KINH TRUNG A HÀM

中 阿 含 經

Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

6 – PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG


MỤC LỤC

58. Kinh Thất Bảo 59. Kinh Tam Thập Nhị Tướng
60. Kinh Tứ Châu 61. Kinh Ngưu Phấn Dụ
62. Kinh Tần-Bệ-Sa-La Vương Nghinh Phật 63. Kinh Bệ-Bà-Lăng-Kỳ
64. Kinh Thiên Sứ 65. Kinh Ô Điểu Dụ
66. Kinh Thuyết Bổn 67. Kinh Đại Thiên Nại Lâm
68. Kinh Đại Thiện Kiến Vương 69. Kinh Tam Thập Dụ
70. Kinh Chuyển Luân Vương 71. Kinh Bệ-Tứ

***

58. KINH THẤT BẢO[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu lúc Chuyển luân vương ra đời thì nên biết rằng liền có bảy báu xuất hiện ở đời. Những gì là bảy? Xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nếu lúc Chuyển luân vương ra đời thì nên biết rằng liền có bảy báu này xuất hiện ở đời. Giống như vậy, lúc Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, thì nên biết rằng cũng có bảy báu giác chi xuất hiện ở thế gian. Những gì là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, tức giác chi[02], định giác chi và xả giác chi. Đó là bảy. Lúc Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, thì nên biết rằng, có bảy báu giác chi ấy xuất hiện ở thế gian.”

Đức Phật thuyết giảng như vậy, sau khi các Tỳ-kheo ấy nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Thất Bảo:

[01] Bản Hán quyển 11. Tương đương Pāli: S.46.42. Cakkavatti. Hán biệt dịch, No.38 Phật Thuyết Luân Vương Thất Bảo Kinh, Tống Thí Hộ dịch; No.99(721) Tạp 27 kinh số 721; No.125(39.7) Tăng Nhất phẩm 39 kinh số 7. Tham chiếu Pāli: D.17. Mahā-Sudassana-Suttanta.

[02] Tức giác chi, cũng thường nói là khinh an giác chi (Pāli: passadhi-bojjhaṅga).


59. KINH TAM THẬP NHỊ TƯỚNG[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ các Tỳ-kheo sau khi ăn trưa xong, tụ tập ngồi tại giảng đường, cùng luận bàn như sau:

“Này chư Hiền, kỳ diệu thay, hy hữu thay! Bậc Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang ở chỗ nhàn tĩnh, với thiên nhĩ thanh tịnh, vượt xa người thường, Ngài nghe các Tỳ-kheo, sau bữa ăn trưa tụ tập ngồi tại giảng đường, cùng bàn luận về sự kiện này: “Này chư Hiền, kỳ diệu thay, hy hữu thay! Bậc Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”

Đức Thế Tôn sau khi nghe như vậy xong, vào lúc xế trưa, Ngài từ chỗ nghỉ ngơi đứng dậy, đi đến giảng đường, trải tọa mà ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Ngài hỏi các Tỳ-kheo:

“Hôm nay, các ngươi tụ họp tại giảng đường cùng nhau bàn luận việc gì?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay tụ tập tại giảng đường, chúng con cùng nhau bàn luận thế này: ‘Này chư Hiền, kỳ diệu thay, hy hữu thay! Bậc Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe’. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con cùng nhau bàn luận việc như vậy, nên tụ tập ngồi tại giảng đường.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy:

“Này các Tỳ-kheo, các ngươi muốn Như Lai nói về ba mươi hai tướng không? Bậc Đại nhân mà thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”

Sau khi nghe xong, các Tỳ-kheo bạch:

“Bạch Thế Tôn, nay quả là đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay quả là đúng lúc. Nếu Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo về ba mươi hai tướng, thì sau khi nghe xong, các Tỳ-kheo sẽ khéo ghi nhớ.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, ghi nhớ, Ta sẽ giảng giải, phân biệt rộng rãi cho các ngươi rõ.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe Thế Tôn dạy.

Phật nói:

“Bậc Đại nhân có lòng bàn chân bằng phẳng[02]. Đó là tướng của Đại nhân.

“Lại nữa, lòng bàn chân của Đại nhân có hình bánh xe[03]. Bánh xe có đầy đủ ngàn tăm. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, ngón chân của Đại nhân thon dài[04]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, mu bàn chân Đại nhân thì ngay ngắn[05]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, ở phía sau hai bên mắt cá của gót chân Đại nhân thì đầy đặn bằng phẳng[06]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, hai mắt cá nơi bàn chân thì nhô cao và đầy[07]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, lông trên thân thể của Đại nhân mọc hướng lên. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, ở chân tay Đại nhân có màng lưới giống như của chim nhạn chúa. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, chân tay Đại nhân rất đẹp, mềm mại, xòe ra như hoa Đâu-la[08]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, da thịt của Đại nhân mịn màng, bụi nước không dính được. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, từng sợi lông trên thân của Đại nhân, từng sợi lông một mọc ở lỗ chân lông, màu xanh lóng lánh như màu của ốc, xoay tròn về hướng phải. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, bắp đùi như bắp đùi của nai chúa. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, âm mã tàng[09] của Đại nhân giống như của ngựa chúa tốt. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, thân hình Đại nhân cân xứng đẹp đẽ, giống như cây Ni-câu-loại[10], trên dưới tương xứng hoàn toàn. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, thân thể của Đại nhân không gù còng. Thân không còng nghĩa là đứng thẳng mà duỗi tay, sờ tận đầu gối. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, thân của Đại nhân màu hoàng kim giống như vàng ròng tía[11]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, thân của Đại nhân có bảy chỗ đầy đặn. Bảy chỗ đầy đặn là hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, thân của Đại nhân phần trên lớn giống như thân sư tử. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, quai hàm của Đại nhân như sư tử[12]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, xương sống thẳng bằng. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, trên hai vai liên tiếp qua cổ đầy đặn bằng phẳng. Đó là tướng của bậc Đại nhân,

“Lại nữa, Đại nhân có bốn mươi cái răng. Răng đều đầy đặn, không khuyết lở, trắng, trong, láng bậc nhất. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, tiếng nói đáng ưa như tiếng trời Phạm thiên, âm thanh như tiếng chim Gia-la-tỳ-già[13]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, Đại nhân có lưỡi rộng dài. Lưỡi rộng dài là lưỡi khi lè ra trùm khắp cả mặt. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, mí mắt[14] của Đại nhân rộng như của trâu chúa. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, mắt Đại nhân màu xanh biếc[15]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, đỉnh đầu Đại nhân có nhục kế[16] tròn cân đối, tóc xoáy ốc về hướng phải. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Lại nữa, giữa hai lông mày của Đại nhân có sợi lông trắng mọc xoáy tròn về hướng phải[17]. Đó là tướng của bậc Đại nhân.

“Này các Tỳ-kheo, Đại nhân thành tựu ba mươi hai tướng này, chắc chắn có hai trường hợp, chân thật không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe.”

Đức Phật thuyết như vậy, sau khi các Tỳ-kheo ấy nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Tam Thập Nhị Tướng:

[01] Kinh nói về 32 tướng tốt; tham chiếu Pāli, D.30. Lakkhaṇa-Suttanta.

[02] Túc an bình lập 足 安 平 立, Pāli: suppatiṭṭhitapāda, lòng bàn chân đầy đặn; khi đứng, tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất.

[03] Túc hạ sinh luân 足 下 生 輪, Pāli: pāda-talesu cakkāni jātāni.

[04] Túc chỉ tiêm trường 足 指 纖 長, Pāli: dīghaṅgulin.

[05] Túc châu chánh trực 足 周 正 直, Pāli thay bằng brahmujju-gatta, thân hình ngay thẳng như của Phạm thiên.

[06] Túc ngấn… bình mãn 足 跟 平 滿, Pāli: āyatapaṇhī, Pāligo-Bukyō-jiten (Shuzen Kumoi’s Dictionary of Pāli Buddhism) định nghĩa là “gót chân rộng và dài”. Nhưng, The Pāli Text Society’s Pāli-English Dictionary định nghĩa “having long eye-lashes” (có lông mi dài).

[07] Túc lưỡng khỏa sung 足 兩 踝 [月+庸], Pāli: usaṅkhapāda.

[08] Đâu-la hoa 兜 羅 華, Pāli: tūla, bông gòn.

[09] Âm mã tàng 陰 馬 藏, Pāli: kosohita-guhya.

[10] Ni-câu-loại thọ 尼 拘 類 樹, Pāli: nigrodha, cây đa, hay một loại cây sung Ấn độ (Ficus Indica).

[11] Tử ma kim 紫 磨 金, Pāli: suvaṇṇa-vaṇṇa.

[12] Sư tử giáp xa 師 子 頰 車, Pāli: sīha-hanu.

[13] Gia-la-tỳ-già 加 羅 毗 伽, phiên âm thông dụng là ca-lăng-tần-già 迦 棱 頻 伽, Pāli: karavīka, giống chim cu gáy, đặc biệt trên Tuyết sơn.

[14] Mí mắt, mi dưới, hay khóe mắt; Hán: thừa lệ xứ 承 淚 處, Pāli: pakhuma.

[15] Hán: cám thanh 紺 青, màu xanh sẫm đỏ; Pāli: abhinīla.

[16] Nhục kế 肉 髻, chỏm thịt trên đỉnh đầu. Pāli: uṇhīsa-sīsa.

[17] Thường gọi là bạch hào tướng白 毫 相.


60. KINH TỨ CHÂU[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tôn giả A-nan ở nơi nhàn tĩnh, ngồi trầm lặng tư duy và suy nghĩ như vầy: “Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm.”

 Rồi Tôn giả A-nan, vào lúc xế chiều, từ chỗ yên nghỉ đứng dậy, đi đến trước Phật, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên và thưa:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con ở chỗ nhàn tĩnh, ngồi trầm lặng tư duy, đã suy nghĩ như vầy: “Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm!”

Phật bảo A-nan:

“Đúng như vậy, đúng như vậy! Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó kiếm!

“Nhưng này A-nan, trong thế gian, những người đối với dục mà không thỏa mãn, không nhờm tởm, ghê sợ cho đến chết thì thật quá nhiều! Thật quá nhiều! Vì sao? Này A-nan, trong đời quá khứ, có nhà vua tên là Đảnh Sanh[02] làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, ngự trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo chánh pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Vị ấy có đủ một ngàn người con trai, mặt mày khôi ngô, dõng mãnh, không khiếp sợ, nhiếp phục được người khác. Vị ấy thống lãnh khắp cả cõi đất này cho đến biển cả, không dùng đao gậy, chỉ dùng pháp giáo hóa, khiến cho an lạc.

“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau, vua Đảnh Sanh ấy nghĩ rằng: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu; đầy đủ một ngàn người con. Ta muốn ngay ở cung điện này mưa báu bảy ngày, dâng đến tận đầu gối’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, tức thì ở trong cung mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối.

“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ rằng: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn đứa con, và ở trong cung này, mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta nhớ đã từng nghe nơi người xưa nói rằng, ở phương Tây có châu tên là Cù-đà-ni[03], giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Nay ta muốn đến xem châu Cù-đà-ni. Sau khi đến, ta sẽ thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi lên hư không mà đi, cùng với bốn loại quân. Này A-nan, vua Đảnh Sanh trong phút chốc liền đến trú ở châu Cù-đà-ni kia.

“Này A-nan, sau khi đến ở, nhà vua đã ngự trị châu Cù-đà-ni suốt vô lượng trăm ngàn vạn năm.

“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn đứa con, và ở trong cung này, mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta lại có thêm châu Cù-đà-ni. Ta đã từng nghe người xưa có nói rằng, ở phương Đông có châu tên là Phất-bà-bệ-đà-đề[04] giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Nay ta muốn đến xem châu Phất-bà-bệ-đà-đề. Sau khi đến, ta sẽ thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi lên hư không mà đi, cùng với bốn loại quân. Này A-nan, vua Đảnh Sanh trong phút chốc liền đến trú ở châu Phất-bà-bệ-đà-đề kia. Này A-nan, sau khi đến ở, nhà vua ngự trị châu Phất-bà-bệ-đà-đề suốt vô lượng trăm ngàn vạn năm.

“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn người con, và ở trong cung mưa báu bảy ngày dâng đến đầu gối. Ta lại có thêm châu Cù-đà-ni, có thêm châu Phất-bà-bệ-đà-đề. Ta lại từng nghe người xưa có nói rằng, ở phương Bắc có châu tên là Uất-đơn-viết[05], giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc, họ tuy không có ngã tưởng, không có thọ dụng riêng[06], nhưng ta muốn cùng quyến thuộc đi xem châu Uất-đơn-viết, để thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi hư không mà đi cùng với bốn loại quân. Này A-nan, nhà vua thấy đất trắng bằng phẳng từ xa, bảo các cận thần:

“– Các khanh có thấy đất trắng bằng phẳng của châu Uất-đơn-viết này không?

“Các cận thần đáp:

“– Dạ thấy, tâu Thiên vương.

“Nhà vua lại bảo:

“– Các khanh biết không? Đó là lúa tự nhiên của người xứ Uất-đơn-viết. Người Uất-đơn-viết thường ăn loại thức ăn đó. Các khanh cũng nên ăn loại thức ăn đó.

“Này A-nan, xa xa, vua Đảnh Sanh lại thấy tại châu Uất-đơn-viết có biết bao loại cây quí báu, khoe đủ màu sắc ở trong lan can, liền bảo cận thần:

“– Các khanh có thấy biết bao nhiêu loại cây quí báu, khoe đủ màu sắc ở trong lan can tại châu Uất-đơn-viết không?

“Các cận thần đáp:

“– Dạ thấy, tâu Thiên vương.

“Vua lại đáp:

“– Các khanh biết không? Đó là thứ cây áo[07] của người xứ Uất-đơn-viết. Người Uất-đơn-viết dùng thứ ấy mà mặc. Các khanh cũng nên dùng thứ ấy mà mặc.

“Này A-nan, trong phút chốc, nhà vua đến trú ở châu Uất-đơn-viết. Này A-nan, sau khi cùng quyến thuộc đến đó, vua Đảnh Sanh thống trị châu Uất-đơn-viết suốt cả trăm ngàn vạn năm.

“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có vô cùng, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn người con và ở trong cung mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta cũng có châu Cù-đà-ni, cũng có châu Phất-bà-bệ-đà-đề lại có thêm châu Uất-đơn-viết. Ta lại từng nghe người xưa nói rằng, có cõi trời tên là Tam thập tam thiên. Nay ta muốn đến thấy Tam thập tam thiên’.

“Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như ý túc cưỡi hư không cùng với bốn loại quân, hướng theo ánh sáng mặt trời mà đi. Này A-nan, từ xa, vua Đảnh Sanh đã thấy ở trong Tam thập tam thiên, trên đỉnh núi chúa Tu di, có một vật lớn như một đám mây lớn, liền bảo các cận thần:

“– Các khanh có thấy ở trên đỉnh núi chúa Tu di trong cõi trời Tam thập tam (có một vật) như một đám mây lớn ấy chăng?

“Các cận thần đáp:

“– Dạ thấy, tâu Thiên vương.

“Nhà vua lại bảo:

“– Các khanh biết chăng? Đó là cây Trú đạc[08] của trời Tam thập tam thiên vậy. Dưới gốc cây này, vào mùa hạ tháng tư, các vị Trời ở Tam thập tam thiên vui chơi với đầy đủ năm thứ dục lạc.

“Này A-nan, từ xa, vua Đảnh Sanh thấy ở trong trời Tam thập tam thiên, trên đỉnh núi chúa Tu di, gần về hướng Nam có một vật giống như đám mây lớn, liền bảo các cận thần:

“– Các khanh có thấy ở trong trời Tam thập tam thiên, trên đỉnh núi Tu di, gần về mé Nam, có một vật giống như đám mây lớn không?

“– Có thấy, tâu Thiên vương.

“Nhà vua lại bảo:

“– Các khanh biết không? Đó là nhà Chánh pháp[09] của Tam thập tam thiên. Vị Trời Tam thập tam thiên ở trong nhà ấy, vào những ngày mồng tám, mười bốn hoặc mười lăm, vì loài trời, vì loài người mà tư duy về pháp, tư duy về nghĩa.

“Này A-nan, vua Đảnh Sanh liền đến cõi Tam thập tam thiên. Đến nơi, nhà vua đi vào nhà Chánh pháp. Ở đó, Thiên Đế-thích nhường một nửa chỗ ngồi cho vua Đảnh Sanh và mời ngồi. Vua Đảnh Sanh liền ngồi xuống trên nửa chỗ ngồi của Thiên Đế-thích. Bấy giờ, nhà vua và Thiên Đế-thích hoàn toàn không khác gì nhau; ánh sáng và ánh sáng không khác, màu sắc và màu sắc không khác, hình dung và hình dung không khác, oai nghi lễ tiết và y phục cũng không khác nhau; chỉ có con mắt nháy là khác nhau.

“Này A-nan, vua Đảnh Sanh kia một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn người con, và ở trong cung mưa báu bảy ngày dâng đến đầu gối. Ta lại có châu Cù-đà-ni, có châu Phất-bà-bệ-đà-đề, có châu Uất-đơn-viết. Ta cũng đã thấy Tam thập tam thiên vân tập đại hội. Ta đã được vào nhà Chánh pháp của chư Thiên, lại được Thiên Đế-thích nhường cho một nửa chỗ ngồi, và ta đã ngồi trên một nửa chỗ ngồi của Thiên Đế-thích. Ta với Thiên Đế-thích hoàn toàn không khác gì nhau; ánh sáng không khác, màu sắc không khác, hình dung không khác, oai nghi lễ tiết cho đến y phục cũng không sai khác, chỉ có con mắt nháy là khác nhau mà thôi. Nay có lẽ ta đuổi Thiên Đế-thích đi, cướp lấy phân nửa chỗ ngồi ấy mà làm vua loài Trời và loài Người, tự do tự tại.

“Này A-nan, vua Đảnh Sanh vừa khởi ý niệm như vậy, bất giác rơi xuống châu Diêm-phù, liền mất như ý túc, nhuốm bệnh, đau nguy kịch. Đến lúc sắp chết, các cận thần đến bên nhà vua hỏi rằng:

“– Tâu Thiên vương, nếu có vị Phạm chí, cư sĩ và kẻ bày tôi hay thần dân nào đến hỏi các hạ thần rằng: ‘Lúc băng hà Đảnh Sanh vương chỉ bảo những gì?’ Tâu Thiên vương, các hạ thần trả lời thế nào cho Phạm chí, cư sĩ hay thần dân ấy?

“Nhà vua bảo cận thần:

“– Nếu có Phạm chí, cư sĩ, hay thần dân nào đến hỏi các khanh rằng: ‘Lúc băng hà, nhà vua đã nói những gì?’ Thì các khanh nên đáp như thế này: ‘Vua Đảnh Sanh đã được châu Diêm-phù, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được bảy báu, nhưng khi chết vẫn chưa được thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã đầy đủ một ngàn người con, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã có bảy ngày mưa báu, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được châu Cù-đà-ni, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được châu Phất-bà-bệ-đà-đề, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã được châu Uất-đơn-viết, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã thấy chư Thiên tụ hội, nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn. Vua Đảnh Sanh đã hưởng đầy đủ các đặc tính của năm thứ dục lạc, sắc, thanh, hương, vị, xúc; nhưng khi chết vẫn chưa thỏa mãn’. Nếu có vị Phạm chí, hay thần dân nào đến hỏi các khanh rằng: ‘Lúc băng hà vua Đảnh Sanh đã nói những gì?’ Thì các khanh nên trả lời đúng như thế.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn đọc bài tụng:

Trời mưa trân bảo quí,

Chưa thỏa lòng kẻ dục.

Ham muốn, khổ; nào vui.

Kẻ trí cần phải biết.

Giả sử được đống vàng,

Cao như núi Hy-mã,

Vẫn chưa đủ mảy may;

Kẻ trí nghĩ như vậy.

Được ngũ dục trên trời,

Chẳng cho đó là vui.

Dứt ái, không đắm dục;

Là đệ tử Chánh giác.

Rồi Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, vua Đảnh Sanh ngày xưa ấy, Ông cho là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết rằng, vị ấy chính là Ta vậy. Này A-nan, lúc bấy giờ ta được lợi ích, cũng làm lợi ích cho người khác, cho mọi người, thương xót thế gian, vì trời và vì loài người mà cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Lúc bấy giờ, Ta nói pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh hoàn toàn, lúc ấy Ta không lìa khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, khóc than, ảo não, cũng chưa thể thoát ra ngoài mọi khổ đau. Này A-nan, hôm nay Ta xuất hiện ở thế gian, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, là Chúng Hựu. Nay Ta đã làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho người khác, cho mọi người, thương xót thế gian, vì trời và vì người mà cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc.

“Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Khi đã rốt ráo phạm hạnh; Ta lìa khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, khóc than, ảo não. Ta đã thoát khỏi mọi khổ đau.”

Đức Phật thuyết giảng như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Tứ Châu:

[01]  Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu Divy. tr.210-226. Hán biệt dịch, No.39. Phật Thuyết Đảnh Sanh Vương Cố Sự Kinh, Tây Tấn Pháp Cự dịch; No.40. Văn-đà-kiệt Vương Kinh, Bắc Lương Đàm-vô-sấm dịch; No.125 (17.7) Tăng Nhất, phẩm 17 kinh số 7.

[02] Đảnh Sanh 頂 生, Pāli: Muddhāvasitta; No.40 âm là Văn-đà-kiệt. Thường gọi là Quán đảnh vương, vua được truyền ngôi bằng phép quán đảnh.

[03] Cù-đà-ni 瞿 陀 尼, tức Tây ngưu hóa châu (đại lục phía tây, nơi lấy bò làm vật ngang giá để trao đổi hàng hóa).

[04] Phất-bà-bệ-đà-đề 弗 婆 鞞 陀 提. Pāli: pubbavideha, châu Thắng thân ở phương Đông.

[05] Uất-đơn-viết 鬱 單 日; phiên âm khác: Bắc Câu-lô châu. Pāli: Uttara-kura.

[06] Nghĩa là, không có ý tưởng về tự ngã hay linh hồn và không có tư hữu hay sở hữu cá nhân.

[07] Y thọ 衣 樹. Người ở đây dùng vỏ cây làm y phục.

[08] Trú đạc thọ 晝 度 樹, “cây đo bóng ngày”. Pāli: pāricchattaka, cũng dịch là san hô thọ, viên sanh thọ.

[09] Chánh pháp đường 正 法 堂; Pāli: Dhammasabhā, hội trường của chư Thiên.


61. KINH NGƯU PHẤN DỤ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo ở chỗ nhàn tĩnh, ngồi tư duy, suy nghĩ như vầy: “Có sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng?”

Vào lúc xế chiều, vị Tỳ-kheo ấy từ chỗ ngồi yên tĩnh đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên và bạch:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay ở chỗ nhàn tĩnh, con ngồi tư duy, suy nghĩ như vầy: ‘Có sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng?’”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Không có một sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn; không có thọ, tưởng, hành, thức nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng móng tay khơi ít phân bò, bảo Tỳ-kheo:

“Này Tỳ-kheo, nay ngươi có thấy Ta dùng móng tay khơi chút ít phân bò chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, con có thấy.”

Phật bảo:

“Này Tỳ-kheo, cũng vậy, không có một tí sắc nào thường trụ, bất biến, chỉ toàn có lạc, tồn tại vĩnh viễn; cũng như vậy, không có một tí giác, tưởng, hành, thức nào thường trụ, bất biến, chỉ toàn có lạc, tồn tại vĩnh viễn. Vì sao? Này Tỳ-kheo, nhớ lại xưa kia, trong một thời gian dài, Ta thường làm phúc. Sau một thời gian dài làm phúc ấy, Ta thọ quả báo an lạc. Vào thuở xưa đó, Ta tu hành về từ tâm trong bảy năm; trải qua bảy kiếp thành hoại[02] vẫn không trở lại thế gian này. Vào thời kiếp hoại, Ta sanh vào cõi trời Hoảng dục[03]. Vào thời kiếp thành, Ta sanh vào trong cung điện trống không của Phạm thiên[04], ở trong cõi Phạm kia, làm Đại Phạm thiên; và qua một ngàn lần tái sanh vào những nơi khác, Ta làm Thiên vương trời Tự tại; ba mươi sáu lần tái sinh làm Thiên Đế-thích, rồi lại vô lượng lần tái sinh làm Sát-lợi Đảnh Sanh vương[05].

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn được phủ những đồ cưỡi rất đẹp; dùng các báu bạch châu lạc[06] trang sức, phủ lên voi chúa đầu đàn Vu-sa-hạ[07].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn con ngựa được phủ lên các thứ đồ cưỡi đẹp. Dùng các báu vàng, bạc, dao lạc để trang sức cho ngựa đầu đàn là ngựa Mao[08].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn cỗ xe, trang sức bằng bốn cánh, dùng da vằn quý báu đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo, dệt thành đủ loại màu sắc xen lẫn trang sức cho cỗ xe dẫn đầu chạy rất nhanh chóng tên là xe Nhạc thanh[09].

“Này Tỳ-kheo, lúc Ta làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, có tám vạn bốn ngàn thành lớn, giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, lấy vương thành Câu-xá-hòa-đề[10] làm đầu.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngôi lầu; có bốn loại lầu báu, làm bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; đứng đầu là Chánh pháp điện[11].

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn ngự tòa; bốn loại tòa báu, bằng vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh; trải lên bằng các thứ nệm, chiếu dệt bằng lông năm sắc, phủ lên bằng những gấm, the, sa trun, lụa là; có chăn nệm lót, hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương[12].

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn chiếc áo song y, áo sơ-ma[13], áo gấm, áo lụa, áo kiếp bối, áo gia-lăng-già-ba-hòa-la.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn người nữ, thân thể nõn nà, sạch sẽ, sáng sủa, sắc đẹp hơn người, không thua chư Thiên, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng sinh ưa thích, trang điểm bằng các thứ vật báu, anh lạc; tất cả đều thuộc dòng Sát-lợi. Ngoài ra, những người thuộc dòng khác thì nhiều vô số.

“Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sanh, Ta có tám vạn bốn ngàn món ăn, ngày đêm[14] thường dọn ra cho Ta ăn.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn món ăn kia, có một món hết sức ngon, sạch sẽ, có vô lượng mùi vị, là món Ta thường ăn.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn người nữ kia có một người thuộc dòng Sát-lợi, đoan chánh đẹp đẽ khác thường, hầu hạ Ta.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn song y kia có một chiếc áo song y, hoặc là áo sơ-ma, hoặc áo gấm, hoặc áo lụa, hoặc áo kiếp-bối[15], hoặc áo gia-lăng-già-ba-hòa-la là Ta thường mặc.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn ngự tòa kia, có một ngự tòa làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh; đồ trải lên thì dùng những tấm nệm, những chiếc chiếu dệt bằng lông năm sắc; đồ phủ lên thì dùng gấm, the, sa trun, lụa là, có chăn nệm lót, hai đầu để gối, có trải thảm quý bằng da sơn dương, là Ta thường nằm.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn lầu quán kia, có một lầu quán làm bằng vàng, hoặc bạc, hoặc lưu ly, hoặc thủy tinh, tên là Chánh pháp điện, là nơi Ta thường ở.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thành lớn kia, có một thành giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc, gọi là thành Câu-xá-hòa-đề là chỗ ta thường ở.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn cỗ xe kia, có một cỗ được dùng da đủ màu của các thú như sư tử, cọp, beo dệt thành, màu sắc xen kẽ để trang hoàng, chạy rất nhanh chóng, tên là xe Nhạc thanh, Ta thường ngồi lên, đi đến các lầu quán để ngắm nhìn các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn con ngựa kia có một con màu xanh biếc, đầu như chim, gọi là ngựa Mao, là Ta thường cưỡi, đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, trong tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn kia, có một thớt toàn thân trắng toát, bảy chi thảy đều ngay thẳng, gọi là voi chúa Vu-sa-hạ, là Ta thường cưỡi đi đến các lầu quán để ngắm các vườn tược.

“Này Tỳ-kheo, bấy giờ Ta nghĩ rằng: ‘Đó là nghiệp quả gì, là nghiệp báo gì, mà ngày nay Ta có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần?’

“Này Tỳ-kheo, Ta lại nghĩ: ‘Đó là ba nghiệp quả, là ba nghiệp báo, khiến Ta ngày nay có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần: một là bố thí, hai là điều phục, ba là thủ hộ’.

“Này Tỳ-kheo, ngươi hãy quán sát rằng, tất cả những gì sở hữu[16] đều phải tiêu diệt, cả đến như ý túc cũng phải mất. Này Tỳ-kheo, ngươi nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Lại hỏi:

“Vô thường là khổ hay không phải khổ?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, là khổ và biến dịch.”

Lại hỏi:

“Nếu là pháp vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’ chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Lại hỏi:

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Lại hỏi:

“Vô thường là khổ hay không phải khổ?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, là khổ và biến dịch.”

Lại hỏi:

“Nếu là pháp vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’ chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Vậy thì, này Tỳ-kheo, ngươi nên học như vầy: ‘Những gì có sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc gần hoặc xa; tất cả những cái ấy chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta, ta phải là sở hữu của cái kia’. Hãy dùng trí tuệ quán sát, biết đúng như thật. ‘Những gì có giác, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần; tất cả những cái ấy chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta, ta phải là sở hữu của cái kia’. Hãy dùng trí tuệ quán sát, biết đúng như thật.

“Này Tỳ-kheo, nếu Đa văn Thánh đệ tử quán như thế thì liền nhàm chán sắc, nhàm chán giác, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán mà vô dục; do vô dục nên giải thoát; sau khi giải thoát thì biết là giải thoát, biết đúng như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.”

Sau khi, nghe Phật dạy như vậy xong, Tỳ-kheo ấy khéo ghi nhận, khéo ghi nhớ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui.

Tỳ-kheo ấy sau khi thọ nhận lời giáo hóa của Đức Phật, liền sống một mình, viễn ly, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn. Vị ấy đã sống một mình, viễn ly, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, đạt đến mục đích mà vì đó thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; đó là chỉ cầu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại, tự biết, tự ngộ, tự thân chứng, thành tựu an trú, biết đúng như thật rằng: “Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Như vậy, Tỳ-kheo ấy, sau khi đã biết pháp, cho đến chứng đắc A-la-hán.

Phật thuyết giảng như vậy. Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Ngưu Phấn Dụ:

[01] Thí dụ về phân bò. Tương đương Pāli: S.22.96. Gomayam. Tham chiếu, No.99(264).

[02] Thất phản thành bại 七 反 成 敗, bảy lần thành rồi hoại của thế giới.

[03] Hoảng dục thiên 晃 昱 天; Hán dịch khác: Quang âm thiên, Cực quang thiên. Pāli: Ābhassara.

[04] Không Phạm cung điện 空 梵 宮 殿. Pāli: suññaṃ Brahma-vimānaṃ; tham chiếu D.1. Brahmajāla-sutta.

[05] Pāli: Khattiya-muddhāvasitta, vua Quán Đảnh xuất thân dòng Sát-lợi.

[06] Bạch châu lạc 白 珠 珞; Tống-Nguyên-Minh: 絡.

[07] Vu-sa-hạ tượng vương 于 娑 賀. Pāli: Uposathanāgarāja.

[08] Mao mã vương [馬+毛] 馬 王. Pāli: Valāhaka-assarāja.

[09] Nhạc thanh xa 樂 聲 車. Pāli: Vejayanta ratha, cỗ xe (=cung điện) Chiến thắng.

[10] Câu-xá-hòa-đề 拘 舍 惒 堤. Pāli: Kusāvati.

[11] Chánh pháp điện 正 法 殿. Pāli: Dhammapāsāda.

[12] Hán dịch: gia-lăng-già-ba-hòa-la ba-giá-tất-đa-la-na 加 陵 伽 波 惒 邏 波 遮 悉 多 羅 那. Pāli: kadalimigapavara-pacchattharaṇa, thảm lông bằng da sơn dương cực quý.

[13] Sơ-ma y 初 摩 衣; Nguyên-Minh: sô 芻. Pāli: khoma-pilotikā, vải lanh.

[14] Trong bản Đại chánh đọc là tận dạ 盡 夜, suốt đêm. Đây đọc là trú dạ 晝 夜.

[15] Kiếp-bối y 劫 貝 衣. Pāli: kappāsika, vải bông (gòn).

[16] Nhất thiết sở hữu 一 切 所 有; Tống-Nguyên-Minh: sở hành 所 行.


62. KINH TẦN-BỆ-SA-LA VƯƠNG NGHINH PHẬT[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo gồm một nghìn vị, đều là những Bậc Vô Trước, Chí Chơn[02], trước vốn là những đạo sĩ bện tóc[03]. Ngài đi đến ấp Ma-kiệt-đà ở thành Vương xá.

Bấy giờ vua xứ Ma-kiệt-đà là Tần-bệ-sa-la[04] nghe Đức Thế Tôn du hóa tại nước Ma-kiệt-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo, gồm một nghìn vị, đều là những Bậc Vô Trước, Chí Chơn, trước vốn là những đạo sĩ bện tóc, đến ấp Ma-kiệt-đà ở thành Vương xá này. Sau khi nghe vậy, vua Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà liền cho sắp đặt bốn loại quân, là quân voi, quân ngựa, quân xe, và bộ quân. Sau khi sắp đặt bốn loại quân xong, nhà vua với đông đủ vô số thuộc hạ, kéo dài trên một do-diên, cùng đi đến chỗ Phật.

Bấy giờ từ xa, Đức Phật thấy vua Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà đi đến, bèn theo đường tắt đến dưới gốc cây chúa Thiện trụ Ni-câu-loại[05], trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già cùng với chúng Tỳ-kheo.

Từ xa, vua Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà thấy Thế Tôn ở giữa cây rừng, trang nghiêm đẹp đẽ như vầng trăng ở giữa vòm sao, chói lọi, sáng ngời như núi vàng, tướng tốt vẹn toàn, oai thần lồng lộng, các căn vắng lặng, không bị ngăn che, thành tựu tự chế ngự, tâm tư yên tĩnh. Sau khi thấy Phật, vua cùng tùy tùng xuống xe.

Nếu các vua Sát-lợi được rưới nước lên đỉnh đầu để làm bậc Nhân chủ, chỉnh trị cõi đất, có năm loại nghi trượng, một là kiếm, hai là lọng, ba là mũ thiên quan, bốn là phất trần cán ngọc, năm là giầy thêu. Nhưng đến đây nhà vua cởi bỏ tất cả, cùng với bốn loại quân. Vua đi bộ đến trước Phật, đảnh lễ rồi tự xưng danh tánh ba lần rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, tôi là Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la[06], vua nước Ma-kiệt-đà.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Đại vương, đúng vậy, đúng vậy. Đại vương là Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà.”

Sau khi vua Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà ba lần tự xưng danh tánh rồi, đảnh lễ Phật và ngồi qua một bên. Có người chào hỏi Phật rồi ngồi qua một bên. Có người chắp tay hướng về Phật rồi ngồi qua một bên. Có người ở xa thấy Phật rồi lặng lẽ ngồi xuống.

Bấy giờ Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp[07] cùng ngồi trong chúng. Tôn giả là vị mà những người nước Ma-kiệt-đà đều chú ý đến và cho rằng, đó là bậc Đại tôn sư, bậc Chân nhân vô trước. Bấy giờ những người xứ Ma-kiệt-đà đều nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm theo Uất-tỳ-la Ca-diếp học phạm hạnh chăng? Hay là Uất-tỳ-la Ca-diếp theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm người xứ Ma-kiệt-đà, liền hướng về Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp mà nói bài tụng:

Ca-diếp, thấy những gì,

Bỏ lửa mà đến đây?

Ca-diếp, nói Ta biết,

Lý do không thờ lửa?

Ăn uống đủ các vị,

Do dục nên thờ lửa;

Trong đời thấy như vậy,

Cho nên không ưa thờ.

Ý Ca-diếp không ưa,

Ăn uống đủ các vị,

Sao không ưa Trời, Người?

Ca-diếp, nói Ta rõ.

Thấy tịch tĩnh, diệt tận,

Vô vi, không dục hữu;

Không thấy Trời cao quý,

Cho nên không thờ lửa.

Thế Tôn là tối thắng;

Thế Tôn không tà tư;

Thấy các pháp rõ ràng,

Con nhận pháp tối thắng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Ca-diếp, ông hãy hiển hiện như ý túc cho chúng hội này được vui lòng và tin tưởng.”

