Kinh Vua A Xà Thế Hỏi Về Năm Tội Nghịch

A Xà Thế Vương Vấn Ngũ Nghịch Kinh

Tây Tấn Pháp Cự dịch

Bản Việt dịch của Thích Hạnh Tuệ

***

Nghe như vầy.

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại núi Linh Thứu, thành La Duyệt cùng chúng đại Tỳ kheo năm trăm người câu hội.

Đề Bà Đạt Đa[1] đến chỗ vua A Xà Thế; đến rồi, liền ngồi vào chỗ ngồi. Bấy giờ, vua A Xà Thế từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt đảnh lễ dưới chân Điều Đạt rồi trở lại ngồi vào chỗ ngồi. Bấy giờ, vua A Xà Thế thưa Điều Đạt rằng: “Tôi từng nghe tôn giả Điều Đạt, người mà Sa môn Cù Đàm thường nói như vầy: ‘Có năm tội nghịch, nếu có người nam người nữ phạm vào năm tội này, người ấy không thể cứu tội được, liền vào trong địa ngục không có nghi ngờ gì nữa. Sao gọi là năm? Đó là: giết cha, giết mẹ, hại A la hán, đấu loạn[2] chúng Tăng, ở chỗ Như Lai khởi tâm ý tà ác. Năm tội như vậy không thể cứu được. Nếu người nam nữ nào làm các việc nầy thì liền vào địa ngục không có nghi ngờ gì cả.’ Ta nay, Điều Đạt! Tự mình giết cha, ta cũng bị vào địa ngục sao?”

Bấy giờ, Điều Đạt bảo với vua A Xà Thế rằng: “Đại vương! Chớ có lo lắng, sợ hãi. Làm sao có hại? Làm sao có lỗi? Ai làm hại mà thọ báo? Ai làm hại mà phải nhận quả nầy? Huống chi, đại vương không làm điều ác trái nghịch. Người làm điều ác, tự họ phải thọ nhận quả báo.”

Bấy giờ trong chúng, nhiều vị Tỳ kheo đến giờ đắp y ôm bát vào thành La Duyệt khất thực. Lúc ấy trong chúng, nhiều vị Tỳ kheo vào trong thành La Duyệt khất thực, nghe vua A Xà Thế nói chuyện với Điều Đạt rằng: “Tôn giả Điều Đạt! Ta nghe Sa môn Cù Đàm đã nói như vầy: “Có năm tội không cứu được. Nếu có nam nữ nào làm năm việc này thì liền vào trong địa ngục không có nghi ngờ gì nữa.” Ta không phải một mình giết vua cha, ta sẽ phải vào trong địa ngục sao?” Bấy giờ Điều Đạt đáp rằng: “Chớ sợ, đại vương! Ai người làm hại, hại do đâu sanh ra? Ai làm ác đâu mà sau nhận quả báo? Vua cũng không làm hại. Người làm hại, tự họ phải thọ nhận quả báo.”

Bấy giờ trong chúng, nhiều vị Tỳ kheo, từ thành La Duyệt đã khất thực xong, sau khi thọ thực, thu dọn y bát, dùng toạ cụ chứa đựng, vác trên vai, đến chỗ của Đức Thế Tôn, đầu mặt đảnh lễ dưới chân, ngồi vào một phía; rồi liền nói về vua A Xà Thế, chỗ cùng nhau luận bàn; rồi hướng về Đức Thế Tôn mà nói rõ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

“Kẻ ngu biết chỗ nầy

Hoạ nói không quả báo

Ta nay thấy về sau

Thọ báo quyết có chỗ.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ kheo: “Vua A Xà Thế nước Ma Kiệt kia dù đã giết vua cha, cũng chẳng bao lâu nữa sẽ đến chỗ của ta, sẽ có được những niềm tin tưởng ở chỗ của ta. Khiến sau khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục Phách cúc[3].

Bấy giờ, có một vị Tỳ kheo bạch Đức Thế Tôn rằng: “Từ cõi địa ngục[4] kia mạng chung sẽ sanh vào nơi đâu?”

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Từ cõi địa ngục ấy mạng chung sẽ sanh vào cõi Tứ thiên vương.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Từ cõi ấy mạng chung sẽ sanh vào nơi đâu?

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Tỳ kheo! Từ cõi ấy mạng chung sẽ sanh vào cõi trời thứ ba mươi ba.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Từ cõi trời thứ ba mươi ba mạng chung sẽ sanh vào nơi đâu?”

