1
2
3
4
5
6

Phần Bốn

Bản Dịch Của Trưởng Giả Tâm Minh Lê Đình Thám

Bản dịch này tôi đã nói đến trong lời nói đầu. Bản dịch rất sát với chính văn của Lương dịch, cần phụ lục ra đây để tiện cho người muốn đối chiếu. TQ

Luận Đại Thừa Khởi Tín

Ngài Mã minh Bồ tát tạo.

Đời Lương, ngài Tam tạng pháp sư, hiệu là Chân đế, dịch ra Hán văn

Quy mạng cùng tột cả mười phương

Với các đức Đại bi cứu đời,

Có nghiệp tối thắng, trí cùng khắp,

Sắc và vô ngại đều tự tại.

Và với thể tướng của thân kia,

Là pháp tính chân như như bể,

Là kho tàng vô lượng công đức,

Cùng các vị như thật tu hành.

Vì muốn khiến tất cả chúng sinh

Trừ nghi hoặc, chán bỏ tà chấp,

Phát khởi lòng chính tín Đại thừa,

Cho Phật chủng liên tục không dứt.

Luận rằng: Có cái pháp phát khởi được tín căn Đại thừa, nên cần phải nói.

Nói có năm phần. Thế nào là năm ? Một là phần nhân duyên, hai là phần lập nghĩa, ba là phần giải thích, bốn là phần tu hành tín tâm, năm là phần tỏ bày lợi ích, khuyến khích tu hành.

Trước hết nói phần nhân duyên.

Hỏi : Do nhân duyên gì mà tạo luận này?

Đáp : Nhân duyên ấy có tám thứ. Thế nào là tám? Một là nhân duyên tổng tướng, nghĩa là vì cớ khiến cho chúng sinh rời tất cả khổ, được cái vui rốt ráo, chứ không phải để cầu những danh lợi cung kính thế gian. Hai là vì muốn giải thích nghĩa lý căn bản của Như lai để cho chúng sinh nhận hiểu đúng đắn không lầm. Ba là vì cớ khiến cho những chúng sinh có thiện căn thành thục đủ sức gánh vác pháp Đại thừa, không lui mất lòng tin. Bốn là vì cớ khiến cho những chúng sinh thiện căn kém cỏi tu tập lòng tin. Năm là vì cớ chỉ bày phương tiện tiêu trừ nghiệp chướng dữ, khéo giữ gìn cái tâm, xa rời lòng si mạn, ra khỏi lưới tà ma. Sáu là vì cớ chỉ lối tu tập chỉ quán đối trị những lỗi lầm của phàm phu và Nhị thừa. Bảy là vì cớ chỉ bày phương tiện chuyên tâm niệm Phật để được vãng sinh bên Phật, quyết chắc không lui mất lòng tin. Tám là vì cớ chỉ bày lợi ích, khuyến khích tu hành.

Do có những nhân duyên như thế nên tạo ra luận này.

Hỏi: Trong các khế kinh, đã có đủ pháp ấy rồi, cần gì phải nói lại nữa?

Đáp: Trong các khế kinh, tuy có pháp ấy, nhưng do chúng sinh căn hành không đồng nên nhân duyên nhận hiểu có khác. Nghĩa là lúc đức Như lai còn tại thế, chúng sinh có lợi căn, Ngài thuyết pháp có nghiệp sắc tâm thù thắng, viên âm một thời diễn bày, các loài khác nhau đều nhận hiểu được cả nên không cần phải tạo luận. Sau khi đức Như lai diệt độ rồi, hoặc có chúng sinh do tự lực nghe rộng mà nhận hiểu, hoặc có chúng sinh cũng do tự lực nghe ít mà hiểu nhiều, hoặc có chúng sinh không đủ tự lực, nhờ các bộ luận nói rộng mà nhận hiểu được; lại có chúng sinh cho những bộ luận nói rộng là văn nhiều, phiền phức, tâm thích thụ trì những bộ luận văn ít mà bao gồm nhiều nghĩa để có thể nhận hiểu. Luận này là như thế; vì muốn tổng quát bao gồm nghĩa lý vô biên của pháp sâu xa rộng lớn của Như lai nên tạo luận này.

Đã nói phần nhân duyên, thứ nữa nói phần lập nghĩa.

Đại thừa ấy tổng quát nói có hai thứ. Thế nào là hai? Một là pháp, hai là nghĩa. Gọi là pháp, tức là cái tâm chúng sinh. Tâm ấy thì gồm tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian, nên nương với tâm ấy mà tỏ bày nghĩa Đại thừa. Vì cớ sao? Vì tướng chân như của tâm ấy thì chỉ cho cái thể Đại thừa, vì tướng nhân duyên sinh diệt của tâm ấy chỉ cho tướng dụng tự thể Đại thừa vậy.

Gọi là nghĩa thì có ba thứ. Thế nào là ba? Một là thể đại, nghĩa là tất cả các pháp đều là chân như bình đẳng, không thêm không bớt vậy. Hai là tướng đại, nghĩa là Như lai tạng đầy đủ vô lượng tính công đức vậy. Ba là dụng đại, có thể sinh được tất cả nhân quả thiện xuất thế gian và thế gian vậy.

Tất cả chư Phật vốn đã vận dụng pháp ấy; tất cả chư Bồ tát đều vận dụng pháp ấy để đi đến bậc Như lai vậy.

Đã nói phần lập nghĩa, thứ nữa nói phần giải thích.

Giải thích có ba điều. Thế nào là ba? Một là tỏ bày chính nghĩa, hai là đối trị tà chấp, ba là phân biệt những tướng phát tâm tu tiến chính đạo.

Tỏ bày chính nghĩa là nương với pháp nhất tâm thì có hai môn. Thế nào là hai? Một là tâm chân như môn, hai là tâm sinh diệt môn. Cả hai môn ấy đều tóm thu tất cả các pháp. Nghĩa đó thế nào? Do hai môn ấy không rời nhau vậy.

Tâm chân như tức là cái thể pháp môn đại tổng tướng nhất pháp giới, nghĩa là tâm tính không sinh không diệt. Tất cả các pháp chỉ nương với vọng niệm mà có sai khác, nếu rời tâm niệm thì không có tất cả các tướng cảnh giới. Vậy nên tất cả các pháp bản lai rời tướng nói năng, rời tướng danh tự, rời tướng tâm duyên, rốt ráo bình đẳng, không có biến khác, không thể phá hoại, chỉ là nhất tâm nên gọi là chân như; do tất cả lời nói đều là giả danh không thật, chỉ theo vọng niệm, không thể nhận được gì vậy.

Gọi là chân như, cũng không có tướng, nghĩa là cái rốt tột của ngôn thuyết là nhân lời nói mà khiến bỏ lời nói, còn cái thể chân như ấy thì không có gì có thể khiến bỏ, do tất cả các pháp đều là chân vậy, cũng không có gì có thể thành lập, do tất cả các pháp đều đồng là như vậy. Nên biết do tất cả các pháp không thể nói được, không thể niệm được, nên gọi chân như.

Hỏi: Nếu cái nghĩa như thế thì các chúng sinh tùy thuận cách nào mà nhập vào được?

Đáp: Nếu biết tất cả các pháp tuy nói mà không có năng thuyết khả thuyết, tuy niệm mà không có năng niệm khả niệm, thì gọi là tùy thuận; nếu ly được ngôn thuyết và tâm niệm thì gọi là được nhập.

Lại nữa, chân như ấy nương theo lời nói phân biệt thì có hai nghĩa. Thế nào là hai? Một là rỗng không như thật, vì có thể rốt ráo bày tỏ chân thật vậy; hai là bất không như thật, vì có cái tự thể đầy đủ các tính công đức vô lậu vậy.

Gọi là không, vì bản lai không tương ưng với tất cả các pháp nhiễm, nghĩa là rời những tướng sai khác của tất cả các pháp, do không có tâm niệm hư vọng vậy. Nên biết tự tính chân như không có tướng có, không có tướng không, không có tướng không có không không, không có tướng cũng có cũng không, không có tướng một, không có tướng khác, không có tướng không một không khác, không có tướng cũng một cũng khác; nói tóm lại cho đến những niệm phân biệt có ra do vọng tâm của tất cả chúng sinh, đều không tương ưng; vậy nên gọi là rỗng không. Nếu rời vọng tâm, thật không có gì phải rỗng không vậy.

Gọi là bất không, vì khi đã tỏ bày thể tính các pháp là rỗng không, không có hư vọng, thì đó tức là chân tâm thường hằng không thay đổi, đầy đủ các pháp thanh tịnh nên gọi là bất không; cũng không có tướng có thể nhận được, do cảnh giới ly niệm chỉ có thật chứng mới tương ưng vậy.

Tâm sinh diệt là nương với Như lai tạng nên có tâm sinh diệt, nghĩa là bất sinh bất diệt hòa hợp với sinh diệt, không một không khác, thì gọi là a lại gia thức. Thức đó có hai nghĩa, bao gồm tất cả các pháp và phát sinh tất cả các pháp. Thế nào là hai? Một là nghĩa giác, hai là nghĩa bất giác.

Gọi là nghĩa giác, tức là cái ly niệm tướng của tâm thể. Cái ly niệm tướng ấy bằng cõi hư không, không chỗ nào không cùng khắp; pháp giới một tướng tức là bình đẳng pháp thân của Như lai. Nương với pháp thân đó, mà gọi tên là bản giác. Vì cớ sao? Cái nghĩa bản giác là đối với thủy giác mà nói, do thủy giác tức là đồng với bản giác.

