KINH TẠP A-HÀM QUYỂN 9

Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La. 
Việt dịch: Thích Ðức Thắng. 
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ


KINH 230. TAM-DI-LY-ĐỀ (1)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo tên là Tam-di-ly-đề đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, gọi là thế gian. Vậy, thế nào gọi là thế gian?”

Phật bảo Tam-di-ly-đề:

“Con mắt, sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên ý xúc. Đó gọi là thế gian. Vì sao? Vì sáu nhập xứ tập khởi nên xúc tập khởi, như vậy cho đến thuần một tụ khổ lớn cũng tập khởi.

“Này Tam-di-ly-đề, nếu không có con mắt kia, không có sắc, không có nhãn thức, không có nhãn xúc và không có cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc; không có tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên ý xúc, thì không có thế gian, cũng không thi thiết thế gian[2]. Vì sao? Vì sáu nhập xứ diệt nên xúc diệt, cho đến thuần một tụ khổ lớn cũng diệt.”

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Tam-di-ly-đề nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như thế gian, chúng sanh, cũng được thuyết như vậy.


KINH 231. TAM-DI-LY-ĐỀ (2)[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Tam-di-ly-đề, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, gọi là thế gian. Vậy, thế nào gọi là thế gian?”

Phật bảo Tam-di-ly-đề:

“Mong manh tan vỡ[4], đó gọi là thế gian. Thế nào là mong manh tan vỡ?[5]

“Này Tam-di-ly-đề, mắt là pháp mong manh tan vỡ. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng đều mong manh tan vỡ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó là nói rằng vì nó mong manh tan vỡ cho nên gọi là thế gian.”

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Tam-di-ly-đề nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 232. KHÔNG[6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Tam-di-ly-đề, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nói rằng ‘Thế gian trống không[7].’ Vậy, thế nào gọi là ‘Thế gian trống không’?”

Phật bảo Tam-di-ly-đề:

“Mắt là không; pháp thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch là không; ngã sở là không[8]. Vì sao? Vì tánh của nó tự là như vậy. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng cũng không, pháp thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch là không, ngã sở là không. Vì sao? Vì tánh của nó tự như vậy. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là thế gian không.”

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Tam-di-ly-đề nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 233. THẾ GIAN[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về thế gian, về sự tập khởi của thế gian, về sự diệt tận thế gian, về con đường đưa đến sự diệt tận thế gian. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.

“Thế nào là thế gian? Đó là sáu nội nhập xứ. Những gì là sáu? Nhãn nội nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nội nhập xứ.

“Thế nào là sự tập khởi thế gian? Đó là tham ái đối hữu tương lai, đi đôi với tham và hỷ, ước vọng tái sanh chỗ này chỗ kia[10].

“Thế nào là sự diệt tận thế gian? Đó là tham ái đối hữu tương lai, đi đôi với tham và hỷ, ước vọng tái sanh chỗ này chỗ kia, đã được đoạn trừ không dư tàn, đã xả bỏ, đã nhả ra, đã dứt sạch, đã ly dục, tịch diệt, tịch tịnh, tĩnh chỉ.

“Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận? Là tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 234. THẾ GIAN BIÊN[11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta không nói là có người đi đến tận cùng biên tế của thế giới[12]. Ta cũng không nói là không đi đến tận cùng biên tế của thế giới mà có thể cứu cánh tận cùng biên tế của khổ.”

Ngài nói như vậy rồi vào thất thiền định.

Sau khi Đức Thế Tôn đi rồi, thì bấy giờ có số đông Tỳ-kheo cùng nhau bàn luận:

“Đức Thế Tôn vừa rồi đã tóm lược nói pháp là: ‘Ta không nói là có người đi đến tận cùng biên tế của thế giới. Ta cũng không nói là không đi đến tận cùng biên tế của thế giới mà có thể cứu cánh tận cùng biên tế của khổ.’ Ngài nói như vậy rồi vào thất thiền định. Nay chúng ta chưa hiểu rõ ý nghĩa của bài pháp mà Đức Thế Tôn đã nói tóm lược đó. Ở trong các vị, ai là người có thể vì chúng ta nói đầy đủ ý nghĩa bài pháp mà Đức Thế Tôn đã nói tóm lược đó không?”

Lại nói:

“Chỉ có Tôn giả A-nan là người thông minh, trí tuệ ghi nhớ tất cả; thường theo hầu bên cạnh Thế Tôn và được Thế Tôn và các vị phạm hạnh có trí khen ngợi là đa văn, có thể vì chúng ta mà nói đầy đủ ý nghĩa bài pháp mà Đức Thế Tôn đã nói tóm lược đó. Chúng ta hãy đi đến chỗ Tôn giả A-nan nhờ Tôn giả giải thích.”

Rồi thì, số đông Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-nan, thăm hỏi nhau rồi ngồi qua một bên, đem hết mọi chuyện trên hỏi Tôn giả A-nan.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, tôi sẽ vì các Tôn giả mà nói. Hoặc là thế gian, hoặc là danh của thế gian, giác của thế gian, ngôn từ của thế gian, ngữ thuyết của thế gian, tất cả những thứ này đều thuộc vào số mục của thế gian[13]. Thưa các Tôn giả, mắt là thế gian, là danh của thế gian, là giác của thế gian, là ngôn từ của thế gian, là ngữ thuyết của thế gian, tất cả chúng đều thuộc vào số mục của thế gian. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử đối với sáu nhập xứ phải biết như thật về sự tập khởi, về sự diệt tận, về vị ngọt, về sự tai hại, về sự xuất ly của chúng. Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử đã đến chỗ tận cùng của thế giới, biết được thế gian và sức nặng của thế gian[14] và vượt qua khỏi thế gian.”

Bấy giờ Tôn giả A-nan lại nói kệ:

Chẳng phải do bước đi,

Mà đến bờ thế giới.

Không đến bờ thế giới,

Thì không thoát khỏi khổ.

Cho nên Đức Mâu-ni,

Là Đấng Biết Thế Gian[15],

Đã đến bờ thế giới,

Các phạm hạnh đã lập.

Bờ thế giới chỉ có

Chánh trí mới biết rõ.

Giác tuệ đạt thế gian,

Nên nói vượt bờ kia.

“Như vậy các Tôn giả, vừa rồi Đức Thế Tôn đã tóm lược bài pháp, rồi vào thất thiền định. Nay tôi vì các Tôn giả phân biệt nói đầy đủ.”

Khi Tôn giả A-nan nói bài pháp này rồi, số đông các Tỳ-kheo nghe những lời nói xong, hoan hỷ phụng hành.


KINH 235. CẬN TRỤ[16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có thầy, có đệ tử gần gũi, là khổ đối với đời sống cô độc. Không thầy, không đệ tử gần gũi, là an lạc đối với đời sống cô độc[17]. Thế nào là có thầy, có đệ tử gần gũi, là khổ đối với đời sống cô độc? Duyên vào mắt thấy sắc, sanh ra các niệm tưởng ác bất thiện[18] câu hữu với tham, nhuế, si. Nếu Tỳ-kheo nào thực hành pháp này, thì gọi là có thầy[19]; nếu trụ vào bên cạnh đó thì gọi là đệ tử gần gũi[20]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.

“Như vậy nói là có thầy, có đệ tử gần gũi, thì thường khổ đối với đời sống cô độc.

“Thế nào là không thầy, không đệ tử gần gũi, thường an lạc đối với đời sống cô độc? Duyên vào mắt thấy sắc, sanh ra niệm ác bất thiện câu hữu với tham, nhuế, si, mà Tỳ-kheo này không hành theo, đó gọi là không thầy. Nếu không nương vào đó mà trụ thì gọi là không đệ tử gần gũi. Đó gọi là không thầy, không đệ tử gần gũi, thường an lạc đối với đời sống cô độc.

“Nếu Tỳ-kheo nào, không thầy, không đệ tử gần gũi, thì Ta nói người này phước phạm hạnh. Vì sao? Tỳ-kheo không thầy, không đệ tử gần gũi, thì Tỳ-kheo ấy đã kiến lập phạm hạnh ở nơi Ta, có khả năng chân chánh diệt tận khổ, cứu cánh biên tế khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 236. THANH TỊNH KHẤT THỰC TRỤ[21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong; cầm tọa cụ vào trong rừng, tọa thiền nghỉ trưa. Sau khi tọa thiền xong, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi từ đâu lại?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Bạch Thế Tôn, con từ chỗ tọa thiền nghỉ trưa ở trong rừng lại.”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Hôm nay ngươi nhập vào thiền nào mà an trú?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Hôm nay con ở trong rừng, nhập an trụ thiền Không tam-muội[22].”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất, hôm nay ngươi đã nhập thiền trú bậc thượng tọa mà tọa thiền[23]. Nếu các Tỳ-kheo nào, muốn nhập thiền thượng tọa, thì phải học như vầy:

“Khi vào thành, khi đi khất thực, hoặc lúc ra khỏi thành, thì phải tư duy như thế này: ‘Hôm nay mắt ta thấy sắc, có khởi lên dục, ân ái, ái lạc, niệm tưởng, đắm nhiễm không?’ Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo quán sát như vậy, nếu nhãn thức đối với sắc mà có ái niệm, đắm nhiễm, thì Tỳ-kheo này vì để đoạn ác bất thiện nên phải phát khởi quyết ý tinh cần, có khả năng buộc chặt ý niệm để tu học. Ví như có người bị lửa đốt cháy đầu và áo, vì muốn dập tắt hết lửa, nên phải phát khởi nỗ lực quyết tâm để dập tắt lửa. Tỳ-kheo này lại cũng phải như vậy, phải phát khởi quyết ý tinh cần, buộc chặt ý niệm để tu học.

“Nếu Tỳ-kheo khi quán sát, hoặc ở giữa đường, hoặc đi khất thực ở trong làng xóm, hoặc đi ra khỏi làng xóm, ngay trong lúc đó mà nhãn thức đối với sắc không có ái niệm, đắm nhiễm, thì Tỳ-kheo này ước nguyện bằng thiện căn hỷ lạc này, ngày đêm tinh cần cột niệm tu tập. Đó gọi là Tỳ-kheo đi, đứng, ngồi, nằm, với sự khất thực đã được thanh tịnh. Cho nên kinh này gọi là Thanh tịnh khất thực trụ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 237. TỲ-XÁ-LY[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly. Bấy giờ có gia chủ tên là Úc-cù-lũ[25] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Vì sao có Tỳ-kheo nhập Niết-bàn ngay trong đời này và có Tỳ-kheo không nhập Niết-bàn ngay trong đời này?”

Phật bảo gia chủ:

“Nếu Tỳ-kheo nào, đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà có ái niệm, đắm nhiễm; do ái niệm, đắm nhiễm, thường y trên thức và bị nó trói buộc, bị nó giữ chặt, nên không thể nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.

“Nếu Tỳ-kheo nào, đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà không ái niệm, đắm nhiễm; vì không có ái niệm, đắm nhiễm nên không y trên thức. Vì không bị xúc, không bị dính mắc, không bị chấp thủ, nên các Tỳ-kheo này nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Cho nên, này gia chủ, có Tỳ-kheo nhập Niết-bàn ngay trong đời này và có Tỳ-kheo không nhập Niết-bàn ngay trong đời này.”

Như kinh Gia chủ hỏi, kinh A-nan hỏi và kinh Phật vì các Tỳ-kheo mà nói, cũng dạy như trên vậy.


KINH 238. NHÂN DUYÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly. Bấy giờ có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, vì nhân gì, duyên gì mà nhãn thức sanh? Và vì nhân gì duyên gì mà tai, mũi, lưỡi, thân, ý thức sanh?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Vì mắt do duyên sắc nên nhãn thức sanh. Vì sao? Khi nhãn thức sanh, là do tất cả mắt và sắc làm nhân duyên. Tai và âm thanh làm nhân duyên, mũi và hương làm nhân duyên, lưỡi và vị làm nhân duyên; ý và pháp làm nhân duyên nên ý thức sanh. Vì sao? Vì những gì là ý thức, tất cả chúng đều do ý và pháp làm nhân duyên sanh ra.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là do nhân duyên sanh ra nhãn thức, cho đến do nhân duyên sanh ra ý thức.”

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 239. KẾT[26]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về pháp bị kết buộc và pháp kết buộc[27].

“Thế nào là pháp bị kết sử trói buộc? Là mắt và sắc, tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là pháp bị kết sử trói buộc.

“Thế nào là pháp kết sử? Là dục tham[28]. Đó gọi là pháp kết sử.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 240. THỦ[29]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về pháp bị chấp thủ và pháp chấp thủ.

“Thế nào là pháp bị chấp thủ? Là mắt và sắc, tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là pháp bị chấp thủ.

“Thế nào là pháp chấp thủ? Là dục tham. Đó gọi là pháp chấp thủ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 241. THIÊU NHIỆT[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo, phàm phu ngu si không học, thà dùng lửa đốt cháy que đồng rồi đem thui con mắt của mình, khiến cho nó cháy thiêu, chứ không để nhãn thức chấp vào sắc tướng mà chấp thủ hình dáng tốt đẹp. Vì sao? Vì chấp vào sắc tướng, chấp thủ những hình ảnh tốt đẹp, nên bị rơi vào đường ác, như hòn sắt bị chìm.

“Phàm phu ngu si, không học, thà nung đỏ dùi sắt đem dùi lỗ tai mình còn hơn là dùng nhĩ thức chấp vào âm thanh mà chấp thủ tiếng hay. Vì sao? Vì nhĩ thức chấp vào âm thanh mà chấp thủ tiếng hay, thì khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào trong đường ác, như hòn sắt bị chìm.

“Phàm phu ngu si, không học, thà dùng lưỡi dao bén cắt đứt mũi mình đi, còn hơn là dùng tỷ thức chấp vào mùi mà chấp thủ hương thơm. Vì sao? Vì chấp vào hương mà chấp thủ mùi thơm, thì khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào trong dường ác, như hòn sắt bị chìm.

“Phàm phu ngu si, không học, thà dùng lưỡi dao bén cắt đứt lưỡi mình đi, còn hơn là dùng thiệt thức chấp vào vị mà chấp thủ vị ngon. Vì sao? Vì chấp vào vị mà chấp thủ vị ngon, thì khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào trong đường ác, như hòn sắt bị chìm.

“Phàm phu ngu si, không học, thà dùng thanh sắt cứng, cây giáo mũi nhọn đâm vào thân thể mình, còn hơn là dùng thân thức chấp vào sự xúc chạm mà chấp thủ cảm giác xúc chạm êm ái. Vì sao? Vì chấp vào sự xúc chạm mà chấp thủ cảm giác xúc chạm êm ái, thì khi thân hoại mạng chung, sẽ rơi vào trong đường ác, như hòn sắt bị chìm.

“Này các Tỳ-kheo, ham ngủ là sinh hoạt của người ngu, là mạng sống của người ngu, không lợi, không phước[31]. Nhưng này các Tỳ-kheo, thà nên mê ngủ còn hơn là đối với sắc kia mà khởi lên giác tưởng[32]. Nếu khởi lên giác tưởng ắt sẽ sanh ra triền phược, tranh tụng, có thể khiến cho mọi người đưa đến việc làm phi nghĩa, không mang lại lợi ích và an lạc cho trời người[33].

“Đa văn Thánh đệ tử kia nên phải học như vầy: ‘Nay ta thà nung đỏ cây thương bằng sắt đem đâm vào con mắt, còn hơn là dùng nhãn thức để chạy theo sắc tướng thì chắc chắn sẽ bị rơi vào ba đường ác phải chịu khổ lâu dài. Từ hôm nay, ta phải tư duy chân chánh, quán sát mắt là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên để sanh. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng đều là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên để sanh. Đối với tai, mũi lưỡi, thân nhập xứ, cũng phải học như vậy. Thà dùng cây thương sắt đâm thủng thân mình, còn hơn là đem thân thức chấp vào sự xúc chạm mà chấp thủ cảm giác xúc chạm êm ái, thì sẽ rơi vào ba đường ác. Từ hôm nay, ta phải tư duy đúng, quán sát thân là pháp hữu vi vô thường, tâm duyên sanh. Hoặc xúc, thân thức, thân xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên thân xúc, chúng cũng là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên để sanh.’

“Đa văn Thánh đệ tử nên học như vầy: ‘Ham ngủ là sinh hoạt của người ngu, là mạng sống của người không lợi, không phước. Ta không ham ngủ, cũng không khởi giác tưởng. Nếu khởi giác tưởng thì sẽ sanh ra triền phược, tranh tụng, khiến cho mọi người làm những việc phi nghĩa, không lợi ích, không đem lại an lạc.’

“Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy đối với mắt sanh ra nhàm tởm. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, đối với chúng cũng sanh ra nhàm tởm. Do nhàm tởm nên không yêu thích; vì không yêu thích nên được giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 242. TRI[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Đối với mắt mà không liễu tri, không nhận thức, không đoạn tận, không ly dục, thì không thể chân chánh diệt khổ. Đối với mắt, nếu liễu tri, nhận thức, đoạn tận, ly dục, thì có thể chân chánh diệt khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như bốn kinh thuyết về mắt cho đến ý, hai mươi bốn kinh cũng thuyết như trên vậy.


KINH 243. VỊ[35]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, nếu nếm vị nơi mắt, thì nên biết, Sa-môn, Bà-la-môn đó không tự tại thoát khỏi bàn tay của ma, bị ma trói buộc và lọt vào sự trói buộc của ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không nếm vị nơi mắt, thì nên biết Sa-môn, Bà-la-môn đó không chạy theo ma, thoát khỏi bàn tay của ma, không lọt vào sự trói buộc của ma.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như vị ngọt, đối với hoan hỷ, khen ngợi, đắm nhiễm, trụ vững, yêu thích, ghen ghét cũng thuyết như vậy. Như bảy kinh Nội nhập xứ, bảy kinh Ngoại nhập xứ cũng thuyết như vậy.


KINH 244. MA CÂU[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu móc câu của ma. Những gì là sáu? Đó là, sắc được con mắt nếm vị, đó là móc câu của ma. Tiếng được tai nếm vị, đó là móc câu của ma. Hương được mũi nếm vị, đó là móc câu của ma. Lưỡi đắm vào vị ngọt của vị, đó là móc câu của ma. Xúc được thân nếm vị, đó là móc câu của ma. Pháp được ý nếm vị, đó là móc câu của ma. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà mắt nếm vị ngọt của sắc, thì nên biết là Sa-môn, Bà-la-môn ấy bị móc câu của ma móc vào yết hầu của họ, đối với ma không được tự tại.”

