1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11

45. PHÁP HỘI VÔ TẬN HUỆ BỒ TÁT THỨ BỐN MƯƠI LĂM

Như vầy tôi nghe một lúc đức Phật ở thành Vương Xá trong núi Kỳ Xà Quật cùng chúng đại Tỳ Kheo ngàn hai trăm năm mươi người câu hội.

Còn có một vạn đại Bồ Tát cùng họp, đó là Huệ Tràng Bồ Tát, Pháp Tràng Bồ Tát, Nguyệt Tràng Bồ Tát, Nhựt Tràng Bồ Tát, Vô Biên Tràng Bồ Tát v.v…

Còn có mười sáu tại gia Bồ Tát, Bạt Đà Bà La Bồ Tát làm thượng thủ.

Còn có sáu mươi vô tỉ dụ tâm đại Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát làm thượng thủ.

Còn có tất cả đại Bồ Tát trong Hiền kiếp, Di Lặc Bồ Tát làm thượng thủ.

Còn có sáu vạn đại Bồ Tát, Vô Tận Huệ Bồ Tát làm thượng thủ.

Bấy giờ Vô Tận Huệ Bồ Tát đứng dậy trịch y vai hữu, gối chấm đất chắp tay lễ Phật, đem các hoa báu phụng tán trên Phật mà bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nói là tâm Bồ đề ấy, do nghĩa gì mà gọi là tâm Bồ đề? Bồ Tát lại do bao nhiêu pháp thành tâm Bồ đề? Thế nào là tâm Bồ đề? Trong Bồ đề, tâm bất khả đắc; trong tâm, Bồ đề cũng bất khả đắc; lìa Bồ đề, tâm bất khả đắc; lìa tâm, Bồ đề cũng bất khả đắc.

Bồ đề ấy không sắc không tướng chẳng ngôn thuyết được, tâm ấy cũng không sắc không tướng chẳng hiển thị được. Chúng sanh cũng như vậy, đều bất khả đắc.

Bạch đức Thế Tôn! Các pháp như vậy sẽ y cứ nghĩa gì mà tu hành?”

Đức Phật dạy: “Nầy Vô Tận Huệ! Nay ông lắng nghe kỹ và khéo suy nghĩ.

Ta nói Bồ đề ấy vốn không danh tự ngôn thuyết. Tại sao, vì trong Bồ đề danh tự ngôn thuyết bất khả đắc vậy. Tâm và chúng sanh cũng lại như vậy, nếu biết như vậy thì gọi là tâm Bồ đề.

Bồ đề ấy chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại. Tâm và chúng sanh cũng chẳng phải quá vị hiện tại. Nếu biết nghĩa ấy thì gọi là Bồ Tát, nhưng trong ấy cũng bất khả đắc.

Với tất cả pháp đều vô sở đắc thì gọi là được tâm Bồ đề.

Như A La Hán được quả A La Hán mà ở trong ấy đều vô sở đắc chỉ trừ theo thế tục gọi là đắc quả, nơi tất cả pháp đều vô sở đắc. Được tâm Bồ đề cũng vậy, vì muốn dẫn nhiếp sơ nghiệp Bồ Tát nên nói tâm Bồ đề, nhưng ở trong ấy không có tâm. Không có tâm gọi là không có Bồ đề, không có Bồ đề gọi là không có chúng sanh, không có chúng sanh gọi là không có Thanh Văn, không có Thanh Văn gọi là không có Độc Giác, không có Độc Giác gọi là không có Như Lai, không có Như Lai gọi là không có hữu vi, không có hữu vi gọi là không có vô vi, không có vô vi gọi là không có hiện được không có sẽ được.

