Những Bài Ca của vị Thánh được Mến Yêu của Tây Tạng, Milarepa
Nguyên tác: Drinking the Mountain Stream, Song of Tibet’s Beloved Saint, Milarepa
Việt dịch: Tha Nhân

***

Uống dòng suối núi (Phần cuối)

16. Đối mặt với một thầy tu đạo Bošn

Một lần nọ, con người vĩ đại Jetsušn Milarepa đi đến núi tuyết Ti Se với năm đệ tử để thiền định. Một đệ tử bị bệnh và không thể tiếp tục, họ thiền định mùa hè trên một trái núi hoang vu trong miền Lowo Thượng.(33) Vài người thấy họ và tò mò : “Người nào mà có thể sống thời gian lâu trên ngọn núi trơ trọi ấy ?” Biết đó là thiền giả Milarepa, họ đến đảnh lễ và cầu pháp. Mila hát cho họ :

Lowo là xứ tối tăm của ma quỷ.
Những thành phố là nhà giam của ma quỷ.
Kính trọng và địa vị là sợi thừng cột trói của ma quỷ.
Tiêu khiển là sự che ám của ma quỷ.

Ở đây, trong núi non vắng vẻ không người,
Tỉnh giác là thiền định nở hoa.
Ở đây sự chú tâm trưởng thành lớn mạnh.
Các bạn nhóm họp ở đây, hãy nghỉ ngơi đi –
Tôi cầu xin cho sự may mắn và sung túc tâm linh của các bạn.

Nói rồi, ngài bắt đầu ra đi. Họ kêu gọi ngài, nhưng ngài không nghe. “Mùa thu hoạch tới rồi. Tất cả các bạn có việc phải làm. Tôi sắp đi tìm lương thực cho mùa đông.” Khi ngài lên đường những thí chủ nam nữ và con cái họ theo ngài đến đỉnh đèo Kora. Họ lễ lạy, đi nhiễu quanh ngài và nồng nhiệt xin ngài ở lại. Cuối cùng họ nói, “Chúng tôi không thể gặp lại ngài, Jetsušn vĩ đại. Xin ban cho chúng tôi sự che chở bây giờ, trong trung ấm và trong những đời sau.”

Những sự kiện này và những bài ca của Mila được ghi lại trong Một Trăm Ngài Bài Ca.(34)

Những đệ tử cũng đi với ngài đến đèo Kora rồi trở lại Lowo để khất thực. Trong khi đó, Jetsušn tiếp tực đến Ti Se với Seben Repa. Trên cao nguyên trung tâm Drosho có nhiều người chăn gia súc tụ hội ở đó và Mila và Seben đến khất thực. Trước một lều lớn có một người có vẻ là thầy tu Bošn đang nhận đồ cúng dường của những người chăn. Họ đến gần và ngồi xuống. Những đồ thừa từ những cúng dường cho vị thầy tu Bošn được gom lại để cho họ.

Mila và Seben ngồi yên suốt buổi phục vụ cho vị thầy tu Bošn, nhưng khi ông sắp nói lời hồi hướng kết thúc, họ đứng dậy bỏ đi. Người tu sĩ hỏi họ, có vẻ giận dữ, “Tại sao các ông không nghe lời hồi hướng của tôi ?”

“Sự hồi hướng của tôi thì khác với của các bạn. Chúng ta sẽ nói riêng phần mình.”

“Tốt lắm, hãy nói cái của các bạn đi.”

“Ông không cần thiết phải nghe sự hồi hướng của tôi.”

“Nào, tốt lắm, ông không cần phải lưu tâm đến một sự hồi hướng nhân danh cái đuôi và ngực của con trâu yak dành cho tôi.”

“Tôi cũng có quyền nói một lời hồi hướng vì miếng da còn lại này từ những cúng dường cho ông đấy.”

Tu sĩ giận dữ, “Tôi không thán phục sự hồi hướng của bạn, nhưng bạn có thể cầu nguyện vì miếng da thừa của bạn – tôi sẵn sàng nghe bạn nói.”

Thế rồi Mila hát :

Lama từ ái muôn đời
Bổn tôn ban cho những thành tựu,
Tam Bảo đáng tôn kính của mọi người,
Vô số hộ pháp nhiều như biển của giáo lý –
Xin luôn luôn giữ gìn con trong tâm.

Do công đức
Của sự cúng dường thức ăn dư
Cho những thiền giả đi khất thực,
Nguyện cho tất cả chúng sanh, mà đầu hết
Là những thí chủ và con cái các bạn,
Có được hạnh phúc tốt nhất trong đời này.

Nguyện các bạn không có khổ đau vào lúc chết
Có được một thân người hay trời rỗi rảnh và cơ hội may mắn
Trong mọi hoàn cảnh của tái sanh
Và sau khi hưởng thụ cái tốt nhất của mọi cuộc đời
Cuối cùng đạt được toàn giác.

Nguyện tất cả những thiền giả khất thực,
Vô số hồn linh v.v…
Thỏa mãn với sự cúng dường đồ thừa này
Đạt đến cảnh giới thanh tịnh của thực tại.

Trong thực tế, sự cúng dường, hồi hướng và những người cho,
Người yêu cầu hồi hướng, người hồi hướng v.v…
Đều như một giấc mộng, ảo huyễn và tiếng vang,
Như ảo ảnh và những hoa đốm trong không trung.

Vị lama đạo Bošn bấy giờ nói, “Đây là một thí dụ của câu cách ngôn : “Từ đống rác rưởi một con cọp vươn mình lên.” Ông là ai ? Ông từ đâu đến ? Dòng phái của ông là gì ? Ông đã học hỏi ở đâu ? Sự thực hành của ông là gì ?”

Trả lời, Mila hát bài ca này :

Con lễ lạy chân lama của con.
Ngài chuyển hóa đất thành vàng,
Vàng thành viên ngọc như ý,
Và viên ngọc như ý thành nguồn của mọi phẩm tính tốt đẹp.

Bây giờ con sẽ đưa ra vài câu trả lời
Cho những câu hỏi của vị thầy đạo Bošn này :

Quê hương tôi là Tsa Rošn trên đồng bằng Gungthang.
Tôi đến UŠ và Tsang để học.
Vào thời trẻ tôi đã hủy diệt những kẻ thù đáng ghét của tôi
Với tà lực, nguyền rủa và mưa đá.

Sau đó tôi cảm thấy hối hận vô cùng
Và đi gặp Marpa dịch giả.
Nhận được pháp, tôi lấy thực hành làm mối quan tâm duy nhất.
Và khai quang xuyên qua mê lầm đến trạng thái tự nhiên.
Với sự chứng ngộ trạng thái hiện thực sanh ở bên trong,
Giờ đây tôi không còn sợ ngay cả cái chết.