Lúc đó Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp, bằng như ý túc như thế, biến mất khỏi chỗ đang ngồi, từ phương Đông xuất hiện, bay lên hư không, hiện bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Tôn giả lại nhập hỏa định. Sau khi Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp nhập hỏa định, trong thân liền phát ra vô số tia lửa đủ màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, màu hòa hợp, màu thủy tinh. Phần thân dưới phóng ra lửa thì phần thân trên phóng ra nước; phần thân trên phóng ra lửa thì phần thân dưới phun ra nước. Cũng vậy, từ các phương Nam, Tây, Bắc bay lên hư không, hiện ra bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Tôn giả lại nhập hỏa định. Sau khi Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp nhập hỏa định, trong thân liền phát ra vô số tia lửa đủ màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, màu hòa hợp, màu thủy tinh. Phần thân dưới phóng ra lửa thì phần thân trên phóng ra nước; phần thân trên phóng ra lửa thì phần thân dưới phun ra nước. Sau khi hiển hiện như ý túc, Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp đảnh lễ dưới chân Phật và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Phật là Thầy của con; con là đệ tử của Phật. Phật có đủ nhất thiết trí; con không có nhất thiết trí.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đúng vậy, Ca-diếp, đúng vậy, Ca-diếp. Ta có nhất thiết trí, ông không có nhất thiết trí.”

Bấy giờ Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp vì chính mình mà nói bài tụng:

Ngày xưa, lúc chưa rõ,

Thờ lửa, cầu giải thoát,

Tuy già vẫn đui mù,

Tà, không thấy chân tế.

Nay con thấy Thượng Tích,

Rồng Vô Thượng đã dạy:

Vô vi, thoát hết khổ,

Thấy rồi, sanh tử dứt.

Những người xứ Ma-kiệt-đà, sau khi thấy như vậy, liền nghĩ: “Không phải Sa-môn Cù-đàm theo Uất-tỳ-la Ca-diếp học phạm hạnh mà chính Uất-tỳ-la Ca-diếp theo Sa-môn Cù-đàm để học phạm hạnh.” Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm của người xứ Ma-kiệt-đà, liền thuyết pháp cho Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi ngài đã dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Ngài theo đúng pháp của chư Phật, trước tiên thuyết pháp đoan chánh, khiến người nghe vui mừng, ấy là thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về pháp sanh thiên, chỉ trích dục là tai họa, sanh tử là ô uế, khen ngợi vô dục là diệu đạo phẩm, bạch tịnh.

Đức Thế Tôn đã nói cho vị đại vương ấy nghe những pháp như vậy. Ngài biết nhà vua có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm tăng thượng, tâm chuyên nhất, tâm vô nghi, tâm vô tận, có khả năng, có sức lực thọ nhận Chánh pháp. Tức là, như các pháp yếu mà chư Phật đã giảng thuyết, Đức Thế Tôn nói cho nhà vua nghe về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngài dạy:

“Này Đại vương, sắc là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, sắc là pháp sanh diệt. Này Đại vương, giác, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, thức là pháp sanh diệt.

“Này Đại vương, giống như mưa lớn thì bọt trên mặt nước hoặc sanh hoặc diệt. Này Đại vương, sắc sanh diệt cũng như vậy. Đại vương nên biết sắc là pháp sanh diệt. Này Đại vương, giác, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, thức là pháp sanh diệt.

“Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết sắc sanh diệt thì biết rằng sắc không sanh lại ở tương lai. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử nào biết giác, tưởng, hành, thức sanh diệt thì liền biết rằng thức không sanh lại ở tương lai. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết sắc đúng như thật thì không trước sắc, không kế sắc, không nhiễm sắc, không trụ nơi sắc, không hoan lạc rằng ‘sắc là ta’. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết giác, tưởng, hành, thức đúng như thật thì không trước thức, không kế thức, không nhiễm thức, không trụ nơi thức, không hoan lạc rằng ‘thức là ta’. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử không trước sắc, không kế sắc, không nhiễm sắc, không an trụ nơi sắc, không hoan lạc cho rằng ‘sắc là ta’, thì người ấy không thọ nhận sắc tương lai. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử nào không trước giác, tưởng, hành, thức, không kế thức, không nhiễm thức, không trụ thức, không hoan lạc rằng ‘thức là ta’, thì người ấy không thọ nhận thức tương lai. Này Đại vương, thiện nam tử ấy vô lượng, không thể kể xiết, vô hạn, chứng đắc tịch tịnh, nếu xả bỏ thân ngũ ấm này thì không còn thọ ấm thân khác nữa.”

Bấy giờ, những người xứ Ma-kiệt-đà nghĩ rằng: “Nếu như sắc là vô thường; giác, tưởng, hành, thức là vô thường, thì ai làm, ai thọ nhận khổ, lạc?”

Đức Thế Tôn biết ý nghĩ của những người xứ Ma-kiệt-đà, liền bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Hàng phàm phu ngu si không học, thấy ngã là ngã mà đắm trước nơi ngã, nhưng thực ra không có ngã, không có ngã sở. Ngã vốn không, ngã sở vốn không; pháp sanh thì sanh, pháp diệt thì diệt; thảy đều do nhân duyên hội tụ mà sanh khổ. Nếu không có nhân duyên thì các khổ liền diệt. Chúng sanh do duyên tụ hội liên tục mà sanh các pháp. Như Lai sau khi thấy chúng sanh liên tục sanh ra nên nói ‘có sanh có tử’. Ta dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy đúng như thật về chúng sanh này, lúc tử lúc sanh, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ, hoặc bất thiện xứ, đều tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, và thấy đúng như thật.

“Nếu chúng sanh nào thành tựu ác hạnh nơi thân, ác hạnh nơi khẩu, ý, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến và thành tựu nghiệp tà kiến, thì do nhân duyên kia, khi thân này hoại diệt, mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu chúng sanh nào thành tựu thiện hạnh nơi thân, thiện hạnh nơi khẩu, ý, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến; thì do nhân duyên đó, khi thân này hoại diệt, mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi lên chỗ thiện, cho đến cõi trời. Ta biết chúng sanh kia như vậy nhưng không nói rằng: Đó là ngã, có thể cảm giác, có thể nói năng, làm và sai làm, đứng dậy và khiến đứng dậy, ở nơi này hay nơi kia thọ nhận nghiệp báo thiện ác. Ở đây, hoặc có suy nghĩ như vầy: Điều đó không hợp lý, điều đó không đứng vững, việc làm ấy đúng như pháp; nhân cái này mà cái kia sanh, nếu không nhân cái này thì cái kia không sanh; cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt. Tức là duyên vô minh có hành cho đến duyên sanh mà có già, chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt.

“Này Đại vương, Đại vương nghĩ sao, sắc là vô thường hay thường?”

Nhà vua đáp:

“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”

Lại hỏi:

“Nếu vô thường thì khổ hay không khổ?

“Bạch Thế Tôn, là khổ, là biến dịch.”

“Nếu pháp là vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’?”

“Bạch Thế Tôn, không nên.”

Lại hỏi:

“Nếu vô thường thì khổ hay không khổ?

“Bạch Thế Tôn, là khổ, là biến dịch.”

“Nếu pháp là vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’?”

“Bạch Thế Tôn, không nên.”

“Này Đại vương, Đại vương nên học như vầy: Những gì có sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả đều chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta; ta chẳng phải là sở hữu của kia. Nên dùng trí tuệ quán biết như thật.

“Này Đại vương, những gì có giác, tưởng, hành, thức nào, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả đều chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta; ta chẳng phải là sở hữu của kia. Nên dùng trí tuệ quán biết như thật. Ngã của ta, chẳng phải là của ta. Nên dùng trí tuệ quán biết đúng như thật.

“Này Đại vương, nếu Đa văn Thánh đệ tử quán đúng như vậy, thì liền nhàm chán sắc, nhàm chán giác, tưởng, hành, thức. Nhàm chán rồi liền vô dục, vô dục rồi, liền được giải thoát, đã giải thoát liền có tri kiến giải thoát, biết như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa”.

Lúc Đức Phật nói pháp này xong, Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp sanh khởi và tám vạn chư thiên, một vạn hai ngàn người xứ Ma-kiệt-đà xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp sanh khởi. Bấy giờ Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, vượt khỏi mê hoặc, không còn tôn thờ ai, không theo ai nữa, không còn do dự, đã an trụ nơi quả chứng, đối với pháp của Thế Tôn mà chứng đắc vô sở úy; liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật và bạch:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con xin tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay, trọn đời con xin tự quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy. Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà và tám vạn chư Thiên, và một vạn hai ngàn người xứ Ma-kiệt-đà cùng một ngàn Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Tần-Bệ-Sa-La Vương Nghinh Phật:

[01] Bản kinh tường thuật lần đầu tiên vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) gặp Phật và trở thành đệ tử của Phật. Tương đương Pāli: Luật tạng, Mv. I. 22. Hán biệt dịch: No.41 Phật Thuyết Tần-bà-sa-la Vương Kinh, Tống Pháp Hiền dịch; No.99 (1074) Tạp 38, kinh 1074; No.100(13) Biệt Dịch Tạp A-hàm, kinh số 13. Tham chiếu, No.200 Soạn Tập Bách Duyên Kinh quyển 2; No.1421 Ngũ Phần Luật quyển 16; No.1428 Tứ Phần Luật quyển 33; No.1435 Thập Tụng Luật quyển 24.

[02] Tất cả đều là A-la-hán.

[03] Biên phát 編 髮. Pāli: jaṭilaka, đây chỉ ba anh em Uruvelakassapa cùng với các đệ tử, sau khi quy y Phật.

[04] Ma-kiệt-đà vương Tần-bệ-sa-la 摩 竭 陀 王 頻 鞞 娑 邏. Pāli: Bimbisāra Magadha-rāja.

[05] Thiện trụ Ni-câu-loại thọ vương 善 住 尼 拘 類 樹 王.

[06] Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la 洗 尼 頻 鞞 娑 邏. Pāli: Seniya Bimbisāra.

[07] Uất-tỳ-la Ca-diếp 鬱 毗 羅 迦 葉. Pāli: Uruvela-Kassapa, anh cả trong ba anh em, thuộc hàng tông sư của ngoại đạo bện tóc.


63. KINH BỆ-BÀ-LĂNG-KỲ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Câu-tát-la[02].

Bấy giờ Đức Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo cùng đi trên đường; giữa đường, Ngài mỉm cười rạng rỡ. Tôn giả A-nan thấy Thế Tôn mỉm cười, liền chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:

“Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì Thế Tôn mỉm cười? Các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nếu không có nhân duyên gì, thì không bao giờ cười suông. Con mong nghe được ý nghĩa ấy.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, chính trong xứ sở này, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, ngồi tại nơi đây mà nói pháp cho các đệ tử.”

Lúc đó Tôn giả A-nan, ngay tại chỗ ấy, liền nhanh chóng trải chỗ ngồi, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:

“Bạch Thế Tôn, cúi mong Thế Tôn cũøng ngồi nơi đây mà nói pháp cho các đệ tử. Như vậy, chỗ này là sở hành của hai Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ mà Tôn giả A-nan đã trải. Sau khi ngồi xuống Ngài bảo:

“A-nan, ở trong xứ sở này, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có giảng đường. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, sau khi ngồi ở trong đó, bèn giảng pháp cho các đệ tử nghe. Này A-nan, trong xứ sở này, xưa kia có thôn ấp, tên là Bệ-bà-lăng-kỳ[03], giàu có cùng cực, dân chúng đông đúc. Này A-nan, trong thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ, có Phạm chí đại trưởng giả tên là Vô Nhuế, giàu có tột đỉnh, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi, không thể tính toán, phong hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ.

“Này A-nan, Phạm chí đại trưởng giả Vô Nhuế có người con tên là Ưu đa-la Ma-nạp[04], được cha mẹ nuông chìu, thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không ác, học rộng, nghe nhiều, đọc hết bốn điển kinh[05], thấu triệt nhân duyên, chánh văn, hí là năm, cùng với cú pháp và thuyết văn[06].

“Này A-nan, đồng tử Ưu-đa-la có người bạn lành làm thợ đồ gốm tên là Nan-đề-bà-la[07] thường được đồng tử Ưu-đa-la yêu thương, tưởng nhớ, ưa gặp gỡ không chán. Này A-nan, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ Ba ngôi tôn quý[08], không nghi hoặc Khổ, Tập, Diệt, Đạo; có tín, có giới, học rộng, ưa bố thí, thành tựu trí tuệ; xa lìa sát sanh, đoạn trừ sự sát sanh, xả bỏ đao gậy, biết hổ, biết thẹn, có tâm từ bi, làm lợi ích tất cả cho đến loài côn trùng; đối với tâm niệm sát sanh, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lấy của không cho, đoạn trừ việc không cho mà lấy, cái gì cho mới lấy, vui lòng nhận những gì được cho; thường thích bố thí, hoan hỷ không bỏn sẻn, không mong báo đáp; đối với tâm niệm không cho mà lấy, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh tấn tu diệu hạnh, thanh tịnh, không ô uế, lìa dục, đoạn dâm; đối với tâm niệm phi phạm hạnh, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nói chân thật, ưa chân thật, an trú nơi sự chân thật không chút di động, hoàn toàn đáng tin cậy, không lừa dối thế gian; đối với tâm niệm nói dối, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại ai, không nghe chuyện người này rồi mách lại người kia, xúi dục phá hoại người này, không nghe chuyện người kia, rồi mách lại người này, xúi dục phá hoại người kia, ai chia lìa thì làm cho hòa hợp, ai hòa hợp thì làm cho hoan hỷ, không lập bè đảng, không ưa bè đảng, không khen ngợi bè đảng; đối với tâm niệm nói hai lưỡi, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có những lời thô bạo, hung ác, trái tai, khiến mọi người không hoan hỷ, mọi người không thương mến, khiến người khác khổ não, không được định tĩnh, vị ấy đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã, nhu thuận, lọt tai, vừa lòng, khiến được hoan hỷ, được mến thương, khiến người khác an lạc, âm thanh rõ ràng, không làm người sợ, khiến người khác định tĩnh, vị ấy nói những lời như vậy; đối với tâm niệm ưa nói thô ác, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nói đúng lúc, nói chân thật, nói về pháp, nói về nghĩa, nói về chỉ tức, nói về việc ưa chỉ tức, nói việc thuận thời, thích hợp, khéo dạy, khéo quở trách; đối với tâm niệm ưa nói thêu dệt, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc kinh doanh buôn bán, đoạn trừ việc kinh doanh buôn bán, xả bỏ đong lường và đấu hộc, xả bỏ việc nhận hàng hóa, không cột trói người, không trông mong sự đo lường tà vạy, không vì chút lợi nhỏ mà lấn lướt, lừa dối người; đối với tâm niệm kinh doanh buôn bán, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận đàn bà góa, đồng nữ; đối với tâm niệm nhận đàn bà góa, đồng nữ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nô tỳ, đoạn trừ việc nhận nô tỳ; đối với tâm niệm nhận nô tỳ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, đoạn trừ việc nhận voi, ngựa, trâu, dê; đối với tâm niệm nhận voi, ngựa, trâu, dê vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận gà, heo, đoạn trừ việc nhận gà, heo; đối với tâm niệm nhận gà, heo, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận ruộng đất, quán xá, đoạn trừ việc nhận ruộng đất, quán xá; đối với tâm niệm nhận ruộng đất, quán xá, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nếp, lúa, đậu sống, đoạn trừ việc nhận nếp, lúa, đậu sống; đối với tâm niệm nhận nếp, lúa, đậu sống, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc uống rượu, đoạn trừ việc uống rượu; đối với tâm niệm uống rượu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc dùng giường sang, cao rộng, đoạn trừ việc dùng giường sang, cao rộng; đối với tâm niệm dùng giường sang, cao rộng, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc đeo vòng hoa, đeo chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, đoạn trừ việc đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn; đối với tâm niệm đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem, đoạn trừ việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem; đối với tâm niệm ca múa, xướng hát và đến xem, nghe, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận vàng, bạc, châu báu, đoạn trừ việc nhận vàng, bạc, châu báu; đối với tâm niệm nhận vàng, bạc, châu báu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la lìa việc ăn quá ngọ, đoạn trừ việc ăn quá ngọ, thường ăn một bữa, không ăn ban đêm, học hạnh ăn đúng thời; đối với tâm niệm ăn quá ngọ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời tay không cầm cuốc, không tự tay đào đất, cũng không bảo người khác đào; nếu đất ở đê chận nước lở ra, hoặc đất do chuột đào lên thì lấy làm đồ gốm đưa lên và nói với người mua rằng: ‘Các ngài, nếu có đậu oản[09], gạo giẻ, lúa mạch, đậu ma lớn nhỏ, đậu bệ và hạt cải, sau khi trút xuống rồi, ngài cứ mang gốm này mà đi, tùy theo ý muốn[10]’.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời hầu hạ cha mẹ, cha mẹ mù lòa chỉ trông cậy vào vị ấy; cho nên vị ấy phải hầu hạ.

“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la vào một sáng sớm, đi đến trước Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác; sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vị ấy, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vị ấy, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ngồi im lặng.

“Này A-nan, sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ rồi, thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng, rồi lui ra.

“Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la cưỡi xe ngựa trắng, cùng với năm trăm đồng tử nữa, vào lúc vừa sáng, từ thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ ra đi, đến một chỗ vô sự[11], muốn giáo hóa các đệ tử từ nhiều nước đến, dạy chúng đọc sách Phạm chí[12]. Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la từ xa trông thấy thợ gốm Nan-đề-bà-la đi đến; thấy rồi liền hỏi:

“– Nan-đề-bà-la, anh từ đâu đến?”

“Nan-đề-bà-la đáp:

“– Hôm nay tôi từ chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, sau khi cúng dường lễ bái Ngài xong thì đến đây. Này Ưu-đa-la, bạn có thể cùng với tôi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác để cúng dường, lễ bái Ngài?

“Khi ấy, đồng tử Ưu-đa-la đáp:

“– Này anh Nan-đề-bà-la, tôi không muốn thấy Sa-môn trọc đầu. Sa-môn trọc đầu không thể đắc đạo, vì đạo khó chứng đắc.

“Rồi thì, thợ gốm Nan-đề-bà-la túm lấy chỏm tóc của đồng tử Ưu-đa-la kéo xuống xe. Lúc đó đồng tử Ưu-đa-la nghĩ: ‘Anh thợ gốm Nan-đề-bà-la này không bỡn cợt, không khùng, không si, nay kéo tóc mình chắc có điều gì?’ Nghĩ xong liền bảo:

“– Này anh Nan-đề-bà-la, tôi đi theo anh, tôi đi theo anh!

“Bấy giờ Nan-đề-bà-la hoan hỷ nói rằng:

“– Lành thay, chúng ta đi.

“Thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la cùng nhau đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Đến nơi, hai người đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Thợ gốm Nan-đề-bà-la bạch Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác rằng:

“– Bạch Thế Tôn, đồng tử Ưu-đa-la này là bạn của con. Bạn này thường ưa đến thăm, thường thích đến thăm con, không hề nhàm chán, nhưng không có lòng tin và cung kính đối với Thế Tôn. Mong Thế Tôn khéo léo thuyết pháp cho bạn con, hoan hỷ, khởi lòng tin và cung kính.”

“Bấy giờ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la, khuyến khích, phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho hai vị ấy, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Đức Thế Tôn ngồi im lặng. Bấy giờ, sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ, hai vị liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng, rồi lui ra.

“Lúc trở về, đi chưa bao xa, đồng tử Ưu-đa-la lại hỏi:

“– Này anh Nan-đề-bà-la, anh đã được nghe pháp vi diệu như thế từ Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tại sao anh còn ở nhà, không thể lìa bỏ để học Thánh đạo?

“Bấy giờ thợ gốm Nan-đề-bà-la đáp:

“– Này Ưu-đa-la, chính bạn đã biết tôi phải trọn đời hầu hạ, nuôi nấng cha mẹ; vì cha mẹ tôi mù lòa, chỉ trông cậy ở mình tôi. Tôi vì hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ vậy.

“Bấy giờ đồng tử Ưu-đa-la hỏi:

“– Này Nan-đề-bà-la, tôi có thể theo Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, làm Tỳ-kheo, tu hành phạm hạnh được chăng?

“Lúc đó, thợ gốm Nan-đề-bà-la và đồng tử Ưu-đa-la từ nơi ấy quay trở lại chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến nơi, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Thợ gốm Nan-đề-bà-la bạch Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác rằng:

“– Bạch Thế Tôn, đồng tử Ưu-đa-la này trở về chưa bao xa, lại hỏi con rằng: ‘Này anh Nan-đề-bà-la, từ Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, anh được nghe pháp vi diệu như thế; tại sao anh còn ở nhà, không thể lìa bỏ để học Thánh đạo?’ Bạch Thế Tôn, con đã trả lời rằng: ‘Chính bạn đã rõ, tôi phải trọn đời hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ. Cha mẹ tôi mù lòa, chỉ trông cậy vào một mình tôi. Như vậy, tôi phải hầu hạ, phụng dưỡng cha mẹ’. Ưu-đa-la lại hỏi: ‘Này anh Nan-đề-bà-la, tôi có thể theo Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, xuất gia học đạo, thọ cụ túc giới, làm Tỳ-kheo, tu hành phạm hạnh được không?’ Bạch Thế Tôn, mong Ngài độ cho bạn con xuất gia, học đạo, truyền trao giới cụ túc cho bạn con được làm Tỳ-kheo.

“Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác im lặng nhận lời của Nan-đề-bà-la. Sau khi biết Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác im lặng nhận lời, thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Ngài, đi quanh ba vòng rồi lui ra.

“Sau khi Nan-đề-bà-la đi chưa bao lâu, Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác độ cho đồng tử Ưu-đa-la xuất gia, học đạo, truyền trao giới cụ túc. Sau khi cho Ưu-đa-la xuất gia, cho thọ cụ túc xong, Ngài ở thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ vài ngày, rồi mang y, cầm bát cùng với đại chúng Tỳ-kheo du hành, muốn đến ấp Ba-la-nại, nước Ca-tư[13]. Đến Ba-la-nại, Ngài trú trong vườn Lộc dã tại Tiên nhân trú xứ[14].

“Bấy giờ, vua Giáp-bệ[15] nghe Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đang du hành trong nước Ca-tư, cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến Ba-la-nại, trú trong vườn Lộc dã tại Tiên nhân xư.ù Nghe rồi, vua bảo người đánh xe:

“– Ngươi hãy sửa soạn xe, hôm nay ta muốn đi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

“Người đánh xe kia vâng lời vua bảo liền sửa soạn xa giá, sửa soạn xong, tâu với vua rằng:

“– Con đã sửa soạn xe đẹp, xin tùy ý Thiên vương.

“Vua Giáp-bệ, ngồi xe đẹp, từ Ba-la-nại ra đi, đến vườn Lộc dã, chỗ trú xứ Tiên nhơn. Từ xa, vua Giáp-bệ thấy, giữa rừng cây, Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trang nghiêm đẹp đẽ như vầng trăng giữa vòm sao, chói lọi sáng ngời như núi vàng, tướùng tốt vẹn toàn, oai nghi lồng lộng, các căn vắng lặng, không bị ngăn che, hoàn toàn tự chế ngự, lắng tâm tĩnh mặc. Sau khi thấy, vua xuống xe, đi đến chỗ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên. Sau khi nhà vua ngồi xuống, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho nhà vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng. Sau khi được Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu hoan hỷ rồi, nhà vua liền đứng dậy, kéo lệch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Phật và bạch:

“– Mong Thế Tôn cùng với đại chúng Tỳ-kheo ngày mai nhận lời mời của con!

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, im lặng nhận lời mời của vua Giáp-bệ. Sau khi biết Đức Như Lai đã im lặng nhận lời, nhà vua cúi đầu đảnh lễ, đi quanh ba vòng rồi lui ra, trở về nhà.

“Đêm ấy, vua hạ lệnh sắp sửa đủ các món ăn, thức uống ngon lành, sạch sẽ, mỹ diệu, với đủ các thức ăn loại cứng, loại mềm. Việc bày biện đã xong ngay đêm ấy. Lúc tảng sáng, vua trải giường ngồi, rồi sai người đến bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn, nay giờ đã đến, thức ăn đã sẵn sàng, mong Thế Tôn đến đúng thời’.

“Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác mang y, cầm bát và có chúng Tỳ-kheo theo sau, đi đến nhà của vua Giáp-bệ, ngồi vào chỗ ngồi phía trên chúng Tỳ-kheo. Vua Giáp-bệ thấy Phật và chúng Tỳ-kheo ngồi xong, tự tay múc nước rửa, tự tay bưng hầu các thức ăn, thức uống, đầy đủ các món ngon, sạch, mỹ diệu, khiến các Ngài ăn no. Ăn rồi dọn bát, lấy nước rửa xong, nhà vua lấy ghế nhỏ ngồi riêng một bên để nghe pháp. Vua Giáp-bệ ngồi xong, Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong rồi, Ngài ngồi im lặng. Sau khi được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ rồi, vua Giáp-bệ từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Như Lai và bạch:

“– Mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo nhận lời của con mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này. Con xin xây cất năm trăm gian phòng, năm trăm giường nệm và cúng thí các vật dụng[16], cung cấp nếp trắng và đủ các món thực phẩm của vua, để cúng dường Ngài và chúng Tỳ-kheo.

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác bảo nhà vua:

“– Thôi, thôi, Đại vương, chỉ cần có tâm hoan hỷ là đủ.

“Ba lần như thế, vua Giáp-bệ chắp tay hướng về Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thưa:

“– Mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo nhận lời mời của con mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này. Con xin xây cất năm trăm gian phòng, năm trăm giường nệm, và cúng thí các vật dụng, cung cấp nếp trắng và các món ăn thực phẩm của vua để cúng dường Phật và chúng Tỳ-kheo.

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác cũng ba lần bảo:

“– Thôi, thôi, Đại vương, chỉ cần có tâm hoan hỷ là đủ.

“Bấy giờ vua Giáp-bệ không nhẫn được, không vừa ý, tâm rất ưu sầu, nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác không nhận lời mời của ta mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này cùng với chúng Tỳ-kheo’. Nghĩ xong, nhà vua bạch Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác:

“– Bạch Thế Tôn, có kẻ bạch y tại gia nào phụng sự Thế Tôn giống con chăng?

“Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đáp:

“– Có, và ở tại thôn Bệ-bà-lăng-kỳ giàu có, hoan lạc tột cùng, nhân dân đông đúc, thuộc lãnh thổ của Đại vương. Này Đại vương, ở trong thôn Bệ-bà-lăng-kỳ ấy có thợ gốm Nan-đề-bà-la; này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, không hoài nghi Ba ngôi báu, không nghi hoặc Khổ, Tập, Diệt, Đạo, có tín, trì giới, học rộng, ưa bố thí, thành tựu trí tuệ, xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xả bỏ dao gậy, biết hổ thẹn, có tâm từ bi, làm lợi ích cho đến cả tất cả loài côn trùng. Đối với tâm niệm sát sanh vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lấy của không cho, đoạn trừ việc không cho mà lấy, cái gì cho mới lấy, vui lòng nhận những gì được cho; thường thích bố thí, hoan hỷ không bỏn xẻn, không mong báo đáp; đối với tâm niệm không cho mà lấy, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh tấn tu diệu hạnh, thanh tịnh, không ô uế, lìa dục, đoạn dâm; đối với tâm niệm phi phạm hạnh, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nói chân thật, ưa chân thật, an trú nơi sự chân thật không chút di động, hoàn toàn đáng tin cậy, không lừa dối thế gian; đối với tâm niệm nói dối, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại ai, không nghe chuyện người này rồi mách lại người kia, xúi dục phá hoại người này, không nghe chuyện người kia, rồi mách lại người này, xúi dục phá hoại người kia, ai chia lìa thì làm cho hòa hợp, ai hòa hợp thì làm cho hoan hỷ, không lập bè đảng, không ưa bè đảng, không khen ngợi bè đảng; đối với tâm niệm nói hai lưỡi, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có những lời thô bạo, hung ác, trái tai, khiến mọi người không hoan hỷ, mọi người không thương mến, khiến người khác khổ não, không được định tĩnh, vị ấy đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có những lời hòa nhã, nhu thuận, lọt tai, vừa lòng, khiến được hoan hỷ, được mến thương, khiến người khác an lạc, âm thanh rõ ràng, không làm người sợ, khiến người khác định tĩnh, vị ấy nói những lời như vậy; đối với tâm niệm ưa nói thô ác, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nói đúng lúc, nói chân thật, nói về pháp, nói về nghĩa, nói về chỉ tức, nói về việc ưa chỉ tức, nói việc thuận thời, thích hợp, khéo dạy, khéo quở trách; đối với tâm niệm ưa nói thêu dệt, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc kinh doanh buôn bán, đoạn trừ việc kinh doanh buôn bán, xả bỏ đong lường và đấu hộc, xả bỏ việc nhận hàng hóa, không cột trói người, không trông mong sự đo lường tà vạy, không vì chút lợi nhỏ mà lấn lướt, lừa dối người; đối với tâm niệm kinh doanh buôn bán, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận đàn bà góa, đồng nữ; đối với tâm niệm nhận đàn bà góa, đồng nữ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nô tỳ, đoạn trừ việc nhận nô tỳ; đối với tâm niệm nhận nô tỳ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, đoạn trừ việc nhận voi, ngựa, trâu, dê; đối với tâm niệm nhận voi, ngựa, trâu, dê vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận gà, heo, đoạn trừ việc nhận gà, heo; đối với tâm niệm nhận gà, heo, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận ruộng đất, quán xá, đoạn trừ việc nhận ruộng đất, quán xá; đối với tâm niệm nhận ruộng đất, quán xá, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận nếp, lúa, đậu sống, đoạn trừ việc nhận nếp, lúa, đậu sống; đối với tâm niệm nhận nếp, lúa, đậu sống, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc uống rượu, đoạn trừ việc uống rượu; đối với tâm niệm uống rượu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc dùng giường sang, cao rộng, đoạn trừ việc dùng giường sang, cao rộng; đối với tâm niệm dùng giường sang, cao rộng, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc đeo vòng hoa, đeo chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, đoạn trừ việc đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn; đối với tâm niệm đeo vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem, đoạn trừ việc ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem; đối với tâm niệm ca múa, xướng hát và đến xem, nghe, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc nhận vàng, bạc, châu báu, đoạn trừ việc nhận vàng, bạc, châu báu; đối với tâm niệm nhận vàng, bạc, châu báu, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la lìa việc ăn quá ngọ, đoạn trừ việc ăn quá ngọ, thường ăn một bữa, không ăn ban đêm, học hạnh ăn đúng thời; đối với tâm niệm ăn quá ngọ, vị ấy đã tịnh trừ.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời tay không cầm cuốc, không tự tay đào đất, cũng không bảo người khác đào; nếu đất ở đê chận nước lở ra, hoặc đất do chuột đào lên thì lấy làm đồ gốm đưa lên và nói với người mua rằng: ‘Các ngài, nếu có đậu oản, gạo giẻ, lúa mạch, đậu ma lớn nhỏ, đậu bệ và hạt cải, sau khi trút xuống rồi, ngài cứ mang gốm này mà đi, tùy theo ý muốn’.

“Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời hầu hạ cha mẹ, cha mẹ mù lòa chỉ trông cậy vào vị ấy; cho nên vị ấy phải hầu hạ.

“Này Đại vương, Ta nhớ lúc xưa có lần du hành tại thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ. Này Đại vương, bấy giờ vào lúc sáng sớm, Ta mang y, cầm bát vào thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ khất thực; khất thực theo thứ tự, Ta đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Lúc đó, vì bận chút việc, nên Nan-đề-bà-la đi vắng. Đại vương, Ta hỏi cha mẹ Nan-đề-bà-la rằng:

“‘– Này Trưởng lão, thợ gốm bây giờ ở đâu?’

“Cha mẹ người ấy đáp:

“‘– Bạch Thế Tôn, đứa hầu vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi, không ở nhà. Bạch Thiện Thệ, đứa hầu ấy vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi nhà, không có ở nhà. Bạch Thế Tôn, trong rá có cơm gạo tẻ, trong chảo có canh đậu. Mong Thế Tôn thương xót chúng con, lấy dùng theo ý Ngài’.

“Này Đại vương, Ta liền thọ nhận pháp Uất-đơn-viết[17], lấy cơm canh ở trong rá rồi đi. Thợ gốm Nan-đề-bà-la, sau khi trở về nhà, thấy cơm trong rá còn ít, canh trong chảo giảm bớt, hỏi cha mẹ rằng:

“‘– Ai lấy bớt cơm canh?’

“Cha mẹ đáp:

“‘Này con, hôm nay Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đến đây khất thực. Ngài lấy cơm và canh trong rá, trong chảo rồi đi’.

“Thợ gốm Nan-đề-bà-la nghe xong liền nghĩ rằng: ‘Ta có lợi ích lớn lao, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đối với nhà ta, Ngài tùy ý tự tại’. Nhờ đó vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tịnh mặc suốt bảy ngày, mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc. Cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan hỷ.

“Lại nữa, này Đại vương, Ta nhớ xưa có lần du hành tại thôn ấp Bệ-bà-lăng-kỳ, bấy giờ vào lúc sáng sớm, ta mang y, cầm bát vào thôn Bệ-bà-lăng-kỳ khất thực. Khất thực theo thứ tự, ta đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Bấy giờ Nan-đề-bà-la vì bận chút việc nên đi vắng. Này Đại vương, ta hỏi cha mẹ Nan-đề-bà-la rằng:

“‘– Này Trưởng lão, thợ gốm bấy giờ ở đâu?’

Hai người ấy đáp:

“‘– Bạch Đức Thế Tôn, đứa hầu ấy vì bận chút việc nên tạm thời đi khỏi, không ở nhà. Bạch Đức Thiện Thệ, đứa hầu ấy, vì bận chút việc, đi khỏi một lát, không có ở đây. Bạch Đức Thế Tôn, trong chảo lớn có cơm nếp, trong chảo nhỏ có canh; mong Đức Thế Tôn thương xót chúng con, lấy dùng theo ý của Ngài’.

“Này Đại vương, Ta liền thọ nhận pháp Uất-đơn-viết, lấy cơm canh trong chảo lớn và chảo nhỏ rồi đi. Sau khi trở về nhà, thợ gốm Nan-đề-bà-la thấy cơm trong chảo lớn còn ít, canh trong chảo nhỏ giảm bớt, hỏi cha mẹ rằng:

“‘– Ai lấy cơm trong chảo lớn, lấy canh trong chảo nhỏ?’

“Cha mẹ đáp:

“‘– Này con, hôm nay Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đến đây khất thực. Ngài lấy cơm trong chảo lớn và chảo nhỏ rồi đi.’

“Nghe xong, thợ gốm Nan-đề-bà-la nghĩ rằng: ‘Ta có lợi ích lớn lao, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với nhà ta, đã tùy ý tự tại’. Nhờ đó, vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tịnh mặc suốt bảy ngày, mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc; cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan lạc.

“Lại nữa, này Đại vương, Ta nhớ xưa kia có lần an cư mùa mưa tại thôn Bệ-bà-lăng-kỳ. Bấy giờ Ta mới làm nhà chưa kịp lợp. Nhà làm gốm cũ của thợ gốm Nan-đề-bà-la vừa mới lợp. Này Đại vương, Ta bảo các Tỳ-kheo đang đứng hầu rằng: ‘Các ông hãy đến dở nhà cũ làm đồ gốm của thợ gốm Nan-đề-bà-la đem về lợp nhà Ta’. Tỳ-kheo hầu hạ vâng lời Ta dạy, liền đến nhà của Nan-đề-bà-la và dở nhà cũ làm đồ gốm, bó lại rồi mang về lợp nhà của Ta. Cha mẹ thợ gốm Nan-đề-bà-la nghe dở nhà cũ làm đồ gốm liền hỏi:

“‘– Ai dở nhà cũ làm đồ gốm của Nan-đề-bà-la đó?’

“Các Tỳ-kheo đáp:

“‘– Trưởng lão, chúng tôi là các Tỳ-kheo hầu Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến dở nhà cũ làm đồ gốm của Nan-đề-bà-la bó lại, mang về lợp nhà của Ngài’.

“Cha mẹ của thợ gốm bảo:

“‘– Chư Hiền, chư Hiền hãy đem đi theo ý muốn, không có ai ngăn cản đâu’.

“Sau khi trở về, thợ gốm Nan-đề-bà-la thấy nhà cũ làm đồ gốm bị dở, liền hỏi cha mẹ:

“‘– Ai dở nhà cũ làm đồ gốm của mình vậy?’

“Cha mẹ đáp:

 “‘– Này con, hôm nay các Tỳ-kheo hầu Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đến dở nhà cũ làm đồ gốm, bó lại, đem về lợp nhà của Ngài’.

“Nghe xong, Nan-đề-bà-la nghĩ: ‘Ta có lợi ích lớn, có công đức lớn lao. Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với trong nhà ta, đã tùy ý tự tại’.

“Vì việc ấy, vị ấy hoan hỷ, ngồi kiết già lắng tâm tĩnh mặc suốt bảy ngày; mười lăm ngày sau vẫn còn hoan lạc. Cha mẹ trong gia đình ấy suốt bảy ngày cũng được hoan lạc.

“Này Đại vương, nhà cũ làm đồ gốm của thợ gốm Nan-đề-bà-la suốt bốn tháng mùa mưa hoàn toàn không bị dột. Vì sao như vậy? Vì nhờ oai thần của Phật. Này Đại vương, thợ gốm Nan-đề-bà-la không có điều gì không nhẫn được, không có điều gì không thích thú, nên tâm không ưu sầu, đã nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đối với gia đình ta đã được tùy ý tự tại’.

“Này Đại vương, Đại vương có điều không nhẫn được, có điều không thích thú, nên tâm quá ưu sầu, đã nghĩ rằng: ‘Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và chúng Tỳ-kheo không nhận lời mời của ta mà an cư mùa mưa tại Ba-la-nại này’.

“Bấy giờ Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp cho vua Giáp-bệ, khuyến khích phát lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua, khuyến khích phát khởi lòng ngưỡng mộ, thành tựu tâm hoan hỷ xong, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

“Khi Đức Ca-diếp Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ra đi chưa bao lâu, vua Giáp-bệ hạ lệnh cho người hầu cận: ‘Các ngươi dùng năm trăm cỗ xe chất đầy gạo, nếp và đủ các món thực phẩm của vua, chở đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la và nói với Nan-đề-bà-la rằng: ‘Này Nan-đề-bà-la, năm trăm cỗ xe này chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm mà vua thường dùng, do vua Giáp-bệ bảo chở đến tặng cho ông. Mong ông thương xót; hôm nay xin ông nhận cho’. Lúc đó, người hầu cận vâng lời vua, dùng năm trăm cỗ xe chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm của vua, chở đến nhà thợ gốm Nan-đề-bà-la. Đến nơi, vị ấy nói:

“– Thưa thợ gốm Nan-đề-bà-la, năm trăm cỗ xe này chất đầy gạo trắng, và đủ các món thực phẩm của nhà vua dùng, do vua Giáp-bệ bảo chở đến biếu tặng ông. Mong ông thương xót; hôm nay, xin ông nhận cho.

“Bấy giờ thợ gốm Nan-đề-bà-la từ chối, không nhận và nói với các người hầu vua rằng:

“– Chư Hiền, vua Giáp-bệ phải lo đại sự cho nước nhà nên chi phí nhiều. Tôi biết như vậy, nên không thọ nhận.”

Đến đây, Đức Phật bảo A-nan:

“Này A-nan, ý ông nghĩ thế nào? Đồng tử Ưu-đa-la lúc bấy giờ, ông cho là người nào chăng? Chớ nghĩ vậy. Nên biết rằng chính là Ta vậy. Này A-nan, Ta lúc bấy giờ đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho người khác, làm lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian. Vì loài trời và loài người mà Ta đã cầu nghĩa, cầu sự lợi ích, an ổn khoái lạc. Lúc bấy giờ ta thuyết pháp không được rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Không rốt ráo phạm hạnh, nên bấy giờ ta không xa lìa được sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc, cũng không thoát được mọi khổ đau. Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu. Hôm nay ta đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho người khác, lợi ích cho nhiều người, thương xót thế gian. Vì trời và người mà Ta tìm cầu nghĩa, tìm cầu sự an ổn khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp được rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Do rốt ráo phạm hạnh, Ta đã lìa khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc. Nay ta đã thoát được mọi khổ đau.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Bệ-Bà-Lăng-Kỳ:

[01] Bản Hán, quyển 12. Tham chiếu Pāli, M. 81. Ghaṭīkāra-sutta, kinh Thợ Gốm.

[02] Câu-tát-la 拘 薩 羅. Pāli: Kosala.

[03] Bệ-bà-lăng-kỳ 鞞 婆 陵 耆. Pāli: Vebhaḷinga.

[04] Ưu-đa-la Ma-nạp 優 多 羅 摩 納. Pāli theo đây là Uttramāṇava, thay vì là Jotipāla-māṇāva trong bản Pāli tham chiếu.

[05] Tứ điển kinh 四 典 經, chỉ bốn bộ Veda. Bản Pāli: tiṇṇaṃ vedānaṃ pāragū, thông suốt ba bộ Veda.

[06] Hán: thâm đạt nhân duyên chánh văn hý ngũ cú thuyết 深 達 因 緣 正 文 戲 五 句 說. Pāli: sanighaṇḍu-keṭubhānaṃ sākkharappabhedānaṃ itihāsa-pañcamānaṃ padako veyyākaraṇo, tinh thông ngữ vựng, nghi quỹ, phân tích âm vận, và thứ năm (kể luôn cả tinh thông Thánh điển Veda) là truyền thuyết lục, giỏi ngữ cú, văn pháp. Tham chiếu, No.99 (600) Tạp 23, kinh 600: tụng thuộc các kinh điển, danh tự của vật loại, phẩm loại sai biệt của vạn vật, phân tích và kết hợp tự loại, và thứ năm là lịch thế bản mạt. Trong bản Hán, nighaṇḍu (ngữ vựng) được hiểu là nidāna (nhân duyên). Pāli: keṭubha: sách về nghi quỹ, hay nghi thức; trong bản Hán: chánh văn. Pāli: itihāsa, truyền thuyết lục, hay truyện truyền kỳ; bản Hán: hý (chuyện cười).

[07] Nan-đề-bà-la đào sư 難 提 波 羅 陶 師, theo đây Pāli là Nandipāla. Nhưng bản Pāli tham chiếu: Ghaṭīkāra (thợ gốm).

[08] Hán: tam tôn 三 尊.

[09] Hán: oản đậu 豌 豆, giống đậu Hà-lan.

[10] Hình thức kinh tế trao đổi. Pāli: ettha yo icchati taṇḍulapabhivattāni (-pavibhattāni, paṭivibhattāni) vā muggapabhivattāni va kāḷāyapabhivattāni vā nikkhipitvā yaṃ icchati taṃ haratū’ti, “ai cần cái gì (đồ gốm), sau khi để lại đây những thứ dư thừa như gạo, đậu xanh, đậu oản, hãy lấy thứ cần (đồ gốm) ấy đi”.

[11] Hán: vô sự xứ 無 事 處, chỉ khu rừng yên tĩnh. Pāli: arañña.

[12] Phạm chí thư 梵 志 書, sách của Bà-la-môn.

[14] Tiên nhân trú xứ Lộc dã viên 仙 人 住 處 鹿 野 園. Pāli: Isipatana-migadāya.

[15] Giáp-bệ 頰 鞞; Tống-Nguyên-Minh: tần-bệ 頻 鞞. Pāli: Kikin.

[16] Hán: thí câu chấp 施 拘 執, không rõ thí vật gì.

[17] Viết 曰; bản Minh: việt 越.


64. KINH THIÊN SỨ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trú trong rừng Thắng, vườøn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta dùng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Cũng như lúc mưa lớn, bọt nước sanh ra rồi diệt. Nếu ai có mắt đứng yên một nơi mà quán sát bọt nước khi sinh, khi diệt. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Cũng như mưa lớn, giọt nước rơi xuống hoặc chỗ cao, hoặc ở chỗ thấp; nếu ai có mắt, đứng yên một nơi mà quán sát nước lúc giọt chỗ cao, lúc giọt chỗ thấp. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Cũng như ngọc lưu ly, thanh tịnh tự nhiên, sanh ra không có tỳ vết, ô uế, tám góc khéo trau chuốt, được xâu qua bằng sợi dây đẹp hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc đen, trắng; người nào có mắt, đứng yên một chỗ mà quán sát ngọc lưu ly này thanh tịnh tự nhiên, sanh ra không có tỳ vết, ô uế, tám góc khéo trau chuốt, được xâu qua bằng sợi dây đẹp hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, đen, trắng. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Cũng như hai nhà có chung cửa ngõ, nhiều người ra vào; nếu ai có mắt, đứng yên một chỗ thì thấy người ra, kẻ vào. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Nếu ai có mắt, đứng yên trên lầu cao nhìn người dưới thấp qua lại, đổi thay đủ cách, ngồi, nằm, chạy, nhảy. Ta cũng như vậy, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy xa hơn người, nhìn thấy chúng sinh này lúc sinh lúc tử, sắc đẹp hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện, qua lại chỗ lành hoặc chỗ chẳng lành, tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật. Nếu chúng sinh nào thành tựu thân ác hành, khẩu, ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Còn nếu chúng sinh nào thành tựu thân thiện hành, khẩu, ý thiện hành, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh này chắc chắn đi đến chỗ lành, sanh vào cõi trời.

“Nếu chúng sinh nào sinh ở nhân gian, không hiếu thảo với cha mẹ, không biết kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau, thì do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chúng sinh ấy sanh vào cảnh giới của Diêm vương. Người của Diêm vương bắt đưa đến chỗ vua và thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, chúng sinh này lúc còn làm người, không hiếu thảo cha mẹ, không biết kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau. Mong Thiên vương trừng phạt đúng theo tội trạng của nó.

“Bấy giờ, Thiên vương dẫn Thiên sứ thứ nhất ra mà tra hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:

“– Người có thấy Thiên sứ thứ nhất đến không?

“Chúng sinh đáp:

“– Tâu Thiên vương, không thấy.

“Diêm vương lại hỏi:

“– Ở trong một thôn ấp có hài nhi bé nhỏ hoặc nam hoặc nữ thân thể yếu đuối, nằm ngửa giữa phẩn và nước tiểu, không thể kêu cha mẹ; cha mẹ bồng khỏi chỗ bất tịnh, tắm rửa thân nó cho được sạch sẽ. Người có thấy cảnh tượng đó không?

“Chúng sinh ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, có thấy.

Diêm vương lại bảo:

“– Từ đó về sau, lúc ngươi đã hiểu biết, tại sao ngươi không nghĩ rằng: ‘Chính ta lệ thuộc sự sanh[02], không lìa khỏi sinh; ta nên làm nghiệp thiện với thân, khẩu và ý?’

“Chúng sinh ấy hỏi:

“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?

“Diêm vương đáp:

“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do Trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.

“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ nhất này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ hai ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:

“– Người có thấy Thiên sứ thứ hai đến không?

“Chúng sinh kia đáp:

“– Tâu Thiên vương, không thấy.

“Diêm vương lại hỏi:

“– Trước kia ở trong một thôn ấp, ngươi há không thấy người đàn bà hoặc đàn ông, tuổi quá già nua, sức sống rũ liệt gần tàn, răng rụng, tóc bạc, lưng còm, chống gậy mà đi, thân thể run rẩy?

“Chúng sinh ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, có thấy.

“Diêm vương lại bảo:

“– Ngươi từ đó về sau, khi đã có hiểu biết, tại sao không nghĩ rằng: ‘Chính ta lệ thuộc sự già, không lìa khỏi sự già; ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý?’

“Chúng sanh kia hỏi:

“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?

“Diêm vương đáp:

“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.

“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ hai này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ ba ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:

“– Người có thấy Thiên sứ thứ ba đến không?

“Chúng sinh kia đáp:

“– Tâu Thiên vương, không thấy.

“Diêm vương lại hỏi:

“– Trước kia trong một thôn ấp, ngươi há không thấy người đàn ông hoặc đàn bà bệnh tật nguy khốn, hoặc nằm ngồi trên giường, hoặc nằm ngồi trên chõng, hoặc nằm ngồi dưới đất, thân thể rất đau đớn, đau đớn cùng cực, không thể ái niệm, để cho rút ngắn mạng sống chăng?

“Chúng sanh ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, có thấy.

Diêm vương lại bảo:

“– Từ đó về sau, khi ngươi đã có hiểu biết, nhưng tại sao ngươi không nghĩ: ‘Chính ta lệ thuộc sự tật bệnh, không lìa khỏi bệnh. Ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý?’

“Chúng sanh ấy hỏi:

“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?

“Diêm vương đáp:

“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.

“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ ba này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ tư ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:

“– Người có thấy Thiên sứ thứ tư đến không?

“Chúng sinh kia đáp:

“– Tâu Thiên vương, không thấy.

“Diêm vương lại hỏi:

“– Trước kia, trong một thôn ấp, ngươi có thấy người đàn ông hay đàn bà lúc chết rồi qua một hai ngày cho đến sáu bảy ngày bị quạ mổ, chó ăn, hoặc lửa đốt, hoặc chôn xuống đất, hoặc vữa nát tan?

Chúng sanh ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, có thấy.

“Diêm vương lại bảo:

“– Từ đó về sau, lúc ngươi đã có hiểu biết, tại sao ngươi không nghĩ: ‘Chính ta lệ thuộc sự chết, ta không lìa khỏi sự chết. Ta nên làm điều thiện về thân, khẩu, ý?’

“Chúng sanh ấy hỏi:

“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?

“Diêm vương đáp:

“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.

“Sau khi dẫn Thiên sứ thứ tư này ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách xong, lại dẫn Thiên sứ thứ năm ra để hỏi kỹ, kiểm xét kỹ, khéo dạy, khéo quở trách chúng sinh kia rằng:

“– Người có thấy Thiên sứ thứ năm đến không?

“Chúng sinh kia đáp:

“– Tâu Thiên vương, không thấy.

“Diêm vương lại hỏi:

“– Ngươi trước đây không thấy chăng, người của vua tróc nã kẻ phạm tội, tra khảo, trừng trị đủ cách, như chặt tay, chặt chân, hoặc chặt cả tay chân; xẻo tai, xẻo mũi, hoặc xẻo cả mũi tai; hoặc thái hoặc cắt; nhổ râu, nhổ tóc, hoặc nhổ cả râu tóc; hoặc bỏ vào trong cũi, quấn trong vải mà đốt; hoặc dùng cát lấp kín, dùng cỏ quấn lại mà đốt; hoặc bỏ vào trong bụng con lừa bằng sắt, hoặc bỏ vào trong miệng con heo bằng sắt, hoặc đặt vào trong miệng cọp bằng sắt mà đốt; hoặc bỏ vào trong chảo bằng đồng, hoặc bỏ vào trong chảo bằng sắt mà nấu; hoặc chặt ra từng đoạn; hoặc dùng chĩa nhọn mà đâm, hoặc dùng móc mà móc; hoặc bắt nằm trên giường sắt mà dội nước sôi; hoặc cho người vào cối sắt, dùng chày sắt mà giã; hoặc cho rắn rít mổ; hoặc dùng roi da mà quất, hoặc dùng gậy mà đánh, hoặc dùng hèo mà phang; hoặc treo sống lên ngọn nêu cao, hoặc chặt đầu đem bêu?

“Chúng sanh ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, có thấy.

Diêm vương lại bảo:

“– Từ đó về sau, khi ngươi đã hiểu biết, tại sao không nghĩ: ‘Nay ta hiện thấy điều ác, bất thiện’?

“Chúng sanh ấy hỏi:

“– Tâu Thiên vương, tôi là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát chăng?

“Diêm vương đáp:

“– Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu dài, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do trời, cũng không phải do Sa-môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo.

“Diêm vương đã dẫn Thiên sứ thứ năm này ra để khéo tra hỏi, khéo kiểm xét, khéo giáo hóa, khéo quở trách xong, liền giao phó chúng sanh ấy cho ngục tốt. Ngục tốt liền dẫn y giam vào trong đại địa ngục có bốn cửa.

“Ở đây có bài tụng rằng:

Bốn trụ có bốn cửa,

Vách vuông mười hai góc,

Dùng sắt làm tường rào,

Ở trên đậy nắp sắt.

Trong ngục đất bằng sắt,

Hừng hực lửa sắt nung,

Suốt vô lượng do-diên,

Cho đến tận đáy đất.

Cực ác không chịu nổi,

Sắc lửa khó nhìn thấy,

Thấy rồi, lông dựng đứng,

Khủng khiếp, sợ, rất khổ.

Chúng sanh đọa địa ngục,

Chân treo, đầu chúc xuống,

Do phỉ báng Thánh nhân,

Điều ngự thiện, Thánh thiện.

“Một thời gian thật lâu xa về sau, trong bốn cửa của đại địa ngục, cửa phía Đông liền mở cho chúng sanh kia. Sau khi cửa mở, các chúng sanh ấy nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, tìm chỗ nương tựa. Nếu khi các chúng sanh ấy tụ tập khoảng vô lượng trăm ngàn, thì cửa phương Đông của địa ngục liền tự đóng lại. Chúng sanh ở trong đó chịu đựng khổ đau cùng cực, khóc lóc kêu gào, sầu muộn, nằm lăn xuống đất, vẫn không thể chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết. Một thời gian lâu xa nữa, cửa Nam, cửa Tây, cửa Bắc lại mở. Khi cửa Bắc đã mở, các chúng sanh kia liền nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, tìm chỗ nương tựa. Các chúng sanh kia nếu khi tụ tập đến số vô lượng trăm ngàn, thì cửa Bắc của địa ngục tự nhiên đóng lại. Những chúng sanh ở trong đó chịu khổ đau cùng cực, khóc lóc, kêu gào, sầu muộn, nằm lăn xuống đất, vẫn không thể chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Một thời gian hết sức lâu xa về sau nữa, các chúng sanh kia ra khỏi đại địa ngục Bốn cửa. Tiếp theo đại địa ngục Bốn cửa, các chúng sanh ấy lại sanh vào đại địa ngục Phong nham[03], lửa đầy bên trong, không khói, không lửa ngọn, khiến các chúng sanh ấy đi trên lửa, qua lại khắp nơi, da thịt, máu huyết ở đôi bàn chân, bước xuống thì cháy sạch mà dở lên thì sanh lại như cũ. Địa ngục ấy hành hạ các chúng sanh ấy như vậy cho đến vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột vẫn không chết được, cốt làm cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Một thời gian thật lâu xa về sau, các chúng sanh ấy ra khỏi địa ngục Phong nham. Tiếp theo địa ngục Phong nham, lại sanh vào đại địa ngục Phấn thỉ[04], bên trong đầy dẫy phân, sâu đến vô lượng trăm trượng. Các chúng sanh kia đọa hết vào trong đó. Trong đại địa ngục Phấn thỉ ấy có rất nhiều sâu. Sâu tên là Lăng-cù-lai[05], thân trắng đầu đen, mỏ nhọn như kim. Loại trùng này rúc rỉa, đục phá chân của chúng sanh kia; sau khi đục phá chân, lại đục phá xương đùi; sau khi đục phá xương đùi, lại đục phá xương bắp vế; sau khi phá xương bắp vế, lại đục phá xương bàn tọa; đục phá xương bàn tọa xong, lại đục phá xương sống; đục phá xương sống xong, lại đục phá xương vai, xương cổ, xương đầu; đục phá xương đầu xong, lại ăn sạch não. Các chúng sanh kia chịu bức bách vô lượng trăm ngàn năm như thế, chịu đau khổ cùng tột, vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Một thời gian rất lâu về sau, các chúng sanh kia ra khỏi địa ngục Phấn thỉ. Tiếp theo địa ngục Phấn thỉ, lại sanh vào đại địa ngục Thiết diệp lâm[06]. Các chúng sanh kia thấy rồi tưởng là mát mẻ, nghĩ rằng: ‘Chúng ta qua nơi khoái lạc ấy để được mát mẻ’. Các chúng sanh ấy nhắm chạy đến, muốn tìm nơi an ổn, muốn tìm chỗ nương tựa. Nếu tụ tập được vô lượng trăm ngàn, thì các chúng sanh ấy liền vào trong đại địa ngục rừng cây lá sắt. Trong đại địa ngục Thiết diệp lâm đóù, bốn bề có gió nóng lớn thổi đến; gió nóng thổi đến thì lá cây bằng sắt rụng xuống. Lá sắt rụng cắt lìa tay, cắt lìa chân, hoặc cắt lìa cả tay chân; cắt lìa tai, cắt lìa mũi hoặc cắt lìa cả tai lẫn mũi và các bộ phận còn lại; cắt thân máu chảy vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột, vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết. Lại nữa, trong đại địa ngục Thiết diệp lâm ấy có chó rất lớn xuất hiện, răng dài thườn thượt, ngoạm cả chúng sanh kia, lột da từ chân đến đầu mà ăn. Các chúng sanh ấy chịu bức bách vô lượng trăm ngàn năm như thế, chịu khổ đau cùng tột vẫn không thể chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của chúng dứt sạch. Lại nữa, trong đại địa ngục Thiết diệp lâm ấy có con chim đen lớn, có hai đầu, mỏ sắt, đứng trên trán chúng sanh, mổ sống con mắt mà nuốt; mổ vỡ sọ lấy não mà ăn. Các chúng sanh ấy chịu bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu đau khổ cùng tột, cuối cùng vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Sau một thời gian hết sức lâu dài, các chúng sanh ấy ra khỏi đại địa ngục Thiết diệp lâm. Tiếp theo đại địa ngục Thiết diệp lâm, các chúng sanh ấy lại sanh vào đại địa ngục Thiết kiếm thọ[07]. Đại kiếm thọ cao một do-diên, mũi nhọn dài một thước sáu, chúng sanh kia bị bắt trèo lên tuột xuống. Lúc mới từ dưới leo lên cây thì mũi nhọn chúc xuống; lúc trên cây tuột xuống thì mũi nhọn lại dựng lên; mũi nhọn của kiếm thọ đâm suốt thân chúng sanh, đâm tay, đâm chân hoặc đâm cả tay chân; đâm tai, đâm mũi, hoặc đâm cả tai mũi và các bộ phận khác nữa; đâm thân máu đổ suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu đau khổ cùng cực, rốt cuộc vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Một thời gian lâu dài về sau, các chúng sanh ấy ra khỏi đại địa ngục Thiết kiếm thọ. Tiếp theo đại địa ngục Thiết kiếm thọ, các chúng sanh ấy lại sanh vào địa ngục Hôi hà[08], có hai bờ rất cao bao quanh tạo thành mũi nhọn. Trong sông có nước tro sôi và tối om. Các chúng sanh kia thấy rồi tưởng là nước mát, nghĩ rằng ‘sẽ có[09] mát’. Sau khi tưởng như vậy, các chúng sanh ấy liền nghĩ: ‘Chúng ta đến đó tắm rửa, tha hồ uống no, được mát mẻ khoái lạc’. Các chúng sanh ấy tranh nhau chạy đến mà vào trong đó, muốn tìm nơi hoan lạc, tìm chỗ nương tựa. Nếu các chúng sanh ấy tụ tập chừng vô lượng trăm ngàn, thì liền rớt xuống sông tro. Sau khi rơi vào sông tro, có chúng sanh trôi ngược rồi lại trôi xuôi. Lúc các chúng sanh trôi xuôi, trôi ngược, trôi cả ngược xuôi thì da chín rã xuống, chỉ còn lại xương tủy. Hai bên bờ sông tro có lính địa ngục, tay cầm đao kiếm hoặc chĩa sắt lớn. Các chúng sanh ấy muốn leo lên bờ, tức thì lính ngục đẩy nhận xuống. Lại nữa, hai bên bờ sông tro có lính địa ngục tay cầm móc câu liệng xuống, móc chúng sanh từ sông tro lên bỏ vào nơi sắt nóng, lửa cháy hừng hực, móc chúng sanh ấy đưa lên rồi quật mạnh xuống đất. Rơi xuống, chúng sanh ấy đang quằn quại, bị cật vấn:

“– Ngươi từ đâu lại?

“Các chúng sanh ấy cùng đáp:

“– Chúng tôi không biết từ đâu đến, nhưng hiện giờ chúng tôi chỉ sợ đói lắm.

“Lính địa ngục ấy liền xách chúng sanh liệng lên giường sắt nóng, lửa cháy hừng hực, bắt ngồi trên đó, dùng kẹp sắt nóng kẹp vạch miệng ra, dùng hòn sắt nóng đang cháy hừng hực, bỏ vào. Hoàn sắt nóng ấy đốt cháy môi; cháy môi xong, đốt cháy lưỡi; cháy lưỡi xong, đốt lợi răng; lợi cháy xong, đốt cuống họng; cuống họng cháy xong, đốt tim; tim cháy xong, đốt ruột già; ruột già cháy xong, đốt dạ dày; dạ dày cháy xong hoàn sắt từ thân rơi xuống. Các chúng sanh ấy bị bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng cực, rốt cuộc không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Lại nữa, lính địa ngục ấy hỏi chúng sanh:

“– Ngươi muốn đi đâu?

“Chúng sanh đáp:

“– Chúng tôi chẳng biết muốn đi đâu, chỉ sợ khát lắm.

“Ngục tốt liền xách chúng sanh ném lên giường sắt nóng đang cháy đỏ rực, bắt buộc ngồi trên đó, dùng kẹp sắt nóng, kẹp vạch miệng ra, lấy nước đồng sôi rót vào. Nước đồng sôi đó đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi răng, đốt lợi răng rồi đốt cuống họng, đốt cuống họng rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt ruột già, đốt ruột già rồi đốt ruột non, đốt ruột non rồi đốt dạ dày, đốt dạ dày rồi nước ấy từ thân chảy xuống. Các chúng sanh ấy chịu bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột, cuối cùng vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.

“Nếu nghiệp ác bất thiện mà những chúng sanh ở địa ngục kia không dứt sạch, không dứt sạch tất cả, không dứt sạch đến mức không còn lưu dư thì những chúng sanh ấy lại rơi vào đại địa ngục Sông tro, lại chịu cảnh trèo lên tuột xuống ở đại địa ngục Rừng cây kiếm sắt, lại vào đại địa ngục Rừng cây lá sắt, lại rớt xuống đại địa ngục Phấn thỉ, lại qua đại địa ngục Phong nham, lại vào Bốn cửa đại địa ngục.

“Nếu nghiệp ác bất thiện của những chúng sanh kia dứt sạch, dứt sạch tất cả, dứt sạch đến mức không còn lưu dư, thì những chúng sanh ấy từ đó về sau hoặc đọa vào loài súc sanh, hoặc đọa vào loài ngạ quỷ, hoặc sanh vào cõi trời. Nếu lúc ấy chúng sanh đó vốn là người mà bất hiếu với cha mẹ, không biết tôn kính Sa-môn, Phạm chí, không làm đúng như thật, không tạo phước nghiệp, không sợ tội đời sau thì phải thọ khổ báo không khả ái, không khả niệm, không khả hỷ như vậy, giống như trong địa ngục kia. Nếu chúng sanh kia vốn là người mà hiếu thuận với cha mẹ, biết tôn kính Sa-môn, Phạm chí, làm đúng như thật, tạo nghiệp phước đức, sợ tội đời sau, thì được thọ lạc báu khả ái, khả niệm, khả hỷ như thế, giống như trong cung điện của thần Hư không.

“Thuở xưa, Diêm vương ở tại viên quán mà nguyện rằng: ‘Thân mạng này mất, ta được sanh vào loài người. Nếu có dòng họ nào giàu có tột cùng, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi, không thể tính được, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ; dòng họ ấy là gì? Tức là Đại trưởng giả thuộc dòng Sát-lợi, Đại trưởng giả thuộc dòng Phạm chí, Đại trưởng giả thuộc dòng Cư sĩ. Nếu có dòng họ giàu có tột cùng, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính được, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ như thế, thì ta mong sanh vào nhà ấy. Sau khi sanh vào thì giác căn thành tựu, mong được tịnh tín pháp luật chân chánh do Đức Như Lai nói ra. Được tịnh tín rồi thì cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình mà học đạo. Con nhà quý tộc đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình mà học đạo thì chỉ mong cầu vô thượng phạm hạnh, trong đời hiện tại, tự biết, tự giác, tự thân tác chứng, thành tựu an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.’

“Thuở xưa, Diêm vương ở trong viên quán đã nguyện như thế.”

Bấy giờ có bài tụng rằng:

Bị Thiên sứ quở trách,

Người vẫn cứ phóng dật,

Chuốc sầu não mãi hoài,

Tệ ấy do dục che.

Bị Thiên sứ quở trách,

Quả thật có thượng nhân,

Không còn phóng dật nữa,

Khéo nói diệu Thánh pháp.

Thấy thọ là khiếp sợ,

Mong cầu sanh, lão dứt,

Không thọ, diệt không còn,

Thế là sanh lão hết.

Là an ổn khoái lạc,

Đắc diệt độ đời này,

Vượt khỏi mọi khiếp sợ,

Cũng vượt dòng thế gian.

Phật dạy như vậy. Sau khi nghe xong điều Đức Phật dạy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Thiên Sứ:

[01] Tương đương Pāli: M.130 Devadūta-suttaṃ; A. 3. 35. Devadūta. Hán biệt dịch, No.42 Phật Thuyết Thiết Thành Nê-lê Kinh, Đông Tấn Trúc Đàm-vô-lan dịch; No.43 Phật Thuyết Diêm-la Vương Ngũ Thiên Sứ Giả Kinh, Lưu Tống, Tuệ Giản dịch; No.86 Phật Thuyết Nê-lê Kinh, Đông Tấn Trúc Đàm-vô-lan dịch; 125 (32.4) Tăng Nhất, phẩm 32 kinh số 4.

[02] Hán: ngã tự hữu sanh pháp 我 自 有 生 法, ta tự mình có pháp sanh. Pāli: ahampi khomhi jātidhammo.

[03] Phong nham địa ngục 峰 巖 地 獄, địa ngục vách núi. Pāli:

[04] Phấn thỉ địa ngục 糞 屎 地 獄, địa ngục bằng phân cứt. Pāli: Gūtha-nirya.

[05] Lăng-cù-lai 凌 瞿 來.

[06] Thiết điệp lâm 鐵 鍱 林, rừng cây là sắt. Pāli: Asipattavana-niraya, địa ngục rừng là gươm (kiếm diệp lâm).

[07] Thiết kiếm thọ 鐵 劍 樹, cây bằng gươm sắt. Pāli: simbalivana (châm thọ lâm), rừng cây kim.

[08] Hôi hà 灰 河, sông tro. Pāli: Khārodakā nadī, sông đá vôi.

[09] Thường hữu 常 有; Tống-Nguyên-Minh: đương hữu 當 有, sẽ có.


65. KINH Ô ĐIỂU DỤ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Thuở xưa, khi Chuyển luân vương muốn thử châu báu, liền cho tập trung bốn loại quân là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi tập trung xong, vào lúc đêm tối, cho dựng cây tràng phan cao và đặt hạt châu trên đó. Ra đến ngoài viên quán, ánh sáng của minh châu soi sáng cả bốn loại quân. Ánh sáng ấy chiếu xa nửa do-diên.

“Bấy giờ có Phạm chí nghĩ rằng: ‘Ta nên đến xem Chuyển luân vương và bốn loại quân, nhìn ngắm hạt châu lưu ly’. Phạm chí lại nghĩ: ‘Thôi, hãy bỏ qua việc muốn thấy Chuyển luân vương và bốn loại quân, nhìn ngắm hạt châu lưu ly, ta nên đến khoảng rừng kia’.

“Nghĩ xong, Phạm chí liền đến khu rừng. Sau khi đến nơi, vào trong rừng, Phạm chí đến ngồi dưới một gốc cây. Ngồi chưa bao lâu, có một con rái cá[02] đi đến. Phạm chí trông thấy, hỏi:

“Xin chào Rái cá! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, vào sông lớn kia. Tôi nay muốn đi; chỉ sợ loài người.”

Con rái cá kia sau khi chuyện trò với Phạm chí xong, liền bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có chim cứu-mộ[03] đến. Phạm chí trông thấy, liền nói:

“Xin chào, Cứu-mộ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết kia, hoặc ở chỗ có lừa chết, nhiều xác người chết. Hôm nay tôi muốn đi, nhưng chỉ sợ loài người.”

Chim cứu-mộ ấy nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có kên kên[04] đến. Phạm chí trông thấy, liền hỏi:

“Xin chào Kên kên! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, giết hại xong rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, ngựa chết, trâu chết, người chết. Tôi nay muốn đi; nhưng chỉ sợ loài người.”

Kên kên nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có chim ăn bã[05] lại đến. Phạm chí trông thấy liền hỏi:

“Xin chào Ăn bã. Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, ông có thấy Kên kên vừa đi đến đây không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Nay tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.

Chim ăn bã ấy nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có con sói[06] đến. Phạm chí trông thấy rồi lại hỏi:

“Xin chào Sói! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậm này đến bụi rậm khác, từ chỗ hẻo lánh này đến chỗ hẻo lánh khác. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.

Sói nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có con quạ[07] đến, trông thấy, Phạm chí liền hỏi:

“Xin chào Quạ. Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Này Phạm chí, ông trán cứng, si cuồng; sao lại hỏi tôi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Con quạ mắng vào mặt Phạm chí rồi bỏ đi. Phạm chí vẫn ngồi như cũ.

Lại có con đười ươi[08] đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:

“Xin chào Đười ươi! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”

Đáp:

“Thưa Phạm chí, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ đền miếu[09] này đến đền miếu khác, từ rừng này đến rừng khác; uống nước suối trong, ăn trái cây tốt, rồi đến đây. Nay tôi muốn đi, không sợ loài người.

Đười ươi nói chuyện cùng Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nói các thí dụ ấy là muốn các ngươi hiểu rõ nghĩa. Các ngươi nên biết, nói các thứ dụ ấy như thế, có nghĩa của nó.

“Bây giờ, con thú rái cá nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ này có nghĩa như thế nào? – Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống[10]. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trụ chánh niệm, nhưng vị ấy lại thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại[11], không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Cũng như Phạm chí thấy rái cá rồi hỏi: ‘Xin chào Rái cá! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, nhiều hoa và cá, rùa. Trước tôi ở đó nhưng nay khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi vào sông lớn kia. Giờ tôi muốn đi, chỉ sợ loài người’. Ta nói, Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện, ô uế, tạo gốc rễ của sự hữu trong tương lai, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệt của sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như con rái cá, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và tịnh hóa ý hành, an trú nơi vô sự, khoác y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như vậy.

“Lúc chim cứu-mộ đến nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ này có nghĩa như thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vào nhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Cũng như Phạm chí thấy cứu-mộ rồi hỏi: ‘Xin chào Cứu-mộ! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, hồ ấy trước kia tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa và cá, rùa. Trước đây tôi ở đó; nhưng nay nó khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi, đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết kia, hoặc ở chỗ có lừa chết, nhiều xác người chết. Hôm nay tôi muốn đi, nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói, Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện, ô uế, tạo gốc rễ của sự hữu trong tương lai, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệt của sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như con cứu-mộ, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và tịnh hóa ý hành, an trú nơi vô sự, khoác y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như vậy.

“Bầy kên kên nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ có nghĩa như thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vào nhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy kên kên rồi hỏi: ‘Xin chào Kên kên, ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: “Thưa Phạm chí, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, sát hại rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói thí dụ ấy cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như kên kên, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trụ nơi vô sự, mang phấn tảo y, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trụ lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường nên viễn ly. Nên học như thế.

“Bầy chim ăn bã kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ ấy có nghĩa như thế nào? Giả sử có thầy Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp để sống. Vào lúc sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn xóm khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ ý, không giữ gìn các căn, không an trú chánh niệm. Vị ấy vào phòng Tỳ-kheo-ni giáo hóa, thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Tỳ-kheo-ni kia vào bao nhiêu nhà khác nói tốt nói xấu, thọ nhận phẩm vật của tín thí rồi mang về cho vị Tỳ-kheo ấy. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy đắm trước sự xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Vị Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim ăn bã rồi hỏi: ‘Xin chào Ăn bã! Ngươi từ đâu lại và muốn đi đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, ông thấy con kên kên vừa đi đó không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo ấy cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con chim ăn bã, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành và tịnh hóa khẩu hành, ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trú lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường phải viễn ly. Nên học như thế.

“Bầy con sói nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói ví dụ này có nghĩa như thế nào? Giả sử có một Tỳ-kheo sống tại một thôn nghèo. Nếu Tỳ-kheo biết trong thôn ấp có nhiều bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh thì liền tránh đi. Nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh nào thì đến ở, suốt chín tháng hoặc mười tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy liền hỏi: ‘Hiền giả du hành xứ nào?’ Tỳ-kheo ấy đáp: ‘Tôi sống tại thôn nghèo kia’. Các Tỳ-kheo nghe xong liền nghĩ: Hiền giả này làm việc khó làm. Lý do vì sao? Vì Hiền giả này có thể sống tại thôn nghèo ấy’. Các Tỳ-kheo ấy liền cùng cung kính, đảnh lễ, cúng dường. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi ích, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy lại đắm trước thêm, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình xử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy con sói rồi hỏi: ‘Xin chào Sói! Ngươi từ đâu lại và đi về đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậm này đến bụi rậm khác, từ chốn hẻo lánh này đến chốn hẻo lánh khác rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo ấy lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con sói, chớ nên nương theo phi pháp để bảo tồn mạng sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thường hành thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trụ lập chánh niệm chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường phải viễn ly. Nên tu học như vậy.

“Lúc chim quạ mắng vào mặt Phạm chí rồi bỏ đi; Ta nói ví dụ ấy có nghĩa thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nào nương nơi vô sự xứ nghèo nàn mà an cư tọa hạ. Nếu Tỳ-kheo ấy biết trong thôn ấp và thành quách có nhiều bậc trí tuệ tinh tấn phạm hạnh thì liền tránh đi. Nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ, tinh tấn phạm hạnh nào thì đến ở hai, ba tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy, liền hỏi: ‘Hiền giả tọa hạ nơi nào?’ Đáp rằng: ‘Chư Hiền, hiện giờ tôi nương nơi vô sự xứ nghèo nàn kia mà an cư tọa hạ. Tôi không giống như bọn ngu si kia, làm sẳn giường chõng, rồi sống trong đó với năm sự đầy đủ[12], buổi sáng rồi buổi chiều, buổi chiều rồi buổi sáng, miệng chạy theo vị, vị trôi theo miệng, cầu rồi lại cầu, xin rồi lại xin’. Lúc các Tỳ-kheo nghe xong, liền nghĩ: “Hiền giả này làm những việc khó làm. Lý do vì sao? Hiền giả này có thể nương nơi vô sự xứ nghèo nàn kia mà an cư tọa hạ’. Các Tỳ-kheo ấy liền cùng cung kính, lễ bái, cúng dường. Nhân đó vị Tỳ-kheo ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn thức uống, giường nệm thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cần cho sự sống. Sau khi được lợi, vị Tỳ-kheo ấy lại đắm trước sự xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim quạ rồi hỏi: ‘Xin chào Quạ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi về đâu?’ Đáp: ‘Này Phạm chí, ông là kẻ trán cứng, cuồng si, làm sao hỏi tôi rằng: ‘Ngươi từ đâu lại và muốn đi về đâu?’.’ Ta nói Tỳ-kheo ấy lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con quạ, chớ nương theo phi pháp để bảo tồn sự sống. Hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường hành khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, trú lập chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh tuệ, thường viễn ly. Nên học như thế.

“Con đười ươi kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi, Ta nói ví dụ ấy có nghĩa thế nào? Giả sử có Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn khất thực, khéo thủ hộ thân, gìn giữ các căn, vững vàng chánh niệm. Từ thôn ấp khất thực rồi, ăn xong. Sau khi thu xếp y bát, rửa tay chân xong vắt Ni-sư-đàn lên vai, đi đến nơi vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, hoặc vào nhà trống, trải Ni-sư-đàn mà ngồi kiết già, chánh thân, chánh nguyện, chuyên niệm hướng nội, đoạn trừ tham lam, muốn cho mình được tâm không não hại; thấy của cải và vật dụng sinh tồn của người khác không móng khởi tâm tham lam mong sẽ được về mình. Đối với tâm tham lam vị ấy đã tịnh trừ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn nghi, độ hoặc, ở trong thiện pháp không còn do dự. Đối với tâm nghi hoặc, vị ấy đã tịnh trừ. Vị ấy đã tịnh trừ năm triền cái này, chúng làm cho tâm ô uế, trí yếu kém; ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến, chứng đắc quả thiền thứ tư, thành tựu và an trụ. Vị ấy chứng đắc định tâm như vậy, thanh tịnh không uế, không phiền, nhu nhuyến, bất động, hướng đến chứng ngộ lậu tận trí thông, rồi vị ấy liền biết như thật rằng: ‘Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt và đây là khổ diệt đạo’. Biết như thật rằng: ‘Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt và đây là lậu diệt đạo’. Sau khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu. Sau khi giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Giống như Phạm chí thấy đười ươi rồi hỏi: ‘Xin chào Đười ươi! Ngươi từ đâu lại và đi về đâu?’ Đáp: ‘Thưa Phạm chí, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ đền miếu này đến đền miếu khác, từ rừng này đến rừng khác, uống nước suối trong, ăn trái cây tốt. Nay tôi muốn đi, chẳng sợ loài người’. Ta nói Tỳ-kheo kia lại cũng như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như loài rái cá, chớ sống như chim cứu-mộ, chớ sống như kên kên, chớ sống như chim ăn bã, chớ sống như con sói, chớ sống như quạ, mà nên sống như đười ươi. Lý do vì sao? Bởi vì Bậc Vô trước chân nhân trong thế gian giống như đười ươi.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Ô Điểu Dụ:

[01] Bản Hán, quyển 13. Không thấy Pāli tương đương.

[02] Thát thú 獺 獸.

[03] Cứu-mộ điểu 究 暮 鳥, không rõ chim gì.

[04] Thứu điểu 鷲 鳥.

[05] Thực thổ điểu 食 吐 鳥, chim ăn đồ (do thú khác) ói ra.

[06] Sài thú 豺 獸.

[07] Ô điểu 烏 鳥.

[08] Tinh tinh thú 猩 猩 獸.

[09] Nguyên Hán: quán 觀.

[10] Y thôn ấp hành 依 村 邑 行, trái với hành ư vô sự 行 於 無 事. Xem cht.15, kinh số 26. Pāli, có lẽ gāmantaviharī.

[11] Hán: xúc y 觸 猗.

[12] Năm sự, tham chiếu No.125 (51.3) Tăng Nhất 49, Đại 2, tr.817b: 1. Lười biếng, 2. Ngủ nhiều, 3. Tâm loạn, 4. Các căn bất định, 5. Thích ở chợ hơn chỗ vắng vẻ.


66. KINH THUYẾT BỔN[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại Ba-la-nại, trú ở Tiên nhân đọa xứ, trong vườn Lộc dã.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa, vì một nhân duyên nhỏ nên tụ tập ngồi tại giảng đường cùng bàn luận vấn đề này:

“Thế nào chư Hiền, trong hàng cư sĩ tại gia, ai là người thù thắng? Phải chăng là người có các Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi đến nhà thọ thực? Hay là người mà lợi lộc cứ tăng lên mỗi ngày, gấp trăm ngàn vạn lần?”

Hoặc có Tỳ-kheo nói rằng:

“Này chư Hiền, lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần thì có nghĩa lý gì! Chỉ có điều này là chí yếu; nếu có một Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi mà đến nhà thọ thực, chứ không phải là ngày ngày được lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần.”

Lúc đó, Tôn giả A-na-luật cùng ngồi trong chúng. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này chư Hiền, lợi lộc gấp trăm ngàn vạn lần thì có nghĩa gì? Giả sử có nhiều hơn nữa thì chỉ có điều này là chí yếu; nếu có một Tỳ-kheo trì giới diệu pháp, thành tựu oai nghi đến nhà thọ thực, chứ không phải ngày ngày lợi lộc càng tăng gấp trăm ngàn vạn lần. Vì sao? Tôi nhớ, thuở xưa, ta là một người nghèo khổ ở nước Ba-la-nại này, chỉ nhờ lượm mót gánh của khách mà sống[02]. Lúc ấy nước Ba-la-nại bị hạn hán, sương móc và trùng hoàng làm cho ngũ cốc không thể chín được. Nhân dân túng thiếu, kiếm xin khó được. Bấy giờ có một vị Bích-chi-phật hiệu là Vô Hoạn[03], trú tại Ba-la-nại này. Lúc ấy, vào buổi sáng sớm, Bích-chi-phật Vô Hoạn mang y cầm bát vào Ba-la-nại khất thực. Bấy giờ tôi đi ra khỏi Ba-la-nại vào lúc sớm để đi lượm mót. Này chư Hiền, khi đang đi ra, tôi thấy từ xa Bích-chi-phật Vô Hoạn đi vào thành. Lúc Bích-chi-phật Vô Hoạn cầm tịnh bát đi vào thế nào thì lúc đi ra tịnh bát vẫn y như cũ.

“Này chư Hiền, khi tôi lượm mót rồi trở về Ba-la-nại, tôi lại thấy Bích-chi-phật Vô Hoạn đi ra. Ngài thấy tôi liền nghĩ: ‘Sáng sớm, lúc Ta đi vào thì thấy người này đi ra. Bấy giờ ta trở ra lại thấy người này trở vào. Người này có thể chưa ăn. Nay ta hãy đi theo người này’. Rồi Bích-chi-phật đi theo tôi như bóng theo hình.

“Này chư Hiền, khi ta mang đồ lượm mót về đến nhà, bỏ gánh xuống và quay lại nhìn thì thấy Bích-chi-phật Vô Hoạn đi đến, theo sau tôi bén gót, như bóng theo hình. Tôi thấy ngài, liền nghĩ: ‘Sáng sớm, lúc đi ra, mình thấy vị Tiên nhân này đi vào thành khất thực. Bây giờ vị Tiên nhân này có lẽ chưa có gì ăn. Ta hãy sớt bớt phần ăn của mình cho Tiên nhân này’. Nghĩ như vậy xong, tôi liền mang phần cơm bố thí cho Đức Bích-chi-phật và bạch rằng: ‘Mong Tiên nhân biết cho, cơm này là phần ăn của con. Vì lòng từ mẫn, mong ngài thương xót nhận cho’. Bấy giờ, vị Bích-chi-phật tức thì trả lời tôi rằng: ‘Cư sĩ nên biết, năm nay hạn hán, sương móc và trùng hoàng làm cho ngũ cốc không thể chín được. Nhân dân túng thiếu, kiếm xin khó được. Thí chủ có thể bớt phân nửa bỏ vào trong bát của ta và dùng phân nửa kia, cả hai cùng được sống còn. Như vậy đã là tốt rồi’. Tôi lại thưa rằng: ‘Tiên nhơn, xin biết cho, trong nhà con sẵn có chảo, có bếp, có củi, có thóc gạo, ăn uống sớm muộn cũng chẳng cần đúng giờ giấc. Tiên nhơn, xin hãy thương xót con mà nhận hết thức ăn này’. Bấy giờ Tiên nhân vì lòng từ mẫn mà nhận hết.

“Này chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà bảy lần tái sanh vào cõi trời, được làm Thiên vương; bảy lần tái sanh vào loài người lại làm bậc nhân chủ.

“Này chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà được sanh vào dòng họ Thích như thế này[04], giàu có cùng tột, súc vật chăn nuôi vô số, phòng hộ, thực ấp, của cải vô lượng, châu báu đầy đủ.

“Này chư Hiền, tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm nên xả bỏ được địa vị chủ nhân của trăm ngàn thể nữ[05], vàng bạc và vô số những tài vật khác nữa, xuất gia học đạo.

“Này chư Hiền, ta nhân bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà được vua chúa, vương thần, Phạm chí, cư sĩ và tất cả nhân dân thấy là tiếp đãi; bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di thấy thì kính trọng.

“Này chư Hiền, tôi nhân bố thí một bát cơm kia mà thường được người thỉnh cầu thọ nhận đồ ăn thức uống, áo chăn, đệm lông, thảm dệt, giường nệm, thuốc thang trị bệnh và các dụng cụ cần cho sự sống; không gì là không được thỉnh cầu. Lúc bấy giờ ta biết vị Sa-môn ấy là Bậc Vô Sở Trước Chân Nhân thì phước báo được thu hoạch chắc chắn gấp bội, thọ nhận đại quả báo công đức cực diệu, ánh sáng soi chiếu, thấu suốt rất rộng, rất lớn, cùng khắp.”

Bấy giờ Tôn giả A-na-luật, Bậc Vô Sở Trước Chân Nhân[06], được chánh giải thoát, nói bài tụng rằng:

Tôi nhớ, xưa nghèo nàn,

Chỉ nhặt cỏ mà sống.

Bớt phần, cúng Sa-môn

Vô Hoạn tối thượng đức.

Nhân đó sanh dòng Thích,

Tên là A-na-luật.

Hiểu rành về ca vũ;

Làm nhạc, thường hoan hỷ.

Tôi được gặp Thế Tôn

Chánh giác, như cam lồ.

Đã gặp, sanh tín tâm,

Bỏ nhà đi học đạo.

Tôi biết được đời trước,

Biết chỗ sanh trước kia;

Sanh Tam thập tam thiên,

Bảy lần trú ở đó.

Đó bảy, đây cũng bảy;

Thọ sanh mười bốn lần,

Nhân gian và thiên thượng,

Chưa từng đọa ác đạo.

Nay biết rõ sanh tử,

Nơi chúng sanh qua lại;

Biết tâm người thị phi;

Hiền thánh, năm lạc thú;

Chứng năm chi thiền định[07],

Thường định, tâm tĩnh mặc[08].

Đã chứng đắc tịch tịnh

Liền đắc tịnh thiên nhãn.

Mục đích là học đạo;

Viễn ly, bỏ gia đình;

Nay ta đạt nghĩa ấy

Được vào cảnh giới Phật.

Ta không ưa sự chết,

Cũng chẳng mong sự sanh;

Thời nào cũng tự tại,

Kiến lập chánh niệm trí.

Tỳ-da-ly, Trúc lâm[09],

Ở đây, mạng ta dứt;

Ngay dưới rừng trúc này,

Nhập Vô dư Niết-bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở chỗ tĩnh tọa, bằng thiên nhĩ thanh tịnh vượt xa hơn người thường, nghe các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa tụ tập tại giảng đường cùng bàn luận về vấn đề ấy. Nghe xong, vào buổi xế chiều, Đức Thế Tôn rời chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo mà ngồi, rồi hỏi rằng:

“Này các Tỳ-kheo, hôm nay các ngươi vì chuyện gì mà tụ tập tại giảng đường?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay vì Tôn giả A-na-luật nhân chuyện quá khứ mà thuyết pháp nên chúng con tụ tập tại giảng đường.”

Rồi thì, Đức Thế Tôn nói:

“Bây giờ các ngươi có muốn nghe nhân chuyệân vị lai mà Phật thuyết pháp chăng?”

Các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng thời. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng thời. Nếu Thế Tôn nhân chuyện vị lai mà thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, thì các Tỳ-kheo sau khi nghe sẽ khéo thọ trì.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe và khéo mà thọ trì, suy nghĩ, ghi nhớ, Ta phân biệt diễn thuyết rộng rãi cho các ngươi.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời ngồi nghe. Đức Thế Tôn nói:

“Này các Tỳ-kheo, một thời gian lâu xa ở vị lai, sẽ có lúc mà nhân dân thọ đến tám vạn tuổi. Lúc con người thọ đến tám vạn tuổi thì châu Diêm-phù này giàu có cùng tột, an lạc cùng tột, dân chúng đông đúc, thôn ấp gần nhau bằng khoảng cách của con gà bay.

“Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi thì con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng.

“Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi[10] thì chỉ những bệnh như thế này: nóng, lạnh, đại tiểu tiện, tham dục, ăn uống, già[11] và ngoài ra không có tai họa nào khác.

Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi có vua tên là Loa[12], là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đầy đủ một ngàn người con trai, dung mạo khôi ngô, dũng mãnh, không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Nhà vua thống lĩnh quả đất này cho đến bờ biển, không dùng đao gậy mà chỉ đem pháp mà giáo hóa, khiến dân chúng được an lạc. Có cây phướn bằng vàng lớn, được trang hoàng bằng các thứ châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, chu vi mười tám khuỷu tay, sẽ do nhà vua dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay phía dưới tổ chức bố thí cho Sa-môn, Phạm chí, người nghèo khổ cô độc từ các phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp dầu đèn… Sau khi bố thí như vậy, nhà vua cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Mục đích mà tộc tánh tử kia cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’

“Bấy giờ có Tôn giả A-di-đa[13] đang ngồi trong chúng. Tôn giả A-di-đa từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch tay áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, con có thể được làm vua, hiệu là Loa, là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là xe báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Con có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Con thống lĩnh trọn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến cho nhân dân an lạc. Con có cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, do con dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Phạm chí, kẻ khốn khổ cô độc từ phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu. Sau khi bố thí xong, con liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo. Con vì mục đích mà tộc tánh tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn quở Tôn giả A-di-đa rằng:

“Ngươi là kẻ ngu si, chỉ nên chết thêm một lần, sao lại mong một lần tái sanh nữa? Vì sao như thế? Vì ngươi nghĩ rằng: Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, con có thể được làm vua, hiệu là Loa, là Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu là xe báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Con có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Con thống lĩnh trọn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến cho nhân dân an lạc. Con có cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, treo cao một ngàn khuỷu tay, do con dựng lên. Sau khi dựng xong, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Phạm chí, kẻ khốn khổ cô độc từ phương xa lại xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu. Sau khi bố thí xong, con liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo. Con vì mục đích mà tộc tánh tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này mà tự tri tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-di-đa! Một thời gian lâu dài ở vị lai, ngươi sẽ làm vua hiệu là Loa, một vị Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương theo đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu, đó là bảy báu. Ngươi sẽ có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không khiếp sợ, hàng phục được địch quân. Ngươi sẽ thống lĩnh toàn quả đất này cho đến biển cả, không dùng dao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa khiến cho nhân dân an lạc. Ngươi sẽ có một cây phướn lớn bằng vàng, được trang hoàng bằng các loại châu báu, dựng cao một ngàn khuỷu tay, do ngươi dựng lên. Sau khi dựng lên, ngay bên dưới, tổ chức bố thí cho hàng Sa-môn, Phạm chí, kẻ cùng khổ, cô độc từ các phương xa lại xin; đem đồ ăn, thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, nệm lông, khăn quấn, cung cấp đèn dầu… Sau khi bố thí xong, thầy liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Ngươi vì mục đích mà tộc tánh tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chỉ vì cầu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ tám vạn tuổi sẽ có Đức Phật hiệu là Di-lặc[14], Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; cũng như hôm nay Ta đã thành vị Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.

“Đức Phật ấy ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.

“Đức Phật ấy sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

“Đức Phật ấy sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.

“Đức Phật ấy sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như Ta hôm nay có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo[15].”

Bấy giờ Tôn giả Di-lặc đang ở trong chúng ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch áo đang mặc, vòng tay hướng về Đức Phật, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.

“Con ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.

“Con thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

“Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.

“Con sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Thế Tôn có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn tán thán Tôn giả Di-lặc rằng:

“Lành thay! Lành thay! Di-lặc, ngươi phát tâm cực diệu là lãnh đạo đại chúng. Lý do vì sao? Vì ngươi đã nghĩ:

“– Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh hạnh thành, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự, Thiên nhân sư, Phật, Chúng hựu. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Con ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Con thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.”

Đức Phật lại nói:

“Này Di-lặc, vào một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, ngươi sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Giống như Ta hiện nay là Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.

“Ngươi ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.

“Ngươi thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

“Ngươi sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.

“Ngươi sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Ta có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan cầm quạt đứng hầu Phật. Lúc đó, Đức Thế Tôn quay lại bảo:

“Này A-nan, ngươi hãy lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại đây. Nay Ta muốn cho Tỳ-kheo Di-lặc.”

Bấy giờ Tôn giả A-nan vâng lời Đức Thế Tôn, liền lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại trao cho Đức Thế Tôn. Sau khi Đức Thế Tôn nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng từ Tôn giả A-nan, Ngài bảo:

“Này Di-lặc, ngươi hãy nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng này từ Như Lai mà bố thí cho Phật, Pháp và Đại chúng. Lý do vì sao? Này Di-lặc, các Đức Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác vì muốn cứu hộ thế gian và mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong an ổn khoái lạc.”

Bấy giờ Tôn giả Di-lặc nhận lấy tấm y dệt bằng chỉ vàng từ Đức Như Lai xong, liền dâng cúng cho Phật, Pháp và Đại chúng.

Lúc ấy ma Ba-tuần liền nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này đang du hành tại Ba-la-nại, ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ. Vị ấy nhân chuyện vị lai mà thuyết pháp cho các đệ tử. Ta hãy đến đấy để gây nhiễu loạn.”

Rồi ma Ba-tuần đi đến chỗ Đức Phật, hướng về Ngài và nói bài tụng rằng:

Người ấy tất sẽ được

Dung mạo diệâu đệ nhất;

Thân tràng hoa anh lạc,

Ngọc sáng đeo cánh tay.

Nếu ở thành Kê-đầu[16],

Trong cảnh giới vua Loa.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Ma Ba-tuần này đến chỗ Ta muốn gây nhiễu loạn.” Đức Thế Tôn sau khi đã biết là ma Ba-tuần liền nói bài tụng:

Người ấy tất sẽ được

Tối Thắng[17] không nghi ngại

Dứt sanh, lão, bệnh, tử;

Vô lậu, việc làm xong.

Ai tu hành phạm hạnh,

Sẽ ở cõi Di-lặc.

Ma Ba-tuần lại nói bài kệ:

Người ấy tất sẽ được

Y phục tối thượng diệu;

Thân ướp trầm chiên-đàn,

Tay chân đầy châu ngọc;

Nếu ở thành Kê-đầu

Sẽ ở cõi Loa vương.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói bài tụng:

Người ấy tất sẽ được

Vô chủ và vô gia;

Tay không cầm vàng ngọc,

Vô vi, không sầu não;

Nếu tu hành phạm hạnh,

Sẽ ở cõi Di-lặc.

Lúc đó ma Ba-tuần lại nói bài tụng:

Người kia tất sẽ được

Danh, tài, ẩm thực diệu;

Khéo hiểu rành ca vũ,

Tạo nhạc, thường hoan hỷ;

Sẽ ở cõi Loa vương.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói bài tụng:

Người ấy tất qua bờ;

Như chim phá lưới ra;

Chứng trụ thiền tự tại;

Đủ lạc, thường hoan hỷ.

Này Ma, ngươi nên biết,

Ta đã hàng phục ngươi.

Lúc đó Ma vương lại nghĩ: “Thế Tôn biết ta. Thiện Thệ biết ta.” Nghĩ vậy, nó buồn bã, sầu não, không thể ở lại, liền biến mất, không thấy ở chỗ ấy nữa.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Di-lặc, A-di-đa, A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Thuyết Bổn:

[01] Biệt dịch, No.44 Phật Thuyết Cổ Lai Trì Thế Kinh, khuyết danh dịch. Pāli, tham chiếu Thag.910-919.

[02] Hán: quân thập 捃 拾. No.44: “Gánh cỏ đi bán mà tự nuôi sống”. Pāli: ghāsa-hāraka, người thâu nhặt thức ăn (của gia súc).

[03] Vô Hoạn 無 患. No.44: “Có vị Duyên giác hiệu là Hòa-lý 和 里. Pāli: Upariccha.

[04] Vì Tôn giả là anh em chú bác ruột với Đức Thích Tôn, con của Amitodana (Cam lộ Phạn vương).

[05] Vì trước đó đời sống vương tử của Ngài rất phong lưu và Mahānāma – anh ruột của Ngài – đã khó khăn lắm mới thuyết phục được Ngài đi xuất gia.

[06] Tức, một vị A-la-hán.

[07] Ngũ chi thiền định 五 支 禪 定, Thiền định năm chi (Pāli: pañcaṅgika-samādhi): tức bốn cấp thiền trong đó Sơ thiền chia làm hai do sự khác biệt tầm (Pl. vitakka) và tứ (Pal. vicāra).

[08] Pāli: sante ekodibhāvite, tịch tĩnh, chuyên nhất.

[09] Tì-da-li Trúc lâm 毘 耶 離 竹 林. Pāli: Vajjīnaṃ Veluvagāme, trong Vajji-Veluvagāma, một ngôi làng ở Vesali, xứ Vajjī (Bạt Kỳ); Anuruddha sẽ nhập Niết-bàn ở đó.

[10] Từ đây trở xuống, tham chiếu kinh 70 phần sau. Tham chiếu, Pāli, D. 26 Cakkacattī-sīhanā-suttanta.

[11] Pāli (D.26), chi có ba chứng bệnh: ham muốn (icchā), đói bụng (anasana) và già (jāra).

[12] Loa 螺. Pāli: Saṅkha (vỏ sò).

[13] A-di-đa 阿 夷 多. Pāli: Ajita. Trong bản kinh này, A-di-đa (Ajita) và Di-lặc (Mettaya) là hai nhân vật được thọ ký, một người làm vua và một người làm Phật.

[14] Di-lặc 瀰 勒. Pāli: Mettayya.

[15] Pāli: so anekasahassam… (seyyathā pi’ham) anekasatam… vị ấy có vài nghìn… (cũng như Ta) có vài trăm…

[16] Kê-đầu thành 雞 頭 城, Pāli: Ketumatī nơi mà Sankha là Chuyển luân vương.

[17] Nguyên Hán: Vô phục, dịch nghĩa của A-dật-da (Pāli: Ajjta), cũng dịch nghĩa là Vô Năng Thắng.


67. KINH ĐẠI THIÊN NẠI LÂM[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Bệ-đà-đề cùng với chúng đại Tỳ-kheo, đi đến Di-tát-la, trú trong rừng xoài của Đại Thiên[02].

Bấy giờ đang giữa đường đi, Đức Thế Tôn mỉm cười rạng rỡ. Tôn giả A-nan thấy Đức Thế Tôn mỉm cười liền chắp tay hướng về Phật, thưa rằng:

 “Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười? Các Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nếu không có nhân duyên gì thì không bao giờ mỉm cười. Mong Ngài nói cho con được biết ý đó.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, thuở xưa, trong rừng xoài, thuộc xứ Di-tát-la này, ở đây có nhà vua tên là Đại Thiên[03], là vị Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của loài người.

“Này A-nan, vua Đại Thiên ấy thành tựu bảy báu là những gì? Đó là, bánh xe báu, voi báu, ngọc báu, nữ báu, ngựa báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Đó là bảy báu.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu bánh xe báu là như thế nào?

“Này A-nan! Bấy giờ vào ngày rằm, là lúc thuyết Tùng giải thoát[04], sau khi tắm gội, vua Đại Thiên ngự trên chánh điện. Từ phương Đông có thiên luân bảo[05] hiện đến. Thiên luân có đủ một ngàn căm và đầy đủ tất cả bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo ra, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Vua Đại Thiên trông thấy liền hoan hỷ, nghĩ thầm: ‘Luân bảo cao quý[06] đã xuất hiện, luân bảo vi diệu đã xuất hiện. Ta cũng từng nghe người xưa bảo rằng: Vào ngày rằm, sau khi đã tắm gội và ngự trên chánh điện, lúc vua Đảnh Sanh Sát-lợi[07] thuyết Tùng giải thoát thì có thiên luân bảo từ phương Đông hiện đến. Thiên luân có đủ tất cả một ngàn căm và đầy đủ tất cả bộ phận, thanh tịnh tự nhiên chứ không do người tạo ra, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Vì vậy tất sẽ là Chuyển luân vương. Ta há không là Chuyển luân vương sao?’

“Này A-nan, thuở xưa, vua Đại Thiên muốn đích thân thí nghiệm Thiên bảo luân. Bấy giờ vua cho tụ tập bốn loại quân là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi cho tụ tập bốn loại quân xong, nhà vua đi đến chỗ thiên luân bảo, dùng tay trái vỗ về, dùng tay phải lăn thiên luân mà nói rằng: ‘Hãy theo thiên luân bảo; hãy theo đến nơi nào thiên luân bảo lăn đến’.

“Này A-nan, thiên luân bảo ấy khi đã chuyển động liền lăn về hướng Đông. Lúc đó vua Đại Thiên và bốn loại quân cũng đi theo sau. Nếu thiên luân bảo ngừng lại chỗ nào thì vua Đại Thiên và bốn loại quân dừng lại chỗ ấy.

“Bấy giờ, các tiểu quốc vương ở phương Đông đều đi đến chỗ vua Đại Thiên, tâu rằng:

“– Kính chào Thiên vương. Tâu Thiên vương, các nước này rất giàu có và an lạc, nhân dân đông đúc, đều hoàn toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương đem pháp giáo hóa. Chúng tôi sẽ phụ tá Thiên vương.

“Bấy giờ, vua Đại Thiên bảo các tiểu vương:

“– Các khanh, mỗi vị hãy tự quản lãnh lấy lãnh thổ của mình. Hãy áp dụng pháp, chớ áp dụng phi pháp. Đừng để trong nước mình có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh.

“Này A-nan, thiên luân bảo ấy qua khỏi phương Đông, vượt qua biển lớn ở phương Đông, quay về phương Nam, phương Tây và phương Bắc.

“Này A-nan, lúc thiên luân bảo lăn chuyển xung quanh cùng khắp thì vua Đại Thiên cùng bốn loại quân cũng đều đi theo sau. Nếu thiên luân bảo ngừng lại chỗ nào thì vua Đại Thiên và bốn loại quân đóng lại ở chỗ ấy.

“Bấy giờ, các tiểu quốc vương ở phương Bắc đều đi đến chỗ vua Đại Thiên, tâu rằng:

“– Kính chào Thiên vương. Tâu Thiên vương, các nước này rất giàu có và an lạc, nhân dân đông đúc, đều hoàn toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương đem pháp giáo hóa. Chúng tôi sẽ phụ tá Thiên vương.

“Bấy giờ, vua Đại Thiên bảo các tiểu vương:

“– Các khanh, mỗi vị hãy tự quản lãnh lấy lãnh thổ của mình. Hãy áp dụng pháp, chớ áp dụng phi pháp. Đừng để trong nước mình có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh.

“Này A-nan, thiên luân bảo ấy qua phương Bắc, vượt qua biển lớn phương Bắc rồi trở lại bản thành của vua. Lúc vua Đại Thiên ngự trên chánh điện đoán lý tài vật[08] thì Thiên luân bảo ngừng giữa hư không. Đó là vua Đại Thiên thành tựu Thiên luân báu như thế.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu voi báu như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có voi báu sanh ra. Voi ấy trắng toát, có bảy chi, tên là Vu-sa-hạ[09]. Sau khi trông thấy, vua Đại Thiên hoan hỷ, phấn khởi, nghĩ rằng: ‘Nếu được huấn luyện thì nó hết sức khôn’.

“Này A-nan, sau đó vua Đại Thiên bảo tượng sư rằng: ‘Ngươi hãy mau huấn luyện con voi này cho hết sức thuần thiện. Nếu voi đã thuần thì đến cho ta hay’. Bấy giờ tượng sư vâng lệnh vua, đến chỗ voi báu, nhanh chóng huấn luyện, khiến nó trở nên hết sức thuần thiện. Khi voi báu được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện. Cũng như thuở xưa voi tốt sống vô lượng trăm ngàn năm, đã trải qua vô lượng trăm ngàn năm được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nhanh chóng trở nên thuần thiện. Voi báu này cũng giống như vậy, được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện.

“Này A-nan, bấy giờ tượng sư nhanh chóng huấn luyện voi báu, khiến nó trở nên thuần thiện. Sau khi voi báu đã được huấn luyện, tượng sư liền đến chỗ nhà vua tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, tôi đã chế ngự và huấn luyện; voi báu đã thuần, nay tùy theo ý của Thiên vương’.

“Này A-nan, thuở ấy, khi vua Đại Thiên thí nghiệm voi báu, vào buổi sáng mai mặt trời mọc, liền đến chỗ voi, cỡi voi báu ấy và đi cùng khắp cả cõi đất cho đến đại hải, rồi nhanh chóng trở lại bản thành của vua. Đó là vua Đại Thiên thành tựu voi trắng báu như thế.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu ngựa báu như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có ngựa báu sanh ra. Ngựa báu ấy có sắc xanh mướt, đầu đen như quạ. Vì ngựa được trang nghiêm bằng bộ lông nên gọi là Mao mã vương[10]. Sau khi trông thấy, vua Đại Thiên hoan hỷ, phấn khởi, nghĩ rằng: ‘Nếu được huấn luyện thì nó hết sức khôn’.

“Này A-nan, sau đó vua Đại Thiên bảo mã sư rằng: ‘Ngươi hãy mau huấn luyện con ngựa này cho hết sức thuần thiện. Nếu ngựa đã thuần thì đến cho ta hay’. Bấy giờ mã sư vâng lệnh vua, đến chỗ ngựa báu, nhanh chóng huấn luyện, khiến nó trở nên hết sức thuần thiện. Khi ngựa báu được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện. Cũng như thuở xưa ngựa tốt sống vô lượng trăm ngàn năm, đã trải qua vô lượng trăm ngàn năm được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nhanh chóng trở nên thuần thiện. Ngựa báu này cũng giống như vậy, được chế ngự và huấn luyện rất kỹ, nó nhanh chóng trở nên thuần thiện.

“Này A-nan, bấy giờ mã sư nhanh chóng huấn luyện ngựa báu, khiến nó trở nên thuần thiện. Sau khi ngựa báu đã được huấn luyện, mã sư liền đến chỗ nhà vua tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, tôi đã chế ngự và huấn luyện; ngựa báu đã thuần, nay tùy theo ý của Thiên vương’.

“Này A-nan, thuở ấy, khi vua Đại Thiên thí nghiệm ngựa báu, vào buổi sáng mai mặt trời mọc, liền đến chỗ ngựa, cỡi ngựa báu ấy và đi cùng khắp cả cõi đất cho đến đại hải, rồi nhanh chóng trở lại bản thành của vua. Đó là vua Đại Thiên thành tựu ngựa báu sắc xanh như thế.

“Này A-nan, Vua Đại Thiên thành tựu ngọc báu như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có châu báu sanh ra. Hạt châu ấy trong suốt tự nhiên, không do ai tạo, tám cạnh không bẩn, được mài dũa cực đẹp, được xâu qua bằng sợi dây ngũ sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen.

“Này A-nan, lúc vua Đại Thiên ở trong cung điện, muốn có ánh sáng của đèn, tức thì sử dụng hạt minh châu.

“Này A-nan, thuở xưa, khi vua Đại Thiên muốn thử châu báu, bèn cho tụ tập bốn loại quân lại là quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Sau khi tụ tập bốn loại quân xong, vào lúc đêm tối, vua cho dựng một cây phướn cao, cho đặt hạt châu trên ấy, rồi đến công viên để nhìn. Ánh sáng của ngọc chiếu khắp bốn loại quân, soi đến nửa do-diên. Đó là vua Đại Thiên thành tựu ngọc báu là như thế.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu nữ báu là như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có nữ báu sanh ra. Nữ báu ấy có thân thể trong trắng, tinh khiết, nõn nà, sắc đẹp hơn người, không nhường thiên nữ, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng thấy khoan khoái; miệng tỏa mùi hương hoa sen xanh thơm phức; từ các lỗ chân lông trên người toát mùi hương chiên-đàn. Về mùa đông thì thân ấm áp, về mùa hè thì thân mát mẻ. Nữ báu ấy hết lòng hầu hạ nhà vua, nói năng hòa nhã, làm việc nhanh chóng, thông minh trí tuệ, hoan hỷ thích làm việc lành; luôn nghĩ đến nhà vua, tâm thường không rời, huống nữa thân và miệng. Đó là vua Đại Thiên thành tựu nữ báu vậy.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu cư sĩ báu là như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có cư sĩ báu sanh ra. Cư sĩ báu ấy giàu có cùng tột, của cải vô lượng, có nhiều súc vật chăn nuôi; phòng hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ; có phước báo nên được thiên nhãn, thấy các kho báu, đầy hay trống đều thấy rõ; thấy có người thủ hộ hay không có người thủ hộ. Mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ quặng hay không phải quặng[11]; đều thấy rõ cả.

“Này A-nan, cư sĩ báu ấy đến trước vua Đại Thiên tâu rằng: ‘Tâu Thiên vương, nếu Thiên vương muốn được vàng, và tiền bạc, thì Thiên vương chớ có lo buồn, vì hạ thần tự biết đúng thời’.

“Này A-nan, thuở xưa, khi vua Đại Thiên muốn thí nghiệm cư sĩ báu, vua chèo thuyền ra giữa sông Hằng, bảo rằng:

“– Này cư sĩ, ta muốn được vàng, và tiền bạc.

“Cư sĩ tâu:

“– Tâu Thiên vương, hãy cho thuyền cập bến.

“Khi ấy, vua Đại Thiên bảo:

“– Này cư sĩ, ta muốn được ở chính giữa sông này.

“Cư sĩ tâu rằng:

“– Tâu Thiên vương, hãy cho thuyền ngừng lại.

“Này A-nan, bấy giờ cư sĩ báu đến trước mũi thuyền, thọc tay vào trong nước, lấy lên bốn kho tàng, là mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ quặng hay không phải quặng, tâu rằng:

“– Tâu Thiên vương, xin tùy ý muốn, Thiên vương tha hồ sử dụng, còn bao nhiêu thì trả lại dưới sông.

