Bồ Tát Giới Bổn Tiên Yếu

Minh Trí Húc Tiên

Bản Việt dịch của Thích Pháp Chánh

***

Toàn văn chia làm ba phần: Phần một Thuật ý quy y và kính lễ; phần hai Chính thức liệt kê giới tướng; phần ba Kết luận và chỉ rõ tông thú. Phần một và phần ba đều do các nhà kết tập soạn ra, còn phần hai là trích ra từ phẩm Giới trong phần Bồ Tát Ðịa của bộ luận Du Già Sư Ðịa. Ngài Ðàm Vô Sấm trước đó trong quyển Ðịa Trì Luận đã dịch qua, nay ngài lại dịch thêm lần nữa để lưu thông riêng biệt, nên gọi là dịch lần thứ hai.

A1. Phần một: Thuật ý quy y và kính lễ.

B1. Quy y nương tựa:

Quy mạng Lô Xá Na,

Mười phương Kim Cương Phật,

Ðảnh lễ đức Di Lặc,

Sẽ hạ sanh thành Phật.

Lô Xá Na, tiếng Hán gọi là Tịnh Mãn. Ðoạn trừ tất cả ác nên gọi là tịnh, tu tập tất cả thiện nên gọi là mãn, tức là “tu đức” đã viên mãn cứu cánh, chứng được bổn tính, đầy đủ ba thân, thường cư trú tại Thực Báo Trang Nghiêm Ðộ, đây là vị Ðại Hòa Thượng của tất cả hành giả thọ giới Bồ tát. Mười phương Kim Cang Phật, các vị Bồ tát tu đến giai đoạn Kim cương đạo hậu, chứng được Bất hoại tính, cũng chính là báo thân viên mãn, cùng với đức Lô Xá Na đồng một thân, đồng một trí tuệ, mười lực, bốn vô sở úy. Những báo thân viên mãn này, mỗi mỗi bao trùm khắp pháp giới, mà vẫn không chướng ngại nhau, không tạp loạn nhau. Các báo thân này tuy không đồng nhất, mà cũng không khác. Ðây là các vị Tôn Chứng Sư của tất cả hành giả thọ giới Bồ tát. Di Lặc, tiếng Phạn Matreya, là vị luận chủ của bộ luận Du Già Sư Ðịa (có truyền thuyết cho rằng ngài Vô Trước là người tạo ra bộ luận này), hiện đang ở cung trời Ðâu Suất, trong tương lai sẽ kế tiếp Ðức Thích Ca thành Phật. Ðây là vị Hòa Thượng Giáo Thọ của tất cả hành giả thọ giới Bồ tát. Thế nên, trước khi tụng giới cần phải làm pháp kính lễ để cầu sự gia bị của các ngài.

B2. Kêu gọi lắng nghe:

Nay tụng ba tụ giới,

Bồ tát đều cùng nghe,

Chỉ có những học xứ này mới có thể: (1) đoạn trừ các nghiệp ác, nên gọi là giới nhiếp luật nghi; (2) thành tựu các nghiệp thiện, nên gọi là giới nhiếp thiện pháp; (3) làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên gọi là giới nhiếp chúng sanh.

B3. Dùng ví dụ tán thán:

Giới như đèn sáng lớn,

Soi sáng đêm tối tăm.

Giới như gương báu sáng,

Chiếu rõ tất cả pháp,

Giới như ngọc Ma ni,

Rưới của giúp kẻ nghèo.

Ðèn sáng lớn, ví dụ cho giới nhiếp luật nghi, có thể đoạn trừ tất cả nghiệp ác tối tăm trong đêm dài sinh tử. Gương báu sáng, ví dụ cho giới nhiếp thiện pháp, có thể chiếu soi tất cả công đức trí tuệ của quả Phật (hầu dẫn dắt hành giả từ địa vị phàm phu đến địa vị Phật Ðà). Ngọc Ma Ni, ví dụ cho giới nhiếp chúng sanh (còn gọi là giới nhiêu ích hữu tình), giống như ngọc như ý, có thể rưới xuống tất cả thánh tài [1], cứu giúp tất cả chúng sanh nghèo khổ (không phước đức trí tuệ) trong chín pháp giới (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người, trời, thanh văn, duyên giác, bồ tát).

B4. Khuyến khích thọ trì:

Thoát khổ mau thành Phật,

Chỉ giới này hơn cả,

Vì thế nên Bồ tát,

Phải tinh tấn giữ gìn.

Thoát khổ (Hán: ly thế), nếu không thoát khổ (rời khỏi sinh tử luân hồi), thì không thể nào cứu độ chúng sanh, giống như người đứng trên bờ mới có thể cứu người đang chìm dưới nước. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm nói về công hạnh của ngài Phổ Hiền, cũng gọi là phẩm Ly Thế Gian. Thoát khổ là vì ôm lòng cứu độ chúng sanh (hạ hóa), còn thành Phật là vì muốn hoàn thành ước nguyện trong quá khứ (thượng cầu), mà muốn hoàn thành công hạnh trên cầu thành Phật dưới độ chúng sanh, thì chỉ có ba tụ tịnh giới này là phương tiện thù thắng nhất, lẽ nào lại không chịu tinh tiến hộ trì!?

A2. Chính thức liệt kê giới tướng: Có hai phần, phần một nói rõ bốn giới trọng, phần hai nói rõ bốn mươi mốt giới khinh.

B1. Nói rõ bốn giới trọng:

C1. Nói tổng quát:

Chư đại chúng! Bốn pháp Ba la di này là pháp Ma đắc lặc già của Bồ tát. Nay sẽ hòa hợp tuyên nói.

Ba la di, ở đây được dịch là “tội khí”, nghĩa là phạm vào giới này vĩnh viễn sẽ bị vứt bỏ ra khỏi biển Phật pháp; lại còn được dịch là “cực ác”, bởi vì nó đi ngược lại với pháp lành thù thắng vi diệu; lại còn được dịch là “tội đọa”, bởi vì phạm vào tội này sẽ bị đọa vào ba đường ác, nhận chịu sự khổ não; lại còn được dịch là “tội trọng”, vì lỗi ác quá sâu nặng, khó có thể sám hối trừ diệt. Ma đắc lặc già, được dịch là luận, còn gọi là “trí mẫu (mẹ của trí tuệ)”, vì khéo giải thích nghĩa lý của pháp tướng, có thể phát sanh trí tuệ; ở đây Ma đắc lặc già đặc biệt chỉ riêng bộ luận Du Già Sư Ðịa. Hòa hợp tuyên nói, có nghĩa là các hành giả tụng giới, cùng chung một trụ xứ, phải không có sự mâu thuẫn, tranh cải, mới có thể tụng giới đúng như pháp được.

Hỏi: Bộ Phạm Võng Bồ Tát Giới nói rõ mười giới trọng, tại sao ở đây chỉ nói có bốn giới tăng thượng?

Ðáp: Giới pháp Bồ tát là chung cho cả bảy chúng. Nếu là ưu bà tắc, ưu bà di, thì trước đã thọ năm giới, nếu là sa di, sa di ni, thì trước đã thọ mười giới, nếu là thức xoa ma na, thì trước đã thọ sáu pháp, nếu là tỳ kheo, tỳ kheo ni, thì trước đã thọ giới cụ túc, hoàn toàn không có việc chưa thọ các giới trên mà đột nhiên thọ giới Bồ tát, do đây, theo thông lệ, bốn giới trọng (sát, đạo, dâm, vọng) đã được nói rõ trong giới của bảy chúng, thành thử trong quyển giới bổn này không lặp lại, mà chỉ trình bày bốn giới tăng thượng. Lại nữa, nếu phạm bốn giới tăng thượng này, có thể thọ giới lại; còn nếu phạm vào bốn giới trọng (sát, đạo, dâm, vọng) phải sám hối đến khi thấy điềm lành mới được thọ giới lại, cho nên không cùng liệt kê với bốn giới tăng thượng này. Lại nữa, bốn giới trọng (sát, đạo, dâm, vọng), nếu Bồ tát vì chúng sanh, thì có thể khai duyên, còn như bốn giới tăng thượng, trong các trường hợp tính tội, già tội đều không có khai duyên, cho nên ở đây chỉ liệt kê bốn giới này.

C2. Liệt kê riêng biệt: Có bốn giới

D1. Giới khen mình chê người:

Nếu Bồ tát vì tham cầu lợi dưỡng, tự khen ngợi đức hạnh của mình, hủy nhục, chê bai kẻ khác thì phạm vào pháp Ba la di thứ nhất.

Tự khen ngợi đức hạnh của mình: nghĩa là phô trương đức hạnh của mình, với mục đích làm cho kẻ khác thấy được khuyết điểm của đối phương. Hủy nhục chê bai kẻ khác: nghĩa là lấy khuyết điểm của đối phương để nêu rõ ưu điểm của mình. So sánh mình và người với mục đích là muốn cho tất cả lợi dưỡng đều về phần mình. Ðiều này hoàn toàn đi ngược với tâm Ðại Bồ Ðề, cho nên phạm vào giới trọng. Nếu như vì tâm tham, chỉ tự khen mình mà không chê người; hoặc vì tâm sân, chỉ hủy nhục người khác mà không tự khen mình, thì sẽ phạm vào giới khinh (đột kiết la).

D2. Giới bỏn sẻn của cải, Phật pháp:

Nếu Bồ tát có tiền của, nhưng vì bỏn sẻn, thấy kẻ nghèo khổ không nơi nương tựa đến xin tài vật mà không sinh lòng thương xót, bố thí những vật mà họ đang cần; hoặc có người tìm đến hỏi Pháp nhưng lại bỏn sẻn không nói thì phạm vào pháp Ba la di thứ hai.

Ðạo của Bồ tát là phải nên thường thường dùng hai pháp bố thí (của cải và Phật pháp) để nhiếp thọ chúng sanh. Có tiền của, nghĩa là không phải là không có hoặc thiếu thốn của cải. Kẻ nghèo khổ, nghĩa là kẻ đến xin không phải là kẻ đến cầu xin một cách phi lý. Có người tìm đến hỏi pháp, nghĩa là không phải những kẻ không đủ sức nghe pháp. Bỏn sẻn không nói, nghĩa là không phải không biết Phật pháp. Bỏn sẻn keo kiết, không phát khởi được tâm “đại bi”, là đi ngược với đạo Ðại Bồ Ðề, cho nên kết vào tội trọng.

D3. Giới sân hận không thọ nhận sự tạ lỗi:

Nếu Bồ tát vì sự giận dữ đã dùng lời hung ác chửi rủa mà vẫn chưa nguôi giận, lại dùng gậy gộc, gạch đá khủng bố tàn hại đối phương, biểu lộ sự sân hận đến cực điểm. Ðối phương tỏ ý biết lỗi, dùng lời nhỏ nhẹ, cầu xin tha thứ nhưng không nhận sự tạ lỗi của họ mà ôm lòng oán hận không nguôi thì phạm vào pháp Ba la di thứ ba.

Trong tâm khởi lên một niệm sân hận, đã là đi ngược với con đường “nhiếp thọ chúng sanh”, huống hồ lại còn dùng lời hung ác chửi rủa, thậm chí dùng gậy gộc, v.v…, đánh đập đối phương. Thân miệng tạo ác, đã là mất tâm từ bi, huống chi lại còn cự tuyệt không chịu nhận sự tạ lỗi (Hán: sám hối) của đối phương! Xả bỏ chúng sanh, cho nên bị mất giới pháp Bồ tát.

D4. Giới hủy báng, hoại loạn chánh pháp:

Nếu Bồ tát hủy báng pháp tạng của Bồ tát, diễn nói pháp tương tự với Chánh pháp, ngoan cố chấp trước vào pháp tương tự này, hoặc tự mình nhận thức, hoặc nghe theo lời xúi dục của kẻ khác thì phạm vào pháp Ba la di thứ tư.

