1
2
3
4
5
6

Kinh Đại Bát Nê Hoàn

Đông Tấn Pháp Hiển dịch

Bản Việt dịch của Thích Nguyên Hùng

***

QUYỂN 1

Phẩm thứ 1: TỰA

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe:

Một thời Thế Tôn nằm ở khoảng giữa hai cây sa-la[3] trong rừng Kiên cố[4], bên bờ Hi-liên[5], nơi vùng đất của bộ tộc Lực sĩ, thuộc thành Câu-di[6]. Bấy giờ nhằm ngày trăng tròn tháng hai, Thế Tôn sắp sửa vào bát-nê-hoàn[7], tám trăm ức vị tì-kheo cùng ngồi vây quanh Thế Tôn.

Bấy giờ tất cả chúng sinh đều được an ổn khoái lạc, thân tâm thanh tịnh, không niệm nghi ngờ, không hề mỏi mệt. Ngày nay Thế Tôn đã tự giác ngộ thành bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác, thương xót thế gian, che chở hộ trì, làm chỗ nương tựa cho cả thế gian, thương mọi chúng sinh y như con một. Đại Mâu-ni[8] Tôn điềm đạm ân cần bảo chúng sinh rằng:

– Ta sắp nê-hoàn, trong chúng hội đây ai còn hoài nghi mau nên thưa hỏi, vì đây là lần thưa hỏi cuối cùng.

Đại chúng biết vậy lòng rất đau buồn.

Bấy giờ từ trên khuôn mặt[9] Thế Tôn phóng ra vô số hào quang rực rỡ, xanh vàng đỏ trắng, sắc hồng pha lê, ánh sáng đặc thù, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới[10], chiếu khắp hết thảy mười phương cõi Phật; sáu đường chúng sinh[11] gặp ánh sáng này phiền não nghiệp chướng đều được tiêu trừ; có người xúc động nước mắt chứa chan, tuôn xuống như mưa, nhìn nhau bảo rằng:

– Ôi thôi nhân giả! Thế gian trống vắng. Ôi thôi nhân giả! Phước chúng sinh hết. Than ôi nhân giả! Pháp khổ sẽ tăng. Như Lai không lâu sẽ bát-nê-hoàn! Thế gian trống vắng sao mà chóng thế? Con mắt thế gian sao diệt chóng thế? Chúng ta hãy mau cùng nhau đến chỗ Đức Phật Thế Tôn lễ bái cúng dường, đồng thời thỉnh cầu xin Ngài chớ vội vào bát-nê-hoàn, xin Ngài trụ lại ở thế gian này hoặc là một kiếp hoặc hơn một kiếp. Nếu Phật nê-hoàn, ai sẽ là người dạy bảo chúng ta hành đạo từ bi, ai sẽ là người cứu vớt chúng ta thoát khỏi khổ nạn? Vì vậy các ông điều gì chưa hiểu mau đến chỗ Phật xin Ngài quyết nghi.

Bấy giờ mặt đất chấn động sáu cách[12].

Khi ấy tám trăm ức vị tì-kheo đều đã chứng đạt quả A-la-hán[13], tâm được tự tại, việc mình đã xong, lìa sạch phiền não, hàng phục các căn, ví như rồng lớn, thành tựu Không tuệ[14], lợi mình đã đạt, như rừng chiên-đàn[15] muôn cây trong ấy đều được thơm lây, công đức đầy đủ, xứng đáng gọi là đứa con chân thật của Đức Như Lai. Tên các ngài là: Đại Ca-chiên-diên[16], ngài Bạc-câu-la[17], Ưu-ba-nan-đà[18]… Các tì-kheo này vào sáng hôm ấy dùng cành dương chi[19] súc miệng thanh tịnh thì có ánh sáng vô cùng vi diệu chiếu khắp thân mình, giống như mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá nổi lên trên ấy như mạch máu đỏ. Chư vị tì-kheo cũng giống như vậy, toàn thân rung động, các lỗ chân lông thảy đều rướm máu tuôn chảy như mưa, lòng đau như cắt. Họ vì thương xót tất cả chúng sinh, muốn cho chúng sinh an lạc hạnh phúc và muốn phát tâm học pháp Đại thừa[20], phương tiện mật giáo[21] hóa độ chúng sinh, cho nên nhanh chóng đến chỗ Như Lai, lạy dưới chân Ngài, nhiễu trăm ngàn vòng, cung kính hỏi thăm, đứng về một phía.

Lại có hai lăm ức tì-kheo-ni[22], đều A-la-hán, tâm được tự tại, những việc cần làm thảy đã làm xong, lìa sạch phiền não, hàng phục các căn, thí như rồng lớn, thành tựu Không tuệ, tự độ viên mãn. Tên các vị ấy là tì-kheo-ni Câu-lân Nữ Tu-bạt-đà-la[23], tì-kheo-ni Ưu-ba-nan-đà[24], tì-kheo-ni Hải Trí v.v… Giống như mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá nổi lên trên ấy như mạch máu đỏ, các tì-kheo-ni cũng giống như vậy, toàn thân rung động, các lỗ chân lông thảy đều rướm máu, tuôn chảy như mưa, vô cùng thống khổ. Họ vì thương yêu tất cả chúng sinh, muốn cho chúng sinh có được an lạc và muốn phát tâm học pháp Đại thừa, phương tiện mật giáo để làm nhân duyên giáo hóa chúng sinh, liền đến chỗ Phật, lạy dưới chân Ngài, nhiễu trăm ngàn vòng, cung kính hỏi thăm, đứng về một phía.

Lại có rất nhiều vị tì-kheo-ni vốn là bồ-tát, đã chứng Thập địa[25]. Họ là những bậc dõng mãnh vô song trong chốn loài người, vì duyên giáo hóa mới hiện thân nữ. Họ đều có đủ bốn tâm vô lượng[26], có thể hiện thành thân Phật không khác, biến hóa không cùng.

Lại có các vị đại bồ-tát nhiều như số cát trong một con sông Hằng[27]. Họ là những người hùng dũng bậc nhất trong cõi nhân gian, tất cả công đức đều đã đầy đủ, dùng thân phương tiện, tin sâu Đại thừa, chân chính hướng đến cầu pháp Đại thừa, đói khát Đại thừa, mong cầu Đại thừa, khát ngưỡng Đại thừa, khéo léo tùy thuận tất cả thế gian, độ người chưa độ, giải thoát cho kẻ chưa được giải thoát. Họ đã trải qua trong vô số kiếp tu tập tịnh giới, độ thoát chúng sinh; trong số vô kiếp tu tập tịnh giới, an ủi chúng sinh; trong vô số kiếp tu tập tịnh giới, hưng long Tam bảo; trong vô số kiếp tu tập tịnh giới, chuyển bánh xe pháp; trong vô số kiếp tu tập tịnh giới, thành đại trang nghiêm; trong vô số kiếp tu tập tịnh giới, hành xử kiên cố. Họ đã thành tựu vô lượng công đức như thế và thương hết thảy chúng sinh y như con một. Tên của họ là: bồ-tát Hải Đức, bồ-tát Vô Lượng Trí v.v… Giống như mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá nổi lên trên ấy như mạch máu đỏ, các bồ-tát này cũng giống như vậy, toàn thân rung động, các lỗ chân lông thảy đều rướm máu, tuôn chảy như mưa, vô cùng thống khổ. Họ vì thương xót tất cả chúng sinh, muốn cho chúng sinh có được an lạc, muốn phát Đại thừa phương tiện mật giáo để làm nhân duyên giáo hóa chúng sinh, nên họ liền đến chỗ Đức Phật nằm, dập đầu đảnh lễ, rồi đi nhiễu quanh hơn trăm ngàn vòng, cung kính hỏi thăm, đứng về một phía.

Lại có những người là cận sự nam[28] nhiều như số cát của hai sông Hằng. Họ rất vui vẻ tin sâu các pháp đối trị[29] như là khổ đau hạnh phúc, thường với vô thường, ngã với vô ngã, không với phi không, y với vô y, chúng sinh với chẳng phải là chúng sinh, hằng với phi hằng, kiết với phi kiết, hữu vi vô vi, nê-hoàn với chẳng phải là nê-hoàn… Họ lại ưa nghe diệu nghĩa và muốn xiển dương Đại thừa. Trong vô số kiếp họ đã tu tập phạm hạnh thanh tịnh chưa từng thối thất. Họ muốn thực hành giáo pháp Đại thừa, giảng giải cho người tu tập tịnh giới, tham muốn cầu học Đại thừa vững chắc. Họ lại muốn học tùy thuận thế gian, lại muốn cầu học độ thoát thế gian, lại muốn cầu học hưng long Tam bảo, lại muốn cầu học chuyển vận pháp luân, lại muốn cầu học pháp đại trang nghiêm. Họ đã thành tựu viên mãn vô lượng công đức như thế và thương chúng sinh giống như con một. Các cư sĩ ấy tên Quang Vô Cấu Xưng Vương, Thiện Đức v.v… số nhiều như cát trong hai sông Hằng.

Các cư sĩ này vì muốn cúng dường Đức Phật Như Lai, sáng sớm hôm ấy, mỗi người đều sắm năm ngàn giường, màn bằng gỗ chiên-đàn, trầm thủy, chúng bảo, thiên hương, uất-kim-hương hoa[30]… Tất cả giường, màn đều được xông ướp ngưu đầu chiên-đàn[31], và trang hoàng bằng bảy báu[32] vi diệu. Phía trên che bằng dây lưới vàng ròng, châu báu màu xanh phát ánh sáng xanh, châu báu màu vàng tỏa ánh sáng vàng, châu báu màu đỏ tỏa ánh sáng đỏ, châu báu màu trắng tỏa ánh sáng trắng, châu báu màu hồng tỏa ánh sáng hồng, châu báu pha lê tỏa màu pha lê, bảo châu như ý phát màu như ý, dùng nhiều màu sắc như vậy trang hoàng cực kỳ lộng lẫy. Đặc biệt hiếm có là tấm màn che bốn phía xung quanh. Phía trên phủ bằng màn lưới bảy báu. Bốn mặt xung quanh treo nhiều phan báu, dùng nhiều loại hương phủ lên trên đó, từng sợi dải vàng rũ xuống thật đẹp. Bên trong màn báu lại được trang hoàng bằng nhiều màu sắc khác lạ như trên. Lại dùng bảy báu đúc thành tấm nệm, mềm mại thơm tho, trải lên trên giường. Mỗi một giường màn chở bằng xe báu. Những xe báu ấy cũng được trang hoàng toàn bằng bảy báu, trước sau đều có tràng phan, dù lọng. Mỗi một dù lọng đều dùng bảy báu đan kết làm thành, xanh vàng đỏ trắng vô cùng trang nghiêm; lại được trang hoàng bằng bốn loại hoa, là ưu-bát-la, hoa bát-đàm-ma, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi[33]; cũng dùng bảy báu trang sức như trước. Dùng nhiều vật báu kết thành tràng hoa, tươi tắn xinh đẹp. Lại vẽ bức tranh cuộc đời Đức Phật, diễn tả bồ-tát từ lúc phát tâm đến ngày thành đạo, trong khoảng thời gian thọ nhận thân này bồ-tát nhẫn chịu bao nhiêu khổ hạnh. Còn hai bên đường bày trí kỹ nhạc, mà các nhạc cụ làm bằng bảy báu, âm thanh hòa nhã, phát ra những tiếng vô thường, khổ, không, phát ra những câu: ‘Than ôi thế gian từ nay trống vắng’! Giai điệu réo rắt, nghe đến não lòng, trời đất chấn động. Họ dùng vô số các thứ hoa thơm, bột hương mịn màng, đồng thời bày biện nhiều món thức ăn thơm ngon bậc nhất, đặc biệt được nấu bằng nước thượng nguồn và bằng củi thơm, làm cho thức ăn mềm dẻo thơm ngon, đủ cả mùi vị.

Lại nữa, bên trong bên ngoài khu rừng Kiên cố đều được rưới nước, quét dọn sạch sẽ, rồi rải lên trên lớp cát bảy báu, phía trên trải tiếp các tấm y báu đều được ướp hương, bảo tòa sư tử làm bằng bảy báu xếp ở xung quanh ba mươi hai hàng. Mỗi một bảo tòa, điêu khắc chạm trổ hoa văn tinh xảo, lấp lánh năm màu, dùng nhiều hương thơm xong ướp bảo tòa, phía trên trải bằng nệm lót bảy báu. Chuẩn bị đầy đủ phẩm vật ấy xong, các nam cư sĩ khởi niệm nghĩ rằng:

– Tất cả chúng sinh, ai ưa muốn gì ta đều cho cả, y phục thức ăn, của cải tài sản, đất nước vợ con, đầu mắt tủy não, máu huyết cơ thể, không kể sang hèn, phú quý bần tiện, hễ ai cần gì, xin gì cho nấy, khiến cho đầy đủ, chỉ trừ những thứ sắc dục bất tịnh, thuốc độc hại người, thì không cho thôi.

Các nam cư sĩ phát tâm bồ-tát lại nghĩ như vầy:

– Chúng ta cùng đem giường màn, xe báu, vô vàn phẩm vật cúng Phật và Tăng lần sau cùng này là lần lớn nhất.

Các nam cư sĩ lại nghĩ như vầy:

– Phật và đại chúng thụ nhận phẩm vật chúng ta cúng xong, hôm nay Như Lai sẽ vào nê-hoàn.

Suy nghĩ thế rồi lòng buồn vô hạn, ví như mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá nổi lên trên ấy như mạch máu đỏ, các nam cư sĩ, cũng giống như vậy, toàn thân rúng động, mỗi lỗ chân lông thảy đều rướm máu, tuôn xuống như mưa, thân tâm đau tựa trúng phải thuốc độc, khóc than thảm thiết.

