Qua ô cửa nhỏ của chiếc máy bay, Côn Đảo hiện ra như một viên ngọc xanh giữa mây trời sóng nước. Tiếng sóng biển thì thầm vuốt ve, vỗ về như tiếng du ai oán, bi hùng một thời của đất mẹ sau những ngày dậy sóng…

Chúng tôi đến Côn Đảo mặt trời đã đứng bóng, gió từ biển vẫn rì rào, sóng vỗ từng đợt, tạo nên thứ âm thanh riêng chỉ có ở vùng đất đảo này. Tứ bề biển cả, xa xa nhấp nhô những hòn đảo nhỏ theo sự sắp đặt của tự nhiên, Côn Đảo trở thành viên ngọc khổng lồ trong mắt của kẻ xâm lược từ những thế kỷ trước. Chúng đến và cào xé hòn đảo này với tham vọng đồng hóa nhưng rồi đi từ thất bại này đến thất bại khác ở đất trời Việt Nam. Từng tấc đất, ngọn núi tên sông, vùng trời và biển cả đều vùi xác quân thù. Côn Đảo cũng vậy, oanh liệt, kiên cường bất khuất đến “chúa đảo” khét tiếng là tàn độc cũng phải khiếp sợ quy hàng.

Đến Côn Đảo hôm nay, màu xanh của cuộc sống mới đang nảy lộc, sức xuân tràn ngập đất trời, con đường dẫn từ sân bay vào trung tâm huyện lỵ được thảm nhựa phẳng mịn, quanh co uốn lượn bám theo bờ biển như thảm lụa quấn quyện bao bọc, điểm tô làm cho hòn đảo thêm yêu kiều. Côn Đảo từng bước thay da đổi thịt, dịch vụ du lịch biển, du lịch tâm linh đã được quan tâm, đã xuất hiện những khách sạn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trung tâm huyện lỵ cũng vẫn dáng vóc xưa nhưng đã khoác lên mình màu áo mới. Đời sống của bà con xứ đảo khác xưa bao nhiêu thì càng trân trọng giá trị quá khứ bấy nhiêu.

Côn đảo - linh thiêng và oai hùng

Sẽ không có đảo xanh, mây trắng, nắng vàng, sẽ chẳng có sự bình yên để đôi chim kia xây tổ ấm và cũng chẳng bao giờ có tình yêu nảy nở ở xứ mộng mơ này nếu không có những hy sinh, thiếu đi máu của các anh hùng liệt sĩ, những con người kiên trung, gan dạ, quả cảm. Một thời các bác, các anh đã quyết tử đấu tranh cho đất nước hôm nay. Và giờ đây, cư dân xứ đảo này đâu phải 8 nghìn người theo thống kê hành chính mà chúng ta đang sống cùng hơn 20 nghìn người con ưu tú của tổ quốc đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây bởi sự hà khắc của chế độ nhà tù, sự tra tấn giã man của kẻ thù thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước. Xương máu các anh đã hòa cùng vị mặn của biển khơi, thấm sâu vào lòng đất mẹ để cây lại xanh tươi, đơm hoa kết trái, để tình người hội ngộ nơi đất thiêng, để tình yêu thương còn đọng mãi, cất cao lên khúc hát khải hoàn.

Côn đảo - linh thiêng và oai hùng

Quên sao được gông cùm, xiềng xích, những lao tù đầy ải khổ sai, đòn tra tấn dẫu thân tàn lực kiệt, nhưng đâu mòn ý trí thép gai, vững niềm tin và chờ đợi ngày mai, bình minh sáng phía trời chân lý. Thời gian cứ đi qua, nhưng chứng nhân lịch sử còn đó những cái tên nghe lạnh buốt đầu, kia sở Chuồng Bò, đây Chuồng Cọp, Lò Vôi… khoảng năm 1930 có ít nhất 18 sở tù đã đi vào hoạt động, nhằm mục đích cải tạo người tù bằng lao động khổ sai trên đảo.

Ví dụ: Sở Lưới: Chuyên đánh bắt hải sản, quản lý ghe xuồng, khi cần thì truy bắt người tù vượt ngục trên biển. Sở Lò Vôi: Nhiệm vụ quan trọng của bọn cai ngục là giao cho người tù xuống biển lấy san hô về nung thành vôi, phần để xây dựng nhà tù (vì Côn Đảo chỉ có đá xanh) và dùng vôi bột để tra tấn bằng cách đổ lên vết thương của người tù.

Trải qua 113 năm từ 1862 đến 1975, đã có 53 tên chúa đảo sống và cai quản nơi này. Chúng đã bắt người tù lao động khổ sai để xây dựng nên những công trình tiện ích cho việc cai trị và có những công trình đã lấy đi tới nghìn người tù. Điển hình như công trình cầu tàu lịch sử 914. Cầu tàu này nằm tại khu trung tâm bãi chính của thị trấn Côn Đảo, trước nhà chúa đảo, cầu tàu được xây dựng từ năm 1873. Đây là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra đảo tù đày, nhiều người qua cầu chỉ một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Nhưng cầu tàu cũng là nơi chứng kiến những giờ phút vinh quang xúc động mỗi dịp Côn Đảo được giải phóng. Con số 914 được đặt tên cho cầu là do người tù nhẩm tính số người tù ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. Những chứng tích lịch sử còn đó, hào sâu, lưới gai giăng khắp lối, khối bê tông phòng lạnh ớn người, ngỗn ngang gông cùm, xiềng xích… của một thời chiến tích chẳng nào phai.