Pháp tương tự, nghĩa là không phải là chính pháp, mà có vẻ như chính pháp. Giống như màu tím che khuất màu đỏ, nhạc dâm ô làm loạn nhạc truyền thống (Hán: thí như tử chi đoạt chu, Trịnh thanh chi loạn nhã nhạc). Giảng nói pháp tương tự thì gọi là phỉ báng pháp tạng của Bồ tát, chứ không bắt buộc phải là sự hủy báng nhục mạ mới gọi là báng pháp. Lại nữa, giả sử có thực sự hủy nhục Phật pháp đi chăng nữa, thì tội vẫn còn nhẹ, bởi vì sự hủy nhục chưa chắc đã làm mê mờ chánh kiến của người khác; còn như nói pháp tương tự, thì tội càng nặng hơn, vì điều này có thể làm cho kẻ khác mê mờ chánh kiến. Ngoan cố chấp trước vào pháp tương tự (Hán: xí nhiên kiến lập tương tự pháp), điều này có hai loại: một là “hoặc do tự mình nhận thức”, tức là xuyên tạc ý kiến, hiểu biết tà vạy mà phát sanh ra; hai là “hoặc nghe theo lời xúi dục của kẻ khác”, tức là lãnh nạp tà giáo, bám chặt vào bọn tà sư. Hai điều này đều đi ngược với chánh pháp xuất thế, cho nên phạm vào tội trọng.

C3. Câu hỏi kết thúc:

Các Bồ tát! Tôi đã tụng xong bốn pháp Ba la di. Nếu có vị nào sanh tâm phiền não tăng thượng, dù chỉ phạm vào một pháp cũng mất giới thể Bồ tát, cần phải thọ lại.

Nay xin hỏi trong đại chúng đây có thanh tịnh hay không? (Ba lần)

Các Bồ tát! Trong đây thanh tịnh, vì tất cả đều im lặng. Việc này xin nhận biết như vậy.

Phiền não tăng thượng, nghĩa là tham lam bậc thượng, hoặc bỏn sẻn bậc thượng, hoặc sân hận bậc thượng. Phạm vào một pháp, nghĩa là phạm vào một trong bốn pháp Ba la di. Mất giới thể Bồ tát, nghĩa là mất giới thể Bồ tát chiêu cảm được do sự phát tâm Ðại Bồ Ðề. Cần phải thọ lại, nghĩa là phải sửa đổi lỗi lầm trước kia, phát khởi lại tâm Ðại Bồ Ðề tăng thượng, để đối trị phiền não tăng thượng (đã phát sinh sự phạm giới). Trong mỗi nửa tháng, nếu như có phạm giới, trước khi tụng giới, phải nên phát lộ sám hối. Sau khi sám hối xong, sẽ khôi phục lại sự thanh tịnh. Do đó, đến lúc tụng giới, có thể cùng với những kẻ không phạm giới đều giữ im lặng, dùng sự im lặng này để biểu hiện sự thanh tịnh của mình. Hành giả phải nên như vậy mà hộ trì giới pháp.

Hỏi: Nếu như trước đó phạm giới mà lại quên chưa sám hối, nếu như khi tụng giới, bước ra trước đại chúng phát lộ sám hối, tất nhiên không thể kết luận rằng “trong đây… đều im lặng”, còn nếu như (phạm tội lại) im lặng, chả lẽ lại không phạm vào tội che dấu tội lỗi đã phạm hay sao?

Ðáp: Ðiều này trong giới luật có nói rõ. Lúc tụng giới, nếu như nhớ lại rằng mình đã có phạm giới, phải nên đối với người bên cạnh (nếu họ đồng ý cho mình phát lộ), đem tội đã phạm mà phát lộ với họ. Còn nếu như họ không đồng ý, thì nên tự phát lộ trong tâm. Ðợi buổi tụng giới hoàn tất, sẽ sám hối những tội đã phạm đúng theo giới pháp đã quy định. Nếu làm như thế, tuy im lặng ngồi nghe tụng giới, vẫn không phạm vào lỗi che dấu những tội lỗi đã phạm.

B2. Nói rõ bốn mươi mốt giới khinh. Có ba phần:

C1. Nói tổng quát:

Các Bồ tát! Sau đây là các điều giới Ðột kiết la, là pháp Ma đắc lặc già của Bồ tát. Nay sẽ hòa hợp tuyên nói.

Ðột kiết la, dịch là ác tác, tức là tạo tội không thanh tịnh, là cho tiếp tục sinh tử luân hồi. Các điều giới, nghĩa là giới văn tuy liệt kê có bốn mươi mốt điều, nhưng trong mỗi điều, sự kiện để phạm giới, nhiều ít không nhất định.

D1. Giới không cúng dường Tam bảo:

Nếu Bồ tát thọ trì luật nghi giới, trong một ngày đêm, hoặc đối với Ðức Phật khi còn tại thế, hoặc đối với tháp miếu của Phật; hoặc đối với Pháp, hoặc kinh điển; hoặc tạng Tu đa la của Bồ tát, hoặc tạng Ma đắc lặc già của Bồ tát; hoặc đối với tỳ kheo tăng, hoặc các Ðại Bồ tát trong mười phương, nếu như không cúng dường ít nhiều, tối thiểu là một lạy, hoặc không dùng một bài kệ khen ngợi công đức của Tam bảo, hoặc tâm không thể thanh tịnh dù trong khoảng một niệm, đây gọi là phạm vào tội Ðột kiết la. Nếu như, vì không cung kính, hoặc vì lười biếng, nhút nhát mà phạm, thì gọi là phạm do tâm nhiễm ô; còn nếu hoặc vì lơ đãng, hay lầm lẫn mà phạm, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: Các vị Bồ tát đã chứng nhập “tịnh tâm địa”, cũng giống như các vị tỳ kheo chứng được “lòng tin không hoại”, các vị ấy thường thường như pháp cúng dường Phật Pháp Tăng.

Thọ trì luật nghi giới, nghĩa là đã thọ và đắc được giới thể Bồ tát, không phá giới, không xả giới, không cuồng, không loạn, không bị bệnh thần kinh. Ðối với đức Phật khi còn tại thế, hoặc đối với tháp miếu của Phật, nêu lên một cách tổng quát, Phật bảo là đối tượng để cúng dường. Chánh pháp, tức là những điều giảng nói bởi đức Phật; kinh điển, tức là kinh sách Phật giáo lưu truyền ở thế gian; tạng tu đa la của Bồ tát, ở đây chỉ riêng kinh điển Ðại thừa; tạng Ma đắc lặc già của Bồ tát, ở đây chỉ riêng cho tạng luận Ðại thừa. Tóm lại, đoạn này muốn nêu lên tổng quát Pháp bảo là đối tượng để cúng dường. Tỳ kheo tăng, tức là những bậc có uy nghi biểu hiện sự xuất thế, giữ gìn tướng phúc điền thù thắng cho chúng sanh. Các đại Bồ tát trong mười phương, tức là các vị Bồ tát ở bậc tam hiền (thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng), thập thánh (từ sơ địa đến thập địa), đến tham dự pháp hội của chư Phật, làm ảnh hưởng chúng, thần thông biến hiện khắp mười phương; các ngài không mang hình tướng cố định, chí nguyện của các ngài là cầu thành Phật độ chúng sanh. Ðây là nêu lên một cách tổng quát Tăng bảo là đối tượng để cúng dường. Các vị thọ trì giới luật của Bồ tát, trong mỗi một ngày đêm, cần phải dùng ba nghiệp để cúng dường. Phần thân nghiệp, ít nhất phải cung kính lạy một lạy; phần khẩu nghiệp, ít nhất cũng phải dùng một bài kệ tán thán; phần ý nghiệp, ít nhất cũng phải có một niệm tịnh tâm. Nếu như ngay cả phần cúng dường “tối thiểu” này cũng không thể tu tập, thì phạm vào tội đột kiết la. Trong khi phạm vào các điều giới đột kiết la này, có hai trường hợp: một là phạm do tâm nhiễm ô, còn gọi là phạm tội trọng cấu, cần phải tìm một người để sám hối; hai là phạm do tâm không nhiễm ô, còn gọi là phạm tội khinh cấu, cần phải tự mình “trách tâm” sám hối. Bồ tát đã chứng nhập tịnh tâm địa, nếu đối với Thông giáo, thì là các bậc từ Kiến địa trở lên, còn đối với Biệt giáo tiếp cận Thông giáo, thì là bậc Hoan hỷ địa (sơ địa); nếu theo nghĩa thực mà nói, thì đây là các bậc sơ trụ của Biệt giáo, hoặc sơ tín của Viên giáo. Các vị này đã đoạn được phân biệt hoặc (kiến hoặc), địa vị ngang hàng với bậc sơ quả của Tiểu thừa, cho nên nói “giống như các vị tỳ kheo chứng được lòng tin không hoại”. Các vị tỳ kheo, nếu chứng sơ quả, thì đối với Tam bảo (Phật Pháp Tăng) và Giới được pháp “bất hoại tịnh”, cho nên bảo là “thường thường như pháp cúng dường Tam bảo”. Bồ tát chứng nhập tịnh tâm địa, cũng giống như thế, mặc dù thân không lễ lạy, khẩu không tán thán, nhưng tâm vẫn thường không trái ngược với Phật Pháp Tăng.

(Nếu được “bất hoại tịnh”, (1) đối với Phật, chẳng thà bỏ thân mạng, quyết định không quy y với thiên thần ngoại đạo; (2) đối với Pháp, giả sử có người đem tà pháp pha trộn vào trong chánh pháp, thì có thể biện biệt được tà pháp đó, giả sử đem chánh pháp pha trộn vào tà pháp, vẫn có thể biện biệt được chánh pháp, quyết định không bao giờ quy y vào kinh điển của ngoại đạo; (3) đối với Tăng, nếu gặp thắng nghĩa tăng (các vị tăng đã chứng thánh quả) hoặc thanh tịnh tăng (các vị tăng trì giới thanh tịnh), đều cung kính gần gũi; nếu gặp á dương tăng (các vị tăng dốt nát không hiểu Phật pháp) hoặc vô tàm tăng (các vị tăng phá giới không biết hổ thẹn), đều khởi lòng thương xót, hộ trì, không sinh lòng kiêu mạn, hoặc thoái sụt lòng tin đối với Tăng bảo, quyết định không quy y vào ngoại đạo tà chúng; (4) đối với giới, chẳng thà bỏ thân mạng, quyết định không bao giờ hủy phạm những điều giới mà mình đã thọ.)

D2. Giới tham tiền của:

Nếu Bồ tát, tâm còn nhiều sự ham muốn, không biết hạn lượng, tham lam tiền bạc của cải, đây gọi là phạm vào tội Ðột kiết la, phạm tội do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: đang nỗ lực đoạn trừ tâm tham, tuy đã dùng nhiềuÕ phương cách đối trị, nhưng vì phiền não quá nặng, tâm tham vẫn tiếp tục hiện hành.

Thói quen của mỗi người đều có chỗ thiên trọng, chẳng hạn như tham của cải, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn uống, v.v… Sinh bình, Bồ tát nếu đã biết tập tính phiền não nào của mình mạnh mẽ nhất, thì phải cố gắng đoạn trừ phiền não đó trước. Vì muốn đoạn trừ phiền não, đối với Tam bảo phải nên khởi tâm mong cầu, tìm đủ mọi phương tiện để nhiếp thọ và đối trị phiền não đó. Nếu như có tính tham dục, thì phải tu tập pháp quán bất tịnh, có tính hay giận dữ, thì phải tu tập pháp quán từ bi, v.v… Nếu như đã siêng năng tu tập các phương pháp đối trị, nhưng phiền não vẫn còn mạnh mẽ, thường thường phát khởi hiện hành, thì chẳng còn cách nào hơn. Thế nhưng, vẫn phải phát khởi lòng ham thích pháp thiện, thì sẽ không bị coi là phạm giới. Phần dưới, các đoạn văn “vì muốn đoạn trừ phiền não …”, tức là đều mô phỏng đoạn văn này.

