Kinh Ngài Ma Ha Ca Diếp Độ Bà Lão Nghèo

Phật Thuyết Ma Ha Ca Diếp Độ Bần Mẫu Kinh

Lưu Tống Cầu Na Bạt Đà La dịch

Bản Việt dịch của Huệ Đắc – Tâm Nhãn

***

Như vầy tôi nghe:

Một thuở, Phật tại nước Xá-vệ, thuyết pháp cho vua quan dân cùng chúng Tỳ-kheo và những Bồ-tát đại-sĩ, trời, rồng, quỉ thần, nhơn dân ở thế gian, đông vô số kể.

Khi ấy, Ngài Ma-ha Ca-diếp đi một mình đến thành Vương Xá giáo hóa. Ngài thường hành hạnh nguyện từ bi, đem phước điền đến cho chúng sinh. Ngài không khất thực nhà giàu có, chỉ khất thực những nhà nghèo. Thường trước khi đi khất thực Ngài Ma-ha Ca-diếp nhập định xem: “Ta nên gieo phước cho người nghèo nào”.

Sau đó, Ngài đi vào thành Vương Xá, trông thấy một bà lão đơn côi, quá nghèo khổ tá túc tại cái hang phân dơ bẩn bên cạnh đống rác, trong một ngõ hẻm. Thân thể bà gầy gò ốm đau tật bệnh, thường nằm trong cái hang dơ bẩn ấy. Cuộc sống bà lão lẻ loi bấp bênh, bữa đói bữa no, suốt ngày ở trong hang dơ bẩn, che đậy thân thể bằng mảnh cót tre nhỏ. Nhờ nhập-định Ngài biết người này kiếp trước không tạo phước lành nên kiếp này phải chịu nghèo khổ. Và biết dược mạng sống bà lão sắp hết, Ngài nghĩ: “Nếu ta không độ thì bà lão mãi mãi mất phước”. Trong lúc này, bà lão đang đói cồn cào thì có một người đầy tớ gái của trưởng-giả mang nước cơm đi đổ, mùi hôi khó chịu. Bà lão lân la lại xin phần nước cơm ấy, liền lấy cái bát bể làm đôi đựng đầy cả hai. Bước đến chỗ bà lão, Ngài Ma-ha Ca-diếp chú nguyện nói: “Hãy cho tôi một ít thức ăn sẽ được phước lớn”.

Bấy giờ, bà lão nói kệ:

Tôi đang bị bệnh nặng

Nghèo khổ không thể nói

Nghèo nhất trong nước này

Ăn mặc lại không đủ

Ở đời không người thương

Nhìn thấy chẳng thương xót

Sao gọi là từ bi?

Mà không biết nạn này

Bần cùng khắp thế gian

Không ai bằng tôi được

Chẳng thương hại khinh ghét

Thật chẳng phải lòng dân

Ngài Ma-ha Ca-diếp đáp kệ:

Phật tôn quí ba cõi

Ta dự định đến đây

Muốn giúp kẻ đói khổ

Nên khất thực nhà nghèo

Ai giảm được phần ăn

Bố thí vật tốt đẹp

Khi ấy, bà lão nói kệ:

Thật như lời Ngài nói

Ở đời không công đức

Nay trong hang phân này

Dơ bẩn dính đầy thân

Ăn uống không đầy đủ

Mình trần không đồ che

Nay tôi quá nghèo khổ

Muốn thí lấy gì cho?

Ngài Ma-ha Ca-diếp đáp kệ:

Bà nói điều không vui

Nghèo khổ lấy gì cho

Nếu ý bà muốn cho

Tất nhiên không vì nghèo

Nếu bà biết xấu hổ

Thì mặc pháp y này

Việc ăn mặc của bà

Nhờ đó sẽ đầy đủ

Ở đời có người ngu

Tham tiếc chứa tiền của

Xấu thay! Không muốn thí

Đời sau phải nghèo khổ

Lo sợ tích phước đức

Có thể là hy hữu

Phải tin tội và phước

Thật đúng chớ không sai

Bấy giờ, nghe kệ bà lão vui mừng nhưng nghĩ thầm: “Cả ngày nay, ta chỉ xin được một ít nước cơm có mùi, muốn bố thí nhưng nước cơm không thể uống được”. Cho nên mới thưa với Ngài Ca-diếp:

– Ngài vui lòng nhận cho tôi không?

Ngài Ma-ha Ca-diếp đáp:

– Lành thay! Lành thay!

Bà lão liền từ trong hang, lom khom lấy tô nước cơm nhưng thân thể trần truồng không dám ra ngay, bà lấy mảnh cót che lại co ro đưa miếng nước cơm. Ngài Ca-diếp nhận cúng dường rồi chú nguyện cho bà lão được phước báo và an lành. Với suy nghĩ: “Nếu ta mang nước cơm này đi nơi khác uống, chắc bà lão không tin nghi ta đổ nó đi”. Nên ngay trước mặt bà lão, uống xong bát nước cơm, rồi bõ bát vào trong đãy. Lúc ấy, bà lão mới thật lòng tin. Ngài Ca-diếp suy nghĩ: “Phải hiện thần thông làm cho bà lão được đầy đủ sự bình an”. Tức thì độn thổ, biến lên hư không. Thân xuất ra lửa nước, nửa thân trên phun ra nước và thân dưới lửa bùng cháy. Lại biến hóa nhiều cách, bay bổng lên hư không, hiện ra hướng Đông, ẩn về phương Tây, phía Nam phía Bắc cũng vậy.

Khi ấy, bà lão thấy thế vui mừng hớn hở nhất tâm quì gối trong nhìn Ngài Ca-diếp thị hiện.

Ngài Ca-diếp mới bảo:

– Lão bà muốn ước nguyện những gì? Làm người giàu có ở thế gian, làm Chuyển-luân-thánh-vương hay Tứ thiên vương, Đế-thích, các Phạm-thiên. Hoặc muốn đắc quả Tu-đà-hoàn, Từ-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, hay muốn trở thành A-nậu-đa-la-tam-niệu-tam-bồ-đề, thành tựu Chánh-đẳng-chánh-giác. Tất sẽ được như điều mong muốn.

Bấy giờ, bà lão đã chán ngán cái khổ sở ở đời này, nghe trên cõi trời đầy an vui hạnh phúc. Liền thưa với Ngài Ca-diếp:

– Con nguyện đem một chút phước nhỏ được sanh thiên thôi.

Ngài Ca-diếp bỗng nhiên biến mất. Trong ngày ấy, bà lão cũng lâm chung, được sanh về cõi trời Đao-lợi thứ hai, oai đức rực rõ, chấn động trời đất. Ánh sáng chói rọi như bảy mặt trời cùng một lúc chiếu sáng thiên cung. Thích-đề-hoàn-nhơn giật mình kinh sợ và nghĩ: “Người ấy thế nào mà phước đức đến cảm ứng, lẽ nào nơi này có người hơn ta sao?” mới dùng thiên nhãn xem thiên nữ ấy phước đức như thế nào. Thích-đề-hoàn-nhơn hỏi kệ rằng:

Nữ này từ đâu lại?

Hào quang lớn tỏa sáng

Thí như bảy mặt trời

Một lúc cùng chiếu rọi

Chấn động cung điện ta

Oai đức không thể nói

Khi ấy, trả lời Đế-thích-thiên-nữ nói kệ:

Xưa ở Diêm-phù-đề

Trong hang phân dơ bẩn

Già yếu và tật bệnh

Cơm áo không đầy đủ

Nơi tam-thiên đại-thiên

Đức Phật Thích Ca Văn

Có người Đại đệ-tử

Là Ma-ha Ca-diếp

Thương xót xin lão bà

Nói pháp nên tôi vui

Cúng dường nước cơm hôi

Cho ít được quả nhiều

Nhất tâm gieo ruộng phước

Nguyện được sanh cõi trời

Bỏ thân nơi hang phẩn

Sanh về cung Đao-lợi

Bấy giờ, Thiên-nữ nghĩ rằng: “Phước báo này do duyên tiền kiếp cúng dường Ngài Ca-diếp mà được như vậy. Nếu ta đem trăm ngàn châu báu mỗi loại trên đời để cúng dường cho Ngài Ca-diếp thì cũng chưa đền đáp chút ơn của Ngài”.

Liền cùng thị-nữ đem hương hoa lập tức giáng trần. Trong hư không tung rãi dâng cúng lên người Ngài Ca-diếp. Sau đó, Thiên nữ bay xuống, lạy sát đất, đảnh lễ rồi đứng dậy chắp tay khen ngợi:

Cõi nước Đại-thiên

Phật là chí tôn

Đệ-tử Ca-diếp

Đóng cửa tội lỗi

Con ở Diêm-phù

Trước ở hang phẫn

Làm bà lão nghèo

Ngài dạy chân thật

Bà lão hoan hỷ

Cúng nước vo gạo

Món thí nhỏ mọn

Được phước như núi

Được làm Thiên-nữ

Tự nhiên được vậy

Nên mới giáng hạ

Lễ bái phước điền

Thiên-nữ nói xong liền cùng thị nữ trở về Thiên-giới. Sau đó, Đế-thích nghĩ rằng: “Người nữ ấy ở cõi Diêm-phù-đề , trong chỗ hôi hám, đem nước cơm cúng dường cho Ngài Ca-diếp mà được phước báo như vậy. Ngài Ca-diếp đại từ bi, Ngài chỉ đem phước cho nhà nghèo không đem cho nhà giàu. Ta phải làm kế sách gì xuống cõi Diêm-phù-đề gặp Ngài Ca-diếp, tạo điều kiện cho Ngài gieo phước?”

Thích-đề-hoàn-nhơn cùng Thiên-hậu đem món ăn rất ngon bỏ vào bình nhỏ, giáng hạ xuống thành Vương Xá, làm căn nhà nhỏ tồi tàn bên lề đường, biến hình như lão già thân thể ốm gầy, đi đứng lom khom. Hai vợ chồng cùng làm nghề dệt chiếu, thị hiện làm người nghèo bần cùng. Vật thực cơm gạo, áo quần không có thứ gì để dự trữ. Ngài Ma-ha Ca-diếp trên đường khất thực trở về, thấy người nghèo khổ đứng lại khất thực.

Ông lão nói:

– Tôi quá nghèo không có thứ gì cả, cho như thế nào đây?

Ngài Ca-diếp chú nguyện hồi lâu không đi.

Ông lão lại nói tiếp:

– Vợ chồng chúng tôi quá già mà công việc dệt chiếu lại rất mệt nhọc, vừa rồi mới xin được một ít thức ăn, chuẩn bị ăn. Nghe nói, Ngài là bậc nhân từ đức độ, chỉ khất thực nhà bần cùng muốn gieo phước lành cho người nghèo. Chúng tôi tuy khốn cùng nhưng ý cũng muốn bố thí cho Hiền-giả. Đúng như lời nói làm như vậy thì chúng tôi sẽ được phước.

Mùi hương thức ăn của Thiên-giới chẳng phải thức ăn thế gian, vừa hé nắp bình ra mùi hương tỏa thơm ngát. Ngài Ca-diếp biết thế không chịu nhận.

Ông lão liền nói:

Thưa Hiền-giả, có chút thức ăn dở không nhiều xin Ngài đưa bát nhận cho.

Ngài Ca-diếp đưa bát nhận rồi chú nguyện cho thí chủ. Mùi thơm bay tỏa khắp thành Vương Xá và cả nước. Ngài Ca-diếp nghi ngờ mùi hương vô lượng ấy, liền nhập định tìm lý do. Trong lúc Ngài tọa thiền, vợ chồng ông lão hóa lại thân Đế-thích, lập tức bay thẳng lên hư không vô cùng vui mừng. Ngài Ca-diếp nhập định biết được Đế-thích hóa phép làm ông lão. Ngài nghĩ: “Đế-thích làm phép biến hóa này vì muốn tăng thêm thiên phước. Ta nay đã nhận không lẽ trả lại”.

Ngài Ca-diếp khen rằng: “Lành thay! Đế-thích muốn gieo phước lành mà không chán, nhẫn chịu hình hài xấu xa, giáng hạ gieo phước tất được quả lành”.

Đế-thích và Thiên hậu lại thêm vui mừng hớn hở. Lúc ấy, Thiên giới trỗi nhạc vang lừng nghinh đón. Đế-thích về đến thiên cung hoan hỷ ngập tràn.

Phật bảo A-nan:

Bà lão bần cùng kia, tất cả thế gian không ai sánh bằng, bố thí tuy ít nhưng phước báu được nhiều. Vì khổ nạn cho nên khởi tâm chí thành nên được phước vô lượng như vậy. Như Thích-đề-hoàn-nhơn trên thiên giới, hưởng quả báo phước sung sướng đến như thế mà còn từ bỏ ngôi vị tôn quí, giáng hạ gieo trồng phước lành được phước báo khó lường.

Vì vậy Như Lai nói bố thí là đệ-nhất. Người ngu si ở cõi Diêm-phù-đề rất đáng thương. Người được như vậy hiếm lắm. Ông phải tuyên thuyết rộng rãi lời nói chơn thật này của Như Lai.

Khi Phật giảng: trời, rồng, quỷ thần, Tỳ-kheo Tăng cả 4 chúng đệ tử khi làm đại phước phải chú nguyện. Nguyện cùng tất cả chúng sinh tùy theo chí nguyện mỗi người đều được quả báo.

Phật thuyết kinh xong, tất cả hội chúng đều vui mừng cúi đầu đảnh lễ.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xây Tháp Bồ Tát Hiến Thân Cho Hổ Đói - Kinh Tạng
  • Đại A La Hán Nan Đề Mật Đa La Sở Thuyết Pháp Trụ Kí - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Quở Trách Sắc Dục - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Bi Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 39 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 30 – Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 26 – Dối Trá - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 3 - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 15 – Báo Ân - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 27 – Lười Biếng Và Kiêu Mạn - Kinh Tạng