Hôm nay, chúng tôi đến đây, ngắm các anh qua những hàng bia mộ, dẫu chưa đủ đầy tên chữ, tên quê…nhưng hàng dương kia đã kịp thời cắm rễ, khe khẽ đu mình hát tiếng ru anh. Chúng tôi rưng rưng niềm tiếc thương, xúc động thành kính dâng nén tâm hương cuối đầu trước vong linh các anh đang yên nghỉ.

Tâm sự với chúng tôi, TS.Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch TT T.Ư Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng BTC chuyến công tác, học tập về nguồn tại Côn Đảo xúc động: “Không lời nào diễn tả hết cảm xúc của tôi cùng anh chị em trong đoàn lúc này, không bù đắp nào có thể đủ đầy đối với những hy sinh lớn lao của thế hệ cha, anh. Chỉ biết thành kính dâng nén hương thơm cắm vào đất đảo, bởi mỗi tấc đất này đều đẫm máu đau thương. Chúng tôi về với Côn Đảo như cháu con về viếng mộ Tổ quốc, thể hiện lòng biết ơn… nói rồi anh nghẹn ngào dâng nén hương trên tay lên bàn thờ đài tưởng niệm nghĩa trang Hàng Dương. Anh cúi lạy vong linh các anh hùng liệt sĩ rồi nhìn về phía biển”.

Bao đời vẫn vậy, lúc cồn cào, khi lại dịu âm, như biển hiểu nỗi lòng những đứa con bất tử, hiếu nghĩa với đời, giữ trọn thủy chung. Nghĩa trang Hàng Dương mùa này gió vẫn hát, khúc reo vui mừng chiến thắng khải hoàn, lời gió hát như mẹ ru ngày cũ, thuở anh đi mây trắng ngang đầu. Thuyết minh viên của Ban quản lý di tích Nguyễn Ngọc Như Xuân kể với chúng tôi rằng, mỗi khi chôn xác đồng đội, những vần thơ ứa máu lại bật ra, lột tả tội ác quân thù và càng làm tăng lên bội phần sự căm phẫn mà thốt lên rằng: “Núi Côn Lôn được pha bằng máu; đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người; mỗi bước chân che lấp một cuộc đời; mỗi tảng đá là một trời đau khổ”.

Sau khi giải phóng, có những bác tù đã tình nguyện ở lại Côn Đảo để ngày ngày khói hương, chăm sóc mộ phần cho đồng đội. Trong số những phần mộ đó phải kể đến cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và đặc biệt là phần mộ của anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và biết bao người con ưu tú của tổ quốc đã yên nghỉ ở mảnh đất này. Chị Võ Thị Sáu, người thiếu nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là một huyền thoại bất tử, với tinh thần bất khuất, hiên ngang của chị đã làm tăng thêm ý trí đấu tranh của người tù lúc bấy giờ.

Viếng thăm Côn Đảo lần này, đoàn công tác của Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã lên kế hoạch, lịch trình ấy vậy mà bác Chủ tịch Hội PGS.TS Trương Mạnh Tiến vẫn nhắc mọi người nhớ đi chậm hơn nữa vì đất đá kia là chỗ các anh nằm, đùng nói lớn tiếng kẻo phiền anh giấc ngủ.

Sau lễ dâng hương lưu luyến nỗi niềm, đoàn lên chùa Vân Sơn, nơi ngày ngày tiếng chuông chùa ngân vang hướng dẫn vong linh các anh về cửa Phật. Đón chúng tôi, sư thầy Thích Trung Sơn tâm sự: Ở đất thiêng này, chỉ có một ngôi chùa vừa là nơi sinh hoạt tâm linh cho bà con dân đảo và du khách thập phương. Đây cũng là nơi để hướng vong linh các anh hùng liệt sĩ về cõi Phật. Mỗi dịp đầu xuân, chùa Vân Sơn cũng đón hàng nghìn lượt quý phật tử và nhân dân về đây lễ Phật, cầu an.

Côn đảo - linh thiêng và oai hùng

Đi cùng đoàn, anh Nguyễn Duy Hồng ở La Phù, Hoài Đức, Hà Nội tâm sự: Không phải lần đầu tiên tôi đến nơi đây, nhưng cảm xúc lúc nào cũng dâng trào nhất. Về với mảnh đất thiêng, dâng nén tâm nhang lên mộ chị Võ Thị Sáu, bác Lê Hồng Phong…, được tìm hiểu về cha, ông một thời oanh liệt, khiến chúng tôi rất tự hào, như được tiếp lửa cho bản thân mình. Một trách nhiệm lớn đối với thế hệ sau hòa bình phải luôn nhớ về lịch sử, tiếp bước cha anh dựng xây đất nước giàu mạnh. Tôi vào chùa nhất tâm niệm Phật cầu mong cho thế giới không còn chiến tranh, diệt gian, trừ ác, hòa bình, an lạc…

Tiếng phi cơ rít gió, cất cao đôi cánh vươn ra phía trời và biển, tạm chia tay hòn đảo xanh huyền thoại đã một thời được ví như “địa ngục trần gian”, giờ đây bình yên, đang từng ngày ươm màu xanh cuộc sống, hòa bình tự do và phát triển. À ơi… Nghĩa trang Hàng Dương mùa này gió vẫn hát; Khúc reo vui mừng chiến thắng khải hoàn; Lời gió hát như mẹ ru ngày cũ; Thuở anh đi mây trắng ngang đầu…

(Huy Thủy)