Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi
Tác giả: fredrik Backman
Người dịch: Hoàng Anh
Nhà xuất bản: TRẺ – Ấn hành
Người đọc: Như Minh
THƯ VIỆN SÁCH NÓI HƯỚNG DƯƠNG DÀNH CHO NGƯỜI MÙ THỰC HIỆN
“Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” kể về Elsa, một cô bé 7 tuổi. Bố mẹ Elsa li dị, em luôn cảm thấy cô đơn. Ở trường, Elsa bị các bạn cùng trang lứa cô lập vì em khác biệt, em già trước tuổi. Già trước tuổi thì đã sao chứ? Có bạn nào từng nghe câu “Họ cười tôi vì tôi khác họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau” của Joker trong bộ phim The Dark Knight rồi chứ? Ai mà chẳng có sự khác biệt của riêng họ, tại sao lại cứ bắt người khác giống với đám đông vậy?
Và Elsa rất may mắn khi có một người Bà Ngoại hiểu em. Bà Ngoại đã gần bảy mươi tám tuổi, nhưng bà lại không làm một bà lão bảy mươi tám tuổi được. Bà hút thuốc trong WC, lái xe với tốc độ cao, vượt rào giữa đêm khuya để vào sở thú, tán tỉnh mấy anh cảnh sát, bắn sơn và ném phân vào người họ… Còn Elsa thì không giống một đứa trẻ bảy tuổi. Em không tỏ ra ngớ ngẩn như những đứa trẻ khác ở cùng độ tuổi, em luôn khó chịu khi người khác nói sai chính tả, em luôn dùng Wikipedia để tra cứu những thứ mà người lớn nói, và có đứa trẻ bảy tuổi nào đọc hết cả bộ truyện Harry Potter và có thể kể chi tiết? Elsa và Bà Ngoại lại là một cặp cạ cứng.
Bà Ngoại làm những việc ngớ ngẩn ấy là để làm Elsa vui khi em bị các bạn bắt nạt ở trường, Bà Ngoại ném quả địa cầu vào thầy hiệu trưởng vì thầy bắt Elsa phải giống các bạn, Bà Ngoại tưởng tượng ra các câu truyện cổ tích để kể cho Elsa. Elsa đã thấy rằng, Bà Ngoại đích thị là một người bạn tốt, một người mà em có thể chia sẻ, tâm sự và hiểu em nhất.
Nhưng các bạn có biết rằng, những câu truyện cổ tích của Bà Ngoại đều là những ký ức của bà. Những nhân vật trong truyện đều là những người xung quanh Elsa. Mỗi người một tính cách, một quá khứ khác nhau. Và Bà Ngoại là người đã gắn kết họ lại với nhau . Có thể, đối với mẹ Elsa, Bà Ngoại là một người mẹ tồi, nhưng đối với Elsa, Bà Ngoại là một người bạn thân nhất. Đối với mọi người, bà là một anh hùng. Bà thay đổi con người của bà, bà trở lên lập dị, khác biệt để hiểu Elsa, để tâm sự với em.
“Hiệp sĩ Elsa của bà, Xin lỗi cháu bà phải chết. Xin lỗi vì bà sẽ chết. Xin lỗi vì bà phải già đi …”
Đã đến lúc bà phải đi, bà muốn Elsa mạnh mẽ giống như những hiệp sĩ mà bà kể. Bà muốn Elsa hiểu được rằng em không việc gì phải giống với những đứa trẻ khác, hãy cứ sống với chính bản thân em.
“Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” còn cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa khác về cuộc sống. Mỗi chúng ta đều nên một lần đọc qua tác phẩm này để hiểu rõ hơn về trẻ con, rằng mỗi con người đều có một mặt trái ở sâu thẳm tâm hồn của họ.