Nầy Vô Tận Huệ! Nay ta y theo ngôn thuyết mà giải bày như vầy: Nếu có chúng sanh thiện căn rộng lớn siêu các chúng sanh như núi Tu Di cao hơn tất cả, là sợ phát tâm làm nhơn cho Bố thí Ba la mật. Dường như đại địa khéo có thể an trụ tất cả sự nghiệp, là đệ nhị phát tâm làm nhơn cho Giới Ba la mật. Chí ý dũng mãnh an thọ phiền não như sư tử vương oai phục bầy dã thú than không kinh sợ, là đệ tam phát tâm làm nhơn cho Nhẫn nhục Ba la mật. Thế lực hùng mạnh nhanh nhẹn hay phục phiền não như Na La Diên xô dẹp mọi kẻ khác là đệ tứ phát tâm làm nhơn cho Tinh tiến Ba la mật. Các công đức thiện căn khai phát như cây ba lợi chất đa câu bệ đà la nở hoa, là đệ ngũ phát tâm làm nhơn cho Thiền Ba la mật. Trừ bỏ si ám như mặt nhựt ánh sáng vô biên là đệ lục phát tâm làm nhơn cho Bát Nhã Ba la mật. Công đức ý lạc tất cả trang nghiêm đều được viên mãn như đại thương chủ của vật giàu có hay dùng phương tiện thiện xảo khỏi các hiểm nạn, là đệ thất phát tâm làm nhơn cho Phương tiện Ba la mật. Chướng ngại đã trừ diệt ý lạc đầy đủ như trăng tròn sáng, là đệ bát phát tâm làm nhơn cho Lực Ba la mật. Phật độ và chúng sanh đều nghiêm tịnh cả đầy đủ pháp lành việc làm thành tựu như người nghèo được vô tận tạng sở nguyện viên mãn, là đệ cửu phát tâm làm nhơn cho Nguyện Ba la mật. Phước trí vô biên như hư không tự tại với tất cả pháp như Chuyển Luân Vương đã thọ quán đảnh, là đệ thập phát tâm làm nhơn cho Trí Ba la mật.

Nầy Vô Tận Huệ! Nếu tu tập thành tựu mười thứ phát tâm nầy thì gọi là Bồ Tát, gọi là tối thắng chúng sanh, là vô chướng ngại chúng sanh, là chẳng phải hạ liệt chúng sanh. Nhưng cứ nơi thiệt nghĩa thì bất khả đắc, thế nên trong ấy không có chúng sanh không có tâm không có Bồ đề.

Lại nầy Vô Tận Huệ! Chư Bồ Tát hành Thí Ba la mật lấy mười pháp làm đầu là: Tín căn, tín lực, ý lạc, tăng thượng ý lạc, lợi ích chúng sanh, đại từ, đại bi, hành tứ nhiếp pháp, ái lạc Phật pháp và cầu Nhứt thiết trí.

Nầy Vô Tận Huệ! Chư Bồ Tát hành Giới Ba la mật lấy mười pháp làm đầu là: Thân nghiệp thanh tịnh, ngữ nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh, không tâm oán hại, trừ sạch ác thú, xa rời bát nạn, siêu hơn bực Thanh Văn và Bích Chi Phật, an trụ Phật công đức, đầy đủ các sở nguyện và thành tựu đại nguyện.

Nầy Vô Tận Huệ! Chư Bồ Tát hành Nhẫn Ba la mật lấy mười pháp làm đầu là: Bỏ lìa sân hận, chẳng kể thân, chẳng kể mạng, tín giải thành tựu chúng sanh, từ lực, tùy thuận pháp nhẫn, thậm thâm pháp nhẫn, quản đại thắng nhẫn và phá tối vô minh.

Nầy Vô Tận Huệ! Chư Bồ Tát hành Tinh tiến Ba la mật dùng mười pháp làm đầu là: Tùy theo chỗ làm của chúng sanh mà làm thân khẩu ý nghiệp thường sanh tùy hỉ, không giải đãi, chuyên tiến đến, tu chánh cần, tu niệm xứ, phá kẻ thù phiền não, quan sát các pháp, thành tựu chúng sanh và cầu Nhứt thiết trí.

Nầy Vô Tận Huệ! Chư Bồ Tát hành Thiền Ba la mật lấy mười pháp đầu là: An trụ thiện pháp, tâm duyên một cảnh, duyên cảnh định, chánh định, thiền giải thoát, định c8an, định lực, phá hoại kẻ thù phiền não, định tụ viên mãn và hộ pháp tam muội.

Nầy Vô Tận Huệ! Chư Bồ Tát hành Bát Nhã Ba la mật dùng mười pháp làm đầu là: Khéo quan sát các ấm, khéo quan sát các giới các xứ, chánh kiến, chánh niệm, biết rõ thánh đế, bỏ lìa các kiến chấp, huệ căn vô sanh pháp nhẫn, huệ lực và vô ngại trí.

