Thành Hoa tự hay còn gọi là chùa Đạo Nằm cách trung tâm xã chừng 2 km (toạ lạc tại ấp Tấn Bình, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) với diện tích trên 41.000 mét vuông đất, được bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ mát dịu đấy ắp lối đi.
Vượt quãng đường khoảng 15km (tính từ phà An Hòa, Tp.Long Xuyên, tỉnh An Giang) chúng tôi đã đặt chân lên dãy đất Cù Lao Giêng để bắt đầu cuộc tìm hiểu về một ngôi chùa rất kỳ thú.
Một em nhỏ sống gần chùa nhắc khéo: “Tới đây mấy chú hỏi chùa ông Đạo Nằm thì ai ai cũng biết, chớ hỏi tên chùa Thành Hoa thì không ai biết đâu mà chỉ nghe…”.
Thành Hoa tự hay còn gọi là chùa Đạo Nằm cách trung tâm xã chừng 2km (toạ lạc tại ấp Tấn Bình, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) với diện tích trên 41.000 mét vuông đất, được bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ mát dịu đầy ắp lối đi. Người dân nơi đây kể rằng, trước đây chùa được xây dựng rất nhỏ, tạm bợ bằng tre lá. Đến năm 1953, Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm, quê ở miệt Cao Lãnh được bổ nhiệm về đây trụ trì chùa và hòa thượng bắt đầu việc xây dựng ngôi chùa này.
Có rất nhiều câu chuyện mang tính tâm linh, huyền bí về hòa thượng trụ trì nhưng tựu trung là: Hòa thượng quê ở làng Hoà An, Cao Lãnh, Đồng Tháp được gia đình đưa sang tu đạo tại chùa Phước Thành, xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới) từ lúc 6 tuổi. Nhiều người kể rằng, hòa thượng có ngoại hình rất phương phi, diện mạo khôi ngô, quắc thước, cao to, giọng nói sang sảng như chuông đồng. Chuyện kể những nơi nào trên đất cù lao có dịch bệnh, thú dữ, khi hòa thượng đến là cuộc sống trở nên thanh bình, yên ổn. Từ đó tiếng thơm đồn vang dội trên khắp xã, huyện, tỉnh.
Điều kỳ bí nhất là hòa thượng có cách tu hành rất dị thường. Cụ thể là tư thế tu “nằm” nên từ đó chùa Thành Hoa có thêm cái tên dân gian là chùa “Đạo Nằm”. Lý giải điều này với các phật tử, hòa thượng cho biết đó là tu đạo theo kiểu y pháp, sinh hoạt theo giờ. Trong suốt thời gian 9 năm tu đạo, hòa thượng đều nằm quay mặt vào vách theo tư thế nằm của đức Phật Thích Ca còn được gọi là “Cửu niên diện bích”.
Sau thời gian tu luyện, hòa thượng bắt đầu thuyết pháp và nhanh chóng thu hút hàng nghìn tín đồ theo đạo Phật. Trong khoảng thời gian đó, ngoài việc thuyết pháp, hòa thượng còn chủ trương cho chùa tích góp lúa gạo để phát tặng cho người nghèo không kể mùa vụ, thời tiết, thời gian.
Ông Ung Văn Sự, ngụ xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới kể lại: “Lúc đó gia đình tui rất nghèo, thường xuyên đến đây để xin cơm ăn cả gia đình, lúc nào chùa cũng mở lòng giúp đỡ người nghèo…”
Đến đây, du khách sẽ rất bất ngờ khi bắt gặp lối kiến trúc độc đáo, cầu kỳ, tinh xảo, sinh động của chính điện. Trên tường được chạm nổi với những hoa văn mô phỏng hoa sen rất sinh động được khắc họa bởi đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chợ Thủ (huyện Chợ Mới). Điều rất lạ là dù chùa cất theo lối chữ “Tam” như bao chùa khác nhưng toàn bộ các cột đều có hình vuông. Phía trước chính điện là một ao sen rất đẹp nở rộ quanh năm và luôn tỏa ra một mùa thơm thoang thoảng rất dễ chịu.
Phía bên trái là bảo tháp có đặt hài cốt của Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm. Phía bên phải là một khu dành để trưng bày chiếc thuyền mà khi xưa hòa thượng dùng để “nằm” khi đi du ngoạn trên sông. Ngoài ra còn có một chiếc xe mà hòa thượng dùng làm phương tiện đi lại giao lưu với các chùa khác. Hàng năm chiếc xe này đều được bảo trì và được điều hành trong khuôn viên chùa nhân lễ giỗ của hòa thượng tổ chức vào ngày 15 và 16/02 (Âm lịch).
Điều rất riêng và lạ là khi đến với chùa Thành Hoa, du khách sẽ được chào đón rất niềm nở và phải dùng cho bằng được buổi cơm chay thanh đạm tại chùa cùng bao câu chuyện xúc động khác về cuộc đời vị hòa thượng trụ trì, trong bầu không khí mát dịu từ những làn gió sông Tiền đang thổi về ào ạt thoang thoảng hương sen.
(Trương Thanh Liêm)