Lại nữa, cạnh rừng Kiên cố, các nam cư sĩ dựng lều bảy báu, cao rộng đẹp đẽ, trùm khắp hư không. Bên trong lều ấy dựng nhà bảy báu. Bày biện xong rồi đến chỗ Thế Tôn, lạy dưới chân Ngài. Tràng phan, dù lọng, đem đến cúng dường đầy cả hư không. Khói hương như mây, hoa rải như mưa. Các nam cư sĩ, đau buồn than thở, chấn động đất trời, đấm ngực gào khóc, nước mắt như mưa, nhìn nhau nói rằng:

– Than ôi nhân giả, thế gian trống vắng! Con mắt thế gian, sao mau diệt vậy!

Rồi thì tất cả dập đầu sát đất, đồng thanh thỉnh Phật:

– Mong Phật và tăng thương xót chúng con, cùng với chúng sinh, nhận lời cúng dường, Ngài thụ thực xong rồi vào nê-hoàn, để cho chúng con được phước cúng dường Đức Phật, chúng tăng một lần sau cuối!

Thế Tôn biết thời, lặng im không nhận. Họ thỉnh ba lần, Phật đều im lặng.

Bấy giờ hết thảy các nam cư sĩ tuyệt vọng vô cùng, ưu sầu khổ não. Giống như cha lành có một đứa con, rốt cuộc bệnh chết, ông đưa hình hài của con đem chôn ở nơi gò mả, buồn bả quay về, đau xót vô cùng. Các nam cư sĩ đau khổ tột cùng cũng y như vậy. Họ lạy Phật xong, đứng về một phía.

Lại có các vị tín nữ cư sĩ[34] thọ trì năm giới, công đức đầy đủ, số nhiều như cát trong ba sông Hằng. Các cư sĩ này hiện làm thân nữ hóa độ chúng sinh, tự trách thân mình như bốn rắn độc[35]. Họ quán thân thể giống như tòa nhà, cũng là thức ăn của tám vạn trùng; thân này ô uế, do tham dục sinh, thí như xác chết, chẳng mảy may ưa; thân này bất tịnh, chín lỗ bài tiết thường xuyên thải ra những chất dơ bẩn; máu thịt gân cốt, cùng với y phục tạo nên thành quách, hư ngụy giả dối; chân tay xương cốt, làm cột chống đỡ, móng răng tai mắt là các cửa sổ, tâm pháp dối trá làm màn che cửa, phóng dật kiêu mạn là kẻ giữ thành, lũ giặc tâm vương ngự trong thành ấy, tham lợi phóng túng chạy theo sáu cảnh. Thân thể như thành bại hoại như vậy, chư Phật bỏ đi mà kẻ phàm phu thì ưa thích lắm. Quỷ dữ tham dục, giận hờn ngu si nương tựa thân này, như loài hoa lan sống nhờ cây khác, chẳng có chút gì đáng ưa đáng thích; thân này tựa như những chùm bọt nước, như thân cây chuối, chẳng gì bền chắc; như tia điện chớp, tiếng vọng âm thanh của loài ngựa hoang; như trăng dưới nước huyễn hóa không thật; như cơn sóng biển nhanh chóng lướt qua trên đầu ngọn cỏ phút chóc chẳng dừng; như nơi gò mả, như ở rừng hoang, ô uế dẫy đầy, từng đàn lang sói, kên kên cú mèo giành nhau ăn thịt, vô số vi trùng cạnh tranh sinh sống ở trong thân này. Tấm thân thể này ô uế như vậy an ổn được sao? Nếu có thể đếm sợi lông, giọt nước ở trong biển lớn còn biết được số ít nhiều bao nhiêu, nhưng trong thân này độc trùng tàn hoại, bốn trăm bốn bệnh, vô lượng những điều ô uế bất tịnh thật không thể nào tính hết cho được! Giống như Thế Tôn đã từng thí dụ, bao nhiêu cây cối ở trong thiên hạ đem chẻ làm thẻ, hay lấy đất đá trên quả địa cầu tán thành bụi nhỏ, cũng có thể đếm được số bao nhiêu, nhưng đối thân này những thứ bất tịnh số nhiều vô lượng, vượt quá số kia, không thể tính kể. Thân này độc hại, hủy diệt thiện pháp. Các nữ cư sĩ đều có khả năng xả bỏ thân này như nhổ nước bọt, tu hành pháp không, vô tướng vô tác, tin ưa Đại thừa, lại hay diễn nói cho người khác hiểu. Tên các vị ấy: Kỳ-bà-thi-lợi, Thắng Man phu nhân, bà Tỳ-xá-khư… Các cư sĩ này vào sáng hôm ấy, lúc ánh quang minh chiếu khắp thân hình liền biết điềm lạ. Họ bèn nhanh chóng chuẩn bị phẩm vật đem dâng cúng dường đầy đủ thù thắng gấp đôi người trước. Rồi họ đến chỗ Đức Phật Thế Tôn sụp lạy sát đất, xin Phật và tăng thương xót nạp thụ, nhưng Đức Thế Tôn từ chối không nhận. Các nữ cư sĩ lòng rất u buồn, đứng qua một phía.

Lại có những người bộ tộc Li-xa[36] ở trong và ngoài thành Tì-xá-li[37], cùng với vua quan các nước xung quanh cõi Diêm-phù-đề[38], số nhiều như cát của bốn sông Hằng. Những người Li-xa đều có niềm vui ở trong chánh pháp, thuần tu giới hạnh, đạo đức tròn đầy, hàng phục ngoại đạo, cùng với những kẻ phá hoại Phật pháp. Những Phật tử này đều có khả năng thí pháp vô úy, diễn thuyết cho người pháp tạng vô tận; hết thảy đều có khả năng tu tập diệu pháp cam lộ chư Phật đã dạy. Họ có khả năng nhiếp phục chúng ma, tà luận ngoại đạo; tự giữ giới luật, lại hộ trì cho chư Tăng giữ giới thêm được an ổn; tự mình giữ luật, thích nghe Đại thừa và còn diễn nói cho người khác nghe; ai cũng đều có tấm lòng từ mẫn thương khắp chúng sinh, đầy đủ đức độ như những người trước. Tên các vị ấy là Tịnh Ly Cấu Tạng, Thường Khoái Tịnh, Hằng Thủy Ly Cấu Tịnh… Các Phật tử này, mỗi người đều sắm tám mươi bốn ức giường, màn bằng gỗ chiên-đàn, trầm thủy, uất kim, bách mộc[39], đâu-lâu hương mộc[40]… mỗi một giường màn đều được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo bằng bảy loại báu, đồng thời trang sức năm màu lấp lánh, đẹp tựa như trước. Mỗi người lại sắm tám vạn bốn ngàn ngựa báu mạnh khỏe; tám vạn bốn ngàn voi chúa hùng dũng; tám vạn bốn ngàn cỗ xe bốn ngựa, và dùng đèn báu Thần châu kết nối, trang sức đoan nghiêm, chạy nhanh như gió; tám vạn bốn ngàn đèn báu Minh Nguyệt, suốt cả ngày đêm thường luôn cháy sáng. Tràng, lọng, phan, hoa, màn, lều đại bảo, tranh tượng thêu bằng len giạ màu trắng như những người trước. Lọng bằng hoa báu rộng một do tuần. Những thứ len giạ vi diệu mịn màng kết thành tranh tượng dài ba hai do tuần. Mỗi chiếc lều cao một trăm do tuần. Mỗi chiếc phan dài một ngàn do tuần. Mọi thứ trang sức đều bằng bảy báu giống như ở trước. Hương thơm thức ăn theo gió bay đi khắp một do tuần. Các Phật tử này sắp xếp giường tọa, cùng các phẩm vật nơi rừng Kiên cố đầy đủ xong rồi đến chỗ Đức Phật, dập đầu thỉnh cầu, đầu mặt sát đất, đảnh lễ xong rồi, đứng về một phía.

Lại có các hàng đại Trưởng giả ở trong Diêm-phù-đề số nhiều như cát của năm sông Hằng. Họ đều vui ưa tin sâu chánh pháp, giới hạnh thuần thục, thành tựu các đức, hàng phục ngoại đạo cùng với những kẻ phá hoại Phật pháp, khiến cho kẻ ấy tin sâu Đại thừa. Tên các vị là Nhật Nguyệt Quang Vương Đảm Bặc Hoa Thủ, Pháp Thủ… Những trưởng giả này đem theo con trai, cùng với con gái số nhiều như cát của năm sông Hằng. Các trưởng giả này buổi sáng hôm ấy, nương thần lực Phật sắm sửa phẩm vật đầy đủ trang nghiêm gấp đôi người trước, đem đến chỗ Phật, cung kính dập đầu, lễ chân Như Lai, rồi tất cả cùng đứng về một phía.

Lại có quyến thuộc nội ngoại của vua thành Tì-xá-li, vua và nhân dân, chủ các thành ấp, tụ lạc thôn xóm lớn nhỏ ở trong cõi Diêm-phù-đề, trừ A-xà-thế[41], còn lại tất cả các bậc vua chúa, như Nguyệt Ly Cấu Tạng, Nhật Ly Cấu v.v… số nhiều như cát của sáu sông Hằng, mỗi người đem theo một trăm tám mươi vạn ức quyến thuộc, đều là những người dõng mãnh phi thường, như rồng, voi chúa, đi nhanh như gió, hết thảy tin ưa giáo pháp Đại thừa, giữ giới thanh tịnh, oai đức đầy đủ, hàng phục ngoại đạo cùng với những kẻ phá hoại Phật pháp. Họ cũng sắm sửa phẩm vật cúng dường trang nghiêm thù thắng gấp đôi người trước, đem đến chỗ Phật thành kính cúng dường, xin Phật xót thương từ bi tiếp nhận. Tất cả mọi người dập đầu sát đất, lễ chân Như Lai, đứng về một phía.

Lại có các vua lớn nhỏ trong cõi Diêm-phù-đề này cùng với phu nhân, cung tần mỹ nữ số nhiều như cát của bảy sông Hằng, trừ A-xà-thế. Hết thảy phu nhân, cung tần mỹ nữ đều chán thân nữ, tu tập Không hành[42], tin ưa Đại thừa, hay vì người khác giảng nói rộng rải công đức tu hành và những điều khác như trước đã nói. Tên các phu nhân gồm Tam Giới Sa, Niệm Đức v.v… Họ sắm lễ vật gấp đôi người trước, vào sáng hôm ấy đến chỗ Thế Tôn, dập đầu sát đất, đảnh lễ chân Ngài, đứng về một phía.

Lại có thiên tử Phổ Minh cùng với chư thiên nhiều như số cát trong tám sông Hằng. Những thiên tử này ưa pháp Đại thừa, cũng ưa giảng rộng cho người khác nghe. Họ tu tịnh giới, khát ngưỡng Đại thừa, những chúng sinh nào ưa pháp Đại thừa thì dùng pháp ấy thỏa lòng khát ngưỡng; họ tu tịnh giới, ham ưa Đại thừa, kiên cố Đại thừa, giác ngộ Đại thừa, nơi pháp Đại thừa chưa từng khởi lên tâm ý kiêu mạn. Họ hàng phục cả những kẻ ngoại đạo cùng với những kẻ phá rối Phật pháp; hộ trì chánh pháp, tu hành tịnh giới, tùy thuận thế gian, độ người chưa độ, giải thoát cho kẻ chưa được giải thoát. Họ muốn chuyển vận bánh xe chánh pháp, hưng long Tam bảo mãi mãi không dứt; họ muốn kiến lập quốc độ trang nghiêm. Họ đã thành tựu viên mãn vô lượng công đức như thế. Họ có tâm từ, thương khắp chúng sinh giống như con một. Các chư thiên này, vào sáng hôm ấy, ánh sáng chiếu thân liền biết điềm lạ, họ suy nghĩ rằng: ‘Đức Phật Như Lai chẳng bao lâu nữa vào bát-nê-hoàn’. Họ liền đến chỗ Đức Phật Thế Tôn, thấy các phẩm vật dâng cúng đầy đủ, nhìn nhau bảo rằng:

– Chúng ta quan sát người ở thế gian sắm sinh phẩm vật cúng dường Như Lai một lần sau cuối trang nghiêm đặc thù chẳng khác cõi trời. Bao nhiêu phẩm vật cúng Phật cùng Tăng lần cuối cùng này thật là thù thắng, vậy mà Thế Tôn thảy đều không nhận. Này chư nhân giả! Hôm nay chúng ta thỉnh Phật cùng Tăng và các quyến thuộc, làm lễ cúng dường một lần sau cuối cho thật thù thắng. Hôm nay Như Lai, chư Tăng cùng với tất cả quyến thuộc thương xót chúng ta thụ nhận cúng dường lần sau cùng này rồi vào nê-hoàn. Đức Phật ra đời thật là khó gặp, nhưng được cúng Phật một lần sau cuối lại càng khó hơn. Than ôi nhân giả, thế gian trống vắng! Con mắt thế gian, sao diệt chóng thế!

Chư thiên cõi trời lại nghĩ như vầy:

– Chúng ta cũng phải cúng dường Như Lai.

Nghĩ như vậy rồi, tức thì chuẩn bị phẩm vật cúng dường tối thắng hơn cả người ở thế gian. Giường, màn, xe cộ, tràng, phan, hoa, cái, tranh tượng, lều trướng, mỗi mỗi đều dùng hương, lụa, vật báu của các cõi trời để mà trang sức. Chuẩn bị đầy đủ phẩm vật xong rồi, họ đến chỗ Phật, ôm chân đảnh lễ, nhiễu trăm ngàn vòng, cung kính thăm hỏi, đứng về một phía.

Lại có vua của các loài rồng ở khắp cả bốn phương, nhiều như số cát của chín sông Hằng, gồm Hòa-tu-cát[43], anh em Nan-đầu, Ưu-bát-nan-đà[44]… Các vua rồng này đầy đủ công đức, có lòng thương xót tất cả thế gian. Sáng sớm hôm ấy, gặp ánh sáng Phật, Long vương nghĩ rằng: Như Lai không lâu sẽ nhập nê-hoàn. Chúng liền sắm sửa phẩm vật thù thắng, nhiều gấp hai lần của chúng trời, người, đem đến chỗ Phật, ôm lạy chân Ngài, nhiễu trăm ngàn vòng, xong rồi tất cả, đứng về một phía.

