Kinh Thái Tử Mộ Phách

Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch

Bản Việt dịch của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

***

Như vậy tôi nghe:

Một thời Đức Phật ở tại vườn cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Thuở xưa có vua tên Ba-la-nại, vua có một thái tử tên Mộ Phách. Thái tử vô cùng thông minh, có tướng khôi ngô tuấn tú không ai sánh bằng. Phụ vương và mẫu hậu hết lòng chăm sóc, mong rằng lớn lên thái tử sẽ nối ngôi cha, nhưng đến năm mười ba tuổi thái tử vẫn không nói được.

Thái tử sống điềm đạm chí như tro lạnh, ý như cây khô, mắt không để ý đến sắc, tai không nghe âm thanh, trạng thái giống như người câm người mù, do đó phụ mẫu rất lo âu buồn khổ. Nhà vua nói với phu nhân:

-Bây giờ phải làm thế nào? Đứa con này sẽ khiến nước khác cười chê.

Phu nhân thưa:

-Chúng ta hãy cho mời thầy tướng đến để xem cho thái tử có thể nói được không?

Nhà vua cho mời thầy tướng số Bà-la-môn bảo xem tướng cho thái tử. Ông Bà-la-môn tâu:

-Người con này chẳng phải là người thế gian mà đó là một người mê hoặc kẻ khác. Bên ngoài trông tốt đẹp nhưng bên trong chất chứa bao điều xấu xa, làm hại nước diệt nòi, chẳng bao lâu nhà vua sẽ không nuôi dưỡng được. Đại vương nên đem thái tử chôn sống mà giết cho rồi. Nếu không trừ diệt người con này thì quốc gia và dòng dõi sẽ bị tiêu vong.

Nhà vua nói với phu nhân:

-Bây giờ phải làm thế nào? Nếu ta không trừ diệt đứa con này sợ về sau sẽ không có thái tử kế vị.

Phu nhân để tùy ý nhà vua định liệu. Vua liền triệu tập các đại thần trong nước cùng nhau bàn luận, có một vị quan tâu:

-Đem bỏ thái tử vào chỗ núi sâu không có người.

Hoặc có vị quan tâu:

-Ném thái tử xuống dòng nước sâu.

Một vị quan tâu:

-Phải theo lời thầy tướng nói, làm cái hầm sâu để chôn sống thái tử.

Vua nghe theo lời đề nghị của quan này, triệu tập hàng ngàn quân lính bên ngoài, sai họ đào đất làm hầm, cấp của cải lương thực trong ba mươi năm cho năm người phục vụ. Thái tử được chuẩn bị tất cả đồ đạc của thái tử như y phục, chuỗi ngọc, châu báu… Phu nhân thương con đau đớn trong lòng nói:

-Ta cô độc không có phước nên sinh con mạng bạc mới gặp phải tai ương, thật là việc chẳng đặng đừng.

Phu nhân lệ tuôn lã chã cứ mãi sụt sùi, không thể kiềm lòng được, bà tiễn thái tử đến trước điện chính. Năm trăm phu nhân thấy thái tử đoan chánh xinh đẹp không ai sánh bằng, đều nói:

-Tại sao thái tử không nói mà phải bị chôn sông?

Mỗi người thể nữ đều trổi kỹ nhạc cho thái tử xem, nhưng thái tử vẫn lặng thinh như không thấy, không nghe. Họ lại tiễn thái tử ra phía ngoài trước điện.

Năm trăm đại thần thấy thái tử đoan chánh xinh đẹp, không ai sánh bằng. Họ đều tâu với đại vương:

-Thái tử chẳng phải là người không nói được, không bao lâu ngài sẽ nói lại.

Thầy tướng Bà-la-môn nói:

-Không thể tin được.

Nhà vua nói với đại thần:

-Đây là quốc sự, các khanh không biết đâu.

Hầm đào đã xong, những người phục vụ đến đón thái tử. Vua nói với họ:

-Hãy chở thái tử trên xe voi trông ra bốn phía, để cho nhân dân trong nước đều đến xem, thái tử sẽ nói. Nếu thái tử nói thì đưa xe thái tử trở về.

Lúc đó thái tử ngồi trên xe trông ra đường. Các bậc đại thần kỳ cựu trong nước đều nhẹ nhàng tiến xe đến trước nói:

-Tâu Thái tử, cần phải nói một lời. Nếu ngài không nói, xe chúng tôi sẽ lần lượt đi qua trước, ngăn chận đoàn quân hùng tráng của nhà vua, giúp người tránh được để đi qua.

Họ theo hầu thái tử đi đến bên hầm. Khi ấy có vài ngàn vạn người đều theo thái tử đến chỗ cái hầm, làm che kín cả miệng hầm, thái tử không tiến đến được. Họ ngăn chận đoàn quân hùng tráng của nhà vua, bị cản trở đoàn quân phải dừng lại. Thái tử muốn đến trước, tức thì các loài chim bay, thú chạy, lại kéo nhau đến trước vây quanh cái hầm ba vòng, miệng hầm lại bị vây kín thái tử không tiến đến được. Lúc ấy thái tử đưa cánh tay phải ra nói:

-Chính là ta không muốn nói mà phải bị chôn sống. Ta không muốn nói vì sợ vào địa ngục. Ta muốn an thân, tránh những tai hại để cứu giúp mọi người được thoát khổ, vì thế nên không nói. Phụ vương vì tin lời của kẻ ngông cuồng dối trá, cho rằng ta mờ điếc, câm ngọng.

Lúc ấy nhân dân nghe thái tử nói âm thanh tuyệt diệu, ít ai nghe được trong đời. Những người đang đi đều dừng lại, người đang ngồi đều đứng lên. Họ nói:

-Thái tử chính là Thần thánh mới như thế. Mọi người đến trước thái tử cúi đầu xin hối lỗi và mong ngài xá tội cho họ. Những người đào hầm nghe thái tử nói, hân hoan vui mừng vội chạy về tâu với đại vương:

-Thái tử đã nói rồi. Tất cả mọi người trong trời đất cho đến loài chim bay thú chạy đều đến trước thái tử cúi đầu lắng nghe người nói.

Nhà vua nghe thái tử biết nói, ông hân hoan vui mừng, liền cùng phu nhân lên xe voi tứ vọng đến đón thái tử. Thái tử trông thấy phụ vương vội xuống xe tránh đường, đảnh lễ bốn lạy rồi nói:

-Phụ vương thật nhọc nhằn từ xa đến đây, ngày nay đời sống cha con phải chia lìa, ân nghĩa trái đường, cốt nhục đã xa, việc này thật ngang trái không thể nghe thấy.

Nhà vua nói:

-Không được, không được. Con là bậc trí không ai sánh bằng, chúng ta hãy trở về hoàng cung làm lễ đăng quang cho con và ta xin thoái vị.

Thái tử thưa:

-Con đã từng làm vua, chỉ vì có một lỗi nhỏ còn sót lại mà phải đọa vào địa ngục hơn sáu vạn năm, bị rang, nấu, bằm, chặc đau đớn không chịu nổi. Ngay lúc ấy cha mẹ đâu biết được con ở nơi địa ngục đau đớn khổ sở kịch liệt! Đâu có thể đến san sẻ nỗi đau tiền thân của con? Con đã nhàm chán và sợ hãi nỗi khổ nơi địa ngục nhiều rồi. Vì thế nên đến năm mười ba tuổi con vẫn chưa nói, con muốn thoát khỏi đời sống tạm bợ, dứt trừ cấu uế ra khỏi chốn trần ai không còn tội lỗi, không còn bị ràng buộc trong ưu phiền khi biết rằng đời sống vốn mong manh. Không thể mỗi ngày cách đạo một xa, con sẽ vân du khắp chốn xa gần để cứu giúp quần sinh. Thế gian vô thường, đời người như giấc mộng. Hạnh phúc trong thoáng chốc, hoan lạc chỉ phút giây mà lo buồn lại bất tận.

Vua cha biết ý chí kiên cố của thái tử, nên bằng lòng cho con đi học đạo.

Thái tử từ giã vua cha, rời tổ quốc, vào núi tầm đạo thiền định tư duy. Cuối cùng khi lâm chung, thái tử được sinh lên cõi trời Đâu- suất, hết tuổi thọ cõi trời sinh ở thế gian làm Thái tử con vua nước Ca-duy-la-vệ, từ đó cho đến khi thành Phật.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

-Thái tử Mộ Phách thuở đó chính là Ta, phụ vương của Thái tử nay là Duyệt-đầu-đàn, mẹ là Ma-da. Còn năm người làm mướn nay là bọn ông A-nhã-câu-lâu… Thầy tướng Bà-la-môn muốn chôn sống Ta nay chính là Điều-đạt. Ta cùng với Điều-đạt đời đời có oán thù nhau.

Đức Phật nói kinh này xong, các hàng đệ tử Trời, Rồng, Quỷ, Thần, vua chúa, nhân dân thảy đều hoan hỷ cúi đầu đảnh lễ Đức Phật.

    Xem thêm:

  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Như Huyền dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Thiền Tông Vĩnh Gia Tập - Kinh Tạng
  • Tịnh Độ Chỉ Quyết - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Ngu - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • 48 Pháp Niệm Phật - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 12 – Phú Quí - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Lượng Thọ Phật - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 1 - Kinh Tạng