Cái nhìn của tôi là thấy thực tại ;
Tôi trau dồi những khí, kinh mạch và hạt.
Tôi thực hành trong trạng thái của thực tại hiện tiền –
Ba thân tự nhiên là kết quả của tôi.

Lama của tôi là Marpa Lotsawa,
Dòng của ngài truyền từ Tilopa và Naropa
Cho đến bậc chiến thắng Vajradhara.
Tôi theo sự thực hành những Tantra Nói Thầm Vào Tai(35)
Và như thế đạt được sự làm chủ những khí và kinh mạch.

Vị thầy tu đạo Bošn xúc động mạnh, “Tôi kinh ngạc ! Và những người thực hành Pháp các vị nói gì về tôn giáo Bošn, cái swastika (nghĩa là thực tại) tối hậu ?”

Mila tiếp tục :

Hãy nghe, vị thầy Bošn – tôi sẽ làm an ổn những nghi ngờ,
Lồng cũi mê lầm và suy nghĩ sai của ông.

Trước tiên, về nguồn gốc của Pháp
Ngài được gọi là Phật
Ngài đã khai triển trí huệ sáng soi
Qua sự loại trừ mọi huyễn hoặc.

Phật thì không có bắt đầu hay kết thúc –
Phật nguyên sơ(36) thì không có nguyên nhân –
Điều này thường được nói trong kinh điển.
Chúng sanh vô minh từ khởi thủy,
Thu góp hành động (nghiệp) qua vô minh ấy.
Họ có những thân thể tương ứng,
Và như trước, thu góp những hành động khác nhau
Với cái thân mới này.

Hành động (nghiệp) có ba thứ – tốt, xấu và trộn lẫn.
Hành động bị điều động bởi ba độc
Giận ghét dẫn sanh về địa ngục,
Tham muốn dẫn sanh hồn ma không thỏa mãn,
Và mê lầm dẫn sanh thành thú vật.
Hành động trộn lẫn sanh ra những kết quả khác nhau trong ba trạng thái này.

Hành động tốt dẫn đến những trạng thái cao hơn,
Và hành động tốt tối cao
Làm tăng trưởng hai kho công đức và trí huệ
Bố thí, trì giới và nhẫn nhục
Là nguồn của công đức ;
Và định và huệ,
Trong cuộc sống làm người hay làm trời,
Là nguồn của đại trí huệ.

Tuy nhiên định mà không có trí huệ thấm nhuần,
Dầu có tốt đến bao nhiêu,
Chỉ dẫn sanh bốn thiền và bốn xứ
Ở trên đỉnh của hiện hữu sanh tử.(37)
Khi nghiệp quả đã hết tận,
Người ta lại lang thang trong sanh tử luân hồi.

Tinh tấn tham dự vào tất cả các ba la mật kia :(38)
Và trí huệ được hoàn thiện
Bằng cách hòa hợp định và huệ
Qua sự chứng ngộ trạng thái tự nhiên như nó vốn là.

Những kết quả của việc hoàn thành hai kho
Công đức và trí huệ theo lối này
Gồm pháp thân như hư không cho chính mình,
Do bởi trí huệ thanh tịnh,
Báo thân như một mặt trời giữa hư không
Dành cho sự tu hành của những đệ tử đã phát triển,
Và hóa thân như những tia sáng mặt trời
Dành cho những người tu hành kém phát triển,
Cả hai đều từ kho công đức.

Cấu trúc này được gọi là
“Ba thân tự nhiên là quả” ;
Mẩu nhỏ hấp dẫn của giáo lý như thế
Là một phần nhỏ của giáo pháp.

Những người ngu càn rỡ của thời trước
Nói rằng Bošn và Pháp là anh em.
Lý do của điều này
Được những người đạo Bošn ngày xưa giải thích như sau :

“Vào khởi thủy không có đất hay trời.
Nước, lửa, không khí không hiện hữu.
Từ trạng thái trống không nguyên thủy này
Mẹ Bošn “Kho Tàng-Không Gian” nổi giận
Thở nguyên tố không khí từ miệng bà,
Phát ra nguyên tố nước như là nước tiểu,
Và chớp sáng ra lửa từ hơi nóng của tâm mình.

“Bà ép răng và móng tay thành nền đất
Trên đó cái trứng của hiện hữu được tự sinh,
Và từ sự bể vỏ của cái trứng này
Sáu loại chúng sanh, thế giới hình tướng và cả đạo Bošn khởi sanh.”

Họ tuyên bố Pháp khởi sanh sau đạo Bošn !
Vì lý do đó chúng là anh em của nhau
Theo sự càn rỡ của những người ngu ấy.

Vào khởi thủy trời không hiện hữu.
Trời thì tương đương với không gian.
Không gian thì tự nhiên trống rỗng
Và không thể nói là hiện hữu hay không.

Một “bà mẹ-không gian” trong cái trống không ban sơ này
Cũng là điều xằng bậy của những người ngu –
Hãy bịt tai ông với hai bàn tay
Trước tiếng vang của điều càn rỡ đó.

Theo những nguồn tài liệu mới mẻ hơn
Một pháp sư Phật giáo rất thông tuệ
Ở trong xứ Ấn Độ
Đến thăm nhà một cô gái điếm.

Thức dậy trước bình minh, ông mặc y phục,
Nhưng do lầm lẫn ông mặc vào
Cái váy của người đàn bà thay vì của mình.

Trở về tu viện lúc bình minh
Người ta thấy ông mặc một cái váy xanh
Và ông bị đuổi khỏi cộng đồng.

Sau cùng ông tìm đường đến Tây Tạng
Và với cảm nhận khắc nghiệt trong xứ sở lưu đày này
Đã sáng tạo một tôn giáo sai lầm và đặt tên là Bošn.
Vào lúc đó ở miền Thượng Tây Tạng(39)
Một đứa con trai do một người đàn bà sanh ra
Bởi một con rồng đen vĩ đại và thần lực.

Nó có hai tai rất lớn
Và như thế được biết
Với cái tên Đứa Bé-Lừa.

Dù nó là con của một con rồng thần lực,
Mẹ nó theo đạo Bošn,
Thế nên khi cậu bé lớn lên
Cũng được học đạo Bošn,
Và được gọi là người-Lừa Shenrab.(40)

Bấy giờ nghe danh tiếng
Của vị thầy đạo Bošn là Váy Xanh,
Shenrab đi qua bình nguyên bao la miền Bắc để đến với ông.