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Tỳ kheo! Từ cõi trời thứ ba mươi ba mạng chung sẽ sanh lên cõi Diệm thiên.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Đức Thế Tôn! Từ cõi ấy mạng chung sẽ sanh vào nơi đâu?

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Từ cõi Diệm thiên mạng chung sẽ sanh vào cõi trời Đâu Thuật.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Đức Thế Tôn! Từ cõi Đâu Thuật mạng chung sẽ sanh vào nơi đâu?

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Từ cõi trời Đâu Thuật mạng chung sẽ sanh vào cõi trời Hoá tự tại.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Từ cõi trời Hoá tự tại mạng chung sẽ sanh vào nơi đâu?

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Tỳ kheo! Từ cõi trời Hoá tự tại mạng chung sẽ sanh vào cõi trời Tha hoá tự tại.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Đức Thế Tôn! Từ cõi trời Tha hoá tự tại mạng chung sẽ sanh vào nơi đâu?

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Tỳ kheo! Từ cõi trời Tha hoá tự tại mạng chung sẽ sanh vào cõi trời Hoá tự tại, sanh vào cõi trời Đâu thuật, cõi Diệm Thiên, cõi trời thứ ba mươi ba, cõi Tứ thiên vương, lại sẽ sanh vào cõi người.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Đức Thế Tôn! Từ cõi ấy mạng chung sẽ sanh vào nơi đâu?

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Tỳ kheo! Vua A Xà Thế của nước Ma Kiệt, trong hai mươi kiếp không vào trong ba đường ác, lưu chuyển trong cõi Trời – Người. Thọ thân sau cùng, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, giữ lòng tin kiên cố, xuất gia học Đạo, sẽ thành Bích chi Phật, danh gọi là Vô Uế.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Hy hữu[5]! Hy hữu! Thưa Đức Thế Tôn! Tạo tội, lầm lỗi như vậy mà thọ hưởng vui sướng, thành Bích chi Phật, danh gọi là Vô Uế.”

Đức Thế Tôn dạy rằng: “A Xà Thế, vua nước Ma Kiệt phát khởi tâm ý thành tựu nên các việc lành đều đến. Tỳ kheo! Kham nhẫn, chịu đựng, phát khởi tâm ý thành tựu nên được cứu thoát khỏi địa ngục. Nếu người phát khởi tâm ý không thành tựu mà nhân duyên thành tựu, tuy chưa sanh vào địa ngục bởi vì đã chuẩn bị được phương tiện nên không đến địa ngục.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Nếu người ấy hai việc đều thành tựu thì người ấy sẽ sanh vào nơi đâu?”

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Hai việc ấy thành tựu sẽ sanh ở hai nơi. Sao gọi là hai? Sanh ở cõi Trời, cõi Người.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Người ấy phát khởi tâm ý thành tựu, nhân duyên không thành tựu; hai việc nầy đây có gì khác biệt?

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Tỳ kheo phát khởi tâm ý thành tựu mà nhân duyên không thành tựu, đây là căn tánh yếu mềm. Phát khởi tâm ý không thành tựu mà nhân duyên thành tựu, Tỳ kheo! Đây là căn tánh lanh lợi.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Độn căn, lợi căn có gì khác biệt?”

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Độn căn là chỗ làm của Tỳ kheo không thăng tiến. Lợi căn là Tỳ kheo thông minh, sáng suốt.”

Tỳ kheo bạch rằng: “Hai việc nầy có gì khác biệt? Nghiệp nào sẽ trở lại?”

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

“Trí tuệ, nhất thế gian

Đưa đến chỗ an lành

Có thể biết các nghiệp

Dứt được sanh tử kia

Đây gọi là Tỳ kheo

Có khác biệt như vậy.”

Bấy giờ, Tỳ kheo ấy đã nghe Đức Phật nói, vui mừng mà phụng hành; liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt đảnh lễ dưới chân, đi nhiễu quanh ba vòng rồi lui về. Bấy giờ Tỳ kheo ấy, đã đến ngày giờ, đắp y ôm bát vào thành La Duyệt khất thực, đi đến bên ngoài cửa cung vua Ma Kiệt.

Lúc ấy, vua A Xà Thế xa thấy Tỳ kheo kia đi lại. Thấy rồi liền lệnh cho người giữ cửa: “Vì sao? Người giữ cửa, ta trước đã ra lệnh, chúng Tỳ kheo họ Thích chớ có vào đến nơi đây, ngoại trừ tôn giả Điều Đạt.”

