KINH TẠP A-HÀM QUYỂN 20
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
KINH 537. THỦ THÀNH DỤC TRÌ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả A-na-luật ở bên hồ tắm Thủ thành[2], nước Xá-vệ.
Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất[3] đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tôn giả A-na-luật:
“Hy hữu thay, A-na-luật! Có đại oai đức, đại thần lực[4], do công đức gì, tu tập, tu tập nhiều mà được như vậy?”[5]
Tôn giả A-na-luật trả lời Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Đối với pháp bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Bốn Niệm xứ là gì? Niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại thân, nội ngoại thân; thọ trên nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là bốn Niệm xứ được tu tập, tu tập nhiều, sẽ thành tựu oai đức, thần lực lớn này.
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi đối với bốn Niệm xứ khéo tu tập, nên đối với tiểu thiên thế giới chỉ tạo ít phương tiện[6] mà có thể quán sát khắp tất cả. Như người mắt sáng ở trên lầu nhìn xuống, thấy mọi vật trên đất bằng. Cũng như vậy, tôi cũng chỉ tạo ít phương tiện mà có thể quán tiểu thiên thế giới. Như vậy, tôi đối với bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu oai đức thần lực lớn này.”
Hai vị Tôn giả cùng bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
KINH 538. MỤC-LIÊN SỞ VẤN[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ các Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả A-nan, Tôn giả A-na-luật cũng đều ở nước Xá-vệ[8].
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng nhau thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi Tôn giả A-na-luật:
“Nhờ công đức gì, tu tập, tu tập nhiều, mà đạt được oai đức, thần lực lớn như vậy?”
Tôn giả A-na-luật trả lời Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:
“Đối với pháp bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Bốn Niệm xứ là gì? Niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là bốn Niệm xứ được tu tập, tu tập nhiều, sẽ thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Đối với ngàn núi Tu-di, tôi chỉ dùng chút phương tiện mà có thể xem xét tất cả. Như người mắt sáng leo lên đỉnh núi cao, nhìn xuống thấy ngàn rừng cây đa-la. Cũng vậy, đối với bốn Niệm xứ, tôi tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai đức, thần lực lớn này, tôi chỉ dùng chút phương tiện mà thấy được cả ngàn núi Tu-di. Như vậy, thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, đối với bốn Niệm xứ, tôi tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này.”
Hai vị Tôn giả bàn luận xong, mỗi người liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
KINH 539. A-NAN SỞ VẤN[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả A-na-luật ở bên hồ tắm Thủ thành, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả A-na-luật:
“Nhờ công đức gì, tu tập, tu tập nhiều, mà được thành tựu oai đức, oai lực và thần thông lớn như vậy?”
Tôn giả A-na-luật trả lời Tôn giả A-nan:
“Đối với pháp bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Bốn Niệm xứ là gì? Niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Như vậy, Tôn giả A-nan, đối với bốn Niệm xứ này tôi tu tập, tu tập nhiều, nên chỉ cần chút phương tiện, bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt người, xem thấy các chúng sanh lúc sanh, lúc chết, tướng mạo hoặc đẹp hoặc xấu, sắc cao quý, sắc hạ tiện, cõi lành, cõi ác, tùy theo nghiệp mà thọ sanh, tất cả đều thấy như thật. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý đều tạo việc ác, phỉ báng Hiền thánh; do nhân duyên tà kiến hủy báng Hiền thánh, nên khi thân hoại mạng chung, sanh vào trong địa ngục. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm việc lành, không phỉ báng Hiền thánh, thành tựu chánh kiến, do nhân duyên này nên khi chết được sanh lên cõi trời. Thí như người mắt sáng đứng nơi ngã tư đường thấy mọi người qua lại, hoặc nằm ngồi. Tôi cũng vậy, đối với bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai đức, oai lực thần thông lớn này; thấy tất cả chúng sanh lúc sanh, lúc chết, cõi lành, cõi ác. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm ác, phỉ báng Hiền thánh, do nhân duyên tà kiến mà sanh vào địa ngục. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm việc lành, không phỉ báng Hiền thánh, thì vì nhân duyên chánh kiến này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên cõi trời.
“Như vậy, Tôn giả A-nan, đối với bốn Niệm xứ tôi tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai đức, oai lực, thần thông lớn này.”
Hai vị Tôn giả bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
KINH 540. SỞ HOẠN (1)[10]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật đang ở tại tinh xá Tòng lâm[11], nước Xá-vệ, thân bị bệnh khổ.
Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi đứng lui qua một bên, thưa Tôn giả A-na-luật:
“Thưa Tôn giả A-na-luật, bệnh của Tôn giả nặng hay nhẹ, có chịu đựng được không? Bệnh giảm dần dần, không tăng thêm chăng?”
Tôn giả A-na-luật đáp:
“Bệnh tôi không yên, thật là khó chịu đựng, đau đớn toàn thân, càng lúc nặng thêm, không bớt.”
Rồi Tôn giả nói ba thí dụ như kinh Sai-ma[12] ở trên đã nói; rồi tiếp:
“Dù thân tôi bị đau đớn như thế này, nhưng tôi vẫn chịu đựng được, với chánh niệm, chánh tri.”
Các Tỳ-kheo hỏi Tôn giả A-na-luật:
“Tâm an trụ ở chỗ nào mà có thể chịu đựng được cái khổ lớn như vậy với chánh niệm, chánh tri?”
Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo:
“Tâm trụ bốn Niệm xứ nên mỗi khi tôi cử động, thân thể dù có bị đau đớn, cũng có thể chịu đựng được với chánh niệm, chánh tri. Những gì là bốn Niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Đó gọi là trụ bốn Niệm xứ, có thể chịu đựng tất cả mọi đau đớn nơi thân, với chánh niệm, chánh tri.”
Các Tôn giả cùng nhau bàn luận xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
KINH 541. SỞ HOẠN (2)[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật đang ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ, bệnh mới vừa giảm bớt chưa bao lâu.
Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:
“Tôn giả có được an ổn, cảm thấy an lạc[14] không?”
Tôn giả A-na-luật đáp:
“Tôi được an ổn, cảm thấy an lạc. Các thứ đau đớn nơi thân thể đều đã bớt dần.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi Tôn giả A-na-luật:
“Tâm trụ ở chỗ nào mà những đau nhức của thân dần dần được an ổn?”
Tôn giả A-na-luật đáp:
“An trụ bốn Niệm xứ, nên những đau nhức của thân dần dần được an ổn. Những gì là bốn Niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Đó gọi là trụ bốn Niệm xứ. Do an trụ bốn Niệm xứ này nên những đau nhức của thân dần dần được an ổn.”
Các Tôn giả bàn luận xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
KINH 542. HỮU HỌC LẬU TẬN[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm[16], nước Xá-vệ. Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:
“Nếu Tỳ-kheo còn ở địa vị hữu học[17] mà hướng thượng muốn cầu an trụ Niết-bàn an ổn; Thánh đệ tử tu tập, tu tập nhiều như thế nào để ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa?’”
Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo còn ở địa vị hữu học mà hướng thượng muốn cầu an trụ Niết-bàn an ổn; Thánh đệ tử tu tập, tu tập nhiều như thế nào để ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Hãy an trụ nơi bốn Niệm xứ. Những gì là bốn Niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Tu tập bốn Niệm xứ như vậy, tu tập nhiều, ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Các Tỳ-kheo nghe Tôn giả A-na-luật nói xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
KINH 543. A-LA-HÁN TỲ-KHEO[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ.
Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-na-luật cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:
“Nếu Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, việc làm đã xong, đã trút bỏ gánh nặng, lìa các kết sử hữu[19], bằng chánh trí tâm khéo giải thoát, vị ấy cũng tu bốn Niệm xứ chăng?”
Tôn giả A-na-luật trả lời các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào, các lậu đã dứt sạch, việc làm đã xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã lìa các kết sử hữu, bằng chánh trí tâm khéo giải thoát; vị ấy cũng tu bốn Niệm xứ. Vì sao? Vì để đắc những gì chưa đắc, chứng những gì chưa chứng, hiện tại sống an lạc. Tại sao như thế? Vì tôi cũng đã lìa các hữu lậu, đã đắc quả A-la-hán, việc làm đã xong, tâm khéo giải thoát, cũng tu bốn Niệm xứ, để đắc những gì chưa đắc, chứng những gì chưa chứng, đến chỗ chưa đến,… cho đến hiện tại sống an lạc.”
Các Tôn giả bàn luận xong, đều tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy, ra đi.
KINH 544. HÀ CỐ XUẤT GIA[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ.
Lúc ấy, có nhiều chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả A-na-luật cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:
“Thưa Tôn giả, vì cớ gì Tôn giả xuất gia ở trong pháp của Sa-môn Cù-đàm?”
Tôn giả A-na-luật đáp:
“Vì để tu tập.”
Lại hỏi:
“Tu tập những gì?”
Đáp:
“Tu các căn, tu các lực, tu các giác phần, tu các niệm xứ. Các ông muốn nghe tu những gì?”
Lại hỏi:
“Căn, lực, giác phần, những danh tự ấy chúng tôi chưa biết; huống chi là lại hỏi nghĩa. Nhưng chúng tôi muốn nghe niệm xứ.”
Tôn giả A-na-luật bảo:
“Các ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, tôi sẽ vì các ông mà nói. Nếu Tỳ-kheo tu niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán pháp trên pháp.”
Bấy giờ, chúng xuất gia ngoại đạo nghe Tôn giả A-na-luật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 545. HƯỚNG NIẾT-BÀN[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ. Khi ấy Tôn giả A-na-luật nói với các Tỳ-kheo:
“Ví như cây lớn sanh trưởng mà nghiêng xuống dưới, càng nghiêng sâu càng muốn đổ[22]. Nếu chặt rễ nó, cây sẽ phải ngã, thuận theo chiều nghiêng xuống. Cũng vậy, Tỳ-kheo tu bốn Niệm xứ, lâu ngày nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến viễn ly, nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến giải thoát; nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến Niết-bàn[23].”
Tôn giả A-na-luật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đã nói, hoan hỷ phụng hành.
KINH 546. THÁO QUÁN TRƯỢNG[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở bên bờ ao Ô-nê[25], xóm Bạt-lan-na[26]. Lúc ấy có Phạm chí cầm gậy tháo quán[27], đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Do nhân gì, duyên gì, vua tranh giành với vua, các Bà-la-môn, cư sĩ tranh giành với nhau?”
Ma-ha Ca-chiên-diên trả lời Phạm chí:
“Vì do bị trói buộc bởi tham dục[28] nên vua tranh giành với vua; các Bà-la-môn, cư sĩ tranh giành với nhau.”
Phạm chí lại hỏi:
“Do nhân gì, duyên gì, những người xuất gia tranh giành nhau?”
Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:
“Vì do bị trói buộc bởi kiến dục[29] nên người xuất gia tranh giành với người xuất gia.”
Phạm chí lại hỏi:
“Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, có người nào lìa được sự ràng buộc của tham dục và lìa được sự ràng buộc của những kiến dục này không?”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:
“Có, này Phạm chí, Đại Sư của tôi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, có thể lìa được sự ràng buộc của tham dục và lìa được sự ràng buộc của những kiến dục này.”
Phạm chí lại hỏi:
“Phật Thế Tôn hiện nay đang ở chỗ nào?”
Đáp:
“Đức Thế Tôn hiện tại đang ở giữa những người Ba-la-kỳ, nơi rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc, thành Xá vệ, nước Câu-tát-la.”
Bấy giờ, Phạm chí từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai áo bên hữu, gối phải quỳ sát đất, hướng về nơi ở của Phật chắp tay tán thán: ‘Nam-mô Phật! Nam-mô Phật Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác có thể lìa mọi sự ràng buộc của tham dục, hoàn toàn xa lìa mọi sự trói buộc của tham dục và các kiến dục, sạch hết cội gốc.’
Bấy giờ, Phạm chí cầm gậy tháo quán nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 547. TÚC SĨ[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ca-chiên-diên đang ở bên bờ ao Ô-nê thôn Bà-la-na[31]. Bấy giờ, cùng với số đông Tỳ-kheo tụ tập ở nhà ăn, vì việc thọ trì y. Lúc ấy, có Phạm chí chống gậy[32] tuổi già, các căn suy yếu, đến chỗ nhà ăn, chống gậy đứng một bên. Sau một hồi im lặng, ông mới nói với các Tỳ-kheo:
“Này các Trưởng lão, tại sao các ông thấy người lớn tuổi, mà không chào hỏi, cung kính mời ngồi?”
Lúc đó, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên cũng ngồi trong chúng. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo Phạm chí:
“Theo pháp của chúng tôi, khi có người già cả đến, đều chào hỏi cung kính, lễ bái, mời ngồi.”
Phạm chí nói:
“Tôi thấy trong chúng này, không có ai già cả hơn tôi, mà chẳng có ai cung kính chào hỏi mời ngồi. Thế sao ông nói rằng theo pháp của ông, nếu thấy có người lớn tuổi thì đều cung kính lễ bái mời ngồi?”
Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:
“Này Phạm chí, nếu có người nào già cả đến tám mươi, chín mươi tuổi, tóc bạc, răng rụng, mà chỉ thành tựu được pháp thiếu niên, thì người này chẳng phải là bậc tôn túc[33]. Ngược lại, tuy là người tuổi trẻ khoảng hai mươi lăm, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, hoàn toàn đẹp đẽ, mà thành tựu được pháp của bậc cao niên, thì được kể vào hàng tôn túc.”
Phạm chí hỏi:
“Tại sao gọi là người tám mươi, chín mươi tuổi, tóc bạc răng rụng, lại thành tựu pháp thiếu niên, còn người trẻ tuổi khoảng hai mươi lăm, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ, lại được kể vào hàng tôn túc?”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo Phạm chí:
“Có năm phẩm chất của dục, đó là sắc được nhận thức bởi mắt, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ; tiếng được nhận thức bởi tai; hương được nhận thức bởi mũi; vị được nhận thức bởi lưỡi; xúc được nhận thức bởi thân, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ. Đối với năm phẩm chất của dục này, mà không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa niệm tưởng, không lìa khát vọng, thì này Phạm chí, nếu người nào như vậy, thì dù tám mươi, chín mươi tuổi, tóc bạc, răng rụng, cũng gọi đó là thành tựu được pháp thiếu niên. Còn người tuy tuổi mới hai mươi lăm, da trắng, tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ nhưng đối với năm phẩm chất của dục này, mà lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa niệm tưởng, lìa khát vọng. Người như vậy, tuy tuổi mới hai mươi lăm, da tắng, tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ nhưng thành tựu được pháp của bậc lão nhân thì được kể vào hàng tôn túc.”