Dòng đạo Bošn mới này
Chỉ có từ Váy Xanh và Shenrab.
Như thế nếu ông nghĩ : “Nếu cả hai đều dẫn đến cái tối hậu,
Đâu là sự khác biệt giữa Pháp và đạo Bošn ?”
Tôi sẽ trả lời rằng tổ tiên của đạo Bošn
Là người thoái hóa tôn giáo, rồng thần lực và ma quỷ –
Làm sao nó đưa đến cái tối hậu ?

Như thế đạo Bošn có một dòng dõi tổ tông thấp kém,
Và giống như mọi tôn giáo “ngoại đạo”
Khác với Pháp ở nguồn gốc quy y :
Tam Bảo là nơi quy y cho những người Phật tử,
Trong khi Brahma, Isvara và Visnu cho những người ngoại đạo.

Đức Phật toàn hảo là bậc
Có thể giải thoát cho những người khác
Dù ngài đã giải thoát khỏi sanh tử ;
Nhưng những vị trời thế gian như Isvara,
Họ còn bị trói buộc vào sanh tử,
Chỉ có thể ban cho
Những thành tựu thế gian nhất thời –
Làm sao họ có thể ban cho sự tự do của giải thoát ?
Đó là lý do họ được gọi là “ngoại đạo”.

Quả thực những người thực hành đạo Bošn,
Có thể chữa bệnh, xóa bỏ những ngăn chướng,
Và sở đắc những thành tựu bình thường.
Nhiều thành tựu giả đạo Bošn
Cỡi những cái trống bay qua bầu trời,
Đốt những đám lửa lớn trên nước,
Cắt sắt bằng một lông vũ, vân vân.
Nhưng nếu ông nghĩ đấy là những dấu hiệu của sự phát triển,
Tôi sẽ giải thích nó như vầy :

Thiền định về thế giới rỗng không, như huyễn, hình tướng bên ngoài
Sẽ chuyển thành tương ứng –
Ông đã nghe trở thành một con cọp
Bằng cách quán tưởng thân thể ông là một con cọp ?

Thiền định về đất, không khí, lửa và nước
Cũng tạo ra như những kết quả,
Nhưng gốc rễ của ảo tưởng này
Chỉ một vị Phật mới chặt đứt được –
Không ai khác có thể phá hủy ảo tưởng.

Như thế con đường chân thật được du hành
Khi thực hành những lời dạy của một vị Phật không còn mê lầm –
Phật quả không đạt được bằng bất kỳ con đường nào khác.

Nếu người ta bị hạn cuộc vào những thành tựu thế gian,
Làm sao người ta đạt đến cái tối hậu
Bằng Ấn giáo, Bošn, hay những đường lối khác ?
Và nếu bay trên trời là đủ
Thì mọi con chim phải là những vị Phật !

Bởi thế, mọi thứ này
Chỉ là những dấu hiệu của chứng đắc thế gian
Có một bản chất hình tướng bề ngoài, như huyễn
Không thể đưa người ta đến giác ngộ.
Khi mọi sự được thiền định là hoàn toàn trống không
Để có được sự chứng nghiệm về trống không
Và cắt đứt ảo tưởng của tâm thức
Về huyễn ảo có từ vô thủy,
Nó dẫn đến lý thuyết hư vô khiến sa vào các trạng thái thấp
Và không thể ngăn ngừa sự tăng trưởng của thống khổ.
Hơn nữa, ham muốn có những thành tựu là theo vật chất,
Nó cũng cột trói người ta vào sanh tử.

Như thế nếu ông muốn đi vào con đường không sai lầm,
Hai thực tại cần được biết :
Thế giới giả tạo và cái tuyệt đối.

Cái giả tạo cũng có hai :
Cái giả dối và không thực.
Và cái thực nhưng theo điều kiện mà có.

Cái trước, cái giả tạo hư giả –
Như cái phản chiếu trong nước hay trong gương –
Không được xem là thực thậm chí với con trẻ ở đời.
Cái sau, tất cả mọi hiện tượng bề ngoài –
Cho đến khi đạt đến Niết Bàn
Có vẻ là thực –
Như vậy đều là thực một cách bề ngoài giả tạo.

Để chứng ngộ thực tại tuyệt đối,
Hãy dẹp bỏ những ngăn chướng của hành động và của phiền não
Bằng cách thu góp một kho vĩ đại công đức
Nhờ bố thí, trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn.
Và hãy dẹp bỏ sự ngăn chướng với toàn giác
Bằng tập trung thấm nhuần trí huệ.

Bấy giờ bằng cách hòa nhập định tĩnh thuần khiết và quán chiếu,
Thực tại tuyệt đối được giáp mặt.
Đó là con đường chứng ngộ của những thiền giả repa.

Sự giải thích chi tiết của Mila về những điểm này qua trung gian ngôn ngữ hùng biện của ngài gợi ra niềm tin vững chắc nơi những người nghe. Khi tiếp xúc với Jetsušn, tu sĩ đạo Bošn từ bỏ tôn giáo của mình và xin được quán đảnh và dạy dỗ. Ông xoay hướng cái nhìn về mục tiêu thực tại và sau khi hoàn thành giai đoạn phát triển được đời biết đến như một thiền giả lão luyện, tuyệt hảo.

18. Milarepa Có Chết Không ?

Vua vĩ đại của các thiền giả, Jetsušn Milarepa, đang trú ở cung điện vinh quang Chu Bar dạy Pháp cho một số đệ tử. Ngay lúc mặt trời mọc ngày mồng tám Jetsušn cất mình lên tầng ba trong không khí và ngồi kiết già giữa một ánh sáng cầu vồng.

Các đệ tử quỳ gối chấp tay và sau một lúc, dần dần, ngài hạ xuống. Các đệ tử thầm nghĩ, “Ngài đang chết chăng ?” Họ khóc than và một số trong bọn họ như Shengom Repa nói :

Thiền giả thành tựu giả quý báu,
Thân ngài ngồi giữa mống cầu vồng,
Đắm mình trong cõi không gian,
Và biến mất khỏi tầm nhìn của chúng con,
Đây là thật hay giả ?
Là có thật hay như huyễn ?
Lama Jetsušn quý báu,
Nguyện ngài ở lại cho lợi lạc của chúng sanh.

Họ cầu xin ngài như vậy, nước mắt đầm đìa. Sau một lúc, ngài cất mình lên trở lại ở độ cao bằng ngọn giáo, và hát bài ca này :

Con lạy dưới chân dịch giả Marpa,
Con người cao tuổi của xứ Lhodrak
Người đáp ứng những hy vọng của các học trò –
Xin ban cho ân phước thường trực của ngài.

Nhờ lòng tốt của lama – cha độc nhất của tôi
Mọi hình tướng xuất hiện được kinh nghiệm là tâm,
Tâm tự chứng ngộ là không căn cứ, không gốc rễ,
Thức được tịnh hóa trong trạng thái trí huệ,
Và sanh tử và niết bàn được thấu hiểu là bất nhị.

Phật và chúng sanh chỉ là danh tự –
Trong thực tế không hiện hữu chút nào.
Không hiện hữu, nhưng mà xuất hiện.
Lầm lỗi do từ hành động si mê –
Bám luyến vào huyễn, họ là chúng sanh,
Lìa bỏ khỏi huyễn, họ là chư Phật.

Eh ma ! Những thiền giả tụ tập nơi đây,
Hãy nhìn thẳng vào cõi tâm vô sanh !
Hãy để cho hiện lên sự hưởng thụ trò chơi không dứt !
Khi thoát khỏi hy vọng và sợ hãi – đó là kết quả.
Tại sao lại nói đến sanh và tử ?
Hãy đi vào trạng thái tự nhiên, không chỉnh tạo !

Vòm trời bao la không biên giới
Thình lình bị đâm xuyên bởi một sừng thỏ !

Ngọn cờ của pháp thân bất biến
Được đứa trẻ của một người đàn bà vô sanh cầm trên tay !

Eh ma ! Mọi sự của sanh tử và niết bàn
Không hiện hữu – mà xuất hiện –
Xuất hiện – mà là trống không – tại sao ?

Khi ta tập chú một chút
Vào thiền quán không gian,(47)
Tại sao các con rên than vô nghĩa ?

Khi tâm và không gian được hợp nhất
Qua sự hợp nhất của thân và tâm,
Pháp thân được hiển lộ
Và những mục tiêu từng mong muốn đã đạt được
Tại sao lại bất hạnh như vậy vì điều đó ?

Bởi thế, các con không thấu hiểu Pháp.
Các con nghĩ ta đã bỏ sự lợi lạc của những người khác –
Nhưng ta đã đạt đến vương đài pháp thân cho chính ta
Nhờ sức mạnh của sự khẩn cầu trùm khắp
Cho sự thành tựu tự nhiên lợi lạc của những người khác
Bằng sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi.

Sắc thân hai phần của ta vì lợi lạc cho người khác
Sẽ tái xuất hiện cho đến khi nào sanh tử trống rỗng,
Một dòng chảy không đứt đoạn của sự cứu giúp chúng sanh
Như một viên ngọc như ý
Hay cây như ý được sùng phụng nơi nơi
Cho những ai cần sự tu hành, dù họ ở bất cứ đâu.

“Hơn nữa, ta – ông cha già của các con – đã chỉ cho các con tinh túy của trạng thái chân thật tự nhiên. Ta đã chọc thủng huyền thoại sanh tử, đập vỡ cốt lõi dấu kín của ảo mộng, và bửa tách sanh tử và niết bàn. Ta đã cho các con Phật trong lòng bàn tay của ta. Các con còn muốn thêm cái gì nữa ? Thế mà các con còn thơ thẩn vào sanh tử. Các con cầu nguyện và than khóc do bám luyến vào những hình tướng sanh tử. Chán chết !

“Vào lúc đời sống chấm dứt thì cái chết đến ; vào lúc các kết cấu chấm dứt thì sự tiêu tan đến. Nhìn vào những sự cầu nguyện của các con, các con muốn ta sống thêm ít năm nữa, nhưng ta đâu thể ở lại mãi mãi. Thế nên bây giờ là lúc khai quang những nghi lầm của các con về những lời dạy của ta, phần đông các con cần như vậy.

“Bấy giờ, sau khi đi vào giấc ngủ với đại lạc trong chiếc giường hư không của thực tại, ta sẽ cung cấp cho lợi lạc của những người tu hành khác. Cần gì phải rên than vì chuyện ấy ? Các con phải nỗ lực trau dồi lòng bi mãnh liệt, tâm nhắm đến giác ngộ, và sự khẩn cầu trùm khắp và dài lâu bao giờ đời sống còn kéo dài cho những chúng sanh lạc loài trong sanh tử, mỏi mòn vì thống khổ.

Con cầu nguyện dưới chân Marpa linh thánh.
Dịch giả quý báu tràn đầy lòng tốt,
Người chu cấp sự giúp đỡ cho chúng sanh,
Không lìa rời khỏi trạng thái pháp thân.
Xin hãy ban phước để được một chỗ đứng trên con đường
Cho con, cho những người theo con,
Và cho tất cả chúng sanh.

Hãy nghe một lát những người thành tín :
Nếu các con không thiền định về sự có được thì giờ và cơ hội hiếm hoi,
Các con không thể giữ giới cho thanh tịnh.
Nếu các con không thiền định về vô thường và cái chết,
Thì có sự hiểm nguy do dấn thân vào những kế hoạch “thường còn” của cuộc đời.

Nếu các con không cẩn trọng xem xét hành động và kết quả,
Thì có sự hiểm nguy do lơ là nhân-quả.

Nếu các con không quy y Tam Bảo,
Thì có sự hiểm nguy lang thang trong ba trạng thái thấp của sanh tử.

Nếu các con không kiên trì gom góp hai kho,
Thì có sự hiểm nguy còn sẽ lạc loài trong huyễn ảo.

Nếu các con không nhìn thấy tất cả chúng sanh như cha mẹ,
Thì có sự hiểm nguy trở thành một Thanh Văn hay Độc Giác.

Nếu các con không tràn ngập từ bi
Thì có sự hiểm nguy của giận và ghét.

Nếu tĩnh lặng không sanh trong tâm,
Thì có sự hiểm nguy bị thổi phất phơ bởi gió phóng dật.

Nếu sự minh mẫn của tâm không được giữ cho trong sáng,
Thì có sự hiểm nguy bị dẫn vào những trạng thái súc sanh.

Nếu tỉnh giác chánh niệm xem xét không được duy trì,
Thì có sự hiểm nguy chìm trong đầm bùn của hôn trầm.

Nếu các con không kiên trì nhắm vào những mục tiêu,
Thì có sự hiểm nguy bị gió trạo cử thổi tứ tán.

Nếu tám yếu tố chữa trị không được áp dụng,
Thì có sự hiểm nguy sa vào năm lỗi lầm trong việc tập trung.(48)

Nếu không trang bị tốt bằng trí huệ phân tích,
Thì có sự hiểm nguy lạc vào những tầng thiền.

Nếu tạo tác không bị chặt đứt bởi quán chiếu,
Thì có sự hiểm nguy quay tròn mãi trong sanh tử.