Lại có vua của các chúng quỷ, thần và Tỳ-xa-môn[45], nhiều như số cát của mười sông Hằng. Hết thảy quỷ vương sắm sinh lễ vật đầy đủ như trước, đến chỗ Đức Phật, đầu thành đảnh lễ, nhiễu trăm ngàn vòng, xong rồi tất cả đứng về một phía.

Lại có, Già-lưu-la[46] vương, Long oán Già-lưu-la vương… nhiều như số cát hai mươi sông Hằng; Càn-thát-bà[47] vương, Na-la-đạt Càn-thát-bà vương … nhiều như số cát ba mươi sông Hằng; Khẩn-na-la[48] vương, Khoái kiến Khẩn-na-la vương… nhiều như số cát bốn mươi sông Hằng; Ma-hầu-la-già[49] vương, Đại khoái kiến Ma-hầu-la-già vương… nhiều như số cát năm mươi sông Hằng; A-tu-la vương, Du không A-tu-la vương… nhiều như số cát sáu mươi sông Hằng; Đà-na-bà[50] vương, Pháp Thủy Ly Cấu Thắng vương… nhiều như số cát bảy mươi sông Hằng; vua loài la-sát, Quảng bố úy la-sát… nhiều như số cát tám mươi sông Hằng; Chủ vương tùng lâm, Dược hương tùng lâm… nhiều như số cát chín mươi sông Hằng; vua loài Trì Chú, Đại huyễn Trì Chú… nhiều như số cát một ngàn sông Hằng; chúng Dục Sắc, Thiện kiến Dục Sắc… nhiều như số cát một ức sông hằng; chúng Thiên nữ, Lam-bà Thiên nữ… nhiều như số sát trăm ức sông Hằng; vua chúng Phụ-đa, Túc-quân-để Phụ-đa vương… nhiều như số cát ngàn ức sông Hằng; thiên tử ở cõi trời Tứ thiên vương… nhiều như số cát trăm ngàn ức sông Hằng; Lại có thần gió nhiều như số cát trong trăm ngàn ức của con sông Hằng; Lại có các vua làm mây, tạo mưa, vua của hết thảy, các thần làm cho mây, mưa vắng lặng, nhiều như số cát một ức sông Hằng.

Hết thảy các vua của muôn loài ấy, ngay sáng hôm đó, gặp ánh sáng Phật liền biết điềm lạ, suy nghĩ như vầy: Như Lai không lâu sẽ nhập nê-hoàn. Họ liền sắm sinh phẩm vật cúng dường vô cùng thù thắng, gấp đôi trời, người, đem đến chỗ Phật, đầu thành đảnh lễ, nhiễu trăm ngàn vòng, đứng về một phía.

Lại có voi chúa hương tượng[51], voi chúa thân vàng, voi chúa mắt xanh… nhiều như số cát hai mươi sông Hằng. Các loài voi ấy tùy theo sức mình, từ trong Tuyết Sơn, dùng vòi bứt hoa cùng các dược thảo. Có những bông hoa lớn bằng bánh xe, như ưu-bát-la, hoa bát-đàm-ma, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi. Nói chung tất cả những loài hoa mọc trên núi dưới khe, hoặc trên đất bằng, thảy đều mang đến, dùng để trang sức giường màn các thứ. Các loài voi ấy buồn rầu gào rống, âm thanh chấn động khắp cả đất trời: Thế gian trống vắng sao mà chóng thế? Con mắt thế gian sao diệt nhanh vậy! Muôn loài voi chúa đến bên chân Phật, sụp lạy chân Phật, rồi thì tất cả đứng về một phía.

Lại có các vua của loài sư tử, như Đại Chấn Hống… đều vì chúng sinh cho sự vô úy[52]; cùng với các loài vua của muôn chim, như Ca-lan-đà, Ca-lăng-tần-già[53]… nhiều như số cát của ba sông Hằng, cũng cúng dường Phật đầy đủ trang nghiêm như loài voi chúa.

Lại có vua của các loài trâu, dê, đến rừng Kiên cố cúng dường sữa thơm, hết thảy hào rãnh đều chứa đầy sữa. Lại có vua của các loài ong mật, mang đầy mật thơm chứa đầy hào rãnh. Các loài như vậy nhiều như số cát ở trong sông Hằng, thảy đều đến chỗ Đức Thế Tôn nằm, đảnh lễ sát chân, đứng về một phía.

Lại có các vị thần tiên đã đạt năm thứ thần thông[54], cùng với hết thảy chư vị tiên nhân trong bốn thiên hạ[55], như tiên Nhẫn Nhục v.v… nhiều như số cát một vạn sông Hằng. Các vị tiên nhân biểu hiện vô số thần lực biến hóa, sắm sinh lễ phẩm thù thắng vi diệu, gấp đôi người trước, đem đến chỗ Phật, trải tóc trên đất, ôm chân Như Lai, thành kính đảnh lễ, đứng về một phía.

Bấy giờ tì-kheo và tì-kheo-ni mười sáu nước lớn[56] vân tập đông đủ, kín một do tuần, chỉ thiếu hai chúng của hai Tôn giả Ca-diếp, A-nan[57]. Các vị tì-kheo và tì-kheo-ni, ngay sáng hôm ấy, đến chỗ Đức Phật, ôm chân đảnh lễ, nhiễu trăm ngàn vòng, đứng về một phía.

Lại có vua của các thần núi nhỏ và thần núi lớn; vua của quỷ thần thế giới trung gian; vua của thần núi Tu-di[58], số nhiều như cát của vạn sông Hằng. Những sơn thần này chỉ ăn những loại lá cây, bông, trái và có thần lực phóng ánh sáng lớn. Họ cùng đến chỗ Đức Thế Tôn nằm, ôm chân đảnh lễ, đứng về một phía.

Lại có chư thần, thiên tử trong tám sông lớn, biển lớn, đất lớn, số nhiều như cát, trong trăm ngàn vạn sông Hằng. Các vua lớn nhỏ đều có thần lực phóng ánh sáng lớn, che lấp ánh sáng mặt trời mặt trăng. Họ dùng thần lực làm rừng Kiên cố vọt nước cam lộ[59] đầy cả sông Hằng, mềm mại trong suốt, khắp nơi đều làm bậc thềm bảy báu, khiến cho chúng hội xuống lên lấy nước chẳng hề thấy mệt.

Bấy giờ, nơi vùng đất của bộ tộc Lực sĩ, về phía phương Bắc, tự nhiên xuất hiện giảng đường Thiện pháp[60], hướng Nam xuất hiện giảng đường Trọng các[61]. Các giảng đường ấy chạm trổ tinh xảo, bảy báu trang nghiêm, ánh sáng năm màu, lung linh rực rỡ. Suối trong, hồ tắm, hoa quả, vườn rừng, cũng tự nhiên có. Thật chẳng khác gì khu vườn Hoan Hỷ cõi trời Đạo Lợi, vô cùng ưa thích. Chư vị trời, người, chúng a-tu-la, đều nhìn thấy tướng thể nhập nê-hoàn của đức Như Lai, lòng rất bi cảm, than thở buồn sầu.

Lại có một ức số a-tăng-kỳ[62] chư vị thiên tử ở Tứ thiên vương[63], đều đến hội họp, nhìn nhau bảo rằng: Các ông nhìn kìa, các chúng trời, người và a-tu-la, vì muốn cúng dường Đức Phật Như Lai một lần sau cuối mà sắm phẩm vật đặc biệt thù thắng, nhiều vô số kể. Phật và đại chúng sau khi thụ nhận phẩm thực họ cúng sẽ nhập nê-hoàn. Chúng ta cũng phải sắm sửa phẩm vật nhiều gấp hai lần phẩm vật người trước, tất cả mọi thứ thức ăn, hương hoa, đều của cõi trời, như mạn-đà-la[64], ma-ha mạn-đà-la, hoa ca-câu-la[65], ma-ha ca-câu-la, hoa mạn-thù-sa[66], ma-ha mạn-thù-sa, hoa tán-đa-na[67], ma-ha tán-đa-na. Họ sắm vô lượng hương hoa cõi trời mang đến chỗ Phật, dâng lên cúng dường, dập đầu lạy Phật, đứng qua một phía.

Thích Đề-hoàn Nhân[68] cùng với thiên chúng cõi trời Ba ba[69], số a-tăng-kỳ, sắm sửa lễ vật đem dâng cúng dường. Vua trời thứ sáu[70], cùng với quyến thuộc, sắm sửa lễ vật thù thắng hơn trước. Trừ các cõi trời Bốn vô sắc[71] và Hữu sắc vô tưởng[72], ngoài ra các cõi trời khác đều sắm lễ vật cúng dường thù thắng hơn trước.

Bấy giờ Phạm thiên[73], chủ của thế giới Ta-bà[74], cùng Phạm thiên tử, vô lượng quyến thuộc, thân phóng hào quang che bốn thiên hạ, làm cho ánh sáng trời, người cõi Dục đều bị lu mờ. Áo trời, hoa trời, tung xuống như mưa; đồng thời bày biện phẩm vật, tràng, phan, dù, lọng cõi trời, xếp thành hàng dài, từ cõi Phạm thiên đến rừng Kiên cố. Họ chuẩn bị xong, đến chỗ Thế Tôn, cung kính đảnh lễ, đứng về một phía.

Lại có, Tì-ma-chất-đa[75], vua trời tu-la, cùng với quyến thuộc, số nhiều vô lượng, thân phóng ánh sáng che bốn thiên hạ, khiến cho ánh sáng Thích Đề-hoàn Nhân và các Phạm vương đều bị lu mờ. Vua trời tu-la cũng sắm sửa nhiều lễ vật dâng cúng, trong đó bảo cái to lớn che khắp tiểu thiên thế giới[76]. Họ chuẩn bị xong, phẩm vật cúng dường, liền đến chỗ Phật, cung kính đảnh lễ, đứng về một phía.

Bấy giờ, Thiên ma Ba-tuần[77], cùng với quyến thuộc, ma nữ cõi trời, số nhiều vô lượng. Họ dùng thần lực mở tất cả cửa của các địa ngục; rồi tùy sở nguyện của các chúng sinh trong địa ngục đó, cung cấp cho họ những thứ cần dùng. Đồng thời bảo với chúng sinh trong cõi địa ngục ấy rằng:

– Các ông cần phải suy niệm công đức tùy hỷ sau cùng mà Đức Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác đã từng chỉ dạy. Nếu niệm như vậy, tất cả các ông sẽ thêm sức mạnh, có thể tu hành phước lợi vô cùng, sẽ khiến các ông hưởng được an ổn, khoái lạc lâu dài, mãi mãi thoát khỏi địa ngục khổ đau, vì Đức Như Lai có oai thần lớn, có thể khiến cho tâm ma Ba-tuần chuyển hóa điều phục, và cũng khiến cho quyến thuộc của ma, bao nhiêu dùng cụ dùng để chiến đấu, đao, trượng, kiếm, cung, tên sắt, dùi sắt, búa sắt, dây buộc, lưỡi móc câu dài, thảy đều biến hóa thành đồ trang nghiêm. Chúng sinh địa ngục xa rời chánh pháp cho nên nhận chịu bao nhiêu khổ đau, đêm dài tăm tối sống trong ngôi nhà tường vách vây quanh, lửa dữ thiêu đốt, nhờ thần lực Phật, mưa pháp rưới xuống khiến cho lửa dữ thảy đều tắt hết.

Khi ấy chúng sinh trong chốn địa ngục thoát khỏi khổ đau, được vui an ổn. Sau khi thoát khổ được an ổn rồi, mỗi mỗi cùng với quyến thuộc của ma sắm sửa lễ vật, đầy đủ thù thắng, gấp đôi số trước, đến chỗ đức Phật, cung kính đảnh lễ:

– Cúi xin Thế Tôn thương xót tiếp nhận cho con cúng dường. Đức Phật thọ nhận cho con cúng rồi từ đây về sau, nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ nào xưng lên danh diệu hai chữ Đại thừa[78], tất cả chúng con sẽ vì người ấy bảo hộ cho họ không còn sợ hãi.

Rồi nói chú rằng:

– Sá chỉ trá trá la, đà chỉ lỗ lâu lệ, ma ha lô lâu lệ, a la, ma la, đa la, tất ba ha.

– Câu thần chú này có thể khiến cho những người loạn tâm được định thâm diệu. Câu thần chú này cũng có khả năng giúp người sợ hãi lìa mọi sợ hãi. Câu thần chú này cũng có thể giúp cho vị pháp sư biện tài vô ngại. Câu thần chú này có thể hàng phục các hàng ngoại đạo. Những người đã có khả năng hộ trì chánh pháp vững bền thì tụng chú này được hai vị thần thường theo hộ vệ. Những lời con nói về thần chú này đều là chân thật. Nếu ở những nơi đồng hoang nguy hiểm, các nạn thú dữ, nạn nước, nạn lửa, người nào trì tụng câu thần chú này, các nạn tiêu trừ. Những người siêng năng trì thần chú này, con sẽ giữ họ như rùa giữ kỉ sáu chi[79] của mình. Ngày nay chúng con, đều đã xa lìa những lời xiểm nịnh mà ma thường dùng. Nguyện xin Thế Tôn thương xót nhận lãnh phẩm vật con cúng, nguyện xin hứa khả, câu thần chú này.

Khi ấy Thế Tôn nói với Ma vương:

– Như Lai không nhận phẩm vật ông cúng, nhưng vì an ổn cho các chúng sinh, nay Như Lai sẽ chấp nhận thần chú là pháp cúng dường của ông đã nói.

Ba-tuần cầu thỉnh ba lần như vậy, Thế Tôn im lặng không nhận cúng dường. Khi ấy Ba-tuần cùng hàng ma nữ, ôm chân Đức Phật, cung kính đảnh lễ, đứng về một phía.

