Tứ Phần San Định Tỳ Kheo Ni Giới Bổn

Tống Nguyên Chiếu Trùng Định

Bản Việt dịch của Đoàn Trung CònNguyễn Minh Tiến

***

I. PHẦN MỞ ĐẦU GIỚI KINH

Con kính lễ chư Phật,

Cùng Pháp và Chư Tăng.

Nay giảng nói Giới luật,

Chánh pháp trụ lâu dài.

Giới pháp không bờ bến,

Như báu, cầu không chán.

Muốn vun bồi Chánh pháp,

Phải cùng nghe thuyết giới.

Muốn trừ Tám ác pháp,

Mười bảy tội Tăng tàn,

Ba mươi tội xả đọa,

Phải cùng nghe thuyết giới.

Tỳ-bà-thi, Thi-khí,

Tỳ-xá, Câu-lưu-tôn,

Câu-na-hàm Mâu-ni,

Ca-diếp, Thích-ca Văn.

Chư đại đức Thế Tôn,

Vì chúng ta thuyết dạy.

Tôi nay xin lập lại,

Các vị cùng lắng nghe.

Như người bị què chân,

Không thể đi đứng được.

Cũng vậy, người phạm giới,

Không sanh cõi trời, người.

Ai muốn sanh cõi trời,

Hoặc trong chốn nhân gian,

Phải thường giữ Giới luật,

Không để cho hủy phạm.

Như xe vào đường hiểm,

Mất chốt, gãy trục, lo.

Người phạm giới cũng vậy,

Giờ sắp chết sợ hãi.

Như người tự soi gương,

Đẹp, xấu sinh ưa, chán.

Nghe thuyết giới cũng vậy,

Không hủy phạm, vui mừng.

Như đôi bên giao chiến,

Mạnh tiến, yếu phải lùi.

Nghe thuyết giới cũng vậy,

Trong sạch được an ổn.

Vua đứng đầu trăm họ,

Biển hơn cả muôn sông,

Trăng vượt hơn ngàn sao,

Phật vượt trên các thánh.

Cũng vậy, trong các luật,

Giới kinh là trên hết.

Do chính Phật thuyết dạy,

Nửa tháng tụng một lần.

(Tụng xong đoạn mở đầu này, vị chủ trì buổi lễ đối trước chúng ni tăng mà đặt các câu hỏi sau.)

– Chúng tăng hội lại chưa?

Tất cả đồng thanh đáp: Chúng tăng đã hội lại.

– Chúng tăng có hòa hiệp không?

Tất cả đồng thanh đáp: Chúng tăng hòa hiệp.

– Người chưa thọ giới cụ túc đã ra khỏi chưa?

Nếu có, chư tỳ-kheo ni liền mời người ấy đi ra, rồi đáp: Người chưa thọ cụ túc giới đã đi ra.

Nếu không có, đáp: Trong chúng này không có người chưa thọ cụ túc giới.

– Những tỳ-kheo ni vắng mặt có nhờ người thuyết dục và nhận mình là thanh tịnh hay không?

Nếu có người vắng mặt, những người được nhờ thuyết dục sẽ bước ra trình bày việc vắng mặt. Nếu không, chúng tăng cùng đáp là không có.

– Nay chúng tăng hòa hiệp cùng hội lại để làm gì?

Tất cả cùng đáp: Để thuyết giới.

– Kính bạch chư đại tỷ tăng. Hôm nay là ngày rằm, chúng tăng hội lại cùng thuyết giới. Nếu chúng tăng xét đã phải thời, cùng nhau hội lại mà nghe thuyết giới. Việc tác bạch như vậy có thành tựu chăng?

Tất cả cùng đáp: Tác bạch đã thành tựu.

– Kính bạch chư đại tỷ tăng. Nay tôi xin thuyết đọc giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, tất cả các vị nên lắng nghe và khéo để tâm suy xét. Nếu ai biết mình có phạm vào, nên tự sám hối. Ai không phạm giới, chỉ cần lặng yên. Nếu thấy các vị lặng yên, xem như hết thảy đều thanh tịnh. Như có ai khác đến hỏi, cũng sẽ y như vậy mà đáp.

Tôi sẽ lập lại câu hỏi ba lần, xin các vị hãy cố gắng nhớ lại, như ai có điều phạm giới mà không sám hối, sẽ phạm vào tội vọng ngữ. Phật có dạy vọng ngữ là tội ngăn trở việc tu đạo. Nếu tỳ-kheo ni nào nhớ lại biết mình có tội, muốn được trong sạch như trước phải cầu sám hối. Sám hối rồi sẽ được an ổn, vui vẻ.

Kính bạch chư đại tỷ tăng, tôi đã thuyết đọc xong phần đầu của Giới kinh. Xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?

Người thuyết giới lập lại câu hỏi ba lần. Nếu trong chúng có ai phạm giới, tự bước ra cầu pháp sám hối để chúng tăng quyết định. Nếu không, tất cả đều lặng yên.

– Kính bạch chư đại tỷ, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

II. TÁM PHÁP BA-LA-DI

– Kính bạch chư đại tỷ tăng, tám pháp ba-la-di này, nửa tháng phải tụng đọc một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.

1. Như có tỳ-kheo ni nào, làm việc dâm dục, phạm vào hạnh bất tịnh, thậm chí với loài súc vật. Tỳ-kheo ni như vậy phạm vào tội ba-la-di.

2. Như có tỳ-kheo ni nào, ở trong chỗ thôn xóm hay nơi vắng vẻ, lấy đi một vật gì không phải của người khác cho mình, phạm vào tội mà theo pháp luật phải bị bắt giữ, hoặc bị tử hình, hoặc bị phạt tù, hoặc bị trục xuất khỏi nơi đó, lại bị nhiếc mắng là phường trộm cắp, ngu si, thiếu hiểu biết. Tỳ-kheo ni như vậy là phạm vào tội ba-la-di.

3. Như có tỳ-kheo ni nào, cố ý tự tay giết chết người, hoặc đưa vật có thể giết người cho kẻ khác, hoặc khuyến khích, xúi giục sự giết người, cho đến khuyến khích, xúi giục kẻ khác tự dứt mạng sống, hoặc dùng đủ mọi phương tiện để thúc đẩy việc giết người. Tỳ-kheo ni như vậy là phạm vào tội ba-la-di.

4. Như có tỳ-kheo ni nào, thật không có chỗ hiểu biết, lại tự nói rằng: “Tôi đã chứng đắc pháp cao thượng, được trí tuệ của bậc thánh, được pháp vi diệu. Tôi biết như thế này, tôi thấy như thế này.” Thời gian sau, tỳ-kheo ni ấy tự biết lỗi, muốn được trong sạch trở lại nên dù có người hỏi hoặc không có người hỏi, cũng tự nhận rằng: “Tôi quả thật không có sự thấy, sự biết như vậy, chỉ là lời nói luống dối đó thôi.” Tỳ-kheo ni như vậy là phạm vào tội ba-la-di, trừ khi rơi vào trường hợp tăng thượng mạn.

5. Như có tỳ-kheo ni nào, khởi tâm ô nhiễm, cùng người nam cũng khởi tâm ô nhiễm, xúc chạm thân thể với nhau từ nách trở xuống tới đầu gối, hoặc dùng tay sờ, nắm, lôi kéo… làm các động tác đụng cọ với nhau. Tỳ-kheo ni như vậy, phạm vào tội ba-la-di.

6. Như có tỳ-kheo ni nào, khởi tâm ô nhiễm, biết một người nam cũng khởi tâm ô nhiễm như mình, liền nắm tay, nắm áo, cùng vào chỗ khuất, cùng đứng một chỗ, cùng nói chuyện qua lại, cùng đi chung đường, hoặc để thân thể dựa vào nhau, hoặc hò hẹn nhau. Tỳ-kheo ni như vậy, phạm vào tội ba-la-di. Vì phạm vào tám việc nói trên.

7. Như có tỳ-kheo ni nào, biết một tỳ-kheo ni khác phạm tội ba-la-di không tự nói ra. Biết như vậy mà không nói cho ai biết, cũng không thưa với đại chúng. Về sau, khi tỳ-kheo ni phạm tội ấy đã chết, hoặc rời khỏi chúng tăng vì bị trục xuất, hoặc theo ngoại đạo, tỳ-kheo ni biết chuyện mới nói rằng: “Trước đây tôi có biết chuyện như vậy, như vậy…” Tỳ-kheo ni như vậy, phạm vào tội ba-la-di. Vì che giấu trọng tội.

8. Như có tỳ-kheo ni nào, biết tỳ-kheo tăng phạm giới, chúng tăng đã theo đúng pháp, đúng luật, đúng lời Phật dạy chỉ bảo cho mà không chịu nghe theo, không chịu sám hối. Biết như vậy mà cùng tỳ-kheo ấy ở cùng một chỗ, tùy thuận nghe theo. Các vị tỳ-kheo ni khác can ngăn rằng: “Đại tỷ, tỳ-kheo ấy phạm giới, chúng tăng đã theo đúng pháp, đúng luật, đúng lời Phật dạy chỉ bảo cho mà không chịu nghe theo, không chịu sám hối. Đại tỷ không nên tùy thuận theo ông ấy.”

Chư tỳ-kheo ni can ngăn như vậy mà tỳ-kheo ni kia vẫn kiên trì không bỏ. Chư tỳ-kheo ni nên khuyên can cho đến ba lần. Như chịu bỏ thì tốt, bằng vẫn không bỏ, phạm vào tội ba-la-di.

– Kính bạch chư đại tỷ. Tôi đã thuyết xong tám pháp ba-la-di. Như có tỳ-kheo ni nào phạm vào một trong các pháp ba-la-di này, không được cùng chung sống với chư tỳ-kheo ni như trước nữa. Cho đến về sau cũng vậy, tỳ-kheo ni đã phạm vào tội ba-la-di không nên cho phép sống chung trong chúng tăng.

Xin hỏi chư đại tỷ, trong các vị đây có được thanh tịnh hay chăng?

Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.

– Kính bạch chư đại tỷ, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

III. MƯỜI BẢY PHÁP TĂNG-GIÀ BÀ-THI-SA

– Kính bạch chư đại tỷ tăng. Mười bảy pháp tăng-già bà-thi-sa này, nửa tháng phải tụng đọc một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.