Bởi thế, với sức mạnh của đức tin
Hãy thiền định lama, bổn tôn và Tam Bảo
Không rời trên đỉnh đầu các con,
Và bằng cầu nguyện nhiệt thành bốn thời mỗi ngày
Hãy nhận sự ban phước của các ngài trong tâm và làm sáng tỏ tâm với chứng ngộ.

Trong những vùng núi non xa vắng
Hãy nuôi dưỡng trạng thái không thiền định, không phóng dật.
Kinh nghiệm chứng ngộ sẽ sanh ra bên trong ;
Hơi nóng của lạc sẽ chói ngời trong thân thể.

Chớ đi khất thực vì thức ăn –
Hãy ăn đá và uống nước của khổ hạnh !(49)
Những phẩm tính tích cực sẽ sanh ra bên trong,
Và các con sẽ có xác tín về tánh bình đẳng không nghiêng lệch.

Khi các con đã đạt được thiện xảo trong những mục tiêu(50)
Bấy giờ hơi nóng-lạc của tummo cháy bừng trong thân thể,

Và khi các con đã làm chủ những dòng kinh mạch,
Những dấu hiệu và phẩm tính của giai đoạn phát triển sẽ sanh ra,
Và chỉ cái áo vải này là đã đủ.

Hãy đi đến cõi giới không phóng dật
Của đại ấn vô sanh –
Tâm thức sẽ đạt đến trạng thái vô địch của nó,
Và mục đích tự nhiên được thành tựu.

Các con có hiểu điều này không, các thiền giả ?
Xin nhận bài ca của sự sùng kính này, lama quý báu
Hãy chia xẻ bữa tiệc tiếng nói này, hội dakini.
Hãy dẹp bỏ những ngăn chướng của các ngươi, các loài không phải người.

Bài Kệ Kết Thúc

Tôi là một thiền giả lang thang nơi đồng quê,
Một người xin ăn du hành một mình,
Một người rất nghèo không có gì cả.

Tôi đã bỏ lại đàng sau nơi chốn sanh ra,
Quay lưng lại với ngôi nhà xinh đẹp,
Và cho đi ruộng đất tốt tươi.

Tôi đã ở trong những chốn ẩn cư núi non hoang vắng,
Thực hành trong những động đá tuyết phủ chung quanh,
Và tìm thức ăn như loài chim chóc –
Như vậy đó, sống cho đến bây giờ.

Không có lời nào nói về ngày chết của tôi,
Nhưng tôi có một ý định trước khi tôi chết.
Đó là câu chuyện đời tôi, thiền giả ;
Bây giờ tôi sẽ cho các bạn vài lời khuyên :

Cố gắng kiểm soát những biến cố của cuộc đời này,
Cố gắng và cố gắng khôn ngoan thông thái,
Luôn luôn hoạch định thu xếp thế giới của bạn
Dấn thân vào những quan hệ xã hội mãi hoài –
Giữa những sửa soạn này cho tương lai

Không hay biết, bạn đi đến những năm chót của mình,
Không biết trán bạn hằn những vết nhăn,
Không biết tóc bạn ngả sang màu trắng,
Không thấy da mắt bạn thụng xuống,
Không chấp nhận chỗ lõm của miệng và mũi.

Thậm chí khi bị những sứ giả của thần chết săn lùng
Bạn vẫn hát ca và hưởng thụ lạc thú.
Không biết cuộc đời có kéo dài đến sáng mai,
Bạn vẫn hình thành những kế hoạch cho tương lai xa lắc.
Không biết tái sanh sẽ xảy ra nơi đâu, bạn vẫn duy trì một hài lòng tự  mãn.

Bây giờ là thời gian chuẩn bị cho cái chết –
Đó là lời khuyên thành thật của tôi cho bạn ;
Nếu sự quan trọng của nó tác động nơi con người bạn, hãy bắt đầu sự thực hành của mình.

Chú Thích:

1. Những đoạn trích trong chương này từ “Thiền định Bước Đầu Của Milarepa”, “Kiêu Hãnh Đại Ấn Của Rechungpa”, “Sáu Bài Ca Bí Mật” và “Mila Chỉ Dạy Hai Học Giả Làm Sao Để Thực Hành”, tất cả đều lấy từ Những Câu Chuyện và Bài Ca từ Truyền Thống Khẩu Truyền. Những chuyển dịch trọn bộ những bài ca này được in trong bộ thứ hai của công trình này, Hành Trình Kỳ Diệu (Lotsawa, 1986), nhà xuất bản Wisdom Publications.

2. Thân thứ tư là tự tánh thân, sự hợp nhất của pháp thân, báo thân và hóa thân.

3. Thân được tâm thức kiểm soát của một thiền giả thành tựu.

4. “Lợn Nái Kim Cương”, một hóa thần bổn tôn nữ của Mật thừa.

5. Xem bài ca số 8, “Sự Bối Rối của Rechungpa”.

6. Ám chỉ sự quán tưởng Vajra Varahi, “Lợn Nái Kim Cương”, trong giai đoạn đầu của tummo, yoga ngoại nhiệt. Những dòng sau nói về sự phát sanh nội nhiệt.

7. Thần chú một trăm âm Vajrasattva dùng để tịnh hóa.

8. Chất lỏng hay “hạt” (bindu).

9. Đầu đề tiếng Tây Tạng đầy đủ là : rje btsun mila ras pai rdo rjei mgyur druk sogs gsung rgyun thor bu pa ga, được kết tập và in ở Tu Viện Tashi Khyil, Amdo, Tây Tạng.

10. Điều này ám chỉ tiến trình đồng hóa thân và tâm với bổn tôn và rồi vị này cúng dường cho những hóa thần khác. Việc nhận đồ cúng dường của các vị được quán tưởng thành những cái ống từ miệng các vị nối dài đến phẩm vật cúng dường.

11. Chớ lơ đãng và bỏ lỡ những lời dạy, như một cái bình lật úp. Chớ quên mất những điều đã nghe được, như một cái bình rạn nứt. Chớ làm ô uế những lời dạy bằng những ý niệm định kiến, như một cái bình dơ.

12. Làm bằng những tinh chất của cỏ. Đôi khi chúng được các thiền giả dùng để giữ sinh lực trong những thời kỳ thiền định dài không có thực phẩm.

13. Tin, giới hạnh, khiêm tốn, tiếp thu Pháp, chú ý, tâm từ thiện và trí huệ.

14. Khi tâm thức bị quá phân tán hay quá phóng dật bởi những đối tượng, có thể sửa chữa bằng cách tách nó ra nhờ kỹ thuật như hành động của một con quạ ở trên một con tàu giữa đại dương cố gắng thoát đi, nhưng khi bay khỏi tàu chỉ để trở lại vì không có chỗ nào khác để đậu.

