1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

QUYỂN 3

Phần 3

TẮC THỨ HAI MƯƠI MỐT: HOA SEN CỦA TRÍ MÔN

THÙY: Kiến pháp tràng, lập tông chỉ, trên gấm bầy hoa. Tháo cương gỡ yên, thái bình thời tiết. Nếu như phân biện được câu đặc biệt, thì nêu lên một là hiểu ba. Nếu như chưa được như vậy, thì hãy tiếp tục lắng nghe phân xử.

CỬ: Có ông tăng hỏi Trí Môn, “ Lúc hoa sen chưa ngoi lên khỏi mặt nước thì như thế nào?” Trí Môn nói, “Hoa sen”. Ông tăng lại hỏi, “Sau khi ngoi lên khỏi mặt nước rồi thì như thế nào?” Trí Môn nói, “Lá sen.”

BÌNH: Luận về việc ứng cơ tiếp vật, Trí Môn kể như cũng tới mức độ nào đó. Còn nếu luận về việc cắt đứt các dòng (kiến chấp) thì Trí Môn vượt xa hơn người khác đến ngàn dặm vạn dặm. song thử nói xem đóa hoa sen đã và chưa ngoi lên khỏi mặt nước này là một hay là hai? Nếu như thấy được như vậy là đã có được chỗ vào. Tuy thế song nếu bảo là một lập tức lầm lạc Phật tính mê mờ Chân như. Nếu bảo là hai, tâm cảnh đều chưa quên được, lạc vào con đường kiến giải (thiên chấp), biết bao giờ mới dứt?

Thử nói xem, ý của cổ nhân như thế nào? Kỳ thực chẳng có gì là rắc rối. cho nên Đầu Tử nói, “Chỉ đừng vương vào ngôn ngữ văn tự. Nếu như mình hiểu được mọi vật, tự nhiên là mình không bị chấp trước, tất nhiên là không có các sai biệt thứ vị. Mình nhiếp được tất cả các pháp, mà tất cả các pháp không nhiếp được mình. Vốn đâu có được mất, huyền ảo, với lắm thứ danh mục như thế. Không thể cưỡng lập danh tự cho các pháp. Như thế thì làm sao mà các ông có thể bị lừa dối được? Các ông hỏi, cho nên đã có ngôn ngữ. Nếu như các ông không hỏi, tôi biết phải nói gì với các ông mời được đây? Tất cả mọi chuyện đều là do các ông gây ra, đều chẳng có gì can hệ đến tôi cả.” Cổ nhân nói, “ Muốn hiểu Phật tính thì phải quán thời tiết nhân duyên.”

Há không nghe Vân Môn thuật câu chuyện: có ông tăng hỏi Linh Vân, “Lúc Phật chưa xuất thế thì như thế nào?” Linh Vân dơ phất trần lên. Ông tăng hỏi, “Thế sau khi (Phật) xuất thế rồi thì như thế nào?” Linh Vân lại dơ phất trần lên. Vân Môn nói, “ Lần đầu thì đánh được, lần sau đánh không được.” Lại nói, “Đừng nói tới chuyện xuất thế với không xuất thế, ở đâu có cái lúc mà ông ta hỏi?”

Cổ nhân một hỏi một đáp, hợp thời hợp lúc, chẳng hề nhiều chuyện. Nếu như các ông cứ lo tìm lời đuổi câu thì chẳng bao giờ nhằm nhò đến vấn đề cả. Nếu như các ông có thể nhìn thấu được ngôn ngữ trong ngôn ngữ, hiểu thấu được ý trong ý, nhìn thấu được cơ duyên trong cơ duyên, buông bỏ tự tại, lúc ấy mới thấy được câu trả lời của Trí Môn.

Hỏi, “ Lúc Phật chưa xuất thế thì như thế nào?” Lúc Ngưu Đầu chưa gặp Tứ Tổ thì như thế nào? Lúc hỗn độn chưa phân trong bàn thạch thì như thế nào? Lúc cha mẹ chưa sinh thì như thế nào?[1] Vân Môn nói, “Từ xưa đến nay chỉ là một sự việc. Không có đúng không có sai, không có được cũng không có mất, không có sinh không có chưa sinh.” Đến đây cổ nhân đặt ra một con đường có chỗ vào có chỗ ra. Nếu là người chưa hiểu, thì cững giống nhhư dựa hàng rào mò vách tường, nép bên cỏ nương vào cây. nếu bảo hắn buông bỏ, hắn lại lạc vào hoang vu lãng đãng. Nếu như người đã hiểu được thì suốt mười hai giờ trong một ngày chẳng cần phải dựa vào vật gì cả. Tuy không dựa vào một vật gì, nếu nhu để lộ một cơ một cảnh, biết làm sao mà rờ rẫm đây?

Ông tăng kia hỏi, “Lúc hoa sen chưa ngoi khỏi mặt nước thì như thế nào?” Trí Môn nói, “Hoa sen”. Đó chỉ là một câu đáp chặn câu hỏi, song đặc sắc hết sức. Các nơi đều gọi đó là “điên đảo ngữ”. Tại sao lại thế? Há không nghe Nham Đầu nói, “ Thường thì những lúc trước khi các ông mở miệng mà lại còn hay hơn.” Chỗ cổ nhân để lộ tâm cơ ra, cũng là lậu đậu lắm rồi. Người học đời nay không hiểu ý của cổ nhân, chỉ mãi lo lý luận “ ngoi lên khỏi mặt nước” với lại “ chưa ngoi lên khỏi mặt nước,” song có gì là nhằm nhò đâu.

Há không nghe chuyện có ông tăng hỏi Trí môn, “ Thế nào là bát nhã thể?” Trí Môn nói, “ Sò ngậm trăng sáng.” Ông tăng hỏi, “Thế nào là bát nhã dụng?” Trí Môn nói, “Con thỏ mang thai.” Nhìn xem thầy ta đối đáp như thế, người trong thiên hạ chẳng ai truy ra được ngữ mạch của thầy ta cả.

Có ông tăng hỏi Giáp Sơn, “Lúc hoa sen chưa ngoi khỏi mặt nước thì như thế nào?” Giáp Sơn chỉ nói, “Cột nhà đèn giấy.” Thử nói xem là giống hay khác với hoa sen? Ông tăng hỏi, “ Sau khi ngoi lên khỏi mặt nước rồi thì như thế nào?” Giáp Sơn nói, “Đầu trượng khua nhật nguyệt, dưới chân bùn quá sâu.” Các ông thử nói xem đúng hay sai? Song đừng có nhận lầm là điểm giữa cán cân. Tuyết Đậu từ bi cùng tột, phá vỡ hết kiến chấp của người ta cho nên mới tụng như sau:

TỤNG

Hoa sen lá sen cho ngài biết

Ngoi lên sao bằng lúc chưa ngoi?

Giang Bắc Giang Nam hỏi Vương lão[2]

Một hồ nghi rồi một hồ nghi.

BÌNH: Trí Môn vốn là người Chiết Giang, phấn khởi đến Tứ Xuyên để gặp Hương Lâm. Sau khi thấu triệt (Thiền) rồi mới về ở Trí Môn, Tùy Châu. Tuyết Đậu thuộc dòng của Trí Môn, thấy được chỗ tận cùng trong cái huyền diệu của Trí Môn cho nên mới nói thẳng, “Hoa sen lá sen cho ngài biết, ngoi lên sao bằng lúc chưa ngoi?” Muốn cho người khác hiểu trực tiếp.

Sư núi tôi nói, “Lúc chưa ngoi lên khỏi mặt nước thì như thế nào? Cột nhà đèn giấy. Sau khi đã ngoi lên khỏi mặt nước rồi thì như thế nào? Đầu trượng khua nhật nguyệt, dưới chân bùn quá sâu.” Song các ông đừng nhận lầm đó là điểm giữa cán cân. Ngày này thiên hạ lo nhai cắn ngôn ngữ không biết tới bao giờ.

Thử nói xem lúc (hoa sen) ngoi lên khỏi mặt nước rồi thì là thời tiết gì vậy? Lúc chưa ngoi lên khỏi mặt nước thì là thời tiết gì vậy? Nếu như các ông có thể thấy được điểm này, tôi để cho các ông gặp thẳng Trí Môn đấy.

Tuyết Đậu nói nếu như các ông không thấy thì “Giang Bắc Giang Nam hỏi Vương lão.” Tuyết Đậu ý muốn nói là các ông phải đi quanh Giang Bắc Giang Nam để hỏi các vị tôn túc về “ngoi lên khỏi mặt nước rồi” và “chưa ngoi lên khỏi mặt nước.” Giang Nam thêm vào hai câu, Giang Bắc thêm vào hai câu, một gánh thêm một gánh, triển chuyển sinh nghi. Thử nói xem, khi nào các ông mới hết nghi được? Các ông đã nghi như thể chồn hoang, đi trên băng mỏng; lắng nghe tiếng nước (ở dưới). Nếu như không có tiếng gì thì mới qua sông được. Nếu như các người học Thiền mà cứ sinh hết mối nghi này đến mối nghi khác, bao giờ mới được yên ổn đây?

TẮC THỨ HAI MƯƠI HAI: CON RẮN MŨI RÙA CỦA TUYẾT PHONG

THÙY: Lớn không bờ cõi, nhỏ như vi trần, nắm buông không phải là gì khác, cuộn mở đều ở nơi mình. Nếu như muốn cởi bỏ chỗ trói buộc dính dấp, ắt phải cắt đứt hết tông tích (của tâm hành) nuốt hết âm thanh (của ngôn ngữ). Mọi người thấy rõ bờ kia, ai nấy lừng lững ngàn trượng. Thử nói xem đó là cảnh giới của ai? Xin nêu lên xem.

CỬ: Tuyết Phong dạy chúng rằng: Nam sơn có một con rắn mũi rùa, các ông cần phải coi chừng. Trường Khánh nói, “Hôm nay trong đại sảnh có người tang thân thất mạng.” Có ông tăng thuật lại cho Huyền sa, Huyền Sa nói, “Phải là Lăng huynh thì nới nói như thế được tuy nhiên tôi thì lại không như thế.” Ông tăng hỏi, “Hòa thượng thì như thế nào?” Huyền Sa nói, “Cần gì phải Nam Sơn.” Vân Môn thì chỉ ném gậy xuống trước mặt Tuyết Phong làm ra vẻ sợ sệt.[3]

BÌNH: Nếu như các ông muốn trải nó ra thì cứ việc trải nó ra, nếu như các ông muốn đả phá thì cứ việc đã phá[4]. Tuyết Phong cùng đi với Nham Đầu và Khâm Sơn. Sư đến Đầu Tử ba lần lên động Sơn chín lần. Sau đến tham vấn Đức Sơn, lúc ấy mới đập lủng được đáy thùng đen.

Một hôm cùng đi với Nham Đầu đến gặp Khâm Sơn. Đi đến một khách điềm trên Ngao Sơn thì bị kẹt tuyết. Nham Đầu ngày nào cũng chỉ ngủ trong khi Tuyết Phong lúc nào cũng ngồi thiền. Nham Đầu hét, “Ngủ một chút xem, ngày nào ông cũng ngồi thiền trên giường trông như thể một ngôi tượng đất. Sau này thế nào ông cũng làm loạn hoặc con cái thiên hạ.” Tuyết Phong tự chỉ vào ngực nói, “Chỗ này của tôi chưa an, tôi không dám tự lừa dối mình.” Nham Đầu nói, “Tôi cứ cho là ông sau này thế nào cũng lên đỉnh cao xây thảo am mà truyền đạo lớn, chẳng dè ông lại vẫn còn ăn nói như thế.” Tuyết Phong nói, “Tôi quả tình chưa an tâm thật.” Nham Đầu nói, “nếu ông như thế thật, thì cứ đem hết từng kiến giải của ông ra, chỗ nào đúng tôi sẽ vì ông mà chứng minh, chỗ nào không đúng tôi sẽ trừ khử đi cho ông.”