1. Như có tỳ-kheo ni nào đi lại làm môi giới giữa đôi bên trai gái, chuyển lời qua lại giữa đôi bên, hoặc sau thành chồng vợ, hoặc chỉ dan díu cùng nhau, dù là thoáng chốc. Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

2. Như có tỳ-kheo ni nào, vì sự giận tức không vui, vô cớ vu cáo cho người khác là phạm tội ba-la-di, vì muốn hủy hoại sự trong sạch của người ấy. Thời gian sau, hoặc có người hỏi hoặc không có người hỏi, tỳ-kheo ni ấy tự biết mình vô cớ vu cáo nên nói ra rằng: “Điều ấy là do tôi tức giận mà nói như vậy thôi.” Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

3. Như có tỳ-kheo nào, vì sự giận tức không vui, dựa vào những căn cứ mà tự mình biết là sai lệch, không đúng, để vu cáo cho người khác là phạm tội ba-la-di, vì muốn hủy hoại sự trong sạch của người ấy. Thời gian sau, hoặc có người hỏi hoặc không có người hỏi, tỳ-kheo ni ấy tự biết mình đã dựa vào những chứng cứ sai lệch, không đúng, nên nói ra rằng: “Điều ấy là do tôi tức giận mà nói như vậy thôi.” Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

4. Như có tỳ-kheo ni nào tự đến cửa quan mà thưa kiện, tranh chấp với một người thế tục, hoặc con cái, người hầu… của người thế tục, dù là vì chuyện gì, dù là vào lúc nào. Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

5. Như có tỳ-kheo ni nào biết người nữ phạm tội đáng chết, mọi người đều rõ. Biết như vậy mà không đến hỏi trước nơi quan chức, không tra xét trong dòng họ, lại độ cho người nữ ấy xuất gia thọ cụ túc giới. Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

6. Như có tỳ-kheo ni nào biết tỳ-kheo ni khác phạm giới, chúng tăng đã theo đúng pháp, đúng luật, đúng lời Phật dạy chỉ bảo cho mà không chịu nghe theo, không chịu sám hối. Chúng tăng vì thế chưa cho phép người ấy được cùng ở chung. Tỳ-kheo ni tuy biết như vậy, mà vì lòng ái luyến nên không thưa hỏi chúng tăng, chúng tăng cũng không sai khiến, lại tự ý làm phép yết-ma giải tội cho tỳ-kheo ni kia. Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

7. Như có tỳ-kheo ni nào, đi một mình vượt qua dòng nước, hoặc một mình vào trong thôn xóm, hoặc ngủ đêm một mình, hoặc một mình đi sau tất cả mọi người. Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

8. Như có tỳ-kheo ni nào, khởi tâm ô nhiễm, biết một người nam cũng khởi tâm ô nhiễm, nhận lãnh vật thực, đồ dùng từ người ấy. Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

9. Như có tỳ-kheo ni nào nói với tỳ-kheo ni khác rằng: “Đại tỷ, người kia dù có tâm ô nhiễm, nếu mình không có tâm ô nhiễm thì đâu có hại gì. Nếu mình không có tâm ô nhiễm, như người khởi tâm ô nhiễm trao vật thực cho mình, chỉ lấy tâm thanh tịnh mà thọ nhận là được.” Tỳ-kheo ni phạm lần đầu tiên như vậy nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

10. Như có tỳ-kheo ni nào muốn phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng, thực hiện việc phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng, theo các pháp phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng, rồi cố giữ mãi không từ bỏ. Những tỳ-kheo khác nên can ngăn rằng: “Đại tỷ, không nên muốn phá sự hòa hiệp của chúng tăng, không nên thực hiện việc phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng. Không nên theo những pháp phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng rồi cố giữ mãi không từ bỏ. Đại tỷ nên cùng với chúng tăng sống hòa hiệp, vui vẻ, không tranh cãi nhau. Cùng theo học một thầy, nên hòa hợp nhau như sữa hòa trong nước, như vậy mới cùng được thêm phần lợi ích, cùng sống yên vui trong pháp Phật.”

Nếu tỳ-kheo ni ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo, nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

11. Như có tỳ-kheo ni có bè đảng, hoặc một người, hoặc hai, ba người cho đến rất nhiều người. Các tỳ-kheo ni bè đảng nói với chúng tỳ-kheo ni rằng: “Đại tỷ, xin đừng can ngăn vị ấy. Vị ấy nói ra đúng Chánh pháp, đúng Giới luật. Những điều vị ấy nói ra làm cho chúng tôi vui thích, có thể chấp nhận được.”

Các vị tỳ-kheo ni nên can ngăn tỳ-kheo ni tán trợ ấy rằng: “Đại tỷ chớ nên nói như thế. Chớ nên nói rằng tỳ-kheo ni ấy nói đúng Chánh pháp, nói đúng Giới luật, nói điều có thể vui thích, chấp nhận được. Thật ra tỳ-kheo ni ấy nói những điều trái Chánh pháp, trái Giới luật. Đại tỷ, xin đừng mong muốn phá hoại sự hòa hiệp của chúng tăng. Chúng ta nên cùng với chúng tăng sống hòa hiệp, vui vẻ, không tranh cãi nhau. Cùng theo học một thầy, nên hòa hợp nhau như sữa hòa trong nước, như vậy mới cùng được thêm phần lợi ích, cùng sống yên vui trong pháp Phật.”

Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo, nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

12. Như có tỳ-kheo ni nào đến ở trong thôn xóm, làm ô uế nhà thiện tín, cùng làm những việc xấu ai ai cũng thấy biết. Các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn tỳ-kheo ni ấy rằng: “Đại tỷ làm ô uế nhà thiện tín, cùng làm những việc xấu ai ai cũng thấy biết, nay nên rời bỏ chỗ thôn xóm này, không nên ở đây nữa.”

Tỳ-kheo ni ấy đáp rằng: “Đại tỷ, nay các tỳ-kheo ni đều có yêu, có giận, có sợ, có ngu si; cũng có những tỳ-kheo ni đồng tội như vậy, sao có người lại bị đuổi, có người không bị đuổi.”

Các tỳ-kheo ni khác lại can ngăn rằng: “Đại tỷ không nên nói như vậy. Không nên nói chư tỳ-kheo ni có yêu, có giận, có sợ, có ngu si, có những người đồng tội như vậy, có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Quả thật chư tỳ-kheo ni không có yêu, có giận, có sợ, có ngu si. Đại tỷ làm ô uế nhà thiện tín, làm những việc xấu ai ai cũng thấy biết.”

Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo, nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

13. Như có tỳ-kheo ni nào tánh tình xấu ác, với những việc trong giới pháp chẳng chịu nghe lời người khác. Các tỳ-kheo ni khác đã theo đúng pháp mà can ngăn, nhưng tỳ-kheo ni ấy tự thân không nghe, còn nói rằng: “Các vị đại tỷ, xin đừng nói những chuyện tốt xấu của tôi. Tôi cũng không nói những chuyện tốt xấu của các vị. Xin các vị hãy thôi đi, đừng nhiều lần can ngăn tôi như thế.”

Các tỳ-kheo ni khác lại can ngăn rằng: “Đại tỷ, không nên tự mình chẳng chịu nghe lời can ngăn của kẻ khác. Đại tỷ nên biết nghe lời can ngăn. Chúng ta nên theo đúng pháp mà can ngăn lẫn nhau, biết tự nhận lỗi mình mà sám hối, có như vậy thì hết thảy đệ tử của Phật đều được tăng thêm phần lợi ích.”

Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo, nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

14. Như có hai tỳ-kheo ni cùng sống chung với nhau, cùng làm những việc xấu ác, tiếng xấu lan rộng khắp nơi, lại tìm cách che giấu tội lỗi cho nhau. Chư tỳ-kheo ni khác nên can ngăn rằng: “Các đại tỷ, xin đừng sống chung với nhau, cùng làm những việc xấu ác, tiếng xấu lan rộng khắp nơi, lại tìm cách che giấu tội lỗi cho nhau. Các vị nếu không sống chung nhau như vậy mới cùng được thêm phần lợi ích, cùng sống yên vui trong pháp Phật.”

Nếu hai tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn, mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo, nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

15. Như có tỳ-kheo ni nào, đối với hai tỳ-kheo ni phạm tội đã bị chúng tăng phạt biệt trụ, nói lời như thế này: “Các vị không cần phải sống cách biệt như thế, nên sống chung với nhau. Tôi thấy có những tỳ-kheo ni khác không sống cách biệt, cũng sống chung thân cận nhau, cũng cùng làm những việc xấu ác, tiếng xấu lan rộng khắp nơi, lại tìm cách che giấu tội lỗi cho nhau. Chúng tăng vì giận ghét nên mới buộc các vị phải sống cách biệt đó thôi.”

Các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn rằng: “Đại tỷ, xin đừng nói như vậy với các tỳ-kheo ni ấy. Thật chỉ có hai tỳ-kheo ni ấy sống chung nhau, cùng làm những việc xấu ác, tiếng xấu lan rộng khắp nơi, lại tìm cách che giấu tội lỗi cho nhau, ngoài ra chẳng còn ai khác phạm tội như vậy. Nếu hai tỳ-kheo ni ấy sống cách biệt, mới cùng được thêm phần lợi ích, cùng sống yên vui trong pháp Phật.”

Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo, nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

16. Như có tỳ-kheo ni nào, vì một nguyên nhân nhỏ, sanh lòng giận tức không vui, nói rằng: “Tôi nay bỏ chẳng theo Phật, chẳng theo Pháp, chẳng theo Tăng. Chẳng phải chỉ riêng có một đạo Phật, còn có những đạo khác cũng tu hành giữ hạnh trong sạch. Tôi nay có thể theo các đạo ấy.”

Các vị tỳ-kheo ni nên can ngăn rằng: “Đại tỷ, không nên vì một chuyện nhỏ, sanh lòng giận tức không vui mà nói ra lời như vậy.”

Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo, nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

17. Như có tỳ-kheo ni nào tánh tình ưa gây gổ tranh chấp không tốt, sau ghi nhớ lấy sự tranh chấp ấy, sanh lòng sân hận, nói ra lời này: “Chúng tăng có yêu, có giận, có sợ, có ngu si.”

Các vị tỳ-kheo ni nên can ngăn rằng: “Đại tỷ tánh tình ưa gây gổ tranh chấp không tốt, sau ghi nhớ lấy sự tranh chấp ấy, lại nói rằng chúng tăng có yêu, có giận, có sợ, có ngu si. Thật ra chúng tăng không có yêu, có giận, có sợ, có ngu si.”

Nếu tỳ-kheo ni sai lầm ấy nghe lời can ngăn mà vẫn không thay đổi, các tỳ-kheo ni khác nên can ngăn như vậy đến ba lần. Nếu tỳ-kheo ni ấy chịu nghe thì tốt, bằng như can gián đến lần thứ ba mà không chịu nghe theo, nên cách ly khỏi chúng tăng, là tội tăng-già bà-thi-sa.

– Kính bạch chư đại tỷ. Tôi đã thuyết xong mười bảy pháp tăng-già bà-thi-sa. Chín pháp đầu là phạm vào thành tội ngay, tám pháp sau là qua ba lần can ngăn mới thành tội. Như có tỳ-kheo ni nào phạm vào một trong các pháp tăng-già bà-thi-sa này, phải đối trước hai bộ chúng tăng và ni mà thực hành phép cấm phòng trong nửa tháng. Sau đó, phải làm nghi thức xuất tội, có sự tham dự của ít nhất là 40 vị tỳ-kheo và tỳ-kheo ni thanh tịnh. Nếu không đủ số 40 vị tỳ-kheo và tỳ-kheo ni thanh tịnh mà làm nghi thức xuất tội, thì tội ấy chẳng những không được tiêu trừ, mà các vị tham gia cũng đáng quở trách.

Với mười bảy pháp tăng-già bà-thi-sa này, xin hỏi chư đại tỷ, trong chúng đây có được thanh tịnh hay chăng?

Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.

– Kính bạch chư đại tỷ, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

IV. BA MƯƠI PHÁP NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ

– Kính bạch chư đại tỷ tăng. Ba mươi pháp ni-tát-kỳ ba-dật-đề này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.

1. Như có tỳ-kheo ni nào đã đủ bộ năm tấm y, nếu nhận y ca-hy-na cũng đã xả, như có nhận thêm y được giữ trong vòng 10 ngày, rồi phải theo phép tịnh thí mà xả bỏ. Như quá 10 ngày vẫn còn giữ y thừa, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

2. Như có tỳ-kheo ni nào đã đủ bộ năm tấm y, nếu nhận y ca-hy-na cũng đã xả, lại xa rời một trong năm tấm y của mình mà đến ngủ chỗ khác, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề, trừ khi đã xin chư tăng kết giới không mất y.