“Đó là vua Đại Thiên thành tựu cư sĩ báu.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu tướng quân báu là như thế nào?

“Này A-nan, bấy giờ, vua Đại Thiên có tướng quân báu. Tướng quân ấy thông minh, trí tuệ, biện tài, nói hay, hiểu rộng. Tướng quân báu sẽ thay vua Đại Thiên thực hiện những mục đích đời này, khuyến cáo và an lập; thực hiện mục đích cho đời sau, khuyến cáo và an lập; thực hiện mục đích đời này, mục đích đời sau, khuyến cáo và an lập. Tướng quân báu sẽ vì vua Đại Thiên, nếu muốn tập hợp các quân là tập hợp được; nếu muốn giải tán là giải tán ngay; muốn cho binh lính thuộc bốn loại quân không mệt mỏi và khuyến khích giúp đỡ. Đối với các cận thần khác cũng vậy. Đó là vua Đại Thiên thành tựu tướng quân báu.

“Này A-nan, đó là vua Đại Thiên thành tựu bảy báu.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thành tựu bốn như ý túc[12] là như thế nào?

“Này A-nan, vua Đại Thiên ấy sống thật lâu, đến tám vạn bốn ngàn năm; thời con nít vui đùa đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Tiểu quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Đại quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương[13], tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại Thiên. Này A-nan, nếu vua Đại Thiên sống thật lâu, đến tám vạn bốn ngàn năm; thời con nít vui đùa đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Tiểu quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; làm Đại quốc vương đến tám vạn bốn ngàn năm; rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại Thiên, thì chính đó là đức như ý túc thứ nhất của vua Đại Thiên.

“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên không có bệnh tật, thành tựu sự điều hòa của thực đạo[14], không lạnh, không nóng, an ổn, không bị bức rức. Do đó, đồ ăn thức uống được tiêu hóa dễ dàng. Này A-nan, vua Đại Thiên không có bệnh tật, thành tựu sự điều hòa của thực đạo, không lạnh, không nóng, an ổn, không bức rức; do đó đồ ăn thức uống tiêu hóa dễ dàng, thì chính đó là đức như ý túc thứ hai của vua Đại Thiên.

“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên thân thể trắng trẻo, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, không kém gì thiên thần, đoan chánh, đẹp đẽ, ai nhìn cũng thấy khoan khoái. Này A-nan, nếu vua Đại Thiên thân thể trắng trẻo, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, không kém gì thiên thần, đoan chánh, đẹp đẽ, ai nhìn cũng thấy khoan khoái, thì chính đó chính là đức như ý túc thứ ba của vua Đại Thiên.

“Lại nữa, A-nan, vua Đại Thiên thường ái niệm các Phạm chí, Cư sĩ, như cha nghĩ đến con. Phạm chí, cư sĩ lại cũng kính trọng vua Đại Thiên như con kính cha. Này A-nan, thuở xưa, vua Đại Thiên ở trong công viên, bảo người đánh xe rằng: ‘Hãy đánh xe đi chầm chậm. Ta muốn nhìn kỹ các Phạm chí, cư sĩ’. Phạm chí, cư sĩ cũng bảo người đánh xe: ‘Hãy đánh xe đi chầm chậm. Chúng tôi muốn nhìn kỹ đức vua Đại Thiên’. Này A-nan, nếu vua Đại Thiên thường ái niệm các Phạm chí, cư sĩ như cha nghĩ đến con; còn các Phạm chí, cư sĩ lại kính trọng vua Đại Thiên như con kính cha thì chính đó là đức như ý túc thứ tư của vua Đại Thiên.

“Này A-nan, đó là vua Đại Thiên được bốn đức như ý túc.

“Này A-nan, một thời gian sau, vua Đại Thiên bảo thợ hớt tóc rằng:

“– Nếu ngươi thấy đầu ta mọc tóc bạc thì cho ta hay.

“Bấy giờ thợ hớt tóc vâng lời vua bảo. Một thời gian sau đó, gội đầu cho vua, thấy mọc tóc bạc, liền tâu:

“– Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, Thiên sứ đã đến[15]; đầu mọc tóc bạc.

“Vua Đại Thiên lại bảo thợ hớt tóc:

“– Ngươi hãy lấy nhíp bằng vàng, từ từ nhỗ tóc bạc bỏ vào bàn tay ta.

“Lúc ấy, thợ hớt tóc vâng lệnh vua bảo, liền lấy cái nhíp bằng vàng, từ từ nhổ tóc bạc bỏ vào bàn tay vua.

“Này A-nan, vua Đại Thiên tay bưng tóc bạc, nói bài tụng:

Đầu ta mọc tóc bạc;

Thọ mạng đến hồi suy.

Thiên sứ đã đến rồi,

Nay lúc ta học đạo.

“Này A-nan, sau khi thấy tóc bạc, vua Đại Thiên bảo Thái tử:

“– Này Thái tử, hãy biết rằng Thiên sứ đã đến, đầu mọc tóc bạc. Này Thái tử, ta đã hưởng lạïc dục thế gian, nay lại muốn cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta muốn đem bốn châu thiên hạ này phó thác cho con. Con hãy trị vì, giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp; không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp, phi phạm hạnh. Này Thái tử, về sau nếu con thấy Thiên sứ đến, đầu mọc tóc bạc, thì con nên đem việc quốc chính của nước này trao lại cho Thái tử của con, khéo dạy bảo nó và trao đất nước lại cho nó, rồi con cũng nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta chuyển giao pháp kế thừa[16] này cho con. Con cũng phải chuyển giao lại pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên[17]. Này Thái tử, tại sao nay ta chuyển trao pháp kế thừa này cho con, bảo con cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên địa. Này Thái tử, nếu trong nước này sự truyền trao bị dứt tuyệt, không được tiếp nối, thì đó là nhân dân trở thành cực biên. Vì thế cho nên, này Thái tử, nay ta chuyển trao cho con. Này Thái tử, ta đã chuyển trao pháp kế thừa này cho con thì con phải chuyển trao pháp kế thừa ấy lại, chớ để cho nhân dân trở thành cựïc biên.

“Này A-nan, vua Đại Thiên ấy đem việc quốc chánh của nước này phó thác cho Thái tử. Sau khi dạy bảo cặn kẽ xong liền cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-ta này, trú trong rừng xoài Đại thiên.

“Thái tử cũng là Chuyển luân vương thành tựu bảy báu, được phước đức có bốn đức như ý của loài người như vua cha; như bảy báu và bốn đức như ý của loài người đã được nói trên.

“Này A-nan, vị Chuyển luân vương ấy về sau cũng bảo thợ hớt tóc rằng:

“– Nếu ngươi thấy đầu ta mọc tóc bạc thì cho ta hay.

“Bấy giờ thợ hớt tóc vâng lời vua bảo. Một thời gian sau đó, gội đầu cho vua, thấy mọc tóc bạc, liền tâu:

“– Tâu Thiên vương, mong Thiên vương biết cho, Thiên sứ đã đến; đầu mọc tóc bạc.

“Vị Chuyển luân vương kia lại bảo thợ hớt tóc:

“– Ngươi hãy lấy nhíp bằng vàng, từ từ nhỗ tóc bạc bỏ vào bàn tay ta.

“Lúc ấy, thợ hớt tóc vâng lệnh vua bảo, liền lấy cái nhíp bằng vàng, từ từ nhổ tóc bạc bỏ vào bàn tay vua.

“Này A-nan, Chuyển luân vương kia tay bưng tóc bạc, nói bài tụng:

“Đầu ta mọc tóc bạc;

Thọ mạng đến hồi suy.

Thiên sứ đã đến rồi,

Nay lúc ta học đạo.

“Này A-nan, sau khi thấy tóc bạc, Chuyển luân vương kia bảo Thái tử:

“– Này Thái tử, hãy biết rằng Thiên sứ đã đến, đầu mọc tóc bạc. Này Thái tử, ta đã hưởng lạïc dục thế gian, nay lại muốn cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta muốn đem bốn châu thiên hạ này phó thác cho con. Con hãy trị vì, giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp; không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp, phi phạm hạnh. Này Thái tử, về sau nếu con thấy Thiên sứ đến, đầu mọc tóc bạc, thì con nên đem việc quốc chính của nước này trao lại cho Thái tử của con, khéo dạy bảo nó và trao đất nước lại cho nó, rồi con cũng nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta chuyển giao pháp kế thừa này cho con. Con cũng phải chuyển giao lại pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên. Này Thái tử, tại sao nay ta chuyển trao pháp kế thừa này cho con, bảo con cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên địa? Này Thái tử, nếu trong nước này sự truyền trao bị dứt tuyệt, không được tiếp nối, thì đó là nhân dân trở thành cực biên. Vì thế cho nên, này Thái tử, nay ta chuyển trao cho con. Này Thái tử, ta đã chuyển trao pháp kế thừa này cho con thì con phải chuyển trao pháp kế thừa ấy lại, chớ để cho nhân dân trở thành cựïc biên.

“Này A-nan, Chuyển luân vương kia đem việc quốc chánh của nước này phó thác cho Thái tử. Sau khi dạy bảo cặn kẽ xong liền cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-ta này, trú trong rừng xoài Đại Thiên.

“Này A-nan, đó là từ con đến con, từ cháu đến cháu, từ dòng họ đến dòng họ, từ kiến đến kiến[18], lần lượt đến tám vạn bốn ngàn vị Chuyển luân vương, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh tại Di-tát-la này, trú trong rừng xoài Đại Thiên.

“Vị vua sau cùng tên là Ni-di[19], là một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp; là vị vua vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho những kẻ nghèo khổ, Sa-môn, Phạm chí, cho đến những người cô độc từ các phương xa đến xin, đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn, cung cấp đèn dầu…

“Bấy giờ chư Thiên ở cõi trời Tam thập tam thiên tụ tập ngồi tại Thiện pháp giảng đường[20] hết lời xưng tán vua Ni-di như thế này: ‘Chư Hiền, người xứ Bẹâ-đà-đề có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao? – Vì vua cuối cùng của họ là Ni-di, một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, là người đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho những người nghèo khổ, Sa-môn, Phạm chí, cho những người cô độc từ các phương xa đến xin, đem các đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, cung cấp khăn quấn và đèn dầu…’

“Bấy giờ trời Thiên Đế-thích cũng có trong chúng, bảo chư Thiên Tam thập tam thiên rằng:

“– Chư Hiền, các vị có muốn thấy vua Ni-di ngay tại nơi này không?

“Chư Thiên Tam thập tam thiên đáp:

“– Thưa Câu-dực[21], chúng tôi muốn được đến ngay nơi ấy để yết kiến vua Ni-di.

“Bấy giờ, trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi cánh tay, Đế-thích ở cõi Tam thập tam thiên bỗng nhiên biến mất không thấy và hiện ra ở cung điện vua Ni-di.

“Lúc ấy, vua Ni-di thấy Thiên Đế-thích, liền hỏi:

“– Ông là ai?

“Thiên Đế-thích đáp:

“– Đại vương có nghe đến Thiên Đế-thích không?

 “Đáp:

“– Nghe nói có Đế-thích.

“– Đó chính là tôi vậy. Đại vương có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao? – Vì chư Thiên ở cõi Tam thập tam thiên tụ tập tại Thiện pháp giảng đường, hết lời xưng tán Đại vương thế này: ‘Chư Hiền, người xứ Bệâ-đà-đề có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao? – Vì vua cuối cùng của họ là Ni-di, một Pháp vương như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, là người đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm; tu hạnh bố thí, cho những người nghèo khổ, Sa-môn, Phạm chí, cho những người cô độc từ các phương xa đến xin, đem các đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, cung cấp khăn quấn và đèn dầu…’ Đại vương có muốn thấy Tam thập tam thiên không?

“Vua đáp:

“– Muốn thấy.

“Đế-thích lại bảo vua Ni-di:

“– Tôi trở về cõi trời, sẽ ra lệnh trang nghiêm xa giá với một ngàn voi kéo đến. Đại vương cỡi xe dạo chơi, lên du lãm cõi trời.

“Bấy giờ, vua Ni-di im lặng nhận lời. Đế-thích biết vua Ni-di đã nhận lời; trong khoảnh khắc, như thời gian lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi cung điện vua Ni-di mà trở về cõi Tam thập tam thiên.

“Sau khi trở về, Đế-thích bảo người đánh xe:

“– Ngươi hãy nhanh chóng trang nghiêm giá với một ngàn voi kéo, đến đón vua Ni-di. Sau khi đến nơi, hãy tâu vua rằng: ‘Đại vương, nên biết, Đế-thích sai đánh cỗ xe có nghìn voi kéo này đến đón Đại vương. Đại vương hãy cỡi xe này dạo chơi, lên du lãm cõi trời’. Sau khi vua đã lên xe, lại hỏi vua rằng: ‘Đại vương muốn tôi đánh xe đi đường nào? Đi theo đường ác thọ ác báo? Hay diệu thọ diệu báo?’

“Người đánh xe vâng lệnh Đế-thích, tức thì trang nghiêm cỗ xe nghìn voi, đi đến vua Ni-di. Đến nơi, tâu vua rằng:

“– Đại vương, nên biết, Đế-thích sai đánh cỗ xe có nghìn voi kéo này đến đón Đại vương. Đại vương hãy cỡi xe này dạo chơi, lên du lãm cõi trời.

“Sau khi vua Ni-di đã lên xe, người đánh xe lại hỏi rằng:

“– Đại vương muốn tôi đánh xe đi đường nào? Đi theo đường ác thọ ác báo? Hay diệu thọ diệu báo?’

“Bấy giờ vua Ni-di bảo người đánh xe rằng:

“– Hãy đưa tôi đi giữa hai đường ác thọ ác báo và diệu thọ diệu báo.

“Người đánh xe liền đưa vua đi giữa hai đường ấy, giữa ác thọ ác báo và diệu thọ diệu báo. Từ xa, chư Thiên Tam thập tam thiên trông thấy vua Ni-di đi đến, sau khi trông thấy liền chúc lành rằng:

“– Kính chào Đại vương! Kính chào Đại vương! Đại vương có thể cùng sống chung hưởng lạc với Tam thập tam thiên chúng tôi.

“Lúc ấy, vua Ni-di nói bài tụng cho chư Thiên Tam thập tam thiên:

Giống như kẻ cỡi nhờ,

Nhất thời tạm mượn xe;

Nơi đây cũng như vậy.

Vì là của kẻ khác.

Tôi về Di-tát-la,

Sẽ làm vô lượng thiện.

Nhân đó sanh cõi trời,

Tạo phước làm tư lương.

“Này A-nan, vua Đại Thiên thuở xưa ấy ông cho là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết vị ấy chính là Ta.

“Này A-nan, thuở xưa, Ta từ đời con đến đời con, từ đời cháu đến đời cháu, từ dòng họ đến dòng họ, lần lượt có đến tám vạn bốn ngàn Chuyển luân vương, từng cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh, tại Di-tát-la này trú trong rừng xoài Đại Thiên. Bấy giờ Ta tự làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, vì trời và vì người mà cầu nghĩa, lợi ích và an ổn khoái lạc. Khi ấy, Ta thuyết pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh, lúc ấy Ta không thoát ly khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc than, áo não; cũng chưa thể thoát ra ngoài mọi khổ đau.

“Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành[22], Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, gọi là Phật[23], Chúng Hựu. Nay Ta làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho người khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, vì trời và người mà cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Vì đã rốt ráo phạm hạnh, nay Ta lìa khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc than, áo não. Nay Ta đã thoát mọi khổ đau.

“Này A-nan, nay Ta chuyển trao pháp kế thừa này cho ông, ông cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này lại, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn.

“Này A-nan, thế nào là pháp kế thừa mà nay Ta chuyển trao cho ông và bảo ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn? Đó chính là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Này A-nan, đó chính là pháp kế thừa mà nay Ta đã chuyển trao cho ông, và ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để cho Phật chủng đứt đoạn.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Đại Thiên Nại Lâm:

[01] Bản Hán, quyển 14. Pāli, M.83 Makhādeva-suttanta; tham chiếu Bản sanh, J.9. Makhādeva-Jātaka. Hán, No.125(1) Tăng Nhất 1, Tựa, Đại 2 tr.549; No.125 (50.4) Tăng Nhất 48, Đại 2 tr.806c.

[02] Bệ-đà-đề 鞞 陀 提. Pāli: Videha, mà thủ phủ là Mithilā (Di-tát-la 彌 薩 囉). Đại thiên Nại lâm 大 天 柰 林 là khu rừng xoài của Mahādeva, một vị vua trong thời quá khứ mà triều đại tiếp theo thuộc về Okkāka, tổ phụ của dòng họ Thích.

[03] Đại Thiên 大 天. Pāli: Makhādeva.

[04] Thuyết Tùng giải thoát 說 從 解 脫, tức đọc giới bổn của Tỳ-kheo (Ba-la-đề-mộc-xoa hay Biệt giải thoát). Bản Pāli, vào các ngày 14, 15, mồng 8 mỗi nửa tháng, vua hành lễ Bố-tát (Pāli: uposatha).

[05] Thiên luân bảo 天 輪 寶. Pāli: dibba-cakka-ratna, bảo vật là bánh xe trời.

[06] Hiền luân bảo 賢 輪 寶. Pāli: bhavam cakka-ratnam.

[07] Đảnh Sanh Sát-lợi vương 頂 生 刹 利 王. Pāli: rājā khattiyo muddhāvasitto, một vị vua dòng Sát-lợi đã được làm lễ quán đảnh (rưới nước lên đỉnh đầu), lễ tức vị. Vị này chưa phải Chuyển luân vương.

[08] Đoán lý 斷 理, các bản Tống-Nguyên-Minh: liệu lý 料 理; tức xử lý tài vật hay tài sản.

[09] Vu-sa-hạ 于 裟 賀. Pāli: Uposatha (Bố-tát).

[10] Mao mã vương 髦 馬 王, Mã vương có bờm. Pāli: Valāhaka (Vân mã vương).

[11] Hán: tác tạng, bất tác tạng 作 藏 不 作 藏. Có lẽ Pāli: ākara, mỏ khoáng hay quặng. Hán hiểu kara là làm.

[12] Bốn như ý túc 四 如 意 足; No.1(2): bốn thần đức 神 德. Pāli: catasso iddhiyo, bốn tiềm lực hay năng lực phi thường.

[13] Tiên nhân vương 仙 人 王. Pāli: rājisi, vị ẩn nguyên là vua.

[14] Bình đẳng thực vị chi đạo 平 等 食 味 之 道. Pāli: samavepākin, tiêu hóa dễ dàng (ăn uống dễ tiêu hóa). Xem D.28 Saṅgīti-suttanta, veà pañca padhāniyaṅgāni (năm cần chi).

[15] Xem kinh số 64.

[16] Tương kế chi pháp 相 繼 之 法. No.125 (50-4): tương thiệu 相 紹.

[17] Pāli: mā kho me tvaṃ antimapuriso ahosi, “con chớ trở thành là người (kế thừa) cuối cùng của ta”.

[18] Tùng kiến chí kiến 從 見 至 見 (?)

[19] Ni-di 尼 彌. Pāli: Nimi.

[20] Thiện pháp giảng đường 善 法 講 堂. Pāli: Sudhamma-sabhā, phòng hội của chư Thiên Tam thập tam (Pl. Tāvatiṃsa).

[21] Câu-dực 拘 翼 (= Kiều-thi-ca 憍 尸 迦). Pāli: Kosika hoặc Kosiya, hiệu của Thiên Đế-thích.

[22] Trong bản Hán: Minh hành thành vi 明 行 成 為, có lẽ thừa chữ vi. Thường nói là Minh hành túc. Pāli: vijjā-caraṇa-sampanna.

[23] Trong bản Hán: hiệu Phật 號 佛.


68. KINH ĐẠI THIỆN KIẾN VƯƠNG[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại thành Câu-thi[02], trú trong rừng Sa-la của Hòa-bạt-đơn lực sĩ[03].

Bấy giờ, vào lúc tối hậu, sắp nhập Niết-bàn, Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, hãy đến giữa hai cây Sa-la song thọ[04] trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc. Như Lai vào giữa đêm nay sẽ nhập Niết-bàn.”

Tôn giả A-nan vâng lời Đức Như Lai, liền đến giữa hai cây song thọ trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc. Sau khi trải chỗ nằm xong, trở lại chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc. Cúi mong Thế Tôn tự biết thời.”

Bấy giờ Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đến giữa hai cây song thọ, xếp tư y uất-đa-la-tăng trải lên chỗ nằm, gấp y tăng-già-lê làm gối. Ngài nằm nghiêng về hông bên phải, hai chân chồng lên nhau. Đây là lúc tối hậu, Phật sắp Niết-bàn.

Lúc ấy Tôn giả A-nan đang cầm quạt hầu Phật. Tôn giả chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, còn có những thành lớn khác. Một là Chiêm-bà, hai là Xá-vệ, ba là Bệ-xá-ly, bốn là Vương xá, năm là Ba-la-nại, sáu là Ca-tỳ-la-vệ[05]. Sao Thế Tôn không nhập Niết-bàn ở các nơi ấy, mà quyết định tại thành bằng đất nhỏ hẹp này, một thành nhỏ hẹp nhất trong các thành?”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, ngươi chớ nói rằng đây là thành đất nhỏ hẹp, là thành nhỏ nhất trong các thành. Vì sao? Vì thuở quá khứ, thành Câu-thi-na này tên là Câu-thi vương thành[06], giàu có cùng tột, dân chúng đông đúc.

“A-nan, Câu-thi vương thành dài mười hai do-diên, rộng bảy do-diên.

“A-nan, ở đây dựng tháp canh cao bằng một người, hoặc hai, ba, bốn…, cho đến bảy người.

“A-nan, ở chung quanh bên ngoài Câu-thi vương thành, có bảy lớp hào. Hào ấy được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Đáy hào cũng trải cát bằng bốn loại báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

“Này A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp tường thành bao bọc bên ngoài. Những lớp tường thành ấy cũng được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

“Này A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp hàng cây Đa-la[07] bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh bao bọc xung quanh. Cây Đa-la bằng vàng thì hoa, lá và trái bằng bạc. Cây Đa-la bằng bạc thì hoa, lá và trái bằng vàng. Cây Đa-la bằng lưu ly thì hoa, lá và trái bằng thủy tinh. Cây Đa-la bằng thủy tinh thì hoa, lá và trái bằng lưu ly.

“Này A-nan, ở giữa những cây Đa-la có đào nhiều hồ sen; hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen đỏ và hồ hoa sen trắng.

“Này A-nan, bờ hồ hoa ấy được đắp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Ở đáy hồ thì rải cát bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Trong thành hồ ấy có thềm cấp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Thềm cấp bằng vàng thì bậc chân[08] bằng bạc, thềm cấp bằng bạc thì có bậc chân bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì có bậc chân bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng thủy tinh thì có bậc chân bằng lưu ly.

“Này A-nan, xung quanh hồ ấy có câu lan[09] bằng bốn báu, lưỡi câu là vàng bạc, lưu ly, thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, hồ ấy được trùm bởi màn lưới có chuông treo ở giữa. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, trong hồ ấy trồng nhiều loại hoa dưới nước như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng; thường có nước, có hoa, không có người trông giữ ngăn cấm vì thuộc về tất cả mọi người.

“Này A-nan, ở bờ hồ ấy có trồng nhiều loại hoa như hoa Tu-ma-na, hoa Bà-sư, hoa Chiêm-bặc, hoa Kiện-đề, hoa Ma-đầu-kiện-đề, hoa A-đề-mâu-đa, hoa Ba-la đầu[10].

“Này A-nan, bên các bờ hồ sen ấy, có nhiều người nữ thân thể nõn nà, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, chẳng kém thiên nữ, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng thấy vui thích, được trang sức đầy đủ các loại ngọc báu; những người nữ ấy bố thí tùy theo nhu cầu của mọi người như đồ ăn thức uống, áo, chăn, xe cộ, nhà cửa, giường nệm, đệm lông ngũ sắc, tôi tớ, đèn dầu… đem cung cấp đầy đủ.

“Này A-nan, lá cây Đa-la ấy lúc gió thổi thì phát ra âm thanh cực kỳ vi diệu, cũng như năm loại kỹ nhạc được nhạc sư tài ba tấu lên thì có âm thanh hết sức hài hòa, tuyệt diệu. Này A-nan, lá cây ấy lúc gió thổi cũng lại như vậy.

“Này A-nan, trong thành Câu-thi ấy giả sử có người tồi tệ thấp hèn hạ, muốn được thưởng thức năm loại kỹ nhạc, nếu cùng đến giữa những cây Đa-la thì đều được thưởng thức thỏa thích.

“Này A-nan, Câu-thi vương thành thường có mười hai loại tiếng không bao giờ gián đoạn, là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng đi bộ, tiếng tù và, tiếng trống, tiếng trống bạc lạc[11], tiếng trống kỷ[12], tiếng ca, tiếng vũ, tiếng ăn, tiếng bố thí.

“Này A-nan, trong thành Câu-thi có vua tên là Đại Thiện Kiến[13], là vị Chuyển luân vương thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại; là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.

“Này A-nan, bấy giờ các Phạm chí, cư sĩ trong Câu-thi vương thành mang các loại châu báu, kiềm-bà-la báu[14], chở đến chỗ vua Đại Thiện Kiến, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, các loại châu báu, kiềm-bà-la báu này, mong Thiên vương vì lòng từ mẫn mà nạp thọ.

“Đại Thiện Kiến vương nói với các Phạm chí:

“– Này các khanh, các khanh hiến dâng nhưng ta thấy chưa cần thiết, vì ta đã có đủ.

“Này A-nan, lại có tám vạn bốn ngàn vị Tiểu quốc vương, đến thưa vua Đại Thiện Kiến rằng:

“– Tâu Thiên vương, chúng tôi muốn xây chánh điện cho Thiên vương.

“Đại Thiện Kiến vương nói với các Tiểu quốc vương:

“– Các khanh muốn xây chánh điện cho ta, nhưng ta thấy chưa cần thiết, vì chánh điện ta đã có.

“Tám vạn bốn ngàn vị Tiểu quốc vương đều chắp tay hướng về Đại Thiện Kiến vương, lặp lại ba lần rằng:

“– Tâu Thiên vương, chúng tôi muốn xây chánh điện cho Thiên vương. Chúng tôi muốn xây chánh điện cho Thiên vương.

“Bấy giờ, Đại Thiện Kiến vương im lặng nhận lời của tám vạn bốn ngàn vua các tiểu quốc. Khi biết vua đã im lặng nhận lời, các Tiểu quốc vương liền bái biệt, đi quanh ba vòng rồi lui ra. Vua nước nào trở về nước ấy, dùng tám vạn bốn ngàn cỗ xe chất đầy những vàng và các loại tiền, bằng vàng tinh luyện hay chưa tinh luyện[15]. Lại lấy các trụ đều bằng ngọc lớn chở đến thành Câu-thi, cách thành không xa xây đại chánh điện.

“Này A-nan, đại chánh điện ấy dài một do-diên, rộng một do-diên. Đại chánh điện ấy được xây bằng gạch làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

“Này A-nan, thềm cấp của đại chánh điện ấy làm bằng bốn loại báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Thềm cấp bằng vàng thì trụ bằng bạc. Tam cấp bằng bạc thì trụ bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì trụ bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng thủy tinh thì trụ bằng lưu ly.

“Này A-nan, trong đại chánh điện có tám vạn bốn ngàn cột trụ làm bằng bốn báu là: Vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Cột bằng vàng thì đá tảng bằng bạc. Cột bằng bạc thì đá tảng bằng vàng. Cột bằng lưu ly thì đá tảng bằng thủy tinh. Cột bằng thủy tinh thì đá tảng bằng lưu ly.

“Này A-nan, bên trong chánh điện lại xây tám vạn bốn ngàn lầu làm bằng bốn báu là: Vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Lầu bằng vàng thì mái lợp bằng bạc. Lầu bằng bạc thì mái lợp bằng vàng. Lầu bằng lưu ly thì mái lợp bằng thủy tinh. Lầu bằng thủy tinh thì mái lợp bằng lưu ly.

“Này A-nan, trong đại chánh điện có thiết trí tám vạn bốn ngàn ngự tòa, cũng làm bằng bốn báu: vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lầu bằng vàng thì thiết trí ngự tòa bằng bạc, trải lên trên các thứ nệm chiếu, đệm lông năm sắc, phủ lên trên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương. Cũng vậy, lầu bằng bạc thì thiết trí ngự tòa bằng vàng. Lầu bằng lưu ly thì thiết trí ngự tòa bằng thủy tinh. Lầu bằng thủy tinh thì thiết trí ngự tòa bằng lưu ly, trải lên bằng các thứ nệm chiếu, đệm lông năm sắc, phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương.

“Này A-nan, đại chánh điện ấy xung quanh có câu lan bằng bốn báu, vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, đại chánh điện ấy được che bằng màn lưới, trong đó treo các thứ chuông lắc. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông làm bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, đại chánh điện ấy sau khi được kiến trúc đầy đủ, bốn vạn tám ngàn vua các tiểu quốc đi ra cách đại chánh điện không xa, xây ao sen lớn.

“Này A-nan, ao sen lớn ấy dài một do-diên; rộng một do-diên.

“Này A-nan, ao sen lớn ấy được đắp gạch bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Đáy ao được rải cát bốn thứ báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

“Này Na-nan, ao sen lớn ấy có thềm cấp bằng bốn thứ báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Tầng cấp bằng vàng thì thềm bằng bạc. Tầng cấp bằng bạc thì thềm bằng vàng. Tầng cấp bằng lưu ly thì thềm bằng thủy tinh. Tầng cấp bằng thủy tinh thì thềm bằng lưu ly.

“Này A-nan, chung quanh ao sen lớn có câu lan bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, ao sen lớn ấy được che bởi màn lưới, trong đó treo các thứ chuông lắc. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, trong ao sen lớn ấy có nhiều loại thủy hoa như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa sen đỏ, thường có nước ở hoa, có người gìn giữ, không thuộc về tất cả mọi người.

“Này A-nan, trong ao sen lớn ấy có nhiều loại lục hoa, như hoa Tu-ma-na, hoa Bà-sư, hoa Chiêm-bặc, hoa Tu-kiền-đề, hoa Ma-đầu-kiẹân-đề, hoa A-đề-mâu-đa, hoa Ba-la-lại.

“Này A-nan, sau khi kiến trúc đại điện và hồ hoa lớn đầy đủ như thế, tám vạn bốn ngàn vua các tiểu quốc đi ra cách điện không xa, thiết lập vườn Đa-la[16].

“Này A-nan, vườn Đa-la ấy dài một do-diên, rộng một do-diên. Trong vườn Đa-la trồng tám vạn bốn ngàn cây Đa-la, đều dùng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Cây Đa-la bằng vàng thì lá, hoa, quả bằng bạc. Cây Đa-la bằng bạc thì lá, hoa, quả bằng vàng. Cây Đa-la bằng lưu ly thì lá, hoa, quả bằng thủy tinh. Cây Đa-la bằng thủy tinh thì lá, hoa, quả bằng lưu ly.

“Này A-nan, chung quanh vườn Đa-la ấy có lan can lưỡi câu bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, vườn Đa-la ấy được che bằng lưới báu, có chuông treo lơ lửng ở khoảng giữa. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, sau khi kiến trúc đại điện, ao hoa và vườn Đa-la đầy đủ như thế, tám vạn bốn ngàn Tiểu quốc vương cùng đến chỗ vua Đại Thiện Kiến thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, xin biết cho rằng, đại điện, ao hoa và vườn cây Đa-la, tất cả đã kiến trúc đầy đủ. Mong Thiên vương sử dụng tùy thích.

“Này A-nan, bấy giờ vua Đại Thiện Kiến nghĩ rằng: ‘Ta không nên lên đại điện này trước. Nếu có bậc Thượng tôn Sa-môn, Phạm chí ở thành Câu-thi vương này, ta nên mời tất cả tụ tập ngồi ở đại điện này, soạn các thức ăn ngon lành, mỹ diệu, đầy đủ thức nhai và nuốt, tự tay bưng hầu khiến các ngài ăn no. Ăn xong, dọn bát và dùng nước rửa, rồi mời các ngài trở về’.

“Này A-nan, sau khi vua Đại Thiện Kiến nghĩ như vậy, liền mời tất cả các bậc Thượng tôn Sa-môn, Phạm chí đang trú tại thành Câu-thi vương ấy tụ tập trên đại chánh điện. Tất cả tụ tập và an tọa xong, vua thân hành lấy nước rửa rồi đem các thức ăn ngon lành, mỹ diệu, đầy đủ các thức nhai và nuốt, tự tay bưng hầu khiến các ngài ăn no. Sau khi ăn, dọn bát, đem nước rửa và nhận lời cầu chúc, rồi vua mời các ngài trở về.

“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến lại nghĩ: ‘Nay ta không nên vào đại chánh điện để hưởng dục lạc. Ta nên đem độc nhất một người hầu lên ở tại đại chánh điện’.

“Này A-nan, sau đó vua Đại Thiện Kiến đem người hầu lên đại chánh điện, đi vào lầu bằng vàng, ngồi ở ngự tòa bằng bạc, được trải lên bằng những thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, nhà vua ly dục, ly các pháp ác bất thiện; có giác, có quán, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.

“Từ lầu bằng vàng đi ra, lại đi vào lầu bằng bạc, ngồi vào ngự sàng bằng vàng được trải các thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, nhà vua ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.

“Từ lầu bằng bạc đi ra, lại đi vào lầu bằng lưu ly, ngồi vào ngự sàng bằng tủy tinh được trải các thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, nhà vua ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.

“Từ lầu bằng lưu ly đi ra, lại vào lầu bằng thủy tinh, ngồi vào ngự sàng bằng lưu ly được trải các thứ nệm chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng những thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, nhà vua ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ và lạc do ly dục sanh, tiến vào Sơ thiền, thành tựu và an trú.

“Này A-nan, bấy giờ tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu quá lâu không thấy vua Đại Thiện Kiến, ai cũng nhớ mong, khao khát muốn thấy. Lúc đó, tám vạn bốn ngàn phu nhân cùng nhau đi đến nữ báu thưa thỉnh rằng:

“– Thiên hậu, nên biết rằng, từ lâu không được hầu cận Thiên vương. Thiên hậu, chúng tôi nay muốn cùng nhân dân đến yết kiến Thiên vương.

“Nữ báu nghe xong, liền bảo Tướng quân:

“– Ngươi nay nên biết rằng, chúng tôi từ lâu không được hầu cận Thiên vương, nay muốn đến yết kiến Thiên vương.

“Tướng quân nghe vậy, liền đưa tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu đến đại chánh điện. Tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn tiểu vương cũng cùng hộ tống, đi đến đại chánh điện. Lúc cả đoàn đang đi, âm thanh ấy vang dội chấn động mạnh mẽ. Vua Đại Thiện Kiến nghe được âm thanh vang dội chấn động mạnh mẽ ấy. Nghe xong, nhà vua liền hỏi người đứng hầu bên cạnh:

“– Đó là tiếng gì mà vang dội chấn động mạnh mẽ thế?

“Người hầu thưa:

“– Tâu Thiên vương, đó là do tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, hôm nay tất cả cùng đến đại chánh điện; tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn Tiểu vương lại cùng nhau đến chánh điện, cho nên âm thanh ấy vang dội, chấn động mạnh mẽ.

“Nghe xong, vua Đại Thiện Kiến bảo người hầu cận:

“– Ngươi mau xuống khỏi đại điện, đến chỗ đất trống, trải nhanh giường bằng vàng rồi trở lại cho ta hay.

“Người hầu cận vâng lời, liền từ điện đi xuống, đến chỗ đất trống, trải giường bằng vàng một cách nhanh chóng, liền trở lại thưa rằng:

“– Con đã trải giường bằng vàng ở chỗ đất trống cho Thiên vương, xin tùy ý Thiên vương.

“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến cùng với người hầu từ điện đi xuống, ngự trên giường bằng vàng và ngồi kiết già.

“Này A-nan, bấy giờ tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu cùng nhau đến trước vua Đại Thiện Kiến.

“Này A-nan, từ xa, vua Đại Thiện Kiến trông thấy tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, liền đóng kín các căn. Tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu thấy vua đóng kín các căn, liền nghĩ: ‘Thiên vương nay chắc không dùng đến chúng ta nữa. Vì sao? Vì Thiên vương vừa thấy chúng ta, liền đóng kín các căn’.

