Kinh A Hàm Chính Hạnh

Phật Thuyết A Hàm Chánh Hạnh Kinh [佛說阿含正行經]

Hậu Hán An Thế Cao dịch

Việt dịch: Thích Tâm Châu

***

Chính tôi được nghe: một thời kia đức Phật ở trong vườn cây của ông Kỳ-Đà và ông Cấp-Cô-Độc, thuộc nước Xá-Vệ.

Bấy giờ, đức Phật bảo các vị Tỳ-Khưu: Nay ta sẽ vì các ông nói về kinh. Trong kinh, lời nói cao-thượng cũng quý, lời nói trung-bình cũng quý, lời nói rất thấp cũng quý. Mà, nói về đạo độ thế, cần lấy “chính tâm làm gốc”. Các ông hãy nghe ta nói và để cho đời sau được truyền-bá, thực-hành theo lời kinh ấy.

Khi ấy, các vị Tỳ-Khưu đều chắp tay thụ-giáo.

Đức Phật dạy: Trong thân người ta có năm thứ giặc, thường lôi kéo người ta vào đường ác. Năm thứ giặc ấy là những gì?

Một là, sắc (hình-sắc).

Hai là, đau-đớn (thụ: chịu đựng).

Ba là, tư-tưởng.

Bốn là, sinh-tử (hành-động).

Năm là, thức (nhận-thức). (2)

Đó là năm thứ mà người ta thường niệm đến.

Đức Phật dạy: Người ta thường bị mắt lừa-dối, tai lừa-dối, mũi lừa-dối, miệng lừa-dối và bị thân lừa-dối. Song, mắt chỉ trông được, không thể nghe được; tai chỉ nghe được, không thể trông thấy được, mũi chỉ biết ngửi hương-vị không thể nghe được; miệng lưỡi chỉ biết nếm mùi, không thể biết được hương-vị; thân-thể chỉ biết lạnh, ấm, không thể biết được mùi. Năm căn ấy đều thuộc về “tâm” và lấy “tâm” làm gốc. (3)

Đức Phật dạy: Các vị Tỳ-Khưu! Các ông muốn cầu đạo, các ông nên đoan-chính tâm các ông. Nếu từ nơi si-mê phát-khởi, hẳn sẽ sa rơi vào mười hai nhân-duyên và liền có ra sự sinh-tử luân-hồi. Những gì là mười hai nhân-duyên? – Một là, căn-bản là si-mê (vô-minh). Hai là, hành (hành-động). Ba là, thức (nhận-thức). Bốn là, tự (danh-tự hay danh-sắc) (4). Năm là, lục-nhập (5). Sáu là, tài (tài-bồi, có chỗ gọi là xúc) (6). Bảy là thống (đau-khổ, có chỗ gọi là thủ). Tám là, ái (yêu). Chín là, thụ (cảm-thụ). Mười là, hữu (7). Mười một là, sinh. Mười hai là tử (8). Người làm việc thiện, sẽ được làm người. Người làm việc ác, chết phải vào trong địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh.

Đức Phật ngồi suy-nghĩ và nói: “Người ta do si-mê, nên có ra sự sinh-tử”. Si là gì? – Trước đây do từ trong si-mê, nên nay sinh làm người. Làm người, tâm si-mê không cởi-mở, mắt không khai tỏ, không biết chết đi sẽ xu-hướng về nơi nào; thấy Phật không hỏi, thấy kinh không đọc, thấy bậc Sa-Môn (9) không biết thừa-sự, không tin đạo-đức; thấy cha mẹ không kính; không nghĩ đến nỗi khổ của thế gian, không biết sự tra-khảo, trừng-trị kịch-liệt trong địa-ngục, thế gọi là si-mê, nên có ra sự sinh-tử. Và, sự sinh-tử không ngừng, nhanh như thời-gian hô-hấp, nguy-hiểm ngay đến thân-mệnh người ta. Trong thân người ta có ba sự, sau khi thân chết đi thời Thức đi, Tâm đi và Ý đi. Trong ba sự ấy, thường theo-đuổi nhau. Người làm việc ác, chết phải sa vào trong địa-ngục, ngã-quỷ, súc sinh và quỷ-thần. Người làm việc thiện cũng có ba sự ấy thường theo-đuổi nhau, hoặc sinh lên cõi Trời, hoặc sinh trong cõi người. Những người bị sa-đọa vào trong năm đường (10), đều vì tâm không được đoan-chính.”