Cái nghĩa thủy giác là nương với bản giác mà có bất giác, nương với bất giác mà nói có thủy giác. Lại do giác tột tâm nguyên nên gọi là cứu kính giác, do không giác tột tâm nguyên nên gọi là phi cứu kính giác.

Nghĩa đó thế nào? Như người phàm phu giác biết niệm trước đã khởi là ác nên ngăn được niệm sau, không cho khởi lên, tuy cũng gọi là giác, nhưng vẫn là bất giác vậy. Như quán trí Nhị thừa và các vị sơ phát ý Bồ tát, vân vân, giác ngộ nơi cái niệm có khác thì niệm không có tướng khác; do rời bỏ được tướng phân biệt chấp trược thô phù nên gọi là tương tợ giác. Như Pháp thân Bồ tát, vân vân, giác ngộ nơi cái niệm có trụ thì niệm không có tướng trụ, do rời bỏ được tướng thô phân biệt nên gọi là tùy phận giác. Như các vị Bồ tát bậc cùng tột, đầy đủ phương tiện, thì giác tâm tương ưng với nhất niệm mới khởi lên, tâm không có sơ tướng, do rời xa được niệm vi tế, nên thấy được tâm tính, tâm liền thường trụ, thế gọi là cứu kính giác. Vậy nên Khế kinh dạy rằng: “Nếu có chúng sinh biết quán vô niệm, tức là hướng về Phật địa vậy”.

Lại tâm khởi lên không có sơ tướng có thể biết được, mà bảo là biết sơ tướng, tức là bảo vô niệm. Vậy nên tất cả chúng sinh không gọi là giác, do từ bản lai, niệm niệm nối nhau, chưa hề ly niệm, nên gọi là vô thủy vô minh. Nếu được vô niệm thì biết được các tâm tướng sinh, trụ, dị, diệt, do vô niệm là bình đẳng vậy; mà thật cũng không có những thủy giác khác nhau, do đồng thời cùng có với bốn tướng và đều không thể tự lập, do bản lai là bình đẳng, đồng một giác vậy.

Lại nữa, bản giác theo nhiễm phân biệt, sinh ra hai tướng, cùng với bản giác kia không rời bỏ nhau. Thế nào là hai? Một là trí tịnh tướng, hai là bất tư nghì nghiệp tướng.

Trí tịnh tướng là nương với sức huân tập của chính pháp, như thật tu hành, đầy đủ phương tiện nên phá được tướng hòa hợp thức, diệt được tướng tâm tương tục, tỏ hiện pháp thân, trí thuần tịnh vậy. Nghĩa đó thế nào? Do tất cả những tướng tâm thức đều là vô minh, cái tướng vô minh không rời giác tính, không phải là có thể hoại, cũng không phải là không thể hoại. Như nước biển lớn, nhân gió mà sóng động lên, tướng nước tướng gió không rời bỏ nhau mà nước không có tính động, nếu gió ngừng diệt thì tướng động liền diệt, còn tính ướt thì không hư hoại; tự tính thanh tịnh tâm của chúng sinh cũng như thế, nhân gió vô minh mà động, tâm cùng vô minh đều không có hình tướng, không rời bỏ nhau, nhưng tâm không có tính động, nếu vô minh diệt thì tương tục diệt, còn tính trí thì không hư hoại vậy.

Bất tư nghì nghiệp tướng là nương với trí thanh tịnh, có thể làm ra tất cả cảnh giới thắng diệu, nghĩa là cái tướng vô lượng công đức, thường không dứt đoạn, theo căn chúng sinh, tự nhiên khế hợp, hiện ra nhiều thứ, làm cho được lợi ích vậy.

Lại nữa, thể tướng bản giác có bốn nghĩa lớn bằng với hư không, giống như gương trong sạch. Thế nào là bốn? Một là Như thật không kính, xa rời tất cả các tướng của tâm và cảnh giới, không pháp nào có thể hiện, vì ra ngoài nghĩa giác chiếu vậy. Hai là Nhân huân tập kính, nghĩa là Như thật bất không, tất cả cảnh giới thế gian thảy đều hiện ra trong ấy, không ra không vào, không lầm không hư, chỉ là thường trú nhất tâm, do tất cả các pháp tức là tính chân thật vậy; lại do tất cả pháp nhiễm không thể nhiễm được, trí thể không lay động, đầy đủ vô lậu mà huân tập cho chúng sinh vậy. Ba là Pháp xuất ly kính, nghĩa là pháp bất không, ra ngoài phiền não ngại, trí ngại, rời tướng hòa hợp và thuần tịnh minh vậy. Bốn là Duyên huân tập kính, nghĩa là nương với pháp xuất ly kính, soi khắp tâm chúng sinh, khiến tu thiện căn và theo niệm mà thị hiện vậy.

Gọi là bất giác, nghĩa là do không biết như thật rằng pháp chân như là một, nên tâm bất giác khởi lên mà có cái niệm. Niệm không có tự tướng, không rời bản giác. Cũng như người mê nương với phương hướng nên có mê, nếu rời phương hướng thì không có mê; chúng sinh cũng vậy, nương với giác tính nên có mê, nếu rời giác tính thì không có bất giác. Do có cái tâm vọng tưởng bất giác biết được danh nghĩa, nên vì nó mà nói về chân giác; nếu rời tâm bất giác thì cũng không có tự tướng chân giác có thể nói được.

Lại nữa, nương với bất giác nên sinh ra ba tướng, kết đồng không rời với bất giác kia. Thế nào là ba? Một là vô minh nghiệp tướng, do nương với bất giác nên tâm động mà gọi là nghiệp, giác thì chẳng động, động thì có khổ, quả không rời nhân vậy. Hai là năng kiến tướng, do nương với động nên có năng kiến, không động thì không có kiến. Ba là cảnh giới tướng, do nương với năng kiến nên cảnh giới giả dối hiện ra, rời năng kiến thì không có cảnh giới.

Do có cái duyên của cảnh giới nên lại sinh ra sáu tướng. Thế nào là sáu? Một là trí tướng, nương với cảnh giới, tâm khởi ra phân biệt, có ưa và không ưa vậy. Hai là tương tục tướng, nương với trí tướng nên sinh ra cảm giác khổ vui, tâm khởi ra niệm, kết đồng không gián đoạn vậy. Ba là chấp thủ tướng, nương với cảnh giới duyên niệm của tương tục tướng, duy trì những sự khổ vui, tâm khởi ra chấp trược vậy. Bốn là kế danh tự tướng, nương với vọng chấp mà phân biệt những tướng danh ngôn giả dối vậy. Năm là khởi nghiệp tướng, là nương với danh ngôn, chấp trược theo danh ngôn mà gây ra các thứ nghiệp vậy. Sáu là nghiệp hệ khổ tướng, là nương với nghiệp mà chịu quả báo, không được tự tại vậy.

Nên biết vô minh sinh được tất cả pháp nhiễm, do tất cả pháp nhiễm đều là tướng bất giác vậy.

Lại nữa, giác với bất giác có hai cái tướng. Thế nào là hai? Một là tướng đồng, hai là tướng khác. Gọi là tướng đồng thì ví như các thứ đồ gốm, đều đồng là tướng của tính vi trần, các thứ nghiệp huyễn của vô lậu và vô minh đều đồng là tướng của tính chân như. Vậy nên khế kinh nương theo nghĩa ấy mà nói rằng: Tất cả chúng sinh bản lai là thường trụ, nhập với pháp niết bàn bồ đề, không phải là tướng tu được, không phải là tướng làm được, rốt ráo không được gì, lại cũng không có sắc tướng có thể thấy được, nhưng có thấy được sắc tướng là chỉ do nghiệp huyễn theo nhiễm làm ra, chứ không phải là tính bất không của trí sắc, do trí tướng không thể thấy được vậy.

Gọi là tướng khác thì ví như các thứ đồ gốm, mỗi mỗi không đồng nhau, vô lậu và vô minh cũng theo nhiễm huyễn mà khác nhau như thế, do tính nhiễm huyễn là khác nhau vậy.

Lại nữa, nhân duyên của sinh diệt, nghĩa là chúng sinh nương với tâm, ý, ý thức, chuyển khởi vậy. Nghĩa đó thế nào? Do nương với thức a lại gia mà nói vô minh, không giác mà khởi lên, thấy được, hiện được, chấp được cảnh giới, khởi niệm liên tục nên gọi là ý.

Ý đó lại có năm cái tên. Thế nào là năm? Một là nghiệp thức, nghĩa là do sức vô minh không giác mà tâm động vậy. Hai là chuyển thức, nghĩa là nương với cái tâm động mà có tướng năng kiến vậy. Ba là hiện thức, nghĩa là hiện được tất cả cảnh giới ; ví như gương sáng hiện ra các bóng, hiện thức cũng vậy, theo năm trần đối đến thì liền hiện, không có trước sau, do trong tất cả thời đều máy móc khởi lên, thường hiện tiền vậy. Bốn là trí thức, nghĩa là phân biệt các pháp nhiễm tịnh vậy. Năm là tương tục thức, do niệm niệm kết đồng không gián đoạn vậy, mà nắm giữ những nghiệp thiện ác trong vô lượng đời quá khứ khiến cho không mất, lại có thể thành tựu quả báo khổ vui hiện tại và vị lai không có sai trái, và có thể làm cho những sự đã trải qua, hiện nay bỗng nhiên nhớ lại và những sự vị lai, không giác mà giả dối suy lường.

