1
2
3
4

QUYỂN THỨ HAI

NHÂN DUYÊN TIẾP ĐỘ XÁ LỢI PHẤT VÀ MỤC KIỀN LIÊN

Bấy giờ, có vị giáo sư tên là San Thệ Di. Nhóm Câu Lý Đa, v.v… tìm đến chỗ ông ta, hỏi mọi người rằng:

– Vị giáo sư này ngồi tịnh ở đâu?

Vị giáo sư đang ở trong phòng, nghe hỏi tự nghĩ: “Ta ở đây đã lâu, không nghe ai dùng từ “ngồi tịnh” này.

Bấy giờ nhóm Câu Lý Đa tự nghĩ: “Người kia đang ngồi tịnh, chúng ta không nên làm kinh động. Chờ khi xuất tịnh, ta sẽ gặp mặt”.

Nghĩ như thế, cả nhóm tránh ra chỗ thuận tiện.

Bấy giờ, San Thệ Di xuất định, các căn thanh tịnh. Hai người kia khi biết như vậy, đến gặp mặt và hỏi rằng:

– Nhân giả có pháp nhãn gì? Khai thị những gì? Có thù thắng gì? Tu phạm hạnh gì? Được kết quả gì?

Đáp:

– Ta nhận thấy như thế này, biết thế này: Chân thật không nói dối, không làm hại chúng sanh, thường không còn sanh tử, không bị đọa lạc, không bị tiêu diệt, sẽ được sinh cõi Phạm thiên thứ hai.

Khi ấy, cả hai hỏi:

– Giáo thuyết này có nghĩa lý gì?

Đáp:

– Không nói dối trá gọi là xuất gia. Không làm tổn hại các sinh mệnh là căn bản của tất cả pháp. Nơi không sinh, không tử, không đọa, không diệt ấy là Niết-bàn, là sinh cõi Phạm thiên thứ hai. Những vị Bà la môn tu hành đều cần đạt đến cảnh giới ấy.

Cả hai nghe nói thế, thưa rằng:

– Bạch tôn giả, ngưỡng mong cho chúng tôi được xuất gia tu hành phạm hạnh.

San Thệ Di cho hai người được xuất gia.

Sau khi họ xuất gia, mọi người khắp nơi đều nghe: “Câu Lý Đa, v.v… đều xuất gia nơi San Thệ Di”.

Bấy giờ, San Thệ Di được rất nhiều lợi dưỡng. Ông ta tự nghĩ: “Trước đây ta thuộc vọng tộc họ Kiều Trần. Nay ta cũng họ Kiều Trần. Ngày nay ta được lợi dưỡng là do phúc đức của hai người kia chứ không phải do phúc đức của ta”.

Trước đây, San Thệ Di có năm trăm đệ tử, thường học luận điển với thầy. Khi suy nghĩ như trên, ông ta bảo với hai người: “Mỗi người nhận lãnh hai trăm năm mươi đệ tử để học giáo pháp”.

Bấy giờ, San Thệ Di bị bệnh thiên thời. Ô Ba Để Sa bảo Câu Lý Đa rằng:

– Nay thầy bị nhiễm bệnh. Anh nên tìm y dược hay để chăm sóc.

Đáp:

– Anh có trí tuệ, nên chăm sóc thầy. Tôi sẽ đi tìm y dược.

Bấy giờ Câu Lý Đa tìm được các loại thuốc bằng cây, lá, hoa, v.v… đem cho thầy uống, nhưng bệnh càng nặng thêm. Khi ấy, vị thầy tự nhiên mỉm cười.

Để Sa thưa rằng:

– Bậc đại nhân mỉm cười tất có duyên sự. Nay thầy mỉm cười, vậy có nhân duyên gì?

Thầy đáp:

– Đúng như lời người nói, vừa rồi ta cười có lý do. Ở Kim Châu có vị vua tên Kim Chúa, ông ta qua đời. Khi sắp hỏa thiêu, vợ ông ta buồn rầu áo não, cũng tự đốt mình. Chúng sanh ngu si, do dục lôi kéo, dục tình đắm nhiễm nên phải chịu khổ não.

Ô Ba Để Sa thưa:

– Vào năm, tháng, ngày nào xảy ra sự việc này?

Đáp:

– Vào năm, tháng, ngày, thời tiết ấy sự việc xảy ra.

Hai người đệ tử ghi nhớ và thưa thầy:

– Chúng con xuất gia để cầu chặt đứt sanh tử. Thầy đã đạt được, ngưỡng mong chỉ dạy cho con để cắt đứt được sanh tử.

Thầy đáp rằng:

– Ý của ta xuất gia cũng vì cầu việc này. Như điều ngươi mong cầu, ta chưa đạt được. Nhưng vào ngày mười lăm, khi Bao- sái-đà, có chúng chư thiên trên hư không phát biểu như thế này: “Trong dòng họ Thích có sanh vị đồng tử. Tại núi Tuyết có sông tên Phân Lộ. Ngay trên bờ sông, tại trú xứ Kiếp Tỷ La tiên nhân có vị Bà la môn thông hiểu thiên văn và chiêm tướng. Ông ta tiên đoán: đồng tử sẽ trở thành Chuyển luân thánh vương. Vị này nếu xuất gia sẽ chứng Như Lai Chánh đẳng Chánh giác, tiếng tăm lừng lẫy khắp mười phương”.

Vị thầy bảo tiếp với đệ tử rằng:

– Các con nên xuất gia trong giáo pháp của vị ấy để tu hành phạm hạnh. Không nên tự thị dòng họ tôn quý, cần phải tu hành phạm hạnh, điều phục các căn. Các con sẽ đắc quả vị vi diệu nơi vị ấy, không còn sanh tử.

Vị thầy nói xong, đọc kệ rằng:

– Chứa nhiều cũng tiêu tán

Cao lắm tất sụp đổ

Hội họp phải biệt ly

Có sống phải bị chết.

Không bao lâu, vị giáo sư này qua đời, các đệ tử dùng lụa màu xanh, vàng, đỏ, trắng tẩm liệm và đem vào rừng hỏa thiêu.

Bấy giờ, ở Kim Châu có vị Bà la môn tên là Kim Phát. Ông ta đi từ Kim Châu đến thành Vương Xá, đến chỗ Ô Ba Để Sa.

Bấy giờ, Ô Ba Để Sa hỏi:

– Ông từ đâu đến?

Đáp:

– Từ Kim Châu đến.