3. Như có tỳ-kheo ni nào đã đủ bộ năm tấm y, nếu nhận y ca-hy-na cũng đã xả, vì muốn vá sửa hoặc thay y mới nên mới thọ nhận vải may y không phải thời. Khi nhận rồi phải nhanh chóng may thành y, như chưa đủ vải thì được cất giữ trong một tháng để chờ xin cho đủ vải. Nếu quá một tháng, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

4. Như có tỳ-kheo ni nào nhận y từ một cư sĩ, vợ cư sĩ, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề, trừ trường hợp những người đó là bà con thân thuộc, hoặc trường hợp y đã bị cướp, bị mất, bị cháy, bị nước cuốn trôi.

5. Như tỳ-kheo ni nào có y bị cướp, bị mất, bị cháy, bị nước cuốn trôi, lại có người cư sĩ hoặc vợ cư sĩ không phải là bà con thân thuộc đến cúng dường rất nhiều y cho tùy ý thọ nhận. Tỳ-kheo ni đó chỉ nên nhận vừa đủ, nếu quá mức, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

6. Như có tỳ-kheo ni nào, có người cư sĩ hoặc vợ cư sĩ vì mình mà định mua y cúng dường, tỳ-kheo ni ấy trước không được thỉnh cúng dường tùy ý, lại đến bảo họ nên mua y cúng dường theo ý mình, vì muốn tốt hơn. Nếu nhận được y, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

7. Như có tỳ-kheo ni nào, có hai nhà cư sĩ hoặc vợ cư sĩ vì mình mà định mua y cúng dường, tỳ-kheo ấy trước không được thỉnh cúng dường tùy ý, lại đến bảo họ nên chung tiền lại để mua y cúng dường theo ý mình, vì muốn tốt hơn. Nếu nhận được y, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

8. Như có tỳ-kheo ni nào, có thí chủ sai người mang tiền đến cúng dường cho để may y. Tỳ-kheo ni ấy đáp rằng: “Tôi không thể nhận tiền này, như tôi cần y, phải theo đúng pháp mới nhận.” Người kia hỏi: “Đại tỷ có người giúp làm việc này không?” Đáp: “Có.” Tỳ-kheo ni liền chỉ đến người có thể thay mình nhận tiền may y. Người kia chuyển tiền đến đó rồi báo lại cho tỳ-kheo ni biết: “Tôi đã giao tiền may y cho người ấy, đại tỷ sau này nên đến đó mà nhận y.”

Sau một thời gian, nếu không nhận được y, tỳ-kheo ni có thể đến chỗ người nhận tiền may y để nhắc nhở, một lần, hai lần hoặc ba lần, dùng lời nhắc cho người ấy nhớ.

Nếu vẫn không nhận được y, có thể đến lần thứ tư, thứ năm, thứ sáu, nhưng chỉ được lặng thinh mà đến để người ấy tự nhớ ra, không được dùng lời nhắc nhở nữa.

Nếu khi ấy mà nhận được y thì tốt, bằng không nhận được thì thôi không đến nữa. Nếu còn đến đòi hỏi, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Nếu cuối cùng không nhận được y, tỳ-kheo ni nên tự đến, hoặc nhờ người đến chỗ người đã cúng tiền may y mà báo cho biết rằng: “Trước đây người có gởi cúng số tiền để may y cho tỳ-kheo ni ấy, nay tỳ-kheo ni ấy thật không nhận được y. Người có thể đến lấy lại tiền, không nên để mất.” Như vậy là đúng pháp.

9. Như có tỳ-kheo ni nào tự tay nhận tiền, vàng, bạc, hoặc chỉ bảo sai khiến người nhận lấy, hoặc nói là có thể thọ nhận, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

10. Như có tỳ-kheo ni nào mua bán các món đồ quý giá, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

11. Như có tỳ-kheo ni nào làm việc buôn bán, trao đổi các thứ, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

12. Như có tỳ-kheo ni nào dùng bình bát chưa đủ năm lần hàn, không bị rỉ chảy, lại muốn nhận bình bát khác tốt hơn. Nếu được bát mới, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Tỳ-kheo ni đã phạm điều này, nên mang đến trước chúng ni tăng mà xả bỏ rồi sám hối. Chúng ni tăng nhận cho sám hối rồi, sẽ giao lại cho tỳ-kheo ni ấy bình bát nào xấu nhất. Nên giữ lấy mà dùng cho đến khi hư bể, như vậy mới đúng pháp.

13. Như có tỳ-kheo ni nào được người cúng dường sợi vải, tự mình mang đến thợ dệt nhờ dệt lại thành vải để may y, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Trừ trường hợp người thợ dệt ấy là bà con thân thuộc.

14. Như có cư sĩ hoặc vợ cư sĩ nhờ thợ dệt vải để may y cúng dường cho tỳ-kheo ni. Vị tỳ-kheo ni ấy trước không được nhận thỉnh tùy ý, lại tìm đến người thợ dệt và nói rằng: “Tấm y đó là làm cho tôi. Ông hãy dệt cho thật tốt. Hãy dệt cho rộng rãi, bền chắc, nhuyễn mịn, tôi sẽ thưởng cho ông.” Tỳ-kheo ni ấy nói rồi cho tiền thợ dệt, dù chỉ trị giá một bữa ăn, nhận được y rồi là phạm tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

15. Như có tỳ-kheo ni nào, trước đem y thí cho một tỳ-kheo ni khác, sau lại vì sự giận hờn mà đòi lại, hoặc bảo người khác đòi, nói rằng: “Trả y cho tôi, chẳng cho cô nữa.” Tỳ-kheo ni kia trả y, tỳ-kheo ni này nhận y lại rồi, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

16. Như tỳ-kheo ni vì mắc bệnh, có thể cất dùng các món để làm thuốc như váng sữa, dầu, sữa tươi, mật, đường, trong vòng 7 ngày. Nếu quá 7 ngày mà dùng, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

17. Khi còn mười ngày nữa mới mãn hạ an cư, có thí chủ vì việc gấp đến cúng dường y. Tỳ-kheo ni biết việc cúng dường gấp, có thể thọ nhận. Nhận rồi được cất giữ theo thời gian quy định, như cất giữ quá lâu, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

18. Như có tỳ-kheo ni nào, biết là đồ vật cúng dường cho chúng tăng mà muốn lấy làm của mình, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

19. Như có tỳ-kheo ni nào đã nói mình cần món gì, sau lại nói là cần món khác, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

20. Như có tỳ-kheo ni nào biết thí chủ nguyện cúng dường cho chúng tăng để dùng vào một mục đích, lại mang dùng vào mục đích khác, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

21. Như có tỳ-kheo ni nào quyên góp tài vật cho một việc gì, sau lại dùng vào việc khác cho chúng tăng, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

22. Như có tỳ-kheo ni nào thọ nhận của thí chủ cúng dường để làm một việc gì, sau lại đổi sang làm một việc khác không theo ý thí chủ, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

23. Như vị tỳ-kheo ni nào nhân danh chúng tăng để quyên góp tài vật làm việc gì, sau lại làm một việc khác, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

24. Như có tỳ-kheo ni nào cất giữ thêm bình bát, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

25. Như có tỳ-kheo nào cất giữ nhiều đồ vật tốt đẹp, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

26. Như có tỳ-kheo ni nào đã hứa với tỳ-kheo ni khác sẽ cho vị ấy bệnh y, rồi sau lại không đưa cho, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

27. Như có tỳ-kheo ni nhận y phi thời, lấy làm y phải thời, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

28. Như có tỳ-kheo ni nào cùng với tỳ-kheo ni khác trao đổi y, sau vì giận ghét mà đòi lại, hoặc khiến người khác đòi, nói rằng: “Y của cô trả cho cô, y của tôi lấy về cho tôi, không đổi nữa”, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

29. Như có tỳ-kheo ni nào nhận y dày nặng giữ ấm mùa đông, giá trị không được quá bốn xấp vải. Nếu quá, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

30. Như có tỳ-kheo ni nào nhận y mỏng nhẹ dùng mùa hè, giá trị không được quá hai xấp rưỡi vải. Nếu quá, phạm vào tội ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

– Kính bạch chư đại tỷ. Tôi đã thuyết xong ba mươi pháp ni-tát-kỳ ba-dật-đề, xin hỏi chư đại tỷ, trong chúng đây có được thanh tịnh hay chăng?

Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.

– Kính bạch chư đại tỷ, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

V. MỘT TRĂM BẢY MƯƠI TÁM PHÁP BA-DẬT-ĐỀ

– Kính bạch chư đại đức tỷ. Một trăm bảy mươi tám pháp ba-dật-đề này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.

1. Như có tỳ-kheo ni nào biết là điều sai sự thật mà vẫn nói ra, phạm vào tội ba-dật-đề.

2. Như có tỳ-kheo ni nào dùng nhiều lời hủy nhục người, phạm vào tội ba-dật-đề.

3. Như có tỳ-kheo ni nào dùng cách nói hai lưỡi, phạm vào tội ba-dật-đề.

4. Như có tỳ-kheo ni nào ngủ qua đêm trong cùng một nhà với đàn ông, phạm vào tội ba-dật-đề.

5. Như có tỳ-kheo ni nào ngủ qua đêm trong cùng một nhà với người nữ chưa thọ giới cụ túc quá ba đêm, phạm vào tội ba-dật-đề.

6. Như có tỳ-kheo ni nào cùng với người chưa thọ cụ túc giới tụng đọc kinh điển, phạm vào tội ba-dật-đề.

7. Như có tỳ-kheo ni nào đem việc phạm tội thô ác của tỳ-kheo ni khác nói với người chưa thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp do chúng tăng sai khiến.

8. Như có tỳ-kheo ni nào đem việc mình chứng đắc hơn người nói với người chưa thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

9. Như có tỳ-kheo ni nào thuyết pháp quá năm, sáu câu với người phái nam, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp có một người nữ sáng suốt cùng ở đó.

10. Như có tỳ-kheo ni nào tự tay đào xới đất, hoặc sai bảo người khác làm, phạm vào tội ba-dật-đề.

11. Như có tỳ-kheo ni nào phá hại mầm giống cho đến các loại cây cỏ đang còn sống, phạm vào tội ba-dật-đề.

12. Như có tỳ-kheo ni nào cố ý nói ra những lời quanh co, khúc chiết, không đúng với sự việc, gây phiền toái cho người khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

13. Như có tỳ-kheo ni nào chê bai, nhiếc mắng vị làm tri sự, phạm vào tội ba-dật-đề.

14. Như có tỳ-kheo ni nào tự mình lấy, hoặc nhờ người khác lấy các vật dụng của chúng tăng như ghế, giường, ngọa cụ… mang ra chỗ trống để dùng. Khi dùng xong, trước khi rời đi không dẹp cất lại chỗ cũ, cũng không nhờ người khác dẹp cất lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

15. Như có tỳ-kheo ni nào ở trong tăng phòng, tự mình lấy, hoặc nhờ người khác lấy các vật dụng của chúng tăng như ghế, giường, ngọa cụ mà dùng. Khi dùng xong, trước khi rời đi không dẹp cất lại chỗ cũ, cũng không nhờ người khác dẹp cất lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

16. Như có tỳ-kheo ni nào, biết chỗ nghỉ của tỳ-kheo ni khác, khi đến sau lại mang ngọa cụ trải ra mà nằm, tự nghĩ rằng: “Nếu bà ấy có chê là chật chội thì cứ việc tránh ta mà đi nơi khác.” Chỉ vậy, không có lý do nào khác, không hợp với oai nghi, phạm vào tội ba-dật-đề.

