KINH TẠP A-HÀM QUYỂN 14
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
KINH 343. PHÙ-DI[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Tỳ-kheo Phù-di[2] ở tại núi Kỳ-xà-quật. Lúc ấy có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả Phù-di, cùng chào hỏi và chúc tụng nhau. Sau khi chào hỏi và chúc tụng nhau, rồi ngồi qua một bên, nói với Tôn giả Phù-di:
“Chúng tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh thì giờ giải đáp cho không?”
Tôn giả Phù-di bảo các xuất gia ngoại đạo:
“Tùy theo những gì các vị hỏi, tôi sẽ trả lời các vị.”
Lúc ấy, chúng xuất gia ngoại đạo hỏi Tôn giả Phù-di:
“Khổ lạc có phải là do tự tác không?”[3]
Tôn giả Phù-di đáp:
“Này các vị xuất gia ngoại đạo, nói ‘khổ lạc là do tự tác’; điều này Đức Thế Tôn bảo, ‘Ta không khẳng định[4] ’.”
Lại hỏi:
“Khổ lạc có phải là do tha nhân tác không?”
Đáp:
“Khổ lạc là do tha nhân tác; điều này Đức Thế Tôn bảo ‘Ta không khẳng định’.”
Lại hỏi:
“Khổ lạc có phải là do vừa tự vừa tha nhân tác không?”
Đáp:
“Khổ lạc là do vừa tự vừa tha nhân tác; những điều này Đức Thế Tôn bảo ‘Ta không khẳng định’.”
Lại hỏi:
“Khổ lạc có phải là chẳng phải vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo không?”
Đáp:
“Khổ lạc là chẳng vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo, những điều này Đức Thế Tôn bảo ‘Ta không khẳng định.’”
Chúng xuất gia ngoại đạo lại hỏi:
“Thế nào, Tôn giả Phù-di, khi chúng tôi hỏi có phải khổ lạc là do tự tác; thì bảo là không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải do tha nhân tác, thì bảo rằng không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải là do vừa tự vừa tha nhân tác, thì bảo rằng không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải là chẳng vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo, thì bảo rằng không khẳng định. Vậy hiện tại Sa-môn Cù-đàm nói khổ lạc được sanh ra như thế nào?”
Tôn giả Phù-di đáp:
“Này chúng xuất gia ngoại đạo, Đức Thế Tôn bảo khổ lạc được sanh ra từ duyên khởi.”
Lúc ấy chúng xuất gia ngoại đạo nghe những gì Tôn giả Phù-di nói, tâm không hoan hỷ, chỉ trích, rồi bỏ ra đi.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở cách chỗ Tôn giả Phù-di không xa, đang ngồi dưới bóng cây. Lúc ấy Tôn giả Phù-di biết chúng xuất gia ngoại đạo đã đi rồi, mới đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, hai vị cùng chào hỏi và chúc tụng nhau. Sau khi chúc tụng rồi, Tôn giả đem những câu hỏi của chúng xuất gia ngoại đạo trình lại đầy đủ cho Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Tôi đã giải đáp như vậy, không mắc tội hủy báng Đức Thế Tôn chăng? Nói như thuyết chăng? Nói như pháp chăng? Nói tùy thuận pháp, hành pháp chăng? Không bị những người khác nhân nơi luận pháp đến nạn vấn chỉ trích chăng?”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
“Này Tôn giả Phù-di, những điều thầy nói là đúng như lời Phật dạy, không hủy báng Như Lai, nói như những gì Phật đã nói, nói như pháp, pháp hành, pháp thuyết, không bị những người khác nhân nơi luận nghĩa, mà đến cật vấn, quở trách. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn dạy khổ lạc được sanh ra từ duyên khởi.
“Tôn giả Phù-di, những gì các Sa-môn, Bà-la-môn kia hỏi về khổ lạc là do tự tác, điều này cũng sanh ra từ duyên khởi. Nếu bảo rằng chúng không sanh ra từ duyên khởi, điều này không thể có được. Khổ lạc là do tha nhân tác, do tự tha tác, cũng chẳng phải do tự chẳng phải do tha tác, hay bảo là vô duyên tạo, chúng cũng đều sanh ra từ duyên khởi. Nếu bảo không phải sanh ra từ duyên khởi, điều này không thể có được.
“Tôn giả Phù-di, những gì mà các Sa-môn, Bà-la-môn kia nói về khổ lạc là do tự tác, chúng cũng duyên xúc mà sanh ra; nếu bảo là chúng không sanh ra từ xúc, điều này không thể có được. Khổ lạc là do tha tạo, là do tự tha nhân tác, do tự tha tác, cũng chẳng phải do tự chẳng phải do tha tác, vô nhân tác, chúng cũng duyên vào xúc mà sanh ra. Nếu bảo không phải sanh ra từ xúc, điều này không thể có được.”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang ngồi dưới bóng cây cách Tôn giả Xá-lợi-phất không xa, nghe Tôn giả Xá-lợi-phất cùng Tôn giả Phù-di bàn luận những việc như vậy. Sau khi nghe, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem những lời bàn luận giữa Tôn giả Xá-lợi-phất cùng Tôn giả Phù-di bạch một cách đầy đủ lên Đức Thế Tôn.
Phật bảo A-nan:
“Lành thay! Lành thay! A-nan, Tôn giả Xá-lợi-phất có người đến hỏi, đã có thể tùy thời mà đáp. Lành thay! Vì Xá-lợi-phất là người có trí ứng phó kịp thời, nên có người đến hỏi, liền có thể tùy thời mà giải đáp. Hàng Thanh văn của Ta nếu gặp có người hỏi, thì cũng nên tùy thời mà đáp như cách Xá-lợi-phất đã nói.
“Này A-nan, trước đây khi Ta ở trong núi tại Tiên nhân trú xứ, thành Vương xá, bấy giờ có chúng xuất gia ngoại đạo đã đem ý vị như vậy, văn cú như vậy, nghĩa lý như vậy đến hỏi Ta. Ta vì họ mà đem ý vị thế này, văn cú thế này, nghĩa lý thế này nói cho họ, giống như những gì Tôn giả Xá-lợi-phất đã nói.
“A-nan, nếu các Sa-môn, Bà-la-môn cho rằng khổ lạc là do tự tác, Ta liền đến hỏi họ: ‘Thật sự các vị có nói khổ lạc là do tự tác không?’ Họ đáp: ‘Tôi nói như vậy’ Ta liền nói với họ: ‘Các vị có thể chấp chặt lấy nghĩa này cho đây là chân thật, còn những gì khác đều là ngu dối. Ta không chấp nhận như vậy. Vì sao? Vì Ta nói sự sanh khởi của khổ lạc khác hẳn với điều này.’ Nếu họ hỏi Ta: ‘Cù-đàm nói sự sanh khởi của khổ lạc là khác như thế nào?’ Ta đáp: ‘Khổ lạc sanh ra từ duyên khởi.’ Cũng vậy nếu họ nói: ‘Khổ lạc là do tha nhân tác, do tự tha tác, chẳng phải do tự, chẳng phải do tha, vô nhân tạo, Ta cũng đến chỗ họ nói như trên.’”
Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Như nghĩa lý Thế Tôn vừa nói, con đã hiểu. Có sanh nên có già chết, chẳng phải duyên nào khác mà có sanh nên có già chết. Cho đến vì vô minh nên có hành, chẳng phải duyên nào khác mà có vô minh nên có hành. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não cũng diệt; và thuần một khối khổ lớn diệt.”
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 344. CÂU-HI-LA[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đang ở tại núi Kỳ-xà-quật. Buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả Câu-hi-la đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau chào hỏi. Sau khi chào hỏi, ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Tôi có điều muốn hỏi. Tôn giả có rảnh để giải đáp cho không?”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:
“Nhân giả cứ hỏi. Nếu biết tôi sẽ trả lời.”
Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Đa văn Thánh đệ tử, ở trong pháp luật này, thành tựu pháp nào để gọi là có đầy đủ chánh kiến[6], thành tựu được trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật[7], thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này?”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:
“Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với pháp bất thiện, biết như thật bất thiện căn, biết như thật thiện pháp, biết như thật thiện căn.
“Thế nào là biết như thật pháp bất thiện? Các nghiệp chẳng lành của thân, miệng, ý; đó gọi là pháp bất thiện. Biết như thật pháp bất thiện là như vậy.