“Này A-nan, khi đó nữ báu đi đến trước vua Đại Thiện Kiến. Đến rồi thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, xin biết cho, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu này hoàn toàn thuộc về Thiên vương. Mong Thiên vương thương tưởng đến chúng tôi cho đến lúc mạng chung và tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn tiểu vương cũng hoàn toàn thuộc về Thiên vương, mong Thiên vương tưởng đến tất cả cho đến lúc mạng chung.

“Bấy giờ vua Đại Thiện Kiến nghe những lời ấy xong, bảo nữ báu rằng:

“– Này hiền muội, các người luôn luôn xúi dục ta làm ác, mà không khuyến khích ta làm lành. Này hiền muội, từ nay về sau nên khuyến khích ta làm lành, chớ xúi dục ta làm ác.

“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy liền ngồi qua một bên, nước mắt tràn ra, khóc lóc bi thảm, thưa rằng:

“– Chúng tôi chẳng phải là em của Thiên vương, mà nay Thiên vương gọi chúng tôi là hiền muội.

“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy, mỗi người dùng áo lau nước mắt, lại đến trước vua Đại Thiện Kiến thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, chúng tôi làm thế nào để khuyến khích Thiên vương làm lành, không làm ác?

“Vua Đại Thiện Kiến đáp:

“– Các hiền muội, hãy nói với ta như thế này: ‘Tâu Thiên vương, ngài biết không, mạng người ngắn ngũi, rồi sẽ đi qua đời sau, nên phải tu phạm hạnh. Do đó sự sanh không thể chấm dứt. Thiên vương nên biết, pháp ấy chắc chắn đến, không thể ái niệm, không thể hoan hỷ, hoại diệt tất cả, người đời gọi là ‘sự chết’. Cho nên, tâu Thiên vương, đối với tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, nếu có ái niệm, có dục thì mong Thiên vương đoạn trừ, xả ly tất cả, cho đến lúc mạng chung vẫn chớ niệm tưởng. Đối với tám vạn bốn ngàn thớt voi, tám vạn bốn ngàn con ngựa, tám vạn bốn ngàn cỗ xe, tám vạn bốn ngàn lính bộ, tám vạn bốn ngàn tiểu vương, tâu Thiên vương, nếu có ái niệm, có dục thì mong Thiên vương đoạn trừ, xả ly tất cả, cho đến lúc mạng chung vẫn chớ niệm tưởng’. Này các hiền muội, các hiền muội hãy khuyến khích ta làm lành, chớ xúi dục ta làm ác, đúng như thế.

“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, chúng tôi từ nay về sau sẽ khuyến khích Thiên vương làm lành, chớ không xúi dục Thiên vương làm ác, như thế này: ‘Tâu Thiên vương, mạng người ngắn ngũi, rồi sẽ đi qua đời sau. Pháp ấy chắc chắn đến, cũng không thể ái niệm, cũng không thể hoan hỷ, hoại diệt tất cả, người đời gọi là ‘sự chết’, cho nên, tâu Thiên vương, đối với tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, nếu có niệm có dục thì mong Thiên vương hãy đoạn trừ, xả ly tất cả, cho đến lúc mạng chung cũng không niệm tưởng’.

“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến thuyết pháp cho tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho những người ấy, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong, nhà vua bảo họ trở về.

“Này A-nan, biết vua đã ra lệnh, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu mỗi người đều đến bái biệt nhà vua rồi trở về.

“Này A-nan, tám vạn bốn ngàn phu nhân và nữ báu ấy trở về chưa bao lâu, vua Đại Thiện Kiến cùng người hầu cận trở lên đại điện, vào lầu bằng vàng, ngồi trên ngự sàng bằng bạc, được trải bằng các thứ nệm, chăn, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng các thứ gấm, lụa, the, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán như thế này: ‘Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghét nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo, vô lượng các pháp ác bất thiện đến đây là cuối cùng. Tâm cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương trên và dưới phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, bao la rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú’.

“Từ lầu bằng vàng đi ra, nhà vua lại vào lầu bằng bạc, ngồi trên ngự sàng bằng vàng, được trải lên bằng các chăn nệm, đệm lông năm sắc, được trải lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán tưởng rằng: ‘Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghét nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo,… vô lượng các pháp ác bất thiện, đến đây là cuối cùng, tâm cùng với bi tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, phương trên và phương dưới, phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu an trú’.

“Từ lầu bằng bạc đi ra, nhà vua lại vào lầu bằng lưu ly, ngồi trên ngự tòa bằng thủy tinh, đượïc trải bằng các thứ chăn nệm, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn nệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán thế này: ‘Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghéùt nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo, vô lượng các pháp ác bất thiện, đến đây là cuối cùng, tâm cùng với hỷ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, phương trên và phương dưới, phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú’.

“Từ lầu bằng lưu ly đi ra, nhà vua vào lầu bằng thủy tinh, ngồi trên ngự tòa bằng lưu ly, được trải lên bằng các thứ chăn nệm, đệm lông năm sắc, được phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn nệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương. Ngồi xong, quán thế này: “Ta đến đây là cuối cùng. Niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, đấu tranh, ghét nhau, dua siễm, dối trá, lừa gạt, nói láo,… vô lượng các pháp ác bất thiện, đến đây là cuối cùng, tâm cùng với xả tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, phương trên và phương dưới, phổ biến cùng khắp, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú.”

“Này A-nan, Vua Đại Thiện Kiến vào giờ phút cuối cùng, chết với một cảm giác đau phơn phớt.

“Cũng giống như cư sĩ hoặc con của cư sĩ, ăn món ăn mỹ diệu, cảm thấy một chút khó chịu.

“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến vào giờ phút cuối cùng chết với một cảm giác đau phơn phớt cũng lại như vậy.

“Này A-nan, bấy giờ vua Đại Thiện Kiến tu bốn Phạm thất[17], sau khi xả niệm dục, nhờ đó khi mạng chung, sanh vào cõi Phạm thiên.

“Này A-nan, vua Đại Thiện Kiến thuở xưa ấy ông cho là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy, nên biết rằng vị ấy chính là Ta vậy.

“Này A-nan, lúc bấy giờ Ta làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn và khoái lạc cho trời và người. Bấy giờ Ta thuyết pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh nên khi ấy không lìa khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, áo não, cũng chưa thoát khỏi mọi khổ đau.

“Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Nay Ta đã làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, cầu sự an ổn và khoái lạc cho trời và người. Nay Ta thuyết pháp đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Rốt ráo phạm hạnh nên nay Ta lìa khỏi sự sanh, tuổi già, tật bệnh, sự chết, khóc lóc, áo não. Ta nay đã thoát khỏi mọi sự đau khổ.

“Này A-nan, từ thành Câu-thi-la, từ rừng Sa-la của Hòa-bạt-đơn Lực sĩ, từ sông Ni-liên-nhiên[18], từ sông Bà-cầu[19], từ Thiên Quang tự, từ chỗ trải chỗ nằm cho Ta hôm nay, trong khoảng thời gian giữa đó, Ta đã bảy lần xả thân. Trong bảy lần ấy, sáu lần làm Chuyển luân vương, nay là lần thứ bảy thành Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Này A-nan, Ta không thấy ở đâu trong thế gian này, Trời hay Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ trời đến người mà Ta sẽ xả thân thêm lần nữa, vì điều đó không có thể có.

“Này A-nan, nay đây là sự sanh cuối cùng của Ta, là sự hữu cuối cùng, là thân cuối cùng, là bẩm hình cuối cùng. Ta nói đây là chỗ tận cùng của khổ.

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Đại Thiện Kiến Vương:

[01] Pāli: D.17. Mahā-Sudassana-suttanta. Tham chiếu, No.1(2) “Kinh Du hành”; No.5 Phật Bát-nê-hoàn Kinh, quyển hạ, Bạch Pháp Tổ dịch; No.6 Bát-nê-hoàn kinh, khuyết danh dịch; No.7 Đại Bát-niết-bàn kinh, Nghĩa Tịnh dịch; No.1451 Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tì-nại-da Tạp Sự quyển 37, Nghĩa Tịnh dịch.

[02] Câu-thi thành 拘 尸 城. Pāli: Kusinārā, thủ phủ của bộ tộc Mallā; Đức Phật nhập Niết-bàn tại đây.

[03] Hòa-bạt-đơn lực sĩ 惒 跋 單 力 士. Pāli: Upavattana-Mallā, bộ tộc Mallā ở Upavattana.

[04] Song Sa-la thọ 雙 裟 羅 樹. Pāli: yamaka-sālā, cây Sa-la sinh đôi, mọc thành cặp; Sa-la song thọ.

[05] Chiêm-bà (Pāli: Campā). Xá-vệ (Sāvatthi), Bệ-xá-ly (Vesali), Vương xá (Rājagaha), Ba-la-nại (Bārānasi), Ca-duy-la-vệ (Kapilavatthu). Bản Pāli kể hơi khác, thay Bệ-xa-ly và Ca-duy-la-vệ bằng Sāketa và Kosambī.

[06] Câu-thi vương thành 拘 尸 王 城. Pāli: Kūsavati. No.1 (2) Câu-xá-bà-đề.

[07] Đa-la thọ 多 羅 樹. Pāli: tāla, một giống cây cọ, tên khoa học Borassus flabelliformis.

[08] Hán: đặng 蹬; bản Tống: tranh 橙. Có lẽ là 磴.

[09] Hán: câu lan 鉤 欄, lan can theo hình thế nhà, cao thấp, quanh co (Từ nguyên). Pāli không đề cập chi tiết nay, nhưng từ Pāli tương đương là vedikā: lan can, lan thuẫn hay câu lan.

[10] Các loại hoa: hoa Tu-ma-na 修 摩 那 (Pāli: sumanā, thiện ý), loại hoa lài cánh lớn; hoa Bà-sư 婆 師 (vassikā: hạ sinh hoa), một loại hoa lài rất thơm (Jasminum Sambac); hoa Chiêm-bặc 瞻 蔔 (campaka: tố hinh hoa), hoa Chăm-pa, rất thơm, có màu trắng và vàng; hoa Tu-kiện-đề 修 捷 提 (sogandhika: hảo hương), thụy liên trắng, súng trắng; hoa Ma-đầu-kiện-đề 摩 頭 捷 提 (madhu-gandhika: mật hương); hoa A-đề-mâu-đa 阿 提 牟 哆 (adhimuttaka: tăng thượng tín), hoa Ba-la-đầu 波 羅 頭.

[11] Hán: bạc lạc cổ 薄 洛 鼓, không rõ loại trống gì.

[12] Hán: kỹ cổ 伎 鼓.

[13] Đại Thiện Kiến大 善 見. Pāli: Mahāsudassana.

[14] Kiềm-bà-la bảo 鉗 婆 羅 寶, vải lông, áo lông.

[15] Tác dĩ bất tác 作 以 不 作. Những người thợ (làm và không làm)?

[16] Đa-la viên 多 羅 園. Pāli: Tālavana.

[17] Bốn phạm thất 梵 室 hay phạm trụ 梵 住. Pāli: cattāri brahmavihārā. Cũng thường nói là bốn Vô lượng tâm. Pāli: catasso appamaññāyo.

[18] Ni-liên-nhiên 尼 連 然, Pāli: Nerañjarā, con sông gần chỗ Phật thành đạo. Đây chính xác phải là Hiraññāvati, âm là Hê (hay hi) -liên-thiền 醯 (希 hay 煕) 連 禪, con sông gần chỗ Phật nhập Niết-bàn.

[19] Bà-cầu 婆 求. Pāli: Kakutthā, con sông gần Kusinārā. Đức Phật tắm tại đây trước khi đến Kusinārā để nhập Niết-bàn.


69. KINH TAM THẬP DỤ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong vườn Ca-lan-đa, rừng Trúc, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vào ngày rằm thuyết Tùng giải thoát[02], trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Ngồi xong, Thế Tôn nhập định quán tâm các Tỳ-kheo. Lúc đó Thế Tôn thấy chúng Tỳ-kheo tĩnh tọa im lặng, rất im lặng, không có thụy miên vì đã dứt trừ ấm cái. Chúng Tỳ-kheo ngồi thậm thâm, rất thậm thâm; tịch tĩnh, rất tịch tĩnh; vi diệu, rất vi diệu.

Khi ấy Tôn giả Xá-lê Tử cũng ở trong chúng. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Xá-lê Tử, chúng Tỳ-kheo tĩnh tọa, im lặng, rất im lặng, không có thụy miên vì đã dứt trừ ấm cái. Chúng Tỳ-kheo ngồi thậm thâm, rất thậm thâm; tịch tĩnh, rất tịch tĩnh; vi diệu, rất vi diệu. Ai là người có thể kính trọng, phụng sự chúng Tỳ-kheo?”

Tôn giả Xá-lê Tử từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng Tỳ-kheo tĩnh tọa, im lặng, rất im lặng, không có thụy miên vì đã trừ ấm cái. Chúng Tỳ-kheo ngồi thậm thâm, rất thậm thâm; tịch tĩnh, rất tịch tĩnh; vi diệu, rất vi diệu như thế. Bạch Thế Tôn, không ai là người có thể kính trọng, phụng sự chúng Tỳ-kheo, chỉ có Đức Thế Tôn mới có thể phụng sự, kính trọng Pháp và chúng Tỳ-kheo cùng với giới, bất phóng dật, bố thí và định. Chỉ có Đức Thế Tôn mới có thể kính trọng, phụng sự mà thôi.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Xá-lê Tử, đúng như vậy. Không ai có thể kính trọng, phụng sự pháp và chúng Tỳ-kheo cùng với giới, bất phóng dật, bố thí và định. Chỉ có Thế Tôn mới có thể kính trọng, phụng sự mà thôi.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có đầy đủ các thứ trang sức, lụa, tơ, gấm, len, nhẫn tay, xuyến cườm tay, chuỗi ngọc khuỷu tay, kiềng đeo cổ, vàng bạc[03], châu ngọc cài mái tóc. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng giống như thế, dùng giới đức để làm đồ trang sức. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu giới đức để dùng làm đồ trang sức thì đều có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có năm nghi trượng, kiếm, lọng, thiên quan, phất trần cán bằng ngọc và giày cẩn ngọc[04] để bảo vệ thân cho được an ổn. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng sự giữ gìn cấm giới để bảo vệ phạm hạnh, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu cấm giới để bảo vệ phạm hạnh thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có người giữ cửa[05]. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni lấy sự thủ hộ sáu căn làm người giữ cửa cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nào thành tựu sự thủ hộ sáu căn thì liền xả được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có tướng giữ cỗng thành thông minh, có trí tuệ, có sự phân biệt rõ ràng. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm tướng giữ cổng cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm thì liền xả được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có hồ tắm đẹp, trong mát, tràn đầy. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng dùng tĩnh tâm làm hồ tắm mát, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu tĩnh tâm làm hồ tắm mát thì xả được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có người hầu tắm, thường phục vụ tắm rửa. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni lấy thiện tri thức làm người hầu tắm cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu việc lấy thiện tri thức làm người hầu tắm, thì có thể xả được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có bột hương thoa thân, mộc cây[06], trầm thủy, chiên đàn, tô hợp[07], kê thiệt[08], đô lương[09]. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng giới đức làm bột hương cũng lại như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu giới đức để làm bột hương thì xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có y phục tốt đẹp, như áo sơ-ma[10], áo gấm lụa, áo bạch điệp[11], áo da sơn dương[12]. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng sự hổ thẹn làm y phục cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu sự hổ thẹn làm y phục thì xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có giường ghế rất rộng, cao lớn. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng Tứ thiền làm giường ghế cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu Tứ thiền thì liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có thợ hớt tóc rành nghề, thường phục vụ tắm gội, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm thợ hớt tóc cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào dùng chánh niệm làm thợ hớt tóc thì có thể xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có đồ ăn ngon lành mỹ diệu, đủ các mùi vị đặc biệt; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng hỷ làm thức ăn, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu hỷ làm thức ăn thì có thể tiêu diệt được điều ác, tu tập thiện pháp.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có các thức uống như nước trái xoài[13], nước chiêm-ba[14], nước mía, nước nho, nước mạt-ta-đề[15]; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng dùng pháp vị làm thức uống, cũng như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu pháp vị dùng làm thức uống thì liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có tràng hoa đẹp, như tràng hoa sen xanh, tràng hoa Chiêm-bặc, tràng hoa Tu-ma-na, tràng hoa Bà-sư, tràng hoa A-đề-mâu-đa, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng ba định là Không, Vô nguyện, Vô tướng[16] làm tràng hoa cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu ba định Không, Vô nguyện, Vô tướng làm tràng hoa thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

 “Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có phòng ốc, nhà cửa, lầu quán, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng ba thất là Thiên thất, Phạm thất và Thánh thất[17] làm nhà cửa, cũng giống như thế. Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu ba thất dùng làm nhà cửa thì liền xả bỏ đựợc điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có người điển thủ[18], tức người giữ nhà[19], thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm người giữ nhà cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào dùng trí tuệ làm người giữ nhà thì liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có bốn loại thuế của các quốc ấp. Phần thứ nhất để cung cấp vua và hoàng hậu, cùng các thể nữ trong cung. Phần thứ hai cung cấp cho thái tử và quần thần. Phần thứ ba cung cấp cho toàn dân. Phần thứ tư cung cấp cho Sa-môn, Phạm chí. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng dùng bốn niệm làm tô thuế, giống như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn niệm xứ dùng làm thuế thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bốn chánh đoạn[20] làm bốn loại quân cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn chánh đoạn làm bốn loại quân thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có bốn loại xe tải, như xe tải bằng voi, xe tải bằng ngựa, xe tải bằng xe, xe tải bằng người; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bốn như ý túc làm xe tải cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn như ý túc dùng làm xe tải, thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có các loại xe trang hoàng bằng các loại da vằn tốt của sư tử, cọp, beo dệt thành những thứ màu sắc lẫn lộn; thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chỉ quán làm xe cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chỉ quán dùng làm xe có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có giá ngự, tức là người đánh xe, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm kẻ giá ngự cũng lại như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm dùng làm giá ngự thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có cây phướn cực cao, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đem tâm mình làm cây phướn cao, cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào đem tâm mình làm cây phướn cao thì liền có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có đường đi tốt đẹp, bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ đến các công viên, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng Thánh đạo tám chi làm con đường bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ Niết-bàn cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu Thánh đạo tám chi dùng làm con đường bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ Niết-bàn, thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có tướng quân thông minh, trí tuệ, có sự phân biệt rõ ràng, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm tướng quân cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu trí tuệ dùng làm tướng quân thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có đại chánh điện cao rộng, sáng sủa, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm đại chánh điện cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu trí tuệ làm đại chánh điện thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần bước lên trên điện cao, quán sát những người dưới thấp qua lại, chạy nhảy, đi, đứng, ngồi, nằm, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đem vô lượng trí tuệ thăng lên cao điện để quán sát tâm mình, làm cho tâm trùm khắp, nhu nhuyến, hoan hỷ, viễn ly. này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu vô lượng trí tuệ làm cao điện để tự quán tâm mình, làm cho trùm khắp, nhu nhuyến, hoan hỷ, viễn ly, thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có Tông chánh khanh, thành am hiểu tông tộc, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni khi dùng bốn Thánh chủng làm Tông chánh khanh cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn thánh chủng dùng làm Tông chánh khanh thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có lương y danh tiếng trị được các bệnh, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm lương y cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm dùng làm lương y thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có chánh ngự sàng, trải lên bằng các thứ chăn nệm, đệm lông năm sắc, phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng vô ngại định làm chánh ngự sàng cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu vô ngại định làm chánh ngự sàng thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có ngọc báu danh tiếng, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bất động tâm giải thoát làm ngọc báu danh tiếng cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bất động tâm giải thoát làm ngọc báu danh tiếng thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần tắm nước trong mát, thoa bột hương tốt khiến thân thể thơm sạch, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tự quán tâm mình, khiến cho thân tịch tịnh, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu việc quán tâm mình, khiến cho thân tịch tịnh thì có thể kính trọng, phụng sự Thế Tôn, Pháp và chúng Tỳ-kheo, cùng với giới, bất phóng dật, bố thí và định.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lê Tử và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Tam Thập Dụ:

[01] Bản Hán, quyển 15.

[02] Tùng giải thoát 從 解 脫, hay Biệt giải thoát, hay Ba-la-đề-mộc-xoa, chỉ giới bổn của Tỳ-kheo. Pāli: Pāṭimokkha.

[03] Sanh sắc 生 色; bản Tống-Nguyên-Minh: sắc tượng 色 像. Pāli: jātarūpa, chỉ vàng ròng (nghĩa đen: sắc nguyên sinh).

[04] Nghiêm sức tỷ 嚴 飾 屣.

[05] Thủ cáp nhân 守 閤 人.

[06] Mộc mật 木 蜜, loại gỗ hương, dùng làm hương liệu.

[07] Tô hợp 蘇 合, một loại hương liệu do tổng hợp nhiều hương liệu nấu thành.

[08] Kê thiệt 雞 舌, loại hương liệu nấu từ cỏ úa.

[09] Đô lương 都 梁, một loại lan rừng; tên chỉ chung các loại lan.

[10] Sơ-ma y 初 摩 衣, Pāli: khoma áo vải, vải lanh.

[11] Bạch điệp y 白 [疊 +毛] 衣; vải bông sợi rất mịn.

[12] Trong bản Hán: gia-lăng-già-ba-hòa-la 加 陵 伽 波 惒 邏. Xem cht.12 kinh 61.

[13] Nại ẩm [木+奈] 飲, Pāli: amba-pāna.

[14] Chiêm-ba ẩm 瞻 波 飲; có lẽ nước trái cây diêm-phù (Pāli: jambu-pāna).

[15] Mạt-ta-đề ẩm 未 磋 提 飲; một loại rượu (Pāli: majja-pāna).

[16] Pāli: tayo samādhī, suññato samādhi, animitto samādhi, appaṇihito samādhi. D.33 Saṅgīti.

[17] Tam thất 三 室 hay tam trụ 三 住 (Pāli: tayo vihārā); thiên thất 天 室 hay thiên trụ (Pāli: dibbo vihāro), tu bốn tĩnh lự từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Phạm thất 梵 室 hay phạm trụ (brahma-vihāro): tu bốn Vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Thánh thất 聖 室 hay Thánh trụ (Pāli: ariyo vihāro) tu bốn niệm xứ, bốn như ý túc, bốn chánh cần, năm căn, năm lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo phần (xem Tập dị môn 6, Đại 26, trang 239 a).

[18] Điển thủ 典 守; người quản lý hồ sơ hay văn khố.

[19] Thủ thất 守 室.

[20] Bốn chánh đoạn 正 斷, tức bốn chánh cần. Pāli: sammappadhānā. Bản Hán, hiểu là pahāna, thay vì padhāna.


70. KINH CHUYỂN LUÂN VƯƠNG[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Ma-đâu-lệ Sát-lợi[02], trong rừng xoài, trên bờ sông Sử hà[03].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này các Tỳ-kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đèn Chánh pháp. Hãy nương tựa nơi pháp của chính mình, chớ đừng thắp lên ngọn đèn khác, đừng nương tựa một pháp khác[04].

“Này chư Tỳ-kheo, nếu ai tự mình thắp lên ngọn đèn chánh pháp, tự nương tựa nơi pháp của chính mình, không thắp lên ngọn đèn khác, không nương tựa một pháp khác, thì có thể cầu học, được lợi và phước vô lượng. Vì sao?

“Này Tỳ-kheo, thuở xưa có vua tên là Kiên Niệm[05] làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.

“Thành tựu bảy báu và được thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người là như thế nào? Đã nói trước đây[06] về sự thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.

“Bấy giờ vua Kiên Niệm, vào một thời gian sau, thiên luân báu[07] di chuyển, bỗng rời khỏi chỗ cũ. Có người trông thấy, đến chỗ vua Kiên Niệm tâu rằng:

“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng thiên luân báu di chuyển, rời khỏi chỗ cũ.

“Vua Kiên Niệm nghe xong, bảo rằng:

“– Này thái tử, thiên luân báu của ta di chuyển, rời khỏi chỗ cũ. Thái tử, chính ta từng nghe cổ nhân nói rằng ‘Nếu thiên luân báu của Chuyển luân vương di chuyển, rời khỏi chỗ cũ, thì vua ấy chắc chắn không còn sống lâu, mạng vua không tồn tại lâu nữa. Này thái tử, ta đã hưởng dục lạc nhân gian, nay ta sẽ cầu dục lạc thiên thượng. Này thái tử, ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này thái tử, nay ta đem bốn châu thiên hạ này giao phó cho con, con hãy chỉnh trị giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp, không để trong nước có người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh. Này thái tử, về sau nếu con thấy thiên luân báu rời khỏi chỗ cũ một ít thì con cũng phải đem việc quốc chính của nước này giao phó cho con của con, khéo dạy bảo và ủy thác giang sơn lại cho nó, rồi con cũng phải cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.

“Bấy giờ vua Kiên Niệm giao phó đất nước lại cho thái tử. Khéo dạy bảo xong, vua liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Sau khi vua Kiên Niệm xuất gia học đạo bảy ngày, thiên luân báu ấy biến mất, không thấy.

“Lúc mất thiên luân, vua Sát-lợi Đảnh Sanh[08] quá ưu sầu áo não, không hoan lạc. Vua Sát-lợi Đảnh Sanh liền đến chỗ Tiên nhân, tức vua cha Kiên Niệm, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng, sau khi Thiên vương học đạo mới bảy ngày thì thiên luân báu biến mất, không thấy nữa.

“Cha là Tiên nhân, vua Kiên Niệm bảo con rằng:

“– Con chớ vì mất thiên luân báu mà nhớ tiếc, ưu sầu. Vì sao? Vì con không được thiên luân báu này từ nơi cha.

“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh thưa vua cha rằng:

“– Tâu Thiên vương, vậy con phải làm gì.

“Cha là Tiên nhân tức vua Kiên Niệm bảo con rằng:

“– Con phải học pháp tương thừa[09]. Nếu học pháp tương thừa thì vào ngày rằm thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và đi lên chánh điện, thiên luân báu ấy chắc chắn sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.

“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại thưa cha rằng:

“– Tâu Thiên vương, pháp tương thừa như thế nào mà Thiên vương muốn bảo con học, để lúc học rồi, vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, thiên luân báu ấy sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời?

“Vua Kiên Niệm bảo con rằng:

“– Con hãy quán pháp như pháp, thực hành pháp đúng như pháp. Hãy vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí, cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm, tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin; đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu trong nước con có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí, thì con phải tùy thời đi đến chỗ của các vị đó để hỏi pháp, thọ pháp như thế này: ‘Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích[10] của cuộc đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện, không thọ ác?’ Khi được nghe xong, phải thực hành đúng như lời các vị đã dạy. Nếu trong nước của con có kẻ bần cùng thì hãy lấy của cải cung cấp đầy đủ. Này con, đó là pháp tương thừa, con nên khéo học. Con đã khéo học thì vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, chắc chắn Thiên luân báu ấy sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.

“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh sau đó liền quán pháp đúng như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí, cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào các ngày mồng tám, mười bốn và mười lăm, tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin; đã đem cho đồ ăn thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp dầu đèn đầy đủ. Nếu trong nước của vua có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí thì vua tùy thời đích thân đến chỗ các vị hỏi pháp, thọ pháp thế này:

“– Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện mà không thọ ác?

“Nghe xong, nhà vua thực hành đúng như pháp những lời các vị đã dạy. Nếu trong nước của vua có kẻ bần cùng, nhà vua liền lấy của cải tùy thời cung cấp đầy đủ. Sau đó, vua Sát-lợi Đảnh Sanh vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát; sau khi tắm rửa và lên chánh điện, Thiên luân bảo ấy từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Nhà vua đã được làm Chuyển luân vương, cũng thành tựu bảy báu, cũng được bốn đức như ý của con người.

“Thành tựu bảy báu và được bốn đức như ý của con người như thế nào? Điều này đã nói ở trước.

“Vua Chuyển luân vương ấy, vào một thời gian sau, thiên luân báu bỗng nhiên rời khỏi chỗ cũ một ít, có người trông thấy, liền đến chỗ vua Chuyển luân vương tâu rằng:

“– Tâu Thiên vương, nên biết cho rằng thiên luân báu đã rời khỏi chỗ cũ một ít.

“Chuyển luân vương nghe xong liền bảo thái tử:

“– Này thái tử, thiên luân báu của ta đã rời khỏi chỗ cũ. Này thái tử, ta từng nghe từ phụ vương ta là vua Kiên Niệm nói như thế này: ‘Nếu thiên luân báu của vua Chuyển luân vương rời khỏi chỗ cũ thì vua ấy chắc chắn không còn sống lâu, mạng vua không còn tồn tại bao lâu nữa’. Này thái tử, ta đã hưởng dục lạc của thế gian, nay ta cầu dục lạc thiên thượng. Này thái tử, ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này thái tử, con hãy chỉnh trị giáo hóa đúng như pháp, chớ đừng phi pháp, không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh. Này thái tử, về sau nếu con thấy thiên luân báu rời khỏi chỗ cũ, thì con cũng phải đem việc quốc chính của nước này giao phó lại cho con của con, khéo dạy bảo và ủy thác giang sơn lại cho nó, rồi con cũng cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.

“Bấy giờ, vua Chuyển luân vương ấy giao phó đất nước cho thái tử, khéo dạy bảo xong, liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Sau khi vua Chuyển luân vương ấy xuất gia học đạo được bảy ngày thì thiên luân báu ấy biến mất không thấy.

“Lúc mất thiên luân, vua Sát-lợi Đảnh Sanh không ưu sầu mà lại nhiễm dục, trước dục, tham dục, không nhàm tởm, bị dục trói buộc, bị lệ thuộc vào dục, không thấy tai họa của dục, không biết sự xuất ly khỏi dục, tự cai trị đất nước theo ý của mình nên đất nước suy vong, không phục hưng nổi. Cũng như các vị Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương thừa, nên đất nước nhân dân càng hưng thịnh thêm mãi, không hề suy giảm; vua Sát-lợi Đảnh Sanh cũng lại như thế, tự cai trị đất nước theo ý mình. Vì tự cai trị đất nước theo ý mình nên đất nước suy vong, không phục hưng nổi.

“Bấy giờ, Phạm chí quốc sư đi quan sát tình cảnh đất nước, thấy đất nước nhân dân đã suy vong, không phục hưng nổi, liền nghĩ rằng: ‘Vua Sát-lợi Đảnh Sanh tự cai trị đất nước theo ý của vua. Vì cai trị đất nước theo ý của vua nên đất nước nhân dân đã suy vong, không phục hưng nổi. Cũng như các bậc Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương thừa nên đất nước nhân dân càng hưng thịnh thêm mãi, không hề suy giảm; vua Sát-lợi Đảnh Sanh này cũng lại như thế, tự cai trị đất nước theo ý của vua. Vì cai trị đất nước theo ý của vua nên nhân dân đất nước đã suy vong, không phục hưng nổi. Phạm chí quốc sư liền đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, nên biết rằng, Thiên vương đã tự cai trị đất nước theo ý của Thiên vương. Vì đã cai trị đất nước theo ý của Thiên vương nên đất nước nhân dân đã suy giảm, không phục hưng nổi. Cũng như các vị Chuyển luân vương thuở xưa học pháp tương thừa nên đất nước nhân dân càng hưng thịnh mãi, không hề suy giảm. Nay Thiên vương cũng lại như thế, cai trị đất nước theo ý của Thiên vương nên đất nước nhân dân đã suy vong, không phục hưng nổi.

“Nghe xong, vua Sát-lợi Đảnh Sanh bảo rằng:

“– Này Phạm chí, ta phải làm thế nào?

Phạm chí trả lời:

“– Tâu Thiên vương, trong nước có người thông minh trí tuệ, am tường toán số. Trong nước có đại thần và quyến thuộc học kinh, hiểu rõ kinh, tụng tập, thọ trì pháp tương thừa. Khi đã học pháp tương thừa thì vào ngày rằm thuyết Tùng giải thoát, Thiên vương tắm rửa, lên chánh điện, thiên luân báu ấy chắc chắn từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.

“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại hỏi:

“– Này Phạm chí, pháp tương thừa như thế nào mà Phạm chí muốn ta học, để lúc học rồi, vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, thiên luân báu từ phương Đông hiện đến, có một ngàn căm, đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người làm, màu sắc tự như ánh lửa, chói lọi sáng ngời?

“Phạm chí quốc sư thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, Thiên vương hãy quán pháp đúng như pháp, thực hành pháp đúng như pháp. Hãy vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới. Vào những ngày mồng tám, mười bốn và ngày rằm tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin, đem cho đồ ăn thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nằm, đệm lông, chăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu ở trong nước có những bậïc thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí thì Thiên vương hãy tùy thời, đi đến chỗ của các ngài để hỏi pháp, thọ pháp như thế này: ‘Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này? Thế nào là mục đích của đời sau làm thế nào để thọ thiện mà không thọ ác?’ Khi đã được nghe xong, Thiên vương nên thực hành đúng như lời các ngài đã dạy. Nếu trong nước của Thiên vương có kẻ bần cùng thì nên lấy của cải trong cung để cung cấp đầy đủ. Tâu Thiên vương, đó là pháp tương thừa, Thiên vương nên khéo học và ghi nhớ, rồi vào ngày rằm thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, Thiên vương, thiên luân báu ấy chắc chắn sẽ từ phương Đông hiện đến, có một ngàn căm và đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.

“Sau đó, vua Sát-lợi Đảnh Sanh liền quán pháp đúng như pháp, thực hành đúng như pháp, vì thể nữ, hậu phi và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào ngày mồng tám, mười bốn và ngày rằm, tu hành bố thí, bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin, đem cho đồ ăn, thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu trong nước có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí thì vua đã đích thân tùy thời đến chỗ các vị ấy để hỏi pháp, thọ pháp như thế này:

“– Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện mà không thọ ác?

“Khi đã nghe xong, nhà vua đã thực hành đúng như lời các ngài đã chỉ bảo. Nhưng trong nước có người bần cùng, vua không đem vật dụng cấp phát. Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, đã nghèo khổ lại càng nghèo khổ hơn. Vì nghèo khốn nên ăn trộm vật dụng của kẻ khác, vì ăn trộm nên bị chủ nhân bắt trói đem đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, người này ăn trộm vật dụng của con, xin Thiên vương trừng trị.

“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi tội nhân:

“– Quả thật ngươi có ăn trộm?

Người ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, quả thật con có ăn trộm. Vì sao? Tâu Thiên vương, vì nghèo khốn. Nếu không ăn trộm thì không có gì để sống.

“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh liền đem của cải cấp phát cho và nói với người ăn trộm rằng:

“– Ngươi hãy trở về và sau này chớ trái phạm.

“Lúc đó, dân chúng trong nước nghe nói về vua Sát-lợi Đảnh Sanh như thế này: ‘Nếu trong nước có ai trộm cắp thì nhà vua liền đem của cải cấp phát cho,’ Do đó, có người nghĩ rằng: ‘Chúng ta cũng nên ăn cắp của cải kẻ khác’. Từ đó, dân chúng trong nước ai cũng tranh nhau trộm cắp của cải kẻ khác. Vì thế, người nghèo khốn không có của cải, không được cấp phát, càng trở nên nghèo khốn hơn, nên nạn trộm cắp càng lan tràn. Vì trộm cắp lan tràn nên tuổi thọ con người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, sau khi tuổi thọ của con người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha thọ tám vạn tuổi, con thọ bốn vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ bốn vạn tuổi, có người trộm cắp vật dụng của kẻ khác, chủ nhân bắt trói đem đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh, thưa rằng:

“– Tâu thiên vương, người này trộm cắp vật dụng của con, xin Thiên vương trừng trị.

“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi người lấy trộm:

“– Quả thiệt ngươi có ăn trộm phải không?

Người ấy đáp:

“– Tâu Thiên vương, quả con có ăn trộm.

Vì sao? – Vì nghèo khốn. Nếu không ăn trộm, con không có gì để sống.

“Nghe xong, vua Sát-lợi Đảnh Sanh nghĩ rằng: ‘Nếu trong nước ta có nạn trộm cắp mà ta lại đem của cải cấp phát đầy đủ, như vậy chỉ làm cho kho tàng của quốc gia khô kiệt, dung túng cho nạn trộm cắp lan tràn. Ta nên rèn dao thật bén, nếu trong nước ta có ai trộm cắp thì bắt trói ngay dưới gốc cây nêu cao và chém đầu nó’.

“Sau đó, vua Sát-lợi Đảnh Sanh hạ lệnh rèn dao thật bén. Nếu trong nước có ai trộm cắp vật dụng của kẻ khác thì cho bắt trói dưới cây nêu cao mà chém đầu.

“Người trong nước bấy giờ nghe vua Sát-lợi Đảnh Sanh ra lệnh rèn dao thật bén, nếu trong nước có ai ăn trộm vật dụng của kẻ khác thì cho bắt trói dưới cây nêu cao và chém đầu, dân chúng bèn nghĩ rằng: ‘Ta cũng nên bắt chước rèn dao thật bén, mang đi ăn trộm vật dụng. Nếu lấy vật dụng của ai thì bắt chủ nhân của vật ấy mà chém đầu’.

“Từ đó về sau, những người ăn trộm thi nhau rèn dao bén mang đi ăn trộm vật dụng, bắt các chủ nhân mà chém đầu. Do đó, kẻ nghèo khốn không của cải, không được cấp phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn hơn nên nạn trộm cắp càng lan tràn. Vì nạn trộm cắp càng lan tràn nên sự chém giết càng tăng lên. Do đó tuổi thọ của loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, sau khi tuổi thọ giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ còn bốn vạn tuổi và con thọ hai vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ hai vạn tuổi, có người ăn trộm vật dụng của kẻ khác, chủ nhân bắt trói dẫn tới vua Sát-lợi Đảnh Sanh, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, người này ăn trộm vật dụng của con, xin Thiên vương trừng trị.

“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi tội nhân:

“– Quả thật ngươi có ăn trộm phải không?

“Bấy giờ, người ăn trộm nghĩ rằng: ‘Vua Sát-lợi Đảnh Sanh nếu biết sự thật này thì sẽ trói và đánh mình, hoặc vứt ném, hoặc tẩn xuất, hoặc phạt tiền của, hoặc trừng trị đau đớn đủ cách, hoặc treo lên cây rồi bêu đầu mình. Có lẽ mình dùng lời nói dối, lừa gạt vua Sát-lợi Đảnh Sanh chăng?’

“Nghĩ xong, thưa rằng:

“– Tâu Thiên vương, tôi không lấy trộm.

“Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, không được cấp phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn hơn nên nạn trộm cắp càng lan tràn mãi. Vì sự trộm cắp càng lan tràn nên sự chém giết gia tăng. Vì sự chém giết gia tăng nên sự nói dối, nói hai lưỡi nhiều hơn. Vì sự nói dối, nói hai lưỡi nhiều hơn nên tuổi thọ của loài người càng giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ hai vạn tuổi, người con chỉ thọ một vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ một vạn tuổi thì trong nhân dân có người có đức, có người vô đức. Nếu ai vô đức thì ghen ghét người có đức và phạm tà hạnh với vợ của người. Do đó kẻ nghèo khốn không có của cải, không được cấp phát, càng nghèo khốn hơn. Vì càng nghèo khốn nên nạn trộm cắp càng lan tràn. Vì trộm cắp lan tràn nên chém giết gia tăng. Vì chém giết gia tăng nên nói dối, nói hai lưỡi gia tăng. Vì nói dối, nói hai lưỡi gia tăng nên tật đố, tà dâm gia tăng. Vì tật đố, tà dâm gia tăng nên tuổi thọ của loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ một vạn tuổi, người con chỉ thọ năm ngàn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ hai ngàn năm trăm tuổi thì ba pháp khác lại hưng thịnh; đó là, lưỡng thiệt, thô ngữ và ỷ ngữ. Vì ba pháp này hưng thịnh nên tuổi thọ của loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu thì người cha chỉ thọ hai ngàn năm trăm tuổi, người con chỉ thọ một ngàn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ một ngàn tuổi thì một pháp hưng thịnh, đó là tà kiến. Vì pháp này hưng thịnh nên tuổi thọ loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu.

“Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người giảm xuống, hình sắc trở nên thô xấu, thì người cha chỉ thọ một ngàn tuổi, người con chỉ thọ năm trăm tuổi.

“Này Tỳ-kheo, khi loài người thọ năm trăm tuổi thì con người lúc ấy hoàn toàn[11] không hiếu thảo với cha mẹ, không kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm việc thuận lợi, không tạo phước nghiệp, không thấy tội đời sau. Lúc loài người không hiếu thảo với cha mẹ, không kính trọng Sa-môn, Phạm chí, không làm việc thuận lợi, không tạo phước nghiệp, không thấy tội đời sau, cho nên này Tỳ-kheo, lúc đó người cha chỉ thọ năm trăm tuổi, người con chỉ thọ hai trăm năm mươi tuổi, hoặc hai trăm tuổi.

“Này Tỳ-kheo, hiện giờ nếu có ai được trường thọ thì được một trăm tuổi và có thể là không chừng.”

Đức Phật lại bảo:

“– Một thời gian lâu xa về đời vị lai, sẽ có lúc con người chỉ thọ mười tuổi, thì con gái sanh ra mới năm tháng đã lấy chồng.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có một giống lúa tên là bại tử[12], là thức ăn ngon nhất. Cũng như lúa gạo[13] là thức ăn ngon nhất của loài người hôm nay. Này Tỳ-kheo, cũng giống như thế, lúc con người thọ mười tuổi thì có loại lúa tên là bại tử, là món ăn ngon nhất.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, những thứ mỹ vị mà ngày nay hiện có như tô-du, muối, mật[14], đường mía thì thời ấy những thứ này sẽ biến mất tất.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, nếu ai tạo mười ác nghiệp đạo thì kẻ ấy sẽ được người khác kính trọng. Cũng như hiện giờ, nếu ai tạo mười thiện nghiệp đạo thì kẻ ấy được người khác kính trọng. Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, cũng như vậy, nếu ai tạo mười ác nghiệp đạo thì kẻ ấy được người khác kính trọng.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi thì hoàn toàn không có một danh từ “thiện”, huống nữa là có tạo mười thiện nghiệp đạo.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có người tên là Đàn Phạt[15], đi đến khắp mọi nhà mà đàn phạt.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, thì mẹ đối với con có tâm giết hại rất mãnh liệt, con đối với mẹ cũng có tâm giết hại rất mãnh liệt. Cha con, anh em, chị em thân thuộc đối với nhau đều có tâm giết hại lẫn nhau. Cũng như người thợ săn trông thấy con nai thì có tâm giết hại rất mãnh liệt. Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi cũng lại như thế, mẹ đối với con có tâm giết hại rất mãnh liệt. Cha con, anh em, chị em quyến thuộc đối với nhau đều có tâm giết hại lẫn nhau.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có nạn đao binh bảy ngày[16]. Nếu ai có nắm cỏ thì cỏ biến thành dao. Nếu nắm cây củi thì cây củi cũng biến thành dao. Ai cũng dùng dao ấy để giết hại lẫn nhau. Qua bảy ngày, nạn đao binh chấm dứt.

“Bấy giờ cũng có người biết thẹn thùng, xấu hổ, nhờm tởm, chán ghét, không ưa những sự hung ác kia. Lúc có nạn đao binh bảy ngày, họ đi vào núi non hoặc đồng nội, ẩn náu ở nơi yên ổn. Sau bảy ngày ấy, thì từ núi non đồng nội, nơi yên ổn đi ra, trông thấy nhau sanh lòng thương mến, quyến luyến nhau vô cùng. Cũng như mẹ hiền chỉ có một đứa con đã xa cách lâu ngày, nay từ phương xa trở lại gia đình yên ổn, mẹ con thấy nhau hoan hỷ, sanh lòng thương mến nhau vô cùng. Những người kia, sau bảy ngày từ núi non đồng nội, nơi yên ổn đi ra, trông thấy nhau sanh lòng thương mến, quyến luyến nhau vô cùng, cũng giống như thế. Trông thấy nhau rồi, liền nói rằng: ‘Chư Hiền, ta nay thấy nhau còn được yên ổn. Chúng ta vì tạo pháp bất thiện nên gặp gỡ nơi đây, thân thuộc chết sạch. Chúng ta hãy cùng nhau thực hành thiện pháp. Làm thế nào để chúng ta cùng thực hành thiện pháp? Chúng ta đều là kẻ sát nhân, nay nên xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, chúng ta nên thực hành thiện pháp ấy’.

“Những người kia cùng nhau thực hành thiện pháp, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ mười tuổi sanh ra con thọ hai mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ hai mươi tuổi lại nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm điều thiện nhiều hơn. Làm thế nào để chúng ta cùng làm điều thiện nhiều hơn? Chúng ta hãy xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh nhưng vẫn còn lấy của không cho. Chúng ta nên xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho. Chúng ta nên cùng nhau làm điều thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm điều thiện như thế. Khi đã làm điều thiện ấy, tuổi thọ lại tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai mươi tuổi sanh con thọ bốn mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ bốn mươi tuổi cũng nghĩ như thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xa lìa việc lấy của không cho, nhưng vẫn còn tà dâm. Chúng ta nên xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm. Chúng ta nên làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm điều thiện như thế. Khi đã làm điều thiện ấy, tuổi thọ lại tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ loài người đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ bốn mươi tuổi sanh con thọ tám mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ tám mươi tuổi cũng nghĩ thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta cùng nhau làm điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng nhau làm điều thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho, xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm, nhưng vẫn còn nói dối. Chúng ta nên xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối. Chúng ta nên làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện ấy. Khi đã làm việc thiện ấy thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, khi loài người tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ tám mươi tuổi sanh con thọ một trăm sáu mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ một trăm sáu mươi tuổi cũng nghĩ như thế này: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, nhưng chúng ta vẫn còn nói hai lưỡi. Chúng ta nên xa lìa nói hai lưỡi đoạn trừ nói hai lưỡi. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi làm việc thiện ấy, tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ một trăm sáu mươi tuổi sanh con thọ ba trăm hai mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ ba trăm hai mươi tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện nhiều hơn nữa? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối; xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, nhưng vẫn còn nói thô ác. Chúng ta nên xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Chúng ta nên làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi làm việc thiện ấy, tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ ba trăm hai mươi tuổi sanh con thọ sáu trăm bốn mươi tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ sáu trăm bốn mươi tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ, chúng ta nên cùng nhau học điều thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta cùng làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác, nhưng chúng ta vẫn còn nói thêu dệt. Chúng ta nên xa lìa nói thêu dệt, đoạn trừ nói thêu dệt. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ sáu trăm bốn mươi tuổi sanh con thọ hai ngàn năm trăm tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ hai ngàn năm trăm tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; đã xa lìa trộm cắp, đoạn trừ trộm cắp; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nhưng còn tham lam tật đố. Chúng ta nên xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai ngàn năm trăm tuổi sanh con thọ năm ngàn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ năm ngàn tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa lời nói dối, đoạn trừ lời nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa nói thô ác, đoạn trừ nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố, nhưng vẫn còn sân hận. Chúng ta nên xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ năm ngàn tuổi sanh con thọ một vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ một vạn tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố, xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, nhưng vẫn còn tà kiến. Chúng ta nên xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến. Chúng ta nên cùng nhau tu học việc thiện này’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ một vạn tuổi sanh con thọ hai vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, người thọ hai vạn tuổi cũng nghĩ rằng: ‘Nếu cầu học điều thiện thì tuổi thọ tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện nhiều hơn nữa. Làm thế nào để chúng ta làm việc thiện nhiều hơn? Chúng ta đã xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa việc lấy của không cho, đoạn trừ việc lấy của không cho; xa lìa tà dâm, đoạn trừ tà dâm; xa lìa nói dối, đoạn trừ nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi; xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, xa lìa tham lam tật đố, đoạn trừ tham lam tật đố, xa lìa sân nhuế, đoạn trừ sân nhuế, xa lìa tà kiến, đoạn trừ tà kiến, nhưng vẫn còn có phi pháp dục, ác tham hạnh và tà pháp. Chúng ta nên xa lìa ba pháp ác bất thiện này, đoạn trừ ba pháp ác bất thiện này. Chúng ta nên cùng nhau làm việc thiện ấy’.

“Những người kia cùng nhau làm việc thiện như thế. Khi đã làm việc thiện ấy, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ. Này Tỳ-kheo, lúc tuổi thọ của loài người đã tăng lên, hình sắc trở nên đẹp đẽ thì người thọ hai vạn tuổi sanh con thọ bốn vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ bốn vạn tuổi thì biết hiếu thuận với cha mẹ, tôn trọng cung kính Sa-môn, Phạm chí, làm việc thuận lợi, tu tập phước nghiệp, thấy tội lỗi đời sau. Loài người nhân vì hiếu thuận với cha mẹ, cung kính tôn trọng Sa-môn, Phạm chí, làm việc thuận lợi, tu tập phước nghiệp, thấy tội đời sau, cho nên này Tỳ-kheo, người thọ bốn vạn tuổi sanh con thọ tám vạn tuổi.

“Này Tỳ-kheo, lúc người thọ tám vạn tuổi, châu Diêm-phù này giàu có cùng tột, nhân dân đông đúc, thôn ấp gần nhau bằng khoảng cách con gà bay.

“Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi mới có thể lấy chồng. Này Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi thì chỉ có những chứng bệnh như đại tiểu tiện, nóng, lạnh, muốn ăn uống và già. Ngoài ra, không còn tai họa nào nữa.

“Này Tỳ-kheo, lúc loài người thọ tám vạn tuổi, có một vị vua tên là Loa[17] làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, bảy báu đó là luân báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, đó là bảy báu. Nhà vua có đủ ngàn người con thông minh trí tuệ, dung mạo khôi ngô, dũng mãnh không sợ, hàng phục được địch quân. Nhà vua thống lĩnh quả đất này cho đến bể cả, không dùng dao gậy, chỉ dùng pháp giáo hóa, khiến nhân dân an lạc.

“Này Tỳ-kheo, các vua Sát-lợi Đảnh Sanh làm nhân chủ chỉnh trị thiên hạ, đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại nên tuổi thọ không giảm xuống, hình sắc không thô xấu, chưa từng mất hoan lạc, sức lực cũng không suy.

“Này Tỳ-kheo, các ngươi cũng phải như vậy, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại, nên tuổi thọ không giảm xuống, hình sắc không thô xấu, chưa từng mất an lạc, thế lực cũng không suy.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại? Đó là Tỳ-kheo quán nội thân như thân, nội giác, nội nội, nội pháp như pháp[18]. Như thế gọi là Tỳ-kheo đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại.

“Thế nào gọi là tuổi thọ của thầy Tỳ-kheo? Tỳ-kheo ấy tu dục định như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, hướng dẫn đến xuất yếu, tu tinh tấn định, tu tâm định, tu tư duy định, như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, hướng đến xuất yếu. Đó là tuổi thọ của Tỳ-kheo.

“Thế nào là sắc của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo tu tập cấm giới, thủ hộ giải thoát giới, lại khéo thu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng thường canh cánh lo sợ, thọ trì học giới. Đó là sắc của Tỳ-kheo.

“Thế nào là lạc của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc cảnh thiền thứ tư, thành tựu và an trú. Đó là lạc của Tỳ-kheo.

“Thế nào là lực của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo diệt sạch các lậu, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, trong đời hiện tại tự tri tự giác, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là lực của Tỳ-kheo.

“Này Tỳ-kheo, Ta không thấy có lực nào không thể hàng phục được như lực của Ma vương, cho nên lậu tận Tỳ-kheo phải dùng lực của vô thượng trí tuệ mới hàng phục được.”

Phật thuyết như thế. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Chuyển Luân Vương:

[01] Tương đương Pāli, D.26. Cakkavatti-Sīhanāda-Suttanta. Tham chiếu, Hán: No.1(6).

[02] Ma-đâu-lệ Sát-lợi 摩 兜 麗 刹 利, bản Pāli nói ở Mātula, một ngôi làng tại Magadha. N.1 (6) nói là Ma-la-hê-sấu. Chữ Sát-lợi trong bản Hán này không rõ. Có thể là phiên âm tương đương với khetta, một cánh đồng.

[03] Sử hà 駛 河 hay Sử lưu, con sông chảy ngang qua Nam và Bắc Kosala.

[04] Đương tự nhiên pháp đăng, tự quy kỷ pháp. Mạc nhiên dư đăng, mạc quy dư pháp 當 自 然 法燈, 自 歸 己 法. 莫 然 餘 燈, 莫 歸 餘 法. So sánh DTK.1(6): Đương tự xí nhiên, xí nhiên ư pháp, vật tha xí nhiên, đương tự quy y, quy y Ứng Chánh Đẳng Giác Pháp, Vật Tha Quy Y. Pāli: Attadīpā bhikkhāve viharatha atta-saraṇā anañña-saraṇā. Dhammadīpā dhamma-saraṇā anañña-saraṇā. Dīpā: có nghĩa là ngọn đèn, hay hòn đảo.

[05] Kiên Niệm 堅 念. No.1(6): Kiên Cố Niệm. Pāli: Dalhameni.

[06] Xem Kinh số 67.

[07] Thiên luân báu 天 輪 寶. Pāli: Dibbam cakka-ratanam. Xem mô tả nơi Kinh số 67.

[08] Sát-lợi Đảnh Sanh vương 刹 利 頂 生 王. Pāli: rājākhattiyo maddāvasatto, người dòng Sát-lợi, được truyền ngôi bằng nghi thức quán đảnh.

[09] Tương kế chi pháp 相 繼 之 法. Xem Kinh số 67.

[10] Hán: nghĩa 義. Ý nghĩa hoặc mục đích.

[11] Trong để bản: tận thọ 盡 壽 (suốt đời). Có lẽ dư chữ thọ. Ba bản Tống-Nguyên-Minh không có.

[12] Bại tử 稗 子; loại cỏ giống như lúa. Pāli: hột kudrūsa.

[13] Canh lương 粳 糧; Pāli: sāli-mamsodana.

[14] Trong bản: diêm, mật 鹽 蜜. Theo liệt kê thông thường thi chỗ này là thạch mật tức đường phèn.

[15] Đàn phạt 彈 罰; đàn hạch và trừng phạt? Không rõ Pāli.

[16] Đao binh kiếp 刀 兵 劫. Pāli: satthantara-kappa.

[17] Loa 螺. Pāli: Saṅkha.

[18] Xem Kinh số 89.


71. KINH BỆ-TỨ[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp[02] du hóa tại nước Câu-tát-la cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đi đến Tư-hòa-đề[03], trú trong rừng Thi-nhiếp-hòa[04] về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này.

Bấy giờ trong ấp Tư-hòa-đề có vua tên là Bệ-tứ[05], giàu có cùng tột, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phòng họâ, thực ấp đầy đủ mọi thứ. Tất cả suối, hồ, cỏ cây ở ấp Tư-hòa-đề đều thuộc về nhà vua, là phong ấp do vua Ba-tư-nặc, nước Câu-tát-la cấp cho.

Bấy giờ, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nghe đồn rằng, “Có Sa-môn tên là Cưu-ma-la Ca-diếp, du hóa tại nước Câu-tát-la, cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi đến thị trấn Tư-hòa-đề, trú tại rừng Thi-nhiếp-hòa về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này. Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp có danh tiếng lớn lao, mười phương đều nghe. Cưu-ma-la Ca-diếp là bậc biện tài vô ngại, lời nói vi diệu, là bậc đa văn, là A-la-hán[06]. Nếu ai yết kiến vị A-la-hán này, cung kính lễ bái thì được thiện lợi. Chúng ta có thể đi đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp này.”

Nghe thế, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa.

Bấy giờ, vua Bệ-tứ ở trên chánh điện, trông thấy từ xa các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề, mỗi người cùng với nhóm của mình, theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Vua Bệ-tứ thấy vậy, hỏi người hầu rằng:

“Hôm nay vì cớ gì các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề này mỗi người cùng với nhóm của mình, theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa?

Người hầu thưa rằng:

“Tâu Thiên vương, các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề kia nghe rằng “Có Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp du hóa tại nước Câu-tát-la cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến thị trấn Tư-hòa-đề này, trú tại rừng Thi-nhiếp-hòa, về phía Bắc một ngôi làng của thị trấn này. Tâu Thiên vương, Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp có danh tiếng lớn lao, mười phương đều nghe. Ngài là bậc biện tài vô ngại, lời nói vi diệu, là bậc đa văn, là A-la-hán. Nếu ai yết kiến vị A-la-hán này, cung kính lễ bái thì được thiện lợi. Chúng ta có thể đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp ấy.” Tâu Thiên vương, do đó các Phạm chí, cư sĩ cùng với nhóm của mình theo nhau đi từ Tư-hòa-đề lên hướng Bắc, đến rừng Thi-nhiếp-hòa.

Vua Bệ-tứ nghe xong, liền bảo người hầu:

“Ngươi hãy đến các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề ấy, nói rằng ‘Vua Bệ-tứ bảo các Phạm chí, cư sĩ xứ Tư-hòa-đề: ‘Này các ngươi hãy đợi, ta sẽ cùng các ngươi đến yết kiến Cưu-ma-la Ca-diếp ấy. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng có đời sau, có chúng sanh hóa sanh[07]. Ta thấy như vầy, chủ trương như vầy: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.’

Người hầu vâng lời, liền đến chỗ các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nói rằng:

“Vua Bệ-tứ bảo các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề như thế này: ‘Các ngươi hãy đợi. Ta sẽ cùng với các ngươi đi đến yết kiến Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề nghe lệnh ấy, bảo người hầu:

“Xin tuân theo lệnh truyền’.

Người hầu trở lại tâu với vua:

“Tôi đã công bố mệnh lệnh của vua rồi. Các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề ấy đang đợi Thiên vương; mong Thiên vương biết cho, đã đến thời.”

Bấy giờ vua Bệ-tứ bảo người đánh xe:

“Ngươi mau sửa soạn xa giá. Ta nay muốn đi.”

Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xa giá xong, liền trở lại tâu với vua rằng:

“Tâu Thiên vương, xa giá đã sửa soạn xong, chờ ý Thiên vương.”

Lúc đó vua Bệ-tứ liền cỡi xe đi đến chỗ các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề, rồi cùng nhau đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Khi vua Bệ-tứ từ xa trông thấy Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp ở giữa rừng cây, liền xuống xe đi đến chỗ Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp, chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên, thưa rằng:

“Này Ca-diếp, tôi nay muốn hỏi, thầy có nghe chăng?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp:

“Vua Bệ-tứ, muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Bấy giờ vua Bệ-tứ liền hỏi:

“Này Ca-diếp, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’. Ý Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp nghĩ sao?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp:

“Vua Bệ-tứ, tôi nay hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Ý vua thế nào, mặt trời, mặt trăng này thuộc về thế giới này hay thế giới khác[08]?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”[09]

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác. Này Ca-diếp, tôi có người thân bị bệnh trầm trọng. Tôi đi đến chỗ bệnh nhân; đến nơi, nói rằng: ‘Bạn nên biết, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta thường không tin chủ trương của những kẻ ấy. Những kẻ ấy lại bảo rằng: ‘Nếu có kẻ nam nữ làm việc ác, không tinh tấn, lười biếng, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, kẻ ấy chắc chắn đi vào ác xứ, sanh vào địa ngục’. Này bạn, nếu Sa-môn, Phạm chí ấy nói như vậy mà đúng thì bạn là người ruột thịt của ta, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; nếu thân hoại mạng chung, bạn chắc chắn sẽ sanh đến ác xứ, sanh vào địa ngục, thì bạn hãy trở lại tin cho ta hay thế này: ‘Này Bệ-tứ, trong địa ngục ấy khổ như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại nói tin cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, trong địa ngục kia, khổ như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện này nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Vua Bệ-tứ, tôi lại hỏi vua. Vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Nếu có thuộc hạ của vua bắt trói một tội nhân, đem đến trước vua, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Vua bảo, ‘Các khanh hãy đem trói chặt hai tay ra đằng sau, bỏ nó lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như tiếng lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết, rồi đưa ra cổng thành phía Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao rồi chém đầu nó’. Thuộc hạ vâng lời, liền trói tay tội nhân ra đằng sau, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết xong, đưa ra cổng thành hướng Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao, muốn chém đầu nó. Tội nhân sắp chết nói với đao phủ rằng: ‘Ông hãy hoãn cho tôi một lúc. Tôi muốn gặp cha mẹ, vợ con, tớ gái, người đưa tin. Hãy để tôi tạm thời ra đi’. Ý vua nghĩ sao? Người đao phủ có thể để cho tội nhân ấy tạm thời ra đi ít lâu không?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo:

“Người thân của vua cũng lại như thế, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không thi ân, không đại lượng, đắm trước của cải. Do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Lúc ngục tốt bắt ra hành hạ đau đớn, người thân của vua nói với ngục tốt rằng: ‘Nàøy các ngục tốt, các ông hãy khoan một lúc, chớ hành hạ ta đau đớn. Ta muốn tạm thời đi đến vua Bệ-tứ để báo cho vua hay rằng ‘Trong ngục tốt kia khổ như thế này, như thế này, mà tôi đã chứng kiến’.’ Ý vua thế nào? Ngục tốt kia có thể thả cho người thân của vua tạm thời ra đi không?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng:

“Vua hãy quán sát về đời sau cũng lại như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, vị ấy đã thấy hiện tượng ấy đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, lại còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người thân lâm bệnh trầm trọng, tôi đến chỗ bệnh nhân; đến rồi nói rằng: ‘Bạn nên biết, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm thế này, chủ trương như thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Tôi thường không tin những kẻ kia về chủ trương của họ. Họ cho rằng: ‘Nếu có kẻ nam người nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ thường an lạc, bố thí, không tham đắm của cải; kẻ kia do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Này bạn thân yêu, nếu Sa-môn, Phạm chí nói như vậy mà đúng thì bạn là người thân ruột thịt của tôi, có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, sống cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời thì bạn hãy trở lại tin cho ta hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’.’ Này Sa-môn, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại tin cho tôi hay, ‘Này vua Bệ-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện đó cho nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người trí nghe thí dụ này thì hiểu được nghĩa. Này vua Bệ-tứ, ví như ngoài thôn ấp kia có một hầm xí công cộng, sâu quá đầu người, đầy phẩn ở trong. Có một người rơi xuống, chìm tận đáy hầm ấy. Nếu có người khác thương xót, mong cầu sự phước lợi và hữu ích, sự an ổn khoái lạc cho người mắc nạn, liền thong thả kéo nạn nhân từ hầm xí lên; gạt phẩn bằng thanh tre, chùi bằng lá cây, tắm bằng nước ấm. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, đem bột hương thoa khắp thân thể, mời lên chánh điện cho vui hưởng ngũ dục. Ý vua nghĩ sao? Há kẻ nạn nhân ấy lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen và muốn trở lại hay sao?”

Vua Bệ-tứ trả lời:

“Không thể, Ca-diếp. Nếu có một kẻ nào khác tưởng tới hầm xí kia, hoan hỷ ngợi khen và muốn thấy thì nạn nhân kia cũng không thể ưa kẻ này, huống là chính nạn nhân lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lần nữa. Điều đó không thể xảy ra.”

“Vua Bệ-tứ, nếu vua có người thân có diệu hạnh, có tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; người ấy do nhân duyên đó, khi thân hoại mạnh chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh lên cõi trời được vui hưởng ngũ dục ở đó. Ý vua nghĩ sao? Há lại thiên tử ở cõi trời kia bỏ ngũ dục ở đó, tưởng nhớ ngũ dục ở nhân gian này? Hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại nữa sao?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không thể, Ca-diếp. Vì sao? Vì ngũ dục nhân gian xú uế, ở nơi bất tịnh, rất đáng ghét, không thể hướng đến, không thể ưa thích, thô sáp bất tịnh. Này Ca-diếp, so với ngũ dục nhân gian thì ngũ dục cõi trời là hơn, là tối thắng, là tối hảo, là tối thượng. Nếu thiên tử cõi trời kia, xả bỏ ngũ dục ở đó, tưởng đến ngũ dục nhân gian, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại; điều đó không thể xảy ra.”

“Vua Bệ-tứ, vua nên quán sát về đời sau cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy đã thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người bạn thân lâm bệnh trầm trọng. Tôi đến chỗ bệnh nhân, đến xong, liền bảo: ‘Bạn nên biết rằng, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta thường không tin những chủ trương ấy. Họ lại bảo: ‘Nếu có người nam kẻ nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có học, thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, người ấy chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cói trời’. Này bạn, nếu Sa-môn, Phạm chí ấy nói đúng thì bạn là người thân ruột thịt của ta, có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì bạn hãy trở lại cho ta hay như thế này: ‘ Này vua Bệ-tứ! Ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Nếu bạn ở cõi trời nghĩ rằng: ‘Nếu ta trở lại thì sẽ được những gì?’ ‘Bệ-tứ vương gia có nhiều của cải, ta sẽ cho bạn’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Này Ca-diếp, nhân sự kiện đó nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, tuổi thọ cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống ở nhân gian thì ngắn ngủi. Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở Tam thập tam thiên. Một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, mà tuổi thọ của chư Thiên Tam thập tam thiên đến một ngàn năm, thì ý vua nghĩ sao? Nếu vua có người thân có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh lên cõi trời, người thân của vua liền nghĩ: ‘Trước tiên, ta hãy vui hưởng ngũ dục cõi trời một ngày một đêm, hay là ta hãy vui hưởng ngũ dục hai, ba, bốn cho đến bảy ngày, nhiên hậu sẽ đi đến tin cho vua Bệ-tứ hay rằng: ‘Ở cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này để cho nhà vua rõ’. Ý vua nghĩ sao? Bấy giờ vua còn sống chăng?”

Vua Bệ-tứ hỏi lại:

“Này Ca-diếp, người nào sau khi chết, đến nói rằng: ‘Này Sa-môn Ca-diếp, tuổi thọ ở cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống ở nhân gian thì ngắn ngủi; một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở Tam thập tam thiên; một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng, mà tuổi thọ của chư Thiên ở Tam thập tam thiên đến một ngàn năm?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ thì hiểu được ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như người mù kia nói rằng: ‘Không có sắc đen trắng, cũng không thấy sắc đen trắng; không có sắc dài ngắn, cũng không thấy sắc dài ngắn; không có sắc xa gần, cũng không thấy có sắc xa gần; không có sắc thô tế, cũng không thấy có sắc thô tế. Vì sao? Vì ban đầu ta không thấy, không biết, cho nên không có sắc’. Này vua Bệ-tứ, người mù kia nói như vậy có đúng không?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Không đúng, Ca-diếp. Vì sao? Ca-diếp, có sắc đen trắng, cũng có thấy sắc đen trắng. Có sắc dài ngắn, cũng có thấy sắc dài ngắn. Có sắc gần xa, cũng có thấy sắc gần xa. Có sắc thô tế, cũng có thấy sắc thô tế. Nếu người mù bảo rằng: ‘Vì ta không thấy, không biết cho nên không có sắc’, thì người ấy nói không đúng.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như người mù ấy, nếu vua bảo như thế này: ‘Người nào sau khi chết đến nói rằng: ‘Này Sa-môn Ca-diếp, tuổi thọ ở cõi trời thì lâu dài, còn mạng sống nhân gian thì ngắn ngủi. Một trăm năm ở nhân gian bằng một ngày một đêm ở cõi Tam thập tam thiên. Một ngày một đêm như vậy, một tháng có ba mươi ngày, một năm có mười hai tháng mà tuổi thọ ở cõi Tam thập tam thiên thì đến một ngàn năm’?”

Vua Bệ-tứ nói:

“Này Sa-môn Ca-diếp, thực là không nên, không nên nói như vậy. Vì sao? Vì Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp đã cố tình so sánh tôi giống như kẻ mù kia. Này Ca-diếp, nếu biết tôi, biết thân thuộc của tôi có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì này Ca-diếp, ngay bây giờ, sau khi thực hành bố thí, tu các phước thiện, phụng trì trai giới, tôi dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống giếng, hoặc thắt cổ mà chết. Này Ca-diếp! Không nên cố tình so sánh tôi như người mù kia.”

Tôn giả Ca-diếp đáp:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ khác. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng giống như một Phạm chí có người vợ trẻ, vừa mới mang thai, người vợ cả đã có một đứa con trai. Trong thời gian ấy, Phạm chí kia bỗng nhiên mạng chung. Sau khi mạng chung, con của bà vợ cả nói với bà mẹ kế như thế này: ‘Tiểu mẫu nên biết, nay của cải trong gia đình này hoàn toàn phải thuộc về tôi, không ai được dự phần vào’. Bà mẹ kế đáp: ‘Ta nay đang có thai, nếu sanh con trai thì nó phải được phần. Nếu sanh con gái thì của cải ấy mới hoàn toàn của cậu’. Con của bà vợ cả nói với bà mẹ kế ba lần như thế này: “Tiểu mẫu nên biết, nay của cải trong gia đình này hoàn toàn thuộc về tôi, không ai được dự phần vào’. Bà mẹ kế cũng trả lời ba lần như thế này: ‘Nay ta đang có thai, nếu sanh con trai thì phải được chia phần. Nếu sanh con gái thì của cải ấy mới hoàn toàn thuộc về cậu’. Bấy giờ bà mẹ kế ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ ràng, không có trí tuệ, muốn bảo toàn sự sống mà trở lại hại mình. Bà vào trong phòng lấy dao bén mổ bụng xem là trai hay gái. Bà ấy ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ, muốn bảo vệ sự sống mà lại tự hại mình và đứa con trong bụng. Nên biết, này vua Bệ-tứ, nhà vua cũng lại như vậy, ngu si không thông suốt, không hiểu rõ ràng, không có trí tuệ, muốn bảo tồn sự sống mà lại nghĩ như thế này: ‘Này Ca-diếp, nếu biết tôi, biết người thân thích của tôi có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượïng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, thì tôi, ngay bây giờ, sau khi thực hành bố thí, tu các thiện nghiệp, phụng trì trai giới, tôi dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống giếng, hoặc thắt cổ mà chết. Này Sa-môn Ca-diếp, không nên cố tình so sánh tôi với người mù kia’. Này vua Bệ-tứ, nếu người tinh tấn mà sống lâu thì được phước lớn. Nếu được phước lớn thì sanh lên cõi trời và sống lâu. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán sát đời sau như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si, thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người thân mang bệnh trầm trọng. Tôi đến chỗ bệnh nhân hỏi han, thăm viếng, bệnh nhân cũng hỏi han và nhìn tôi. Lúc bệnh nhân chết, tôi lại đến hỏi han thăm viếng người chết, nhưng người chết không hỏi han, không nhìn tôi. Sau đó tôi cũng không còn trở lại hỏi han thăm viếng người thân ấy nữa. Này Ca-diếp, do sự kiện đó, tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ, người có trí nghe thí dụ này thì liền hiểu được nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như có người thổi tù và giỏi. Nếu ở xứ kia chưa từng nghe tiếng tù và, người đó đến xứ ấy, vào một đêm tối, trèo lên núi cao, tận lực thổi tù và. Mọi người ở xứ ấy chưa từng nghe tiếng tù và, nay được nghe, liền nghĩ: ‘Tiếng gì mà vi diệu, rất kỳ lạ, thật đáng ưa thích, đáng xem nghe, khiến tâm hoan duyệt như thế?’ Bấy giờ những người ấy bèn cùng nhau đi đến chỗ người thổi tù và giỏi. Sau khi đến, hỏi rằng: ‘Đó là tiếng gì mà vi diệu, rất kỳ lạ, thật đáng ưa thích, đáng đến xem nghe, khiến tâm hoan duyệt như thế?’ Người thổi tù và giỏi đem liệng cái tù và xuống đất, bảo mọi người rằng: ‘Các vị nên biết, chính đó là tiếng tù và’. Lúc đó, mọi người lấy chân đá tù và rồi nói rằng: ‘Tù và hãy kêu đi! Tù và hãy kêu đi!’ Nhưng nó im lìm không âm hưởng. Người thổi tù và giỏi liền nghĩ: ‘Nay những người này ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ. Vì sao? Vì muốn tìm âm thanh từ một vật vô tri’. Bấy giờ người thổi tù và giỏi nhặt tù và lên, dùng nước rửa sạch, đưa lên miệng mà tận lực thổi. Khi ấy mọi người nghe xong, liền nghĩ: ‘Tù và thật kỳ diệu’. Vì sao? ‘Vì nhờ tay, nhờ nước, nhờ miệng, hơi thổi mới phát ra tiếng hay, vang khắp bốn phương’. Này vua Bệ-tứ, cũng như vậy, nếu người còn sống mới có thể nói năng, hỏi han nhau được. Nếu khi chết thì không thể nói năng, hỏi han được nữa. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh ra lại cũng như vậy, chứ đừng giống cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại hỏi:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự kiện phi lý này. Tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân, đem đến chỗ của tôi. Đến rồi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, kẻ này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân này cân sống. Cân sống xong, vật xuống đất, dùng dây thắt cổ giết chết. Giết xong, đem cân lại, ta mới biết người này lúc nào thì nhẹ cân, mềm mại, tươi nhuận, đẹp đẽ hơn, đó là lúc sống hay là lúc chết?’ Vị quan ấy vâng lời tôi, đem tội nhân ấy cân sống, rồi vật xuống đất, dùng dây thắt cổ giết chết. Giết xong, đem cân lại, thấy rằng tội nhân lúc sống thì nhẹ, mềm mại, sắc tươi nhuận, đẹp đẽ hơn, còn lúc chết thì nặng, cứng, không mềm mại và sắc không tươi nhuận. Này Ca-diếp, nhân sự kiện ấy, cho nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu được ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như thanh sắt hay lưỡi cày sắt được đốt cháy suốt ngày, vật bằng sắt ấy lúc bấy giờ thì nhẹ, mềm, sắc tươi nhuận và đẹp hơn. Nếu lửa tắt, nó dần dần trở nên nguội lạnh, nặng hơn, cứng, không mềm và sắc không tươi. Cũng vậy, này vua Bệ-tứ, nếu người lúc còn sống thì thân thể nhẹ, mềm mại, sắc tươi nhuận, đẹp đẽ. Nếu lúc chết thì nặng hơn, cứng, không mềm mại và sắc không tươi nữa. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh cũng như thế, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si thì vị ấy bằng thiên nhãn thanh tịnh hơn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy hiện tượng đó đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân, đem đến chỗ tôi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân ấy bỏ vào nồi sắt hoặc bỏ vào nồi đồng, đậy kín miệng lại và đốt lửa ở dưới. Khi đã đốt lửa rồi, hãy quan sát cùng khắp, xem chúng sanh ấy lúc vào lúc ra, qua lại chỗ nào?’ Vị quan ấy vâng lời tôi, đem tội nhân ấy bỏ vào nồi sắt hoặc bỏ vào nồi đồng, đậy kín miệng lại và đốt lửa ở dưới. Khi đã đốt lửa, quan sát cùng khắp để xem chúng sanh ấy lúc ra lúc vào qua lại chỗ nào. Nhưng này Ca-diếp, tôi làm phương thức như vậy mà chẳng thấy chúng sanh hóa sanh. Này Ca-diếp, nhân sự kiện ấy nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, nay tôi hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Vua nghĩ sao, nếu vào ban ngày, vua ăn thức ăn mỹ diệu ngon lành, rồi lên giường nằm ngủ. Vua nhớ lại đã từng ở trong mộng, có lần thấy vườn tược, hồ tắm, rừng cây, hoa trái, suối trong, sông dài, qua lại cùng khắp chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Tôi nhớ lại đã từng có như vậy.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi tiếp:

“Ngày đó, sau khi ăn những thức ăn ngon lành mỹ diệu xong, vua lên giường nằm ngủ. Bấy giờ có ai đứng hầu bên cạnh chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Có.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi tiếp:

“Ngày đó, sau khi ăn những thức ăn ngon lành mỹ diệu xong, lên giường nằm ngủ. Lúc ấy, những người hầu hai bên tả hữu có thấy được khi vua ra vào, qua lại cùng khắp chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Dù cho có ai khác cũng không thể thấy, huống nữa là bạn hầu hạ hai bên.”