17. Như có tỳ-kheo ni nào do tức giận tỳ-kheo ni khác, trong lòng không vui, liền xô đuổi hoặc sai khiến người khác xô đuổi tỳ-kheo ni ấy ra khỏi tăng phòng, phạm vào tội ba-dật-đề.

18. Như có tỳ-kheo ni nào ở tầng gác cao, nằm hoặc ngồi trên giường đã bị lỏng chân, phạm vào tội ba-dật-đề.

19. Như có tỳ-kheo ni nào biết là nước có trùng mà tự mình dùng, tưới lên bùn đất, cây cỏ, hoặc sai bảo người khác làm như vậy, phạm vào tội ba-dật-đề.

20. Như có tỳ-kheo ni nào làm phòng lớn có cửa song, cửa sổ và các vật trang hoàng, chỉ được lợp mái từ hai đến ba lớp. Nếu quá mức, phạm vào tội ba-dật-đề.

21. Như có tỳ-kheo ni nào đến chỗ thí chủ cúng dường một bữa ăn, không có bệnh chỉ được thọ nhận một bữa. Nếu quá, phạm vào tội ba-dật-đề.

22. Như có tỳ-kheo ni nào thọ thỉnh ăn thành chúng riêng, phạm tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như khi có bệnh, khi may y, khi nhận cúng y, khi đi đường xa, khi đi tàu thuyền, khi đại chúng tụ họp đông đảo, khi các thầy tu ngoại đạo cúng dường.

23. Như tỳ-kheo ni thọ thỉnh cúng dường ở nhà cư sĩ, được ân cần mờ các thứ bánh hoặc lương khô, nếu muốn có thể nhận đến hai hoặc ba bát mang về chùa phân chia cho các tỳ-kheo ni khác cùng ăn. Như tỳ-kheo ni không có bệnh mà thọ nhận nhiều hơn hai hoặc ba bát, khi về chùa không phân chia cho các tỳ-kheo ni khác cùng ăn, phạm tội ba-dật-đề.

24. Như có tỳ-kheo ni nào ăn phi thời, phạm tội ba-dật-đề.

25. Như có tỳ-kheo ni nào ăn thức ăn chứa trữ từ hôm trước, phạm vào tội ba-dật-đề.

26. Như có tỳ-kheo ni nào, không phải thức ăn hoặc thuốc cúng dường cho mình mà để vào trong miệng, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ ra nước và nhành dương.

27. Như có tỳ-kheo nào trước đã thọ thỉnh cúng dường, sau đó trước hoặc sau giờ thọ thực lại đến nhà khác mà không báo cho tỳ-kheo khác biết, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như có bệnh, hoặc khi nhận cúng y, khi may y.

28. Như có tỳ-kheo ni nào khất thực trong nhà có đồ quý giá, cố ngồi nán lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

29. Như có tỳ-kheo ni nào khất thực trong nhà có đồ quý giá, đến chỗ khuất trong nhà mà ngồi, phạm vào tội ba-dật-đề.

30. Như có tỳ-kheo ni nào ngồi riêng với nam giới ở chỗ trống trải, phạm vào tội ba-dật-đề.

31. Như có tỳ-kheo ni nào bảo tỳ-kheo ni khác cùng đi với mình đến chỗ thôn xóm kia, nói rằng có thể nhận được thức ăn. Đến nơi không cho ăn, lại xô đuổi vị kia rằng: “Bà nên đi đi. Tôi ngồi với bà, nói chuyện với bà không được vui, tôi ngồi một mình sẽ được vui vẻ.” Nói thế không ngoài mục đích là tìm cách xô đuổi vị kia đi nơi khác. Tỳ-kheo ni như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.

32. Như có tỳ-kheo ni nào muốn nhận sự cúng dường thuốc men của thí chủ để dùng trong vòng 4 tháng, dù không bệnh cũng được nhận. Nếu nhận quá mức trên, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp có người phát tâm cúng dường thường xuyên, hoặc hết hạn bốn tháng rồi nhận cúng dường lần khác, hoặc thí chủ mang đến chùa phân chia cúng dường cho ni chúng, hoặc thí chủ phát tâm cúng dường suốt đời.

33. Như có tỳ-kheo ni nào đến xem những chỗ quân trận, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp có nhân duyên thích hợp.

34. Như có tỳ-kheo ni nào có nhân duyên phải đến chỗ quân trận, có thể ở lại hai hoặc ba đêm. Nếu quá, phạm vào tội ba-dật-đề.

35. Như có tỳ-kheo ni nào, có nhân duyên phải đến chỗ quân trận, phải ở lại đó từ hai đến ba đêm, lại đi xem quân lính tập dượt, dàn trận, đánh nhau, phạm vào tội ba-dật-đề.

36. Như có tỳ-kheo ni nào uống rượu, phạm vào tội ba-dật-đề.

37. Như có tỳ-kheo ni nào bơi lội đùa nghịch trong nước, phạm tội ba-dật-đề.

38. Như tỳ-kheo ni dùng ngón tay mà chọc lẫn vào người nhau, phạm vào tội ba-dật-đề.

39. Như có tỳ-kheo ni nào không nghe lời can ngăn của người khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

40. Như có tỳ-kheo ni nào làm cho tỳ-kheo ni khác lo lắng, sợ sệt, phạm vào tội ba-dật-đề.

41. Như có tỳ-kheo ni nào trong nửa tháng tắm quá một lần, phạm tội ba-dật-đề. Trừ các trường hợp như khi trời nóng nực, khi thân thể có bệnh, khi phải làm việc nhiều, khi mưa gió, khi đi đường xa.

42. Như có tỳ-kheo ni nào không có bệnh nhưng vì muốn hơ ấm, ở chỗ đất trống đốt lửa, hoặc sai khiến người khác đốt, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp có nhân duyên thích hợp.

43. Như có tỳ-kheo ni nào mang giấu y bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo ni khác, dù chỉ để đùa chơi, phạm vào tội ba-dật-đề.

44. Như có tỳ-kheo ni nào đã đem y thí cho người khác, về sau không nói với người ấy mà tự ý lấy dùng, phạm vào tội ba-dật-đề.

45. Như có tỳ-kheo ni nào được y mới, phải đem nhuộm cho xấu đi rồi mới dùng. Nếu không nhuộm xấu đi mà mặc vào, phạm tội ba-dật-đề.

46. Như có tỳ-kheo ni nào cố ý giết chết các loài động vật, phạm vào tội ba-dật-đề.

47. Như có tỳ-kheo ni nào biết là trong nước có trùng mà dùng để uống, phạm vào tội ba-dật-đề.

48. Như có tỳ-kheo ni nào cố ý tìm cách gây sự phiền muộn, buồn bực cho tỳ-kheo ni khác, khiến chẳng lúc nào được vui vẻ, phạm vào tội ba-dật-đề.

49. Như có tỳ-kheo ni nào biết tỳ-kheo ni khác phạm tội thô mà che giấu, phạm vào tội ba-dật-đề.

50. Như có tỳ-kheo ni nào, biết những chuyện tranh chấp đã theo đúng pháp sám hối trừ diệt rồi, sau lại phát khởi lên, phạm vào tội ba-dật-đề.

51. Như có tỳ-kheo ni nào đã biết là kẻ gian mà cùng đi chung đường, dù chỉ là trong phạm vi một xóm làng, phạm vào tội ba-dật-đề.

52. Như có tỳ-kheo ni nào nói rằng: “Phật có nói là việc dâm dục không ngăn ngại gì cho đạo pháp.” Có tỳ-kheo ni khác can ngăn rằng: “Đại tỷ, chớ nói như thế. Chớ nên hủy báng đức Thế Tôn, như vậy là không tốt. Thế Tôn không hề nói ra lời như vậy. Ngài đã dùng vô số phương tiện để chỉ ra rằng việc dâm dục là ngăn ngại cho đạo pháp.”

Dù can ngăn như thế, tỳ-kheo ni kia vẫn nhất mực không bỏ. Nên khuyên can cho đến ba lần. Nếu đến lần thứ ba mà chịu nghe thì tốt, bằng như vẫn không nghe, phạm vào tội ba-dật-đề.

53. Như có tỳ-kheo ni nào, biết tỳ-kheo ni khác đã nói lời như trên, chưa sám hối theo như pháp, chưa bỏ chỗ tà kiến ấy, mà vẫn cung cấp cho những thứ cần dùng, lại cùng làm phép yết-ma, cùng ngủ nghỉ chung nhau, nói chuyện qua lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

54. Như tỳ-kheo ni nào, biết sa-di ni nói ra lời này: “Phật có nói việc dâm dục không ngăn ngại gì cho đạo pháp.” Tỳ-kheo ni ấy liền can ngăn rằng: “Ngươi chớ nên hủy báng đức Thế Tôn, như vậy không tốt. Này sa-di ni, đức Thế Tôn không hề nói ra lời như vậy. Ngài đã dùng vô số phương tiện để chỉ ra rằng việc dâm dục là ngăn ngại cho đạo pháp.”

Dù can ngăn như thế, sa-di ni kia vẫn nhất mực không bỏ. Tỳ-kheo ni ấy nên khuyên can, quở trách cho đến ba lần, buộc phải từ bỏ lời sai trái ấy. Nếu đến lần thứ ba mà chịu nghe thì tốt, bằng như vẫn không nghe, tỳ-kheo ni ấy nên nói như thế này: “Ngươi từ nay về sau không được gọi Phật là đức Thế Tôn của ngươi nữa, không được đi theo các tỳ-kheo ni, cũng không được cùng chư tỳ-kheo ni ngủ chung hai đến ba đêm như các sa-di ni khác. Ngươi phải đi khỏi đây, không được ở lại nữa.”

Như có tỳ-kheo ni nào biết sa-di ni đã bị đuổi đi như vậy mà còn mang về nuôi dưỡng, cùng sa-di ni ấy ngủ nghỉ chung nhau, nói chuyện qua lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

55. Như tỳ-kheo ni nào làm điều sai trái, có tỳ-kheo ni khác theo đúng pháp can ngăn, liền đáp rằng: “Nay tôi không học giới này. Phải đợi chất vấn các vị tỳ-kheo ni khác có trí tuệ, giữ giới.” Tỳ-kheo ni ấy phạm vào tội ba-dật-đề. Như nếu thật sự vì muốn hiểu, muốn học, thì có thể chất vấn.

56. Như có tỳ-kheo ni nào, vào lúc thuyết giới nói rằng: “Đại tỷ, cần chi phải nói những giới vụn vặt ấy, chỉ làm cho người ta phải buồn phiền, hổ thẹn mà thôi.” Như vậy là nghi ngờ, khinh chê giới luật, phạm vào tội ba-dật-đề.

57. Như có tỳ-kheo ni nào, vào lúc thuyết giới nói rằng: “Tôi đến hôm nay mới biết trong giới pháp có điều này, từ trong Giới kinh rút ra, nửa tháng tụng đọc một lần.” Nhưng các tỳ-kheo ni khác thật biết rằng tỳ-kheo ni ấy ít nhất cũng đã hai hoặc ba lần ngồi nghe thuyết giới, huống là rất nhiều lần.

Tỳ-kheo ni ấy không phải là không biết giới. Như đã phạm tội gì thì cứ theo đúng pháp mà trị. Ngoài ra, phải ghép thêm tội không biết nữa, bảo cho biết rằng: “Đại tỷ, cô thật không được sự ích lợi, không có chỗ khéo được. Khi thuyết giới cô đã không chú tâm vào, không một lòng lắng tai nghe pháp.” Vì không biết như thế, phạm vào tội ba-dật-đề.

58. Như có tỳ-kheo ni nào cùng ni chúng dự phép yết-ma rồi, sau lại nói rằng: “Các tỳ-kheo ni vì chỗ thân thiết mà lấy vật của ni chúng đem cho người kia.” Như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.

59. Như có tỳ-kheo ni nào, khi ni chúng bàn việc chưa xong, tự ý bỏ đi không nói là mình thuận theo ý chung, phạm vào tội ba-dật-đề.

60. Như có tỳ-kheo ni nào, đã nói là mình thuận theo ý chung, nhưng về sau lại có ý hối tiếc, phạm vào tội ba-dật-đề.

61. Như có tỳ-kheo ni nào, biết các tỳ-kheo ni khác đang bất hòa nhau, nghe chuyện bên này đến nói với bên kia, phạm vào tội ba-dật-đề.

62. Như có tỳ-kheo ni nào, do nóng giận không vui mà đánh tỳ-kheo ni khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

63. Như có tỳ-kheo ni nào, do nóng giận không vui mà dùng tay vả, tát tỳ-kheo ni khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

64. Như có tỳ-kheo ni nào, do nóng giận mà vô cớ vu cáo tỳ-kheo ni khác là phạm tội tăng-già bà-thi-sa, phạm vào tội ba-dật-đề.

65. Như có tỳ-kheo ni nào đi vào chốn cung môn lúc vua chưa ra triều, chưa kịp cất giấu của báu, bước qua ngạch cửa phạm vào tội ba-dật-đề.

66. Như có tỳ-kheo ni nào tự tay cầm nắm các món đồ quý hoặc trang sức giá trị, hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác cầm giữ, phạm vào tội ba-dật-đề. Trừ trường hợp trong khuôn viên chùa hoặc nơi mình đang tạm nghỉ.

Nếu trong khuôn viên chùa hoặc nơi đang tạm nghỉ, tỳ-kheo ni có tự tay cầm nắm các món đồ quý hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác cầm giữ, nên suy nghĩ như thế này: “Nếu chủ nhân biết mà đến sẽ giao cho.” Thật chỉ vậy chứ không có ý gì khác.

67. Như có tỳ-kheo ni nào đi vào thôn xóm trái giờ mà không báo cho các tỳ-kheo ni khác biết, phạm vào tội ba-dật-đề.

68. Như có tỳ-kheo ni nào làm giường nằm cao quá tám lóng tay của Phật, không tính từ chỗ vào mộng trở lên, làm xong phạm vào tội ba-dật-đề.

69. Như có tỳ-kheo ni nào dùng loại bông mềm nhuyễn để dồn trải lên giường, nệm nằm, nệm ngồi, phạm vào tội ba-dật-đề.

70. Như có tỳ-kheo ni nào ăn các loại gia vị hành, tỏi, phạm vào tội ba-dật-đề.

71. Như có tỳ-kheo ni nào cạo bỏ ba chỗ lông trên thân thể, phạm vào tội ba-dật-đề.

72. Như có tỳ-kheo ni nào, dùng nước rửa bên trong âm hộ, có thể dùng hai ngón tay để đưa vào chừng một lóng tay mà làm sạch. Như sâu hơn một lóng tay, phạm vào tội ba-dật-đề.

73. Như có tỳ-kheo ni nào, dùng chất dẻo tạo thành hình dạng giống như nam căn để đưa vào trong âm hộ, phạm vào tội ba-dật-đề.

74. Như có hai tỳ-kheo ni cùng vỗ về, mơn trớn nữ căn cho nhau, phạm vào tội ba-dật-đề.

75. Như có tỳ-kheo ni nào, đến giờ ăn mang nước uống cho thầy tỳ-kheo không có bệnh, lại dùng quạt đứng trước mặt mà quạt, phạm vào tội ba-dật-đề.

76. Như có tỳ-kheo ni nào, đi khất thực nhận các thứ ngũ cốc chưa nấu chín, phạm vào tội ba-dật-đề.

77. Như có tỳ-kheo ni nào, đại tiểu tiện lên trên cỏ xanh, phạm vào tội ba-dật-đề.

78. Như có tỳ-kheo ni nào, lúc ban đêm đại tiểu tiện trong vật chứa, đến sáng mang đổ không đúng chỗ, phạm vào tội ba-dật-đề.

79. Như có tỳ-kheo ni nào, đi xem các trò ca múa, hát nhạc, phạm vào tội ba-dật-đề.

80. Như có tỳ-kheo ni nào, khi vào trong thôn xóm, cùng với nam giới đứng chung nơi chỗ khuất vắng nói chuyện qua lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

81. Như có tỳ-kheo ni nào, cùng với nam giới đi vào chỗ khuất vắng, phạm vào tội ba-dật-đề.

82. Như có tỳ-kheo ni nào, khi vào trong thôn xóm đến chỗ ngõ hẻm, kiếm cớ bảo người cùng đi tránh ra nơi khác, rồi một mình cùng với nam giới ở chỗ khuất vắng đứng nói chuyện thì thầm qua lại, phạm vào tội ba-dật-đề.

83. Như có tỳ-kheo ni nào vào ngồi trong nhà cư sĩ, không nói với chủ nhà mà lặng lẽ bỏ đi, phạm vào tội ba-dật-đề.

84. Như có tỳ-kheo ni nào vào nhà cư sĩ, không nói với chủ nhà mà tự đến ngồi trên giường ghế, phạm vào tội ba-dật-đề.

85. Như có tỳ-kheo ni nào vào nhà cư sĩ, không nói với chủ nhà mà tự dọn chỗ ngủ nghỉ, phạm vào tội ba-dật-đề.

86. Như có tỳ-kheo ni cùng với một người nam đi vào trong nhà tối tăm không đèn, phạm vào tội ba-dật-đề.

87. Như có tỳ-kheo ni nào, nghe không rõ, không suy nghĩ kỹ mà đi nói lại với người khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

88. Như có tỳ-kheo ni nào, chỉ vì một chuyện nhỏ mà dùng lời thề thốt với người khác rằng: “Như ta có làm chuyện ấy, sẽ đọa vào ba đường ác, chẳng gặp được Phật pháp. Như người có làm chuyện ấy, cũng sẽ đọa vào ba đường ác, chẳng gặp được Phật pháp.” Tỳ-kheo ni như vậy, phạm vào tội ba-dật-đề.

89. Như có tỳ-kheo ni nào cùng người khác tranh cãi chuyện không tốt, không khéo nhớ giữ các pháp tránh sự, đấm ngực kêu la to tiếng. Tỳ-kheo ni như vậy, phạm vào tội ba-dật-đề.

90. Như có tỳ-kheo ni nào cùng với người khác nằm chung trên một giường, trừ khi do có bệnh, phạm vào tội ba-dật-đề.

91. Như có tỳ-kheo ni nào cùng với người khác cùng nằm chung một tấm nệm, đắp chung một tấm mền, trừ trường hợp đặc biệt, phạm vào tội ba-dật-đề.

92. Như có tỳ-kheo ni nào, biết người ở trước, mình liền từ sau đến; biết người ở sau đến, liền đứng ngăn ở trước, cố ý muốn làm cho người phải phiền lòng, bực dọc, đứng trước mặt mà tụng kinh, hỏi nghĩa, dạy bảo, phạm vào tội ba-dật-đề.

93. Như có tỳ-kheo ni nào cùng sống chung với tỳ-kheo ni bị bệnh mà không chăm sóc, phạm vào tội ba-dật-đề.

94. Như có tỳ-kheo ni nào, vào đầu mùa an cư đồng ý cho tỳ-kheo ni khác đặt giường ngủ trong phòng, sau đó vì có chuyện giận tức liền xô đuổi ra khỏi phòng, phạm vào tội ba-dật-đề.

95. Như có tỳ-kheo ni nào trong cả ba mùa xuân, hạ và đông đi khắp nơi trong dân gian, phạm vào tội ba-dật-đề, trừ trường hợp có nhân duyên gì khác.

96. Như có tỳ-kheo ni nào, thọ thỉnh sự cúng dường trong ba tháng an cư của cư sĩ, khi hết mùa an cư mà chẳng chịu rời đi, phạm vào tội ba-dật-đề.

97. Như có tỳ-kheo ni nào, đi du hành trong chốn nhân gian, nơi vùng biên giới đáng ngờ là có nhiều nguy hiểm, phạm vào tội ba-dật-đề.

98. Như có tỳ-kheo ni nào, ở những vùng nghi ngờ có sự nguy hiểm đáng sợ trong xứ mà du hành trong nhân gian, phạm vào tội ba-dật-đề.

99. Như có tỳ-kheo ni nào, thân cận với cư sĩ hoặc con cái của cư sĩ, cùng ở chung một chỗ làm những việc nghịch. Các tỳ-kheo ni khác can ngăn rằng: “Đại tỷ không nên thân cận với cư sĩ hoặc con cái của cư sĩ, cùng ở chung một chỗ làm những việc nghịch. Đại tỷ nên sống riêng biệt, có như vậy mới được thêm chỗ lợi lạc, an ổn trong Phật pháp.

Các tỳ-kheo ni can ngăn như vậy, nhưng tỳ-kheo ni kia vẫn kiên trì không từ bỏ. Nên can ngăn cho đến ba lần. Như chịu bỏ thì tốt, nếu không bỏ, phạm vào tội ba-dật-đề.

100. Như có tỳ-kheo ni nào đến xem những chốn đền đài, cung điện có chạm trổ, trang sức, những nơi vườn tược, ao hồ của vua chúa… phạm vào tội ba-dật-đề.

101. Như có tỳ-kheo ni nào, lõa hình tắm dưới nước sông, nước suối, nước kinh rạch, nước ao hồ, nước đang chảy… không có gì che đậy, phạm vào tội ba-dật-đề.

102. Như có tỳ-kheo ni nào may áo để che khi tắm, nên may vừa đủ rộng. Bề dài sáu gang tay Phật, bề ngang hai gang rưỡi. Nếu như rộng hơn, phạm vào tội ba-dật-đề.

103. Như có tỳ-kheo ni nào may y tăng-già-lê kéo dài quá năm ngày, phạm vào tội ba-dật-đề, trừ trường hợp chờ xin cho đủ vải, khi xả y công đức, hoặc khi có những trở ngại khó khăn.

104. Như có tỳ-kheo ni nào, quá năm ngày không nhìn đến y tăng-già-lê, phạm vào tội ba-dật-đề.

105. Như có tỳ-kheo ni nào ngăn cản thí chủ cúng dường y cho chúng tăng, phạm vào tội ba-dật-đề.

106. Như có tỳ-kheo ni nào, không hỏi trước mà lấy y của một vị khác dùng, phạm vào tội ba-dật-đề.

107. Như có tỳ-kheo ni nào lấy y của sa-môn mà thí cho người cư sĩ, người ngoại đạo, phạm vào tội ba-dật-đề.

108. Như có tỳ-kheo ni nào nghĩ rằng, chúng tăng theo đúng pháp phân chia y, liền muốn trì hoãn lại, vì sợ đệ tử mình không nhận được y, phạm vào tội ba-dật-đề.

109. Như có tỳ-kheo ni nào có ý nghĩ muốn làm cho chúng tăng không xả được y ca-hy-na, để về sau sẽ xả, vì muốn kéo dài năm sự buông thả. Tỳ-kheo ni như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.

110. Như có tỳ-kheo ni nào có ý nghĩ muốn ngăn chúng tỳ-kheo ni không cho xả y ca-hy-na, vì muốn kéo dài năm sự buông thả. Tỳ-kheo ni như vậy phạm vào tội ba-dật-đề.

111. Như tỳ-kheo ni nào, có tỳ-kheo ni khác đến nói rằng: “Xin vì chúng tôi trừ bỏ đi sự tranh cãi này.” Được yêu cầu như vậy nhưng không cố gắng giúp trừ diệt sự tranh cãi, phạm vào tội ba-dật-đề.

112. Như có tỳ-kheo ni nào tự tay đưa thức ăn thí cho người cư sĩ hoặc ngoại đạo, phạm vào tội ba-dật-đề.

113. Như có tỳ-kheo ni nào làm người đưa tin hoặc thay mặt cho cư sĩ, phạm vào tội ba-dật-đề.

114. Như có tỳ-kheo ni nào tự tay kéo sợi, quay tơ, phạm vào tội ba-dật-đề.

115. Như có tỳ-kheo ni nào vào nhà cư sĩ, lên ngồi hoặc nằm trên giường ghế của họ, phạm vào tội ba-dật-đề.

116. Như có tỳ-kheo ni nào vào nhà cư sĩ, bảo chủ nhân dọn chỗ cho ngủ qua đêm, đến sáng chẳng từ biệt chủ mà bỏ đi, phạm vào tội ba-dật-đề.

117. Như có tỳ-kheo ni nào đọc tụng, làm theo những chú thuật của thế tục, phạm vào tội ba-dật-đề.

118. Như có tỳ-kheo ni nào dạy người khác đọc tụng, làm theo những chú thuật của thế tục, phạm vào tội ba-dật-đề.

119. Như có tỳ-kheo ni nào biết người nữ đang mang thai mà nhận cho thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

120. Như có tỳ-kheo ni nào biết người nữ đang cho con bú mà nhận cho thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

121. Như có tỳ-kheo ni nào biết người nữ chưa đủ hai mươi tuổi mà nhận cho thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

122. Như có tỳ-kheo ni nào nhận người nữ mười tám tuổi chưa chồng xuất gia làm sa-di ni, không dạy cho học giới hai năm, đến tròn hai mươi tuổi liền cho thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

123. Như có tỳ-kheo ni nào nhận người nữ mười tám tuổi chưa chồng xuất gia làm sa-di ni, dạy cho học giới hai năm, nhưng không cho thọ sáu pháp, đợi tròn hai mươi tuổi liền cho thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

124. Như có tỳ-kheo ni nào nhận người nữ mười tám tuổi chưa chồng xuất gia làm sa-di ni, dạy cho học giới hai năm, đã cho thọ sáu pháp, đến tròn hai mươi tuổi, chúng tăng không thuận mà vẫn cho thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

125. Như có tỳ-kheo ni nào nhận người nữ mười tuổi đã từng có chồng, phải dạy cho học giới hai năm, đủ mười hai tuổi có thể cho thọ cụ túc giới. Như chưa đủ mười hai tuổi cho thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

126. Như có tỳ-kheo ni nào nhận người nữ mười tuổi đã từng có chồng, đã dạy cho học giới hai năm, đủ mười hai tuổi, nhưng không bạch với chúng tăng mà cho thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

127. Như có tỳ-kheo ni nào biết người dâm nữ mà nhận cho xuất gia thọ cụ túc giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

128. Như có tỳ-kheo ni nào độ cho nhiều đệ tử xuất gia thọ cụ túc giới, nhưng không dạy cho học giới hai năm, cũng không dùng hai pháp nhiếp thủ để dạy dỗ, phạm vào tội ba-dật-đề.

129. Như có tỳ-kheo ni nào xuất gia thọ giới cụ túc mà không theo vị hòa thượng ni ít nhất là hai năm, phạm vào tội ba-dật-đề.

130. Như có tỳ-kheo ni nào, chúng tăng không thuận cho mà vẫn truyền giới cụ túc cho người khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

131. Như có tỳ-kheo ni nào, xuất gia chưa đủ mười hai tuổi hạ mà trao giới cụ túc cho người khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

132. Như có tỳ-kheo ni nào, xuất gia đủ mười hai tuổi hạ, nhưng chúng tăng không thuận cho mà vẫn truyền giới cụ túc cho người khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

133. Như có tỳ-kheo ni nào, chúng tăng không thuận cho truyền giới cụ túc, liền nói rằng: “Chúng tăng có yêu, có giận, có sợ, có ngu si, như muốn cho ai thọ giới thì tùy tiện mà cho.” Tỳ-kheo ni như vậy, phạm vào tội ba-dật-đề.

134. Như có tỳ-kheo ni nào, truyền giới cụ túc cho người mà cha, mẹ hoặc chồng không cho phép xuất gia, phạm vào tội ba-dật-đề.

135. Như có tỳ-kheo ni nào, biết người nữ đang có chuyện yêu đương, buồn khổ, hờn giận với nam giới, lại nhận cho xuất gia thọ giới cụ túc, phạm vào tội ba-dật-đề.

136. Như có tỳ-kheo ni nào nói với thức-xoa-ma-na ni rằng: “Cô nên bỏ điều này, học điều này… ta sẽ truyền giới cụ túc cho cô.” Như không tạo phương tiện để truyền giới cụ túc cho người ấy, phạm vào tội ba-dật-đề.

137. Như có tỳ-kheo ni nào nói với thức-xoa-ma-na ni rằng: “Cô mang y trao cho ta, ta sẽ truyền giới cụ túc cho cô.” Như không tạo phương tiện để truyền giới cụ túc cho người ấy, phạm vào tội ba-dật-đề.

138. Như có tỳ-kheo ni, chưa quá một năm mà đã truyền giới cụ túc cho hai người, phạm vào tội ba-dật-đề.

139. Như có tỳ-kheo ni, nhận truyền giới cho người khác rồi, để qua ngày hôm sau mới đưa đến chỗ tỳ-kheo tăng để thọ giới, phạm vào tội ba-dật-đề.

140. Như có tỳ-kheo ni, không có bệnh mà không đến nghe tăng giáo thọ, phạm vào tội ba-dật-đề.

141. Tỳ-kheo ni nửa tháng một lần phải đến chỗ chúng tỳ-kheo tăng thỉnh cầu giáo thọ. Như không làm vậy, phạm vào tội ba-dật-đề.

142. Tỳ-kheo ni, sau ba tháng an cư phải đến chỗ chúng tỳ-kheo tăng để trình bày ba việc: những điều đã thấy, những điều đã nghe và những điều còn nghi. Như không làm vậy, phạm vào tội ba-dật-đề.

143. Như có tỳ-kheo ni nào an cư ở nơi không có chúng tỳ-kheo tăng, phạm vào tội ba-dật-đề.

144. Như có tỳ-kheo ni nào, biết là chỗ tự viện của chư tỳ-kheo tăng, không tác bạch mà tự tiện vào, phạm vào tội ba-dật-đề.

145. Như có tỳ-kheo ni nào nhục mạ tỳ-kheo, phạm vào tội ba-dật-đề.

146. Như có tỳ-kheo ni nào, tánh ưa chuyện tranh chấp không tốt, không khéo nhớ giữ các pháp tránh sự, rồi sau giận dữ không vui, nhục mạ chúng tỳ-kheo ni, phạm vào tội ba-dật-đề.

147. Như có tỳ-kheo ni, thân thể có những ghẻ độc hoặc thương tổn cần mổ xẻ, nhưng không thưa với chúng tỳ-kheo ni hoặc nói cho người khác biết trước khi để y sĩ là nam giới mổ xẻ trị thương cho mình, phạm vào tội ba-dật-đề.

148. Như có tỳ-kheo ni, đã nhận thỉnh thọ thực rồi, hoặc đã ăn no rồi, sau lại còn ăn thêm các món khác nữa, phạm vào tội ba-dật-đề.

149. Như có tỳ-kheo ni nào sanh lòng ganh tỵ không muốn thí chủ cúng dường tỳ-kheo ni khác, phạm vào tội ba-dật-đề.

150. Như có tỳ-kheo ni, dùng các thứ hương phấn bôi xức lên thân thể, phạm vào tội ba-dật-đề.

151. Như có tỳ-kheo ni, dùng xác dầu mè bôi xức lên thân thể, phạm vào tội ba-dật-đề.

152. Như có tỳ-kheo ni, sai khiến tỳ-kheo ni khác xoa bóp thân thể mình, phạm vào tội ba-dật-đề.

153. Như có tỳ-kheo ni, sai khiến thức-xoa-ma-na ni xoa bóp thân thể mình, phạm vào tội ba-dật-đề.

154. Như có tỳ-kheo ni, sai khiến sa-di ni xoa bóp thân thể mình, phạm vào tội ba-dật-đề.

155. Như có tỳ-kheo ni, sai khiến phụ nữ thế tục xoa bóp thân thể mình, phạm vào tội ba-dật-đề.

156. Như có tỳ-kheo ni mặc váy lót, phạm vào tội ba-dật-đề.

157. Như có tỳ-kheo ni cất chứa những thứ đồ trang sức của phụ nữ thế tục, phạm vào tội ba-dật-đề, trừ khi do có nhân duyên.

158. Như có tỳ-kheo ni mang dép da và cầm dù che mà đi, phạm vào tội ba-dật-đề, trừ khi do có nhân duyên.

159. Như có tỳ-kheo ni, không có bệnh mà đi xe, phạm vào tội ba-dật-đề, trừ khi do có nhân duyên.

160. Như có tỳ-kheo ni đi vào chỗ thôn xóm mà không mặc y tăng-kỳ-chi, phạm vào tội ba-dật-đề.

161. Như có tỳ-kheo ni, trước đó không có sự mời thỉnh, khi trời chiều gần tối đi đến nhà người thế tục, phạm vào tội ba-dật-đề.

162. Như có tỳ-kheo ni, khi trời chiều gần tối mở cổng chùa đi ra mà không báo cho các tỳ-kheo ni khác biết, phạm vào tội ba-dật-đề.

163. Như có tỳ-kheo ni, khi mặt trời đã lặn, mở cổng chùa đi ra mà không báo cho các tỳ-kheo ni khác biết, phạm vào tội ba-dật-đề.

164. Như có tỳ-kheo ni trước sau đều không dự ba tháng an cư, phạm vào tội ba-dật-đề.

165. Như có tỳ-kheo ni biết người nữ mang bệnh, các đường đại tiểu tiện thường rỉ chảy, lại sanh nhiều đờm dãi ô uế, vẫn nhận cho thọ giới cụ túc, phạm vào tội ba-dật-đề.

166. Như có tỳ-kheo ni biết người thuộc hạng chẳng phải nam chẳng phải nữ, vẫn nhận cho thọ giới cụ túc, phạm vào tội ba-dật-đề.

167. Như có tỳ-kheo ni biết người dị tật hai đường đại tiểu tiện nhập làm một, vẫn nhận cho thọ giới cụ túc, phạm vào tội ba-dật-đề.

168. Như có tỳ-kheo ni biết người nữ mang bệnh nan y hoặc đang mắc nợ chưa trả hết, vẫn nhận cho thọ giới cụ túc, phạm vào tội ba-dật-đề.

169. Như có tỳ-kheo ni học lấy các môn kỹ thuật của thế tục để lấy đó làm kế sinh nhai, phạm vào tội ba-dật-đề.

170. Như có tỳ-kheo ni dạy các môn kỹ thuật của thế tục cho hàng cư sĩ, phạm vào tội ba-dật-đề.

171. Như có tỳ-kheo ni bị chúng tăng trục xuất mà không chịu đi, phạm vào tội ba-dật-đề.

172. Như có tỳ-kheo ni thưa hỏi nghĩa lý với tỳ-kheo tăng mà không xin phép trước, phạm vào tội ba-dật-đề.

173. Như có tỳ-kheo ni biết người ở trước mình, liền từ sau đến, biết người ở sau đến, liền đứng ngăn ở trước, cố ý muốn làm cho người phải phiền lòng, bực dọc, ở trước mặt mà kinh hành, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm. Tỳ-kheo ni như vậy, phạm vào tội ba-dật-đề.

174. Như có tỳ-kheo ni biết là có tỳ-kheo tăng trong chốn tự viện mà xây tháp ở đó, phạm vào tội ba-dật-đề.

175. Như có tỳ-kheo ni gặp vị tỳ-kheo tăng mới thọ giới, phải lập tức đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, thăm hỏi, mời ngồi. Nếu không làm vậy, phạm vào tội ba-dật-đề, trừ khi có nhân duyên.

176. Như có tỳ-kheo ni vì muốn làm đẹp mà uốn éo thân hình trong khi đi, phạm vào tội ba-dật-đề.

177. Như có tỳ-kheo ni dùng các món trang sức, hương phấn của phụ nữ trên thân mình, phạm vào tội ba-dật-đề.

178. Như có tỳ-kheo ni sai khiến phụ nữ ngoại đạo dùng các món hương thơm thoa lên thân cho mình, phạm vào tội ba-dật-đề.

_ Kính bạch chư đại tỷ. Tôi đã thuyết xong một trăm bảy mươi tám pháp ba-dật-đề, xin hỏi chư đại tỷ, trong ni chúng đây có được thanh tịnh hay chăng?

Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.

_ Kính bạch chư đại tỷ, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong ni chúng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

VI. TÁM PHÁP BA-LA-ĐỀ ĐỀ-XÁ-NI

Kính bạch chư đại đức tỷ. Tám pháp ba-la-đề đề-xá-ni này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.

1. Như có tỳ-kheo ni không có bệnh mà xin các món váng sữa để dùng, đáng quở trách phải nên sám hối. Tỳ-kheo ni ấy nên đến trước tỳ-kheo ni khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại tỷ, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay đối trước đại tỷ cầu xin sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.

2. Như có tỳ-kheo ni không có bệnh mà xin các món dầu để dùng, đáng quở trách phải nên sám hối. Tỳ-kheo ni ấy nên đến trước tỳ-kheo ni khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại tỷ, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay đối trước đại tỷ cầu xin sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.

3. Như có tỳ-kheo ni không có bệnh mà xin các món mật để dùng, đáng quở trách phải nên sám hối. Tỳ-kheo ni ấy nên đến trước tỳ-kheo ni khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại tỷ, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay đối trước đại tỷ cầu xin sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.

4. Như có tỳ-kheo ni không có bệnh mà xin các món đường để dùng, đáng quở trách phải nên sám hối. Tỳ-kheo ni ấy nên đến trước tỳ-kheo ni khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại tỷ, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay đối trước đại tỷ cầu xin sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.

5. Như có tỳ-kheo ni không có bệnh mà xin các món sữa tươi để dùng, đáng quở trách phải nên sám hối. Tỳ-kheo ni ấy nên đến trước tỳ-kheo ni khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại tỷ, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay đối trước đại tỷ cầu xin sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.

6. Như có tỳ-kheo ni không có bệnh mà xin các món lạc làm từ sữa để dùng, đáng quở trách phải nên sám hối. Tỳ-kheo ni ấy nên đến trước tỳ-kheo ni khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại tỷ, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay đối trước đại tỷ cầu xin sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.

7. Như có tỳ-kheo ni không có bệnh mà xin các món cá để dùng, đáng quở trách phải nên sám hối. Tỳ-kheo ni ấy nên đến trước tỳ-kheo ni khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại tỷ, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay đối trước đại tỷ cầu xin sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.

8. Như có tỳ-kheo ni không có bệnh mà xin các món thịt để dùng, đáng quở trách phải nên sám hối. Tỳ-kheo ni ấy nên đến trước tỳ-kheo ni khác nói lời hối lỗi như thế này: “Bạch đại tỷ, tôi đã phạm vào việc đáng quở trách, thật không nên làm. Nay đối trước đại tỷ cầu xin sám hối.” Như vậy gọi là pháp hối lỗi.

_ Kính bạch chư đại tỷ. Tôi đã thuyết xong tám pháp ba-la-đề đề-xá-ni, xin hỏi chư đại tỷ, trong ni chúng đây có được thanh tịnh hay chăng?

Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.

_ Kính bạch chư đại tỷ, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong ni chúng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

VII. MỘT TRĂM PHÁP CẦN PHẢI HỌC

Kính bạch chư đại tỷ. Một trăm pháp cần phải học này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.

1. Quấn tấm nội y phải ngay ngắn. Điều này cần phải học.

2. Khi mặc năm tấm y vào phải cho ngay ngắn. Điều này cần phải học.

3. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vắt y ngược lên hai vai. Điều này cần phải học.

4. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vắt y ngược lên hai vai mà ngồi. Điều này cần phải học.

5. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được quấn y quanh cổ. Điều này cần phải học.

6. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được quấn y quanh cổ mà ngồi. Điều này cần phải học.

7. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được che trùm đầu. Điều này cần phải học.

8. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được che trùm đầu mà ngồi. Điều này cần phải học.

9. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vừa đi vừa nhảy. Điều này cần phải học.

10. Không được vừa đi vừa nhảy vào nhà cư sĩ ngồi. Điều này cần phải học.

11. Không được ngồi xổm trong nhà cư sĩ. Điều này cần phải học.

12. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được chống tay ngang hông. Điều này cần phải học.

13. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, không được chống tay ngang hông. Điều này cần phải học.

14. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vừa đi vừa lắc lư thân hình. Điều này cần phải học.

15. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, không được vừa đi vừa lắc lư thân hình. Điều này cần phải học.

16. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vừa đi vừa vung vẩy cánh tay. Điều này cần phải học.

17. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, không được vừa đi vừa vung vẩy cánh tay. Điều này cần phải học.

18. Khi đi vào nhà cư sĩ, phải khéo đắp y che thân kín đáo. Điều này cần phải học.

19. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, phải khéo đắp y che thân kín đáo. Điều này cần phải học.

20. Khi đi vào nhà cư sĩ, phải nhìn thẳng, không được liếc ngó, ngoái nhìn hai bên. Điều này cần phải học.

21. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, phải nhìn thẳng, không được liếc ngó, ngoái nhìn sang hai bên. Điều này cần phải học.

22. Khi đi vào nhà cư sĩ, phải giữ thái độ điềm đạm, tĩnh lặng. Điều này cần phải học.

23. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, phải giữ thái độ điềm đạm, tĩnh lặng. Điều này cần phải học.

24. Khi đi vào nhà cư sĩ, không được vừa đi vừa cười đùa bỡn cợt. Điều này cần phải học.

25. Khi đi vào nhà cư sĩ ngồi, không được vừa đi vừa cười đùa bỡn cợt. Điều này cần phải học.

26. Khi nhận thức ăn phải dụng tâm chú ý, không được suy nghĩ lơ đểnh. Điều này cần phải học.

27. Chỉ nhận cơm vừa ngang bát, không quá đầy. Điều này cần phải học.

28. Chỉ nhận canh vừa ngang bát, không quá đầy. Điều này cần phải học.

29. Khi ăn phải dùng cả cơm lẫn canh đều nhau. Điều này cần phải học.

30. Khi ăn phải theo thứ lớp trong bát mà ăn. Điều này cần phải học.

31. Khi ăn không được moi nơi giữa bát mà ăn. Điều này cần phải học.

32. Nếu tỳ-kheo ni không có bệnh, không được tự đòi hỏi cơm canh cho mình. Điều này cần phải học.

33. Không được lấy cơm che trên canh để mong được nhận thêm. Điều này cần phải học.

34. Không được liếc nhìn so sánh thức ăn trong bát mình với của người khác rồi khởi tâm ganh tỵ. Điều này cần phải học.

35. Khi ăn phải nhìn nơi bát và giữ tâm chuyên chú vào đó. Điều này cần phải học.

36. Không được ăn miếng quá lớn. Điều này cần phải học.

37. Không được há miệng sớm trước khi đưa thức ăn vào. Điều này cần phải học.

38. Không được ngậm thức ăn trong miệng mà nói chuyện. Điều này cần phải học.

39. Không được thảy thức ăn từ bên ngoài vào miệng. Điều này cần phải học.

40. Khi ăn không được để rơi vãi thức ăn. Điều này cần phải học.

41. Không được ngậm thức ăn trong miệng đến phồng má lên. Điều này cần phải học.

42. Không được nhai thức ăn phát ra tiếng lớn. Điều này cần phải học.

43. Không được lùa, húp thức ăn quá mạnh. Điều này cần phải học.

44. Không được dùng lưỡi liếm thức ăn. Điều này cần phải học.

45. Không được rảy tay trong khi ăn. Điều này cần phải học.

46. Không được dùng tay nhặt thức ăn rơi rớt mà ăn. Điều này cần phải học.

47. Tay dơ không được cầm nắm vào vật đựng thức ăn. Điều này cần phải học.

48. Không được rửa bát đổ nước trong nhà thí chủ. Điều này cần phải học.

49. Không được đại, tiểu tiện hoặc hỉ mũi, khạc nhổ lên trên rau cỏ sống, trừ khi do có bệnh. Điều này cần phải học.

50. Không được đại, tiểu tiện hoặc hỉ mũi, khạc nhổ trong nước sạch, trừ khi do có bệnh. Điều này cần phải học.

51. Không được đứng mà đại, tiểu tiện, trừ khi do có bệnh. Điều này cần phải học.

52. Không thuyết pháp với người vắt áo ngược lên, không cung kính, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

53. Không thuyết pháp với người quấn áo quanh cổ, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

54. Không thuyết pháp với người che trùm đầu, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

55. Không thuyết pháp với người quấn khăn kín đầu, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

56. Không thuyết pháp với người đứng chống tay vào hông, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

57. Không thuyết pháp với người mang dép da, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

58. Không thuyết pháp với người đi guốc gỗ, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

59. Không thuyết pháp với người đang cưỡi ngựa, ngồi xe, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

60. Không được ngủ nghỉ trong tháp thờ Phật, trừ khi đang làm nhiệm vụ canh giữ. Điều này cần phải học.

61. Không được cất giữ tiền bạc, vật quý giá trong tháp thờ Phật, trừ khi là vì để cho được bền chắc. Điều này cần phải học.

62. Không được mang giày, dép da đi vào tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

63. Không được cầm giày, dép da trên tay đi vào tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

64. Không được mang giày, dép da đi nhiễu quanh tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

65. Không được mang hài phú-la đi vào tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

66. Không được cầm hài phú-la trên tay đi vào tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

67. Không được ngồi ăn bên dưới tháp thờ Phật, trải cỏ và bỏ thức ăn thừa làm dơ đất. Điều này cần phải học.

68. Không được khiêng xác người chết đi ngang qua bên dưới tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

69. Không được chôn xác người chết bên dưới tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

70. Không được thiêu xác người chết bên dưới tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

71. Không được quay về hướng tháp thờ Phật mà thiêu xác người chết. Điều này cần phải học.

72. Không được thiêu xác người chết ở gần chung quanh tháp thờ Phật, khiến cho mùi hôi bay vào trong tháp. Điều này cần phải học.

73. Không được mang các vật dụng của người chết như y phục, giường nằm… đi ngang qua bên dưới tháp Phật, trừ khi đã giặt sạch, nhuộm lại và xông ướp hương. Điều này cần phải học.

74. Không được đại, tiểu tiện bên dưới tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

75. Không được quay về hướng tháp thờ Phật mà đại, tiểu tiện. Điều này cần phải học.

76. Không được ở quanh bốn phía tháp thờ Phật mà đại, tiểu tiện, khiến cho mùi hôi bay vào trong tháp. Điều này cần phải học.

77. Không được mang theo tượng Phật đến chỗ đại, tiểu tiện. Điều này cần phải học.

78. Không được xỉa răng, chải răng, súc miệng bên dưới tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

79. Không được quay về hướng tháp thờ Phật mà xỉa răng, chải răng, súc miệng. Điều này cần phải học.

80. Không được đi quanh tháp Phật mà xỉa răng, chải răng, súc miệng. Điều này cần phải học.

81. Không được ở bên dưới tháp thờ Phật mà khạc nhổ. Điều này cần phải học.

82. Không được quay về hướng tháp Phật mà khạc nhổ. Điều này cần phải học.

83. Không được ở quanh bốn phía tháp thờ Phật mà khạc nhổ. Điều này cần phải học.

84. Không được ngồi duỗi chân hướng về phía tháp thờ Phật. Điều này cần phải học.

85. Không được thờ tượng Phật ở phòng dưới còn mình ở phòng trên. Điều này cần phải học.

86. Không đứng mà thuyết pháp với người ngồi, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

87. Không ngồi mà thuyết pháp với người nằm, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

88. Khi không ngồi trên tòa không thuyết pháp với người ngồi trên tòa, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

89. Khi ngồi nơi chỗ thấp không thuyết pháp với người ngồi ở chỗ cao, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

90. Khi đi phía sau không thuyết pháp với người đi trước, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

91. Khi đang đi kinh hành dưới thấp không thuyết pháp với người đi kinh hành trên cao, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

92. Khi đang đứng bên lề đường không thuyết pháp với người đứng giữa đường, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

93. Khi đi đường không được nắm tay người khác mà đi. Điều này cần phải học.

94. Không được leo lên cây cao quá đầu người, trừ khi có nhân duyên thích hợp. Điều này cần phải học.

95. Không được để bình bát trong túi vải, buộc vào đầu gậy quảy trên vai mà đi. Điều này cần phải học.

96. Không thuyết pháp với người cầm gậy, chẳng có lòng cung kính, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

97. Không thuyết pháp với người cầm gươm, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

98. Không thuyết pháp với người cầm giáo, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

99. Không thuyết pháp với người cầm đao, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

100. Không thuyết pháp với người đang cầm dù che, trừ khi do người ấy có bệnh. Điều này cần phải học.

_ Kính bạch chư đại tỷ. Tôi đã thuyết xong một trăm pháp thức-xoa-ca-la-ni, xin hỏi chư đại tỷ, trong ni chúng đây có được thanh tịnh hay chăng?

Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.

_ Kính bạch chư đại tỷ, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong ni chúng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

VIII. BẢY PHÁP DỨT SỰ TRANH CÃI

Kính bạch chư đại tỷ. Bảy pháp dùng để dứt sự tranh cãi này, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần, được rút từ trong Giới kinh ra.

Nếu có sự tranh cãi khởi lên, tỳ-kheo ni nên lập tức theo đúng pháp mà dứt trừ.

1. Nếu là việc tranh cãi nên dùng phép Hiện tiền tỳ-ni mà dứt đi, thì nên dùng phép Hiện tiền tỳ-ni.

2. Nếu là việc tranh cãi nên dùng phép Ức niệm tỳ-ni mà dứt đi, thì nên dùng phép Ức niệm tỳ-ni.

3. Nếu là việc tranh cãi nên dùng phép Bất si tỳ-ni mà dứt đi, thì nên dùng phép Bất si tỳ-ni.

4. Nếu là việc tranh cãi nên để cho tự nhận lỗi mà dứt đi, thì nên cho tự nhận lỗi mà dứt đi.

5. Nếu là việc tranh cãi phải tìm ra tội tướng, thì nên tìm ra tội tướng.

6. Nếu là việc tranh cãi cần có nhiều người phân giải, thì nên để cho nhiều người phân giải.

7. Nếu là việc tranh cãi nên làm pháp sám hối chung chung, khỏa lấp đi như cỏ che mặt đất, thì nên theo cách ấy mà dứt đi.

_ Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong bảy pháp dứt sự tranh cãi, xin hỏi chư đại đức, trong chúng tăng đây có được thanh tịnh hay chăng?

Người thuyết giới lập lại câu hỏi này ba lần. Nếu có ai nhớ ra mình đã phạm vào các giới này thì phải tự nhận. Nếu không thì tất cả đều yên lặng.

_ Kính bạch chư đại đức, vì các vị đều lặng yên, nên xem như trong chúng tăng đây hết thảy đều thanh tịnh. Việc này xin được hiểu như vậy.

_ Kính bạch chư đại đức. Tôi đã thuyết xong phần mở đầu của Giới kinh, tám pháp ba-la-di, mười bảy pháp tăng-già bà-thi-sa, ba mươi pháp ni-tát-kỳ ba-dật-đề, một trăm bảy mươi tám pháp ba-dật-đề, tám pháp ba-la-đề đề-xá-ni, một trăm pháp cần phải học, bảy pháp dứt sự tranh cãi.

Những pháp này là do chính đức Phật thuyết dạy, được rút từ trong Giới kinh ra, nửa tháng phải tụng đọc lại một lần. Ngoài ra còn có những pháp khác cũng do Phật thuyết, đều hòa hợp cùng nhau, chúng ta nên học tập.

IX. LỜI DẠY CỦA CHƯ PHẬT

Đức Phật Tỳ-bà-thi có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:

Nhẫn nhục là hạnh trước tiên,

Phật dạy muôn hạnh, không trên hạnh này.

Xuất gia không não hại người,

Dứt trừ sân hận, xứng là sa-môn.

Đức Phật Thi-khí có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:

Như người mắt sáng,

Khéo tránh đường hiểm.

Người trí thông minh,

Lìa xa việc ác.

Đức Phật Tỳ-xá-phù có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:

Không hủy báng, đố kỵ,

Thường làm theo giới luật.

Ăn uống có tiết độ,

Thường ở nơi thanh vắng.

Tâm an định, tinh tấn,

Chính lời chư Phật dạy.

Đức Phật Câu-lưu-tôn có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:

Như ong kia lấy mật,

Không hại sắc hương hoa,

Được mật liền bay xa…

Tỳ kheo sống giữa chúng,

Chẳng quan tâm việc người,

Dù làm, hoặc chẳng làm…

Chỉ tự xét việc mình,

Thuận chánh hay bất chánh.

Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:

Không buông tâm phóng túng,

Thường siêng học Chánh đạo.

Như vậy, không lo sầu,

Định tâm, vào Niết-bàn.

Đức Phật Ca-diếp có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:

Không làm các điều ác,

Vâng theo các việc lành.

Tự lắng tâm ý sạch,

Là lời chư Phật dạy.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có thuyết kệ dạy Giới kinh rằng:

Khéo giữ gìn lời nói,

Tự lắng tâm ý sạch,

Thân không làm điều ác,

Ba nghiệp đều thanh tịnh.

Đạt hạnh lành như thế,

Là theo đường chư Phật.

Đây là đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong mười hai năm vì chúng tăng mà thuyết Giới kinh này. Từ đó về sau phân biệt thuyết rộng ra. Các vị tỳ-kheo ni tự lấy đó làm niềm vui đúng pháp của bậc sa-môn, những người có đức hổ thẹn, ưa muốn học giới, nên theo trong đó mà học tập.

Người trí hộ trì giới,

Thường được ba nguồn vui:

Danh thơm và lợi dưỡng,

Đời sau hưởng phước lạc.

Nên quán xét như thế,

Người trí cần giữ Giới.

Giới tịnh sanh trí hụê,

Liền được đạo Vô thượng.

Như chư Phật quá khứ,

Cùng chư Phật tương lai,

Và chư Phật hiện tại,

Diệt hết mọi ưu sầu,

Đều một lòng kính Giới,

Pháp chư Phật như vậy.

Như người vì tự thân,

Muốn cầu được Phật đạo,

Nên tôn trọng chánh pháp,

Chư Phật dạy như vậy.

Bảy đức Phật Thế Tôn,

Diệt trừ muôn phiền não,

Thuyết dạy Giới kinh này,

Ràng buộc được cắt đứt.

Nhập vào cõi Niết-bàn,

Vĩnh viễn đạt chân thật.

Đức Thế Tôn thuyết Giới,

Chư thánh hiền xưng tụng.

Hàng đệ tử thọ trì,

Đều được đến giải thoát.

Thế Tôn sắp tịch diệt,

Khởi tâm đại từ bi,

Hội đủ chúng tỳ-kheo,

Truyền trao Giới như vậy.

Sau khi Phật tịch diệt,

Phải giữ hạnh trong sạch.

Phật nay thuyết Giới kinh,

Cùng các pháp đối trị.

Tuy Phật nhập Niết-bàn,

Nên xem Giới như Phật.

Giới truyền giữ bền lâu,

Phật pháp được hưng thạnh.

Do Phật pháp hưng thạnh,

Người người được Niết-bàn.

Nếu không giữ giới luật,

Nên theo pháp bố-tát.

Như khi mặt trời lặn,

Thế gian đều u ám.

Nên gìn giữ giới luật,

Như ngọn đèn sáng nhất.

Chúng tăng cùng tề tựu,

Một lòng nghe Phật thuyết.

Nay thuyết giới đã xong,

Lễ bố-tát hoàn mãn.

Chúng tăng tụng Giới kinh,

Nguyện hết thảy công đức,

Hồi hướng về chúng sanh,

Đều trọn thành Phật đạo.

    Xem thêm:

  • Kinh Đà La Ni Tối Thượng Ý - Kinh Tạng
  • Thức Xoa Ma Na Ni Giới Bổn - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 48 – Kinh Kosambiya (Kosambiya sutta) - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tỳ Kheo Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Giáo Hóa Phạm Chí A Bạt - Kinh Tạng
  • Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 104 – Kinh Làng Sama (Sàmagàma sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn (Đôn Hoàng) - Kinh Tạng
  • Ý Nghĩa Phát Xuất Từ Kim Cang Đỉnh Du Già Ba Mươi Bảy Tôn Vị - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 03 – Kính Tăng - Kinh Tạng
  • Kinh Khổ Ấm Nhân Sự - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 132 – Kinh A Nan Nhất Dạ Hiền Giả (Anandabhaddekaratta sutta) - Kinh Tạng
  • Bồ Tát Giới Bổn Tiên Yếu - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Quán Thế Âm Như Ý Ma Ni Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 24 - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Như Huyền dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Tạng - Kinh Tạng