“Thế nào là biết như thật bất thiện căn? Ba căn chẳng lành, tham là gốc (căn) chẳng lành, sân là gốc chẳng lành, si là gốc chẳng lành; đó gọi là bất thiện căn. Biết như thật bất thiện căn là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về thiện pháp? Các nghiệp lành của thân, miệng, ý; đó gọi là thiện pháp. Biết như thật về thiện pháp là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về thiện căn? Ba căn lành không tham, không sân, không si; đó gọi là ba thiêïn căn. Biết như thật về thiện căn là như vậy.
“Này Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, như vậy, đa văn Thánh đệ tử biết như thật pháp bất thiện, biết như thật pháp thiện, biết như thật căn bất thiện, biết như thật về thiện pháp, biết như thật về thiện căn; cho nên ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”
Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Thật chỉ có những pháp này, hay ngoài ra còn có pháp nào khác?”
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
“Có. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, về sự diệt tận của thức ăn, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn.
“Thế nào là biết như thật về thức ăn? Có bốn loại thức ăn; đó là: Một là thức ăn nắm thô, hai là thức ăn tế xúc, ba là thức ăn bởi ý tư và bốn là thức ăn của thức[8]; đó gọi là thức ăn. Biết như thật về thực là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức ăn? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia[9]; đó gọi là sự tập khởi của thức ăn. Biết như thật về sự tập khởi của thực là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức ăn? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều dứt bỏ không còn sót, xả bỏ, nhả ra, đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh; đó gọi là sự diệt tận của thức ăn. Biết như thật về sự diệt tận của thức ăn là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn? Tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định; đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn. Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn là như vậy.
“Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, biết như thật về sự diệt tận của thức ăn, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn; cho nên đa văn Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”
Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Thật chỉ có những pháp này, hay còn có những pháp nào khác?”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:
“Lại còn có những pháp khác. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về lậu[10], biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu.
“Thế nào là biết như thật về lậu? Có ba thứ lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu[11], đó gọi là lậu. Phải biết như thật về sự hiện hữu của lậu là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của lậu? Vô minh tập khởi là lậu tập khởi. Biết như thật về sự tập khởi của lậu là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của lậu? Vô minh diệt là lậu diệt. Biết như thật về sự diệt tận của lậu là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu? Tám Thánh đạo (nói như trên). Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu là như vậy.
“Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về lậu, biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu; cho nên đa văn Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”
Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Thật chỉ có những pháp này, hay còn có những pháp nào khác?”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:
“Cũng có những pháp khác nữa. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập khởi của khổ, biết như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ.
“Thế nào là biết như thật về khổ? Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái xa lìa là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, mong muốn không được là khổ. Như vậy, nói tóm, năm thọ ấm là khổ; đó gọi là khổ. Biết như thật về khổ là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của khổ? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia; đó gọi là sự tập khởi của khổ. Biết như thật về sự tập khởi của khổ là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của khổ? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều đoạn trừ, không còn sót, cho đến, tịch tĩnh; đó gọi là sự diệt tận của khổ. Biết như thật về sự diệt tận của khổ là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ? Tám Thánh đạo như đã nói ở trên. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ là như vậy.
“Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập khởi của khổ, biết như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Như vậy Thánh đệ tử ở trong pháp luật này[12], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”
Lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Thật chỉ có pháp này, còn có pháp nào khác nữa không?”
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
“Còn có pháp khác. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về già chết, biết như thật về sự tập khởi của già chết, biết như thật về sự diệt tận của già chết, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như kinh Phân biệt đã nói ở trước.
“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của già chết? Sanh tập khởi thì già chết tập khởi, sanh diệt tận thì già chết diệt tận… Con đường đưa đến sự diệt tận của già chết là gồm tám Thánh đạo như trước đã nói. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với già chết này… cho đến, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy Thánh đệ tử ở trong pháp luật này[13], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”
“Cũng vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành. Thánh đệ tử biết như thật về hành, sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
“Thế nào là biết như thật về hành? Hành có ba thứ: thân hành, khẩu hành và ý hành. Biết như thật về sự hiện hữu của hành là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành? Vô minh tập khởi thì hành tập khởi. Biết như thật về sự tập khởi của hành là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành? Vô minh diệt tận thì hành diệt tận. Biết như thật về sự diệt tận của hành là như vậy.
“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Là tám Thánh đạo như trước đã nói.
“Này Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đó gọi là Thánh đệ tử biết như thật về hành, biết như thật về sự tập khởi của hành, biết như thật về sự diệt tận của hành, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành; trong pháp luật này[14], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”
Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Chỉ có những pháp này, hay còn có pháp nào khác không?”
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, thầy đuổi theo cái gì vậy, rốt cuộc rồi Thầy cũng không thể đến chỗ tột cùng của các luận thuyết, đạt đến biên tế của chúng được! Nếu Thánh đệ tử đã đoạn trừ vô minh và phát sanh minh trí, thì đâu cần tìm cầu gì nữa!”
Sau khi đàm đạo xong, hai vị Chánh sĩ mỗi người trở về trú xứ của mình.
KINH 345. TẬP SANH[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Như những gì Ta đã nói về những câu hỏi của A-dật-đa trong Ba-la-diên-da[16] bằng bài kệ:
Người đã thông pháp số[17],
Người thành các môn học[18],
Oai nghi, hạnh đầy đủ,
Vì con phân biệt nói.
“Này Xá-lợi-phất, học những gì? Những gì là pháp số[19]?”
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng, không đáp; lần thứ hai, lần thứ ba cũng im lặng.
Phật bảo:
“Xá-lợi-phất, thực thể[20]!”
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
“Thế Tôn, thực thể! Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đối với thực thể[21] mà nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Nó sanh khởi do tập khởi của thức ăn. Tỳ-kheo đối với thức ăn mà sanh nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận; đó gọi là thực thể diệt tận. Vị ấy, thức ăn diệt nên thực thể diệt, đã giác tri rồi, Tỳ-kheo này nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đó gọi là học.
“Lại nữa, Xá-lợi-phất, thực thể!”
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
“Thế Tôn, thực thể! Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo đối với thực thể mà nhàm tởm, ly dục, diệt tận, chẳng khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát. Nó sanh khởi do tập khởi của thức ăn. Vị ấy, thức ăn diệt nên thực thể diệt, đã giác tri rồi, Tỳ-kheo này nhàm tởm, ly dục, diệt tận, chẳng khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát. Đó gọi là pháp số.”
Phật bảo Xá-lợi-phất:
“Đúng thế, đúng thế! Như Xá-lợi-phất nói, Tỳ-kheo đối với thực thể mà sanh ra nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đây gọi là pháp số.”
Nói như vậy rồi, Thế Tôn đứng lên đi vào thất tọa thiền. Tôn giả Xá-lợi-phất biết Đức Thế Tôn đã đi, sau đó không lâu nói với các Tỳ-kheo:
“Chư vị, vì tôi không thể hiểu rõ câu hỏi đầu tiên của Đức Thế Tôn nên tôi im lặng. Sau một hồi, Đức Thế Tôn lại vì tôi hoan hỷ hỏi lại, tôi liền giải thích được nghĩa của nó như vậy. Giả sử Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm hay cho đến bảy ngày đêm lại hỏi nghĩa này với những văn cú khác, ý vị khác thì tôi cũng có thể giải thích, nói rộng nghĩa này với những văn cú khác, ý vị khác suốt bảy ngày đêm.”
Bây giờ, có một số Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui đứng qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất đã nói những điều kỳ đặc chưa từng có. Ở trong đại chúng đã nói lên tiếng rống con sư tử: ‘Đối với câu hỏi đầu tiên của Đức Thế Tôn, tôi đã không thể trả lời, vì không thể hiểu rõ, nên cho đến ba lần Ngài hỏi tôi đều im lặng, không đáp được. Sau đó Đức Thế Tôn lại đã vì tôi hoan hỷ hỏi lại, tôi liền giải thích được. Giả sử Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, hay cho đến suốt bảy ngày đêm, lại hỏi nghĩa lý của nó với những văn cú khác, ý vị khác, thì tôi có thể giải thích với văn cú khác, ý vị khác suốt bảy ngày đêm.’”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Quả thật, nếu Ta một ngày một đêm, cho đến bảy ngày đêm, lại hỏi nghĩa lý của nó với những văn cú khác, ý vị khác, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, trong ý nghĩa những điều được hỏi, cũng có thể giải thích với câu khác, ý vị khác cho đến bảy ngày đêm. Vì sao? Vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất khéo nhập vào pháp giới.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 346. TAM PHÁP[22]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có ba pháp mà thế gian không yêu thích, không nhớ nghĩ, không vừa ý. Những gì là ba? Đó là già, bệnh, chết. Thế gian nếu không có ba pháp không đáng yêu thích, không đáng nhớ nghĩ, không vừa ý này thì Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác không xuất hiện ở thế gian; thế gian cũng không biết có Chánh pháp luật được tri kiến và được tuyên thuyết bởi Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Vì thế gian có ba pháp già, bệnh, chết, không đáng yêu thích, không đáng nhớ nghĩ và không vừa ý này, cho nên Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác mới xuất hiện ở thế gian; thế gian biết có Chánh pháp luật được tri kiến và được tuyên thuyết bởi Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác.
“Vì ba pháp chưa đoạn nên không thể thoát khỏi già, bệnh, chết. Ba pháp đó là tham, nhuế, si.
“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa tham, nhuế, si. Ba pháp đó là thân kiến, giới thủ, nghi.
“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được thân kiến, giới thủ, nghi. Ba pháp đó là không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác.
“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác. Ba pháp đó là thất niệm[23], không chánh tri, loạn tâm.
“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa thất niệm, không chánh tri, loạn tâm. Ba pháp đó là dao động[24], không luật nghi, chẳng học giới.
“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa dao động, không luật nghi, chẳng học giới. Ba pháp đó là không tin, khó dạy, lười biếng.
“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa không tin, khó dạy, lười biếng. Ba pháp đó là không muốn thấy bậc Thánh, chẳng muốn nghe pháp, thường hay tìm điều dở của người.
“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể xa lìa không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe pháp, ưa tìm cầu điều dở của người. Ba pháp đó là không cung kính, nói năng ngang trái, quen theo bạn xấu.
“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được không cung kính, nói năng ngang trái, quen theo bạn xấu. Ba pháp đó là không tàm, không quý, buông lung. Vì ba pháp này không đoạn trừ nên không thể lìa được không cung kính, nói năng ngang trái, quen bạn xấu. Vì sao? Vì do không tàm, không quí nên buông lung; vì buông lung nên không cung kính; vì không cung kính nên quen theo bạn xấu; vì quen theo bạn xấu nên không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe pháp, hay ưa tìm điều dở của người; vì ưa tìm điều dở của người nên không tin, khó dạy, nói năng ngang trái, lười biếng; vì lười biếng nên dao động, không luật nghi, không học giới; vì không học giới nên thất niệm, không chánh tri, loạn tâm; vì loạn tâm nên không chánh tư duy, thân cận tà đạo, tâm biếng nhác; vì tâm biếng nhác nên thân kiến, giới thủ, nghi; vì nghi nên không lìa tham, nhuế, si; vì không lìa tham, nhuế, si nên không thể lìa được già, bệnh, chết.
“Nếu dứt được ba pháp này thì mới có thể lìa được già, bệnh, chết. Ba pháp đó là tham, nhuế, si. Ba pháp này dứt rồi mới có thể lìa già, bệnh, chết.
“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa được tham, nhuế, si. Ba pháp đó là thân kiến, giới thủ, nghi. Vì dứt được ba pháp này nên có thể lìa được tham, sân, si.
“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa thân kiến, giới thủ, nghi. Ba pháp đó là không chánh tư duy, thân cận tà đạo, khởi tâm biếng nhác. Vì dứt ba pháp này nên lìa thân kiến, giới thủ, nghi.
“Lại vì dứt ba pháp nên có lìa không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác. Ba pháp đó là thất niệm, không chánh tri, loạn tâm. Vì dứt ba pháp này nên lìa được không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác.
“Lại vì dứt được ba pháp này nên lìa được thất niệm, tâm không chánh tri, loạn tâm. Ba pháp đó là dao động, không luật nghi, phạm giới. Vì dứt ba pháp này nên lìa được thất niệm, tâm không chánh tri, loạn tâm.
“Lại vì dứt ba pháp nên lìa được dao động, chẳng luật nghi, phạm giới. Ba pháp đó là không tin, khó dạy, biếng nhác. Vì dứt được ba pháp này nên lìa được dao động, không luật nghi, phạm giới.
“Lại vì dứt được ba pháp nên lìa được chẳng tin, khó dạy, biếng nhác. Ba pháp đó là không muốn thấy bậc Thánh, không ưa nghe pháp, ưa tìm điều dở của người. Vì dứt ba pháp này nên có thể lìa được không tin, khó dạy, biếng nhác.
“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa được tâm không muốn thấy bậc Thánh, không ưa nghe pháp, ưa tìm điều dở của người. Ba pháp đó là không cung kính, nói năng ngang trái, quen theo bạn xấu. Vì dứt được ba pháp này nên lìa sự không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe pháp, ưa tìm điều dở của người.
“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa chẳng cung kính, nói năng ngang ngược, tập theo bạn xấu. Ba pháp đó là không tàm, không quí, buông lung. Vì sao? Vì do tàm quí nên không buông lung. Vì không buông lung nên tâm cung kính, nói năng hòa nhã, làm thiện tri thức. Vì là thiện tri thức nên ưa thấy Hiền thánh, ưa nghe Chánh pháp, chẳng tìm điều dở của người. Vì chẳng ưa tìm điều dở của người nên sanh lòng tin, nói năng hòa nhã và tinh tấn. Vì tinh tấn nên không dao động, an trú trong luật nghi, học giới. Nhờ học giới nên không thất niệm, an trú chánh tri, chẳng loạn tâm. Nhờ không loạn tâm nên chánh tư duy, gần gũi chánh đạo, tâm không biếng nhác. Nhờ tâm không biếng nhác nên không chấp trước thân kiến, không chấp trước giới thủ, vượt khỏi nghi hoặc. Nhờ chẳng nghi nên chẳng khởi tham, nhuế, si. Nhờ lìa tham, nhuế, si nên có thể dứt già, bệnh, chết.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 347. TU-THÂM[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có các quốc vương, đại thần, gia chủ, Bà-la-môn, cư sĩ và những người khác ở thế gian, cung kính tôn trọng, cúng dường; Phật và chúng Thanh văn được nhiều lợi dưỡng: y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men. Còn đối với các ngoại đạo tà giáo, họ hoàn toàn chẳng cung kính, tôn trọng, cúng dường các thứ y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men.
Bấy giờ, các ngoại đạo tụ tập tại giảng đường Vị tằng, bàn luận như vầy: ‘Chúng ta từ trước đến nay, thường được nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và tất cả những người khác phụng sự, cung kính, cúng dường, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men mà ngày nay lại bị dứt tuyệt. Họ chỉ cung kính, cúng dường Sa-môn Cù-đàm và đại chúng Thanh văn. Nay trong chúng này, ai là người có trí tuệ, là bậc đại sĩ, có thể lén đến trong chúng Sa-môn Cù-đàm, xuất gia, nghe pháp Sa-môn Cù-đàm, rồi trở về nói lại đầy đủ. Chúng ta sẽ dùng pháp được nghe đó để giáo hóa quốc vương, đại thần, gia chủ, cư sĩ khiến cho họ tin ưa, có thể họ sẽ trở lại cúng dường chúng ta như trước?’ Lúc ấy có người lên tiếng:
“Có một thiếu niên tên là Tu-thâm[26], thông minh, có trí tuệ, có thể lén vào trong chúng Sa-môn Cù-đàm xuất gia, nghe pháp Cù-đàm xong rồi trở về trình bày lại.”
Bấy giờ, các ngoại đạo đi đến chỗ Tu-thâm bảo rằng:
“Hôm nay chúng tôi tập hợp đại chúng tại giảng đường Vị tằng bàn luận như vầy: ‘Từ trước đến nay chúng ta được nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và những người khác cung kính, phụng sự, cúng dường, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, nhưng ngày nay bỗng bị dứt tuyệt. Nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và mọi người đều đua nhau phụng sự Cù-đàm và đại chúng Thanh văn. Trong đại chúng này ai là người thông minh, trí tuệ có thể lén đến trong chúng Sa-môn Cù-đàm xuất gia, học đạo, nghe pháp Sa-môn Cù-đàm rồi trở về nói lại và đem ra giáo hóa quốc vương, các đại thần, gia chủ, cư sĩ để chúng của ta trở lại được cung kính, tôn trọng cúng dường?’ Trong chúng có người nói rằng: ‘Chỉ có Tu-thâm thông minh trí tuệ, có thể lén đến trong pháp của Cù-đàm xuất gia học đạo, nghe Cù-đàm thuyết pháp chắc chắn có thể lãnh hội được để trở về nói lại.’ Cho nên chúng tôi cùng nhau đến đây mời Nhân giả nên nhận lời đi.”
Bấy giờ, Tu-thâm im lặng nhận lời, đi đến trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Lúc ấy có nhiều Tỳ-kheo ra khỏi phòng, đi kinh hành ngoài đất trống. Tu-thâm liền đi đến chỗ các Tỳ-kheo bạch rằng:
“Bạch các Tôn giả, nay con có thể được ở trong Chánh pháp xuất gia, thọ giới Cụ túc, tu phạm hạnh không?”
Bấy giờ các Tỳ-kheo đưa Tu-thâm đi đến chỗ Đức Thế Tôn, thành kính đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui ngồi một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, hôm nay ngoại đạo Tu-thâm muốn cầu xin được ở trong Chánh pháp xuất gia, thọ giới Cụ túc, tu phạm hạnh.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm của Tu-thâm, nên bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông nên độ cho ngoại đạo Tu-thâm này được xuất gia.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo giúp cho Tu-thâm xuất gia, trải qua được nửa tháng. Một hôm có vị Tỳ-kheo nói với Tu-thâm[27]:
“Tu-thâm nên biết, chúng tôi đã chấm dứt sanh tử, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”
Tu-thâm bạch Tỳ-kheo:
“Bạch Tôn giả, thế nào, có phải học ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, thành tựu Sơ thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”
Tỳ-kheo đáp:
“Không phải vậy, Tu-thâm!”
Lại hỏi:
“Thế nào, có phải lìa có giác, lìa có quán, nội tịnh nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu Nhị thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”
Tỳ-kheo đáp:
“Không phải vậy, Tu-thâm!”
Lại hỏi:
“Thế nào, có phải lìa hỷ, an trụ tâm xả, có chánh niệm, chánh tri, thân tâm thọ lạc, điều mà Thánh nói đến là xả[28], thành tựu Tam thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”
Đáp:
“Không phải vậy, Tu-thâm!”
Lại hỏi:
“Bạch Tôn giả, thế nào, có phải là lìa khổ dứt lạc, đoạn trừ ưu, hỷ từ trước, không khổ, không lạc, xả tịnh, niệm nhất tâm[29], thành tựu đệ Tứ thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”
Đáp:
“Không phải vậy, Tu-thâm!”
Lại hỏi:
“Chứng tịch tĩnh giải thoát[30], vượt sắc, vô sắc, tự thân tác chứng và thành tựu, phải chăng là không còn khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát chăng?”
Đáp:
“Không phải vậy, Tu-thâm!”
Lại hỏi:
“Thế nào, bạch Tôn giả, lời nói của Tôn giả chẳng đồng nhất, trước sau mâu thuẫn. Tại sao không đắc thiền định nhưng lại tuyên bố như vậy[31]?”
Tỳ-kheo đáp:
“Tôi được tuệ giải thoát[32].”
Khi nói vậy rồi, các Tỳ-kheo đều từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Sau khi các Tỳ-kheo đi rồi, Tu-thâm suy nghĩ: ‘Những gì các Tôn giả này nói không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn, đã nói không chứng đắc chánh thọ[33], mà lại tuyên bố là tự thân tác chứng.’ Suy nghĩ xong, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo kia ở trước mặt con đã tuyên bố: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Con liền hỏi Tôn giả kia: ‘Có phải được ly dục và pháp ác bất thiện… cho đến tự tri tự tác chứng, thì không còn khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát chăng?’ Vị ấy trả lời con: ‘Không phải vậy, Tu-thâm.’ Con liền hỏi: ‘Những gì Tôn giả nói là bất đồng, trước sau mâu thuẫn, đã nói không nhập chánh thọ mà lại tuyên bố là tự tri tự tác chứng?’ Vị ấy đáp với con rằng: ‘Tôi được tuệ giải thoát.’ Nói như vậy xong, mỗi người đều từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Hôm nay, con xin hỏi Thế Tôn, vì sao những lời nói của họ không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn, không đắc chánh định mà lại nói tự biết tác chứng?”
Phật bảo Tu-thâm:
“Trước hết họ biết pháp trụ, sau đến biết Niết-bàn[34]. Các thiện nam ấy một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.”
Tu-thâm bạch Phật:
“Nay con không hiểu, trước hết phải biết pháp trụ, sau đến biết Niết-bàn. Các thiện nam tử kia, một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.”
Phật bảo Tu-thâm:
“Không luận là ngươi biết hay không biết, mà trước hết phải tự biết pháp trụ, sau đến biết Niết-bàn, như các thiện nam tử kia một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, tâm khéo giải thoát đã.”
Tu-thâm bạch Phật:
“Xin Đức Thế Tôn vì con mà nói pháp khiến cho con biết được trí pháp trụ, thấy được trí pháp trụ.”
Phật bảo Tu-thâm:
“Nay Ta hỏi ngươi, tùy ý mà đáp cho Ta. Tu-thâm nghĩ thế nào? Có phải vì có sanh nên có già, chết; không phải lìa sanh mà có già, chết chăng?”
Tu-thâm đáp:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì có sanh nên có già, chết; không thể lìa sanh mà có già, chết được.”
Phật bảo:
“Đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành, vô minh cũng vậy. Có phải vì có vô minh nên có hành; không phải lìa vô minh mà có hành chăng?”
Tu-thâm bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì có vô minh nên có hành; không thể lìa vô minh mà có hành được.”
Phật bảo Tu-thâm:
“Có phải vì không sanh nên không có già, chết; không thể lìa cái diệt của sanh, mà già, chết diệt chăng?”
Tu-thâm bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì không sanh nên không già chết và không thể lìa cái diệt của sanh mà già chết diệt được.”
“Như vậy cho đến không có vô minh, nên không có hành và không thể lìa cái diệt của vô minh mà hành diệt chăng?”
Tu-thâm bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì không có vô minh nên không có hành và không thể lìa cái diệt của vô minh mà hành diệt được.”
Phật bảo Tu-thâm:
“Người biết như vậy, thấy như vậy, có phải là ly dục và pháp ác bất thiện, cho đến tự thân tác chứng an trụ đầy đủ chăng?”
Tu-thâm bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”
Phật bảo Tu-thâm:
“Đó gọi là trước hết biết pháp trụ, sau đến biết Niết-bàn, mà các thiện nam tử kia, một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.”
Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tu-thâm xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.
Bấy giờ, Tu-thâm thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp, thoát khỏi nghi, được niềm tin không do ai khác, được độ không do người khác, ở trong Chánh pháp tâm được vô sở úy, cúi đầu lễ dưới chân Phật và bạch:
“Bạch Thế Tôn, nay con xin sám hối. Con đã ở trong Chánh pháp trộm lén xuất gia, cho nên con xin sám hối.”
Phật bảo Tu-thâm:
“Thế nào là ở trong Chánh pháp trộm lén xuất gia?”
Tu-thâm bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có nhiều người ngoại đạo đến chỗ con nói với con: ‘Tu-thâm nên biết, chúng ta trước đây được quốc vương, đại thần, gia chủ, cư sĩ và người thế gian đều cung kính, cúng dường, mà nay bị đoạn tuyệt. Bởi vì họ đều cúng dường Sa-môn Cù-đàm và đại chúng Thanh văn. Ngày nay ông hãy lén đến trong chúng Thanh văn của Sa-môn Cù-đàm xuất gia, thọ giới pháp; khi đã thông đạt pháp của họ rồi, trở về nói cho chúng tôi nghe và đem giáo pháp đã nghe đó giáo hóa thế gian khiến họ trở lại cung kính, cúng dường như trước.’ Bạch Thế Tôn vì vậy nên con đã ở trong Chánh pháp luật trộm lén xuất gia, hôm nay con xin sám hối. Xin Thế Tôn thương xót cho phép con được sám hối.”
Vì lòng từ bi nên Phật bảo Tu-thâm:
“Ta nhận sự sám hối của ngươi. Ngươi nên nói đầy đủ: ‘Ngày xưa vì con ngu si, bất thiện, vô trí nên ở trong Chánh pháp luật trộm lén xuất gia. Ngày nay ăn năn lỗi lầm, tự thấy tội, tự biết tội, trong đời sau sẽ thành tựu luật nghi, công đức tăng trưởng, cuối cùng không thoái giảm.’ Vì sao? Vì người có tội tự thấy, tự biết và ăn năn lỗi lầm nên ở đời sau luật nghi sẽ thành tựu, công đức tăng trưởng, cuối cùng không thoái giảm.”
Phật lại bảo Tu-thâm:
“Hôm nay Ta sẽ nói thí dụ, người trí tuệ nhờ thí dụ sẽ được hiểu. Ví như nhà vua có người tuần canh, bắt được giặc cướp trói lại, đưa đến chỗ nhà vua tâu rằng: ‘Bạch Đại vương, người này là trộm cướp, xin Đại vương xử tội.’ Vua ra lệnh: ‘Đem tội nhân đi, trói ngược hai tay và hãy công bố tiếng xấu khắp nước; sau đó đem tội nhân đến chỗ hành phạt ở ngoài kinh thành, dùng trăm mũi giáo đâm khắp thân thể tội nhân.’ Người đứng ra hành hình theo lệnh vua, bắt tội nhân này trói ngược hai tay, loan tin xấu khắp thành ấp; sau đó đem tội nhân đến chỗ thọ hình ở ngoài thành và dùng trăm mũi giáo nhọn đâm khắp thân thể tội nhân. Đến trưa vua hỏi: ‘Tội nhân còn sống không?’ Các quan đáp: ‘Còn sống.’ Vua lại ra lệnh các quan đâm thêm một trăm mũi giáo nữa; đến chiều lại đâm thêm trăm mũi giáo nữa, mà người kia vẫn không chết.”
Phật hỏi Tu-thâm:
“Nhà vua trị tội dùng ba trăm mũi giáo đâm vào thân người tội này, vậy có còn chỗ nào toàn vẹn bằng lòng bàn tay chăng?”
Tu-thâm bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Lại hỏi Tu-thâm:
“Khi tội nhân này vì nhân duyên bị ba trăm mũi giáo đâm vào thân, người ấy phải chịu khổ cùng cực phải không?”
Tu-thâm bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, khổ tột cùng! Nếu bị một mũi giáo đâm vào cũng đã là đau đớn, không chịu nổi, huống chi là ba trăm mũi giáo mà có thể cam chịu được sao!”
Phật bảo Tu-thâm:
“Việc này còn có thể chịu đựng được, nhưng nếu như ở nơi Chánh pháp luật mà có kẻ trộm lén xuất gia, trộm thọ trì giới pháp rồi đem nói lại cho người, sẽ phải chịu thống khổ gấp bội hơn cả người kia.”
Trong lúc Phật nói pháp ấy rồi, ngoại đạo Tu-thâm nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 348. THẬP LỰC[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như Lai thành tựu mười lực, được bốn vô úy, biết trú xứ của Phật trước kia[36], thường chuyển Phạm luân[37], ở trong đại chúng phát lên tiếng gầm sư tử: ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, có nghĩa là duyên vô minh nên có hành. Nói đầy đủ cho đến tập khởi thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn bị diệt.’ Này các Tỳ-kheo, đây là giáo pháp chân thật được hiển hiện, cắt đứt dòng sanh tử; cho đến[38], người ấy tất khéo hiển hiện. Giáo pháp chân thật được hiển hiện, cắt đứt dòng sanh tử như vậy, đủ khiến cho người thiện nam phát lòng tin, chân chánh xuất gia, phương tiện tu tập, sống không buông lung. Ở trong Chánh pháp luật, tinh tấn chuyên cần khổ hạnh, dù da bọc xương, máu thịt khô kiệt, nếu chưa đạt được điều cần phải đạt, thì không xả bỏ phương tiện ân cần tinh tấn, cứng rắn chịu đựng. Vì sao? Vì biếng nhác thì an trụ với khổ, hay sanh ra các ác pháp bất thiện, nên kết sử hữu tương lai[39] bừng bừng, làm tăng trưởng sự sanh, già, bệnh, chết, ở trong đời sau; nghĩa lớn bị thoái giảm[40]. Người tinh tấn vui đời sống cô độc, không sanh các ác pháp bất thiện đưa đến kết sử hữu tương lai, quả báo khổ bừøng bừng; không làm tăng trưởng sự sanh, già, bệnh, chết, ở trong đời sau; đây đủ nghĩa lớn, đạt thành trường giáo pháp bậc nhất[41]. Đó là những người ở trước Đại sư, tự thân được nghe nói pháp, tịch diệt, Niết-bàn, chánh hướng Bồ-đề, chánh giác của Thiện Thệ[42]. Cho nên các Tỳ-kheo phải quán sát tự lợi, lợi tha, tự tha đều lợi, nên siêng năng tu học; rằng ‘Ta nay xuất gia không ngu, không mê, có quả có lạc[43]; những ai cúng dường các thứ y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, tất đều được quả báo lớn, phước lợi lớn’. Các ông nên học như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 349. THÁNH XỨ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thiện lai Tỳ-kheo! Nếu khéo xuất gia, khéo được lợi mình, thì trong thời gian lâu dài lúc nào cũng được sanh ra chỗ có bậc Thánh, các căn đầy đủ, không ngu, không si, không câm ngọng[44]; nói hay, nói dở đều có khả năng hiểu nghĩa.
“Ta nay trong đời này là Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, nói pháp tịch diệt, Niết-bàn, chánh hướng đúng Bồ-đề, khéo đến Đẳng chánh giác[45]. Tức là, ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh có hành, duyên hành có thức… cho đến tập khởi thành thuần một khối khổ lớn; vô minh diệt thì hành diệt… cho đến thuần một khối khổ lớn diệt.’
“Này các Tỳ-kheo, các ông chỗ khó được đã được, sanh chỗ có bậc Thánh, các căn đầy đủ… cho đến tập khởi thành thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn diệt. Cho nên các Tỳ-kheo phải học như vậy: Tự lợi, lợi tha, tự tha đều lợi; sự xuất gia như vậy, không ngu, không si, có quả, có lạc, có quả báo lạc. Và người cúng dường y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, chắc chắn sẽ được quả báo tốt, phước lớn và lợi ích rộng lớn. Các Tỳ-kheo nên học như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 350. THÁNH ĐỆ TỬ[46]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Đa văn Thánh đệ tử không nên nghĩ rằng: ‘Vì cái gì có nên cái này có, vì cái gì khởi nên cái này khởi[47]; vì cái gì không nên cái này không; vì cái gì diệt nên cái này diệt.’ Nhưng đa văn Thánh đệ tử nên biết rằng: ‘Vì cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, tức là duyên vô minh nên có hành… cho đến tập khởi thành thuần một khối khổ lớn; vô minh diệt nên hành diệt… cho đến thuần một khối khổ lớn diệt.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 351. MẬU-SƯ-LA[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Na-la, Tôn giả Mậu-sư-la, Tôn giả Thù Thắng và Tôn giả A-nan[49] đang ở bên ao Tượng nhĩ tại nước Xá-vệ[50]. Bấy giờ Tôn giả Na-la nói với Tôn giả Mậu-sư-la:
“Ngoại trừ tín, ngoại trừ sở thích, ngoại trừ sở văn, ngoại trừ giác tưởng hành tướng, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh nào như vậy phát sanh không, tức là nói ‘Do sanh nên có già chết; không lìa sanh mà có già chết[51]’?”
Tôn giả Mậu-sư-la nói:
“Ngoại trừ tín, ngoại trừ sở thích, ngoại trừ sở văn, ngoại trừ giác tưởng hành tướng, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Vì có sanh nên có già, chết, không thể ngoại trừ sanh mà có già, chết.’ Có thuyết như vậy[52].”
“Bạch Tôn giả Mậu-sư-la, có tin tưởng khác… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh nào như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn[53]’ chăng?”
Tôn giả Mậu-sư-la đáp:
“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn.’”
Tôn giả Na-la lại hỏi Tôn giả Mậu-sư-la:
“Nói rằng ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn;’ vậy thì thầy có phải là A-la-hán đã dứt các lậu chăng?’”
Tôn giả Mậu-sư-la im lặng, không đáp. Hỏi lần thứ hai, lần thứ ba, cũng không đáp. Khi ấy Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Mậu-sư-la:
“Thôi, Tôn giả cứ im lặng, tôi sẽ thay Tôn giả trả lời Tôn giả Na-la.”
Tôn giả Mậu-sư-la nói:
“Tôi xin dừng nơi đây, Tôn giả hãy giải đáp giúp tôi.”
Khi ấy Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Na-la:
“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn.’”
Bấy giờ, Tôn giả Na-la hỏi Tôn giả Thù Thắng:
“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn; vậy nay Tôn giả là A-la-hán lậu tận’ chăng?”
Tôn giả Thù Thắng nói:
“Tôi nói ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn,’ nhưng tôi chẳng phải là A-la-hán sạch hết các lậu.”
