Kinh Công Đức Xưng Tán Đại Thừa

Xưng Tán Đại Thừa Công Đức Kinh

Đường Huyền Trang dịch

Bản Việt dịch của Thích Hạnh Tuệ

***

Tôi nghe như vầy.

Một thuở nọ, Đức Bạc Già Phạm, nơi điện công đức, an trú trong pháp giới tạng trang nghiêm, chỗ hành hoạt của chư Phật cùng chúng đại Thanh văn, đại Bồ tát không thể kể hết câu hội, và hàng trời người, A-tu-la v.v… đại chúng nhiều vô lượng, thứ tự vây quanh.

Bấy giờ trong chúng hội có một vị Bồ tát, hiện thân người nữ tên là Đức Nghiêm Hoa, nương nơi uy thần (của) Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ mà bạch Phật rằng: “(Bạch Đức Thế Tôn,) vì cớ sao gọi là Bồ tát ác hữu, để cho những vị Bồ Tát mới học biết được mà xa lánh?”

Lúc bấy giờ, Phật bảo Đức Nghiêm Hoa rằng: “Ta quán sát trong thế gian không có Thiên ma, Phạm thích, Sa môn, Bà la môn .v.v… và hàng Bồ tát mới học hướng đến vô thượng Bồ đề mà lại là ác tri thức. Ví như có những hàng Thanh văn, Độc giác như vậy thì chưa phải là Bồ Tát, vì Bồ Tát phải làm lợi lạc cho hữu tình, cần cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Hạng người nhị thừa ý chí hạ liệt chỉ cầu vui hưởng niết bàn cho mình, vì nhân duyên này, hàng Bồ tát mới học không nên cùng họ đồng ở một chùa, đồng ở một phòng, đồng nơi kinh hành, cùng đường vui chơi. Nếu các hàng Bồ tát ở trong Đại thừa đầy đủ sự đa văn, có được niềm tin bất hoại, ta có thể khai mở để cùng với bọ họ ở chung vì đã phát tâm hướng đến Bồ đề. Bằng như các loại căn lành ấy chưa thành thục thì không nên nói pháp Đại thừa giáo hóa, khiến sinh ra phỉ báng mang tội vô lượng.

“Hàng Bồ tát mới học trước nên gần gũi hàng đa văn Bồ tát đã học lâu trong giáo pháp Đại thừa, đã ở nơi Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, trồng căn lành để mau chóng thành thục, không nên gần gũi, vui chơi với hàng nhị thừa. Vì sao vậy? Vì nó ngăn ngại Bồ đề tâm của Bồ tát. Nó khiến cho xả bỏ Bồ đề tâm. Nó khiến cho suy giảm Bồ đề tâm. Nó làm cho huỷ phạm Bồ tát hạnh. Bồ tát thà xả bỏ thân mạng nầy, không nên xả bỏ tâm đại Bồ đề mà phát khởi ý thích thú, mong cầu nhị thừa. Nếu hàng Bồ tát khuyến khích hữu tình bỏ Bồ đề tâm thích thú với địa vị nhị thừa; nếu hàng Bồ tát khuyến khích hữu tình bỏ Bồ đề tâm làm các nghiệp ác, đều đọa địa ngục, thọ lãnh khổ báo cùng cực. Bồ tát thà giữ tâm đại Bồ đề mà chịu khổ trong địa ngục ngũ vô gián, trọn đời không xả bỏ tâm đại Bồ đề. Nếu như muốn mong cầu chứng đắc quả vị Dự lưu, Bồ tát thà giữ tâm đại Bồ đề, trăm ngàn đại kiếp thọ khổ nơi địa ngục, trọn đời không xả bỏ tâm đại Bồ đề. Nếu như muốn mong cầu chứng đắc quả vị Nhất lai, Bồ tát thà giữ tâm đại Bồ đề, thọ thân bàng sanh hoặc làm ngạ quỷ, trọn đời không xả bỏ tâm đại Bồ đề. Nếu như muốn mong cầu chứng đắc quả vị Bất hoàn, Bồ tát thà giữ tâm đại Bồ đề, tạo mười ác nghiệp đọa vào các đường ác thú, trọn đời không xả bỏ tâm đại Bồ đề. Nếu như muốn mong cầu chứng đắc quả vị Vô sanh, Bồ tát thà giữ tâm đại Bồ đề, vào trong lửa lớn cứu các sinh linh, trọn đời không xả bỏ tâm đại Bồ đề. Tất cả nên lo sợ mà quay về cõi Niết bàn.

“Lúc Bồ tát mới phát tâm Vô thượng Bồ đề, Bồ tát thương xót tất cả hữu tình trong vòng sinh tử luân chuyển không ai cứu giúp; thì tất cả Trời, Người, A tu la v.v… đều nên cúng dường; có năng lực nhiếp hóa tất cả hàng Thanh văn, Độc giác đạt đến quả vị cao tột; có năng lực nhiếp phục tất cả ma quân, các ác ma vương đều rất kinh sợ.”

Bấy giờ, Đức Nghiêm Hoa nghe Phật nói vậy, lại thỉnh Phật rằng: “Thế nào gọi là ma quân? Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót mà dạy bảo cho.”

Đức Phật bảo Đức Nghiêm Hoa rằng: “Khi nghe thuyết giáo pháp Đại thừa, không sanh tùy hỷ, không vui lắng nghe, không mong ngộ nhập, không thể tin thọ; trái lại cười nhạo, huỷ báng, khinh khi, ly gián chê bai, đánh đập xua đuổi; nên biết những kẻ ấy đều là ma quân. Đây gọi là những kẻ ham mê phi pháp, những kẻ tâm tánh hèn mọn, những kẻ mong cầu ngoại đạo, những kẻ thực hành tà hạnh, những kẻ hủy hoại chánh kiến; nên biết những kẻ ấy đều là hủy báng Đại thừa, phải đọa địa ngục, thọ khổ cùng cực. Kẻ ấy, sau khi sanh ra, sẽ sanh vào ngạ quỷ, trải qua trăm ngàn kiếp thường ăn phẩn uế; sau khi sanh vào cõi người, đui điếc câm ngọng, cơ thể không đủ, lỗ mủi bẹp xẹp, ngu đần vô trí, thân hình xấu xí. Cứ thứ tự như vậy, tội chướng tiêu hao, lưu chuyển mười phương, may gặp chư Phật, gần gũi cúng dường, nghe lại được Đại thừa trước mà tùy hỷ tín thọ. Nhờ nhân duyên này tâm đại Bồ đề liền phát, tinh cần dõng mãnh, tu hạnh Bồ tát dần dần học lên đến quả Bồ đề.

“Các Đức Phật Thế Tôn khởi tâm không phân biệt vì các loài hữu tình thuyết pháp năm thừa; do nơi bổn nguyện lực, nơi pháp giới thân mà trong tất cả thời pháp, từ nơi các lỗ chân lông, luân chuyển lưu xuất ra vô lượng ánh sáng pháp; dùng một loại âm thanh vi diệu để rưới mưa pháp cho vô lượng hữu tình trong cùng một chúng hội. Hàng Thanh văn thừa tin vui nghe Phật thuyết Thanh văn thừa pháp. Hàng Độc giác thừa tin vui nghe Phật thuyết Độc giác thừa pháp. Hàng Vô thượng thừa tin vui nghe Phật thuyết Vô thượng thừa pháp. Hàng chủng chủng thừa tin vui nghe Phật thuyết chủng chủng thừa pháp. Hàng Thiên nhân thừa tin vui nghe Phật thuyết Thiên nhân thừa pháp. Các hàng bàng sanh, ngạ quỷ v.v… cũng nghe Như Lai dùng âm thanh của mỗi loài mà thuyết pháp. Nếu có kẻ xưa nay chưa nghe pháp, họ thấy Phật ở trong chúng yên lặng. Những kẻ từng nghe Đại thừa mà phỉ báng đều trải qua vô lượng kiếp đọa vào đại địa ngục; từ bàng sanh, ngạ quỷ cho đến trong hàng trời người đều thọ khổ như vậy. Khi nghe pháp Đại thừa mà sanh hoan hỷ thâm sâu, niềm tin thuần tịnh liền phát sanh A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm.”

Bấy giờ, Đức Nghiêm Hoa nghe Phật thuyết như vậy, lại thỉnh Phật rằng: “Sao gọi là Đại thừa? Tên gọi Đại thừa này có bao nhiêu phần nghĩa ?”

Đức Thế Tôn bảo rằng: “Lành thay! Lành thay! Ngươi nên khéo lắng nghe công đức của Đại Thừa, nghe kĩ nghe kĩ, khéo tư duy nhớ nghĩ. Ta nay vì ngươi phân biệt giải nói tên gọi Đại thừa nầy cùng các phần mục nghĩa. Thừa nầy gồm thâu, bao trùm, sâu xa, không có chỗ sai sót, nên gọi Đại Thừa. Thừa nầy có công đức thậm thâm vi diệu, hơn cả đếm đong, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy bền chắc, những điều hư dối, chia chẻ không thể lay động, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy chân thật đến vô cùng vị lai, không có bờ mé cùng tận, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy mênh mông, bao trùm pháp giới, xa không biên tế, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy như biển, thâu nạp cất chứa, công đức qui tụ, nên gọi Đại Thừa. Thừa nầy như núi, trấn giữ vùng miền, kẻ ác không hại, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy như hư không, gồm thâu tất cả hữu tình vô tình, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy như đất, cả thẩy sinh trưởng việc thế gian hay xuất thế gian, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy như nước, thấm ướt tất cả, khiến không khô héo, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy như lửa, đốt sạch chướng ngại, khiến hết tập khí, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy như gió, quét sạch hết thẩy vầng mây sinh tử, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy như mặt trời, soi tỏ khắp cùng, thành thục tất cả, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy như mặt trăng, trừ sạch khổ sầu, phá các tà ám, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy tôn quý, trời rồng tám bộ đều kính sùng phụng, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy khắp vì, người khỏe thông đạt, ca vịnh ngợi khen, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy khắp vì, tứ vương Phạm Thích, lễ kính tôn trọng, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy khắp vì, các vị long thần v.v… cung kính giữ gìn, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy khắp vì, tất cả bồ tát, tinh cần tu học, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy gìn giữ, hạt giống Phật Thánh, chuyển tiếp tăng thịnh, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy viên mãn, đầy đủ uy đức, sáng rõ tất cả, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy chu cấp, tất cả hữu tình, khiến chẳng thiếu thốn, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy uy lực, như giống thuốc quý, chữa lành các bệnh, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy phá được, tất cả các giặc phiền não hữu tình, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy chuyển được, xe pháp vô thượng, lợi ích tất cả, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy vi diệu, thâm sâu bí mật, không thể nói kể, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy diệu dụng, nối giống Tam Bảo, khiến không tuyệt diệt, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy sáng tỏ, chân nghĩa cuộc đời, đạo lý cứu cánh, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy hiển lộ, các hạnh Bồ tát, đầy đủ không thiếu, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy hiển lộ, đất Phật công đức, đầy đủ không thiếu, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy lợi lạc, tất cả hữu tình, không có bờ mé, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy công năng, thiết lập nghĩa lớn, diệu dụng vô tận, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy huyền diệu, tâm ý kém cỏi, không thể tin thọ, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy bình đẳng, tâm ý cao thượng, có thể tin thọ, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy rộng lớn, kẻ ngu không thấu mà sanh cười nhạo, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy tôn quý, người trí có được như giữ của báu, nên gọi Đại thừa. Thừa nầy cao siêu, hàng Độc giác thừa v.v… tột cùng không sánh, nên gọi Đại thừa.”

Lúc Đức Phật nói như vậy, các công đức thù thắng của danh nghĩa, thể dụng Đại thừa rồi, tam thiên đại thiên thế giới rúng động sáu kiểu. Trong không trung trăm vạn loại nhạc trời vang lên, trống không đánh tự kêu, hoa trời tuyệt sắc, rực rỡ rơi xuống. Vô lượng thiên tử, vô số Thanh văn nghe pháp âm nầy, thấy điềm lành nầy đều phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ đề. Trăm ngàn Bồ tát mới học đồng lúc chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn.

Lúc bấy giờ, ngài A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay cung kính mà bạch Phật rằng: “Nay có pháp môn thậm thâm hi hữu nầy có thể làm lợi lạc cho tất cả hữu tình, lấy tên là gì để phụng trì, lưu bố?”

Đức Phật bảo A Nan: “Kinh nầy tên là Xưng Tán Đại Thừa Công Đức, cũng gọi là Hiển Thuyết Báng Pháp Nghiệp Chướng. Các ngươi dùng tên kinh đó để phụng trì.”

Lúc bấy giờ, Đức Bạc Già Phạm thuyết kinh nầy xong; A Nan Đà, vô lượng Thanh văn, Đức Nghiêm Hoa v.v… vô số Bồ tát, cùng hàng Trời, Người, A tu la v.v… tất cả đại chúng nghe Phật thuyết rồi đều hoan hỷ tín thọ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Củ Lí Ca Long Vương Tượng Pháp - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Câu Lợi Già La Đại Long Thắng Phục Ngoại Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Hoằng Đạo Quảng Hiển Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Thần Chú Thường Cù Lợi Độc Nữ Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Nữ Long Thí - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Cấu Xưng - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Hải Long Vương - Kinh Tạng
  • Bài Tụng Bồ Tát Long Thụ Khuyến Giới Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo - Kinh Tạng
  • Hà Da Yết Lợi Bà Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Pháp Đàn - Kinh Tạng
  • Kinh Long Thí Bồ Tát Bổn Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Tiêu Trừ Hết Thảy Chướng Nạn Thiểm Điện Tùy Cầu Như Ý - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Hải Long Vương Dạy Pháp Ấn - Kinh Tạng