D3. Giới không tôn kính bạn Pháp:

Nếu Bồ tát, thấy bậc tôn trưởng có đức hạnh, hoặc những người bạn Pháp đáng kính, lại sinh tâm kiêu mạn, sân hận, không bày tỏ sự cung kính, không nhường chỗ ngồi. Ðối phương chào hỏi, thỉnh cầu nói Pháp, đều không trả lời, đây gọi là phạm vào tội Ðột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô. Nếu nhân vì lười biếng nhút nhát, hoặc vì lơ đãng, hoặc tính hay quên, hoặc nhầm lẫn, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc có bệnh nặng; hoặc thần kinh thác loạn; hoặc đang ngủ mà đối phương tưởng là đang thức bèn đến chào hỏi, thỉnh cầu nói Pháp, cho nên đã không trả lời, đây gọi là không phạm; hoặc lúc đang nghe bậc Thượng tọa thuyết pháp, hoặc giải đáp vấn đề; hoặc tự mình đang thuyết pháp, hoặc đang nghe pháp, hoặc đang giải đáp vấn đề; hoặc đang ở giữa đám đông nghe thuyết pháp, hoặc đang giải đáp vấn đề, trong những trường hợp này không chào hỏi không phạm; hoặc muốn giữ ý cho đối phương; hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục, làm cho đối phương xa lìa pháp ác, tu tập pháp lành; hoặc tuân theo quy chế của Tăng đoàn; hoặc muốn giữ ý cho đám đông.

Kẻ thọ giới trước thì được gọi là bậc tôn trưởng (Hán: thượng tọa), trì giới đầy đủ thì được gọi là có đức hạnh, cùng thọ trì giới pháp thanh tịnh của Bồ tát thì được gọi là bạn Pháp; đây là những kẻ đáng được tôn kính. Kiêu, tức là ỷ vào thế lực của mình; mạn, tức là khinh khi kẻ khác; sân hận, tức là ôm lòng sầu não, bực tức. Ðang giải đáp vấn đề (Hán: quyết định luận thời), nghĩa là lúc đang bình luận chánh pháp, giới luật, v.v…

Hỏi: Trong điều giới đột kiết la thứ nhất, nếu lười biếng nhút nhát thì bị kết vào tội phạm với tâm nhiễm ô, còn ở đây, tại sao chỉ kết vào tội phạm với tâm không nhiễm ô?

Ðáp: Thọ trì giới luật Bồ tát mà không cúng dường Tam bảo, lỗi lầm này tương đối nặng, còn ở đây, không kính bậc thượng trung hạ tọa, chỉ là sự bất kính đối với cá nhân, chứ không phải là đối với chúng tăng, do đó lỗi lầm này tương đối nhẹ. Thế nhưng, mặc dù chỉ phạm không nhiễm ô, nếu như không tự trách lòng mình để trừ diệt, thì vẫn có thể làm chướng ngại giới hạnh của Bồ tát. Không nên xem thường tội nhỏ mà cho là không có tai ương!

D4. Giới không đi ứng cúng:

Nếu Bồ tát, có kẻ đàn việt đến thỉnh, hoặc đến nhà họ, hoặc đến chùa khác, hoặc đến nhà kẻ khác, để cúng dường quần áo, thức ăn, cùng các loại đồ dùng, nhưng Bồ tát vì tâm sân hận, kiêu mạn, không nhận lời mời, không chịu đi ứng cúng, đây gọi là phạm vào tội Ðột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc đang có bệnh, hoặc không sức lực, hoặc thần kinh thác loạn, hoặc chổ thỉnh ở quá xa, hoặc dọc đường có nhiều tai nạn khủng bố, hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục đối phương, làm cho họ xa lìa nẽo ác, quay về nẽo lành; hoặc trước đó đã thọ thỉnh; hoặc đang tu pháp lành không muốn tạm gián đoạn; hoặc muốn được nghe pháp chưa từng nghe, hoặc những điều nghĩa lý lợi ích, hoặc luận nghị quyết định; hoặc biết người thỉnh chỉ muốn giả vờ để làm mình phiền não; hoặc không muốn làm người khác khởi tâm đố kỵ; hoặc tuân theo quy chế của Tăng đoàn.

Sân hận, kiêu mạn không nhận lời mời, đây chính là vi phạm vào đạo từ bi nhiếp thọ chúng sinh của Bồ tát, cho nên phải sám hối tội trọng cấu (phạm với tâm nhiễm ô).

D5. Giới không thọ nhận sự bố thí:

Nếu Bồ tát, có kẻ đàn việt, đem các loại vật báu như vàng, bạc, trân châu, ma ni, lưu ly, …, đến bố thí, nhưng Bồ tát vì tâm sân hận, kiêu mạn, từ chối không thọ nhận sự bố thí, đây gọi là phạm vào tội Ðột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô, bởi vì đã xả bỏ chúng sanh; nếu như vì lười biếng, nhút nhát mà không thọ nhận, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc thần kinh thác loạn; hoặc biết nếu thọ nhận, sẽ sinh tâm tham luyến; hoặc biết nếu thọ nhận, thí chủ sẽ sinh lòng hối tiếc; hoặc biết nếu thọ nhận, thí chủ sẽ sinh tâm nghi hoặc; hoặc biết nếu thọ nhận, thí chủ sẽ trở nên nghèo khó khổ sở; hoặc biết vật bố thí là vật đã hứa cúng cho Tam bảo; hoặc biết vật bố thí là vật trộm cắp; hoặc biết sau khi thọ nhận, sẽ gặp nhiều khổ não, chẳng hạn như bị giết, bị giam, bị quở trách, bị xử phạt, bị đoạt của, bị đàm tiếu.

Vật đã hứa cúng cho Tam bảo, tức cũng đồng như vật của Tam bảo!

D6. Giới không bố thí pháp:

Nếu Bồ tát, có chúng sinh đến, muốn được nghe pháp, nhưng Bồ tát vì sân hận, bỏn sẻn, đố kỵ, không chịu nói pháp cho họ, đây gọi là phạm vào tội Ðột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc ngoại đạo muốn tìm lỗi mà đến hỏi; hoặc đang bị bệnh nặng; hoặc thần kinh thác loạn; hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục đối phương, như phần trên đã nói qua; hoặc đang tu tập pháp thiện chưa được thấu triệt; hoặc biết đối phương không có tâm cung kính, hoặc có cử chỉ vô lễ; hoặc biết đối phương căn cơ ám độn, nghe pháp thâm sâu vi diệu sinh lòng sợ hãi; hoặc biết đối phương nghe xong sẽ tăng trưởng tà kiến; hoặc biết đối phương nghe xong sẽ lui sụt đạo tâm; hoặc biết đối phương nghe xong, sẽ đem nói lại cho kẻ ác.

Hỏi: Ðiều giới này so với điều giới Ba la di thứ hai Bỏn sẻn Phật pháp khác nhau thế nào?

Ðáp: Ðiều giới trên chỉ cho tăng thượng phiền não, cho nên phạm tội nặng, còn ở đây chỉ cho phiền não bậc trung, hạ cho nên phạm tội nhẹ. Lại nữa, nếu căn cứ vào quyển Bồ Tát Giới Phạm Võng, thì phải có thêm phần hủy nhục đối phương mới kết tội nặng, ở đây tuy bỏn sẻn nhưng chưa chắc đã có sự hủy nhục đối phương cho nên kết tội nhẹ.

D7. Giới không dạy kẻ khác sám hối:

Nếu Bồ tát, đối với những chúng sanh hung ác phạm giới, sinh lòng sân hận, hoặc tự mình bỏ rơi họ, không chịu dạy bảo, hướng dẫn, hoặc cản trở làm cho người khác cũng bỏ rơi họ, không chịu dạy bảo, hướng dẫn, đây gọi là phạm vào tội Ðột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô. Nếu vì lười biếng nhút nhát, hoặc vì vô ý mà cản trở, làm cho người khác cũng bỏ rơi, không chịu dạy bảo, hướng dẫn, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô. Vì sao? Vì Bồ tát đối với kẻ ác nên khởi lòng từ bi tha thiết hơn là đối với người thiện.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc thần kinh thác loạn; hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục đối phương, như phần trên đã nói qua; hoặc giữ ý cho kẻ khác; hoặc tuân theo quy chế của Tăng đoàn.

Từ là đem sự an vui, bi là diệt trừ sự đau khổ. Người lành tự họ biết tránh sự khổ cầu sự vui, còn kẻ ác trái lại chỉ có sự đau khổ mà không có sự vui, do đó Bồ tát đối với loại chúng sinh ác này lại càng sinh khởi lòng từ bi cứu độ; ví như cha mẹ, tuy thương các con bằng nhau, nhưng đối với đứa con bịnh khổ, đặc biệt lo âu chăm sóc.

D8. Giới không đồng học với Thanh văn:

Ở đây có hai ý: (1) vì muốn hộ trì cho nên phải cùng học, nếu không cùng học sẽ vi phạm điều giới này; (2) phần giới ít phương tiện, không nên cùng học, nếu cùng học cũng sẽ vi phạm điều giới này.

Nếu Bồ tát, như đức Như Lai trong pháp Ba la đề mộc xoa, chế định già tội Tỳ ni, vì muốn bảo hộ chúng sanh, làm cho kẻ chưa tin Phật pháp, phát khởi lòng tin, đã có lòng tin, làm cho tăng trưởng, đối với những điều già tội này, Bồ tát sẽ cùng học với Thanh văn. Vì sao? Vì hàng Thanh văn, tuy chú trọng đến việc tự độ, vẫn không xao lãng những việc lợi ích cho kẻ khác, làm cho kẻ chưa tin, phát khởi lòng tin, đã có lòng tin, làm cho tăng trưởng, cho nên học tập giới luật, huống chi Bồ tát là kẻ muốn độ tất cả chúng sinh thành Phật.

Lại như những điều già tội mà Ðức Như Lai đã chế định cho hàng Thanh văn, như: ít muốn, ít làm, ít phương tiện, …, Bồ tát sẽ không cùng học với Thanh văn. Vì sao? Vì hàng Thanh văn chỉ lo tự độ, không nghĩ đến việc độ người khác, cho nên cần phải an trụ trong pháp ít muốn, ít làm, ít phương tiện. Không phải như Bồ tát là kẻ vừa độ cho chính mình vừa độ cho kẻ khác, mà lại phải tuân hành theo các pháp ít muốn, ít làm, ít phương tiện này. Bồ tát vì chúng sanh, nên đến các cư sĩ tại gia, xin trăm ngàn tấm y, nếu như thí chủ cho phép mình tùy ý lấy thì nên xem xét khả năng của thí chủ như thế nào, rồi tùy theo đó mà thọ nhận. Ðối với bình bát cũng giống như trường hợp y. Lại nữa, các trường hợp sau cũng giống như trường hợp y và bình bát: tự mình xin chỉ sợi, yêu cầu thợ dệt không phải thân thích dệt y; lại vì chúng sinh chứa cất mền gối, tọa cụ, nhẫn đến thọ nhận trăm ngàn lượng vàng bạc. Như thế, những điều già tội cấm chế Thanh văn, quy định họ an trụ trong pháp ít muốn, ít làm, ít phương tiện, các Bồ tát không cùng học những điều giới này. Các Bồ tát thọ trì giới luật nghi, muốn lợi ích chúng sinh, nếu như vì tâm đố kỵ, hoặc sân hận mà an trụ trong các pháp ít muốn, ít làm, ít phương tiện, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm tội do tâm nhiễm ô. Nếu vì lười biếng nhút nhát mà an trụ trong các pháp ít muốn, ít làm, ít phương tiện, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Ba la đề mộc xoa, dịch là Bảo giải thoát (nếu hành giả trì giới, bảo đảm sẽ có sự giải thoát), hoặc dịch là Biệt biệt giải thoát. Thông thường, từ ngữ “ba la đề mộc xoa” là chỉ chung cho giới pháp của bảy chúng, Ðại thừa lẫn Tiểu thừa. Tỳ ni, dịch là diệt, hoặc dịch là luật, ở đây chỉ riêng cho phần luật tạng của tỳ kheo. Trong pháp tỳ ni có tính tội có già tội. Tính tội, có nghĩa là kẻ vi phạm, dù không thọ giới, nhưng đối với pháp thế gian họ vẫn là có tội, chẳng hạn như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời thô ác, v.v… Già tội, có nghĩa là đức Phật vì hàng đệ tử xuất gia, vì muốn phòng ngừa sự dèm pha của thế gian, ngăn cấm không cho làm. Nếu hàng đệ tử xuất gia vi phạm sự chế định của đức Phật sẽ phạm tội, cho nên gọi là chế tội hoặc già tội. Tỳ kheo Bồ tát, vì muốn hộ trì giới pháp của đức Như Lai, phải cùng tỳ kheo Thanh văn tuân thủ những điều giới này: (1) không được làm mai mối; (2) không được tự mình làm phòng lớn; (3) không được làm tinh xá ở nơi nguy hiểm hoặc chướng ngại lối đi; (4) không được làm hủ bại đạo phong của người tại gia, hoặc có hành vi xấu; (5) không được tự mình cất chứa y dư (nhiều hơn ba y) mà không chịu thuyết tịnh; (6) không được lìa y mà ngủ; (7) không được nhờ tỳ kheo ni giặt y củ; (8) không được kỳ kèo thêm tiền để sắm y; (9) không được cầu gộp giá tiền hai y để làm một y; (10) không được đòi y quá sáu lần; (11) không được trộn tơ để làm y mới; (12) không được làm y bằng lông dê đen; (13) không được làm y mới nếu y cũ chưa quá sáu năm; (14) không được dùng tọa cụ mới nếu không vá lên một mảnh vải cũ; (15) không được mang lông dê đi đường xa; (16) không được sai tỳ kheo ni giặt lông dê; (17) không được mua bán bảo vật; (18) không được mua bán; (19) không được chứa bình bát dư; (20) không được xin bình bát đẹp; (21) không được yêu cầu dệt y tốt; (22) không được cho y rồi, khi hờn giận bèn đoạt lại; (23) không được chứa dầu, sữa quá bảy ngày; (24) không được dùng áo mưa không đúng thời; (25) không được bảo thí chủ cúng dường cho mình những vật mà họ định cúng cho chúng tăng; (26) không được cùng người nữ ngủ chung một nhà; (27) không được cùng người chưa thọ đại giới ngủ chung phòng quá ba đêm; (28) không được cùng người chưa thọ giới tụng kinh; (29) không được nói lỗi của tỳ kheo cho người tại gia biết; (30) không được nói sự chứng đắc của mình cho người tại gia biết; (31) không được nói pháp cho người nữ quá hạn định; (32) không được đào đất; (33) không được chặt phá cây cỏ; (34) không được trải đồ nằm của tăng ngoài sân mà không thâu dọn; (35) không được trải đồ nằm của tăng trong phòng mà không thâu dọn; (36) không được tranh đoạt chỗ nằm của người khác; (37) không được lôi kéo tỳ kheo khác ra khỏi phòng; (38) không được trên lầu nằm giường chân lắp; (39) không được lợp mái dầy quá ba lớp; (40) không được tự mình đi giáo thọ ni chúng; (41) không được giáo thọ ni chúng đến trời tối; (42) không được chê bai kẻ giáo thọ ni chúng; (43) không được may y cho ni; (44) không được cùng ni ngồi chỗ khuất; (45) không được hẹn với ni cùng đi; (46) không được đi cùng thuyền với ni; (47) không được nhờ ni khen ngợi để được cúng dường; (48) không được đi cùng đường với người nữ; (49) không được thọ thực quá một bửa ở chỗ chỉ bố thí một bửa cơm; (50) không được ăn xong lại ăn nữa; (51) không được ăn riêng chúng; (52) không được xin quá ba bát cơm, bánh hoặc thức ăn; (52) không được không làm pháp dư thực; (53) không được cố ý làm cho tỳ kheo khác phạm vào pháp dư thực; (54) không được ăn phi thời; (55) không được ăn thức ăn để qua đêm; (56) không được tự mình lấy thức ăn ăn; (57) không được xin thức ăn ngon; (58) không được tự tay cho ngoại đạo thức ăn; (59) không được không báo cho người khác biết khi có việc phải đi ra ngoài; (60) không được cưỡng ngồi nán lại, hoặc ngồi chỗ khuất trong nhà cư sĩ tại gia; (61) không được ngồi riêng với người nữ; (62) không được cố ý làm tỳ kheo khác trễ giờ ăn; (63) không được xin thuốc men quá hạn lượng; (64) không được đi xem đánh trận; (65) không được uống rượu; (66) không được đùa giởn trong nước; (67) không được thọc lét nhau; (68) không được không nghe lời khuyên gián; (69) không được dọa nạt kẻ khác; (70) không được tắm quá hạn lượng; (71) không được đốt lửa ở chỗ trống; (72) không được đùa giỡn dấu đồ vật kẻ khác; (73) không được cho y rồi đoạt lại; (74) không được mặc y mới trước khi nhuộm hoại sắc; (75) không được cố ý làm cho tỳ kheo khác nghi ngờ hối hận; (76) không được che dấu tội cho kẻ khác; (77) không được truyền giới cụ túc cho người chưa đủ hai mươi tuổi; (78) không được phát khởi sự tranh tụng; (79) không được cùng đi với kẻ gian; (80) không được đánh bạn với tỳ kheo tà kiến; (81) không được nuôi sa di đã bị diệt tẫn; (82) không được cự tuyệt lời khuyên gián của kẻ khác; (83) không được rầy la người tụng giới; (84) không được không học giới; (85) không được chống trái lại pháp yết ma; (86) không được không gửi dục; (87) không được sau khi gửi dục lại sinh lòng hối hận; (88) không được đột ngột vào cung vua; (89) không được cầm nắm đồ vàng bạc; (90) không được vào xóm trái giờ; (91) không được nằm giường cao; (92) không được dùng bông đâu la làm mền gối; (93) không được dùng xương hoặc răng thú vật làm ống đựng kim; (94) không được làm y đắp ghẻ quá lượng; (95) không được làm y lớn bằng y của Phật; (96) không được để tỳ kheo ni đi xin thức ăn cho mình; (97) không được đến khất thực nhà các vị hữu học nghèo khó; (98) không được ở nơi nguy hiểm thọ nhận cúng dường của đàn việt; (99) không được không đắp y ngay ngắn; (100) không được mặc y ngược đi vào nhà người tại gia; … nhẫn đến (101) không được thuyết pháp cho những kẻ có thái độ vô lễ như che dù, cầm gậy, cầm dao, v.v… Như vậy, trong hai trăm năm mươi giới của tỳ kheo, chỉ trừ sáu điều ít lợi, ít làm, ít phương tiện ra, phần còn lại hai trăm bốn mươi bốn giới, Bồ tát tỳ kheo phải cùng học với Thanh văn tỳ kheo. Nếu như không học, vẫn bị kết tội như hàng Thanh văn tỳ kheo, bởi vì Bồ tát tỳ kheo chẳng phải là Bồ tát sa di, hay Bồ tát ưu bà tắc! Bồ tát tỳ kheo đã vậy, thì Bồ tát tỳ kheo ni cũng phải như vậy. Bồ tát thức xoa ma na phải cùng học sáu pháp, còn Bồ tát sa di phải cùng học mười giới. Y kiêu xa da, còn gọi là trùng y, tức là y dệt bằng tơ tằm. Ở đây chỉ cho phép vì chúng sanh mà cất chứa, chứ không cho phép tự mình mặc. Trong kinh Ðại Bát Niết Bàn có nói rõ điều này, và kinh Ðại Phật Ðảnh (Thủ Lăng Nghiêm) cũng có lời khuyên răn thành khẩn. Phải nên cẩn thận! Phải nên cẩn thận! Lại nữa, Bồ tát tỳ kheo, tuy nói là không đồng học những giới ít muốn, ít làm, ít phương tiện, nhưng đối với những đồ vật tích chứa, cũng phải nên làm pháp thuyết tịnh. Luận Ðịa Trì có nói: “Bồ tát, trước tiên đối với những vật cất chứa, vì đây là những vật không thanh tịnh, phải nên dùng tâm thanh tịnh đem những vật này tịnh thí cho mười phương chư Phật, Bồ tát”, cũng giống như tỳ kheo đem đồ vật hiện có tịnh thí cho hai vị hòa thượng và a xà lê của mình. Kinh Niết Bàn cũng nói: “Tuy cho phép cất chứa, nhưng cũng phải tịnh thí cho kẻ đàn việt.” Quyển Phụ Hành Ký của ngài Kinh Khê Tôn Giả có nói: “Có người nói: “Phàm những vật mà tôi tích chứa, tôi không nghĩ là của mình, mà chỉ dùng chúng vào những việc có ích, như vậy cần gì phải làm pháp thuyết tịnh?” Trả lời: “Nếu ông nói đó không phải là vật sở hữu của ông, tại sao lại không đem bố thí cho tất cả. Lại nữa, ông nói chỉ dùng vào việc lợi ích cho kẻ khác, tại sao lại không đem cúng dường cho Tam bảo và những kẻ bần cùng, mà lại giấu kỹ trong phòng kín, khóa chặt trong hòm trong rương? Nếu sự thực ông nghĩ đó là đồ vật của kẻ khác mà lại lấy dùng, thì sẽ mắc vào tội trộm cắp, còn như cho đó là đồ vật của mình, thì lại vi phạm vào pháp thuyết tịnh, rất là trái ngược với những điều cấm chế của chư Phật.” Ðại thừa Tiểu thừa đều không chấp nhận kẻ ấy, ba căn (thượng trung hạ) cũng không thâu nhận họ. Nếu xuất gia như vậy, chả lẽ không phải là luống uổng?! Quyển Truy Môn Cảnh Sách cũng có nói: “Ðời nay những kẻ giảng pháp đều chạy theo danh lợi, làm năm điều tà (Hán: ngũ tà) [2] không biết hổ thẹn. Phần nhiều tích chứa tám vật ô uế (Hán: bát uế) [3]. Hòm rương chứa đựng toàn là những tài vật vi phạm pháp thuyết tịnh. Coi thường giới pháp, coi nhẹ linh tánh của mình. Tự họ sẽ chiêu lấy sự khổ não. Ai nào biết rằng quả báo đều do tâm tưởng tạo thành. Chẳng lẽ không tin quả báo là từ nhân mà ra! Hiện thấy những kẻ, cà sa vừa rời khỏi thân, liền bị đọa địa ngục, lá sắt nóng bó thân.” Huống chi, hai thừa Ðại Tiểu đều gọi pháp thuyết tịnh là tịnh pháp. Giả sử có lòng tin sâu, chẳng lẽ lại sợ hãi, không chịu phụng hành lời dạy của đức Như Lai.

D9. Giới sống bằng tà mệnh:

Nếu Bồ tát, thân miệng không thành thực, hoặc hiện thân tướng, hoặc lớn tiếng chê bai mắng nhiếc, hoặc dùng lợi để mưu cầu lợi dưỡng, sống bằng pháp tà mệnh, không có tâm hổ thẹn, không chịu xả bỏ thói quen xấu, đây gọi phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô. Những trường hợp không phạm, như: đangÕ muốn đoạn trừ thói quen xấu này, tuy dùng nhiều phương pháp để trừ diệt, nhưng vì phiền não quá mạnh, thói quen sống tà mệnh vẫn tiếp tục hiện hành.

Thân miệng không thành thực (Hán: thân khẩu siểm khúc), chỉ tướng tổng quát của tà mạng. Hoặc hiện thân tướng, nghĩa là hoặc hiện tướng lập dị (đứng một chân, nhảy lò cò, v.v…), hoặc hiện tướng nóng, lạnh (mùa hè mặc y thật dầy rồi than nóng, mùa đông mặc y thật mỏng rồi than lạnh) để cầu sự thươngÕ hại cúng dường của thí chủ, đây đều gọi là thân không thành thực; hoặc lớn tiếng chê bai mắng nhiếc (Hán: hủy tý), nghĩa là coi tướng tốt xấu, hoặc lên mặt dạy đời, hoặc lớn tiếng thị uy, làm cho đối phương cảm thấy kính sợ, đây đều gọi là miệng không thành thực; hoặc dùng lợi để cầu lợi, nghĩa là hoặc tự nói công đức mình, hoặc nói mình được cúng dường nhiều ít, mục đích làm kẻ khác động tâm mà cúng dường cho mình, đây cũng là miệng không thành thực; hoặc là đem đồ vật tặng cho người tại gia, hoặc buôn bán để cầu lợi, đây cũng là tướng miệng không thành thực. Cho nên giới văn đã kết luận tổng quát là: “sống bằng pháp tà mạng”. Không biết tôn trọng tánh linh của mình nên “vô tàm”, không biết bắt chước các bậc thánh hiền nên “vô quý”. Thế nhưng chỉ kết tội “phạm với tâm nhiễm ô” mà không nói “mất giới Bồ tát”, là vì các người ấy tuy sống tà vạy, nhưng vẫn chưa quên chí nguyện Bồ đề. Giả như không chịu sám hối, tương lai sẽ chiêu cảm quả báo không lành.

