KINH TẠP A-HÀM QUYỂN 2
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
KINH 33. PHI NGÃ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc không phải là ngã. Nếu sắc là ngã, không nên ở nơi sắc mà bệnh, khổ sanh và cũng không thể có ước muốn khiến như vậy hay không như vậy đối với sắc. Vì sắc là vô ngã cho nên ở nơi sắc có bệnh, khổ sanh và nó cũng có ước muốn khiến như vậy, hay không như vậy đối với sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
“Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, sắc là thường hay vô thường?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Là vô thường, bạch Thế Tôn.”
“Tỳ-kheo, nếu là vô thường, thì có phải là khổ?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Là khổ, bạch Thế Tôn.”
“Vậy, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có nên thấy là có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau[2]?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Không nên, bạchThế Tôn.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Cho nên, Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng không phải là ngã, không phải khác ngã, hay không ở trong nhau. Hãy quán sát như vậy. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử, đối với năm thọ ấm này, hãy quán sát như thật chúng là chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Khi quán sát như thật rồi, thì đối với thế gian không có gì phải chấp thủ. Vì đã không có gì để chấp thủ, nên cũng không có gì để đắm trước. Vì đã không có gì để đắm trước, nên tự giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết sẽ không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 34. NGŨ TỲ-KHEO[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, nơi Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại.
Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:
“Sắc không có ngã[4]. Nếu sắc mà có ngã, thì bệnh, khổ không thể sanh nơi sắc được, cũng không thể có ước muốn khiến cho như vầy hay không như vầy đối với sắc được. Vì sắc là vô ngã, cho nên nơi sắc bệnh, khổ sanh và cũng có thể có ước muốn khiến cho như vầy hay không như vầy được. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, sắc là thường hay vô thường?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Là vô thường, bạch Thế Tôn.”
“Tỳ-kheo, vô thường là khổ chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Là khổ, bạch Thế Tôn.”
“Tỳ-kheo, vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc có nên thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Không nên, bạch Thế Tôn.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
“Cho nên, Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát như thật tất cả chúng chẳng phải là ngã, chẳng phải là ngã sở. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Này Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này, hãy quán sát như thật, thấy chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát như vậy, đối với thế gian đều không có gì để thủ. Vì không có gì để thủ, nên không có gì để đắm trước. Vì không có gì để đắm trước, cho nên tự giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 35. TAM CHÁNH SĨ [5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tinh xá Trúc viên, tại Chi-đề.
Bấy giờ có ba vị Chánh sĩ[6] mới xuất gia. Đó là Tôn giả A-nậu-luật-đà[7], Tôn giả Nan-đề[8], Tôn giả Kim-tỳ-la[9].
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết trong tâm họ đang nghĩ những gì, nên răn dạy họ rằng:
“Tỳ-kheo, đây là tâm, đây là ý, đây là thức. Hãy tư duy điều này. Chớ tư duy điều này. Hãy đoạn trừ dục này, đoạn trừ sắc này, tự thân tác chứng, thành tựu và an trụ.
“Tỳ-kheo, có sắc nào là thường còn, không biến dịch, tồn tại mãi không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch không, Thế Tôn.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Sắc là vô thường, là pháp biến dịch, yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh. Sắc như vậy từ xưa tới nay, tất cả đều là pháp vô thường, khổ, biến dịch. Khi đã biết như vậy rồi, thì tất cả các lậu, hại, xí nhiên, ưu não đã từng duyên vào sắc này mà sanh ra, thảy đều bị đoạn diệt. Khi đã đoạn diệt rồi, thì không còn gì để chấp trước. Khi đã không còn gì để chấp trước rồi, thì sống an lạc. Khi đã sống an lạc rồi, thì đạt được Bát-niết-bàn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Khi Đức Phật nói kinh này, ba vị Chánh sĩ lậu hoạêc không còn khởi lên nữa, tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 36. THẬP LỤC TỲ-KHEO[10]
Tôi nghe như vầy:
Khi Đức Phật ở trong vườn xoài Tán cái, bên bờ sông Bạt-đề, nước Ma-thâu-la[11].
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy an trú nơi hòn đảo chính mình[12], an trú nơi nương tựa chính mình[13], an trú nơi hòn đảo pháp[14], an trú nơi nương tựa pháp[15], chứ đừng an trú nơi hòn đảo nào khác, hay nương tựa nơi nào khác.
“Tỳ-kheo hãy quán sát chân chánh, an trú nơi hòn đảo chính mình, an trú nơi nương tựa chính mình, an trú nơi hòn đảo pháp, an trú nơi nương tựa pháp, chứ đừng an trú nơi hòn đảo nào khác, hay nơi nương tựa nào khác.
“Do nhân gì mà ưu, bi, khổ, não sanh? Tại sao có bốn? Do bởi đâu bị cái gì trói buộc[16]? Làm sao tự quán sát, ưu, bi, khổ, não chưa sanh nay sanh; ưu, bi, khổ, não đã sanh nay lại tăng trưởng rộng?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Cúi xin Đức Thế Tôn vì chúng con mà nói, sau khi chúng con nghe xong, sẽ y như những lời dạy mà làm theo.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
“Này các Tỳ-kheo, có sắc, nhân sắc mà trói buộc vào sắc; tự quán sát ưu, bi, khổ, não chưa sanh nay sanh, đã sanh rồi nay lại tăng trưởng rộng. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
“Tỳ-kheo, có sắc nào là thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi không?”
Đáp:
“Bạch không, Thế Tôn.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, sắc là vô thường. Nếu thiện nam tử biết sắc là vô thường, khổ, biến dịch, dục, diệt tận, tịch tĩnh; từ xưa tới nay tất cả sắc đều là pháp vô thường, khổ, biến dịch; biết rồi, nếu sắc là nhân duyên sanh ra ưu, bi, khổ, não, thì nên đoạn trừ chúng. Khi đã đoạn trừ rồi, thì không còn gì để chấp trước. Vì không chấp trước nên sống an vui. Khi đã sống an vui rồi, thì đó gọi là Niết-bàn. Đối với thọ tưởng, hành và thức lại cũng như vậy.”
Khi Đức Phật nói kinh này, thì mười sáu Tỳ-kheo không sanh các lậu, tâm đạt được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Trúc viên, Tỳ-xá-ly,
Thanh tịnh, chánh quán sát,
Vô thường, khổ, phi ngã,
Năm, ba và mười sáu.
KINH 37. NGÃ[17]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ta không tranh luận với thế gian. Thế gian tranh luận với Ta. Vì sao vậy? Tỳ-kheo, nếu người nào nói đúng pháp, thì người ấy không tranh luận với thế gian.
“Những gì người trí thế gian nói có, Ta cũng nói có. Thế nào là người trí thế gian nói có, Ta cũng nói có? Tỳ-kheo, sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch; người trí thế gian nói có, Ta cũng nói có. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch; người trí thế gian nói có, thì Ta cũng nói có.
“Những gì người trí thế gian nói không, Ta cũng nói không. Thế nào là người trí thế gian nói không, Ta cũng nói không? Tỳ-kheo, sắc thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi, là điều người trí thế gian nói là không, thì Ta cũng nói là không. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi; là điều người trí nói không, thì Ta cũng nói không. Đó gọi là người trí thế gian nói không, Ta cũng nói không.
“Tỳ-kheo, có những pháp thế gian, ở trong thế gian[18], Ta đã tự chứng tri, tự giác ngộ, rồi vì mọi người mà phân biệt, giảng nói, hiển thị, nhưng những kẻ mù không có mắt trong thế gian đã không biết, không thấy, đó không phải là lỗi của Ta.
“Tỳ-kheo, những gì là pháp thế gian ở trong thế gian mà Ta đã tự chứng tri, tự giác ngộ, rồi vì mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết không thấy? Tỳ-kheo, đó là, sắc là pháp vô thường, khổ, biến dịch, nó là pháp thế gian ở trong thế gian. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, là pháp thế gian ở trong thế gian.
“Tỳ-kheo, đó là pháp thế gian ở trong thế gian, mà Ta đã tự chứng tri, đã tự giác ngộ, rồi vì mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không thấy. Đối với những kẻ mù, không mắt, không biết, không thấy kia, Ta làm gì được.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 38. TY HẠ[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Người đời làm nghề thấp hèn, bằng đủ mọi cách mưu sinh tìm cầu của cải, mà được giàu sang; điều đó người đời ai cũng biết. Như điều mà người đời biết, Ta cũng nói như vậy. Vì sao? Chớ nghĩ Ta khác người đời.
“Tỳ-kheo, giống như cùng một món đồ, có nơi người ta gọi là kiền-tỳ, có nơi gọi là bát, có nơi gọi là chủy-chủy-la, có nơi gọi là giá-lưu, có nơi gọi là tỳ-tất-đa, có nơi gọi là bà-xà-na, có nơi gọi là tát-lao[20], theo sự hiểu biết chỗ này hay chỗ kia. Ta cũng nói như vậy. Vì sao? Đừng nghĩ Ta khác người đời.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, có pháp thế gian mà Ta đã tự chứng tri, đã tự giác ngộ, rồi vì mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không thấy. Đối với những kẻ mù, không mắt, không biết, không thấy kia, Ta làm gì được.”
“Tỳ-kheo, những gì là pháp thế gian ở trong thế gian mà Ta đã tự chứng tri, tự giác ngộ, rồi vì mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không thấy? Tỳ-kheo, đó là, sắc là pháp vô thường, khổ, biến dịch, nó là pháp thế gian ở trong thế gian. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, là pháp thế gian ở trong thế gian.