Nói uế, nói về tịnh, cũng chi tiết như trên.


KINH 245. TỨ PHẨM PHÁP[37]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở nơi tụ lạc Điều phục bác ngưu, tại Câu-lưu-sấu[38], lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ vì các ông nói pháp, ngôn ngữ phần đầu thiện xảo, ngôn ngữ phần giữa thiện xảo, ngôn ngữ phần cuối cũng thiện xảo, nghĩa thiện xảo, vị thiện xảo, thuần nhất, thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch. Đó là kinh ‘Tứ phẩm pháp’, hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Kinh Tứ phẩm pháp là gì? Có sắc được nhận thức bởi mắt là đáng yêu, đáng nhớ, đáng thích, đáng say đắm. Tỳ-kheo thấy rồi thì hoan hỷ, tán thán, ái lạc, bám chặt vào đó. Có sắc được nhận thức bởi mắt là không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích đắm vào, chỉ có khổ, đáng nhàm tởm. Tỳ-kheo thấy rồi thì sân hận, bất mãn. Những Tỳ-kheo như vậy không được tự tại thoát khỏi ma,… cho đến sẽ không giải thoát khỏi sự trói buộc của ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Có sắc được nhận thức bởi mắt là đáng yêu, đáng nhớ, đáng thích, đáng say đắm. Tỳ-kheo thấy rồi không hoan hỷ, không tán thán, không ái lạc mà bám chặt vào đó. Có sắc được nhận thức bởi mắt là không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích đắm vào, chỉ có khổ, đáng nhàm tởm. Tỳ-kheo thấy rồi thì không sân hận, không bất mãn. Tỳ-kheo như vậy, không bị ma tự tại chi phối,… cho đến thoát khỏi mọi sự trói buộc của ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là kinh Tứ phẩm pháp của Tỳ-kheo.”


KINH 246. THẤT NIÊN[39]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương xá[40]. Bấy giờ vào lúc sáng sớm Thế Tôn đắp y bưng bát vào thành Vương xá khất thực. Lúc ấy[41] Thiên ma Ba-tuần nghĩ rằng, “Vừa sáng sớm mà Sa-môn Cù-đàm đã đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực. Nay ta nên đến đó làm nhiễu loạn ý đạo của ông ta.” Bấy giờ, Ma Ba-tuần hóa làm một người đánh xe, cầm roi đi tìm bò, mặc đồ rách rưới, đầu tóc rối bù, tay chân nứt nẻ, tay cầm roi bò, đến trước Thế Tôn hỏi:

“Cù-đàm có thấy con bò của tôi ở đâu không?”

Đức Thế Tôn liền nghĩ, “Đây là ác ma, muốn đến gây nhiễu loạn Ta.” Ngài liền nói với ma:

“Này ác ma, ở đâu có bò? Cần bò để làm gì?”

Ma liền nghĩ, Sa-môn Cù-đàm đã biết ta là ma rồi, bèn bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, nhãn xúc nhập xứ là xe tôi cưỡi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ là xe tôi cưỡi.”

Lại hỏi:

“Bạch Cù-đàm, Ngài muốn đi đến đâu?”

Phật bảo ác ma:

“Ngươi có nhãn xúc nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ. Nếu kia là chỗ không có nhãn xúc nhập xứ, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ, thì chỗ đó không đến được. Ta đi đến đó.”

Bấy giờ Thiên ma Ba-tuần nói kệ rằng:

Ở đâu thường có ngã,

Chúng đều là của ta,

Tất cả thuộc về ta.

Cù-đàm đi đến đâu?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp lại:

Nếu ai nói có ngã,

Kia nói ngã là quấy.

Như vậy biết Ba-tuần,

Tự hãm vào bế tắc.

Ma lại nói kệ:

Nếu bảo rằng biết đạo,

An ổn đến Niết-bàn;

Ngài một mình đi đến,

Phiền gì dạy người khác?

Đức Thế Tôn nói kệ đáp:

Nếu có người lìa ma,

Hỏi đường qua bờ giác,

Vì họ nói bình đẳng,

Chân thật quyết không sót,

Tu tập không buông lung,

Thường khỏi ma chi phối.

Ma lại nói kệ:

Có đá tựa cục thịt,

Quạ đói đến muốn ăn,

Nó tưởng là mềm ngon,

Muốn lấp vào bụng trống.

Xong không được vị kia;

Mỏ gãy mà bay đi.

Ta nay giống như quạ,

Cù-đàm như cục đá,

Không được, thẹn mà đi.

Như quạ bay giữa trời,

Trong lòng ôm sầu độc,

Biến nhanh mất đường bay.


KINH 247. TẬP CẬN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mắt quen gần gũi[42] sắc, thì bị rơi vào chỗ tự tại của ma, cho đến không giải thoát được sự trói buộc của ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, mà mắt không quen gần gũi sắc, không bị rơi vào chỗ tự tại của ma, cho đến, sẽ giải thoát được sự trói buộc của ma. Đối với tai mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như kinh quen gần gũi: trói buộc, đắm nhiễm, vị ngọt, chòm xóm láng giềng, (nếu) sai sử, trói chặt, ngã sở, mong cầu, ham muốn, thuần, nồng hậu không bỏ, cũng thuyết như trên vậy.[43]


KINH 248. THUẦN-ĐÀ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Kê lâm viên[44], nước Ba-tra-lợi Phất-đa-la[45]. Bấy giờ Tôn giả A-nan đến chỗ Tôn giả Đại Thuần-đà[46], cùng nhau thăm hỏi xong, ngồi qua một bên. Bấy giờ Tôn giả A-nan thưa Tôn giả Thuần-đà:

“Có những điều tôi muốn hỏi, Tôn giả có rảnh rỗi để giải đáp cho không?”

Tôn giả Thuần-đà nói với Tôn giả A-nan:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết thì tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Thuần-đà:

“Như Đức Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, đã nói, sắc do bốn đại tạo được thi thiết, được hiển thị, rằng sắc do bốn đại tạo này là phi ngã. Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, cũng nói thức là phi ngã chăng[47]?”

Tôn giả Thuần-đà nói với Tôn giả A-nan:

“Tôn giả là đa văn bậc nhất. Tôi từ xa đến chỗ Tôn giả là vì muốn hỏi pháp này. Hôm nay Tôn giả xin vì tôi mà nói nghĩa này.”

Tôn giả A-nan hỏi Thuần-đà:

“Nay tôi hỏi Tôn giả, hãy tùy ý mà trả lời. Thưa Tôn giả Thuần-đà, vì có mắt, có sắc, có nhãn thức phải không?”

Đáp:

“Phải.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Do duyên vào mắt và sắc nên nhãn thức sanh phải không?”

Đáp:

“Đúng như vậy.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức; nhân này, duyên này là thường hay là vô thường?”

Đáp:

“Là vô thường.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Nhân này, duyên này sanh ra nhãn thức; nhân này, duyên này là vô thường, biến dịch, vậy thức kia có trụ không?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả, không.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Theo ý Tôn giả thế nào, pháp kia hoặc sanh hoặc diệt có thể biết được, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả A-nan, không.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Theo ý Tôn giả thế nào đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp; có ý, có pháp, có ý thức không?”

Đáp:

“Có.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Do duyên vào ý và pháp mà ý thức sanh chăng?”

Đáp:

“Đúng như vậy.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Nếu ý duyên pháp mà ý thức sanh; nhân này, duyên này là thường hay vô thường?”

Đáp:

“Là vô thường.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Hoặc nhân, hoặc duyên mà sanh ra ý thức; nhân này, duyên này là vô thường, biến dịch, vậy ý thức có trụ không?”

Đáp:

“Không.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Theo ý Tôn giả thế nào, pháp này hoặc sanh hay diệt có thể biết, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả A-nan, không.”

Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Thuần-đà:

“Cho nên, này Tôn giả, Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, đã nói, thức cũng vô thường.

“Giống như có người cầm rìu vào núi, thấy cây chuối, cho là có thể dùng được, liền chặt đứt gốc, tách bỏ lá, lột bẹ để tìm lõi của nó. Nhưng lột đến chỗ tận cùng vẫn không thấy chỗ nào chắc cả. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử quán sát chân chánh nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Khi quán sát chân chánh, không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm nhiễm; vì không có gì để đắm nhiễm nên tự mình chứng ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Khi hai vị Chánh sĩ kia nói pháp trên, cả hai đều hoan hỷ và mỗi vị trở về chỗ ở của mình.


KINH 249. CÂU-HI-LA (1)[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có những điều muốn hỏi, Tôn giả có thì giờ vì tôi mà giải thích được không?”

Tôn giả Xá-lợi-Phất nói:

“Tùy theo những gì Tôn giả hỏi, nếu tôi biết thì sẽ trả lời.”

Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có còn gì nữa không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả A-nan:

“Đừng hỏi rằng: ‘Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh, có còn gì nữa không?’”

Tôn giả A-nan lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không còn gì nữa chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời Tôn giả A-nan:

“Cũng đừng nên hỏi rằng: ‘Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không còn gì nữa chăng?’”

Tôn giả A-nan lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có vừa còn vừa không còn gì, vừa chẳng phải còn vừa chẳng phải chẳng còn gì chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời Tôn giả A-nan:

“Ở đây, cũng không nên hỏi rằng: ‘Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có vừa còn vừa không còn gì, vừa chẳng phải còn vừa chẳng phải chẳng còn gì chăng?’”

Tôn giả A-nan lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Như những gì Tôn giả đã nói, sáu xúc nhập xứ, sau khi đã bị đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không nên nói có, cũng không nên nói không, cũng không nên nói vừa có vừa không, cũng không nói chẳng phải có chẳng phải không. Vậy thì, những lời nói này có nghĩa gì?”

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo Tôn giả A-nan:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có còn gì chăng? Đây là những lời hư vọng. Hoặc không còn gì chăng? Đây cũng là lời hư vọng. Hoặc có và không còn gì chăng? Đây cũng là lời hư vọng. Hoặc chẳng phải có còn chẳng phải không còn gì chăng? Đây cũng là những lời hư vọng. Nếu nói, sáu xúc nhập xứ sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch diệt, thì xa lìa các hư ngụy, đạt được Niết-bàn. Đó là những lời dạy của Phật.”

Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ đều hoan hỷ và mỗi người trở về chỗ của mình.


KINH 250. CÂU-HI-LA (2)[49]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào, mắt kết buộc sắc[50], hay sắc kết buộc mắt? Tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp; ý kết buộc pháp hay pháp kết kết buộc ý?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, ở giữa hai cái đó, cái gì là dục tham thì cái đó là kết buộc.

“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, giống như hai con bò, một đen một trắng, cùng bị buộc vào một cái ách. Có người hỏi, ‘Bò đen buộc bò trắng hay bò trắng buộc bò đen?’ Hỏi như vậy có đúng không?”

Đáp:

“Không, Tôn giả Xá-lợi-phất, chẳng phải bò đen buộc bò trắng, cũng chẳng phải bò trắng buộc bò đen. Nhưng ở đây, hoặc là cái ách, hay là dây buộc cổ, là cái kết buộc chúng.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Cũng vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Ở đây dục tham kết buộc chúng. Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, nếu mắt kết buộc sắc, hay nếu sắc kết buộc mắt và cho đến, nếu ý kết buộc pháp, hay nếu pháp kết buộc ý, thì Thế Tôn đã không dạy người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ. Vì chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt và cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý, nên Đức Thế Tôn dạy người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ. Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, Thế Tôn khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu, không khởi dục tham; còn những chúng sanh khác khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu thì khởi dục tham. Cho nên Đức Thế Tôn nói hãy đoạn tận dục tham, thì tâm được giải thoát. Cho đến, ý và pháp lại cũng như vậy.”

Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ đều hoan hỷ, mỗi người trở về chỗ của mình.


KINH 251. CÂU-HI-LA (3)[51]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Là không biết. Không biết tức là vô minh. Không biết cái gì? Không biết như thật mắt là vô thường; đó gọi là không biết. Không biết như thật mắt là pháp sanh diệt, đó gọi là không biết. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Như vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đối với sáu xúc nhập xứ này mà không như thật thấy, biết, không vô gián đẳng[52], ngu si, không sáng, tối tăm, đó gọi là vô minh.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là minh, vậy thế nào là minh?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Là biết. Biết tức là minh. Biết những gì? Mắt là vô thường, nên biết như thật mắt là vô thường; mắt là pháp sanh diệt, nên biết như thật mắt là pháp sanh diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đối với sáu xúc nhập xứ này mà như thật biết, thấy, sáng tỏ, giác ngộ, có trí tuệ, có vô gián đẳng, đó gọi là minh.”

Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ đều tùy hỷ, mỗi người trở về chỗ của mình.


KINH 252. ƯU-BA-TIÊN-NA[53]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà thành Vương xá. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là Ưu-ba-tiên-na ở trong khu Hàn lâm[54], giữa bãi tha ma, dưới chân núi Xà-đầu, hành xứ Ca-lan-đà tại thành Vương xá[55]. Bấy giờ Tôn giả Ưu-ba-tiên-na đang ngồi thiền một mình trong hang đá, có một con rắn rất độc, dài khoảng một thước, từ trên phiến đá rơi xuống trên người Ưu-ba-tiên-na. Ưu-ba-tiên-na gọi Tôn giả Xá-lợi-phất đi nói với các Tỳ-kheo:

“Có con rắn độc rơi xuống trên người tôi. Thân tôi đang bị trúng độc. Các ông hãy đến nhanh lên, khiêng người tôi ra để bên ngoài, chớ để người tôi hủy hoại như một đống trấu nát.”

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới bóng cây gần đó, nghe Ưu-ba-tiên-na nói, liền đến chỗ Ưu-ba-tiên-na nói với Ưu-ba-tiên-na:

“Nay nhìn sắc tướng của thầy, tôi thấy các căn vẫn bình thường không đổi khác, mà nói là trúng độc, nhờ ‘khiêng người tôi ra để bên ngoài, chớ để người tôi hủy hoại như một đống trấu.’ Vậy thì rốt cuộc là thế nào?”

Ưu-ba-tiên-na nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Nếu ai đó nói, ‘Con mắt là tôi, là của tôi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là tôi, là của tôi. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là tôi, là của tôi. Địa giới là tôi, là của tôi. Nước, lửa, gió, không, thức giới là tôi, là của tôi; đối với sắc ấm, chấp sắc ấm là tôi, là của tôi. Thọ, tưởng, hành, thức ấm là tôi, là của tôi. Với người đó, sắc mặt và các căn có thể biến đổi khác đi. Nhưng hiện tại tôi không như vậy. Mắt không phải là tôi, là không phải của tôi, cho đến, thức ấm không phải tôi, không phải của tôi, vì vậy cho nên sắc mặt và các căn không có biến đổi khác đi.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Như vậy, này Ưu-ba-tiên-na, nếu thầy vĩnh viễn xa lìa ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử, khiến đoạn tận gốc rễ của chúng như chặt ngọn cây đa-la, thì đối với đời vị lai vĩnh viễn không khởi lên trở lại, vậy làm sao sắc mặt và các căn biến đổi khác đi được?”

Rồi thì, Tôn giả Xá-lợi-phất liền đi vòng qua dìu thân Tôn giả Ưu-ba-tiên-na ra khỏi hang. Thân người bị trúng độc của Tôn giả Ưu-ba-tiên-na đang hủy hoại như một đống trấu nát.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói kệ:

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu tám Thánh đạo,

Hoan hỷ xả bỏ thân,

Giống như vất bát độc.

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu tám Thánh đạo,

Hoan hỷ xả bỏ thân,

Như người bệnh hết bệnh.

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu tám Thánh đạo,

Như ra khỏi nhà lửa,

Lúc chết không lo tiếc.

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu tám Thánh đạo,

Dùng tuệ quán thế gian,

Giống như cây cỏ thối,

Không còn mong gì nữa,

Cũng không tiếp tục nữa.

Sau khi cúng dường thi thể Tôn giả Ưu-ba-tiên-na xong, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ưu-ba-tiên-na bị con rắn nhỏ cực độc bằng chiếc thẻ tre trị mắt, rơi xuống trên người và thân thể Tôn giả hủy hoại như đống trấu nát.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu Ưu-ba-tiên-na tụng bài kệ này, thì sẽ không trúng độc và thân thể cũng không bị hủy hoại như đống trấu nát được.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, tụng những bài kệ nào và văn cú của nó ra sao?”

Phật liền vì Xá-lợi-phất đọc kệ:

Thường thường thương xót chúng,

Kiên cố Lại-tra-la,

Thương Y-la-bàn-na,

Thi-bà-phất-đa-la,

Khâm-bà-la thượng mã,

Cũng thương Ca-câu-tra.

Cùng Cù-đàm đen kia,

Nan-đà, Bạt-nan-đà,

Thương xót loài không chân,

Và cả loài hai chân,

Bốn chân, cùng nhiều chân,

Cũng khởi lòng thương xót.

Thương xót các loài rồng,

Trên đất liền, dưới nước,

Thương tất cả chúng sanh,

Dễ sợ, không dễ sợ[56].

An vui cho tất cả,

Cũng lìa sanh phiền não,

Muốn cho tất cả hiền,

Tất cả chớ sanh ác,

Thường ở núi Xà-đầu,

Các ác không nhóm hợp.

Rắn hung hại ác độc,

Thường hại mạng chúng sanh,

Như lời chân thật này,

Đại Sư vô thượng dạy.

Nay Ta tụng kệ này,

Lời Đại Sư chân thật,

Tất cả các ác độc,

Không thể hại thân ta.

Tham dục, sân, nhuế, si,

Ba độc của thế gian,

Như ba ác độc này,

Vĩnh trừ gọi Phật bảo.

Pháp bảo diệt các độc,

Tăng bảo cũng hoàn toàn,

Phá hoại ác hung độc,

Nhiếp thủ hộ người lành,

Phật phá tất cả độc,

Nay vì phá rắn độc,

Nên nói chú thuật này.

Ô-đam-bà-lệ, đam-bà-lệ, đam-lục, ba-la-đam-lục, nại-tí, túc-nại-tí, chỉ-bạt-tí, văn-na-di, tam-ma-di, đàn-đế, ni-la-chỉ-thí, bà-la-câu-bế-ô-lệ, ô-ngu-lệ, tất-bà-ha[57].

“Này Xá-lợi-phất, nếu lúc ấy thiện gia nam tử Ưu-ba-tiên-na mà đọc bài kệ này, tụng những câu này, thì chắc chắn rắn độc không rơi trúng người và thân thể cũng không hủy hoại như đống trấu nát.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ưu-ba-tiên-na chưa từng nghe bài kệ này, chưa từng nghe những câu chú thuật này. Hôm nay Thế Tôn mới nói nó, mục đích chính là vì đời sau.”

Sau khi nghe Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất hoan hỷ, làm lễ rồi lui.


KINH 253. TỲ-NỮU CA-CHIÊN-DIÊN[58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Ưu-đà-di[59] đi qua nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến thôn Câu-bàn-trà[60], trú trong vườn Am-la của nữ Bà-la-môn dòng họ Tỳ-nữu Ca-chiên-diên.

Bấy giờ có những người đệ tử nhỏ tuổi của nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thị[61] đi nhặt củi trong vườn Am-la, thấy Tôn giả Ưu-đà-di đang ngồi dưới bóng cây, tướng mạo đoan chánh, các căn vắng lặng, tâm ý an trụ, thành tựu sự điều phục bậc nhất; thấy vậy bèn đến chỗ ngài, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đà-di vì các thiếu nữ, bằng nhiều hình thức, thuyết pháp, khích lệ họ xong, rồi im lặng. Sau khi nghe Tôn giả dạy, các thiếu niên tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Các thiếu nữ vác củi trở về chỗ nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thị, đặt củi xuống đất, rồi đến chỗ nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thị, thưa:

“Hòa thượng ni của chúng con biết cho, trong vườn Am-la có Sa-môn Ưu-đà-di, dòng họ Cù-đàm đang ở nơi đó và nói pháp rất hay.”

Nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thị bảo các thiếu nữ:

“Các con hãy đến đó mời Sa-môn Ưu-đà-di dòng họ Cù-đàm ngày mai đến đây dùng cơm.”

Bấy giờ, các đệ tử thiếu nữ vâng lời nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên đến chỗ Tôn giả Ưu-đà-di bạch:

“Tôn giả biết cho, nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên, Hòa thượng của chúng con, mời Tôn giả ngày mai đến dùng cơm.”

Bấy giờ, Ưu-đà-di im lặng nhận lời. Các thiếu nữ biết Tôn giả Ưu-đà-di đã nhận lời mời rồi, trở về chỗ nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên, thưa:

“Bạch Hòa thượng ni, chúng con đã vâng lời Hòa thượng ni mời Tôn giả Ưu-đà-di và Tôn giả Ưu-đà-di đã im lặng nhận lời mời rồi, xin Hòa- thượng-ni biết cho.”

Qua khỏi đêm, sáng hôm sau, Tôn giả Ưu-đà-di đắp y mang bát đến nhà nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên. Nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên từ xa trông thấy Tôn giả Ưu-đà-di lại, vội vàng trải giường chõng mời ngồi; dọn các thứ đồ ăn thức uống ra, tự tay mình cúng dường các món ngon đầy đủ. Sau khi ăn xong, rửa tay, rửa bát, rồi trở lại chỗ ngồi. Bấy giờ, nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên biết Tôn giả đã ăn xong, bà mang một đôi giầy tốt, lấy vải phủ đầu, để riêng một cái ghế cao, tỏ vẻ khinh thường, ngạo mạn mà ngồi và nói với Tôn giả Ưu-đà-di:

“Tôi có điều muốn hỏi, ngài có rảnh để trả lời cho không?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Thưa chị, hôm nay không phải lúc.”

Nói như vậy xong, Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sáng hôm sau các đệ tử lại đến vườn Am-la nhặt củi và nghe pháp và trở về lại bạch với Hòa thượng ni. Hòa thượng ni lại sai đi mời Tôn giả thọ trai. Ba lần như vậy đến thỉnh pháp, vẫn trả lời là chưa đúng lúc, mà không nói pháp. Các đệ tử thiếu niên lại bạch Hòa thượng ni:

“Ở trong vườn Am-la Sa-môn Ưu-đà-di nói pháp rất hay.”

Hòa thượng ni nói:

“Ta cũng biết là ông ấy nói pháp rất hay. Nhưng qua ba lần mời đến cúng dường và hỏi pháp, luôn luôn bảo là chưa đúng lúc, không nói mà bỏ đi.”

Các đệ tử thưa:

“Hòa thượng ni mang giầy tốt, dùng vải che đầu, ngồi không cung kính, thì Tôn giả này làm sao nói được. Vì sao? Vì Tôn giả Ưu-đà-di này rất cung kính pháp nên không nói mà bỏ đi.”

Hòa thượng ni bảo:

“Nếu như vậy thì nên vì ta mời lại Tôn giả đi.”

Các đệ tử vâng lời dạy, thỉnh cúng dường trở lại như trước.

Bấy giờ, Hòa thượng ni biết Tôn giả đã ăn uống xong xuôi, bà ta liền cởi giầy, sửa lại quần áo, ngồi xuống một chiếc ghế thấp, cung kính bạch:

“Tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh mà trả lời cho không?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Hôm nay, chị cứ hỏi, tôi sẽ nói cho chị nghe.”

Cô ta liền hỏi:

“Có Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Khổ vui là do mình tự tạo.’ Hoặc lại có người nói: ‘Khổ vui là do người khác tạo.’ Hoặc lại có người nói: ‘Khổ vui là do tự mình tạo và người khác tạo.’ Hoặc có người nói: ‘Khổ vui chẳng phải do mình tạo cũng chẳng do ngưới khác tạo[62].’ Vậy theo Tôn giả thì thế nào?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Này chị, A-la-ha[63] nói khổ vui phát sanh bằng cách khác, chứ không phải nói như vậy.”

Nữ Bà-la-môn lại hỏi:

“Nghĩa ấy như thế nào?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“A-la-ha nói, từ nhân duyên các khổ và lạc sanh.”

Tôn giả Ưu-đà-di lại nói với nữ Bà-la-môn:

“Bây giờ tôi hỏi chị, tùy ý mà trả lời tôi. Ý chị nghĩ sao, có mắt không?”

Đáp:

“Bạch có.”

“Có sắc không?”

Đáp:

“Bạch có.”

“Có nhãn thức, nhãn xúc và các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc không?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả Ưu-đà-di, có như vậy.”

Tôn giả Ưu-đà-di lại hỏi:

“Có tai, mũi, lưỡi, thân, ý, các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc không?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả Ưu-đà-di, có như vậy.”

Tôn giả Ưu-đà-di nói:

“Đó là điều mà các A-la-ha nói, từ nhân duyên khổ vui sanh.”

Nữ Bà-la-môn bạch Tôn giả Ưu-đà-di:

“A-la-ha nói, từ nhân duyên khổ vui sanh, là như vậy chăng?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Nữ Bà-la-môn, đúng như vậy.”

Nữ Bà-la-môn lại hỏi:

“Bạch Sa-môn, A-la-ha nói như thế nào, từ nhân duyên khổ vui, không khổ không vui diệt?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Bây giờ tôi hỏi chị, cứ tùy ý mà trả lời tôi. Này nữ Bà-la-môn, khi tất cả mắt, tất cả thời, diệt không còn gì, bấy giờ còn tồn tại chăng các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn, không.”

“Cũng vậy, khi tai, mũi, lưỡi, thân, ý và tất cả thời cũng diệt tận vĩnh viễn không còn gì hết, thì bấy giờ còn tồn tại chăng các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc?”

“Bạch Sa-môn, không.”

“Như vậy, này nữ Bà-la-môn, đó là điều mà bậc A-la-ha nói, từ nhân duyên khổ vui, không khổ không vui diệt.”

Khi Tôn giả Ưu-đà-di nói pháp này, nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên xa lìa trần cấu, được con mắt pháp thanh tịnh.

Bấy giờ, nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên, thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, vượt qua khỏi mọi nghi hoặc không do ai khác; thâm nhập vào giáo pháp của Phật, đối với pháp đạt được vô sở úy, từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, cung kính chắp tay bạch Tôn giả Ưu-đà-di:

“Hôm nay, con quyết định, ngay từ bây giờ con xin qui y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ nay cho đến suốt đời con xin quy y Tam bảo.”

Lúc bấy giờ Tôn giả Ưu-đà-di vì nữ Bà-la-môn nói pháp, soi sáng, chỉ bày, dạy bảo, làm cho vui vẻ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.


KINH 254. NHỊ-THẬP-ỨC-NHĨ[64]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà thành Vương xá. Bấy giờ có Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ[65] ở núi Kỳ-xà-quật, thường tinh tấn chuyên cần tu tập pháp Bồ-đề phần. Rồi Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ một mình lặng lẽ thiền tư và nghĩ rằng: “Ở trong hàng đệ tử Thanh văn tinh tấn chuyên cần của Đức Thế Tôn, thì ta có trong số đó. Nhưng hôm nay ta chưa diệt tận được các lậu. Ta là người thuộc dòng quý tộc, có nhiều của cải quí báu, nay thà hoàn tục để hưởng thọ ngũ dục, rồi làm phước, bố thí rộng rãi còn tốt hơn nhiều.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của Nhị-thập-ức-nhĩ nên bảo một Tỳ-kheo:

“Ngươi hãy đến chỗ Nhị-thập-ức-nhĩ bảo là Thế Tôn cho gọi.”

Tỳ-kheo này vâng lời Phật dạy đến chỗ Tỳ-kheo Nhị-thập-ức-nhĩ, nói rằng:

“Đức Thế Tôn cho gọi thầy.”

Nhị-thập-ức-nhĩ nghe Tỳ-kheo kia bảo là Đại Sư gọi, liền đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

“Có thật ngươi ở một mình lặng lẽ thiền tư và nghĩ rằng: ‘Ở trong hàng Thanh văn đệ tử tinh tấn chuyên cần của Đức Thế Tôn, thì ta có trong số đó. Nhưng mãi đến hôm nay ta vẫn chưa diệt tận được các lậu. Ta là người thuộc dòng dõi quý tộc, có nhiều của cải quí báu, ta thà hoàn tục để hưởng thọ ngũ dục, rồi làm phước, bố thí rộng rãi.’ Có phải không?”

Khi ấy, Nhị-thập-ức-nhĩ nghĩ rằng: ‘Thế Tôn đã biết tâm ta.’ Vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, lông dựng đứng, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thật như vậy.”

Phật bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

“Nay Ta hỏi ngươi, ngươi cứ theo ý mình mà trả lời cho Ta. Này Nhị-thập-ức-nhĩ, khi ngươi còn ở ngoài đời, ngươi đàn hay lắm phải không?”

“Bạch, đúng vậy.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Theo ý ngươi thì thế nào, khi ngươi khảy đàn, nếu sợi dây của nó căng quá, thì âm thanh có hòa nhã và vi diệu không?”

“Bạch, không.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Thế nào, nếu sợi dây của nó chùng quá, thì âm thanh có phát ra hòa nhã và vi diệu không?”

“Bạch, không.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Thế nào, nếu biết điều chỉnh sợi dây đàn không căng quá cũng không chùng quá, thì sau đó mới phát ra âm thanh hòa nhã, vi diệu phải không?”

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

Phật bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

“Người nào tinh tấn thái quá thì sẽ tăng thêm điệu hối, còn người thiếu tinh tấn quá thì sẽ sanh ra giải đãi. Cho nên, ngươi phải bình đẳng trong tu tập và nhiếp thọ, không đắm nhiễm, không buông lung, không chấp tướng.”

Sau khi được Thế Tôn dạy, Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ luôn luôn nghĩ về thí dụ cây đàn cầm của Đức Thế Tôn đã nói. Tôn giả một mình lặng lẽ thiền tư, như trên đã nói, cho đến các lậu được diệt hết, tâm được giải thoát, thành A-la-hán. Rồi Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ đạt được A-la-hán, bên trong có cảm giác hỷ lạc giải thoát và tự nghĩ: ‘Nay ta nên đến thăm viếng Đức Thế Tôn.’ Và Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ liền đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, trong pháp của Thế Tôn, đạt được A-la-hán, đoạn tận các lậu, việc cần làm đã làm xong, rời bỏ gánh nặng, đạt được mục đích của mình, dứt sạch các hữu kết, chánh trí tâm giải thoát. Ngay lúc đó được sáu xứ giải thoát[66]ù. Những gì sáu? Đó là: ly dục giải thoát, lìa nhuế giải thoát, viễn ly giải thoát, ái tận giải thoát, các thủ giải thoát, tâm không xao lãng giải thoát.

“Bạch Thế Tôn, nếu có người nào dựa vào một ít tín tâm mà bảo là ly dục[67] giải thoát, thì điều này không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật ly dục giải thoát.

“Nếu có người nào lại chỉ dựa vào một ít việc trì giới mà bảo rằng ta được lìa nhuế giải thoát, thì điều này cũng không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật giải thoát.

“Nếu có người nào lại chỉ dựa vào sự tu tập để có lợi dưỡng mà bảo là đã viễn ly[68] giải thoát, thì điều này cũng không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật xa lìa được giải thoát.

“Đoạn tận được tham, nhuế, si, cũng gọi là lìa ái, cũng là lìa thủ, cũng gọi là lìa xao lãng[69] giải thoát.

“Như vậy, bạch Thế Tôn, nếu các Tỳ-kheo chưa được La-hán, chưa đoạn tận các lậu, thì đối với sáu xứ này không được giải thoát.

“Lại nếu có Tỳ-kheo nào, còn ở nơi học địa, chưa được Niết-bàn an lạc tăng thượng, mà tu tập hướng về an trụ tâm, bấy giờ thành tựu được học giới, thành tựu được học căn và sau đó lậu hoặc sẽ được đoạn hết, được vô lậu tâm giải thoát, cho đến… ‘tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ngay lúc bấy giờ được vô học giới, được vô học các căn. Như đứa trẻ mới sinh ngu ngơ, còn nằm ngửa, sau đó một thời gian các căn của đứa bé mới được thành tựu và từ từ tăng trưởng; bấy giờ mới thành tựu được các căn của người lớn. Người còn ở tại học địa lại cũng như vậy, khi chưa được an lạc tăng thượng và cho đến, thành tựu vô học giới, vô học các căn.

“Nếu mắt thường phân biệt sắc, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý an trụ chắc chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát và quán sát sanh diệt, cho đến vô thường. Tai phân biệt âm thanh, mũi phân biệt mùi hương, lưỡi phân biệt vị, thân phân biệt xúc chạm, ý phân biệt pháp trần, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý đã an trụ chắc chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát, cùng quán sát sanh diệt. Như núi đá lớn ở gần thôn ấp, không chẻ đứt, không đập vỡ, không đục thủng nó được, vì núi đá dày đặc; giả sử như có gió bốn phương thổi đến thì cũng không làm cho nó lay động được, không thể xuyên thủng qua được. Người vô học kia cũng lại như vậy, mắt thường phân biệt sắc, cho đến ý thường phân biệt pháp trần, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý đã an trụ chắc chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát, cùng quán sát sanh diệt.”

Bấy giờ, Nhị-thập-ức-nhĩ lập lại bằng bài kệ:

Ly dục, tâm giải thoát,

Không nhuế thoát cũng vậy;

Viễn ly, tâm giải thoát,

Tham ái quyết không còn.

Tâm giải thoát các thủ,

Và ý không mất niệm,

Rõ ràng nhập xứ sanh,

Ở kia tâm giải thoát.

Người kia tâm giải thoát,

Tỳ-kheo ý dừng nghỉ,

Đã làm những gì cần,

Không còn việc để làm.

Giống như núi đá lớn,

Gió bốn phương không động,

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Và những pháp tốt xấu,

Thường đối sáu nhập xứ,

Không lay động tâm mình,

Tâm thường trụ vững chắc,

Quán sát pháp sanh diệt.

Khi Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ nói bài kệ này, tâm Đại Sư hoan hỷ. Các vị phạm hạnh có học nghe những gì Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ nói cũng đều rất hoan hỷ.

Khi Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ nghe Đức Phật nói pháp, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Sau khi biết Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ đi không lâu, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Người có tâm khéo giải thoát, nên tuyên bố như vậy, giống như Nhị-thập-ức-nhĩ đã bằng trí tuệ mà tuyên bố, không phải tự cao, cũng không phải coi rẻ người, nói đúng nghĩa của nó, không phải như những người tăng thượng mạn, không đạt được nghĩa của nó, mà tự khen ngợi mình được pháp hơn người, để tự mình phải chuốc lấy tổn giảm.”


KINH 255. LỖ-HÊ-GIÀ[70]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên trú tại hang A-luyện-nhã, trong thôn Di hầu, bên cạnh sông Thấp-ma-đà, nước A-bàn-đề[71]. Có Bà-la-môn Lỗ-hê-giá[72], cung kính phụng sự theo pháp của một La-hán.

Bấy giờ là sáng sớm, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đắp y mang bát vào thôn Di-hầu-thất, theo thứ tự khất thực, khất thực xong trở về, cất y bát, rửa chân rồi, vào thất ngồi thiền.

Khi ấy có các đệ tử thiếu niên của Bà-la-môn Lỗ-hê-giá đi nhặt củi, đến bên cạnh hang của Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, cùng nhau cười đùa nói: “Có Sa-môn trọc đầu đang ở trong này. Ông là người đen đủi, chẳng phải là hạng người đáng tôn quý, nhưng Bà-la-môn Lỗ-hê-giá lại tôn trọng cúng dường, đúng như pháp La-hán?” Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo các thiếu niên:

“Này các cậu trẻ, các cậu chớ làm ồn!”

Các thiếu niên này trả lời:

“Chúng con không dám nói nữa.”

Qua ba lần như vậy, chúng vẫn nói mãi. Lúc này Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên phải ra ngoài cửa nói với các thiếu niên:

“Này các cậu trẻ, các cậu đừng làm ồn nữa. Bây giờ, ta sẽ vì các cậu mà nói pháp, các cậu hãy lắng nghe.”

Các thiếu niên nói:

“Vâng ạ, xin ngài giảng pháp cho, chúng con sẽ lắng nghe và lãnh thọ.”

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên liền nói bài kệ:

Bà-la-môn xưa kia,

Tu tập giới thắng diệu,

Được sanh trí túc mạng,

An vui thiền chân thật,

Thường ở trong từ bi,

Đóng hết cửa các căn,

Điều phục lỗi về miệng,

Xưa kia hành như vậy.

Bỏ gốc hành chân thật,

Mà giữ việc hư dối,

Giữ tộc tánh buông lung,

Theo căn duyên sáu cảnh,

Đói khát ở gò mả,

Tắm ba (lần), tụng ba kinh,

Không giữ gìn cửa căn,

Giống như mộng được báu.

Bện tóc, khoác áo da,

Giới trộm, mình trét tro,

Áo thô dùng che hình,

Chống gậy mang bình nước,

Giả hình Bà-la-môn,

Vì tìm cầu lợi dưỡng.

Khéo nhiếp hộ thân mình,

Lắng sạch lìa trần cấu,

Không não hại chúng sanh,

Là đạo Bà-la-môn.

Bấy giờ, các thiếu niên Bà-la-môn, lòng sân hận không vui, bảo Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên là đã hủy báng kinh điển họ, hủy hoại những gì kinh điển đã nói và nhục mạ Bà-la-môn, rồi ôm củi trở về chỗ Bà-la-môn Lỗ-hê-giá, tâu lại với Bà-la-môn Lỗ-hê-giá rằng:

“Hòa thượng biết không, ông Ma-ha Ca-chiên-diên phỉ báng kinh điển ta, dùng lời lẽ chê bai, mạ nhục Bà-la-môn.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá nói với các thiếu niên:

“Các con chớ nói những lời như vậy. Vì sao? Vì ngài Ma-ha Ca-chiên-diên giữ trọng giới đức, không lý lại đi hủy báng kinh điển ta, dùng lời lẽ chê bai, mạ nhục Bà-la-môn?”

Các thiếu niên bạch:

“Nếu Hòa thượng không tin những lời của chúng con, thì nên tự mình đến đó xem sao?”

Khi ấy Bà-la-môn Lỗ-hê-giá không tin những lời nói của các thiếu niên, liền đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, cùng nhau thăm hỏi sức khỏe rồi, ngồi lui qua một bên, bạch với ngài Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Các đệ tử thiếu niên của tôi có đến đây không?”

Đáp:

“Có đến đây.”

“Ngài có nói chuyện ít nhiều gì với chúng không?”

Đáp:

“Có cùng với chúng nói chuyện.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá bạch:

“Ngài đã cùng với các thiếu niên nói chuyện, vậy nay ngài có thể vì tôi mà nói lại hết mọi chuyện.”

Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên liền kể lại đầy đủ câu chuyện.

Khi ấy, Bà-la-môn Lỗ-hê-giá cũng nổi sân nhuế, tâm không vui, nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Trước đây, tôi không tin những lời của bọn trẻ, nhưng bây giờ thì đích thật là ngài đã phỉ báng kinh điển tôi, nói những lời lẽ chê bai và mạ nhục Bà-la-môn.”

Ngừng một lát, ông lại nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Nhân giả đã nói về cửa. Vậy cái gì là cửa?”

Ma-ha Ca-chiên-diên nói:

“Lành thay, lành thay, Bà-la-môn! Điều ông hỏi là đúng pháp. Nay tôi sẽ vì ông mà nói về cửa. Này Bà-la-môn, mắt là cửa, vì nó thấy sắc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là cửa, vì nó nhận thức pháp.”

Bà-la-môn nói:

“Kỳ diệu thay, ngài Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về cửa thì ngài liền nói về cửa. Như những gì ngài đã nói, không giữ gìn cửa. Vậy thế nào là không giữ gìn cửa?”

Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên nói:

“Lành thay, lành thay, Bà-la-môn! Ông đã hỏi về việc không giữ gìn cửa, là câu hỏi đúng pháp. Bây giờ tôi sẽ ông nói về việc không giữ gìn cửa. Này Bà-la-môn, kẻ phàm phu ngu si không học, khi mắt thấy sắc rồi, nếu là sắc đáng nhớ thì khởi tâm duyên vào đắm nhiễm; nếu là sắc không đáng nhớ thì khởi tâm sân nhuế, không an trụ vào thân niệm xứ, nên đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không biết như thật, ở nơi đó khởi lên các thứ pháp ác bất thiện, không đạt được Vô dư Niết-bàn, đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát có phương hại, không được đầy đủ. Vì tâm giải thoát, tuệ giải thoát không đầy đủ, nên thân dẫy đầy những ác hạnh, không dừng nghỉ, tâm không được tịch tĩnh. Vì nó không tịch tĩnh nên đối với các căn nó không điều phục, không giữ gìn, không tu tập. Như mắt và sắc, tai và âm thanh, mũi và mùi hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp cũng lại như vậy.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá nói:

“Kỳ diệu thay, kỳ diệu thay, ngài Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về việc không giữ gìn cửa, thì ngài liền vì tôi nói về việc không giữ gìn cửa. Vậy, bạch ngài Ma-ha Ca-chiên-diên, thế nào gọi là việc khéo giữ gìn cửa?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói với Bà-la-môn:

“Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi tôi về việc khéo giữ gìn cửa. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Tôi sẽ vì ông mà nói về nghĩa khéo giữ gìn. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật khi mắt thấy sắc rồi, đối với sắc đáng nhớ thì không khởi lên tâm duyên vào đắm nhiễm; đối với sắc không đáng nhớ, thì không khởi lên tâm sân nhuế, thường nhiếp tâm mình, an trụ vào thân niệm xứ, vô lượng tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Những pháp ác bất thiện khởi lên ở nơi đó, thì hoàn toàn dứt bặt, đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát thì được đầy đủ. Do đã giải thoát đầy đủ rồi nên những ác hạnh của thân xúc tất cả đều được dừng nghỉ, tâm đạt được chánh niệm. Đó gọi là cửa đầu tiên của việc khéo điều phục giữ gìn trong lúc tu tập. Như mắt và sắc, đối với tai và âm thanh, mũi và mùi hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp lại cũng như vậy.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá nói:

“Kỳ diệu thay, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về nghĩa giữ gìn cửa, ngài liền vì tôi nói về nghĩa giữ gìn cửa. Giống như người tìm cỏ thuốc độc mà lại được cam lộ; nay tôi cũng như vậy, ôm lòng sân nhuế đến ngồi nơi đây, mà lại được ngài dùng mưa pháp rưới lên thân tôi như mưa cam lộ. Bạch Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, tôi đang bận nhiều công việc tại nhà, xin phép ngài tôi cáo từ.”

Tôn giả Ma ha Ca-chiên-diên nói:

“Bà-la-môn, nên biết đúng thời.”

Sau khi nghe những gì Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, Bà-la-môn hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.


Chú thích:

[1].    Pāli, S. 35. 65-68. Samiddhi.

[2].    Thi thiết thế gian 施設世間, giả thiết hay khái niệm về thế gian. Pāli: lokapaññatti.

[3].    Pāli, xem kinh 230; tham chiếu, S. 35. 82. Loka.

[4].    Nguy thúy bại hoại 危脆敗壞: mong manh, giòn, dễ tan vỡ. Pāli: lujjati; xem cht.5 dưới.

[5].    Pāli, S. 35. 82. Loka, câu này Phật trả lời cho một Tỳ-kheo (aññataro bhikikhu): lujjatī ‘ti kho, bhikkhu, tamsā lokoti vuccati, nó bị tan vỡ, do đó nó được gọi là thế gian. Theo định nghĩa này, danh từ loka (thế gian) là do gốc động từ lujjati (tan vỡ, vì quá giòn, hay mong manh).

[6].    Pāli, S. 35. 65-85. Suñña.

[7].    Hán: thế gian không 世間空. Pāli: suñño loko. Trong bản Pāli, câu hỏi này do Ānanda.

[8].    Pāli, S. 35. 85: cakkhuṃ suññaṃ attena vā attaniyena vā, con mắt trống không, không ngã hay ngã sở.

[9].    Pāli, S. 35. 107. Loka.

[10].   Đương lai hữu ái 當來有愛; Pāli: taṇhā ponobhavikā, khát ái về đời sống tương lai, khát vọng tồn tại đời sau.

[11].   Pāli, S. 35. 116. Lokakāmaguṇa (phẩm chất dục lạc của thế gian).

[12].   Pāli: nāhaṃ, bhikkhave, gamanena lokassa antaṃ ñāteyyaṃ, daṭṭheyyaṃ, patteyyaṃ vadāmi, Ta không nói rằng, do đi mà có thể đến và thấy và biết tận cùng biên tế của thế giới.

[13].   Pāli: yena āvusao lokasmiṃ lokasaññī hoti lokamānī – ayaṃ vuccati ariyassa vinaye loko, cái mà do bởi nó người có khái niệm về thế gian, có suy tưởng về thế gian, cái đó trong Thánh pháp luật được gọi là thế gian (= thế giới).

[14].   Thế gian sở trọng 世間所重.

[15].   Trí Thế Gian 知世間, tức Thế Gian Giải, một trong mười hiệu của Phật.

[16].   Cận trụ 近住, đây hiểu là nội trú: đệ tử hầu cạnh thầy. Pāli, S. 35. 150. Antevāsī.

[17].   Pāli: santevāsiko, bhikkhave, bhikkhu sācariyako dukkhaṃ na phāsu viharati. Anantevāsiko, bhikkhave, bhikkhu anācariyako sukhaṃ phāsu viharati, Tỳ-kheo có đệ tử nội trú, có thầy, sống không thoải mái. Tỳ-kheo không đệ tử nội trú, không thầy, sống an lạc.

[18].   Ác bất thiện giác 惡不善覺. Pāli: pāpakā akusalā dhammā sarasaṅkappā saṃyojaniyā, các pháp ác bất thiện được tưởng nhớ, được ước vọng, dẫn đến sự trói buộc.

[19].   Hán: hữu sư 有師. Pāli: sācariyako, người có thầy: samudācaranti naṃ pāpakā akusalā dhammāti, tasmā sācariyakoti vuccati, các pháp ác bất thiện dẫn nó đi, nên nó được nói là người có thầy.

[20].   Hán: cận trụ đệ tử 近住弟子. Pāli: antevāsa, đệ tử nội trú.

[21].   An trụ nơi sự thanh tịnh của khất thực; sống với sự khất thực thanh tịnh. Pāli, M. 151. Piṇḍapātapārisuddhi-sutta. Cf. №125 (45.6).

[22].   Pāli: suññatāvihārena kho ahaṃ bhante etarahi bahulaṃ vihārāmī ti, bạch Thế Tôn, ở đây con phần nhiều an trú bằng sự an trụ nơi không tánh.

[23].   Pāli: mahāpurisavihāro eso, sāriputta, yadidaṃ suññaṃ, đây là sự an trụ của bậc Đại nhân, này Sariputta, đó là an trụ không.

[24].   Pāli, S. 35. 124. Vesāli.

[25].   Úc-cù-lũ 郁瞿婁. Pāli: Ugga (Úc-già).

[26].   Kết 結, hay kết sử 結使 chỉ sự trói buộc của phiền não. Pāli, S.35. 109, 122. Saṃyojana.

[27].   Kết sở hệ pháp, kết pháp 結所繫法, pháp bị trói buộc bởi kết sử và kết sử. Pāli: saṃyojaniye dhamme, saṃyojanaṃ.

[28].   Dục tham 欲貪. Pāli: chandarāgo.

[29].   Pāli, S. 35. 110, 123. Upādāna.

[30].   Thiêu nhiệt 燒熱, hay xí nhiên 熾然: rực cháy; ngọn lửa đang bùng cháy. Pāli, S. 35. 194. Ādittena.

[31].   Pāli: sottaṃ kho… vañjhaṃ jīvitānaṃ… aphalaṃ jīvitānaṃ… momūhaṃ jīvitānaṃ vadāmi: ngủ, Ta nói là sự không sanh sản của sinh mạng, là sự không kết trái của sinh mạng, là sự ngu mê của sinh mạng.

[32].   Pāli: na tveva tathārupe vitakke vitakkeyya, không tư duy tầm cầu những tư duy tầm cầu.

[33].   Bản Pāli: (…) saṅghaṃ bhindeyya, còn có thể khiến phá hòa hợp Tăng.

[34].   Pāli, S. 35. 111-112. Pajāna.

[35].   Pāli, S. 35. 15-18. Assādena, v.v…

[36].   Móc câu của ma. Pāli, S. 35. 114-115. Mārapāsa.

[37].   Pāli, S. 35. 189. Bālisika.

[38].   Câu-lưu-sấu Điều phục bác ngưu tụ lạc拘留搜調伏駁牛聚落, tức Pāli: Kurusu Kammāsadamma. Xem kinh 263 dưới.

[39].   Bảy năm. Pāli, S. 35. 24. Sattavassāni.

[40].   Bản Pāli: Phật trú tại Uruvela (Ưu-lâu-tần-loa), bên bờ sông Nerañjara (Ni-liên-thiền).

[41].   Bản Pāli: lúc bấy giờ, Ma Ba-tuần theo gót Thế Tôn suốt bảy năm.

[42].   Tập cận習近, Pāli: sevati, thân cận và phục vụ.

[43].   Tóm tắt mười bốn kinh.

[44].   Kê lâm viên 雞林園, cũng thường gọi là Kê viên. Pāli: Kukkuṭārāma.

[45].   Ba-tra-lợi Phất-đa-la quốc 波吒利弗多羅國, thường nói là Hoa thị thành. Pāli: Pātaliputta.

[46].   Đại Thuần-đà 大純陀. Em trai của ngài Xá-lợi-phất. Pāli: Mahā-Cunda.

[47].   Tham chiếu, S. 35. 193. Udāyi: Yatheva nu kho, āvuso ānanda, ayaṃ kāyo bhagavatā anekapariyāyena akkāto vivaṭo pakāsito – itipāyaṃ kāyo anttā ti sakkā evameva viññāṇaṃ pidaṃ ācikkhituṃ desetuṃ paññaoetuṃ paṭṭhapetuṃ vivarituṃ vibhajituṃ uttānīkātuṃ – itipidaṃ viññāṇaṃ anattā ti? Thế Tôn bằng nhiều phương tiện thuyết minh thân này, rằng thân này là vô ngã. Theo như vậy, thì có thể thuyết minh, hiển thị, phân biệt, làm sáng tỏ về thức này, rằng thức này là vô ngã, được chăng?

[48].   Pāli, A. 4. 174. Koṭṭhika.

[49].   Pāli, S. 35. 191. Koṭṭhika.

[50].   Nhãn hệ sắc, sắc hệ nhãn 眼繫色, 色繫眼. Pāli: kiṃ nu kho… cakkhu rūpānaṃ saṃyojanaṃ, rūpā cakhussa saṃyojanan ti: Mắt là kết sử của các sắc, hay các sắc là kết sử của mắt?

[51].   Pāli, A. 4. Koṭṭhika (hoặc Upavāṇa); M. 43. Mahāvedalla. Cf. №26 (211).

[52].   Tức không hiện quán, không lý giải chính xác.

[53].   Pāli, S. 35. 69. Upasena.

[54].   Hàn lâm 寒林, rừng lạnh, khu đất trống vất xác người chết, không thiêu. Pāli: sītavana.

[55].   Vương xá thành, Xà-đầu nham hạ Ca-lăng-già hành xứ 王舍城, 蛇頭巖, 迦陵伽行處. Pāli: rājagahe viharati sītavane sappasoṇḍikapabbhāre, trú Vương xá, trong rừng Lạnh, trong một hang đá trong núi Xà-đầu.

[56].   Bản Cao-ly: hữu lượng 有量 (lường được); Tống-Nguyên-Minh: hữu úy 有畏 (dễ sợ).

[57].   Chưa tìm thấy gốc tiếng Phạm.

[58].   Pāli, S. 35. 133. Verahaccāni.

[59].   Ưu-đà-di 優陀夷. Pāli: Udāyi.

[60].   Câu-tát-la quốc, Câu-bàn-trà tụ lạc 拘薩羅國, 至拘磐茶聚落. Pāi: kāmaiḍāyaṃ viharati todeyyassa brahmanassa ambavane, trú ở Kāmaṇḍa, trong vườn xoài của Bà-la-môn Todeyya.

[61].   Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thị Bà-la-môn ni 毘紐迦旃延氏婆羅門尼. Pāli: verahaccānigottāya brāhmaṇiyā, của Bà-la-môn ni dòng họ Verahaccāni.

[62].   Câu hỏi trong bản Pāli: kismiṃ nu kho bhante arahanto sukhadukkhaṃ paññapenti, kismiṃ asati arahanto sukhadukkhaṃ paññapenti, do cái gì tồn tại và cái gì không tồn tại, các A-la-hán tuyên bố về khổ và lạc?

[63].  A-la-ha 阿羅訶. Pāli: ārahā, tức A-la-hán; ở đây chỉ chung các bậc Thánh được tôn sùng, không phải riêng A-la-hán trong hàng Thanh văn của Phật.

[64].   Pāli, A. 6. 55. Soṇa.

[65].   Nhị-thập-ức-nhĩ 二十億耳. Pāli: Soṇa.

[66].   Giải thoát lục xứ 解脫六處. Pāli: cha ṭhānāni adhimutto hoti: nekkhammādhimutto, pavivekādhimutto, avyāpajjādhimutto, taṇhakkhayādhimutto, upādānakkhayādhimutto, asammohādhimutto, sáu thắng giải xứ, hay sáu trường hợp quyết tâm: quyết tâm xuất gia, quyết tâm viễn ly (sống cô độc), quyết tâm không sân, quyết tâm đoạn tận ái, quyết tâm diệt tận thủ, quyết tâm vô si.

[67].   Ly dục 離欲 ở đây chỉ xuất gia.

[68].   Viễn ly 遠離,  ở đây chỉ đời sống ẩn dật, xa lánh thế tục.

[69].   Thất niệm 失念, tức quên mất chánh niệm. Trong bản Pāli: asammoha, không si.

[70].   Pāli, S. 35. 132. Lohicca.

[71].   A-bàn-đề quốc, Thấp-ma-đà giang trắc, Di hầu thất A-luyện-nhã quật 阿磐提國, 濕摩陀江側, 獼猴室, 阿練若窟. Pāli: avantīsu viharati makkarakate araññakuṭikāyaṃ, trú tại Avanti, ngoài thị trấn Makkarakata (bản Hán đọc là Makkarakuṭikā), tại một thảo am trong khu rừng vắng (Pāli: araññakuṭikāyaṃ, bản Hán đọc là arññakūṭāyaṃ).

[72].   Lỗ-hê-giá 魯醯遮. Pāli: Lohicca.


Mục Lục Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 50 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 49 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 48 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 47 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 46 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 45 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 44 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 43 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 42 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 41 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 39 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 38 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 37 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 36 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 35 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 34 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 33 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 32 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 31 - Kinh Tạng