Lại có, vua của cõi trời Đại Tự Tại Thiên[80] và các Thiên tử, đầy đủ thần lực, số nhiều vô lượng, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, khiến cho ánh sáng của trời Phạm thiên, Thích Đề-hoàn Nhân, cho đến cõi giới của A-tu-la, đều bị lu mờ. Vua cùng Thiên tử Đại Tự Tại Thiên cũng sắm lễ vật đầy đủ trang nghiêm, thù thắng hơn trước; hoa cái[81] sáng rỡ, chiếu khắp ba ngàn, đại thiên thế giới, khiến cho trăm ức, mặt trời, mặt trăng, đều bị che khuất.

***

Phẩm thứ 2: BỒ TÁT ĐẠI THÂN

Từ thế giới này nhìn về phương Đông, cách khoảng vô số cõi Phật như cát trong vô số a-tăng-kỳ sông Hằng, có thế giới tên Ý Lạc Mỹ Âm. Trong thế giới ấy, có Đức Phật hiệu là Hư Không Đẳng, Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chính Giác. Đức Phật ấy bảo với người đệ tử bậc nhất trong hàng thanh văn bồ-tát tên là Đại Thân:

– Này thiện nam tử! Từ thế giới này nhìn về phương Tây, có một thế giới tên gọi Ta-bà. Trong thế giới ấy có Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chính Giác, sắp vào nê-hoàn. Ông hãy cầm bát, đựng đầy cơm thơm, mà hương xong khắp ba ngàn thế giới của quốc độ này, đồng thời chuyển lời thăm hỏi của Ta đến với chúng hội Đức Phật Thích-ca, và thỉnh cầu Ngài thọ cơm Ta cúng rồi vào nê-hoàn. Lại nữa, ông hãy đem các giường, màn, phẩm vật quý báu bậc nhất cúng Phật Thích-ca. Thêm nữa, các ông ai có hoài nghi hãy tự thưa hỏi nơi Đức Phật ấy.

Bồ-tát Đại Thân chắp tay lãnh giáo, cúi đầu đảnh lễ sát chân đức Phật, nhiễu quanh bên phải, rồi với vô lượng các đại bồ-tát cùng nhau đi đến thế giới Ta-bà. Bấy giờ ba ngàn đại thiên thế giới mặt đất rúng động. Đại chúng trong hội, Thích Đề-hoàn Nhân, Phạm thiên, Tứ thiên, Ma vương, Tu-la, hết thảy chư Thiên có thần lực lớn, thấy cả mặt đất chấn động như vậy toàn thân sởn ốc, ai cũng tự thấy ánh sáng của mình đều bị tắt lịm. Đại chúng ai nấy cũng đều sợ hãi. Khi ấy bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bảo với Thích, Phạm, Hộ thế, Ma vương và chư Thiên rằng:

– Các ông đừng sợ! Các ông đừng sợ! Từ thế giới này nhìn về phương Đông, khoảng cách như cát của muôn sông Hằng quốc độ chư Phật, có một thế giới Ý Lạc Mỹ Âm. Trong thế giới ấy, có Phật Như Lai hiệu Hư Không Đẳng, Ứng Cúng, Đẳng Giác. Đức Phật ấy bảo với người đệ tử bậc nhất trong hàng thanh văn bồ-tát tên là Đại Thân: “Ông hãy đi đến thế giới Ta-bà, ở đó có Phật Thích-ca Mâu-ni, Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chính Giác sắp vào nê-hoàn, đem cơm cúng Phật và chúng tì-kheo. Các ông ai còn hoài nghi thì hãy tự mình thưa hỏi”. Tức thì bồ-tát Đại Thân đảnh lễ sát chân Phật ấy, đi nhiễu bên phải, cung kính vâng lời. Rồi cùng vô lượng chư đại bồ-tát cùng nhau đi đến cõi Ta-bà này. Vì thân quý Ngài phóng ánh hào quang khiến cho ánh sáng của các ông đây thảy đều lu mờ. Ở thế giới kia, Phật Hư Không Đẳng, Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chính Giác, vì muốn cúng dường Thế Tôn chúng ta nên sai bồ-tát đến thế giới này. Các ông nên phải, một lòng tùy hỷ.

Khi ấy, Thích, Phạm, Thiên vương, cùng với Đại chúng bình tỉnh trở lại đồng than lời rằng:

– Than ôi buồn sao, thế gian trống vắng! Như Lai không lâu sẽ vào nê-hoàn. Con mắt thế gian sao diệt chóng vậy!

Rồi thì hết thảy khóc gào thảm thiết.

Bấy giờ, bồ-tát Đại Thân cùng vô lượng đại bồ-tát toàn thân tỏa sáng, từ bên cõi Phật Ý Lạc Mỹ Âm đến cõi Ta-bà. Mỗi lỗ chân lông trên thân bồ-tát phóng ra ánh sáng, hóa thành vô lượng những loài hoa sen. Trên mỗi hoa sen có bảy trăm tám mươi vạn thành ấp, cao rộng trang nghiêm. Thành ấy bảy lớp, đều bằng bảy báu, diêm-phù-đàn kim[82] làm đài chống đỡ. Trên những đài ấy trồng toàn cây báu. Những cây báu này trổ bông kết trái, hoa quả sum sê. Dây vàng giăng mắc giữa các hàng cây. Bao bộc bên ngoài bảy lớp lưới báu, gió nhẹ thổi qua phát năm thứ tiếng[83], âm thanh hòa nhã, tựa như nhạc trời. Nhân dân thành ấy an ổn vui vẻ, hạnh phúc tự tại. Bên ngoài thành ấy, bao bộc xung quanh có ao bảy báu, nước tám công đức[84], trong mát dâng đầy, không lạnh không nóng, mềm mại trong suốt, sinh ra bốn loại hoa sen bảy báu, lớn như bánh xe, xanh vàng đỏ trắng, phát ra ánh sáng năm màu lung linh. Trong mỗi ao hồ có thuyền bảy báu, mọi người bơi thuyền dạo chơi nô đùa. Bên trong thành ấy, còn có ao tắm, trồng bốn loài sen, hoa như bánh xe, năm màu rực rỡ; bốn bên hồ ấy lót toàn vàng ròng, bạch ngân, lưu ly, pha lê, khiến cho đôi bờ đối diện phản chiếu ánh sáng rất đẹp; mai khôi[85] làm đáy, rải cát vàng lên; mỗi một ao tắm, đều có mười tám bậc thềm bằng vàng; khoảng giữa bậc thềm, dùng nhiều vật báu, trang hoàng rất đẹp; diêm-phù-đàn kim làm thành cây chuối trồng hai bên đường; những loài hoa trời như ưu-bát-la, hoa bát-đàm-ma, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi, lớn như bánh xe phủ khắp mặt ao. Những loài chim lạ bay liệng trong ao, líu lo ca hót. Bên bờ ao tắm trồng rất nhiều loại hoa thơm cõi trời, bốn phương gió thổi, hoa rải khắp nơi ở trên mặt nước. Nước ấy thơm sạch như hương chiên-đàn ở trên cõi trời. Trong ngoài thành ấy có tám vạn bốn ngàn đại vương, mỗi đại vương có vô lượng phu nhân và các cung nữ, họ tự vui chơi với năm món dục. Nhà cửa nhân dân rộng bốn do tuần, hàng rào bảy lớp, đều bằng bảy báu; cũng tự có đủ vườn kiểng ao tắm, tùy ý vui chơi với năm món dục, đi lại tự do, không cần theo chủ. Đất trong thành ấy rất là mềm dẻo, bởi được nhào nhuyễn với hoa năm màu, và ướp hương trời. Lại nữa xứ ấy, không có những hàng Thanh Văn, Duyên Giác, chỉ thuần một hàng Đại thừa mà thôi. Trên mỗi bông hoa đều có Đại vương ngồi tòa sư tử, ghế báu đỡ chân, các tràng phan báu che phủ ở trên, đem pháp Đại thừa giáo hóa chúng sinh. Chúng sinh cõi ấy, ngồi ngay trên hoa nghe pháp Đại thừa, hoặc cầm kinh tụng, y pháp tu hành. Trên lỗ chân lông bồ-tát Đại thân phóng ra ánh sáng thần thông biến hóa. Các bồ-tát khác cũng giống như vậy. Bấy giờ chúng sinh chẳng còn niềm vui, chỉ thấy đau buồn, nước mắt rưng rưng, theo chư bồ-tát, từ từ đi đến thành Câu-thi-na, nhìn nhau bảo rằng:

– Các ông nhìn kìa! Phẩm vật cúng dường của trời và người vô cùng đặc thù.

Chư vị bồ-tát mới đến cũng sắm phẩm vật cúng dường. Tất cả thực phẩm tinh khiết thơm ngon, không thể ví dụ. Từ lỗ chân lông bồ-tát Đại Thân và hàng quyến thuộc mọc ra sen báu đựng lấy thức ăn cúng Phật cùng Tăng. Mùi vị thức ăn bay khắp ba ngàn đại thiên thế giới, chúng sinh ngửa được bao nhiêu phiền não thảy đều tiêu trừ. Những vật cúng dường như hoa sen báu, tràng phan, dù lọng, cũng không có gì so sánh cho vừa. Từ cõi Phật ấy, chư vị bồ-tát nương giữa hư không đến thế giới này, tựa như đài cao, tất cả chúng sinh thảy đều trông thấy. Bồ-tát Đại Thân cùng các quyến thuộc sắm sinh lễ phẩm gấp bội chư Thiên. Chỉ trừ hào quang của Đức Như Lai, còn lại tất cả ánh sáng Phạm, Thích, chư Thiên đều bị che mờ. Từ lỗ chân lông của chư bồ-tát tuôn mưa hoa sen. Hương thơm hoa ấy bay khắp ba ngàn thế giới đại thiên. Nếu có người nào ngửi được mùi thơm của bông hoa này, bao nhiêu tội cấu thảy đều tiêu trừ và lại có thể phát tâm bồ-đề[86]. Bồ-tát Đại Thân có thân vô lượng, lớn tựa hư không, chỉ trừ chư Phật, còn chúng sinh khác không thể thấy được bờ mé vô cùng của thân bồ-tát. Chư vị bồ-tát đảnh lễ Thế Tôn, dâng cơm cúng dường, đứng về một phía.

Chư vị bồ-tát thế giới phương Nam cũng đến chỗ Phật. Trên thân quý Ngài, từ lỗ chân lông mọc ra sen báu như cõi Diêm-phù. Trên hoa sen ấy, hiện thành bảy báu, thù thắng hơn trước. Chư bồ-tát từ thế giới phương Đông, thế giới Phương Tây đến cõi ta-bà, trên khắp thân thể của chư bồ-tát, từ lỗ chân lông cũng mọc hoa sen như bốn thiên hạ; thành ấp, phẩm vật, các thứ cúng dường, thù thắng hơn trước. Hoa sen mọc ra từ lỗ chân lông chư vị bồ-tát thế giới phương Bắc số nhiều như một tiểu thiên thế giới; thành ấp, ao tắm, thù thắng hơn trước. Chư vị bồ-tát ở trong mười phương thế giới vô lượng số a-tăng-kỳ, có thân như Ngài bồ-tát Đại Thân đầy cả hư không, từ lỗ chân lông hoa sen mọc ra nhiều bằng ba ngàn đại thiên thế giới. Các thứ bông hoa, phẩm vật cúng dường tuôn xuống như mưa. Thân của quý Ngài tỏa ra ánh sáng che cả chúng hội, chỉ trừ Như Lai. Quý ngài đảnh lễ, dâng lên phẩm vật cúng dường đức Phật, rồi thì cùng nhau đứng về một phía.

Khi ấy, cạnh rừng Kiên cố, vùng đất tốt đẹp, đã được sắp bày ba mươi hai hàng bảo tòa sư tử. Nơi ấy tuy hẹp, nhưng chư bồ-tát thân lớn vô lượng, cùng với chư thiên, loài người hội họp mà vẫn đủ chỗ. Có người ngồi chỗ nhỏ như đầu kim. Có người ngồi chỗ, nhỏ như mảy lông. Có người ngồi chỗ nhỏ như ngọn gai. Có người ngồi chỗ nhỏ như mảy bụi. Tùy thân lớn nhỏ, đều được ngồi yên, không thấy khổ nhọc. Bấy giờ thế giới nhiều như số bụi có trong mười phương đều bị chấn động, rung chuyển sáu cách, hiện tướng hy hữu, biến hóa thần thông, mỗi một thế giới, tùy theo sức mình, đều sắm lễ vật cúng dường như trước.

Cõi Diêm-phù-đề bấy giờ chỉ thiếu hai chúng đệ tử của ngài Ca-diếp và ngài A-nan cùng các quyến thuộc vua A-xà-thế, còn lại bao nhiêu chúng sinh đều đến nhóm họp chỗ Phật. Thậm chí rắn, rết, các loài có độc, ma quỷ, la-sát chuyên làm hại người, đều sinh lòng từ, không xâm hại nhau, đối xử với nhau giống như con ruột, chỉ trừ một hạng là nhất-xiển-đề[87].

Lúc ấy, nhờ thần lực Phật, mặt đất ba ngàn đại thiên thế giới thảy đều mịn màng, không có gò đồi, đá sạn, gai góc, các thứ cỏ độc, chỉ có muôn thứ vật báu trang nghiêm, giống như thế giới Tây phương Cực lạc. Khi ấy đại chúng, trời, người, tu-la, thấy cả vi trần mười phương thế giới hiện ra rõ ràng như những hình ảnh phản chiếu trong gương.

Bấy giờ, từ trên khuôn mặt đức Phật phóng ra vô số hào quang vi diệu đặc thù, khiến cho tất cả ánh sáng trên thân của cả chúng hội đều bị lu mờ. Hết thảy chúng sinh dập đầu khuyến thỉnh. Luồng ánh sáng ấy, chiếu chúng hội xong vào lại miệng Phật. Khi ấy chư thiên, người, a-tu-la, tất cả hội chúng, thảy đều kinh hãi, toàn thân sởn ốc, cùng nhau bảo rằng:

– Ánh sáng của Phật chiếu khắp mười phương, vô lượng thế giới. Luồng ánh sáng ấy, chiếu khắp nơi xong vào lại miệng Phật, không còn bóng dáng. Sự việc như vậy, hẳn có nguyên do, chắc hẳn là tướng nê-hoàn sau cùng. Kỳ lạ làm sao, trời, người cúng dường, thảy đều không nhận, thoảng chốc xả bỏ bốn vô lượng tâm. Ánh sáng Phật huệ từ nay tắt lịm, thuyền báu từ bi từ nay đắm chìm. Than ôi, khổ thay! Chúng sinh tuyệt vọng!

