1
2
3
4

QUYỂN THỨ BA

Đức Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, cụ thọ Bí-sô Cận Quân du hành nhân gian. Sau khi an cư ba tháng mùa mưa xong, Cận Quân độ một đệ tử. Cận Quân cùng đệ tử này đi đến thành Thất La Phiệt. Cụ thọ Cận Quân sau khi rửa chân, đến gặp Phật, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Thường pháp của chư Phật là: nếu có Bí-sô khách đến, trước tiên chào:

– Thiện lai! Từ đâu đến? An cư ba tháng màu mưa ở đâu?

Bí-sô Cận Quân bạch Phật:

– Bạch Thế tôn! Con từ nước khác đến và đã an cư ba tháng mùa mưa ở đó.

Phật hỏi:

– Vị thiện nam tử này là đệ tử của ai?

Cận Quân đáp:

– Đệ tử của con.

Phật hỏi:

– Ông đã xuất gia bao lâu?

Đáp:

– Con xuất gia được hai năm. Người đệ tử này con độ được một năm.

Bấy giờ, Phật bảo các Bí-sô:

– Cận Quân này đã gây ra lỗi lầm đầu tiên. Nay Ta chỉ định cho các Bí-sô: không được mới xuất gia chỉ được một vài năm mà đã độ đệ tử và cho thọ cận viên, không cho đồng trú, phải tự cầu y chỉ. Nếu người xuất gia chưa đủ mười hạ thì không được độ cầu tịch và truyền thọ cận viên.

Có khách Tăng đến, trước đây chưa quen biết, không được cho y chỉ. Đủ mười hạ, thông thạo kinh Biệt giải thoát thì được phép độ cầu tịch và làm y chỉ, v.v… Nếu tự mình chưa điều phục, lại điều phục người, không có sự việc này. Những người ngu si kém cõi như vậy, không nên độ người. Tự mình chưa chứng ngộ, giải thoát, tịch tịch và đắc Niết-bàn, lại vì người giải nói, không được như vậy. Tự mình đọa vào bùn nhơ, chưa ra khỏi, lại tính được độ người, đây thật phi lý.

Bấy giờ, có Bí-sô già nhưng vô trí, không thông hiểu giới luật, lại độ một ngoại đạo và truyền thọ cận viên. Sau khi thọ cận viên, người này thưa Ô Ba Đà Da rằng:

– Nay xin thầy hãy giáo thọ cho con.

Bí-sô già này không biết gì cả nên im lặng không trả lời được. Do đó, họ sanh tâm bất mãn, hiềm khích.

Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật, Phật dạy:

– Ta cho phép các Bí-sô đủ mười hạ được thu nhận đệ tử, truyền cận viên, v.v.. (như trước). Không được làm y chỉ cho người mà phải thành tựu năm pháp. Thế nào là năm? (Đại 46, trang 1031 giữa)

Một: thọ cận viên từ mười hạ trở lên.

Hai: đệ tử bị bệnh có thể săn sóc được.

Ba: có nghi ngờ về phạm ác tác phải tùy sự việc mà nêu ra rõ ràng.

Bốn: nếu có tà kiến, chỉ dạy làm cho chánh kiến.

Năm: nếu không thích pháp, cố gắng nhiếp thọ làm cho họ ưa thích trụ pháp.

Đó là năm pháp.

Lại có năm pháp. Thế nào là năm?

Một: đầy đủ giới.

Hai: đa văn.

Ba: trì kinh.

Bốn: trì luật

Năm: trì luận.

Đây gọi là năm.

Lại có năm pháp. Thế nào là năm?

Một: đủ giới, không thiếu sót.

Hai: đa văn.

Ba: hiểu rõ nghĩa lý kinh.

Bốn: thông suốt Tỳ-nại-da.

Năm: thông suốt nghĩa lý tạng Ma-thất-lý-ca.

Đây gọi là năm pháp.

Lại có năm pháp. Thế nào là năm?

Một: đầy đủ giới.

Hai: đa văn.

Ba: trì kinh biết ý nghĩa.

Bốn: thông thạo Tỳ-nại-da.

Năm: thông thạo tạng Ma-thất-lý-ca

Đây là năm pháp.

Lại có năm pháp. Những gì là năm?

(Như năm pháp trước, chỉ thêm chữ “rất”. Như: rất đầy đủ giới)

Lại có năm pháp: đồng như trước, thêm chữ “thắng” ở đầu mỗi pháp.

Lại có năm pháp: đồng như trước, thêm chữ “có khả năng” ở đầu mỗi pháp.

Lại có năm pháp. Thế nào là năm?

Một: giới thành tựu.

Hai: đa văn thành tựu.

Ba: thắng giải thoát thành tựu.

Bốn: chứng trí thắng giải thoát thành tựu.

Năm: trí huệ thành tựu.

Lại có năm pháp. Thế nào là năm?

Một: tín thành tựu.

Hai: giới thành tựu.

Ba: đa văn thành tựu.

Bốn: xả thành tựu.

Năm: trí thành tựu.

Lại có năm pháp. Thế nào là năm?

Một: đủ giới.

Hai: đa văn.

Ba: tinh tấn.

Bốn: niệm.

Năm: tuệ.

Lại có năm pháp. Thế nào là năm?

Nói rộng như trước.

Lại có năm pháp. Thế nào là năm?

Một: đủ giới.

Hai: đa văn.

Ba: tinh tấn.

Bốn: định.

Năm: bát-nhã (trí tuệ)

Đây là năm pháp.

Lại có năm pháp:

(Bốn pháp như trên).

Năm: lạc tịch tịnh tọa.

Lại có năm pháp:

Một: thành tựu hữu học giới uẩn.

Hai: thành tựu hữu học định uẩn.

Ba: thành tựu hữu học tuệ uẩn.

Bốn: thành tựu hữu học giải thoát uẩn.

Năm: thành tựu hữu học giải thoát tri kiến uẩn.

Lại có năm pháp: Vô học thành tựu, đồng như hữu học.

Lại có năm pháp:

Một: biết có lỗi.

Hai: biết nêu ra.

Ba: biết nêu ra bằng ý.

Bốn: biết pháp xả thí.

Năm: biết giải xả thí.

Lại có năm pháp:

Một: biết có lưu nạn.

Hai: biết không có lưu nạn.

Ba: tùy lúc dạy bảo.

Bốn: cho đệ tử y chỉ.

Năm: nhiếp thọ.

Lại có năm pháp:

Một: biết có phạm.

Hai: biết không phạm.

Ba: biết (tội) khinh.

Bốn: biết (tội) trọng.

Năm: biết rõ Ba-la-đề-mộc-xoa, hiểu rõ giảng giải rộng.

Người thành tựu năm pháp, đủ mười tuổi hạ, được phép cho người khác xuất gia thọ cận viên, cho y chỉ và giáo thọ. Như tự mình không thành tựu năm pháp như trên, phải y chỉ người khác.

Bấy giờ, cụ thọ Ô Ba Ly bạch Phật:

– Thế tôn! Như Phật đã dạy, đã thành tựu năm pháp, đủ mười tuổi hạ, được độ đệ tử, không cần phải y chỉ người khác. Nếu Bí-sô cận viên đã trải qua sáu mươi tuổi hạ, nhưng không thông hiểu Biệt giải thoát (giới kinh), không thành tựu năm pháp, vẫn phải y chỉ người khác để sống không?

Phật dạy:

– Cần phải y chỉ người khác để sống.

Hỏi:

– Phải y chỉ thế nào?

Phật dạy:

– Phải y chỉ người già.

Hỏi:

– Nếu không có người già, phải làm thế nào?

Phật dạy:

– Phải y chỉ người trẻ. Trừ việc lễ bái, ngoài ra các việc khác đều phải tuân thủ.

Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc. Có một Bí-sô ngu si vô trí, không thông hiểu thiện ác, độ một ngoại đạo, cho thọ cận viên. Ngoại đạo này thường tranh cãi với các Bí-sô. Sau đó, ông ta tự hoàn tục, hủy báng lại giáo pháp, gây ra cơ hiềm. Các Bí-sô đem sự việc này bạch Phật, Phật dạy:

– Tại sao có việc này? Kẻ ngu si không trí tuệ bỏ thiện pháp luật, đi vào tà kiến, thí như có người bị lửa đói hành hạ, bỏ thức ăn uống ngon, lại ăn vật nhơ bẩn. Người này giống như kẻ kia, do họ ngu si bỏ thiện pháp luật, ưa thích tà kiến của ngoại đạo. Thế nên các Bí-sô không được độ ngoại đạo. Thế nên các Bí-sô không được độ ngoại đạo làm đệ tử một cách vội vàng hấp tấp. Chỉ độ Thích tử. Nếu có Thích tử mặc áo ngoại đạo, đến cầu xuất gia và xin thọ cận viên, nên độ họ để thành Bí-sô tánh. Trừ Thích chủng này ra, các ngoại đạo khác đều phải trải qua bốn tháng cộng trú.

Phật đã cho phép độ ngoài đạo, bốn tháng cộng trú, thừa sự cúng dường, không bỏ y phục cũ. Bấy giờ các Bí-sô không biết pháp cộng trú và pháp tiếp độ, đem sự việc này bạch Phật, Phật dạy:

– Nếu có ngoại đạo đến cầu xuất gia, trước hết phải hỏi họ các chướng nạn về thân. Nếu họ không có các chướng nạn, cho họ thọ ba quy y và năm học xứ, đưa họ đến giữa Tăng, ngay trước Tăng, họ ngồi xổm, chắp tay, dạy họ thưa như thế này:

“Đại đức Tăng lắng nghe, con là ngoại đạo tên… Nay cầu xin xuất gia, ngay trong bốn tháng dùng y phục của con, thường cúng dường Tăng già. Ngưỡng mong đại chúng cho con xuất gia”.

Bố trí họ ở nơi mắt thấy, tai không nghe. Nên sai một Bí-sô tác Yết-ma, tiến hành như sau:

“Đại đức Tăng già lắng nghe. Ngoại đạo tên… cầu xin xuất gia, trong bốn tháng dùng y phục cũ của họ, cúng dường Ô Ba Đà Da và Tăng già. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng đồng ý. Nếu vị nào không đồng ý thì nói ra”.

Nói như vậy ba lần.

“Tăng đã đồng ý vì im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy”.

Trong bốn tháng, họ phải làm việc như cầu tịch, mặc y của thân giáo sư, ăn thức ăn của Tăng. Trong bốn tháng, nếu họ thay đổi nhận thức cũ thì cho họ xuất gia. Nếu tâm họ vẫn ưa thích ngoại đạo, nên trả họ về.

Bấy giờ, cụ thọ Ô Ba Ly bạch Phật:

– Thế tôn! Như Phật dạy thay đổi nhận thức cũ. Thế nào là biết được họ sửa đổi nhận thức cũ?

Phật dạy:

– Ngay trước mặt họ, nên tám thán Tam-bảo, nói về công đức của Phật, bằng mọi cách chê bai ngoại đạo. Nếu họ nghe tán thán Phật, Pháp, Tăng, nghe chê bai đoàn thể cũ, tâm hoan hỷ thì cho họ xuất gia. Nếu nghe tán thán Tam bảo, lòng họ không vui, nghe chê ngoại đạo tâm sanh buồn bã, thì không được độ mà trả họ về. Nếu họ nghe chê bai về ngoại đạo, tâm không sân hận, mà lại hoan hỷ. Đây là sửa đổi nhận thức cũ.

Phật dạy:

– Nếu có ngoại đạo thờ lửa, đến cầu xuất gia, nên độ họ và cho thọ cận viên. Tại sao?

– Người thờ lửa tin ba loại nghiệp.

Thế nào là ba?

– Đấy là hữu nghiệp, sở tác nghiệp và tác nhân nghiệp. Thế nên được độ.

Này các Bí-sô! Nên học như vậy. Đây là hữu nghiệp, hữu sở tác nghiệp, sở tác nhân nghiệp. Các ngươi nên học như vậy.

Phật ở thành Vương Xá, bên bờ hồ Yết Lan Đạc Ca, vườn Trúc Lâm, sau khi an cư ba tháng mùa mưa.

Bấy giờ, ở thành Vương Xá, số Bí-sô kỳ túc thì ít, số trẻ tuổi đông, muốn đi đến Nam Sơn, du hóa nhân gian. Thế tôn bảo A-Nan-Đà rằng:

– Ông nên bảo với các Bí-sô: vị nào muốn đi theo Thế tôn, phải sửa sang lại Chi-phạt-la (ba y).

A Nan Đà thừa lệnh Phật xong, đi khắp nơi bảo các Bí-sô:

– Thế tôn muốn du hóa trong nhân gian. Vị nào muốn đi theo Thế tôn, phải sửa sang Chi-phạt-la.

Khi ấy, các Bí-sô kỳ túc nói với cụ thọ A Nan Đà:

– Tôi không thể đi du hóa với Thế tôn.

A Nan Đà hỏi:

– Tại sao vậy?

Đáp:

– Chúng tôi già yếu.

Khi ấy, các Bí-sô trẻ tuổi nói:

– Chúng tôi không đi.

Hỏi:

– Tại sao?

Đáp:

– Thầy của tôi đã không đi, vậy tôi phải ở lại để chăm sóc Ô Ba Đà Da.

Bấy giờ, Thế tôn cùng một số ít đệ tử đem theo đầy đủ y bát, du hành nhân gian.

Trên đường đi, Ngài nhìn qua hai bên như voi chúa lớn, sợ các Bí-sô chấp trì y bát không đúng như pháp. Thế tôn thấy số Bí-sô đi theo không đông, tuy biết nhưng Thế tôn cố ý hỏi A Nan Đà:

– Tại sao chúng Bí-sô đi theo ít vậy?

Cụ thọ A nan Đà đem sự việc như trên bạch lại Thế tôn, Phật bảo các Bí-sô:

– Nay ta cho phép các Bí-sô trên năm tuổi hạ, thành tựu năm pháp được tùy chỗ thọ học, du hành nhân gian, không phải ở chỗ thầy y chỉ. Thế nào là năm pháp?

Một: biết có phạm.

Hai: biết không phạm.

Ba: biết tội trọng.

Bốn: biết tội khinh.

Năm: giữ Ba-la-đề-mộc-xoa một cách thiện xảo, có thể giảng giải rộng.

Đây là năm pháp du hành nhân gian, tùy chỗ thọ học, được đi lại, chớ nghi ngờ.

Cụ thọ Ô Ba Ly hỏi Phật:

– Bạch Thế tôn! Nếu hơn sáu tuổi hạ, thành tựu năm pháp, được du hành nhân gian để thọ học không?

Phật dạy:

– Được.

Lại bạch Thế tôn:

– Đủ ba tuổi hạ, thành tựu năm pháp, được du hành không?

Phật dạy:

– Không được.

Phật dạy:

– Nay ta chế định: năm tuổi hạ trở lên, thành tựu năm pháp, được đi lại tùy ý. Nếu chưa đủ năm tuổi hạ, có thông suốt tam tạng cũng không được du hành thọ học.

Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc.

Khi ấy, cụ thọ Đại Mục Kiền Liên cho chúng xuất gia mười bảy người được thọ cận viên. Họ đều nhỏ tuổi, Ô Ba Ly đứng đầu. Nửa đêm, họ đói bụng, cùng nhau khóc lóc.

Khi ấy, Phật Thế tôn biết nhưng cố hỏi A Nan Đà:

– Tại sao có tiếng trẻ nhỏ khóc vậy?

A Nan Đà đem sự việc bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô:

– Nay ta chế định: nếu ai chưa đủ hai mươi tuổi, không được cho họ thọ cận viên, hành Bí-sô tánh. Tại sao? Chưa đủ hai mươi tuổi không thể chịu đựng đói, lạnh, nóng, khát, thiếu thốn, muỗi trùng cắn đốt và bệnh, v.v… Lại nữa, khi bị thầy quở trách không thể chịu đựng và chịu sự khổ não. Vì tuổi nhỏ, không thể chịu đựng các việc khổ như trên.

Phật dạy A Nan Đà:

– Đủ hai mươi tuổi thì có chí khí mạnh, chịu được sự trách mắng, khổ cực, v.v… như trên. Nếu chưa đủ tuổi, cho thọ cận viên tất có các lỗi như trên. Thế nên các Bí-sô nếu người chưa đủ hai mươi tuổi, không được truyền thọ cận viên cho họ. Nếu có cầu tịch đến cầu thọ cận viên, Bí-sô phải hỏi: “Đủ hai mươi tuổi chưa?”. Nếu không hỏi, bị tội vượt pháp.

Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc. Trong thành có một trưởng giả, lấy vợ chưa bao lâu sinh được một con trai. Khi đứa bé này vừa lớn lên thì gia nghiệp của trưởng giả ngày càng tán tận.

Trưởng giả tự nghĩ: “Ta nghèo khổ, nên cầu xuất gia”.

Trưởng giả bảo con:

– Ta già yếu, không thể cùng con chấn hưng gia nghiệp. Ta muốn đến với thiện pháp luật, xuất gia trong đó. Ý con thế nào?

Người con thưa cha rằng:

– Nếu cha xuất gia, con cũng theo cha xuất gia.

Cha nói:

– Rất tốt!

Khi ấy, hai cha con cùng đưa nhau đi đến rừng Thệ Đa, đến gặp các Bí-sô, thưa rằng:

– Thánh giả, ngưỡng mong quý ngài cho chúng con được xuất gia.

Bí-sô trả lời:

– Tốt!

Lại hỏi:

– Hiền thủ, bé trai này là thân thuộc gì của ông?

Đáp:

– Đây là con tôi, cũng muốn xuất gia.

Khi ấy, Bí-sô kia cho cả hai xuất gia, dạy bốn uy nghi và cho ăn uống. Sau một vài ngày, bảo rằng:

– Ngươi hãy đi đi! Nai không nuôi nai. Thành Thất La Phiệt là cảnh giới của ta, rất rộng lớn, nhân dân rất đông, kính tín Tam bảo. Người nên đến đó cầu y thực để tự nuôi thân.

Sau khi nghe nói, họ nghiêm trì y bát cùng nhau đi vào thành Thất La Phiệt, thứ lớp khất thực. Ngay tại ngã tư đường, họ thấy một phụ nữ đang chiên bánh. Bấy giờ, cầu tịch nhỏ này đến xin bánh.

Người đàn bà nói:

– Hãy đưa tài vật cho tôi (để đổi).

Cầu tịch đáp:

– Tôi là Sa môn, không cất chứa tài vật.

Vì không có vật để đổi nên không xin bánh được. Cầu tịch nhỏ này lớn tiếng khóc lóc, nằm lăn ra đất. Mọi người thấy vậy, sinh tâm chê bai:

– Tại sao Bí-sô lại độ đứa bé này (xuất gia)?

Khi ấy, các Bí-sô đem sự việc này bạch Phật:

Phật dạy:

– Lỗi này do độ kẻ nhỏ tuổi kia xuất gia. Từ nay trở đi, người chưa đủ mười lăm tuổi không cho xuất gia. Nếu có đồng tử đến cầu xuất gia, Bí-sô phải hỏi: “Đủ mười lăm tuổi không?”. Nếu không hỏi bị tội vượt pháp.

Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc. Cụ thọ Ô Ba Nan Đà có hai cầu tịch. Họ cùng nhau chơi đùa như phụ nữ chơi đùa với chồng, như đàn ông chơi đùa với vợ. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật dạy:

– Lỗi lầm này có xảy ra là do độ hai cầu tịch một lúc. Nếu ai độ hai cầu tịch một lúc thì bị tội vượt pháp.

Sau khi Phật chế định, có hai anh em tuổi gần bằng nhau đến cầu xuất gia. Bấy giờ, các Bí-sô không dám thu nhận họ, lại không biết phải làm thế nào, đem sự việc bạch Phật, Phật dạy:

– Nếu anh em cùng cầu xuất gia một lần, được phép độ họ, không phạm. Hai cầu tịch kia đều chưa đủ tuổi, nên giữ lại một người để dạy dỗ sự nghiệp. Đưa người kia đến với vị thân tri thức, hoặc nơi vị đại đức. Nếu họ đủ tuổi hai mươi mà không cho họ thọ cận viên, bị tội vượt pháp.

Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc. Ngay trong thành này có một cư sĩ, trong nhà có một nô lệ siêng năng phục vụ không lười biếng, làm bất cứ công việc gì cũng đều hoàn tất.

Sau một thời gian, chủ nhà nổi lên sân hận. Người nô lệ này tự nghĩ: “Người chủ này thật khó phục vụ. Ta nên tìm đường trốn đi”. Nô lệ lại tự nghĩ: “Xứ sở này khó bỏ ra đi được, chư Thanh văn Thích tử được ân sũng của vua, không bị tổn hại, ta nên đến xuất gia với các vị ấy”.

Người nô lệ ấy đi đến rừng Thệ Đa, gặp các Bí-sô, thưa rằng:

– Thánh giả, con muốn xuất gia.

Các Bí-sô cho người này xuất gia và thọ cận viên, chỉ dạy giáo pháp. Vị này y theo giáo pháp tu hành, diệt trừ phiền não, chứng quả A-la-hán.

Bấy giờ, trưởng giả sinh tâm hối hận, tự nghĩ: “Nô lệ của ta đã làm việc tích cực, siêng năng không biếng nhác. Ta không nên tức giận đến nổi nó bỏ đi như vậy. Nếu ta gặp lại nó, sẽ xin lỗi”.

Trưởng giả nghĩ vậy nên đứng bên cửa thành Thất La Phiệt. Khi Bí-sô kia vào giờ khất thực, mang y bưng bát vào thành để khất thực. Trưởng giả thấy vậy, hỏi:

– Hiền thủ, người được xuất gia phải không?

Đáp:

– Vâng.

Hỏi:

– Hiện nay không có người phục vụ tôi, hãy cùng tôi trở về nhà.

Bấy giờ, Bí-sô bay lên hư không, hiện ra các thần biến. Cư sĩ này thấy thế, sinh tâm hối hận, chuyển sang tín tâm một cách mau lẹ, cũng như cây đại thọ bị ngã xuống, đảnh lễ sát chân vị La-hán, bạch rằng:

– Thánh giả! Ngài đã chứng đắc công năng như vậy. Con nguyện từ nay trở đi, xin ngài nhận y phục, ngọa cụ, thức ăn uống, thuốc men của con.

Sau đó, tiếng đồn khắp nơi, vị nô lệ tên…. xuất gia chứng A-la-hán, có công đức thắng diệu như vậy.

Bấy giờ, vua Thắng Quang nghe lời đồn thế này: “Trưởng giả tên…, có nô lệ xuất gia, chứng ngộ thù thắng, đắc bốn quả Thánh”. Vua ra lệnh cho quần thần:

– Các ngươi phải biết rằng: ta là vua Quán đảnh Sát-đế-lợi. Từ nay trở đi, tất cả những nhà quan quyền trưởng giả có nô lệ cầu xuất tục, phải cho họ xuất gia, không được gây trở ngại.

Thành Thất La Phiệt có một trưởng giả nuôi một người ở siêng năng công việc không lười biếng, v.v… (như ở trước). Người ở này xuất gia, được thọ cận viên. Các Bí-sô dạy các pháp thức và bảo rằng:

– Hiền thủ, nai không nuôi nai. Thành Thất La Phiệt rất rộng lớn, cha mẹ ở nơi đó. Ông nên đến đó khất thực để sống.

Bấy giờ, trưởng giả sanh tâm hối hận, tự nghĩ: “Người ở kia siêng năng làm việc, thường không lười biếng. Nếu ta gặp nó, sẽ xin lỗi”.

Một hôm, trưởng giả đứng bên cửa thành Thất La Phiệt. Bấy giờ đến giờ khất thực, Bí-sô kia mặc y bưng bát vào thành khất thực. Trưởng giả thấy vậy, bảo rằng:

– Hiền thủ, người đã xuất gia, vậy ai sẽ phục vụ ta? Hãy cùng ta về nhà.

Trưởng giả nói xong, liền nắm tay Bí-sô, Bí-sô nói:

– Nếu ngài xúc chạm tôi, ngài sẽ bị cắt cổ tay. Vua Thắng Quang đã có sắc lệnh, ban ân huệ cho các Bí-sô được như thái tử.

Khi ấy, trưởng giả chê bai, than thở với các Bí-sô rằng:

– Sa môn Thích tử phá hoại thành phố và phá hoại Phạm chí. Tại sao lại cho người ở xuất gia?

Các Bí-sô nghe sự việc này, họ bạch Phật. Khi ấy, Thế tôn dạy:

– Đã có lỗi này. Này các Bí-sô, từ nay về sau không được tùy tiện cho người ở xuất gia. Nếu họ đến cầu xin xuất gia, phải hỏi: “Ngươi có phải là người ở không?”. Nếu cho họ xuất gia, bị tội vượt pháp.

Khi ấy, Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc. Trong thành có một trưởng giả thường cho vay tiền, hoặc khi thu lãi, hoặc khi thu vốn lẫn lãi.

Sau đó có người quá nghèo, nợ cả vốn lẫn lãi. Trưởng giả bắt giữ lại lâu không thả, buộc họ phải lập cam kết, hẹn ngày trả mới thả cho về. Người kia tự nghĩ: “Trưởng giả này độc ác quá! Ta lại không thể trả hết vốn lẫn lãi. Ta nên bỏ trốn”.

Người này lại nghĩ: “Khó bỏ xứ sở đi được. Sa môn Thích tử đối với nhà vua được xem trọng như thái tử. Ta nên xuất gia với họ được không?”.

Người kia đến rừng Thệ Đa, gặp các Bí-sô, thưa rằng:

– Thánh giả, con cầu xuất gia.

Các Bí-sô cho người này xuất gia, thọ cận viên và dạy các pháp thức. Sau khi được thọ cận viên, Bí-sô này dũng mãnh tinh tấn không gián đoạn, không bao lâu chứng quả A-la-hán.

Bấy giờ, trưởng giả kia sanh tâm hối hận, tự nghĩ: “Số tiền nó nợ ta trong lâu nay thường trả lại gốc và lãi. Tại sao lâu nay ta lại xem thường nó? Nếu bây giờ ta gặp nó, ta sẽ xin lỗi”.

Khi ấy, trưởng giả đứng ở cửa thành chờ đợi. Vào sáng sớm, Bí-sô kia mặc y bưng bát vào thành khất thực, trưởng giả trông thấy, hỏi:

– Hiền thủ, người đã xuất gia, nhưng tôi thường nhận được số tiền nợ cả lãi. Nay người nên trở về nhà.

Trưởng giả liền nắm tay Bí-sô dẫn đi. Khi ấy, Bí-sô liền bay lên hư không, hiện ra mười tám pháp thần thông (nói rộng như trước). Bấy giờ, trưởng giả phát sinh tín tâm một cách mau lẹ, tâm hồi ý chuyển cũng như đại thọ bị ngã xuống đất, bạch rằng:

– Thánh giả, ngài đắc được công đức thù thắng như vậy, chứng quả thượng diệu. Từ nay trở đi, con sẽ cúng dường những tư cụ, y thực cần dùng cho thánh giả. Ngưỡng mong ngài thu nạp.

Bấy giờ, bốn phương đều nghe đồn về người mắc nợ của trưởng giả đắc được quả Thánh như vậy. Vua Thắng Quân nghe việc này, ra lệnh cho đại thần:

– Từ nay trở đi, có những người mắc nợ chưa có thể trả được, lại muốn xuất gia theo Phật, nếu có sự việc như vậy, không nên vì vậy mà gây trở ngại cho họ.

Thành Thất La Phiệt có một trưởng giả thường cho người khác vay mượn. Khi ấy có một người mượn vật để sinh lãi, v.v…, cho đến xuất gia, v.v… (như ở trước).

Vào một lúc nọ, Bí-sô này bưng bát đi khất thực, trưởng giả gặp phải, bảo rằng:

– Này Bí-sô! Người đã xuất gia tuy đã lâu nhưng vẫn phải trả lãi cũ cho tôi. Nay người nên cùng tôi trở về nhà.

Trưởng giả muốn cầm tay Bí-sô, Bí-sô nói rằng:

– Người chớ đụng vào tôi. Nếu đụng vào tôi, người sẽ bị chặt tay.

Hỏi:

– Tại sao?

Bí-sô nói:

– Người không nghe sắc lệnh của vua hay sao? Nếu ai muốn xuất gia thì được hủy bỏ tất cả nợ nần.

Mọi người cùng nhau chê bai, nói rằng:

– Thích tử xuất gia có nhiều ngạo mạn. Người đang bị mắc nợ, lại độ cho xuất gia.

Các Bí-sô đem sự việc này bạch Phật, Phật tự nghĩ: “Lãi này do độ người mắc nợ”.

Ngài bảo các Bí-sô:

– Từ nay trở đi, đối với người mắc nợ, các Bí-sô không được tùy tiện độ cho họ. Nếu ai độ họ, bị tội vượt pháp.

Phật ở thành Thất La Phiệt, vườn Cấp Cô Độc. Có trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu sinh được một con trai, nuôi dưỡng đến khôn lớn. Người con này vì bị cha giận trách nên tự ý trốn đi. Sau anh ta tự nghĩ: “Thật khó từ bỏ quê hương này, nhưng các Thích tử cũng như vương tử được miễn các việc của mọi người. Nay ta nên xuất gia với họ”.

Người này đến vườn Cấp Cô Độc gặp các Bí-sô, thưa rằng:

– Thánh giả, tôi mong được xuất gia.

Khi ấy, các Bí-sô cho nó xuất gia và truyền thọ cận viên.

Sau đó một thời gian, người cha tìm con, đến chỗ các Bí-sô thưa rằng:

– Thánh giả, ngài có thấy đồng tử như vậy đến đây không?

Đáp:

– Nay đã độ cho người ấy rồi.

Trưởng giả nói:

– Có phải các Bí-sô này thường cầm sẵn dao phải không? Nên có người đến là cạo tóc liền. Tại sao không chờ đến chừng bảy tám hôm mà cạo tóc gấp vậy?

Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật, Phật dạy:

– Không được độ họ ngay. Nếu có đồng tử ở gần đến cầu xuất gia, nên lưu lại bảy tám ngày, sau đó mới độ cho xuất gia. Nếu có người từ phương xa đến, muốn cầu xuất gia, nếu không lưu lại bảy tám ngày độ họ, không phạm.

Phật ở thành Thất La Phiệt, rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc. Có trưởng giả lấy vợ chưa bao lâu sinh được một bé trai. Một hôm, trưởng giả bảo vợ rằng:

– Này hiền thủ, con ta lớn lên sự tốn kém sẽ nhiều ra. Ta muốn đi ra buôn bán ở nước ngoài. Những công việc ta làm là để đời con ta được thay đổi tốt hơn.

Sau khi bàn bạc, trưởng giả ra đi, nhưng không thấy trở về. Người vợ nuôi con đến khôn lớn, về mặt học vấn, bà cho con học ngoại điển. Trong khi những người đồng học đối với sách vở luận điển họ đều thông suốt, nhưng người con này lại không thu thập được gì cả.

Vào một lúc nọ, người mẹ đến trường học, nói với giáo sư rằng:

– Cùng học với nhau, tại sao những người khác học hành giỏi, còn con tôi không hiểu gì cả?

Giáo sư trả lời:

– Về mặt học vấn, có hai trường hợp đưa đến thành tựu sự nghiệp học hành. Thế nào là hai? – Một là biết hổ thẹn. Hai là biết sợ hãi. Nhưng đứa trẻ này không có hai đức tính này.

Người mẹ thưa:

– Tại sao thầy giáo không cho nó roi.

Sau đó, khi bị thầy giáo đánh, la mắng, người này khóc lóc trở về gặp mẹ kể lại sự việc. Người mẹ lại đánh thêm. Người con tự nghĩ: “Ta phải gặp việc khổ rồi! Trước đây chỉ bị một nơi đánh, nay phải chịu hai nơi. Ta không thể chịu đựng đau khổ này, ta nên trốn đi”.

Cậu ta đi vào rừng Thệ Đa, thấy một cầu tịch đang hái hoa, liền khen rằng:

– Thầy thật sung sướng.

Hỏi:

– Tại sao?

Đáp:

– Vì thầy được xuất gia.

Hỏi:

– Nay tại sao người không xuất gia?

Đáp:

– Thánh giả! Ai có thể độ cho tôi được xuất gia?

Cầu tịch nói:

– Người hãy đến đây, đi cùng tôi đến gặp thầy tôi.

Sau khi gặp thầy, cầu tịch thưa:

– Ô Ba Đà Da, thiện nam tử này muốn xuất gia.

Bấy giờ, vị thầy liền cho xuất gia. Sau đó, người mẹ đến trường hỏi thầy giáo:

– Con tôi ở đâu?

Thầy dạy đáp:

– Tôi đánh, nó bỏ về rồi.

Người mẹ nói:

– Tôi thấy nó về, lại đánh thêm. Nó bỏ tôi trốn đi rồi.

Bấy giờ, người mẹ hiền này đi khắp nơi tìm con, không gặp. Bà đến đứng ở cửa thành Vương Xá nhìn khắp nơi. Không bao lâu, bà thấy một đồng tử tóc đã cạo, đang cùng cầu tịch kia bưng bát đang đi đến. Người mẹ thấy rõ, đấm ngực khóc lóc, kêu gào bảo rằng:

– Này con ngu si! Ta đã tìm khắp nơi khắp chốn nhưng không gặp, lại không có tin tức gì cả. Nay tại sao con lại xuất gia trong nhóm Sa môn bần tiện này?

Người mẹ nắm tay con kéo lôi về, cởi bỏ cả y bát, bắt buộc phải hoàn tục.

Khi ấy, các Bí-sô đem sự việc này bạch Phật, Phật tự nghĩ: “Không xin phép cha mẹ, lại cho xuất gia, sinh ra nhiều lỗi”.

Phật dạy các Bí-sô:

– Nay Ta chế định: có người muốn xuất gia, không xin phép cha mẹ, vội cho xuất gia, bị tội vượt pháp.

Phật ở tại thành Vương Xá, vườn Trúc Lâm, hồ Yết Lan Đạc Ca. Ngay trong thành, có một Bà la môn lấy vợ chưa bao lâu sinh được một con trai. Tuổi mới lớn, thình lình bạo bệnh, hỏi khắp thầy thuốc trị liệu, nhưng không hết bệnh. Người mẹ bảo con rằng:

– Con nên đến gặp trưởng giả Thị Phược Ca cầu xin trị liệu bệnh của mình.

Anh ta đến nơi thưa:

– Trưởng giả, xin ngài trị bệnh cho tôi.

Trưởng giả bảo:

– Bệnh người rất nặng, rất khó điều trị. Nhưng ta nay làm y thuật chỉ để trị bệnh cho hai hạng người:

Một: Phật và Tăng.

Hai: người ở trong cung vua.

Bệnh của người, ta không rảnh để trị. Nay người hãy về đi.

Người con trở về, mẹ hỏi:

– Con hết bệnh chưa?

Đáp:

– Bệnh con không ai trị được.

Người con trình bày như trên. Mẹ bảo con rằng:

– Con nên xuất gia.

Con trả lời mẹ:

– Con là chủng tộc Bà la môn, tại sao con lại xuất gia với những Sa môn Thích tử tạp chủng?

Mẹ bảo con:

– Con nên xuất gia. Sau khi hết bệnh, con sẽ hoàn tục cũng không khó.

Con đáp:

– Nếu xuất gia, con phải bị cạo tóc, việc này phải làm sao?

Mẹ nói:

– Nếu cạo rồi, tóc không mọc thì việc này không thể. Nhưng tóc mọc lại, có gì phải sợ.

Người con đến vườn Trúc, gặp các Bí-sô, đảnh lễ sát chân, bạch rằng:

– Thánh giả, hãy cho con xuất gia.

Sau khi được xuất gia, ngay giữa đêm ấy, người này cứ đứng ngoài cửa, không chịu vào phòng. Thầy hỏi:

– Tại sao không vào phòng?

Đáp:

– Con có bệnh, không đi vào được.

Thầy nói:

– Nay ngươi xuất gia, tại sao có bệnh?

Thưa rằng:

– Ô Ba Đà Da, khi con còn ở thế tục, thân con đã bị bệnh.

Thầy hỏi:

– Tại sao ngươi không nói với ta?

Đáp:

– Không thấy thầy hỏi.

Vị thầy rất tức giận.

Sáng hôm sau, người đệ tử cũ đến thăm thầy, hỏi:

– Thưa Ô Ba Đà Da, tại sao thầy không vui?

Thầy đáp:

– Trú xứ của ta lại là chỗ nuôi bệnh. Những người có bệnh đều tụ tập lại đây.

Cầu tịch thưa:

– Như Thế tôn dạy, có hai việc:

Một: không nên làm việc quá sức mình.

Hai: đã độ rồi, không nên bỏ.

Thầy đã độ rồi, phải làm thế nào đây?

Khi đang nói chuyện, có Y vương Thị Phược Ca đến nơi. Vị thầy bảo Y sĩ rằng:

– Bệnh của Bí-sô này có thể trị được không?

Y vương đáp:

– Bệnh này quá nặng. Nhưng nếu vua Thắng Quang cung cấp thuốc đầy đủ, tôi sẽ chữa trị cho.

Bí-sô này sau khi được trị hết bệnh, thưa với Ô Ba Đà Da:

– Con vì có việc mong cầu nên mới đến xuất gia. Nay đã toại nguyện, con muốn trở về nhà.

Thầy nói:

– Con đã đắc quả A-la-hán chưa?

Đáp:

– Chưa được.

Hỏi:

– Con đã đắc quả Bất-hoàn, Nhất-lai hay Tu-đà-hoàn chưa?

Đáp:

– Đều chưa được.

Thầy nói:

– Vậy tại sao con về nhà?

Đáp:

– Con vì bệnh nên đến đây xuất gia. Nay con đã hết bệnh, vậy ở đây làm gì?

Thầy nói:

– Trong pháp xuất gia có bốn quả thù thắng, con đều không đắc quả nào. Con nên tạm ở đây, bồi hoàn lại thuốc cho người. Không làm như vậy, nếu sau này bị bệnh, chắc chắn chết không nghi ngờ.

Người này không vâng lời thầy dạy, liền bỏ đi về nhà. Sau đó, vì báo ân nên cung cấp hoa quả, tăm xỉa răng cho Thị Phược Ca. Bấy giờ, Thị Phược Ca bảo rằng:

– Hiền thủ, người đến với ta vì cần gì?

Bà la môn kia thưa rằng:

– Tôi không cầu gì cả, chỉ là báo ân.

Trưởng giả Phược Ca nói:

– Ta đã làm việc lợi ích gì cho ngươi?

Đáp:

– Trước đây tôi bị bệnh, ngài đã trị cho tôi hết bệnh.

Bấy giờ, Thị Phược Ca bảo rằng:

– Ta không nhớ.

Đáp:

– Tôi sẽ kể lại.

Khi ấy, Thị Phược Ca nhờ vậy nhớ lại sự việc này nên nói rằng:

– Ngươi đã được xuất gia trong pháp luật thiện thuyết, phải chứng đắc bốn quả Sa môn. Ngươi đã thọ của tín thí, nay lại đọa vào việc ác.

Nói thế xong, trưởng giả tự nghĩ: “Ta nên đem việc này đến gặp Thế tôn”.

Sau khi gặp Phật, trưởng giả lạy chân Phật, ngồi qua một bên, thưa rằng:

– Bạch Thế tôn! Các Bí-sô cho người bệnh xuất gia thọ cận viên. Do đó, làm cho kho tàng của nhà vua dần dần bị tổn giảm, thân con cũng lao nhọc. Lại nữa, đối với các vị Thánh giả cũng bị bất lợi trong việc tu thiện pháp. Ngưỡng mong Thế tôn chế định: đừng cho người bệnh xuất gia nữa.

Phật im lặng hứa khả.

Thị Phược Ca biết Phật im lặng hứa rồi, đảnh lễ từ giã.

Phật tự nghĩ: “Tất cả sai lầm này đều do độ người bệnh mà ra”. Phật dạy các Bí-sô:

– Từ nay trở đi không được độ người có bệnh. Nếu có người đến cầu xuất gia, trước tiên hỏi có bệnh không, nếu không hỏi bị tội vượt pháp.

Phật ở thành Kiếp Tỷ La, trong rừng Ny Cù Đà. Khi ấy, vua Tịnh Phạn ra lệnh rằng:

– Dòng họ Thích trong thành Kiếp Tỷ La, mỗi nhà chỉ cho một người xuất gia.

Khi bà con thân thuộc đến thăm viếng, người xuất gia ấy vì thân thuộc thuyết pháp. Họ nghe pháp, sinh tâm hoan hỷ, phát lòng tin, họ liền xuất gia. Trong số ấy có cha, anh, chồng, chú, con… của họ đều sinh buồn khổ, khóc lóc vang dậy từ sáng đến chiều.

Bấy giờ vua Tịnh Phạn nghe tiếng khóc của Thích chủng tử, bảo rằng:

– Tại sao cả ngày đêm các Thích chủng tử khóc lóc như vậy?

Khi ấy, Thích chủng tử thưa rằng:

– Quyến thuộc của chúng tôi đang ở trong rừng. Các Thánh giả đã cho họ xuất gia, tạo ra sự đau khổ này, thế nên chúng tôi khóc lóc.

Nhà vua nghe lời này, tự nghĩ: “Ta nên đến gặp Phật”.

Vua đến nơi, lạy sát chân Phật, ngồi qua một bên, thưa Phật rằng:

– Thế tôn! Ngưỡng mong Thế tôn cho tôi một ước nguyện.

Thế tôn hỏi:

– Đại vương! Ngài muốn điều gì?

Vua nói:

– Tôi có điều nguyện nhỏ, vì các Thích chủng nên nói ra. Nếu Thế tôn làm bậc Chuyển luân Thánh vương bay đi khắp bốn thiên hạ, chúng tôi cũng đi theo Thế tôn. Nay Ngài đã xuất gia, điều chúng tôi kỳ vọng không thể đạt được. Lại nữa, Nan Đà sẽ là Lực chuyển Luân vương. Lại được Thế tôn độ cho xuất gia nên cũng tuyệt mất hy vọng. La Hổ La có đại uy đức sẽ lên làm vua. Nay Thế tôn đã độ cho xuất gia, Thích chủng chúng tôi tuyệt mất hy vọng. Thưa Đại đức, cha mẹ đối với con, tình thương rất sâu đậm. Ngưỡng mong Thế tôn chế định: Nếu cha mẹ chưa cho phép, không cho xuất gia.

Khi ấy, Thế tôn im lặng nhận lời yêu cầu của phụ vương.

Nhà vua thấy Phật đồng ý, đảnh lễ chân Phật, từ giã ra về.

Phật tự nghĩ: “Các lỗi này đều không do hỏi ý kiến cha mẹ mà cho xuất gia và thọ cận viên”.

Phật dạy các Bí-sô:

– Nếu có người đến cầu xuất gia, trước hết phải hỏi họ về việc cha mẹ cho phép, rồi mới được cho xuất gia. Nếu không hỏi trước, bị tội vượt pháp.

Thế tôn đã chế định những người cha mẹ không cho phép, không được xuất gia. Khi ấy, có người từ xa đến, cha mẹ họ đã cho phép xuất gia, các Bí-sô không dám tự ý độ cho xuất gia, làm cho họ bị lỡ việc. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật dạy:

– Nếu có người từ xa đến, trước đó cha mẹ họ đã cho phép họ xuất gia, nên độ họ xuất gia. Không hỏi, không phạm.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 08 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 18 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 38 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 23 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc An Cư - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 09 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Giới Kinh Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Tự Tứ - Luật Tạng
  • Năm Giới Của Người Tại Gia - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Tán Duyên Khởi - Luật Tạng
  • Tỳ Nại Da - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 37 - Luật Tạng
  • Căn Bản Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 40 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 21 - Luật Tạng