Đức Phật bảo các vị Tỳ-Khưu: Các ông đều phải nên đoan-chính tâm các ông, đoan-chính mắt các ông, đoan-chính tai các ông, đoan-chính mũi các ông, đoan-chính miệng các ông, đoan-chính thân các ông và đoan-chính ý các ông. Thân-thể sẽ tan-hòa với đất, nhưng khối thần-thức sẽ không phải vào trong địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh, quỷ-thần.

Thấy nhà người ta có người con ác, bị quan nã-bắt, cũng đều vì tâm không được đoan-chính. Trong thân người ta có đến trăm tên gọi, như xe cũng có trăm tên gọi. Người hay tham, hay giận, không suy-nghĩ gì đến những sự trong thân, chết vào trong địa-ngục, hối không kịp được.

Đức Phật dạy: Thân ta xa-lìa đất nước, bỏ ngôi Chuyển-Luân-Vương lo cắt đứt sinh-tử, muốn độ những người thế-gian, khiến họ được đạo-quả Niết-Bàn. Người tinh-tiến thứ nhất sẽ được đạo-quả A-La-Hán; người tinh-tiến thứ hai tự đến được đạo-quả A-Na-Hàm. Người tinh-tiến thứ ba được đạo-quả Tư-Đà-Hàm. Người tinh-tiến thứ tư được đạo-quả Tu-Đà-Hoàn (11). Tuy thế, người không tinh-tiến lắm được, cũng cần nên giữ năm điều răn: Một là, không sát sinh. Hai là, không trộm-cắp. Ba là, không hai lưỡi. Bốn là, không dâm-dật. Năm là, không uống rượu (12).

Đức Phật dạy: Người ta dù khi ngồi, khi dậy, thường nên suy-nghĩ bốn việc này. Bốn việc ấy là những gì?

Một là, tự quán thân mình và quán thân người.

Hai là, tự quán sự đau-đớn nơi mình và quán sự đau-đớn nơi người.

Ba là, tự quán tâm-ý nơi mình và quán tâm-ý nơi người.

Bốn là, quán pháp nơi mình và quán pháp nơi người (13).

Người mà trong tâm khi sắp loạn-động, nên thu tâm lại, tự đoan-chính nhìn thẳng vào thân-thể, quán-tưởng rằng: “Thân này, no cũng cực, đói cũng cực, ở cũng cực, ngồi cũng cực, đi cũng cực, rét cũng cực, nóng cũng cực, nằm cũng cực. Khi sắp muốn nằm, nên tự sợ hãi ngồi dậy! Người ngồi không được đoan-chính, nên đứng dậy. Người đứng không được đoan-chính, nên kinh-hành. Người mà thảng hoặc tâm không được đoan-chính, nên tự chính. Ví như Quốc-Vương đem binh ra trận chiến-đấu, phải dàn những quân mạnh-mẽ ở đằng trước; tuy đã chống giặc ở khu trước, lại phải thích-hợp, có thể gìn-giữ được những người ở sau. Vị Sa-Môn đã bỏ nhà cửa, bỏ vợ con, cạo râu tóc làm Sa-Môn, tuy chịu khổ một đời, sau được giải-thoát mãi mãi. Người khi đắc đạo rồi, trong tâm mình vui vẻ, coi vợ như chị, em, coi con như bạn tri-thức, không còn có tâm tham-ái và thường rủ lòng lành thương; coi chư Thiên, nhân-dân, địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh, cùng những loài sâu bay, bọ cựa trong mười phương, đều được giàu sang, an-lành, thoát khỏi sinh-tử, được đạo-quả Niết-Bàn. Thấy những loài sâu dưới đất, nên đem lòng từ thương xót nó. Biết lẽ sống, không vướng lại sự si-mê và thường có ý-niệm này: thường nghĩ ân-đức Thầy, phụng-sự Phật, như người nghĩ đến công ơn cha mẹ, như người tù bị tội tử-hình giam trong ngục, có bậc Hiền-giả đến xin cho khỏi bị tù; người bị tù có trí hiểu-biết, thường nghĩ đến ân đức bậc Hiền-giả. Vị Tỳ-Khưu được đạo-quả rồi, thường cũng phải nghĩ đến Phật như thế và nghĩ đến kinh-pháp cũng như người nghĩ đến việc ăn cơm vậy.