Họ khóc nức nở, chảy máu nước mắt, tuôn xuống như mưa. Giống như mây đen che kín bầu trời, trút cơn mưa xuống, đại chúng gào khóc, huyết lệ tuôn rơi cũng y như vậy.

***

Phẩm thứ 3: TRƯỞNG GIẢ THUẦN-ĐÀ

Bấy giờ trong chúng, có ông trưởng giả tên gọi Thuần-đà[88], người thành Câu-di, cùng với năm trăm đứa con của ông, đầy đủ uy nghi, thứ tự trang nghiêm. Trưởng giả Thuần-đà quán sát chúng hội vân tập đủ rồi, liền chỉnh y phục, đảnh lễ đức Phật, trong lòng lo lắng, như ánh mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá nổi lên trên ấy như mạch máu đỏ, trưởng giả Thuần-đà cũng giống như vậy, toàn thân rướm máu, lệ tuôn như mưa, nhiễu trăm ngàn vòng, chắp tay bạch Phật:

– Cúi xin Thế Tôn cùng với Đại chúng, thương xót chúng con được thỉnh cúng dường một lần sau cuối, để cho chúng con cùng với chúng sinh nhờ ơn giải thoát. Thí như ruộng đồng của người nghèo khổ, vào tiết tháng hai cày bừa gieo hạt mong cơn mưa xuống. Con nay cũng vậy, thân khẩu ý nghiệp, phiền não dẫy đầy, chỉ mong tu tập chút ít ý niệm chán lìa ba nghiệp. Cúi xin Thế Tôn cùng với Đại chúng thương xót chúng con ban ơn mưa pháp, nhận lời khuyến thỉnh. Đám ruộng khô khan mong thấm ân từ!

Bấy giờ Thế Tôn, Nhất Thiết Chủng Trí[89], biết hết mọi thời, bảo với Thuần-đà:

– Như Lai Ứng Cúng, bậc Đẳng Chính Giác, cùng với Đại chúng nhận lời ông thỉnh, thụ buổi cúng dường một lần sau cuối.

Khi ấy trời, người, chúng a-tu-la, nghe Đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác, nhận lời thỉnh cầu của ông Thuần-đà thụ buổi cúng dường một lần sau cuối, hết thảy Đại chúng vô cùng hoan hỷ, khác miệng đồng lời cùng nói lên rằng:

– Thật là hy hữu! Lành thay, lành thay! Trưởng giả Thuần-đà đầy đủ đức nguyện. Lạ thay Thuần-đà, sinh trong cõi người phước lớn khó được, nay ông đã được. Như hoa ưu-đàm[90], thế gian hiếm có, Đức Phật ra đời khó gặp hơn vậy. Lòng tin đã khó, nghe pháp càng khó. Nhưng Phật nê-hoàn được cúng dường Ngài một lần sau cuối còn khó hơn nữa. Lại nữa Thuần-đà! Thí như trăng tròn đêm rằm tháng giêng không một gợn mây, hết thảy chúng sinh ai cũng nhìn thấy. Ông cũng như vậy, Như Lai Ứng Cúng, bậc Đẳng Chính Giác, cùng với Đại chúng nhận lời ông thỉnh cúng dường lần cuối liền lên bờ giác. Lành thay Thuần-đà! Vì vậy nói ông, như trăng tròn đầy, hết thảy chúng sinh ai cũng chiêm ngưỡng. Lạ thay Thuần-đà, quả là đệ tử chánh chân của Phật. Tuy sinh cõi người mà nay quả thật là người tối thắng trong hàng chư thiên. Cho nên chúng tôi cúi đầu đảnh lễ, cùng nhau đồng thanh nói kệ khen rằng:

Tuy sinh ở cõi Người,

Mà phước Trời đầy đủ,

Ta cùng tất cả chúng,

Nay dập đầu lễ thỉnh.

Nếu Ngài thương hứa khả,

Bày tỏ chút tâm nguyện,

Muốn cứu độ chúng sinh,

Xin hãy mau thỉnh cầu.

Nay tối thắng cõi Trời,

Giữa đời, Điều ngự sĩ,

Mắt thần thông thấy suốt,

Tướng công đức vô lượng,

Vì chúng sinh cầu thỉnh,

Xả phương tiện nê-hoàn,

Trụ thế giữa trời, người,

Rộng nói pháp cam lồ,

Mãi lìa khổ sinh tử,

Được an ổn từ đây.

Bấy giờ, trưởng giả Thuần-đà vui mừng khôn xiết. Giống như một người cha mẹ chết cả, lòng đau như cắt, đưa ra gò mả làm lễ tống táng bỗng nhiên sống lại, thì niềm vui sướng tả sao cho hết? Trưởng giả Thuần-đà cùng với quyến thuộc sung sướng reo vui cũng giống như vậy, năm vóc sát đất, chắp tay đảnh lễ, dùng kệ khen rằng:

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Có được diệu quả ở cõi người.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Vĩnh viễn đóng kín cửa khổ đau.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Gặp quả vô thượng giữa cõi đời,

Giống như tìm vàng khi đãi cát,

Chợt được kim cương sướng biết bao!

Vui thay! Nay ta được thoát ly,

Các nẻo súc sinh đường khổ dữ.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Tin sâu hiếm có như ưu-đàm[91].

Vui thay! Nay ta được thoát ly,

Đói khát, xan tham đường ngạ quỷ.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Bố thí một lần đến bờ kia

Từ nay vĩnh viễn lìa ác thú,

Cảnh giới tu-la cũng rời xa.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Khó gặp Như Lai giữa cõi đời.

Như được gặp hoa ưu-đàm nở,

Như nếm hạt cải dính đầu kim.

Vui thay! Nay ta được thoát ly,

Đại vương bốn trời thường nghĩ tưởng.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Tận mắt được thấy Đại Pháp Vương

Mười chỗ thác sinh trời cõi dục,

Hiểu rõ rành rành chẳng luyến mê.

Vui thay! Ta nay được phước lớn,

Giữa đời khó gặp được anh hùng

Giống như hạt cải dính đầu kim,

Gặp đấng Như Lai khó hơn thế.

Khó tựa đầu kim mà để được,

Ba cõi, hai lăm hữu[92] đứng yên.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Gặp được Như Lai ước nguyện tròn.

Diệt sạch tất cả mọi điều ác,

Vô lượng ngu si, giặc vô minh.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Gặp Đấng Ly Cấu tựa hoa sen.

Vui thay! Nay ta mãi thoát ly,

Sóng dữ trầm luân biển sinh tử.

Vui thay! Giữa đời gặp Như Lai,

Rùa mù gặp bộng cây giữa biển.

Vui thay! Nay ta mãi thoát ly,

Biển sinh tử rùa mù lầm lạc.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Giữa đời hy hữu, mấy ai bằng.

Trời, người ai thỉnh đều không nhận,

Pháp Bảo khó thưa, ta được thưa.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Trời, người, tu-la thảy tin mong.

Vui thay! Nay được quả hiện tại,

Lần cuối Thế Tôn nhận lời ta.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Trời, Người ai nấy xin thỉnh cầu.

Bao nhiêu phẩm vật đều không nhận,

Thương xót nhận ta chút lễ này.

Vui thay! Nay ta được phước lớn,

Trời, người hiến cúng, trọn không thành.

Lễ mọn ta cúng tựa y lan[93]

Như Lai từ bi thương xót nhận.

Cõi trời, cõi người, a-tu-la,

Ưu sầu, than khóc, dập đầu thỉnh,

Như Lai đại bi thương tất cả,

Xem chúng sinh tựa con một thôi,

Dù cho không nhận chúng con cúng,

Xin thương trời, người, đừng nê-hoàn.

Tất cả trời, người chẳng mong gì,

Chỉ mong Như Lai ở đời mãi,

Tựa núi Tu-di trụ biển khơi,

Để kim cang luân[94] chẳng hề động.

Núi sông ảnh hiện vô cùng đẹp,

Giữa hội Như Lai cũng sáng ngời.

Uy quang của Phật soi bốn chúng

Chẳng khác mây đen lấp kín trời.

Mặt trời hiển hiện xua bóng tối,

Có Phật trời, người hết u mê.

Lâu nay bóng tối sầu bi phủ,

Nên nguyện Như Lai trụ mãi đời,

Đại Trí, Đại Hùng trụ thế mãi,

Vận nguồn tuệ giác diệt u mê

Để tâm chúng con lìa sợ hãi,

Như núi Tu-di chẳng động lay.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Thuần-đà rằng:

– Đúng vậy Thuần-đà! Đức Phật ra đời thật khó gặp được, như hạt kim cương lẫn trong biển cát. Có được thân người còn khó hơn vậy. Đầy đủ tín tâm càng khó hơn nữa, tựa như rùa mù gặp bộng cây nổi. Được gặp Như Lai thể nhập nê-hoàn, cúng dường lần cuối, đến bờ giải thoát, lại càng khó hơn, như hoa ưu-đàm suốt cả ngàn năm một lần xuất hiện. Thuần-đà, nay ông chớ sinh ưu não, hãy nên vui mừng. Vì sao như thế? Hãy nghĩ như vầy: “Hôm nay Như Lai cùng với đại chúng nhận ta cúng dường một lần sau cùng thật là lớn lao”. Vì duyên lành ấy ông phải vui mừng. Này ông Thuần-đà chớ thỉnh Như Lai trụ mãi đời này. Phải quán thế gian đều là vô thường, bản chất các hành[95] cũng y như vậy.

Bấy giờ Thế Tôn vì ông Thuần-đà mà nói kệ rằng:

Dù cuộc đời dài lâu

Chung quy rồi cũng diệt

Dù sinh trời trường thọ[96]

Cuối cùng cũng chết thôi

Có hợp ắt có tan

Hữu vi[97], pháp ma diệt[98]

Trẻ bị già hủy hoại,

Khỏe bị bệnh khốn vây,

Người sống rồi phải chết,

Vô thường, há bền lâu.

Không sức mạnh, sắc đẹp,

Thọ mạng vốn cũng không,

Vợ con cùng voi, ngựa

Tiền tài cũng thế thôi

Thế gian người thân thích

Bà con đều biệt ly

Ba cõi thật đáng sợ

Ác đạo đầy khổ đau

Chung quy đều diệt hết

Làm sao chẳng chán lo?

Hữu vi, tướng sinh, già

Là pháp đáng hổ thẹn

Bị thường kiến dối lừa

Nên mới tin còn mãi

Pháp thù thắng, nê-hoàn

Xa lìa chốn sợ hãi

Thoát được tướng sinh, già

Các họa lớn bệnh, chết

Ngu si tâm rối loạn

Nghiệp này đã vượt qua

Vô lượng điều mong cầu

Không gì hơn tịch diệt

Nghĩa này thật vô thường

Chẳng phải pháp che chở

Chỉ do khổ nhóm hợp

Hư huyễn không chắc bền

Nơi này khó kham nhẫn

Cũng chẳng thể thường tồn

Y như tằm kéo kén

Nhả tơ tự buộc mình

Luân hồi trong ba cõi

Không một chỗ yên vui

Chỉ có khổ sinh, già

Và họa lớn bệnh, chết

Người biết nghĩa, thấy rõ

Ngày đêm mạng trôi lăn

Là pháp giảm, hư dối

Sợ hãi, chẳng chút vui

Tật bệnh, ưu, bi, não

Thứ phi nghĩa dẫy đầy

Lửa dục quay không hở

Bao nhiêu nạn tụ về

Bậc trí mãi xa lìa

Những nơi thống khổ ấy

Họa năm dục hiểu rành

Chưa hẳn có công đức

Phải ly dục, vô tham

Thấu tỏ pháp chơn thật

Mới chính là giải thoát

Từ bỏ nẻo sinh, già

Khẩu nghiệp kết oán cừu

Cứu cánh lìa các hữu.

Từ đây gấp rút lìa tất cả

Y như củi hết, lửa chẳng còn

Diệu sắc trạm nhiên thường an ổn

Không bị già suy mãi hoại tàn

Vô lượng bệnh khổ không bức bách

Thọ mạng vô hạn mãi trường tồn

Biển khổ vô biên vượt qua hết

Không theo thời tiết kiếp đổi dời

Vui thay! Như Lai vượt ba cõi

Sinh tử luân hồi chẳng lầm mê

Ông chớ xem Ta diệt độ hẳn

Như núi Tu-di trụ biển khơi

Thuần-đà, nay Ta nhập nê-hoàn

Chánh pháp bình đẳng mãi an lạc

Bậc trí sáng suốt nghe nghĩa này

Thấu tỏ rõ ràng không lo lắng

Chớ đem thân sinh tử bọt bèo

Trí tuệ thấp hèn, đo lường Phật

Thân Ta thật trụ nơi an ổn

Chỉ có Như Lai mới tỏ tường.

Bấy giờ Thuần-đà bạch với Phật rằng:

– Ngưỡng bạch Thế Tôn! Lành thay! Lành thay! Chúng con là kẻ kém hèn, làm sao hiểu thấu Như Lai nê-hoàn! Ngưỡng bạch Thế Tôn! Hôm nay thân con vốn chẳng hề khác với chư bồ-tát, những bậc đại nhân và a-la-hán. Như ngài Văn-thù chẳng có gì khác các a-la-hán. Trong chúng hội đây, nếu có người nào đầu tiên thọ giới liền được giới thể dự vào Tăng đoàn, thì con cũng vậy, dù con chỉ là phàm phu kém hèn, nương nhờ oai thần của đức Như Lai mà được đứng cùng chư đại Hiền thánh, dự vào Tăng đoàn. Dạ vâng Thế Tôn, Nguyện xin Như Lai trụ mãi ở đời, đừng vào nê-hoàn như lửa tắt ngấm.