Bấy giờ, Phạm chí mới nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Như ý nghĩa Tôn giả đã nói, nếu tự xét lại mình thì tuy tôi đã già mà lại nhỏ, còn các vị tuy trẻ tuổi mà đã thành tựu được pháp của bậc cao niên.
“Thưa Tôn giả, thế gian bận nhiều việc, tôi xin cáo từ.”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:
“Này Phạm chí, ông tự biết đúng thời.”
Phạm chí nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ, vui mừng rồi trở về nhà mình.
KINH 548. MA-THÂU-LA[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong rừng rậm[35]. Lúc ấy, quốc vương nước Ma-thâu-la là Tây Phương vương tử[36] đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Người Bà-la-môn tự nói, ta là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Ta là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính con Phạm thiên[37] từ miệng sanh ra, được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên[38], nên chúng là sở hữu của Phạm thiên. Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nghĩa này thế nào?”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói với vua Ma-thâu-la:
“Đại vương, đây chỉ là ngôn thuyết của thế gian[39]. Người thế gian cho rằng Bà-la-môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà-la-môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính Bà-la-môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra, được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Đại vương nên biết, nghiệp là chân thật; điều đó căn cứ vào nghiệp.
Vua nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Đó là những lời nói sơ lược, tôi không hiểu rõ. Xin giải thích phân biệt lại cho.”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:
“Bây giờ, tôi sẽ hỏi Đại vương, tùy theo câu hỏi mà Đại vương trả lời.”
Tôn giả liền hỏi:
“Thưa Đại vương, ngài là vua Bà-la-môn[40], nơi đất nước của mình có bốn hạng người này là Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, cư sĩ, gia chủ, đều được gọi đến. Ngài dùng tiền của, thế lực khiến họ hầu cận phòng vệ, họ dậy trước ngủ sau và các mệnh lệnh được chấp hành, tất cả đều được như ý mình không?”
Vua đáp:
“Như ý.”
Tôn giả lại hỏi:
“Tâu Đại vương, Sát-đế-lợi là vua, cư sĩ là vua, gia chủ là vua[41]. Nếu tại đất nước của mình có bốn chủng tánh, đều được gọi đến. Nhà vua dùng của cải, thế lực, khiến họ hầu cận phòng vệ, họ dậy trước ngủ sau và vua ra lệnh làm các việc, thì có được như ý vua không?”
Vua đáp:
“Như ý.”
“Thưa Đại vương, như vậy bốn chủng tánh này, tất cả đều bình đẳng có sai biệt nào. Đại vương nên biết, bốn chủng tánh này tất cả đều bình đẳng, không có sự sai biệt nào hoặc hơn hay bằng.”
Vua Ma-thâu-la bạch Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Thưa Tôn giả đúng như vậy, bốn chủng tánh này đều bình đẳng, không có gì sai biệt dù là hơn hay là bằng.”
“Cho nên, Đại vương nên biết, bốn chủng tánh này theo ngôn thuyết của thế gian là có sai khác, cho đến, căn cứ vào nghiệp, chân thật chứ không sai khác.”
“Lại nữa, Đại vương trong đất nước này, nếu dòng Bà-la-môn có người trộm cắp thì nên hành xử như thế nào?”
Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Trong dòng Bà-la-môn nếu có người nào trộm cắp thì sẽ bị đánh bằng roi, bị trói, hoặc bị đuổi ra khỏi nước, hoặc phạt tiền của, hoặc bị chặt tay chân, xẻo tai mũi; nếu là tội nặng thì sẽ bị giết chết. Kẻ trộm đó dù là dòng Bà-la-môn cũng gọi là giặc.”
Lại hỏi:
“Thưa Đại vương, nếu trong dòng Sát-đế-lợi, cư sĩ, gia chủ có kẻ trộm cắp, thì phải làm thế nào?”
Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Cũng bị phạt đánh roi, bị trói, bị đuổi ra khỏi nước, cũng phạt tiền của, bị chặt tay, chân, xẻo tai, mũi; nếu tội nặng thì bị giết chết.”
“Như vậy, thưa Đại vương, há không phải bốn chủng tánh đều bình đẳng sao? Hay có sự sai khác nào chăng?”
Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Ý nghĩa của chúng là như vậy. Thật ra không có bất cứ một sai biệt nào dù là hơn hay là bằng.”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên lại nói với vua:
“Đại vương nên biết, về bốn chủng tánh này, ngôn thuyết của thế gian nói, Bà-la-môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà-la-môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính Bà-la-môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra; được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Há không phải là y cứ vào nghiệp, chân thật y cứ vào nghiệp chăng?”
Lại hỏi:
“Đại vương, nếu người Bà-la-môn sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời ác, hai lưỡi, nói thêu dệt, tham, nhuế, tà kiến, tạo mười nghiệp đạo bất thiện thì sẽ sanh vào cõi ác hay cõi lành? Từ nơi vị A-la-hán[42] vua đã nghe được những gì?”
Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Bà-la-môn tạo mười nghiệp đạo bất thiện sẽ đọa vào đường ác. Từ nơi A-la-hán tôi nghe như vậy. Sát-đế-lợi, cư sĩ, gia chủ cũng nói như vậy.
Lại hỏi:
“Thưa Đại vương, nếu Bà-la-môn nào làm mười nghiệp đạo lành, xa lìa sát sanh cho đến chánh kiến thì sẽ sanh vào nơi nào? Cõi lành hay cõi ác? Từ nơi vị A-la-hán vua đã nghe được những gì?”
Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Nếu Bà-la-môn làm mười nghiệp đạo lành thì sẽ sanh vào cõi lành. Từ nơi A-la-hán tôi nghe như vậy. Sát-đế-lợi, cư sĩ, gia chủ cũng nói như vậy.”
Lại hỏi:
“Thế nào Đại vương, bốn chủng tánh như vậy, là có bình đẳng không, hay có gì sai biệt dù là hơn hoặc là bằng?”
Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Theo nghĩa như vậy thì là bình đẳng, không có gì sai biệt dù là hơn hay là bằng.”
“Cho nên Đại vương nên biết, bốn chủng tánh này đều bình đẳng không có gì sai biệt dù là hơn hay là bằng. Theo ngôn thuyết thế gian mà nói, Bà-la-môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà-la-môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính Bà-la-môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra; được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Nên biết là do nghiệp là chân thật, là y cứ vào nghiệp.
Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Thật đúng như những gì đã nói đó, tất cả đều ngôn thuyết của thế gian nên nói Bà-la-môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà-la-môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính Bà-la-môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra, được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Nhưng đều do nghiệp là chân thật, là y cứ vào nghiệp.”
Vua Ma-thâu-la nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ vui mừng làm lễ rồi đi.
KINH 549. CA-LÊ[43]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong tinh xá Câu-la-la-tra, nước A-bàn-đề[44].
Sáng sớm, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đắp y, mang bát, vào[45] Câu-la-la-tra, tuần tự đi khất thực, đến nhà Ưu-bà-di Ca-lê-ca[46].
Khi ấy, Ưu-bà-di trông thấy Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, liền sửa soạn chỗ ngồi, rồi mời ngồi, đảnh lễ dưới chân Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên xong, đứng lui qua một bên, thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Như những gì Đức Thế Tôn đã dạy, trả lời câu hỏi của đồng nữ Tăng-kỳ-đa[47]. Thế Tôn đã nói trong bài kệ những câu hỏi của đồng nữ Tăng-kỳ-đa:
Thật nghĩa ở tại tâm,
Tịch diệt mà không loạn[48].
Hàng phục quân dũng mãnh,
Sắc đẹp đẽ đáng yêu[49].
Một mình, chuyên thiền tứ,
Nếm Thiền lạc vi diệu,
Đó gọi là xa lìa,
Các bạn bè thế gian.
Các bạn bè thế gian,
Không gần gũi ta được.
“Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, bài kệ này của Thế Tôn, ý nghĩa như thế nào?
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên trả lời Ưu-bà-di:
“Này chị, có một Sa-môn Bà-la-môn nói: Biến xứ định về đất[50]; không còn gì hơn đây để cầu mong quả này[51]. Này chị, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với biến xứ định về đất, mà được thanh tịnh trong sáng, thì sẽ thấy được căn bản của nó[52], thấy được sự tai hại, thấy được sự diệt tận, thấy được con đường đưa đến sự diệt tận. Vì thấy được cội gốc, thấy được sự tai hại, thấy được sự diệt tận, thấy được con đường đưa đến sự diệt tận, nên đạt được nghĩa chân thật tại tâm, tuy tịch diệt nhưng không loạn.
Này chị, cũng vậy biến xứ định về nước, biến xứ định về lửa, biến xứ định về gió, biến xứ định về màu xanh, biến xứ định về màu vàng, biến xứ định về màu đỏ, biến xứ định về màu trắng; biến xứ định về hư không, biến xứ định về thức là tối thượng để cầu mong quả này.
Này chị, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào cho đến, biến xứ định về thức, mà được thanh tịnh trong sáng, thì sẽ thấy căn bản, thấy được sự tai hại, thấy được sự diệt tận, thấy được con đường đưa đến sự diệt tận. Vì thấy được căn bản, thấy được sự tai hại, thấy được sự diệt tận, thấy con đường đưa đến sự diệt tận, nên đạt được nghĩa chân tại tâm, tịch diệt mà không loạn, khéo thấy, khéo nhập. Cho nên, Thế Tôn trả lời bài kệ những câu hỏi của đồng nữ Tăng-kỳ-đa:
Thật nghĩa ở tại tâm,
Tịch diệt mà không loạn.
Hàng phục quân dũng mãnh,
Sắc đẹp đẽ đáng yêu.
Một mình, chuyên thiền tứ,
Nếm Thiền lạc vi diệu,
Đó gọi là xa lìa,
Bạn bè của thế gian.
Các bạn bè thế gian,
Không gần gũi ta được.
“Này chị, vì tôi hiểu Thế Tôn bằng ý nghĩa như vậy mà nói kệ như vậy.”
Ưu-bà-di thưa:
“Lành thay Tôn giả! Tôn giả đã nói nghĩa chân thật. Xin Tôn giả nhận lời mời thọ trai của con.”
Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên im lặng nhận lời.
Ưu-bà-di Ca-lê-ca biết Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đã nhận lời mời rồi, liền sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon lành, cung kính tôn trọng, tự tay dâng thức ăn. Khi Ca-lê-ca biết Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đã thọ thực, rửa bát, súc miệng xong, liền sửa soạn một chỗ ngồi thấp trước Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, cung kính nghe pháp. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên vì nữ cư sĩ mà nói các pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, khiến cho hoan hỷ, sau đó Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 550. LY[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên cũng ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo các Tỳ-kheo:
“Phật Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, là bậc Kiến giả[54], nói sáu pháp ra khỏi chỗ khổ, đạt đến chỗ thù thắng, nói nhất thừa đạo khiến cho chúng sanh được thanh tịnh, lìa mọi sự khổ não, dứt hết lo buồn, được pháp chân như[55]. Sáu pháp ấy là gì? Đó là, Thánh đệ tử niệm tưởng pháp sở hành của Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là pháp sở hành thanh niệm[56]: Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Thánh đệ tử do niệm pháp sở hành của Như Lai, nên lìa giác tưởng tham dục, lìa giác tưởng sân nhuế, lìa giác tưởng não hại[57]. Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ nhất ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.
“Lại nữa, Thánh đệ tử luôn niệm tưởng Chánh pháp, niệm: Pháp luật hiện tại của Thế Tôn[58], lìa mọi nhiệt não, phi thời gian, thông suốt, thấy ngay trong hiện tại, duyên tự mình mà giác ngộ[59]. Lúc Thánh đệ tử niệm Chánh pháp, không khởi giác tưởng tham dục, giác tưởng sân nhuế, não hại. Như vậy, Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ hai ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.
“Lại nữa, Thánh đệ tử luôn niệm Tăng pháp là bậc thiện xảo thú hướng, chân chánh thú hướng, trực chỉ thú hướng, bình đẳng thú hướng, tu hạnh tùy thuận, Đó là hướng Tu-đà-hoàn, đắc quả Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc quả Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc quả A-na-hàm; hướng A-la-hán, đắc quả A-la-hán. Như vậy, bốn đôi, tám bậc, đó gọi là Tăng đệ tử của Thế Tôn, đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, là phước điền Vô thượng của thế gian, là nơi xứng đáng cúng dường, cung kính, lễ bái[60]. Khi Thánh đệ tử niệm Tăng, không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, như vậy, Thánh đệ tử thoát khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ ba ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.
“Lại nữa, Thánh đệ tử niệm Giới đức, niệm: Giới không khuyết, giới không vỡ, giới thuần hậu, giới không lìa, giới không trộm lấy[61], giới khéo rốt ráo, giới đáng khen ngợi, giới mà bậc phạm hạnh không ghét bỏ. Nếu Thánh đệ tử khi niệm giới, tự nhớ nghĩ những giới đã được thành tựu trong thân, ngay lúc ấy không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, thì như vậy là Thánh đệ tử đã ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ tư ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.
“Lại nữa, Thánh đệ tử niệm Thí pháp[62], tâm tự vui mừng: Nay ta đã lìa cấu uế xan tham; dù là tại gia mà tâm bố thí với sự giải thoát, thường thí, xả thí, vui thí, thành tựu sự bố thí, bố thí bình đẳng. Nếu Thánh đệ tử khi niệm thí pháp mà tự mình bố thí, không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, thì như vậy, Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si và an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ năm ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.
“Lại nữa, Thánh đệ tử luôn niệm Thiên đức[63], niệm: Tứ vương thiên, Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên, với tín tâm thanh tịnh, khi mạng chung ở nơi nay sẽ sanh lên các cõi trời. Ta cũng như vậy, với tín, giới, thí, văn, tuệ, mạng chung ở nơi này sẽ được sanh lên các cõi trời. Như vậy, khi Thánh đệ tử niệm công đức chư Thiên, không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, thì như vậy, Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si và an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ năm ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
KINH 551. HA-LÊ (1)[64]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên ở tại tinh xá họ Thích trong thôn Ha-lê.
Bấy giờ trưởng giả Ha-lê Tụ lạc[65] đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Như bài kệ Thế Tôn trả lời những câu hỏi của Ma-kiền-đề trong kinh Nghĩa phẩm[66]:
Đoạn tất cả các dòng,
Lấp kín nguồn nước chảy;
Sống thân cận làng xóm,
Mâu ni không khen ngợi.
Năm dục đã trống rỗng.
Quyết không đầy trở lại;
Lời tranh tụng thế gian,
Chung cuộc không xảy nữa.
Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, kệ này có ý nghĩa gì?”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên trả lời gia chủ:
“Con mắt là dòng chảy. Tham phát khởi bởi thức con mắt. Nương vào giới con mắt mà tham dục chảy trào ra, nên gọi là dòng chảy[67]. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là dòng chảy tham phát khởi bởi ý thức. Nương vào ý giới mà tham dục chảy trào ra, nên gọi là dòng chảy.”
Gia chủ lại hỏi Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Thế nào gọi là không chảy trào ra[68]?”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:
“Thức của con mắt; ái và hỷ y trên sắc được nhận thức bởi mắt mà phát sanh, nếu chúng dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch tĩnh, tịch diêt, thì đó gọi là không chảy trào ra. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý; là ý thức; tham dục y trên pháp được nhận thức bởi ý mà phát sanh, nếu chúng dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch tĩnh, tịch diẹât, thì đó gọi là không chảy trào ra.”
Lại hỏi:
“Thế nào là nguồn[69]?”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:
“Duyên con mắt và sắc sanh ra thức con mắt. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc. Duyên xúc sanh cảm thọ, hoặc thọ lạc, thọ khổ, thọ không khổ không lạc. Từ đó phát xuất dòng nhiễm trước. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý thức, ý thức pháp, cả ba hòa hợp sanh ra xúc. Duyên xúc sanh cảm thọ, hoặc thọ lạc, thọ khổ, thọ không khổ không lạc. Dòng ái hỷ y nơi thọ này phát xuất, đó gọi là nguồn của dòng.”
“Thế nào là lấp nguồn của dòng này?”
“Sự hệ lụy do giới con mắt tiếp nhận cảnh giới tâm pháp; nếu sự hệ lụy này dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch tĩnh, tịch diệt, đó gọi là lấp nguồn của dòng. Sự hệ lụy do tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp nhận cảnh giới tâm pháp; nếu sự hệ lụy này dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch tĩnh, tịch diệt, đó gọi là lấp nguồn của dòng.”
Lại hỏi:
“Thế nào là thân cận, tán thán nhau?”[70]
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:
“Tại gia, xuất gia thân cận nhau, cùng mừng, cùng lo, cùng vui, cùng khổ, việc gì cũng đều làm chung; đó gọi là thân cận, tán thán nhau.”
Lại hỏi:
“Thế nào là không khen ngợi?”[71]
“Là tại gia, xuất gia không cùng thân cận, không cùng mừng, không cùng lo, không cùng khổ, không cùng vui; phàm làm việc gì cũng đều không cùng nhau vui vẻ tán thành; đó gọi là không khen ngợi.”
“Thế nào dục không trống không[72]?”
“Có năm phẩm chất của dục; sắc được nhận thức bởi mắt, đáng ưa, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, đắm trước sâu, nuôi lớn dục. Tiếng bởi tai, hương bởi mũi đối với hương, vị bởi lưỡi đối với vị, xúc bởi thân đối với xúc, đáng ưa, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, đắm trước sâu, nuôi lớn dục. Đối với năm dục này mà không lìa tham, không lìa ái, không lìa nhớ nghĩ, không lìa khao khát, thì đó gọi là dục không trống không.”
“Thế nào gọi là dục trống không?”
“Là đối với năm dục này mà lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa nhớ nghĩ, lìa khát khao, thì đó gọi là dục trống không.”
“Nói bị hệ lụy trói buộc bởi ngã, đó là khi tâm pháp trở lại đầy[73].
“Vị Tỳ-kheo A-la-hán kia, đã đoạn tận các lậu, cắt đứt gốc rễ của chúng, như chặt đứt ngọn cây đa-la, đời vị lai sẽ không sanh trở lại nữa, thì làm sao lại cùng với kẻ khác tranh tụng.
“Cho nên, Thế Tôn trả lời câu hỏi của Ma-kiền-đề trong kinh Nghĩa phẩm bằng bài kệ:
Đoạn tất cả các dòng,
Lấp kín nguồn nước chảy;
Sống thân cận làng xóm,
Mâu-ni không khen ngợi.
Năm dục đã trống rỗng,
Quyết không đầy trở lại;
Lời tranh tụng thế gian,
Chung cuộc không xảy nữa.
Đó gọi là sự phân biệt nghĩa lý bài kệ mà Như Lai đã nói.”
Bấy giờ, gia chủ Ha-lê Tụ lạc khi nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ rồi ra về.
KINH 552. HA-LÊ (2)[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở tại tinh xá của họ Thích trong thôn Ha-lê. Vị gia chủ thôn chủ Ha-lê[75]đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Như lúc Đức Thế Tôn ở trong hang đá núi Giới cách đã nói với Thiên đế Thích[76] rằng: ‘Này Kiều-thi-ca, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà giải thoát vô thượng với sự diệt tận ái[77], tâm khéo chân chánh giải thoát, rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyệt đối thanh tịnh’. Làm thế nào mà ở trong pháp luật này đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh?”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:
“Con mắt, thức con mắt, sắc được nhận thức bởi con mắt, nương nhau sanh hỷ. Nếu hỷ này đoạn tận, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì ngay trong Pháp luật này sẽ đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh. Tai, mắt, lưỡi, thân, ý, ý thức; pháp được nhận thức bởi ý nhau sanh ra hỷ. Nếu hỷ này đoạn tận, vô dục, diệt tận, tịch diẹât, tĩnh chỉ, thì ngay trong Pháp luật này sẽ đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh.”
Gia chủ thôn chủ Ha-lê, sau khi nghe lời chỉ dạy của Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ ra về.
KINH 553. HA-LÊ (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở tại tinh xá của họ Thích trong thôn Ha-lê. Vị gia chủ thôn chủ Ha-lê đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Như khi Thế Tôn ở trong hang đá núi Giới cách đã nói với Đế Thích rằng: Này Kiều-thi-ca, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà giải thoát vô thượng với sự dứt sạch ái, tâm khéo chân chánh giải thoát, đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyệt đối thanh tịnh. Làm thế nào mà ở trong Pháp luật này đạt đến rốt ráo biên tế, tốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh?”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:
“Nếu Tỳ-kheo nào, đối với sự hệ lụy đắm trước nơi cảnh giới của tâm pháp được tiếp nhận bởi giới con mắt; sự hệ lụy ấy nếu đã dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì ở trong Pháp luật này mà đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh. Đối với sự hệ lụy đắm trước nơi cảnh giới của tâm pháp được tiếp nhận bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý giới; sự hệ lụy ấy nếu đã dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì ở trong Pháp luật này mà đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyệt đối thanh tịnh.”
Gia chủ thôn Ha-lê, nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ ra về.
KINH 554. HA-LÊ (4)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong thôn Ha-lê của họ Thích. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nghe gia chủ chủ thôn Ha-lê mắc bệnh khổ. Sau khi nghe, vào buổi sáng sớm, đắp y mang bát vào thôn Ha-lê khất thực, lần lượt đến nhà gia chủ thôn chủ Ha-lê. Gia chủ thôn chủ Ha-lê từ xa trông thấy Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, ông muốn rời chỗ nằm đứng dậy. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên thấy gia chủ muốn đứng dậy, liền bảo gia chủ:
“Gia chủ chớ đứng dậy! May còn có chỗ ngồi, tôi có thể tự ngồi nơi đó.”
Tôn giả lại nói với gia chủ:
“Thế nào gia chủ, tật bệnh có chịu đựng được không? Mọi thứ đau đớn của thân thể có thuyên giảm không? Không tăng thêm chăng?”
Gia chủ đáp:
“Thưa Tôn giả, bệnh con rất khó nhẫn chịu. Những sự đau đớn của thân thể càng tăng thêm, không bớt chút nào!”
Gia chủ liền nói ba thí dụ như kinh Xoa-ma Tỳ-kheo đã nói trước.
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:
“Cho nên ông nên tu tập bất hoại tịnh đối với Phật, tu tập bất hoại tịnh đối với Pháp, tu tập bất hoại tịnh đối với Tăng, tu tập và thành tựu Thánh giới. Nên học như vậy.”
Gia chủ đáp:
“Bốn Bất hoại tịnh như Đức Phật dạy con đã thành tựu được tất cả. Hiện tại con đã thành tựu Phật bất hoại tịnh, Pháp bất hoại tịnh, Tăng bất hoại tịnh và đã thành tựu Thánh giới.”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:
“Ông nên nương vào bốn pháp bất hoại tịnh này mà tu tập sáu pháp niệm. Nên niẹâm công đức Phật: Ngài là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nên niệm công đức Pháp: Đối với Chánh pháp luật của Thế Tôn, ngay trong đời này, xa lìa các phiền não bức rức, pháp được thông đạt, phi thời gian, duyên tự mình mà giác ngộ. Nên niệm công đức Tăng: Bậc thiện xảo thú hướng, chân chánh thú hướng, trực chỉ thú hướng, bình đẳng thú hướng, tu hạnh tùy thuận, Đó là hướng Tu-đà-hoàn, đắc quả Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc quả Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc quả A-na-hàm; hướng A-la-hán, đắc quả A-la-hán. Như vậy, bốn đôi, tám bậc, đó gọi là Tăng đệ tử của Thế Tôn, đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, là phước điền Vô thượng của thế gian, là nơi cúng dường, cung kính, lễ bái. Nên niệm công đức Giới: Tự giữ gìn chánh giới, không hủy, không khuyết, không vỡ, không nát, là giới chẳng trộm lấy[78], giới cứu cánh, giới đáng khen ngợi, giới phạm hạnh, giới không bị ghét bỏ. Nên niệm công đức Bố thí: Tự mình nghĩ đến bố thí, tự tâm cảm thấy hân hoan, xả bỏ keo kiệt, tham lam; tuy ở tại gia nhưng tâm bố thí giải thoát, thường bố thí, vui vẻ bố thí, bố thí đầy đủ, bố thí bình đẳng. Nên niệm công đức chư Thiên: Niệm trời Tứ vương, trời Tam thập tam, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại. Chư Thiên này với tín và giới thanh tịnh, khi chết ở cõi này được sanh về trong các cõi kia. Ta cũng như vậy, nhờ tín, giới, trí, văn, tuệ thanh tịnh, nên được sanh về trong các cõi trời kia.
“Này gia chủ, như vậy nên biết nương vào bốn pháp Bất hoại tịnh và thêm sáu Niệm xứ nữa.”
Gia chủ thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
“Bốn pháp Bất hoại tịnh và sáu Niệm xứ mà Đức Thế Tôn đã nói, ở đây, tất cả con đều thành tựu. Con đang tu tập niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên.
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:
“Lành thay! Gia chủ có thể tự xác nhận là đắc quả A-na-hàm.”
Bấy giờ, gia chủ thưa:
“Mời Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên ở lại đây thọ trai.”
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nhận lời mời. Gia chủ thôn chủ Ha-lê, biết Tôn giả đã nhận lời, liền sửa soạn đầy đủ đồ ăn thức uống ngon, tự tay cúng dường. Thọ trai xong, sau khi rửa bát, súc miệng, Tôn giả vì gia chủ nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, xong Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 555. HA-LÊ (5)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong thôn Ha-lê của họ Thích. Lúc đó có gia chủ ở Bát thành[79] tên là Đà-thí[80] thân bị bệnh khổ. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nghe gia chủ Đà-thí mắc bệnh, sáng sớm đắp y mang bát vào Bát thành khất thực, lần lượt đến nhà gia chủ Đà-thí. Như kinh gia chủ Ha-lê đã nói như vậy.
KINH 556. VÔ TƯỚNG TÂM TAM-MUỘI[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng An-thiền[82] tại thành Sa-kỳ[83].
Bấy giờ số đông Tỳ-kheo-ni đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên. Đức Thế Tôn liền vì các Tỳ-kheo-ni nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ xong, Phật ngồi im lặng.
Các Tỳ-kheo-ni bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu vô tướng tâm tam-muội[84], không vọt lên, không chìm xuống[85], sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thì vô tướng tâm tam-muội này, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”
Phật bảo các Tỳ-kheo-ni:
“Nếu vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì vô tướng tâm tam-muội này là trí quả, là trí công đức.”
Khi các Tỳ-kheo-ni nghe Phật dạy xong, đều tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
Sau đó các Tỳ-kheo-ni đi đến Tôn giả A-nan, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả A-nan:
“Nếu vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì vô tướng tâm tam-muội này là quả gì, công đức gì?”
Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo-ni:
“Này các tỷ muội, nếu vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát. Thế Tôn nói là trí quả, là trí công đức.”
Các Tỳ-kheo-ni đều nói:
“Lạ thay, Tôn giả A-nan! Đại Sư và đệ tử có cùng một câu nói, cùng một vị, cùng một nghĩa, tức là Đệ nhất cú nghĩa. Hôm nay các Tỳ-kheo-ni có đến chỗ Thế Tôn, đem câu nói như vậy, vị như vậy, nghĩa như vậy hỏi Thế Tôn. Thế Tôn cũng đã vì chúng con nói câu như vậy, vị như vậy và nghĩa như vậy, giống như những gì Tôn giả A-nan nói không khác. Cho nên thật là kỳ đặc, Đại Sư và đệ tử cùng nói một câu, cùng vị và cùng nghĩa.”
Các Tỳ-kheo-ni sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan nói, tất cả đều tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
KINH 557. XÀ-TRI-LA[86]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cù-sư-la[87], thuộc nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở tại đó.
Khi ấy Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la[88] đến chỗ Tôn giả A-nan đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-nan:
“Nếu vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống[89], sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”
Tôn giả A-nan bảo Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la:
“Nếu vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn dạy nó là trí quả, trí công đức.”
Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la khen ngợi:
“Lạ thay! Thưa Tôn giả A-nan, Đại Sư và đệ tử nói giống nhau cùng một câu, cùng một ý vị, cùng một nghĩa. Thưa Tôn giả A-nan, ngày trước, lúc Phật ở thành Sa-kỳ, trong rừng An-thiền, lúc đó, có nhiều Tỳ-kheo-ni đi đến chỗ Phật hỏi nghĩa này, Thế Tôn đã nói cho các Tỳ-kheo-ni nghe nói câu như vậy, ý vị như vậy, nghĩa cũng như vậy. Cho nên biết là kỳ đặc: Đại Sư và đệ tử cùng nói một câu, cùng một vị và cùng một nghĩa. Đó gọi là Đệ nhất cú nghĩa.”
Sau khi Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la nghe những gì Tôn giả A-nan nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
Như Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la đã hỏi, Tỳ-kheo-ni Ca-la-bạt cũng hỏi như vậy.
KINH 558. A-NAN[90]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó.
Lúc bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia đạt được vô tướng tâm tam-muội, nghĩ rằng: “Ta hãy đến chỗ Tôn giả A-nan, hỏi Tôn giả, nếu Tỳ-kheo đạt được vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì? Nếu Tôn giả A-nan hỏi ta: ‘Tỳ-kheo, ông đã đạt vô tướng tâm tam-muội này phải không? Đáp, tôi chưa từng có’. Hỏi thật mà đáp khác đi. Ta sẽ theo sát Tôn giả A-nan, hoặc giả có người khác hỏi nghĩa này, nhờ đó mà ta được nghe.”
Tỳ-kheo này đi theo Tôn giả A-nan suốt sáu năm, mà không có ai hỏi đến nghĩa này, nên mới tự hỏi Tôn giả A-nan:
“Nếu Tỳ-kheo hỏi vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”
Tôn giả A-nan hỏi Tỳ-kheo này:
“Tỳ-kheo, ông đã đạt tam-muội này chưa?”
Tỳ-kheo này im lặng. Tôn giả A-nan nói với Tỳ-kheo này rằng:
“Nếu Tỳ-kheo đã đạt tâm vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn nói đó là trí quả, trí công đức.”
Sau khi nghe Tôn giả A-nan nói pháp này xong, Tỳ-kheo tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
Chú thích:
[1]. Đại Chánh quyển 20. Kinh 537. Pāli, S.52.3 Sutanu.
[2]. Thủ thành dục trì 手成浴池, tên một con sông chảy qua Xá-vệ. Pāli: Sutanu.
[3]. Bản Pāli: sambahulā bhikkhū, số đông Tỳ-kheo.
[4]. Hán: đại đức đại lực 大德神力. Pāli: mahābhiññāta, đại thần thông.
[5]. Pāli: katamesaṃ dhammānaṃ bhāvitattā bahalikatattā mahābhiññataṃ patto ti, do tu tập những pháp gì, tu tập nhiều, mà chứng đắc đại thắng trí (thần thông) này?
[6]. Chỉ cần chút cố gắng.
[7]. Pāli, S.52.6 Kaṇṭakī.
[8]. Bản Pāli: ở tại Sākete Kaṇṭakivane (khu rừng gai tại Sāketa).
[9]. Pāli, S.52.23. Dibbacakkhu.
[10]. S.52.10 Bāḷagilāna (bệnh nặng).
[11]. Bản Pāli: Andhavana (Ảm lâm, khu rừng tối).
[12]. Kinh số 103 quyển 5.
[13]. Như kinh trên.
[14]. Hán: lạc trú 樂住. Pāli: sukkhavihāra.
[15]. S.52.4 Kaṇṭaki (tên khu rừng, có nhiều gai).
[16]. Bản Pāli: Sākete Kaṇṭakivane, trong rừng Kaṇṭaki, Sāketa.
[17]. Học địa 學地. Pāli: sekhabhūmi.
[18]. Xem kinh trên.
[19]. Hán: hữu kết 有結. Pāli: bhava-saṃjoyana.
[20]. Vì sao xuất gia?
[21]. Pāli, S.52.8 Salaḷāgāra (tinh xá Tòng lâm).
[22]. Hán: tùy tuấn tùy thâu 隨浚隨輸, nghĩa không rõ. Bản Pāli: gaṅgā nadī pācīnaninnā pācīnapoṇā pācīnapabbhārā, sông Hằng hướng về Đông, xuôi về Đông, đổ về Đông.
[23]. Pāli: cittaṃ dīgharattaṃ vivekaninnaṃ vivekapoṇaṃ vivekapabbhāraṃ, “tâm thú lâu ngày hướng viễn ly, xu hướng viễn ly, khuynh hướng viễn ly”.
[24]. Ấn Thuận, “31. Tương ưng Đại Ca-chiên-diên”, gồm các kinh Đại Chánh 546-555. – Đại Chánh kinh 546, Pāli: A.2.4.6 Ārāmadaṇḍa.
[25]. Ô-nê trì 烏泥池. Pāli: Kaddamadaha (ao bùn).
[26]. Bạt-lan-na tụ lạc 跋蘭那聚落. Pāli: Varaṇyā.
[27]. Chấp tháo quán trượng phạm chí 執澡灌杖梵志, không rõ nghĩa (Phạm chí cầm gậy có treo bình nước rửa tay?). Chữ quán, bản Cao-ly 澡: tưới nước; bản Tống 盥 rửa tay; bản Nguyên-Thánh 罐: cái hủ. Pāli: Ārāmadaṇḍa brāhmaṇo.
[28]. Tham dục hệ trước 貪欲繫著. Pāli: kāmarāgābhinivesa, đam mê dục lạc.
[29]. Kiến dục hệ trước 見欲繫著. Pāli: diṭṭhirāgābhinivesa, đam mê kiến giải.
[30]. Người lớn tuổi. Pāli, A.2.4.7 Kaṇḍarāyana..
[31]. Bà-la-na 婆羅那. xem cht.25, 26, kinh 546. Pāli: Madhurāyaṃ Gundāvane, trong rừngGundà, vương quốc Madhura.
[32]. Chấp trượng phạm chí 執杖梵志 Madhurāyaṃ Gundāvan. Pāli: Bà-la-môn Kaṇḍarāyana.
[33]. Hán: túc sĩ 宿士. Pāli: atha kho bālo na therotveva saṅkhyaṃ gacchati, “(người bị chi phốibởi dục vọng) người như vậy được gọi là người ngu, chứ không phải là Trưởng lão”. Pāli, bāla chỉ người ngu, cũng có nghĩa là con nít.
[34]. Pāli, M.84 Madhura-sutta.
[35]. Trù lâm 稠林. Pāli: Madhurāyaṃ Gundāvane.
[36]. Tây Phương vương tử 西方王子. Pāli, vua nước Madhurā tên là Avantiputta.
[37]. Bản Hán: Bà-la-môn tử 婆羅門子, không phân biệt brahma (Phạm thiên) với brāhmaṇa (Bà-la-môn).
[38]. Bản Hán: thị Bà-la-môn sở hữu 是婆羅門所有. Pāli: brahmadāyādā.
[39]. Pāli: ghosoyeva kho eso, mahāraja, lokasmiṇ, đó chỉ là tiếng chào xáo trong đời.
[40]. Nên hiểu, “nếu người Bà-la-môn làm vua”. So sánh các đoạn dưới.
[41]. Nên hiểu, “nếu người Sát-đế-lợi (…) làm vua”.
[42]. A-la-ha 阿羅呵. Pāli: ārahā, tức A-la-hán; ở đây chỉ chung các bậc Thánh được tôn sùng, không phải riêng A-la-hán trong hàng Thanh văn của Phật.
[43]. Pāli, A.10.26 Kālī.
[44]. A-bàn-đề quốc Câu-la-la-tra tinh xá 阿槃提國拘羅羅咤精舍. Pāli: Avantīsu Kuraraghare pavatte pabbate, trong thị trấn Kuraraghara, vương quốc Avanti, trong núi Pavatta.
[45]. Hán: nhập 入. Có sự nhầm lẫn về địa danh trong bản Hán.
[46]. Ca-lê-ca 迦梨迦. Pāli: Kuraragharikā Kālī, vợ của người thợ săn chim ưng (?). Bản Pāli: Ưu-bà-di Kālī đi đến chỗ Tôn giả.
[47]. Tăng-kỳ-đa đồng nữ sở vấn 僧耆多童女所問. Pāli: Kumāripañha, “những câu hỏi củaĐồng nữ”, chỉ các con gái của Mara, trong kinh S.4.25 Dhītaro.
[48]. Hán: thật nghĩa tồn ư tâm, tịch diệt nhi bất loạn 實義存於心寂滅而不亂. Pāli: atthassa pattiṃ hadayassa santiṃ, đạt đến mục đích (ý nghĩa) và sự tịch tĩnh của tâm.
[49]. Pāli: jetva senaṃ piyasātarūpaṃ, hàng phục quân đội sắc khả ái, khả hỷ.
[50]. Hán: địa nhất thiết nhập xứ chánh thọ 地一切入處正受, môn chánh thọ (tập trung tư tưởng) có đề mục là nhất thiết nhập (hay biến xứ: tập trung trên tính phổ biến của đối tượng) với đối tượng là đất, một trong mười đối tượng của đề mục thiền định biến xứ. Pāli: paṭhavì-kasiṇa-samāpatti.
[51]. Pāli: paṭhavīkasiṇasamāpattiparamā kho bhaginī eke samaṇabrāhmaṇā attho’ ti abhinibbattesuṃ, “Một số Sa-môn, Bà-la-môn cho rằng địa biến xứ định là mục đích (ý nghĩa) tối thượng”.
[52]. Đây chỉ vị ngọt của định. Pāli: assāda.
[53]. Pāli, A.6.26 Kaccāna.
[54]. Hán: sở tri sở kiến 所知所見. Pāli: jānatā passataṛ, danh từ tác nhân; bản Hán hiểu là phân từ quá khứ.
[55]. Pāli: ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikitiyāya, để đạt chánh lý, chứng Niết-bàn.
[56]. Nguyên bản: tịnh 凈; Theo đoạn dưới, sửa lại là niệm 念.
[57]. Tham dục giác, sân nhuế giác, hại giác 貪欲覺瞋恚覺害覺 tức ba bất thiện tầm. Pāli: tayo akusala-vitakkā: kāma-vitakko, vyāpāda-, vihiṃsa-vitakko.
[58]. Dịch sát Hán: Thế Tôn hiện tại pháp luật. Bản Hán hiểu sai. Văn chuẩn theo Huyền Trang: Phật chánh pháp (thiện thuyết) hiện kiến 佛正法(善說)現見: Chánh pháp của Phật (được khéo thuyết), chứng nghiệm ngay trong hiện tại. Pāli: (svākkhato) bhagavato dhammo sandiṭṭhiko. Xem cht. dưới.
[59]. Văn chuẩn định cú về niệm pháp (Huyền Trang, Pháp Uẩn Túc Luận 3): “Phật Chánh pháp thiện thuyết, hiện kiến, vô nhiệt, ứng thời, dẫn đạo, cận quán, trí giả nội chứng”. Pāli: svākkhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opnanāyiko paccattaṃ veditabbo viññūhīti.
[60]. Văn chuẩn định cú về niệm Tăng, xem Pháp uẩn, đã dẫn trên.
[61]. Phi đạo thủ giới 非盜取戒. Pāli: bhujssāni (silāni): nô lệ được giải phóng, tự do; (giới) tự tại.
[62]. Pāli: cāga, huệ thí, thí xả, từ thiện bố thí.
[63]. Pāli: devatānussati, niệm tưởng chư Thiên.
[64]. Pāli, S.22.3 Hāliddikāni.
[65]. Ha-lê Tụ lạc trưởng giả 訶梨聚落長者. Ha-lê tụ lạc chủ; xem kinh tiếp theo. Pāli: Hāliddikāni-gahapati.
[66]. Pāli: aṭṭhakavaggiye māgandiyapañhe, trong kinh Những câu hỏi của Māgandiya, phẩm thứ 8 (Suttanipāta).
[67]. Hán: lưu 流. Pāli: rūpadhātu gahapati viññāṇassa oko, rūpadhāturāgavinibaddhañca pana viññāṇam okasāriti vuccati, “Sắc giới là nhà của thức. Thức bị trói buộc bởi sắc giới tham được gọi là người ở trọ nhà”. Bản Hán đọc ogho (dòng chảy) thay vì oko (nhà).
[68]. Bất lưu 不流. Pāli: anokasārī, người không ở trọ. Xem cht. trên.
[69]. Lưu nguyên 流源. Pāli: niketasārī, tiêu tướng của trú xứ.
[70]. Pāli: kathaṃ ca gāme santhavajāto hoti, “Thế nào là sự hòa thuận trong thôn xóm?”
[71]. Bản Pāli: “Thế nào là không gần gũi xóm làng?”
[72]. Bất không dục 不空欲. Pāli: kāmehi aritto, chưa dọn sạch các dục.
[73]. Giải thích câu tụng 6. Pāli: kathañca… apurakkharāno hoti, thế nào là không ước vọng?
[74]. S.22.4 Hāliddikāni.
[75]. Xem cht.65, kinh 551.
[76]. Nguyên Hán: 如世尊界隔山石窟中為天帝釋說. Xem kinh 505. Pāli: Kurara ghare papāte pabbate, trên sườn núi gần thị trấn Kurara ghara.
[77]. Ái tận giải thoát 愛盡解脫. Pāli: taṇhākkhayavimutti; Cf. M.37 Cūḷataṇhāsaṇkhaya-suttam.
[78]. Xem cht.61, kinh 550.
[79]. Bát thành 八城. Pāli: Aṭṭhaka-nāgara.
[80]. Đà-thí 陀施. Pāli: Dasama.
[81]. Ấn Thuận, “33. Tương ưng A-nan”, gồm các kinh, Đại Chánh 556-565. Đại Chánh kinh 556, không thấy Pāli tương đương.
[82]. An-thiền lâm Pāli: Añjanavana, khu rừng gần thị trấn Sāketa.
[83]. Sa-kỳ 娑祇. Pāli: Sāketa, thị trấn phước Kosala.
[84]. Vô tướng tâm tam-muội 無相心三昧; xem kinh 566, quyển 21. Pāli: animittā (ceto)samādhi.
[85]. Hán: bất dũng bất một 不勇不沒. Pāli: (Yāyam samādhi) na cābhinato na cāpannato, (Định ấy) không căng lên, không chùn xuống.
[86]. Pāli: A. ix. 37. Ānanda.
[87]. Cù-sư-la viên Pāli: Ghositārāma, tinh xá do Ghosita ở Kosambī dựng.
[88]. Xà-tri-la Tỳ-kheo-ni 闍知羅比丘尼. Pāli: Jaḷilā.
[89]. Hán: bất dũng bất một 不勇不沒. Xem cht.85, kinh 556.
[90]. Pāli, A.9.37 Ānanda.