Nầy Vô Tận Huệ! Chư Bồ Tát hành Phương tiện Ba la mật lấy mười pháp làm đầu là: Nhập vào sở nguyện tâm hành của các chúng sanh, dùng sức lực giúp vào chúng sanh, đại từ đại bi, thành thục chúng sanh không hề chán mỏi, bỏ lìa bực Thanh Văn, Bích Chi Phật, tri kiến thù thắng, tu tập các Ba la mật, như thiệt quán các pháp, nhiếp bất tư nghị lực và bất thối chuyển địa.

Nầy Vô Tận Huệ! Chư Bồ Tát hành Lực Ba la mật dùng mười pháp làm đầu là:: Biết rừng rậm tâm hành của tất cả chúng sanh, biết rừng rậm phiền não hiện hành của tất cả chúng sanh, biết rừng rậm ý lạc thắng giải hiện hành của tất cả chúng sanh, biết rừng rậm các thứ giới hành của tất cả chúng sanh, biết rừng rậm tùy phiền não hành của tất cả chúng sanh, biết rừng rậm tập khí phiền não hành của tất chúng sanh và dùng tâm không mỏi nhọc thành thục rừng rậm các căn hành của tất cả chúng sanh.

Nầy Vô Tận Huệ! Chư Bồ Tát hành Nguyện Ba la mật dùng mười pháp làm đầu là: Biết tất cả pháp vô sanh, biết tất cả pháp vô tướng, biết tất cả pháp vô diệt, biết tất cả pháp vô sở hữu, biết tất cả pháp không chấp trước, biết tất cả pháp vô lai, biết tất cả pháp vô khứ, biết tất cả pháp không tự tánh, biết tất cả pháp bình đẳng không có sơ trung hậu và đối với tất cả pháp sơ trung hậu không phân biệt.

Nầy Vô Tận Huệ! Chư Bồ Tát hành Trí Ba la mật dùng mười pháp làm đầu là: Với tất cả pháp khéo có thể biết rõ quyết trạch, khéo có thể viên mãn bạch pháp, chứa họp vô lượng tư lương của Bồ Tát thành tựu tư lương phước trí quảng đại, viên mãn đại bi, vào các loại thế giới sai biệt, vào phiền não hành của tất cả chúng sanh, tác ý vào cảnh giới Như Lai, tiến vào cảnh giới thù thắng thập lực vô sở úy bất cộng pháp và thọ vị quánh đảnh thành tựu tướng tối thắng Nhứt thiết trí.

Đây là đại Bồ Tát hành mười Ba la mật đều dùng mười pháp làm đầu.

Lại nầy Vô Tận Huệ! Thế nào là nghĩa Ba la mật? Đó là vì nói rõ siêu quá sở hành của Nhị thừa vậy. Vì quảnh đại viên mãn trí Như Lai vậy. Vì chẳng chấp trước nơi hữu vi vô vi vậy. Vì như thiệt biết rõ lỗi họa sanh tử vậy. Vì những kẻ chưa giác ngộ đều khiến giác ngộ vậy. Vì được Như Lai vô tận pháp tạng vậy. Vì được vô ngại giải thoát vậy. Vì dùng bố thí độ thoát các chúng sanh vậy. Vì dùng trì giới để viên mãn bổn thệ nguyện vậy. Vì dùng nhẫn nhục để đầy đủ tướng hảo đoan nghiêm vậy. Vì dùng tinh tiến để đầy đủ các Phật pháp vậy. Vì dùng thiền định để xuất sanh tứ vô lượng tâm vậy. Vì dùng Bát Nhã để diệt trừ các phiền não vậy. Vì dùng phương tiện để chứa hợp các Phật pháp vậy. Vì dùng nguyện có thể khiến các Phật pháp được viên mãn vậy. Vì dùng lực hay khiến chúng sanh tịnh tín vậy. Vì dùng trí để đầy đủ Như Lai Nhứt thiết trí vậy. Vì được vô sanh pháp nhẫn vậy. Vì được bất thối chuyển vậy. Vì nghiêm tịnh Phật độ vậy. Vì thành thục chúng sanh vậy. Vì ở đạo tràng Bồ đề viên mãn tất cả Như Lai trí vậy. Vì hàng phục chúng ma vậy. Vì du hí tứ thần túc vậy. Vì nơi sanh tử và Niết bàn đều không an trụ vậy. Vì siêu quá công đức của tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật và Bồ Tát vậy. Vì xô dẹp tất cả dị luận vậy. Vì thành tựu thập lực, tứ vô úy, thập bát bất cộng Phật pháp vậy. Vì chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vậy. Vì chuyển mười hai loại pháp luân vậy.