Hỏi:

– Ông từng thấy việc gì hy hữu không?

Đáp:

– Không có việc gì lạ cả. Nhưng có vua Kim Chúa, sau khi chết đem đi hỏa táng, vợ ông ta buồn thương nên tự thiêu theo.

Hỏi:

– Vào tháng, năm nào?

Đáp:

– Vào ngày, tháng, năm, thời tiết ấy.

Ô Ba Để Sa kiểm tra lại việc này thì đúng như lời thầy nói.

Câu Lý Đa nói với Ô Ba Để Sa:

– Giáo sư của ta đã chứng diệu pháp, nhưng bí pháp của thầy, thầy không dạy chúng ta. Nếu thầy ta không chứng được pháp nhãn, thiên nhĩ thì làm sao biết phương ấy có sự việc như vậy?

Câu Lý Đa tự nghĩ: “Ô Ba Để Sa thông minh trí tuệ, chắc chắn đắc được diệu pháp nơi thầy nhưng không dạy lại ta”.

Nghĩ thế, Câu Lý Đa nói rằng:

– Chúng ta nên cùng nhau lập thệ rằng: “Ai chứng đắc thượng diệu pháp trước, phải độ cho người kia”.

Hai người phát thệ xong, cùng nhau du hành nhân gian.

Bấy giờ, đức Bồ tát đã hai mươi chín tuổi, muốn ở vương cung hưởng năm dục lạc, nhưng khi Ngài trông thấy cảnh sanh – lão – bệnh – tử, tâm sanh yểm ly. Nửa đêm, Ngài vượt thành, đến chỗ rừng già, tu khổ hạnh sáu năm nhưng không đạt được kết quả gì cả. Ngài tự điều hòa hơi thở và dùng thức ăn ngon bằng nhũ lạc, v.v… bôi thân bằng dầu, tắm rửa bằng nước thơm. Sau đó, Ngài tự đi đến làng doanh trại, nhận cháo sữa của hai nàng A-mục-nữ là Hoan Hỷ và Hoan Hỷ Lực.

Bồ tát dùng xong, bấy giờ có Hắc Sắc Long vương tán thán:

– Lành thay!

Có một người tên Thường Trú đưa cho Bồ tát bó cỏ Cát-tường. Bồ tát đến dưới gốc cây Bồ-đề tự trải cỏ này ngay ngắn trên tảng đá làm tòa. Ngài ngồi trên tòa cỏ kiết già ngay ngắn, đoan thân chánh niệm. Ngài phát tâm khẩn thiết tự thệ: “Nếu ta không trừ hết các lậu thì quyết không rời khỏi tòa cỏ này”.

Ngay khi Bồ tát chưa chứng ngộ, Ngài hàng phục ba mươi sáu vạn ức ác ma. Các ác ma ấy đều có trăm ngàn quyến thuộc là quỷ thần. Khi ấy, Bồ tát dùng áo giáo pháp và gậy từ bi hàng phục ma quân xong, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Khi ấy, có Phạm thiên đến cầu thỉnh Thế tôn thuyết pháp. Ngài đến Ba La Nị Tư chuyển pháp luân đến ba lần. Bấy giờ, trong số những người nghe pháp có hơn năm mươi công tử, con đại thần, sau khi nghe pháp đều xin xuất gia và thọ cận viên.

Đức Thế tôn đến tụ lạc tên là Bạch Điệp Lâm. Có sáu mươi người kết làm bạn tốt với nhau. Sau khi nghe Phật thuyết pháp, họ phát sinh tâm chánh tín.

Đức Phật đến tụ lạc tên là Quân Trụ. Người trưởng tụ lạc có hai người con gái: một tên Nan Đà, hai tên Nan Đà Ba La. Họ nghe Phật thuyết pháp đều sinh tâm chánh tín.

Có một hồ nước tên là Ưu Lâu Tần Loa. Nơi này có một vị đại tiên tên là Ca Nhiếp cùng với một ngàn đệ tử. Họ được nghe Phật thuyết pháp đều xin xuất gia và thọ cận viên.

Đức Phật đến Chế Để Già Da đỉnh, có Già Da Ca Nhiếp. Ngài thị hiện ba loại thần biến làm cho Ca Nhiếp được trú nơi viên tịch.

Sau đó, Phật đến Trượng Lâm làm cho vua nước Ma Yết Đà là đại vương Ảnh Thắng được thấy chân đế, cùng tám vạn thiên chúng và Bà la môn, cư sĩ nước Ma Yết Đà.

Ngài đến thành Vương Xá, trú ở tinh xá Trúc Lâm. Khi Thế tôn ở vườn Trúc Lâm, bên bờ hồ Yết Lan Đạc Ca thì Ô Ba Để Sa cùng Câu Lý Đa đang du hành nhân gian.

Khi họ đến thành Vương Xá, thấy trong thành tịch tịnh nên tự nghĩ: “Có hai nhân duyên làm cho thành lớn kia được tịch tịnh: hoặc có kẻ oán tặc làm cho sợ hãi, hoặc có vị uy đức Bà la môn”.

Nghĩ như thế rồi, họ xem xét tinh tường thì không có kẻ oán tặc làm cho sợ hãi. Họ bôi trên mặt ba vạch rồi lần lượt đi theo nhau. Lại có vô số trăm ngàn vạn người theo họ đi.

Sau đó, vào lúc khác, họ bôi dấu trên mặt rồi lần lượt ra đi. Sau họ, không có một người nào đi theo cả. Họ tự nghĩ: “Trước đây ta đi với nhau có vô lượng trăm ngàn người tùy tùng. Nay không có một người. Sự việc này tại sao như vậy?”.

Bấy giờ, chư Phật thường pháp như vậy.

Phật tự nghĩ: “Những người dị học này, một tên Địa sư, một tên Câu Lý Đa đã gặp chư Phật trong quá khứ, trồng nhiều thiện căn, tu hành phước nghiệp đã lâu. Cũng như ung nhọt lúc trời nóng, khi gặp đúng thời tiết thì vỡ ra, được hết bệnh. Những người này các căn đã thuần thục, nay đã đúng thời”.

Phật lại quán căn khí của họ, làm sao được độ? Độ nhờ người nào để có được nhân duyên. Ngài quán sát biết được người này sẽ phát tâm với người đầy đủ luật nghi. Thế tôn bảo Bí-sô Mã Thắng đến độ họ.

Bấy giờ, Bí-sô Mã Thắng với nghiêm chỉnh uy nghi, chư thiên và nhân chúng trông thấy đều phát tâm.

Phật bảo Mã Thắng:

– Ông nên nhiếp thọ hai người ấy.

Mã Thắng vâng lệnh Phật, hoan hỷ im lặng, đảnh lễ chân Phật rồi ra đi.

Vào buổi sáng, đến giờ Mã Thắng khất thực, mặc y trì bát, đi vào thành Vương Xá, uy nghi nghiêm chỉnh, theo thứ tự khất thực, nhìn như Ngưu vương.

Bấy giờ, Phạm chí Ô Ba Để Sa đi ra bên ngoài, thấy tôn giả Mã Thắng đầy đủ uy nghi, trong đời thật đặc biệt ít có. Để Sa tán thán:

– Thật hy hữu!

Ô Ba Để Sa tự nghĩ: “Những vị xuất gia trong thành không thể so sánh với vị này được. Ta phải hỏi ông ta xuất gia nơi vị nào? Học tập pháp gì? Giáo sư là ai?”.

Nghĩ thế xong, Ô Ba Để Sa đi ra đường, đợi tôn giả đến.

Khi thấy tôn giả Mã Thắng đến gần, Ô Ba Để Sa liền hỏi:

– Ai là thầy của ngài? Ngài học pháp gì? Ngài xuất gia nơi vị nào?

Mã Thắng đáp:

– Đại sư của tôi thuộc chủng tộc Thích Ca: Sa môn Kiều Đáp Ma. Nay Ngài đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vị ấy là thầy của tôi. Tôi y cứ nơi vị ấy, cạo bỏ râu tóc để xuất gia, tu hành phạm hạnh, học tập giáo pháp.

Ô Ba Để Sa thưa rằng:

– Cụ thọ! Ngưỡng mong ngài thuyết giảng cho tôi, để tôi được nghe.

Mã Thắng trả lời:

– Giáo pháp của Như Lai thậm thâm, vi diệu, khó hiểu khó biết. Tôi mới xuất gia, không có khả năng giảng giải. Tôi không thể ghi nhớ hết, chỉ nói tóm tắt ý nghĩa.

Để Sa thưa rằng:

– Ngưỡng mong ngài thuyết minh ý nghĩa.

Tôn giả Mã Thắng nói kệ: (Đại 46 – T. 1027 giữa)

– Như Lai nói các pháp

Từ nhân duyên sinh khởi

Do nhân duyên hoại diệt

Đại Sa môn dạy thế.

Sau khi nghe kệ, Ô Ba Để Sa viễn trần, ly cấu, chứng pháp nhãn, con mắt của pháp. Khi được thấy pháp, tâm không nghi hoặc, không còn sợ hãi, tự nhiên đứng dậy, cung kính chấp tay, nói thế này:

– Đây chính là thầy của con. Đây đúng là chánh pháp. Ai trú vào pháp này, chắc chắn không đọa lạc. Đây là chỗ không còn đau khổ, buồn rầu. Con từ vô lượng kiếp cho đến ngày nay, chưa được nghe pháp thậm thâm trọng yếu như thế này.

Để Sa lại thưa:

– Cụ thọ! Đại sư Thế tôn nay đang ở chỗ nào?

Đáp:

– Đại sư của tôi ở tại thành Vương Xá, bên bờ hồ Yết Lan Đạc Ca.

Khi Ô Ba Để Sa nghe nói rồi, hoan hỷ vui mừng, cung kính chấp tay, đi nhiễu ba vòng, cung kính từ giã.

Để Sa đi đến ngay chỗ Câu Lý Đa. Câu Lý Đa thấy Để Sa từ xa đi đến, hỏi:

– Hôm nay dung mạo của anh rạng rỡ, tươi đẹp khác thường, các căn thanh tịnh, có phải được pháp cam lồ thượng diệu không?

Để Sa đáp:

– Đúng vậy! Đúng vậy. Đúng như lời anh nói.

Sau đó, Ô Ba Để Sa trình bày lại sự việc ở trên và nói kệ:

– Như Lai nói các pháp

Từ nhân duyên sinh khởi

Do nhân duyên hoại diệt

Đại Sa môn dạy thế.

Câu Lý Đa nghe bài pháp xong, liền nói rằng:

– Xin cụ thọ hãy vì tôi nói lại bài pháp này.

Ô Ba Để Sa nói lại:

– Như Lai nói các pháp

Từ nhân duyên sinh khởi

Do nhân duyên hoại diệt

Đại Sa môn dạy thế.

Sau khi nghe nói bài kệ xong, ngay lúc ấy Câu Lý Đa được ly cấu, chứng đắc pháp nhãn, chứng mắt pháp. Sau khi thấy pháp rồi, Câu Lý Đa cung kính chấp tay, hoan hỷ đảnh lễ, thốt lên lời này:

– Đây là chánh pháp. Ai trú pháp này không bị đọa lạc. Từ vô lượng ức kiếp đến nay ta chưa từng nghe được pháp này.

Câu Lý Đa hỏi Ô Ba Để Sa:

– Nay Đại sư Thế tôn đang ở đâu?

Đáp:

– Ngài đang ở tại thành Vương Xá, bên bờ hồ Yết Lan Đạc Ca.

Câu Lý Đa nghe xong, hỏi Ô Ba Để Sa:

– Nay chúng ta có thể cùng nhau đi đến gặp vị ấy để xuất gia tu hành phạm hạnh không?

Đáp:

– Rất tốt!

Câu Lý Đa nói:

– Hãy hỏi các đệ tử có đồng ý không?

Ô Ba Để Sa nói:

– Lành thay! Lành thay! Anh là bậc danh đức, là tri thức của họ, nên hỏi các đệ tử.

Bấy giờ, Câu Lý Đa bảo các đệ tử:

– Nay tôi cùng Ô Ba Để Sa muốn đến gặp Phật Thế tôn xuất gia học đạo, tu hành phạm hạnh. Các ngươi như thế nào?

Đệ tử trả lời:

– Sở học của chúng con đều do thầy truyền thọ. Nay Ô Ba Đà Da theo Phật, chúng con cũng nguyện xuất gia theo Phật.

Thầy bảo:

– Lành thay! Nay đã đúng lúc.

Bấy giờ, Ô Ba Để Sa và Câu Lý Đa đều cùng với hai trăm năm mươi đệ tử của mình ra khỏi thành Vương Xá, muốn đi đến bờ ao Yết Lan Đạc Ca của Trúc Lâm.

Khi ấy, cụ thọ Bí-sô Mã Thắng ở cách Thế tôn không xa, đang ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây. Ô Ba Để Sa từ xa trông thấy, bảo Câu Lý Đa:

– Chúng ta nên đến lễ Thế tôn trước, hay đến lễ Ô Ba Đà Da trước để nghe giáo pháp?

Câu Lý Đa nói:

– Nên đến chỗ nghe pháp trước.

Nói xong, cả hai cùng đến nơi Bí-sô Mã Thắng tôn giả, lạy sát chân, ngồi qua một bên.

Khi ấy, trong chúng của Như Lai có một Bà la môn trước đây thờ phụng thần mặt trăng. Thế tôn vì Bà la môn này nói kệ:

– Người nào liễu ngộ pháp

Không luận trẻ hay già

Đều phải cung kính họ

Như mặt trăng mới mọc.

Khi ấy, trong chúng hội có một Bà la môn thờ phụng thần lửa. Thế tôn vì họ nói kệ:

– Người nào liễu ngộ pháp

Không luận trẻ hay già

Cần phải cung kính họ

Như lửa tịnh vật uế.

Sau khi nhóm người Ô Ba Để Sa và Câu Lý Đa đảnh lễ sát chân Mã Thắng tôn giả xong, đi đến Thế tôn.

Khi ấy, Thế tôn cùng vô lượng trăm ngàn chúng Bí-sô, v.v… vây chung quanh. Ngài đang vì họ thuyết pháp. Thế tôn thấy nhóm Câu Lý Đa ở từ xa, bảo các Bí-sô:

– Các ngươi có thấy rằng hai người này là thượng thủ của nhóm người vây quanh họ không?

Đáp:

– Vâng, chúng con đã thấy.

Thế tôn lại nói:

– Các ngươi nên biết rằng: hai người này ngay trong pháp của ta xuất gia học đạo, là bậc đệ nhất về thần thông và trí tuệ trong chúng Thanh văn.

Khi ấy Ô Ba Để Sa và Câu Lý Đa đến chỗ Thế tôn, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi qua một bên, thưa Phật rằng:

– Thế tôn! Ngưỡng mong Ngài cho phép chúng con ngay trong thiện pháp này được xuất gia, thọ cận viên, thành tánh Bí-sô, tu trì phạm hạnh.

Bấy giờ, Thế tôn bảo hai người rằng:

– Thiện lai Bí-sô! Tu hành phạm hạnh.

Phật vừa nói xong, râu tóc hai người này tự rụng, thân mặc ca sa như đã từng cạo tóc. Chỉ bảy ngày sau, họ đầy đủ uy nghi như Bí-sô một trăm tuổi hạ.

Có bài tụng rằng:

“Thế tôn bảo: – Thiện lai!

Các căn liền tịch tịnh

Tóc rụng, mặc pháp y

Uy nghi như trăm hạ”.

Khi ấy, có nhiều chúng Bí-sô đến lúc khất thực. Họ mặc y, bưng bát vào thành Vương Xá khất thực theo thứ tự. Ngay trong thành, là chỗ có nhiều đệ tử của San Thệ Di. Họ thấy các Bí-sô, liền chê cười, nói kệ:

– Vua và dân Ma-Yết

San Thệ Di độ hết

Phật ở thành Vương Xá

Vậy, người còn độ ai?

Khi các Bí-sô nghe lời này, uy đức bị chấn động, không còn hoan hỷ.

Sau khi khất thực, họ trở về chỗ ở. Thọ thực xong, xếp y, rửa chân, đi đến gặp Thế tôn, lạy sát chân Phật, ngồi qua một bên. Khi ấy các Bí-sô bạch Phật rằng:

– Thế tôn! Khi chúng con khất thực trong thành Vương Xá, có các đệ tử của San Thệ Di, bằng mọi cách họ chê bai, v.v… Chúng con im lặng, không còn uy đức, lòng không hoan hỷ.

Phật dạy:

– Nếu họ nói như vậy, các thầy nên đáp rằng:

“Đức Thế tôn dạy rằng:

Giáo hóa phải đúng pháp

Các ngươi có biết không

Phật độ người y pháp”.

Nếu các thầy trả lời như vậy, họ không còn uy đức, sẽ im lặng bỏ đi.

Các Bí-sô mặc y, mang bát vào thành Vương Xá theo thứ lớp khất thực. Các đệ tử của San Thệ Di chê bai như trước, nói kệ:

– Vua và dân Ma-Yết

San Thệ Di độ hết

Phật ở thành Vương Xá

Vậy ngươi còn độ ai?

Khi ấy, các Bí-sô nghe lời này, liền nói kệ:

– Đức Thế tôn dạy rằng:

Giáo hóa phải đúng pháp

Các ngươi có biết không

Phật độ người y pháp”.

Khi đệ tử của San Thệ Di nghe lời này, mất hết uy đức, im lặng bỏ đi.

Sau đó một thời gian, vợ chồng Bà la môn Ma Thát La qua đời. Bà la môn Để Sa và vợ là Xá Lợi cũng qua đời. Câu Tỳ Sĩ La từ phương Nam trở về, đem Vô hậu thế luận đến tụ lạc Ma Thích Đà. Có người giữ cổng hỏi:

– Này cụ thọ! Ông có phải là Câu Tỳ Sĩ La không?

Đáp:

– Chính tôi. Ai cũng biết cả.

Câu Tỳ hỏi người giữ cổng:

– Bà la môn Ma Thát La nay ở đâu?

Đáp:

– Đã qua đời.

Hỏi:

– Vợ ông ta và Để Sa nay ở đâu?

Đáp:

– Nay đã qua đời.

Hỏi:

– Xá Lợi Tử nay ở đâu?

Đáp:

– Tại thành Vương Xá có một đại sư gần vượt trên thế gian, tên San Thệ Di. Xá Lợi Tử xuất gia nơi vị ấy.

Câu Tỳ Sĩ La nói:

– Theo pháp Bà la môn thì không nên xuất gia. Đây không phải là việc tốt.

Nói thế xong, ông ta đi dần về thành Vương Xá, hỏi mọi người:

– Đại sư San Thệ Di nay đang ở đâu?

Đáp:

– Đại sư đã qua đời. Các đệ tử của ông ta đều đến nơi Sa môn Kiều Đáp Ma và xuất gia nơi vị ấy. Thật tốt đẹp, vị ấy được ghi nhận với lời truyền tụng: “Nếu vị ấy làm vua sẽ là Chuyển luân thánh vương, Xá Lợi Tử sẽ là đại thần”.

Khi Phạm chí Trường Trảo nghe lời nói này, liền đến gặp Phật, nói rằng:

– Này Sa môn Kiều Đáp Ma! Tất cả pháp của tôi, và theo sở kiến của tôi, tôi đều không ham muốn. Người thờ lửa làm theo nhận thức như vậy, làm theo lý luận như vậy. Theo nhận thức của tôi, đều phải từ bỏ hết. Cũng từ bỏ sự thay đổi. Nếu từ bỏ các nhận thức này thì không chấp thủ sự tương tục và không chấp thủ nhận thức khác.

Này Sa môn Kiều Đáp Ma! Tôi thấy như vậy và hiểu như vậy. Theo nhận thức của thế nhân đều trái với việc thờ lửa. Nói, thấy và hiểu như vậy đều trú ở đạo lộ này.

Này Sa môn Kiều Đáp Ma! Người có thấy, có hiểu như vậy không?

Lại nữa, người thờ lửa lý luận rằng: Nếu Sa môn, Bà la môn nào xả bỏ được nhận thức này, không chấp thủ nhận thức khác; những người lý luận được như vậy là chân Sa môn, là Bà la môn. Đây là chỗ vi diệu.

Lại nữa, người thờ lửa đều nằm trong ba kiến giải. Thế nào là ba?

– Một: không ham muốn gì cả.

– Hai: ham muốn tất cả

– Ba: Mong muốn từ bỏ dục vọng.

Sau đó, Câu Tỳ Sĩ La xuất gia.

Phật bảo các Bí-sô:

– Trong các đệ tử của Ta, bậc minh giải thông lợi hơn cả là Bí-sô Câu Tỳ Sĩ La (Câu Hy La).

Bấy giờ, cụ thọ Xá Lợi Tử đoạn trừ các phiền não, chứng quả A-la-hán.

Các Bí-sô có sự nghi ngờ, thưa Thế tôn:

– Xá Lợi Tử này trước đây đã làm hạnh nghiệp gì mà do hạnh nghiệp ấy nay được trí tuệ sắc bén, trí tuệ sâu, trí tuệ không nghi hoặc như vậy?

Phật dạy:

– Này các Bí-sô! Các người hãy lắng nghe. Xá Lợi Tử chính do những việc đã làm, nay được kết quả, không phải do việc khác. Quả báo chính mình tự thọ lấy., v.v…

Thế tôn dẫn bản sự:

– Xưa kia, ở tụ lạc nọ có vị Bà la môn cưới vợ chưa bao lâu sinh được một con trai. Chỉ ít năm sau lại sinh thêm một bé gái nữa. Cả hai vừa lớn lên, cha mẹ đều qua đời vì bị bệnh. Bấy giờ, người thiếu niên kia rất buồn khổ, thương cảm, đến nỗi nghĩ đến việc đi vào rừng núi. Cậu ta dẫn em gái vào rừng, cùng nhau hái lượm hoa quả để sinh sống.

Này các Bí-sô! Như rắn độc lớn có năm điều xấu. Thế nào là năm?

– Một: nhiều sân.

– Hai: nhiều hận.

– Ba: làm ác.

– Bốn: không biết ân nghĩa.

– Năm: rất độc.

Nên biết, người nữ cũng có năm điều xấu:

– Một: nhiều sân.

– Hai: nhiều hận.

– Ba: làm ác.

– Bốn: không biết ân nghĩa.

– Năm: rất độc.

Thế nào là người nữ thâm độc? – Những người nữ thường ôm lòng dục nhiễm mạnh mẽ.

Khi ấy, người nữ đã trưởng thành, dục tâm cũng phát triển, cô ta nói với anh rằng:

– Nay em không thể ăn hoa quả để sống như thế này mãi được. Chúng ta nên đến sống với mọi người để tìm thức ăn uống.

Khi ấy, người anh đưa em ra khỏi rừng núi, đến nhà Bà la môn để khất thực. Cả hai gọi cửa. Chủ nhân bước ra, thấy và hỏi:

– Người ẩn sĩ cũng có vợ hay sao?

Người anh nói:

– Đây không phải là vợ tôi, mà là em gái.

Chủ nhà hỏi người anh:

– Em gái của người đã có chỗ nào chưa?

Đáp:

– Chưa có.

Chủ nhân bảo:

– Nếu vậy, tại sao không gả cho tôi?

Đáp:

– Em tôi đã tránh xa ác pháp của thế gian.

Người nữ này với dục tâm hưng phấn, bảo với anh rằng:

– Không phải em không thể ăn hoa quả trong rừng để sống, nhưng em không chịu được sự dày vò của phiền não. Hãy cùng nhau từ bỏ núi rừng, về sống với mọi người. Nay nên gả em cho người Bà la môn.

Người anh nói:

– Ta thật không thể gả ngươi lấy chồng. Đó là ác pháp, không phải hành động của ta. Ngươi có tâm thế tục thì được tùy ý.

Bấy giờ, người Bà la môn kia biết tâm ý của cô gái rồi nên đưa cô về nhà, họp thân tộc lại, cưới cô gái làm vợ, bảo người anh rằng:

– Nay anh về nhà tôi sống chung nhưng ở riêng một phòng.

Người anh nói:

– Tôi không cầu dục lạc, chỉ ưa muốn xuất gia.

Cô em thưa:

– Chúng ta cùng lập lời thệ với nhau rồi, ai theo ý nấy.

Người anh nói:

– Lời thệ thế nào?

Cô em nói:

– Nếu anh chứng được quả vị thù thắng thì trở lại gặp em.

Người anh bảo:

– Lành thay! Ta sẽ làm đúng lời nguyện của em.

Người anh từ giã, đến chỗ các ẩn sĩ sống đời xuất gia. Do sức của túc nghiệp thiện căn đời trước nên người anh ngay nơi ba mươi bảy phẩm trợ Bồ-đề phần pháp, vô sư tự ngộ, chứng quả Độc giác.

Người anh tự nghĩ: “Trước đây ta cùng em gái đã lập lời thề. Nay ta nên đến gặp em”.

Vị Độc giác này đi đến chỗ em gái, bay lên hư không, thân hiện thần biến: trên thân phun lửa, dưới thân phun nước, biến hiện nhiều thần lực kỳ đặc,… rồi hạ xuống đất.

Những người phàm phu trông thấy thần thông, tâm ý hoảng hốt như cây đại thọ bị ngã nơi đất. Người em đảnh lễ chân vị Độc giác, thưa rằng:

– Đại huynh! Nay anh đã đắc được thắng đức thù diệu phải không?

Đáp:

– Đúng vậy.

Người em thưa:

– Anh hãy vì sự nuôi thân, cần phải ăn uống. Em vì cầu phúc, nguyện cúng dường cho anh. Anh có thể ở đây.

Anh đáp:

– Em không thể tự chủ trương được, nên thưa với chồng.

Bà này thưa với chồng:

– Nay ngài biết không, anh tôi xuất gia thành tựu cấm giới, đắc quả thượng diệu, đệ nhất trong thế gian. Tôi muốn cúng dường nhưng không dám tự chuyên. Nếu được ngài cho phép, tôi sẽ cung cấp cho anh tôi ăn uống trong ba tháng.

Người chồng đáp:

– Hiền thủ, nếu anh ấy không xuất gia, dù tôi không muốn đi nữa, cũng phải cung cấp trọn đời. Huống chi nay anh ấy đã xuất gia, đắc đạo thù thắng. Nay tôi theo ý của em, cúng dường ba tháng.

Trong ba tháng ấy, họ đem món ngon vật lạ cúng dường cho người anh. Sau ba tháng, họ đem vải tốt, dao, kim để dâng cho anh. Người anh nhận xong, dùng dao cắt vải. Dao nhỏ, bén, cắt rất nhanh. Người em gái thấy thế, ngồi xuống, phát lời rằng:

– Nguyện rằng tánh của tôi sắc bén, khéo léo, nhanh nhẹn như dao nhỏ này. Đến đời vị lai thành người lợi trí.

Khi ấy, vị Độc giác đem y ra may, khéo dùng kim chỉ cắt may không trở ngại. Người em gái liền phát nguyện:

– Nguyện cho thân tôi ngày nay cho đến tương lai được trí tuệ cũng như kim này, trí tuệ sâu xa, thông đạt vô ngại.

Bấy giờ, Phật bảo các Bí-sô:

– Các thầy chớ nghi ngờ gì cả. Người nữ Bà la môn ở thời quá khứ kia, nào phải người nào lạ, nay chính là Xá Lợi Phất. Thời quá khứ, Xá Lợi đã cúng dường Phật Độc giác, cung cấp dao nhỏ và vải tốt, v.v… lại phát nguyện rộng lớn. Do thiện căn này, nay được trí tuệ sắc bén, thông minh đệ nhất.

Này các Bí-sô! Phải biết rằng: tạo nghiệp đen, phải chịu quả báo đen; tạo nghiệp trắng được quả báo trắng.

Bấy giờ, các Bí-sô lại có nghi ngờ, bạch Phật rằng:

– Cụ thọ Xá Lợi Phất tạo nghiệp gì trong thời quá khứ, nay sinh ra ở gia đình trung lưu, không thuộc quý tộc, cũng không phải hạ tiện, lại thường được xuất gia?

Phật bảo các Bí-sô:

– Các người hãy lắng nghe. Thời quá khứ có một quốc vương lấy vợ không bao lâu, đắm say dục lạc, tham mê săn bắn. Ít năm sau, sinh được một con trai. Người con này lớn lên, thấy vua cha trị nước một cách phi pháp, liền tự nghĩ: “Cha ta mệnh chung, sẽ đọa địa ngục. Ta kế vị ngôi vua rồi cũng đồng chịu cái khổ ấy. Ta nên đến với thiện pháp luật, xuất gia tu đạo, tu hành phạm hạnh”.

Nghĩ như thế rồi, hoàng tử đến bên phụ vương, thưa rằng:

– Thưa đại vương, ngưỡng mong đại vương cho con được xuất gia.

Nhà vua bảo con rằng:

– Tất cả việc tế lễ thiên thần để cầu phú quý. Con là thái tử, là bậc đi bằng voi, vương vị lại gần kề. Nay tại sao con lại cầu xuất gia?

Nhà vua dùng nhiều lời trách mắng, không cho xuất gia.

Sau đó một thời gian, thái tử cỡi voi đi ra khỏi thành du ngoạn, thấy một người nghèo cầm miếng lá đi xin ăn, thái tử bảo họ rằng:

– Này hiền thủ, tôi ở hàng tôn quý nên không được xuất gia. Người không phải hàng tôn quý, tại sao không xuất gia?

Đáp:

– Tôi không có y bát, làm sao xuất gia?

Thái tử nói:

– Hiền thủ, tôi sẽ cho ba y và bát,v.v… người nên xuất gia.

Đáp:

– Rất tốt!

Bấy giờ, thái tử cho họ y bát.

Các vị tiên ngũ thông ở dưới gốc cây, đang an lạc tọa thiền.

Thái tử cùng vị khất sĩ kia đến nơi vị tiên nhân. Thái tử xuống voi, đến chỗ tiên nhân, thưa rằng:

– Thánh giả, ngưỡng mong cho vị này xuất gia.

Vị tiên nhân ấy cho người kia xuất gia.

Thái tử bảo rằng:

– Nay tôi muốn trở về. Nếu người được đắc đạo, chứng quả, ngưỡng mong báo cho nhau biết.

Người kia đáp:

– Tôi làm đúng theo lời ngài.

Sau khi xuất gia, người kia đến chỗ yên tịnh, tĩnh tọa tu định. Ngay nơi ba mươi bảy phẩm trợ Bồ-đề phần pháp, không thầy tự ngộ, chứng quả Độc giác.

Sau khi chứng đạo, vị Độc giác tự nghĩ: “Quả vị ta chứng được, quả là nhờ ở thái tử. Ta nên đến thăm vị ấy để thị hiện thần biến”.

Nghĩ như vậy rồi, vị Độc giác này đến chỗ Thái tử, bay lên hư không, hiện ra nhiều loại thần biến: trên thân phun nước, dưới thân phun lửa, v.v…

Bấy giờ, mọi người thấy thần biến rồi, tâm ý chấn động, như cây đại thọ bị ngã xuống đất, mọi người đều kính lễ, bạch rằng:

– Thánh giả, nay ngài đã chứng quả thù thắng phải không?

Đáp:

– Tôi đã chứng đắc.

Thái tử thấy như vậy, tự nghĩ: “Quả vị của người kia chứng đắc là nhờ nơi ta. Ta không xuất gia chứng được quả vị ấy, không phải là do sinh ở gia đình cao quý, vọng tộc hay sao?”.

Nghĩ như thế rồi, thái tử phát nguyện:

– Nguyện rằng: Ta sinh ra trong đời kiếp nào, cũng đừng sinh ra trong gia đình vọng tộc cao quý, và không sinh trong gia đình hạ tiện. Nên sinh ở gia đình trung lưu để không bị trở ngại, dễ được xuất gia.

Này các Bí-sô! Chớ có nghi ngờ vị thái tử trong thời gian quá khứ đó, nào phải người lạ, nay chính là Xá Lợi Phất. Do sức thệ nguyện của ông ấy trong thời quá khứ nên nay được xuất gia, tự tại vô ngại.

Nên biết rằng: quả báo tự tác tự thọ. Nếu là nghiệp trắng sẽ được quả trắng. Nếu gây nghiệp đen sẽ chịu quả đen. Vấn đề thiện ác đã nói rõ ở trước. Này các Bí-sô! nên học như vậy.

Khi ấy, các Bồ tát đều sinh tâm nghi ngờ. Chỉ có Phật Thế tôn mới đoạn trừ được nghi hoặc. Các Bí-sô bạch Thế tôn:

– Cụ thọ Xá Lợi Phất, làm phúc nghiệp gì mà thiện căn thành thục, trí tuệ đệ nhất trong chúng Thanh văn?

Phật dạy:

– Do sức phát nguyện trong đời quá khứ.

Các Bí-sô bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Xá Lợi Phất phát thệ nguyện gì? Ngưỡng mong Phật từ bi vì các con giảng rộng.

Phật bảo các Bí-sô:

– Các thầy hãy lắng nghe. Thời gian quá khứ, cách đây đã xa. Ngay trong Hiền kiếp này, khi loài người sống hai vạn tuổi, có Phật ra đời hiệu là Ca Nhiếp Ba, đầy đủ mười hiệu. Xá Lợi Phất có một giáo sư được xuất gia nơi Phật Ca Nhiếp. Phật Ca Nhiếp Ba thọ ký cho thầy của Xá Lợi Phất:

“Người ở trong chúng Thanh văn thông minh trí tuệ là bậc nhất, phạm hạnh không có khiếm khuyết, nhưng không đắc quả gì cả”.

Khi vị này lâm chung, phát nguyện rộng lớn:

“Công đức tôi tu hành phạm hạnh, với thiện căn này, nguyện Phật Ca Nhiếp Ba thọ ký cho Bà la môn Ôn Đản Ca trong đời tương lai, khi loài người thọ một trăm tuổi, có Phật ra đời hiệu Thích Ca Mâu Ni, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, đầy đủ mười hiệu. Tôi được xuất gia trong giáo pháp của Phật ấy, đoạn trừ các phiền não, được lậu tận, chứng quả A-la-hán”.

Hiện nay, Xá Lợi Phất đắc quả như lời thầy nguyện. Do nguyện lực kia, nay Xá Lợi Phất có trí tuệ đệ nhất trong chúng Thanh văn.

Bấy giờ, chúng Bí-sô đều có sự nghi ngờ. Chỉ có Phật mới giải trừ được. Họ bạch Phật:

– Cụ thọ Đại Mục Kiền Liên trước đây làm hạnh nghiệp gì mà thiện căn thành thục, trong chúng Thanh văn có thần thông đệ nhất?

Phật bảo các Bí-sô:

– Các ngươi hãy lắng nghe. Đại Mục Kiền Liên trong đời quá khứ đã hành thiện nghiệp tốt đẹp, tích tụ thiện căn v.v…

Phật bảo các Bí-sô:

– Vào thời quá khứ, cách thành Ba La Nại không xa, có một vị tiên nhân, ngay chỗ vị ấy ở, tâm từ bi được rải khắp, thương mến các loài hữu tình.

Bấy giờ có một tiều phu nghèo khổ, vác củi đi đến gần chỗ vị tiên, rất là mệt nhọc. Tiên nhân thấy vậy rất là thương mến, tự nghĩ: “Người bần cùng này đời trước không chịu tu hành, trồng căn lành. Tuy được thân người nhưng phải chịu khổ nhọc như thế này để có cơm áo. Nay ta nên dộ người này xuất gia để tu phạm hạnh”.

Nghĩ như thế, tiên nhân bảo tiều phu:

“Này hiền tử! Ngươi chịu nhiều cay đắng, tại sao không xuất gia?”

Đáp:

“Thưa đại tiên, tôi là người nghèo khổ, hái củi để nuôi thân. Vậy ai thèm để mắt đến để độ tôi xuất gia?”

Tiên nhân nói:

“Ta sẽ độ cho ngươi xuất gia. Nếu ngươi được đắc quả, mong báo cho biết”.

Đáp:

“Thưa thánh giả! Nếu con đắc quả, chắc chắn báo cho ngài biết”.

Khi ấy, tiên nhân cho tiều phu xuất gia. Khi được xuất gia, vị này ở nơi nhàn tịnh, tu tập thiền định. Ngay nơi ba mươi bảy phẩm trợ Bồ-đề phần pháp, vô sư tự ngộ, chứng quả Độc giác.

Sau khi chứng quả, vị Độc giác này tự nghĩ: “Ta được đắc quả là nhờ ở tiên nhân. Ta nên thực hiện lời hứa, về thăm vị ấy và báo cho biết”.

Nghĩ thế rồi, Độc giác đi đến vị tiên, bay lên hư không, dưới thân phun nước, trên thân phun lửa, hiện mười tám thần biến, v.v…. Tiên nhân thấy vậy, tâm ý chuyển biến mau lẹ như cây đại thọ ngã xuống đất, liền phát biểu rằng:

– Ta nguyện rằng: với vô lượng công đức đã tu hành được, trong đời tương lai có được những uy đức như thần thông đệ nhất mà người đang có.

Này các Bí-sô! Chớ có nghi ngờ, vị tiên nhân lúc bấy giờ nào phải người nào lạ, nay chính là Đại Mục Kiền Liên. Nên biết rằng: Gây nghiệp trắng có quả báo trắng, v.v… Này các Bí-sô! Nên học như vậy.

Bấy giờ các Bí-sô đều có sự nghi ngờ. Chỉ có đức Phật mới đoạn trừ được, họ bạch Phật rằng:

– Đại Mục Kiền Liên làm hạnh nghiệp gì mà thần thông đệ nhất giữa đại chúng?

Phật bảo các Bí-sô:

– Các người hãy lắng nghe. Thời quá khứ, trong Hiền kiếp này, khi Phật Ca Nhiếp Ba xuất hiện trong thế gian, vì thệ nguyện nên độ khắp chúng sanh, v.v… (như trước)

Khi ấy, các Bí-sô sinh tâm nghi ngờ. Chỉ có Phật mới đoạn trừ được. Họ đến bạch Phật:

– Cụ thọ Kiều Trần Như đời trước làm thiện nghiệp gì mà thành tựu thiện căn, giỏi về Tứ như ý giải, hiện nay lại thông minh lợi căn?

Phật bảo các Bí-sô:

– Ngay trong Hiền kiếp này, thời quá khứ có Phật ra đời tên Ca Nhiếp Ba. Có vị giáo sư tu hành phạm hạnh nhưng không đắc quả. Khi lâm chung, ông ta phát nguyện,v.v… Ngay khi Phật còn trụ thế, nếu người nào muốn xuất gia, thọ cận viên đều đến gặp Thế tôn. Phật dạy: “Thiện lai, Bí-sô!”, râu tóc họ tự rụng, thân mặc ca sa, tự nhiên trì bát, trở thành người xuất gia, đắc cận viên.

Có một người, trường hợp đặc biệt ở xa thành phố lớn, họ đến chỗ ở của Bí-sô cầu xuất gia. Các Bí-sô đưa người này đến gặp Phật để cầu xuất gia thọ cận viên. Đi giữa đường, người kia bị qua đời, nên không được xuất gia.

Bấy giờ, có một Bí-sô nhân việc này đến bạch Phật, trình bày lại sự việc trên.

Thế tôn tự nghĩ: “Mệt nhọc thay cho đệ tử Thanh văn của ta! Ở quốc độ xa, nếu có người đến cầu xuất gia thọ cận viên, Ta đồng ý cho Tăng chúng Bí-sô cho họ được xuất gia thọ cận viên”.

Bấy giờ Phật Thế tôn tập hợp các Bí-sô, dạy rằng:

– Vì nhân duyên này, từ nay về sau, nếu có người cầu xuất gia, Ta cho phép Tăng chúng Bí-sô cho họ xuất gia và thọ cận viên.

Phật cho phép việc này rồi, chúng Bí-sô không biết cho xuất gia và thọ cận viên như thế nào. Họ đem sự việc này bạch Phật. Bấy giờ Thế tôn bảo các Bí-sô:

– Giả như có người đến cầu xuất gia, phải hỏi họ các chướng nạn. Nếu người không có chướng nạn, sau đó cho họ thọ ba quy y. Bảo họ chấp tay, quỳ xuống, tự xưng tên, nguyện trọn đời quy y Phật lưỡng túc tôn, quy y Pháp ly dục tôn, quy y Tăng chúng trung tôn. Sau đó cho họ thọ năm học xứ, rồi thọ mười giới, hai trăm năm mươi giới, nói rộng như những nơi khác.

Sau khi đã xuất gia, thọ cận viên, đối với A Giá Lị Da và Ô Ba Đà Da, họ không có tâm kính sợ, tự tùy ý hành động, không hỏi hai thầy. Bấy giờ, các Bí-sô đem việc này bạch Phật.

Thế tôn bảo các Bí-sô:

– Ta vì các đệ tử chế ra học xứ này:

Nếu đệ tử muốn làm việc gì, như: dùng nước rưới đất, dùng cù-ma-da đắp nền nhà, quét dọn đất, sửa chữa y bát, ăn thức ăn, v.v… đều phải thưa với thầy.

Có Bí-sô khách trước đây không quen, đến ở trong phòng, phải thưa với thầy biết.

Tất cả các việc đều phải bạch thầy, trừ năm việc. Nếu không làm vậy, bị tội vượt pháp.

Năm việc ấy là: xỉa răng, uống nước sạch, đại tiểu tiện, lễ bái chế để trong phạm vi bốn mươi chín tầm.

Năm việc này không cần thưa với hai thầy.

Những việc may vá y, đệ tử nên thưa thầy:

“Thầy không nên lao nhọc như vậy, con sẽ làm cho thầy”.

Nếu làm như vậy thì tốt, không làm bị tội vượt pháp. Nếu thầy làm việc phúc đức hay việc do Tăng sai, không làm thay, không phạm.

Hai thầy có bệnh cần phải săn sóc, nên thưa với thầy rằng:

“Những thức ăn uống và thuốc men cần dùng xin làm theo ý thầy”.

Không được nghịch ý thầy. Làm như vậy thì tốt, nếu không làm như vậy bị tội như trước.

Nếu hai thầy có phạm tội, đệ tử cùng ở chung nên dùng phương tiện khéo léo thưa với hai thầy rằng:

“Thầy đã phạm tội ác tác như vậy, thầy nên phát lộ, v.v…” Nói rộng như trước.

Hai thầy có tà kiến, đại chúng tác khu tẫn, v.v… đuổi ra khỏi trú xứ. Đệ tử nên ở giữa đại chúng, ân cần xin cầu tạ để đại chúng hoan hỷ. Lại nên bạch thầy:

“Thầy chớ tác ác tà kiến”

Nên phương tiện can gián một cách chính đáng để thầy bỏ ác kiến. Làm như vậy để thầy cùng đại chúng hòa hợp, an lạc sống chung. Nếu không làm như vậy, bị tội vượt pháp.,v.v… Nói rộng như ở trên.

Nếu hai thầy phạm tội Tăng-già-phạt-thi-sa, đệ tử cần phải làm cho thầy phát lộ.

Nếu hai thầy bị Tăng già cho hành pháp biên trú, ý hỷ sự, không cho ngủ cùng phòng với thiện Bí-sô, v.v…

Nếu (hai thầy) như pháp sám hối, tội căn bản và nghiệp đều được trừ diệt thì đồng như thiện Bí-sô, cho đến bị phục bản (biên trú),v.v… rộng như nói ở trước.

Đệ tử làm như vậy thì tốt. Nếu không làm đúng, bị tội vượt pháp.

Đệ tử phải ân cần can gián để thầy sám hối. Đệ tử có lỗi, thầy cũng phải ân cần trách mắng để họ hối cải.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 18 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 38 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 23 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc An Cư - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 09 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Tự Tứ - Luật Tạng
  • Năm Giới Của Người Tại Gia - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Tán Duyên Khởi - Luật Tạng
  • Tỳ Nại Da - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 37 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 40 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 21 - Luật Tạng