“Tỳ-kheo, đó là pháp thế gian ở trong thế gian, mà Ta đã tự biết, tự thấy,… cho đến, những kẻ mù không mắt, không biết không thấy, thì Ta làm gì được!”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 39. CHỦNG TỬ[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có năm loại hạt giống. Năm loại đó là gì? Đó là, hạt giống từ rễ, hạt giống từ thân, hạt giống từ đốt[22], hạt giống tự rụng, hạt giống từ quả. Năm loại hạt giống này tuy không bị gián đoạn, không bị hư hoại, không bị mục thối, không bị trúng gió[23], vừa chín, chắc hạt, có đất, nhưng nếu không có nước[24], thì những loại hạt giống đó không thể sanh trưởng lớn mạnh được. Nếu những hạt giống mới vừa chín tới, chắc hạt này, tuy không bị gián đoạn, không bị hư hoại, không bị mục thối, không bị trúng gió, có nước, nhưng nếu không có đất, thì chúng cũng không sanh trưởng lớn mạnh được. Nếu những hạt giống mới vừa chín tới, chắc hạt này, mà không bị gián đoạn, không bị hư hoại, không bị mục thối, không bị trúng gió, có nước, có đất đầy đủ, thì những hạt giống này sẽ sanh trưởng lớn mạnh.
“Tỳ-kheo, năm loại hạt giống này được ví cho các thọ ấm cùng hiện hữu với thức. Đất được ví cho bốn thức trụ[25]. Nước được ví cho hỷ tham[26]. Bốn thủ[27] vin bám nơi thức mà trụ. Bốn là những gì? Thức trụ ở trong sắc, vin bám sắc, hỷ tham được ướt nhuần, sanh trưởng lớn mạnh. Cũng vậy, thức trụ trong thọ, tưởng và hành, vin bám thọ, tưởng, hành, hỷ tham được ướt nhuần, sanh trưởng lớn mạnh.
“Tỳ-kheo, thức ở trong đó, hoặc đến, hoặc đi, hoặc hiện, hoặc mất, hoặc sanh trưởng lớn mạnh.
“Tỳ-kheo, nếu lìa sắc, thọ, tưởng, hành mà thức có đến, có đi, có hiện, có mất, có sanh, thì chỉ có trên ngôn thuyết, chứ nếu hỏi đến thì sẽ không biết, càng làm cho si mê, vì không phải là cảnh giới.
“Đối với sắc giới mà lìa tham. Khi đã lìa tham rồi, sự trói buộc bởi ý sanh[28] và sự ngưng trệ nơi sắc bị đoạn trừ[29]. Khi sự trói buộc bởi ý sanh[30] và sự ngưng trệ nơi thức bị đoạn trừ rồi, thì sự vin bám bị cắt đứt[31]. Khi sự vin bám bị cắt đứt rồi, thì thức cũng không còn chỗ trụ để sanh trưởng lớn mạnh trở lại. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng và hành giới[32] lìa tham. Khi đã lìa tham rồi, thì ý sanh xúc[33] và sự ngưng trệ nơi hành bị đoạn trừ. Khi ý sanh xúc và sự ngưng trệ nơi hành bị đoạn trừ rồi, thì sự vin bám bị cắt đứt. Khi sự vin bám bị cắt đứt rồi, thì thức cũng không còn chỗ trụ để sanh trưởng lớn mạnh trở lại. Vì đã không sanh trưởng cho nên không tác hành[34]. Khi đã không tác hành, thì trụ vững[35]. Do an trụ vững mà tri túc. Do tri túc mà giải thoát.[36] Do giải thoát mà đối với các thế gian không còn gì để thủ, không còn gì để chấp trước. Khi đã không còn gì để thủ và không còn gì để chấp trước, do đó tự mình giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết sẽ không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Ta nói thức này, không đi sang Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía, trên, dưới. Nó không đi đến đâu cả, mà chỉ ngay trong đời hiện tại sẽ nhập Niết-bàn, tịch diệt, thanh lương, thanh tịnh, chân thật[37].”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 40. PHONG TRỆ[38]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Phong trệ[39], thì không giải thoát. Không phong trệ, thì được giải thoát.
“Thế nào là phong trệ không giải thoát?
“Tỳ-kheo, thức vin bám vào bốn thủ ấm mà trụ. Bốn là những gì? Thức bị phong trệ bởi sắc mà trụ. Cũng vậy, thức bị phong trệ bởi thọ, tưởng và hành mà trụ… cho đến chẳng phải là cảnh giới.[40] Đó gọi là phong trệ nên không giải thoát.
“Thế nào là không bị phong tỏa trì trệ, thì giải thoát?
“Đối với sắc giới ly tham; với thọ, tưởng, hành mà ly tham… cho đến thanh lương, thanh tịnh, chân thật. Đó gọi là không bị phong trệ, thì được giải thoát.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 41. NGŨ CHUYỂN[41]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có năm thọ ấm. Đó là sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Ta đối với năm thọ ấm này, có năm như thật tri[42]. Như thật tri về sắc, về sự tập khởi của sắc, về vị ngọt của sắc, về tai hại của sắc và về sự xuất ly sắc. Cũng vậy, như thật tri về thọ, tưởng, hành, thức, về sự tập khởi của thức, về vị ngọt của thức, về tai hại của thức và về sự xuất ly thức.
“Thế nào là như thật tri về sắc? Những gì là sắc là tất cả bốn đại và sắc do bốn đại sanh ra. Đó gọi là sắc. Như vậy, như thật tri về sắc.
“Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của sắc? Đối với sắc mà có hỷ ái. Đó gọi là sự tập khởi của sắc. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của sắc.
“Thế nào là như thật tri về vị ngọt của sắc? Do duyên vào sắc mà sanh ra hỷ lạc. Đó gọi là vị ngọt của sắc. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của sắc.
“Thế nào là như thật tri về sự tai hại của sắc? Sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đóù gọi là sự tai hại của sắc. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của sắc.
“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly sắc? Đối với sắc mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly sắc. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly sắc.
“Thế nào là như thật tri về thọ? Có sáu thọ thân. Thọ phát sanh từ nhãn xúc, thọ phát sanh từ tai, mũi, lưỡi, thân và ý xúc. Đó gọi là sáu thọ. Như vậy, như thật tri về thọ.
“Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của thọ? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của thọ.
“Thế nào là như thật tri về vị ngọt của thọ? Hỷ lạc duyên vào sáu thọ mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thọ. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của thọ.
“Thế nào là như thật tri về sự tai hại của thọ? Thọ là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đóù gọi là tai hại của thọ. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của thọ.
“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly thọ? Đối với thọ mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là lìa thọ. Như vậy, như thật tri về sự lìa thọ.
“Thế nào là như thật tri về về tưởng? Có sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh bởi nhãn xúc; tưởng phát sanh bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc. Đó gọi là tưởng. Như vậy, như thật tri về tưởng.
“Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của tưởng? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của tưởng. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của tưởng.
“Thế nào là như thật tri về vị ngọt của tưởng? Hỷ lạc do duyên vào tưởng mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của tưởng. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của tưởng.
“Thế nào như thật tri về sự tai hại của tưởng? Tưởng là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của tưởng. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của tưởng.
“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly tưởng? Đối với tưởng mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa tưởng. Như vậy, như thật tri về sự lìa tưởng.
“Thế nào là như thật tri về sự hiện hữu của hành? Có sáu tư thân. Tư phát sanh bởi nhãn xúc. Tư phát sanh bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc. Đó gọi là hành. Như vậy, như thật tri về hành.
“Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của hành? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của hành. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của hành.
“Thế nào là như thật tri về vị ngọt của hành? Hỷ lạc do duyên vào hành mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của hành. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của hành.
“Thế nào gọi là như thật tri về sự tai hại của hành? Hành là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của hành. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của hành.
“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly hành? Đối với hành mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly hành. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly hành.
“Thế nào là như thật tri về thức? Có sáu thức thân. Thức của mắt, thức của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là thức. Như vậy, như thật tri về thức.
“Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của thức? Sự tập khởi của sắc là sự tập khởi của thức. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của thức.
“Thế nào là như thật tri về vị ngọt của thức? Hỷ lạc do duyên vào thức mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thức. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của thức.
“Thế nào là như thật tri về sự tại hại của thức? Thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thức. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của thức.
“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly thức? Đối với thức mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa thức. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly của thức.
“Tỳ-kheo, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với sắc mà biết như vậy, mà thấy như vậy, thì do biết như vậy, thấy như vậy người đó hướng đến ly dục, đó gọi là chánh hướng[43]. Nếu người nào hướng đến chân chánh, thì ta nói người đó đã được thể nhập[44]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với sắc mà biết như thật, thấy như thật; do biết như thật, thấy như thật, đối với sắc sanh yểm ly, ly dục, không khởi lên các lậu, tâm đạt được giải thoát. Nếu người nào đã đạt được tâm giải thoát, thì người đó thuần nhứt[45]. Người nào đã được thuần nhứt, thì phạm hạnh đã lập. Người nào phạm hạnh đã lập, không còn bị ai khống chế[46]. Đó gọi là biên tế của khổ[47]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 42. THẤT XỨ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có bảy xứ thiện[48], với ba phương pháp quán nghĩa[49], hoàn toàn[50] ở trong trong pháp này mà chứng đắc lậu tận[51], đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự thân chứng ngộ cụ túc và an trụ, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Tỳ-kheo, thế nào là bảy xứ thiện? Tỳ-kheo biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự tận diệt của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Cũng vậy, biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về sự tập khởi của thức, về sự tận diệt của thức, về con đường đưa đến sự diệt tạân của thức, về vị ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự xuất ly của thức.
“Thế nào là biết như thật về sắc? Những gì là sắc là tất cả bốn đại và sắc do bốn đại tạo ra. Đó gọi là sắc. Như vậy là biết như thật về sắc.
“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của sắc? Ái hỷ là sự tập khởi của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của sắc
“Thế nào là biết như thật về sự đoạn tận của sắc? Ái hỷ diệt. Đó gọi là sự diệt tận của sắc. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của sắc.
“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của sắc? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của sắc. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của sắc.
“Thế nào là biết như thật về vị ngọt của sắc? Hỷ lạc do duyên vào sắc mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của sắc. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của sắc.
“Thế nào là biết như thật về sự tai hại của sắc? Sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của sắc.
“Thế nào là biết như thật về sự xuất ly sắc? Đối với sắc mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly sắc. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly sắc.
“Thế nào là biết như thật về sự hiện hữu của thọ? Có sáu loại thọ: mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc sanh ra thọ, đó gọi là sự hiện hữu của thọ. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của thọ.
“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thọ? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thọ.
“Thế nào là biết như thật về sự đoạn tận của thọ? Khi xúc diệt, thì đó là sự diệt tận của thọ. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thọ.
“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của thọ? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến… cho đến chánh định, đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của thọ. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của thọ.
“Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thọ? Hỷ lạc do duyên thọ mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thọ. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thọ.
“Thế nào là biết như thật về sự tai hại của thọ? Thọ là vô thường, khổ, là biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của thọ.
“Thế nào là biết như thật về sự xuất ly thọ? Nếu ở nơi thọ mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa thọ. Như vậy là biết như thật về sự lìa thọ.
“Thế nào là biết như thật về tưởng? Có sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh từ xúc của mắt; tưởng phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là sự hiện hữu của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của tưởng.
“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của tưởng? Tập khởi của xúc là tập khởi của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của tưởng.
“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của tưởng? Diệt tận xúc là diệt tận tưởng. Như vậy là biết như thật về sự đoạn diệt của tưởng.
“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của tưởng? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến… cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự đoạn diệt của tưởng. Như vậy là biết như thật về con đường đoạn diệt của tưởng.
“Thế nào là biết như thật về vị ngọt của tưởng? Hỷ lạc nhờ duyên vào tưởng mà sanh ra. Đó gọi là vị ngọt của tưởng. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của tưởng.
“Thế nào là biết như thật về sự tai hại của tưởng? Tưởng làø vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của tưởng.
“Thế nào là biết như thật về sự xuất ly tưởng? Nếu ở nơi tưởng mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly tưởng. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly tưởng.
“Thế nào là biết như thật về hành? Có sáu tư thân. Tư phát sanh từ xúc của mắt. Tư phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là hành. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của hành.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của hành. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của hành.
“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành? Sự diệt tận của xúc là sự diệt tận của hành. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của hành.
“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến cho đến chánh định. Đóù gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của hành? Hỷ lạc do duyên vào hành mà sanh ra, nên gọi là vị ngọt của hành. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của hành.
“Thế nào là biết như thật về sự tai hại của hành? Hành là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của hành. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của hành.
“Thế nào là biết như thật về sự xuất ly hành? Nếu ở nơi hành mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua được dục tham. Đó gọi là sự xuất ly hành. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly hành.
“Thế nào là biết như thật về thức? Có sáu thức thân. Thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là sự hiện hữu của thức. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của thức.
“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức? Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của thức. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thức.
“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức? Sự diệt tận của danh sắc là sự diệt tận của thức. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thức.
“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức.
“Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thức? Hỷ lạc do duyên thức mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thức. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thức.
“Thế nào là biết như thật về sự tai hại của thức? Thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thức. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của thức.
“Thế nào là biết như thật về sự xuất ly thức? Nếu ở nơi thức mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly thức. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly thức.
“Tỳ-kheo, đó gọi là bảy xứ thiện.
“Thế nào là ba phương pháp quán nghĩa? Nếu, Tỳ-kheo ở nơi hoang vắng, dưới gốc cây, hay nơi đồng trống, quán sát ấm, giới, nhập[52] bằng phương tiện chân chánh[53] mà tư duy nghĩa của chúng. Đó gọi là ba phương pháp quán nghĩa của Tỳ-kheo.
“Đó gọi là bảy xứ thiện và ba phương pháp quán nghĩa của Tỳ-kheo, hoàn toàn ở trong trong pháp này mà chứng đắc lậu tận, đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự thân chứng ngộ cụ túc và an trụ, biết rằng, ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 43. THỦ TRƯỚC[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Chấp thủ nên sanh đắm trước[55]. Không chấp thủ, không đắm trước. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, chúng con xin theo lời dạy.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào là do chấp thủ nên sanh đắm trước? Phàm phu ngu si không học, đối với sắc thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau[56]; thấy sắc là ngã, hay ngã sở để mà chấp thủ. Khi đã chấp thủ, nếu sắc kia chuyển biến hay đổi khác, thì tâm cũng chuyển theo[57]. Khi tâm đã chuyển theo, thì sanh ra sự chấp thủ, nắm giữ tâm mà trụ[58]. Sau khi trụ, sanh ra sợ hãi, chướng ngại tâm loạn[59], do thủ trước[60] vậy.
“Phàm phu ngu si vô học, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; thấy thức là ngã, hay ngã sở để mà chấp thủ. Khi đã chấp thủ, nếu thức kia chuyển biến hay đổi khác, thì tâm cũng chuyển theo. Khi tâm đã chuyển theo, thì sanh ra sự chấp thủ, nắm giữ tâm mà trụ. Sau khi trụ, sanh ra sợ hãi, chướng ngại tâm loạn; do thủ trước vậy. Đó gọi là thủ trước.
“Thế nào là không thủ, thì không đắm? Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc không thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; ở nơi sắc không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ. Không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ, khi sắc kia chuyển biến, hay đổi khác, thì tâm cũng không chuyển theo. Tâm không chuyển theo, không sanh thủ trước, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, không sanh sợ hãi, chướng ngại, tâm loạn; do không thủ trước vậy.
“Cũng vậy, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức không thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; ở nơi thức không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ. Không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ, khi thức kia chuyển biến, hay đổi khác, thì tâm cũng không chuyển theo. Tâm không chuyển theo, không sanh thủ trước, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, không sanh sợ hãi, chướng ngại, tâm loạn; do không thủ trước vậy. Đó gọi là không thủ trước.
“Đó gọi là thủ trước và không thủ trước.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 44. HỆ TRƯỚC[61]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu có sanh thì sẽ có trói buộc[62], nếu không sanh thì sẽ không có trói buộc. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
“Thế nào là nếu có sanh thì sẽ có trói buộc? Phàm phu ngu si vô học, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, nên đối với sắc mà ái hỷ, tán thán, thủ trước; ở nơi sắc thấy là ngã, là ngã sở mà chấp thủ. Khi đã chấp thủ rồi, nếu sắc kia biến chuyển hay đổi khác, tâm theo đó mà biến khác. Vì tâm theo đó biến khác, nên nắm giữ tâm mà trụ[63]. Vì nắm giữ tâm trụ nên sanh sợ hãi, chướng ngại, hoài vọng[64]. Vì có sanh nên có sự trói buộc[65]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là có sanh nên có sự trói buộc.
“Thế nào là nếu không sanh thì không trói buộc? Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự tận diệt của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Vì đã biết như thật, nên không ái hỷ, tán thán, thủ trước; không buộc chặt ngã và ngã sở, mà chấp thủ. Vì không chấp thủ nên sắc kia nếu biến chuyển hay đổi khác, tâm không theo đó mà biến khác. Vì tâm không theo sự biến khác, nên tâm không bị trói buộc, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, nên tâm không sợ hãi, chướng ngại, hoài vọng; vì không sanh nên không trói buộc vậy. Đó gọi là không sanh, nên không có trói buộc.
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là không sanh, nên không bị trói buộc.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 45. GIÁC[66]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Nếu có những Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy có ngã, thì tất cả cũng đều ở nơi năm thọ ấm này mà thấy có ngã. Các Sa-môn, Bà-la-môn thấy sắc là ngã, sắc là khác ngã, hay ngã ở trong sắc, sắc ở trong ngã[67]; thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, ngã ở trong thức, thức ở trong ngã.
“Phàm phu ngu si vô học vì vô minh nên thấy sắc là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau và nói ngã là chân thật nên không xả. Vì không xả nên các căn tăng trưởng. Khi các căn đã tăng trưởng rồi, thì sẽ sanh ra các xúc. Do bị xúc chạm bởi sáu xúc nhập xứ[68], do đó phàm phu ngu si vô học khởi lên cảm giác khổ vui, từ xúc mà nhập xứ khởi lên. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xúc nhập xứ.
“Như vậy, Tỳ-kheo, có ý giới, pháp giới, vô minh giới. Kẻ phàm phu ngu si vô học, vì vô minh xúc[69] cho nên khởi lên ý tưởng có, ý tưởng không, ý tưởng vừa có vừa không, ý tưởng ta hơn, ý tưởng ta bằng, ý tưởng ta kém, ý tưởng ta biết, ta thấy. Những ý tưởng biết như vậy, những ý tưởng thấy như vậy đều do sáu xúc–nhập xứ mà phát sanh.
“Đa văn Thánh đệ tử đối với sáu xúc–nhập xứ này, xả bỏ vô minh mà sanh minh. Không sanh ra ý tưởng về có, ý tưởng về không, ý tưởng về vừa có vừa không, ý tưởng hơn, ý tưởng bằng, ý tưởng kém, ý tưởng ta biết, ta thấy. Khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy rồi, thì những gì do vô minh–xúc khởi lên trước kia sẽ bị diệt và cảm thọ phát sanh do minh xúc sau đó sẽ khởi lên.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 46. TAM THẾ ẤM THẾ THỰC[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào nhờ trí túc mạng tự biết rõ những đời sống trước của mình, thì việc đã biết, đang biết, sẽ biết đều phát xuất từ năm thọ ấm này. Việc đã biết đang biết, sẽ biết về đời quá khứ của ta đã từng trải qua, có sắc như vậy, thọ như vậy, tưởng như vậy, hành như vậy, thức như vậy.
“Cái gì có thể phân tán, trở ngại[71], thì cái đó gọi là sắc thọ ấm[72]. Như bàn tay, đá, gậy, dao, bị trở ngại bởi ngón tay; hoặc do lạnh, nóng, khát, đói, hoặc do xúc bởi muỗi mòng, độc trùng, mưa gió; đó gọi là trở ngại do xúc[73]. Cho nên, chướng ngại, đó là sắc thọ ấm. Lại nữa, sắc thọ ấm này là vô thường, khổ, biến dịch.
“Những tướng cảm nhận, đó là thọ thọ ấm[74]. Cảm nhận cái gì? Cảm nhận sự khổ, cảm nhận sự lạc, cảm nhận sự không khổ không lạc. Cho nên gọi tướng cảm nhận là thọ thọ ấm. Lại nữa, thọ thọ ấm này là vô thường, khổ, biến dịch.
“Các tưởng, là tưởng thọ ấm[75]. Tưởng cái gì? Tưởng ít, tưởng nhiều, tưởng vô lượng, hoàn toàn không có gì tưởng là không có gì. Đó gọi là tưởng thọ ấm. Lại nữa, tưởng thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch.
“Tướng tạo tác hữu vi là hành thọ ấm[76]. Tạo tác cái gì? là tạo tác sắc, tạo tác thọ, tưởng, hành và thức. Cho nên tướng tạo tác hữu vi là hành thọ ấm.
“Lại nữa, hành thọ ấm này là pháp vô thường, khổ, biến dịch.
“Tướng phân biệt biết rõ là thức thọ ấm[77]. Biết rõ cái gì? Là biết rõ sắc, biết rõ thanh, hương, vị, xúc và pháp, cho nên gọi là thức thọ ấm. Lại nữa, thức thọ ấm là pháp vô thường, khổ, biến dịch.
“Này các Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử kia đối với sắc thọ ấm kia phải học như vầy, ‘Ta nay bị sắc hiện tại ăn[78]. Quá khứ đã từng bị sắc kia ăn, như trong hiện tại.’ Lại nghĩ như vầy: ‘Nay ta đang bị sắc hiện tại ăn, nếu mà ta ham muốn sắc vị lai, thì cũng sẽ bị sắc kia ăn như trong hiện tại.’ Biết như vậy rồi, người ấy không hoài niệm sắc quá khứ, không ham muốn sắc vị lai, đối với sắc hiện tại sanh yểm ly, lìa dục, diệt hết tai hại, hướng đến tịch diệt. Đa văn Thánh đệ tử đối với thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm hãy học như vầy, ‘Ta nay bị thức hiện tại ăn. Quá khứ đã từng bị thức kia ăn, như trong hiện tại. Nếu mà ta ham muốn thức vị lai, thì cũng sẽ bị thức kia ăn như trong hiện tại.’ Biết như vậy rồi, người ấy không hoài niệm thức quá khứ, không ham muốn thức vị lai, đối với thức hiện tại sanh yểm ly, lìa dục, diệt tận[79], hướng đến tịch diệt. Ở đây, diệt chứ không tăng, lui chứ không tiến, diệt chứ không khởi, xả chứ không thủ[80].
“Ở nơi cái gì diệt mà không tăng? Sắc diệt mà không tăng. Thọ, tưởng, hành, thức diệt mà không tăng.
“Ở nơi cái gì lùi mà không tiến? Sắc lùi mà không tiến. Thọ, tưởng, hành, thức lùi mà không tiến.
“Ở nơi cái gì diệt mà không khởi? Sắc diệt mà không khởi. Thọ, tưởng, hành, thức diệt mà không khởi.
“Ở nơi cái gì xả mà không thủ? Sắc xả mà không thủ. Thọ, tưởng, hành, thức xả mà không thủ.
“Diệt chứ không tăng, tịch diệt mà an trụ. Lùi chứ không tiến, im lặng lui mà an trụ. Diệt chứ không khởi, tịch diệt mà an trụ. Xả chứ không thủ, không sanh ra sự trói buộc. Không bị trói buộc, nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Khi Đức Phật nói kinh này số đông các Tỳ-kheo không khởi các lậu, tâm được giải thoát.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bài kệ tóm tắt:
Ngã, ty hạ, chủng tử,
Phong trệ, ngũ chuyển, thất (xứ thiện)
Hai hệ trước và giác,
Tam thế ấm thế thực.
KINH 47. TÍN[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Thiện nam có lòng tin, cần suy nghĩ như vầy: ‘Ta nên thuận theo pháp. Ta hãy an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều, về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều, về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức.’ Thiện nam tử có lòng tin bèn an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều, về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập tu tập nhiều, về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức, nên đối với sắc được yểm ly; đối với thọ, tưởng, hành, thức được yểm ly. Do yểm ly mà ly dục, giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 48. A-NAN (1)[82]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Thiện nam tử có lòng tin, chánh tín xuất gia, sống không gia đình, tự nghĩ: ‘Ta nên thuận theo pháp. Ta hãy an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức.’ Thiện nam tử có lòng tin bèn an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức, nên đối với sắc được yểm ly; đối với thọ, tưởng, hành, thức được yểm ly[83]. Ta nói người ấy chắc chắn sẽ được thoát ly khỏi tất cả sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 49. A-NAN (2)[84]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu có trưởng giả hay người con trưởng giả nào có lòng tin, đến hỏi ngươi rằng, ‘Ở nơi pháp nào mà biết rõ được sự sanh diệt của nó?’ thì ngươi sẽ trả lời như thế nào?”
Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu có trưởng giả hay con trưởng giả nào, đến hỏi con như vậy, thì con sẽ đáp rằng, ‘Biết sắc là pháp sanh diệt; biết thọ, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt.’ Bạch Thế Tôn, nếu có trưởng giả hay con trưởng giả nào hỏi như vậy, thì con sẽ trả lời như vậy.”
Phật bảo Tôn giả A-nan:
“Lành thay! Lành thay! Nên đáp như vậy. Vì sao vậy? Vì sắc là pháp sanh diệt; thọ, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt. Biết sắc là pháp sanh diệt, thì đó gọi là biết sắc. Biết thọ, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt, thì đó gọi là biết… thức.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 50. A-NAN (3)[85]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu có các ngoại đạo xuất gia đến hỏi ngươi rằng, ‘A-nan, vì sao Thế Tôn dạy người tu các phạm hạnh.’ Được hỏi như vậy, nên đáp thế nào?”
Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu có người ngoại đạo xuất gia đến hỏi con rằng, ‘A-nan, vì sao Thế Tôn dạy người tu các phạm hạnh?’ Thì con sẽ trả lời rằng, ‘Vì để đối với sắc, tu tập yểm ly, ly dục, diệt tạân, giải thoát, không sanh, nên Đức Thế Tôn dạy tu các phạm hạnh. Vì để đối với thọ, tưởng, hành, thức, tu tập yểm ly, ly dục, diệt tận, giải thoát, không sanh, nên dạy tu các phạm hạnh.’ Bạch Thế Tôn, nếu có người ngoại đạo xuất gia hỏi như vậy, thì con cũng sẽ đáp như vậy.”
Phật bảo Tôn giả A-nan:
“Lành thay! Lành thay! Nên đáp như vậy. Vì sao vậy? Thật vậy, Ta vì đối với sắc mà tu tập yểm ly, lìa dục, diệt tận, giải thoát, không sanh, nên dạy tu các phạm hạnh. Và vì đối với thọ, tưởng, hành, thức, tu tập yểm ly, ly dục, diệt tận, giải thoát, không sanh, nên dạy tu các phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 51. HOẠI PHÁP[86]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ vì các ông nói pháp hoại và bất hoại[87]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
“Này các Tỳ-kheo, sắc là pháp hoại. Sắc kia diệt, Niết-bàn là pháp bất hoại[88]. Thọ, tưởng, hành, thức là pháp hoại. Thức kia diệt, Niết-bàn, là pháp bất hoại.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 52. UẤT-ĐÊ-CA
Như trong Tăng Nhất A-hàm, phẩm Bốn pháp.
KINH 53. BÀ-LA-MÔN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân-thứ[89], phía Bắc tụ lạc Tát-la thuộc nước Câu-tát-la[90].