D10. Giới háo động đùa cợt:

Nếu Bồ tát, tính tình háo động, không quen sự an tĩnh, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô. Nếu như vì lơ đãng hoặc nhầm lẫn, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc tuy dùng nhiều phương pháp để đoạn trừ thói quen háo động nhưng vẫn chưa đoạn trừ được, như phần trên đã nói qua; hoặc vì muốn làm cho kẻ khác dứt tâm hiềm khích, hận thù; hoặc có kẻ đối với Bồ tát khởi tâm hiềm thù, Bồ tát vì muốn giảm trừ sự việc đó nên hiện tướng đùa cợt; hoặc thấy người đang ưu sầu khổ não, muốn làm cho họ khuây khỏa mà hiện tướng đùa cợt; hoặc muốn nhiếp phục, giúp đỡ, hoặc dứt trừ thói quen đùa cợt của những kẻ có tính ấy mà hiện tướng giống như họ; hoặc có người nghi ngờ Bồ tát hiềm thù, phản nghịch, Bồ tát bèn hiện tướng đùa cợt để chứng tỏ sự vô tư của mình.

D11. Giới nói pháp Bồ tát lộn lạo:

Nếu Bồ tát nói như thế này: “Bồ tát không nên mong cầu Niết bàn, nên xả bỏ Niết bàn, không nên sợ phiền não, không nên quyết tâm nhàm lìa sanh tử. Vì sao? Bồ tát phải nhận chịu sự sanh tử dài lâu ba a tăng kỳ kiếp để cầu Vô thượng Bồ đề”, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô. Vì sao? Sự mong cầu Niết bàn, nhàm chán sanh tử của hàng Thanh văn, trăm ngàn vạn lần, cũng không bằng sự mong cầu Niết bàn, nhàm chán sanh tử của Bồ tát. Bởi vì Thanh văn chỉ cầu tự lợi, còn Bồ tát vì muốn quảng độ chúng sanh. Các bậc Bồ tát tu tập tâm không nhiễm ô, vượt hẳn A la hán, ở trong sanh tử thành tựu các sự nghiệp hữu lậu, mà vẫn có thể xa lìa các phiền não.

Các vị A la hán tu tập tâm không nhiễm ô, là sự thành tựu vô lậu, xa lìa phiền não, giống như hoa sen trong nước, cho nên không phải là khó; còn Bồ tát tu tập tâm không nhiễm ô, vì muốn độ khắp chúng sanh, cho nên cần phải thành tựu các nghiệp hữu lậu, mà vẫn xa lìa phiền não, giống như hoa sen trong lửa, đây mới là điều rất khó. Nếu như các Bồ tát không ham thích Niết bàn, nhàm chán phiền não, trăm ngàn lần nhiều hơn Thanh văn, thì làm sao các ngài có thể tạo tác các nghiệp hữu lậu mà vẫn không phát khởi phiền não nghiệp chướng! Giả như không nhàm chán phiền não, chắc chắn sẽ dùng tâm ô nhiễm nhận thọ quả báo sinh tử, và như thế chẳng bao lâu sẽ mê muội, đánh mất con đường Bồ đề. Do đó lập luận vừa nêu trên là một sự sai lầm đến cực điểm. Thế nhưng ở đây không kết tội Ba la di, là vì chỉ nói đến kẻ vi phạm khởi tâm phiền não bậc trung hạ mà thôi. Còn như nếu khởi sự chấp trước tà kiến tăng thượng, thì sẽ phạm vào giới Ba la di thứ tư “Nói pháp tương tự, hủy báng pháp tạng Bồ tát”

D12. Giới không đề phòng sự hiềm nghi hủy báng:

Nếu Bồ tát, không dự phòng những sự chê bai hủy báng đưa đến do sự bất tín, mà cũng không cố gắng tìm cách trừ diệt, nếu như thực sự có lỗi mà không tìm cách trừ diệt sự chê bai phỉ báng, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu như không có lỗi, nhưng lại cũng không tìm cách trừ diệt sự chê bai phỉ báng, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc ngoại đạo, hoặc những kẻ ác hủy báng; hoặc xuất gia đi khất thực, tu hành những nhân duyên thiện, mà lại bị người khác sanh tâm hủy báng; hoặc đối phương đang sân hận, hoặc điên cuồng mà sinh tâm hủy báng.

Giả như thực sự có lỗi, đương nhiên phải sửa đổi lỗi lầm để diệt trừ sự hiềm nghi hủy báng; giả như không có lỗi, vẫn phải mau chóng giải trừ sự hiềm nghi hủy báng đó. Trừ trường hợp ngoại đạo, hoặc kẻ ác, hoặc kẻ điên cuồng hiềm nghi hủy báng, không thể miễn cưỡng giải trừ được thì thôi.

D13. Giới không điều phục chúng sinh:

Nếu Bồ tát, quán xét chúng sinh phải nên dùng những lời quở trách nghiêm khắc để làm phương tiện lợi ích cho họ, nhưng lại sợ họ buồn phiền sầu não mà không dám quở trách, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: biết sự quở trách không lợi ích gì cho đối phương, mà chỉ làm cho họ tăng thêm buồn phiền sầu não.

D14. Giới trả đủa lại sự sân hận, đánh đập:

Nếu Bồ tát, bị kẻ khác mắng chửi liền mắng chửi lại, bị kẻ khác sân hận liền sân hận lại, bị kẻ khác đánh đập liền đánh đập lại, bị kẻ khác hủy báng liền hủy báng lại, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

D15. Giới không tạ lỗi đúng phép:

Nếu có Bồ tát xâm phạm kẻ khác, hoặc tuy không xâm phạm nhưng bị đối phương hiểu lầm là xâm phạm, trong những trường hợp này phải lập tức tạ lỗi đúng phép. Nếu như vì hiềm hận, hoặc khinh mạn đối phương mà không chịu tạ lỗi, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu như vì lười biếng nhút nhát mà không tạ lỗi, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục đối phương; hoặc đối phương bắt buộc phải làm điều phi pháp mới nhận sự tạ lỗi; hoặc biết đối phương là kẻ thích gây sự; hoặc biết sự tạ lỗi chỉ làm cho họ càng thêm giận dữ; hoặc biết đối phương tính tình ôn hòa nhẫn nhục, không có tâm hiềm hận; hoặc sợ đối phương sinh lòng hổ thẹn, cho nên không tạ lỗi.

D16. Giới không thọ nhận sự tạ lỗi:

Nếu Bồ tát, kẻ khác đến xâm phạm, nhưng họ đã tạ lỗi đúng phép, thế nhưng Bồ tát lại khởi tâm hiềm hận, vì muốn làm cho đối phương sầu não, bèn không chịu thọ nhận sự tạ lỗi của họ, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu như vì lười biếng nhút nhát mà không thọ nhận sự tạ lỗi của họ, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc muốn phương tiện này để điều phục đối phương, như phần trên đã nói qua; hoặc đối phương tạ lỗi không đúng phép, lại có thái độ bất bình, cho nên không nhận sự tạ lỗi của họ.

Trong điều giới Ba la di thứ tư, mình đã sân hận kẻ khác mà lại còn không nhận sự tạ lỗi của đối phương, cho nên kết tội trọng, còn ở đây, người khác đến xâm phạm mình mà mình không nhận sự tạ lỗi của họ, cho nên chỉ kết tội khinh.

D17. Giới hiềm hận kẻ khác:

Nếu Bồ tát, đối với kẻ khác khởi tâm hiềm hận, không chịu xả bỏ, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như : đang muốn đoạn trừ sự hiềm hận, tuy đã dùng nhiều phương pháp đối trị, nhưng phiền não vẫn tiếp tục hiện hành, như phần trên đã nói qua.

D18. Giới vì tâm tham mà nuôi dưỡng đệ tử:

Nếu Bồ tát, nuôi dưỡng đệ tử vì muốn họ cung phụng hầu hạ mình, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: không phải vì tham muốn sự cung phụng hầu hạ mà nuôi dưỡng đệ tử.

Nếu không có tâm tham, ắt phải quán xét đức hạnh của mình, có đủ tư cách để làm thầy hay không? Nếu nhận đệ tử, có thể dùng tài vật và Phật pháp để hộ trì họ hay không? Nếu đệ tử nương tựa mình, họ có tăng trưởng công đức xuất thế hay không? Giả như có giúp ích cho họ đôi phần, thế nhưng đối với việc tiến tu của chính mình có bị trở ngại hay không? Giả như không thể lợi mình lợi người mà vẫn nuôi dưỡng đệ tử, thì đây chỉ là tham muốn sự cung phụng mà thôi. Chúng ta lẽ nào không cẩn thận điều này!

D19. Giới ham ngủ nghỉ:

Nếu Bồ tát, tính tình lười biếng, ham ưa ngủ nghỉ, không biết giờ giấc, không biết hạn lượng, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc đang bị bệnh, hoặc không sức lực; hoặc đi xa về mệt mỏi; hoặc đang cố gắng đoạn trừ thói quen ngủ nghỉ, nhưng vẫn chưa đoạn trừ được, như phần trên đã nói qua.

D20. Giới bàn luận chuyện thế sự:

Nếu Bồ tát, ham thích bàn luận chuyện thế sự không kể giờ giấc, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô. Nếu vì đãng trí, nhầm lẫn mà quên giờ giấc, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc thấy đối phương tụ tập bàn tán, vì muốn giữ ý cho họ, nên tạm thời lắng nghe; hoặc tạm thời trả lời câu hỏi của đối phương về những việc ly kỳ ít có.

D21. Giới không tiếp thọ sự chỉ bảo của sư trưởng:

Nếu Bồ tát, muốn cầu tu định, nhưng vì tâm hiềm hận, kiêu mạn, không chịu nghe lời chỉ bảo của sư trưởng, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu vì lười biếng nhút nhát mà không nghe lời chỉ bảo, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc đang bị bệnh; hoặc không sức lực; hoặc biết sư trưởng giảng nói điên đảo; hoặc tự mình học rộng nghe nhiều, biết rõ phương pháp; hoặc trước kia đã nghe qua phương pháp tu tập.

Phàm muốn cầu định tâm, ắt phải cần tuân theo lời giáo huấn của sư trưởng, sau đó mới có thể y vào lời dạy mà tu tập, chưa từng có kẻ nào lỗ mãng, tự mình dụng công mà chẳng cần thầy. Nếu như nghĩ rằng lời dạy của thầy là rườm rà phức tạp, không được vắn tắt nhanh chóng, do đây mà khởi tâm hiềm hận, kiêu mạn, không thèm nghe lời, thì tội này lại còn nặng hơn là do lười biếng nhút nhát mà không nghe lời dạy. Kẻ học đạo thời nay chả lẽ lại không thận trọng điểm này.

D22. Giới sinh khởi tâm ngũ cái:

Nếu Bồ tát, sinh khởi tâm ngũ cái, không chịu tỉnh giác, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: đang nỗ lực đoạn trừ tâm ngũ cái, nhưng chưa đoạn trừ được, phiền não vẫn tiếp tục hiện hành, như phần trên đã nói qua.