Đức Phật dạy: Các vị Tỳ-Khưu nên thừa sự nhau, như em thờ anh. Trong ấy, nếu có người si-mê, nên học-hỏi người trí-tuệ; đắp-đổi dạy lẫn nhau. Học hỏi người trí-tuệ như trong nơi tối có ánh đèn. Không được cãi-cọ, kiện-cáo nhau. Thấy vàng bạc nên coi như đất, đá. Không được làm chứng càn cho người ta, ghép người ta vào tội-pháp. Không được truyền lời nói xấu của người ta và chuyển lời nói đấu-tranh nhau. Không được làm thương-tổn trong ý nói của người ta. Không nghe thấy đừng nói là nghe thấy, không trông thấy đừng nói là trông thấy. Đi đường thường nên cúi đầu trông xuống đất. Sâu-bọ không nên dẫm chết. Không được tham-đắm phụ-nữ người ta và không được dùng hình-bóng phụ-nữ người ta. Ngồi tự suy-nghĩ: “Bỏ tâm tham-ái, mới được gọi là đạo”.

Đức Phật dạy: Người muốn cầu đạo, nên cầu ở chốn không-nhàn vẳng-lặng, tự hô-hấp hơi thở nơi mình, biết cách thở dài, ngắn; thở ra không hít vào, hình-thể đều mệt, ngậm hơi không thở, hình-thể cũng mệt (14). Phân-biệt tự suy nghĩ: “Hình-thể này ai là người tạo-tác ra? Tâm nên xét ngoài, cũng nên xét trong. Tự suy nghĩ, vui-vẻ, cùng người ta có tâm khác hơn, thời trong khi ấy thấy không cần dùng những thứ trân-bảo của thiên-hạ nữa. Người, tâm hơi muốn theo chánh-đạo, ý lại muốn chút xao-động, nên nén dẹp, ngăn ngừa giữ lại ngay, thời ý liền hoàn lại. Ví như người có tấm gương, gương không sáng không thể thấy hình được, lau-chùi bụi nhơ trên gương, tự thấy hình ngay. Người ta bỏ được tham-dâm, giận-dữ, ngu-si cũng ví như tấm gương đã lau-chùi rồi. Suy nghĩ kỹ: “Thiên-hạ này đều không có cái chi là vững-bền và cũng không có cái chi là thường mãi.”

Đức Phật dạy: Các vị Tỳ-Khưu giữ-gìn tâm mình, nên như tảng đá vuông bốn mặt. Tảng đá ở giữa sân, mưa rơi cũng không hoại được, ánh mặt trời thiêu đốt cũng không tan được, gió thổi cũng không chuyển được. Gìn giữ tâm thường như tảng đá ấy.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-Khưu: Lòng người trong thiên-hạ cũng như nước chảy; trong giòng nước chảy ấy, có cỏ cây gì, đều tự trôi đi, không đoái nhìn lại nhau, thứ trôi trước không đoái nhìn lại thứ sau và thứ sau cũng không nhìn về thứ trước. Cỏ cây trôi đi, đều tự như thế. Lòng người cũng như thế, một niệm lại, một niệm đi, như cỏ cây trước, sau không nhìn lại nhau. Trong khoảng thiên thượng, thiên hạ này, không có cái gì ở chỗ nào lại vui trở lại. Gửi thân trong trời đất, bỏ thân này không sinh lại được. Đạo thành nên biết ơn thầy, thấy thầy liền thừa-sự, không thấy thầy nên suy-nghĩ lời răn dạy của thầy, như người nhớ nghĩ đến cha mẹ. Ý định có sự nhất tâm, liền có lòng thương-sót những loài sâu bay, bọ cựa cùng nhân-dân thiên-hạ. Và, ta ngồi ta tự vui cười là ta đã thoát thân trong thiên-hạ cùng năm đạo: một là Thiên-đạo, hai là Nhân-đạo, ba là Ngã-quỷ-đạo, bốn là Súc-sinh-đạo, năm là Địa-ngục-đạo. Người được đạo-quả A-La-Hán muốn phi-hành, biến-hóa cũng được; trong thân biến ra nước, lửa cũng được, ra chỗ kín mịn không kẽ hở, vào chỗ dầy-đặc không lỗ hổng cũng được và xa-lìa nỗi khổ thế-gian, chứng-đạo Niết-Bàn cũng được.”

Đức Phật bảo các vị Tỳ-Khưu: “Đạo không thể không làm, kinh không thể không đọc.”

Đức Phật nói kinh này rồi, năm trăm vị Sa-Môn đều được đạo-quả A-La-Hán. Các vị Sa-Môn ấy đều đứng dậy, tới trước đức Phật, đầu mặt cúi sát đất, làm lễ đức Phật mà lui.


Chú thích:

(1) Kinh này là cuốn kinh số 151 trong Đại-Tạng-kinh. A-Hàm (Agama) gọi tóm-tắt kinh sách Tiểu-thừa. A-Hàm dịch là “Pháp-quy” là muôn pháp quay về nơi có nghĩa là vô-lậu; lại dịch là “vô-tỉ-pháp” có nghĩa là diệu-pháp không có gì sánh kịp, và dịch là “thú vô” có nghĩa là tôn-chỉ nói ra đạt tới chỗ rốt-ráo không còn có chỗ quy-thú nữa.

(2) Đây là nói về 5 uẩn: sắc, thụ, tưởng, hành và thức.

(3) Đây nói là sự phân-biệt giả-dối của năm căn và đều quy về tâm làm gốc.

(4) Danh-sắc: là nói báo thân trong thai tạng do tâm-thức (danh) và tứ đại (sắc) hòa-hợp, nương tựa nhau sinh trưởng.

(5) Lục-nhập: 6 căn xúc nhập với 6 trần.

(6) Vun trồng, tiếp xúc.

(7) Có sự tạo-tác kết thành nghiệp hữu-lậu.

(8) 12 nhân-duyên nơi đây so-sánh với nơi khác, phần danh-từ và thứ thự hơi có chút sai-biệt.

(9) Sa-Môn (Srmana): Xưa dịch là “Tức tâm, Tĩnh-chí, Bần-đạo v.v…” Nay dịch là “Công-lao, Cần-tức”, đều có nghĩa là vị tu-hành siêng-năng tu-tập, ngăn-dứt phiền-não nơi tâm, làm yên lặng, trong sạch thần-chí, có công cần-cù khó nhọc tiến tu về đạo giải-thoát (đạo Phật).

(10) 5 đường: Thiên, A-tu-la, Địa-ngục, Ngã-quỷ, Súc-sinh.

(11) Xem chú-thích nơi kinh Tội-Phúc Báo Ứng.

(12) Năm điều răn này so với chỗ khác có sự sai thứ-tự.

(13) Đây là nói về 4 chỗ quán-niệm (tứ niệm xứ): 1/ Quán thân không trong-sạch. 2/ Quán sự lĩnh-thụ là khổ. 3/ Quán tâm là vô thường. 4/ Quán pháp là vô ngã.

(14) Đây là nói về Sổ-tức-quán (cách đếm hơi thở).

    Xem thêm:

  • Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Giáo Hóa Phạm Chí A Bạt - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Mộ Phách – Hậu Hán An Thế Cao dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hưng Khởi Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh A Hàm Khẩu Giải Mười Hai Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Vua A Xà Thế Hỏi Về Năm Tội Nghịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Chư Pháp Vô Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Sự Tu Hành Của Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Hỏi Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Hồi Hướng Hết Sức Thâm Sâu - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 114 – Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì (Sevitabba-asevitabba sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Sát Chư Pháp Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Chúng Hứa Ma Đế - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Thiên Trì Tâm Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Chú Giải Tác Phẩm Đông Hải Nhược - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng