QUYỂN THỨ TƯ
Bấy giờ có các vị thương gia trở về bờ sau khi gian nan trên biển. Họ rất mệt nhọc nên đều buồn ngủ. Khi ấy, Bí-sô Tăng Hộ quan sát biển lớn, phát sinh ý nghĩ: “Như Phật đã dạy, có năm việc xem xét không chán. Thế nào là năm?
Một: vua chúa đầy đủ tướng mạo.
Hai: Chuyển luân Thánh vương.
Ba: biển lớn.
Bốn: Diệu Cao Sơn Vương.
Năm: đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đó là năm việc.”
Tăng Hộ quan sát một lúc lâu, đến canh năm mới đi ngủ.
Bấy giờ, các thương gia chỉnh đốn voi, xe, vận tải, hàng hóa lên đường. Đến khi trời sáng, họ không tìm thấy Tăng Hộ. Họ rất hoang mang, tìm kiếm bốn phương, nhưng vẫn không tìm thấy. Trong nhóm, có người nói tìm phía trước, có người nói ở phía sau. Tìm khắp bốn phía nhưng không thấy. Họ rất buồn khổ, nói rằng:
– Chúng ta bỏ Thánh giả lại, điều này không an lành gì cả, nên trở lại tìm ngài.
Có người lại nói:
– Vị Thánh giả kia có đại uy thần, hiểm nạn trong biển lớn mà vẫn bình an như vậy, huống chi ở đất bằng mà lại nguy hiểm cho ngài hay sao?
Họ nói thế xong, cùng nhau tiếp tục lên đường.
Bấy giờ, Tăng Hộ ngủ trên đống sỏi ở sa mạc, trời nóng liền thức dậy, đứng lên nhìn bốn phía, không có một bóng người, tự nói rằng: “Các thương gia này bỏ ta ra đi, ta không nên ở đây, nên đi tiếp tục”.
Tăng Hộ liền lần hồi lên đường, không thấy dấu chân người, chỉ có đường nhỏ. Tăng Hộ đi theo đường nhỏ, đến một khu rừng lớn, thấy trong rừng có ngôi chùa tráng lệ, tịnh diệu, chỗ ngồi nằm đều bằng nệm, lầu gác, điện đường rất đẹp. Trong chùa có nước suối trong chảy quanh, cây quý mọc thành hàng, nhiều màu sắc lạ lùng, cây lá chứa ánh sáng. Trong hồ nước có các loài chim bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, bạch nga, như các loại chim ở thiên cung. Trong chùa có các Bí-sô đầy đủ uy nghi.
Bấy giờ Tăng Hộ thấy những vị đồng phạm hạnh, liền đến gặp các vị ấy, cung kính đảnh lễ. Bí-sô kia nói:
– Thiện lai! Thiện Lai! Này Tăng Hộ, người từ đâu đến?
Tăng Hộ đem sự việc của mình kể ra.
Khi ấy, Bí-sô kia sau khi sắp xếp rồi, đưa Tăng Hộ vào trong chùa. Tăng Hộ thấy các chỗ ngồi tốt đẹp, có thức ăn ngon. Bí-sô kia hỏi rằng:
– Thầy có đói khát không?
Đáp:
– Đói khát.
Vị kia nói:
– Nếu thấy đói, nên ăn đi.
Đáp:
– Đợi Tăng già ăn, tôi sẽ ăn chung.
Bí-sô kia nói:
– Thầy đi đường bệnh, mệt nhọc, nên ăn cho no đủ. Nếu chờ đến giờ ăn, sẽ có những chuyện không hay.
Tăng Hộ ăn xong, đi qua một bên.
Đến giờ ăn, trong chùa đánh kiền chùy, tập Tăng già. Mỗi người tự mang bát, đến nhà ăn, ngồi theo thứ tự. Khi ấy, phòng xá nhà chùa biến mất, bát của mỗi người biến thành cây ống bằng sắt. Mọi người cầm cây sắt này đánh lẫn nhau, đầu mặt tét ra, chảy máu khắp đất, chịu đựng những đau khổ bị thương như vậy. Tàn giờ ăn, chùa hiện lại như cũ. Các Bí-sô kia bình phục lại như thường, các căn tịch tịnh, ngồi theo thứ tự.
Bấy giờ Tăng Hộ đến chỗ Bí-sô thưa rằng:
– Thưa Thánh giả, quý ngài đã gây ra nghiệp nhân gì mà có sự việc như vậy, chịu các khổ não?
Đáp:
– Này đại đức Tăng Hộ! Người ở Chiêm Bộ Châu không có lòng tin.
Tăng Hộ nói rằng:
– Tôi thấy trước mắt, tại sao không tin.
Đáp:
– Này Tăng Hộ! Trước đây, vào thời Phật Ca Nhiếp Ba, chúng tôi là Thanh Văn, khi sắp đến giờ ăn, cùng nhau giành giật, đánh lộn. Do nghiệp này, khiến cho chúng tôi ở đây thọ riêng địa ngục. Khi thầy về, nên nói với tăng già ở Chiêm Bộ: mỗi khi đến giờ ăn chớ có giành giật, đánh nhau. Nếu ai giành giật đánh nhau sẽ chịu khổ này.
Tăng Hộ trả lời:
– Xin vâng! Tôi sẽ làm đúng như vậy.
Tăng Hộ từ giã đi về phía trước. Lại thấy một ngôi chùa. Chùa này nguy nga không khác chùa trước. Tăng Hộ lại thấy Bí-sô uy nghi đầy đủ. Sự việc lại xảy ra như trước. Trong bát của Bí-sô có nước đồng sôi nóng. Các Bí-sô dùng tay vớt lên,…. cho đến khi chùa hiện ra như cũ. Chúng Bí-sô ấy lại ngồi yên như cũ theo thứ tự.
Tăng Hộ hỏi rằng:
– Đại đức, Do nghiệp lực gì sinh đến chỗ này, thọ khổ như vậy?
Bí-sô nói:
– Chúng sinh khó tin.
Đáp:
– Tự thân tôi thấy, tại sao không tin?
Bí-sô nói:
– Tăng Hộ nên biết. Tôi là Thanh văn ở nơi Phật Ca Nhiếp Ba. Mỗi khi đến giờ ăn, được các món ăn ngon. Khi ấy, có khách Bí-sô đến, chúng tôi tham ăn nên phát sinh ý nghĩ: “Chờ khách đi rồi, khi ấy sẽ cùng nhau ăn”.
Gặp lúc trời mưa kéo dài đến bảy ngày. Bí-sô khách vì mưa bùn lầy lội nên không thể lên đường. Vì kéo dài đến bảy ngày không đem ra dùng nên thức ăn bị hư thối không ăn được, phải vứt bỏ đi hết. Vì thọ của tín thí nhưng không đem ăn một cách bình đẳng, đến nỗi phải vứt bỏ. Do nghiệp này, sinh ở biệt ngục, chỉ chịu khổ nhẹ. Sau khi thọ đủ rồi thì chết, đọa vào đại địa ngục.
Này Tăng Hộ! Ngươi về bảo các Bí-sô ở nhân gian chớ có hành động như vậy. Ai làm vậy sẽ rước lấy cái khổ ở địa ngục.
Tăng Hộ nghe lời này, liền từ giã ra đi, tuần tự lên đường. Lại thấy một ngôi chùa tráng lệ như trước, có các Bí-sô đến giờ ăn ngồi thứ tự như trước.
Bấy giờ chùa phát hỏa cháy rực rỡ, dữ dội, chúng Bí-sô đều bị thiêu đốt. Qua giờ ăn, chùa hiện trở lại như cũ. Chúng Bí-sô các căn bình phục, lại ngồi theo thứ tự. Tăng Hộ hỏi và được trả lời như trước.
Bí-sô kia nói rằng:
– Hãy lắng nghe. Xưa kia chúng tôi là Thanh văn ở chỗ Phật Ca Nhiếp Ba. Chúng tôi phá giới, bị Tăng tẫn xuất, chúng tôi đến nơi khác cộng trú với những người như tôi. Sau đó có một Bí-sô trì giới tinh tấn đến chỗ này. Sau lại có Bí-sô trì giới đầy đủ cũng đến chỗ này chỉnh lý Tăng đồ. Họ trách chúng tôi, chúng tôi không chịu nhường nhịn. Sau đó, vào giờ ăn, đại chúng đang ăn uống, chúng tôi đồng tâm phóng lửa đốt chùa, đốt đến cháy rụi. Do nghiệp lực ấy, sinh trong chỗ này, chịu riêng khổ này. Khi hết khổ này, đọa đại địa ngục. Thầy nên về báo với Bí-sô ở Chiêm Bộ đừng làm việc ấy. Nếu làm như vậy, phải bị tội như chúng tôi, chịu khổ như thế.
Tăng Hộ lại thấy có hữu tình hình thể như bức vách, hoặc như cây lớn, hoặc như chiếc lá, hoặc như hoa, hoặc như trái, hoặc như cây trụ. Tất cả hữu tình ấy đều bị dây trói kéo đi làm cho sập bẫy.
Bấy giờ, Tăng Hộ lần lượt đi tới, đến một trú xứ có năm trăm tiên nhân. Họ thấy Tăng Hộ đến, nói với nhau rằng:
– Sa môn Thích tử này đa ngôn đa ngữ. Các ngươi đừng nên nói chuyện với họ.
Nói như thế rồi, các vị tiên đều im lặng.
Bấy giờ Tăng Hộ đi đến nói với các tiên nhân:
– Xin các ngài cho tôi chỗ nghỉ ngơi.
Các tiên im lặng, không ai lên tiếng cả. Trong chúng có một tiên nhân từ bi mẫn niệm, bảo các tiên nhân:
– Lẽ nào không bố thí chỗ cho Sa môn Thích tử.
Các tiên nhân nói:
– Nên cho họ chỗ ngồi nhưng không cho nói chuyện.
Tăng Hộ đáp:
– Xin vâng.
Họ bố trí Tăng Hộ ở một phòng trống. Tăng Hộ ở phòng này, rửa chân, trải tòa, an trí chỗ ngồi, đoan thân chánh niệm.
Tại trú xứ tiên nhân này, trước đây có rất nhiều thiên nữ. Vào đầu đêm, họ đến chỗ Tăng Hộ, thưa rằng:
– Thưa Thánh giả, xin ngài vì chúng con thuyết giảng pháp yếu.
Tăng Hộ trả lời:
– Này chị em, quý vị hưởng thọ rất nhiều khoái lạc. Tôi bị các tiên chế phục, không cho nói chuyện nên mới được ở tịnh thất này. Này chị em, bảo tôi thuyết pháp là muốn làm cho tôi đi khỏi nơi này, phải không?
Khi ấy, các thiên nữ tự nghĩ: “Sa môn Thích tử này đi từ xa đến, thân thể mệt nhọc. Ta nên đi nơi khác”.
Suy nghĩ như thế rồi, chư thiên bỏ đi.
Sau nửa đêm, thiên nữ lại đến chỗ Tăng Hộ, bạch rằng:
– Thánh giả, hãy vì tôi thuyết pháp.
Tăng Hộ nói:
– Quý vị quyết định đẩy tôi ra khỏi chỗ này, phải không?
Chư thiên lại suy nghĩ: “Vị này ngủ nghỉ chưa đủ. Ta nên tạm thời đi nơi khác”.
Đến cuối đêm, thiên nữ lại đến bên chỗ Tăng Hộ, thưa rằng:
– Thánh giả, xin vì con thuyết pháp.
Tăng Hộ lại bảo:
– Này chị em! Các người muốn cho ta đi khỏi chỗ này hay sao?
Thiên nữ đáp:
– Trời đã sáng rồi, tại sao không ra đi? Chẳng lẽ ngài không nghe Phật dạy: đến nơi nguy hiểm phải nên nhẫn nại hay sao?
Khi ấy, Tăng Hộ suy nghĩ: “Thiên nữ đã không ưa ta, ta nên mau ra đi”. Lại tự nghĩ: “Các tiên nhân này đều là dị học. ta nên đọc kệ theo sở học của họ để họ nghe, tất họ hoan hỷ”.
Tự nghĩ thế rồi, Tăng Hộ đọc kệ:
– Trần truồng và tóc dài
Bôi tro và nhịn ăn
Nằm đất để rửa thân
Ngồi xổm và tà niệm
Các tà pháp như vậy
Không thể thoát sinh tử.
Chỉ trừ chân diệu pháp
Trang nghiêm nơi tự thân
Chánh kiến trú tư duy
Để đoạn tham, sân, si
Từ bi, hành hỷ xả
Không giết hại chúng sinh
Cần tu nơi học xứ
Chân Sa môn như vậy
Bà la môn như thế
Nào khác tánh Bí-sô.
Khi Tăng Hộ nói tụng này, các tiên nhân nghe tụng, nói với nhau rằng:
– Người này tụng kinh của ta.
Bấy giờ, các tiên nhân tự mỗi người đều đến lắng nghe lời tụng. Do thiên nữ làm mê hoặc nên họ không thấy nhau.
Bấy giờ, Tăng Hộ thuyết kinh Thành Dụ, làm cho họ giác ngộ. Thuyết kinh này xong, chúng chư thiên chứng quả thứ ba. Các thiên nữ làm cho chư tiên phục hồi bản tâm, thấy được nhau, họ đồng thanh nói rằng:
– Thiện thuyết! Thiện thuyết! Kinh này thật vi diệu!
Họ cùng tán thán như thế rồi bảo nhau:
– Các người đến nghe pháp của vị kia phải không?
Đáp:
– Đúng vậy.
Họ lại nói:
– Nay ta ở đây, thu hoạch được lợi ích tốt đẹp vi diệu.
Khi ấy, chư tiên cùng nhau thưa rằng:
– Thánh giả, ngưỡng mong ngài cho chúng con xuất gia thọ cận viên, tu trì phạm hạnh như các tôn giả.
Tăng Hộ nói:
– Các cụ thọ! Quý vị có tín tâm tăng thượng như vậy, đây là thiện sự. Như Thế tôn dạy: Người được xuất gia thu hoạch năm lợi ích. Thế nào là năm?
Một: công đức xuất gia là tự lợi của ta, không cộng thông với người khác. Thế nên người trí nên cầu xuất gia.
Hai: tự biết rằng ta là người thấp hèn, bị người khác sai khiến. Sau khi xuất gia, lại nhận được sự cúng dường, lễ bái, tán thán của người. Thế nên người trí nên cầu xuất gia.
Ba: từ cõi này mệnh chung, sẽ sinh cõi thiên, rời khỏi ba đường ác. Thế nên người trí nên cầu xuất gia.
Bốn: do từ bỏ thế tục, xuất ly sinh tử, sẽ đạt được an ổn vô thượng Niết-bàn. Thế nên người trí nên cầu xuất gia.
Năm: thường được chư Phật, chúng Thanh văn, các bậc thượng nhân tán thán. Thế nên người trí nên cầu xuất gia.
Ngươi nên khéo quán sát sự lợi ích này với tâm ân cần trân trọng, xả bỏ các lưới thế tục, cầu đại công đức. Vì vậy nay ta độ ngươi xuất gia. Các ngươi muốn xuất gia ở đây hay đến chỗ Phật?
Chư tiên đáp:
– Ngưỡng mong cùng tôn giả đồng đến chỗ Phật và xuất gia ở đó.
Chư tiên lại thưa:
– Dùng thần lực của tôn giả hay dùng thần thông của chúng tôi đi đến đó?
Tăng Hộ nghe lời này, tâm không vui, tự nghĩ: “Chư tiên nhân chúng nghe ta thuyết pháp, đắc đạo quả cao. Ta tuy thuyết giảng nhưng không đắc quả ấy”.
Tăng Hộ bảo với các tiên:
– Hãy chờ tôi một lúc, tôi có việc cần làm.
Tăng Hộ đến dưới gốc cây, trải tòa, kiết già phu tọa, đoan thân chánh niệm, tâm ý tịch nhiên. Lại tự nghĩ: “Phật dạy: đa văn có năm lợi ích”. (Nói như các nơi khác)
Tăng Hộ tinh tấn như vậy, đoạn trừ phiền não, liền chứng quả A-la-hán, thoát ly ba cõi, cắt đứt bụi trần, không sinh sân hận, xem vàng cũng như đất, xứng đáng là chỗ để Đế-thích, chư thiên, Phạm, v.v… cúng dường.
Tăng Hộ bảo các tiên:
– Hãy nắm lấy góc y của tôi, nương theo thần lực của tôi để đến chỗ Phật.
Tăng Hộ bay lên hư không như là nhạn chúa, như bầy chim ưng.
Năm trăm khách buôn kia vẫn chưa đi đến nơi, đang dừng ngựa chở hàng hóa lại nghỉ. Thấy Tăng Hộ từ xa đến, họ thưa rằng:
– Thánh giả, ngài đã đến đây rồi à? Nay ngài muốn đi đâu?
Đáp:
– Năm trăm vị tiên này muốn đến chỗ Phật để cầu xuất gia. Nay tôi cùng đi với họ đưa đến chỗ Phật.
Khi ấy, năm trăm lái buôn cùng thưa rằng:
– Thánh giả, chúng tôi cũng muốn cùng đến đó xuất gia. Thưa Thánh giả, ngài hãy xuống đây tạm nghỉ, chờ chúng con đem tài vật gửi cho gia đình rồi đi cùng ngài.
Sau khi họ phân chia tài sản, Bí-sô Tăng Hộ cùng với một ngàn người đến chỗ Phật. Bấy giờ đức Phật Thế tôn đang có vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh nghe thuyết pháp. Thế tôn thấy nhóm Tăng Hộ từ xa đến, bảo với đại chúng rằng:
– Tất cả các ngươi đều thấy Tăng Hộ Bí-sô cùng với ngàn người kia đang đi đến đây không?
Bí-sô đáp:
– Chúng con đều thấy.
Thế tôn bảo:
– Các việc cúng dường trong thế gian, không gì bằng việc giáo hóa người xuất gia, điều phục tế độ họ.
Khi ấy, nhóm Tăng Hộ lạy sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Cụ thọ Tăng Hộ bạch Phật rằng:
– Thế tôn! Các tộc tánh tử này với số lượng có một ngàn người, đều muốn ngay nơi pháp luật thiện thuyết của Phật, được xuất gia, thọ cận viên, thành Bí-sô tánh. Ngưỡng mong Phật từ bi thương xót hứa cho.
Phật nói:
– Này Bí-sô! Hãy khéo đến đây. Ngay trong giáo pháp của Ta khéo tu phạm hạnh, thành đại Sa môn.
Phật nói lời này xong, râu tóc của ngàn người này đều tự rụng, trên thân tự nhiên được mặc y Tăng-già-chi, tóc như đã được cạo bảy ngày rồi, bình bát nơi tay, uy nghi cụ túc, như Bí-sô có trăm tuổi hạ (như được nói ở những nơi khác).
Thế tôn vì họ thuyết giảng giáo nghĩa. Họ tự tinh tấn, đoạn các phiền não, chứng quả A-la-hán, thoát ly dục vọng của ba cõi, v.v… là chỗ cúng dường của chư thiên, Đế-thích…
Bấy giờ, cụ thọ Tăng Hộ bạch Phật:
– Thế tôn! Tại chỗ kia con thấy các loài hữu tình có thân thể như tường vách, như trụ cây, như lá, hoa, quả, như cây chổi quét, như chảo, như muỗng, như cối… Tiền thân của chúng đã làm nghiệp gì mà chịu quả báo ấy?
Phật dạy:
– Này Tăng Hộ! Phàm các hữu tình những nghiệp đã làm phải chịu kết quả, không ai thay thế được, v.v… Quả báo phải tự mình chịu lấy.
Đời quá khứ, trong Hiền kiếp này, khi loài người sống đến hai vạn tuổi, có Phật ra đời hiệu là Ca Nhiếp Ba, ở tại Thiên nhân đọa xứ, trong vườn Thi Lộc. Khi ấy, Phật Ca Nhiếp có các cầu tịch và Bí-sô.
Này Tăng Hộ! Như người đã thấy, chúng sanh hình dáng như tường ấy là những chúng sanh lấy bùn đất làm nhơ bẩn vách tường Tăng già lam nên chịu quả báo như vậy.
Những chúng sanh như trụ là những hữu tình khạc nhổ. hỷ mũi, làm bẩn cột trụ Tăng già lam. Do nghiệp ấy nên thọ quả báo như vậy.
Thấy chúng sanh hình như cái muỗng, chúng sanh này từng là cầu tịch, phân chia nước mật ở Tăng già lam. Có Bí-sô khách đến chỗ cầu tịch, cầu tịch rửa muỗng. Bí-sô khách hỏi:
“Trong Tăng già đã phân chia nước phi thời chưa?”
Cầu tịch đáp:
“Phân chia đã xong, không thấy tôi rửa muỗng hay sao?”
Cầu tịch này lại dựa vào đó nổi giận, chửi rủa. Do nghiệp lực ấy, chịu quả báo như thế.
Thấy những chúng sanh hình như cái cối, ngày trước từng là Bí-sô. Khi muốn làm bát, có một cầu tịch chuyên coi về kho tàng của Tăng già. Bí-sô làm bát đến nơi cầu tịch này hỏi rằng:
“Cho ta mượn cối để giã mè”.
Khi ấy, cầu tịch thưa rằng:
“Đại đức, hãy chờ đây một lúc. Tôi quên mất nó ở đâu rồi, chút nữa sẽ đưa cối cho”.
Bí-sô nổi giận, nói:
“Nếu ta tự do lấy cối thì không thèm nói chuyện mượn cối, dùng cối giã mè và giã luôn thân ngươi”.
Khi ấy, cầu tịch tự nghĩ: “Nếu ta trả lời chắc vị ấy giận thêm”. Cầu tịch đứng im lặng.
Khi biết Bí-sô hết giận, liền đến bên vị ấy thưa rằng:
“Thầy biết tôi là hạng người nào không?”
Tôn giả kia đáp:
“Người xuất gia làm cầu tịch trong giáo pháp của Phật Ca Nhiếp Ba”.
Cầu tịch nói:
“Sự nghiệp xuất gia của thầy chưa làm xong, thầy bị tất cả phiền não ràng buộc. Tôi đã giải thoát. Thầy nói ra lời thô ác, phải nên sám hối thì tội tiêu diệt”.
Bí-sô kia phát lộ sám hối, quả báo còn lại sinh làm thân hình như cái cối.
Ngươi thấy chúng sanh hình như cái chảo, xưa kia ta từng là tịnh nhân trong nhà chùa, thừa sự Bí-sô, vì Bí-sô rang thuốc. Gặp lúc Bí-sô giận trừng mắt ngó, vì vậy tịnh nhân sinh lòng oán hận, cố ý đập bể chảo. Do nghiệp lực này, thân hình như cái chảo.
Ngươi thấy hữu tình có thân hình bị kéo đứt ra, xưa kia là người thọ sự. Bên ngoài có người bố thí vật dụng cho Tăng được sử dụng khi nóng và khi lạnh. Khi ấy, người thọ sự đem y vật tháng hè dùng cho mùa đông, đem y vật mùa đông dùng cho mùa nóng. Do nghiệp lực này, thọ khổ như vậy.
Khi ấy, các Bí-sô đều có ý nghi ngờ, bạch Phật:
– Cụ thọ Tăng Hộ đã từng làm hạnh nghiệp gì và do nghiệp gì được sinh vào nhà trưởng giả giàu có, lại được xuất gia, chứng quả A-la-hán, làm nên việc lợi ích lớn như vậy?
Phật bảo các Bí-sô:
– Bí-sô Tăng Hộ đã làm các phước nghiệp như sau:
Thời quá khứ, khi loài người sống đến hai vạn tuổi có Phật Ca Nhiếp Ba xuất thế. Khi ấy Phật Ca Nhiếp Ba ở tại tiên nhân đọa xứ, trong vườn Thi Lộc. Tăng Hộ cũng xuất gia với Phật kia, làm thủ chúng, có năm trăm đệ tử. Nam nữ bốn phương đều tín ngưỡng hướng về.
Khi ấy, vị thủ chúng này trọn đời kiên trì phạm hạnh không hủy phạm, nhưng không chứng được quả vị gì. Sau đó, khi làm chúng, vị này phát biểu rằng:
“Tôi kiên trì tu hành phạm hạnh, tinh tấn không lười biếng trong pháp luật thiện thuyết của Phật Ca Diếp nhưng không chứng được quả vị thù thắng. Những công đức tôi làm, nguyện cho tôi trong đời tương lai, khi Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trong đời, được xuất gia trong pháp luật ấy, tu hành phạm hạnh, đoạn trừ phiền não, chứng quả A-la-hán”.
Bấy giờ, năm trăm đệ tử cùng tập họp lại chỗ thầy, thưa rằng:
“Ô Ba Đà Da, thầy có đắc quả không?”
Đáp:
“Chưa đắc”.
Hỏi:
“Thầy phát nguyện thù thắng gì?”
Đáp:
“Phát nguyện… (như trên)…”
Các đệ tử đồng thưa:
“Nếu Ô Ba Đà Da chứng quả như vậy, chúng con cũng xin theo ngài xuất gia, cùng chứng quả A-la-hán”.
Bấy giờ, ở tụ lạc có năm trăm người cùng đến chỗ thầy, cũng hỏi đáp như trên. Họ đồng phát nguyện:
“Chúng con cùng nguyện được chứng quả A-la-hán”.
Này các Bí-sô! Đừng nghi ngờ gì cả. Người thủ chúng trong quá khứ nào phải người nào lạ, nay chính là Tăng Hộ. Năm trăm đệ tử xưa kia chính là năm trăm tiên nhân. Năm trăm người ở tụ lạc thuở xưa, nay chính là năm trăm thương nhân.
Xưa kia, người thủ chúng nhờ nhân duyên cúng dường Tăng già, do hạnh nghiệp ấy được sinh vào nhà giàu có. Do phát nguyện nên nay chứng quả A-la-hán. Lại nữa, do vị ấy xưa kia thường tự điều phục nên nay sinh ra thường điều phục người, độ rộng hữu tình, làm việc lợi ích.
Này các Bí-sô! Trồng nghiệp trắng được quả báo trắng, v.v… như đã nói ở trước.
Này các Bí-sô! Nên học tập như vậy.
Một thời các Bí-sô có tâm nghi ngờ, đem sự việc bạch Phật:
– Bí-sô Hóa Long bắt đầu phát tâm ở nơi nào?
Phật dạy:
– Về quá khứ, trong đời Hiền kiếp này, khi loài người sống đến hai vạn tuổi, có Phật ra đời hiệu là Ca Nhiếp Ba. Ngài ở rừng Thi Lộc, thuyết giảng giáo pháp cho các Thanh văn:
“Này các Bí-sô! Nên trú nơi Lan-nhã, trong núi, dưới cội cây, nơi yên lặng, rừng vắng, am cỏ, chỗ xa vắng, trong hang núi, v.v…, đoan thân chánh niệm ngồi tịch tịnh, dũng mãnh tinh tấn, chớ nên phóng dật, nghe theo lời Ta dạy. Các ngươi nên học như vậy”.
Bấy giờ, các Bí-sô nghe lời dạy xong, theo như lời Phật dạy, người thì đến núi Diệu Cao, hoặc ao Vô Nhiệt, hoặc ao nước khác, trong ấy cũng có bảy chỗ núi vàng, hoặc có người ở thành ấp, tụ lạc.
Bấy giờ có con rồng còn nhỏ, bị vua Kim Sí Điểu bắt đem lên không trung. Từ xa, nó thấy Bí-sô các căn tịch tịnh, ngồi ngay ngắn nhập định, rồng nhỏ tự nghĩ: “Các Bí-sô này thật là an lạc, không như thân ta chịu khổ như thế này”. Do đó, rồng sinh tâm quy ngưỡng với lòng tin sâu đậm. Sau khi phát tâm niệm này, rồng nhỏ mạng chung.
Tại nước Bà La Tư Ni có Bà la môn đầy đủ sáu pháp, rồng nhỏ sinh vào nhà này. Đến khi khôn lớn, đến gặp Phật, xuất gia thọ cận viên, cần tu phạm hạnh, đoạn các phiền não, chứng quả A-la-hán,… (cho đến câu:… Đế-thích chư thiên cúng dường).
A-la-hán này tự quán sát đã làm nghiệp gì, chết từ đâu đến đây mà chứng được quả này?
Vị này quán sát thấy mình từ Long cung chết đi, sinh vào cõi người. Lại thấy đã gặp đại Thanh văn nên phát tâm ân cần. Lại thấy cha mẹ rồng trong đời quá khứ tại Long cung kia. Vị này liền hiện thần thông đến Long cung kia, thấy cha mẹ ở đời trước đang khóc lóc. Vị này hỏi cha mẹ rồng:
– Tạo sao khóc lóc vậy?
Đáp:
– Thưa Thánh giả! Tôi sinh được một con, còn nhỏ, bị vua Kim Sí Điểu bắt mang đi, giờ không biết ở đâu.
Vị này nói với cha mẹ:
– Tôi chính là con rồng ấy, đã chết ở đây, sinh vào nhà Bà la môn, được xuất gia nơi Phật Ca Nhiếp Ba, cần tu phạm hạnh, đoạn các phiền não, chứng quả A-la-hán.
Rồng mẹ thưa:
– Thánh giả, việc này khó tin, thật là hy hữu. Nhưng người con yêu quý của tôi tính tình rất ác, sinh vào nẻo thiện còn khó, làm sao chứng quả A-la-hán được?
Vị này nói với mẹ:
– Tôi thật chứng quả, không phải lời dối trá.
Rồng mẹ bảo:
– Nếu đúng như lời, từ nay về sau, hằng ngày xin ngài vì tôi mà thọ thực.
Vị này im lặng thọ lời thỉnh này.
Hằng ngày, Bí-sô này thường đến nhận các thức ăn uống thượng diệu. Sau khi ăn xong, trở về chỗ cũ.
Bí-sô này có một cầu tịch. Các Bí-sô hỏi cầu tịch này:
– Thầy của ông hàng ngày đến đâu thọ thực rồi trở về?
Cầu tịch trả lời:
– Tôi không biết.
Bí-sô nói:
– Thầy của ông hàng ngày ăn các món ăn thượng diệu, tại sao ông không đi?
Đáp:
– Thân giáo sư của tôi có đại uy đức nên mới được đi ăn. Tôi không có uy đức, sao tự đi được.
Bí-sô bảo rằng:
– Khi thầy ông sắp đi, ông nên im lặng nắm một góc y.
Cầu tịch đáp:
– Tôi nắm không quen, sợ bị rơi xuống đất.
Bí-sô bảo:
– Cột núi Tô Hê Lô vào y của thầy ông, núi cũng không rơi, huống gì thân ông.
Sau khi bị khuyến dụ, lúc sắp đến giờ ăn, cầu tịch liền im lặng đến chỗ thầy, đứng vào chổ khuất.
Khi vị thầy muốn bay lên hư không để đi, cầu tịch lặng lẽ nắm lấy góc y của thầy, cũng được bay theo.
Khi ấy, trong Long cung xếp đặt hai chỗ ngồi, hai mạn-đà-la. Thầy thấy vậy hỏi các rồng rằng:
– Tại sao phải xếp hai chỗ ngồi, hai đàn tràng vậy?
Rồng trả lời:
– Thầy nên xem lại phía sau, có phải thêm một người hay không?
Thầy quay lại nhìn, thấy cầu tịch, hỏi:
– Ông cũng đến đây à?
Đáp:
– Vâng.
Thầy nói:
– Lành thay!
Sau khi họ ngồi vào chỗ, các rồng tự nghĩ: “Vị sư chủ này đắc quả thù thắng, có đại uy đức, phải cúng dường thức ăn của trời. Nhưng vị đệ tử kia chưa chứng được như vậy, nên cho thức ăn của phàm phu”.
Nghĩ thế rồi, các rồng cúng dường như vậy.
Sau khi ăn xong, cầu tịch cầm lấy bát của thầy, trong bát này còn sót lại một hạt cơm, cầu tịch lấy hạt cơm này ăn, thật là ngon ngọt, mùi vị ở thế gian không sánh được. Cầu tịch ăn rồi, tự nghĩ: “Hai người cùng ăn, sao lại phân làm hai mâm?”. Do đó, cầu tịch sinh tâm sân hận, phát lời nguyền:
– Ta xuất gia nơi Phật Ca Nhiếp, tu tập phạm hanh, nguyện đem công đức này được sinh vào thân rồng, có đại uy đức đoạt lấy cung này, đuổi các con rồng đi hết.
Cầu tịch này do lòng sân quá mãnh liệt, không kể thân mạng, phát nguyện này rồi, thì ngay nơi hai tay tuôn chảy nước trong. Các rồng trong cung đều bị đau đầu. Các rồng bạch rằng:
– Thánh giả! Cầu tịch này không niệm việc thiện, nên ngăn cản lại.
Vị thầy bảo cầu tịch:
– Đó là đường ác, nay tại sao ông lại phát ra ý niệm như vậy?
Bấy giờ, cầu tịch dùng kệ trả lời thầy:
– Tâm con đã rời xa
Khó biết tìm ở đâu
Hối hận khó được rồi
Hai tay đã chảy nước.
Cầu tịch nói kệ rồi, thân hóa loài rồng, đuổi các rồng chủ kia đi, tự mình chiếm ở trong cung.
Phật bảo các Bí-sô:
– Hóa Long Bí-sô là Long vương bị đuổi. Khi Long vương vì nhân duyên này mà bắt đầu phát tâm.
Phật ở tại thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc. Có vị ngoại đạo đến rừng Cấp Cô Độc, thấy trú xứ của các Bí-sô có những giường nằm, tòa ngồi, tư cụ để thọ dụng và các thức ăn uống, vị ấy tự nghĩ: “Sa môn Thích tử thức ăn, chỗ nằm, những thứ sử dụng đều tốt đẹp, nhưng giáo pháp của họ không bằng của ta. Ta nên xuất gia ở đây để được hưởng thụ ẩm thực, ngọa cụ, nhưng khi ta muốn nghe pháp thì đi về chỗ cũ”.
Ngoại đạo này nghĩ như thế rồi, đến gặp Bí-sô, thưa rằng:
– Thánh giả, con muốn xuất gia.
Chúng Bí-sô cho người này xuất gia và thọ cận viên.
Thường pháp của ngoại đạo là làm Bao-sái-đà vào ngày mười bốn. Bí-sô Bao-sái-đà vào ngày mười lăm. Ngoại đạo kia vào ngày mười bốn lại ở tại trú xứ ngoại đạo để Bao-sái-đà. Đến ngày mười lăm lại trở về chỗ cùng các Bí-sô làm trưởng tịnh.
Sau đó, vào một lúc khác nhằm ngày mười bốn hắc nguyệt, Tăng già trưởng tịnh. Bấy giờ ngoại đạo kia tự nghĩ: “Hôm nay hai nơi cùng làm trưởng tịnh, vậy ta nên đến nơi kia hay nên ở đây?”. Ngoại đạo lại nghĩ: “Sa môn Thích tử từ bi hỷ xả, pháp tắc khoan dung. Ngoại đạo kia pháp tắc nghiêm ngặt. Nếu ta không đến tất họ phạt nặng và nghiêm trách ta”.
Nghĩ thế xong, ngoại đạo này liền đến chỗ trú xứ ngoại đạo cũ.
Bấy giờ, các Bí-sô đánh kiền chùy, tập hợp Tăng già. Đại chúng tập hợp xong, người bỉnh pháp thưa rằng:
– Tăng già tập hợp hết chưa?
Các Bí-sô không tìm thấy Bí-sô ngoại đạo kia. Khi không tìm thấy người này, đại chúng trưởng tịnh.
Sáng hôm sau, Bí-sô ngoại đạo này trở về, các Bí-sô hỏi rằng:
– Ngày hôm qua thầy đi đâu vậy?
Đáp:
– Tôi trở về chỗ tu phạm hạnh cũ rồi trở lại đây.
Lại nói:
– Tôi thọ dụng ẩm thực, ngọa cụ ở đây nhưng khi thọ pháp, tôi trở lại chỗ cũ.
Bấy giờ, các Bí-sô đem sự việc bạch Phật, Phật dạy:
– Người ngoại đạo kia còn chấp tà kiến, ưa thích pháp của họ, không bỏ tà kiến, sống trong giáo pháp của ta cuối cùng cũng không có lợi ích gì cả, không thể tăng trưởng pháp nhãn. Nên phải diệt tẫn, cho họ hoàn tục. Từ nay trở đi, có người đến cầu xuất gia, Bí-sô phải hỏi họ: “Ngươi là ngoại đạo, tâm ưa tà pháp phải không?”. Nếu họ đáp “Vâng”, thì phải đuổi họ ra. Nếu ai không hỏi, bị tội vượt pháp.
Khi ấy, cụ thọ Ô Ba Ly bạch Phật:
– Thế tôn! Độ ngoại đạo cần phải diệt tẫn. Vậy những hạng ngoại đạo nào cần phải diệt tẫn?
Phật dạy:
Một: vẫn giữ y phục ngoại đạo.
Hai: tâm ý thích kiến thức của họ.
Ba: trở về mặc y phục cũ cho đến khi minh tướng xuất hiện.
Ba loại này đều phải diệt tẫn.
Nhân duyên tại thành Thất La Phiệt, có một trưởng giả lấy vợ chưa bao lâu, sinh được một con trai, nhờ người nuôi nấng.
Bấy giờ, trường giả bảo vợ rằng:
– Hiền thủ, sinh đứa con này tùy ý sử dụng tiền bạc của tôi và thay mặt tôi thanh toán các nợ đã vay mượn.
Dặn bảo xong, trưởng giả đem hàng hóa sang nước khác để buôn bán, nhưng chẳng may qua đời. Người vợ tự lực cánh sinh và nhờ thân thuộc nuôi con lớn dần.
Bấy giờ, thiếu niên này cùng các đồng tử khác cùng đi đến nhà trưởng giả nọ. Trưởng giả này có đứa con gái nhỏ. Cô thấy đồng tử, dùng tràng hoa ném vào người cậu ta.
Các đồng tử kia hỏi thiếu niên:
– Ngươi có hẹn hò cùng cô gái này không?
Đáp:
– Có.
Các đồng tử nói:
– Trưởng giả này tính tình nghiêm ác. Ngươi đừng nên làm việc này, tổn hại cho ngươi.
Mãi đến chiều tối, các đồng tử giữ thiếu niên này, không cho làm việc phi pháp và cùng đưa cậu ta trở về nhà người mẹ. Họ nói riêng với bà mẹ:
– Tiểu nhi đồng này cùng với con gái nhỏ kia muốn làm việc phi pháp. Chúng con đã khuyên can, không cho làm. Nay chúng con về, trong đêm nay bác nên ngăn cấm.
Người mẹ nói:
– Các cháu đã cùng nhau khuyên can. Việc này thật tốt đẹp.
Người mẹ bảo con trai đi vào trong phòng đã bố trí bình nước và bồn chứa. Sau đó bà nằm ngủ ở cửa phòng.
Đến nửa đêm về sáng, đồng tử nói với mẹ:
– Hãy mở cửa cho con ra ngoài đại tiểu tiện.
Mẹ bảo:
– Trong phòng có bồn chứa, cứ xử dụng.
Một lúc sau, cậu này lại kêu mẹ:
– Hãy mở cửa cho con.
Người mẹ vẫn không mở. Người con rất tức giận.
Người mẹ nói:
– Ta đã biết con muốn đến chỗ nào rồi. Ta thà chết ở đây, quyết không mở cửa cho con.
Khi lửa dục đã ô nhiễm tâm trí, không ác gì mà không làm, kể cả các ác nghiệp. Ngay lúc ấy, người con cầm gươm giết mẹ nằm chết trên đất, rồi đi đến nhà trường giả.
Đến nhà kia, thấy cô gái con của trưởng giả hình dung xinh đẹp. Thiếu nữ nói:
– Anh chớ sợ hãi, em ở một mình, không có người khác.
Thiếu niên tự nghĩ: “Ta nên báo cho cô này biết ta đã giết mẹ”.
– Này em, anh đã vì em giết chết mẹ mình rồi.
Cô gái hỏi:
– Đó là mẹ ruột hay mẹ kế?
Đáp:
– Mẹ ruột.
Cô gái tự nghĩ: “Người này nổi giận, đến cả mẹ mình cũng giết, huống chi ta là người ngoài!”. Nghĩ như thế, cô này nói rằng:
– Anh chờ đây, em lên lầu một chút.
Cô gái lên lầu rồi, cất cao giọng la lên:
– Trong nhà có giặc!
Thiếu niên này nghe thế, nương vào cửa khe nước trốn ra. Anh ta về đến nhà, ném dao ra đất, la to lên:
– Giặc giết mẹ tôi! Giặc giết mẹ tôi!
Sau khi la khóc, anh ta theo pháp thế gian hỏa thiêu thây mẹ, nhưng vẫn suy nghĩ: “Ta là kẻ ác, tạo tội cực nghịch”, nên tâm ý sợ hãi, không an ổn. Anh ta đến những nơi thờ trời, tùy theo mỗi nơi thưa hỏi về việc tu hạnh nghiệp gì diệt được tội nặng.
Có người nói:
– Cần phải nhảy vào lửa.
Có người nói:
– Lên bờ cao nhảy xuống.
Có người nói:
– Nhảy vào nước.
Có người nói:
– Thắt cổ chết.
Tất cả những lời nói về các phương tiện ấy, đều đưa đến tự chết, không có lối ra.
Sau đó, người này đi đến rừng Thệ Đa, thấy các Bí-sô tụng niệm kinh luận, vang lên âm thanh bài kệ:
– Nếu người làm điều ác
Tu thiện trừ diệt được
Người ấy chói thế gian
Như nhật thoát mây che.
Bấy giờ người này tự nghĩ: “Xuất gia Thích tử có pháp trừ tội. Nay ta nên xuất gia, tu các thiện nghiệp để diệt trừ tội lỗi của ta?”.
Nghĩ thế rồi, anh ta đi đến chỗ các Bí-sô thưa rằng:
– Thánh giả, con muốn xuất gia. Ngưỡng mong từ mẫn.
Khi ấy, Bí-sô này cho anh ta xuất gia và thọ cận viên.
Sau khi xuất gia, vị Bí-sô này tinh cần đọc tụng, thông suốt cả ba tạng Thánh giáo, biện tài vô ngại, lý luận khéo léo. Có Bí-sô đến hỏi rằng:
– Cụ thọ, do nhân duyên gì mà ngài tinh cần khổ hạnh vậy? Chắc có điều mong cầu.
Vị kia đáp:
– Tôi vì mục đích tiêu diệt trọng tội.
Hỏi:
– Thầy đã gây tội gì?
Đáp:
– Giết mẹ.
Hỏi:
– Mẹ ruột hay nhũ mẫu?
Đáp:
– Mẹ ruột.
Bấy giờ, các Bí-sô đem sự việc này bạch Phật. Phật dạy các Bí-sô rằng:
– Nếu có người giết mẹ cầu xuất gia, cho họ xuất gia sẽ phá hoại giáo pháp của ta. Phải đuổi họ ra. Từ nay trở đi trong pháp luật của ta, nếu có người đến cầu xuất gia, phải hỏi họ: “Người không giết mẹ, phải không?”. Nếu không hỏi, bị tội vượt pháp.
Người kia bị chúng Tăng đuổi ra, tự nghĩ: “Nay ta không thể hoàn tục. Nên đến chỗ biên giới xa xôi”. Người này đến trú nơi biên địa, hóa độ một trưởng giả. Trưởng giả đ?i với Bí-sô này sinh tâm kính ngưỡng, tạo một ngôi chùa. Lữ khách bốn phương đều đến chùa này. Người nào đến cũng đều được nghe thuyết pháp. Có nhiều người chứng quả A-la-hán.
Một lúc nọ, Bí-sô này bị bệnh, dùng các loại vỏ thuốc trị liệu nhưng không hết. Đến lúc quá nguy khốn, giờ chết gần kề, bảo các đệ tử phải xây phòng tắm. Các đệ tử vâng theo lời dạy, xây phòng tắm. Khi ấy, vị Bí-sô chủ chùa này nói kệ:
– Tích tụ đều tiêu tán
Cao tột phải rơi xuống
Hội họp phải biệt ly
Có mạng tất phải chết.
Sau khi nói kệ, vị này qua đời, đọa vào địa ngục vô gián. Các đệ tử đã chứng quả A-la-hán nhập định quán sát xem Ô Ba Đà Da nay thác sinh chỗ nào.
Họ quán sát kỹ nơi thiên cung nhưng không thấy.
Họ lại quán sát nơi nhân gian, bàng sanh, ngạ quỷ đều không thấy.
Họ lại quán sát chốn đọa ngục, thấy thầy mình đang ở địa ngục vô gián. Bấy giờ các đệ tử đều suy nghĩ: “Ô Ba Đà Da của ta khi còn sinh tiền trì giới, đa văn, dùng pháp để hóa độ. vậy đã làm nghiệp gì mà đọa vào đọa ngục vô gián?”.
Họ lại quán sát nữa, mới thấy thầy mình có gây nghiệp giết mẹ, nên bị lửa dữ ở địa ngục hành hạ thân xác.
Khi bị hành hạ ở địa ngục, vị này phát sinh ý tưởng cho đây là phòng tắm đã làm, liền kêu lên:
– Phòng tắm! Phòng tắm! Lửa nóng dữ dội, thiêu đốt thân ta.
Khi ấy, ngục tốt nơi cửa dùng chùy đánh lên đầu, bảo rằng:
– Tội nhân bạc phước, đây là địa ngục vô gián, tại sao gọi chỗ này là phòng tắm?
Khi bị đánh vào đầu, vị này phát thiện tâm, liền mạng chung, sinh vào cung trời Tứ thiên vương.
Phàm khi một hữu tình sinh lên cõi thiên, khởi lên ba ý nghĩ:
* Ta từ đâu sinh đến đây?
* Nay ta đang ở chỗ nào?
* Ta có nhân duyên với nghiệp gì?
Khi khởi lên tâm niệm này, người ấy thấy rằng: Ta chết từ địa ngục vô gián, sinh lên cung trời Tứ thiên vương. Do nhân duyên làm phòng tắm để Bí-sô tắm rửa, nhờ phước lực ấy nên được sinh lên cõi trời này.
Bấy giờ vị thiên này tự nghĩ: “Ta nhờ vào phương tiện tốt của Thế tôn, làm cho ta sinh thiên. Ta không nên ở đây, nên đến gặp Thế tôn để báo đáp ân đức này”.
Vị thiên này khi đến gặp Phật, được nghe diệu pháp, chứng sơ quả. Sau khi thấy được chân đế, vị này trở về thiên cung.
Bấy giờ vị đệ tử thượng thủ kia là bậc A-la-hán. Khi sắp đến giờ ăn của chúng Tăng, ngay chỗ bố trí cho Thượng tọa ngồi, người đệ tử nhỏ vì Tăng già dọn nước.
Khi Thượng tọa thọ nước trong bát, đầu ngón tay đụng nước, do cảm giác nước rất lạnh, vị ấy tự nghĩ: “Nay ta ở đây được uống nước lạnh, Ô Ba Đà Da ở trong địa ngục, uống nước đồng sôi”.
Vị này liền quán sát địa ngục, xem xét khắp nơi nhưng không thấy, lại quán sát khắp nhân gian, bàng sinh, ngạ quỷ đều không thấy, liền quán sát cõi thiên, thấy thầy mình sinh ở cõi Tứ thiên vương, lại đến chỗ Phật, chứng được sơ quả. Thượng tọa này thấy vậy, mỉm cười nói rằng:
– Chỉ có Phật, Pháp, Tăng là sự vi diệu thanh tịnh lớn bất khả tư nghị. Đây là nghiệp cực trọng, đọa vào địa ngục, nhưng có công năng thù thắng nên được sinh thiên thượng.
Khi ấy, vị đệ tử nhỏ dọn nước, nói với tôn giả ấy rằng:
– Ô Ba Đà Da chết, thầy được lên làm Thượng tọa nên vui vẻ cười phải không?
Thượng tọa nói:
– Này cụ thọ! Điều thầy hỏi, nay chưa đúng lúc. Chờ khi Tăng già tập họp, có thể hỏi việc này, tôi sẽ vì ông nói ra.
Sau đó, Bí-sô Tăng già tập họp, vị đồng học nhỏ thưa hỏi giữa chúng:
– Đại đức! Trước đây vì việc gì mà hoan hỷ cười vậy? Có phải vì thấy Ô Ba Đà Da chết, thầy được lên làm Thượng tọa nên sung sướng cười không?
Bấy giờ, vị đệ tử thượng thủ đối trước Tăng già trình bày sự việc trên. Các đệ tử nghe xong, rất là hoan hỷ, đều xưng tán:
– Phật, Pháp, Tăng bảo là đại thắng lợi. Ô Ba Đà Da của ta tạo tội nghiệp như vậy mà còn được sanh thiên.
Giết cha mẹ, căn cứ đây thì phạm tội đại nghịch, nói rộng như trước.
Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, thuyết pháp cho vua Thắng Quang. Nhà vua nghe pháp, được kiến đế. Khi ấy, có tám vạn thiên chúng đồng thời chứng quả, cùng có vô lượng trăm ngàn Phạm chí, Bà la môn, cư sĩ, v.v…
Bấy giờ, vua Thắng Quang cho giống trống tuyên bố hiệu lệnh:
– Trong phạm vi đất nước của ta ở, không được trộm cướp. Nếu ai phạm tội này sẽ ghép vào tội chết. Người bị trộm, ta sẽ đem vật chất bồi thường lại theo giá trị bị mất.
Bấy giờ Thế tôn thuyết giảng kinh Thiếu Niên, đã điều phục được nhà vua. Nhà vua lại ra lệnh giống trống tuyên bố:
– Trong lãnh thổ của ta không được trộm cướp. Nếu kẻ nào vi phạm, phải bị tội chết. Nhà nào bị trộm cướp, ta sẽ đem của cải trong kho ra trả lại.
Khi ấy, nước Ma Yết Đà có trộm cướp đi về hướng nước Kiều Tát La và ở giữa biên giới hai nước. Khách buôn qua lại đều bị cướp đoạt.
Bấy giờ khách buôn nước Ma Yết Đà cùng nhau đi đến Kiều Tát La, họ nói với nhau:
– Giữa hai nước này có nhiều trộm cướp, lại bị đánh thuế nặng.
Khi ấy, phần lớn khách buôn trở về, không đi nữa, chỉ ra đi một số ít. Họ đi đến giữa đường bị trộm cướp xuất hiện, cướp đoạt chớp nhoáng. Những khách buôn kia, có người bị giặc giết, có người bỏ tài sản để chạy. Trong nhóm thương nhân này có vị A-la-hán đi theo. Thấy sự việc này, trong lúc chánh tư duy, bị giặc giết hại. Những lái buôn chạy tứ tản được thoát khỏi, họ dùng bùn bôi thân, gào khóc vang dội, cùng nhau đến chỗ vua Thắng Quang chắp tay tâu vua:
– Chúng tôi buôn bán trong lãnh thổ của vua, nay bị giặc cướp.
Vua hỏi:
– Tại đâu?
Đáp:
– Tâu đại vương, tại chỗ…
Vua ra lệnh đại tướng tên là Tỳ Lâu Lô Trạch Lâu Lại Thác, mau đến chỗ ấy bắt giặc đem về.
Đại tướng vâng lệnh, đem bốn loại binh đi bắt giặc.
Bấy giờ bọn giặc đang ở yên trong rừng sâu, không mặc áo giáp, cùng nhau chia tiền bạc. Đại tướng Tỳ Lâu Lô Trạch Lâu Lại Thác điều khiển bốn loại binh bao vây giặc. Bốn mặt nhất thời đánh trống, thổi ốc, bọn giặc kinh hoàng bỏ cả của cải tháo chạy. Có tên bị giết, có tên bị bắt. Đại tướng quân chuyển tài vật của giặc lấy trộm và giải chúng đến chỗ vua, tâu rằng:
– Đây là bọn giặc và tài sản đã thu thập được.
Vua bảo bọn giặc rằng:
– Trước đây ta đã cho giống trống tuyên bố hiệu lệnh: trong đất nước ta không được trộm cướp. Nếu ai trộm cướp sẽ bị giết chết. Nhà nào bị cướp, ta sẽ xuất của cải trong kho ra bồi hoàn.
Giặc tâu vua rằng:
– Chúng tôi cũng có nghe vua giống trống ra lệnh, nhưng vì tham tài vật nên trái lệnh vua, làm trộm cướp.
Vua hỏi:
– Các ngươi đã cướp đoạt tài sản của người, tại sao phải giết họ?
Họ tâu:
– Vì muốn khủng bố những người kia.
Vua bảo:
– Các ngươi đã làm người khác sợ hãi.
Nhà vua ra lệnh cho đại thần:
– Đem bọn giặc này ra giết hết.
Đại thần đem bọn giặc đến ngã tư đường, bảo mọi người rằng:
– Đây là giặc cướp bị tội chết, sắp bị đưa ra hành quyết.
Trong nhóm giặc này có một tên chạy thoát được, vào rừng Thệ Đa, đến gặp một Bí-sô, bạch rằng:
– Thánh giả, con muốn xuất gia.
Bấy giờ, Bí-sô kia cho người này xuất gia và thọ cận viên, còn những tên giặc kia đều bị vua giết.
Sau đó, các Bí-sô đi đến Thi Lâm (rừng để xác chết). tên giặc xuất gia cũng đến Thi Lâm. Thấy vua giết những tên giặc kia, liền khóc chảy nước mắt. Các Bí-sô khác thấy, nói với nhau rằng:
– Đây là Bí-sô mới xuất gia, tín tâm rất sâu, thấy sự chết này, nước mắt chảy ra.
Bí-sô giặc thấy các Bí-sô khen, liền gào to khóc lớn. Các Bí-sô hỏi:
– Tại sao khóc to tiếng vậy?
Đáp:
– Đây là cha, đây là anh, đây là em tôi.
Các Bí-sô hỏi:
– Bọn giặc này từng giết vị A-la-hán. Chẳng lẽ ngươi giết hay sao?
Đáp:
– Ta đã từng giết.
Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
– Người giết A-la-hán là đoạn phước điền, phạm tội nghịch, cũng là phá hoại pháp của ta, phải diệt tẫn, đuổi về thế tục. Này các Bí-sô! Nếu có người đến cầu xuất gia, Bí-sô phải hỏi: “Ngươi không có giết A-la-hán phải không?”. Nếu không hỏi, bị tội vượt pháp.
Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Thế tôn:
– Nếu có người trước đây đã xuất gia, phá hoại Tăng già. Sau đó, họ đến cầu xuất gia nữa, nên cho họ xuất gia không?
Phật dạy:
– Không được.
Phật bảo Ô Ba Ly:
– Từ nay trở đi, nếu có người đến cầu xuất gia, Bí-sô phải hỏi họ: “Ngươi đã có lần nào phá hòa hợp Tăng không”. Nếu họ không phá thì được độ. Nếu không hỏi, bị tội vượt pháp.
Ô Ba Ly hỏi:
– Bạch Thế tôn! Nếu có người đối với Phật Thế tôn sinh tâm ác nghịch, làm thân Phật chảy máu, người ấy lại mong cầu nơi Phật, Pháp, Tăng, tâm ưa thích xuất gia, tu trì phạm hạnh. Trường hợp như vậy nên độ họ không?
Phật dạy:
– Không được. Nếu có người đến cầu xuất gia, Bí-sô phải hỏi: “Người không có ác tâm làm thân Phật chảy máu phải không?”. Nếu không có thì được độ. Nếu không hỏi, bị tội vượt pháp.
Ô Ba Ly lại hỏi:
– Bạch Thế tôn! Nếu có người trước đây đã từng xuất gia, phạm một trong bốn pháp Ba-la-thị-ca, rồi hoàn tục. Sau đó, đối với thiện pháp, tâm ưa thích xuất gia, được độ họ không?
Phật dạy:
– Không được. Nếu có người đến cầu xuất gia, Bí-sô phải hỏi: “Ngươi đã từng phạm tội tứ trọng không?”. Nếu không hỏi, phạm tội vượt pháp.
Phật ở tại thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc. Phật bảo các Bí-sô:
– Nếu có Bí-sô hành động bất kiến cử [*] nhân đó hoàn tục, sau lại xuất gia và thọ cận viên. Sau khi thọ cận viên, lại tạo các tội, vẫn không phát lộ, lại còn phát biểu:
“Tôi không thấy tội”.
Nếu có người như vậy, Tăng già phải diệt tẫn.
(* Bất kiến cử, một trong ba cử, tội danh theo Luật tạng:
Một: phạm tội, bị cử tội mà không chịu nhận.
Hai: phạm tội, không chịu ám hối.
Ba: nói dâm dục không chướng đạo pháp.
Đây chỉ là trường hợp thứ nhất — Người dịch)
Phật dạy:
– Nếu thọ cận viên rồi, nhưng Bí-sô vào không sám hối, không xả ác kiến, khi chúng Tăng cử tội, liền hoàn tục. Sau đó, lại đến cầu xuất gia, nhưng không bỏ ác kiến cũ, cần phải diệt tẫn.
Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc. Có những người đệ tử được lục chúng Bí-sô độ, do không biết tánh hạnh của lục chúng nên họ y chỉ theo. Sau đó, họ biết ác tánh của lục chúng nên từ bỏ, đến quy y nơi khác để thỉnh vấn các sự việc cần làm trong ba thời. Bấy giờ, lục chúng Bí-sô bàn với nhau rằng: “Đây là những kẻ sống bằng bát đen (Hắc bát sinh), đoạt những đệ tử ta đã độ. Nếu có độ thêm ai, phải độ sắc loại như vậy”.
Sau đó, Ô Ba Nan Đá thấy một người không tay, bảo rằng:
– Hiền thủ, tại sao người không xuất gia?
Đáp:
– Ai có thể độ tôi là kẻ không tay?
Ô Ba Nan Đà nói:
– Giáo pháp của Thế tôn từ bi khoan thứ. Ta sẽ độ ngươi.
Sau đó, Ô Ba Nan Đà cho người này thọ cận viên. Sau ba bốn ngày, dạy cho các việc uy nghi, ăn uống rồi bảo rằng:
– Ngươi không nghe hay sao? Nai không nuôi nai. Thành Thất La Phiệt rất rộng lớn, ngươi nên đến đó khất thực để sống.
Đệ tử này thưa:
– Nay thân con như vầy, làm sao khất thực được?
Ô Ba Nan Đà bảo:
– Cụ thọ, ta sẽ dạy ngươi.
Ô Ba Nan Đà liền mặc y cho người kia, dùng dây buộc lại, đặt bát trong túi bát, đeo vào vai trái. Tích trượng cột vào vai phải, đi vào thành Thất La Phiệt.
Có người phụ nữ, đi sau Bí-sô này la lên rằng:
– Ai làm việc độc ác phi pháp thế này? Chặt cả hai tay Bí-sô này vậy?
Bí-sô bảo rằng:
– Này chị em! Tôi bị chặt tay khi còn ở thế tục, không phải sau khi xuất gia.
Hỏi:
– Ai độ thầy xuất gia?
Đáp:
– Ô Ba Đà Da của tôi là Ô Ba Nan Đà.
Vị Ô ba tư ca (Cận sự nữ) nói:
– Trừ nhóm lục chúng ác hạnh vô sĩ, ai lại độ người này! Bấy giờ, các Bí-sô đem sự việc này bạch Phật, Phật dạy:
– Này các Bí-sô! Có các lỗi lầm do độ những người thân thể không hoàn cụ. Thế nào là không hoàn cụ? – Ấy là: không tay, không ngón tay, không chân, sứt môi,… các căn không đủ, đều không được độ. Nếu ai độ những người này, phải tội vượt pháp.
Hỏi:
– Nếu người bị chống gậy, bị bạch biến, già quá, nhỏ quá?
Phật dạy:
– Đều không được độ. Tất cả bệnh làm ô uế ngọa cụ Tăng già đều không được độ.
Lại nữa, chân què, mắt lệch, mắt mù, lưng còm, lùn thấp, bướu cổ, câm điếc, bệnh nước. tất cả những người này đều không được độ. Nếu độ họ, bị tội vượït pháp.
Lại nữa, nếu người quá dâm dục, bị thương tổn bởi nữ nhân, bị thương tổn bởi làm nặng, thương tổn không đi bộ được, đại tiểu tiện không theo ý muốn… Tất cả những hạng này đều không được độ. Nếu độ họ, bị tội vượt pháp.
Lại bạch Phật rằng:
– Nếu bị bệnh ghẻ lác, ghẻ độc, mạch lươn cổ, lác khô, lác ướt, gầy còm, ho hen, suyển khí, tiêu khát, sốt rét, điên cuồng, hạch, nghiện ngập, trĩ, v.v…?
Phật dạy:
– Không được độ. Nếu ai độ, bị tội vượt pháp.