Ngũ cái, tức là (1) tham dục, (2) giận hờn, (3) hôn trầm, (4) trạo hối (tâm lao chao bức rức), (5) nghi ngờ. Tâm tham dục, tức là trong lúc đang tu thiền tuệ, tâm cứ tham luyến tưởng nghĩ ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc), không chút ngừng nghỉ. Tâm giận hờn, tức là trong lúc đang tu thiền tuệ, lòng cứ miên man tưởng nghĩ đến kẻ thù, không thể tạm quên. Tâm hôn trầm, tức là trong lúc đang tu thiền tuệ, thân tâm cảm thấy nặng nề, ngầy ngật, không thể khống chế. Tâm lao chao, tức là trong lúc đang tu thiền tuệ, ba nghiệp tán loạn phiêu lưu, không thể an định. Tâm lao chao (Hán; trạo cử) chưa phải là cái (cái, nghĩa là phiền não che lấp bổn tâm), mà do vì tâm lao chao không thể thâu nhiếp, cho nên sinh ra sự bức rức hối hận. Sự bức rức hối hận này như mủi tên độc, có thể làm chướng ngại thiền tuệ, đây mới gọi là cái. Tâm nghi ngờ, có ba loại: (1) nghi pháp, cho rằng pháp mình đang tu chưa chắc giúp cho mình đắc được thiền tuệ; (2) nghi người, cho rằng vị thầy tuy dạy mình phương pháp tu tập thiền tuệ, nhưng chính ông ta còn chưa chứng được những cảnh giới đó, làm sao có thể tin tưởng vào ông ta được; (3) nghi mình, cho rằng mình căn cơ ám độn, tội chướng sâu dày, làm sao mà có thể tu chứng những cảnh giới thiền tuệ như vậy. Năm loại tâm này, dù khởi bất cứ tâm nào, chúng đều có thể là chướng ngại lớn cho sự tu tập của mình, phải nên cấp tốc tìm mọi phương cách trừ diệt. Nếu khởi tâm tham dục, phải nên dùng phương pháp quán bất tịnh, quán vô thường, khổ, không. Nếu khởi tâm giận hờn, phải nên quán xét rằng thực tại không có những tướng ta, người, v.v… Nếu khởi tâm hôn trầm, phải nên dùng phương pháp sách tấn, cảnh giác, đi kinh hành, v.v… Nếu khởi tâm lao chao, phải nên buộc tâm mình vào một cảnh, từ từ làm cho tâm được điều phục, đừng nên bức rức hối hận. Nếu khởi tâm nghi ngờ, phải nên nghĩ rằng: (1) Pháp mà đức Phật nói ra quyết định không hư dối; (2) vị thầy của mình, tuy là phàm phu, nhưng vẫn có thể giảng nói pháp của bậc thánh; (3) quán xét mình giống như đứa trẻ nhỏ bú sữa mẹ, không có gì là phải hổ thẹn cả. Ðừng nên ngần ngại trước phương pháp tu hành rườm rà chi tiết, căn duyên đời trước của mình khó lường, không thể xem thường; sự chướng ngại trên con đường tu tập không có thực tính, không nên bỏ cuộc.

D23. Giới chấp chặt vào pháp thiền định thế gian:

Nếu Bồ tát, thấy pháp thiền định thế gian, cho là có công đức, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: đang nỗ lực đoạn trừ kiến giải sai lầm này, nhưng vẫn chưa đoạn trừ được, như phần trên đã nói qua.

Phàm phu ngoại đạo tu tập “lục hành quán” [4], cảnh giới tứ thiền, tứ không định mà bọn họ chứng được gọi là vị thiền, bởi vì những cảnh thiền này toàn là “ám chứng”, không phát sinh trí tuệ. Hành giả khi chứng nhập vào mỗi cảnh, đều sinh tâm tham luyến, hơn nữa, những cảnh giới ấy cũng không được phân minh. Nếu như đệ tử Phật tu tập các pháp “lục diệu môn”, hoặc pháp “thập lục đặc thắng”, v.v…, cũng sẽ chứng nhập vào các cảnh thiền định này, thế nhưng đây chỉ là tạm mượn những cảnh giới đó để đối trị tâm tham dục hoặc tán loạn, dùng đây làm phương tiện để phát sinh trí tuệ xuất thế chân chánh, chứ không phải cho rằng những cảnh thiền định này là công đức chân thực. Nếu như chứng đắc vào những cảnh thiền mà lại sanh tâm tham luyến, thì có khác nào phàm phu ngoại đạo? Nếu tham luyến, sẽ tùy vào cảnh giới thiền định mà thọ sanh, ắt sẽ thoái thất đạo Ðại Bồ Ðề, như thế lẽ nào lại không cẩn thận hay sao?

D24. Giới hủy báng pháp Thanh văn:

Nếu Bồ tát, hoặc có kiến giải, hoặc lập luận như sau: “Bồ tát không nên nghe, không nên tiếp thọ, không nên học hỏi giáo pháp của Thanh văn. Bồ tát cần giáo pháp của Thanh văn làm gì?”, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô. Vì sao? Bồ tát còn nghe pháp của ngoại đạo, huống hồ là những lời Phật dạy?

Những trường hợp không phạm, như: đang học pháp tạng của Bồ tát, chưa có cơ hội học tập giáo pháp của Thanh văn.

D25. Giới bỏ Ðại thừa học Tiểu thừa:

Nếu Bồ tát, không tìm phương tiện để học tập giáo pháp của Bồ tát, mà lại bỏ phế, quay sang chuyên tâm học tập giáo pháp Thanh văn, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm không nhiễm ô.

Ðiều giới 24, Hủy báng giới pháp Thanh văn, tức là đánh mất cả hai nguyên tắc của Ðại thừa lẫn Tiểu thừa, cho nên phạm với tâm nhiễm ô. Còn điều giới này, Bỏ Ðại thừa học Tiểu thừa, do vì Tiểu thừa là bước thang bước lên Ðại thừa, cho nên chỉ phạm tội với tâm không nhiễm ô. Quán xét điều giới này, phải biết rằng ở đời sau này, các hành giả tự phụ là Ðại thừa cho rằng: “Không cần phải câu nệ vào những sự trì giới nhỏ nhặt của Tiểu thừa”, đã trái ngược rất xa với lời giáo huấn của đức Thế Tôn!

D26. Giới không học tập Phật pháp:

Nếu Bồ tát, đối với những điều Phật dạy, bỏ phế không chịu học, lại quay sang học tà luận của ngoại đạo, sách vỡ của thế gian, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc trí tuệ cao siêu, có thể học tập Phật pháp rất nhanh chóng; hoặc đã học Phật pháp dài lâu, hiện vẫn chưa quên; hoặc đã quán sát đầy đủ Phật pháp, chứng được trí bất động; hoặc trong mỗi ngày, dùng hai phần thời gian học tập Phật pháp, một phần thời gian học tập sách vở thế gian. Ngược lại, nếu Bồ tát đã học rành sách vở thế gian, tà luận của ngoại đạo, rồi sinh ra đắm nhiễm không rời, không xem chúng như cặn bả, độc dược, thì gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Trong tạng luật có nói: “Vì muốn hàng phục ngoại đạo, cho nên cho phép trong ba thời mỗi ngày, dùng một thời để nghiên cứu sách vở thế gian ngoại đạo”. Thế nhưng, không nên để tư tưởng ngoại đạo lay chuyển, sinh ra kiến giải sai lầm. Nếu như muốn hàng phục ngoại đạo thì không nên tham luyến vào những kiến giải của bọn họ. Nên biết rằng sách vở thế gian ngoại đạo không thể làm cho chúng sanh thoát ly sanh tử, vì thế phải xem chúng như thuốc độc, như đồ phế thải.

D27. Giới không tin Phật pháp thâm sâu:

Nếu Bồ tát, nghe nghĩa lý thâm sâu, chân thực của giáo pháp của Bồ tát, lại nghe chư Phật, Bồ tát có vô lượng thần lực, bèn không tin nhận, phỉ báng như sau: “Những điều này không lợi ích, không phải do Phật nói, không thể đem lại an lạc cho chúng sinh”, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô. Ðây là vì tâm suy tưởng không chân chánh nên hủy báng, hoặc nghe theo lời xúi dục của kẻ khác mà hủy báng, cho nên đối với nghĩa lý thâm sâu đệ nhất của giáo pháp Bồ tát không thể sinh khởi sự hiểu biết chân thực. Bồ tát đối với giáo pháp thâm sâu của Bồ tát phải nên sinh lòng tin tưởng, tâm không gian dối, nói lời như sau: “Tôi là kẻ hoàn toàn sai lầm, đui mù không trí tuệ. Ðức Như Lai là bậc có tuệ nhãn, ngài tùy thuận chúng sinh mà giảng nói pháp đệ nhất nghĩa. Ðối với chúng sanh có căn cơ thấp, đức Như Lai sẽ có phương tiện khác để giáo hóa. Làm sao có thể sinh tâm hủy báng?” Bồ tát phải tự ý thức sự vô tri của mình, đối với giáo pháp mà đức Như Lai thấy được, biết được, phải nên chánh niệm quán sát, đem lòng tin chân chánh tùy thuận theo, đây gọi là không phạm.

Nghĩa lý thâm sâu, tức là sự và lý đều siêu vượt tình thức, xa lìa kiến giải của thế gian. Nghĩa lý chân thực, tức là toàn thể sự vật đều là lý thể của pháp giới, ba đế (tục đế, chân đế, trung đế) đều viên dung, không thể nghĩ lường. Chẳng hạn như trong kinh nói “Phiền não tức Bồ đề”, hoặc nói “Sinh tử tức Niết bàn”, v.v… Chư Phật Bồ tát có vô lượng thần lực, nghĩa là toàn bộ lý thể của pháp giới biến thành những sự việc hy hữu, hổ tương nhiếp thọ bao dung, không thể cùng tận. Như trong kinh nói “Trên đầu cọng lông, hiện ra cõi nước của chư Phật”, hoặc nói “Ngồi trong một hạt bụi, chuyển Ðại pháp luân”, v.v… Nói tóm tắt, trong Ðại tạng kinh Ðại thừa, có rất nhiều những sự việc cùng lý luận siêu việt khác thường như vậy. Hành giả tu học Ðại thừa, tuy không thể tức khắc lý giải, thế nhưng cũng phải đem lòng ngưỡng mộ tin tưởng, không thể vì không hiểu mà liền sinh lòng hủy báng. Xin gửi lời đến các hành giả đời vị lai, đặc biệt phải nên cẩn thận điểm này!

D28. Giới khen mình chê người :

Nếu Bồ tát, vì tâm tham lam hoặc giận dữ, tự khen công đức mình, hoặc hủy báng nhục mạ kẻ khác, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc khinh chê phỉ báng ngoại đạo, xưng dương Phật pháp; hoặc dùng phương tiện này để điều phục đối phương, như phần trên đã nói qua; hoặc làm cho kẻ chưa tin Phật pháp sinh khởi lòng tin, đã có lòng tin, làm cho tăng trưởng.

Tự khen công đức mình, nghĩa là mình tuy thực sự có ưu điểm, nhưng vì tâm tham lợi dưỡng cho nên tự khen mình. Hủy báng nhục mạ kẻ khác, nghĩa là tuy đối phương thực sự có khuyết điểm (lỗi lầm), nhưng vì mình có tâm hờn giận cho nên hủy báng nhục mạ họ. Hai sự kiện này không đi đôi với nhau, cho nên kết tội nhẹ. Còn nếu vì tâm tham mà tự khen mình, và đồng thời lại hủy báng kẻ khác, thì sẽ phạm vào điều giới trọng thứ nhất. Chỉ có khi nào đem Phật pháp và pháp ngoại đạo ra so sánh, hiển dương Phật pháp, chỉ trích ngoại đạo, thì mới gọi là phá tà hiển chánh, và như vậy thì mới không phạm giới. Lại nữa, nếu nhân vì sự tự khen mình hoặc chê người (không vì lợi dưỡng) mà có thể làm cho những kẻ chưa tin Phật pháp sinh khởi lòng tin, còn những kẻ đã tin Phật pháp tăng trưởng lòng tin, thì cũng không phạm giới. Thế nhưng, phải biết căn cơ chân thực của đối phương mới có thể tạm dùng phương pháp này, không thể lạm dụng như một phương pháp thông thường.

D29. Giới vì kiêu mạn không đi nghe pháp:

Nếu Bồ tát, nghe có chỗ giảng thuyết, hoặc có chỗ thảo luận Phật pháp, nhưng vì kiêu mạn, hoặc sân hận mà không đi nghe, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu vì lười biếng, nhút nhát mà không đi nghe, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc có nghe cũng không hiểu; hoặc đang bị bệnh; hoặc không sức lực; hoặc biết người giảng pháp chỉ nói chuyện điên đảo; hoặc muốn giữ ý với người giảng pháp; hoặc đã nghe qua nhiều lần, và đã hiểu rõ ý nghĩa; hoặc học rộng nghe nhiều; hoặc đã nghe rồi đang suy tư nghĩa lý; hoặc đang như lời thuyết giảng mà thực hành; hoặc đang tu thiền định, không muốn tạm gián đoạn; hoặc căn cơ ám độn, không hiểu, không thể thọ trì những lời giảng dạy. Trong những trường hợp này, không đi nghe không phạm.