Bấy giờ, người giữ cửa nắm lấy tay của Tỳ kheo ấy dắt ra bên ngoài cửa thành. Lúc đó, Tỳ kheo ấy giơ tay phải lên nói cho vua nước Ma Kiệt rằng: “Ta là đại thiện tri thức của đại vương, là chỗ an ổn, không có các phiền não.”

Bấy giờ, vua đáp lời rằng: “Tại sao Tỳ kheo lại thấy được nghĩa lý? Nói lời như vầy: “Ta là thiện tri thức của đại vương, là chỗ an ổn.”

Bấy giờ, Tỳ kheo ấy bảo vua A Xà Thế rằng: “Đức Thế Tôn nói về vua, lời như vầy: ‘Vua nước Ma Kiệt, do giết vua cha, việc tạo ác ấy sau khi mạng chung sẽ sanh vào địa ngục như Phách cúc. Từ chỗ ấy mạng chung sẽ sanh vào cung Tứ thiên vương. Từ cõi ấy mạng chung sẽ sanh vào cõi trời thứ ba mươi ba. Từ cõi ấy mạng chung sẽ sanh vào cõi Diệm thiên, trời Đâu Thuật, trời Hoá tự tại, trời Tha hoá tự tại. Từ cõi ấy mạng chung lại sanh vào cõi trời Hoá tự tại, cõi trời Đâu thuật, cõi Diệm thiên, cõi trời thứ ba mươi ba, cung Tứ thiên vương. Lại sẽ sanh vào cõi trần gian thọ thân người. Như vậy, đại vương, trong hai mươi kiếp không vào ba đường ác; lưu chuyển trong cõi nhân gian. Thọ thân người cuối cùng sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, giữ niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo, đạt thành Bích chi Phật, danh hiệu là Vô Uế.’ Lý do là thế. Như vậy đại vương sẽ có được niềm tin không có gốc[6].” Bấy giờ, vị Tỳ kheo ấy nói lời này xong liền đi về.

Lúc ấy, vua A Xà Thế nghe Tỳ kheo ấy nói, cũng không hoan hỷ lại cũng chẳng sân hận, cũng không thọ nhận những lời nói ấy; bèn nói với vương tử Kỳ Vực rằng: “Kỳ Vực! Vị sa môn đi đến chỗ của tôi, nói lời thế nầy: ‘Đức Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác đã thấy biết truyền cho quyết định rằng: giết vua cha là làm việc ác nghịch, sau khi mạng chung sẽ sanh vào địa ngục như Phách cúc. Từ chỗ ấy mạng chung sẽ sanh vào cung Tứ thiên vương, cõi trời thứ ba mươi ba, cõi Diệm thiên, cõi trời Đâu Thuật, cõi trời Hoá Tự Tại, cõi trời Tha Hoá Tự Tại. Từ cõi trời ấy mạng chung lại sẽ sanh vào cõi trời Hoá Tự Tại, cõi trời Đâu Thuật, cõi Diệm thiên, cõi trời thứ ba mươi ba, cung Tứ thiên vương. Từ cõi ấy mạng chung sẽ sanh vào cõi người. Thọ thân người cuối cùng cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, giữ lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, thành Bích chi Phật, hiệu là Vô Uế.’ Ngươi hãy đi, Kỳ Vực! Ngươi đi đến chỗ của Sa môn Cù Đàm, xem xét thử có lời nói đúng như vậy không?” Đáp rằng: “Thưa vâng, đại vương!”

Bấy giờ, vương tử Kỳ Vực nhận lời chỉ bảo của vua nước Ma Kiệt liền ra khỏi thành La Duyệt Kỳ đến núi Linh Thứu, chỗ của Đức Thế Tôn. Đến nơi rồi, đầu mặt đảnh lễ dưới chân rồi ngồi vào một phía. Bấy giờ vương tử Kỳ Vực đem chỗ chỉ bảo, nói hỏi của vua nước Ma Kiệt hướng về Đức Như Lai mà nói hết. Đức Thế Tôn dạy rằng: “Đúng vậy. Kỳ Vực! Phật Thế Tôn nói không có hai lời, chỗ nói ấy tuỳ theo sự việc. Tại sao vậy? Kỳ Vực! Vua A Xà Thế kia sẽ có được niềm tin không có gốc. Kỳ Vực! Như có các nam nữ nào, tất cả họ cũng đều có được các cõi ấy mà không có gì khác nhau.”

Lúc ấy, vương tử Kỳ Vực từ chỗ Đức Như Lai thọ nhận những chỉ dạy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ chân Phật rồi lui về; đi đến chỗ của vua nước Ma Kiệt, đến nơi rồi bèn nói cho vua A Xà Thế rằng: “Đức Như Lai kia, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác thật có nói lời nầy. Tại sao vậy? Vì (đối với) những người có niềm tin không có gốc thì không có gì khác nhau. Mong vua nên đến chỗ của Đức Như Lai kia, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác.”

Bấy giờ, vua đáp lời rằng: “Kỳ Vực! Ta nghe vị Sa môn Cù Đàm ấy có chú thuật, có thể hàng phục nhân dân, khiến cho kẻ ngoại đạo, kẻ khác học phái, không thể không thọ nhận giáo pháp của ông ta. Cho nên, ta không cam tâm đến gặp Sa môn Cù Đàm. Thôi vậy, Kỳ Vực! Ta sẽ quán sát vị Sa môn Cù Đàm kia, đã có tất cả trí tuệ phải không? Ví như thật là người có tất cả trí, sau này ta sẽ đi đến gặp vị Sa môn Cù Đàm ấy.”

Bấy giờ, vương tử Kỳ Vực nghe lời nói từ vua nước Ma Kiệt, ra khỏi thành La Duyệt, đến tại núi Linh Thứu, đến chỗ của Đức Thế Tôn, đến nơi rồi đầu mặt đảnh lễ chân Phật, ngồi vào một phía; đem những nghĩa lý nầy mà bạch lên Đức Thế Tôn.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo rằng: “Kỳ Vực! Vua nước Ma Kiệt chẳng bao lâu nữa sẽ đến chỗ của ta, sẽ có được niềm tin không có gốc. Giả sử sau khi ta vào Niết bàn[7], sẽ cúng dường xá lợi của ta.” Vương tử Kỳ Vực vui mừng hớn hở, không có gì vui hơn được. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói pháp vi diệu cho vương tử Kỳ Vực khiến phát sinh hoan hỷ.

Bấy giờ, vương tử Kỳ Vực từ chỗ của Đức Như Lai đã nghe giáo pháp sâu xa nầy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt đảnh lễ chân Phật, đi nhiễu ba vòng rồi lui mà đi về. Bấy giờ, vương tử Kỳ Vực nghe Đức Phật nói rồi, hoan hỷ phụng hành.

*

Chú thích:

[1] Đề Bà Đạt Đa (sa. Devadatta) hoặc còn được phiên là Đề-bà-đạt-đâu, Địa-bà-đạt-đâu, Đế-bà-đạt-đâu, còn được gọi gọn là Điều Đạt hay Đề Bà.

[2] Đấu loạn hay não loạn, tức là gây rối làm cho chúng Tăng chia rẽ, phân tán, bất hoà với nhau.

[3] 拍毱 Phách cúc: Địa ngục có hình phạt kẹp tay.

[4] Nguyên tác dùng chữ 泥犁 Nê lê (niraya), tức Địa ngục.

[5] Nguyên tác: 甚奇!甚特!Thậm kỳ ! Thậm đặc: (acchariyaj abbhutaj) hy hữu, bất khả tư nghị.

[6] Vô căn tín 無根信. Tin mà không có thiện căn, có tín nhưng không có gốc rễ trong kiến đạo. Niềm tin không có gốc, nghĩa là lúc đầu không có căn lành, không biết kính tin Tam Bảo nhưng sau nhờ nghe lời Đức Phật dạy mà khởi lòng tin.

[7] Nguyên tác 泥洹 nê hoàn: Niết bàn.

    Xem thêm:

  • Kinh Thi Ca La Việt Lạy Sáu Phương - Kinh Tạng
  • Kinh Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Kệ Tụng Kinh Mật Tích Lực Sĩ Đại Quyền Thần Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 45 - Kinh Tạng
  • Kinh Danh Hiệu Bát Đại Linh Tháp - Kinh Tạng
  • A Di Đà Thông Tán Sớ - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Ðại Chánh Cú - Kinh Tạng
  • Bồ Tát Đại Thánh Diệu Cát Tường Dạy Trừ Tai Giáo Linh Pháp Luân - Kinh Tạng
  • Kinh Hồng Danh Lễ Sám - Kinh Tạng
  • Giải Thích Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật - Kinh Tạng
  • Chuẩn Đề Phần Tu Tất Địa Sám Hối Huyền Văn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Giáo Hóa Phạm Chí A Bạt - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Đại Đường Tây Vực Ký - Kinh Tạng
  • Kinh Vu Lan – HT Thích Trí Quảng soạn - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xây Tháp Bồ Tát Hiến Thân Cho Hổ Đói - Kinh Tạng