Kinh Bốn Phẩm Pháp Môn

Phật Thuyết Tứ Phẩm Pháp Môn Kinh

Tống Pháp Hiền dịch

Bản Việt dịch của Huyền Thanh

***

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc (Jeṭavaṇe’nāthapiṇḍadasyārāma) tại nước Xá-Vệ (Śrāvastya) cùng với Đại Chúng đến dự.

Bấy giờ Tôn Giả A Nan (Ānanda) ở một mình trong Tịnh Thất, Tâm sinh niệm này: “Hết thảy sự kinh sợ cho đến sự tai hại, chướng nạn, bệnh tật, lỗi lầm…đã sinh, đang sinh của Hữu Tình trong Thế Gian, đều là điều mà người ngu đã có. Còn bậc Trí thì không có”

Tôn Giả A Nan suy nghĩ việc như vậy xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Đức Phật ngự. Đến nơi xong, cúi đầu mặt lễ bàn chân của Đức Phật, sửa sang cung phụng xong, đứng ở một bên rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Con ở một mình trong Tịnh Thất, Tâm sinh niệm này: “Hết thảy sự kinh sợ cho đến sự tai hại, chướng nạn, bệnh tật, lỗi lầm…đã sinh, đang sinh của Hữu Tình trong Thế Gian, đều là điều mà người ngu đã có. Còn bậc Trí thì không có”. Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con giải nói”

Đức Phật bảo A Nan: “Nay ông hãy nghe cho kỹ ! Ta sẽ vì ông mà nói”

A Nan bạch rằng: “Dạ vâng ! Bạch Đức Thế Tôn, con vui nguyện muốn nghe”

Đức Phật nói: “Này A Nan ! Hết thảy việc thuộc nhóm kinh sợ trong Thế Gian như vậy, đã sinh đang sinh. Ấy là nhóm: tai hại, chướng nạn, bệnh tật, lỗi lầm… đều là điều mà người ngu đã có. Còn bậc Trí thì không có

Này A Nan ! Ví như có người gom góp cỏ lau khô chất đống, làm thành chỗ nhóm lửa. Việc thuộc nhóm kinh sợ của người ngu kia cũng lại như thế.

Này A Nan ! Trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại thì người ngu có sự tai hại còn bậc Trí không có sự tai hại, người ngu có chướng nạn còn bậc Trí không có chướng nạn, người ngu có bệnh tật còn bậc Trí không có bệnh tật, người ngu có lỗi lầm còn bậc Trí không có lỗi lầm.

A Nan nên biết Pháp của người ngu này, Pháp của bậc Trí này. Biết Pháp của người ngu kia xong, sẽ có thể xa lìa, mà thực hành Pháp của bậc Trí.

Như vậy A Nan ! Ông cần phải học”

_ A Nan bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Thế nào gọi là người ngu ?”

Đức Phật bảo A Nan: “Người ngu là ngu dốt vì chẳng có sự hiểu biết. Người ngu trong Thế Gian đối với Pháp, chẳng có sự hiểu biết cho nên gọi là ngu

Chẳng có sự hiểu biết là sao ? Chẳng hiểu biết Pháp Cảnh (Dharma-Artha: đối tượng dẫn khởi các tác dụng cảm biết hoặc suy nghĩ về Pháp) có bốn Phẩm Loại. Ấy là: Chẳng hiểu biết Pháp của Giới [Dhātu: có nghĩa là Đặc Tính. Xưa dịch là Trì, tức nghĩa là cùng tồn tại với nhau mà không mất. Do những điểm chung của đặc tính nên Giới còn được giải thích là Thông Tính, tức tính chất chung), chẳng hiểu biết Pháp của Xứ (Āyatana: xưa dịch là Nhập nghĩa là cửa sinh trưởng của Tâm, Tâm Sở. Tâm Vương, Tâm Sở dùng Xứ làm chỗ nương tựa, duyên vào Xứ mà sinh trưởng, nếu lìa Xứ thì không sinh trưởng được), chẳng hiểu biết Pháp của Duyên Khởi (Pratītya¬samutpāda), chẳng hiểu biết Pháp của Xứ (Đối với mỗi một việc kia thì Lý không có trái ngược nhau) Phi Xứ (Đối với mỗi một việc kia thì Lý có trái ngược nhau)

Này A Nan ! Đối với Pháp như vậy, chẳng thể thấu đạt. Chính vì thế cho nên có tên gọi là người ngu vậy”

_ A Nan bạch rằng: “Thế Tôn ! Như vậy ! Như vậy ! Chẳng hiểu biết bốn Pháp thì gọi là người ngu. Lại nữa thế nào mới được gọi là bậc Trí ?”

Đức Phật bảo A Nan: “Nói người Trí là: Đối với Pháp thì có sự lựa chọn, khéo hiểu biết điều đúng (thị) diều sai (phi), cho nên gọi là người Trí.

Khéo hiểu biết là sao ? Khéo hiểu biết Pháp Cảnh, cũng có bốn Phẩm Loại. Ấy là: Khéo hiểu biết Pháp của Giới, khéo hiểu biết Pháp của Xứ, khéo hiểu biết Pháp của Duyên Khởi, khéo hiểu biết Pháp của Xứ Phi Xứ. Khéo hay hiểu thấu Pháp của nhóm như vậy. Chính vì thế cho nên có tên gọi là người Trí vậy”.

_ A Nan lại bạch Phật rằng: “Khéo hiểu biết Pháp này thì có tên gọi là bậc Trí, nhưng bậc Trí này hiểu biết Pháp của Giới nào ?”

Đức Phật bảo A Nan: “Ông hay khéo hỏi, Ta sẽ vì ông mà nói về Pháp của Giới,. Nhưng có nhiều loại là: Nhãn Giới (Cakṣu-dhātu: Đặc tính của con mắt là cơ quan thị giác, có khả năng nhìn thấy mọi hình sắc), Sắc Giới (Rūpa-dhātu: Đặc tính của hình thể màu sắc là đối tượng của con mắt,cảnh giới của Nhãn Thức), Nhãn Thức Giới (Cakṣu-vijñāna-dhātu: Đặc tính của Nhãn Thức là sự nhận biết rõ hình thể màu sắc qua sự nương nhờ vào con mắt ), Nhĩ Giới (Śrotra-dhātu: Đặc tính của lỗ tai là cơ quan thính giác, có khả năng nghe thấy mọi âm thanh), Thanh Giới (Śrotra-dhātu: Đặc tính của âm thanh là đối tượng của lỗ tai), Nhĩ Thức Giới (Śrotra-vijñāna-dhātu: Đặc tính của Nhĩ Thức là sự nhận biết rõ các âm thanh qua sự nương nhờ vào lỗ tai), Tỵ Giới (Ghrāṇa-dhātu: Đặc tính của lỗ mũi là cơ quan khứu giác, có khả năng ngửi biết mọi mùi hương), Hương Giới (Gandha-dhātu: Đặc tính của mùi ngửi là đối tượng của lỗ mũi, cảnh giới của Tỵ Thức), Tỵ Thức Giới (Ghrāṇa-vijñāna-dhātu: Đặc tính của Tỵ Thức là sự nhận biết rõ các mùi ngửi qua sự nương nhờ vào lỗ mũi), Thiệt Giới (Jihva-dhātu: Đặc tính của cái lưỡi là cơ quan vị giác, có khả năng nếm biết mọi mùi vị), Vị Giới (Jihva-dhātu: Đặc tính của vị nếm là đối tượng của cái lưỡi, cảnh giới của Thiệt Thức), Thiệt Thức Giới (Jihva-Vijñāna-dhātu: Đặc tính của Thiệt Thức là sự nhận biết rõ các vị nếm qua sự nương nhờ vào mắt cái lưỡi), Thân Giới (Kāya¬dhātu: Đặc tính của thân thể là cơ quan xúc giác, có khả năng cảm biết mọi sự tiếp chạm), Xúc Giới (Spraṣṭavya-dhātu: Đặc tính của cảm xúc khi tiếp chạm là đối tượng của thân xác, cảnh giới của Thân Thức), Thân Thức Giới (Kāya-Vijñāna-dhātu: Đặc tính của Thân Thức là sự nhận biết rõ cảm xúc khi tiếp chạm qua sự nương nhờ vào thân thể), Ý Giới (Manas-dhātu: Đặc tính của Ý là cơ quan tư duy, có khả năng nghĩ biết phân biệt các cảnh), Pháp Giới (Dharma-dhātu: Đặc tính của Pháp cảnh là đối tượng của Ý Căn, cảnh giới của Ý Thức), Ý Thức Giới (Manas-Vijñāna-dhātu: Đặc tính của Ý Thức là sự nhận biết rõ mọi Pháp Cảnh qua sự nương nhờ vào Ý Căn). Mười tám Giới (Aṣṭādaśa-dhātavaḥ) như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt.

.) Lại có sáu Giới (Ṣaḍ-dhātavaḥ còn gọi là sáu Đại tức sáu nguyên tố căn bản) là Địa Giới (Pṛthivī-dhātu: nguyên tố đất là nguyên tố rắn chắc có tác dụng giữ gìn tức là tính bền của vật chất), Thủy Giới (Ap-dhātu: nguyên tố nước là nguyên tố ướt

mềm có tác dụng nhóm họp tức là tính dính ướt của vật chất), Hỏa Giới (Tejas-dhātu: nguyên tố lửa là nguyên tố phóng ánh sáng ấm áp có tác dụng thiêu cháy, nấu chín tức là tính ấm áp của vật chất ), Phong Giới (Vāyu-dhātu: nguyên tố gió là nguyên tố bốc hơi rung chuyển có tác dụng lay động, tức là tính động của vật chất), Không Giới (Ākāśa-dhātu: nguyên tố hư không là nguyên tố căn bản của vũ trụ tức là khoảng hở trống giữa vật với vật; có đặc tính vô ngại, vô hạn, bao trùm và chứa đựng tất cả. Nghĩa là bốn nguyên tố đất nước lửa gió muốn tồn tại để tương tác tương tùy hòa hợp cùng nhau thì phải dựa vào hư không). [Năm nguyên tố này tạo thành Khí Thế Gian của Vô Tình tức là Sắc Pháp (Rūpa-dharma)], Thức Giới (Vijñāna-dhātu: nguyên tố hiểu biết là sự nhận biết phân biệt của các Hữu Lậu, là nơi nương tựa sinh tồn của hữu tình), [Nguyên tố thứ sáu này hình thành tinh thần hay tâm linh của loài Hữu Tình, tức là Danh Pháp (Nāma-dharma)]. Sáu Giới như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt

.) Lại có sáu Giới là: Hỷ Giới (Muditā-dhātu: Đặc tính của cảm giác vui sướng trong thân tâm), Lạc Giới (Sukha-dhātu: Đặc tính của cảm giác ưa thích trong thân tâm), Khổ Giới (Duḥkha-dhātu: Đặc tính của cảm giác đau khổ trong thân tâm), Xả Giới (Upekṣā-dhātu: Đặc tính của cảm giác không khổ không vui trong thân tâm), Phiền Não Giới (Kleśa-dhātu: Đặc tính của sự phiền não),Vô Minh Giới (Avidyā¬dhātu: Đặc tính của sự hiểu biết sáng tỏ). Sáu Giới như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt

.) Lại có sáu Giới là: Tham Dục Giới (Rāga-dhātu: Đặc tính của sự tham dục), Sân Khuể Giới (Dveṣa-dhātu: Đặc tính của sự giận dữ), Bất Sân Giới (Đặc tính của sự chẳng giận dữ), Sát Hại Giới (Đặc tính của sự chẳng giết hại), Bất Sát Giới (Đặc tính của sự chẳng giết chóc), Xuất Ly Giới (Naiṣkramya-dhātu: Đặc tính của sự lìa khỏi cõi mê lầm). Sáu Giới như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt

.) Lại có bốn Giới là: Thọ Giới (Vedanā-dhātu: Đặc tính của cảm giác), Tưởng Giới (Saṃjñā-dhātu: Đặc tính của tri giác) , Hành Giới (Saṃjñā-dhātu: Đặc tính của sự lưu chuyển tạo ứng tức là các hoạt động của tâm ý), Thức Giới (Vijñāna-dhātu: Đặc tính của sự nhận thức). Bốn Giới như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt

.) Lại có ba Giới là Dục Giới (Kāma-dhātu: cõi Dục), Sắc Giới (Rūpa-dhātu: cõi Sắc), Vô Sắc Giới (Ārūpya-dhātu: cõi Vô Sắc). Ba Giới như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt.

.) Lại có ba Giới là Hạ Giới (Cõi bên dưới, hay cõi Âm), Trung Giới (Cõi ở giữa, hay cõi người), Thượng Giới (Cõi bên trên, hay cõi Trời). Ba Giới như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt.

.) Lại có ba Giới là Thiện Giới (Kuśala-dhātu: Đặc tính của sự tốt lành), Bất Thiện Giới (Akuśala-dhātu: Đặc tính của sự xấu ác), Vô Ký Giới (Avyākṛta-dhātu: Đặc tính của sự không tốt không xấu). Ba Giới như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt.

.) Lại có ba Giới là Hữu Giới (Śaikṣa-dhātu: Đặc tính của ba bậc còn phải tu học là: Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hàm, A Na Hàm), Vô Học Giới (Aśaikṣa-dhātu: Đặc tính của bậc không còn phải tu học là bậc A La Hán), Học Vô Học Giới (Śaikṣa-Aśaikṣa¬dhātu: Đặc tính của bậc còn phải tu học là hàng Bồ Tát đang ở mười Địa với bậc không còn phải tu học là bậc đã chứng Phật Quả). Ba Giới như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt.

.) Lại có hai Giới là Hữu Lậu Giới (Āsrava-dhātu: Đặc tính của người tu học còn vướng mắc phiền não), Vô Lậu Giới (Sāsrava-dhātu: Đặc tính của bậc tu học đạt đến cảnh giới đoạn diệt hết phiền não). Hai Giới như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt.

.) Lại có hai Giới là Hữu Vi Giới (Saṃskṛta-dhātu: Đặc tính của sự còn có nhân duyên tạo tác, tức chỉ cõi luân hồi sinh tử), Vô Vi Giới (Asaṃskṛta-dhātu: Đặc tính của sự không còn có nhân duyên tạo tác, tức chỉ cõi Niết Bàn). Hai Giới như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt.

Này A Nan ! Giới của nhóm như vậy thì các bậc có Trí đều khéo hay thấu đạt”.

_ A Nan bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Bậc Trí Tuệ kia, như vậy thấu đạt các Pháp của các Giới (Dhātu) xong. Lại nữa làm thế nào để thấu đạt Pháp của Xứ ?”

Đức Phật bảo A Nan: “Nói Pháp của Xứ (Āyatana) là mười hai xứ (Dvādaśa-āyatanani) gồm có Nhãn Xứ (Cakṣur-āyatana, hay Cakṣu-indriya: con mắt), Sắc Xứ (Rūpa-āyatana: Đối tượng dẫn khởi các tác dụng cảm biết suy nghĩ của con mắt tức là các hình thể màu sắc), Nhĩ Xứ (Śrotra-āyatana, hay Śrotra-indriya: lỗ tai), Thanh Xứ (Śabda-āyatana: Đối tượng dẫn khởi các tác dụng cảm biết suy nghĩ của lỗ tai tức là mọi âm thanh), Tỵ Xứ (Ghrāṇa-āyatana, hay Ghrāṇa-indriya: lỗ mũi), Hương Xứ (Gandha-āyatana: Đối tượng dẫn khởi các tác dụng cảm biết suy nghĩ của lỗ mũi tức là các mùi ngửi), Thiệt Xứ (Jihvā-āyatana, hay Jihvā-indriya: cái lưỡi), Vị Xứ (Rasa¬āyatana: Đối tượng dẫn khởi các tác dụng cảm biết suy nghĩ của cái lưỡi tức là các vị nếm), Thân Xứ (Kāya-āyatana, hay Kāya-indriya: thân xác), Xúc Xứ (Spraṣṭavya¬āyatana: Đối tượng dẫn khởi các tác dụng cảm biết suy nghĩ của thân thể tức là các cảm giác khi tiếp xúc), Ý Xứ (Manas-āyatana, hay Manas-indriya: Ý Căn tức khí quan hiểu biết hết thảy làm lộ ra năng lực hiểu biết), Pháp Xứ (Dharma-āyatana: Đối tượngdẫn khởi các tác dụng cảm biết suy nghĩ của Ý Căn tức là các Pháp cảnh). Mười hai Xứ như vậy thì bậc Trí Tuệ kia, như thật thấu đạt.

_ A Nan lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Bậc Trí kia, như vậy thấu đạt mười hai Xứ xong. Lại nữa làm thế nào để hiểu biết Pháp Duyên Sinh (Pratītyasamutpanna¬dharma) ?”

Đức Phật bảo A Nan: “ Bậc Trí nên biết Pháp của mười hai Duyên (Dvadaśāṅga-pratītya-samutpāda) từ Nhân Duyên dấy lên, do nhân duyên cho nên liền có các Pháp. Nhân Duyên (Hetu-pratyaya) là sao? Ấy là: Vô Minh (Avidyā) duyên với Hành (Saṃskāra), Hành duyên với Thức (Vijñāna), Thức duyên với Danh Sắc (Nāma-rūpa), Danh sắc duyên với sáu Xứ (Ṣaḍ-āyatana), sáu Xứ duyên với Xúc (Sparśa), xúc duyên với Thọ (Vedanā), Thọ duyên với Ái (Tṛṣṇā), Ái duyên với Thủ (Upādāna), Thủ duyên với Hữu (bhava), Hữu duyên với Sinh (Jāti), Sinh duyên với Lão Tử (Jarā-maraṇa) lo buồn, khổ não…Như vậy tức là một Đại Khổ Uẩn Tập (gom chứa)

Nếu hiểu biết Pháp của Duyên Sinh như bên trên. Tính của Nhân Duyên vốn trống rỗng (Śūnya: Không), Duyên (Pratyaya) tụ liền có (Bhava), Duyên tan liền không có (Abhava). Do Pháp của Duyên không có cho nên liền không có các Pháp. Ấy là Vô Minh (Avidyā) diệt tức Hành (Saṃskāra) diệt, Hành diệt tức Thức (Vijñāna) diệt, Thức diệt tức Danh Sắc (Nāma-rūpa) diệt, Danh Sắc diệt tức sáu Xứ (Ṣaḍ-āyatana) diệt, sáu Xứ diệt tức xúc (Sparśa) diệt, Xúc diệt tức Thọ (Vedanā) diệt, Thọ diệt tức Ái (Tṛṣṇā) diệt, Ái diệt tức Thủ (Upādāna) diệt, Thủ diệt tức Hữu (bhava) diệt, Hữu diệt tức Sinh (Jāti) diệt, Sinh diệt tức Già (Jarā), chết (Maraṇa) lo buồn, khổ não diệt. Như vậy tức một Đại Khổ Uẩn diệt. Pháp sinh diệt như vậy thì bậc Trí cần phải như thật thấu đạt

_ A Nan lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Bậc Trí kia đối với Pháp Duyên Sinh (Pratītyasamutpanna-dharma), như vậy biết xong. Lại làm thế nào để hiểu biết Pháp của Xứ Phi Xứ ?”

Đức Phật bảo A Nan: “Pháp của Phi Xứ là thân, miệng, ý gây tạo nghiệp chẳng lành mà đạt được quả báo vui sướng tốt lành, thời không có trường hợp (Xứ) này. Nếu thân, miệng, ý gây tạo các nghiệp lành mà lại có quả báo chẳng tốt lành thời cũng không có trường hợp (Xứ) này.

_ Nói là Xứ, ấy là thân, miệng, ý gây tạo các nghiệp lành mà đạt được quả báo vui sướng tốt lành, thời có trường hợp (Xứ) này. Nếu thân, miệng, ý gây tạo nghiệp chẳng lành mà chiêu cảm được quả báo chẳng tốt lành thời cũng có trường hợp (Xứ) này.

_ Lại nữa A Nan ! Nói Phi Xứ là thân, miệng, ý gây tạo nghiệp chẳng lành, như điều đã mong cầu được quả thù thắng. Do nhân duyên này, sau khi mệnh chung, nếu sinh vào cõi Trời Người, thời không có trường hợp (Xứ) này. Nếu thân, miệng, ý gây tạo nghiệp lành mà bị rơi vào nẻo ác thời không có trường hợp (Xứ) này.

_ Nói là Xứ, ấy là thân, miệng, ý gây tạo các nghiệp lành được sinh vào cõi Trời Người, thời có trường hợp (Xứ) này. Nếu gây tạo nghiệp ác mà bị rơi vào nẻo ác, thời cũng có trường hợp (Xứ) này.

_ Lại nữa A Nan ! Thế Gian nếu có hai Đức Phật ra đời, thời không có trường hợp (Xứ) này. Một Đức Phật ra đời thời có trường hợp (Xứ) này.

_ Lại nữa, nếu đời có hai vị Luân Vương xuất hiện thời cũng không có trường hợp (Xứ) này. Nếu có một vị Luân Vương xuất hiện thời có trường hợp (Xứ) này.

_ Như vậy nếu có người nữ làm vị Chuyển Luân Vương, cai trị cảm hóa Thế Gian, cho đến làm Tứ Vương Thiên Chủ, Đao Lợi Thiên Chủ, Đại Phạm Thiên Vương với thành Duyên Giác, bậc Vô Thượng Bồ Đề. Việc của nhóm như vậy thời không có trường hợp (Xứ) này.

Nếu có kẻ trai lành (Kula-putra) có đủ tướng Đại Nhân, Phước Tuệ trang nghiêm, làm vị Chuyển Luân Vương, rời khỏi Thế Gian, cho đến được thành Vô Thượng Bồ Đề, thời có trường hợp (Xứ) này.

_ Lại nữa A Nan ! Nếu người có Chính Kiến mà giết cha, hại mẹ, giết A La Hán, phá Hòa Hợp Tăng, làm cho thân Phật chảy máu, gây tạo nghiệp năm Nghịch như vậy, thời không có trường hợp (Xứ) này.

_ Lại nữa A Nan ! Nếu người có Chính Kiến, thọ nhận đầy đủ Giới Phẩm mà tự mình phạm Giới rồi đối với bậc A Xà Lê (Ācārye: Quỹ Phạm Sư) sinh điều hủy báng, nói lời như vầy: “ Vị A Xà Lê này có Giới Pháp chẳng lành, cũng chẳng hay thọ trì Cấm Giới. Ta nên chọn lựa vị A Xà Lê khác để thọ học Giới Pháp”. Nói lời này xong, đi đến chỗ của Sa Môn, Bà La Môn, chọn lựa vị Thầy, thọ nhận người ấy. Hoặc gặp Sa Môn, Bà La Môn gây tạo các Hý Luận chẳng phải Luật Nghi, mà y theo vâng mệnh nơi vị ấy làm A Xà Lê để cầu sự vắng lặng lìa khỏi ba cõi…thời không có trường hợp (xứ) này.

Việc của nhóm như vậy, nếu ngu si Tà Kiến làm điều này để tìm cầu thời có trường hợp (xứ) này.

_ Lại nữa A Nan ! Nếu người chẳng chặt đứt Căn Bản Phiền Não (Mūla-kleśa) với Tùy Phiền Não (Upakleśā). Do phiền não cho nên tổn giảm căn lành, chướng ngại Trí Tuệ, che trùm Pháp Chân Tịch Tĩnh của Niết Bàn (Nirvāṇa). Nếu người ấy hiểu thấu bốn Niệm Xứ (Catvāri smṛty-upasthānāni) thời không có trường hợp (xứ) này.

Nếu người chặt đứt Căn Bản Phiền Não với Tùy Phiền Não, khéo hay hiểu thấu Pháp bốn Niệm Xứ, cầu đến Niết Bàn thời có trường hợp (xứ) này.

_ Lại nữa A Nan ! Nếu người chặt đứt Phiền Não (Kleśa), mà khéo hiểu thấu bốn Niệm Xứ, hay chứng bảy Giác Chi (Sapta-bodhyaṅgāni), hướng đến Niết Bàn thời không có trường hợp (xứ) này.

Nếu người đoạn trừ Phiền Não xong, hiểu thấu bốn Niệm Xứ, hay chứng bảy Giác Chi, hướng đến Niết Bàn thời có trường hợp (xứ) này.

_ Lại nữa A Nan ! Nếu người chẳng chặt đứt Phiền Não, mà hiểu thấu bốn Niệm Xứ, chứng bảy Giác Chi, dứt hết bờ mé của khổ đau, hướng đến Niết Bàn, thành Duyên Giác Bồ Đề, cho đến Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác…thời không có trường hợp (xứ) này.

Nếu chặt đứt Phiền Não, hiểu thấu bốn Niệm Xứ, chứng bảy Giác Chi, dứt hết bờ mé của khổ đau, hướng đến Niết Bàn, thành Duyên Giác Bồ Đề, cho đến Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác…thời có trường hợp (xứ) này”.

Đức Phật bảo A Nan: “Bậc Trí như vậy, như thật thấu đạt Pháp của Xứ Phi Xứ. Các ông cần phải như Lý mà học”

_ Khi ấy A Nan bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Con nghe Pháp chưa từng có như vậy, được vị Cam Lộ (Amṛta), tự cảm thấy rất hạnh phúc vui thích.

Thế Tôn ! Kinh này nên dùng tên gọi nào ? Chúng con thọ trì như thế nào ?”

Đức Phật bảo A Nan: “Kinh này có tên gọi là bốn Phẩm Pháp Môn, cũng gọi là cái gương Pháp (Pháp Kính:Dharma-darpaṇa), cũng có tên gọi là cái trống Cam Lộ (Cam Lộ Cổ: Amṛta-duṇḍubhi), cũng có tên gọi là nhiều Giới (Đa Giới: Bahu-dhātu). Danh tự như vậy, ông nên thọ trì”

Bấy giờ Tôn Giả A Nan với các Đại Chúng nghe điều Đức Phật đã nói, đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành

PHẬT NÓI KINH BỐN PHẨM PHÁP MÔN

_Hết_

*) Ghi chú:

Tam Giới (Trayo dhātavaḥ): Ba Thế Giới cư trú của chúng sinh là Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới

A_ Dục Giới (Kāma-dhātu): Thế giới cư trú của chúng hữu tình có đủ sự ham muốn hành dâm, ham muốn tình dục, ham muốn sắc đẹp, ham muốn thức ăn, ham muốn ngủ nghỉ. Bên trên từ Tha Hóa Tự Tại Thiên, khoảng giữa bao quát bốn Châu to lớn của Nhân Gian, bên dưới đến Địa Ngục A Tỳ…Nam nữ ở chung với nhau, phần lớn có các nhiễm dục.

Dục Giới được chia ra làm 11 Xứ (gồm 5 đường và 6 cõi Trời)

1_ Địa Ngục (Naraka)

2_ Súc Sinh (Tiryagyoni)

3_ Ngạ Quỷ (Preta)

4_ Nhân Gian (Manuṣya) gồm có bốn Đại Châu là:

_ Đông Thắng Thân Châu (Pūrva-videha)

_ Nam Thiệm Bộ Châu (Jambu-dvīpa)

_ Tây Ngưu Hóa Châu (Apara-godānīya)

_ Bắc Câu Lô Châu (Uttara-kuru: Bắc Thượng Thắng Châu)

5_ A Tu La (Asura: Phi Thiên)

6_ Tứ Thiên Vương Thiên (Cāturmahārājakāyika-deva)

7_ Đao Lợi Thiên (Trayastriṃśa: Tam Thập Tam Thiên)

8_ Diễm Ma Thiên (Yāma: Dạ Ma Thiên)

9_ Đâu Suất Thiên (Tuṣita)

10_ Hóa Tự Tại Thiên (Nirmāṇa-rati)

11_ Tha Hóa Tự Tại Thiên (Paranirmita-vaśa-vartin)

[Bản khác ghi nhận thêm cõi Ma Thiên (Mārā-deva) kế tiếp cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, tổng cộng thành 12 xứ]

B_ Sắc Giới (Rūpa-dhātu): Thế Giới cư trú của chúng hữu tình xa lìa được hai sự ham muốn về sự hành dâm với thức ăn, có đủ nhóm sắc chất trong sạch. Thế Giới này ở ngay bên trên cõi Dục, không có dục nhiễm, không có hình người nữ, chúng sinh ở cõi ấy đều do sự hóa sinh, cung điện cao lớn, tất cả đều có sự thù diệu tinh hảo. Cõi này y theo thứ tự cạn sâu của Thiền Định mà chia ra làm bốn Địa (tức Tứ Thiền Thiên, Tứ Tĩnh Lự Thiên)

_ Chư Thiên ở Sơ Thiền được gọi chung là Ly Sinh Hỷ Lạc Địa, có ba cõi Trời là:

Phạm Chúng Thiên (Brahma-pāriṣadya)

Phạm Phụ Thiên (Brahma-purohita)

Đại Phạm Thiên (Mahā-brahman)

_ Chư Thiên ở Nhị Thiền được xưng chung là Định Sinh Hỷ Lạc Địa, có ba cõi Trời là:

Thiểu Quang Thiên (Parīttābha)

Vô Lượng Quang Thiên (Apramāṇābhā)

Cực Quang Tịnh Thiên (Ābhāsvara:Quang Âm Thiên)

_ Chư Thiên ở Tam Thiền được xưng chung là Ly Hỷ Diệu Lạc Định, có ba cõi Trời là:

Diệu Tịnh Thiên (Parītta-śubha)

Vô Lượng Tịnh Thiên (Apramāṇa-śubha)

Biến Tịnh Thiên (Śubha-kṛtsna)

_ Chư Thiên ở Tứ Thiền được xưng chung là Xả Niệm Thanh Tịnh Địa, có tám cõi Trời là:

Vô Vân Thiên (Anabhraka)

Phước Sinh Thiên (Puṇya-prasava)

Quảng Quả Thiên (Bṛhat-phala)

Vô Phiền Thiên (Avṛha)

Vô Nhiệt Thiên (Atapa)

Thiện Hiện Thiên (Sudṛśa)

Thiện Kiến Thiên (Sudarśana)

Sắc Cứu Cánh Thiên (Akaniṣṭha)

(5 cõi Trời cuối được gọi chung là Ngũ Tịnh Cư Thiên)

[Bản khác ghi nhận thêm cõi Đại Thiện Kiến Thiên (Mahā-sudarśana) kế tiếp cõi Thiện Hiện Thiên, tổng cộng có 9 cõi Trời thuộc Tứ Thiền Thiên)

C_ Vô Sắc Giới (Ārūpya-dhātu): Thế Giới cư trú của chúng hữu tình còn có bốn Tâm: Thọ, Tưởng, Hành, Thức nhưng không có vật chất. Thế Giới này không có một vật nào là vật chất, cũng không có thân thể, cung điện, quốc thổ…mà chỉ do Tâm Thức trụ ở Thiền Định thâm diệu. Thế Giới này ở ngay trên Sắc Giới, tổng cộng có bốn cõi Trời, lại xưng là bốn Vô Sắc, bốn Không Xứ.

Không Vô Biên Xứ Thiên (Ākāśānantya-yatana)

Thức Vô Biên Xứ Thiên (Ākāśānantya-yatana)

Vô Sở Hữu Xứ Thiên (Akiñcanya-yatana)

Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên (Naivaśañjñānasañjñā-yatana).

Thuyết khác ghi nhận Tam Giới có thể được chia thành 25 Hữu (Giới).

1_ Địa Ngục Hữu

2_ Súc Sinh Hữu

3_ Ngạ Quỷ Hữu

4_ ATu La Hữu

5_ Đông Thắng Thần Châu Hữu

6_ Tây Ngưu Hóa Châu Hữu

7_ Bắc Thượng Thắng Châu Hữu

8_ Nam Thiệm Bộ Châu Hữu

9_ Tứ Thiên Xứ Hữu

10_ Đao Lợi Thiên Hữu

11_ Diễm Ma Thiên Hữu

12_ Đâu Suất Thiên Hữu

13_ Hóa Lạc Thiên Hữu

14_ Tha Hóa Tự Tại Thiên Hữu

15_ Sơ Thiền Hữu

16_ Phạm Vương Hữu

17_ Nhị Thiền Hữu

18_ Tam Thiền Hữu

19_ Tứ Thiền Hữu

20_ Vô Tướng Hữu

21_ Tĩnh Cư A Na Hàm Hữu

22_ Không Xứ Hữu

23_ Thức Xứ Hữu

24_ Vô Sở Hữu Xứ Hữu

25_ Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Hữu

Nếu đem A Hàm Thiên của Sắc Giới chia nhỏ ra làm năm (Ngũ A Hàm Thiên) thì tổng cộng có 29 Hữu (Giới).

    Xem thêm:

  • Kinh Duyên Khởi - Kinh Tạng
  • Đại Thánh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Tán Phật Pháp Thân Lễ - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 13 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 39 - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 13 – Phẩm Căn Bổn Phân Biệt - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Hỏi Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 15 – Phẩm Song - Kinh Tạng
  • Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 17 - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 2 – Phẩm Nghiệp Tương Ưng - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Tuệ Sỹ dịch - Kinh Tạng
  • Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 34 - Kinh Tạng
  • Nghi Thức Tụng Niệm Đại Lạc Kim Cang Tát Đỏa Lược Trích Từ Kinh Kim Cang Đỉnh Thắng Sơ Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Chú Mâu Lê Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 12 - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 14 – Phẩm Tâm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Quảng Bác Lâu Các Thiện Trụ Bí Mật Đà La Ni - Kinh Tạng