Tất cả như vậy là nghĩa của Ba la mật.

Lại nầy Vô Tận Huệ! Lúc đại Bồ Tát sắp an trụ nơi Hoan hỉ địa trước tiên có tướng như vầy: Thầy trong tam thiên Đại Thiên thế giới có trăm ngàn ức na do tha phục tạng các thứ bửu. Đại Bồ Tát sắp an trụ đệ nhị Ly cấu địa trước tiên có tướng nầy: Thấy tam thiên Đại Thiên thế giới mặt đất bằng phẳng như lòng bàn tay có vô lượng trăm ngàn ức na do tha các thứ hoa sen báu thanh tịnh nghiêm sức.

Đại Bồ Tát sắp an trụ đệ Tam minh địa trước tiên có tướng nầy: Thấy tự thân mặc giáp cầm trượng dũng mãnh kiên cố dẹp phục oán địch.

Đại Bồ Tát sắp an trụ đệ tứ Diệm địa trước tiên có tướng nầy: Thấy bốn phương gió thổi các thứ danh hoa rải đầy mặt đất.

Đại Bồ Tát sắp an trụ đệ ngũ Nam thắng địa trước tiên có tướng nầy: Thấy bốn phương gió thổi các thứ danh hoa rải đầy mặt đất.

Đại Bồ Tát sắp an trụ đệ ngũ Nan thắng địa trước tiên có tướng nầy: Thấy nữ nhơn đầu đội vòng hoa a đề mục đa, vòng hoa bà lợi sư ca, vòng hoa chiêm bặc ca, trên thân đeo các thứ báu trang nghiêm.

Đại Bồ Tát sắp an trụ đệ lục Hiện tiền địa trước tiên có tướng nầy: Thấy ao hoa đầy nước bát công đức đứng trong, đáy ao trải cát vàng ròng, bốn bờ bực đường bằng chất báu, trong ao trang nghiêm với những hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ và hoa sen trắng, lại thấy tự thân du hí trong ao ấy.

Đại Bồ Tát sắp an trụ đệ thất Viễn hành địa trước tiên có tướng nầy: Thấy tự thân hai bên tả hữu đều có địa ngục đi vượt qua các địa ngục ấy mà không bị thương tổn.

Đại Bồ Tát sắp an trụ đệ bát Bất động địa trước tiên có tướng nầy: Thấy tự thân trên hai vai mang tướng sư tử chúa, tất cả muông thú đều hãi sợ.

Đại Bồ Tát sắp an trụ đệ cửu Thiện huệ địa trước tiên có tướng nầy: Thấy tự thân làm Chuyển Luân Vương dùng chánh pháp giáo hóa được vô lượng trăm ngàn ức na do tha vua chúa chầu hầu vây quanh, có lọng bát trang nghiêm sạch trắng che trên Bồ Tát.

Đại Bồ Tát sắp an trụ đệ thập Pháp vân địa trước tiên có tướng nầy: Thấy tự thân làm màu chơn kim đủ ba mươi hai tướng hảo Như Lai đại trượng phu, viên quan chiếu một tầm ngồi an trên tòa sư tử cao rộng, vô lượng trăm ngàn ức na do tha Phạm Thiên vi nhiễu trước sau cung kính cúng dường để nghe thuyết pháp.

Đại Bồ Tát dùng sức tam muộn hiển hiện trước tiên của Thập địa như vậy.

Lại nầy Vô Tận Huệ! Sơ địa Bồ Tát viên mãn Thí Ba la mật, nhị địa Bồ Tát viên mãn Giới Ba la mật, tam địa Bồ Tát viên mãn Nhẫn Ba la mật, tứ địa Bồ Tát viên mãn Tinh tấn Ba la mật, ngũ địa Bồ Tát viên mãn Thiền Ba la mật, lục địa Bồ Tát viên mãn Bát Nhã Ba la mật, thất địa Bồ Tát viên mãn Phương tiện Ba la mật, bát địa Bồ Tát viên mãn Lực Ba la mật, cửu địa Bồ Tát viên mãn Nguyện Ba la mật, thập địa Bồ Tát viên mãn Trí Ba la mật.

