mượn ba y không?
Đáp: Được, nhưng không được mang ra khỏi đại giới một đêm. Nếu cùng ở trong đại giới thì không hạn chế số ngày.
Chú giải: Trong luật dạy không cho lìa y một đêm, huống gì ra ngoài đại giới! Xa cách hai trượng năm thước là đã lìa y. Ở trong đại giới thì được, hoặc bất đắc dĩ cho người khác mượn tạm một cái cũng không giới hạn số ngày. Nếu cho mượn tất cả, thì tuyệt đối không được.
Hỏi: Tì-kheo vào xóm làng không đắp đại y phạm tội gì?
Đáp: Nếu khoác trên vai mà vào thì không phạm. Nếu tăng sai, hoặc vì người bệnh mà không mang theo thì không phạm.
Hỏi: Ba y bị rách, sau khi vá lại liền dùng hay phải thí cho người khác?
Đáp: Y rách chừng dấu chân mèo thì phải thí cho người khác. Khi người đó trả lại mới được vá rồi đắp, hoặc vá trước rồi thí cho người cũng được.
*
12. PHẨM HỎI VỀ BÁT
Hỏi: Đối với tì-kheo, như thế nào mới gọi là mất bát?
Đáp: Nếu bát bị sứt mẻ, lủng lỗ, nứt, vỡ hoặc dính dầu rửa không sạch đều gọi là mất. Bát bị sứt mẻ, lủng, vỡ thì không thể làm lại được. Còn bát nứt, thì mình tự dán lại rồi thí cho người khác. Khi người đó trả lại, tì-kheo mới được nhận dùng. Trường hợp bát dính dầu không thể rửa cũng như vậy.
Hỏi: Tì-kheo được phép úp bát trên tường không?
Đáp: Nếu trùm khăn lên thì được phép để chỗ sạch sẽ. Nếu đựng trong túi treo lên thì tốt, không được úp bát trên tường. Thuở xưa, nhóm Lục quần tì-kheo úp bát trên tường, bát bị rơi xuống đất vỡ. Phật nhân việc đó mà chế giới: Không được úp bát trên tường. Nếu người nào úp thì phạm tội Đọa, để bát rơi xuống đất vỡ thì phạm tội Xả đọa.
Hỏi: Buổi sáng tì-kheo được dùng bát ăn cơm. Nếu không dùng có tội gì không?
Đáp: Tất cả các bữa ăn đều nên dùng bát. Nếu trong một ngày mà không dùng bát thì phạm tội Đọa.
Chú giải: Ý nói chỉ dùng bát cho một bữa trong một ngày cũng được. Đức Phật hằng ngày còn không lìa y bát, cho đến các Tổ sư nhiều đời như Vân Môn, Đức Sơn, Vĩnh Minh… đều không tạm lìa. Tì-kheo thời nay không nên lười biếng, lơ là việc này mà tự chuốc lấy tội lỗi.
Hỏi: Tì-kheo ăn cơm sắp hết, được phép nghiêng bát vét cơm không?
Đáp: Được!
Chú giải: Tì-kheo phải cầm bát ngay ngắn, khi dùng hết, nghiêng bát vét sạch cơm sợ mất oai nghi, nên thưa hỏi Phật. Đức Phật dạy: “Không sao!”. Trong luật chỉ dạy khi dùng cơm không được khua bát phát ra tiếng, khiến cho trong cổ ngạ quỉ phát lửa. Vì thế tì-kheo nên cẩn thận điều này.
Hỏi: Tì-kheo ăn cơm xong, lại ăn trái cây, tay được phép rời bát không?
Đáp: Được! Nếu ăn cơm chưa xong, cũng được tạm rời bát.
Hỏi: Khi ăn cơm, tì-kheo nên bưng bát, nhưng cũng có thể đặt xuống đất không?
Đáp: Cần phải bưng lên. Nếu có nhân duyên chính đáng thì đặt bát xuống đất cũng không phạm lỗi.
Hỏi: Tì-kheo dùng chén đựng cơm rồi đặt vào trong bát, cứ để thế mà dùng cơm, có được chăng?
Đáp: Không được! Nếu làm phạm tội Đọa.
Chú giải: Đây là những tì-kheo lười biếng, hoặc sợ lạnh giá, hoặc lười rửa bát, cho nên làm như vậy. Nếu huân tập lâu ngày thành thói quen, liền mất hết phép tắc, nên phạm tội Xả đọa. Lỗi ấy chẳng phải nhỏ, nên phải cẩn thận. Hơn nữa nếu làm như vậy thì không đúng pháp, không đúng luật, trái lời Phật dạy.
Hỏi: Cho phép người khác mượn bát được không?
Đáp: Được! Trừ trường hợp mình đang ăn.
Hỏi: Được phép dùng bát nấu thức ăn không?
Đáp: Không được! Nếu nấu thì phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Rửa bát còn phải dùng nước ấm. Nếu rửa nước sôi sợ mất lớp men tráng thì bát sẽ dễ bám chất dơ, huống gì dùng bát để nấu! Sử dụng lẫn lộn sẽ trái với qui chế.
*
13. PHẨM HỎI VỀ CÁC VIỆC LINH TINH
Hỏi: Nếu tì-kheo bị trộm cắp lấy mất vật dụng, nhưng vật chưa được mang ra khỏi đại giới. Tì-kheo đó thấy là vật của mình mà không biết ai trộm cắp, có được phép lấy lại không?
Đáp: Được phép lấy lại, nhưng khi lấy thì khởi tưởng như trường hợp lấy lại vật báu trong chín mươi việc đã nêu. Tức trước tiên phải khởi niệm: Nếu có người nhận thì ta không được lấy, còn không có người nhận thì bạch chúng rồi mới lấy. Nếu không có tăng thì tác pháp đó là vật dụng nội giới để lấy, không nên cho đó là vật dụng của mình mà tự ý lấy.
Hỏi: Chúng tăng đánh kiền chùy ăn cơm mà có tăng ngoài đại giới đến, nếu không cho vị ấy ăn, thì phạm tội gì?
Đáp: Mất lợi ích lớn, lại phạm Đột-kiết-la.
Chú giải: Đánh kiền chùy, tức là thông báo cho tăng mười phương đến thụ dụng, nhưng lại tham tiếc không chia phần cho, thì gọi đó là “miệng nói chung mà ý lại dùng riêng”. Việc này khiến cho mọi người chê trách, còn mình và mọi người mất lợi ích, nên phạm tội này. Nếu gặp những người không biết hổ thẹn, luôn đến làm phiền, thì chỉ cần phân chia cho chút ít cũng được. Chứ nếu hoàn toàn không cho thì không được.
Hỏi: Trước đó tì-kheo chỉ dạy đàn việt thiết trai cúng dường một trăm vị, nhưng nếu đến thừa một vị cho đến mười vị thì có cho họ thụ không? Còn tì-kheo chỉ dạy đó có bị phạm tội không?
Đáp: Nếu lúc đánh kiền chùy thụ trai mà tăng đến thêm thì nên cho thụ. Người chỉ dạy không phạm tội. Vì sao? Vì đánh kiền chùy thỉnh tăng, tăng đến nhiều cũng đâu có lỗi gì? Phàm hễ đánh kiền chùy là phải khởi niệm thỉnh bốn phương tăng. Tăng đến nhiều hay ít, cũng đều phải chia cho tất cả tài vật và thức ăn uống. Việc này không có lỗi sai.
Hỏi: Tì-kheo dạy cư sĩ cúng dường chúng tăng, nếu có tăng ngoại giới đến xin, tì-kheo được phép cho một thăng hoặc năm thăng lương thực không?
Đáp: Không được! Nếu biết đó là việc không đúng pháp mà tự ý cho chỉ một phần giá trị năm tiền thì phạm tội Ba-la-di. Nếu bạch chúng, chúng tăng cho thì được.
Hỏi: Nếu thí chủ cúng dường chư tăng lâu dài, một ngày cúng một trăm tiền, nhưng đại chúng chỉ dùng năm mươi tiền, số còn lại được phép dùng vào việc khác không?
Đáp: Đánh kiền chùy thông báo thì được. Nếu chúng tăng không có y bát, không đánh kiền chùy nhưng tăng hòa hợp thì được phép chi dùng cho việc ấy. Nếu giảm bớt phần mình để cúng dường cho khách tăng thì càng tốt.
Hỏi: Thí chủ cúng dường thức ăn cho một tì-kheo trong mười ngày. Sau mười ngày này, thức ăn còn dư thí chủ lại làm thức ăn ngon cúng dường thêm năm ba ngày. Tì-kheo thụ thực thì phạm tội gì?
Đáp: Không phạm. Nhưng không được xin tiếp, nếu xin thì phạm tội Đọa. Nếu chưa đủ mười ngày mà bỏ đi cũng phạm tội Xả đọa.
Hỏi: Thí chủ cúng dường thức ăn cho tì-kheo trong mười ngày, nhưng tự chia nhỏ để làm thức ăn cho một tháng, thì có được không?
Đáp: Đánh kiền chùy thông báo thì được. Nếu không đánh kiền chùy, trong thời gian này, tăng có việc phải đi, nếu không cúng dường cho tăng đến sau mà tăng đến sau dùng hết phần ăn của mình lại dùng qua phần của người khác, nếu dùng no thì phạm tội Ba-la-di, còn chưa no thì phạm tội Đọa.
Hỏi: Nếu cha mẹ, anh em thiếu nợ, bị chủ nợ bắt và bán cho người khác, tì-kheo được phép xin tài vật chuộc họ về lại không?
Đáp: Được. Nhưng không được nói là xin cho mình, phải nói là xin cho cha mẹ, anh em mới được. Nếu xin được tài vật đền bù xong mà còn dư, tì-kheo không được tự dùng, vì tài vật đó đã thuộc về người được chuộc. Nếu tự sử dụng mà người thân không oán giận thì phạm tội Xả đọa. Nếu họ oán giận mà tì-kheo không trả lại thì phạm tội Ba-la-di.
Hỏi: Tì-kheo được phép đến nhà bán rượu xin thức ăn và tài vật không? Không có duyên sự, được phép ngồi nói chuyện suông không?
Đáp: Không được vào tất cả những cửa nhà có rượu, nếu vào thì phạm tội Đọa. Nếu nhà này có những cửa khác, không có bày bán rượu thì được vào. Nếu thí chủ bán rượu thỉnh tì-kheo thiết trai cúng dường thì nên hỏi:
– Thí chủ có thể thụ giới một ngày[14] không?
Nếu họ trả lời là được thì cho họ thụ trì, chư tăng có thể đến nhà. Nếu họ không thụ giới, nhưng có thể nghỉ bán rượu một ngày, thì tì-kheo được phép đến nhà. Đối với nhà đồ tể thì cũng như vậy.
Hỏi: Tì-kheo xúi ép người uống rượu thì phạm tội gì?
Đáp: Cố ép mà người kia không uống, thì phạm tội Đột-kiết-la. Nếu người kia uống thì tì-kheo phạm tội Đọa.
Chú giải: Người tham ăn đọa vào địa ngục Phân nóng, Nước đồng sôi. Trong kinh ghi: “Dùng tay trao chén rượu cho người khác uống thì năm trăm đời không có tay, huống gì tự uống, bảo người uống ư!”. Nếu có thể khuyên được một người bỏ ăn mặn, giữ giới uống rượu, cho đến thụ trì tam qui, ngũ giới, thì cả hai đều được phúc lợi vô cùng.
Hỏi: Tì-kheo gởi đồ vật cho cư sĩ, nhưng quá thời hạn mà tì-kheo này không đến lấy, cư sĩ liền đem món đồ vật ấy cho tì-kheo khác. Vậy, tì-kheo khác đó được phép lấy không?
Đáp: Không được lấy. Nếu tì-kheo chủ của món đồ vật ấy còn sống thì đó là đồ vật có chủ, còn tì-kheo đã qua đời thì món đồ vật đó thuộc tăng bốn phương.
Hỏi: Ban đêm, tì-kheo được phép cầm đuốc đi không?
Đáp: Mùa đông thì được, còn mùa hạ thì nên cầm đèn lồng. Nếu vị ấy cầm đuốc thì phạm tội Đọa.
Chú giải: Mùa đông được cầm đuốc vì không có côn trùng bay vào. Vị ấy phạm tội Đọa vì làm tổn thương loài trùng kiến.
Hỏi: Vật dụng của tì-kheo giá trị một tiền, đến nơi khác bán được năm ba tiền, số dư này có thể nhận không?
Đáp: Không được! Nếu nhận thì phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Tùy theo địa phương giàu nghèo mà giá trị của vật có tăng giảm. Theo lí vốn không có lỗi lầm, nhưng người thế tục thì được, còn đạo nhân xuất thế thường nên xả thí, đâu được tham lợi dưỡng mà mưu cầu làm tăng thêm lỗi lầm, nên phạm tội này.
Hỏi: Tì-kheo đùa giỡn vay mượn đồ vật của người khác mà không trả lại thì phạm tội gì?
Đáp: Đùa giỡn lấy hoặc cho đều phạm tội Xả đọa. Nếu người không cho mà tì-kheo cưỡng đoạt thì phạm tội Ba-la-di.
Hỏi: Tì-kheo có thể dùng chỗ thức ăn còn lại sau khi một tì-kheo khác nếm thử không?
Đáp: Không được! Biết mà vẫn dùng thì phạm tội Đọa, tì-kheo nếm thức ăn kia cũng phạm tội Đọa. Nếu không sám hối thì tội ngày càng tăng. Thuở xưa, có một tì-kheo chấp sự, được phân công làm thức ăn. Vị này thường chạm ngón tay vào các bát đĩa thức ăn và bảo: “Lấy món này, dùng món này”. Hằng ngày tì-kheo này thường làm như vậy mà không chịu sám hối, nên sau khi mạng chung đọa vào loài ngạ quỉ. Một đêm nọ, tì-kheo Vô Trước vào nhà xí, bỗng nghe tiếng rên rỉ, bèn hỏi: “Ngươi là ai?”.
Đáp: Ta là ngạ quỉ.
Hỏi: Thuở xưa ngươi làm gì mà đọa vào trong loài ngạ quỉ?
Đáp: Ở trong chùa này làm vị tăng chấp sự.
Hỏi: Ngươi vốn là người rất tinh tiến, vì lí do gì mà đọa vào trong ngạ quỉ?
Đáp: Cho chúng tăng dùng thức ăn bất tịnh.
Hỏi: Thế nào mà ngươi nói là bất tịnh?
Đáp: Tôi chạm ngón tay vào những bát thức ăn của chúng và bảo: “Lấy món này, dùng món này!”, lúc ấy tôi đã phạm tội Đọa rồi. Nhưng trải qua ba lần thuyết giới mà tôi không sám hối, nên tội tăng dần trở thành quá nặng. Vì vậy mà tôi đọa vào trong loài ngạ quỉ, hai tay cứ đánh vào ngực đến nỗi rách da, nát thịt, rồi tự bóp lấy cổ cho nước phun ra.
Hỏi: Vì sao mà phải đánh vào ngực?
Đáp: Côn trùng ăn trong thân đau đớn.
Hỏi: Vì sao bóp lấy cổ cho nước phun ra?
Đáp: Trong miệng có côn trùng.
Hỏi: Vì sao rên rỉ?
Đáp: Quá đói khát sắp chết.
Hỏi: Ngươi muốn ăn gì không?
Đáp: Ý muốn ăn phân mà không thể ăn được.
Hỏi: Tại sao ăn không được?
Đáp: Vì nhiều loại quỉ xô đẩy giành nhau, không thể tiến đến lấy được.
Hỏi: Vậy tôi biết làm thế nào giúp ngươi đây?
Đáp: Xin chúng tăng chú nguyện cho tôi!
Vô Trước nói: – Được rồi!
Thế là ông liền trở về bạch với chúng tăng việc ấy. Chúng tăng hỏi:
– Ngày xưa vị đó tu hành tinh tiến, nhưng vì sao đọa vào loài ngạ quỉ?
Đáp: Đó là do ngày xưa vị ấy cho chúng tăng dùng thức ăn bất tịnh mà không sám hối. Xin chúng tăng chú nguyện cho vị kia!
Chúng tăng liền chú nguyện, quỉ kia được ăn phân, không còn rên rỉ nữa. Lấy việc này chứng nghiệm, nên biết đại tì-kheo không được tự dùng tay làm thức ăn và chạm vào bát của tăng. Nếu không phải bát của chúng tăng, tự tay thụ nhận rồi trao cho tăng thì không phạm.
Hỏi: Thầy sai đệ tử buôn bán, làm các việc phi pháp thì đệ tử được phép rời bỏ thầy không?
Đáp: Được phép rời bỏ. Đệ tử có bốn trường hợp nên ở với thầy:
1. Dạy giáo pháp và cho thức ăn mà không cho y bát thì nên ở.
2. Dạy giáo pháp và cho y bát mà không cho thức ăn thì nên ở.
3. Dạy giáo pháp, cho y bát và thức ăn thì nên ở.
4. Dạy giáo pháp mà không cho y bát và thức ăn thì nên ở.
Nếu thầy không dạy giáo pháp, cho y bát và thức ăn thì nên đi.
Hỏi: Những gì cần phải sạch, có bao nhiêu vật cần phải làm sạch?
Đáp: Rau quả nên dùng dao gọt, tay bóc, lửa đốt để làm sạch; chỉ có gạo là cần dùng lửa nấu chín. Quả đã lấy sạch hạt thì ăn sẽ không hề gì.
Hỏi: Tì-kheo đỉnh lễ Tam bảo được phép mang giày dép không?
Đáp: Giày dép sạch thì được.
Chú giải: Nếu đúng pháp, khi lễ Tam bảo, tháp Phật thì nên cởi giày dép, mũ nón, đắp y bày vai phải, trừ khi có bệnh thì được mang giày dép da gấu. Không được mang các loại giày dép làm bằng năm loại da: voi, ngựa, sư tử, cọp, sói và những con thú đồng loại với chúng. Nhưng ở đây Đức Phật khai cho phép mang giày, nhưng giày phải thật sạch sẽ. Nếu giày không sạch thì phạm tội Ác tác.
Hỏi: Tì-kheo họa vẽ hoa lá trên cờ phướn rồi bán lấy tiền thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Vì có tâm tham. Vẽ tràng phan cúng dường Tam bảo thì được. Nếu bán lấy tiền thì tội giống như mua bán và làm thuê nói trên.
Hỏi: Tì-kheo dạy người khác buôn bán thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Tì-kheo lẽ ra nên tu hạnh tịnh mạng xuất li, lại cũng dạy người tu hạnh này. Nếu ngược lại, tì-kheo dạy bảo người buôn bán, khởi tâm tham; Lại bởi xem thường giới của Phật chế định, dạy cho người nhân duyên trói buộc nên vị ấy phạm tội Xả đọa.
Hỏi: Tì-kheo nuôi người hầu, trâu, lừa, ngựa thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Xả đọa. Nếu không sám hối thì tội càng tăng như đã nói ở trên.
Chú giải: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, giống như ta không sai khác. Nếu tì-kheo nuôi người và các loài súc vật để sai khiến, thì tâm sinh phân biệt người vật, chủ tớ, đây kia khác nhau, mất lòng từ bi, tham cầu quá mức, chẳng phải là đệ tử của Phật, nên phạm tội này. Nếu biết mà sám hối thì tội diệt, không sám hối thì tội thành nặng. Trong kinh “Nhật tạng phần” ghi: “Như trong pháp của Ta, từ một đến bốn tì-kheo thì không được nhận nuôi nô bộc”. Luật “Tứ phần” ghi: “Tì-kheo không được nhận nuôi mèo, chó, chim, nhưng nếu năm tì-kheo trở lên thì được nhận”. Nghĩa là nếu vì Phật sự thì các tì-kheo được nhận nô bộc, lừa ngựa để sử dụng. Nếu không có Phật sự mà riêng mình nhận nuôi dùng thì phạm tội.
Hỏi: Cư sĩ đến chỗ tì-kheo xin xuất gia, khi chưa cạo tóc được phép dùng thức ăn của tăng không?
Đáp: Thưa cho tăng biết thì được, còn không thưa thì tì-kheo cho thức ăn phạm tội Đọa.
Chú giải: Tất cả những vật của tì-kheo cũng chính là vật của đại chúng, nếu không bạch chúng mà cấp riêng cho một người là phạm tội này. Nên bạch chúng: “Xin Đại đức tăng nghe! Con tên… họ… hôm nay thưa chúng tăng xin độ người thụ giới. Con xin tăng cho phép con được độ người thụ giới. Xin từ bi thương xót”. Nói như vậy ba lần, xem rõ trong luật, ở đây không dẫn ra.
Hỏi: Tì-kheo vì tăng mà đi khất thực, lúc đi trên đường được phép dùng cơm của chúng tăng không?
Đáp: Nếu trước lúc đi đã thưa với tăng, tăng cho phép thì được dùng. Nếu lúc đi không thưa với tăng, trở về mới thưa mà tăng cho phép thì cũng được. Nếu tăng không cho thì phải tính thành tiền mà bồi thường, nếu không bồi thường thì phạm tội trọng.
Hỏi: Nếu người khác mang chén bát gởi trong phòng tì-kheo qua đêm thì có phạm tội không?
Đáp: Không phạm.
Chú giải: Không phạm, vì vật người khác gởi không liên quan đến mình. Vì tự mình không phạm lỗi để thức ăn qua đêm, nên không có lỗi.
Hỏi: Tì-kheo được phép đem một thùng, hai thùng dầu đốt đèn cúng Phật để trong phòng mình không?
Đáp: Được!
Chú giải: Nếu không sử dụng sai lầm, thì cất giữ trong phòng của mình cũng không có lỗi. Nếu để sử dụng riêng, thì cũng nên tính theo giá tiền mà định tội.
Hỏi: Tì-kheo được phép để rượu thuốc trong phòng mình không?
Đáp: Nếu chữa bệnh thì được để bảy ngày.
Chú giải: Nếu để quá bảy ngày thì phạm giới, vì sợ khởi lòng tham. Nếu thầy thuốc bảo không có rượu, không thể chữa lành bệnh, thì có thể hòa thuốc vào rượu mà uống, nhưng không nghe mùi rượu mới được. Nếu có bệnh thì được giữ bảy ngày. Không có bệnh thì một giọt cũng không được cố ý dùng. Y theo luật dạy thì người bệnh uống rượu đó không cho nhập chúng, sau bảy ngày nên đến trước điện Phật, phía dưới gió, từ xa chí thành đỉnh lễ bảy ngày mới cho đắp y nhập chúng. Việc ăn thịt cá… cũng như vậy.
Hỏi: Nếu tì-kheo không dùng cành dương chải răng thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Trong luật nói dùng cành dương có năm lợi ích: Một là miệng không đắng, hai miệng không hôi, ba là trừ gió độc, bốn là trừ nhiệt, năm là trừ đàm và mắt sáng… Nếu không dùng cành dương thì trái với năm lợi ích trên. Không dùng cành dương, không chỉ mất lợi ích mà còn phạm tội. Lại gọi kẻ ấy là người nhiễm ô, không cho lễ Phật và hòa thượng… Vì thế phải nên siêng năng chà răng, chớ có lười biếng.
Hỏi: Trời chưa sáng được phép dùng cành dương không?
Đáp: Sau khi sao mai xuất hiện mới được phép dùng. Nếu dùng không đúng thời thì phạm tội Đọa.
Hỏi: Sau buổi cơm trưa được phép dùng cành dương chải răng không?
Đáp: Được. Nếu không dùng nước tro, bồ kết và cành dương thì đều phạm tội Đọa. Nếu qua giờ Ngọ mới dùng cũng phạm tội Đọa. Sau giờ Ngọ trừ uống thuốc, còn tất cả cỏ cây có mùi vị đều không được đưa vào miệng, nếu không sẽ phạm tội Đọa.
Hỏi: Nếu không có cành dương, được phép xỉa hay chải răng bằng các loại cây khác không?
Đáp: Đều được.
Chú giải: Tất cả những loại dùng để trừ cấu bẩn ở răng miệng thì đều có thể dùng. Kệ chú “Dương chi” đều có ghi trong bộTì-ni nhật dụng.
Hỏi: Tì-kheo thiếu thốn, được phép vào chợ xin không?
Đáp: Trước giờ Ngọ thì được, còn sau giờ Ngọ thì không được, cũng không được xin tiền. Nếu muốn xin tiền, phải dẫn theo một vị cư sĩ hoặc sa-di.
Hỏi: Có người bắt tì-kheo đem bán, tì-kheo được phép bỏ trốn không?
Đáp: Lúc đầu thì được, còn lúc đã bán cho chủ rồi thì không được bỏ trốn.
Hỏi: Nếu tì-kheo đùa giỡn mà được phẩm vật, dùng phẩm vật này đổi lấy thức ăn thức uống mời tì-kheo khác dùng, tì-kheo khác đó được phép dùng không?
Đáp: Không được! Nếu dùng phạm tội Đọa.
Chú giải: Những kẻ tà kiến, ngoại đạo ngu si, theo lí nên quở trách, đuổi ra ngoài, trừ diệt ác kiến cho họ, hầu chấn chỉnh thanh qui. Nếu người thụ thức ăn này thì đồng với lối sống không đúng chính pháp, nên phạm tội Đọa.
Hỏi: Tì-kheo ni không tinh tiến, tì-kheo được phép khuyên họ bỏ đạo không?
Đáp: Không có đạo lí này!
Chú giải: Tì-kheo nên giáo huấn tì-kheo ni: “Hãy siêng năng hành đạo, chớ có buông lung”. Chân thành khuyên bảo như vậy thì được, chứ đâu thể làm ngược lại, khiến họ xả tịnh nghiệp, chạy theo nhiễm nghiệp, phạm tội càng nặng, cho nên không có lí này.
Hỏi: Tì-kheo bào chế thuốc men bố thí cho người, nhưng không biết cách pha chế, người uống vào liền chết thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu có tâm tốt ban cho thì không phạm tội, còn có tâm ác ban cho thì phạm tội trọng.
Hỏi: Tì-kheo năm tuổi hạ hoặc mười tuổi hạ mà không bao giờ tụng giới thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu không tụng giới, hằng ngày ăn cơm tín thí đều phạm tội trộm cắp. Nếu trước đó không biết thì vẫn được sám hối.
Hỏi: Tất cả nhà của quỉ thần, tì-kheo được phép ở nhờ qua đêm không?
Đáp: Nếu đi lỡ đường thì được phép, còn có ý gây rối mà đến thì phạm tội Đọa.
Hỏi: Tì-kheo ăn thịt chúng sinh phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Lúc đầu đức Thế Tôn cho ăn mặn món tịnh nhục khi: Ta không thấy giết, không nghe giết, không nghi vì ta mà giết, tự chúng chết, chim thú ăn còn thừa. Nhưng tì-kheo không được ăn thịt sống làm tổn thương dạ dày, chướng ngại đạo thánh. Nếu ăn, sẽ phạm tội Đọa. Tì-kheo tu pháp Đại thừa tuyệt đối không dùng. Cần phải biết rõ điều này.
Hỏi: Tì-kheo tạo điều kiện cho hai người nam hành dục, nhưng không thành thì phạm tội gì?
Đáp: Tội Thâu-lan-giá.
Chú giải: Tì-kheo lẽ ra nên dạy mọi người tu hạnh thanh tịnh, nhưng lại bảo làm việc nhiễm ô này, nên phạm tội như thế.
Hỏi: Tì-kheo muốn khiến hai người nam hôn môi để lấy đó làm vui. Hai người nam định làm, nhưng liền thôi, thì tì-kheo này phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa. Nếu việc này thành thì tì-kheo phạm tội Thâu-lan-giá.
Chú giải: Vì có tâm dục vậy. Cả hai câu hỏi trên đều nói đến hai người nam, thì thật cũng khó giải thích cho thông. Vì nếu nói là đồng tử, đã không phải tì-kheo thì đâu thể qui kết vào năm thiên tội? Nếu nói là tăng, sao gọi là hai người nam? Nói là một tăng một tục, thì không thuận với văn kinh. Vậy rốt cuộc là như thế nào? Theo ngu ý của tôi, nói hai người nam ở đây, chính là nói hai tì-kheo trẻ tuổi chưa trừ hết thói quen nhiễm ô, thích vui đùa làm thế, nên mới chế ra giới này. Người dịch đã lược ẩn ngôn từ, nên chỉ nói là hai nam. Người trí nên biết rõ.
Hỏi: Giường của tì-kheo có người khác hành dục trên đó, tì-kheo được phép ở lại trụ xứ ấy không?
Đáp: Nếu thấy sạch sẽ thì ở được.
Hỏi: Khi đã xướng tăng-bạt, các thượng tọa chưa dùng mà các vị hạ tọa dùng trước thì phạm tội gì?
Đáp: Nghe xướng xong mà dùng thì không phạm.
Chú giải: Xướng tăng-bạt xong, tất cả mọi người được dùng cơm. Nếu lược bỏ không xướng mà dùng thì phạm tội. Tăng-bạt, tức là khi thụ thực xướng câu: “Phật chế tì-kheo thực tồn ngũ quán…”.
Hỏi: Tì-kheo không đủ sáu vật[15] phạm tội gì?
Đáp: Nếu không xin để làm cho đủ thì phạm tội Xả đọa, còn xin mà không được thì không phạm.
Hỏi: Trời rét lạnh, tì-kheo được phép đắp mền chung nằm ngủ không?
Đáp: Mỗi người có đắp y thì được.
Chú giải: Hai người cùng đắp y mà không khởi niệm gì khác thì được. Nhưng trời nóng thì không được, nếu đắp chung phạm tội Việt pháp. Chữ “chung” có hai nghĩa: Một, nếu xét từ hai người, thì như trên đã giải thích. Hai, nếu xét từ một người, tức toàn thân đắp y mà nằm thì cũng được. Vì sao? Vì tăng sĩ ở Tây Vực chỉ có ba y, không có chăn mền nào khác, nếu trời lạnh mà không đắp, sợ trúng phải gió độc, nên nói cố đắp y thì được nằm chung mền. Nay vẫn giữ hai lời giải thích này để cho người đời sau không nghi ngờ.
Hỏi: Tì-kheo tự nói mình là dòng họ tôn quí và siêng năng trì giới để xin phẩm vật, nếu được phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Đây là kẻ cống cao ngã mạn đáng thương dối cho mình là tôn quí, tham lam cầu xin phẩm vật, nên phạm tội này.
Hỏi: Như chị hoặc em có bệnh thủng, hoặc có chỗ đau đớn, tì-kheo tự tay ấn hay xoa vào chỗ đau để trị bệnh thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu động tâm thì phạm tội Thâu-lan-giá, còn không động tâm phạm tội Đọa.
Hỏi: Nếu chị hoặc em không có con trai nối dõi, nhờ tì-kheo dạy phương pháp và các thuật để sinh con, tì kheo liền dạy thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Thâu-lan-giá.
Chú giải: Nếu dạy cho người phương pháp này tức là trái với chính trí. Có con nối dõi hay không là do nghiệp duyên kiếp trước đã định, không thể mong cầu. Đã không dạy cho họ tu tập pháp môn chính trí thanh tịnh mà trái lại còn dạy cho họ việc đó, nên đối với việc nhiễm ô và tập khí thế tục chưa trừ, tì-kheo phạm tội này.
Hỏi: Có người gởi đồ vật cho tì-kheo nhờ trao lại cho người khác, nhưng tì-kheo này không trao lại thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu tự ý lấy mà không trao lại thì phạm tội trọng. Nếu tì-kheo cố ý phá hoại rồi trao lại thì tính theo giá trị món đồ vật ấy mà định là tội khinh hay trọng.
Hỏi: Tì-kheo vào làng xóm mà không đắp y, thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Trong luật dạy tì-kheo vào làng xóm hoặc đi khất thực đều phải đắp y. Nếu vị ấy không đắp y thì gọi là ngoại đạo, không được người thế tục tôn kính, trái với lời Phật chế, nên phạm tội.
Hỏi: Tì-kheo than khóc thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu ở trong thôn xóm đông người, mỗi lần khóc là một lần phạm tội Đọa. Nếu tăng ba lần can gián mà tì-kheo không bỏ thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Hỏi: Ở trong thôn xóm, tì-kheo cầm cung tên, đao kiếm lên xem thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu trước đó không biết pháp thì không phạm, còn biết mà cố làm thì phạm tội Đột-kiết-la.
Hỏi: Tì-kheo cưỡi lên các con vật thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu là con đực, thì một lần cưỡi là phạm tội Đọa, nếu quá ba lần can gián mà không dừng thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nếu cưỡi con cái, một lần cưỡi là phạm tội Thâu-lan-giá.
Hỏi: Ở trong thôn xóm, tì-kheo xem cư sĩ đánh nhau phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Cư sĩ đánh nhau liên quan đến sống chết, người thế tục còn không nên làm, huống gì là tăng! Trong luật dạy tì-kheo đi trên đường quay nhìn hai bên còn mất oai nghi, huống gì xem đánh nhau, tâm rong ruổi theo ngoại cảnh, nên phạm tội nầy.
Hỏi: Tì-kheo chơi cờ tướng, cờ vây… thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Đây là trò vui chơi của thế tục, chẳng phải việc của hàng Thích tử. Vì những việc này nhiễu loạn tâm ý, chướng ngại đạo thánh, nên tì-kheo phạm tội này.
Hỏi: Trong thôn xóm, tì-kheo bế đứa trẻ ba tuổi, miệng phát ra những tiếng yêu thương nựng nịu thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Nếu lòng dục khởi thì phạm tội Thâu-lan-giá. Đây là những việc biểu hiện tì-kheo chưa dứt trừ tình ái, đánh mất oai nghi, hủy hoại chính pháp, nên Phật chế giới này.
Hỏi: Ở trong thôn xóm, tì-kheo đánh nhau với cư sĩ thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đột-kiết-la.
Chú giải: Tì-kheo vung tay đánh nhau với cư sĩ, là biểu hiện chưa trừ tập khí trạo cử, dẫn đến xung đột, chuốc lấy tai họa, trở ngại việc tu tập chính hạnh, nên phạm tội trên.
Hỏi: Ở trong thôn xóm, tì-kheo xem cư sĩ hành dâm với súc sinh thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu biết đó là việc phi pháp mà cố ý xem thì phạm tội Đọa, còn không biết thì không phạm. Nếu lúc xem mà trong tâm khởi niệm dâm, miệng nói lời nhiễm ô thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Hỏi: Tì-kheo dùng cơm chưa no đủ, được phép bảo người chưa thụ giới cụ túc mang thêm không?
Đáp: Được! Chỉ trừ bà-la-môn.
Chú giải: Tì-kheo thụ trai, hoặc sức ăn không đồng nhau, hoặc ăn nhanh chậm có sai khác, nên có đủ hay không đủ. Những vị sa-di hoặc người giữ năm giới đều gọi người chưa thụ giới cụ túc, bảo họ đem thêm thức ăn thì được. Còn bà-la-môn hoặc ngoại đạo… ngã mạn cống cao và không cung kính Tam bảo, thấy chư tăng họ khởi tâm phỉ báng, nên phải trừ họ ra.
Hỏi: Trong núi hoặc nơi đồng hoang vắng vẻ thấy một món đồ vật không có chủ, tì-kheo được phép lấy dùng không?
Đáp: Được. Chỉ cần báo với chính quyền sở tại, hoặc nói với người khác thì được dùng, nhưng không được mang đi. Nếu mang đi phạm tội Xả đọa.
Hỏi: Tì-kheo làm thầy thuốc chữa bệnh được phép nhận tài vật không?
Đáp: Nếu vì tâm từ bi mà chữa bệnh thì được, còn với tâm xấu thì không được. Nếu không có y bát, người được chữa trị cúng dường cho thì tì-kheo được phép nhận. Còn như có y bát rồi mà người ấy ép nhận, nếu vì tạo phúc thì tì-kheo được nhận. Nếu người ấy không cho, tì-kheo cũng không được vì làm phúc mà xin. Nếu xin, vị ấy phạm tội Xả đọa.
Hỏi: Khăn dùng vào việc ăn cơm, nếu rau dưa… hoặc nhiều hay ít đổ dính vào, có cần phải giặt không?
Đáp: Dù không dơ thì hằng ngày cũng phải giặt. Nếu có sa-di hay cư sĩ thì gởi cho họ giặt rồi hằng ngày nhận lại dùng, cũng không phạm tội. Nếu đã gởi trong phòng sa-di hay cư sĩ thì không cần phải lo, còn không gởi cũng không giặt thì phạm tội Xả đọa.
Hỏi: Tì-kheo ở phòng riêng, nếu có việc lặt vặt ra khỏi phòng mà không đóng cửa, có phạm tội không?
Đáp: Phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Sợ mất đồ đạc, không biết qui tội cho ai, nên phải cẩn thận đề phòng việc chưa xảy ra, thì cũng đều là tu đạo. Như có người buông lung tự cho là chân đạo vô tâm mà không biết nghịch cảnh khó thoát, thì trái lại sẽ làm mất hết chính tâm, nên phạm tội này.
Hỏi: Tì-kheo ở phòng riêng vỗ tay cười đùa thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Kinh Lăng-nghiêm ghi: “Sáng sớm lấy tay xoa đầu”, cạo bỏ râu tóc, đắp y hoại sắc là vì việc gì? Khéo thâu nhiếp thân tâm còn chưa tương ưng với đạo, huống gì vỗ tay cười lớn, dù ở phòng riêng tì-kheo cũng mất oai nghi, tâm ý buông lung, nên phạm tội này.
Hỏi: Tì-kheo được phép nhảy qua vũng nước hay mương nước nhỏ không?
Đáp: Không được, nếu nhảy sẽ phạm tội Đọa. Thuở xưa, có vị ưu-bà-tắc muốn thỉnh tì-kheo về nhà cúng dường một tấm y tốt, tì-kheo liền đi theo. Trên đường đi, thấy vũng nước nhỏ, tì-kheo liền nhảy qua. Vị ưu-bà-tắc liền chê trách và suy nghĩ: “Ta cho rằng vị tì-kheo này tốt, nên muốn cúng dường một tấm y tốt, nhưng lại nhảy qua vũng nước, khi về đến nhà ta cúng dường nửa tấm y thôi”. Vị tì-kheo này chính là ngài Vô Trước, biết suy nghĩ của người đó, nên lúc đi trên đường gặp một vũng nước, ngài lại cố ý nhảy qua.
Vị ưu-bà-tắc này lại suy nghĩ: “Khi về nhà, ta chỉ cúng một tấm vải thô”. Trên đường đi lại gặp một vũng nước, tì-kheo cũng nhảy qua. Vị ưu-bà-tắc lại nghĩ: “Lúc về nhà ta chỉ cúng dường một bữa cơm thôi”. Ngài Vô Trước lại biết được suy nghĩ của người này, nên khi gặp một vũng nước, ngài lại vén y bước qua. Vị ưu-bà-tắc hỏi tì-kheo:
– Tại sao ngài không nhảy qua?
Đáp: Trước đó ông hứa cho tôi một tấm y tốt. Lần đầu tiên tôi nhảy qua vũng nước thì chỉ còn nửa tấm y. Lần thứ hai nhảy qua vũng nước, chỉ còn được tấm vải thô. Lần thứ ba nhảy qua vũng nước chỉ còn được bữa ăn. Nay tôi không nhảy qua là vì sợ mất luôn bữa ăn.
Ưu-bà-tắc biết vị này chính là bậc đạo nhân, liền sám hối. Khi về đến nhà ưu-bà-tắc này cúng dường rất lớn. Theo chuyện này mà nghiệm biết, thì tì-kheo không được nhảy qua vũng nước nhỏ.
Hỏi: Tì-kheo chạy phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa. Nếu có việc gấp thì không phạm.
Hỏi: Có người sau khi xuất gia, trở về trộm đồ vật của nhà mình thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Ba-la-di. Vì sao? Vì khi đã xuất gia, thì tất cả đều xả bỏ, không còn là đồ vật của mình nữa.
Hỏi: Lúc còn ở nhà cùng cha mẹ, anh em, tì-kheo có cất giấu một ít của cải. Sau khi xuất gia, người nhà đều chết, tì-kheo trở về tự ý lấy vật này thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu tự ý lấy thì phạm tội Ba-la-di. Nếu có cư sĩ thân thuộc, thì nên bảo họ đến lấy mang đi làm phúc, nhưng cũng nên chia một nửa cho chính quyền địa phương. Vì sao? Vì vật này vô chủ, lẽ ra thuộc về chính quyền. Vì thế mà không được lấy hết, nếu lấy hết thì phạm tội trọng.
Hỏi: Thầy thụ giới trở lại, nên nhỏ hơn đệ tử. Đệ tử có được tự cho mình tuổi hạ nhỏ, giới kém và đi sau không? Nếu không được vậy, thì có được phép đỉnh lễ thầy không?
Đáp: Không có lí đó! Vì lớn nhỏ chỉ căn cứ theo giới phẩm và hạ lạp mà thôi.
Hỏi: Tì-kheo đi vào ruộng có lúa hay không có lúa của người khác thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu có lúa thì phạm tội Đọa, nhưng vì việc gấp thì không phạm. Nếu không có lúa thì đều không có tội.
Hỏi: Tì-kheo phạm tội Tăng tàn đã tỏ bày sám hối, nhưng mới được năm, ba ngày, thì nơi ấy có nạn, chúng tăng phân tán, vậy tội ấy có được tiêu trừ không?
Đáp: Phải cầu chúng tăng sám hối lại, đợi mãn bảy ngày thì tội mới trừ.
Hỏi: Vương giả hỏi tì-kheo về chuyện cát-hung, tì-kheo liền nói cho họ nghe. Sau đó họ cúng dường cho, thì tì-kheo phạm tội gì?
Đáp: Nếu nhận thức ăn thì phạm tội Đọa, nhận y thì phạm tội Xả đọa. Nếu nói về việc đi đánh dẹp nước khác mà được cúng dường thì phạm tội trọng.
Hỏi: Tì-kheo gặp hoạn nạn nguy cấp được phép đi băng qua ruộng của người thế tục không?
Đáp: Được.
Chú giải: Được băng qua ruộng có lúa mạ, là vì tạm để tránh nạn dữ, giúp thân an ổn tu đạo. Nhưng nếu không có việc cấp bách thì không được băng qua ruộng.
Hỏi: Tì-kheo chưa được năm tuổi hạ mà không cầu thầy y chỉ thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu không cầu thầy để nương thì mỗi ngày ăn cơm, uống nước của tín thí đều phạm tội trộm cắp. Nếu trước đó không biết thì tì-kheo được sám hối.
Chú giải: Nói năm hạ, trong bộ “Bách nhất yết-ma” ghi:
Đức Phật dạy:
– Những tì-kheo đã đủ năm hạ, thành tựu năm pháp sau đây thì được lìa thầy, du hành nhân gian: biết phạm, biết chẳng phạm, biết tội nhẹ, biết tội nặng, hiểu rõ thông bít và tụng làu thông kinh Biệt giải thoát.
– Bạch Đại đức! Những tì-kheo đã đủ năm hạ, thành tựu năm pháp thì được lìa thầy y chỉ, du hóa trong nhân gian. Vậy nếu tì-kheo chỉ đủ bốn hạ, rành rẽ năm pháp thì được lìa thầy y chỉ chăng?
Đức Phật đáp: – Không được! Vì năm hạ là thời gian đã qui định!
– Bạch Đại đức! Tì kheo đã đủ năm hạ, mà chưa thông thạo năm pháp thì được rời thầy y chỉ không?
Đức Phật dạy: – Không được, vì thành tựu năm pháp là phép tắc đã qui định.
– Bạch Đại đức! Nếu tì-kheo đã chứng ba minh, trừ sạch ba cấu, nhưng mới ba tuổi hạ, người này có phải nương thầy y chỉ không?
Phật đáp: – Chẳng phải do chưa đắc hay đã đắc, hoặc đã chứng đã ngộ mà được lìa thầy y chỉ, mà chỉ do tuân theo phép tắc đã chế định, tì-kheo cần phải đủ năm tuổi hạ, biết năm pháp mới được lìa thầy y chỉ. Cho dù đã thụ giới tì-kheo, sống tám mươi tuổi, đủ sáu mươi tuổi hạ mà không biết năm pháp thì cũng phải y chỉ.
Hỏi: – Bạch Đại đức! Nên y chỉ vào người nào?
Phật đáp: – Nên y chỉ vị thầy lớn tuổi. Nếu không có vị thầy lớn tuổi thì có thể y chỉ vị thầy trẻ.
Hỏi: – Bạch Đại đức! Muốn lễ thầy trẻ tuổi thì làm sao?
Phật đáp: – Chỉ trừ lễ bái, ngoài ra những việc khác đều có thể làm. Hai vị lớn tuổi và trẻ tuổi này xuất gia trong chúng bí-sô, mới thụ giới cụ túc, chưa thông thạo oai nghi phép tắc của sa-môn, thì cần phải y chỉ vào vị trưởng lão có đức hạnh.
Hỏi: – Trong luật chế định, tì-kheo đủ năm tuổi hạ mới được lìa thầy y chỉ. Nếu tì-kheo chưa đủ năm tuổi hạ mà không y chỉ, thì phạm thiên giới nào?
Phật đáp: – Nếu không y chỉ thầy, thì mỗi ngày ăn cơm uống nước đều phạm tội trộm cắp. Vì không y chỉ, tì-kheo không biết luật và pháp, không có đức hạnh để tiêu được cơm tín thí. Nếu trước đó không biết có pháp y chỉ, còn cho tì-kheo sám hối rồi sau đó như pháp mà y chỉ. Nếu đã biết rõ pháp y chỉ mà không làm theo, thì không cho vị ấy sám hối. Nếu các ni không y chỉ hòa thượng, phạm tội Đọa”.
Hỏi: Tì-kheo mười tuổi hạ mà không tụng giới thì phạm tội gì?
Đáp: Đồng với tội không y chỉ nêu trên.
Hỏi: Nếu tì-kheo giao dịch bán buôn, tự khen đồ vật của mình tốt, đưa ra giá cao. Người kia tin mua với giá cao thì tì-kheo phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội trộm cắp.
Chú giải: Tì-kheo vốn không có đạo lí buôn bán; nếu nói dối cầu lợi, thì gọi là miệng ăn trộm. Nếu được năm tiền thì phạm tội Ba-la-di. Đây là kẻ cướp không cầm cung tên, đao kiếm, là kẻ cướp nguy hiểm trong Phật pháp, thật không thể làm.
Hỏi: Tì-kheo đi trên đường vắng vẻ, gặp được thức ăn mà không có người làm chứng và trao cho, thì làm sao để được dùng?
Đáp: Chỉ được một lần đưa một tay lấy thức ăn mà thôi. Nếu quá mức ấy sẽ phạm tội Đọa.
Hỏi: Tì-kheo đi thuyền trên sông lớn, không thể xuống bờ, thì được phép đại tiểu tiện xuống nước không?
Đáp: Được.
Chú giải: Lên xuống thuyền e rằng sẽ mất thời gian, hoặc làm trở ngại mọi người, nên có thể tùy nghi cũng không phạm giới, nhưng mà cũng phải khéo léo. Xem rõ trong luật bộ thì có thể biết.
Hỏi: Tì-kheo chép kinh trên tre, gỗ, tụng xong xóa bỏ, có phạm tội không?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Kinh đã có bản, nên phải tôn trọng học tập. Nếu viết lên tre gỗ học rồi xóa đi là khinh thường Phật pháp, nên phạm tội này. Nếu chép kinh văn, thần chú ở trên thành tường vách… khiến người khác học thì được phúc vô lượng.
Hỏi: Tì-kheo chưa đủ năm tuổi hạ, được phép cùng đại chúng tụng giới không?
Đáp: Không được. Chỉ dạy bảo sơ lược mà thôi. Nếu tụng, vị ấy phạm tội Đọa.
Hỏi: Thụ đại giới mà đàn giới chưa hoàn mãn, lại chưa xả giới sa-di, thì người này còn là sa-di không?
Đáp: Không còn là sa-di, vì qua bốn lần yết-ma thì đã nhập vào chúng tì-kheo.
Hỏi: Tì-kheo ngủ ban ngày phạm tội gì?
Đáp: Nếu ngủ mà mở cửa phòng thì phạm tội Đọa.
Chú giải: Ở đây ý nói ngũ ban ngày mà đóng cửa cũng được. Vì sao? Vì do ngồi thiền mệt mỏi, đóng cửa phòng chợp mắt một lúc để điều hòa bốn đại thì không có tội. Ngủ mà mở cửa thì không được, vì phạm hai việc: Một, tư thế sơ suất mất oai nghi. Hai, sợ người sơ tâm bắt chước. Do có chỗ không đúng, nên ban ngày ngủ mà mở cửa thì phạm tội này.
Hỏi: Tì-kheo được phép tựa vào tường hay nằm trên đất không?
Đáp: Trong phòng riêng thì được, giữa đại chúng thì không. Nếu làm, vị ấy sẽ phạm tội Đọa.
Hỏi: Tì-kheo ở trong phòng xá, nếu không đắp ba y thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu ngồi thiền, tụng kinh không đắp y thì phạm tội Đọa.
Chú giải: Nếu căn cứ bộ Nam Sơn tứ nghi thì ba y không được rời thân, đâu chỉ ở trong phòng! Ngày nay các vị tu thiền mở miệng liền nói ngồi thiền tại tâm, đắp y làm gì? Nhưng họ không biết rằng bên trong tu tập thiền quán, bên ngoài chỉnh sửa uy nghi, ngoài và trong nhất như, mới gọi là chính trí. Giả như chấp lí mà bỏ sự, gọi là ngoại đạo thiên kiến, nên phạm tội Đọa.
Hỏi: Tì-kheo đi trên đường mặc nê-hoàn-tăng được phép buộc phủ kín chân không?
Đáp: Nếu trời quá lạnh thì được.
Chú giải: Không lạnh thì không được, sợ không hợp phép tắc của nước kia. Còn Đông độ không phải như vậy, trời lạnh hay nóng đều phải buộc kín, đắp y trang nghiêm mới dễ nhìn. Phong tục đây kia không giống nhau, nên lập giới này.
Hỏi: Tì-kheo cất giữ bát làm bằng gỗ sơn thì phạm tội gì?
Đáp: Không được dùng bát làm bằng gỗ sơn, nếu dùng phạm tội Đọa.
Chú giải: Bát gỗ sơn là dùng dao chặt cây lấy gỗ, cũng là phá hoại, thiếu tâm từ bi, nhẫn nhục. Tì-kheo còn không được giẫm đạp lên cỏ xanh, huống gì chặt cây! Loài hữu tình và vô tình đều là một thể, nên phạm tội này. Trong tùng lâm thời nay, dường như hoàn toàn không thể tránh việc này, nên tì-kheo phải sám hối để giảm bớt tội là được. Nếu không làm như vậy, thì trái với lời Phật dạy, hoàn toàn không thể.
Hỏi: Tì-kheo dùng tay sạch làm thức ăn, hoặc hòa trộn thức ăn thức uống khiến tay bị dính thức ăn, thì được phép để nguyên như vậy thụ thực không?
Đáp: Được.
Chú giải: Trong luật dạy: “Tay dơ không được bốc thức ăn. Cần phải học”. Tay này vốn sạch, nhưng do làm thức ăn nên bị dính dơ, chứ không phải là không sạch, nên nói là được. Ngoài ra đều không được.
Hỏi: Tì-kheo đến thượng phòng, là nơi không nên ngồi mà tự ý ngồi thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Thượng phòng tức là phòng của bậc thượng tọa tôn túc, hoặc trong phòng ấy có tượng bậc thánh. Hoặc có chỗ nói là phòng ở trên lầu, nếu có tượng Phật ở bên dưới, thì đây là chỗ không được tùy tiện ngồi, nếu ngồi phạm tội Đọa. Thượng tọa đủ mười đức, nên gọi là đức trọng. Người mới cầu học, nên phải khiêm nhường và kính cẩn, nếu không bảo ngồi mà tự ý ngồi, tức phạm tội. Mười đức: Có trụ xứ, không sợ, không phiền não, có hiểu biết, biện tài… Trong luật Thập tụng có dạy rõ.
Hỏi: Tì-kheo nhiễu tháp, nếu có tì-kheo ni và ưu-bà-di theo sau có phạm tội không?
Đáp: Nếu có thêm ưu-bà-tắc thì không phạm.
Chú giải: Có những ưu-bà-tắc theo sau, lại có chúng khác thì không phạm. Nếu không như vậy thì bị người đời chê trách, nên phải cẩn thận.
Hỏi: Rau sống đã rửa sạch, nhưng còn gốc rễ, tì-kheo được phép dùng không?
Đáp: Được.
Chú giải: Nếu là rau sống, củ cải… thì đều có thể ăn cả gốc rễ. Như rau cải, cần phải bỏ rễ, nhưng nếu rửa thật sạch thì không cần bỏ rễ cũng có thể ăn, nên mới nói là được. Hoặc lúc đi trên đường không tiện làm cũng có thể dùng.
Hỏi: Đệ tử đi xa gởi vật dụng lại cho thầy, hoặc thầy gởi cho đệ tử mà quá thời hạn không trở về, hoặc trải qua nhiều năm mà không nhận lại, thì người được gởi có thể lấy dùng không?
Đáp: Nếu lúc đi mà không nói gì thì không được dùng. Vì nếu người kia còn sống thì đó là đồ vật có chủ, còn chết là đồ vật của tăng, nên đều không được tự ý lấy dùng
Hỏi: Tì-kheo dạy cư sĩ không cúng tế tất cả người chết là đúng lí không?
Đáp: Không đúng! Dù cha mẹ không thụ thực, nhưng vì cung kính cúng dường thì cư sĩ cũng được phúc.
Hỏi: Trong chúng, tì-kheo được phép cùng ngồi chung bàn với thầy thụ trai không?
Đáp: Nếu cùng bàn tròn, thì không được ngồi kế nhau (Nếu ngồi hai dãy thì không được đối diện nhau).
Hỏi: Tì-kheo không vén y lên mà lễ Phật thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm Chúng đa (Giới chúng học) Đột-kiết-la.
Chú giải: Tì-kheo lễ Phật phải dùng tay phải vén y, để gối bên phải không đè y. Nếu không đúng như vậy thì tuy nói là lễ Phật nhưng vì khinh y, nên mất lòng cung kính, cho nên cũng phạm tội. Chúng đa là phạm giới Chúng học, tội Đột-kiết-la. Nên biết.
Hỏi: Tì-kheo được phép tự tay pha chế thuốc không?
Đáp: Các thứ cỏ thuốc thanh tịnh thì được.
Chú giải: Thuốc chỉ dùng loại cỏ thuốc thanh tịnh, không được dùng các loài vật như rắn rết và bò cạp để làm thương tổn chúng, vì đó thuộc về ác luật nghi. Nếu tuân theo các vị thuốc như huỳnh liên, quan quế… trong Thần Nông bản thảo, thì không phương thuốc nào mà không hiệu nghiệm, công đức đó vô hạn, nên nói loại cỏ thanh tịnh thì được. Tì-kheo hành y khám bệnh phải xem xét tỉ mỉ, nếu như bừa bãi, trái lại chuốc lấy tội lỗi, nên phải cẩn thận.
Hỏi: Tì-kheo có ý bỏ đạo, mặc y phục của thế tục một thời gian, lễ lạy hàng tôn thân thế gian. Sau đó vị ấy đến chúng tăng xin khôi phục lại địa vị tì-kheo như cũ. Có nên cho phép không?
Đáp: Nếu người đó chưa xả giới thì cho phép.
Chú giải: Nếu như người đó xả giới rồi thì không được. Người đó dù có xả hay không xả, tăng đều nhất định phải tra hỏi kĩ càng. Hoặc hỏi những người thân tín hay những ai gần gũi người đó. Xem người đó tuyệt đối không phá giới căn bản của tì-kheo thì mới cho khôi phục lại địa vị. Nếu không làm như vậy, tăng cũng không cho phép. Nếu kẻ ấy chỉ phạm giới tội khinh, tăng nên bảo họ hổ thẹn sám hối, sửa lỗi cũng được.
Hỏi: Tì-kheo biết cha mẹ, anh em bị lưu tán, phải bán thân cho người. Nếu vị ấy không chuộc lại thì có tội không?
Đáp: Nếu vì hành đạo mà không chuộc lại thì cũng không có tội.
Chú giải: Nếu tu đạo xuất thế, thì có thể đoạn trừ nỗi khổ luân hồi sinh tử cho cha mẹ. Nên cha mẹ dù gặp nạn lớn, có nỗi khổ lưu tán, nhưng vẫn còn có thể trì hoãn, do đó không chuộc lại cũng không có lỗi. Nếu không được như vậy, thì thân do cha mẹ sinh ra cho đến anh em thân thiết, đâu được ngồi nhìn mà không làm, cam chịu giống như loài vật vô tình ư? Tuy vậy cũng phải tùy theo năng lực của mình.
Hỏi: Nếu có cư sĩ thưa với tăng, tôn xưng chư tăng là thánh chúng, thì tăng được phép đồng ý không?
Đáp: Không được đồng ý.
Chú giải: Vì sao? Thánh tức chẳng phải phàm. Người chứng được tứ quả, tứ hướng mới gọi là thánh. Như người đời lạm xưng chứng được thánh vị, tức chưa được mà nói được, phạm tội đại vọng ngữ, mắc tội chẳng phải nhỏ. Người kia đã tôn xưng, ta nên khởi tâm sợ hãi, khiêm cung mà từ chối thì không có lỗi.
Hỏi: Nếu có cư sĩ đem phẩm vật cúng dường chư tăng mà nói là cúng dường cho thánh chúng, nên thụ nhận không?
Đáp: Nếu họ không nói là thánh chúng, hễ chia thì được nhận, vì chúng gồm có cả phàm tăng.
Hỏi: Tì-kheo đi trên đường gặp mương nước, liền sai người cõng qua thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu tì-kheo ấy không phải là người già, bệnh thì phạm tội Đọa.
Chú giải: Do ở trước không cho nhảy qua mương nước. Đến đây nói không cho sai người cõng qua. Hai việc này đều là do tì-kheo trẻ tuổi kiêu căng, khinh mạn không chịu được chút khổ nhọc, mất oai nghi, nên Phật mới chế giới này. Gặp trường hợp này thì phải đi chân trần, vén y từ từ bước qua là được. Những tì-kheo già bệnh không đủ sức để bước qua thì nhờ người cõng cũng không phạm.
Hỏi: Đối với người công quả cho tăng, tì-kheo được phép nhờ họ làm chuyện lặt vặt được không?
Đáp: Các việc lặt vặt thì được, còn việc lớn thì không.
Hỏi: Tì-kheo để móng tay dài phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Móng tay là nơi rất dơ, trong luật chế chỉ có thể để móng tay dài bằng hạt lúa, còn dài hơn thì cắt bỏ. Để móng tay có hai lỗi: Một là giống với người thế tục, mong mọi người thích nhìn, sinh lòng yêu mến mà chướng đạo. Hai là vì chăm sóc móng tay của mình, thích lười biếng an nhàn, không siêng năng làm việc chúng. Lại nữa, việc ấy làm xấu tướng tì-kheo mà Đức Phật quở trách, nên để móng tay thì tì-kheo phạm tội Đọa.
Hỏi: Tì-kheo thượng tọa chưa tắm, tì-kheo hạ tọa tắm trước có phạm tội không?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Đã phân theo tứ tự tôn ti, thì nhất nhất phải có trước sau. Nếu không như vậy thì tì-kheo đánh mất sự cung kính và chẳng khác gì các bà-la-môn tụ tập nói chuyện ồn ào, nên phạm tội Đọa.
Hỏi: Trong bát (hoặc trong hòm rương…) của tì-kheo bỗng nhiên có vật lạ, hoặc đồ vật đã hư cũ mà không biết của ai, tì-kheo được phép lấy dùng không? Có thể vứt bỏ không?
Đáp: Giao cho chư tăng xử lí, không được tự ý dùng.
Chú giải: Vật không có chủ nhận cũng đồng với vật của tăng. Nếu tì-kheo sử dụng vật ấy ắt phạm tội; Hoặc sợ sau đó có người nhận, tì-kheo sử dụng riêng thì không thể biện bạch, nên nói không được.
Hỏi: Một trụ xứ nhiều vị tăng đến-đi, có người quên đồ vật, hoặc y mới, hoặc y cũ mà người ấy vĩnh viễn không trở lại lấy dùng, tì-kheo có thể lấy dùng không?
Đáp: Phải giao cho chúng tăng. Chúng tăng cất giữ một tháng hoặc một năm, sau đó mới được lấy dùng. Nếu sau này người chủ đến thì dùng vật của tăng để trả lại. Nếu đó là vật quí giá, sau này chúng tăng không thể bồi thường được thì chớ dùng.
Hỏi: Tì-kheo có một vị cư sĩ quen thân đến chùa thăm hỏi. Tì-kheo này có được phép thưa với thượng tọa duy-na đem phần cơm của tăng cho người đó dùng không?
Đáp: Nếu trước đó tăng có chế lệnh cho phép người thế tục dùng thì được, còn không chế thì không được.
Hỏi: Tì-kheo bỏ đạo về đời, sau đó lại xuất gia. Vị thầy trước vẫn là thầy người đó chăng?
Đáp: Không phải.
Chú giải: Vì giới pháp trước đã xả rồi, người truyền giới sau mới là thầy. Tuy vậy tì-kheo không thể thiếu lễ kính đối với vị thầy trước, do ân đức vị thầy trước dẫn đường và chỉ bảo vẫn còn.
Hỏi: Các vị tăng đăng đàn truyền giới cụ túc có được gọi là thầy không?
Đáp: Không có lí đó. Vì tì-kheo không từ những vị này thụ pháp, nên họ hoàn toàn không được gọi là thầy.
Hỏi: Tất cả các sư tăng trong đàn truyền giới đều được gọi là hòa thượng và tự xưng là đệ tử không?
Đáp: Không được. Nhưng nên kính trọng các vị ấy như bậc tôn quí thế tục.
*
14. PHẨM HỎI VỀ THỤ BA TỰ QUI
Hỏi: Người nào được phép thụ và không được thụ ba tự qui?
Đáp: Trừ người phạm tội ngũ nghịch[16], còn tất cả đều được thụ.
Hỏi: Thụ ba tự qui thì nên làm những việc gì?
Đáp: Thân, miệng, ý không làm việc sai quấy và không theo học nhưng vị thầy có kiến chấp sai lầm.
Chú giải: Thân không giết hại, trộm cướp, dâm dục; miệng không nói dối, nói lời hoa mĩ, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thô ác; ý không tham lam, sân hận, si mê. Ba nghiệp thanh tịnh như vậy tức là chính kiến, nên nói không làm việc sai quấy, cũng không theo những vị thầy có ba nghiệp bất tịnh, bất chính. Người nào sau khi thụ tam qui y sẽ tu theo các hạnh này. Vì sao? Vì qui y Tam bảo tức là được thể của năm giới vậy.
Hỏi: Như thế nào là phạm ba tự qui?
Đáp: Thích tà kiến và theo các sư ngoại đạo.
Chú giải: Ở trên đã nói mười nghiệp ác: Thân có ba, miệng có bốn và ý có ba. Lại có thân kiến, biên kiến cho đến sáu mươi hai kiến. Các thứ chấp sai lầm không tương ưng với Phật pháp đều gọi là ngoại đạo tà kiến. Nếu ai thích làm, hoặc hùa theo tức là phạm ba tự qui, đọa lạc chỉ ở ngay đây. Nếu kẻ ấy có thể bỏ tà về chính mới được gọi là không phạm. Nên cẩn thận việc này.
Hỏi: Nếu phạm ba tự qui thì sám hối như thế nào?
Đáp: Đến bổn sư mà sám hối. Nếu không có bổn sư thì đến một vị tì-kheo khác cũng được.
Hỏi: Nếu không thể giữ, thì được phép xả không?
Đáp: Được.
Hỏi: Nếu xả thì xả như thế nào?
Đáp: Đến bổn sư hoặc một vị tì-kheo thưa: “Con từ hôm nay trở về sau không thể nương tựa Phật, pháp và tì-kheo tăng”. Nói ba lần như thế thì xả ba tự qui. Nếu nói không đủ ba lần thì ba tự qui vẫn còn.
Hỏi: Người thụ ba tự qui là đã sám hối tội thập ác[17], ngũ nghịch quá khứ. Điều này hợp lí không?
Đáp: Không hợp lí!
Chú giải: Vì sao? Đoạn văn trên nói kẻ phạm tội ngũ nghịch còn không được thụ ba tự qui. Vậy nay người thụ ba tự qui thì đâu có thể sám hối được tội ngũ nghịch kiếp trước! Dù cho đã tạo từ trăm nghìn kiếp trước thì nay nghiệp ấy cũng chưa mất, cho nên nói là không hợp lí. Có thuyết nói: “Người qui y Tam bảo tin chắc là nhờ oai lực đó mà tất cả các nghiệp đều tiêu, giống như mặt trời mọc thì tuyết tiêu tan, không cần đợi sám hối. Như người phạm tội với quan, sau đó đến chỗ vua, nhờ oai lực của vua nên dẫu có tội nặng, cũng được miễn”. Thật không có lí này, làm sao mà tiêu hết được? Nhưng trong kinh này nói chính vì người mới thụ ba tự qui, chỉ nương vào mười phương Tam bảo mà được thụ năm giới, vì còn thuộc về các sự tướng nhỏ nên mới như vậy. Nếu thể hội được nhất thể Tam bảo, hiểu sâu thật tướng, liễu ngộ tội tính vốn không, sám hối mà không thấy chỗ sám hối, thì người ấy không có điều ác nào không trừ, không có tội nào mà không diệt. Vì thế nói các tội như sương mai, mặt trời trí tuệ có thể tiêu trừ. Nếu người muốn sám hối, thì ngồi ngay thẳng, quán thật tướng các pháp, thì có thời gian nào mà nói việc này. Nếu không được như vậy, thì cũng là chưa được mà nói là được, vẫn là không được. Cần phải suy nghĩ việc này.
Hỏi: Thụ ba tự qui, chỉ được thụ từ một vị thầy; nhưng có thể từ ba vị, mỗi một vị thụ một tự qui không?
Đáp: Không được!
Chú giải: Vì thể Tam bảo chỉ có một. Nghĩa là về danh xưng thì gọi là Tam bảo, nhưng thể vốn nhất như. Dù là mười phương Tam bảo, thì thể vẫn đồng nhất. Do đó chỉ có thể từ một thầy thụ mới được. Nếu từ ba thầy thì tợ như thành hư nát, nên nói không được; không giống với ngũ giới, mỗi giới thụ từ một thầy cũng được.
Hỏi: Thụ pháp ba tự qui cần phải giữ suốt đời, nhưng do không thể giữ lâu, nên cho phép giữ một năm, nửa năm, mười ngày hay năm ngày rồi xả được không?
Đáp: Tùy ý giữ lâu hay mau cũng được.
Chú giải: Ba tự qui cũng nên suốt đời thụ cho đến vị lai… như trên đã nói, mới là đúng lí. Nhưng ở đây nói tùy ý, cũng là đức Như Lai từ bi thương xót chúng sinh, chắc chắn muốn cho họ giữ gìn lâu dài, nhưng sợ căn cơ của chúng cạn hẹp, sợ phiền phức, không chịu thụ. Do đó, Phật dùng phương tiện tùy theo căn cơ, khiến họ dần dần thể nhập cảnh giới tốt đẹp mà gieo nhân nên mới nói như vậy. Người trí cũng chớ do việc này mà tự lười biếng.
Hỏi: Nếu theo thầy thụ ba tự qui một năm hoặc nửa năm, sau khi hết thời gian đó, vị ấy vẫn là thầy chăng?
Đáp: Một khi theo thầy thụ pháp thì suốt đời làm thầy.
Hỏi: Ba tự qui, được phép chỉ thụ một hoặc hai tự qui được không?
Đáp: Không được.
Chú giải: Tam bảo chỉ một thể, theo lí không thể phân chia, thụ thì đồng thụ, xả thì đồng xả. Nếu thụ một hoặc hai tự qui, cũng đồng với việc phân chia pháp thân, nên không được. Không giống như ngũ giới, tùy ý thụ một hoặc hai.
Hỏi: Muốn thụ ba tự qui, nhưng hiện tại không có thầy truyền thụ. Vậy người ấy có được phép đối trước Phật, căn cứ theo văn giới mà thụ không?
Đáp: Không được.
Chú giải: Nếu muốn thụ giới Bồ-tát, trong khoảng một nghìn dặm mà không thể tìm thầy truyền giới, được phép đứng trước tượng Phật tự phát thệ mà thụ giới. Nhưng ba tự qui, năm giới, cho đến giới tì-kheo đều không được. Vì sao? Nếu từ mé Phật Oai Âm Vương trở về trước mà không có thầy truyền giới thì được; nhưng từ mé Phật Oai Âm Vương trở về sau, nếu không có thầy truyền trao mà tự thụ là ngoại đạo.
Hỏi: Trước đó đã thụ tam tự qui, phạm tội mà không sám hối, được thụ lại không?
Đáp: Không được! Cần phải sám hối. Nếu muốn thụ lại thì phải xả giới đã thụ, còn không xả mà thụ lại thì không được.
*
15. PHẨM HỎI VỀ THỤ NĂM GIỚI
Hỏi: Nếu không thụ ba tự qui mà thụ năm giới, có được không?
Đáp: Không được.
Chú giải: Trong giới bản ghi: “Trước xướng ba tự qui, tiếp đến nói năm giới, mười giới, cụ túc giới, trùng tuyên Nhất thừa”. Luận Tát-bà-đa ghi: “Trước tiên thụ ba tự qui, không thuyết năm giới mà năm giới tự đắc, nên nói ‘không thụ không đắc’. Thứ đến nói tên ngũ giới, khiến cho người thụ biết giới tướng mà giữ gìn, không để mất”. Vì thế ba tự qui là gốc của năm giới, tám giới và mười giới cũng như vậy. Như giới tì-kheo, trước tiên cần phải bạch tứ yết-ma mới đắc giới, sau đó mới nói giới tướng để khiến cho người thụ biết được giới tướng mà thụ trì. Điều này không thể không biết.
Hỏi: Nếu thụ ba tự qui mà phạm tội, không sám hối, người đó có được thụ năm giới không?
Đáp: Không được.
Chú giải: Đã nói ba tự qui là gốc của năm giới, nay kẻ ấy đã phạm ba tự qui tức phá hoại thể của năm giới, nên nói không được thụ. Kẻ ấy cần phải hổ thẹn sám hối, như bình được súc sạch sẽ, thì mới có thể chứa cam lộ. Nếu kẻ ấy không sám hối thì không được, vì chưa thanh tịnh. Vì thế cần phải nỗ lực sám hối.
Hỏi: Pháp thụ năm giới, có thể chỉ thụ năm ngày, mười ngày, một năm hay hai năm được không?
Đáp: Tùy ý thụ nhiều hay ít cũng được.
Chú giải: Cũng không giới hạn số ngày thụ. Việc này cũng đồng với ba tự qui nói trên, nhưng đây là quyền giáo A-hàm khai cho, chứ Phương đẳng không như vậy. Trong hội Phương đẳng, ngài Ưu-ba-li hỏi:
– Năm giới có thể thụ năm ngày, mười ngày không?
Phật đáp:
– Không được.
Thế nên biết, Như Lai chế giới mỗi mỗi đều có thời cơ.
Hỏi: Phạm năm giới mà không sám hối, người ấy có được phép thụ lại không?
Đáp: Nếu người ấy không xả thì không được thụ lại. Nếu không sám hối thì cũng không thể xả.
Chú giải: Người ấy hoặc phạm mà sám hối, sám hối xong thì xả; xả rồi thụ lại, mới không xả giới, lòng chí thành không thay đổi. Nếu không sám hối thì tội đó không diệt, tựa như chẳng phải là bình sạch, nên đều không được. Người ấy chỉ có thể dốc lòng giữ gìn vững chắc, không phạm một mảy may nào, tức được tiến bộ. Các giới sau đều lấy đây để làm căn bản.
Hỏi: Phạm năm giới, có được phép sám hối tất cả không?
Đáp: Nếu giết người, hành dâm với hàng tôn thân và tì-kheo ni, hoặc trộm phẩm vật của Tam bảo thì kẻ ấy không được sám hối. Ngoài các tội ấy ra, đều được.
Hỏi: Đã thụ năm giới, nếu không thể giữ, thì trong khoảng một năm, hai năm có thể xả không?
Đáp: Được phép xả. Nếu muốn xả hết năm giới và ba tự qui thì nói: “Từ nay Phật không phải là Thế Tôn của ta, ta chẳng phải đệ tử Phật”, nói ba lần như thế thì xả. Pháp và tăng cũng nói ba lần như vậy. Nếu xả một, hai, ba hoặc bốn giới, thì chỉ nói: “Con từ hôm nay không còn giữ giới thứ nhất…”, nói ba lần như vậy. Nếu không nói đủ ba lần thì giới vẫn còn.
Hỏi: Thụ năm giới, có thể theo năm thầy, từ mỗi thầy thụ một giới không?
Đáp: Được.
Chú giải: Vì sao? Thể tướng của năm giới không giống nhau, tác dụng cũng sai khác, nên một thầy hay năm thầy đều được. Không giống như ba tự qui, ba tức là một, thể hòa hợp không phân chia. Nhưng chỉ được một giới thụ một thầy, nếu với một giới mà thụ nhiều thầy thì không được. Vì phảng phất giống ý đã nêu trên mà lạm dụng, nên Phật chế định riêng điều này.
Hỏi: Đã thụ năm giới, nhưng có thể xả một hoặc hai giới trọng vì khó giữ, có được chăng?
Đáp: Được.
Chú giải: Lúc xả thì nói giống như trên. Muốn xả những giới trọng, bởi lúc mới phát khởi lòng tin, không chỉ năm giới, cho đến giới tì-kheo cũng có thể một lúc thụ trì. Đâu ngờ lâu ngày chầy tháng, thói quen đời kiếp trước chưa tiêu, tâm đạo dần dần lui sụt, đó gọi là muốn trong mà lệch sang đục, thích thẳng mà lại cố nghiêng, nên mới dẫn đến như vậy. Đây cũng do đức Như Lai phương tiện tùy thuận chúng sinh, nên mới nói là được.
Hỏi: Trong năm giới, có thể thụ một, hai hoặc ba giới được không?
Đáp: Tùy ý thụ nhiều hay ít.
Hỏi: Tì-kheo phạm giới trọng, hoặc giới uống rượu, có được không?[18]
Đáp: Không được.
Chú giải: Người phạm những giới trọng vĩnh viễn ở bên ngoài biển Phật, không được ở chung với chúng thanh tịnh, nên nói không được. Y cứ theo luật, kẻ phạm tội nặng thì phải sám hối, xả giới, suốt đời chỉ thụ học giới sa-di, cho đến không được làm thầy hướng dẫn người khác. Than ôi! Cẩn thận việc này, chớ cho là chuyện đùa. Còn rượu là khởi đầu của các Già giới, từ đây phát sinh nhiều tội lỗi, pháp thế gian còn cấm, huống gì tì-kheo! Nên cũng không được phạm.
Hỏi: Có tám giới của cư sĩ không?
Đáp: Không. Chỉ có tám trai giới.
Chú giải: Hàng cư sĩ chỉ có thể thụ năm giới, nên nói là không. Nay hoặc cho hàng cư sĩ thụ tám giới là phi pháp trái luật, hoàn toàn không được. Quan là đóng kín. Đóng kín tám tội lỗi không cho sinh khởi, cũng chính là tám giới: Một, không giết hại chúng sinh; Hai, không trộm cắp; cho đến giới thứ tám không ngồi giường cao rộng; còn không ăn phi thời là trai. Trai thì lấy việc không ăn quá Ngọ làm thể. Vì tám giới trên giúp thành tựu thể của trai, cả hai giữ gìn lẫn nhau. Lại vì gọi là tám chi trai pháp, nên bảo là tám mà không nói là chín. Trai giới này chỉ dùng cho người thế tục. Hàng cư sĩ thụ trì trong thời gian một ngày một đêm; một ngày thụ, một ngày giải. Đây cũng do đức Như Lai phương tiện chế định cho hàng Phật tử tại gia, là những người không thể thụ trì suốt đời. Vì không có giới giữ suốt đời, nên không gọi là ưu-bà-tắc; Vì có giới giữ trong một ngày một đêm, nên cũng là ưu-bà-tắc; vì thế chỉ gọi là người trung gian. Nhưng nếu thụ pháp trai giới một ngày, thì người thụ nhất định phải thanh tịnh và chí thành mới được. Nếu không thanh tịnh chí thành, thì chỉ có hư danh, không được lợi ích gì, nên phải cẩn thận.
*
16. PHẨM HỎI VỀ THỤ MƯỜI GIỚI
Hỏi: Không thụ năm giới, có được phép thụ mười giới không?
Đáp: Nếu trước có thụ ba tự qui thì được. Vì trong mười giới đã có năm giới, nên cũng không nhất định thụ lại.
Hỏi: Nếu phạm năm giới mà không sám hối, có được phép thụ mười giới không?
Đáp: Không được. Nếu trước đó người không biết có pháp sám hối mà đã thụ thì được, nhưng nếu biết mà không sám hối thì không được.
Hỏi: Nếu hòa thượng phạm giới trọng, đệ tử từ thầy ấy thụ mười giới, đệ tử có được đắc giới không?
Đáp: Không đắc giới.
Chú giải: Thầy tức là hòa thượng. Người có giới đức và hạ lạp đầy đủ mới được làm thầy. Nếu tự thân đã phạm tội trọng, không còn là tì-kheo nữa, thì đâu thể độ người. Giống như thuyền bị thủng mà chở người qua sông sẽ bị chìm, nên nói là không được. Do đó, muốn cầu pháp xuất thế… không thể không chọn thầy cho mình. Phải cẩn thận việc này.
Hỏi: Các thầy như a-xà-lê… phạm giới trọng, giới tử theo thụ mười giới thì đắc giới không?
Đáp: Không đắc giới.
Hỏi: Sa-di phạm mười giới, có được sám hối tất cả không?
Đáp: Đồng với việc phạm năm giới ở trên.
Chú giải: Giống như phần phạm năm giới ở trên. Người phạm bốn giới như sát sinh… thì không được sám hối. Trừ bốn giới này ra, còn phạm bất cứ giới nào khác trong mười giới cũng cho phép sám hối.
*
17. PHẨM HỎI VỀ SA-DI
Hỏi: Sa-di phạm tội muốn sám hối có cần đối trước chúng không?
Đáp: Không cần. Chỉ cần đến trước bổn sư là được. Nếu hiện tại không có bổn sư, thì đến một vị tì-kheo khác sám hối cũng được.
Hỏi: Sa-di có cần mỗi nửa tháng tụng giới không?
Đáp: Không có lí này. Vì sao? Vì người thụ giới sa-di không thành người thế tục, mà cuối cùng sẽ thành tì-kheo. Khi đó sẽ được dự thuyết giới. Nhưng hiện nay sa-di mỗi nửa tháng có thể nhóm họp một lần cùng đại tăng dự yết-ma thính giới.
Hỏi: Sa-di phạm giới được phép đến một sa-di khác sám hối không?
Đáp: Không được.
Chú giải: Vì trí tuệ sa-di cạn không biết phương tiện trì-phạm, khinh-trọng, không thể chủ trì mọi người yết-ma xuất tội, nên không được. Giống như văn ở trước đã nói, nếu đến bổn sư mà sám hối thì được.
Hỏi: Sa-di được phép mặc y phục thế tục không?
Đáp: Không được.
Chú giải: Giống như ở trước, sa-di muốn thụ đại giới, không được mặc áo quần thế tục. Đã làm sa-di, thì ba y không được thiếu, một bình bát luôn mang bên thân. Nếu không như vậy thì thân hình và áo quần mặc trên người không tương xứng, không phải tục mà chẳng phải tăng, nên không được.
Hỏi: Bổn sư làm những việc trái với chính pháp, sa-di được phép bỏ đi, tìm nương một vị thầy khác không?
Đáp: Được.
Chú giải: Thầy tức là hòa thượng. Luận Tát-bà-đa ghi: “Có bốn hạng hòa thượng: Một, có pháp mà không có ăn mặc; Hai, có ăn mặc mà không có pháp; Ba, có pháp và có ăn mặc; Bốn, không có pháp cũng không có ăn mặc. Ba hạng đầu có thể nương ở, một hạng sau không nên nương ở. Nhưng những hòa thượng có cho ăn mặc nhưng không ban cho pháp, thì sa-di cũng được bỏ đi, tự tìm thầy giỏi.
Hỏi: Sa-di phản bội bổn sư, tôn cư sĩ làm thầy để học nghề nghiệp thế tục, lại không xả giới, trải qua một tháng hoặc một năm lại trở về với thầy. Vị ấy còn là sa-di không? Vị ấy chỉ sám hối tội lỗi, không cần thụ giới lại, có được không?
Đáp: Vị ấy vẫn còn là sa-di và chỉ cần đến thầy sám hối. Lại nữa, vốn không xả giới thì không cần thụ lại. Nếu thụ lại cũng không đắc giới.
Hỏi: Sa-di bị giặc bắt, trải qua một tháng hoặc một năm hoặc chuyển sang chủ khác thì có được phép trốn đi không?
Đáp: Nếu chuyển chủ khác thì không được trốn đi.
Hỏi: Sa-di phạm giới cấm, chúng tăng đã đuổi đi, nếu đã sám hối thì vị ấy được phép xuất gia lại không?
Đáp: Nếu chưa xả giới, thì vị đó vẫn còn là sa-di, nên chỉ cần sám hối mà thôi.
Hỏi: Khi còn là cư sĩ, vị này theo vị sa-di thụ ngũ giới, nhưng một thời gian sau vị cư sĩ ấy xuất gia thụ giới Tì-kheo. Bấy giờ vị này được phép gọi vị sa-di đó là thầy không?
Đáp: Được gọi là thầy, nhưng không được đỉnh lễ, trái lại sa-di nên đỉnh lễ vị tì-kheo ấy. Lúc còn cư sĩ theo chư ni thụ ngũ giới, sau đó xuất gia thì cũng như vậy.
Hỏi: Tì-kheo tham tiền của, phẩm vật thì phạm tội gì?
Đáp: Tội đó rất nặng. Thuở xưa, có một vị tì-kheo tham đắm một cái chuông đồng nhỏ, sau khi chết đọa làm ngạ quỉ. Một hôm đại chúng vừa phân chia đồ vật xong, quỉ liền hiện đến, thân hình nó rất lớn và đen giống như đám mây đen, các tì-kheo kinh ngạc liền hỏi:
– Đây là vật gì?
Trong chúng có một người chứng đạo nói:
– Đây là vị tì-kheo đã chết, nhưng vì tham đắm cái chuông nhỏ mà bị đọa trong loài ngạ quỉ, nay còn tham tiếc nên đến đòi.
Các tì-kheo mang chuông ra trả lại, vừa thấy chuông quỉ liền ôm lấy và lè lưỡi liếm rồi phóng xuống đất bỏ đi. Các tì-kheo nhận lại chuông, nhưng quá thối, không thể đến gần. Sau đó chúng tăng lại sai người đúc thành vật dụng khác mà vẫn có mùi thối không thể dùng được. Lấy chuyện này mà nghiệm biết, tham là tai họa lớn.
Tì-kheo tham đắm y phục thì có tai họa bị thiêu đốt. Thuở xưa, có một vị tì-kheo vui mừng vì vừa may y mới, nên ngày đêm mê đắm không thôi. Lúc bị bệnh nguy kịch, tự biết mình sẽ chết, nên vị ấy ngẩng đầu lên ngắm chiếc y, trong lòng khởi niệm ác: “Sau khi ta chết, xem thử ai dám đắp y của ta?”. Không bao lâu vị tì-kheo này mạng chung, biến thành con rắn, trở về quấn lấy tấm y. Đại chúng khiêng vị tì-kheo chết ra thiêu và an táng xong, liền sai người đến lấy vật dụng và y của tì-kheo ấy. Khi người đến lấy, con rắn quấn y, miệng phun nọc độc rất xa. Người kia không dám đến gần, liền trở về thưa đại chúng. Đại chúng cùng đến xem, cũng không ai dám lại gần nó. Lúc ấy có vị tì-kheo chứng đạo, nhập định tứ vô lượng tâm từ, bi, hỉ, xả, nên độc không thể hại được, liền đến đó và nói với con rắn:
– Đây vốn là y của ngươi. Nay người chết rồi thì vật này không phải là của ngươi nữa, giữ nó làm gì?
Nghe nói vậy, rắn liền bỏ đi. Đi một đoạn không xa, nó lại chui vào bụi cỏ, lửa độc trên thân nó phát ra thiêu rụi bụi cỏ, lại thiêu cháy luôn thân mình. Sau khi bỏ thân rắn, tì-kheo lại đọa vào địa ngục Hỏa thiêu, một ngày trong địa ngục phải trải qua ba lần bị đốt cháy. Tất cả đều do lòng tham làm hại.
*
18. VĂN SÁM HỐI SAU CHÍN MƯƠI NGÀY KIẾT HẠ
Đại đức tăng lắng nghe! Nếu tăng đúng thời mà đến, tăng hòa hợp thuận nghe. Tăng sai con là… vì đại chúng tác pháp sám hối sau chín mươi ngày an cư. Như Lai đã thụ pháp an cư thì tì-kheo cũng nên như vậy. Từ khi bắt đầu thụ an cư, đến nay việc an cư kiết hạ đã xong. Trong ba tháng con phạm nhiều lỗi lầm. Lỗi lầm đó chính là phạm các thiên giới. Trừ hai thiên: Bốn Ba-la-di và Mười ba Tăng tàn là không phạm, còn các thiên khác thì chưa hẳn không phạm. Vì vậy cuối hạ, đức Thế Tôn mới nhóm hòa hợp tăng để chỉ dạy. Nay con nghĩ cũng nên cùng chư tăng tỏ bày rõ những điều đã sai phạm. Xin tăng chấp nhận cho con tác pháp sám hối. Do trong chín mươi ngày qua, con không nương vào đại định của Thế Tôn, không có trí tuệ rộng lớn của Thế Tôn, không y theo giới cấm của Thế Tôn, nên phạm nhiều lỗi lầm; không có trí tuệ rộng lớn của Thế Tôn, không nương giới cấm của Thế Tôn nên phạm tội; không nương giới cấm của Thế Tôn nên phạm tội; không có trí tuệ rộng lớn của Thế Tôn nên quên mất nhiều điều mà giáo pháp đã chỉ dạy; không có đại định của Thế Tôn nên phạm tội loạn ý. Hoặc nghĩ đến dâm mà không làm việc dâm, nghĩ đến trộm mà không có hành vi trộm, nghĩ đến giết hại mà không có hành vi giết hại, nghĩ đến lừa dối mà không làm những việc lừa dối, nghĩ đến các pháp Tăng tàn mà không hành Tăng tàn.
Đó là những việc con đã phạm trong chín mươi ngày an cư đồng với những sai phạm về oai nghi vậy.
Mục-kiền-liên lại hỏi Đức Phật:
– Cư sĩ muốn xin xuất gia. Tì-kheo liền chấp nhận, nhưng lại thỉnh thầy truyền giới. Vị tì-kheo ấy có phải là thầy không?
Đáp: Không phải! Nếu theo vị này học pháp thì mới tôn là thầy, còn chỉ nương theo thì gọi là thầy y chỉ.
Hỏi: Nếu có tì-kheo không xả giới tì-kheo mà lại làm sa-di, tức đại đạo nhân, nhưng sau đó thụ giới tì-kheo lại để làm tăng, có đắc giới không?
Đáp: Không đắc.
Hỏi: Nếu thụ mà không đắc giới, thì giới đã thụ khi trước còn không?
Đáp: Vẫn còn.
Hỏi: Vị cho thụ giới sau có phải là thầy chăng?
Đáp: Không phải.
Hỏi: Nhiều người thụ giới cùng thỉnh một vị làm thầy. Vị này có được cùng lúc cho phép năm người hay mười người thụ giới không?
Đáp: Không được.
Hỏi: Sa-di thụ đại giới, thỉnh một vị tì-kheo làm thầy truyền đại giới. Nhưng vị tì-kheo này không biết pháp yết-ma và truyền giới, nên lại thỉnh một vị khác truyền giới. Như vậy vị nào làm thầy?
Đáp: Vị truyền giới đó là thầy, còn vị không biết pháp kia không phải là thầy.
Hỏi: Tì-kheo chỉ được truyền năm giới cho bà-la-môn và những người tại gia. Vị này có được truyền cho người nữ không?
Đáp: Được! Nhưng lúc truyền, tì-kheo không được hỏi những việc tế nhị, nếu hỏi thì phạm tội Tăng tàn.
Chú giải: Trước khi thụ giới, nhất định phải hiểu rõ giới. Đối với người nam tại gia, tì-kheo phải hỏi kĩ mới được. Còn với tất cả người nữ, tì-kheo chỉ cần hỏi đại khái mà thôi, không nên hỏi các việc tế nhị. Nếu hỏi kĩ khiến cho họ xấu hổ, tì-kheo sẽ phạm tội này vì đồng với tội nói lời thô ác vậy. Người làm thầy cần phải biết việc này.
Hỏi: Khi tất cả tứ sự của tăng, nhà vua không cúng dường đầy đủ, tì-kheo có được cưỡng lấy thêm những phẩm vật chưa cúng không?
Đáp: Nếu vua không chê trách thì được.
Chú giải: Nếu lấy mà vua chê trách thì không được. Nếu không được cúng dường đầy đủ mà tì-kheo đòi hỏi cho được tức rơi vào lỗi cưỡng cầu nhiều. Vì thế, tì-kheo nên biết đủ với những vật mà thí chủ cúng dường thì được.
Hỏi: Tì-kheo thấy người hành dục mà không quở trách, thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu tì-kheo biết có thể can gián người ấy được mà không can gián thì phạm tội Đọa. Nếu tì-kheo không thể can gián, thì nên đến một vị tì-kheo khác sám hối về tội không thể can gián người kia.
Hỏi: Tì-kheo lúc trước đã phạm giới, sau đó muốn sám hối xin thụ giới lại, có được phép ở chung với chúng tăng không?
Đáp: Nếu phạm giới trọng thì không được thụ giới lại, nói gì đến ở chung. Nếu phạm tội Thâu-lan-giá mà sám hối lỗi lầm thì được thụ giới; Nếu phạm tiếp mà không sám hối, thì còn không được thụ giới lại, huống gì là được ở chung!
Hỏi: Có việc gấp, tì-kheo cầm cung tên lên thuyền, những tì-kheo khác được đi cùng thuyền đó không?
Đáp: Tì-kheo cầm cung tên phạm tội trọng, còn tì-kheo đi cùng thuyền phạm tội Xả đọa.
Chú giải: Đã cầu đạo xuất thế, thì thà bỏ thân mạng chứ không thể làm việc đó. Người chủ động cầm hung khí ắt sẽ có tâm giết hại, nên phạm tội trọng. Những người đi theo kẻ này không thể tránh những tiếng hiềm trách, cũng trái với lời Phật dạy, nên phạm tội Xả đọa.
Hỏi: Nếu tì-kheo bị quan ép làm việc phi pháp thì phạm tội gì?
Đáp: Không được làm! (Nếu làm, tùy theo việc lớn nhỏ mà định tội nặng nhẹ).
Hỏi: Hai tì-kheo cùng nhau đùa nghịch, nhưng liền dừng thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu việc đùa nghịch đã thành thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Hỏi: Tì-kheo lén nghe hai người nam hành dục, thì phạm tội gì?
Đáp: Nếu không có tâm dục mà nghe thì phạm tội Đọa; Còn có tâm dục mà nghe, nhưng thân không làm thì phạm tội Đột-kiết-la.
Chú giải: Nếu không có tâm dục mà nghe thì phạm tội Đột-kiết-la; nếu vô tình nghe được thì nên quở trách can gián họ. Nếu đáng quở trách mà không quở trách thì tì-kheo phạm tội Ác tác. Nhất định phải giọng nghiêm khắc quở trách can gián, tự cảnh tỉnh mình và người, thì tì-kheo mới không có tội. Thế nên ở đây phải dùng hai câu “có tâm và không tâm” để hoán đổi thì mới thuận câu văn. Nếu không như vậy thì chuốc lấy tai họa. Nếu chẳng những tì-kheo không can gián mà còn có tâm dục, thì tội đó càng nặng. Đã nói có tâm dục, chưa hẳn là không có lỗi, đâu chỉ phạm tội Đột-kiết-la! Đoạn này nhất định các nhà phiên dịch biên chép có chỗ sai lầm, người trí nên biết rõ.
Hỏi: Tì-kheo bị bệnh, không thể đi lại, có được phép ngồi xe ngựa không?
Đáp: Nếu vị ấy cưỡi ngựa đực thì đều được; Còn cưỡi ngựa cái mà tì-kheo không khởi niệm xấu thì phạm tội Đọa, khởi niệm xấu phạm tội Thâu-lan-giá. Nếu không biết đó là ngựa cái thì tì-kheo không có tội.
Hỏi: Tì-kheo chê kinh không đẹp, nên mang bán rồi tạo lại kinh đẹp thì phạm tội gì?
Đáp: Tội bán kinh đồng với tội bán cha mẹ.
Chú giải: Như cha mẹ dung mạo rất xấu xí, người con chê bai mà mang đi bán, tội này không thể dung thứ, đồng với tội ngũ nghịch. Tì-kheo chê kinh không đẹp, tội cũng như vậy vì bán cha mẹ pháp thân.
Hỏi: Hai tì-kheo đấu vật nhau thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Tì-kheo thân thể cường tráng, đúng ra nên dùng sức mạnh nhẫn nhục siêng năng tu trì mới xứng là bậc trượng phu dũng mãnh! Đâu thể dùng sức mạnh của thân mà làm việc này. Kẻ ấy đã mất hết thể diện của tăng, lại khiến mọi người chê trách, nên phạm tội này.
Hỏi: Súc sinh hành dục, tì-kheo tình cờ thấy được, khiến chúng rời nhau thì phạm tội gì?
Đáp: Phạm tội Đọa.
Chú giải: Trong bốn oai nghi, tì-kheo nên luôn nhiếp tâm phản chiếu, giữ gìn các căn để khi tiếp xúc với các cảnh nhiễm tịnh, tâm không chấp trước. Đây là do tâm chạy theo cảnh xấu, nên phạm tội này. Nếu như kẻ ấy khởi niệm mà mất thân, còn thêm phạm tội Tăng tàn. Vì thế không thể không cẩn thận.
Hỏi: Tì-kheo đắp y tiểu vào tụ lạc, để y đại lại trong nội giới, có được phép nhận sự cúng dường của thí chủ không?
Đáp: Được.
Chú giải: Vì sao? Vì người hành đạo nhận vật cúng dường, làm ruộng phúc cho mọi người. Ba y đều được gọi là phúc điền. Vì vậy bất đắc dĩ, tì-kheo có thiếu thì cũng không có lỗi.
Hỏi: Trong mùa hạ, tì-kheo được phép nhận phẩm vật thuộc tăng không?
Đáp: Nếu thí chủ cúng dường những phẩm vật thuộc về tăng thì tì-kheo nên phân chia ngay, không được cất giữ.
Chú giải: Nếu giữ lại sẽ phạm hai lỗi: Một, tăng thêm lòng tham, chướng ngại đạo nghiệp. Hai, chư tăng có người đến và đi, mất phần của tăng hiện tiền. Người chủ trì cố làm trái là phạm tội, không biết nhân quả. Như trong văn nói: “Nếu tì-kheo một mình thụ hưởng sự cúng dường của tín thí thì không được”.
Hỏi: Tì-kheo có thân quen với một gia đình thí chủ. Gia đình này muốn làm Phật sự, nên giao việc ấy cho tì-kheo. Sau đó lại có một tì-kheo khác đến tì-kheo này xin vật dụng. Nếu tì-kheo khác đó nhận được, thì tì-kheo được thí chủ giao việc bị phạm tội gì?
Đáp: Xem ý nếu vị thí chủ đó không thích thì tì-kheo không được lấy cho. Nếu cho thì tì-kheo phạm tội Đọa. Nếu thí chủ đồng ý, thì tì-kheo được phép lấy cho tì-kheo kia.
Hỏi: Chim câu, chim sẻ làm tổ trong chùa hay phòng tăng, mà tì-kheo phá đi, hoặc lấp hang chuột, thì vị ấy phạm tội gì?
Đáp: Nếu chim câu, chim sẻ làm tổ mà chưa có con thì được phép đuổi chúng đi; còn chúng có con thì tì-kheo không được đuổi. Hang chuột chỉ có một lỗ thì tì-kheo không được bít; Nếu trong và ngoài hang thông nhau thì tì-kheo được phép bít lỗ bên trong.
Hỏi: Tì-kheo được phép viết thư qua lại với thầy và bạn đồng học không?
Đáp: Nếu cùng địa phương thì được, còn ở nước khác thì không được.
Hỏi: Phép vua và cha mẹ không cho người ấy xuất gia, nhưng người ấy vẫn xuất gia thụ giới, thì có đắc giới không?
Đáp: Không!
Chú giải: Theo luật thì phạm tội khinh, phạm Già giới, còn không đắc giới, huống gì pháp lệnh của vua nghiêm ngặt, lời dạy từ hòa của mẹ cha, mà kẻ ấy không nghe theo tức trái với lời Phật dạy, nên không được. Hiếu thuận vâng theo, chính là giới vậy. Vì sao? Hiếu gọi là giới, nên người đời nay muốn cầu xuất gia, phải nên chiêm nghiệm lời Phật dạy mà tự thân phải cẩn thận.
Bấy giờ, Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Con rất vui mừng khi được nghe Như Lai dạy Tì-ni. Nhưng sau khi Như Lai diệt độ, ai có thể thụ trì Tì-ni này?
Phật bảo Mục-kiền-liên:
– Người nào học tập và tư duy Tì-ni, nên biết người đó có thể tu tập và thụ trì Tì-ni này.
Phật lại bảo:
– Sau khi Ta diệt độ, nếu có tì-kheo, tì-kheo ni nào phỉ báng người thụ trì Tì-ni này, thì kẻ đó là bạn của ma, chẳng phải là đệ tử của Ta. Bọn người này đời đời học đạo không thành, không thể vượt khỏi ba cõi. Nay Ta thương xót các chúng sinh đó mà nói kinh này.
Nghe Đức Phật nói xong, Mục-kiền-liên vô cùng vui mừng và cung kính hành trì.
Chú giải: Hoan hỉ là ý tin nhận, tức có chỗ lãnh hội ngộ nhập, dốc lòng tin chắc không còn nghi ngờ, nên gọi là hoan hỉ. Phụng là tuân theo. Hành là dốc lòng thực hành, tức là dùng pháp này để tự lợi và lợi tha, lưu truyền khắp cõi trời và nhân gian, truyền khắp vi trần cõi nước. Lại kế tục phương xa từ vạn cổ, nối tiếp tuệ mạng đến nghìn năm, khiến cho vĩnh viễn không cùng, nên gọi là ‘tin thụ lưu thông’. Có người cho rằng kinh ghi: ‘Các pháp từ xưa đến nay, tướng thường tự vắng lặng’; kinh lại ghi: ‘Tu vô tướng chính quán, tức chứng Bồ-đề’. Vậy dùng năm trăm sự tướng này mà tu, thì há không quá rườm rà tỉ mỉ ư? Nếu nói vậy thì mọi người không biết đức Thế Tôn thuyết giáo có quyền có thật. Trước tiên Ngài dùng giới tướng tì-ni khai phát cho những người mới phát tâm, sau đó dùng pháp Nhất thừa tối thượng thâu nhiếp họ trở về chỗ vô học. Bởi vì nhất tâm không chướng vô lượng, vô lượng không ngoài nhất tâm. Nếu người sơ tâm không giữ luật nghi, buông lung thì trở thành tà kiến. Cho đến tâm sau cùng không đạt được thật tướng, thì nỗ lực tu hành, chung qui cũng là pháp hữu vi. Nhất định phải biết sự không thể vượt lí, lí không ngại sự, sự lí gồm tu, hoàn toàn không thiên lệch, mới được gọi là chính quán.
Chớ mượn cớ bàn luận xằng bậy, làm mờ mịt người đời sau, khiến cho mình sai, người khác cũng sai, lỗi ấy chẳng phải nhỏ vậy.
***
Căn cứ theo bản chính thì có ba trăm sáu mươi bảy câu hỏi, bản Đan-châu-nhĩ[19] giống bản này. Tuy nhiên, bản đời Tống thì chỉ có hai trăm hai mươi câu hỏi, như vậy đã thất lạc quá nhiều. Nay lấy hai bản bổ sung cho nhau, nhưng cũng không đủ năm trăm câu hỏi. Nay nghi bản dịch không đầy đủ, hoặc có thể đề kinh nêu ước lược là ba trăm, nhưng người chép nhầm số ba thành số năm vậy.
***
Có bài kệ:
Vượt phàm vào thánh, giới ngôi đầu,
Quí trọng tu trì chí bền lâu
Vị cao trì giới thành Tối thắng
Sơ tâm học giới vẫn lệch sâu.
Mục-liên từ bi nêu câu hỏi,
Phàm phu xét kĩ, chú lời mầu
Mong người kính tin môn giải thoát
Tu nhân, thành Phật ở mai sau.
*
Chú thích:
[1] Tội Khí 棄: Tội Ba-la-di.
[2] Bốn đạo quả 四道果: Tức bốn quả Thanh văn.
[3] Thất bộ xà 七步蛇: Cg: Độc xà. Người bị rắn độc này cắn thì đi bảy bước sẽ chết.
[4] Trời Ba Mươi Ba 三十三天: Tức cõi trời Đao-lợi.
[5] Quyết đoạn 決斷: Tức tội Tăng tàn, một trong năm thiên, bảy tụ giới của tì-kheo.
[6] Uất-đơn-việt 欝單越: Tức là Bắc câu-lô châu.
[7] Tam sư 三師: Hòa thượng truyền giới (Hòa thượng đàn đầu), thầy Yết-ma và thầy Giáo thọ.
[8] Tứ tùy 四隨: Việc thuyết pháp của Phật: Một, thuận theo sự ham muốn của chúng sinh. Hai, thuận theo căn cơ thích nghi của chúng sinh. Ba, thuận theo sự mê muội của chúng sinh mà đối trị. Bốn, thuận theo đệ nhất nghĩa.
[9] Tứ y 四依: Một là hạnh tứ y, hai là pháp tứ y, ba là nhân tứ y, bốn là thuyết tứ y.
[10] Mười ba việc 十三事: Mười ba giới Tăng tàn.
[11] Phục khí 服氣: Thuật dưỡng sinh của Đạo gia, tức nhả khí cũ trong thân ra và nạp khí mới vào.
[12] Nê hoàn tăng 泥洹僧: Y hạ, tức là quần, váy.
[13] Tăng-kì-chi 僧祇支 (S: Saṃkakṣikā): Áo lót phủ vai, che hai nách, một trong năm y của tì-kheo.
[14] Giới một ngày 一日戒: Bát quan trai giới.
[15] Sáu vật 六物: Ba y thượng, trung, hạ, bát, tọa cụ và dụng cụ lọc nước.
[16] Tội ngũ nghịch 五逆罪: Giết cha, giết mẹ, giết a-la-hán, làm thân Phật chảy máu và phá yết-ma chuyển pháp luân tăng.
[17] Thập ác 十惡: Mười tội nặng do thân, khẩu, ý gây ra. Thân gây ra ba tội ác: 1. Giết hại sanh vật; 2. Trộm cướp; 3. Tà dâm. Khẩu gây ra bốn tội ác: 4. Nói dối; 5. Nói lời hoa mỹ; 6. Nói hai lưỡi, đâm thọc; 7. Nói điều ác độc. Ý gây ra ba tội ác: 8. Tham lam; 9. Giận hờn; 10. Si mê.
[18] Câu này, trong Phật thuyết Mục-liên ngũ bách vấn giới luật trung khinh trọng sự kinh thích ghi: “Tì-kheo thấy cư sĩ phạm tội khinh hoặc trọng trong năm giới, lẽ ra phải dạy họ sám hối thọ trì, nhưng lại cố ý khiến người phạm giới trọng hoặc phạm giới rượu, thì có được không? Đáp: Không được, vì không có lí nào dạy người phạm tội nặng?”. Còn trong Phật thuyết Mục-liên vấn giới luật trung ngũ bách khinh trọng sự kinh lược giải ghi: “Câu hỏi này lẽ ra nên xếp vào phẩm Tạp sự chứ không nên đưa vào phẩm này. Nên biết, các nhà phiên dịch đặt nhầm”.
[19] Đan-châu-nhĩ 丹珠爾: Tạp tạng, còn gọi là Phó tạng hay Tục bộ. Một trong hai tạng của Đại tạng kinh Tây Tạng.