15. Jowo Rinpoche ở Kyirong, hiện giờ là vùng Yambu của Nepal.

16. Điều này nhắm đến một số thiền giả lầm lẫn sự định tĩnh phát triển cho là quán chiếu. Xem lời nói đầu.

17. Kagyu – tên dòng phái của Mila.

18. Nghĩa là cấp độ cao nhất của nhập định của tâm thức sanh tử.

19. Một giáo lý được Atisa đem đến Tây Tạng. Người căn cơ nhỏ có động cơ là hạnh phúc trong đời này và những đời tương lai, người căn cơ bậc trung nhắm đến giải thoát cá nhân khỏi khổ đau của sanh tử, và nhân cách lớn nhắm đến tự giải thoát và cho tất cả chúng sanh. Những thực hành kê ra trong câu kệ này áp dụng cho họ theo những đường lối khác.

20. Hơi thở hay khí, mật và đờm.

21. Y học, luận lý, ngôn ngữ, mỹ nghệ và hiểu biết tâm linh.

22. Những lời nguyện của cư sĩ không giết, trộm, nói dối, tà dâm và trang sức.

23. Con đường của phương tiện là những thực hành thiền định nhắm đến phát triển sự làm chủ những dòng khí và những năng lực có từ đó.

24. Tạo tác (prapanca) nghĩa là dòng tạo tác của tâm ý về thực tại mà chúng sanh vô minh xem là thế giới thực. Nó là dòng tản mạn bên trong, loạn ý ở cả hai cấp độ vô thức (định kiến) và hữu thức (độc thoại bên trong). Bốn cực đoan là tin vào có hiện hữu, không hiện hữu, vừa có vừa không, và không cả hai.

25. Ám chỉ sự thực hành ngậm những viên đá sỏi trong miệng trong thời kỳ thiền định để làm dịu cơn đói.

26. Ám chỉ khác thường về sự thực hành mật thừa dùng “năm chất bất tịnh” sau khi chúng được chuyển hóa thành cam lồ.

27. Ba tạng : kinh, luật, luận.

28. Ba cam kết là lời nguyện giải thoát cá nhân, lời nguyện bồ tát và lời nguyện mật thừa.

29. Điều này có thể là một ám chỉ đến Geshe Tošnba nổi tiếng của phái Kadam, ngài rất cần cù trong việc xây dựng các tu viện và trung tâm dạy Pháp, hay có thể chỉ là một ám chỉ chung danh từ “bạn đạo”.

30. Sự sai lầm thứ bảy trong mười bốn sai lầm chánh trong Mật thừa là phát lộ những bí mật mật thừa cho những người không thích hợp để nghe.

31. Ám chỉ cách thức mật thừa phát triển Bồ đề tâm như là hạt (bindu) trắng trong trung tâm đầu phải được “nấu chảy” và “nhỏ giọt” vào kinh mạch trung ương. Nếu người ta tìm cách hội nhập những xúc tình phiền não vào con đường trước khi làm được điều này, nó chỉ dẫn đến những kết quả tiêu cực thậm chí tai hại.

32. Đây là Sangye Gyap Repa của Ragma, có nói đến trong Tiểu Sử và Trăm Ngàn Bài Ca.

33. Lowo là vùng ở Nepal, bây giờ có tên là Mustang.

34. Một Trăm Ngàn Bài Ca, chương 20, “Cuộc Gặp gỡ của Mila-repa với Kar Chung Repa”. Trong bản này người đệ tử chỉ giả bộ bị bệnh. Mila hát những bài ca “Thực Hành Yoga Chân Chính”, “Bài Ca về Sự Phù Du với Tám Ví Von”, và “Mười Khó Khăn”. Như thế ngài cải hóa Kar Chung Repa, về sau ông trở thành một trong những đệ tử thân thiết của ngài, và đem ông theo đến Ti Se.

35. Bộ Dakinikarnatantras.

36. Đối với phái Kagyu, Bổn Phật, Phật nguyên sơ (adibuddha) là Vajradhara.

37. Đó là trạng thái thiền tập trung cao nhất của tâm thức sanh tử.

38. Nỗ lực (tinh tấn) là cái thứ tư trong sáu ba la mật, năm cái kia là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tập trung và trí huệ.

39. Những vùng Ngari và Ladakh hiện đại. Những người đạo Bošn xem tôn giáo họ phát sanh từ những vùng này.

40. Những người đạo Bošn coi Shenrab là nhà sáng lập đầu tiên thuộc về loài người của tôn giáo họ.

41. Có lẽ là Thangboche và Sharkumku ở Bắc Nepal.

42. Ở Tây Tạng thành ngữ này có nghĩa hạnh phúc với bất cứ cái gì người ta có thể có được.

43. Vajropamasamadhi, sự tập trung, cái định ngay trước lúc giác ngộ.

44. Những thiền quán về các đề mục là một phương tiện yoga để kiểm soát được tri giác ; thiền giả tạo ra một tri giác về sự thấy một trong các đại hay các màu cơ bản đủ mạnh để phủ lên hay tràn ngập tri giác thông thường của nó về sự vật. Vị thí chủ bị tác động chứng tỏ mức độ tập trung mạnh mẽ lớn lao của Milarepa.

45. Do buồn rầu và những cố gắng tìm kiếm Mila của ông.

46. Pancakrama, một trình bày khác của con đường mật thừa theo các giai đoạn.

47. Xem chú thích 44.

48. Bài ca này là một tóm gọn “những giai đoạn của con đường” được dạy trong hình thức những nguyên tắc. Phần năm câu đầu nói về tiến trình khai triển định tĩnh. Năm lỗi và tám yếu tố để sửa chữa trong khi định : 1) lười biếng : được sửa bởi lòng tin, nguyện vọng, nỗ lực, mãnh liệt thực hành ; 2) quên (các nguyên tắc) : được sửa bởi tỉnh giác chánh niệm ; 3) hôn trầm và trạo cử : được sửa bởi tỉnh giác xem xét ; 4) không sanh ra những yếu tố sửa chữa : được sửa bởi phát sanh những yếu tố sửa chữa ; 5) sanh ra những yếu tố không cần thiết : được sửa bởi tập chú vào đối tượng.

49. Xem chú thích 25.

50. Đó là trong tiến trình thiền định về những mục tiêu tiến dần lên của định tĩnh và quán chiếu.

Thuật Ngữ

Ba thân. Ba cách thế hiện hữu và tiếp thông của một bậc giác ngộ. Pháp thân là tánh Không và sự chứng ngộ tánh Không, Báo thân là phương tiện tiếp thông với những thiền giả cao cấp. Hóa thân xuất hiện như một thân thể vật chất trong thế giới, nhưng hình sắc và những hoạt động của nó được điều khiển một cách chủ ý và cốt ở việc giáo hóa, chỉ dạy cho những chúng sanh chưa phát triển. Một thân thứ tư, tinh túy thân hoặc tự tính thân (svabhavakaya) tiêu biểu cho sự hợp nhất của ba thân trên.

Bošn. Tôn giáo bản địa của Tây Tạng.

Bồ đề tâm. Ý định đạt đến giác ngộ cho mình để giúp đỡ, giải thoát cho những chúng sanh khác. Nó không phải là bản thân giác ngộ, mà là sự nỗ lực mong muốn đạt đến giác ngộ vì lợi lạc của chúng sanh. Trong Đại thừa nó là cái bổ sung cần thiết cho quán chiếu thấu suốt vào tánh Không và trong Mật thừa là tiền đề sơ bộ để thực hành thật sự.
cầu nguyện (pranidhana). Sự cầu xin với chư Phật chư Bồ tát nhân danh tất cả chúng sanh, nhằm cung cấp cho họ lợi lạc, cả tâm linh lẫn tạm thời. “Cầu nguyện” gồm cả cầu nguyện và quyết tâm giúp đỡ chúng sanh, cái sau thay chỗ nghiệp và phiền não để tạo ra sự tái sanh và những khả năng siêu thường của một bồ tát.

chiến sĩ (TT. dpa bo). Nhân vật nam của mật thừa.

chủng tử tự (bija). Âm thanh một âm hiện thân một nguyên lý vũ trụ, một thực tại bổn tôn hay một tiến trình tâm linh.

chướng. Hai thứ Phiền não chướng (klesavarana) che chướng sự thoát khỏi khổ của niết bàn. Sở tri chướng (jneyavarana) là những tri giác sai lầm căn bản về thế giới, chúng che ám giác ngộ trọn vẹn.

cõi pháp, pháp giới (dharmadhatu). Thực tại tối hậu của mọi sự.

Dakini. Những vị thần mật thừa, phái nữ, giúp đỡ thiền giả và trông coi sự thực hành và hạnh kiểm của thiền giả.

dấu in (vasana) tập khí, ấn tượng. Những dấu vết tâm thức của kinh nghiệm và hành động quá khứ làm sanh khởi hoàn cảnh sanh tử hiện tại.

đại ấn. Một thực hành cao cấp được xếp vào hàng Vô thượng (anuttara) Tantra Yoga ; nhắm đến sự phát hiện trực tiếp thực tại tự nhiên của thế giới biểu hiện bề ngoài.

định tĩnh (samatha). Sự làm yên tĩnh có hệ thống hoạt động tâm thức nhờ thực hành tập trung nhất tâm. Nó là phương tiện để đạt được tám cấp độ thiền và tiền đề để thực hành quán chiếu phân tích.

geshe (kalyanamitra). “Bạn tâm linh” ; một danh hiệu dành cho một người có thẩm quyền đặc biệt về kinh điển và những chủ đề Phật giáo căn bản.

giác ngộ. Trạng thái Phật quả do hoàn thiện hai kho trí huệ và công đức và xóa bỏ hai chướng. Đó là cấp độ chứng đắc duy nhất vượt khỏi sanh tử.

giai đoạn, hai (krama). Hai giai đoạn của thực hành Mật thừa. Cái thứ nhất, giai đoạn phát sanh (utpattikrama) gồm sự phát sanh quán tưởng những bổn tôn và trụ xứ của các vị. Cái thứ hai, giai đoạn thành tựu (utpannakrama) là sự thành tựu của tiến trình này do tri giác tánh Không của mọi hình tướng xuất hiện.

hạt (bindu). “Những chất” của hệ thống tâm sinh lý của thiền giả. Trong mật thừa, bindu trắng hay chất trắng, tương đương với Bồ đề tâm. Nó phải được “nấu chảy” ở trung tâm đầu và “nhỏ giọt” xuống kinh mạch trung ương xuống các trung tâm phía dưới, tạo ra bốn cái “xuất thần”.

hậu chứng đắc. Trạng thái theo ngay sau bất kỳ kinh nghiệm trực tiếp, siêu việt nào về tánh Không, cái này gọi là “trạng thái chứng ngộ thực sự”. Trong trạng thái chứng ngộ thực sự, tri giác về thế giới bề ngoài nhường chỗ cho tri giác về tánh Không của thế giới, nhưng trong trạng thái hậu chứng đắc, tri giác định kiến về thế giới bề ngoài trở lại làm biến chất một cách vi tế kinh nghiệm trước đó.

hiểu biết (jnana). Tổng quát, là hiểu biết hay Trí ; đặc biệt, là trí huệ nhờ đó thế giới giả tạo bề ngoài và thật tánh của nó được tri giác đồng thời.

hình tướng xuất hiện, thế giới bề ngoài (TT. snang ba). Thực tại như nó xuất hiện với một cá nhân bình thường. Với một người như vậy, tri giác của họ bị điều kiện hóa, bị méo mó khiến họ kinh nghiệm thực tại trong hình thức những sự vật rời rạc, cô lập. Đồng nghĩa : thế giới huyễn ảo, thực tại giả tạo bề ngoài.

hồi hướng (parinama). Sự chia xẻ với những người khác hành động đức hạnh của mình, thực hành thành công của mình và chứng đắc của mình. Nó cốt ở cầu nguyện, quán tưởng, và thái độ chúng khép lại mỗi thời thực hành, và cũng gồm sự hồi hướng theo thủ tục của những thiền giả khi nhận thực phẩm.

huyễn, hư vọng (mayopama, bhranti). Mayopama, “như huyễn, như một trò huyễn thuật”, nhấn mạnh sự kiện rằng tâm thức làm méo mó kinh nghiệm về thực tại theo kiểu một nhà ảo thuật làm sai lạc những tri giác của chúng ta. Tri giác bị quy định, bị điều kiện hóa của chúng ta khiến cho thế giới xuất hiện như một cái gì không là như vậy.

khí (prana). Những sức mạnh tâm-vật lý của tâm thức, thân thể và môi trường.

kho, hai (sambhara). Hai sự tích tập thần lực cá nhân : kho công đức căn cứ trên hạnh kiểm và nghi lễ, và kho trí huệ. Khi đã đầy đủ, hai kho cung cấp những yếu tố cần thiết để hoàn thành kinh nghiệm trực tiếp về tánh Không.

không phân biệt (niravalamba). Trong trí huệ, tri giác thoát khỏi những sự bị quy định định kiến, chúng đã “tạo ra” những bản sắc độc lập của thế giới giả tạo bề ngoài.

mantra (thần chú). Âm thanh trong hình thức các chữ và lời có thể tương thông với những thực thể các bổn tôn mật thừa, ban cho những thần lực siêu nhiên (siddhi) hoặc làm tịnh hóa và đưa đến chứng ngộ.

niết bàn. Sự dừng dứt của khổ đau cá nhân do nhổ dứt mọi phiền não. Trong Đại thừa, niết bàn được dùng phân biệt với giác ngộ. Giác ngộ bao gồm không chỉ sự nhổ dứt thống khổ mà còn là sự chứng đắc những khả năng chỉ có Phật chứng được và những huệ quán vào thực tại.

phiền não. Những tác động của tâm thức ngăn che sự tĩnh lặng của niết bàn. Có sáu phiền não chủ yếu : vô minh, tham, sân, nghi, kiêu mạn và những tà kiến ; và một số phiền não phụ.

phương tiện (upaya). Sự biểu hiện năng động của Bồ đề tâm. Nó là cái bổ sung của trí huệ ba la mật, làm quân bình những phát giác mãnh liệt của trí huệ và là cái mà bồ tát dùng để liên hệ với chúng sanh, khéo léo (thiện xảo) chuyển mỗi hoàn cảnh thành một cơ hội cho sự tiến bộ của tất cả.

phương tiện xã hội, bốn (samgrahavastu, tứ nhiếp pháp). Bốn thực hành của một bồ tát chủ yếu vì lợi lạc của những người khác : bố thí, giao thiệp tốt, tham dự vào sự phát triển của người khác và phụng sự như một tấm gương cho những người khác.

quán chiếu phân tích (vipasyana). Tiến trình khảo sát chi tiết đối tượng thiền định cũng như là cách thế hiện hữu của đối tượng đó. Nó bao gồm tư tưởng và nhằm thấu rõ tiến trình ý niệm. Kết quả của nó là sự tiếp nhận tri giác trực tiếp về tánh Không.

repa. Một thiền giả đã làm hoạt động nội nhiệt bằng yoga tummo và như vậy chỉ mặc một áo vải mỏng dù trong mùa đông.

Siddha. Thành tựu giả ; người thành tựu những siddhi.

siddhi. Những thần lực siêu thường khai triển từ thực hành yoga : thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, bay lên, tha tâm thông, và kiểm soát được thân thể và thế giới bên ngoài. Mọi thành tựu (siddhi) đều là thế gian, sanh tử, chỉ trừ sự thành tựu tối thượng là giác ngộ.

tantra. Những kinh điển của Phật Thích Ca và những vị Phật khác liên hệ đến sự thực hành bí mật, mật thừa.

tánh Không (sunyata). Bản tánh thực sự của mọi sự vật ; sự không có bản sắc, tự tánh của bản ngã con người và của sự vật.

tạo tác (prapanca). Dòng bên trong của sự ý niệm hóa được điều khiển bởi những định kiến đã in dấu. Từ ngữ này gồm cả hai cái : dòng chảy bên trong của tư tưởng tạo dựng và cái ngã cùng môi trường sinh ra từ những định kiến đã in dấu đó.

Thân-huyễn. Thân được tâm thức kiểm soát của một thiền giả thành tựu. Đồng nghĩa : thân-cầu vồng, thân-kim cương.

thiền, những cấp độ thiền (dhyana). Những trạng thái riêng biệt, siêu-vững chắc đạt được qua sự làm định tĩnh tâm thức bằng tập trung nhất tâm. Có tám cấp độ liên tiếp nhau của định tĩnh (tám thiền), loại trừ tư tưởng và những vọng động của tâm thức. Bốn cái đầu thuộc về cõi sắc và bốn cái sau thuộc về cõi vô sắc. Sự kéo dài của chúng thuộc vào sức mạnh của tiến trình loại trừ vọng niệm. Chúng là những trạng thái chung cho mọi yoga và về bản chất hoàn toàn thuộc sanh tử.

thức căn bản (alayavijnana). Thức thứ tám, theo hệ thống Duy Tâm do Asanga phát triển trong thế kỷ thứ năm. Nó là tầng nền của thức cá nhân, mang theo những dấu in của những “chủng tử” của những kinh nghiệm quá khứ và tương lai.

thực tại, hai (satyadvaya). Hai cách thế hiện hữu của những hiện tượng. Thực tại bề ngoài (samvrtisatya, tục đế, chân lý quy ước) là thế giới xuất hiện trong hình thức những bản sắc độc lập theo tri giác bình thường bị quy định bởi những định kiến. Thực tại tuyệt đối (paramathasatya, chân đế, chân lý tuyệt đối) là tánh Không của tất cả mọi hiện tượng, đó là sự không có bản sắc, tự tính độc lập của chúng.

thực tại bề ngoài, thế giới bề ngoài (samvrtisatya). Thế giới như nó xuất hiện khi tri giác bị quy định bởi những quy ước ngôn ngữ. Danh từ “thực tại” nhấn mạnh sự kiện rằng do tính tự nhất quán của nó, nó có vẻ là một thực tại vững chắc với chúng sanh bình thường.

tiệc vòng tròn : Một tiệc cúng được chúng hội dakini tham dự.

tịnh quang (TT. od gsal, Skt. abhasvara). Kinh nghiệm về trạng thái tự nhiên, nguyên sơ, không tạo tác chỉnh trị của tâm thức.

tummo (canda). Sức nóng bên trong (nội nhiệt) được khai triển bởi một loại yoga mật thừa.

tự tánh (svabhava). “Bản sắc nội tại” của mọi sự. Tâm thức bình thường chia ngăn kinh nghiệm của nó thành những đối tượng xuất hiện như những thực thể độc lập, riêng rẽ. Sự vắng mặt bẩm sinh “bản sắc” trong con người và sự vật chính là tánh Không còn gọi là vô tự tánh, nó là cách thế hiện hữu chân thật.

trạng thái tự nhiên (TT. gnas lugs). Cách thế tự nhiên của sự hiện hữu của tất cả mọi sự ; trạng thái tâm thức trong đó kinh nghiệm không bị méo mó bởi những tri giác định kiến về những bản sắc.

trí huệ (prajna). Tổng quát, mọi hiểu biết đúng. Đặc biệt, trí huệ siêu việt (ba la mật), trí huệ trực tiếp về tánh Không của người và vật. Trong một kinh nghiệm như vậy, tri giác về thế giới giả tạo bề ngoài tạm thời bị biến mất.

Vajradhara. Phật siêu sử, nguồn gốc của dòng Kagyu./.