Vậy nên ba cõi là giả dối, duy tâm làm ra: rời cái tâm thì không có cảnh giới lục trần. Nghĩa đó thế nào? Vì tất cả các pháp đều do tâm khởi ra vọng niệm mà sinh, nên tất cả sự phân biệt tức là phân biệt tự tâm. Song tâm không thấy được tâm, không có tướng gì có thể nhận được ; vậy thì biết tất cả cảnh giới thế gian đều nương với vọng tâm vô minh của chúng sinh mà có chân đứng. Thế nên tất cả các pháp như bóng trong gương, không có tự thể có thể nhận được, chỉ là những hư vọng nơi tâm, do tâm sinh thì các thứ pháp sinh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt vậy.

Lại nữa, gọi là ý thức, tức là tương tục thức, nhưng với sự chấp trược thâm sâu của hàng phàm phu, chấp ngã, ngã sở và vọng chấp nhiều thứ, theo sự mà phan duyên, phân biệt sáu trần, nên gọi là ý thức, cũng gọi là phân ly thức, lại cũng gọi là phân biệt sự thức. Thức đó có cái nghĩa nương với kiến ái phiền não mà tăng trưởng vậy.

Nương với sự huân tập của vô minh mà khởi ra thức, nghĩa đó không phải phàm phu biết được, cũng không phải trí tuệ Nhị thừa ngộ được; nghĩa là phải nương với thừa bồ tát, phát tâm quán sát từ khi bắt đầu được chính tín, nếu chứng được pháp thân thì biết được phần ít, nhưng cho đến cứu kính địa của Bồ tát cũng không biết được, duy có Phật mới biết rõ cùng tột. Vì cớ sao ? Vì tâm ấy tự tính bản lai thanh tịnh mà có vô minh, bị vô minh làm nhiễm mà có tâm nhiễm, tuy có tâm nhiễm mà thường xuyên không biến đổi; vậy nên nghĩa đó duy có Phật mới biết được.

Nghĩa đó là tâm tính thường không có niệm nên gọi là bất biến; do không thông suốt nhất pháp giới, tâm không kết đồng, bỗng nhiên niệm khởi lên nên gọi là vô minh.

Tâm nhiễm có sáu thứ. Thế nào là sáu? Một là chấp tương ưng nhiễm, nương với đạo giải thoát của Nhị thừa và tín tương ưng địa thì xa rời được vậy. Hai là bất đoạn tương ưng nhiễm, nương với tín tương ưng địa, tu học phương tiện, lần lần rời bỏ, đến khi được tịnh tâm địa thì rốt ráo rời được vậy. Ba là phân biệt trí tương ưng nhiễm, nương với cụ giới địa lần lần rời bỏ, đến vô tướng phương tiện địa thì rốt ráo rời hết vậy. Bốn là hiện sắc bất ương ưng nhiễm, nương với sắc tự tại địa thì rời được vậy. Năm là năng kiến tâm bất tương ưng nhiễm, nương với tâm tự tại địa thì rời được vậy. Sáu là căn bản nghiệp bất tương ưng nhiễm, nương với tột bậc Bồ tát, vào được Như lai địa, thì rời được vậy.

Về nghĩa không rõ nhất pháp giới thì từ tín tương ưng địa quán sát tu học mà đoạn, vào tịnh tâm địa thì theo phận được rời bỏ, đến Như lai địa thì mới rốt ráo rời hết vậy.

Gọi là nghĩa tương ưng, nghĩa là tâm phẩm và niệm pháp khác nhau, nhưng nương với nhiễm tịnh sai khác mà tướng biết tướng duyên đồng nhau vậy. Gọi là nghĩa bất tương ưng, nghĩa là tức là tâm mà không giác được thường riêng khác, nên tướng biết tướng duyên không đồng nhau vậy.

Lại cái nghĩa tâm nhiễm, gọi là phiền não ngại, có thể ngăn che chân như căn bản trí vậy; cái nghĩa vô minh, gọi là trí ngại, có thể ngăn che thế gian tự nhiên nghiệp trí vậy. Nghĩa đó thế nào? Do nương với tâm nhiễm thấy được, hiện được, vọng chấp cảnh giới, trái với tính bình đẳng vậy; do tất cả các pháp thường yên lặng, không có tướng sinh khởi, nhưng vô minh không giác, giả dối trái với pháp nên không thể tùy thuận được mọi sự, rõ biết tất cả cảnh giới thế gian vậy.

Lại nữa, phân biệt những tướng sinh diệt thì có hai thứ. Thế nào là hai? Một là thô, tương ưng với tâm vậy; hai là tế, không tương ưng với tâm vậy. Lại cái thô trong thô là cảnh giới phàm phu, cái tế trong thô và cái thô trong tế là cảnh giới Bồ tát, cái tế trong tế là cảnh giới Phật.

Hai thứ sinh diệt ấy nương với sự huân tập của vô minh mà có, nghĩa là nương nhân và nương duyên. Nương nhân là cái nghĩa bất giác, nương duyên là cái nghĩa cảnh giới giả dối làm ra vậy. Nếu nhân diệt thì duyên diệt; nhân diệt nên tâm bất tương ưng diệt, duyên diệt nên tâm tương ưng diệt.

Hỏi: Nếu tâm diệt thì sao lại tương tục; nếu tương tục thì sao lại là rốt ráo diệt?

Đáp : Gọi là diệt là chỉ tâm tướng diệt, chứ không phải tâm thể diệt. Như gió nương với nước mà có tướng động, nếu nước sóng diệt thì gió dứt mất, không chỗ nương đứng; do nước không diệt nên tướng gió tương tục. Chỉ cái gió diệt nên tướng động theo đó mà diệt, chứ không phải nước diệt. Vô minh cũng vậy, nương với tâm thể mà động, nếu tâm thể diệt thì chúng sinh dứt mất, không chỗ nương đứng; do cái thể không diệt nên tâm được tương tục. Chỉ cái si mê diệt nên tâm tướng theo đó mà diệt, chứ không phải tâm trí diệt.

Lại nữa, do có cái nghĩa bốn pháp huân tập nên những pháp nhiễm pháp tịnh khởi lên không dứt. Thế nào là bốn? Một là pháp tịnh gọi là chân như, hai là cái nhân của tất cả pháp nhiễm gọi là vô minh, ba là vọng tâm gọi là nghiệp thức, bốn là vọng cảnh giới tức là lục trần.

Nghĩa huân tập cũng như áo mặc thế gian, thật không có mùi thơm, nhưng nếu người ta dùng hương mà ướp thì có mùi thơm. Nghĩa đó cũng như thế; pháp tịnh chân như thật không có nhiễm, nhưng dùng vô minh mà huân tập thì có tướng nhiễm. Pháp nhiễm vô minh thật không có nghiệp tịnh, nhưng dùng chân như mà huân tập thì có dụng tịnh.

Thế nào là huân tập khởi ra pháp nhiễm không dứt? Nghĩa là do nương với pháp chân như nên có vô minh; do có vô minh là cái nhân của pháp nhiễm nên liền huân tập chân như. Do sự huân tập ấy nên có vọng tâm. Do có vọng tâm nên liền huân tập vô minh và do đó không rõ pháp chân như nên niệm bất giác khởi lên, hiện ra vọng cảnh giới. Do có cái duyên của pháp nhiễm vọng cảnh giới nên liền huân tập vọng tâm, khiến cho khởi niêểm chấp trược gây các thứ nghiệp và chịu tất cả các thứ khổ nơi thân tâm.

Huân tập của vọng cảnh giới có hai nghĩa. Thế nào là hai? Một là huân tập tăng trưởng các niệm; hai là huân tập tăng trưởng chấp thủ. Huân tập của vọng tâm có hai nghĩa. Thế nào là hai? Một là huân tập căn bản nghiệp thức, phải chịu cái khổ sinh diệt của các vị A la hán, Bích chi phật và tất cả Bồ tát; hai là huân tập tăng trưởng phân biệt sự thức, phải chịu nghiệp hệ khổ của phàm phu. Huân tập của vô minh có hai nghĩa. Thế nào là hai? Một là huân tập căn bản, thành tựu được nghiệp thức; hai là huân tập khởi ra kiến ái, thành tựu được phân biệt sự thức.

Thế nào là huân tập khởi ra pháp tịnh không dứt? Nghĩa là do có pháp chân như nên huân tập được vô minh. Do sức nhân duyên huân tập ấy nên khiến vọng tâm chán cái khổ sinh tử, ưa cầu niết bàn. Do nhân duyên chán khổ cầu vui của vọng tâm ấy nên liền huân tập chân như, tự tin bản tính, biết tâm vọng động, chứ không có cảnh giới tiền trần, và tu pháp viễn ly. Do như thật biết không có cảnh giới tiền trần nên dùng nhiều thứ phương tiện, khởi ra sự tu hành tùy thuận, không chấp, không niệm, đi đến nhờ sức huân tập lâu ngày mà vô minh liền diệt. Do vô minh diệt nên tâm không khởi lên; do tâm không khởi lên nên cảnh giới theo đó mà diệt; do nhân duyên đều diệt nên tâm tướng đều hết sạch, gọi là được niết bàn, thành tựu tự nhiên nghiệp.

Huân tập của vọng tâm có hai nghĩa. Thế nào là hai? Một là huân tập của phân biệt sự thức, nương với các phàm phu và Nhị thừa, vân vân, chán cái khổ sinh tử nên theo sức khả năng mà lần hồi tu tiến về đạo vô thượng; hai là huân tập của ý, nghĩa là các vị Bồ tát phát tâm dũng mãnh, mau chóng đi đến niết bàn vậy.

Huân tập của chân như có hai nghĩa. Thế nào là hai? Một là huân tập của tự thể tướng, hai là huân tập của dụng. Huân tập của tự thể tướng là từ vô thủy đến nay đầy đủ các pháp vô lậu. Huân tập của dụng là sẵn đủ cái tính làm ra cảnh giới của bất tư nghì nghiệp. Nương với sự huân tập thường xuyên của hai nghĩa ấy và do có sức huân tập đó, nên khiến cho chúng sinh chán cái khổ sinh tử, ưa cầu niết bàn, tự tin thân mình có pháp chân như mà phát tâm tu hành.

Hỏi: Nếu cái nghĩa như thế thì tất cả chúng sinh thảy đều được chân như bình đẳng huân tập, làm sao lại có người tin, người không tin, có vô lượng những sự trước sau khác nhau? Lẽ ra thì tất cả đều phải đồng một thời tự biết có pháp chân như, siêng năng tu các phương tiện và bình đẳng vào niết bàn.

Đáp : Chân như vốn là một, nhưng có vô lượng vô biên vô minh bản lai tự tính khác nhau, dày mỏng không đồng; lại có những phiền não sâu nặng khác nhau, nương với vô minh mà khởi lên quá số cát sông Hằng; lại có những phiền não ngã kiến ái nhiễm khác nhau, nương với vô minh mà khởi lên; tất cả những phiền não nương với vô minh mà khởi lên; có trước có sau, có không lường sự khác nhau như thế, chỉ có đức Như lai mới biết hết được.

Lại pháp của chư Phật có nhân, có duyên; nhân duyên đầy đủ mới thành tựu được. Như tính lửa trong cây là chính nhân của lửa, nhưng nếu người ta không biết, không nhờ phương tiện mà tự đốt được cái cây thì không có lẽ nào như vậy. Chúng sinh cũng thế, tuy có sức huân tập của chính nhân, nhưng nếu không gặp chư Phật Bồ tát và thiện tri thức, vân vân, để làm cái duyên, mà tự đoạn được phiền não, vào được niết bàn thì không có lẽ nào như vậy.

Nếu tuy có sức ngoại duyên mà pháp tịnh bên trong chưa có sức huân tập, thì cũng không thể rốt ráo chán cái khổ sống chết, mong cầu niết bàn. Nếu nhân duyên đầy đủ, nghĩa là tự mình có sức huân tập, lại được nguyện từ bi của chư Phật Bồ tát hộ trì, thì có thể khởi cái tâm chán khổ, tin có niết bàn và tu tập thiện căn. Do tu tập thiện căn đã thành tựu nên khi gặp chư Phật Bồ tát chỉ dạy đường tu lợi lạc, thì có thể tu tiến hướng về đạo niết bàn.

Huân tập của dụng tức là cái sức ngoại duyên đối với chúng sinh. Ngoại duyên như thế có vô lượng nghĩa, nói lược thì có hai thứ; thế nào là hai? Một là sai biệt duyên, hai là bình đẳng duyên.

Sai biệt duyên là người đó nương với chư Phật Bồ tát, vân vân, từ khi phát ý cầu đạo cho đến khi thành Phật, chặng giữa hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc cha mẹ bà con, hoặc làm người cấp sử, hoặc làm bạn quen biết, hoặc làm kẻ thù, hoặc khởi tứ nhiếp pháp, cho đến làm tất cả vô lượng hành duyên để phát khởi sức đại bi huân tập, khiến cho chúng sinh tăng trưởng thiện căn, hoặc thấy, hoặc nghe, đều được lợi ích vậy. Cái duyên đó có hai thứ ; thế nào là hai? Một là duyên gần, mau được độ vậy; hai là duyên xa, lâu ngày mới được độ vậy. Hai cái duyên xa gần đó, phân tích lại có hai thứ; thế nào là hai? Một là cái duyên tăng trưởng các hành, hai là cái duyên thụ đạo.

Bình đẳng duyên là tất cả chư Phật Bồ tát đều nguyện độ thoát tất cả chúng sinh, tự nhiên thường xuyên huân tập không rời bỏ, dùng cái sức trí đồng thể, theo chúng sinh nên thấy nên nghe thế nào mà hiện ra các việc làm, nghĩa là chúng sinh nương với tam muôểi thì được bình đẳng thấy chư Phật vậy.

Phân biệt những huân tập ấy của thể của dụng thì lại có hai thứ. Thế nào là hai ? Một là chưa tương ưng, nghĩa là các hàng phàm phu, Nhị thừa, sơ phát ý Bồ tát, vân vân, dùng ý, ý thức mà huân tập, nương với sức chính tín mà tu hành, chưa được tâm vô phân biệt tương ưng với thể và chưa được tu hành tự tại nghiệp tương ưng với dụng chân như vậy. Hai là đã tương ưng, nghĩa là các vị pháp thân Bồ tát đã được tâm vô phân biệt tương ưng với trí dụng chư Phật, thì chỉ nương với pháp lực, tự nhiên tu hành, huân tập chân như, diệt vô minh vậy.

Lại nữa, pháp nhiễm từ vô thủy đến nay huân tập không ngừng, nhưng sau khi thành Phật rồi thì có dứt. Pháp tịnh huân tập thì tột đời vị lai không có dứt. Nghĩa đó thế nào? Do pháp chân như thường huân tập nên vọng tâm liền diệt, pháp thân tỏ hiện, khởi ra cái huân tập của dụng nên không có dứt.

Lại nữa, về tự thể tướng chân như thì nơi tất cả phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và chư Phật, không có thêm bớt, không phải thời trước sinh, không phải thời sau diệt, rốt ráo thường xuyên; bản lai tính tự viên mãn, đầy đủ tất cả công đức; nghĩa là tự thể có nghĩa đại trí tuệ quang minh, có nghĩa soi khắp pháp giới, có nghĩa nhận biết chân thật, có nghĩa tự tính thanh tịnh tâm, có nghĩa thường lạc ngã tịnh, có nghĩa tự tại trong lành, không biến đổi, có nghĩa đầy đủ những Phật pháp, không ly, không đoạn, không khác, không nghĩ bàn như thế quá số cát sông Hằng, cho đến đầy đủ tất cả, không có thiếu sót nên gọi là Như lai tạng, cũng gọi là Như lai pháp thân.

Hỏi: Trên kia nói cái thể chân như bình đẳng, rời tất cả tướng, làm sao nay lại nói rằng thể ấy có nhiều thứ công đức như thế?

Đáp : Tuy thật có những công đức ấy mà không có tướng khác nhau, bình đẳng đồng một vị, chỉ một chân như. Nghĩa đó thế nào? Do vô phân biệt rời các tướng phân biệt nên không có hai. Lại do nghĩa gì mà nói được là khác nhau? Do nương với tướng sinh diệt nơi nghiệp thức mà tỏ bày. Tỏ bày thế nào? Do tất cả pháp bản lai là duy tâm, thật không có gì để niệm, mà có vọng tâm bất giác khởi ra niệm, thấy các cảnh giới nên gọi là vô minh; tâm tính không khởi, tức là cái nghĩa đại trí tuệ quang minh vậy. Nếu tâm khởi ra kiến thì liền có tướng bất kiến; tâm tính ly được kiến, tức là cái nghĩa soi khắp pháp giới vậy. Nếu tâm có động thì không nhận biết chân thật, không có tự tính, không phải thường, không phải lạc, không phải ngã, không phải tịnh, nhiệt não suy biến và không tự tại, cho đến có đủ các vọng nhiễm quá số cát sông Hằng; đối với nghĩa ấy nên tâm tính không động thì có các tướng tịnh công đức quá số cát sông Hằng tỏ hiện ra. Nếu tâm có khởi lên, thấy có pháp tiền cảnh có thể niệm thì có chỗ thiếu; còn những pháp tịnh vô lượng công đức như thế, tức là nhất tâm, không có sở niệm nên được đầy đủ và được gọi là pháp thân Như lai tạng.

Lại nữa, cái dụng chân như, nghĩa là chư Phật Như lai, trong nhân địa, phát lòng đại từ bi, tu các pháp ba la mật, nhiếp thụ giáo hóa chúng sinh, lập thệ nguyện lớn muốn độ thoát hết toàn thể giới chúng sinh, không hạn kiếp số, tột đời vị lai, do nhận tất cả chúng sinh như thân mình vậy, nhưng cũng không nhận tướng chúng sinh; vì lẽ gì? vì như thật biết tất cả chúng sinh cùng với thân mình đều chân như bình đẳng, không có riêng khác. Do có trí đại phương tiện như thế, trừ diệt vô minh, thấy pháp thân bản lai, tự nhiên mà có các dụng của bất tư nghì nghiệp, cùng với chân như bình đẳng cùng khắp mọi nơi. Lại cũng không có cái tướng dụng có thể nhận được; vì cớ sao? vì chư Phật Như lai chỉ là pháp thân, là trí tướng thân, vì đệ nhất nghĩa đế không có cảnh giới thế đế, rời các thi vi tạo tác, chỉ theo chúng sinh thấy nghe thế nào mà được ích nên gọi là dụng.

Dụng ấy có hai thứ. Thế nào là hai? Một là nương với phân biệt sự thức, là chỗ mà tâm phàm phu và Nhị thừa thấy được, gọi là ứng thân; vì họ không biết do chuyển thức hiện ra, thấy từ ngoài đến, nhận những phần loại của sắc tướng nên không biết hết được vậy. Hai là nương với nghiệp thức, nghĩa là chỗ thấy của tâm các vị Bồ tát, từ khi mới phát tâm cho đến địa vị rốt ráo, gọi là báo thân. Thân ấy có vô lượng sắc, sắc có vô lượng tướng, tướng có vô lượng tốt đẹp, chỗ ở y báo cũng có vô lượng trang nghiêm, theo sự thị hiện, không có bờ bến, không có cùng tột, rời tướng phần loại, theo chỗ sở ưng, thường được trú trì không hư không mất, những công đức như thế đều nhân sự huân tập của các hạnh vô lậu ba la mật vân vân và sự huân tập bất tư nghì mà thành tựu, đầy đủ vô lượng tướng vui nên gọi là báo.

Lại chỗ thấy của phàm phu là cái sắc thô, tùy trong lục đạo mỗi mỗi thấy không đồng nhau, có nhiều thứ dị loại, không phải là tướng thụ lạc nên gọi là ứng.

Lại nữa, chỗ các vị sơ phát ý Bồ tát thấy được là do tin chắc pháp chân như nên thấy được phần ít, biết những sự sắc tướng trang nghiêm kia không khứ không lai, rời các phần loại, chỉ nương với tâm mà hiện ra, không rời chân như; song các vị Bồ tát đó còn tự phân biẹẤt, do chưa vào được vị pháp thân vậy. Nếu đã được tịnh tâm thì chỗ thấy vi diệu, cái dụng chuyển thành thù thắng hơn; cho đến tột bậc Bồ tát thì thấy được rốt ráo. Nếu rời nghiệp thức thì không có kiến tướng, do pháp thân chư Phật không có những sắc tướng bỉ thử cùng thấy nhau vậy.

Hỏi : Nếu pháp thân chư Phật rời các sắc tướng, thì sao lại hiện được sắc tướng ?

Đáp : Tức cái pháp thân đó là cái thể của sắc nên hiện được sắc tướng, nghĩa là sắc và tâm bản lai không hai; do cái tính của sắc tức là trí nên sắc thể không hình gọi là trí thân; do cái tính của trí tức là sắc nên gọi là pháp thân cùng khắp tất cả mọi nơi; các sắc hiện ra không có phần loại, tùy tâm mà thị hiện thập phương thế giới, vô lượng Bồ tát, vô lượng báo thân, vô lượng trang nghiêm, mỗi mỗi khác nhau, nhưng đều không phân loại, không ngăn ngại nhau. Điều đó không phải tâm thức phân biệt biết được, vì là cái nghĩa tự tại dụng của chân như vậy.

Lại chỉ tỏ thêm từ sinh diệt môn liền vào chân như môn, nghĩa là xét cầu nơi ngũ ấm, sắc cùng với tâm và cảnh giới lục trần đều rốt ráo không có niệm, do tâm không có hình tướng nên tìm cầu khắp mười phương, rốt ráo không thể được. Như người mê lầm bảo phương đông là phương tây, nhưng sự thật phương hướng không chuyển đổi; chúng sinh cũng vậy, do vô minh mê lầm bảo tâm là niệm, nhưng sự thật tâm không động. Nếu có khả năng quán sát biết tâm không khởi lên thì liền được tùy thuận vào chân như môn vậy.

Đối trị tà chấp là tất cả tà chấp đều nương với ngã kiến, nếu rời cái ngã thì không có tà chấp. Ngã kiến ấy có hai thứ. Thế nào là hai? Một là nhân ngã kiến, hai là pháp ngã kiến.

Nhân ngã kiến, nương với tâm các phàm phu, thì nói có 5 thứ. Thế nào là năm ?

Một là nghe khế kinh nói: Pháp thân Như lai rốt ráo vắng lặng, giống như hư không. Do không biết là để phá chấp nên liền bảo rằng hư không là tính của Như lai. Làm thế nào để đối trị? Cần chỉ tỏ tướng hư không là pháp giả dối, tự thể rỗng không không thật, do đối với sắc tướng mà có cái tướng có thể thấy được ấy, khiến cho tâm sinh diệt. Do tất cả các pháp bản lai là tâm, thật không có ngoại sắc và nếu không có sắc thì cũng không có tướng hư không, nghĩa là tất cả cảnh giới đều duy tâm vọng khởi lên mới có, nên nếu tâm rời được vọng động thì tất cả cảnh giới đều diệt, chỉ một chân tâm, không chỗ nào không cùng khắp; thế gọi là cái nghĩa rốt ráo của tâm trí rộng lớn các đức Như lai, chứ không phải như tướng hư không.

Hai là nghe khế kinh nói: Cái thể của các pháp thế gian rốt ráo là rỗng không, cho đến các pháp chân như niết bàn cũng rốt ráo là rỗng không, bản lai tự là rỗng không, rời tất cả tướng. Do không biết là để phá chấp, liền bảo rằng cái tính của chân như niết bàn chỉ là rỗng không. Làm thế nào để đối trị? Cần chỉ tỏ sự thể pháp thân chân như là bất không, do đầy đủ vô lượng tính công đức vậy.

Ba là nghe khế kinh nói: Như lai tạng không có thêm bớt, tự thể đầy đủ tất cả các pháp công đức. Do không hiểu thấu, liền bảo rằng Như lai tạng có những sắc pháp và tâm pháp, tự tướng khác nhau. Làm thế nào để đối trị? Cần chỉ tỏ do nương với nghĩa chân như mà nói như thế và do nương với nghĩa pháp nghiễm sinh diệt tỏ hiện mà nói là khác nhau vậy.

Bốn là nghe khế kinh nói: Tất cả pháp nhiễm sinh tử thế gian đều nương với Như lai tạng mà có, tất cả các pháp không rời chân như. Do không hiểu thấu nên bảo rằng tự thể Như lai tạng có đủ tất cả các pháp sinh tử thế gian. Làm thế nào để đối trị? Cần lấy cái nghĩa Như lai tạng bản lai chỉ có các tịnh công đức quá số cát sông Hằng, không rời, không dứt, không khác chân như; do những pháp nhiễm phiền não quá số cát sông Hằng, chỉ là giả có, tính vốn tự rỗng không, bản lai chưa hề kết đồng với Như lai tạng vậy. Nếu Như lai tạng tự thể có các pháp giả dối mà khi chứng ngộ được, lại diệt hẳn các điều hư vọng thì không có lẽ nào như vậy.

Năm là nghe khế kinh nói: Nương với Như lai tạng nên có sinh tử, nương với Như lai tạng nên được niết bàn. Do không hiểu thấu nên lại bảo rằng chúng sinh có cái bắt đầu; do thấy có cái bắt đầu nên lại bảo rằng niết bàn, mà Như lai đã chứng được, cũng có cái cuối cùng phải hết và Như lai sẽ trở lại làm chúng sinh. Làm thế nào để đối trị? Cần lấy chỗ Như lai tạng không có thời trước và cái tướng vô minh cũng không có cái bắt đầu. Nếu nói ngoài tam giới, còn có chúng sinh bắt đầu phát khởi, thì tức là nói theo ngoại đạo. Lại Như lai tạng không có thời sau nên niết bàn mà chư Phật đã chứng, kết đồng với Như lai tạng, cũng không có thời sau vậy.

Pháp ngã kiến là nương với độn căn Nhị thừa nên đức Như lai vì họ mà chỉ nói pháp nhân vô ngã; do nói không rốt ráo nên họ thấy có pháp ngũ ấm sinh diệt, sợ hãi sinh tử, vọng nhận niết bàn. Làm thế nào để đối trị? Cần lấy chỗ pháp ngũ ấm tự tính không sinh nên không có diệt, bản lai là niết bàn vậy.

Lại nữa, rốt ráo rời được vọng chấp thì nên biết pháp nhiễm pháp tịnh thảy đều đối đãi với nhau, không có tự tướng có thể nói; vậy nên tất cả các pháp bản lai không phải sắc, không phải tâm, không phải trí, không phải thức, không phải có, không phải không, cái tướng rốt ráo không thể nói được; mà có lời nói thì nên biết đó là phương tiện thiện xảo của Như lai, mượn lời nói để dắt dìu chúng sinh; song cái chỉ thú đều là ly niệm, qui về chân như; do đã niệm tất cả các pháp thì khiến cho tâm sinh diệt, không vào được thật trí vậy.

Phân biệt những tướng phát tâm tu tiến hướng về Phật đạo, nghĩa là tất cả các vị Bồ tát đều phát tâm tu hành hướng về cái đạo mà tất cả chư Phật đã chứng. Nói lược về phát tâm thì có ba thứ. Thế nào là ba? Một là thành tựu chính tín mà phát tâm, hai là giải hành mà phát tâm, ba là chứng mà phát tâm.

Thành tựu chính tín mà phát tâm thì nương với hạng người nào, tu những hạnh gì mà thành tựu được chính tín và có khả năng phát tâm, nghĩa là nương với chúng sinh trong bất định tụ có sức thiện căn huân tập, biết tin nghiệp báo, phát khởi thập thiện, chán cái khổ sinh tử, mong cầu vô thượng bồ đề, được gặp chư Phật, thân thừa cúng dàng, tu hành tín tâm trải qua một vạn kiếp nên tín tâm được thành tựu và được chư Phật Bồ tát dạy cho phát tâm, hoặc do lòng đại bi mà tự phát tâm, hoặc nhân chính pháp muốn diệt, do nhân duyên hộ pháp mà tự phát tâm được. Những người thành tựu chính tín mà phát tâm như thế thì vào chính định tụ, rốt ráo không lui sút, gọi là an trụ trong giống Như lai, tương ưng với chính nhân.

Nếu có chúng sinh thiện căn ít ỏi, từ lâu xa đến nay phiền não sâu dày, thì tuy được gặp Phật, cũng được cúng dàng, song chỉ phát khởi những chủng tử nhân thiên, hoặc chủng tử Nhị thừa; giả sử có cầu pháp Đại thừa thì căn cũng không quyết định, khi tới khi lui.

Hoặc có người cúng dàng chư Phật chưa trải qua một vạn kiếp, trong đó gặp duyên cũng có phát tâm, nghĩa là hoặc thấy sắc tướng của Phật mà phát tâm, hoặc cúng dàng chư Tăng mà phát tâm, hoặc nhân hàng Nhị thừa dạy bảo khiến cho phát tâm, hoặc học theo người khác mà phát tâm; những người phát tâm như thế thảy đều không quyết định, gặp nhân duyên xấu, hoặc khi lại lui sút, sa vào hàng Nhị thừa.

Lại nữa, thành tựu chính tín mà phát tâm là phát những tâm gì? Nói lược có ba thứ. Thế nào là ba? Một là trực tâm, chân chính niệm pháp chân như vậy; hai là thâm tâm, ưa muốn tất cả các thiện hạnh vậy; ba là đại bi tâm, muốn trừ cái khổ cho tất cả chúng sinh vậy.

Hỏi: Ở trên đã nói pháp giới chỉ nhất tướng, thật thể không có hai, vì cớ sao lại không chỉ niệm chân như mà còn cần nhờ đến sự cầu học các thiện hạnh?

Đáp: Ví như hạt châu báu đại ma ni, thể tính trong sáng mà có cái nhớp của các quặng; nếu người ta chỉ niệm chân như châu báu mà không dùng phương tiện dồi mài nhiều cách thì rốt cuộc cũng không được hạt châu trong sạch. Pháp chân như của chúng sinh cũng như thế, thể tính rỗng không trong sạch mà có vô lượng cấu nhiễm phiền não, nếu người ta chỉ niệm chân như, không dùng phương tiện tu tập nhiều cách, thì cũng không được sự trong sạch; do cấu nhiễm vô lượng cùng khắp tất cả pháp nên cần tu tất cả thiện hạnh để mà đối trị; nếu người ta tu hành tất cả thiện pháp thì tự nhiên quay về thuận theo pháp chân như vậy.

Lược nói về phương tiện thì có bốn thứ. Thế nào là bốn? Một là phương tiện tu hành căn bản, nghĩa là quán tất cả các pháp tự tính không sinh, rời các vọng kiến, không trụ nơi sinh tử; quán tất cả các pháp nhân duyên hòa hợp thì nghiệp quả không mất; khởi lòng đại bi, tu các phúc đức nhiếp hóa chúng sinh, không trụ nơi niết bàn, do thuận theo pháp tính, không có trụ vậy.

Hai là phương tiện năng chỉ, nghĩa là xấu hổ hối lỗi, có thể ngăn chận tất cả ác pháp, không cho tăng trưởng, do thuận theo pháp tính rời các lỗi lầm vậy.

Ba là phương tiện phát khởi và tăng trưởng thiện căn, nghĩa là ân cần cúng dàng lễ bái Tam bảo, tán thán, tùy hỷ, khuyến thỉnh chư Phật. Do cái tâm thuần hậu yêu kính Tam bảo ấy, nên tín tâm được tăng trưởng và có khả năng quyết chí cầu đạo Vô thượng. Lại nhân được sức của Phật Pháp Tăng hộ trì, nên tiêu được nghiệp chướng, thiện căn không lui sút, do thuận theo pháp tính, rời các si chướng vậy.

Bốn là phương tiện đại nguyện bình đẳng, nghĩa là phát nguyện hóa độ tất cả chúng sinh tột đời vị lai, không có bỏ sót và khiến cho đều rốt ráo được vô dư niết bàn ; do thuận theo pháp tính, không đoạn tuyệt vậy. Pháp tính rộng lớn cùng khắp tất cả chúng sinh, bình đẳng không hai, không phân biệt bỉ thử và rốt ráo tịch diệt vậy. Bồ tát phát được tâm ấy thì thấy được phần ít pháp thân ; do thấy được pháp thân nên theo nguyện lực, có thể hiện ra tám tướng làm lợi ích cho chúng sinh, nghĩa là từ cõi trời Đâu suất xuống, vào thai, ở trong thai, ra khỏi thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, vào niết bàn. Song vị Bồ tát đó chưa gọi là pháp thân, do những nghiệp hữu lậu, từ vô lượng đời quá khứ đến nay, chưa dứt hẳn và theo chỗ sở sinh, còn tương ưng với một ít khổ, nhưng không phải vì bị nghiệp ràng buộc, vì có sức tự tại của đại nguyện vậy.

Trong các khế kinh hoặc khi nói có lui sút, sa vào ác thú, nhưng không phải thật có lui sút; chỉ vì các vị sơ học Bồ tát chưa vào chính vị, lại giải đải, mà nói như thế để làm cho e sợ và khiến cho dũng mãnh vậy.

Lại vị Bồ tát đó, một khi đã phát tâm rồi, thì xa rời khiếp nhược, rốt ráo không sợ sa vào hàng Nhị thừa, dầu nghe phải tu hành siêng năng khó nhọc trong vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp mới được niết bàn, cũng không khiếp sợ, do đã tin biết tất cả các pháp bản lai tự niết bàn vậy.

Giải hành mà phát tâm thì nên biết đã chuyển hơn trước, do vị Bồ tát đó, từ khi bắt đầu được chính tín đến nay, khi a tăng kỳ kiếp thứ nhất gần muốn đầy đủ, đối với pháp chân như, sự nhận hiểu sâu sắc đã hiện tiền và chỗ tu đều là ly tướng. Do biết pháp tính, thể không xan tham nên tùy thuận tu hành đàn ba la mật; do biết pháp tính không nhiễm, rời cái lỗi ngũ dục nên tùy thuận tu hành thi ba la mật; do biết pháp tính không khổ, rời các sân não, nên tùy thuận tu hành sằng đề ba la mật; do biết pháp tính không có tướng thân tâm, rời lòng mạn và giải đải, nên tùy thuận tu hành tỳ lê gia ba la mật; do biết pháp tính thường định, thể không tán loạn nên tùy thuận tu hành thiền ba la mật; do biết pháp tính, tự thể sáng suốt, rời các vô minh, nên tùy thuận tu hành bát nhã ba la mật.

Chứng mà phát tâm thì các vị Bồ tát, từ tịnh tâm địa cho đến cứu kính địa, chứng cảnh giới gì? Đó là chân như. Do nương theo chuyển thức mà gọi là cảnh giới, chứ chỗ chứng ấy không có cảnh giới, chỉ cái trí chân như gọi là pháp thân. Vị Bồ tát ấy, trong khoảng một niệm, có thể đến khắp thập phương thế giới, không có thiếu sót, cúng dàng chư Phật, xin chuyển pháp luân, chỉ vì để khai thị dắt dìu làm lợi ích cho chúng sinh, chứ không nương với văn tự; hoặc khi vì các chúng sinh khiếp nhược, thị hiện vượt bậc, chóng thành chính giác; hoặc khi vì những chúng sinh giải đãi, ngã mạn, mà nói rằng vô lượng a tăng kỳ kiếp về sau, tôi mới thành Phật đạo; lại có thể thị hiện vô số phương tiện như thế không thể nghĩ bàn, nhưng sự thật thì các vị Bồ tát, chủng tính và căn đều bình đẳng, phát tâm cũng bình đẳng, chỗ chứng cũng bình đẳng, không có cái pháp vượt bậc, do tất cả Bồ tát đều trải qua ba a tăng kỳ kiếp vậy; chỉ do theo chúng sinh thế gian không đồng, chỗ thấy chỗ nghe, căn cơ dục vọng khác nhau nên Bồ tát thị hiện việc làm cũng có khác nhau.

Lại cái tướng phát tâm của các vị Bồ tát ấy có ba thứ tâm tướng vi tế. Thế nào là ba? Một là chân tâm, không phân biệt vậy; hai là phương tiện tâm, tự nhiên làm lợi ích khắp cho chúng sinh vậy; ba là nghiệp thức tâm, còn những khởi diệt vi tế vậy.

Lại vị Bồ tát ấy công đức viên thành, ở cõi trời Sắc cứu kính, thị hiện cái thân cao lớn nhất trong tất cả thế gian, nghĩa là do cái tuệ tương ưng với nhất niệm, vô minh liền hết, thì gọi là nhất thiết chủng trí, tự nhiên mà có bất tư nghì nghiệp có thể hiện khắp mười phương làm lợi ích cho chúng sinh.

Hỏi : Hư không vô biên nên thế giới vô biên, thế giới vô biên nên chúng sinh vô biên, chúng sinh vô biên nên tâm hành sai khác cũng lại vô biên; những cảnh giới như thế không thể phân loại, khó biết khó hiểu; nếu đã đoạn vô minh, không có tâm tưởng, thì làm sao rõ được mà gọi là nhất thiết chủng trí ?

Đáp : Tất cả cảnh giới bản lai là nhất tâm, rời các tưởng niệm; do chúng sinh vọng thấy cảnh giới, nên tâm có phân loại; do vọng khởi ra tưởng niệm, không cân xứng với pháp tính, nên không thể rõ biết. Chư Phật Như lai rời cái thấy cái tưởng, không chỗ nào không cùng khắp; cái tâm chân thật tức là cái tính của các pháp, tự thể soi tỏ tất cả vọng pháp, có vô lượng phương tiện của cái dụng đại trí, theo các chúng sinh cần thế nào mới hiểu được, thì đều có thể khai thị các thứ pháp nghĩa, vậy nên được gọi là nhất thế chủng trí.

Hỏi : Nếu chư Phật có tự nhiên nghiệp, hiện ra được ở tất cả mọi nơi làm lợi ích cho chúng sinh; lại tất cả chúng sinh nếu thấy được Phật, xem được thần thông biến hóa của Phật, hoặc được nghe lời Phật dạy thì không ai là không được lợi ích; vậy thì sao trong thế gian phần nhiều lại không thấy được Phật?

Đáp: Pháp thân chư Phật Như lai bình đẳng cùng khắp tất cả mọi nơi, không có tác ý nên gọi là tự nhiên, chỉ nương với tâm chúng sinh mà thị hiện. Tâm chúng sinh cũng như cái gương, nếu cái gương có nhơ bẩn thì các bóng không hiện được; tâm chúng sinh cũng như thế, nếu có cấu nhiễm thì pháp thân không hiện ra vậy.

Đã nói xong phần giải thích, thứ nữa nói phần tu hành tín tâm; trong đó nương với chúng sinh chưa vào chính định tụ mà nói tu hành tín tâm.

Tín tâm thế nào và tu hành thế nào?

Nói lược, tín tâm có bốn thứ. Thế nào là bốn? Một là tin căn bản, nghĩa là thích niệm pháp chân như vậy. Hai là tin Phật có vô lượng công đức, thường nghĩ việc thân cận, cúng dàng cung kính, để phát khởi thiện căn, mong cầu nhất thiết trí vậy. Ba là tin Pháp có lợi ích lớn và thường nghĩ việc tu hành các pháp ba la mật vậy. Bốn là tin Tăng, chân chính tu hành được pháp tự lợi lợi tha và thường thích thân cận các chúng Bồ tát, cầu học những hạnh như thật vậy.

Có năm môn tu hành thành tựu được tín tâm ấy. Thế nào là năm? Một là bố thí, hai là trì giới, ba là nhẫn nhục, bốn là tinh tiến, năm là chỉ quán.

Tu hành pháp môn bố thí như thế nào? Nếu thấy tất cả người đến cầu xin, thì theo sức mà bố thí những của cải mình có để tự mình bỏ lòng xan tham và khiến cho người kia vui vẻ. Nếu thấy người bị ách nạn, khủng bố, nguy khốn, thì tùy khả năng của mình, bố thí sự vô úy. Nếu có chúng sinh đến cầu pháp, thì tùy chỗ hiểu được của mình, phương tiện vì họ mà nói, không nên tham cầu danh lợi cung kính, chỉ nghĩ về tự lợi lợi tha để hồi hướng đạo bồ đề vậy.

Tu hành pháp môn trì giới như thế nào? Nghĩa là không sát, không đạo, không dâm, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không vọng ngôn, không ỷ ngữ, xa rời những niệm tham, ganh, lừa dối, dua nịnh, giận hờn, tà kiến. Nếu là người xuất gia thì còn vì chiết phục phiền não mà nên xa rời sự ồn ào, thường ở chỗ vắng lặng, tu tập những hạnh như hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, cho đến mắc những tội nhỏ, tâm cũng sinh lòng e sợ, xấu hổ hối cải; không được xem nhẹ những cấm giới của Như lai đã chế và thường giữ gìn để tránh khỏi cơ hiềm, không làm cho chúng sinh vọng khởi ra tội lỗi.

Tu hành pháp môn nhẫn nhục như thế nào? Nghĩa là nên nhịn sự chọc tức của người khác, tâm không ôm lòng báo oán và cũng nên nhịn đối với những điều lợi, suy, nói xấu, nói tốt, khen, chê, khổ, vui, vân vân.

Tu hành pháp môn tinh tiến như thế nào? Nghĩa là đối với các việc thiện, tâm không lười biếng lui sút, lập chí kiên cường, xa rời khiếp nhược, nên nghĩ từ quá khứ lâu xa đến nay, luống chịu tất cả những khổ lớn nơi thân tâm, khôngích lợi gì ; vậy cần phải siêng năng tu tập các công đức tự lợi lợi tha để chóng rời các khổ. Lại nữa, nếu có người, tuy tu hành tín tâm, nhưng do từ đời trước có những nghiệp chướng, tội ác nặngnề, hoặc bị các tà ma quỉ quái quấy phá, hoặc bị nhiều thứ ràng buộc của công việc thế gian, hoặc bị tật bịnh làm cho rối loạn, tóm lại có rất nhiều sự chướng ngại như thế thì nên càng dũng mãnh tinh tiến, ngày đêm sáu buổi lễ bái chư Phật, thành tâm sám hối, khuyến thỉnh tùy hỷ, hồi hướng đạo bồ đề, thường xuyên không dừng nghỉ, để được khỏi các chướng và tăng trưởng thiện căn.

Tu hành pháp môn chỉ quán như thế nào? Gọi là chỉ, nghĩa là dừng bỏ tất cả các tướng cảnh giới, thuận theo ý nghĩa quán xa ma tha. Gọi là quán, nghĩa là phân biệt những tướng nhân duyên sinh diệt, thuận theo ý nghĩa quán tỳ bát xá na. Thuận theo thế nào? Là dùng hai nghĩa ấy, lần lượt tu tập, không rời bỏ nhau để cả hai đều song song hiện tiền vậy.

Nếu tu pháp chỉ thì ở chỗ yên lặng, ngồi ngay ngắn, ý đúng đắn, không nương hơi thở, không nương hình sắc, không nương rỗng không, không nương với địa, thủy, hỏa, phong, cho đến không nương với thấy nghe hay biết, theo niệm mà trừ hết tất cả các tưởng và cũng khiến bỏ cái tưởng đoạn trừ, do tất cả các pháp bản lai không có tướng, niệm niệm không sinh, niệm niệm không diệt, cũng không được tùy tâm mà niệm cảnh giới bên ngoài, rồi về sau dùng tâm mà trừ tâm. Nếu tâm buông lung tán loạn, thì nên thu nhiếp lại, án trụ nơi chính niệm. Chính niệm đó nên biết là duy tâm, không có cảnh giới bên ngoài; lại tức cái tâm ấy cũng không có tự tướng, niệm niệm không thể nhận được. Nếu từ chỗ ngồi đứng dậy, đi lại lui tới, hoặc làm việc gì, thì trong tất cả thời thường nhớ đến phương tiện thuận theo mà quán sát. Tập lâu thuần thục thì tâm được an trụ; do tâm an trụ nên lần lần mạnh mẽ sắc bén, thuận theo vào được chân như tam muội, dẹp sâu phiền não, tín tâm tăng trưởng, chóng thành bất thoái. Chỉ trừ những hạng người nghi hoặc, không tín, phỉ báng, ngã mạn, giải đãi, hoặc bị những nghiệp chướng tội nặng, thì không thể vào được.

Lại nữa, nương với pháp tam muội ấy thì biết pháp giới là nhất tướng, nghĩa là pháp thân tất cả chư Phật cùng thân chúng sinh bình đẳng không hai; thế gọi là nhất hành tam muội. Nên biết chân như là cội gốc tam muội, nếu tu hành chân như thì lần lần sinh được vô lượng tam muội.

Hoặc có chúng sinh không có sức thiện căn, thì bị các tà ma, ngoại đạo, quỉ thần, mê hoặc phá rối. Như trong lúc tọa thiền, chúng hiện hình làm cho sợ hãi, hoặc hiện ra những tướng nam nữ cân xứng xinh đẹp, thì nên niệm cảnh giới duy tâm để diệt trừ, làm cho rốt cuộc không khuấy phá được. Hoặc chúng hiện ra hình dáng chư thiên, hình dáng Bồ tát hoặc cả hình dáng Như lai, tướng tốt đầy đủ; hoặc chúng nói thần chú, nói bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ; hoặc nói bình đẳng rỗng không, không tướng, không nguyện, không oán, không thân, không nhân không quả, nói rốt ráo rỗng không vắng lặng là niết bàn chân thật. Hoặc chúng làm cho người ta biết những việc túc mạng quá khứ cùng những việc vị lai, được tha tâm thông, được biện tài vô ngại có thể khiến cho chúng sinh tham trược những sự danh lợi thế gian. Hoặc chúng làm cho người ta khi giận khi vui, tính tình bất thường, làm cho có nhiều lòng từ ái, ngủ nhiều, bịnh nhiều; hoặc làm cho cái tâm giải đãi hay là bỗng khởi ra tinh tiến, về sau lại nghỉ bỏ, sinh lòng bất tín, nghi nhiều, lo nhiều. Hoặc chúng làm cho bỏ lối tu hành thù thắng cũ, lại tu các tạp nghiệp, hay là mắc vào nhiều thứ ràng buộc về thế sự. Chúng cũng có thể khiến cho được những tam muội phần nào giống như tam muội chân chính, nhưng đều là những tam muội của ngoại đạo, chứ không phải tam muội chân chính. Hoặc chúng lại làm cho người ta trong một ngày, hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày, ở trong định tự nhiên được những thức ăn uống thơm ngon, trong tâm vui đẹp, không đói không khát, khiến cho ưa đắm ; hoặc chúng cũng làm cho người ta ăn không chừng mực, khi nhiều khi ít, nhan sắc biến đổi.

Do những nghĩa đó, người tu hành thường phải dùng trí tuệ quán sát, chớ để tâm mình mắc vào tà võng, cần siêng tu chính niệm, không chấp không trược thì mới xa rời được các nghiệp chướng ấy.

Nên biết các thứ tam muội, mà ngoại đạo có thể có, đều không tách rời lòng kiến ái ngã mạn, do còn tham trược những danh lợi cung kính thế gian vậy. Chân như tam muội không trụ nơi kiến, không trụ nơi đắc, cho đến khi xuất định cũng không giải đãi, ngã mạn, nên các thứ phiền não, đã có từ trước, lần lần được giảm bớt. Nếu hàng phàm phu không tu tập pháp tam muội ấy mà vào được chủng tính Như lai, thì thật không có lẽ nào như vậy. Do tu các thiền định tam muội thế gian, phần nhiều khởi ra say đắm, lại nương theo ngã kiến, hệ thuộc với ba cõi, chung cùng với ngoại đạo, nên nếu rời sự hộ trì của thiện tri thức thì sẽ khởi ra những kiến chấp ngoại đạo vậy.

Lại nữa, người siêng năng chuyên tâm tu tập pháp tam muội này, hiện tại sẽ được mười thứ lợi ích. Thế nào là mười? Một là sẽ được chư Phật Bồ tát mười phương hộ niệm; hai là không bị các tà ma ác quỉ khủng bố được; ba là không bị 95 thứ quỉ thần ngoại đạo mê hoặc, phá rối; bốn là xa rời sự phỉ báng pháp thậm thâm, nghiệp chướng tội nặng lần lần giảm bớt; năm là diệt tất cả các điều nghi và các ý nghĩ xấu; sáu là tăng trưởng lòng tin đối với cảnh giới Như lai; bảy là xa rời sự lo buồn khổ não, ở trong sinh tử, dũng mãnh không khiếp sợ; tám là cái tâm êm dịu hòa nhã, rời bỏ lòng kiêu mạn, không bị kẻ khác chọc tức; chín là tuy chưa được định, song trong tất cả thời, tất cả cảnh giới, vẫn giảm bớt được phiền não, không ưa thế gian; mười là nếu được tam muội thì không bị tất cả các thứ âm thanh bên ngoài làm cho kinh sợ lay động.

Lại nữa, nếu người tu hành chỉ tu pháp chỉ, thì cái tâm chìm lặng, hoặc khởi ra giải đãi, không thích các điều thiện và xa rời đức đại bi, nên cần phải tu quán.

Người tu tập pháp quán nên quán tất cả các pháp hữu vi thế gian không thể dừng lâu, trong giây lát đã biến đổi hư mất, quán tất cả tâm hành đều niệm niệm sinh diệt, do đó nên khổ. Cần quán tất cả các pháp quá khứ, có thể nhớ được, đều mơ màng như chiêm bao; cần quán tất cả các pháp hiện tại, có thể nghĩ được, đều như cái ánh sáng chớp; cần quán tất cả các pháp vị lai, có thể suy được, đều như phù vân, bỗng nhiên nổi lên. Cần quán tất cả các thân thế gian đều là bất tịnh, có nhiều thứ nhơ nhớp, không một cái gì đáng ưa thích.

Rồi như vậy nên nghĩ đến tất cả chúng sinh từ vô thủy đến nay đều nhân bị vô minh huân tập, làm cho tâm sinh diệt, mà đã phải chịu những khổ to nơi thân tâm, hiện tại cũng có những bức bách vô lượng và vị lai, cái khổ cũng không có chừng mực. Chúng sinh như thế khó bỏ khó rời cái khổ mà không giác ngộ, rất đáng thương xót. Suy nghĩ như vậy thì liền nên dũng mãnh lập thệ nguyện lớn, nguyện cho tâm mình, do rời được phân biệt, mà tu hành tất cả các thiện công đức cùng khắp mười phương, tột đời vị lai, dùng vô lượng phương tiện cứu vớt tất cả chúng sinh khổ não, khiến cho được cái vui đệ nhất nghĩa của niết bàn.

Do phát khởi cái nguyện như thế nên trong tất cả thời, tất cả nơi, có những điều thiện gì, thì tùy khả năng của mình mà tu học không ngớt, tâm không giải đãi. Chỉ trừ lúc tọa thiền thì chuyên tu pháp chỉ, còn trong tất cả các thời khác, đều nên quán sát việc nên làm, việc không nên làm, lúc đi, lúc ở, lúc nằm, lúc dậy, đều nên song song tu tập chỉ quán; nghĩa là suy nghĩ các pháp tự tính không sinh, nhưng lại nghĩ do nhân duyên hòa hợp mà những quả báo khổ vui vân vân của các nghiệp thiện ác, không hư không mất, tuy nghĩ đến nhân duyên nghiệp báo thiện ác mà cũng liền nghĩ tự tính của nó không thể nhận được.

Nếu tu pháp chỉ thì đối trị được việc phàm phu chấp trược thế gian và rời bỏ được kiến chấp khiếp nhược của Nhị thừa; nếu tu pháp quán thì đối trị được cái lỗi lầm hẹp hòi của Nhị thừa không khởi được lòng đại bi và xa rời được việc phàm phu không tu thiện căn. Do những nghĩa đó nên hai pháp chỉ quán giúp nhau thành tựu, không rời bỏ nhau; nếu không đủ cả chỉ quán thì không vào được đạo bồ đề.

Lại nữa, chúng sinh mới học pháp này, muốn cầu được chính tín mà cái tâm khiếp nhược, do việc ở trong thế giới Sa bà này, sợ không được thường gặp chư Phật, thân thừa và cúng dàng, sợ tín tâm khó được thành tựu, ý muốn rút lui, thì nên biết Như lai có phương tiện thắng diệu nhiếp thu hộ trì lòng tin, nghĩa là nhờ nhân duyên chuyên tâm niệm Phật, thì theo nguyện được sinh vào cõi Phật phương khác, thường được thấy Phật, rời hẳn ác đạo. Như trong kinh nói: Nếu có người chuyên niệm đức Phật A di đà ở tây phương Cực lạc thế giới, hồi hướng thiện căn đã tu trì để cầu nguyện sinh về thế giới kia, thì liền được vãng sinh và nhờ được thấy Phật, không hề lui sút. Nếu quán được pháp thân chân như của đức Phật kia và thường siêng năng tu tập, thì rốt ráo được vãng sinh và an trụ nơi chính định.

Đã nói phần tu hành tín tâm, thứ nữa nói phần lợi ích để khuyến khích tu hành.

Pháp Đại thừa như thế là bí tạng của chư Phật, tôi đã tổng quát nói xong. Nếu có chúng sinh muốn sinh được chính tín và xa rời phỉ báng đối với cảnh giới thậm thâm của Như lai để vào được đạo Đại thừa, thì nên trì tụng Luận này, suy nghĩ tu tập để có thể rốt ráo đến đạo vô thượng.

Nếu nghe pháp này rồi, không sinh lòng khiếp nhược, thì nên biết người đó quyết định nối dòng giống Phật, chắc chắn được chư Phật thụ ký.

Giả sử có người giáo hóa chúng sinh đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới, khiến cho tu hành thập thiện, thì cũng không bằng người, ở trong khoảng một bữa ăn, chân chính suy nghĩ pháp này. Công đức của người sau hơn công đức người trước rất nhiều, không thể lấy gì mà ví dụ được.

Lại nữa, nếu có người tụng trì Luận này, quán sát tu hành, dầu chỉ trong một ngày một đêm, thì công đức người ấy đã được là vô lượng vô biên, không thể nói xiết. Dầu cho tất cả chư Phật mười phương, mỗi mỗi đều khen ngợi công đức ấy trong vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp cũng không hết được; vì cớ sao? Vì công đức pháp tính không có hết, nên công đức người ấy cũng lại như thế, không có bờ bến.

Nếu có chúng sinh, đối với Luận này, chê bai không tin thì tội báo chuốc lấy là phải chịu khổ não lớn trong vô lượng kiếp. Vậy nên chúng sinh chỉ nên tín ngưỡng, không nên phỉ báng để tự hại mình và cũng hại người khác một cách sâu sắc, đoạn tuyệt hạt giống tất cả Tam bảo, do tất cả các đức Như lai đều nương với pháp này mà được niết bàn, tất cả các vị Bồ tát đều nhân tu hành pháp này mà vào được trí tuệ của Phật.

Nên biết các vị Bồ tát quá khứ đã nương với pháp này mà thành tựu được tín tâm thanh tịnh, các vị Bồ tát hiện tại đang nương với pháp này mà thành tựu được tín tâm thanh tịnh, các vị Bồ tát vị lai cũng sẽ nương với pháp này mà thành tựu được tín tâm thanh tịnh; vậy nên chúng sinh cần siêng năng tu học.

Nghĩa thậm thâm rộng lớn chư Phật,

Nay đã tùy phận nói tổng quát,

Hồi hướng công đức như pháp tính,

Làm lợi khắp tất cả chúng sinh.

    Xem thêm:

  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Nhất Chân - Luận Tạng
  • Bài Tán Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Bản 2) - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Khởi Tín - Luận Tạng
  • Bài Tán Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Bản 1) - Luận Tạng
  • Sớ Thần Bảo Ký Nhơn Vương Hộ Quốc Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Luận Tạng
  • Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận - Luận Tạng
  • Luận Bồ Tát Bổn Sanh Man - Luận Tạng
  • Luận Phật Thừa Tông Yếu - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 4 - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 5 - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Trung Luận – Thích Thiện Siêu - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Luận Kim Cương Tiên - Luận Tạng
  • Vi Diệu Pháp – Bộ Song Đối tập 4 - Luận Tạng
  • Tịnh Độ Luận - Luận Tạng
  • Thích Nghĩa Luận Nhiếp Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng
  • Thành Duy Thức Luận - Luận Tạng
  • Ý Nghĩa Quán Âm Huyền Diệu - Luận Tạng