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng quán chúng sanh hóa sanh cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh lúc sanh lúc tử, lúc đẹp lúc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện ấy đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng:

“Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có quan hữu ty bắt một tội nhân đem đến trước tôi, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Tôi bảo: ‘Hãy đem tội nhân này lóc da, xẻo thịt, chặt gân, đục xương đến tận tủy để tìm chúng sanh hóa sanh’. Này Ca-diếp, tôi đã làm phương cách như thế mà rốt cuộc cũng chẳng thấy chúng sanh sanh. Này Ca-diếp, nhân sự kiện đó nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này thì liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như Phạm chí bện tóc thờ lửa, ở gần bên đường. Cách đó không xa có những người khách buôn tá túc. Vào lúc sáng sớm, những người khách buôn ấy vội vã ra đi, bỏ quên một đứa bé. Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa dậy sớm, đi đến nơi khách buôn tạm trú, xem thấy đứa bé đứng một mình, không có chủ nhân. Thấy xong, vị ấy nghĩ: ‘Nay thằng bé con này không có nơi nương tựa, nếu ta không nuôi thì chắc nó sẽ chết’. Nghĩ như thế, Phạm chí liền bồng đem về nuôi. Thời gian sau, đứa bé lớn khôn, bấy giờ Phạm chí thờ lửa bện tóc bận chút việc ở thôn xóm khác. Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa bảo thiếu niên rằng: ‘Ta bận chút việc phải xuống thôn xóm một thời gian. Con phải giữ lửa cẩn thận, chớ để nó tắt. Nếu lửa tắt con phải dùng cái cọ lửa này mà nhen lại’. Bấy giờ Phạm chí bện tóc thờ lửa căn dặn cẩn thận xong, liền xuống thôn xóm. Sau đó, thiếu niên ấy ra ngoài rong chơi, lửa tắt hết. Sau khi trở về nó muốn nhen lửa, liền dùng cái cọ lửa đánh xuống đất, bảo rằng: ‘Lửa hãy cháy lên!’ Nhưng lửa vẫn không cháy. Lửa không cháy, nó phá cái cọ lửa ấy ra thành từng mảnh, một trăm mảnh vứt đi, ngồi bệt xuống đất sầu não mà nói rằng: ‘Không tìm được lửa, phải làm sao đây?’ Bấy giờ Phạm chí bện tóc thờ lửa đã làm xong công việc ở thôn xóm, liền trở về nhà. Về đến nơi, hỏi thiếu niên ấy rằng: ‘Con không vui chơi mà chăm sóc ngọn lửa, không để nó tắt chăng?’ Nó trả lời: ‘Thưa Tôn giả, con đi ra ngoài chơi nên sau đó lửa đã tắt. Khi trở về con muốn nhen lửa, liền lấy cái cọ lửa đánh xuống đất, bảo rằng: ‘Lửa hãy cháy lên! Lửa hãy cháy lên!’ mà cuối cùng lửa vẫn không cháy. Con lại đặt lên phiến đá, ra sức đánh mà bảo: ‘Lửa hãy cháy lên! Lửa hãy cháy lên!’, nhưng lửa vẫn không cháy. Con liền phá cái cọ ấy ra thành mười mảnh, một trăm mảnh vứt đi, rồi ngồi bệt xuống đất. Thưa Tôn giả, con đã tìm kiếm như thế mà không có lửa, không biết làm sao!’ Lúc đó, Phạm chí bện tóc thờ lửa nghĩ rằng: ‘Cậu thiếu niên này quá ngu si, không thông suốt, không rõ ràng, không có trí tuệ. Vì sao? Vì từ cái cọ lửa vô tri mà nghĩ cách lấy lửa như vậy’. Khi ấy, Phạm chí bện tóc thờ lửa đem cọ lửa và vật mồi lửa đặt xuống đất mà cọ xát thì bật lửa và cháy bùng lên, liền bảo thiếu niên rằng: ‘Này con, phương pháp lấy lửa phải như vậy, chớ không phải như con ngu si, không thông suốt, không có trí tuệ, từ cái cọ lửa vô tri mà nghĩ cách lấy lửa như con đã làm’.

“Cũng vậy, nên biết, này vua Bệ-tứ, vua cũng lại như vậy, ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không trí tuệ, đối với xác thịt chết cho đến xương tủy vô tri mà muốn thấy chúng sanh hóa sanh. Này vua Bệ-tứ, vua nên quán chúng sanh sanh như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có vị Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si, vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy thấy sự kiện đó đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế, nhưng tôi đối với quan niệm này, bảo thủ vì dục, bảo thủ vì sân nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, trọn không thể xả bỏ. Vì sao? Nếu có người ở nước khác nghe được, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có quan niệm đã thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đoạn trừ và xả bỏ’. Này Ca-diếp, vì thế, tôi đối với quan niệm này bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì si, trọn không thể xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, ví như hai người bạn bỏ nhà đi tìm kế sinh nhai. Trên đường đi, ban đầu họ thấy có rất nhiều cây gai không chủ. Một người trông thấy, bảo bạn rằng: ‘Bạn nên biết, ở đây có rất nhiều cây gai không chủ. Tôi muốn bạn cùng lấy, bó lại đem về, có thể làm vật dụng được’. Hai người liền lấy bó lại để gánh đi.”

“Trên đường đi họ lại thấy rất nhiều tơ lụa kiếp-bối, vải kiếp-bối không chủ, lại thấy rất nhiều bạc cũng không chủ. Thấy xong, một người vất bỏ cây gai đang gánh, lấy bạc gói lại.

“Trên đường đi lại thấy nhiều đống vàng cũng không có chủ. Bấy giờ người gánh bạc bàn với người gánh gai: ‘Này bạn nên biết! Vàng này quá nhiều mà không có chủ, bạn nên vứt bỏ cây gai, tôi thì vứt bỏ bạc đang gánh. Tôi muốn cùng với bạn đồng lấy vàng này gánh trở về, có thể chi dụng được hơn’. Người gánh gai bảo người gánh bạc: ‘Tôi gánh gai này sau khi đã sắp xếp gọn gàng, bó lại chắc chắn, từ xa gánh tới đây, tôi không thể bỏ được, nên bạn biết đấy, chớ lo cho tôi’. Khi ấy người gánh bạc giật gánh gai quăng xuống đất rồi xổ tung ra. Người gánh gai bảo người gánh bạc rằng: ‘Bạn đã xổ tung gánh gai của tôi như vậy, tôi đã mất công bó lại chắc chắn, gánh từ xa tới đây, nên tôi dứt khoát gánh cây gai này về, không thể bỏ được. Bạn hãy tự biết, chớ lo cho tôi’. Người gánh bạc liền bỏ gánh bạc, lấy vàng gánh về.

“Người gánh vàng trở về, từ xa, cha mẹ trông thấy con gánh vàng về, thấy rồi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Hãy đến đây con. Con nhờ vàng này sống được sung sướng, phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho vợ con, tớ gái và người sai bảo, lại có thể bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí, tạo phước tăng thượng, thiện quả, thiện báo, sanh vào cõi trời, sống lâu’.

“Người gánh cây gai trở về nhà, từ xa, cha mẹ trông thấy con gánh cây gai trở về, thấy vậy mắng rằng: ‘Ngươi là người có tội trở về, là người vô đức trở về. Vì bó gai này ngươi không sống được, không thể phụng dưỡng cha mẹ, không thể chu cấp cho vợ con, tớ gái và người sai bảo, lại cũng không thể bố thí cho các Sa-môn, Phạm chí, không thể tạo phước tăng thượng, không được thiện quả, thiện báo, không thể sanh vào cõi trời để được sống lâu’.

“Cũng vậy, nên biết, này vua Bệ-tứ, vua cũng như thế. Nếu đối với quan niệm ấy, vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ, thì vua sẽ thọ lãnh vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét.”

Vua Bệ-tứ lại nói rằng:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế, nhưng đối với quan niệm này tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi bảo thủ vì ngu si, nên không bao giờ xả bỏ. Vì sao? Nếu người khác nghe được, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ quan niệm thọ trì từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ xả bỏ’. Vì thế, này Ca-diếp, nên đối với quan niệm này tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, nên không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Bệ-tứ, Hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như một khách buôn, cùng với đoàn khách buôn đông đảo, có một ngàn cỗ xe đi vào con đường nguy hiểm. Trong đoàn khách buôn ấy có hai vị thương chủ. Hai vị ấy nghĩ rằng: ‘Chúng ta làm sao thoát khỏi nạn này?’ Họ lại nghĩ: ‘Đoàn của chúng ta nên chia làm hai, mỗi toán năm trăm’.

“Đoàn khách buôn ấy liền chia ra hai toán, mỗi toán năm trăm, một thương chủ dẫn năm trăm cỗ xe, tiến vào con đường nguy hiểm. Người thương chủ ấy thường đi dẫn đường ở phía trước, thấy một người từ mé đường đi ra, quần áo ướt sũng, chân đen, đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, đeo tràng hoa cỏ thơm[10], đi xe lừa, hai bánh dính bùn. Vị thương chủ trông thấy liền hỏi: ‘Phía trong con đường bí hiểm này, trời có mưa chăng? Có nước trong, củi và cỏ chăng?’ Người ấy đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn, có nhiều nước trong và nhiều củi, cỏ. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi, cỏ, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ được nước trong và củi với cỏ tốt’.

“Vị thương chủ ấy nghe xong, liền trở lại đến toán của mình, thuật lại rằng: ‘Ta đi trước, thấy một người từ bên đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen, đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Ta hỏi người ấy: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi, cỏ chăng?’ Người ấy đáp rằng: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn, có nhiều nước trong, củi và cỏ tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ được nước trong, củi và cỏ tốt’. Này các bạn, chúng ta hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Như vậy không bao lâu nữa chúng ta sẽ có nước trong cùng củi và cỏ, chớ để nặng xe’.

“Các khách buôn vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Đi một ngày đường, họ không thấy nước trong, củi và cỏ. Sau bảy ngày, toán khách buôn ấy bị quỷ ăn thịt người sát hại.

“Người thương chủ thứ hai nghĩ rằng: ‘Vị thương chủ trước đã qua khỏi tai nạn nguy hiểm. Chúng ta phải dùng phương cách nào để thoát nạn?’ Nghĩ xong, vị ấy cho năm trăm cỗ xe cùng tiến vào con đường nguy hiểm. Cũng đi trước dẫn đường, vị thương chủ thứ hai thấy có một người từ mé đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Vị thương chủ thứ hai này trông thấy liền hỏi: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi và cỏ không?’ Người lạ đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời mưa lớn lắm, có rất nhiều nước trong, củi và cỏ rất tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ đi, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa các bạn sẽ được nước trong, củi và cỏ tốt’.

“Người thương chủ thứ hai nghe xong, trở lại với toán, thuật rằng: ‘Ta đi đàng trước, thấy có một người từ bên mé đường đi ra, áo quần ướt sũng, thân đen đầu vàng, đôi mắt đỏ lòm, mang tràng hoa cỏ thơm, cỡi xe lừa, hai bánh dính bùn. Ta hỏi: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời có mưa không? Có nước trong, củi và cỏ không?’ Người ấy đáp: ‘Phía trong con đường nguy hiểm này trời thường mưa lớn, có nhiều nước trong, củi và cỏ tốt. Này các bạn, các bạn hãy vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ đi, chớ để nặng xe. Đi không bao lâu nữa, các bạn sẽ thấy được nước trong, củi và cỏ tốt’. Này các bạn, chúng ta chưa thể vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ được. Nếu lấy được nước, củi và cỏ mới, sau đó chúng ta mới bỏ’.

“Toán khách buôn ấy không vứt bỏ nước cũ, củi và cỏ. Đi một ngày đường, không lấy được nước, củi và cỏ mới. Họ đi hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày mà vẫn không lấy được.

“Lúc người thương chủ thứ hai đi trước, trông thấy người thương chủ thứ nhất và toán khách buôn đi trước đã bị quỷ ăn thịt người sát hại; thấy rồi, bảo toán của mình rằng: ‘Này các bạn, các bạn hãy xem người thương chủ đi trước ấy ngu si, không thông suốt, không hiểu rõ, không có trí tuệ; đã tự giết mình, lại giết đồng bọn nữa. Các bạn, nếu muốn lấy hàng hóa của người khách buôn toán trước thì tự tiện mà lấy’.

“Này vua Bệ-tứ, nên biết rằng vua cũng lại như vậy. Nếu với quan niệm ấy, vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ, thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét nữa. Cũng như người thương chủ thứ nhất và đồng bọn thuộc nhóm thứ nhất.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ bỏ. Vì sao? Nếu những người ở nước khác nghe đến, liền bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ’. Vì thế, này Ca-diếp, đối với quan niệm đó tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ này liền hiểu ý nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như hai người hẹn nhau chơi đổ súc sắc. Người thứ nhất thường lén trộm con súc sắc mà ngậm[11], ngậm một lần, hai lần, ba lần cho đến nhiều lần. Người thứ hai liền nghĩ: ‘Cùng chơi với người này, nó luôn luôn gạt mình, trộm con súc sắc mà ngậm một, hai, ba lần cho đến nhiều lần’. Nghĩ thế, người ấy nói với bạn: ‘Ta muốn nghỉ, sau đó sẽ chơi lại’. Bấy giờ người thứ hai rời khỏi chỗ ấy, dùng thuốc tẩm vào con súc sắc rồi trở lại cùng chơi. Người thứ nhất lại lén trộm con súc sắc mà ngậm, một lần, hai, ba hoặc đến nhiều lần. Ngậm xong, liền trợn mắt, sùi bọt mép gần chết. Bấy giờ người thứ hai hướng về người thứ nhất nói bài tụng:

Xúc xắc này tẩm độc

Người tham ăn không biết

Trước ngồi chơi, gạt ta

Sau phải mang họa khổ.

“Này vua Bệ-tứ, nên biết, vua cũng lại như vậy. Nếu quan niệm ấy vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si không bao giờ xả bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ. Lại bị mọi người chê ghét. Cũng như người chơi súc sắc, vì lừa gạt mà bị mang họa.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ này. Người có trí nghe ví dụ liền hiểu nghĩa. Này vua Bệ-tứ, cũng như người nuôi heo, lúc đang đi trên đường thấy có rất nhiều phân khô không chủ, liền nghĩ rằng: ‘Phân này có thể nuôi no đủ cho nhiều con heo, ta nên lấy gói lại mang đi’. Người ấy liền đội phân mà đi, giữa đường gặp trời mưa lớn, phân chảy ra, chảy xuống vấy phẩn cùng thân nhưng người ấy vẫn đội đi không vứt bỏ. Người ấy thọ vô lượng sự xấu, lại bị mọi người chê ghét. Này vua Bệ-tứ, nên biết rằng vua cũng như thế. Nếu đối với quan niệm ấy vua bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét, cũng như người nuôi heo kia.”

Vua Bệ-tứ lại nói:

“Tuy Sa-môn Ca-diếp nói như thế nhưng với quan niệm ấy, tôi bảo thủ vì dục, bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ. Vì sao? Nếu những người ở các nước khác nghe sẽ bảo rằng: ‘Vua Bệ-tứ có một quan niệm đã thọ trì từ lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai, đã đoạn trừ, xả bỏ’. Này Ca-diếp, vì thế nên tôi đối với quan niệm này muốn bảo thủ vì nhuế, bảo thủ vì dục, bảo thủ vì sợ hãi, bảo thủ vì ngu si, không bao giờ xả bỏ.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói ví dụ cuối cùng. Nếu vua biết thì tốt, nếu vua không biết thì tôi cũng không thuyết pháp nữa. Này vua Bệ-tứ, cũng như con heo lớn, thủ lãnh của đàn heo năm trăm con, đi vào con đường nguy hiểm, nó gặp một con cọp. Khi con heo đã trông thấy con cọp, liền nghĩ: ‘Nếu đấu với cọp thì cọp sẽ giết mình. Nếu sợ bỏ chạy thì thân tộc sẽ khinh mình, không biết phải dùng phương cách nào để thoát nạn?’ Nghĩ xong, nó nói với cọp rằng: ‘Nếu muốn đấu thì hãy đấu, nếu không thì hãy tránh đường cho ta qua’. Cọp nghe liền bảo rằng: ‘Ta chấp nhận đấu với ngươi, chớ không tránh đường cho ngươi’. Heo lại nói rằng: ‘Này cọp, ngươi hãy đợi chốc lát, ta mặc áo giáp của tổ phụ xong rồi hãy trở lại cùng đấu’. Cọp nghe vậy liền nghĩ: ‘Nó chẳng phải địch thủ của ta, huống là áo giáp của tổ phụ nó’. Nghĩ xong, bảo heo: ‘Cho tùy ý ngươi’. Heo liền trở về chuồng, lăn trong đống phân, làm lấp phân đến tận mắt rồi trở lại chỗ cọp, nói rằng: ‘Ngươi muốn đấu thì hãy đấu, nếu không thì hãy tránh đường cho ta đi qua’. Sau khi thấy heo, cọp nghĩ: ‘Ta thường không ăn sâu bọ tạp nhạp vì uổng hàm răng, huống là phải gần con heo hôi hám này’. Con cọp nghĩ xong, liền bảo heo: ‘Ta tránh đường cho ngươi chớ không đấu với ngươi nữa’. Heo đi qua rồi hướng về phía cọp nói bài tụng:

Này cọp, ngươi bốn chân,

Ta cũng có bốn chân.

Hãy đến đấu cùng ta,

Sợ gì mà bỏ chạy?”

“Bấy giờ cọp nghe xong, nói bài tụng trả lời heo rằng:

Ngươi lông mọc như rừng;

Hèn nhất trong loài vật.

Này heo, hãy cút mau;

Phân thối chịu không nổi.”

“Lúc ấy, heo tự khoe, nói bài tụng rằng:

Hai nước Ma-kiệt, Ương[12]

Nghe ta đấu với ngươi.

Hãy đến đấu với ta’

Sợ gì mà bỏ chạy?”

“Cọp nghe vậy, lại nói bài tụng:

Toàn thân, lông đều nhơ

Ngươi làm ta lây thối

Ngươi đánh muốn cầu thắng

Ta nay cho ngươi thắng[13].”

Tôn giả Ca-diếp bảo rằng:

“Này vua Bệ-tứ, tôi cũng như thế, nếu với quan niệm ấy, vua bảo trì vì dục, bảo trì vì sân nhuế, bảo trì vì sợ hãi, bảo trì vì ngu si, không bao giờ bỏ thì vua sẽ thọ vô lượng sự dữ, lại bị mọi người chê ghét, cũng giống như cọp để cho heo thắng.”

Vua Bệ-tứ nghe xong, nói rằng:

“Thưa Tôn giả, ngay từ đầu Tôn giả nói ví dụ mặt trời và mặt trăng. Lúc nghe xong, tôi hiểu ngay, hoan hỷ thọ trì, nhưng tôi muốn được nghe những biện tài càng lúc càng cao siêu của bậc thượng diệu trí ở nơi Tôn giả nên tôi hỏi đi hỏi lại mãi. Tôi nay đem mình quy y Tôn giả Ca-diếp.”

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua chớ quy y tôi. Tôi đã quy y Phật, vua cũng nên quy y theo Ngài.”

Vua Bệ-tứ nói[14]:

“Thưa Tôn giả, con nay đem mình quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Mong Tôn giả thay Phật nhận con làm Ưu-bà-tắc. Bắt đầu từ ngày hôm nay và trọn đời, con đem mình quy y cho đến lúc mạng chung. Thưa Tôn giả Ca-diếp, con từ hôm nay bắt đầu thực hành bố thí, tu phước.”

Tôn giả Ca-diếp hỏi:

“Này vua Bệ-tứ, vua muốn thực hành bố thí, tu phước. Vậy sẽ bố thí cho bao nhiêu người và thời gian bao lâu?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Bố thí cho trăm người hoặc đến ngàn người. Một ngày, hai ngày hoặc đến bảy ngày.

Tôn giả Ca-diếp bảo:

“Nếu vua thực hành bố thí, tu phước. Bố thí cho một trăm người hoặc đến một ngàn người; một ngày, hai ngày hoặc đến bảy ngày thì các Sa-môn, Phạm chí ở khắp nơi đều có nghe vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Các vị ấy nghe xong đều sẽ từ phương xa đến, trong bảy ngày sẽ không đủ thời gian để vua bố thí. Nếu có ai không nhận được phẩm vật do nhà vua bố thí, vua không được phước, không được thọ an lạc lâu dài. Này vua Bệ-tứ, cũng như hạt giống không nát, không hư, không nứt, không bể, không bị tổn thương bởi gió, bởi ánh nắng, bởi nước, được cất giấu chu đáo vào tiết thu. Nếu cư sĩ kia cày sâu, ruộng tốt, làm đất thuần thục xong, gieo giống đúng thời nhưng mưa không kịp lúc thì ý vua nghĩ sao? Hạt giống kia có sanh trưởng được chăng?”

Đáp rằng:

“Dạ không.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như thế. Nếu thực hành bố thí, tu phước. Bố thí cho một trăm người hoặc một ngàn người, từ một ngày cho đến bảy ngày. Những Sa-môn, Phạm chí ở các phương xa đều nghe rằng vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Các vị ấy nghe xong liền từ phương xa đến, thí trong bảy ngày không đủ thời gian để vua bố thí. Nếu có vị nào không nhận được thực phẩm do vua bố thí thì vua không được phước, không được thọ an lạc lâu dài.”

Vua Bệ-tứ lại hỏi:

“Thưa Tôn giả, tôi phải làm thế nào?”

Tôn giả Ca-diếp đáp:

“Này vua Bệ-tứ, nếu vua thực hành bố thí, tu phước thì phải thường cung cấp trường trai[15]. Nếu vua thực hành bố thí, tu phước mà không thường cung cấp trường trai thì các vị Sa-môn, Phạm chí ở khắp nơi nghe rằng: vua Bệ-tứ có một quan niệm thọ trì đã lâu, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Nghe xong, từ các phương xa các vị đều đến, đều có thể được vua bố thí, nên vua có phước, được an lạc lâu dài. Này vua Bệ-tứ, cũng như hạt giống không hư, không nát, không nứt, không bể, không bị thương tổn bởi gió, bởi ánh nắng, bởi nước, đã cất giấu chu đáo vào tiết thu. Nếu cư sĩ cày sâu, ruộng tốt, làm đất thuần thục xong, gieo giống đúng thời, mưa kịp lúc, ý vua nghĩ sao? Hạt giống kia có thể sanh trưởng được chăng?”

Vua đáp:

“Sanh trưởng được.”

Tôn giả Ca-diếp lại bảo:

“Này vua Bệ-tứ, vua cũng như vậy. Nếu thực hành bố thí, tu phước mà thường cung cấp trường trai thì các Sa-môn, Phạm chí ở các nơi nghe vua Bệ-tứ có một quan niệm đã thọ trì lâu dài, nay bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục sửa sai nên đã đoạn trừ, xả bỏ. Nghe xong, từ các phương xa, các vị đều đến, đều có thể được vua bố thí nên vua được phước, được hưởng an lạc lâu dài.”

Bấy giờ vua Bệ-tứ nói:

“Con từ nay bắt đầu thực hành bố thí, tu phước và thường cung cấp trường trai.”

Lúc đó, Tôn giả Ca-diếp thuyết pháp cho vua Bệ-tứ và các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho những vị ấy rồi, Tôn giả ngồi im lặng.

Bấy giờ vua Bệ-tứ và các Phạm chí, cư sĩ Tư-hòa-đề được Tôn giả Ca-diếp thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Tôn giả, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Sau đó, vua Bệ-tứ tuy thực hành bố thí, tu phước, nhưng bố thí quá thậm tệ, như canh đậu xấu, rau thối, chỉ có một miếng gừng; lại bố thí áo gai thô xấu. Bấy giờ người cai bếp tên là Ưu-đa-la[16], lúc nhà vua bố thí, tu phước, liền xin Thượng tọa chú nguyện cho nhà vua thế này: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Vua Bệ-tứ nghe Ưu-đa-la lúc vua bố thí tu phước lại xin Thượng tọa chú nguyện rằng: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Nghe vậy, vua kêu cai bếp lại hỏi:

“Này Ưu-đa-la, lúc ta bố thí, tu phước, ngươi xin Thượng tọa chú nguyện cho ta rằng: ‘Nếu cuộc bố thí này có phước báo gì, chớ để cho vua Bệ-tứ hưởng thọ trong đời này và đời sau’. Có quả thật như vậy chăng?”

Ưu-đa-la đáp:

“Quả thật vậy, tâu Thiên vương. Vì sao? Thiên vương tuy bố thí tu phước nhưng quá thậm tệ: Bố thí canh đậu xấu, rau thối, chỉ có một miếng gừng. Tâu Thiên vương, thức ăn ấy không đáng để đưa tay vọc, huống là để ăn. Thiên vương bố thí áo gai xấu, tâu Thiên vương, áo ấy không đáng để dùng chân dậm lên huống là để mặc. Con kính Thiên vương nhưng không trọng sự bố thí ấy, cho nên, tâu Thiên vương, con không mong phước báo của cuộc bố thí tệ mạt này để Thiên vương được hưởng.”

Vua Bệ-tứ nghe xong, liền bảo:

“Này Ưu-đa-la, ngươi từ nay bắt đầu đem thức ăn như ta đã ăn mà bố thí. Con đem áo như áo ta đã mặc mà bố thí.”

Từ đó về sau, Ưu-đa-la đem thức ăn giống như thức ăn của vua mà bố thí, đem áo giống như áo vua đã mặc mà bố thí. Bấy giờ Ưu-đa-la nhờ coi sóc việc bố thí cho vua Bệ-tứ nên sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi trời Tứ thiên vương. Còn vua Bệ-tứ thì không chí tâm bố thí nên thân hoại mạng chung sanh vào cung điện trống không rừng Tòng thọ[17].

Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề[18] thường du hành trong Tòng thọ lâm không cung điện, từ xa trông thấy vua Bệ-tứ, liền hỏi rằng:

“Ông là ai?”

Vua Bệ-tứ đáp:

“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, Tôn giả có nghe trong châu Diêm-phù có vua xứ Tư-hòa-đề tên là Bệ-tứ chăng?”

Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề đáp ;

“Tôi nghe trong châu Diêm-phù-đề, ở xứ Tư-hòa-đề có vua tên là Bệ-tứ.”

Vua Bệ-tứ nói:

“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, con chính là vua ấy, vốn tên là Bệ-tứ.”

Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề lại hỏi:

“Này vua Bệ-tứ, vua đã quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’, thế thì do đâu vua sanh vào đây, trú trong vào cung điện trống không rừng Tòng thọ, ở Tứ thiên vương nhỏ hẹp này?

Vua Bệ-tứ lại thưa:

“Thưa Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề, con vốn có quan niệm ấy nhưng bị Sa-môn Ca-diếp hàng phục, sửa sai nên đã đoạn trừ xả bỏ. Nếu Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề có xuống châu Diêm-phù thì xin báo cùng khắp cho mọi người ở châu Diêm-phù hay rằng: Nếu có bố thí, tu phước thì hãy chí tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, chí tín bố thí, biết có nghiệp báo bố thí. Vì sao? Vì muốn đừng để cho một ai hưởng phước báo như vua Bệ-tứ xứ Tư-hòa-đề nữa. Vua Bệ-tứ là vua bố thí vì không chí tâm bố thí nên sanh vào vào cung điện trống không rừng Tòng thọ ở cõi Tứ thiên vương nhỏ hẹp.”

Bấy giờ Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề im lặng nhận lời. Sau đó, lúc Tôn giả Kiều-diệm-bát-đề xuống châu Diêm-phù, rao cùng khắp cho mọi người ở châu Diêm-phù biết: phải chí tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, chí tín bố thí, biết có nghiệp, có nghiệp báo bố thí. Vì sao? Vì muốn đừng để cho một ai hưởng phước báo bố thí như vua Bệ-tứ, xứ Tư-hòa-đề nữa. Vua Bệ-tứ là vua bố thí mà vì không chí tâm bố thí nên sanh vào vào cung điện trống không rừng Tòng thọ, ở cõi Tứ thiên vương nhỏ hẹp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp thuyết như vậy. Vua Bệ-tứ và các cư sĩ xứ Tư-hòa-đề nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích Kinh Bệ Tứ:

[01] Tương đương Pāli D.23 Pāyāsi-suttanta. Biệt dịch DTK.1 (7).

[02] Cưu-ma-la Ca-diếp 鳩 摩 羅 迦 葉. Pāli: Kumāra-kassapa, nổi danh xuất sắc về biện luận. Ngài được gọi là Kumāra, vương tử hay đồng tử, vì được vua nuôi, xuất gia mới lên bảy. No.1 (7) nói là: Đồng nữ Ca-diếp.

[03] Tư-hòa-đề 斯 惒 提; Pāli: Setavyā, thị trấn của Kosala.

[04] Thi-nhiếp-hòa lâm 尸 攝 惒 林; Pāli: Siṃsapavana. Có một khu rừng Siṃsapavana ở Ālavi và một khu ở Kosambi.

[05] Bệ-tứ 鞞 肆; No.1 (7): Tệ Túc. Pāli: Pavāsi, thủ trưởng thị trấn Setavyā.

[06] Bản văn nói A-la-ha nhưng đây gọi theo dịch ngữ thông dụng nhất.

[07] Hữu hậu thế, hữu chúng sanh sanh 有 後 世 有 眾 生 生. No.1 (7): Hữu hậu thế, hữu cánh sanh. Pāli: atthi paraloko, atthi sattā opapātikā: Có đời sau, có hóa sanh hữu tình.

[08] Paro loko, Hán thường dịch là hậu thế (đời sau); nhưng trong tiếng Phạn, cũng có nghĩa là thế giới (hay thế gian) khác. Cho nên câu trả lời có ví dụ như thế.

[09] Dịch sát nguyên văn Hán, có thể hiểu: “Vua có sự kiện phi lý nào để trình bày rõ hơn không?” Nhưng, tham khảo bản Pāli: atthi pana Rājañña pariyāyo yena te pariyāyena evaṃ hoti, iti pi n’atthi paraloko, n’atthi sattā opapātikā, n’atthi sukaṭadukkaṭānaṃ, “Đại vương, còn có lý do nào để nói không có thế giới khác, không có chúng sanh hóa sanh, không có quả báo thiện ác”.

[10] Trước hành hoa man 著 蘅; hoành tức đổ hành, loại cỏ hoa thơm, lấy cỏ làm tràng hoa, chỉ cho sự dữ tợn.

[11] Trong bản Hán nói là thiết thực 竊 食, lén mà ăn, nuốt.

[12] Tức Ma-kiệt-đà (Magadha) và Ương-già (Aṅga), cách nhau bởi con sông Campā, trong thời Đức Phật, cả hai đều ở dưới sự cai trị của vua Pasenadi.

[13] Bản Pāli và Trường A-hàm không có thí dụ chót này. Nó châm biếm thái độ ngoan cố của Pāyāsi.

[14] No.1 (7): Tệ-tú hỏi: Tôn sư Tôn giả ở đâu? Tôn giả đáp: Tôn sư của tôi diệt độ chưa bao lâu.

[15] Trường trai chỉ cho cuộc lễ thí kéo dài, không phải ăn chay trường. Bản Pāli và No.1(7) nói hơi khác: vua muốn mở cuộc đại thí (yañña), nhưng Tôn giả cản, nếu trong cuộc đại thí ấy có súc vật bị giết, tôi tớ bị sai khiến mệt nhọc, bị đánh đập.

[16] Giám trù Ưu-đa-la. No.1 (7): một niên thiếu Bà-la-môn (không nói tên). Pāli: Uttāra mānava, niên thiếu Bà-la-môn Uttāra bất mãn và nói ngạo bị bỏ qua.

[17] Nhiếp (hay Tòng) thọ lâm Không cung điện; cung điện trong cõi Catummahārājākadevā, và các thiên thần ở đây được coi là Yakkha (Dạ-xoa). Trước cung điện có một cây serīsa, năm mươi năm nẩy trái một lần.

[18] Kiều-diệm-bát-đề, Pāli: Gavampati: một vị A-la-hán, nguyên là con một nhà đại phú ở Ba-la-nại.


Mục Lục Phẩm 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13 14 15 16 17 18 Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Trung A-Hàm 7 – Phẩm Trường Thọ Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 4 – Phẩm Vị Tằng Hữu Pháp - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng
  • Những Truyện Cảm Ứng Về Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 2 – Phẩm Nghiệp Tương Ưng - Kinh Tạng
  • Pháp Yếu Niệm Tụng Đà La Ni Bạch Tản Cái Đại Phật Đỉnh Vương Tối Thắng Vô Tì Đại Oai Đức Kim Cang Vô Ngại Đại Đạo Tràng - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Năng Thắng Phan Vương Như Lai Trang Nghiêm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 5 – Phẩm Tập Tương Ưng - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 3 – Phẩm Xá-Lê Tử Tương Ưng - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 7 – Kinh Ví Dụ Tấm Vải (Vatthùpama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Võng – Quyển Thượng - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi Chú Tạng Trung Nhứt Tự Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 58 – Kinh Vương Tử Vô Úy (Abhayaràjakumàra sutta) - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 14 – Phẩm Tâm - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 10 – Phẩm Lâm - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Võng 62 Tà Kiến - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 01 – Kinh Phạm Võng (Brahmajàla Sutta) - Kinh Tạng
  • Những Nghi Vấn Về Pháp Môn Tịnh Độ - Kinh Tạng