KINH TẠP A-HÀM QUYỂN 3
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
Kinh 59. Sinh Diệt[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Hãy quán sát năm thọ ấm này là pháp sanh diệt. Nghĩa là, ‘Ðây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc; đây là sự diệt tận của sắc. Ðây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là sự tập khởi của …… thức này, sự diệt tận của …… thức này.’
“Thế nào là sự tập khởi của sắc? Thế nào là sự diệt tận của sắc? Thế nào là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Thế nào là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức?
“Sự tập khởi của ái hỷ là sự tập khởi của sắc; sự diệt tận của ái hỷ là sự diệt tận của sắc. Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành; sự diệt tận của xúc là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành. Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của thức; sự diệt tận của danh sắc là sự diệt tận của thức.
“Này Tỳ kheo, như vậy sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, đó là sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc. Như vậy sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức; đó là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 60. Bất Lạc[2]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
“Lành thay! Tỳ kheo không ưa sắc, không khen ngợi sắc, không chấp thủ sắc, không đắm trước sắc. Lành thay! Tỳ kheo không ưa thọ, tưởng, hành, thức, không khen ngợi …… thức, không chấp thủ …… thức, không đắm trước …… thức. Vì sao? Vì nếu Tỳ kheo không ưa sắc, không khen ngợi sắc, không chấp thủ sắc, không đắm trước sắc, thì đối với sắc sẽ không ưa thích, tâm được giải thóat. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không ưa thức, không khen ngợi thức, khộng chấp thủ thức, không đắm rước thức, thì đối với thức sẽ không ưa thích, tâm được giải thóat.
“Nếu Tỳ kheo không ưa sắc, tâm được giải thóat. Cũng vậy, nếu không ưa thọ, tưởng, hành, thức, tâm được giải thóat, không sanh không diệt, bình đẳng an trú xả với chánh niệm chánh trí.
“Tỳ kheo này đã biết như vậy, thấy như vậy rồi, kiến chấp liên hệ biên tế quá khứ[3] vĩnh viễn diệt tận không dư tàn. Khi kiến chấp liên hệ biên tế quá khư vĩnh viễn diệt tận không dư tàn, thì kiến chấp liên hệ biên tế vị lai cũng vĩnh viễn diệt tận không dư tàn. Khi kiến chấp liên hệ biên tế vị lai cũng vĩnh viễn diệt tận không dư tàn, thì kiến chấp liện hệ biên tế quá khứ và biên tế vị lai cũng diệt tận không dư tàn, không còn gì ngăn che. Khi đa không còn gì ngăn che, thì đối với các thế gian đều không có gì để chấp thủ. Không chấp thủ nên cũng không có gì để mong cầu. Không có gì để mong cầu, nên tự mình chứng ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những điều cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 61. Phân Biệt (1)[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
“Thế nào là sắc thọ ấm? Những gì là sắc, tất cả chúng đều là bốn đại, và sắc do bốn đại tạo; đó gọi là sắc thọ ấm. Lại nữa, sắc kia là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Nếu sắc thọ ấm này vĩnh viễn bị đoạn trừ không dư tàn, rốt ráo xả ly, diệt tận, ly dục, tịch diệt, và các sắc thọ ấm khác không tương tục, không xuất hiện, không khởi lên, thì đó gọi là vi diệu, cũng gọi là tịch tĩnh, cũng gọi là xả ly tất cả hữu dư, ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn.
“Thế nào là thọ thọ ấm? Ðó là sáu thọ thân. Những gì là sáu? Thọ phát sanh do xúc con mắt; thọ phát sanh do xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ðó gọi là thọ thọ ấm. Lại nữa, thọ thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.
“Thế nào là tưởng thọ ấm? Ðó là sáu tưởng thân. Những gì là sáu? Tưởng phát sanh do xúc con mắt; cho đến, tưởng phát sanh do xúc của ý. Ðó gọi là tưởng thọ ấm. Lại nữa, tưởng thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.
“Thế nào là hành thọ ấm? Ðó là sáu tư thân. Những gì là sáu? Tư phát sanh do xúc con mắt; cho đến, tư phát sanh do xúc của ý. Ðó gọi là hành thọ ấm. Lại nữa, hành thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.
Thế nào là thức thọ ấm? Ðó là sáu thức thân. Những gì là sáu? Thức thân con mắt; cho đến ý thức thân, đó gọi là thức thọ ấm. Lại nữa, thức thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.
“Này các Tỳ kheo, nếu đối với pháp này mà dùng trí tuệ tư duy, quán sát, phân biệt, nhẫn thọ, đó gọi là tùy tín hành, siêu thăng, ly sanh[5], vượt qua khỏi địa vị phàm phu. Nếu chưa đạt được quả Tu-đà-hòan, mà nửa chừng không chết, thì chắc chắn sẽ đạt được quả Tu-đà-hòan.
“Này các Tỳ kheo, nếu đối với pháp này, mà bằng tăng thượng trí tuệ, tư duy quán sát, nhẫn, thì đó gọi là tùy pháp hành, siêu thăng, ly sanh, vượt qua khỏi địa vị phàm phu. Nếu chưa đạt được quả Tu-đà-hòan, mà nửa chừng không chết, thì chắc chắn sẽ đạt được quả Tư-đà-hòan.
“Này Tỳ kheo, đối với pháp này nếu bằng trí tuệ chân chánh mà quán sát[6] như thật, ba kết được biết là hoàn toàn đoạn trừ [7]; đó là, thân kiến, giới thủ, nghi. Tỳ kheo, đó gọi là quả Tu-đà-hòan, sẽ không rơi vào đường ác, quyết định thẳng đến Chánh giác[8], bảy lần sanh qua lại giữa Trời-người, cuối cùng sẽ cứu cánh biên tế của khổ.
“Này Tỳ kheo, đối với pháp này nếu dùng trí tuệ chân chánh mà quán sát như thật, tâm sẽ không khởi lên lậu hoặc, thì gọi là A-la-hán. Khi các lậu đã sạch rồi, thì những gì cần làm đã làm xong, trút bỏ gánh nặng, đạt được mục đích của mình[9], các kết sử hữu[10] dứt sạch, chánh trí, tâm đạt được giải thóat.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 62. Phân Biệt (2)[11]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm. Ðó là, sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Kẻ phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, vô minh, đối với năm thọ ấm sanh ra ngã kiến buộc vào, khiến cho tâm bị buộc vào mà sanh ra tham dục.
“Này Tỳ kheo, Ða văn Thánh đệ tử có trí tuệ, có minh, thì đối với năm thọ ấm này không bị buộc chặt bỡi ngã kiến, khiến tâm bị trói buộc dính mắc, mà khởi lên tham dục.
“Vì sao kẻ phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, không sáng suốt, đối với năm thọ ấm, bị ngã kiến trói buộc, khiến cho tâm bị trói buộc dính mắc mà sanh ra tham dục? Này Tỳ kheo, kẻ phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, không sáng suốt, thấy rằng sắc là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau. Cũng vậy, thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Những kẻ phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, không sáng suốt như vậy, đối với năm thọ ấm nói là ngã và bị trói buộc vào, làm cho tâm bị trói buộc mà sanh ra tham dục.