Tôn giả Na-la nói:
“Lời nói của Tôn giả không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn. Như Tôn giả nói ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn;’ nhưng lại nói không phải là A-la-hán sạch hết các lậu, như vậy là thế nào?”
Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Na-la:
“Bây giờ sẽ nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ sẽ hiểu liền. Như giữa cánh đồng vắng bên đường có giếng nước, nhưng không có dây cũng không có gàu để lấy nước. Người đi đường lúc ấy bị cơn khát bức bách, đi quanh giếng tìm nhưng không có dây, cũng không có gàu. Người ấy xem xét kỹ nước giếng thấy biết như thật mà chẳng chạm vào thân. Cũng như thế tôi nói ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn,’ nhưng tự mình chưa được là bậc A-la-hán sạch hết các lậu.”
Khi ấy Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Na-la:
“Tôn giả Na-la nghĩ thế nào về điều Tôn giả Thù Thắng nói.”
Tôn giả Na-la trả lời Tôn giả A-nan:
“Tôn giả Thù Thắng khéo nói và biết như thật, đâu còn gì để nói nữa.”
Sau khi đàm đạo xong, các vị Chánh sĩ rời chỗ ngồi đứng lên, rồi ra đi.
KINH 352. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (1)[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào, ở nơi pháp mà không biết như thật về pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, thì người này chẳng phải là Sa-môn, chẳng được kể vào hàng Sa-môn, chẳng phải là Bà-la-môn, chẳng được kể vào hàng Bà-la-môn. Người này chẳng đúng với ý nghĩa Sa-môn hay Bà-la-môn[55], ngay trong đời này không tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Thế nào là chẳng biết như thật về pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về sự tập khởi của pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về sự diệt tận của pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp? Là đối với pháp già chết mà không biết như thật; và không biết như thật về sự tập khởi đối với già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, không biết như thật đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ,… không biết như thật về sự tập khởi của lục nhập xứ, về sự diệt tận của lục nhập xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của lục nhập xứ. Như vậy là không biết như thật về các pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về pháp; biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, thì Sa-môn, Bà-la-môn này được kể vào hàng Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh, đúng với nghĩa Sa-môn, Bà-la-môn, ngay trong đời này mà tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Biết như thật những pháp gì? Biết như thật những pháp gì, sự tập khởi của pháp gì, sự diệt tận của pháp gì, con đường đưa đến sự diệt tận của pháp gì? Đó là pháp già chết nên biết như thật. Nên biết như thật về sự tập khởi của già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, đối với sanh, hữu, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ nên biết như thật. Nên biết như thật về sự tập khởi của lục nhập xứ, về sự diệt tận của lục nhập xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của lục nhập xứ. Đó là biết như thật về các pháp; biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 353. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (2)[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào, ở nơi pháp mà không biết như thật về pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, thì người này chẳng phải là Sa-môn, chẳng được kể vào hàng Sa-môn, chẳng phải là Bà-la-môn, chẳng được kể vào hàng Bà-la-môn; người này chẳng đúng với ý nghĩa Sa-môn, hay Bà-la-môn, ngay trong đời này không tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Không biết như thật về những pháp nào, không biết như thật về sự tập khởi của những pháp nào, về sự diệt tận của những pháp nào, về con đường đưa đến sự diệt tận của những pháp nào? Không biết như thật về pháp sáu nhập xứ; không biết như thật về sự tập khởi của sáu nhập xứ, về sự diệt tận của sáu nhập xứ diệt, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu nhập xứ. Nhưng nếu đối với xúc mà vị này lại biết như thật thì không thể được; đối với sự tập khởi của xúc, về sự diệt tận của xúc, về con đường đưa đến sự diệt tận của xúc mà biết như thật, thì không thể có được. Cũng vậy, đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết mà biết như thật thì cũng không thể có được.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật về của sáu nhập xứ; biết như thật về sự tập khởi của sáu nhập xứ, về sự diệt tận của sáu nhập xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu nhập xứ, thì việc biết như thật về sự hiện hữu của xúc, điều này có thể có được. Cũng vậy, biết như thật đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết…, điều này có thể có được.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 354. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (3)[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
Nói như trên, chỉ có một vài điểm sai biệt như:
“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết như thật về sáu nhập xứ mà muốn vượt thoát khỏi xúc, thì không thể có được; đối với sự tập khởi của xúc, sự diệt tận của xúc, con đường đưa đến sự diệt tận của xúc mà muốn vượt thoát, thì cũng không thể có được. Cũng vậy, đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết mà muốn vượt thoát khỏi chúng, điều này cũng không thể có được. Và muốn vượt thoát khỏi sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, điều này không thể có được.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật sáu nhập xứ; biết như thật đối với sự tập khởi của sáu nhập xứ, đối với sự diệt tận của sáu nhập xứ, đối với con đường đưa đến sự diệt tận của sáu nhập xứ, thì vượt thoát khỏi sự hiện hữu của xúc; điều này có thể có được. Cũng vậy, muốn vượt thoát khỏi thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết, điều này có thể có được,… muốn vượt thoát khỏi con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, điều này có thể có được.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng vậy, từ già chết… lục nhập xứ có ba kinh, từ già chết đến hành có ba kinh cũng nói như vậy.
KINH 355. LÃO TỬ[58]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Hãy giác tri về già chết[59], giác tri về sự tập khởi của già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy, cho đến giác tri về hành, về sự tập khởi của hành, về sự diệt tận của hành, về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
“Thế nào là hãy giác tri thế nào về già chết? Giác tri rằng duyên sanh nên có già chết, như vậy gọi là giác tri về già chết.
“Thế nào là hãy giác tri thế nào về sự tập khởi của già chết? Sanh tập khởi thì già chết tập khởi, như vậy gọi là giác tri về sự tập khởi của già chết.
“Thế nào là hãy giác tri thế nào về sự diệt tận của già chết? Sanh diệt đi thì già chết cũng diệt, như vậy gọi là giác tri về sự diệt tận của già chết.
“Thế nào là hãy giác tri thế nào về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết? Tám Thánh đạo, đó là con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, như vậy gọi là giác tri lão về con đường đưa đến sự diệt tận của tử.
“Cho đến, thế nào là hãy giác tri thế nào về hành? Có ba hành: thân hành, khẩu hành, ý hành; như vậy gọi là giác tri về sự hiện hữu của hành.
“Thế nào là hãy giác tri về sự tập khởi của hành? Vô minh tập khởi thì hành tập khởi; như vậy gọi là giác tri về sự tập khởi của hành.
“Thế nào là hãy giác tri thế nào về sự diệt tận của hành? Vô minh diệt đi thì hành cũng diệt, như vậy gọi là giác tri về sự diệt tận của hành.
“Thế nào là hãy giác tri thế nào về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Tám Thánh đạo, đó là con đường đưa đến sự diệt tận của hành, như vậy gọi là giác tri về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 356. CHỦNG TRÍ[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có bốn mươi bốn thứ trí[61], hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
“Bốn mươi bốn thứ trí là gì? Đó là trí về già chết, trí về sự tập khởi của già chết, trí về sự diệt tận của già chết, trí về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, đối với trí sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành; trí về sự tập khởi của hành, trí về sự diệt tận của hành, trí về con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Đây gọi là bốn mươi bốn trí.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 357. VÔ MINH TĂNG (1)[62]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ, thì bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bảy mươi bảy thứ trí, hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Thế nào là bảy mươi bảy thứ trí? Đó là trí về sanh duyên nên có già chết; trí về sự không phải ngoài sanh làm duyên mà có già chết[63]; trí về sanh quá khứ làm duyên nên có già chết; trí về sự không phải ngoài sanh quá khứ làm duyên mà có già chết; trí về sanh vị lai làm duyên nên có già chết; cùng với trí về pháp trụ, là trí về vô thường, hữu vi, tâm duyên mà sanh, là pháp đoạn tận, là pháp biến dịch, pháp ly dục, pháp diệt, đoạn biến tri[64]. Cũng vậy, trí về sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành; trí về vô minh duyên nên có hành, trí về sự không phải ngoài vô minh làm duyên mà có hành; trí về vô minh quá khứ làm duyên nên có hành, trí về sự không phải ngoài vô minh quá khứ làm duyên mà có hành; trí về vô minh vị lai làm duyên nên có hành, trí về sự chẳng phải ngoài vô minh vị lai làm duyên mà có hành; cùng với trí pháp trụ là trí về vô thường, hữu vi, tâm duyên mà sanh, là pháp đoạn tận, là pháp biến dịch, pháp ly dục, pháp diệt, đoạn biến tri. Đó gọi là bảy mươi bảy thứ trí.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 358. VÔ MINH TĂNG (2)[65]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có pháp tăng, pháp giảm, hãy lắng nghe, khéo tư duy, Ta sẽ vì các ông mà nói.
“Thế nào là pháp tăng? Vì cái này có nên cái kia có, vì cái này khởi nên cái kia khởi, là do duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức… cho đến thuần một khối khổ lớn tụ tậpï. Đó gọi là pháp tăng.
“Thế nào là pháp giảm? Vì cái này không nên cái kia không, do cái này diệt nên cái kia diệt, là vì vô minh diệt nên hành diệt… cho đến thuần một khối khổ lớn diệt. Đó gọi là pháp giảm.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như pháp tăng và pháp giảm. Cũng vậy, pháp sanh, pháp biến dịch, pháp tập khởi, pháp diệt tận cũng nói như trên.
Như ba kinh đang nói, nên biết có ba kinh cũng nói như trên.
KINH 359. TƯ LƯƠNG (1)[66]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu để cho suy lường, để cho vọng tưởng sanh khởi, để cho kia sai sử, thì thức duyên níu mà tồn tại[67]. Vì có chỗ duyên níu cho thức trụ nên trong đời vị lai có sanh, lão, tử, ưu, bi, khổ, não và tập hợp thuần một khối khổ lớn như vậy.
“Nếu không suy lường, không vọng tưởng, không để cho kia sai sử thì thức không có chỗ duyên níu mà tồn tại. Vì thức không có chỗ duyên níu mà tồn tại nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai đều bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy bị diệt.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 360. TƯ LƯƠNG (2)[68]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu suy lường, vọng tưởng thì chắc chắn sẽ bị sai sử[69] khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc. Vì nhập vào danh sắc nên có sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai và tập hợp thuần một khối khổ lớn.
“Nếu không suy lường, không vọng tưởng thì sẽ không bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc; vì không nhập vào danh sắc nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy bị diệt.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 361. TƯ LƯƠNG (3)[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu suy lường, vọng tưởng thì chắc chắn sẽ bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc[71]. Vì nhập vào danh sắc nên có qua lại. Vì có qua lại nên có sanh tử. Vì có sanh tử nên có sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai và tập hợp thuần một khối khổ lớn như vậy.
“Nếu không suy lường, không vọng tưởng thì sẽ không bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc. Vì không nhập vào danh sắc nên không qua lại. Vì không qua lại nên không sanh tử. Vì không sanh tử nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai đều bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy cũng bị diệt.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 362. ĐA VĂN ĐỆ TỬ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có Tỳ-kheo đa văn. Như Lai tuyên bố như thế nào là một Tỳ-kheo đa văn?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào nghe pháp già, bệnh, chết sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Tỳ-kheo đa văn. Cũng vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Tỳ-kheo đa văn. Đó là Như Lai tuyên bố về Tỳ-kheo đa văn.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 363. THUYẾT PHÁP TỲ-KHEO (1)[72]
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Gọi là Tỳ-kheo thuyết pháp[73]. Thế nào là Tỳ-kheo thuyết pháp? Như Lai tuyên bố như thế nào là một Tỳ-kheo thuyết pháp?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào nói về già, bệnh, chết, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó là Tỳ-kheo thuyết pháp. Cũng vậy, nói các pháp sanh, thủ, hữu, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Tỳ-kheo nói pháp. Các Tỳ-kheo, đó là Như Lai nói về Tỳ-kheo nói pháp.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 364. THUYẾT PHÁP TỲ-KHEO (2)[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Gọi là hướng đến pháp thứ pháp[75], vậy này các Tỳ-kheo, thế nào là hướng đến pháp thứ pháp?”
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào đối với già, bệnh, chết mà sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là hướng đến pháp thứ pháp. Cũng vậy, từ sanh cho đến hành, mà sanh nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận, thì đó gọi là hướng đến pháp thứ pháp. Đây cũng gọi là Như Lai thi thiết sự hướng đến pháp thứ pháp.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[1]. Pāli, S. 12. 24. Aññatitthiyā; 25. Bhūmija.
[2]. Phù-di 浮彌. Pāli: Bhūmija, lúc bấy giờ ở tại Sāvatthi (S. 12. 25).
[3]. Pāli: sayaṃkataṃ dukkhaṃ, khổ do tự mình tạo ra.
[4]. Hán: ký thuyết 記說.
[5]. Tham chiếu, Trung A-hàm kinh 9; Pāli, M. 9. Sammadiṭṭhi.
[6]. Pāli (M.9): Kittavatā nu kho, āvuso, ariyasāvako sammādiṭṭhi hoti, cho đến mức nào Thánh đệ tử có chánh kiến.
[7]. Pāli: dhamme aveccappasādena samannāgato, thành tựu bát hoại tín ở trong pháp. Bất hoại tín, hay bất động tín, cũng nói là chúng tịnh (Pāli: aveccapasāda). Có bốn chứng tịnh, được gọi là bốn thành phần của Dự lưu quả: Phâït chứng tịnh, Pháp chứng tịnh, Tăng chứng tịnh, Thánh giới chứng tịnh. Xem Trường A-hàm kinh 7; Pāli, D. 33. Saṅgīti : cattāri sotāpannassa aṅgāni, (…) buddhe aveccapasādena samannāgato hoti (…), dhamme… saṅghe… ariya-kantehi sīlehi samannāgato hoti.
[8]. Bốn loại thức ăn, hay tứ thực: thô đoàn thực, tế xúc thực, ý tư thực, thức thực 麤摶食, 細觸食,意思食, 識食. Pāli: cattaro āhārā; kabaliṅko āhāro oḷāriko vā sukhumo vā, phasso dutiyo, mano-sañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ.
[9]. Bỉ bỉ lạc trước 彼彼樂著: ham muốn đời sau ta sẽ sanh chỗ này, chỗ kia. Pāli: tatratatrābhinandī (S. iii. 158).
[10]. Trong bản, bệnh. Theo nội dung trả lời dưới, sửa lại là lậu.
[11]. Ba thứ lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu ; xem Trường A-hàm kinh 7. Pāli, D. 33. Saṅgīti, tayo āsavā: kāmāsavo, bhavāsavo, avijjāsavo.
[12]. Trong bản: “Trong pháp luật của Ta”.
[13]. Như cht. 12 trên.
[14]. Như cht.12 trên.
[15]. Pāli, S. 12. 31. Bhūtaṃ; 32. Kaḷāra.
[16]. Ba-la-diên-da A-dật-đa sở vấn 波羅延耶阿逸多所問. Pāli: vuttaṃ, sāriputta, pārāyane ajitapañhe, điều đã được nói trong câu hỏi của Ajita trong (kinh) Pārayana (Suttanipāte pañcassa Pārāyanavagassa Ajitapañhā, Kinh tập bộ, phẩm Pārāyayana, những câu hổi của Ajita).
[17]. Pháp số 法數. Pāli: sankhātadhamma, (người) đã truy cứu pháp, đã thấu hiểu pháp. Do saṅkhāta: được tính toán, nên Hán dịch là pháp số. Bản Ấn Thuận sửa lại là pháp giáo 法教. Quốc Dịch cũng vậy.
[18]. Pāli: ye ca sekkhā putthū idha, ở đây, những vị hữu học và các phàm phu.
[19]. Xem cht.17 trên.
[20]. Nguyên Hán: chân thật 真實. Pāli: bhūtam idanti sāriputta passasī ti? Này Sāriputta, đây là sinh vật, ngươi có thấy chăng? Tiếng Phạm: bhùta, có nghĩa là chân thật (hình dung từ) và cũng có nghĩa là sinh vật (danh từ), chỉ các loài có sự sống hay mầm sống.
[21]. Trong nghĩa này, Hán “chân thật” rõ ràng là sai. Xem cht. trên.
[22]. Pāli, A. 10. 76. Tayodhamma.
[23]. Thất niệm 失念, tức quên mất chánh niệm, xao lãng. Pāli: muṭṭhascca.失念
[24]. Hán: điệu, bất luật nghi, bất học giới 掉,不律儀,不學戒. Pāli: uddhaccaṃ asaṃvaraṃ dusslīyaṃ. trạo cử, không phòng hộ, ác giới.
[25]. Pāli, S. 12. 70. Susima.
[26]. Tu-thâm (niên thiếu) 須深. Pāli: Susima-paribbājaka, Susima, ngoại đạo xuất gia.
[27]. Trong bản Pāli, Susima thấy thỉnh thoảng có nhiều Tỳ-kheo đến trước Thế Tôn tuyên bố chánh trí, tức tự xác nhận đã chứng quả A-la-hán (bhgavato santike aññā vyākatā hoti). Susima tò mò nên đi theo hỏi.
[28]. Hán: Thánh thuyết cập xả 聖說及捨. Pāli: yan taṃ ariyā ācikkhanti upekkhako satimasukhāvihārī ti, điều mà các Thánh nói là xả, có chánh niệm, an trụ lạc.
[29]. Xả tịnh niệm nhất tâm 捨淨念一心. Pāli: upekkha-sati-pārisuddhiṃ, xả và niệm thanh tịnh.
[30]. Đề cập tám giải thoát (Pāli: aṭṭha vimokhā); từ căn bản đệ Tứ thiền Sắc giới, vượt qua Sắc và Vô sắc, cuối cùng nhập tưởng thọ diệt tận định. Pāli: ye te santa vimokkhatā atikkamma rūpe ārppā te kāyena phusitvā viharati, tịch tĩnh giải thoát, siêu việt Sắc Vô sắc, sau khi xúc cảm bằng thân, vị ấy an trụ.
[31]. Pāli: ida ñca veyyākaraṇaṃ imesañca dhammānaṃ asamāpatti, không có sự chứng đắc đối với lời tuyên bố (ký thuyết) này và những pháp này.
[32]. Tuệ giải thoát 慧解脫, được giải thoát (đắc A-la-hán) do tuệ chớ không do định. Pāli: paññāvimutta.
[33]. Chánh thọ 正受 (Pāli: samāpatti), nghĩa thường: đã đi đến nơi, thành tựu; nghĩa chuyên biệt: đạt đến trạng thái thiền và định; theo nghĩa này, phiên âm là tam-ma-bát-để, hoặc dịch là chánh thọ, định lực, đẳng chí. Trong ngữ cảnh đoạn văn này, nó chỉ có nghĩa chưa chứng đắc (Pāli: asamāpatti).
[34]. Pāli: pubbe (…) dhammaṭṭhitiññāṇaṃ, pacchā nibbāne ñāṇaṃ, trước hết là pháp trụ trí, sau đó là Niết-bàn trí.
[35]. Pāli, S. 12. 21-22. Dasabala.
[36]. Tri tiên Phật trú xứ 知先佛住處, tức là tự xác nhận ở vị trí của chư Phật quá khứ. Pāli: āsabhaṃ ṭhānaṃ paṭijānāti, tự tuyên bố vị trí ngưu vương, tức tư xác nhận vị trí hướng dẫn chúng sanh.
[37]. Chuyển Phạm luân 轉梵輪. Pāli: brahmacakkaṃpavatteti
[38]. Trong nguyên bản, tiết lược theo đoạn văn tương tự; nhưng từ trước, chưa tìm thấy đoạn nào tương tợ.
[39]. Đương lai hữu kết 當來有結, kết sử dẫn đến hữu tương lai, tức dẫn đến tái sanh đời sau.
[40]. Thoái kỳ đại nghĩa, tức là đánh mất mục đích cao thượng, tổn thất ích lợi lớn. Pāli: mahantañ ca sadatthaṃ parihāpeti, tổn thất đại lợi.
[41]. Đệ nhất giáo pháp chi trường 第一教法之場. Pāli: na, bhikkhave, hīnena agassa patti hoti. aggena ca kho, bhikkhave, aggassa patti hoti, không bằng cái thấp hèn mà đạt đến cái cao thượng (đệ nhất). Chính bằng cái cao thượng mà đạt đến cái cao thượng.
[42]. Tức pháp được khéo hiển hiện nên dẫn đến tịch tĩnh; dẫn đến Niết-bàn; dẫn đến Bồ-đề của Thanh văn và Chánh giác của Phật.
[43]. Pàli: evaư no ayaư amhàkaư pabbajjà avaĩjhà bhavissati saphalà sa-udrayà, sự xuất gia của ta như vậy sẽ không phải là vô tích sự, mà có kết quả, có thành quả.
[44]. Hán: bất tu thủ ngữ 不須手語, không cần nói bằng tay.
[45]. Xem cht. 42 trên.
[46]. Pāli, S. 12. 49. Ariyasāvaka.
[47]. Pāli: kiṃ nu kho kismiṃ sati kiṃ hoti; kissūppadā kiṃ uppajjati, trong khi cái gì hiện hữu, cái đó hiện hữu? Do cái gì sanh mà cái gì đó sanh?
[48]. S. 12. 68. Kosambī.
[49]. Na-la 那羅 (Pāli: Nārada), Mậu-sư-la 茂師羅 (Musila), Thù-thắng 殊勝 (Paviṭṭha) A-nan 阿難 (Ānanda).
[50]. Bản Pāli: ở tại Kosambiyaṃ Ghositārāme.
[51]. Hán: dị tín, dị dục, dị văn, dị hành giác tưởng, dị kiến thẩm đế nhẫn 異信,異欲,異聞,異行覺想,異見審諦忍. Pāli: aiñatreva (…) saddhāya aññatra ruciyā anussava aññatra ākāraparivitakkā aññatra diṭṭhinijjhānakkhantiyā . Tiếng Phạn: aññatra, một cách khác biệt, hay ngoại trừ; Hán dịch là dị, nên hiểu là trạng từ chứ không phải tính từ.
[52]. Pāli: paccattam eva ñāṇaṃ, tự mình có nhận thức như vậy.
[53]. Pāli: bhavanirodho nibbānan ti, sự diệt tận của hữu là Niết-bàn.
[54]. S. 12. 13. Samaṇ-brāhmaṇā.
[55]. Sa-môn nghĩa, Bà-la-môn nghĩa 沙門義, 婆羅門義. Pāli: sāmaññatthaṃ brāhamaññatthaṃ, đối với mục đích của Sa-môn, Bà-la-môn.
[56]. S. 12. 14. Samaṇa-brāhmaṇā.
[57]. S. 12. 71-81. Samaṇa-brāhmaṇā.
[58]. Pāli, S. 12. 28. Bhikkhu.
[59]. Pāli: bhikkhu jarāmaraṇam pajānāti.
[60]. Pāli, S. 12. 33. Ñāṇavatthūni (1).
[61]. Tứ thập tứ chủng trí 四十四種智. Pāli:catucattārīaṃñāṇavatthūni, bốn mươi bốn sự kiện của trí.
[62]. Pāli, S. 12. 34. Ñāṇavatthūni (2).
[63]. Pāli: asati jātiyā natthi jarāmaraṇanti, trí (nhận thức) về sự kiện, khi không có sanh thì không có già chết.
[64]. Pāli: yampissa taṃ dhammaṭṭhitiñāṇaṃ taṃpi khayadhammaṃ vayadhammaṃ virāgadhammaṃ nirodhadhamman ti ñāṇaṃ, nơi nào có pháp trụ trí, nơi đó cũng có trí (nhận thức) về pháp tận diệt, pháp hủy hoại, pháp ly tham, pháp diệt.
[65]. Pāli, S. 12. 35-36. Avijjā-paccāya.
[66]. Pāli, S. 12. 38. Cetanā (1).
[67]. Pāli: yañ ca bhikkhave ceteti yañca pakappeti yañca anuseti, ārammaṇam etaṃ hoti ñāṇassa ṭhitiyā, tư duy về cái gì, trù tính về cái gì, ấp ủ cái gì, thức sẽ vin níu vào cái đó mà trụ.
[68]. Pāli, S. 12. 39. Cetanā (2).
[69]. Hữu sử 有使; kinh 359: bỉ sử 彼使. Pāli: yañca anusevati: nó tiềm phục theo cái gì, nó thầm nghĩ về cái gì. Bản Hán đọc là anusevati: theo phục vụ. Xem cht.67 kinh 359 trên.
[70]. S. 12. 40. Cetanā.
[71]. Pāli: tasmiṃ patiṭṭhe viññāṇe virūḷhe nati hoti; natiyā sati āgatigati hoti, khi thức an trụ và tăng trưởng, nó có xu hướng. Do có xu hướng, có sự đến và đi.
[72]. Pāli, S. 12. 16. Dhammakathika.
[73]. Pāli: dhammakathiko.
[74]. S. 12. 16. Dhammakathika.
[75]. Pháp thứ pháp hướng 法次法向, cũng nói là pháp tùy pháp hành 法隨行向. Pāli: dhammānudhammā-paṭipanno, thực hành pháp và tùy pháp, thực hành tùy thuận theo tuần tự của pháp.