Văn-thù-sư-lợi bảo Thuần-đà rằng:

– Này ông Thuần-đà, chớ nói như thế! Bởi vì sao vậy? Ông phải quán xét bản chất đổi thay của pháp hữu vi vốn là như vậy. Quán chiếu được vậy đầy đủ Không tuệ, người cầu chính pháp phải học như vậy.

Thuần-đà đáp rằng:

– Thưa Ngài Văn-thù! Phàm Như Lai là bậc tối tôn của các hàng trời, người, là bậc Ứng Cúng lẽ đâu cũng là pháp hành hay sao? Nếu là pháp hành, là pháp sinh diệt, thí như bọt nước thoạt nổi thoạt tan, vần xoay qua lại tựa như bánh xe. Nếu bảo Như Lai cũng là pháp hành thì không thể nào trên cả trời, người? Chẳng phải là người tối thắng cõi trời thì không xứng đáng để mà ứng cúng. Lại nữa, thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Ngài há chẳng nghe có trời trường thọ? Vậy mà ngày nay thọ mạng Như Lai không đầy trăm tuổi, như vậy chẳng là pháp sinh tử chăng? Đã vậy làm sao có thể tôn xưng là đấng tối tôn trong hàng trời, người, là bậc Ứng Cúng? Thưa ngài Văn-thù! Thí như có người làm chủ tụ lạc, tùy theo khả năng, công sức của mình, từ từ thăng tiến lên địa vị cao, mọi người kính trọng, tiền của dồi dào, quyền thế tự tại, nhưng khi phước hết trở lại nghèo hèn, chẳng ai tôn trọng. Giả sử Như Lai, cũng là pháp hành thì y như vậy, chẳng phải là đấng tối tôn trời, người, thành kẻ thấp hèn, không xứng ứng cúng. Bởi vì sao vậy? Bởi vì Như Lai là pháp sinh diệt. Cho nên, thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Ngài chớ nói rằng Như Lai Ứng Cúng, bậc Đẳng Chính Giác là pháp sinh diệt. Lại nữa Văn-thù! Ngài biết mà nói hay là không biết, vọng tưởng cho rằng Như Lai cũng là pháp hành sinh diệt? Nếu đức Như Lai đúng là pháp hành, thì không được tôn Pháp Vương Tự Tại ở trong ba cõi. Bởi vì sao vậy? Thí như ông vua dõng mãnh phi thường, có thể một mình thắng ngàn lực sĩ, thì lúc bấy giờ người ta sẽ gọi vua thắng nghìn người. Như Lai Ứng Cúng, bậc Đẳng Chính Giác cũng y như vậy, Ngài đã hàng phục ác ma phiền não, ấm ma, tử ma và ma Ba-tuần, như vậy tất cả các ma lực sĩ, cống cao ngã mạn điều bị hàng phục, vì vậy cho nên Như Lai Ứng Cúng, bậc Đẳng Chính Giác, được làm Pháp Vương tự tại ba cõi. Nếu bảo Như Lai là pháp sinh tử thì thật chẳng có công đức gì cả. Do đó thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Ngài chớ vọng tưởng nói rằng Như Lai là pháp sinh diệt. Lại nữa Văn-thù! Như ông trưởng giả giàu có bậc nhất, sinh được đứa con, thầy tướng xem nó có tướng đoản thọ. Vợ chồng trưởng giả nghe nói như vậy lòng rất đau buồn, nghĩ mình phước bạc, gia môn bất hạnh, sinh phải đứa con đoản thọ chết yểu, nên chẳng yêu mến. Bởi vì sao vậy? Bởi kẻ đoản thọ chẳng được trời, người, hàng bà-la-môn cùng với quyến thuộc yêu mến kính trọng. Bởi vậy thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Nếu đức Như Lai cũng có tuổi thọ bằng với người đời thì cũng giống như người đời chẳng được cha mẹ kính yêu. Như Lai Ứng Cúng, bậc Đẳng Chính Giác mà là pháp hành, chẳng được trời, người, tu-la kính mến, vì bản thân Ngài cũng bị đổi thay. Bởi vì sao vậy? Vì dùng các pháp tri kiến thối thất mà đem giảng nói cho các chúng sinh là pháp giải thoát, với ý nghĩa đó làm sao được gọi là bậc Chánh Giác? Thế nên, thưa ngài Văn-thù-sư-lợi! Ngài chớ vọng tưởng cho rằng Như Lai cũng là pháp hành.

Lại nữa Văn-thù! Như người nữ nghèo chẳng có nhà cửa, bệnh tật ốm đau, thân lại mang thai, xin ăn khắp chốn, ngày nọ dừng chân trước cửa nhà kia xin nhờ ở trọ để mà sinh nở. Chủ nhà không cho, lại còn xua đuổi. Thế rồi người nữ sinh con giữa đường, ẵm bế trên tay đi qua nước khác. Giữa đường gặp phải bao nỗi khốn cùng, muỗi mòng, trùng độc, chực chờ ăn thịt. Đến bờ sông Hằng, ẵm con trong lòng, bà lội qua sông, gặp dòng nước xoáy, chẳng nở buông con, bởi vậy cho nên cả hai mẹ con đều cùng chết đuối. Do nhờ công đức từ ái thương con mà người nữ kia sau khi mạng chung sinh trời Tịnh Diệu. Bởi vì sao vậy? Bởi vì người nữ không tiếc thân mạng thà chết cứu con. Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát cũng vậy muốn hộ chánh pháp chớ dùng pháp hành mà nhìn Như Lai. Người dùng pháp hành, phải biết người đó nhục nhãn cũng mù, không có tuệ nhãn. Đối với Thế Tôn phải khởi chính quán bất khả tư nghì. Phải biết Như Lai chẳng phải hữu vi, nhưng vì chúng sinh hóa hiện cứu độ cho được an lạc, như người nữ nghèo vì cứu con mình không tiếc thân mạng, nhờ thế sinh lên cõi trời Tịnh Diệu. Bồ-tát hộ pháp cũng giống như vậy, biết rõ Như Lai chẳng phải hữu vi, là pháp trường tồn, là pháp cửu trụ, do đó hộ pháp được quả hiện tại mau thành giải thoát.

Lại nữa Văn-thù! Thí như có người đường xa mệt mỏi, nghỉ nhờ nhà nọ, đang đêm ngủ vùi, bỗng nhiên nhà ấy phát cháy dữ dội. Người ấy choàng tỉnh, thấy lửa vây quanh, muốn thoát thân ra khỏi nhà lửa này thật khó biết bao, áo quần cháy hết, sợ chết lõa lồ, nên lòng hổ thẹn. Rồi vì không thể thoát khỏi nhà cháy nên bị thiêu chết. Do nhờ công đức sinh lòng hổ thẹn mà sau khi chết người ấy được sinh lên trời Đao Lợi, tám mươi ngàn kiếp làm vua trời ấy, rồi trăm ngàn kiếp làm vua Phạm thiên, sau đó trở lại sinh trong loài người thường được làm vua Chuyển luân thánh vương, không đọa ác thú mãi sinh ở chốn an ổn hạnh phúc. Tất cả phước ấy đều nhờ một niệm sinh lòng tàm quý. Văn-thù-sư-lợi! Phải biết Như Lai, làm phương tiện đó, như người đi đường chết trong hổ thẹn. Chớ theo ngoại đạo huân tập tà kiến, làm thầy tì-kheo mà không giữ giới, đối với Như Lai là pháp vô vi mà khởi tâm tưởng cho là hữu vi là tội vọng ngữ. Người nào nghĩ rằng, đức Phật Như Lai là pháp hữu vi thì nên biết rằng người ấy thường lấy a-tỳ-địa ngục[99] làm nhà để ở. Vì vậy chớ nên nghĩ rằng Như Lai là pháp hữu vi, mà nên nhớ nghĩ Như Lai vô vi, từ đó mà được trí tuệ vượt qua biển lớn sinh tử, không bị sống chết làm cho mê hoặc, là được trí tuệ thâm sâu giải thoát. Nhờ trí tuệ này nhanh chóng đạt được đầy đủ tướng hảo của đức Như Lai.

Bấy giờ Văn-thù bảo Thuần-đà rằng:

– Lành thay thiện nam! Nên biết như vậy, đức Phật Như Lai thường trụ, vô vi, không phải là pháp sinh diệt đổi thay. Này ông Thuần-đà! Ông có trí tuệ, khéo dùng phương tiện che pháp hữu vi của đức Như Lai, chẳng bao lâu nữa ông sẽ thành Phật. Công đức thù thắng vi diệu của ông chỉ Phật Thế Tôn mới khen ngợi hết. Lại nữa Thuần-đà! Có hai cách thí, bố thí kịp thời và bố thí pháp. Bố thí kịp thời vượt xa bố thí tất cả chúng sinh. Như có tì-kheo hoặc tì-kheo-ni, hàng ưu-bà-tắc hoặc ưu-bà-di, từ xa mới đến, trên lộ trình ấy nếu có người nào tùy theo sức mình nhanh chóng cung cấp những thứ cần dùng cho những người ấy, thì việc làm này đã gieo hạt giống đàn-ba-la-mật[100], được quả báo lớn. Hôm nay Thuần-đà tùy theo sức mình cúng Phật cùng Tăng một lần sau cuối, phải biết lúc này mau dâng lên cúng, bởi sắp đến giờ Thế Tôn diệt độ.

Thuần-đà thưa rằng:

– Kính bạch bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Việc gì ngài lại hối thúc con dâng thức ăn không mấy được thanh tịnh này? Như Lai lẽ nào chờ đợi được dùng thức ăn này ư? Thuở xưa Như Lai tu hành khổ hạnh suốt sáu năm trời, ngồi dưới gốc cây, ngày ăn chỉ một hạt mè để sống mà còn chịu được, huống gì hôm nay, chỉ trong chốc lát không nhịn được sao? Ngài thật cho rằng Như Lai thọ dụng thức ăn này ư? Thân của Như Lai chính là pháp thân, không phải là thân thọ dụng thức ăn.

Bấy giờ Thế Tôn bảo ngài Văn-thù:

– Những lời Thuần-đà đều là chân thật.

Rồi Phật lại bảo với ông Thuần-đà:

– Hôm nay ông đã thành tựu đại trí, thấu triệt Đại thừa.

Văn-thù-sư-lợi bảo Thuần-đà rằng:

– Hôm nay ông đã xưng tán Như Lai, nên được Đức Phật thương yêu gia hộ.

Thuần-đà thưa rằng:

– Như Lai đâu phải chỉ thương mình con? Tất cả chúng sinh đều được chư Phật bình đẳng thương yêu. Ngài chớ khởi lên vọng tưởng điên đảo mà nói như vậy. Ngài nên biết rằng, chư Phật thương yêu và người được Ngài thương yêu che chở, cả hai người ấy đều chẳng phải là pháp hành sinh diệt. Bởi tình thương ấy, như con trâu mẹ, dù đang đói khát, đi tìm cỏ nước, no hay chưa no, chợt nhớ con mình liền vội quay về. Chư Phật Thế Tôn không có niệm này, thương khắp chúng sinh như là con một. Tình thương như vậy chính là cảnh giới trí tuệ chư Phật. Lại nữa thưa Ngài Văn-thù-sư-lợi! Thí như xe báu được kéo bởi voi hay là bởi ngựa, nhanh chậm bất đồng. Chúng ta cũng vậy, với chín loại kinh[101], không đủ sức trí để mà thưa hỏi trí tuệ của Phật. Văn-thù-sư-lợi! Như chim cánh vàng[102] liệng giữa hư không, bay qua biển lớn, thấy bóng của mình hiện trên mặt nước, rộng lớn vô cùng, đồng thời thấy rõ mọi loài thủy tộc, thân hình lớn nhỏ. Như đứa trẻ bệnh đâu kham uống được thuốc của người lớn?

Văn-thù-sư-lợi bảo Thuần-đà rằng:

– Đúng vậy Thuần-đà! Như lời ông nói, ta vì bồ-tát công đức thậm thâm mà nói lời đó.

Bấy giờ từ trên khuôn mặt Thế Tôn phóng ra vô số ánh sáng đủ màu. Văn-thù-sư-lợi thấy ánh sáng ấy, biết đã đến giờ Thế Tôn nê-hoàn, liền bảo Thuần-đà:

– Ông muốn cúng dường Như Lai nê-hoàn một lần sau cuối, nay đã đến giờ, hãy mau thiết lễ. Thuần-đà nên biết, Như Lai phóng ra vô số ánh sáng là có nguyên do, vì ý nghĩa này, hãy mau hãy mau, chớ để đánh mất cơ hội hái hoa đúng lúc phải hái.

Trưởng giả Thuần-đà, thẩn thờ chết lặng. Phật bảo Thuần-đà:

– Như Lai ngay đây sẽ nhập nê-hoàn, nay chính là lúc ông cúng dường Tăng.

Phật bảo ba lần, Thuần-đà nghẹn ngào cất tiếng than rằng:

– Than ôi thế gian, trống vắng nhanh thế, Như Lai từ nay, lìa xa mãi mãi.

Thuần-đà nghẹn ngào, rơi lệ thỉnh cầu, xin Phật thương xót trụ đời lâu dài. Thế Tôn bảo rằng:

– Này ông Thuần-đà! Ông đừng khóc gào làm loạn tâm mình, phải chính tư duy quán chiếu thân này như là ngựa hoang, cây chuối, giấc mộng, ánh chớp, đồ gốm… chẳng gì bền chắc. Phải biết hữu vi là ngôi nhà lửa, nguy hiểm vô cùng.

Thuần-đà bạch Phật:

– Thế Tôn không muốn trụ lại ở đời nên đời trống vắng, thử hỏi làm sao chúng con không khóc?

Phật bảo Thuần-đà:

– Nay ta thương ông và mọi chúng sinh mới nhập nê-hoàn. Pháp của chư Phật, vốn là như vậy. Bản chất hữu vi cũng y như vậy. Ông cũng là một trong tất cả pháp hữu vi sinh diệt. Với tất cả pháp hữu vi sinh diệt ông phải nghĩ rằng, Như Lai xưa đã nói pháp vô thường, khổ, không, vô ngã; cũng đã từng nói thân này là mầm của mọi tai họa, như chùm bọt nước, sinh diệt tan biến. Ông chớ buồn khổ như bọn phàm phu.