“Vì sao Thánh đệ tử, có trí tuệ, sáng suốt, không cho là ngã trói buộc, khiến kết buộc tâm mà sanh tham dục? Vì không thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Cũng vậy, đối với thọ tưởng, hành, thức không thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong ngã. Như vậy, Thánh đệ tử, có trí tuệ, sáng suốt, thì đối với năm thọ ấm không thấy ngã trói buộc, để khiến trói buộc tâm mà sanh ra tham dục. Nếu những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, thì nên quán sát đúng tất cả chúng đều là vô thường. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức, hoặc là quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, thì cũng nên quán sát đúng tất cả chúng đều là vô thường.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 63. Phân biệt (3)[12]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm. Ðó là, sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Này Tỳ kheo, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương có ngã, thì tất cả y trên năm thọ ấm này mà chủ trương có ngã. Những gì là năm? Các Sa-môn, Bà-la-môn, ở nơi sắc thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Cũng vậy, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Như vậy, kẻ phàm phu ngu si không học, chấp ngã, vô minh, phân biệt mà quán sát như vậy, không lìa ngã sở[13] Do không lìa nga sở, nhập vào các căn[14] Khi nhập vào các căn rồi thì sẽ sanh ra xúc. Sáu xúc duyên vào những gì được xúc? Phàm phu ngu si không học sanh ra khổ vui, từ đó phát sanh ra cái này và những cái khác, đó là sáu xúc thân. Những gì là sáu? Xúc nhập xứ của mắt; xúc nhập xứ của tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
“Này Tỳ kheo, có ý giới, pháp giới, vô minh giới được chạm bởi vô minh xúc, phàm phu ngu si không học nói là hữu, nói là vô, nói là vừa hữu vừa vô, nói là chẳng phải hữu chẳng phải vô, nói là ta hơn hết, nói là tương tợ, ta biết, ta thấy.
“Lại nữa, này Tỳ kheo, Ða văn Thánh đệ tử, khi trụ vào sáu xúc nhập xứ mà có thể nhàm chán xa lìa vô minh, có thể sanh ra minh. Người đó đối với vô minh mà ly dục, sanh ra minh, chẳng hữu, chẳng vô, chẳng phải vừa hữu vừa vô, chẳng phải chẳng hữu, chẳng vô, chẳng phải có ta hơn, chẳng phải có ta kém, chẳng phải có ta bằng, ta biết, ta thấy. Khi biết như vậy, thấy như vậy rồi thì vô minh xúc khởi lên trước kia sẽ diệt, và minh xúc sau sẽ tập khởi.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 64. Ưu-Ðà-Na[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Lộc-tử-mẫu trong Ðông-viên, nước Xá vệ.
Bấy giờ, buổi chiều, sau giờ Thế Tôn từ thiền tịnh dậy, đến giảng đường, vào trong nhà giảng, trải tòa ngồi trước đại chúng. Rồi thì, Thế tôn nói kệ Ưu-đà-na:
Pháp không có tôi ta,
Cũng lại không của ta;
Cũng sẽ không có ta,
Của ta từ đâu sanh?
Tỳ kheo giải thóat[16] đây,
Ðoạn trừ hạ phần kết[17]
Bấy giờ, có Tỳ kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Phật rằng:
“Thế nào là không có tôi ta, cũng lại không của ta; cũng sẽ không có ta, của ta từ đâu sanh? Tỳ kheo giải thóat đây, đoạn trừ hạ phần kết?”
Phật bảo Tỳ kheo:
“Phàm phu ngu si không học, chấp sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng cho là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Ða văn Thánh đệ tử, không thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; cũng như không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; cũng chẳng phải là người biết, cũng chẳng phải là người thấy. Sắc này là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Sắc là khổ. Thọ, tưởng, hành, thức là khổ. Sắc là vô ngã. Thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã. Sắc này sẽ không tồn tại. Thọ, tưởng, hành, thức sẽ không tồn tại. Vì sắc này sẽ hủy hoại[18] Thọ, tưởng, hành, thức hủy hoại. Cho nên, chẳng có ngã, chẳng có ngã sở, ngã, và cũng sẽ chẳng có ngã, ngã sở. Nếu người nào giải thóat như vậy, thì sẽ đọan trừ được năm kết sử hạ phần.”
Bấy giờ, Tỳ kheo kia bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, khi đã đọan trừ năm kết sử hạ phần rồi, làm sao để ngay trong đời này tự biết, tự tác chứng, thành tựu và an trú với sự diệt tận các lậu, vô lậu tâm giải thóat, tuệ giải thóat, biết rằng: ‘ Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’?”
Phật bảo Tỳ kheo:
“Phàm phu chúng sanh ngu si không học, nên ở chỗ không sợ hãi mà sanh ra sợ hãi. Phàm phu chúng sanh ngu si không học sanh ra sự sợ hãi rằng không ngã, không ngã sở; cả hai sẽ chẳng sanh.
“Do vin bám[19] mà có bốn trú xứ của thức[20]Thức trụ nơi sắc, vin bám sắc, ham muốn sắc, để tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn. Thức trụ nơi thọ, tưởng, hành, vin bám hành, ham muốn hành, để tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn. Tỳ kheo, thức ở nơi này, hoặc đến, hoặc đi, hoặc ở, hoặc khởi, hoặc diệt, tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn. Nếu nói rằng lại có pháp khác ,và ở đó thức hoặc đến, hoặc đi, hoặc ở, hoặc khởi, hoặc diệt, tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn; thì đây chỉ có trên ngôn thuyết, chứ nếu hỏi đến, thì sẽ không biết, chỉ tăng thêm ngu si, vì chúng chẳng phải là cảnh giới. Vì sao? Vì Tỳ kheo, xa lìa tham dục của sắc giơi, thì triền phược của ý sanh[21] đối với sắc cũng sẽ bị đoạn trừ. Khi triền phược của ý sanh đối với sắc bị đoạn trừ rồi, thì sự vin bám của thức cũng sẽ bị đọan trừ. Khi ấy, thức không có chỗ trú, cũng không tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn trở lại. Khi triền phược của ý sanh đối với thọ, tưởng, hành giới, nếu đã lìa tham dục rồi, thì sự vin bám của thức cũng sẽ bị đọan trừ. Khi ấy, thức không có chỗ trú, cũng không tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn trở lại. Vì thức không chỗ trụ, nên không tăng trưởng. Vì không tăng trưởng nên không có gì để tác hành[22] Vì không có gì để tác hành cho nên được an trụ. Vì đã an trụ nên biết đủ. Vì đã biết đủ nên được giải thóat.[23] Vì đã giải thóat nên đối với các thế gian đều không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm trước. Vì không có gì để đắm trước nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Này Tỳ kheo, Ta nói thức không trụ[24] Ðông, Tây, Nam, Bắc, bốn bên, trên, dưới, ngoại trừ ngay trong đời hiện tại sẽ nhập Niết-bàn, diệt tận, tịch tĩnh, thanh lương.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bài kệ tóm tắt
Sanh diệt và bất lạc,
Và ba Kinh phân biệt,
Quán sát về tham trước,
Ðó là Ưu-đà-na.
Kinh 65. Thọ[26]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư[27], cho trong tâm mình tĩnh lặng. Vì sao? Vì Tỳ kheo luôn tu tập phương tiện thiền tư, thì trong tâm mình sẽ được tĩnh lặng, nên quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Ðây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc; đây là thọ, tưởng, hành, thức, đây là sự tập khởi của …… thức, đây là sự đoạn tận của …… thức.
“Thế nào là sự tập khởi của sắc? sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Phàm phu ngu si vô học nên đối với các thọ khổ, vui, không khổ-không vui, không quán sát như thật rằng đây là sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly của thọ. Vì không biết quán sát như thật, nên đối với thọ lại ưa thích tham đắm mà sanh ra chấp thủ, và thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não; khối lớn đau khổ như vậy từ tập mà sanh. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc. Ðó là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.
“Thế nào là sự diệt tận của sắc? Sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Ða văn Thánh đệ tử đối với các thọ khổ, vui, không khổ-không vui, quán sát như thật rằng đây là sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly của thọ. Vì quán sát như thật nên đối với thọ sự ưa thích đắm trước bị đọan trừ. Vì sự đắm trước đã bị đọan trừ, nên chấp thủ cũng bị diệt. Vì thủ đã bị diệt, nên hữu cũng bị diệt. vì hữu đã bị diệt, nên sanh cũng bị diệt. Vì sanh đã bị diệt, cho nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não cũng bị diệt; khối lớn đau khổ như vậy tất cả đều diệt. Ðó gọi là sắc diệt. Ðó gọi là thọ, tưởng, hành, thức diệt. Cho nên này Tỳ kheo, hãy luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, cho tâm mình luôn tĩnh lặng. Tỳ kheo nào trụ vào thiền tư, thì bên trong tâm luôn tĩnh lặng. Hãy nổ lực siêng năng phương tiện quán sát như thật.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như Kinh quán sát, cũng vậy, có 12 kinh[28] tiếp theo là Phân biệt, Chủng chủng phân biệt, Tri, Quảng tri, Chủng chủng tri, Thân cận, Thân cận tu tập, Nhập, Xúc, và Chứng.
Kinh 66. Sanh[29]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, cho trong tâm mình tịch lặng. Vì sao? Vì nhờ tu tập phương tiện thiền tư, trong tâm mình đã tịch lặng, để quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Quán sát như thật rằng đây là sắc ; đây là sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc. Ðây là thọ, tưởng, hành, thức, sự tập khởi của …… thức , sự diệt tận của …… thức.
“Thế nào là sự tập khởi của sắc? sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức?
“Này Tỳ kheo, phàm phu ngu si không học, không quán sát như thật về sự tập khởi của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc, nên ưa muốn sắc kia, khen ngợi yêu đắm, nên sắc sẽ tái sanh lại vào đời vị lai. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nói rộng như vậy. Khi sắc kia sanh; thọ, tưởng, hành, thức sanh, mà đối với sắc không giải thóat; đối với thọ, tưởng, hành, thức không giải thóat, Ta nói người đó sẽ không giải thóat sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não; thuần khối lớn đau khổ. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc; là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.
“Thế nào là sự diệt tận của sắc, và sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức?
“Ða văn Thánh đệ tử quán sát như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xa lìa sắc, biết như thật. Do biết như thật nên không thích sắc, không khen ngợi sắc, không ưa đắm sắc, cũng không sanh ra sắc vị lai. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nói rộng như vậy. Sắc không sanh; thọ, tưởng, hành, thức không sanh, do đó đối với sắc được giải thóat, đối với thọ, tưởng, hành, thức được giải thóat. Ta nói người này giải thóat sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não, thuần khối lớn đau khổ. Ðó gọi là sự diệt tận của sắc; là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức.
“Cho nên, Tỳ kheo, nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, để bên trong tâm mình tịch lặng, và tinh tấn siệng năng phương tiện quán sát như thật.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như Kinh quán sát, cũng vậy, cho đến Kinh Tác chứng, gồm 12, cũng cần diễn rộng.
Kinh 67. Lạc[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Hãy thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, cho nội tâm tĩnh lặng. Vì sao? Vì Tỳ kheo tu tập phương tiện thiền tư, cho nội tâm tĩnh lặng để quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Biết như thật đây là sắc ; đây là sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc ; đây là thọ, tưởng, hành, thức, sự tập khởi của …… thức, sự diệt tận của …… thức.
“Thế nào là sự tập khởi của sắc, và sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Phàm phu ngu si không học, nên không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật nên ưa thích đắm trước vào sắc kia, khen ngợi sắc. Vì ưa thích đắm trước sắc, khen ngợi sắc nên chấp thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử, ưu, bi, não khổ; thuần khối lớn đau khổ như vậy sanh ra. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc; là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.
“Thế nào là sự diệt tận của sắc? sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Ða văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì biết như thật, nên không thích đắm sắc, không khen ngợi sắc. Vì không thích đắm trước, khen ngợi sắc cho nên ái lạc bị diệt trừ. Ái lạc diệt nên chấp thủ cũng diệt. Thủ diệt nên hữu diệt. Hữu diệt nên sanh diệt. Sanh đã bị diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ cũng bị diệt; và như vậy thuần khối lớn đau khổ diệt.
“Thế nào là đa văn Thánh đệ tử biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức, và về sự tập khởi của …… thức, về sự diệt tận của …… thức, về vị ngọt của …… thức, về sự tai hại của …… thức, về sự xa lìa …… thức? Vì đã biết như thật về chúng, nên không thích đắm …… thức kia, không khen ngợi …… thức. Vì không thích đắm …… thức nên ái lạc diệt . Ái diệt , nên thủ diệt. Thủ diệt nên hữu diệt. Hữu diệt nên sanh cụng bị diệt. Sanh diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt, như vậy thuần khối lớn đau khổ tất cả đều diệt. Này Tỳ kheo, đó gọi là sự diệt tận của sắc; là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức. Tỳ kheo nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư để cho nội tâm được tĩnh lặng.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như Kinh quán sát, cũng vậy, cho đến Kinh Tác chúng, gồm 12, cũng cần diễn rộng.
Kinh. 68 Lục Nhập Xứ[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, để cho nội tâm được tĩnh lặng, thì mới quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Biết như thật đây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc; và đây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là sự tập khởi của …… thức, sự diệt tận của …… thức.
“Thế nào là sự tập khởi của sắc? sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Do duyên mắt và sắc nên thức của mắt sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc; duyên xúc sanh thọ, duyên thọ sanh ái, cho đến thuần khối lớn đau khổ sanh. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc. Duyên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Do duyên ý và pháp, thức của ý sanh; ba sự hòa hiệp sanh xúc, duyên xúc sanh thọ, duyên thọ sanh ái. Như vậy, cho đến thuần khối lớn đau khổ sanh. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc, là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.
“Thế nào là sự diệt tận của sắc? sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Do duyên mắt và sắc nên thức của mắt sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc. Khi xúc diệt thì thọ diệt, cho đến thuần khối lớn đau khổ diệt. Duyên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Do duyên ý và pháp, thức của ý sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc. Khi xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt …… cho đến thuần khối lớn đau khổ diệt. Ðó gọi là sự diệt tận của sắc là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức. Cho nên này các Tỳ kheo, nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, để cho nội tâm được tĩnh lặng.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như Kinh quán sát, cũng vậy, cho đến Kinh Tác chứng, gồm 12, cũng cần diễn rộng.
Bài kệ tóm tắt
Thọ và sanh và lạc,
Cũng nói lục nhập xứ,
Mỗi một mười hai thứ,
Kinh thiền định tam muội.
Kinh 69. Kỳ đạo[32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nay Ta sẽ nói về con đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân[33], và về con đường dẫn đến sự diệt tận của hữu thân.
“Thế nào là con đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân? Phàm phu ngu si không học, nên không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật, nên ưa thích sắc, khen ngợi sắc, đắm trước sắc, trụ vào sắc. Vì đã ưa thích sắc, khen nợi sắc, đắm trước sắc, trụ vào sắc, nên yêu thích chấp thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não; thuần khối lớn đau khổ như vậy được sanh ra. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nói rộng như vậy. Ðó gọi là con đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân. Tỳ kheo, nên biết, con đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân, chính là con đường dẫn đến sự tập khởi của khổ.
“Thế nào là con đường dẫn đến sự diệt tận của hữu thân? Ða văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì đã biết như thật nên đối với sắc không ưa, không khen, không đắm, không trụ. Vì không ưa, không khen, không đắm, không trụ nên ái lạc sắc kia diệt. Ái lạc diệt, thì thủ cũng diệt; thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não, thuần khối lớn đau khổ như vậy diệt. Cũng như sắc, đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Ðó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân này cũng là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Cho nên nói là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh Ðương thuyết, 2 Kinh Hữu và Ðương tri cũng vậy.[34]
Kinh 70. Thật Giác[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nay Ta sẽ nói về biên tế của hữu thân[36], về biên tế tập khởi của hữu thân[37], về biên tế diệt tận của hữu thân[38] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Thế nào là biên tế của hữu thân? Là chỉ cho năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Ðó gọi là biên tế của hữu thân.
“Thế nào là biên tế tập khởi của hữu thân? Ðó là ái, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia[39] Ðó gọi là tập khởi của hữu thân.
“Thế nào là biên tế diệt tận của hữu thân? Tức là ái này, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ. Ðó là biên tế sự diệt tận của hữu thân. Ðó là nói về biên tế hữu thân, về biên tế sự tập khởi của hữu thân , về biên tế sự đọan diệt của hữu thân.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh Ðương thuyết, 2 Kinh Hữu và Ðương tri cũng vậy.
Kinh 71. Hữu Thân[40]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nay Ta nói về hữu thân[41], về sự tập khởi của hữu thân, về con đường dẫn đến sự diệt tận của hữu thân[42] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Thế nào là hữu thân? Là năm thọ ấm, đó là: sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Ðó gọi là hữu thân.
“Thế nào là sự tập khởi của hữu thân? Ðó là ái, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia[43] Ðó gọi là sự tập khởi của hữu thân.
“Thế nào là sự diệt tận của hữu thân? Tức là ái này, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ. Ðó gọi là sự diệt tận của hữu thân.
“Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân? Là chỉ cho Bát thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Ðó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.
“Ðó là nói về hữu thân, về sự tập khởi của hữu thân, về sự diệt tận của hữu thân, về con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, han hỷ phụng hành.
Như kinh Ðương thuyết, 2 Kinh Hữu và Ðương tri cũng vậy.
Nhưng có sự sai biệt: “Tỳ kheo biết hữu thân, đoạn tập khởi của hữu thân, chứng diệt của hữu thân, tu tập con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Ðó là tỳ kheo đoạn trừ các kết sử, triền phược của ái dục, tu vô gián đẳng, cứu cánh khổ biên.”
Lại có sự sai biệt: “Ðó gọi là Tỳ kheo đã cứu cánh khổ biên, cứu cánh ly cấu, cứu cánh phạm hạnh, là bậc thượng sĩ thuần tịnh.”
Lại có sự sai khác: “Ðó gọi là Tỳ kheo A-la-hán, sạch hết các lậu hoặc, những gì cần làm đã làm xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã đạt được mục đích của mình, dứt sạch các kết sử, chánh trí tâm giải thóat.”
Lại có sự sai biệt: “Ðó gọi là Tỳ kheo đã phá sập quan ải, vượt hào, siêu việt cảnh giới, đã phá sập quan ải, dựng cờ Thánh pháp.”
Lại có sự sai biệt: “Thế nào là đã phá sập quan ải? Là đã dứt bỏ được năm hạ phần kết. Thế nào là vượt hào? Là vượt khỏi hào sâu vô minh. Thế nào là siêu việt khỏi cảnh giới? Là đến chỗ cùng tột không đầu mối của sanh tử. Thế nào là đã phá sập quan ải? Là ái đã hết sạch. Thế nào dựng cờ Thánh pháp? Là ngã mạn đã dứt sạch.”
Lại có sự sai biệt: “Ðó gọi là Tỳ kheo đoạn năm chi, thành tựu sáu chi, thủ hộ một, y bốn thứ, xả các đế, lìa các thứ mong cầu, tịnh các giác, thân hành tịch tĩnh, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, thượng phạm hạnh thuần nhất đã lập.”
Kệ tóm tắt
Kỳ đạo, có ba kinh,
Thật giác cũng ba kinh,
Hữu thân Kinh thuyết,
La-hán có sáu hạng.
Kinh 72. Tri Pháp[45]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Ta sẽ nói về các pháp sở tri, trí và trí giả.[46] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Thế nào là các pháp đã sở tri? Là năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Ðó gọi là những pháp sở tri.
“Thế nào là trí? Là sự điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, siêu việt dục tham. Ðó gọi là trí.
“Thế nào gọi là trí giả? Ðó là A-la-hán. A-la-hán chẳng phải tồn tại sau khi chết, chẳng phải không, chẳng phải có không tồn tại sau khi chết, chẳng phải chẳng có không tồn tại sau khi chết. Nói rộng ra vô lượng, các số đã vĩnh viễn dứt sạch. Ðó gọi là nói về các pháp sở tri, trí và trí giả.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 73. Trọng Ðảm[47]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nay Ta sẽ nói về gánh nặng, thủ gánh nặng, xả gánh nặng, và người đang gánh nặng[48] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Thế nào là gánh nặng? Là năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
“Thế nào là thủ gánh nặng? Ðó là ái, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia[49]
“Thế nào là xả gánh nặng? Tức là ái này, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ.
“Thế nào là người đang gánh nặng? Chính là con người[50] Con người này có tên như vậy, thọ sanh như vậy, dòng họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy, tồn tại như vậy, thọ mạng như vậy, giới hạn thọ mạng sống như vậy. Ðó gọi là gánh nặng, thủ gánh nặng, xả gánh nặng, và người đang gánh nặng.”
Bấy giờ, Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
Ðã vứt bỏ gánh nặng,
Không nên nhận trở lại.
Gánh nặng là khổ lớn,
Trút gánh là vui nhiều.
Ðoạn trừ tất cả ái,
Thì sạch tất cả hành.
Thấu triệt mọi cảnh khác,
Không còn luân chuyển hữu.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 74. Vãng Nghệ[51]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Phàm phu ngu si không học không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật, nên đối với sắc có sự thích thú, ngợi khen, đắm trước, bị dính mắc mà trụ; bị trói buộc bởi dây trói của sắc, bị trói buộc bởi dây trói bên trong, không biết nguồn gốc, không biết biên tế, không biết xuất ly.
“Ðó gọi là kẻ phàm phu ngu si không học, vì bị trói buộc nên sanh, vì bị trói buộc nên chết, vì bị trói buộc từ đời này sang đời khác, nên người này sanh ra cũng vì sự trói buộc mà chết đi cũng vì sự trói buộc.
“Ðó gọi là kẻ phàm phu ngu si không học, bị Ma khống chế, vào trong lưới ma, theo ma biến hóa[52], bị ma trói buộc, bị ma lôi kéo. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Ða văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diêt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì đã biết như thật, nên không tham vui sắc, không ngợi khen, không bị dính mắc mà trụ; không bị trói buộc bởi dây trói của sắc, không bị trói buộc bởi dây trói bên trong, biết nguồn gốc, biết biên tế, biết xuất ly.
“Ðó gọi là Ða văn Thánh đệ tử, không bị lệ thuộc vào sự trói buộc mà sanh, không bị lệ thuộc vào sự trói buộc mà chết, từ đời này sang đời khác cũng không bị lệ thuộc vào sự trói buộc từ đời này sang đời khác; không Ma khống chế, không bị rơi vào tay ma, không Ma tạo tác[53], không bị ma trói buộc, giải thoát sự trói buộc của ma, lìa khỏi sự dẫn dắt của ma. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hhoan hỷ phụng hành.
Kinh 75. Quán[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm. Ðó là, sắc thọ ấm. Này Tỳ kheo, đối với sắc nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thoát. Ðó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thóat. Ðó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác.
“Lại nữa, Tỳ kheo, đối với sắc nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thóat. Ðó gọi là A-la-hán tuệ giải thoát. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thóat. Ðó gọi là A-la-hán tuệ giải thoát.
“Này Tỳ kheo, Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác và A-la-hán tuệ giải thóat có sự sai biệt nào?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Như Lai là gốc của pháp, là con mắt của pháp, là nơi nương tựa của pháp. Cúi xin Ðức Thế Tôn vì các Tỳ kheo mà nói rộng nghĩa này, các Tỳ kheo sau khi nghe xong sẽ thực hành theo.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác chưa từng nghe pháp nhưng có thể tự mình giác ngộ pháp, tự thông đạt Vô thượng Bồ đề, rồi để giác ngộ cho hàng Thinh văn trong đời vị lai, mà pháp đó là, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác, tám Thánh đạo. Này các Tỳ kheo, đó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác đạt được những gì chưa đạt, được những cái lợi chưa từng được lợi, biết đạo, phân biệt đạo, nói đạo, thông suốt đạo; lại có thể thành tựu cho các Thinh văn, truyền dạy, răn bảo; như vậy mà thuận theo thiện pháp, hoan hỷ thiện pháp. Ðó gọi là sự sai biệt giữa Như Lai và A-la-hán.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 76. Dục[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm. Ðó là, sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
“Này các Tỳ kheo, hãy quán sát sắc. Sau khi quán sát sắc, thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thưa Không, Thế tôn.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Lành thay! Lành thay! Sắc là vô ngã. Cái gì vô ngã thì vô thường, vô thường thì khổ. Nếu khổ thì kia tất cả đều chẳng phải ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Hãy quán sát như vậy.
“Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Ða văn Thánh đệ tử thì đối với năm thọ ấm này quán sát là chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Khi đã quán sát như vậy rồi, thì đối với thế gian không có gì để chấp thủ. Khi đã không có gì để chấp giữ thì sẽ không có gì để đắm trước. Khi đã không có gì để đắm trước thì sẽ tự giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 77. Sanh (1)[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Hãy đọan trừ dục tham đối với sắc. Dục tham đã đọan trừ rồi thì sắc đoạn. Khi sắc đoạn rồi, thì được biến tri về đoạn[57] Khi được biến tri về đoạn, thì gốc rễ bị đoạn. Như chặt ngọn cây Ta-la, sau này không còn tái sanh được nữa. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức, dục tham đoạn …… cho đến, đời sau không tái sanh được nữa.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 78.Sanh (2)[58]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nếu sắc khởi, trụ, xuất thì khổ ở đây khởi, bệnh ở đây trụ, già, chết ở đây xuất. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
“Tỳ kheo, nếu sắc diệt, ngừng nghỉ, biến mất thì khổ ở đây diệt, bệnh ở đây dừng, già chết ở đây biến mất. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 79. Sanh (3)[59]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Sắc quá khứ, vị lai còn là vô thường, huống nữa là sắc hiện tại. Ða văn Thánh đệ tử quán sát như vậy rồi, không nuối tiếc sắc quá khứ, không cầu mong sắc vị lai, và đối với sắc hiện tại nhàm chán, ly dục, diệt tận. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Tỳ kheo, nếu không có sắc quá khứ, Ða văn Thánh đệ tử không có việc không nuối tiếc sắc quá khứ; vì có sắc quá khứ cho nên Ða văn Thánh đệ tử không nuối tiếc sắc quá khứ. Nếu không có sắc vị lai, Ða văn Thánh đệ tử không có việc không cầu mong sắc vị lai rồi; vì có sắc vị lai cho nên Ða văn Thánh đệ tử không cầu mong sắc vị lai. Nếu không có sắc hiện tại, Ða văn Thánh đệ tử không có việc đối với sắc hiện tại mà nhàm chán, hướng đến lìa dục, diệt tận; vì có sắc hiện tại cho nên Ða văn Thánh đệ tử đối với sắc hiện tại mà nhàm chán, hướng đến lìa dục, diệt tận. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 80. Pháp Ấn[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Ta sẽ nói về Thánh pháp ấn và kiến thanh tịnh. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ.
“Nếu có Tỳ kheo nào nói như vầy: ‘Tôi đối với tam muội Không[61] chưa có sở đắc, mà khởi Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn.’ Thì đừng nên nói như vậy. Vì sao? Vì nếu đối với Không chưa đạt được, mà nói là Tôi đã đạt được Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn, thì việc này sẽ không xảy ra.
“Nếu có Tỳ kheo nào nói như vầy, ‘Tôi đã đạt được Không, có khả năng khởi lên Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn.’ Thì đây là lời nói chính xác. Vì sao? Vì nếu đã đạt được Không rồi, thì sẽ có khả năng khởi lên Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn; điều này chắc chắn có thể xảy ra.
“Thế nào là đối với kiến thanh tịnh của Thánh Ðệ tử?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Phật là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp. Cúi xin hãy vì chúng con mà nói. Các Tỳ kheo sau khi nghe pháp xong, sẽ thực hành theo lời dạy.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Nếu Tỳ kheo nào, ngồi dưới bóng cây, chỗ trống vắng, mà khéo quán sát sắc là vô thường, là pháp ma diệt, ly dục. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, là pháp ma diệt, ly dục. Quán các thọ ấm kia là vô thường, là pháp ma diệt, không bền chắc, biến dịch, thì tâm sẽ được an lạc, thanh tịnh, giải thóat. Ðó gọi là Không. Quán sát như vậy cũng không thể lìa kiêu mạn, nhưng có tri kiến thanh tịnh.
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn tận của tướng sắc, sự đoạn tận của tướng thinh, hương, vị, xúc, pháp. Ðó gọi là vô tướng. Quán sát như vậy cũng chưa lìa kiêu mạn, nhưng có tri kiến thanh tịnh.
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn trừ tướng tham, tướng sân nhuế, tướng ngu si. Ðó gọi là Vô sở hữu. Quán sát như vậy cũng chưa lìa kiêu mạn, nhưng có tri kiến thanh tịnh.
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát ngã và ngã sở từ đâu sanh ra?
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát về ngã, ngã sở từ thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm, biết mà sanh ra.
“Lại quán sát, do nhân gì , duyên gì mà thức thức; nhân , duyên của thức kia là thường hay vô thường?
“Lại tư duy do nhân gì , duyên gì mà thức thức; nhân kia, duyên kia của thức đều là vô thường. Lại nữa, nhân kia, duyên kia tất cả đều là vô thường, thức được sanh bởi đó làm sao là thường được? Vô thường là hành của hữu vi, từ duyên khởi, là pháp tai hại, là pháp họai diệt, là pháp ly dục, là pháp đoạn tri[62] Ðó gọi là Thánh pháp ấn, tri kiến thanh tịnh.
“Ðó là nói rằng: ‘Tỳ kheo Ta sẽ nói về Thánh pháp ấn và kiến thanh tịnh.’ Ðược nói rộng như vậy.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 81. Phú-lan-na[63]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong giảng đường Trùng-các, bên bờ ao Di-hầu, tại Tỳ-da-ly,
Bấy giờ có người Ly-xa[64] tên là Ma-ha-nam[65], thường ngày hay du hành đến chỗ đức Phật. Ly-xa này bấy giờ tự nghĩ: ‘Nếu ta đến sớm chỗ Phật, thì hiện giờ Ðức Thế Tôn và các Tỳ kheo quen biết của ta đều đang thiền tư. Bây giờ ta nên đến chỗ ngoại đạo A-kỳ-tỳ nơi bảy cây Yêm-la.’ Rồi ông đến chỗ ở của Phú-lan-na Ca-diếp[66] này.
Hiện Phú-lan-na Ca-diếp đang là thủ lãnh chúng ngoại đạo gồm năm trăm người, đang vây quanh trước sau, tiếng cười đùa huyên náo, bàn luận việc thế gian. Bấy giờ, Ca-diếp từ xa nhìn thấy Ly-xa Ma-ha-man đang đến, liền bảo các quyến thuộc của mình nên giữ yên tĩnh, ‘Các ông nên giữ yên lặng, đó là Ly-xa Ma-ha-man, là đệ tử của Sa môn Cù-đàm. Ông ta là đệ tử tại gia của Sa-môn Cù-đàm, và cũng là người đứng đầu ở Tỳ-da-ly. Ông ta luôn thích sự tĩnh lặng, và khen ngợi sự tĩnh lặng; chỗ Ông ta đến là nơi đồ chúng tĩnh lặng, vì thế cho nên các ông nên giữ sự yên lặng.’
Khi Ma-ha-nam đến chỗ đồ chúng Phú-lan-na, cùng với Phú-lan-na thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Ma-ha-nam hỏi Phú-lan-na rằng:
“Tôi nghe Phú-lan-na vì các đệ tử nói pháp rằng, sự cấu uế hiện có của chúng sanh không do nhân, không do duyên và, sự thanh tịnh hiện có của chúng sanh cũng không nhân, không duyên. Hiện thế gian đang truyền luận thuyết này. Ông nên xem xét lại, có phải đây là những lời hủy báng nhau của người ngoài, hay người đời bày đặt ra? đó là pháp, hay phi pháp? Ông có cùng tranh luận với người đời, bị nạn vấn, bị chỉ trích không?
Phú-lan-na Ca-diếp đáp:
“Thật sự, có luận thuyết này, chứ không phải là người đời ngoa truyền. Tôi đã lập ra luận thuyết này. Ðó là luận như pháp. Tôi đã nói pháp này tất cả đều thuận theo pháp. Không có người thế gian nào đến đây nạn vấn và chỉ trích. Vì sao? Ma-ha-nam, tôi thấy như vậy, nói như vậy: ‘sự cấu uế hiện có của chúng sanh là không nhân, không duyên, và sự thanh tịnh hiện có của chúng sanh là không nhân, không duyên.’”
Khi Ma-ha-nam nghe những gì Phú-lan-na đã nói, lòng không vui, chỉ trích, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Ông đến chỗ Ðức Thế Tôn, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem tất cả mọi chuyện đã bàn luận cùng Phú-la-na trình hết lên Thế tôn.
Phật bảo Ly-xa Ma-ha-nam:
“Ðó là nhừng lời nói không cân nhắc [67] của Phú-lan-na, không đáng để ghi nhớ. Như vậy, Phú-lan-na là người ngu si, thiếu hiểu biết, không thiện xảo, khi chủ trương không nhân mà nói như vầy: ‘Sự cấu uế hiện có của chúng sanh là không nhân, không duyên, và sự thanh tịnh hiện có của chúng sanh cũng không nhân, không duyên.’ Vì sao? Vì có nhân, có duyên chúng sanh có cấu uế; có nhân, có duyên chúng sanh thanh tịnh.
“Ma-ha-nam, do nhân gì, duyên gì mà chúng sanh có cấu uế?
“Này Ma-ha-nam, nếu sắc chỉ một mực là khổ, không phải lạc, không phải tùy lạc, không được trưởng dưỡng bởi lạc, xa lìa lạc, thì chúng sanh đã không nhân đây mà sanh ra sự ái lạc đắm trước. Nhưng, này Ma-ha-nam, sắc chẳng phải chỉ một mực là khổ, không phải lạc, mà là tùy lạc, được trưởng dưỡng bởi lạc, chẳng xa lìa lạc, cho nên chúng sanh nhiễm đắm sắc. Do nhiễm đắm nên bị trói buộc; vì bị trói buộc, nên có phiền não.
“Này Ma-ha-nam, nếu thọ, tưởng, hành, thức chỉ một mực là khổ, không phải lạc, không phải tùy lạc, không được trưởng dưỡng bởi lạc, xa lìa lạc, thì chúng sanh đã không nhân đây mà sanh ra sự ái lạc đắm trước. Nhưng, này Ma-ha-nam, vì …… thức chẳng phải chỉ một mực là khổ, không phải lạc, mà là tùy lạc, được trưởng dưỡng bởi lạc, chẳng xa lìa lạc, cho nên chúng sanh nhiễm đắm …… thức. Vì đã bị nhiễm đắm nên bị trói buộc; vì bị trói buộc nên sanh ra phiền não.
“Ðó gọi là có sự cấu uế của chúng sanh là có nhân, có duyên.
“Ma-ha-nam, vì nhân gì, duyên gì mà chúng sanh thanh tịnh?
“Này Ma-ha-nam, nếu sắc chỉ một mực là lạc, chẳng phải khổ, chẳng phải tùy khổ, chẳng phải trưởng dưỡng ưu khổ, xa lìa khổ, thì chúng sanh không nên nhân sắc này mà sanh ra nhàm chán, xa lìa. Nhưng, này Ma-ha-nam, vì sắc chẳng phải chỉ một mực là lạc, mà là khổ, tùy khổ, nuôi lớn sầu khổ, chẳng xa lìa khổ, cho nên chúng sanh đối với sắc sanh ra nhàm chán, xa lìa. Vì nhàm chán nên không thích; vì không thích nên giải thóat.
“Này Ma-ha-nam, nếu thọ, tưởng, hành, thức chỉ một mực là lạc, chẳng phải khổ, chẳng phải tùy khổ, chẳng phải trưởng dưỡng ưu khổ, xa lìa khổ, thì chúng sanh không nên nhân nơi …… thức mà sanh ra nhàm chán, xalìa. Nhưng, này Ma-ha-nam, vì thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải chỉ một mực là lạc, mà là khổ, tùy khổ, nuôi lớn sầu khổ, chẳng xa lìa khổ, cho nên chúng sanh đối với sắc sanh ra nhàm chán, xa lìa. Vì nhàm chán nên không thích; vì không thích nên giải thóat.
“Này Ma-ha-nam, đó gọi là sự thanh tịnh của chúng sanh là có nhân, có duyên.”
Khi Ma-ha-nam nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bài kệ tóm tắt
Tri pháp cùng trọng đảm,
Vãng nghệ, quán, dục tham.
Kinh sanh, và lược thuyết,
Pháp ấn, Phú-lan-na.
Kinh 82. Trúc Viên[69]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại tinh xá Trúc viên, Chi-đề.
Bấy giờ Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo :
“Ða văn Thánh đệ tử ở nơi cái gì mà thấy vô thường, khổ?”
Các Tỳ kheo bạch Phật rằng:
“Thế tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói. Sau khi nghe xong các Tỳ kheo sẽ y như những lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Ða văn Thánh đệ tử ở nơi sắc thấy là vô thường, khổ; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là vô thường, khổ.
“Tỳ kheo, sắc là thường hay là vô thường?”
Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là vô thường.
“Tỳ kheo, vô thường là khổ phải không?”
Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là khổ.
“Tỳ kheo, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy thì Ða văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế tôn, không.”
“Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế ; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Ða văn Thánh đệ tử quán sát như vậy mà nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức. Vì nhàm chán nên không còn thích; vì không thích nên được giải thóat; vì đã được giải thoát cho nên biết rằng, ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 83. Tỳ-Da-Ly[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong giảng đường Trùng-các, bên bờ ao Di-hầu, tại Tỳ-da-ly. Bấy giờ, Thế Tôn, nói với các Tỳ kheo:
“Ða văn Thánh đệ tử ở nơi cái gì thấy chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau mà quán chánh xác bình đẳng như vậy, và tri kiến như thật?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói. Sau khi nghe xong các Tỳ kheo sẽ y như những lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Ða văn Thánh đệ tử ở nơi sắc thấy chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Ðó gọi là quán chánh xác như thật. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Sắc là thường hay là vô thường?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là vô thường.”
Lại bảo các Tỳ kheo:
“Vô thường là khổ chăng?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là khổ.”
“Tỳ kheo , nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy thì là Ða văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, không.”
“Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, những gì là các sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Ðó gọi là quán chánh xác như thật. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Ða văn Thánh đệ tử quán sát như vậy đối với sắc được giải thóat, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng được giải thoát. Ta nói người này giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, cùng tụ khổ thuần lớn.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 84. Thanh Tịnh[71]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Sắc là vô thường. Vô thường thì khổ. Khổ chẳng phải là ngã. Chẳng phải ngã là chỉ cho tất cả kia chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau, biết như thật, thì gọi đó là chánh quán. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Ða văn Thánh đệ tử, đối với năm thọ ấm này quán sát chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát như vậy, đối với các thế gian cũng đều không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm nhiễm; vì không có gì để đắm nhiễn nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành
Kinh 85. Chánh Quán Sát[72]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Tỳ kheo, ở nơi cái gì mà không thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói. Các Tỳ kheo sau khi nghe xong sẽ y theo những lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Phải chăng ở nơi sắc không thấy có ngã, khác ngã, ở trong nhau? Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy?
“Tỳ kheo, sắc có phải là vô thường?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế tôn, là vô thường.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Có phải vô thường là khổ?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là khổ.”
“Tỳ kheo, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy Ða văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, không.”
“Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, những gì thuộc sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Tỳ kheo, Ða văn Thánh đệ tử quán sát năm thọ ấm là chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Khi quán sát như vậy, thì đối với các thế gian đều không có gì để chấp thủ; vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm; vì không có gì để đắm nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 86. Vô Thường[73]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nếu sắc vô thường mà có thường, thì sắc này không nên có bệnh, có khổ, và đối với sắc cũng không nên có những sự mong cầu phải như thế này hay không như thế này. Vì sắc là vô thường, nên đối với sắc có bệnh, có khổ sanh ra, và cũng không thể mong để được như thế này hay không như thế này. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
“Tỳ kheo, ý ngươi nghĩ sao? Sắc là thường hay là vô thường?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là vô thường.”
Này các Tỳ kheo:
“Vô thường có phải là khổ?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là khổ.”
Này các Tỳ kheo:
“Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy Thánh đệ tử ở trong đó có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế tôn, không.”
“Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong , hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở, biết như thật. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Ða văn Thánh đệ tử quán chánh xác sắc; khi đã quán sát chánh xác sắc rồi thì sẽ sanh ra nhàm chán, ly dục, không ham thích, giải thoát. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán, ly dục, không ham thích, giải thoát, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 87. Khổ[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Sắc là khổ. Nếu sắc không phải là khổ, thì đối với sắc sẽ không có bệnh, có khổ sanh ra, và cũng không nên muốn như thế này hay không thể như thế này. Vì sắc là khổ, và vì sắc là khổ nên bệnh sanh ra nơi sắc, đối với sắc cũng có thể muốn như thế, hay không khiến như thế. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Tỳ kheo, sắc là thường hay là vô thường?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là vô thường.”
Này các Tỳ kheo:
“Vô thường có phải là khổ?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là khổ.”
Này các Tỳ kheo:
“Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch; vậy Ða văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, không.”
“Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, quán sát như thật. Thọ, tưởng, hàng, thức lại cũng như vậy. Ða văn Thánh đệ tử đối với sắc sẽ được giải thóat, đối với thọ, tưởng, hành, thức sẽ được giải thóat. Ta nói người này sẽ giải thóat sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, và tụ khổ thuần lớn.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Ghi Chú:
[01] . Bản Ðại chánh, quyển 3, Kinh 59. Quốc dịch nhất thiết kinh, quyển 4 Kinh 96. Phật quang quyển 3, Kinh 50. Pāli, S. 22. 5. Samādhi.
[02] . Bản Ðại chánh, Kinh 60. Pāli, S. 22. 5. Samādi.
[03] . Tiền tế , biên tế phía trước, chí quả khứ tối sơ: đời trước ta hiện hữu hay không hiện hữu?
[04] . Bản Ðại chánh, Kinh 61. Pāli, S. 22. Samādhi.
[05] . Siêu thăng ly sanh , cũng nói nhập chánh tánh ly sanh. Sát na đầu tiên chứng dự lưu, thể nhập bản tính của Thánh, rời khỏi bản tính chúng sanh.
[06] . Nguyên Hán: đẳng quán, tức Pāli: Samanupassati.
[07] . Tận đoạn tri, hoặc nói la đoạn biến tri, hay biến tri đoạn: đoạn trừ rốt ráo, toàn diện.
[08] . Trong bản: Tam-bồ-đề, tức Pāli: Sambodhi.
[09] . Hán: đãi đắc kỷ lợi.
[10] . Hữu kết, phiền não dẫn đến tái sanh, trói buộc vào tái sanh. Pāli: Bhavasaṃyojana.
[11] . Bản Ðại chánh, Kinh 62.
[12] . Bản Ðại chánh, Kinh 63. Pāli, S. 22. 47. Samanupassanā.
[13] . Pāli: Samanupassanā asmi ti cassa avigataṃ, quán sát như vậy thì không rời khỏi ý tưởng “Tôi hiện hữu” (ngã kiến).
[14] . Pāli: Avigata pañcanaṃ indriyānaṃ avakkanti, khi không rời, năm căn hiển hiện.
[15] . Bản Ðại chánh, Kinh 64. Pāli, S. 22. 55. Udānaṃ.
[16] . Hán: giải thoát . Pāli: Evaṃ muccamāno, khi lãnh hội (thắng giải) như vậy.
[17] . Hạ phần kết , chỉ năm phiền não dẫn tái sanh Dục giới. Pāli: orambhāgiyāni saṃyojāni.
[18] . Hán: Hoại hữu dịch sát. Pāli: rūpaṃ vibhavissati, sẽ hủy diệt, sẽ không tồn tại.
[19] . Hán: Phan duyên.
[20] . Tứ thức trú.
[21] . Ý sanh, cũng nói ý sở thành; đây chỉ thân được tác thành bởi ý khi tái sanh vào trong Sắc giới
[22] . Xem cht. 36 Kinh 85.
[23] . Vô sở tác. Pāli: Anabhisaṅkhāra. Xem cht. 37 Kinh 85.
[24] . Bất trụ, Kinh 85 nói bất chí , không đi đến.
[25] . Quốc dịch, phẩm 12, quyển 4.
[26] . Bản Ðại chánh, Kinh 65. Pāli, S. 22. 5. Samādhi (Xem các Kinh 50-53); S. 22. 6. Paṭisallāna.
[27] . Thiền tư. Pāli: paṭisallàna, sống cô độc tại một nơi thanh vắng; yên tọa, độc cư.
[28] . Trong bản Ðại chánh, ghi là 2 kinh. Theo các bản, Phật quang, Quốc dịch và Ấn Thuận, đều đính chính là 12.
[29] . Bản Ðại chánh, Kinh 66. Pāli, S. 22. 7. Upādāparitassanā.
[30] Bản Ðại chánh, Kinh 67.
[31] . Bản Ðại chánh, Kinh 68.
[32] Quốc dịch, phẩm 13, quyển 4. Pāli, S. 22. 44. Paṭipadā.
[33] . Hữu thân tập thú đạo. Pāli: Sakkāyasamudayagāmini-paṭipadā.
[34] . Kinh này cũng được gọi là “đương thuyết” (sẽ nói), vì bắt đầu bằng 2 chữ như vậy. Hai Kinh tiếp theo hoàn toàn đồng nhất với Kinh này, nên không chép. Ðây lời của người truyền kinh.
[35] . Bản Ðại chánh, Kinh 70. 22. 103. Antè.
[36] . Hữu thân biên. Pāli: sakkayānata.
[37] . Hữu thân tập biên. Pāli: sakkāya-samudāyanta.
[38] . Hữu thân diệt biên. Pāli: sakkāya-nirodhānta
[39] . Mong rằng trong tương lai ta sẽ như thế này, sẽ như thế kia.
[40] . Bản Ðại chánh, Kinh 71. Pāli, S.22. 105: Sakkāya.
[41] . Hữu thân, Pāli: sakkāya.
[42] . Hữu thân diệt đạo tích.
[43] . Mong rằng trong tương lai ta sẽ như thế này, sẽ như thế kia.
[44] . Quốc dịch, phẩm 14.
[45] . Ðại chánh, Kinh 72. Pāli, S. 22. 23: Parññeyya.
[46] . Sở tri pháp, trí, trí giả; pháp cần được nhận thực toàn diện (Pāli: pariññeyya: ưng biến tri); sự nhận thức toàn diện (pariññā: biến tri trí), và người có nhận thức toàn diện.
[47] . Gánh nặng. Bản Ðại chánh, Kinh 73. Pāli, S. 22. 22. Bhāra.
[48] .Trọng đảm, thủ đảm, xả đảm. Pāli: bhāra, bhāradāna,bhāranikkhepana, bharahāra.
[49] . Mong rằng trong tương lai ta sẽ như thế này, sẽ như thế kia.
[50] . Hán: sĩ phu; Pāli: puggala (bổ-đặc-già-la)
[51] . Bản Ðại chánh, Kinh 74. Pāli, S. 22. 117. Bandhana; 22. 65. Abhinnandamāna.
[52] . Ma sở hóa; đoạn dưới nói là “ma sở tác”.
[53] . Xem cht. 49 trên.
[54] . Bản Ðại chánh, Kinh 75. Pāli, S. 22. 58. Sambuddha.
[55] . Bản Ðại chánh, Kinh 76. Pāli, S. 22. 118-119. Parimucchita.
[56] . Bản Ðại chánh, Kinh 77. Pāli, 22. 25. Chadarāga.
[57] . Ðoạn tri, hay đoạn biến tri, nhận thức toàn diện về sự đoạn trừ, tức đã đoạn trừ triệt để. Pāli: pahāna-pariññā.
[58] . Bản Ðại chánh, Kinh 78. Pāli, S. 22. 30. Uppādaṃ.
[59] . Bản Ðại chánh, Kinh 79. Pāli, S. 22. 9-11. Atītānāgatapaccuppanna.
[60] . Bản Ðại chánh, Kinh 80.
[61] . Không, Vô tướng, Vô nguyện: Ba tam-muội môn.
[62] . Xem cht. 54 Kinh 70 trên.
[63] . Bản Ðại chánh, Kinh 81. Pāli, S. 22. 60. Mahāli.
[64] . Ly-xa. Pāli, Liccha, một thị tộc hùng mạnh thời Phật.
[65] . Ma-ha-nam: Mahānāma. Nhưng bản Pāli nói là Mahàāi.
[66] . Phú-lan-na Ca-diếp. Pāli: Pūraṇa Kassapa.
[67] . Xuất ý ngư. Pāli: Adhivitti pada
[68] . Quốc dịch, phẩm 7, quyển 2.
[69] . Ðại chánh, Kinh 82.
[70] . Bàn Ðại chánh, Kinh 83.
[71] . Bản Ðại chánh, Kinh 84. Pāli, S. 22. 45. Aniccā.
[72] . Bản Ðại chánh, Kinh 85. Pāli, S. 22. 46 Aniccā.
[73] . Ðại chánh, Kinh 86.
[74] . Ðại chánh, Kinh 87.