Tuyết Phong bèn thuật lại, “Lúc tôi gặp Diêm Quan thượng đường nói về ý nghĩa của sắc và không, tôi có đạt được chút hiểu biết.” Nham Đầu nói, “Ba mươi năm tới đây đừng bao giờ đề cập đến chuyện này nữa.” Tuyết Phong lại nói, “Lúc nghe bài tụng qua sông của Động Sơn tôi cũng đạt được chút hiểu biết.” Nham Đầu nói, “ nếu thế thì ông không còn tự cứu mình được nữa.” Tuyết Phong nói, “Sau này lúc đến gặp Đức Sơn tôi hỏi, “Kẻ học này có phần gì trong việc của tông môn từ xưa đến nay không? Đức Sơn đánh cho một gậy và nói, “ Cái gì?” Lúc ấy tôi giống như thể cái thùng đen bị đập lủng đáy.” Nham Đầu bèn hét và nói rằng, “Ông từng nghe nói rằng cái gì từ bên ngoài vào thì không phải là gia bảo trong nhà chứ?” Tuyết Phong nói, “Vậy thì từ rày về sau tôi phải làm như thế nào mới đúng chứ?” Nham Đầu nói “ Sau này nếu ông muốn truyền bá đạo lớn, thì nhất nhất đều phải từ hung khâm ông trôi chảy ra để che kín cả trời đất cho tôi.” Nghe lời nói ấy Tuyết Phong đại ngộ. Bèn lễ lạy và huyên thuyên kêu lên, “ Hôm nay tôi đắc đạo trên Ngao Sơn, hôm nay tôi đắc đạo trên Ngao Sơn.”

Sau đó trở về Mân sống trên Tượng Cốt Sơn, tự để lại bài tụng rằng, “Đời người bỗng nhiên thật ngắn ngủi, phù thế làm sao nương náu lâu. Xuống núi mới được ba mươi hai, về Mân thoắt đã ngoài bốn mươi. Lỗi người chẳng cần nêu lên mãi, mình sai cần phải trừ hết thôi. Trình các tử y tăng đầy triều, Diêm Vương chẳng sợ màu áo nâu.”

Thường thượng đường dạy chúng rằng, “ Nhất nhất đều bao trùm trời đất.”[5] Sư chẳng nói huyền nói diệu, cũng chẳng nói tâm nói tính. Đột nhiên độc lộ, như khối lửa lớn, đến gần là nó đốt cháy mặt người ta. Giống như Thái A Kiếm đụng vào là tang thân thất mệnh. Nếu như vướng trong tư tưởng, đình các phương tiện, ắt là sẽ lạc hướng.

Bách Trượng hỏi Hoàng Bá, “ Từ đâu đến?” Hoàng Bá nói, “ Từ dưới chân núi Đại Hùng hái nấm mà đến đây.” Bách Trượng hỏi, “ Có thấy cọp không?” Hoàng Bá bèn giả tiếng cọp gầm. Bách Trượng bèn nhặt búa lên làm thế như thể đang chém. Hoàng Bá bèn đánh Bách Trượng một bạt tai. Bách Trượng bèn cười hì hì rồi trở về bước lên giảng tòa nói với đại chúng rằng, “ Trên núi Đại Hùng có một con cọp, các ông phải coi chừng,hôm nay chính lão tăng bị nó cắn một miếng.”

Triệu Châu mỗi khi gặp ông tăng nào đó là hỏi, “Đã từng đến đây chưa?’ Bất chấp ông tăng kia nói đã từng hay chưa từng Triệu Châu đều nói, “Đi uống trà đi.” Viên chủ nói, “ Hòa thượng hay hỏi mấy ông tăng đã từng đến đây chưa rồi lại bảo đi uống trà đi. Dám hỏi ý chỉ như thế nào?’ Triệu Châu nói, “ Viện chủ!” Viện chủ đáp, “ Vâng”. Triệu Chân nói, “Đi uống trà đi.”

Dưới cổng của Tử Hồ có một tấm bảng, trên bảng có viết, “ Tử Hồ có một con chó, trên thì lấy đầu thiên hạ, giữa thì lấy bụng thiên hạ, dưới thì lấy chân thiên hạ. Tần ngần là tang thân thất mạng ngay.” Có ai vừa mới đến vừa trông thấy Sư, Sư đã hét nói, “ Coi chừng chó!” Ông tăng vừa quay đầu nhìn, Sư đã trở về phương trượng.

(Những điều trên) giống y như Tuyết Phong nói, “ Nam Sơn có một con rắn mũi rùa, các ông phải cẩn thận coi chừng.” Đúng vào lúc ấy các ông phải đối đáp như thế nào? Không dẫm vào vết cũ các ông thử nói tôi nghe xem. Đến chỗ này rồi phải hiểu các câu đặc biệt thì mới được. Khi ấy lúc tất cả các công án nêu lên, các ông đã hiểu ngay cốt ý của chúng. Thử nhìn cách dạy chúng của Tuyết Phong, chẳng hề nói gì về chỗ hiểu và chỗ dành cho các ông, các ông có thể lấy ý thức cảm quan ra mà so đo được chăng?

Họ (Trường Khánh, Huyền Sa và Vân Môn) là con cháu trong nhà của Tuyết Phong, cho nên mới ăn nói được một cách khế hợp như thế. Cho nên cổ nhân mới nói, “Nghe lời phải hiểu nguồn, đừng tự lập qui củ.” Lời phải có chỗ ngoại lệ, câu phải có khả năng thấu quan. Nếu như ngôn ngữ của các ông mà không ra khỏi được các hang động (của chấp trước) thì các ông sẽ bị rơi vào một biển chất độc. Tuyết Phong dạy chúng như thế có thể gọi là lời nói vô vị làm nghẹn miệng thiên hạ Trường Khánh và Huyền Sa đều là người trong nhà của Tuyết Phong, cho nên họ mối hiểu khi Tuyết Phong ăn nói như thế.

Còn như Tuyết Phong nói, “ Nam Sơn có con rắn mũi rùa,” các ông có hiểu ý nghĩa của câu nói ấy không? Đến chỗ này rồi các ông phải có đôi mắt thông suốt khắp các phương mới được. Há không nghe Chân tĩnh có bài tụng rằng, “Đánh trống khảy tỳ bà, tương phùng hai chuyên gia. Vân Môn biết xướng họa, Trường Khánh lại khơi ra. Cổ khúc không âm vận, Nam Sơn rắn mũi rùa. Ai hiểu ra ý này, đích thị có Huyền Sa.”

Khi Trường Khánh đối đáp như thế, thử nói xem ý của thầy ta như thế nào? Đến mức độ này thì phải như đá lửa điện chớp mới có thể nắm được (vấn đề). Nếu như còn có chút tơ hào (chấp trước) nào chưa trừ khử được, các ông vẫn chưa thể nào nắm được. Chí đáng tiếc là nhiều người thường đưa ra kiến giải thiên lệch về lời nói của Trường Khánh, bảo rằng, “ trong sảnh đường vừa nghe thấy cái gì lập tức tang thân mạng.” Có người nói, “ Vốn không hề có gì cả, dù chỉ trên mặt trống mà nói lời này cũng khiến cho thiên hạ sinh nghi. Thiên hạ nghe thầy ta nói,” Nam sơn có con rắn mũi rùa. lập tức sinh nghi.” Nếu như hiểu như thế thì đâu có nhằm nhò gì. Chỉ loay hoay mãi với ngôn ngữ kia mà thôi. Song nếu không hiểu như thế thì phải như thế nào?

Sau đó có ông tăng thuật lại cho Huyền Sa, Huyền Sa nói, “ Phải là Lăng huynh thì mới (nói) như thế được, Tuy nhiên tôi lại chẳng như thế.” Ông tăng hỏi, “ Hòa thượng thì như thế nào?” Huyền Sa nói, “Cần gì phải Nam Sơn.” Nhìn xem trong lời nói của Huyền Sa đã có chỗ xuất thân. Cho nên thầy ta mới nói, “ Cần gì phải Nam Sơn?” Nếu như không phải là Huyền Sa hẳn là hết sức khó mà đối đáp. Lúc Tuyết Phong nói, “ Nam Sơn có con rắn mũi rùa.” Thử nói xem, ở chỗ nào? Đến chỗ này rồi phải là người hướng thượng mới có thể hiểu được lối nói chuyện ấy. Cổ nhân nói, “ Câu cá trên thuyền, Tạ Tam Lang không thích Nam Sơn, mà con rắn mũi rùa lại đến.”

Vân Môn ném gậy xuống trước mặt Tuyết Phong làm ra vẻ sợ hãi. Vân Môn có khả năng bắt rắn, cũng như không phạm phải mũi nhọn, sáng cũng được mà tối cũng được.Thầy ta bình thường vì người khác như thể múa Thái A Kiếm, có lúc vút qua mày mắt người ta, có lúc bay ra ngoài ba ngàn dặm mà lấy đầu người ta. Vân Môn ném gậy xuống làm ra vẻ sợ hãi, phải chăng làm trò ma quỉ? Phải chăng thầy ta cũng tan thân mất mạng. Các bậc tông sư thành thạo không bao giờ vướng mắc mãi với một lời hay một câu cà. Tuyết Đậu chỉ vì thích cái khế hợp của Vân Môn với ý chỉ của Tuyết Phong cho nên mới tụng rằng:

TỤNG

Tượng cốt vách cao người không đến,

Kẻ đến phải là tay bắt rắn.

Thầy Lăng thầy Bị làm gì được?

Tang thân thất mạng đã bao người.

Thiều Dương[6] biết,

Lại vạch cỏ,

Nam Bắc Đông Tây biết chỗ nào.

Hốt nhiên lại tung chiếc gậy ra,

Ném trưóc Tuyết Phong há hốc miệng.

Miệng há hốc hề giống điện chớp,

Nhíu đôi lông mày còn không thấy.

Giờ đây ẩn trên đỉnh Nhũ Phong,

Kẻ đến từng người thấy phương tiện.

Sư lớn tiếng quát rằng, “nhìn dưới chân!”

BÌNH: “Tượng cốt vách cao người không đến, kẻ đến là tay bắt rắn.” Trên Tuyết Phong Sơn có vách Tượng Cốt. Tuyết Phong có cơ phong cao lừng lững, hiếm có người đạt đến được. Tuyết Đậu là người trong nhà (của Tuyết Phong) cùng lông cùng giống. Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, cần các tay thanh thạo chứng minh cho nhau.

Tuy nhiên con rắn mũi rùa này vẫn rất là khó bắt.Phải biết cách bắt mới được, nếu không thể nào cũng bị rắn cắn. Ngũ Tổ nói, “Đối với con rắn Mũi rùa này cần phải có cái khả năng đừng để cho tay chân bị cắn mới được. Nhằm ngay gáy nó mà nắm một cái, thì các ông mới có thể nắm tay cùng đi với lão tăng được.

Trường Khánh và Huyền Sa có khả năng này. Tuyết Đậu nói rằng Thầy Lăng thầy Bị làm gì được, đa số thiên hạ bảo rằng Trường Khánh và Huyền Sa không làm gì được, cho nên Tuyết Đậu mói ca ngợi Vân Môn. May mà chẳng có gì là đúng cả. Họ đâu có biết rằng trong ba người này căn cơ không có chỗ đắc nhất, chỉ có chỗ thân sơ mà thôi, tôi chỉ xin hỏi chư vị, chỗ nào là chỗ mà thầy Lăng và thầy Bị không làm gì được?

“Tang thân mất mạng bao nhiêu người.” Đây là tụng câu nói của Trường Khánh rằng, “Hôm nay trong sảnh đường có người tang thân thất mạng.” Đến chỗ này phải có tài bắt rắn tuyệt hảo mới được. Tuyết Đậu xuất phát từ dòng của Vân Môn, chonên mới gạt phăng tất cả chỉ giữ lại một mình Vân Môn. Tuyết Đậu nói, “ Thiều Dương biết, lại vạch cỏ.” Bởi vì Vân Môn biết cốt ý của lời nói của Tuyết Phong rằng, “Nam Sơn có con rắn mũi rùa” cho nên mới “ lại vạch cỏ” nữa.

Tuyết Đậu tụng tới đây càng có chỗ vi diệu hơn nữa, cho nên nói, “ Nam bắc đông tây biết chỗ nào.” Thử nói xem ở chỗ nào?” Hốt nhiên lại tung chiếc gậy ra.” Nguyên lai chỉ ở nơi đây. Song các ông không thể cứ vướng nơi chiếc gậy mãi. Vân Môn ném gậy xuống trước mặt Tuyết Phong rồi làm ra vẻ sợ hãi. Vân Môn dùng gậy làm con rắn mũi rùa. Có lần Vân Môn nói, “ gậy hóa thành rồng, nuốt trọn cả càn khôn. Sơn hà đại địa biết tìm đâu ra lại đây?” Chỉ là một chiếc gậy mà có lúc làm rồng có lúc làm rắn. Tại sao lại như thế? Đến chỗ này rồi nới có thể hiểu được lời nói của cổ nhân rằng “ Tâm tùy vạn cảnh chuyễn, nhuyễn xứ lại thâm sâu.”

Tụng rằng, “ Ném trước Tuyết Phong há hốc miệng, Miệng há hốc hề giống điện chớp.” Tuyết Đậu có thừa tài, dơ con rắn độc của Vân Môn lên mà nói rằng “ miệng há hốc hề giống điện chớp.” Nếu như các ông toan nghị luận là lập tức tang thân thất mạng. “ Nhíu đôi lông mày không còn thấy.” Nó đi về đâu rồi?

Tuyết Đậu tụng xong phải đến chỗ sống mà giúp người. Nhặt con rắn của Tuyết Phong mà tự dơ lên tự chơi giỡn, tha hồ mà tùy cơ sát hoạt. Các ông muốn thấy không? Tuyết Đậu nói, “ Giờ đây ẩn trên đỉnh Nhũ Phong.” Nhũ Phong chính là tên của núi Tuyết Đậu. Tuyết Đậu có bài tụng rằng, “ Cửa đá nhìn quanh trời đất hẹp, hư không nào để mây trắng đâu.” Tuy rằng Trường Khánh, Huyền Sa và Vân Môn có thể bắt được rắn, song họ chẳng thấy rắn. Tuyết Đậu nói, “ hiện giờ ẩn trên đỉnh Như Phong, kẻ đến từng người thấy phương tiện.” Tuyết Đậu lại tiến thêm vào chỗ uyên áo của thầy, không nói “ dùng đi” mà lại lớn tiếng hét lên rằng, “ Nhìn dưới chân!” Từ xưa đến nay có bao nhiêu người chơi dỡn được với rắn? Thử nói xem rắn đã từng cắn ai chưa? Sư (Viên Ngộ) bèn đánh.

TẮC THỨ HAI MƯƠI BA: DIỆU PHONG ĐỈNH CỦA BẢO PHÚC

THÙY: Ngọc thì dùng lửa để thử, vàng thì dùng đá để thử, kiếm thì dùng lông để thử, nước thì dùng gậy để thử. Còn như trong môn hạ của các nạp tăng, một ngôn một cú, một cơ một cảnh, một xuất một nhập, một gặp một đối, phải thấy cho được chỗ nông sâu, phải thấy cho được chỗ tiến lùi. Thử nói xem, phải dùng gì để thử đây? Xin nêu lên xem.

CỬ: Bảo Phúc và Trường Khánh đi chơi núi, Bảo Phúc lấy tay chỉ nói, “Đây chính là Diệu Phong Đỉnh.” Trường Khánh nói, “Đúng thế, song đáng tiếc thật!” Tuyết Đậu phê bình rằng, “ Hôm nay đi chơi núi với mấy tay kia để làm gì?” Rồi lại nói thêm, “Trăm ngàn năm sau không nói là không có, chỉ là ít mà thôi.” Sau có người thuật lại cho Kính Thanh. Kính Thanh nói, “ Nếu như không nhờ Tôn công (Bảo Phúc) thì hẳn chúng ta đã thấy đầu lâu đầy đồng rồi.”

BÌNH: Bảo Phúc, Trường Khánh, Kính Thanh đều là những người truyền thừa của Tuyết Phong. Ba người này đồng kiến đồng văn đồng bắc đồng chứng đồng niêm đồng dụng. Một xuất một nhập cùng nhau đưa đối. Bởi vì họ là người của cùng một dòng, cho nên một người vừa nêu lên một điều gì là những người kia đã hiểu ngay ý hướng. Trong chúng hội của Tuyết Phong, thường là ba người này tham nhập vào các vấn đáp. Cổ nhân hành trụ tọa ngọa đều niệm nơi đạo này, cho nên (công án) vừa được nêu lên là họ đã hiểu ngay ý nghĩa.

Một hôm đi chơi núi, Bảo Phúc lấy tay chỉ nói, “Đây chính là Diệu Phong Đỉnh.” Những người học Thiền ngày nay mà bị hỏi như thế, chỉ biết nhăn mặt. Song ngày nay mà bị hỏi như thế, chỉ biết nhăn mặt.Song ở đây người bị hỏi lại là Trường Khánh. Các ông thử nói xem, Bảo Phúc nói như thế để làm gì? Cổ nhân làm như thế là để thử xem người khác có mắt hay không. Trường Khánh là người trong nha cho nên mới hiểu ý hướng. Do đó mới đáp rằng, “Đúng thế, song đáng tiếc thật!” Nhưng mà các ông thử nói xem, Trường Khánh nói như thế là có ý thế nào? Không thể lúc nào cũng như thế được. (Có nhiều kẻ) Giống như thế thật, song rất ít người đạt đến mức nhàn nhã vô sự được. Nhưng mà Trường Khánh quả thực hiểu thấu Bảo Phúc.

Tuyết Đậu phê bình rằng, “ Hôm nay đi chơi núi với mấy tay kia để làm gì?” Thử nói xem, ý nghĩa ở chỗ nào? Tuyết Đậu lại nói, “Trăm ngàn năm sau không nói là không có, mà chỉ là có ít thôi.” Tuyết Đậu biết chỉ vào lòng mình. Giống y như Hoàng Bá nói, “Tôi không nói là không có Thiền, mà chỉ bảo là không có thầy mà thôi.” Tuyết Đậu nói như thế, quả thực là nguy hiểm vời vợi. Song nếu không đồng thanh tương ứng như thế thì làm sao mà có thể lừng lững kỳ đặc như vậy được? Đây gọi là lời bình, ở cả vào hai bên, song tuy ở cả hai bên mà không trụ ở bên nào cả.

Sau có người thuật lại cho Kính Thanh. Kính Thanh nói, “ Nếu không nhờ Tôn Công thì hẳn chúng ta đã thấy đầu lâu đầy đồng rồi.” Tôn là tên tục của Trường Khánh. Há không nghe chuyện có ông tăng hỏi Triệu Châu, “Thế nào là diệu cô phong đỉnh?” Triệu Châu nói, “lão tăng không đáp?” Triệu Châu nói, “Nếu tôi trả lời ông, chỉ sợ ông sẽ ngã xuống ngay trên mặt đất bằng này.”

Trong kinh sách có nói rằng có vị tỳ khưu Đức Vân ở trên Diệu Cô Phong Đỉnh không bao giờ xuống. Thiện Tài[7] đến tham kiến mãi bẩy ngày mà không được gặp. Một hôm lại gặp nhau ở một đỉnh núi khác. Sau khi gặp rồi Đức Vân dạy cho Thiện Tài rằng tam thế chỉ là nhất niệm, trí huệ của tất cả chư Phật, quang minh phổ hiện nơi các pháp môn. đức Vân đã không bao giờ hạ sơn, tại sao lại gặp Thiện Tài trên một đỉnh khác? Nếu như các ông bảo rằng Đức Vân hạ sơn, rõ ràng trong kinh lại nói rằng Đức Vân chưa từng bao giờ hạ sơn, luôn luôn ở trên Diệu Cô Phong đỉnh. Đến đây rồi thì (thử nói xem rốt cuộc) Đức Vân và Thiện Tài ở đâu?

Sau đó Lý Trưởng Giả [8] bày vẽ thêm rắc rối thật hay, nói rằng, “ Diệu Cô Phong Đỉnh chính là pháp môn nhất vị bình đẳng. Nhất nhất đều thật, nhất nhất đều toàn. Độc lộ nơi vô đắc vô thất vô thị vô phi. Cho nên Thiện Tài mới không thấy.” Một khi đã đạt đến chỗ khế hợp với ( Pháp) tính rồi thì cũng giống như mắt không tự thấy, tai không tự nghe, ngón tay không tự chạm, lửa không tự đốt, dao không tự cắt, nước không tự rửa. Đến đây các ông hẳn đã thấy trong kinh có rất nhiều chỗ từ bi vì người. Cho nên mới bày ra một con đường, cho nên mới lập ra vị chủ vị khách, lập cơ cảnh, lập vấn lập đáp trong sự thật công ước[9]. Cho nên kinh mới nói, “ Chư Phật chưa từng bao giờ xuất thế, cũng chưa từng bao giờ nhập niết bàn. Tất cả các việc ấy là phương tiện (mà chư Phật bày ra) để độ chúng sinh mà thôi”.

Thử nói xem, rốt cuộc phải làm thế nào để tránh cho Kính Thanh và Tuyết Đậu khỏi nói như thế? Nếu như lúc ấy không thế vỗ tay, tương ứng thì hẳn đã “ thấy đầu lâu đầy đồng” rồi. Kính Thanh chứng được như thế, rồi thì cả hai đều tụng như thế. Sau đó, Tuyết Đậu tụng còn hiển hách hơn nữa:

TỤNG

Trên đỉnh Diệu Phong cỏ rậm rạp,

Nêu ra rõ ràng để cho ai?

Không nhờ Tôn công phân biện kỷ,

Đầu lâu đầy đồng mấy ai hay?

BÌNH: “Trên đỉnh Diệu Phong cỏ rậm rạp.” Mò mẫm trong cỏ mãi biết đến lúc nào mới dứt?” Nêu ra rõ ràng để cho ai?’ Chỗ nào là chỗ rõ ràng? Đây là để tụng câunói của Bảo Phúc, “Đây chính là Diệu Cô Phong Đỉnh”. “Không nhờ Tôn công phân biệt kỹ.” Tôn công thấy được sự thật gì mà lại nói rằng, “Đúng thế, song đáng tiếc thật!” Còn như “Đầu lâu đầy đồng mấy ai hay?” Các ông có biết không? Mù!

TẮC THỨ HAI MƯƠI BỐN: QUI SƠN VÀ LƯU THIẾT MA

THÙY: Đứng trên đỉnh cao vút, ngoại ma không thấy được. Đi dưới đáy biển sâu, mắt Phật nhìn không ra. Dù cho là có mắt như sao rơi, có trí như điện chớp, cũng khó mà tránh được khỏi giống con rùa thiếng kéo đuôi. Đến chỗ này rồi phải làm gì mới khế hợp. Xin nêu lên thử xem.

CỪ: Lưu thiết Ma đến gặp Qui Sơn. Qui Sơn nói, “Con bò cái kia đến đó hả!” Lưu Thiết Ma nói, “Ngày mai trên Đài Sơn[10] có trai hội lớn, hòa thượng có đi không?” Qui Sơn nằm xuống, Lưu Thiết Ma bèn bỏ đi.

BÌNH: Ni lưu Thiết Ma như đá lửa như điện chớp. Vừa toan nghị luận là (các ông lập tức) tang thân thất mạng ngay. Trong đạo Thiền một khi đã đến chỗ khẩn yếu, đâu còn có nhiều việc gì nữa? Các tay chuyên gia gặp nhau, giống y như thể thấy sừng bên kia tường biết ngay là có bò, thấy khói bên kia núi biết ngay có lửa. Khi đẩy thì họ động, khi dồn thì họ xoay quanh.

Qui Sơn nói, “Trăm năm sau, ta sẽ xuống núi làm con trâu trong nhà vị thí chủ kia. Bên hông trái sẽ có viết năm chữ, “ Qui Sơn tăng, tôi đây.” Đúng vào lúc ấy, gọi là Qui Sơn tăng mới đúng hay gọi là trâu mới đúng?”Người bây giờ mà bị hỏi như thế, lập tức lúng túng không biết phải làm thế nào.

Lưu Thiết Ma tham Thiền đã lâu, cơ trí sắc bén, cho nên người ta mới đặc biệt hiệu cho là Lưu Thiết Ma. Lưu Thiết Ma dựng một thảo am cách nơi của qui Sơn mười dặm. Một hôm đến thăm Qui Sơn. Qui Sơn thấy Ni đến bèn hỏi, “Con bò cái kia đến đó hả.” Lưu Thiết Ma nói, “Ngày mai trên Đài Sơn có trai hội lớn,hòa thượng có đi không?” Qui Sơn nằm xuống. Lưu Thiết Ma bèn bỏ đi. Các ông thử nhìn xem, họ giống như thể đối thoại, song đã không phải là Thiền tại cũng chẳng phải là đạo. có thể gọi là vô sự được chăng?

Qui Sơn cách xa Đài Sơn có đến mấy ngàn dặm. Lưu Thiết Ma tại sao lại muốn Qui Sơn đi dự trai hội? Thử nói xem ý của Ni là gì? Bà lão này hiểu lối nói chuyện của Qui Sơn, tơ đến sợi đi, một buông một nắm, hỗ tương xướng họa như thể hai tấm gương phản chiếu nhau, mà không có hình ảnh gì để quán cả. tiếp nhau từng phương tiện, phù hợp nhau từng câu nói.

Người thời nay bị thúc ba lần mà cũng chẳng quay đầu, song bà lão này chẳng hề bị lừa chút nào. Đây tuyệt nhiên không phải là thiên kiến nằm trong sự thật công ước, giống như gương sáng trên khung, ngọc sáng trong tay, Hồ đến Hồ hiện, Hán đến Hán hiện. Bởi vì Lưu Thiết Ma biết rằng có sự việc hướng thượng trong ấy, cho nên bà ta mới hành sự như vậy,

Hiện giờ chỉ nên hiểu đó là vô sự. Ngũ Tổ Pháp Diễn hòa thượng nói, “Đừng coi hữu sự là vô sự, hữu sự thường thường do nơi vô sự mà nẩy sinh.” Nếu như các ông tham thấu được, các ông sẽ thấy rằng họ nói chuyện với nhau như thể những người bình thường vậy. Đa số người ta thường bị trở ngại bởi ngôn ngữ, cho nên mới không hiểu. Chỉ có kẻ tri âm mới có thể hiểu họ được.

Giống như Càn Phong dạy chúng rằng, “Nêu lên thì không được nêu lên hai, buông bỏ một cái là các ông sẽ rơi vào cái thứ hai”. Vân Môn bước ra khỏi đồ chúng nói, “ Hôm qua có một ông tăng từ Thiên Thai đến song lại đi về Nam Nhạc.” Càn Phong nói, “Điển tòa hôm nay không được tụ tập tăng chúng nữa.”

Quan sát xem Qui Sơn và Lưu Thiết Ma, lúc buông thì cùng buông, lúc nắm thì cùng nắm. Trong tông môn của Qui Ngưỡng đây gọi là phương pháp “cảnh trí”. Gió thổi bụi bay, tất thấy được đầu mối. Đây cũng gọi là “cách thân cú”. Có nghĩa là ý thông mà ngôn ngữ bị gián cách. Đến chỗ này rồi thì các ông phải biết xoay trở phải trái, như thế thì mới là tay chuyên gia.

TỤNG

Từng cưỡi ngựa sắt vào thành cao,

Chiếu xuống truyền rằng sáu nước yên.

Vẫn cầm roi vàng hỏi khách về,

Đêm sâu ai cùng đi lối vua?

BÌNH: Tụng của Tuyết Đậu các nơi đều cho là cực tắc. Trong một năm bài tụng ,bài này là đầy đủ luận lý nhất, và cũng là bài có thể cách phân minh tuyệt diệu nhất. “Từng cưỡi ngựa sắt vào thành cao” là để tụng việc Lưu Thiết Ma đến. “ Chiều xuống truyền rằng sáu nước yên,” là để tụng việc Qui Sơn hỏi. “Vẫn cầm roi vàng hỏi khách về”, là để tụng lời Lưu Tuyết Ma nói rằng, “Ngày mai ở Đài Sơn có trai hội lớn, hòa thượng có đi dự không?” “Đêm sâu ai cũng đi lối vua,” là để tụng việc Qui Sơn nằm xuống, Lưu Tuyết Ma bỏ đi.

Tuyết Đậu có cái tài này, chỗ cấp thiết thì tụng cấp thiết, chỗ hòa hoãn thì tụng hòa hoãn. Phong Huyệt cũng đã từng bình (công án này), và cũng cùng một ý với Tuyết Đậu. Bài tụng này được người các nơi ca ngợi: “Đứng trên đỉnh núi cao, ngoại ma không thấy được. Đi dưới đáy biển sâu, mắt Phật nhìn không ra.”

Nhìn họ xem, một người nằm xuống một người liền bỏ đi. Nếu vẫn cứ loanh quanh thì chẳng bao giờ tìm ra lối. Ý của bài tụng của Tuyết Đậu thật là tuyệt. Đúng là đã từng cưỡi ngựa sắt vào thánh cao. Nếu như thầy ta không có chỗ chứng đắc ( giống như họ) làm sao thầy ta có thể như thế được? Thử nói xem, thầy ta đắc được ý gì? Há không nghe chuyện có ông tăng hỏi Phong Huyệt,“ Qui Sơn nói, “Con bò cái kia đến đó hả?” có nghĩa là gì?” Phong Huyệt nói, “Trên từng mây trắng rồng vàng nhảy.” Ông tăng hỏi, “Lúc Lưu Thiết Ma nói, “Ngày mai trên Đài Sơn có trai hội lớn, hòa thượng có đi dự không?” có nghĩa là gì?” Phong Huyệt nói, “Giữa lòng sóng biếc ngọc thỏ kinh” Ông tăng hỏi, “Lúc Qui Sơn nằm xuống có nghĩa là gì?” Phong Huyệt nói, “ Già nua lụ khụ ngày vô sự, nằm yên ngon giấc với núi xanh.” Ý này cũng giống với ý của Tuyết Đậu.

TẮC THỨ HAI MƯƠI LĂM: LIÊN HOA TRỤ TRƯỢNG

THÙY: Cơ không rời vị, rơi vào biển độc. Lời không kinh quần, vướng vào tầm thường. Hốt nhiên như ánh đá lửa phân biệt được tăng tục. Biện được sát hoạt trong ánh điện chớp, mới có thể tề bình mười phương, sừng sững như núi cao ngàn thước. Biết đó là thời tiết gì chăng? Xin nêu lên thử xem.

CỪ: Liên Hoa Phong Am Chủ dơ gậy lên dạy chúng rằng, “Cổ nhân đã đến đây, tại sao không chịu ở lại?” Trong chúng không ai nói gì, Am Chủ mới tự trả lời rằng, “Bởi vì họ không đắc lực trên đường.” Rồi lại nói tiếp, “Rốt cuộc như thế nào?” Rồi lại tự trả lời, “Vác gậy trên vai chẳng màng ai, đi thẳng lên trăm ngàn đỉnh cao.”

BÌNH: Các ông có phán xét được Liên Hoa Phong Am Chủ chăng? Gót chân của thầy ta vẫn chưa chấm đất. Vào đầu thời đại của chúng ta (nhà Tống) thầy ta dựng am trên đỉnh Liên Hoa trên núi Thiên Thai. Các bậc cổ nhân sau khi đắc đạo, thường ở trong lều tranh hang đá, nấu rau dãi trong nồi mẻ mà sống qua ngày. Không cầu danh lợi, phóng khoáng tùy duyên. (Thỉnh thoảng) dạy một lời then chốt, chỉ vì muốn đền ơn Phật, Tổ và truyền tâm ấn của Phật.

Mỗi khi thấy có ông tăng nào đến, Am Chủ thường dơ gậy lên nói, “ Cổ nhân đã đến đây, tại sao không chịu ở lại?.Trước sau hơn hai mươi năm mà rốt cuộc chưa từng có một người nào trả lời được. Chỉ một câu hỏi này thôi mà có cả quyền thực, chiếu dụng. Nếu như các ông đã biết cái bẫy của thầy ta, chẳng cần phải nắm vào làm gì. Nhưng mà thử nói xem, tại sao suốt hơn hai mươi năm mà thầy ta lại chỉ hỏi mỗi câu hỏi này? Đã là hành vi của bậc tong sư, tại sao lại chỉ nắm giữa một phía? nếu như các ông hiểu được điều này, đương nhiên sẽ không còn đi vào lối của tình trần.

Suốt trong hai mươi năm ấy có biết bao nhiêu người trình bày biện bạch, đưa ra kiến giải, giở hết tài nghệ của mình ra. Thí như có người nói được đi nữa, cũng chẳng đạt đến được chỗ cực tắc của Am Chủ. Hà huống tuy rằng việc này không ở nơi ngôn cú, song nếu không có ngôn cú thì làm sao phân biệt được? Há không nghe nói, “Đạo vốn vô ngôn, nhân ngôn hiển đạo” sao?Cho nên chỗ chính yếu để thử thách người khác là họ vừa mở miệng mình đã biết ngay âm thanh.

Cổ nhân dạy một câu nửa câu chẳng có ý gì khác, chỉ muốn xem các ông có biết có hay không mà thôi. Am Chủ muốn xem các ông có biết có hay không mà thôi. Am Chủ thấy người khác không hiểu cho nên mới tự trả lời rằng, “ Bởi vì nó không đắc lực trên đường.” Nhìn xem thầy ta nói được một cách khế cơ khế lý làm sao! Có bao giờ lạc mất tong chỉ đâu? Cổ nhân nói, “Nghe lời phải hiểu tông, đừng tự lập qui củ.” Người ngày nay vừa chạm phải đã nghĩ là mình đắc. Đắc thì đắc, song tại sao vẫn cứ một đầu lúng túng. Khi đến trước mặt một chuyên gia, thường có ba lời căn bản: “ấn không , ấn bùn , ấn nước,” để thử thách họ.Lúc ấy mới thấy rằng cũng giống như muốn nhét cọc vuông vào lỗ tròn, không thể nào mà vào được.

Đến chỗ này rồi, kiếm đâu ra được một người đồng đắc đồng chứng đây? Nếu như gặp được người biết là có, thì cứ mở rộng long mà giải bày. Có gì bất khả đâu? Nếu như không gặp được người, thì cứ giữ kín trong lòng. Tôi xin hỏi các ông, gậy là vật mà các ông tăng thường dung, tại sao Am Chủ lại nói là nó không đắc lực trên đường? Với lại cổ nhân đã đến đây tại sao không chịu ở lại? Bụi vàng tuy thực là quí song lúc nó bay vào mắt lại làm người ta mù.

Thạch Thất Thiện Đạo Hòa Thượng lúc bị nạn (khi Phật Giáo bị đàn áp vào năm 845) thường đưa gậy ra dạy chúng rằng, “Quá khứ chư Phật cũng thế, vị lai chư Phật cũng thế, hiện tiền chư Phật cũng thế.”

Một hôm trước tăng đường Tuyết Phong dơ gậy lên dạy chúng rằng.Cái này chỉ cho những người trung và hạ căn mà thôi. Lúc ấy có ông tăng bước ra hỏi, “Hốt nhiên gặp người thuộc căn cơ thượng thượng đến thì như thế nào?” Tuyết Phong nhặt gậy lên rồi bỉ đi. Vân Môn nói, “Tôi thì không giống như Tuyết Phong nhặt gậy lên rồi bỏ đi. Vân Môn nói, “ Tôi thì không giống như Tuyết Phong trong vấn đề dẹp tan những lúng túng.” Có ông tăng hỏi, “Chưa rõ hòa thượng thì như thế nào?” Vân Môn bèn đánh ông ta.

Phàm việc tham vấn, chẳng có gì nhiều nhặn cả.Chỉ vì các ông bên ngoài thì thấy có Phật để cầu, dưới thì thấy có chúng sinh để độ. Cần phải một lúc nhổ ra hết, sau đó trong suốt mười hai giờ, đi đứng nằm ngồi gì đều họp thành một thể. Lúc ấy tuy ở trên đầu một sợi lông mà vẫn thấy khoảng khoát như đại thiên thế giới, dù ở trong vạc dầu sôi mà vẫn như thể nơi an lạc quốc độ. Tuy ở giữa thất trân bát bảo mà vẫn tựa như ở trong lều tranh mái cỏ. Nếu như các ông là các tay chuyên gia thong suốt, các ông có thể đạt đến chỗ thật của cổ nhân một cách tự nhiên mà chẳng phí chút sức lực nào.

Am Chủ thấy không ai với tới được chỗ thâm sâu của mình cho nên mới lại nói, “ Rốt cuộc thì như thế nào?” Thiên hạ lại vẫn chẳng làm gì được, cho nên lại nói, “ Vác gậy trên vai chẳng màng ai, đi thẳng lên trăm ngàn đỉnh cao.” Thế nào là ý nghĩa của câu nói này? Thử nói xem, Am Chủ chỉ chỗ của thầy ta? Quả thật rằng có mắt trong lời, ngoài lời có ý. Tự đứng lên tự ngã xuống, tự buông bỏ tự nắm giữ.

Há không nghe chuyện Nghiêm Dương Tôn Giả trên đường gặp một ông tăng. Nghiêm Dương dơ gậy lên hỏi, “ Cái gì đây?” Ông tăng nói, “không biết.” Nghiêm Dương nói, “ Có mỗi một cái gậy mà ông cũng không biết!” Nghiêm Dương lại cầm gậy trên mặt đất nói, “ Biết chứ?” Ông tăng nói, “ Không biết.” Nghiêm Dương nói, “Cái lỗ trên mặt đất mà ông cũng không biết?” Nghiêm Dương lại gánh gậy lên vai, nói, “Hiểu không?” Ông tăng nói, “Không hiểu.” Nghiêm Dương nói, “Vác gậy lên vai chẳng màng ai, đi thẳng lên trăm ngàn đỉnh cao.” Cổ nhân đã đến đây , tại sao không chịu ở lại?”

Tuyết Đậu có bài tụng rằng, “ Ai kẻ gặp cơ duyên? Nêu lên không lừa dối. Người như thế thật hiếm, xô ngã cả đỉnh cao. Nấu chảy cả huyền vi, trùng quan đã mở rộng. Chuyên gia chưa cùng về, ngọc thỏ chợt tròn chợt khuyết.Kim ô bay mà không bay, lão Lô không biết đi về đâu, mây trắng nước trôi đều lưu luyến.”

Tại sao sư núi tôi lại nói, “ Sau đầu thấy má, đừng nên qua lại”? Vừa toan so đo là các ông đã vướng vấp trong núi tối hang ma rồi. Nếu như các ông thấy được suốt đủ được lòng tin thì ngàn người vạn người không chi phối mà cũng chẳng làm gì được các ông. Bị dồn này đẫy, các ông sẽ biết sát hoạt một cách tự nhiên. Tuyết Đậu hiểu ý của Am Chủ khi thầy ta nói, “Đi thằng lên trăm ngàn đỉnh cao.” Mới bắt đầu làm bài tụng. Nếu như các ông muốn biết ý hướng (của công án) xin xem tụng của Tuyết Đậu.

TỤNG

Bụi trần trong mắt đất trong tai,

Trăm ngàn đỉnh cao không chịu ở.

Nước chảy hoa trôi quá bang bạc,

Nhướng mắt lên nhìn đi về đâu?

BÌNH: Tuyết Đậu tụng hết sức là tuyệt, có chỗ chuyển than và không nệ vào một góc. Lập tức thầy ta nói, “ Bụi trần trong mắt đất trong tai.” Câu này tụng Liên Hoa Phong Am Chủ. Các nạp tăng đến chỗ này, trên không có gì để kính ngưỡng, dưới cắt đứt hết tự ngã, bất cứ lúc nào cũng như ngớ như ngẫn. Há không nghe Nam Tuyền nói, “ Những người học đạo mà như si độn thì thật là khó kiếm.” Pháp Đăng nói, “ Ai hiểu được ý này, khiến tôi nhớ Nam Tuyền.” Nam Tuyền lại nói, “ Bảy trăm cao tăng đều là những người hiểu Phật pháp. Chỉ có Lô hành giả là không hiểu Phật pháp, mà chỉ hiểu đạo, cho nên mới được y bát của (Ngũ Tổ)”. Thử nói xem Phật pháp và đạo cách nhau bao xa?

Tuyết Đậu nêu rằng, “ Cát không vào được mắt, nước không vào được tai. Thảng hoặc có một người như thế, có đủ đức tin, nắm giữ chắc chắn, kẻ ấy hẳn không bị người khác lừa dối. Ngôn giáo của Phật với Tổ lúc ấy chỉ còn là những tiếng huyên náo vô nghĩa mà thôi. Xin mời các ông treo cao bát và túi, bẻ gãy gậy đi, rồi làm các vô sự đạo nhân mà thôi.” Tuyết Đậu cũng nói, “ Mắt chứa được núi Tu Di, tai chứa được nước biển lớn. Có một loại người, chịu sự thương lượng của người khác. Ngôn giáo của Tổ, Phật lúc ấy như thể rồng gặp nước cọp dựa núi. Người ấy nên nhặt bát và túi vác gậy trên vai. kẻ ấy cũng là một vô sư đạo nhân.” Tuyết Đậu lại nói,” Như thế cũng không được mà không như thế cũng không được. Rốt cuộc chẳng có gì là nhằm nhò cả.”

Trong ba loại vô sự đạo nhân kia, nếu như chọn một làm thầy, thì phải là cái người đúc sắt này mới đúng. Tại sao vậy? Người này dù gặp cảnh giới ác hay gặp cảnh giới kỳ đặc, đối với gã cũng đều y như mộng cả. Kẻ ấy không biết có lục căn mà cũng chẳng biết sáng tối. Dù cho đến được cảnh giới này, kỵ nhất vẫn cứ là đừng ôm giữ tro lạnh lửa chết, cũng như đừng lạc vào nơi tối ám âm u. Cũng vẫn cần phải có một con đường để chuyển than mới được. Há không nghe cổ nhân nói, “Đừng nắm giữ màu xanh của cỏ lạ trên vách núi lạnh, ngồi như mây trắng tông môn không huyền diệu.” Cho nên Liên Hoa Phong Am Chủ mới nói, “ Bởi vì nó không đắc lực trên đường.” Phải lên ngàn vạn đỉnh cao thì mới được. Nhưng mà thử nói xem, “ Ngàn vạn đỉnh cao là gì?”

Tuyết Đậu chỉ thích Am Chủ nói, “ Vác gậy trên vai chẳng màng ai, đi thẳng lên ngàn vạn đỉnh cao.” Cho nên mới tụng ra. Thử nói xem, Am Chủ đi về đâu? Có còn ai biết thầy ta đi về đâu chăng? Nước chảy hoa trôi quá bang bạc.” Hoa rụng tơi tả, nước chảy dật dờ. Đối với kẻ có căn cơ như thiểm điện, trước mắt là gì? “ Nhướng mắt lên nhìn đi về đâu?” Tại sao chính Tuyết Đậu cũng không biết thầy ta đi về đâu?” Cũng giống như sư núi tôi nói vừa rồi mới dơ phất trần lên. Thử nói xem, hiện giờ nó ở đâu? Nếu như các ông thấy được, các ông có thể cùng tham Thiền với Liên Hoa Phong Am Chủ. Nếu chưa được như thế, xin quay về phòng của mình mà quán sát cho cặn kẽ xem.

TẮC THỨ HAI MƯƠI SÁU: BÁCH TRƯỢNG NGỒI MỘT MÌNH TRÊN ĐỈNH ĐẠI HÙNG

CỬ: Có ông tăng hỏi Bách Trượng, Thế nào là sự việc kỳ đặc?” Bách Trượng nói, “Ngồi một mình trên đỉnh Đại Hùng.” Ông tăng lễ lậy, Bách Trượng bèn đánh.

BÌNH:Gặp cơ duyên có đủ mắt nhìn, chẳng màng nguy vong. Cho nên mới có câu nói, “Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con?” Bách Trượng bình thường giống như con cọp mọc cánh. Ông tăng này cũng không nệ sinh tử, dám vuốt râu hùm cho nên mới hỏi, “Thế nào là sự việc kỳ đặc?” Ông tăng này kể cũng có mắt. Bách Trượng bèn chịu gánh nặng cho ông ta, nên mới nói, “ Ngồi một mình trên đỉnh Đại Hùng.” Ông tăng kia bèn lễ lậy. Các nạp tăng cần phải biện được cái ý trước câu hỏi thì mới được.

Ông tăng này lễ lậy không giồng như bình thường, cần phải có mắt mới có thể như thế được. Đừng bắt ông ta phải thố lộ tâm can bình sinh cho người khác. Biết nhau mà giống như không biết nhau. Còn việc ông tăng kia hỏi,” Thế nào là sự việc kỳ đặc?” Bách Trượng nói, “ Ngồi một mình trên đỉnh Đại Hùng.” Ông tăng lễ lậy, Bách Trượng bèn đánh. Nhìn xem, lúc buông bỏ cả hai đều như thế cùng một lúc, lúc thu về thì họ quét sạch hết tung tích. Thử nói xem, lúc ông ta lễ lậy, ý chỉ như thế nào?

Nếu như các ông bảo là hay thì tại sao Bách Trượng lại đánh ông ta? Nếu bảo là không hay , thì ông ta lễ lậy có chỗ nào là không phải? Đến chỗ này rồi thì các ông phải biết phân biệt lỗi phải, tăng tục, đứng trên đỉnh cao ngàn trượng mới được.

Ông tăng này lễ lậy giống y như thể vuốt râu hùm, nhằm tranh một chỗ chuyển than. May mà Bách Trượng có mắt trên đỉnh đầu, có bùa sau khuỷy tay, chiếu phá tứ thiên hạ, phân biện được căn cơ của kẻ tới. Cho nên thầy ta mới đánh ông tăng. Nếu như là người khác hẳn đã chẳng làm gì được ông tăng. Ông tăng này lấy căn cơ đối căn cơ, dung ý đuổi theo ý, cho nên ông ta mới lễ lậy.

Nam Tuyền nói, “Đêm qua lúc canh ba Văn Thù và Phổ Hiền khởi Phật kiến Pháp kiến. Tôi đánh cho mỗi người hai mươi gậy và biếm cho bị nhốt giữa hai dẫy núi sắt.” Lúc ấy Triệu Châu bước ra khỏi chúng hội nói, “Gậy của hòa thượng bắt ai ăn đây?” Nam Tuyền nói, “ Vương Lão Sư có lỗi ở chỗ nào?” Triệu Châu bèn cúi lậy . Các bậc thầy trong tông môn chúng ta thường không lơ là quan sát chỗ thụ dụng của người khác.Lúc làm chủ chốt tình hình nêu lên (công án) thì lại sống động hết sức.

Ngũ Tổ (Pháp Diễn) thường nói, “ Giống như thể xô đẩy nhau dưới chân ngựa.” Các ông chỉ cần cắt đứt hết kiến văn thanh sắc thì các ông có thể nắm chắc và làm chủ tình hình được. Chỉ lúc ấy các ông mới thấy Bách Trượng được. Song thử nói xem, lúc buông bỏ thì như thế nào? Thử xem tụng của Tuyết Đậu xem.

TỤNG

Tổ vực tung hoành thiên mã câu,

Cuốn mở phương tiện không cùng đường.

Đá lửa điện chớp còn cơ biến,

Nực cười người đến vuốt râu hùm.

BÌNH: Tuyết Đậu nhìn thấu được cho nên mới tụng ra. Thiên mã câu mỗi ngày đi nag2n dặm, chạy ngang chạy dọc bôn trì như bay cho nên mới gọi là thiên mã câu. Tuyết Đậu tụng Bách Trượng trong tổ vực chạy từ đông sang tây, từ tây sang đông, lúc đi lúc về, tung hoành ngang dọc không chút trở ngại, giống như thể thiên mã câu. Khéo bay nhảy, cho nên mới thấy được chỗ tự do. Đó là nhờ thầy ta đắc được đại cơ đại dụng từ Mã Tổ.

Há không nghe có ông tăng hỏi Mã Tổ, “ Thế nào là đại ý của Phật pháp?” Mã Tổ bèn đánh và nói, “ Nếu như tôi không đánh ông, tất cả mọi người trong thiên hạ sẽ chê cười tôi.” Ông tăng lại hỏi, “Thế nào là ý của Tổ Sư từ Tây Trúc qua?” Mã Tổ nói, “Đến gần đây tôi sẽ nói cho ông.” Ông tăng ghé đến gần, Mã Tổ bèn bẹo tai ông tăng rồi nói, “ Sáu tai không đồng một ý.” Nhìn xem Mã Tổ đạt được tự tại như thế, ở trong phương tiện cuốn mở tùy ý. Có lúc mở không ở nơi cuốn, có lúc cuốn không ở nơi mở, có lúc cuốn mở đều không có. Cho nên mới có câu nói, “Cùng đường mà không chung lối.” Đó là để tụng cái khả năng này của Bách Trượng.

Tuyết Đậu nói, “Đá lửa điện chớp còn cơ biến.” Đó là để tụng ông tăng kia như đá lửa điện chớp, ở trong chỗ có chút cơ biến này. Nham Đầu nói, “ Khước từ sự vật là thượng, đuổi theo sự vật là hạ. Nếu luận về việc chiến thì mọi người đều đứng nơi chỗ chuyển xứ.” Tuyết Đậu nói, “ Cơ luân chưa từng bao giờ chuyển. Nếu như chuyển hẳn nó sẽ xoay theo hai phía.” Nếu như nó không chuyển được, thì ích lợi ở chỗ nào? Bậc đại trượng phu cũng phải biết đôi chút cơ biến mới được. Người thời nay chỉ biết bày tỏ cái khẩn khoản của mình để rồi bị xỏ mũi, biết đến bao giờ mới dứt dây?

Ông tăng kia biết giữ cơ biến giữa đá lửa điện chớp cho nên mới lậy. Tuyết Đậu nói, “Nực cười người đến vuốt râu hùm.” Bách Trượng giống như một con cọp, nực cười thay ông tăng kia dám đến vuốt râu hùm.

TẮC THỨ HAI MƯƠI BẢY: THỂ LỘ KIM PHONG CỦA VÂN MÔN

THÙY:Hỏi một đáp mười. Nêu một rõ ba. Thấy thỏ thả ưng, nhân gió thổi lửa, không tiếc lông mày. Điều này tạm để qua một bên. Lúc vào hang cọp thì như thế nào? Thử nêu lên xem.

CỬ:Lúc cây khô lá rụng thì như thế nào? Vân Môn nói, “Thể lộ kim phong.”[11]

BÌNH: Nếu như vào được chỗ này, sẽ thấy được chỗ vì người của Vân Môn. Nếu như vẫn chưa như thế được, thì vẫn cứ chỉ nai mà bảo là ngựa như trước. Mắt đui tai điếc, ai là người đến cảnh giới này? Thử nói xem, Vân Môn có ý đáp câu hỏi của ông tăng kia, hay là có ý xướng họa với ông? Nếu như bảo là đáp câu hỏi của ông tăng,thì các ông quả là lầm lẫn bám vào điểm giữa của cán cân. Nếu như bảo là Vân Môn xướng họa với ông tăng, thì chẳng có gì là đúng cả. Nếu đã không như thế, thì cứu cánh là như thế nào? Nếu như các ông thấy rõ được, thì mũi của các nạp tăng cũng chẳng đáng để nắm. Còn nếu vẫn chưa như thế được, thì các ông vẫn cứ lạc vào hang mà như cũ.

Phàm việc phù trì và xây dựng tông thừa, cần phải đưa toàn than ra mà vác gánh nặng, không tiếc lông mày, dám nằm ngang trước miệng cọp, để nó kéo lê ngang dọc. Nếu không như thế, thì làm sao mà vì người khác được? Ông tăng này đặt câu hỏi quả thật là nguy hiểm vời vợi. Nếu nhìn ông ta từ quan điểm của những việc tầm thường, ông ta chỉ giống như một ông tăng vướng vào những chuyện vớ vẫn không đâu. Song nếu dựa vào tông môn của các nạp tăng rồi bắt mạch mà quan sát, ông ta quả thật có điểm kỳ diệu. Nhưng mà thử nói xem, lúc cây khô lá rụng thì đó là cảnh giới của ai? Trong mười tám lối đặt câu hỏi thì đây được gọi là “ biện chủ vấn.” Cũng được gọi là “ tá sự vấn” ( mượn sự mà hỏi).

Vân Môn chẳng di dịch một tơ hào, chỉ nói với ông tăng, “Thể lộ kim phong.” Vân Môn đáp một cách hết sức kỳ diệu mà còn không cô phụ câu hỏi của ông tăng. Bởi vì câu hỏi của ông tăng có mắt, câu đáp của Vân Môn cũng hết sức sắc bén. Cổ nhân nói, “ Muốn đạt đến chỗ thân thiết thì dừng đem câu hỏi đến mà hỏi.” Nếu như là tri âm, thì người kia vừa nêu lên, mình đã hiểu ngay ý hướng. Nếu như các ông đi vào ngữ mạch của Vân Môn mà tìm kiếm , lập tức các ông lầm lẫn. Chỉ có điều là trong câu của Vân Môn có chỗ thường khiến cho người ta đưa ra những kiến giải thiên chấp. Nếu như tôi dùng thiên kiến ra mà hiểu Vân Môn, thật khó tránh mà tuyệt hết con cháu.

Vân Môn thích cưỡi ngựa của kẻ trộm để đuổi kẻ trộm. Há không nghe có ông tăng hỏi Vân Môn, “Thế nào là chỗ không có tư lương?” Vân Môn nói, “ tình thức khó dò”. Ông tăng lại hỏi, “ Lúc cây khô lá rụng thì như thế nào?” Vân Môn nói, “Thể lộ kim phong,” Trong câu của Vân Môn quả thật cắt đứt hết cầu nối, thẳng thông thánh phàm. Cần phải hiểu cách nêu một rõ ba nêu ba rõ một của thầy ta, nếu như các ông đi tìm trong ba câu của Vân Môn thì có khác gì nhổ tên ở sau đầu. Trong một câu của Vân Môn có đủ cả ba câu: câu bao gồm trời đất, câu đuổi theo song nước, câu cắt đứt hết các dòng (tư tưởng), phù hợp với nhau một cách tự nhiên. Trong ba câu này, thử nói xem Vân Môn dùng câu nào để tiếp thiên hạ? Thử phân biện xem sao. Tụng rằng:

TỤNG

Hỏi đã có tông,

Đáp cũng toàn đồng.

Ba câu biện được,

Một tên trên không.

Đồng lớn hề gió lạnh vùn vụt,

Trời cao hề mưa bụi lãng đãng.

Người thấy chăng Thiếu Lâm ngồi lâu khách chưa về,

Hùng Nhĩ êm đềm một tùng lâm.

BÌNH:Cổ nhân nói, “Nghe lời phải hiểu tông, đừng tự lập qui củ.” Lời của cổ nhân không phải là bày ra một cách rỗng tuếch. Cho nên mới có câu nói, “Phàm khi hỏi về một việc gì, cũng cần phải có chút hiểu biết về đúng sai, Nếu như không biết tôn ti, mở miệng nói bừa, có ích lợi gì đâu?” Phàm mỗi khi nói ra một lời gì bày tỏ ra một điều gì, cần phải như kềm như kẹp, có câu có móc, phải tương tục bất đoan. Chỗ hỏi của ông tăng này có tông chỉ. Chỗ đáp của Vân Môn cũng thế. Vân Môn thường dùng ba câu mà tiếp thiên hạ, đây chính là cực tắc vậy.

Tụng của Tuyết Đậu về công án này là cùng một loại với tụng về công án Đại Long. “ Ba câu biện được.” Trong một câu có đủ cả ba câu. Nếu như biện được, ắt thấu qua được ba câu. “Một tên trên không”. Mũi tên bắn ra quá xa cho nên các ông phải đưa mắt ra nhìn thật nhanh thì mới bắt kịp. Nếu như các ông thấy được rõ rang, thì trong một câu các ông có thể khai mở được cả đại thiền thế giới. Bài tụng rộng them ra rằng, “Đồng lớn hề gió lạnh vùn vụt, trời cao hề mưa bụi lãng đãng.” Thử nói xem, đây là tâm hay cảnh? Huyền hay diệu? Cổ nhân nói, “ Pháp pháp chẳng ẩn tang, cổ kim thường hiển lộ.”

Ông tăng hỏi, “ Lúc cây khô lá rụng thì như thế nào?” Vân Môn nói, “ Thể lộ kim phong.” Ý của Tuyết Đậu là chỉ để tạo nên một cảnh. Như hiện giờ trước mắt, gió thổi hiu hiu, không phải gìo đông nam thì cũng là gío tây bắc. Song cần phải hiểu như thế mới được. Nếu như các ông bày đặc hiểu theo Thiền đạo, thì chẳng có gì là đúng cả.

“Người thấy chăng Thiếu Lâm ngồi lâu khách chưa về.” Đạt Ma trước khi trở về Tây Thiên chín năm ngồi yên lặng quay mặt vào tường. Thử nói xem, phải chăng đây là cây khô lá rụng? Thử nói xem, phải chăng đây là thể lộ kim phong? Nếu như có thể ở đây mà hợp thành một thể cả cổ kim phàm thánh càn khôn đại địa, thì mới có thể thấy được chỗ vì người của Tuyết Đậu. “ Hùng Nhĩ êm đềm một tùng lâm.” Hùng Nhĩ tức là Tây Kinh Tung Sơn Thiếu Lâm. Trước núi cũng ngàn tùng vạn tùng, sau núi cũng ngàn tùng vạn tùng. Các ông phải thấy ở chỗ nào đây? Có thấy chỗ vì người của Tuyết Đậu không? Cũng chỉ là con rùa linh kéo lê cái đuôi mà thôi.

TẮC THỨ HAI MƯƠI TÁM: CHƯ THÁNH CỦA NIẾT BÀN HÒA THƯỢNG

CỬ: Nam Tuyền đến tham kiến Niết Bàn Hòa Thượng ở núi Bách Trượng. Bách Trượng hỏi, “Chư thánh từ xưa còn có Pháp nào chưa nói cho thiên hạ không?” Nam Tuyền nói, “Có.” Bách Trượng nói, “Thế nào là Pháp chưa nói cho thiên hạ?” Nam Tuyền nói, “ Không phải tâm, không phải Phật, không phải vật.” Bách Trượng nói, “Như thế là nói rồi.” Nam Tuyền nói, “Kẻ hèn này thì như thế, còn hòa thượng thì như thế nào?” Bách Trượng nói, “Tôi đã không phải là bậc thiện tri thức, làm sao biết là đã nói hay chưa nói.” Nam Tuyền nói, “Kẻ hèn này không hiểu.” Bách Trượng nói, “Tôi đã hết sức nói cho ông rồi.”

BÌNH: Đến chỗ này chẳng cần “là tâm” hay “ không phải là tâm”, hoặc “không phải là tâm” hay “không không phải là tâm.” Tuy từ đầu đến chân không có một sợi lông mày, song như thế mà vẫn còn hơn. Thọ Thiền Sư gọi “ là tâm” là lối giải thích trực tiếp, “ không phải là tâm” là lối giải thích gián tiếp, đây chính là Niết Bàn Hòa Thượng Pháp Chính Thiền Sư. Hồi xưa làm viện chủ Tây Đường tại Bách Trượng. Sau lập tự viện giảng Phật pháp.

Lúc ấy Nam Tuyền đã gặp Mã Tổ rồi, sau đó đang đi nơi để quyết trạch (Phật pháp). Bách Trượng đặt câu hỏi này kể cũng hết sức khó đáp. Hỏi rằng, “Chư thánh từ xưa có còn Pháp nào chưa nói cho thiên hạ không?” Nếu như là sơn tăng tôi, thì tôi đã bịt tai mà bỏ ra rồi. Hãy nhìn xem cơn lúng túng của lão hán này. Nếu như la một chuyên gia mà thấy thầy ta hỏi như thế hẳn đã nhìn thấu thầy ta rồi. Nam Tuyền chỉ dựa vào chỗ thấy của mình cho nên nói, “ Có.” Quả thật là càn rỡ.[12]

Bạch Trượng lấy lầm lẫn ra đối với lầm lẫn, nói tiếp rằng, “ Thế nào là Pháp chưa nói cho thiên hạ?” Nam Tuyền nói, “Không phải tâm, không phải Phật, không phải vật.” Lão này tham ngắm trăng trên trời, mà đánh mất viên ngọc trong lòng bàn tay. Bách Trượng nói, “Như thế là nói rồi.” Đáng tiếc thầy ta đã nói toạc cả ra cho Nam Tuyền rồi. Lúc ấy phải cứ nhắm lưng thầy ta mà lấy gậy nện cho thầy biết thế nào là đau đớn.

Tuy là như thế, song các ông thử nói xem, chỗ nào là chỗ thầy ta nói? Theo chỗ thấy của Nam Tuyền thì không phải tâm, không phải Phật, không phải vật, chưa từng bao giờ được nói ra. Xin hỏi các ông, tại sao Bách Trượng lại nói, “như thế là nói rồi”? Trong lời nói của Nam Tuyền lại vô tung vô ích. Nếu bảo rằng thầy ta không nói, thì tại sao Nam Tuyền lại nói như thế? Nam Tuyền lại là người biết quyền biến cho nên mới dồn Bách Trượng mà nói tiếp rằng, “Kẻ hèn này thì như thế, còn hòa thượng thì như thế nào?” Nếu như là người khác khó mà tránh khỏi lúng túng không biết phải làm sao. Bách Trượng vốn là tay chuyên gia, chỗ trả lời của thấy ta quả thật là kỳ đặc. Nói ngay rằng, “ Tôi đã không phải là bậc thiện tri thức, làm sao biết là đã nói hay chưa nói?” Nam Tuyền bèn nói rằng mình không hiểu. Thầy ta quả thực hiểu song lại nói là không hiểu. Đây chẳng phải là không hiểu thực sự. Bách Trượng nói, “Tôi đã hết sức nói cho ông rồi.” Song thử nói xem, chỗ nào là chỗ thầy nói?

Nếu như là hai kẻ nghịch bùn đất thì cả hai hẳn đã lem luốc rồi. Nếu như cả hai đều là những chuyên gia, ắt giống như hai tấm gương trên giá. Kỳ thực thoạt đầu cả hai đều là chuyên gia, sau đó cả hai lại cùng buông bỏ. Nếu như các ông là những người có mắt, các ông phải thử thách họ một cách rõ ràng. Song thử nói xem, phải thử thách họ bằng cách nào? Xin xem tụng của Tuyết Đậu.

TỤNG

Tổ Phật xưa nay chẳng vì người,

Nạp tăng xưa nay sánh vai đi.

Gương sang trên khung ảnh biệt dị,

Quay cả về nam nhìn bắc đẩu.

Bắc đẩu nghiêng,

Không nơi tìm.

Nhếch được mũi lên mất luôn miệng.

BÌNH: Đức Thích Ca Mâu Ni xuất thế bốn mươi chín năm chưa từng nói lấy một chữ. Bắt đầu từ Quang Diệu độ cho đến cuối cùng ở song Bạt Đề, giữa khoảng đó chưa từng nói một chữ. Thử nói xem, nói như thế là có nói hay không có nói? Hiện giờ tràn Long Cung đầy Hải Tàng, tại sao lại là không nói? Há không nghe Từ Sơn Chủ nói, “Chư Phật không xuất thế , bốn mươi chín năm thuyết. Đạt Ma không từng đến, Thiếu Lâm có diệu quyết.” Lại nói, “Chư Phật chưa từng xuất thế mà cũng chẳng có Pháp gì cho thiên hạ cả. Chư Phật chỉ quán tâm của chúng sinh rồi tùy cơ mà cho thuốc hợp với bệnh. Do đó mà chúng ta có ba thừa và mười hai phần giáo.”

Kỳ thực từ xưa đến nay Phật, Tổ chưa từng nói gì cho người ta cả. Cái việc không vì người này, chúng ta phải tham một cách hết sức cận kẻ. Sư núi tôi thường nói rằng, dù cho tôi có nói them một câu ngọt như mật đi nữa, song lúc quan sát kỹ lại thì chính là độc dược. Nếu như ngay giây phút thiên hạ mở miệng các ông sơ gậy lên nhắm ngay lưng họ mà khệnh, rồi đuổi họ ra, thì đó mới là giúp người một cách thân thiết.

“ Nạp tăng xưa nay sánh vai đi.” Đến bất cứ chỗ nào, đúng họ cũng hỏi không đúng họ cũng hỏi , hỏi Phật hỏi Tổ, hỏi hướng thượng hỏi hướng hạ. Tuy là thế, song nếu chưa đạt được đến mức độ này, thì vẫn chưa được chút gì cả.” Gương sang trên khung ảnh biệt dị.” Chỉ cần một câu này thôi là cũng có thể phân biện minh bạch. Cổ nhân nói” Vạn tượng là sâm la chỉ là dấu ấn của một Pháp.” Lại nói, “ Sâm la và vạn tượng đều viên mãn ở trong ấy cả.”

Thần Tú Đại Sư nói, “Thân là cội bồ đề, tâm là đài gương sang, phải luôn luôn lau chùi, đừng để nhiễm bụi trần.” Ngũ Tổ (Hoằng Nhẫn) bảo rằng Thần Tú hãy vẫn còn ở ngoài cửa. Tuyết Đậu nói như thế, các ông thử nói xem, thầy ta ở trong hay ở ngoài cửa? Các ông ai cũng có một tấm gương xưa. Sâm la vạn tượng dài ngắn vuông tròn tất cả đều hiển hiện trong ấy. Nếu như các ông nắm vào cái dài ngắn mà hiểu, ắt là các ông mãi mãi rờ rẫm không ra. Cho nên Tuyết Đậu mới nói, “ Gương sáng trên khung ảnh biệt dị.”

Cho nên các ông “quay cả về Nam nhìn Bắc đẩu.” Đã quay về hướng nam tại làm sao còn nhìn bắc đẩu? Nếu hiểu được như vậy mới thấy được chỗ tương kiến giữa Bách Trượng và Nam Tuyền. Hai dòng này tụng việc Bách Trượng dồn (Nam Tuyền) mãi. Bách Trượng nói, “Tôi đã không phải là bậc thiện tri thức, làm sao biết là đã nói hay chưa?” Đến chỗ này tụng của Tuyết Đậu rơi vào nước chết. Sự thiên hạ hiểu lầm, thầy ta lại nêu lên rằng, “Bắc đẩu nghiêng, không nơi tìm. Nhếch được mũi lên mất luôn miệng.” Nhếch được miệng lên thì lại mất luôn mũi.

TẮC THỨ HAI MƯƠI CHÍN: HỎA KIẾP CỦA ĐẠI TÙY

THÙY: Cá bơi nước đục, chim bay lông rụng. Biện rõ chủ khách, phân biệt tăng tục. Giống như gương sáng trên khung, ngọc sáng trong tay. Hán hiện Hồ đến, tiếng trong hình rõ. Thử nói xem, tại sao như thế?

CỬ: Có ông tăng hỏi, “Hỏa kiếp cháy suốt, đại thiên đều hoại. Chẳng hiểu cái này có bị hoại hay không?” Đại Tùy nói, “Có bị hoại.” Ông tăng nói, “Vậy thì nó cũng giống như những cái kia.” Đại Tùy nói, “Cũng giống như những cái kia.”

BÌNH: Đại Tùy Pháp Chân Hòa Thượng là người truyền thừa của Đại An Thiền Sư. Vốn là người Diêm Đình Huyện, Đông Xuyên. Đã từng đi tham kiến với hơn sáu mươi vị thiện tri thức. Hồi trước làm đầu bếp trong chúng hội của Qui Sơn.Một hôm Qui Sơn hỏi, “Ông ở đây mấy năm rồi, mà vẫn chưa biết đặt ra một câu hỏi để tôi xem ông như thế nào?” Đại Tùy nói, “ Hòa thượng muốn kẻ hèn này phải hỏi như thế nào mới đúng?” Qui Sơn nói, “ Chẳng lẽ ông không biết hỏi chư Phật là gì sao? Đại Tùy bèn đưa tay ra che miệng Qui Sơn, Qui Sơn nói “ Sau này ông tìm một người để quét đất cũng không có.”

Sau Đại Tùy trở về Đồng Xuyên. Thoạt tiên ở một sơn lộ nơi Bằng khẩu, nấu trà tiếp đãi người qua lại suốt ba năm. Sau đó mới xuất thế khia sơn tại Đại Tùy. Có ông tăng hỏi, “ Hỏa kiếp cháy suốt, đại thiên đều hoại. Chẳng hiểu cái này có bị hoại hay không?” Ông tăng chỉ biết dựa trên ý của giáo để đến hỏi mà thôi. Trong giáo nói, “ Thành trụ hoại không. Lúc tam tai kiếp khởi,sự hoại diệt lên đến tận tam Thiền thiên.” Ông tăng nguyên lai không hiểu ý hướng của câu nói này.

Thử nói xem, “cái này” là cái gì? Thiên hạ đa số hay đưa ra các kiến giải thiên chấp nói rằng, “Cái này” có nghĩa là bổn tính của chúng sinh.” Đại Tùy nói, “Có bị hoại” Ông tăng nói, “ Vậy thì nó cũng giống như những cái kia.” Đại Tùy nói, “Cũng giống như những cái kia.” Chỉ có “cái này” mà biết bao nhiêu người cứ dựa vào kiến giải thiên chấp chẳng biết đâu mà rờ rẫm. Nếu nói nó cũng giống như những cái kia, thì nó ở đâu? Nếu nói nó không giống như những cái kia thì như thế nào? Há không nghe nói, “ Nếu muốn đạt được chỗ thân thiết, đừng đem câu hỏi đến hỏi” sao? Sau đó có ông tăng hỏi Từ Sơn Chủ, “Hảo kiếp cháy suốt, đại thiên đều bị hoại. Không hiểu cái này có bị hoại hay không?” Sơn Chủ nói, “ Không bị hoại.” Ông tăng nói, “Tại sao lại không bị hoại?” Sơn Chủ nói, “Bởi vì nó cũng giống như đại thiên.” Hoại với không hoại đều làm trở ngại người ta hết sức.

Ông tăng kia không hiểu lời nói của Đại Tùy, quả thật có cái niệm như thế. Bèn đem câu hỏi kia đến Thứ Châu Đầu Tử Sơn. Đầu Tử hỏi, “Ông mới ở đâu đến vậy?” Ông tăng nói, “ Từ Tây Thục Đại Tùy.” Đầu Tử hỏi, “Đại Tùy có nói gì không?” Ông tăng thuật lại câu chuyện trước đó. Đầu Tử thắp hương lễ lạy nói rằng, “ Tây Thục có cổ Phật xuất thế, ông mau trở về đi thôi.” Ông tăng bèn trở về chỗ Đại Tùy, song Đại Tùy đã thiên hóa. Ông tăng này mới lúng túng làm sao!

Sau đó có vị tăng thuộc nhà Đường tên là Cảnh Tôn làm bài thơ vịnh Đại Tùy rằng, “Rõ ràng không biết Pháp, ai bảo ấn Nam Năng [13]. Một câu “giống cái khác” khiến tăng chạy ngàn núi. Dế lạnh gáy trong lá, ma đêm lậy đèn Phật. Ngâm nga ngoài cửa lẻ, bồi hồi hận khôn nguôi.” Cho nên Tuyết Đậu sau này mới dẫn hai câu này để tụng ra. Hiện giờ các ông không được hiểu là “hoại” mà cũng không được hiểu là “ không hoại”. Rốt cuộc phải hiểu như thế nào? Mau đưa mắt nhìn xem!

TỤNG:

Trong lửa tận kiếp đặt câu hỏi,

Nạp tăng vẫn vướng hai lớp quan.

Thương thay một câu “giống như” kia,

Vạn dặm thui thủi mình đi về.

BÌNH: Tuyết Đậu dựa vào cơ duyên mà tụng ra, trong câu có chỗ xuất thân. “Trong lửa tận kiếp đặt câu hỏi, nạp tăng vẫn vướng hai lờp quan.” Câu hỏi của ông tăng này kể từ đ2âu đã chỉ quan tâm đến “hoại” hay “không hoại”, đây chính là hai lớp quan. Nếu như là người có chỗ chứng đắc thì có nói “hoại hay không hoại”, người ấy vẫn có chỗ xuất thân như thường.

“Thương thay một câu “giống như” kia, vạn dặm thui thủi mình đi về.” Là để tụng ông tăng kia đem câu hỏi đến hỏi Đầu Tử, rồi lại trở về Đại Tùy, đây có thể bảo là vạn dặm thui thủi.

TẮC THỨ BA MƯƠI: CỦ CẢI CỦA TRIỆU CHÂU

CỬ: Có ông tăng hỏi Triệu Châu, “Nghe nói hòa thượng có đích thân gặp ngài Nam Tuyền rồi phải không?” Triệu Châu nói, “Trấn Châu sản xuất củ cải lớn.”

BÌNH: Ông tăng này cũng là người tham Thiền từ lâu, trong câu hỏi của ông ta quả thật có mắt. Song Triệu Châu là một chuyên gia, cho nên mới đáp rằng, “Trần Châu sản xuất củ cải lớn.” Đây có thể gọi là lời nói chuyện vô vị làm nghẹn miệng người ta. Lão hán này giống y như kẻ cướp giữa ban ngày ban mặt. Các ông vừa mở miệng thầy ta đã móc mắt các ông rồi. Nếu như các ông là những kẻ đặc biệt anh linh, thì trong ánh đá lửa điện chớp kia, vừa nghe nêu lên, đã đứng dậy bỏ đi ngay. Còn nếu như vẫn giữ lại tư tưởng ngưng bặt cơ duyên, khó mà khỏi không tang thân thất mạng.

Giang Tây Trừng Tán Thánh phán công án này là “hỏi đông đáp tây”. Bảo rằng Triệu Châu không trả lời câu hỏi không bị rơi vào hầm bẫy của ông tăng kia. Nếu các ông hiểu như vậy thì làm sao mà đắc. Lục công Viễn nói,” Đây là những lời ngó từ bến ngoài.” Có thu trong Cửu Đới. Nếu như các ông hiểu như thế thì cho dù trong mộng các ông cũng chẳng thấy được, hơn nữa còn làm lien lụy đến Triệu Châu.

Có người nói, “Xưa nay Trấn Châu lúc nào cũng sản xuất củ cải lớn, người trong thiên hạ ai cũng biết cả. Triệu Châu đã từng tham kiến Nam Tuyền, việc ấy mọi người trong thiên hạ cũng đều biết. Thế mà ông tăng kia lại vẫn còn hỏi là “ Nghe nói hòa thượng có đích thân gặp ngài Nam Tuyền rồi phải không? Cho nên Triệu Châu mới nói với ông ta rằng, “ Trấn Châu sản xuất củ cải lớn.” Song nói như thế chẳng có gì là đúng cả. Nếu như các ông không hiểu như thế, thì rốt cuộc phải hiểu như thế nào? Triệu Châu tự có con đường lên trời.

Há không nghe có ông tăng hỏi Cửu Phong, “Nghe nói hòa thượng có đích thân gặp ngài Diên Thọ phải không?” Cửu Phong nói, “ Lúa mạch dưới núi chín chưa?” Câu trả lời này hoàn toàn phù hợp với câu trả lời của Triệu Châu. Cả hai đếu giống như búa sắt không lỗ. Lão hán Triệu Châu vốn là một kẻ vô sự. Nếu như các ông hỏi một cách KHINH suất thầy ta sẽ móc mắt các ông ngay. Nếu như các ông là những người biết là có, thì nên nhai cho kỹ rồi nuốt. Nếu như các ông là những kẻ không biết là có thì các ông đúng là những kẻ hồ đồ.

TỤNG

Trấn Châu sản xuất củ cải lớn,

Nạp tăng coi đó là nguyên tắc.

Chỉ biết từ xưa cho đến nay,

Ngỗng trắng quạ đen sao phân được?

Kẻ trộm, kẻ trộm!

Nắm ngay lỗ mũi của nạp tăng.

BÌNH: “Trấn Châu sản xuất củ cải lớn.” Nếu như các ông coi đó là cực tắc, các ông đạ lầm lẫn rồi. Lúc các cổ nhân nắm tay lên núi cao, khó tránh khỏi tiếng cười của kẻ bàng quan. Thiên hạ ai cũng biết đây là lời cực tắc, song rốt cuộc lại chẳng biết chỗ cực tắc là chỗ nào. Cho nên Tuyết Đậu nói, “ Nạp tăng coi đó là nguyên tắc. Chỉ biết từ xưa cho đến nay, ngỗng trắng quạ đen sao phân được?” Tuy biết rằng người đời nay cũng trả lời như thế, người đời xưa cũng trả lời như thế, song đã bao giờ phân biệt được người trong với người ngoài chưa? Tuyết Đậu nói, “ Phải phân biệt ngỗng trắng quạ đen trong ánh đá lửa điện chớp thì mới được.”

Công án đến đây là đã tụng hết, Tuyết Đậu lại đưa ra ý riêng của mình nơi chỗ sống động này cho nên mới nói với các ông, “Kẻ trộm kẻ trộm! Nắm ngay lỗ mũi của nạp tăng.” Tam thế chư Phật là kẻ trộm, lịch đại tổ sư cũng là kẻ trộm. Họ có thể làm kẻ trộm móc mất mắt của thiên hạ. Song chỉ có Triệu Châu là kẻ không lúng túng tay chân. Thử nói xem, chỗ nào là chỗ chứng tỏ rằng Triệu Châu khéo làm kẻ trộm? “ Trấn Châu sản xuất củ cải lớn,”

Chú thích:

[1] Đoạn này không có trang bản của Ito Yuten.

[2] Vương lão: người Trung Hoa đa số có họ Trương, Lý hay Vương. Thiền Sư Nam Tuyền Phổ Nguyện họ Vương và hay tự xưng là Vương Lão Sư. Ngày nay trong Thiền thường dùng chữ Vương Lão Sư để chỉ bậc thiện tri thức.

[3] Trường Khánh Huệ Lăng, Huyền Sa Sư Bị và Vân Môn Văn Yển cả ba đều là truyền nhân của Tuyết Phong Nghĩa Tồn. Về tiểu sử xin xem thêm trong Cảnh Đức Truyền đăng lục cùng một dịch giả, sẽ xuất bản.

[4] Bản của Ito Yuten có thêm chữ “ Giáp Sơn nói”.

[5] Nguyên văn “nhất nhất cái thiên cái địa.” Wilhelm Gundert dịch: “ Seht zu, dass ihr mit jedem wort den Himmel uberschattet und die Erde einhullt!” (Bi-Yan-Lu,trang 388) có vẻ đúng.

[6] Thiều Dương tức là Vân Môn.

[7] Thiện Tài (Sudhana), xin xem thêm trong Kinh Hoa Nghiêm

[8] Lý Trưởng Giả tức là Lý Thông Huyền, tác giả Tân Hoa Nghiêm Kinh Sớ.

[9] Nguyên văn: ”đệ nhị nghĩa đế” cũng còn gọi là “tục đế (samvrtisatya).

[10] Đài Sơn tức Ngũ Đài Sơn. Theo tục truyền ở đỉnh phía bắc của núi này là nơi cư ngụ của Văn Thù (Manjusrì) Bồ Tát.

[11] Kim phong có nghĩa là gió thu.

[12] Nguyên văn: “mạnh bát lang” có nghĩa là kẻ làm việc càn rỡ.

[13] Tức Huệ Năng, người được truyền thống Thiền xem là sang lập ra phái Thiền nam tông.

    Xem thêm:

  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Quân Châu Động Sơn Ngộ Bổn - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Viên Châu Ngưỡng Sơn Huệ Tịch - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Thiền Sư Tào Sơn Bản Tịch - Kinh Tạng
  • Tông Chỉ Phái Lâm Tế - Kinh Tạng
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông - Kinh Tạng
  • Tập Vãng Sanh - Kinh Tạng
  • Kinh Vị Lai Tinh Tú Kiếp Thiên Phật Danh - Kinh Tạng
  • Kinh Quan Trung Sáng Lập Giới Đàn Đồ - Kinh Tạng
  • Kinh Quá Khứ Trang Nghiêm Kiếp Thiên Phật Danh - Kinh Tạng
  • Kinh Danh Hiệu Bát Đại Linh Tháp - Kinh Tạng
  • Giải Nghi Thiền Tông - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Trọn bộ 24 tập – 600 quyển) - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Ngu - Kinh Tạng
  • Kinh Đế Thích Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Pháp Mật Yếu Trị Bệnh Thiền - Kinh Tạng
  • Thanh Quy Của Ngài Bách Trượng - Kinh Tạng