D30. Giới khinh thường pháp sư:

Nếu Bồ tát, khinh thường người giảng pháp, không sinh tâm cung kính, cười chê hủy báng, cho rằng người nói pháp chỉ chấp trước vào mặt chữ, không hiểu rõ ý nghĩa chân thực, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Phàm những vị giảng nói Phật pháp, hoặc có vị cả hai mặt văn chương và nghĩa lý đều thâm diệu, hoặc có vị tuy giảng nghĩa lý thâm diệu, nhưng mặt văn chương có thể hơi thô kệch, hoặc có vị tuy về mặt văn chương rất tuyệt diệu, nhưng phần nghĩa lý có thể rất cạn cợt. Bởi thế người nghe pháp phải nên “đạt ý quên lời”, quán xét ý nghĩa của bài giảng mà không nên câu nệ vào lời văn. Nếu như nhân vì người giảng pháp văn chương thô kệch mà sinh tâm cười chê, hủy báng, thì quả thật đây là một lỗi lầm rất nặng.

D31. Giới không làm việc chung:

Bồ tát có bốn pháp để nhiếp thọ, thủ hộ chúng sanh: một là bố thí nhiếp, hai là ái ngữ nhiếp, ba là lợi hành nhiếp, bốn là đồng sự nhiếp. Ðiều giới này tức là đồng sự nhiếp.

Nếu Bồ tát, thọ trì giới luật nghi, thấy những kẻ khác công tác, vì tâm sân hận, không chịu tham gia, chẳng hạn như trù hoạch công tác, hoặc cùng đi trên một lộ trình, hoặc kinh doanh đúng pháp, hoặc canh tác, hoặc hòa giải sự tranh chấp, hoặc tham dự vào những buổi hội vui, hoặc làm việc từ thiện, đều không chịu tham gia đóng góp, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu vì lười biếng, nhút nhát, mà không tham gia, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc đang bị bệnh; hoặc không sức lực; hoặc đối phương đủ sức tự lo lấy; hoặc đối phương có nhiều người phụ giúp; hoặc việc làm của họ phi pháp bất nghĩa; hoặc muốn dùng phương tiện nầy để điều phục đối phương, như phần trên đã nói qua; hoặc đã hứa giúp kẻ khác; hoặc đối phương đang oán hận mình; hoặc đang tu tập pháp lành, không muốn tạm gián đoạn; hoặc tính tình ám độn; hoặc muốn giữ ý cho đám đông; hoặc tuân theo quy chế của Tăng đoàn. Trong những trường hợp này đều không phạm.

Trong đây, kinh doanh đúng pháp, canh tác, v.v…, là những việc của người tại gia, chỉ riêng Bồ tát tại gia mới nên cùng làm. Còn những việc như: cùng đi trên một lộ trình, hòa giải sự tranh chấp, tham dự vào những buổi hội vui (Hán: cát hội), v.v…, thì Bồ tát tại gia hoặc xuất gia đều phải nên tham dự. Những trường hợp không phạm có mười hai điều, như trong giới văn đã nói rõ.

D32. Giới không chăm sóc người bệnh:

Trong đây cũng có nói rõ trường hợp không chăm sóc người nghèo khổ.

Nếu Bồ tát, thấy người bệnh hoạn, vì tâm sân hận, không đến chăm sóc hỏi han, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu vì lười biếng nhút nhát mà không chăm sóc hỏi han, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc đang có bệnh; hoặc không sức lực; hoặc đã dặn bảo kẻ có sức lực chăm sóc người bệnh; hoặc biết người bệnh có bà con quyến thuộc có thể chăm sóc cho họ; hoặc người bệnh có sức lực có thể tự chăm sóc; hoặc bệnh thường phát tác; hoặc bị bệnh kinh niên; hoặc đang tu tập pháp môn thù thắng không muốn tạm gián đoạn; hoặc đang tu tập nhưng vì căn tánh ám độn chưa thể hiểu rõ, chưa thể thọ trì, tâm chưa thể an định; hoặc trước đã hứa chăm sóc người bệnh khác. Trong những trường hợp này đều không phạm. Trường hợp gặp người nghèo khổ cũng tương tự như vậy.

Tâm chưa thể an định, bản Du Già Bồ Tát Giới dịch là “không thể nhiếp tâm tu định”, nghĩa là những kẻ căn cơ ám độn, tuy cố gắng buộc tâm vào một cảnh, cũng khó làm cho tâm an định.

D33. Giới không khuyên can kẻ ác:

Nếu Bồ tát, thấy chúng sanh đang tạo nghiệp ác đời này hoặc đời sau, vì tâm hiềm hận không chịu nói lẽ phải cho họ biết để họ sửa đổi, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc không có trí tuệ; hoặc không sức lực; hoặc đã dặn bảo kẻ khác giảng giải cho họ biết; hoặc biết đối phương sẽ tự sửa đổi; hoặc biết đối phương đang gần gủi thiện tri thức; hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục đối phương, như phần trên đã nói qua; hoặc biết nếu nói sự thật, đối phương không sửa đổi lại còn oán hận; hoặc nếu nói sự thật, họ sẽ trả đủa bằng những lời ác độc; hoặc họ sẽ hiểu lầm, làm ngược lại ý mình muốn nói; hoặc đối phương hoàn toàn không có tâm kính trọng; hoặc biết đối phương tính tình ngang ngược không biết phục thiện.

Có thể chiêu cảm quả báo đời này, gọi là tạo nghiệp ác đời này; có thể chiêu cảm quả báo đời sau, gọi là tạo nghiệp ác đời sau. Lại nữa, tạo những nghiệp sát, đạo, dâm, vọng, thì gọi là tạo nghiệp ác đời này; còn như nguyện đời sau sanh vào cõi người hoặc cõi trời để hưởng sự vui sướng, sống lâu, v.v…, cho nên tu tập bố thí, thiền định, v.v…, thì gọi là tạo nghiệp ác đời sau. Những kẻ tạo nghiệp ác đời này, là vì ngu mê về quả dị thục, phải nên giảng nói cho họ nhân quả thế gian chân chánh; còn những kẻ tạo nghiệp ác đời sau, là vì ngu mê về nghĩa lý chân thực, phải nên giảng nói cho họ nhân quả xuất thế chân chánh.

D34. Giới không báo ơn:

Nếu Bồ tát, thọ ơn của người khác, không biết báo đáp lại, hoặc bằng, hoặc hơn, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu vì lười biếng nhút nhát mà không báo đáp, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc tuy muốn báo đáp nhưng không đủ khả năng; hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục đối phương; hoặc tuy muốn báo đáp nhưng đối phương không thọ nhận.

D35. Giới không an ủi người hoạn nạn:

Nếu Bồ tát, thấy chúng sinh gặp sự khó khăn đối với họ hàng quyến thuộc, hoặc đối với vấn đề tiền bạc sinh kế, vì tâm hiềm hận, không giúp đỡ họ giải quyết vấn đề khó khăn, giải trừ sự lo lắng, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu vì lười biếng nhút nhát mà không giúp đỡ, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như trong điều giới “Không làm việc chung” đã nói qua.

D36. Giới không bố thí tài vật:

Nếu Bồ tát, có người đến xin thức ăn, quần áo, vì tâm sân hận, không chịu bố thí, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc tự mình không có tài vật để bố thí; hoặc đối phương đòi hỏi những vật phi pháp, hoặc những vật vô ích; hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục đối phương; hoặc biết đối phương là kẻ phạm pháp, vì tuân hành luật pháp quốc gia nên không bố thí; hoặc tuân theo quy chế của Tăng đoàn.

Tuy không bố thí, nhưng cũng không hủy báng, do đó chỉ kết tội nhẹ; lại nữa, hoặc chỉ là tâm bỏn sẻn bậc trung hoặc bậc hạ, chứ không phải tâm bỏn sẻn bậc thượng. Có sáu trường hợp không phạm, như giới văn đã nêu rõ.

D37. Giới không chăm sóc đệ tử đúng như pháp:

Nếu Bồ tát, nuôi dưỡng đệ tử, vì tâm sân hận, không chịu dạy bảo họ đúng như pháp, không chịu tùy lúc đến các bà la môn, cư sĩ cầu xin y phục, thức ăn, mền chiếu, thuốc men, phòng nhà, để cung cấp cho đệ tử, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu vì lười biếng, nhút nhát, buông lung mà không chăm sóc, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục đệ tử, như phần trên đã nói qua; hoặc tuân theo quy chế của Tăng đoàn; hoặc đang có bệnh; hoặc không sức lực; hoặc đã dặn bảo kẻ khác chăm sóc; hoặc đệ tử có đủ sức lực, có nhiều người giúp đỡ, có thể tự cầu xin những vật cần dùng; hoặc hoặc đệ tử thọ trì và hiểu rõ những điều đã dạy; hoặc ngoại đạo đến nghe trộm pháp, không thể điều phục. Trong những trường hợp này, không chăm sóc cho họ không phạm.

Nếu như Bồ tát tu tập hạnh viễn ly, không thu nhận đệ tử thì thôi, nếu như đã thu nhận, phải nên dùngÕ hai sự: Phật pháp và tài vật để nhiếp thọ, hộ trì. Dùng Phật pháp, nghĩa là đúng như pháp mà dạy dỗ đệ tử tu tập giới định tuệ; dùng tài vật, nghĩa là đem bốn sự: thức ăn, quần áo, phòng nhà, thuốc men để cung cấp cho đệ tử. Trường hợp phạm không phạm như giới văn đã nói rõ. Ngoại đạo đến nghe trộm pháp, nghĩa là đệ tử vốn là ngoại đạo trá hình xin làm đệ tử với mục đích muốn nghe trộm chính pháp để thêm thắt vào trong tà giáo. Vì trước đó không có tha tâm thông hoặc thiên nhãn thông cho nên đã nhận lầm, nay không thể điều phục họ, cho nên không giảng cho họ Phật pháp, không cung cấp cho họ bốn sự cần thiết, và như thế cũng không phạm giới.

D38. Giới không tùy thuận người khác:

Ðây là điều “lợi hành nhiếp” trong bốn nhiếp pháp. Trong mười đại nguyện vương của đức Phổ Hiền gọi là “tùy thuận chúng sanh”. Nên biết rằng, khi chúng sanh có việc cần, mình đến trợ giúp, thì gọi là đồng sự, còn như khi chúng sanh có nguyện cầu gì, mình đến làm cho họ thỏa mãn, thì gọi là tùy thuận.

Nếu Bồ tát, vì tâm hiềm hận không chịu tùy thuận người khác, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu vì lười biếng nhút nhát mà không tùy thuận, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc đối phương muốn làm những việc không đúng pháp; hoặc đang có bệnh; hoặc không sức lực; hoặc tuân theo quy chế của Tăng đoàn; hoặc đối phương tuy làm đúng pháp, nhưng có thể phát động nhiều người khác làm việc phi pháp; hoặc vì muốn điều phục ngoại đạo; hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục đối phương.

D39. Giới không tùy hỷ công đức:

Nếu Bồ tát, biết rõ chúng sinh thực có công đức, nhưng vì tâm hiềm hận, không chịu nói cho kẻ khác biết; hoặc nghe có người khen ngợi kẻ ấy, không chịu phụ họa tán đồng, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc biết đối phương không muốn được khen ngợi, bèn giữ ý cho họ; hoặc đang có bệnh; hoặc không sức lực; hoặc muốn dùng phương tiện này để điều phục đối phương, như phần trên đã nói qua; hoặc tuân theo quy chế của Tăng đoàn; hoặc biết sự khen ngợi có thể làm cho đối phương sinh khởi phiền não, hoặc vui mừng quá mức, hoặc sanh tâm kiêu mạn, vì muốn giảm trừ những tệ hại này nên không nói, không khen; hoặc việc làm của đối phương hình như có công đức nhưng thật sự không có công đức; hoặc lời nói của họ có vẽ như lời tốt, nhưng thực sự không phải lời tốt; hoặc muốn bẻ gảy tà kiến của ngoại đạo; hoặc là đang đợi cho đối phương nói xong, làm xong rồi mới khen ngợi.

D40. Giới không chiết phục chúng sanh:

Nếu Bồ tát, thấy có chúng sanh cần phải bị quở trách, cần phải bị chiết phục, cần phải bị trừng phạt trục xuất, nhưng vì tâm thiên vị mà không quở trách, hoặc tuy quở trách mà không chiết phục, hoặc tuy chiết phục mà không trừng phạt trục xuất, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm nhiễm ô; nếu vì lười biếng, nhút nhát, buông lung mà không làm, thì gọi là phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm: hoặc biết đối phương ương ngạnh không thể điều phục, không thể nói lời phải, không thể dạy bảo, thường hay khởi tâm hiềm hận; hoặc muốn đợi cơ hội; hoặc sợ nhân vì xử phạt mà dấy lên sự xung đột, tranh chấp, kiện tụng; hoặc dấy lên sự tranh chấp, hoặc phá vở sự hòa hợp trong tăng đoàn; hoặc biết đối phương không có tính gian dối, có tâm hổ thẹn, biết từ từ cải đổi. Trong những trường hợp này, không quở trách trừng phạt không phạm.

Tội có ba bậc, tội nhẹ nên quở trách, tội vừa nên chiết phục (dùng hình phạt nhẹ), tội nặng nên trừng phạt (dùng hình phạt tương đối nặng) hoặc trục xuất. Lại nữa, nếu vì lầm lỡ mà phạm tội thì có thể tha thứ. Cho nên đối với kẻ phạm tội phải nên quở trách, nếu đã bị quở trách mà không chịu cải đổi thì phải nên chiết phục, nếu đã bị chiết phục mà vẫn không chịu cải đổi thì phải nên trừng phạt hoặc trục xuất. Nếu như vì tình cảm quyến thuộc quá nặng, hoặc nhân vì thọ nhận sự cúng dường của đối phương mà tha thứ bỏ qua cho họ, thì gọi là phạm với tâm nhiễm ô, phải bị kết tội trọng cấu.

D41. Giới không dùng thần lực nhiếp thọ chúng sinh:

Nếu Bồ tát, thành tựu các loại thần lực, đối với kẻ cần khủng bố thì phải khủng bố, đối với kẻ cần nhiếp thọ thì phải nhiếp thọ, để cho họ nỗ lực tu hành, hầu có thể trả ơn thí chủ, nếu như không dùng thần lực để khủng bố hoặc nhiếp thọ, đây gọi là phạm vào tội đột kiết la, phạm do tâm không nhiễm ô.

Những trường hợp không phạm, như: hoặc biết nếu dùng thần lực, đối phương càng trở nên chấp trước; hoặc làm cho ngoại đạo hủy báng Phật pháp, tăng trưởng tà kiến; hoặc làm cho đối phương sợ hãi phát cuồng, hoặc tăng gia sự sợ hãi thống khổ. Trong những trường hợp này, không thi thố thần lực không phạm.

Các vị Bồ tát đã thành tựu thần lực mà còn phạm giới, cho nên biết rằng chỉ có chư Phật mới có thể thành tựu Giới ba la mật một cách viên mãn cứu cánh.

C3. Câu hỏi kết luận:

Các vị Bồ tát! Nay đã nói các điều giới đột kiết la. Nếu có Bồ tát nào phạm vào mỗi điều giới, phải làm pháp sám hối tội đột kiết la. Nếu không sám hối, sẽ chướng ngại cho giới pháp của Bồ tát.

Nay xin hỏi đại chúng, trong đây có thanh tịnh không? (hỏi ba lần)

Các vị Bồ tát! Trong đây thanh tịnh, vì tất cả đều im lặng. Việc này nên ghi nhận như vậy.

Trong các điều giới đột kiết la, nếu phạm vào một giới, phải nên lập tức sám hối. Nếu không sám hối, tuy không mất giới thể,Õ nhưng vẫn có thể làm chướng ngại giới pháp Bồ tát. Giống như bụi bặm làm mờ mặt gương, mây mù che khuất mặt trời, làm cho đạo Bồ tát của hành giả không còn sáng tỏ. Không nên coi thường các tội nhỏ, cho là không có tai ương. Giọt nước tuy nhỏ, từ từ đầy cả chum lớn. Nếu như thường thường vi phạm, không chịu sanh tâm nhàm chán sự phạm giới, tội nhỏ từ từ tích thành tội lớn, vẫn có thể mất giới thể. Ðiều này trong quyển Bồ tát Yết ma có nói rõ, lẽ nào không chịu cẩn thận hay sao?

B3. Kết luận chỉ rõ tông thú. Có ba phần:

C1. Kết luận chỉ rõ công năng của giới pháp:

Các vị Bồ tát! Tôi đã nói bốn pháp ba la di, cùng các pháp đột kiết la của Bồ tát. Ðây là ma đắc lặc già do đức Thế Tôn Di Lặc diễn nói: nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiếp chúng sanh giới. Những giới pháp này có thể sinh khởi Bồ tát hạnh, có thể thành tựu Bồ tát đạo.

Sinh khởi Bồ tát hạnh, tức là vạn sự đều trang nghiêm, đây là do lực lượng của Duyên nhân Phật tính. Thành tựu Bồ tát đạo, tức là Phật tính cực kỳ viên mãn, đây là do lực lượng của Liễu nhân Phật tính, lại cũng là công năng của giới pháp này. Thế nên phải biết rằng công năng của giới pháp rất là cực kỳ to lớn.

C2. Khuyên nhắc chỉ rõ tâm yếu của sự hộ trì giới luật:

Các vị Bồ tát! Nếu muốn phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải nên khéo hộ trì giới pháp này.

Những người hộ trì giới pháp này, không nên sinh khởi tưởng nghĩ là thời tượng pháp hay mạt pháp.

Do vì phát tâm Ðại Bồ đề, nên mới có thể thành tựu giới hạnh thanh tịnh; do vì thành tựu giới hạnh thanh tịnh, nên mới có thể thành tựu đạo Vô thượng Bồ đề. Những sự kiện này hổ tương nương tựa vào nhau, không thể tạm rời. Thời tượng pháp hay mạt pháp đều chỉ là cái nhìn hư vọng phân biệt của chúng sanh mà thôi. Nếu như đã phát tâm muốn hộ trì giới pháp vi diệu của Bồ tát, tất nhiên phải nên quán xét thâm sâu “pháp tính thường trụ”, giống như lúc đức Phật còn tại thế, không có gì khác biệt, cho nên mới nói “một pháp hội ở Linh thứu vẫn còn diễn ra chưa hề giải tán”. Lẽ nào lại khởi lên ý tưởng là thời tượng pháp hay Phật pháp diệt tận, để mà tự khoan thứ mình, không chịu hành trì giới pháp cho nghiêm cẩn!

C3. Kết luận nói rõ lợi ích của sự hộ trì giới pháp:

Vì sự trì giới nghiêm cẩn sẽ có thể làm cho ý nghĩa thực sự của thời tượng pháp chói sáng, có thể làm cho chánh pháp vĩnh viễn không bị diệt tận, như thế tâm sẽ an định, tự mình sẽ thành tựu Phật đạo; thường phải chuyên cần giáo hóa chúng sanh không biết nhàm mỏi, sau khi hoàn thành những nghiệp lành, sẽ sớm viên thành Phật quả.

Nếu hộ trì giới pháp này, có thể làm cho ý nghĩa thực sự của đời tượng pháp chói sáng, giống như chánh pháp vẫn còn ở thế gian, không có gì khác biệt; có thể làm cho chánh pháp của đức Như Lai thường an trụ tại thế gian, vĩnh viễn không bị diệt tận. Bởi do hành giả thường thường an trụ trong chánh pháp, cho nên tâm được an định, tự mình có thể thành tựu Phật pháp, đây là sự tự lợi rốt ráo; lại dùng giới pháp này giáo hóa chúng sanh, ắt sẽ có phương tiện khéo léo, thường không cảm thấy nhàm chán mệt mỏi trong công cuộc hoằng pháp, đây là sự lợi người rốt ráo. Tâm được an định, đây là do lực lượng của giới nhiếp luật nghi; tự mình thành tựu Phật pháp, đây là do lực lượng của giới nhiếp thiện pháp; giáo hóa chúng sanh, không cảm thấy nhàm mỏi, đây là do lực lượng của giới nhiếp chúng sanh. Do ba tụ giới này mà thành tựu được hai điều lợi, cho nên thiện nghiệp của hành giả sẽ trở nên kiên cố rốt ráo, và như vậy, việc sớm thành tựu Phật quả đâu có gì đáng nghi ngờ! Thật là quá sức tưởng tượng. Lợi ích của sự hộ trì giới luật quả thật là vô cùng to tát!

Lời Bạt

Lúc trước tôi đang ở núi Cửu Hoa đã có soạn quyển Phạm Võng Hợp Chú. Tôi đã đem tất cả những điều khai già trì phạm của quyển giới bổn này hội nhập vào trong mười điều giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Gần đây, nhân vì cứ mỗi nửa tháng tụng quyển giới bổn này, có nhiều vị vẫn chưa hiểu rõ những điều giới trong đây, cho nên họ đã cực lực thỉnh cầu tôi soạn một quyển giải thích sơ lược những phần trọng yếu. Tôi sợ có sự trùng lặp nên đã đôi phen chối từ, nhưng họ vẫn cứ cố thỉnh như sau: “Chúng sanh đời mạt pháp căn cơ ám độn, không thể xem trọn quyển Hợp Chú, tại sao ngài không tùy thuận thời cơ, giúp cho người tụng giới hiểu sơ lược đại ý. Biết đâu nhờ đây mà không bị phạm vào tội “không học vô tri”! Do đó, tôi đã ghi chép lại những điều thiết yếu nhất, để làm lợi ích cho kẻ sơ học. Thế nhưng, đã là Bồ tát tỳ kheo thì phải nên học hết tạng luật của Ðại thừa lẫn Tiểu thừa. Ngay như Bồ tát sa di và Bồ tát ưu bà tắc cũng nên học rộng kinh luật Ðại thừa, lẽ nào chỉ ôm chặt một giọt nước nhỏ này, cho đây là đủ, mà bỏ mất biển lớn hay sao?

Ngày mùa hạ năm Tân Mão, Ngẫu Ích Trí Húc viết tại Tinh Xá Trường Can.

Chú thích:

[1] Thánh tài: tức là bảy tài sản của bậc thánh: (1) tín, (2) giới, (3) văn, (4) tàm, (5) quý, (6) xả, (7) tuệ.

2 Năm điều tà: (1) giả vờ hiện tướng lập dị; (2) tự khoe công đức, xem bói xem tướng, nói điều lành dữ; (3) nói năng huênh hoang, cố tỏ uy thế; (5) khoe mình được cúng dường để làm động tâm người khác. Tất cả đều với mục đích mong cầu lợi dưỡng.

[3] Bát uế: tức là tám thói nhơ bẩn đối với người tu hành (1) tậu ruộng tậu nhà; (2) trồng trọt cây cối; (3) tích trữ thóc lúa; (4) nuôi nấng nô tỳ; (5) chăn nuôi gia súc; (6) tích góp tiền bạc châu báu; (7) tích chứa những vật khảm, nạm, hoặc làm bằng ngà voi, sừng thú, v.v…, (8) tích trữ nồi đồng, chảo gang để tự nấu nướng.

[4] Lục hành quán: quán sát hạ địa là thô, khổ, không, để sinh tâm nhàm chán; quán sát thượng địa là tĩnh, diệu, ly để sinh tâm ưa thích.

    Xem thêm:

  • Kinh Thiện Sanh Tử - Kinh Tạng
  • Bài Tụng Bồ Tát Long Thụ Khuyến Giới Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Thức Xoa Ma Na Ni Giới Bổn - Kinh Tạng
  • Kinh Nhập Định Bất Định Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Vạn Phật Thánh Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Về Đối Trị Bệnh Tật - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 65 – Kinh Bhaddàli (Bhaddàli sutta) - Kinh Tạng
  • Giảng Giải Tinh Yếu Kinh A Di Đà - Kinh Tạng
  • Kinh Đăng Chỉ Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Thi Ca La Việt Lạy Sáu Phương - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phát Giác Tịnh Tâm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Minh Lễ dịch - Kinh Tạng
  • Tịnh Từ Yếu Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 8 – Phẩm Uế - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng