Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

XV. LÀM PHÚC

Gồm bảy phần: Lời dẫn, Tu phúc, Đúng pháp, Cúng dường, Chuẩn bị nước cho tăng tắm, Các việc phúc khác.

XV.1. Lời dẫn

Xưa, vua Ưu-điền là người đầu tiên tạc tượng Phật bằng gỗ chiên-đàn; vua Ba-tư-nặc là vị khởi xướng nấu vàng đúc tượng. Tượng nào cũng hiện tả được chân dung; khéo vẽ được diệu tướng, nên tượng phóng quang, hiện điềm lành rời tòa chí thành lễ Phật.

Đến như hai tháp tóc và móng tay Phật, hai đài y và ảnh Phật đều đã được xây dựng lúc Như Lai còn tại thế.

Thế Tôn tự thâu thần nhập diệt bên bờ sông, làm lễ trà tỳ ở ven rừng. Tám nước đều xin phần xá-lợi để đem về nước xây tháp phụng thờ; tám tháp ấy cùng với hai tháp thờ bình và tro cộng thành mười tháp. Bốn chỗ: đản sinh, đắc đạo, thuyết pháp đầu tiên và nhập niết-bàn của Đức Phật cũng như xương đỉnh, bốn chiếc răng, hai dấu chân, bình bát, tích trượng, bình nhổ và niết-bàn-tăng của Phật đều được dựng tháp, khắc bia ghi việc thần dị.

Sau đó, hơn một trăm năm, vua A-dục sai sứ vượt biển, phá bỏ các tháp, lấy xá-lợi. Khi đoàn người trở về gặp sóng gió lớn, một ít xá-lợi đã bị rơi xuống biển nên ngày nay đôi khi có người bắt gặp xá-lợi trong bụng của loài sống ở biển. Về sau, vua A-dục lại xây dựng tám vạn bốn nghìn ngôi tháp thờ xá-lợi.

Hai người con của vua lần lượt phát tâm xuất gia, cùng tạc đá, đúc tượng vàng, họa vẽ tôn dung, qua sông vượt biển, mang theo hoằng hóa ở vùng Tích Lan. Tuy cũng có những dấu tích linh ứng, nhưng còn ẩn kín, ít người hay biết. Đến khi Thái Âm, Tần Cảnh[29] từ Tây Vực trở về nước, mới bắt đầu truyền họa, tượng Phật Thích-ca. Thế rồi nơi đền đài Thanh Lương, lăng Thọ, người ta thường tạc vẽ hình tượng của Ngài.

Từ đó về sau, phong trào họa vẽ hình tượng, tạo lập tháp miếu, phát triển mạnh. Đến đời nhà Lương, lại càng thêm hưng thịnh. Nhưng pháp thân vốn không hình tượng, nhân cảm mà ứng hình. Cảm được có sai khác, nên ứng hình cũng bất đồng. Nếu tâm nghi ngờ thì chân dung ẩn giấu; chí nguyện tha thiết thì gỗ đá cũng mở lòng. Nên Lưu Ân chí hiếu được cảm ứng trên nồi hiện bài minh. Đinh Lan tâm thành, tượng gỗ của mẹ cũng phải biến sắc. [74c] Lỗ Dương[30] múa giáo khiến mặt trời xoay chuyển, Kỉ phụ rơi lệ khiến thành quách sụp đổ. Đó đều là do lòng thương cảm chuyển vào tính tình, khiến điềm lành hiển hiện rõ, mọi người đều được thấy nghe.

Thế nên biết, đạo nhờ người mà được rộng truyền, thần nhờ vật mà cảm hiện. Lẽ nào nói là hư ngụy? Do đó, nếu thờ thần như thần đang hiện hữu thì nhận được sự cảm ứng của thần; kính tượng như kính Phật thì pháp thân ứng hiện. Bởi vậy học đạo phải lấy trí tuệ làm gốc, trí tuệ hẳn phải lấy phúc đức làm nền. Thí như chim phải có đủ hai cánh mới bay xa vạn tầm; xe đủ hai bánh mới đi được nghìn dặm. Lẽ nào chẳng siêng năng? Lẽ nào không gắng sức sao?

XV.2. Tu phúc

Kinh Phật thuyết phúc điền ghi: “Đức Phật bảo trời Đế Thích:

– Có bảy pháp bố thí được gọi là phúc điền. Người thực hành pháp này được phúc, sau khi chết được sinh về cõi Phạm thiên. Đó là:

  1. Xây chùa đúc tượng, tạo dựng tăng xá, tháp miếu.
  2. Tạo vườn cây ăn quả, ao tắm, trồng cây che mát.
  3. Thường bố thí thuốc men chữa bệnh.
  4. Làm thuyền bè đưa người sang sông.
  5. Xây dựng cầu cống giúp người già yếu sang sông.
  6. Đào giếng nước bên đường để người đi đường giải khát.
  7. Làm nhà xí gần đường để người đi vệ sinh.

Bấy giờ, trong hội chúng có một tì-kheo tên là Thính Thông nghe pháp vui mừng, bạch Phật:

– Con tự nhớ đời trước sinh làm một vị trưởng giả trong thành Ba-la-nại. Con đã xây dựng một ngôi tinh xá bên đường, cúng dường thức ăn, nước uống, giường nằm cho chúng tăng, đến cả người đi đường ai mỏi mệt cũng được vào dừng nghỉ. Do công đức này, khi mạng chung con được sinh lên trời làm Đế Thích, sinh xuống nhân gian làm Chuyển luân thánh vương; lên xuống, đến đi ba mươi sáu lần. Trải qua chín mươi mốt kiếp, con thường thống lĩnh nhân thiên, dưới chân mọc lông, đi không chạm đất, ăn uống tự nhiên có sẵn. Nay gặp Phật là bậc thương xót chúng sinh, giúp con trừ sạch ngu muội, có được trí tuệ thanh tịnh, đốn gốc sinh tử, khô giống luân hồi, hiệu là A-la-hán. Nhân nơi phúc báo của công đức ấy mà thành tựu giải thoát như thế.

Lại có tì-kheo tên Ba-câu-lô bạch Phật:

– Con nhớ thời quá khứ sinh làm một trưởng giả trong thành Câu-na-kiệt. Thời đó không có Phật, gặp lúc chúng tăng thuyết pháp cho hội chúng, con đến nghe pháp. Sau khi nghe pháp con rất vui mừng đem một quả thuốc tên ha-lê-lặc dâng cúng cho chúng tăng. Nhờ quả báo này, sau khi mạng chung được sinh lên trời, [75a] sinh xuống nhân gian thường ở địa vị tôn quý, hơn hẳn mọi người, chín mươi mốt kiếp chưa hề bị tật bệnh. Phúc báo còn lại, con được gặp Phật, chứng quả A-la-hán.

Lại có tì-kheo hiệu Tu-đà-da bạch Phật:

– Con nhớ đời trước, sinh làm một người thường dân trong thành Duy-da-li. Thời đó không có Phật, chỉ có chúng tăng giáo hóa. Một hôm, con mang sữa lạc[31] vào thành bán, gặp lúc chúng tăng mở hội thuyết pháp con qua đó nghe, nghe xong lòng rất vui vẻ, đem bình sữa lạc cúng dường chư tăng. Các ngài nhận rồi lại còn chú nguyện, khiến con càng thêm vui mừng. Nhờ phúc duyên đó, sau khi mạng chung, con được sinh lên cõi trời hay sinh xuống nhân gian thường ở địa vị tôn quý, trải qua chín mươi mốt kiếp như thế. Đời sau cùng, do ác nghiệp còn sót lại, con sinh vào nhân gian, khi mẹ vừa mang thai vài tháng đã lâm bệnh qua đời nên con bị chôn cùng với mẹ, nhưng khi đủ ngày đầy tháng thì con sinh ra. Ở trong gò mả bảy năm, bú sữa thây mẹ để tự sống. Nhân nơi phúc báo nhiệm mầu kia, con được gặp Phật, chứng A-la-hán.

Lại có tì-kheo tên là A-nan bạch với Đức Phật:

– Nhớ có một kiếp con sinh vào nước La-duyệt-kì làm một người dân bình thường. Một hôm, thân con mọc một mụt ghẻ trị không thể lành. Có một đạo nhân là bạn thân đến bảo con:

– Ông hãy chuẩn bị nước cho chúng tăng tắm sau đó dùng nước ấy để tẩy rửa mụt ghẻ thì bệnh có thể lành, lại còn được phúc.

Nghe xong, con vui mừng đi thẳng đến chùa, tâm thành như lời dạy, đào giếng lấy nước, hòa thêm dầu thơm, chuẩn bị các dụng cụ để chúng tăng tắm. Thế rồi, con lấy nước ấy đem rửa mụt ghẻ, nhờ thế bệnh con được lành. Nhân công đức này, sinh ra ở đời con thường xinh đẹp thân tỏa sắc vàng rực rỡ, không dính bụi bặm, trong chín mươi mốt kiếp thường được hưởng phúc sạch sẽ, công đức tăng trưởng. Nay được gặp Phật, tâm nhơ của con tiêu trừ, thành tựu Ứng chân[32].

Bấy giờ, trong chúng hội có tì-kheo-ni tên là Nại Nữ bạch Phật:

– Nhớ kiếp trước con là một cô gái nghèo cùng ở nước Ba-la-nại. Bấy giờ có Phật Ca-diếp ở đời. Một hôm, trong hội chúng thuyết pháp của Ngài, con ngồi nghe pháp, lòng rất vui mừng muốn cúng dường, nhưng nhìn lại mình chẳng có một vật gì. Nghĩ thân phận nghèo hèn mà lòng buồn tủi, con đến vườn nhà người định xin một trái dưa để đem cúng Phật, nhưng lại xin được một quả nại lớn tỏa hương rất thơm. Thế là con dâng một bát nước và một trái nại lên Phật cùng chúng tăng.

Phật biết tâm thành của con nên thọ nhận, chú nguyện rồi đem nghiền quả nại hòa trong nước rồi chia cho tất cả chúng tăng. Nhân nhờ phúc ấy nên khi mệnh chung con được sinh lên cõi trời làm hoàng hậu; sinh ở cõi người thì chẳng phải từ bào thai sinh ra. Trong chín mươi mốt kiếp con thường sinh trong hoa nại[33], xinh đẹp thanh khiết, thường nhớ kiếp trước của mình, nay gặp được Thế Tôn khai mở đạo nhãn.

[75b] Bấy giờ Thiên đế[34] từ tòa đứng dậy, lễ Phật, quì gối chắp tay bạch:

– Bạch Thế Tôn! Nhớ lại kiếp trước, con sinh vào nước Câu-lưu, làm con của một trưởng giả. Người hầu bồng con vào thành dạo chơi, gặp lúc chúng tăng đang đi khất thực. Con thấy nhân dân cúng dường rất nhiều, liền tự nghĩ: ‘Nếu có của báu cúng dường tăng chúng chẳng phải là vui sướng lắm sao?’. Nghĩ thế rồi con vội cởi chuỗi báu cúng dường chúng tăng. Các ngài chú nguyện, lòng con vui mừng mà đi. Nhờ nhân duyên đó, sau khi mệnh chung, con được sinh lên cõi trời làm Thiên đế, trong chín mươi kiếp thường xa lìa tám nơi nạn.

Phật bảo Thiên đế cùng đại chúng:

– Các ông hãy lắng nghe Ta nói việc làm đời trước của mình. Có một đời, Ta ở nước Ba-la-nại. Gần bên đường lớn Ta dựng nhiều nhà xí, giúp cho nhân dân trong nước, không còn bị đại tiểu tiện bức ép khổ sở, mọi người đều nhớ ơn. Nhân công đức này, đời đời ta được trong sạch, nhiều kiếp hành đạo không bị vướng nhiễm bởi ô uế, thân được sắc vàng rực rỡ, bụi bặm không hề dính mắc, thức ăn tự tiêu hóa, đại tiểu tiện thông lợi.

Phật lại bảo Thiên đế:

– Trong chín mươi sáu đạo, Phật đạo là đáng tôn trọng nhất, trong chín mươi sáu pháp, Phật pháp là chân thật nhất, trong chín mươi sáu hạng tu sĩ, đệ tử của Phật là chân chính nhất. Vì sao như thế? Vì Như Lai từ vô số kiếp thành tâm phát nguyện xả bỏ thân mệnh, gom nhóm công đức, nguyện vì chúng sinh. Sáu độ, bốn tâm, các điều lành đều đủ, trí tuệ trọn vẹn. Các bậc tôn quí trong ba cõi không ai sánh bằng. Nếu có chúng sinh hướng về Như Lai phát tâm thành kính, phúc ấy lớn hơn bố thí châu báu cho cả đại thiên thế giới. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười hai thể loại kinh nói về tội phúc rất rõ ràng chân xác, mở bày ba thừa[35], khiến hết thảy căn cơ đều có thể thực hành, người nghe đều vui mừng, thích làm sa-môn, tin Phật hành pháp, ý chí thanh cao, bỏ sự tham lam, tranh giành của thế tục, làm phúc lợi cho thế gian. Chúng sinh hưởng được phúc trời, người là nhờ chúng tăng. Đó là đạo đáng tôn kính nhất, không gì sánh bằng”.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Bấy giờ, Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Có bốn phúc được sinh lên Phạm thiên. Đó là:

  1. Người có lòng tin, phát tâm xây tháp, ở những nơi chưa có tháp
  2. Người có lòng tin, phát tâm tu bổ chùa chiền
  3. Người có lòng tin, thường làm cho tăng chúng hòa hợp
  4. Khuyến thỉnh Phật chuyển pháp luân đầu tiên

Lúc ấy, có một vị tì-kheo bạch Thế Tôn:

[75c] – Bạch Đức Thế Tôn! Phúc báo của Phạm thiên rốt cùng là nhiều hay ít?

Thế Tôn đáp:

– Những công đức của tất cả chúng sinh ở cõi Diêm-phù-đề cộng với phúc của Tứ thiên vương, cho đến phúc báo của cõi trời Tha Hóa Tự Tại cũng không bằng phúc báo của Phạm thiên. Như muốn cầu phúc báo của Phạm thiên thì lượng của phúc ấy như thế”.

XV.3. Đúng pháp

Nếu muốn tu tạo thì phải đúng pháp. Tạo tác tuy ít, nhưng phúc báo vô lượng. Nếu không đúng pháp thì dù có tạo tác nhiều cũng không có lợi ích; nên kinh Phật tại kim quan kính phúc ghi: “Người chủ khắc kinh, tạo tượng đừng luận bàn đạo lí; thợ được thuê khắc kinh, tạo tượng, chớ nói mình làm thuê mà tạo tượng để cúng dường như thế, cả hai đều được phúc vô lượng, muốn nói về phúc này cũng không thể nói hết. Nếu người nghe theo lời dạy của Ta thì đó là đệ tử chân chính của Phật. Tâm thành rất mực như thế thì tạo tuy ít mà phúc lại nhiều.

Có người hỏi:

– Thông thường người thợ khắc kinh tượng thì được thù lao vật dụng, vậy họ có được ra giá hay không?

Phật đáp:

– Không được ra giá. Ví như người đem bán cha mẹ để lấy tài lợi, kẻ ấy bạo nghịch mắc tội rất nặng, chính là thiên ma. Kẻ ấy cũng chẳng phải là quyến thuộc của Ta; hãy mau rời khỏi Phật pháp.

Kẻ uống rượu, ăn thịt cùng ngũ vị tân không theo lời Phật dạy, tuy tạo kinh tượng số lượng như cát bụi, nhưng phúc ấy thật quá nhỏ bé, không đáng nói. Gặp lúc kiếp thiêu chẳng thể vào được cung của hải long vương. Người ấy tuy lao nhọc mà công đức không được bao nhiêu. Tội lỗi của sự bất kính, chết đọa vào địa ngục. Chủ, thợ đều không lợi ích, không được chư thiên hộ vệ, không bằng chẳng tạo kinh tượng mà chỉ thành tâm lễ bái, cũng được phúc vô lượng.

Như trên đã nói, tạo nhiều mà phúc ít. Nếu tạo tượng không đủ tướng hảo thì người tạo mắc phải quả báo trong năm trăm vạn đời các căn thường thiếu. Tốt nhất là vận hết lòng thành thì sẽ hưởng quả phúc tốt đẹp”.

Kinh Tội phúc quyết nghi ghi: “Nếu người xuất gia và tại gia, hoặc tự bỏ tài sản hoặc do khuyến hóa được rồi dâng cúng Phật, nhưng người quản lý dùng những vật ấy tạo các hình tượng chim thú, trang trí trước Phật; uớc lượng nếu trị giá hao tổn đủ năm tiền thì phạm tội nghịch, không thể bồi thường được và bị đọa vào địa ngục A-tỳ trong một kiếp. Nhưng nếu mua hương, dầu, đèn cúng dường thì không phạm. Mặc dù, Phật không tham cầu lợi dưỡng, nhưng không ai xứng đáng tiêu dùng của ấy.

Khi dâng cúng Phật, thượng tọa, trung tọa, hạ tọa phải dạy cho người tại gia biết dâng lên Phật và tăng. Dâng Phật rồi cúng cho tăng dùng thì không phạm. Nếu không làm như thế mà ăn thức dùng của Phật thì nghìn ức năm bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Nếu người tại gia không làm theo lời các bậc thượng, trung, hạ tọa chỉ dạy cũng sẽ mắc tội như trên đã nói. Nếu được sinh làm người thì mắc quả báo chín trăm vạn năm làm người hạ tiện. Vì sao? Vì vật thuộc về Phật thì không ai có thể định giá được”.

[76a] (Ghi chú: Ở đây ý nói, thí chủ quyết định cúng Phật, vì thế phải chuộc lại mới được làm. Như hiện nay trong các buổi cúng Phật, người tại gia thường dâng thức ăn, uống trên bàn Phật, cúng xong họ tự ý lấy dùng, dùng xong trả lại cho thí chủ mà không cần chuộc. Như ngày rằm tháng bảy hiến cúng Phật và tăng nhưng nếu không có Phật và tăng, thì cũng có thể tạm dùng, nhưng phải chuộc, vì những vật thực ấy theo kinh nói là những vật thực được hiến dâng Phật và tăng vào ngày Tự tứ[36]. Phật và tăng là ruộng phúc tốt, là bậc có đạo cao có thể giúp người quá cố và bảy đời cha mẹ đã mất, bà con đang còn sống đều được khỏi tai nạn, sinh về chốn an lành. Bởi vì, ruộng phúc của người đời cằn cỗi không thể giúp ích cho việc dạy đạo, nên nói không cho người tục tùy tiện sử dụng. Vì nhiều lần chứng kiến hàng tại gia cúng Phật xong lại lấy dùng, nên mới ghi chú riêng.)

Kinh Quán Phật tam-muội ghi: “Bấy giờ Vua Ưu-điền vì thương nhớ Phật nên mới đúc tượng bằng vàng. Nghe Phật sẽ rời tòa báu, ông vội vàng cho voi chở tượng vàng đến đón. Lúc ấy, tượng vàng từ trên lưng voi bước xuống giống như Phật thật, chân bước đi cách đất, có hoa đỡ chân, tượng lại phát ra ánh sáng rực rỡ đi đến đón rước Thế Tôn, chắp tay, đỉnh lễ Phật. Lúc ấy, Đức Thế Tôn cũng quỳ xuống chắp tay hướng về phía tượng, trong hư không trăm nghìn hóa Phật cũng đều chắp tay, quỳ xuống hướng về phía tượng. Bấy giờ, Thế Tôn nói với tượng: ‘Về sau ngươi sẽ làm nhiều Phật sự. Sau khi Ta nhập diệt rồi, những đệ tử của Ta đều giao hết cho ngươi’. Trong hư không các hóa Phật cũng đồng thanh nói như vậy. Sau khi Phật nhập diệt rồi, nếu có chúng sinh tạo lập hình tượng, hết lòng cúng dường, người ấy đời sau nhất định sẽ đạt được tam-muội Niệm Phật Thanh Tịnh”.

Ngoại quốc kí ghi: “Khi Đức Phật lên cung trời Đao-lợi nói pháp cho thánh mẫu Ma-da suốt chín mươi ngày, vua Ba-tư-nặc muốn thấy tôn dung của Ngài nên ông đã cho người tạc tượng Phật bằng gỗ Ngưu Đầu chiên-đàn và đặt lên chỗ Ngài thường ngồi. Sau đó Phật trở về lại tinh xá, tượng Phật rời tòa đón tiếp. Lúc ấy, Phật nói với tượng: ‘Hãy ngồi lại chỗ cũ! Sau khi Ta nhập Niết-bàn, ngươi phải thay ta làm các pháp sự cho bốn chúng’. Nghe vậy, tượng Phật liền ngồi lại chỗ cũ. Tượng này là tượng đầu tiên.

Về sau Đức Phật dời sang ở hai tinh xá nhỏ ở hai bên cách chỗ an trí tượng khoảng hai mươi bước. Tinh xá Kì-hoàn vốn có bảy tầng, các nước thay nhau cúng dường không dứt. Trong đài luôn luôn thắp đèn sáng. Một hôm, bị chuột kéo tim, đèn đang cháy thiêu đốt cờ phướn, lọng lụa và cháy lan, làm cho tinh xá bảy tầng bị thiêu rụi hết. Nhân dân trong cả nước vô cùng buồn lo; ai nấy đều cho rằng tượng Phật chiên-đàn đã bị cháy thành tro. Nhưng khoảng bốn năm ngày sau, mọi người mở cửa tinh xá phía đông nhỏ thì bỗng nhiên nhìn thấy tượng chiên-đàn đã di chuyển sang. Vì thế mọi người vô cùng mừng rỡ, chung sức đồng lòng sửa sang lại tinh xá. Họ dựng lại tinh xá, được hai tầng và thỉnh tượng về an trí lại vị trí cũ”.

Kinh Ưu-điền vương tác Phật tượng hình ghi: “Khi xưa, Đức Phật còn ở đời, có vua nước Bạt-kì tên là Ưu-điền đến gặp Phật, đầu mặt lạy dưới chân Ngài và chắp tay bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Sau khi ngài nhập diệt, nếu có người nào tạo hình tượng Phật, người ấy sẽ được phúc như thế nào?

[76b] Phật bảo vua Ưu-điền:

– Người nào tạo hình tượng Phật, sẽ được vô lượng công đức, không thể tính kể; đời đời sinh ra không bị rơi vào đường ác. Người ấy sinh lên cõi trời, cõi người đều được vô cùng sung sướng; toàn thân có ánh sáng vàng tía rực rỡ; mắt đen, mặt sáng, thân thể, tay chân xinh đẹp vô cùng, và thường được trời người thương mến. Nếu người ấy sinh làm người thì thường sinh làm con của các trưởng giả hiền thiện, quan đại thần, vua chúa và những nơi giàu sang tôn quý; tài sản, châu báu nhiều không thể đếm xuể, được cha mẹ, anh em, chị em thương yêu. Nếu người ấy làm vua thì vô cùng tôn quý, được vua các nước quy phục thậm chí còn làm đến bậc Chuyển luân thánh vương cai trị bốn thiên hạ, bảy thứ báu tự nhiên có sẵn, con cái rất đông, dạo đi khắp các cõi trời. Nếu người ấy sinh lên trời thì làm vị trời tối thắng, đứng đầu cõi trời Lục Dục. Nếu người ấy sinh lên cõi trời Phạm thì làm vị Đại Phạm vương đoan chính không ai bằng, hơn cả các Phạm thiên khác, thường được các Phạm thiên tôn kính. Về sau đều được sinh về cõi nước Vô Lượng Thọ, làm vị đại bồ-tát được tôn kính bậc nhất; trải qua vô số kiếp sẽ được làm Phật và nhập niết-bàn. Nếu có người nào tạo hình tượng Phật thì nhất định sẽ được phúc báo như thế”.

Kinh Pháp hoa có bài kệ:

Nếu có người vì Phật,

Tạo lập các hình tượng,

Cho đến trẻ con giỡn,

Dùng cỏ cây và bút,

Hoặc dùng móng ngón tay,

Mà họa vẽ hình Phật,

Những người như thế ấy,

Đều sẽ thành Phật đạo.

Kinh Tạo lập hình tượng phúc báo ghi: “Vua Ưu-điền nước Câu-duy-la mới vừa mười bốn tuổi, nghe tin Đức Phật sẽ đến nước mình liền ra lệnh cho các vị cận thần ra đón Phật. Khi Đức Phật đến, vua đầu mặt lạy dưới chân Phật, quỳ xuống chắp tay bạch:

– Bạch Thế Tôn! Trong cõi người, cõi trời không ai bằng Phật; hào quang của Ngài vòi vọi; chỉ có Ngài mới được như thế. Con sợ Phật đi rồi sau này e khó gặp lại Ngài, nên nay con muốn tạo hình tượng Phật để cung kính thờ phụng. Xin Ngài hãy thương tưởng nói cho con biết, nếu kính thờ Phật thì sẽ được những phúc báo gì?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ đáp:

Đại vương nghe Ta nói,

Phúc của Vô Thượng Sĩ,

Thế gian không ai bằng.

Quả báo tạo tượng Phật,

[76c] Thường sinh nhà giàu sang,

Tôn quí không gì hơn,

Bà con thường yêu mến.

Quả báo tạo tượng Phật,

Thường có được thiên nhãn,

Trong sáng không ai bằng.

Quả báo tạo tượng Phật,

Cha mẹ luôn yêu thương,

Xinh đẹp, uy đức lớn,

Thương yêu không nhàm lìa.

Quả báo tạo tượng Phật,

Thân phát ánh sáng vàng,

Giống như tượng sư tử,

Chúng sinh thấy vui mừng.

Quả báo tạo tượng Phật,

Sinh vào dòng cao quý,

Sát-lợi, Bà-la-môn,

Làm hạng người có phúc.

Quả báo tạo tượng Phật,

Không sinh nước biên địa,

Không mù, không xấu xí,

Sáu căn luôn đầy đủ.

Quả báo tạo tượng Phật,

Lúc chết biết đời trước,

Thấy Phật ở trước mặt,

Không biết khổ lúc chết.

Quả báo tạo tượng Phật,

Làm vị vua danh tiếng,

Hoặc làm Chuyển luân vương,

Cai trị tứ thiên hạ.

Quả báo tạo tượng Phật,

Sẽ làm Thiên Đế Thích,

Thống lĩnh đệ nhị thiên[37],

Trời Đao-lợi kính thờ.

Quả báo tạo tượng Phật,

Người ấy thoát cõi Dục,

Làm đến Phạm thiên vương,

Được Phạm chúng cung kính.

Quả báo tạo tượng Phật,

Hưởng phúc đúng như thế,

Hoặc khắc, vẽ tượng Phật,

Trời đất còn đếm được

Phúc kia không thể lường.

Vì thế cúng dường Phật,

Dùng hoa, hương, nước thơm,

Cúng dường bậc Đại sĩ,

Được vô lậu giải thoát.

XV.4. Cúng dường

Kinh Chuyển luân ngũ đạo ghi: “Đức Phật nói:

– Tu tạo công đức, thì bản thân phải tự làm, như thắp hương, đốt đèn, được phúc rất lớn. Thắp hương, làm phúc.., cho đến tụng đọc kinh điển, không được nhờ người làm, như mời người khác ăn cơm, mình sao no được? Thắp hương, quét dọn, chong đèn, dâng hương ở trai hội, đọc kinh cúng dường, [77a] đó là việc phải thường làm. Cúng dường được phúc, chư thiên phù hộ, muôn ác đều tiêu, chúng ma qui phục. Nếu người biếng nhác, không chịu siêng năng, một mai mắc bệnh, hoặc gặp việc chẳng lành, mới muốn thắp hương làm phúc thì chư thiên chưa kịp xuống trần mà các ma đã tranh nhau đến quấy nhiễu, biến hiện muôn điều quái dị. Vì lí do đó, cần phải siêng năng làm phúc. Tội phúc đã gieo, theo người như bóng với hình. Gieo giống vào ruộng phúc, như cây Câu-ni-loại, ban đầu chỉ gieo một hạt, dần dần lớn lên, đơm hoa kết trái vô số.

Phật bảo A-nan:

– Cúng dường chỉ một mà phúc báo đạt được gấp vạn phần. Lời ta nói không hề hư dối vậy.

Ngài lại nói kệ:

Người hiền ưa cúng dường,

Được thiên thần phù hộ,

Thí một được vạn lần,

Sống lâu và an vui.

Nay cúng dường người hiền,

Phúc ấy không thể tính,

Rồi sẽ thành Phật đạo,

Độ thoát khắp mười phương”.

XV.5. Chuẩn bị nước tắm cho tăng

Kinh Thí dụ ghi: “Vào ngày mồng tám tháng chạp Đức Phật dùng thần lực hàng phục bọn lục sư ngoại đạo[38]. Chúng đấu không lại Phật bèn nhảy xuống sông tự tử. Phật lại thuyết pháp giáo hóa các ngoại đạo khác, họ đều quy phục, nên cùng nhau bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã dùng nước chính pháp tẩy sạch hết những vết cấu bẩn trong tâm chúng con, nay chúng con thỉnh chư tăng tắm gội để trừ sạch những nhơ bẩn trên thân thể”.

Lấy đây làm lệ thường. (Theo văn kinh này cúng nước cho tăng tắm gội vào ngày mồng tám tháng chạp)

Kinh Ma-ha sát-đầu[39] có ghi: “Phật bảo với mọi người:

– Chư Phật trong mười phương đều hạ sinh, xuất gia, thành đạo, nhập niết-bàn vào nửa đêm ngày mồng tám tháng tư.

Đức Phật lại bảo:

– Sở dĩ lấy ngày mồng tám tháng tư là vì trong khoảng giao thời giữa mùa xuân và mùa hè, mọi tai ương đều tan biến, vạn vật đều sinh sôi, độc khí không xuất hiện, không nóng cũng không lạnh, khí hậu ôn hòa nên chư Phật đều sinh ra trong ngày ấy.

Nhân dân trong nước đều ghi nhớ công đức của Phật, nên tắm gội tượng Phật như khi Ngài còn tại thế.

Lại vì muốn chỉ bày cho mọi người nên Phật nói:

– Khi còn là bồ-tát, Ta ba mươi sáu lần làm vua trời Đế Thích, ba mươi sáu lần làm Kim luân vương, ba mươi sáu lần làm Phi hành hoàng đế[40].

Ngày nay, ai có lòng thành nhớ nghĩ đến ân Phật Thích-ca, dùng hoa, hương tắm gội tượng Phật, người đó sẽ được phúc tối thắng, được chư thiên, quỉ thần chứng minh. Phép tắm Phật ngày mồng tám tháng tư nên dùng ba loại hương như đô lương hương[41]; [77b] hoắc hương và ngãi nạp hương.

Hòa ba loại hương này lại rồi đem ngâm trong nước sẽ cho ra màu xanh. Nếu ba loại hương trên không đủ, có thể dùng tần bì màu tía xanh để thay. Lại lấy uất kim hương vò nát và ngâm trong nước thì sẽ ra màu đỏ. Lấy nước sạch rưới trên tượng xong rồi lấy bông vải trắng, lụa trắng lau khô tượng. Sau cùng, tự kiểm tra lại rồi lấy nước hương trên rưới lên tượng. Đây mới là thanh tịnh được phúc báo đệ nhất”.

Kinh Ôn thất ghi: “Phật bảo trưởng giả Kỳ-vực:

– Khi tắm gội phải chuẩn bị đủ bảy thứ thì trừ được bảy bệnh, được bảy phúc báo. Bảy thứ là đốt lửa, nước sạch, tháo đậu[42], tô cao[43], tro sạch, cành dương, ao lót.

Trừ bảy bệnh là tứ đại an ổn, trừ phong hàn, trừ bệnh tê liệt; trừ lạnh, trừ nóng, tẩy sạch nhơ bẩn; thân thể nhẹ nhàng, mắt trong sáng.

Được bảy phúc báo là:

  1. Thân thể không bệnh, sinh ra ở đâu cũng thường an ổn
  2. Đời đời sinh ra thân luôn sạch sẽ và tướng mạo xinh đẹp
  3. Thân thể thường thoảng hương thơm, y phục sạch sẽ chỉnh tề
  4. Thân thể trơn láng, có oai quang, có đức lớn
  5. Nhiều người theo phẩy sạch bụi bặm trên thân
  6. Răng trắng đều, miệng thoảng hương thơm, lời nói được nhiều người tin tưởng
  7. Sinh ra ở đâu cũng tự nhiên có y phục”.

Luật Thập tụng ghi: “Tắm gội có năm điều lợi ích:

1.Thân thể sạch sẽ.

  1. Da đồng một màu.
  2. Trừ nóng lạnh.
  3. Hạ phong[44] điều hòa.
  4. Ít bệnh hoạn.

Vào mùa hạ, thời tiết rất nóng bức, có người làm vườn gánh nước tưới cây, thấy Xá-lợi-phất liền phát khởi chút lòng lành, ông gọi:

– Xin hãy cởi áo đến bên gốc cây, tôi sẽ tắm gội cho ngài để cơ thể được mát mẻ.

Người làm vườn sau khi mạng chung liền sinh lên trời Đao-lợi, có oai lực lớn. Công lao tuy ít, nhưng nhờ gặp ruộng phúc tốt, nên phúc báo đạt được rất lớn.

Vị trời ấy liền bay xuống chỗ ngài Xá-lợi-phất, rãi hoa cúng dường. Thấy vị trời ấy thành tâm, ngài Xá-lợi-phất liền thuyết pháp khiến ông ta đắc quả Tu-đà-hoàn”.

Kinh Hiền ngu ghi: “Bấy giờ, trời Thủ-đà-hội[45] xuống cõi Diêm-phù-đề, đến chỗ của Đức Phật thỉnh Ngài cùng các tì-kheo tắm rửa và cúng dường. Đức Phật im lặng nhận lời. Thưa xong, vị trời chuẩn bị thức ăn, thức uống và đồ dùng tắm rửa. Phòng tắm, nước ấm thích hợp, dầu tô, cỏ chà thân đều đầy đủ.

[77c] Nhận sự cúng dường này. Đức Phật và các tì-kheo tắm xong rồi thụ thực với những thức ăn ngon bổ thật hiếm có ở đời. Ăn xong, súc miệng rồi mỗi vị đều trở về chỗ ngồi của mình.

Bấy giờ, ngài A-nan bạch Phật:

– Vị trời này khi xưa làm công đức gì nay thân hình được xinh đẹp uy nghiêm lạ thường, ánh sáng rực rỡ như núi báu lớn?

Phật bảo A-nan:

– Thuở xưa, vào thời Đức Phật Tì-bà-thi, vị trời này là một người nghèo khổ đi làm thuê để kiếm sống. Một hôm, ông nghe Đức Phật dạy về công đức của việc tắm cho chúng tăng, trong lòng ông sinh vui mừng, liền siêng năng làm việc, kiếm được một ít tiền. Ông đem số tiền đó sắm sửa thức ăn và dụng cụ tắm rửa rồi thỉnh Phật và chúng tăng đến cung kính dâng cúng. Nhờ phúc đức đó, sau khi ông mạng chung được sinh lên trời Thủ-đà-hội có được tướng tốt này. Từ bảy đời Đức Phật đến nay và cho đến nghìn Đức Phật ra đời, ông cũng tắm Phật và tăng như thế. Phật thụ ký cho ông ta, hai a-tăng-kì và một trăm kiếp ở đời vị lai sẽ thành Phật hiệu là Tịnh Thân, đầy đủ mười đức hiệu”.

Kinh Tạp thí dụ ghi: “Thưở xưa, vào thời Phật Duy-vệ, Nan-đà em của Phật do nhờ phúc đức của một lần tắm chúng tăng, nên nay được sinh vào họ Thích, có ba mươi tướng quí, thân hình có ánh sáng màu vàng rực rỡ, được sinh cùng thời với Phật, lại tu hành tinh tiến chứng được lục thông.

Người xưa cúng dường chỉ một lần mà còn được phúc báo lớn, huống gì nay đàn-việt có thể cúng dường nhiều lần. Hạnh cúng dường rộng khắp nhất định sẽ thành Phật, được an lạc lớn, độ thoát hết thảy chúng sinh”.

Kinh Phúc điền ghi: “Tì-kheo A-nan bạch Phật:

– Nhớ đời trước con làm người dân trong nước La-duyệt-kì, thân thể mọc mụt độc chữa trị không lành, có một đạo nhân bạn thân đến nói với con: ‘Ông nên chuẩn bị nước tắm cho tăng rồi lấy nước ấy đem rửa mụt ghẻ thì mụt sẽ lành, lại còn được phúc’.

Nghe xong, con vui mừng liền đến chùa với tâm thành kính đào giếng, sắm sửa dầu gội và dụng cụ tắm. Chờ cho chúng tăng tắm rồi con lấy nước ấy rửa mụt ghẻ, mụt lành rất nhanh. Do nhân duyên đó, đời đời sinh ra con được tướng mạo xinh đẹp, thân có ánh sáng màu vàng kim rực rỡ, không dính bụi bặm, chín mươi mốt kiếp thường được phúc lành, quả vui ấy thật là rộng lớn, dài lâu. Nay được gặp Phật, phiền não tiêu trừ, chứng quả A-la-hán”.

Luật Thập tụng ghi: “Phòng tắm ở nước ngoài có hình tròn giống như cái nhà kho, bên trên có lỗ thông hơi, phía dưới có rãnh thoát nước để dẫn nước thoát ra ngoài. Lại đặt một chiếc bình ba ngăn bằng nhau ở nơi mà người có thể sử dụng được. [78a] Bình này đựng ba loại nước, ngăn trên đựng nước nóng, ngăn giữa đựng nước ấm, ngăn dưới cùng đựng nước lạnh. Người tắm có thể tùy ý sử dụng, không nấu nước nóng tắm riêng, nên gọi là tịnh thủy[46]”.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Bấy giờ, Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Xây dựng nhà tắm có năm công đức: trừ gió; chóng lành bệnh; trừ được bụi bặm; thân thể nhẹ nhàng; da dẻ hồng hào.

Bốn chúng, nếu có ai muốn được năm công đức này phải nên xây dựng nhà tắm”.

Luật Tăng-kỳ ghi: “Khi muốn tắm, sai người phụ việc v.v… rưới nước quét dọn sạch sẽ, chuẩn bị củi lửa, nấu nước vừa đủ nóng rồi mới đánh kiền chùy để mọi người biết. Khi vào tắm mỗi người phải lấy giây buộc y làm dấu rồi móc lên giá. Không được đi vung tay mà vào nhà tắm, nên để một tay che phía trước mà đi vào. Nếu muốn vào lau cho thầy thì phải thưa trước mới không có lỗi, không được đồng thời bảo nâng cả hai tay mà lau, lau một tay, một tay che phía trước, xong thì lau tay kia và những bộ phận khác. Vào tắm thì phải đóng cửa mà ngồi để cho mồ hôi trong thân thoát ra. Phải lượng nước mà dùng không được dùng nhiều. Nếu tắm ở ao thì được dùng nước thoải mái không có tội. Không cho phép trần truồng tắm ở chỗ trống, nếu nước tới ngang lưng hay nách thì được tắm trần không phạm. Nếu khi ngồi xuống mà nước ngập đến rốn thì cũng được tắm trần. Tắm xong, ra khỏi nước phải đắp y vào, chỉnh sửa ngay thẳng mới được đi”.

XV.6. Các việc phúc khác

Luận Tát-bà-đa ghi: “Người làm phòng tăng, tháp, tượng, đào giếng nơi đường lớn, cho đến làm cầu, thuyền, thì sinh ra ở nơi nào cũng thường làm thí chủ giàu có, trừ ba lý do: việc làm trước bị hủy hoại, hai là chưa làm mà chết, ba là khởi tà ác. Không có ba lý do này thì được phúc đức”.

Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Bây giờ, Phật bảo các tì-kheo:

– Bố thí có năm việc không được phúc:

  1. Đem dao cho người.
  2. Đem thuốc độc cho người.
  3. Đem trâu rừng cho người.
  4. Đem gái dâm cho người.
  5. Xây dựng miếu cúng thần.

Lại làm năm việc được phúc đức sinh lên cõi trời, người:

  1. Tạo lập công viên.
  2. Trồng rừng.
  3. Xây dựng cầu đường.
  4. Đóng thuyền lớn.
  5. Xây dựng phòng xá, nhà nghỉ”.

[78b] Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:

Lập vườn cho bóng mát,

Và tạo dựng cầu đường,

Đóng thuyền chở người qua,

Cùng xây xựng phòng xá,

Người ấy trong mọi thời,

Luôn luôn được phúc đức,

Giới định đã thành tựu,

Nhất định được sinh thiên.

Luật Tăng-kì ghi: “Có các thiên tử dùng kệ hỏi Đức Phật:

Người nào sinh cõi thiện?

Người nào được sinh thiên?

Người nào cả ngày đêm,

Trưởng dưỡng công đức lành?

Bấy giờ, Thế Tôn dùng kệ đáp:

Đào giếng nơi đường vắng,

Lập vườn cây ăn quả,

Trồng rừng cho bóng mát,

Cầu, đò để người qua,

Bố thí tu tịnh giới,

Trí tuệ bỏ xan tham,

Công đức ngày thêm lớn,

Thường sinh làm trời, người”.

Kinh Chính pháp niệm ghi: “Nếu có chúng sinh đem nước sạch bố thí cho mọi người, hoặc đậy miệng giếng vì sợ rắn độc rơi vào trong giếng khiến những người đi đường uống nhằm nước này đưa đến ngộ độc. Những người thường làm việc này, sau khi chết được sinh lên trời Tam Không Hầu, hưởng năm thứ dục lạc. Khi thọ mạng hết sinh làm thân người, được vua yêu mến.

Nếu người bị bệnh khổ, hơi thở nặng nhọc, mạng sống chưa hết, như có người bố thí cho họ nước uống hay của cải để họ trị bệnh thì sau khi chết, người bố thí sinh lên cõi trời Thâm Thủy được hưởng niềm vui giống như Đế Thích. Khi thọ mạng cõi trời hết tuy theo nghiệp thác sinh, nhưng không bị rơi vào ba đường ác, được làm thân người, đời đời sinh ra không bị bệnh khổ cho đến không có buồn phiền.

Nếu có chúng sinh nào trì giới, cúng dường quạt cho tì-kheo tăng, giúp được mát mẻ trong lúc tụng kinh thì sau khi chết, người ấy được sinh lên cõi trời Phong Hành, thường có mùi hương thổi đến, khiến được an vui không gì sánh bằng.

Nếu có chúng sinh, tạo lập cầu, thuyền, bằng tâm thiện giúp người trì giới và những người khác qua lại, họ cũng không làm điều ác thì sau khi chết người ấy sinh lên cõi trời Man Trì hưởng năm thứ dục lạc, lúc thọ mạng hết, sinh vào cõi người được giao trông coi kho báu của vua”.

Kinh Thí dụ ghi: “Xưa có ba mẹ con thường làm ba việc:

  1. Làm thuyền lớn đặt sẵn ở dòng sông để đưa mọi người qua.
  2. Ở nơi đô thị đào giếng nước trong để cung cấp cho muôn dân.
  3. Tại bốn cửa thành đều xây nhà xí để mọi người tiểu tiện.

Nhờ tu công đức này, ba người sau khi chết đều được sinh lên trời hưởng phúc tự nhiên, sinh xuống trong cõi người thì được giàu sang phú quý và sống lâu, dù sinh ra nơi nào cũng không bị rơi vào trong ba đường ác. [78c] Tạo phúc này tuy nhỏ, nhưng được kết quả nhiều vô lượng, huống gì có người rộng tu công đức, dựng tháp xây chùa lập đàn bố thí làm các việc phúc thì phúc báo ấy gấp trăm nghìn vạn lần, phúc báo này, không thể tính kể.

Luận Thành thật có trích dẫn một bài kệ trong khế kinh:

Nếu trồng rừng, vườn cây,

Đào giếng, xây dựng cầu,

Việc phúc người ấy làm,

Ngày đêm thường tăng trưởng.

Kinh Hoa thủ ghi: “Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Bồ tát có bốn pháp làm cho quả vị Vô thượng bồ-đề hoàn toàn không lui sụt, đó là:

  1. Nếu thấy chùa tháp hư hoại, nên dùng đất, hoặc vữa hồ cho đến một viên gạch tu sửa.
  2. Ở ngả tư, nơi nhiều người nhìn thấy mà xây tháp, tạc tượng; trong tháp vẽ hình Đức Phật chuyển pháp luân, cảnh Phật xuất gia cho đến cảnh Phật nhập niết-bàn nơi ta-la song thụ, tạo điều kiện khiến cho mọi người nhớ nghĩ đến ân đức của Phật.
  3. Nếu có hai bộ tì-kheo tăng tranh cãi thì ân cần tìm đủ mọi cách giúp cho chư tăng hòa hợp.
  4. Nếu thấy Phật pháp sắp hoại diệt, phải thường đọc tụng, thuyết giảng kinh điển cho đến một bài kệ khiến cho chính pháp không mất; lại vì giữ gìn chính pháp mà cúng dường pháp sư, chuyên tâm hộ pháp không tiếc thân mạng.

Nếu bồ-tát thành tựu bốn pháp này thì đời đời sẽ làm Chuyển luân thánh vương, được thân hình to lớn, có sức mạnh như Na-la-diên, về sau bỏ bốn thiên hạ mà đi xuất gia, tu bốn Phạm hạnh một cách trọn vẹn. Sau khi chết, sinh lên trời làm Đại Phạm vương cho đến chứng quả Vô thượng. Người trí muốn cầu Phật đạo phải tu học như thế”.

Kinh Phóng ngưu[47] ghi: “Phật bảo các tì-kheo:

– Có mười một việc, người chăn trâu không biết chăn tốt, không biết cách nuôi dưỡng trâu. Đó là:

  1. Không biết khí sắc của trâu.
  2. Không biết xem tướng mạo.
  3. Không biết tắm rửa.
  4. Không biết chăm sóc vết thương.
  5. Không biết xông khói un muỗi.
  6. Không biết chọn đường đi.
  7. Không biết cách đối xử với trâu.
  8. Không biết chọn nơi để trâu qua sông.
  9. Không biết tìm chỗ cỏ ngon, nước trong mát cho trâu.
  10. Không biết vắt sữa trâu, không chừa sữa lại.
  11. Không biết phân biệt thức ăn nào nên cho trâu ăn, thức ăn nào không nên cho trâu ăn.

Mười một việc như thế, người chăn trâu không biết cách nuôi dưỡng, bảo vệ trâu, làm cho trâu không thể sinh sôi nảy nở mà ngày càng suy giảm”.

Đây là ví dụ cho một tì-kheo cũng có mười một pháp tổn hại, ở đây không thể trình bày đầy đủ.

[79a] Thế rồi Đức Phật nói kệ:

Người chăn trâu cẩn thận,

Là phúc của ông chủ,

Sáu con sinh sáu năm,

Trở thành sáu mươi con,

Người chăn trâu thông minh,

Biết phân biệt các tướng…

Kẻ chăn trâu như thế,

Phật đời trước thường khen.

XV.7. Kệ kết khuyến

Bóng ngay thì hình thẳng,

Hang trống vọng âm vang,

Phúc lành giúp vận tốt,

Do nhân thì có quả.

Xả thân cúng dường Phật,

Chí thành được khen,

Âm đức bố thí,

Phúc đến âm thầm.

***

Chú thích:

[13] Diêm-phù-đề 閻浮提 (S:Jambu-dvīpa): châu Nam Thiệm-bộ, một trong bốn châu lớn nằm ở phía nam núi Tu-di. Diêm-phù-đề vốn riêng chỉ cho Ấn Độ nhưng sau trở thành chỉ chung cho thế giới này.

[14] Đông Phất-vu-đãi 東弗于逮 (S: Pūrva-videha): châu Đông Thắng Thân. Châu này nằm trong biển nước mặn phía đông núi Tu-di, vì thân người ở châu này xinh đẹp nên gọi là “Thắng Thân”.

[15] Tây Cù-da-ni 西拘耶尼 (S:Apara-godānīya): châu Tây Ngưu Hóa. Châu này nằm ở phía tây của núi Tu-di, do dùng trâu, bò để trao đổi buôn bán nên gọi là “Ngưu Hóa”.

[16] Bắc Uất-đơn-việt 北欝單越 (S: Uttara-kuru): châu Bắc Câu-lư. Châu này nằm ở phía bắc núi Tu-di. Câu-lư nghĩa là thắng xứ. Vì người ở cõi này y báo, chính báo đều thù thắng nên có tên như thế.

[17] Hoàng môn 黃門 (S: paṇḍaka): ở đây chỉ cho người nam bị tịnh thân mất nam căn để đưa vào cung lo liệu các việc trong hậu cung.

[18] Hoan hỉ hoàn 歡喜丸: một dạng thức ăn dùng sữa, bột, mật gừng v.v… trộn đều vo thành viên.

[19] Điều-đạt 調達 (S: Devadatta; Cg: Đề-bà-đạt-đa): vị tì-kheo phạm tội ngũ nghịch, phá hoại tăng đoàn, đối nghịch với Phật. Ông là con của Hộc Phạn vương (chú của thái tử Sĩ-đạt-ta ), cũng có thuyết cho là con của Cam Lộ Phạn vương hoặc con của trưởng giả Thiện Giác.

[20] Nước Duy-da-li (Duy-da-li quốc 維耶離國; Cg: Tì-xá-li thành; S: Vaiśāli): một quốc gia thời xưa thuộc vùng Trung Ấn Độ. Đại sĩ Duy-ma trụ ở nước này và cũng là nơi bảy trăm vị hiền thánh kết tập kinh điển lần thứ hai sau khi Đức Phật nhập diệt một trăm năm.

[21] Phật Duy-vệ (Duy-vệ Phật 維衛佛): tức Phật Tỳ-bà-thi, một vị Phật ở kiếp quá khứ.

[22] Dương Sinh 楊生: người Hoằng Nông, đời Đông Hán. Thuở nhỏ ông cứu một con chim sẻ vàng, sau đó có một đồng tử áo vàng tặng cho ông bốn vòng ngọc trắng, khiến cho con cháu được hiển vinh, tước vị lên đến tam công.

[23] Họ Khổng (Khổng thị 孔氏): chỉ cho Khổng Tử.

[24] Tam phụ 三輔: tiếng hợp xưng ba chức quan cùng cai trị một địa phương thời Tây Hán.

[25] Mục-kiền-liên Tử Đế-tu 目犍連子帝須 (S: Maudgaliputra Tiśya): vị a-la-hán sống vào thời vua A-dục ở Ấn Độ. Theo truyền thuyết ngài là Đại Phạm thiên Đế-tu từ cõi trời Phạm giáng sinh vào gia đình bà-la-môn Mục-kiền-liên, cho nên gọi là Mục-kiền-liên Tử Đế-tu.

[26] Sinh căn 生根: tức nam căn.

[27] Sinh chi 生支: tức nam căn.

[28] Trời Hoan Hỉ (Hoan Hỉ thiên 歡喜天; S: Nandikeśvara): tên một cõi trời. Hoan Hỉ thiên còn là tên khác của thần Thấp-bà ở Ấn Độ. Phật giáo gọi Nga-na Bát-để là con của Thấp-bà và Ba-la-hòa-để. Nga-na Bát-để ý dịch là quân đội, nghĩa là Hoan Hỉ thiên và em trai là Tắc-kiền-đà cùng nhau thống trị quyến thuộc của cha là trời Đại Tự Tại, cho nên có tên là Hoan Hỉ thiên.

[29] Thái Âm, Tần Cảnh 蔡愔, 秦景: hai vị quan mà vua Hán Minh Đế sai sang Tây Vực thỉnh kinh tượng, vào niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10.

[30] Lỗ Dương 魯楊: Chỉ Lỗ Dương công, người nước Sở thời Chiến Quốc. Theo truyền thuyết, ông là bậc anh hùng, múa giáo khiến cho mặt trời quay ngược lại.

[31] Sữa lạc: (lạc tô 樂酥): một dạng sữa được nấu đặc.

[32] Ứng chân 應眞: quả vị A-la-hán.

[33] Hoa Nại (Nại hoa 花柰): loài hoa mà khi kết quả có hình giống như trái lê. Trong Kê Chích tập có ghi: “Thuở xưa, ở nước Tây Vực có một loài cây, lúc kết trái thì có một người con gái ngồi trên đó và được vua đưa về làm vợ. Sau đó bà ta cúng dường khu vườn ấy cho Đức Phật làm tinh xá”.

[34] Thiên đế 天帝: vua của cõi trời Đao-lợi, mang họ Thích-ca nên thường gọi là Thiên Đế Thích.

[35] Ba thừa (tam thừa 三乘, S: trīṇi yānāni): ba phương tiện độ sinh phù hợp với ba dạng căn cơ là thanh văn, duyên giác và bồ-tát.

[36] Tự tứ 自恣 (S: pravāraṇā): thuận theo ý người khác mà tự nêu lên lỗi lầm của mình đã phạm trước chúng tăng. Tức ngày cuối cùng của mùa an cư, mỗi vị tì-kheo tự nêu lên các tội mình đã phạm trong ba việc thấy nghe nghi, đối trước các tì-kheo khác mà sám hối, sám hối thì được thanh tịnh, tự sinh vui mừng, nên gọi là tự tứ.

[37] Đệ nhị thiên 第二天 (S: Trāyastriṃśa; Cg: Đao-lợi thiên): tầng trời thứ hai trong sáu tầng trời cõi Dục.

[38] Lục sư ngoại đạo 六師外道: sáu phái ngoại đạo gồm có:

  1. Phú-lan-na Ca-diếp 富蘭那迦葉 (S: PūraṇaKāśyapa): Phú-lan-na là tên, Ca-diếp là họ. Phái này chủ trương hết thảy các pháp đoạn diệt tính không, phá bỏ đạo lí vua tôi, cha, con, trung, hiếu.
  2. Mạt-già-lê Câu-xa-lê tử 末伽梨拘賒梨子 (S: MaskārīGośaliputra): Mạt-già-lê là tên, Câu-xa-lê là tên của mẹ. Phái này chủ trương sự khổ vui của chúng sinh chẳng phải do nhân duyên, chỉ là tự nhiên mà có.
  3. San-xà-dạ Tỳ-la-chi tử 刪闍夜毘羅胝子(S: SañjayaVairaṭīputra): San-xà-dạ là tên, Tỳ-la-chi là tên của mẹ. Phái này chủ trương không cần cầu đạo giải thoát, chỉ cần trải qua kiếp số sinh tử thì tự dứt hết sự khổ, như cuộn gai tròn lăn từ trên núi cao xuống, khi cuộn gai hết thì tự dừng.
  4. A-kì-đa-sí-xá Khâm-bà-la 阿耆多翅舍欽婆羅 (S: Ajitakeśakambala): A-kì-đa-sí-xá là tên, Khâm-bà-la là y phục thô xấu. Phái này chủ trương thân mặc y xấu, dùng năm thứ nóng để đốt thân, lấy khổ hạnh làm đạo.
  5. Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên 迦羅鳩馱迦旃延 (S: KakudaKātyāyand): Ca-la-cưu-đà là tên; Ca-chiên-diên là họ. Phái này chủ trương các pháp cũng có tướng cũng không tướng. Ứng với vật mà phát khởi nhận thức. Nếu người hỏi là có thì đáp là không, nếu người hỏi là không thì đáp là có.
  6. Ni-kiền-đà Nhã-đề tử 尼犍陀若提子 (S: NirgrantaJñātiputra): Ni-kiền-đà là tên gọi chung cho người xuất gia, Nhã-đề là tên mẹ. Phái này chủ trương khổ vui, tội phúc hết thảy đều do đời trước mà nhất định có sự đền bù, chẳng phải đời nay hành đạo mà có thể dứt trừ được.

[39] Kinh Ma-ha-sát đầu (Ma-ha-sát đầu kinh 摩訶剎頭經; S: Mahāsattva Sūtra): kinh Quán Phật hình tượng.

[40] Phi Hành hoàng đế 作飛行皇帝: vị vua có uy lực thống trị cả bốn châu thiên hạ, đầy đủ bảy báu và có nghìn người con làm quyến thuộc.

[41] Đô lương hương 都梁香: tên khác của cây trạch lan. Vào thời Bắc Ngụy, ở phía tây huyện Đô Lương có ngọn núi nhỏ, trên núi có một dòng suối cạn, nước trong vắt, trong suối mọc nhiều lan, vì mọc ven dòng suối, nên người ta gọi cây ấy trạch lan, loại thực vật này sống ở phía tây huyện Đô Lương nên cũng gọi là đô lương hương.

[42] Tháo đậu 澡豆: chất tẩy giống như xà phòng ngày nay.

[43] Tô cao 酥膏: chất gội giống như sữa tắm ngày nay.

[44] Hạ phong 下風: xì hơi. Thuở xưa, khi Đức Phật ngự tại thành Xá-vệ, có nhóm lục quần tì-kheo không giữ uy nghi, làm việc xấu ác, cố ý ăn nhiều đậu, bột, uống nhiều sữa, rồi ở trong phòng lần lượt xì hơi vang tiếng, dùng âm thanh ấy đùa giỡn chọc tức các tì-kheo trưởng lão. Nhân đó, các tì-kheo thỉnh cầu Đức Phật chỉ dạy việc hạ phong. Đức Phật dạy: “Ai sắp hạ phong phải đè nén, nếu không được thì nên đến ngồi phía dưới cùng, khi xì hơi không được gây tiếng động làm nhiễu loạn các tì-kheo ngồi gần”.

[45] Trời Thủ-đà-hội (Thủ-đà-hội thiên 首陀會天): cõi trời Tịnh Cư, thuộc cõi Sắc nằm trong Tứ Thiền thiên.

[46] Tịnh thủy 淨水: nước trong sạch, ý nói nước được sử dụng đúng với phép tắc Phật chế.

[47] Kinh Phóng ngưu (Phóng ngưu kinh 放 牛經): kinh, một phẩm rút ra từ Tăng-nhất A-hàm đồng với nội dung kinh này.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 06 – Nhập Đạo - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 12 – Phú Quí - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Ưu Điền - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Phúc Báo Tạo Hình Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Khổ Ấm - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 23 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Thái Tử Phước Lực - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 22 – Dục Cái - Kinh Tạng
  • Kinh Số - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 1 - Kinh Tạng
  • Phẩm Báo Ân Cúng Dường Thập Nhị Đại Oai Đức Thiên - Kinh Tạng