Bấy giờ chủ tụ lạc Bà-la-môn Đại Tánh nghe đồn rằng, “Sa-môn dòng họ Thích, ở nơi dòng họ lớn Thích-ca mà cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia, học đạo, sống không gia đình, thành Bậc Vô Thượng Đẳng Chánh Giác, đang du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân-thứ, phía Bắc tụ lạc Tát-la thuộc nước Câu-tát-la này. Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm này, tướng mạo danh xưng, công đức chân thật như vậy được cả trời và người ca tụng, tiếng đồn bay khắp tám phương; là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài ở giữa các cõi, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, với trí tuệ rộng lớn có thể tự mình chứng biết rõ rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những điều cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ngài vì đời nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều toàn thiện; có nghĩa, có vị đều thiện, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, diễn nói chánh pháp vi diệu. Lành thay, nên gặp! Lành thay, nên đi đến! Lành thay, nên cung kính thừa sự!”
Nghĩ như vậy rồi, ông liền sửa soạn xe cộ, đem theo nhiều tùy tùng, bưng bình vàng, người cầm lọng cán vàng, đi đến chỗ Đức Phật, cung kính phụng sự. Khi đến cửa rừng, xuống xe đi bộ đến chỗ Đức Thế Tôn, hỏi thăm sức khỏe có an lành không? Rồi ngồi qua một bên, bạch Đức Thế Tôn rằng:
“Thưa Sa-môn Cù-đàm, Ngài luận về cái gì? Và thuyết về cái gì?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ta luận về nhân và thuyết về nhân.”
Lại bạch Phật rằng:
“Thế nào là luận về nhân? Và thế nào là thuyết về nhân?”
Đức Phật bảo Bà-la-môn:
“Có nhân, có duyên để thế gian tập khởi; có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế gian. Có nhân, có duyên để thế gian diệt; có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian.”
Bà-la-môn bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là có nhân, có duyên để thế gian tập khởi? Và có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế gian?”
Đức Phật bảo Bà-la-môn:
“Phàm phu ngu si không học, nên không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật, nên ái lạc sắc, khen ngợi sắc, tâm nhiễm đắm mà trụ. Kia đối với sắc mà ái lạc nên sanh thủ; duyên thủ nên có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có lão, tử, ưu, bi, khổ, não. Đó chính là sự tập khởi của toàn bộ khối khổ lớn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức, lại cũng như vậy. Này Bà-la-môn, đó gọi là có nhân, có duyên để thế gian tập khởi; có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế gian.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Thế nào là có nhân, có duyên để thế gian diệt tận? Và có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian?”
Đức Phật bảo Bà-la-môn:
“Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Do biết như thật, đối với sắc không ái lạc, không khen ngợi, không nhiễm đắm, không lưu trú. Không ái lạc, không lưu trú, nên sắc ái bị diệt; ái diệt nên thủ diệt; thủ diệt nên hữu diệt; hữu diệt nên sanh diệt; sanh diệt nên lão, tử, ưu, bi, khổ, não diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Này Bà-la-môn, đó gọi là có nhân, có duyên để thế gian diệt tận; cũng gọi là có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian.
“Này Bà-la-môn, đó gọi là luận nhân, đó gọi là thuyết nhân.”
Bà-la-môn bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, luận nhân là như vậy, thuyết nhân là như vậy. Tôi bận nhiều việc thế gian, nay xin từ giã ra về.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Nên biết đúng thời.”
Phật nói kinh này xong, các Bà-la-môn nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, lễ dưới chân rồi lui.
KINH 54. THẾ GIAN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân đọa xứ, nước Ba-la-nại.
Bấy giờ có Bà-la-môn tại tụ lạc Tỳ-ca-đa-lỗ-ca, đến chỗ Đức Phật, cung kính thăm hỏi, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, tôi có một đệ tử trẻ, biết thiên văn, biết chủng tộc, xem tướng tốt, xấu cho mọi người; nói có, ắt là có; nói không, ắt là không; nói thành, ắt là thành; nói hoại, ắt là hoại. Thưa Cù-đàm, ý ngài nghĩ sao?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Hãy gác qua việc đệ tử trẻ của ông, biết thiên văn, biết chủng tộc. Nay Ta hỏi ông, tùy theo ý ông mà trả lời.
“Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao, sắc vốn không có chủng loại chăng?”
Đáp:
“Đúng vậy, Thế Tôn.”
“Thọ, tưởng, hành, thức vốn không có chủng loại chăng?”
Đáp:
“Đúng vậy, Thế Tôn.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ông bảo rằng đệ tử trẻ của ông, biết thiên văn, biết chủng tộc, vì mọi người mà nói như vầy: Nói có, ắt là có; nói không, ắt là không. Vậy cái biết cái thấy này không phải là không thật chăng?”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Đúng vậy, Thế Tôn.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ý ông nghĩ sao? Có loại sắc nào còn mãi trăm năm không? khác với sanh, khác với diệt chăng? Thọ, tưởng, hành, thức còn mãi trăm năm chăng? Hay khác với sanh, khác với diệt chăng?”
Đáp:
“Đúng vậy, Thế Tôn.
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ý ông nghĩ sao? Đệ tử trẻ của ông, biết thiên văn, biết chủng tộc, vì mọi người nói là thành chứ không hoại; vậy cái biết, cái thấy này không phải là không thay đổi chăng?”
Đáp:
“Đúng vậy, Thế Tôn.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ý ông nghĩ sao? Pháp này và pháp kia; thuyết này và thuyết kia, quan điểm nào hơn?”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, ở đây là nói như pháp, như những gì Đức Phật đã nói, hiển bày, khai mở. Cũng như có người bị chìm xuống nước được cứu hộ, người bị tù tội được giải thoát ra, người lạc đường được chỉ nẻo đi, nơi tăm tối được đèn sáng. Hôm nay, Đức Thế Tôn khéo nói pháp thù thắng, cũng lại hiển bày, khai phát như vậy.”
Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Tỳ-ca-đa-lỗ-ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ dưới chân rồi lui.
KINH 55. ẤM[91]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân đọa xứ, nước Ba-la-nại.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay, Ta sẽ nói về ấm và thọ ấm.
“Thế nào là ấm? Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng được gọi chung là sắc ấm.
“Tùy theo những gì là thọ, tưởng, hành, thức; tất cả được gọi chung là thọ, tưởng, hành, thức ấm. Đó gọi là ấm.
“Thế nào là thọ ấm? Nếu sắc là hữu lậu, chấp thủ, thì sắc kia hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, phát sanh ra tham dục, sân nhuế, ngu si và các thứ tâm pháp tùy phiền não[92] khác. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là thọ ấm.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 56. LẬU VÔ LẬU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân đọa xứ, nước Ba-la-nại.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về pháp hữu lậu và vô lậu.
“Thế nào là pháp hữu lậu? Nếu sắc là pháp hữu lậu, bị chấp thủ; sắc sanh ra ái và nhuế. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là pháp hữu lậu, bị chấp thủ; thức kia sanh ra ái và nhuế. Đó gọi là pháp hữu lậu.
“Thế nào là pháp vô lậu? Những gì sắc vô lậu, không bị chấp thụ[93]; sắc kia hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, sắc kia không sanh ái, nhuế. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô lậu, không chấp thủ; thức kia hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, không sanh ái, nhuế. Đó gọi là pháp vô lậu.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Hai tín, hai A-nan,
Pháp hoại, Uất-để-ca,
Bà-la và thế gian,
Trừ pháp lậu, vô lậu.
KINH 57. TẬT LẬU TẬN[94]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Sau đó, lại ôm y-bát, không nói với chúng, không bảo thị giả, một thân một mình, đến quốc độ phương Tây, du hành trong nhân gian[95].
Bấy giờ, trong rừng An-đà có một Tỳ-kheo từ xa trông thấy Thế Tôn, không nói với chúng, không bảo thị giả, một thân một mình. Sau khi thấy vậy, liền đến chỗ Tôn giả A-nan, thưa:
“Tôn giả biết cho, Đức Thế Tôn, không nói với chúng, không bảo thị giả, một thân một mình ra đi du hành.”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với Tỳ-kheo kia:
“Nếu như Đức Thế Tôn, không nói với chúng, không bảo thị giả, một thân một mình ra đi du hành, thì chúng ta không nên đi theo. Vì sao? Vì ngày hôm nay Đức Thế Tôn muốn ít bận rộn để an trụ tịch diệt[96].”
Bấy giờ Đức Thế Tôn du hành về phương Bắc, đến trụ dưới tàn cây Bạt-đà-tát-la[97], trong rừng cây có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba-đà[98] thuộc nước Bán-xà[99].
Sau khi Đức Thế Tôn đi rồi, có một số đông Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-nan, thưa với Tôn giả A-nan rằng:
“Ngài có nghe, hiện nay Đức Thế Tôn đang ở nơi nào không?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Tôi có nghe, hiện nay Đức Thế Tôn đang ở về phương Bắc, dưới tàn cây Bạt-đà-tát-la, trong rừng cây có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba-đà thuộc nước Bán-xà.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nói với Tôn giả A-nan rằng:
“Tôn giả biết cho, đã lâu rồi chúng tôi không gặp Đức Thế Tôn; nếu ngài không ngại cực nhọc, thì có thể cùng chúng tôi đến chỗ Đức Thế Tôn, xin thương xót cho!”
Tôn giả A-nan biết đã đúng lúc, nên im lặng mà nhận lời.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan cùng số đông Tỳ-kheo chờ qua đêm, sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, sắp xếp ngọa cụ, mang y bát, đi về hướng Tây du hành trong nhân gian, rồi quay về hướng Bắc, đến khu rừng có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba-đà, thuộc nước Bán-xà.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan cùng số đông Tỳ-kheo sắp xếp y bát, rửa chân xong, đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì số đông Tỳ-kheo nói pháp, khai thị, giáo giới, làm cho lợi ích, làm cho an lạc[100].
Vào lúc ấy, giữa chúng có một Tỳ-kheo nghĩ rằng: “Biết như thế nào, thấy như thế nào để nhanh chóng chứng đắc lậu tận?”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết được những ý nghĩ của Tỳ-kheo kia, nên bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có Tỳ-kheo đang ở trong chỗ ngồi này nghĩ rằng: ‘Biết như thế nào, thấy như thế nào để nhanh chóng chứng đắc lậu tận[101]?’ Ta đã từng nói pháp rằng: ‘Hãy khéo léo quán sát các ấm; đó là bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám Thánh đạo phần.’ Ta đã từng nói những pháp như vậy để quán sát các ấm. Thế mà hiện nay vẫn còn có thiện nam tử, không muốn nỗ lực siêng thực hành, không nỗ lực siêng vui thích, không nỗ lực siêng suy nghĩ, không nỗ lực siêng tin tưởng, mà tự biếng lười, không nỗ lực tăng tiến để diệt tận được các lậu! Lại nữa, nếu có thiện nam tử đối với những gì Ta đã nói, mà quán sát các ấm, nỗ lực siêng ham muốn, nỗ lực siêng vui thích, nỗ lực siêng suy nghĩ, nỗ lực siêng tin tưởng, thì có thể nhanh chóng chứng đắc lậu tận.
“Phàm phu ngu si không học, ở nơi sắc thấy là ngã. Nếu thấy ngã, thì đó gọi là hành[102]. Hành này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh và cái gì chuyển[103]? Ái được sanh bởi vô minh xúc[104] và duyên vào ái nên khởi lên hành này.
“Ái này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển? Ái này lấy thọ làm nhân, thọ là tập khởi; do thọ sanh, do thọ chuyển.
“Thọ này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển? Thọ này lấy xúc làm nhân, xúc là tập khởi; do xúc sanh, do xúc chuyển.
“Xúc này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển?
Xúc này lấy sáu nhập xứ làm nhân, sáu nhập xứ là tập khởi; do sáu nhập xứ sanh, do sáu nhập xứ chuyển.
“Sáu nhập xứ này là pháp hữu vi vô thường, là pháp duyên khởi của tâm; xúc thọ, hành thọ này là pháp hữu vi vô thường, là pháp duyên khởi của tâm[105].
“Người nào đã quán sát như vậy mà còn thấy sắc là ngã; hay không thấy sắc là ngã mà còn thấy sắc là ngã sở; hay không thấy sắc ngã sở mà còn thấy sắc ở trong ngã; hay không còn thấy sắc ở trong ngã mà thấy ngã ở trong sắc; hay không thấy ngã ở trong sắc mà còn thấy thọ là ngã; hay không thấy thọ là ngã mà còn thấy thọ là ngã sở; hay không thấy thọ là ngã sở mà còn thấy thọ ở trong ngã; hay không thấy thọ ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong thọ; hay không thấy ngã ở trong thọ mà còn thấy tưởng là ngã; hay không còn thấy tưởng là ngã mà còn thấy tưởng là ngã sở; hay không thấy tưởng ngã sở mà còn thấy tưởng ở trong ngã; hay không thấy tưởng ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong tưởng; hay không thấy ngã ở trong tưởng mà còn thấy hành là ngã; hay không thấy hành là ngã mà còn thấy hành là ngã sở; hay không thấy hành là ngã sở mà còn thấy hành ở trong ngã; hay không thấy hành ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong hành; hay không thấy ngã ở trong hành mà còn thấy thức là ngã; hay không thấy thức là ngã mà còn thấy thức là ngã sở; hay không còn thấy thức là ngã sở mà còn thấy thức ở trong ngã; hay không thấy thức ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong thức; hay không thấy ngã ở trong thức mà lại khởi lên đoạn kiến, hoại hữu[106]kiến; hay không khởi đoạn kiến, hoại hữu kiến, nhưng không xa lìa ngã mạn. Người nào không xa lìa ngã mạn, thì lại thấy ngã. Thấy ngã, đó là hành. Hành này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển? thì như trước đã nói, cho đến, ngã mạn.
“Người nào biết như vậy, thấy như vậy, nhanh chóng chứng đắc lậu tận.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 58. ẤM CĂN[107]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Lộc mẫu, Đông viên, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy[108], Thế Tôn đến trước các Tỳ-kheo, trải tòa ngồi và bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.”
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai bên phải, quỳ gối sát đất, chắp tay bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, có phải đây là năm thọ ấm: sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy trở lại chỗ ngồi mà hỏi, Ta sẽ vì ngươi mà nói.”
Tỳ-kheo kia sau khi lạy Phật rồi trở lại chỗ ngồi của mình, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, năm thọ ấm này, lấy gì làm gốc, do gì tập khởi, do cái gì mà sanh, do cái gì mà xúc?
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Năm thọ ấm này, lấy dục làm gốc, do dục tập khởi, vì dục sanh và vì dục mà xúc.”
[109]Khi Tỳ-kheo kia nghe những gì Đức Phật vừa nói, hoan hỷ tùy hỷ, mà bạch Phật rằng:
“Thế Tôn đã vì chúng con nói, năm ấm là thọ[110]. Hay thay! những gì đã được nói. Nay con xin hỏi lại. Bạch Thế Tôn, ấm là thọ hay năm ấm khác thọ?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Chẳng phải năm ấm là thọ, cũng chẳng phải năm ấm khác thọ. Ở nơi đó mà có dục tham, thì đó là năm thọ ấm[111].”
[112]Tỳ-kheo bạch Phật:
“Lành thay, Thế Tôn! Hoan hỷ, tùy hỷ.”
Lại hỏi nữa:
“Có hai ấm tương quan[113] chăng?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đúng vậy! Đúng vậy! Cũng như có một người suy nghĩ như vầy: ‘Ta ở đời vị lai sẽ được sắc như vậy, thọ như vậy, tưởng như vậy, hành như vậy, thức như vậy.’ Đó gọi là ấm ấm tương quan[114].”
[115]Tỳ-kheo bạch Phật:
“Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ.”
Lại hỏi nữa:
“Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là ấm[116]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Những gì sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng gọi chung là ấm. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Như vậy, này Tỳ-kheo, đó gọi là ấm.”
[117]Tỳ-kheo bạch Phật:
“Lành thay! những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ.”
Lại hỏi nữa:
“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì mà gọi là sắc ấm? Do nhân gì, duyên gì mà gọi thọ, tưởng, hành, thức ấm?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Bốn đại là nhân, bốn đại là duyên; đó gọi là sắc ấm. Vì sao? Vì những gì thuộc về sắc ấm, tất cả những cái đó đều là bốn đại, được tác thành do duyên bốn đại. Xúc là nhân, xúc là duyên sanh ra thọ, tưởng, hành; cho nên gọi là thọ, tưởng, hành ấm. Vì sao? Vì nếu những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thì tất cả chúng đều lấy xúc làm duyên. Danh sắc là nhân, danh sắc là duyên, đó gọi là thức ấm. Vì sao? Vì nếu những gì thuộc về thức, thì tất cả chúng đều lấy danh sắc làm duyên.”
[118]Tỳ-kheo bạch Phật:
“Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ.”
Lại hỏi nữa:
“Thế nào là vị ngọt của sắc? Thế nào là sự tai hại của sắc? Thế nào là sự xuất ly sắc? Thế nào là vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức? Thế nào là sự tai hại của thức? Thế nào là sự xuất ly của thức?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hỷ lạc duyên vào sắc sanh ra, đó gọi là vị ngọt của sắc. Nếu sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, đó gọi là sự tai hại của sắc. Nếu đối với sắc mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham, đó gọi là sự xuất ly sắc. Nếu hỷ lạc duyên vào thọ, tưởng, hành, thức sanh ra, đó gọi là vị ngọt của thức. Nếu thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường, khổ, biến dịch, thì đó gọi là sự tai hại của thức. Đối với thọ, tưởng, hành, thức mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham, thì đó gọi là sự xuất ly thức.
[119]Tỳ-kheo bạch Phật:
“Lành thay! Những gì đã được. Hoan hỷ, tùy hỷ.”
Lại hỏi nữa:
“Từ cái gì sanh ra ngã mạn[120]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Phàm phu ngu si không học, ở nơi sắc thấy là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau. Đối với thọ, tưởng, hành, thức là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau. Từ đây sanh ra ngã mạn.”
[121]Tỳ-kheo bạch Phật:
“Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ.”
Lại hỏi nữa:
“Bạch Thế Tôn, làm thế nào để đạt được không ngã mạn?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc không thấy là ngã, là khác ngã, là ở trong nhau. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức cũng không thấy là ngã, là khác ngã, là ở trong nhau.”
[122]Tỳ-kheo bạch Phật:
“Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ.”
Lại hỏi nữa:
“Biết cái gì, thấy cái gì nhanh chóng chứng đắc lậu tận[123]?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Và thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Tỳ-kheo, biết như vậy, nên thấy nhưvậy, nhanh chóng chứng đắc lậu tận.”
Bấy giờ, trong chúng lại có một vị Tỳ-kheo khác căn trí đần độn, không hiểu biết, vì vô minh che lấp, nên khởi tà kiến ác, nghĩ rằng: “Nếu vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, vậy thì ai là người sẽ chịu quả báo trong đời vị lai?”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết những ý nghĩ trong tâm của vị Tỳ-kheo kia, nên liền bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này, có người ngu si, vô trí, vô minh, nghĩ rằng: ‘Nếu sắc là vô ngã, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, thì ai là người sẽ nhận quả báo?’ Những điều nghi ngờ như vậy, trước đây Ta đã giải thích. Thế nào Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, vô thường.”
Hỏi:
“Vô thường là khổ chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ.”
Hỏi:
“Vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy là ngã, khác ngã, ở trong nhau không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, chẳng phải những gì thuộc về ngã. Ai thấy như vậy được gọi là thấy đúng. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử quán như vậy, liền tu tập tâm nhàm chán. Đã nhàm chán rồi, thì ly dục. Do ly dục mà giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng, ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những điều cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Khi Phật nói kinh này xong, phần nhiều các Tỳ-kheo không khởi lên các lậu, tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Ấm căn, ấm tức thọ,
Hai ấm cùng tương quan,
Danh tự, nhân, hai vị,
Ngã mạn, chóng lậu tận.
Chú thích:
[1]. Bản Phật Quang quyển 4, kinh 79. Quốc Dịch quyển 3, phẩm 7. Đại Chánh, quyển 2, xem cht. 33. Pāli, S. 22. 59. Pañca..
[2]. Bản Pāli: etaṃ mama eo’ham asmi eso attā ti, cái cày là của tôi; cái này là tôi; cái này là tự ngã của tôi.
[3]. Pāli, S. 22. 59. Pañca.
[4]. Sắc phi hữu ngã 色非有我. Pāli: rūpam bhikkhave annatā.
[5]. Không có Pāli tương đương.
[6]. Đây chỉ ba công tử họ Thích.
[7]. A-nậu-luật-đà 阿[少/兔]律陀. Pāli: Anuruddha.
[8]. Nan-đề 難提. Pāli: Nandiya.
[9]. Kim-tỳ-la 金毘羅. Pāli: Kimbila.
[10]. Pāli, S. 22. 43. Attapīpa.
[11]. Ma-thâu-la 摩偷羅; Pāli: Mathurā. Bản Pāli, Sāvatthinidānaṃ, nhân duyên ở Xá-vệ.
[12]. Hán: tự châu 自洲. Pāli: attadīpa.
[13]. Hán: tự y 自依. Pāli: attasaeaṇā.
[14]. Hán: Pháp châu 法洲. Pāli: dhammadīpa, pháp là hòn đảo.
[15]. Hán: pháp y 法依. Pāli, dhammasaraṇā, pháp là nơi nương tựa.
[16]. Pāli: kiṃjātikā… kiṃpahotikā, do cái gì chúng sanh? Do cái gì chúng hiện?
[17]. Quốc Dịch, phẩm 8, quyển 3. Pāli, S. 22. 94 Puppha (bông hoa), hay Vaddha (tăng trưởng).
[18]. Thế gian thế gian pháp 世間世間法. Pāli: loke lokadhamma, pháp thế gian trong thế gian.gian.
[19]. Pāli, S. 22. 94. Puppha (hay Vaddha).
[20]. Kiền-tỳ 揵茨, chủy-chủy-la 匕匕羅, giá-lưu 遮留, tỳ-tất-đa 毘悉多, bà-xà-na 婆闍那, tát-lao 薩牢, không rõ phiên âm từ gì.
[21]. Pāli, S. 22. 54. Bīja.
[22]. Năm loại giống theo Pāli: mūlabīja, từ rễ; khandhabīja, từ thân, aggabīja, từ cành, hay ngọn, phalubīja, từ đốt; bījabīja, từ hạt giống.
[23]. Pāli: avātāpahatāni, không bị làm hư bởi gió, nóng.
[24]. Bản Pāli: pathavī ca nāassa āpo ca jnāssa, không có địa giới, và không có thủy giới.
[25]. Tứ thức trụ 四識住. Pāli: catassa vññāṭṭhitiyo, bốn điểm lập cước, bốn sở y của thức.
[26]. Hỷ tham 喜貪. Pāli: nandirāga.
[27]. Tứ thủ 四取. Pāli; cattāri upādāni: kāmūpādānaṃ, diṭṭhūpādānaṃ, sīlabbatūpādānaṃ,attavādūpadānaṃ, dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ. Xem D. 33. Saīgīti.
[28]. Xem cht. 20 kinh 64.
[29]. Ư sắc phong trệ 於色封滯. Pāli: rūpupayaṃ, tiếp cận sắc, bị lôi kéo vào sắc, bị phong tỏa, vây khổn bởi sắc. Xem thêm cht.39 kinh 40.
[30]. Ý sanh, 意生, xem cht.20 kinh 64.
[31]. Phan duyên đoạn 攀緣斷. Pāli: vocchijjatārammanaṃ, sở duyên bị đoạn trừ.
[32]. Hành giới 行界. Pāli: saṅkhāradhātu.
[33]. Xem cht. 20 kinh 64.
[34]. Tác hành 作行. Pāli: abhisaṅkhāra, hành vi, hành sử, tác động.
[35]. Pāli: viññānaṃ avirūḷhaṃ anabhisaṅkhāraṃ vimuttaṃ, thức không sanh trưởng, không tác hành, được giải phóng.
[36]. Pāli: vimuttattā ṭhitaṃ; ṭhitattā santusitaṃ; santusitattā na paritassati, do giải thoát mà trụ vững, do trụ vững mà thỏa mãn; do thỏa mãn mà không sợ hãi.
[37]. So sánh kinh 64.
[38]. Pāli, S. 22. 53. Upāya.
[39]. Phong trệ 封滯, phong tỏa và trì trệ, bị vây khốn. Pāli. upāyo, và sớ giải:taṇhāmānadiṭṭhivasena pāicakkhandhe upagato, do thế lực của ái, mạn, kiến và bị hãm trong năm uẩn. Xem thêm cht.29 kinh 39.
[40]. Xem kinh 39.
[41]. Pāli, S.22.56. Upādānaṃ parivaṭṭaṃ (Thủ chuyển).
[42]. Năm như thật tri về sắc: sắc 色, sắc tập 色 集, sắc vị 色 味, sắc hoạn 色患, sắc ly 色 離. Pāli: Catuparivaṭṭam, bốn chuyển: rūpaṃ (sắc), rūpasamudāyam (sắc tập), rūpanrodhaṃ (sắc diệt), rūpanirodhayāminiṃ paṭipadam (sắc diệt đạo tích).
[43]. Chánh hướng 正向; Pāli: sammāpaṭipanno, thực hành chân chánh. Bản Pāli: supaṭipanno, thiện hành, thực hành tốt, thiện xảo.
[44]. Pāli: ye supsṭipannā te imasmiṃ dhammavinaye gādhanti, những ai thực hành chân chánh (khéo thú hướng), những người ấy xác lập trong pháp và luật này.
[45]. Thuần nhất 純一. Pāli: kevalin, con người toàn thiện, đấng độc tôn.
[46]. Hán: ly tha tự tại 離他自在.
[47]. Khổ biên 苦邊. Pāli: dukkhānta, biên tế của khổ, sự chấm dứt của khổ.
[48]. Thất xứ thiện 七處善: ngũ uẩn cùng với tập, diệt, đạo, vị, hoạn, ly. Pāli: sattaṭṭhāna-kusala, sự thiện xảo (khéo léo) trong bảy trường hợp.
[49]. Tam quán nghĩa 三觀義: tức ba khoa uẩn, xứ và giới. Pāli: tividhūpaparikkhī, ba phương pháp quán sát. Xem cht.52 dưới.
[50]. Nguyên Hán: tận 盡; có lẽ dịch chữ kevalin: thuần nhất, độc nhất. Xem cht.45.
[51]. Pāli: imasmiṃ dhammavinaye kevalī susitā, ở trong chánh pháp và luật này mà được độc tôn (chỉ A-la-hán), xác lập.
[52]. Pāli: dhātuso, āyatanaso, paṭiccasamuppādaso, giới, xứ, duyên khởi.
[53]. Chánh phương tiện, tức chánh tinh tấn. Pāli: sammāvayāma.
[54]. Pāli, S. 22. 7 Upādāparitassanā.
[55]. Hán: thủ cố sanh trước 取故生著. Xem thêm cht.62 kinh 44. Pāli: upādā paritassanaṃ, chấp thủ và kinh sợ (do chấp nên có sợ hãi).
[56]. Ngã… tương tại; Pāli: rūpaṃ attato samanupassati rūpavantaṃ vā attānaṃ, attāni rūpaṃ rūpasmiṃ vā attānaṃ, nó quán sát, sắc là ngã, ngã có sắc, sắc trong ngã, ngã trong sắc.
[57]. Pāli: rūpavipariṭāmānupavatti viññānaṃ, sắc biến chuyển, thức vận chuyển theo.
[58]. Praitassanā dhammasamuppādā citaaṃ pariyādāya tiṭṭhanti, sự sợ hãi và sự sanh khởi của các pháp chiếm cứ tâm đã bị biến dị theo sắc mà trú. Sớ giải nói: paritassanā dhammasamuppādā ti taṇhāparitassanā ca akusaladhammasamuppādā ca, sự sợ hãi và sự sanh khởi của pháp, đó là sự sợ hãi do khát ái và sự sanh khởi của pháp bất thiện.
[59]. Tâm loạn, có lẽ Pāli: cetaso pariyādāna (vipariyāsa: điên đảo), tâm bị chiếm cứ.
[60]. Tức do thủ và trước, Pāli: upādāya paritassati, do chấp thủ mà nó sợ hãi. Xem cht.55 trên.
[61]. Pāli, S. 22. 8. Upādāparitassanā.
[62]. Hán: sanh tắc hệ trước 生則繫著. Pāli: upādāpritassañ ca, chấp thủ và sợ hãi. Có lẽ trong bản Hán đọc là: uppāda-paritassanā, Xem cht.55 kinh 43.
[63]. Xem cht.58 kinh 43.
[64]. Cố niệm 顧念; kinh 43: tâm loạn (?). Pāli: apekkhavā, hy vọng, hoài vọng.
[65]. Nguyên văn Hán: dĩ sanh hệ trước cố 以生繫著故. xem cht.62.
[66]. Pāli, S. 22. 47. Samanupassanā.
[67]. Sắc tại ngã, ngạ tại sắc 我在色, 色在我, trong các kinh khác, Hán dịch là tương tại. Xem cht.65 kinh 23. Pāli: attāni vā rūpaṃ, rūpasmiṃ vā attānaṃ.
[68]. Xúc nhập xứ 觸入處, hay xúc xứ. Pāli: phassāyatana.
[69]. Vô minh xúc 無明觸, Pāli: aviijasamphassa, bị xúc động bởi vô minh. Bản Pāli nói: avijjasamphassajena vedayitena phuṭṭhassa puthujjanassa, đối với phàm phu bị xúc chạm bởi cảm thọ phát sanh do sự xúc động của vô minh.
[70]. Bị uẩn trong ba đời nhai nuốt. Pāli, S. 22. 79. Sīha.
[71]. Hán: khả ngại khả phân 可閡可分: có thể bị gây trở ngại, có thể bị chia chẻ.
[72]. Định nghĩa về sắc, xem Câu-xá 1: “vì nó biến hoại nên nói là sắc”. Pāli: ruppatī’ti kho bhikkhave tasmā rūpan’ ti vuccati, này các Tỳ-kheo, nó não hoại (tức gây tổn hại), do đó nó được nói là sắc.
[73]. Pāli: kena ruppati? sītenapi ruppati uṇhenapi ruppati… daṃsa-makasa-(….)-samphassena ruppati, nó bị não hoại bởi cái gì? Nó bị não hoại bởi lạnh, bởi nóng,… bởi sự xúc chạm của muỗi mòng…
[74]. Chư giác tướng 諸覺相. Định nghĩa thọ uẩn, xem Câu-xá 1: thọ tức lãnh nạp tùy xúc. Pāli: vedayatī’ti kho bhikkhave tasmā vedanā ti, nó cảm nhận, do đó nó được nói là thọ.
[75]. Định nghĩa về tưởng thủ uẩn, Câu-xá 1: “tưởng thủ tượng vi thể”, tự thể của tưởng là thâu nhận các ấn tượng. Pāli: sañjānātī ‘ti kho bhikkhave tasma saññā ti vuccati, nó tri giác (tri nhận), do đó nó được nói là tưởng.
[76]. Định nghĩa hành uẩn, Pāli: saṅkhataṃ abhisaṅkharontī’ti kho bhikkhavve saṅkhārā’ ti vuccati, chúng tác thành pháp hữu vi, do đó chúng được nói là các hành.
[77]. Định nghĩa thức uẩn, Câu-xá 1: “thức vị các liễu biệt”, thức là sự nhận thức từng đối tượng cá biệt. Pāli: vijānātī’ ti kho bhikkhave viññānan’ ti vuccati, nó liễu biệt, do đó nó được gọi là thức.
[78]. Pāli: ahṃ kho etarahi rūpena khajjami. Ta ở nơi đây bị sắc nhai nuốt.
[79]. Trong bản Hán: diệt hoạn 滅患.
[80]. Diệt nhi bất tăng, thoái nhi bất tiến, diệt nhi bất khởi, xả nhi bất 滅而不增, 退而不進, 滅而不起, 捨而不取. Pāli: apacināti no ācināti, pajahati na upādiyati, visineti na ussineti, vidhūpeti na sandhūpeti, tổn giảm chứ không tích lũy; đoạn trừ chứ không chấp thủ; xa lánh chứ không gần gũi; làm mất mùi chứ không xông ướp mùi.
[81]. Quốc Dịch, phẩm 9, quyển 3. Pāli, S. 22. 147. Kulaputtena-dukkhā, (khổ với thiện gia nam tử).
[82]. Pāli. 22. 147. Kulaputtena-dukkhā.
[83]. Trong bản Hán: đắc ly 得離; trong kinh 93: đắc yểm 得厭.
[84]. Pāli, S. 22. 37-38. Ānanda.
[85]. Pāli, S. 22. 37-38. Ānanda.
[86]. Pāli, S. 22. 32. Pabhaṅgu.
[87]. Hoại bất hoại pháp 壞不壞法. Pāli: pabhaṅguṃ ca apabhaṅ guuj ca.
[88]. Pāli: yo tassa nirodho vūpasamo atthaṅgamo idaṃ appabhaṅgo, sắc ấy diệt, tịch tĩnh, tiêu vong, ấy là pháp bất hoại.
[89]. Thân-thứ lâm 申恕林. Pāli: siṃsapā-vana, rừng cây siṃsapā.
[90]. Câu-tát-la 拘薩羅. Pāli: Kosala.
[91]. Pāli, S. 22, 48. Khandā.
[92]. Thượng phiền não tâm pháp 上煩惱心法; chỉ các tâm sở tùy phiền não.
[93]. Trong bản Hán: phi thọ 非受
[94]. Quốc Dịch, phẩm 10. Pāli, S. 22. 81. Pārileyya.
[95]. Chuyện xảy ra khi Phật trú tại Kiều-thưởng-di. Pāli: kosambiyaṃ viharati ghositārāme.
[96]. Hán: tịch diệt 寂滅; đây chỉ sự tĩnh lặng.
[97]. Bạt-đà-tát-la thị 跋陀薩羅樹. Pāli: bhadhasāla (cây sa-la hiền), một loại cây sa-la.
[98]. Ba-đà tụ lạc 波陀聚落. Pāli: Pārileyyaka, tên một khu rừng được bảo vệ (rakkhitavanasaṇḍo, sớ giải) tại Kosambi.
[99]. Bán-xà quốc 半闍國. Pāli: Pañcala, nhưng bản Pāli không đề cập tên nước này.
[100]. Thị giáo lợi hỷ 示教利喜, thứ tự thuyết pháp của Phật. Pāli: samdassesi samādapesi samuttejasi sampahaṃsesi.
[101]. Pāli: anantarā āsavānaṃ khayo hoti, vô gián lậu tận.
[102]. Hành 行. Pāli: saṅkhāro.
[103]. Nhân, tập, sanh, chuyển 因集生轉, tức bốn hành tướng của Tập đế trong Thánh đế hiện quán (nhân, tập, sanh, duyên) của Hữu bộ, xem Câu-xá 23. Pāli: kiṃnidāno kiṃsamudayo kiṃjātiko kiṃpabhavo.
[104]. Xúc sanh ái 觸生愛. Pāli: avijjasamphassajanea… vedayitena… uppannā taṇhā, khát ái sanh bởi cảm thọ phát sanh từ sự xúc động (chạm) của vô minh.
[105]. Tâm duyên khởi pháp 心綠起法, pháp duyên vào tâm mà khởi. Pāli: aniccaṃ saṅkhataṃ paṭiccasamuppannaṃ, (là pháp) vô thường, hữu vi, duyên khởi.
[106]. Hoại hữu 壞有, tức phi hữu, theo nghĩa hủy diệt, không còn tồn tại. Pāli: vibhava.
[107]. Pàli, tham chiếu các kinh, S. 22. 82. Puṇṇamā; M. 109. Mahapuṇṇama-sutta; 110. Cūḷapuṇṇama-sutta.
[108]. Bản Pāli: tad uposathe pannarase puṇṇāya puṇṇamāya rattiyā, ngày Bố-tát, vào đêm trăng tròn nửa tháng.
[109]. Theo kệ tóm tắt ở cuối phẩm, từ đây xuống, thuộc kinh khác, có tên là “Ấm tức thọ”.
[110]. Thọ 受, tức thủ hay chấp thủ. Pāli: upādāna.
[111]. Pāli: yo tattha chandarāgo taṃ tattha upādānan ti, nơi nào có dục tham, nơi đó có chấp thủ.
[112]. Theo bài kệ tóm tắt cuối phẩm, từ đây trở xuống thuộc kinh khác, gọi là “kinh Hai ấm tương quan”.
[113]. tương quan 相關, có lẽ là tương ngại 相礙: hai ấm trở ngại nhau. Câu hỏi theo Pāli: siyā pana bhante pañcupādānakkhandhesu chandarāgavemattā ti, có sự sai biệt của dục tham trong năm thủ uẩn chăng? Xem thêm cht.116 dưới.
[114]. Xem cht.113.
[115]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống thuộc kinh “Danh tự”.
[116]. Câu hỏi theo Pāli: kittāvatā nu kho khandhanaṃ khandhādhivacanan ti, cho đến mức nào là danh xưng uẩn của các uẩn? Có lẽ câu này trong bản Hán được dịch là “ấm ấm tương quan”?
[117]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống là kinh “Nhân duyên”.
[118]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống là kinh “Hai vị ngọt”.
[119]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống là kinh “Ngã mạn”.
[120]. Ngã mạn 我慢, phúc cảm tác thành tự ngã. Ở đây, Pāli: ahaṃkāra-mamaṃkāra-mānānusaya, ngã, ngã sở và mạn tùy miên.
[121]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống là kinh “Không ngã mạn”.
[122]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống là kinh “Chóng lậu tận”.
[123]. Trong bản Hán: tận đắc 盡得 có lẽ chính xác là tật đắc 疾得