Thuần-đà bạch Phật:

– Đúng vậy, Thế Tôn! Thật lòng con biết Như Lai phương tiện thể nhập nê-hoàn, nhưng con vẫn buồn không kiềm chế được.

Phật bảo Thuần-đà:

– Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Ông đã rõ biết Như Lai phương tiện thể nhập nê-hoàn. Ông phải biết rằng, Phật đã trải qua, như qua biển lớn, thấy biết cùng tận các pháp trường thọ với chẳng trường thọ, dùng pháp phương tiện, pháp diệt, pháp huyễn, thời với phi thời, tánh với phi tánh. Thuần-đà! Ông muốn nhanh chóng, vượt biển tam hữu[103] thì mau sắm soạn lễ phẩm cúng dường như chúng Trời, Người, chúng A-tu-la… Lần cúng dường này là lần sau cuối, khiến cho tất cả chúng sinh nhờ Ta mà được bất động, an ổn khoái lạc, ông và mọi người gặp ruộng phước lớn, đã phát tâm thí đàn-ba-la-mật cho Đức Như Lai, bậc Đẳng-Chánh-Giác, thì đừng níu kéo, vấn nạn Ta nữa, nhưng bản thân ông cũng đã thành tựu ruộng phước Như Lai.

Lúc ấy, Trưởng giả Thuần-đà, vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh, dập đầu than khóc, nước mắt như mưa. Giống như mặt trời lúc vừa mới mọc rọi lên cây xanh từng đường gân lá nổi lên trên ấy như mạch máu đỏ, Trưởng giả Thuần-đà máu lệ tuôn rơi cũng y như vậy, mà bạch Phật rằng:

– Dạ vâng Thế Tôn! Theo lời Ngài dạy, ý nghĩa Như Lai thể nhập nê-hoàn thật là thâm sâu, không phải phàm phu ngu muội như con có thể lường biết, đến như các hàng Thanh Văn, Duyên Giác, cũng không hiểu thấu. Chỉ có chư Phật mới thấu hiểu hết cảnh giới trí tuệ của các Thế Tôn.

Bấy giờ Thuần-đà cùng các quyến thuộc vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh, dập đầu sát đất, lạy chân Đức Phật, nhiễu quanh bên phải, xông đốt trầm hương, rải hoa cúng dường Đức Phật Thế Tôn, đồng thời cúng dường Văn-thù-sư-lợi. Cúng dường hoàn mãn cùng trở về nhà.

***

Chú thích quyển 1:

[1] Theo bản Tống, Pháp Hiển cùng dịch chung với sa-môn Giác Hiền (S: Bodhibhadra), người Thiên Trúc.

[2] Pháp Hiển 法顯, họ Cung, người Bình Dương, tức vùng Sơn Tây, Trung Quốc ngày nay. Xem Truyện cao tăng Pháp Hiển, HT. Trí Quang dịch, để biết thêm về ngài.

[3] Sa-la, xem Kiên cố lâm, dưới.

[4] Kiên cố lâm 堅固林 (S: Śāla): tức rừng cây Sa-la, còn gọi là Kiên lâm, Song thọ lâm, Hạc lâm. Theo Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 3, thì cây Sa-la vốn không tàn rụi sơ xác trong cả bốn mùa, vì vậy mà dịch là Kiên cố (Phật quang đại từ điển – viết tắt PQĐTĐ – tr.4446).

[5] Hi-liên 熙連 (S: Hiraṇyavatī): tên sông, còn gọi là A-thị-đa-phạt-để (S: Ajitavatī), nằm ở miền trung Ấn Độ, thuộc thành Câu-thi-na xưa (Đinh Phúc Bảo – viết tắt ĐPB).

[6] Câu-di thành lực sĩ sinh địa 拘夷城力士生地: tức thành Câu-thi-na (S: Kuśinagara), vùng đất của bộ tộc Lực sĩ, tức bộ tộc Mạt-la (S: Malla).

[7] Bát-nê-hoàn 般泥洹 (Cg: bát-niết-bàn 般涅槃; niết-bàn 涅槃; S: pariṃrvāṇa, nirvāṇa): chỉ trạng thái diệt tận phiền não, bất sinh, viên tịch, giải thoát, vô vi, an lạc.

[8] Mâu-ni 牟尼 (S: Muni): mỹ hiệu chỉ cho những bậc Thánh đã đoạn trừ hết phiền não. Trong hàng Thánh giả đó, Đức Phật được tôn xưng là Đại Mâu-ni.

[9] Nguyên bản ghi là diện môn 面門 (S: mukha): có ba cách giải thích: chỉ nơi miệng, chỉ giữa khuôn mặt, và chỉ khoảng dưới mũi, trên miệng, tức huyệt nhân trung (PQĐTĐ, tr.3988).

[10] Tam thiên đại thiên thế giới 三千大千世界 (S: tri-sāhasra-mahā-sāhasra-loka-dhātu): một thế giới hệ gồm ba ngàn đại thiên thế giới. Tập hợp bốn đại châu, mặt trời, mặt trăng và các cõi trời làm thành một thế giới. Một ngàn thế giới hợp lại thành một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới hợp lại thành một trung thiên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới hợp lại thành một đại thiên thế giới (ĐPB).

[11] Sáu đường chúng sinh (tức lục thú chúng sinh 六趣眾生): chúng sinh theo nghiệp của mình đã tạo mà qua lại trong sáu đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, trời và người.

[12] Chấn động sáu cách (tức lục chủng chấn động 六種震動): rung động, khởi lên, vọt lên, vang động, gầm rống, thức tỉnh (PQĐTĐ, tr.1306).

[13] A-la-hán 阿羅漢 (S: arhat): quả vị cao nhất trong bốn quả vị Thanh văn, dịch ý là ứng cúng, ứng chơn, sát tặc, bất sinh, vô sinh, vô học, chơn nhân. Đó là bậc Thánh đã đoạn trừ hết tất cả phiền não (kiến hoặc và tư hoặc) trong tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới), chứng đắc Tận trí (S: Kṣaya-jñāna), có thể kham nhận sự cúng dường của chư thiên và loài người (PQĐTĐ, tr.3692).

[14] Không tuệ 空慧: trí tuệ quán chiếu lý không của các pháp, tức là tuệ giác có được nhờ chứng nhập tánh không của các pháp (ĐPB).

[15] Chiên đàn 栴檀 (S: Candana), một loại cây, gỗ rất thơm, còn gọi là gỗ đàn hương, mọc trên núi Malaya, miền Nam Ấn Độ, có thân giống đầu trâu, nên còn gọi là Ngưu đầu chiên-đàn.

[16] Ca-chiên-diên 迦旃延 (S: Kātyāyana): một trong mười đệ tử xuất sắc của Phật, có khả năng nghị luận bậc nhất.

[17] Bạc-câu-la 薄拘羅 (S: Vakkula, Bakkula, Bakula, Vakula): nguyên quán ở Kosambi, một trong bốn đệ tử có đại thần thông (abhiñña). Ngài được coi là vị đệ tử khổ hạnh, không thuyết pháp.

[18] Ưu-ba-nan-đà 優波難陀 (S: Upananda), dịch là Đại Hỷ, Trọng Hỷ. Ngài rất xinh đẹp.

[19] Dương chi 楊枝 (S: Dantakāṣṭha): một loài cây, dùng làm bàn chải đánh răng, hoặc làm tăm xỉa răng, rất tốt, vừa làm trắng răng, vừa ngừa sâu răng (ĐPB).

[20] Đại thừa 大乘 (S: Manāyāna): cổ xe lớn, nghĩa bóng là chỉ cho giáo pháp của đức Phật có khả năng đưa chúng sinh từ bờ phiền não đến bến giác ngộ. Các kinh A-hàm đều tôn xưng giáo pháp của đức Phật là Đại thừa (ĐPB).

[21] Phương tiện 方便 (S: upāya): các pháp môn tu tập giúp chúng sinh đạt được giác ngộ giải thoát. Mật giáo 密教: cảnh giới pháp thân Phật nội chứng, bí mật, thâm áo (ĐPB).

[22] Tì-kheo ni 比丘尼 (S: bhikṣuṇī): nữ giới xuất gia theo đạo Phật đã thọ trì đại giới (PQĐTĐ).

[23] Câu-lân nữ 拘隣女須跋陀羅 (S: Koṇḍañña Subhadra): người nữ họ Câu-lân, tên Tu-bạt-đà-la (PQĐTĐ).

[24] Ưu-ba-nan-đà 優婆難陀 (S: Upananda): tì-kheo-ni, cùng tên một vị tì-kheo Tăng (PQĐTĐ).

[25] Thập địa 十地 (S: daśabhūmi): mười giai vị tu chứng của các vị bồ-tát (PQĐTĐ).

[26] Bốn tâm vô lượng (tức tứ vô lượng 四無量; S: catvāry apramāṇāni): từ, bi, hỉ, xả (PQĐTĐ).

[27] Hằng hà 恒河 (S: Gaṅgā): sông Hằng, một trong 5 con sông lớn nhất tại Ấn Độ (PQĐTĐ).

[28] Cận sự nam (tức ưu-bà-tắc 優婆塞; S: Upāsaka): cư sĩ nam, đã quy y tam bảo và thọ trì năm giới.

[29] Đối trị 對治 (S: pratipakṣa): đoạn trừ phiền não. Pháp đối trị là pháp đoạn trừ phiền não (PQĐTĐ, tr.5793).

[30] Trầm thủy 沈水 (S: agaru, aguru, kālāguru, kṛṣṇāgaru): tức trầm thủy hương, trầm hương. Loại cây này gỗ rất thơm, bỏ vào nước thì chìm, nên gọi là trầm thủy (ĐPB).

– Chúng bảo 眾寶: nhiều loại vật báu quý, hiếm.

– Thiên hương 天香: hương của cõi trời, nhưng thường dùng để chỉ cho những hương liệu đặc biệt ở nhân gian.

– Uất kim hương hoa 欝金香華 (S: Kuṅkumaṃ): thực vật có rễ hình cầu, dùng để nấu thuốc nhuộm, hoa để làm hương, mọc ở vùng Kashmir, Bắc Ấn Độ (PQĐTĐ).

[31] Ngưu đầu chiên-đàn, xem chiên-đàn, trên.

[32] Bảy báu (tức thất bảo 七寶; S: sapta ratnāni): bảy thứ ngọc báu quý giá ở thế gian. Các kinh nói về bảy thứ báu khác nhau. Theo Kinh A-di-đà và luận Đại trí độ, bảy thứ báu là vàng, bạc, lưu li, pha-lê, xa cừ, xích châu và mã não. Theo kinh Pháp hoa quyển 4, bảy thứ báu là vàng, bạc, lưu li, xa cừ, mãn não, chân châu, mai khôi.

[33] Ưu-bát-la 優鉢羅 (S: utpala): hoa sen xanh. Bát-đàm-ma 鉢曇摩 (S: padma), hoa sen đỏ. Câu-mâu-đầu 拘牟頭 (S: kumuda), hoa sen vàng. Phân-đà-lợi 分陀利 (S: puṇḍarīka), hoa sen trắng.

[34] Tín nữ cư sĩ (tức ưu-bà-di 優婆夷; S: Upāsikā): cư sĩ nữ, đã quy y tam bảo và thọ trì năm giới (PQĐTĐ).

[35] Bốn rắn độc (tức tứ xà 四 蛇): thân thể tứ đại: đất, nước, gió, lửa, dụ như bốn con rắn độc (ĐPB).

[36] Li-xa 離車 (S: Licchavi): một dòng tộc sống tại thành Tỳ-xá-li (Vaiśāli), miền trung Ấn Độ cổ đại (PQĐTĐ).

[37] Tỳ-xá-ly 毘舍離 (S: Vaiśāli): quốc vương thuộc trung Ấn Độ cổ (PQĐTĐ).

[38] Diêm-phù-đề 閻浮提 (S: Jambudvipa): chỉ Ấn Độ, về sau chỉ cho thế giới nhân gian (PQĐTĐ, tr.6336).

[39] Bách mộc 栢木: cây bách, cây bá.

[40] Đâu-lâu hương mộc 兜樓香木 (S: turuṣka): một loại gỗ thơm (ĐPB).

[41] A-xà-thế 阿闍世 (S: Ajātaśatru): quốc vương Ma-kiệt-đà (Magadha) (PQĐTĐ).

[42] Không hành 空行: tất cả các pháp (cũng gọi là các hành) đều vô ngã, cũng gọi là không. Quán chiếu như vậy gọi là tu hạnh Không hành (ĐPB).

[43] Hòa-tu-cát 和修吉 (S: Vāsuki): Long vương chín đầu (ĐPB).

[44] Nan-đầu 難頭 (S: Nanda) và Ưu-bát-nan-đà 優鉢難陀 (Cg: Ưu-bát-la; S: Utpalaka): Hai anh em nhà rồng này lúc đầu rất hung ác, sau nhờ Phật cải hóa, nên có được tấm lòng thương xót thế gian, thường tạo ra mưa thuận gió hòa (Từ điển Bách khoa toàn thư – viết tắt BKTT).

[45] Tỳ-sa-môn 毘沙門 (S: Vaiśravaṇa): vị trời thủ hộ Phật pháp, trụ ở phía Bắc núi Tu-di, giữ gìn phía Bắc cõi Diêm-phù-đề (PQĐTĐ).

[46] Già-lưu-la 伽留羅 (S: Garuḍa): chim cánh vàng.

[47] Càn-thát-bà 揵闥婆 (S: Gandharva): nhạc thần.

[48] Khẩn-na-la 緊那羅 (S: Kiṃnara): thần ca nhạc.

[49] Ma-hầu-la-già 摩睺羅伽 (S: Mahoraga): đại mãng thần.

[50] Đà-na-bà 陀那婆 (S: Dānavat): thần bố thí.

[51] Hương tượng 香象 (S: gandha-hastin, gandha-gaja): một loài voi có sức mạnh vô địch (PQĐTĐ).

[52] Thí vô úy 施無畏 (S: abhaya-dāna), cho sự không sợ hãi.

[53] Ca-lan-đà 迦蘭陀 (S: Karaṇḍa, Karaṇḍaka): một loài chim có tiếng hót rất hay. Ca-lăng-tần-già 迦陵頻伽 (S: Kalaviṅka): loài chim có tiếng hót cực kỳ hay (PQĐTĐ).

[54] Ngũ thông 五通 (S: pañcābhijñā): thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông, thân như ý thông.

[55] Tứ thiên hạ 四天下, (catvāro-dvīpāḥ): Đông thắng thân châu (Pūrva-videha), Nam thiệm bộ châu (Jambu-dvīpa), Tây ngưu hóa châu (Apara-godānīya), Bắc cưu lô châu (Uttara-kuru). (PQĐTĐ)

[56] Thập lục đại quốc, 十六大國: Mười sáu nước lớn thời xưa của Ấn Độ, gồm Tỳ-xá-ly (毘舍離, vaśiali), Kiều-tát-la (憍薩羅, Kosala), Thất-la-phiệt (室羅筏, Śrāvasti), Ma-kiệt-đà (摩伽陀, Magadha), Ba-la-nại (波羅痆斯, Bārāṇasi), Ca-tỳ-la-vệ (迦毘羅, Kapilavastu), Câu-thi-na (拘尸那, Kuśinagara), Kiêu-thiểm-di (憍睒彌, Kauśāmbi), Ban-giá-la (般遮羅, Pañcāla), Ba-trá-la (波吒羅, Pāṭaliputra), Mạt-thổ-la (末吐羅, Mathurā), Ô-thi (烏尸, Uṣa), Bôn-trá-bạt-đa (奔吒跋多, Puṇgavardhana), Đề-bà-bạt-đa (提婆跋多, Devātāra), Ca-thi (迦尸, Kāśi), Chiêm-ba (瞻波, Campā) (PQĐTĐ).

[57] Nguyên bản: 唯除尊者大迦葉尊者阿難二眾.

[58] Tu-di sơn 須彌山 (S: Sumeru-parvata): vốn là ngọn núi trong thần thoại Ấn Độ, được Phật giáo sử dụng, cho rằng đây là ngọn núi cao đứng sừng sững ở chính giữa một tiểu thế giới (PQĐTĐ).

[59] Cam lộ 甘露 (S: amṛta): sương ngọt, dụ cho giáo lý của Phật giúp nuôi lớn thân tâm chúng sinh (PQĐTĐ).

[60] Thiện pháp 善 法 (S: Sudhamma-sabhā): hội trường của chư thiên Đao-lợi (PQĐTĐ).

[61] Giảng đường Trọng các (tức Trọng các giảng đường 重閣講堂): một giảng đường nằm gần thành Tỳ-xá-li (ĐPB).

[62] A-tăng-kỳ 阿僧祇 (S: asaṃkhya): số mục Ấn Độ xưa, bằng 1047 (PQĐTĐ).

[63] Tứ thiên vương 四天王 (S: catvāsraḥ mahā-rājikāḥ): tầng trời thứ nhất trong 6 tầng trời cõi Dục, tầng trời đầu tiên trong các thiên xứ, có bốn vị thiên vương hộ trì thế gian, nên còn gọi là Hộ thế tứ vương (ĐPB).

[64] Mạn-đà-la 曼陀羅 (S: māndāra, māndārava, mandāraka): một loài hoa thường nở vào mùa hè, màu hồng, rất đẹp (PQĐTĐ).

[65] Ca-câu-la 迦拘羅: chưa tra được xuất xứ.

[66] Mạn-thù-sa 曼殊沙 (S: mañjūṣaka): loại hoa trời có màu trắng tươi và mềm dịu mà chư thiên thường rải xuống để trang nghiêm đạo tràng thuyết pháp (PQĐTĐ).

[67] Tán-đa-na 散多那 (S: Śāntanika): theo Huệ Lâm Âm Nghĩa gọi là hoa Tịch Tĩnh (PQĐTĐ).

[68] Thích Đề-hoàn Nhân 釋 提 桓 因, cg. Thiên đế Thích 天 帝 釋 (S: Sakra Kevānāmlndra): Chủ tể chư thiên có tên là Sakka (PQĐTĐ).

[69] Cõi trời Ba ba (tức Tam thập tam thiên 三十三天; S: Trāyastriṃśat-deva): cõi trời có 33 thiên tử, một trong sáu tầng trời cõi Dục (ĐPB).

[70] Vua trời thứ sáu (tức Lục thiên vương 六天王; S: Para-nirmita-vaśa-vartin): vua của cõi trời Tha hóa tự tại 他化自在天 (ĐPB).

[71] Bốn vô sắc (tức Tứ vô sắc 四無色; S: catasra ārūpya-samāpattayaḥ): bốn cảnh giới vượt ngoài sự ràng buộc của Sắc (PQĐTĐ).

[72] Cõi giới có thân mà không có tưởng, tức cõi Vô tưởng thiên trong Tứ thiền thiên.

[73] Phạm thiên 梵天 (S: Brahmā, Brahma-deva): vua cõi trời Đại Phạm, thuộc trời Sơ thiền, cõi Sắc, rất tin chánh pháp, là người đầu tiên đến thỉnh Phật chuyển pháp luân (PQĐTĐ).

[74] Ta-bà 娑婆 (S: sahā, sabhā): thế giới chúng ta đang sống, phạm vi giáo hóa của Phật Thích-ca (PQĐTĐ).

[75] Tì-ma-chất-đa (tức Tì-ma-chất-đa-la 毘摩質多羅; S: Vimalacitra) : vua của cõi trời a-tu-la (PQĐTĐ).

[76] Tiểu thiên thế giới 小千世界: lấy núi Tu-di làm trung tâm, chung quanh có 4 đại châu , 9 lớp núi, 8 lớp biển, gọi là một Tiểu thế giới. 1000 tiểu thế giới này hình thành một Tiểu thiên thế giới.

[77] Thiên ma Ba-tuần 天魔波旬: chỉ cho ma vương tầng trời thứ sáu (Tha hóa tự tại thiên, Pāpīyas).

[78] Ma-ha-diễn, 摩訶衍, (mahā-yāna), Đại thừa. (ĐPB)

[79] Nguyên văn: như quy tàng lục 如龜藏六: như rùa giữ kỉ sáu chi: bốn chân, đầu, đuôi, ý nói bảo hộ sáu căn.

[80] Đại tự tại thiên, 大自在天, (Maheśvara), thần thủ hộ của Phật giáo, trụ ở tầng trời Đệ tứ thiền, cũng là Chủ thần Thấp-bà, một trong ba vị Chủ thần của Bà-la-môn giáo. (PQĐTĐ)

[81] Hoa cái 華蓋 (S: puṣpa-cchatra), cái lọng trang trí bằng hoa.

[82] Diêm-phù-đàn kim, 閻浮檀金, (jambūnada-suvarṇa): loại vàng từ dòng sông chảy qua rừng câu Diêm-phù có màu vàng đỏ ánh lên như lửa. Loại vàng này quý nhất trong các loại vàng. (PQĐTĐ)

[83] Ngũ âm, 五音, năm thanh âm nhạc: Cung, Thương, Giác, Trưng, Vũ (宮商角徵羽). (PQĐTĐ)

[84] Nước tám công đức (tức bát công đức thủy 八功德水): nước có tám công đức thù thắng: trong trẻo, mát mẻ, ngon ngọt, mềm nhẹ, thấm nhuần, an hòa, trừ đói khát, nuôi lớn các căn (PQĐTĐ).

[85] Mai khôi 玫瑰: một thứ đá rất đẹp (ĐPB).

[86] Phát bồ-đề tâm, 發菩提心, phát tâm cầu đạo chánh chơn vô thượng, tức cầu thành Phật đạo. (ĐPB)

[87] Nhất-xiển-đề 一闡提 (S: icchantika, ecchantika): người mất hết căn lành, không có điều kiện thành Phật (PQĐTĐ).

[88] Thuần-đà 純陀 (S: Cunda): vốn là một thợ rèn.

[89] Nhất Thiết Chủng Trí 一切種智 (S: sarvathā-jñāna): trí tuệ chỉ có Phật mới chứng được. Tức là dùng một loại trí tuệ mà biết nhân chủng của tất cả các pháp và tất cả chúng sinh, đồng thời cũng là trí thấu suốt tướng tịch diệt và hạnh loại sai biệt của các pháp (PQĐTĐ).

[90] Ưu-đàm tức ưu-đàm-bát 優曇鉢 (S: uḍumbara): còn gọi ưu-đà m-bát-la, ô-tạm-bà-la, loại cây họ sung (Ficus Glomerata). Cũng thường gọi là hoa linh thụy (PQĐTĐ).

[91] Hoa ưu-đàm ngàn năm mới nở một lần, cho nên rất hiếm thấy. Người phát khởi niềm tin kiên cố nơi Tam Bảo cũng hiếm có như vậy.

[92] Hai mươi lăm hữu (tức nhị thập ngũ hữu 二十五有): ba cõi có 25 hữu (chỗ chúng sinh ở). Dục giới có 14: 4 ác thú, 4 châu, 6 trời cõi Dục; Sắc giới có 7 chỗ: 4 thiền thiên, Đại phạm thiên, Tịnh cư thiên, Vô tưởng thiên; Vô sắc có 4 chỗ là 4 không xứ. (PQĐTĐ)

[93] Y lan 伊蘭 (S: Erāvaṇa): tên một loại cây ở Ấn Độ, nở hoa màu hồng cực đẹp, nhưng lại rất hôi, mùi hôi của nó lan xa hàng mấy chục dặm. Sách nhà Phật thường dùng chữ Y lan để chỉ về những phiền não ở đời. Đây dùng chỉ phẩm vật bọt bèo, không đáng.

[94] Kim cang luân 金剛輪: lớp kim luân ở đáy địa tầng. Theo luận Câu-xá 11, khí thế gian do ba lớp hợp thành, phong luân là lớp cuối cùng, bề mặt rất rộng lớn; kế đến là thủy luân; lớp trên cùng ngưng kết thành vàng, tức là kim luân (ĐPB).

[95] Hành 行 (S: saṃskāra). Nguyên nghĩa là tạo tác, về sau chuyển thành nghĩa thiên lưu biến hóa, tức là pháp hữu vi (ĐPB).

[96] Trời trường thọ (tức trường thọ thiên 長壽天): thọ mạng dài lâu của người cõi trời. Tuổi thọ ở trời Vô Tưởng, tức tứ Thiền cõi Sắc, là 500 đại kiếp, dài nhất trong các trời Sắc giới. Tuổi thọ ở cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, tức tầng trời thứ tư của Vô Sắc giới, là 8 vạn kiếp, dài nhất trong Tam giới (ĐPB).

[97] Hữu vi 有爲 (S: saṃskṛta): pháp do tạo tác mà có. Tức chỉ chung cho các hiện tượng do nhân duyên hòa hợp mà sinh khởi. Cũng là hiện tượng nằm trong quan hệ hỗ tương, sinh diệt biến hóa, lấy 4 tướng hữu vi: sinh, trụ, dị, diệt làm đặc trưng (PQĐTĐ).

[98] Ma diệt 磨滅: bị hủy diệt từ từ (ĐPB).

[99] A-tỳ địa ngục 阿鼻地獄 (S: Avīci): còn gọi là Vô gián địa ngục (PQĐTĐ).

[100] Đàn-ba-la-mật 檀波羅蜜 (S: Dānapāramitā): vượt thoát biển sinh tử đến bờ giải thoát, nê-hoàn nhờ vào công đức tu tập, thực hành pháp bố thí (PQĐTĐ).

[101] Chín bộ kinh: Trường hàng (khế kinh), Trùng tụng, Ký thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sinh, Phương quảng, Vị tằng hữu (ĐPB).

[102] Chim cánh vàng (tức kim sí điểu 金翅鳥; S: suparṇa, suparṇin): cũng gọi là ca-lâu-la điểu (garuḍa), một loại chim giống như chim diều hâu, thân to lớn, hung dữ (PQĐTĐ).

[103] Tam hữu 三有 (S: bhava): tức tam giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới (ĐPB).

***

    Xem thêm:

  • Bá Trượng Hoài Hải Thiền Sư Quảng Lục - Kinh Tạng
  • Kinh Hoằng Đạo Quảng Hiển Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Mộc Hoạn Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Bảo Đàn (Đôn Hoàng) - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cương Tam Muội Bản Tính Thanh Tịnh Bất Hoại Bất Diệt - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 18 – Kinh Mật Hoàn (Madhupindika sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nê Hoàn - Kinh Tạng
  • Truyền Tâm Pháp Yếu Của Thiền Sư Hoàng Bá - Kinh Tạng
  • Kinh Phật dạy Lão Bà La Môn Ở Vườn Hoàng Trúc - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Đàn Tràng Đại Khổng Tước Minh Vương Hoạch Tượng - Kinh Tạng
  • Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bát Nê Hoàn - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 2 – Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc (Sabbàsava sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Nghi Quỹ Huyễn Hoá Võng Đại Du Già Giáo Thập Phẫn Nộ Minh Vương Đại Minh Quán Tưởng - Kinh Tạng
  • Uyển Lăng Lục Của Thiền Sư Hoàng Bá Đoạn Tế - Kinh Tạng
  • Kinh Bản Khởi Thái Tử Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Pháp Yếu Niệm Tụng Đà La Ni Bạch Tản Cái Đại Phật Đỉnh Vương Tối Thắng Vô Tì Đại Oai Đức Kim Cang Vô Ngại Đại Đạo Tràng - Kinh Tạng
  • Bài chú Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 117 – Ðại Kinh Bốn Mươi (Mahàcattàrìsaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 33 – Ðại Kinh Người Chăn Bò (Mahàgopàlaka sutta) - Kinh Tạng