Lại nầy Vô Tận Huệ! Bồ Tát sơ phát tâm được Hiện bửu tam muội, đệ nhị phát tâm được Thiện trụ tam muội, đệ tam phát tâm được Bất động tam muội, đệ tứ phát tâm được Bất thối chuyển tam muội, đệ ngũ phát tâm được Bửu hoa tam muội, đệ lục phát tâm được Nhựt luân quang minh tam muội, đệ thất phát tâm được Thành tựu nhứt thiết nghĩa tam muội, đệ bát phát tâm được Trí cự tam muội, đệ cửu phát tâm được Hiện chứng Phật pháp tam muội, đệ thập phát tâm được Thủ lăng nghiêm tam muội.

Lại nầy Vô Tận Huệ! Đại Bồ Tát ở trong sơ địa được đà la ni thù thắng gia trì, ở trong nhị địa được đà la ni vô năng thắng, ở trong tam địa được đà la ni thiện trụ, ở trong tứ địa được đà la ni bất khả hoại, ở trong ngũ địa được đà la ni vô cấu, ở trong lục địa được đà la ni trí luân đăng, ở trong thất địa được đà la ni thù thắng hạnh, ở trong bát địa được đà la ni thanh tịnh phân biệt, ở trong cửu địa được đà la ni thị hiện vô biên pháp môn, ở trong thập được đà la ni vô tận pháp tạng”.

Lúc ấy ở trong hội có Thiên Tử tên Vô Ngại Quang Minh Sư Tử Tràng đứng dậy trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất chắp tay hướng lên đức Phật bạch rằng: “Hi hữu Thế Tôn! Hi hữu Thiện Thệ! Pháp môn như vậy rất sâu rất rộng lớn, có thể hàm nhiếp tất cả Phật pháp”.

Đức Phật dạy: “Nầy Thiên Tử! Đúng như lời ông nói. Nếu có Bồ Tát ở nơi pháp môn nầy có thể tạm nghe nhận tất chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề, tại sao, vì Bồ Tát ấy từng đã trồng căn lành, vì đã thành thục căn lành, nên được nghe kinh điển như vậy và được kinh điển như vậy ấn chứng.

Nầy Thiên Tử! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn được nghe kinh nầy thì thiện căn được họ trồng đều thanh tịnh sẽ được chẳng bỏ rời thấy Phật nghe pháp cúng dường chúng Tăng, được chẳng rời bỏ đà la ni hải ấn, đà la ni xuất hiện vô tận, đà la ni nhập chúng sanh chí nguyện tâm hành, đà la ni thanh tịnh nhựt quang tràng, đà la ni vô cấu nguyệt quang tràng, đà la ni tức nhứt thiết kiết sử, đà la ni tối diệt vô biên phiền não kiên cố như kim cương sơn, đà la ni nhập chơn thiệt ngữ ngôn âm thanh, đà la ni như hư không hiển hiện vô biên thanh tịnh ấn sở ấn, đà la ni thành tựu hiển hiện vô biên Phật thân.

Thành tựu các đà la ni như vậy, đại Bồ Tát có thể nơi tất cả Phật độ mười phương biến hiện thân Phật giáo hóa chúng sanh mà với pháp tánh không có lai khứ cũng không có giáo hóa chúng sanh, nơi pháp được nói chẳng trước văn tự bình đẳng vô động. Dầu hiện thân sanh tử mà không có khởi diệt cũng không có chút pháp khứ lai, biết rõ các hành bổn lai tịch tĩnh an trụ Phật pháp. Tại sao, vì tất cả pháp ấy không có phân biệt vậy”.

Lúc đức Phật nói pháp nầy, trong chúng có ba vạn Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn, vô lưỡng Bồ Tát được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề, vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ đề, vô lượng Tỳ Kheo được pháp nhãn tịnh.

Đức Phật nói kinh nầy rồi, Vô Tận Huệ Bồ Tát và chư Tỳ Kheo, tất cả thế gian Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà v.v… đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Bảo Tích tập 2 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 8 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 9 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 1 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 5 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích (trọn bộ 9 tập) – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (Trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 2 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 1 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 3 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư – HT Thích Trí Quảng soạn - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm – HT Thích Thanh Từ dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng