Kinh Kim Cương Tam Muội Bản Tính Thanh Tịnh Bất Hoại Bất Diệt

Phật Thuyết Kim Cang Tam Muội Bổn Tánh Thanh Tịnh Bất Hoại Bất Diệt Kinh

Thất dịch

Bản Việt dịch của Tuệ Khai

***

Tôi nghe như vầy, một thuở đức Phật ở giảng đường Trùng Các của tinh xá Đại Lâm trong nước Tỳ Gia Ly cùng với đại chúng Tỳ kheo gồm năm ngàn người. Tôn giả Đại Ca Diếp, tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Đại Mục Kiền Liên, tôn giả Đại Ca Chiên Diên.v.v…là thiện tri thức của đại chúng. Và với những Đại Bồ tát gồm một vạn tám ngàn người. Những vị ấy tên là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phạm Đức Bồ tát, Quang Đức Bồ tát, Tinh Đức Bồ tát, Sư Tử Vương Bồ tát, Sư Tử Tạng Bồ tát, Diệu Âm Thanh Bồ tát, Bạch Hương Tượng Bồ tát, Kim Cương Tràng Bồ tát, Giải Thoát Nguyệt Bồ tát, Tu Di Tướng Bồ tát, Di Lặc Đại Bồ tát… những vị như vậy đều là những bậc thượng thủ. Ở phương khác, lại có Tuệ Đức Bồ tát, Tinh Đức Bồ tát, Thường Trang Nghiêm Bồ tát, Phổ Quang Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Mãn Nguyệt Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Diệu Âm Bồ tát, Hư Không Tạng Bồ tát, Tịnh Âm Thanh Bồ tát.v.v… những vị đại Bồ tát như vậy có đến một vạn tám ngàn người. Phạm vương, Đế thích, vua trời Hộ Thế, vô số thiên tử, vua rồng Nan Đà, vua rồng Bạt Nan Đà cùng với bốn vị đại Long vương và hàng trăm ngàn những rồng quyến thuộc của họ đều đem ngọc Như ý duy nhất để cúng dường đức Phật. Vua Càn thát bà, vua A tu la, vua Ca lâu la, vua Ma hầu la già, quỉ vương Đại Lực đều cùng với quyến thuộc nhiều không lường đem hương Kiên hắc trầm thủy, hương Hải thử ngạn chiên đàn và đủ thứ hương thơm cúng dường đức Phật. Ở phương khác, có vị Phạm vương tên là Quảng Mục cùng với mười ngàn Phạm thiên của trời Tư Ích Võng Minh đem hoa Mạn đà la và Đại mạn đà la của trời để tung lên trên đức Phật và đại chúng. Những hoa trời vi diệu đã tung lên của các Phạm thiên mềm mại tươi sáng rất là đáng yêu thích, đang ở bên trên đức Phật hóa thành bức trướng hoa, hiển phát ánh sáng trang sức giảng đường Trùng Các, giống như đất nước thanh tịnh trang nghiêm bảy báu.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ tinh xá đi ra đến pháp tòa, tự trải tọa cụ, ngồi kiết già, nhập vào Diệt Ý tam muội, thân tâm chẳng dao động. Từ Diệt Ý tam muội khởi, rồi vào Sư tử Hống Ý tam muội. Từ Sư Tử Hống Ý tam muội khởi lên, rồi vào Sư Tử Phấn Tấn Vương tam muội. Từ Sư Tử Phấn Tấn Vương tam muội khởi, rồi vào Đại Quang Minh Vương tam muội. Từ Đại Quang Minh Vương tam muội khởi, rồi vào Đại Bi Vương Tướng tam muội. Từ Đại Bi Vương Tướng tam muội khởi, rồi vào Vô Duyên Từ Tưởng tam muội. Từ Vô Duyên Từ Tưởng tam muội khởi, rồi vào Thắng Ý Từ tam muội. Từ Thắng Ý Từ tam muội khởi, rồi vào Đại Không tam muội. Từ Đại Không tam muội khởi, rồi vào Như Tướng tam muội. Từ Như Tướng tam muội khởi, rồi vào Giải Thoát Tướng tam muội. Từ Giải Thoát Tướng tam muội khởi, rồi vào Bất Hoại Bất Diệt Vương tam muội. Từ Bất Hoại Bất Diệt Vương tam muội khởi, rồi vào Kim cương tam muội. Từ Kim cương tam muội khởi, rồi vào Đại Không Niết Bàn Tướng tam muội.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ các tam muội khởi, toàn thân phóng ra ánh sáng. Ánh sáng ấy như mây đi vào diện môn của đức Phật, rồi theo đỉnh đầu đức Phật đi ra, như Kim cương tràng trụ ở hư không, chiếu soi khắp đại hội và Trùng Các giảng đường thành Tỳ Gia Ly như một màu báu trắng. Khi tất cả đại chúng nhìn thấy tướng này thì ngài Di Lặc liền đứng dậy, trật áo vai phải, nhiễu quanh đức Phật bảy vòng, đảnh lễ dưới chân đức Phật, quì gối phải xuống đất, bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Đấng Như Lai Đại Tiên, ngày hôm nay vì cớ gì nhập vào Thắng tam muội, ánh sáng thâm hiển hách xưa nay chưa có ? Nhất định ngài sẽ vì Pháp vương tử nói lên hạnh địa Pháp vương của ngôi vị Pháp vương ! Sao gọi là Đại Bồ tát trụ ở Thủ Lăng Nghiêm tam muội ? Dùng sự trang nghiêm gì ? Dùng phương tiện gì ? Tu trí tuệ gì ? Để được Kim cương tam muội ? Tức là được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ?

Lúc đó, đại chúng nghe ngài Di Lặc Bồ tát hỏi đức Phật ý nghĩa này đều rất hoan hỉ, khác miệng đồng lời, khen ngài Bồ tát Di Lặc rằng :

– Hay thay ! Hay thay ! Chỉ có Pháp vương tử mới có thể hỏi đức Phật ý nghĩa lớn như vậy !

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài Di Lặc Bồ tát rằng :

– Hãy lắng nghe ! Lắng nghe ! Suy nghĩ kỹ vấn đề đó ! Nay ta sẽ vì ông phân biệt giải nói pháp địa công đức sở hành của Bồ tát. Bồ tát sơ địa giống như vầng trăng ngày đầu, ánh sáng chưa hiển hiện, nhưng tướng sáng ấy đều đầy đủ. Bồ tát nhị địa như vầng trăng ngày thứ năm. Bồ tát tam địa như vầng trăng ngày thứ tám. Bồ tát tứ địa như vầng trăng ngày thứ chín. Bồ tát ngũ địa như vầng trăng ngày thứ mười. Bồ tát lục địa như vầng trăng ngày thứ mười một. Bồ tát thất địa như vầng trăng ngày thứ mười hai. Bồ tát bát địa như vầng trăng ngày thứ mười ba. Bồ tát cửu địa như vầng trăng ngày thứ mười bốn. Bồ tát thập địa như vầng trăng ngày rằm, tròn đầy khả quan, tướng sáng đầy đủ. Lòng Bồ tát ấy đạm bạc, an trụ chẳng động, chẳng chìm mất, chẳng thoái lui, trụ ở tam muội Thủ Lăng Nghiêm. Bồ tát trụ ở tam muội Thủ Lăng Nghiêm rồi thì như thiên tử nguyệt dùng mười thứ báu làm cung điện, sinh ra cây mười thứ báu mà trái cây là ngọc ma ni nguyệt tinh. Do lực của ngọc này nên cung điện của thiên tử Nguyệt đi qua cõi Diêm Phù Đề đã ban bố mát lành khắp nơi. Đại Bồ tát trụ ở tam muội Thủ Lăng Nghiêm cũng lại như vậy. Này Di Lặc ! Ông phải biết, đại Bồ tát trụ ở tam muội Thủ Lăng Nghiêm rồi, phải tu một trăm môn tam muội, nhiên hậu mới vào Kim cương tam muội. Những gì là một trăm môn tam muội ? – Một là Tính Không Vương tam muội. Hai là Không Hải tam muội. Ba là Không Giới (cõi) tam muội. Bốn là Diệt Không Ý tam muội. Năm là Đại Không tam muội. Sáu là Bất Trụ Không Tướng tam muội. Bảy là Bất Kiến Tâm Tướng tam muội. Tám là Trí Ấn Không Tướng tam muội. Chín là Hư Không Bất Trụ Tướng tam muội. Mười là Không Vương Bất Hoại Diệt Tướng tam muội. Mười một Đại Cường Dũng Mãnh Lực Vương tam muội. Mười hai là Hoa Nghiêm tam muội. Mười ba là Phổ Hiện Sắc Thân Quang Minh Vương tam muội. Mười bốn là Nhật Quang tam muội. Mười lăm là Nhật Tạng tam muội. Mười sáu là Nhật Quang Hách Dịch tam muội. Mười bảy là Phổ Nhật tam muội. Mười tám là Tập (gom) Âm Thanh tam muội. Mười chín là Mặc Nhiên Quang tam muội. Hai mươi là Diệt Cảnh Giới Tướng tam muội. Hai mươi mốt là Động Tướng tam muội. Hai mươi hai là Đại Động Tướng tam muội. Hai mươi ba là Biến Động Tướng tam muội. Hai mươi bốn là Phổ Biến Động Tướng tam muội. Hai mươi lăm là Phổ Dũng tam muội. Hai mươi sáu là Phổ Hống tam muội. Hai mươi bảy là Phổ Trang Nghiêm tam muội. Hai mươi tám là Sư Tử Tướng tam muội. Hai mươi chín là Sư Tử Lực Vương tam muội. Ba mươi là Sư Tử Hống Lực Vương tam muội. Ba mươi mốt Nhất Diệu (ánh sáng) tam muội. Ba mươi hai là Tuệ Cực tam muội. Ba mươi ba là Phổ Môn tam muội. Ba mươi bốn là Liên Hoa Tạng tam muội. Ba mươi lăm là Bất Hoại Tịnh tam muội. Ba mươi sáu là Diệt Độ Ý tam muội. Ba mươi bảy là Bảo Ấn tam muội. Ba mươi tám là Động Ma Tướng tam muội. Ba mươi chín là Kiện Trụ Chủ Không Tướng tam muội. Bốn mươi là Phổ Diệt Ý tam muội. Bốn mươi mốt là Khởi Tịnh (yên lặng) Ý tam muội. Bốn mươi hai là Trang Nghiêm Tướng Hảo tam muội. Bốn mươi ba là Pháp Vương Vị (ngôi) Minh tam muội. Bốn mươi bốn là Pháp Luân Hiện tam muội. Bốn mươi lăm là Kim Cương Tạng tam muội. Bốn mươi sáu là Kim Cương Tràng tam muội. Bốn mươi bảy là Kim Cương Ấn tam muội. Bốn mươi tám là Kim Cương Tụ tam muội. Bốn mươi chín là Đại Từ Vương tam muội. Năm mươi là Vô Hành Từ tam muội. Năm mươi mốt là Đại Bi Thắng Ý tam muội. Năm mươi hai là Bất Trụ Bi Tướng tam muội. Năm mươi ba Nhật Luân Quang Minh tam muội. Năm mươi bốn là Diệt Chúng Tướng Hàng Phục Chúng Ma tam muội. Năm mươi lăm là Thắng Ý Từ tam muội. Năm mươi sáu là Lưu Ly Quang Chiếu tam muội. Năm mươi bảy là Thất Bảo Quả Quang tam muội. Năm mươi tám là Phật Tập (gom) Tạng tam muội. Năm mươi chín là Công Đức Mãn Thắng tam muội. Sáu mươi là Phương Tiện Tuệ tam muội. Sáu mươi mốt là Vô Tuệ Tướng tam muội. Sáu mươi hai là Đại Hải Quang tam muội. Sáu mươi ba là Phật Hải Mãn tam muội. Sáu mươi bốn là Phổ Hải tam muội. Sáu mươi lăm là Hải Trí tam muội. Sáu mươi sáu là Bất Động Tuệ tam muội. Sáu mươi bảy là Quá Khứ Phật Ấn tam muội. Sáu mươi tám là Tập (gom) Đà La Ni tam muội. Sáu mươi chín là Đà La Ni Ấn Thụ (dây thao đỏ) tam muội. Bảy mươi là Bát Biện Tài tam muội. Bảy mươi mốt là Cụ (đủ) Phạm Âm tam muội. Bảy mươi hai là Bạch Hào Hải tam muội. Bảy mươi ba là Trí Tuệ Quang tam muội. Bảy mươi bốn là Hiệt Tuệ tam muội. Bảy mươi lăm là Chư Phật Ấn Văn tam muội. Bảy mươi sáu là Bạch Quang Dũng Xuất Quang Minh Vương tam muội. Bảy mươi bảy là Phương Tiện Tuệ Tịnh Thủ Lăng Nghiêm tam muội. Bảy mươi tám là Tu Di Đảnh tam muội. Bảy mươi chín là Phạm Đảnh tam muội. Tám mươi là Chúng Thông Quang tam muội. Tám mươi mốt là Thông Tuệ Quang tam muội. Tám mươi hai là Cam Lộ Thắng tam muội. Tám mươi ba là Tịnh Ngũ Nhãn tam muội. Tám mươi bốn là Thiên Nhãn Ấn tam muội. Tám mươi lăm là Tuệ Nhãn Ấn tam muội. Tám mươi sáu là Pháp Ý Châu tam muội. Tám mươi bảy là Hư Không Sắc tam muội. Tám mươi tám là Tâm Bất Trước tam muội. Tám mươi chín là Diệt Ngôn Thuyết tam muội. Chín mươi là Vô Tâm Ý tam muội. Chín mươi mốt là Giới (cấm) Cụ Tuệ tam muội. Chín mươi hai là Đảnh Thắng Sĩ tam muội. Chín mươi ba là Điều Ngự Ý tam muội. Chín mươi bốn là Bất Kiến Tuệ tam muội. Chín mươi lăm là Đoạn Thập Nhị Nhân Duyên tam muội. Chín mươi sáu là Kim Cương Quang Tuệ tam muội. Chín mươi bảy là Ma Ni Diệm tam muội. Chín mươi tám là Kim Cương Tọa Hiển Hiện tam muội. Chín mươi chín là Pháp Luân Vương Hống Lực tam muội. Một trăm là Thọ Pháp Vương Ấn tam muội.

Này Di Lặc ! Ông phải biết, một trăm tam muội này như ánh sáng ngọc ma ni chiếu sáng lẫn nhau theo vào biển tam muội Thủ Lăng Nghiêm. Đại Bồ tát trụ ở một trăm tam muội này rồi thì trí tuệ sở hữu như mặt trời ở trong hư không, các biển phiền não như làn khói nhỏ.

Này Di Lặc ! Ông phải biết, như ao lớn A Nậu sinh ra bốn dòng sông lớn. Bốn dòng sông lớn này chia ra làm tám sông. Và tất cả mọi dòng nước của cõi Diêm Phù Đề đều về biển cả, rót vào núi cháy nên biển lớn chẳng tăng và do vòng Kim cương nên biển lớn chẳng giảm. Vòng Kim cương này tùy lúc chuyển động nên khiến cho nước biển cả đồng một vị mặn. Trăm tam muội này cũng lại như vậy. Này Di Lặc ! Ông phải biết rằng, như vua Chuyển Luân do sức mười thiện nên bảy món báu đến ứng. Uy đức của báu Kim Luân này đặc biệt tôn quí, hàng phục khắp tất cả. Báu thần châu này thỏa nguyện chúng sinh theo ý không ngăn ngại. Nhờ một ngàn người con nên uy mãnh trang nghiêm… Vua Chuyển Luân này, nếu khi muốn đi thì dưới chân sinh ra lông, nhẹ bước vào hư không mà đi, có mười hoa báu nâng gót chân vua. Này Di Lặc ! Ông phải biết rằng, trăm tam muội này từ mười Balamật của đạo Chủng trí sinh ra, yên ổn chẳng đi cũng lại chẳng đứng, tịch tịnh vô vi, trụ ở “Nhĩ diệm địa”. Nhĩ diệm địa này chẳng luân tập, chẳng tu hành, tự nhiên sẽ được tám muôn bốn ngàn các tam muội môn. Những tam muội này như núi Kim cương chẳng thể hoại tan, cuối cùng trụ ở bờ cõi đại không, cũng lại đi vào pháp giới vô tướng, ở trong các pháp chẳng thấy khứ lai và tướng trụ diệt. Tâm ấy tịch nhiên liền được siêu nhập vào tam muội Kim cương. Tam muội Kim cương này như ngọc báu Nhân Đà La trên đỉnh đầu Phạm vương, chẳng thấy sắc tướng mà có ánh sáng. Tam muội Kim cương chẳng thấy biển kết sử và bờ cõi kết sử. Này Di Lặc ! Ông phải biết rằng, như viên hỏa châu sở hữu của trời Tự Tại, không hình không tướng, chỉ có ánh sáng nhu nhuyến khả ái, có thể mưa xuống hương hoa vừa ý chư thiên, lại có thể hiển phát ánh sáng màu vàng, làm lóa ánh sáng thân của tất cả chư thiên. Này Di Lặc ! Ông phải biết rằng, ánh sáng hỏa châu này không tâm không thức, muốn phá tối tăm, nhờ sức của ngọc nên tối tăm tự nhiên diệt, thân chư thiên, màu sáng gấp bội với bình thường. Tam muội Kim cương cũng lại như vậy, chẳng diệt kết sử, biển sử tự cạn, chẳng trọn sinh tử, ba độc tự diệt.

Này Di Lặc ! Ông phải biết rằng, ví như ngọc sáng trên trán lực sĩ và viên ngọc sau khuỷu tay. Vị lực sĩ thường dùng chú thuật che giấu viên ngọc này, chẳng cho người khác thấy. Ánh sáng lớn của tam muội Kim cương ẩn kín lặng lẽ, chẳng thấy kết sử mà núi kết sử tự tan vỡ, chẳng quán phiền não mà diệt tứ đại chủng, những dòng sông ái cạn, gió vô thường dứt. Này Di Lặc ! Ông phải biết rằng, như vua sư tử ra uy rống lớn thì tất cả mọi loài thú tự nhiên khuất phục. Tam muội Kim cương từ Tỳ bà xá na ra, rồi vào trong Xá ma tha như cây gươm Kim cương đã vào núi Kim cương thì chẳng thấy dấu vết của nó. Tam muội Kim cương đó chẳng trụ, chẳng khởi, chẳng diệt, chẳng hoại, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng thoái, chẳng biến, vào tính tuệ minh thì cất dậy cùng tột, trí nhất hợp tướng chẳng thấy pháp thân tâm, nhiên hậu mới thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trí Bồ đề này chẳng lìa khỏi, chẳng sinh ra, không có mọi tướng, chẳng thể trở hoại như núi Kim cương, chẳng thể khuynh động. Tam muội Kim cương chẳng thoái lui, chẳng chìm mất, vào đến chỗ rốt ráo Đại Tịch Diệt, dong chơi tự tại trong biển tam muội. Các đức Phật Như Lai do sức tam muội của vua tam muội này nên đến được tất cả những “không pháp giới” mà dạo chơi chỗ Thánh Giải Thoát.

Khi đức Phật nói lời nói này, đức Bồ tát Di Lặc ngay tức thời được Bách Pháp Minh Môn (trăm cửa sáng pháp). Các đại chúng trong hội, các vị Bồ tát.v.v… thân tâm vui mừng, có được tam muội Thủ Lăng Nghiêm, người có được Bách Pháp Minh môn nhiều không lường. Phạm vương, Đế Thích, các thiên tử hộ thế mưa xuống những thứ hoa trời, tấu lên mọi thứ kỹ nhạc để cúng dường đức Phật. Đại chúng, khác miệng đồng lời, khen ngợi ngài Di Lặc Bồ tát rằng :

– Hay thay ! Hay thay ! Thưa thiện nam tử ! Chỉ ngài mới có thể hỏi đức Như Lai nghĩa trí tuệ lớn vô thượng như vậy ! Chúng tôi nhờ ngài mà được uống pháp vị cam lồ vô thượng, thu hoạch được thiện lợi lớn. Nguyện xin tôn giả vì chúng tôi mà hỏi han nữa ! Chúng sinh đời vị lai nghe pháp này thì được bao nhiêu phước ?

Đức Phật bảo đại chúng rằng :

– Hãy lắng nghe ! Lắng nghe ! Và suy nghĩ kỹ càng ! Trở về quá khứ, khoảng chín mươi mốt kiếp, có đức Phật Thế Tôn hiệu là Bảo Hoa với mười hiệu đầy đủ. Đức Phật Bảo Hoa vì các vị Bồ tát diễn nói rộng rãi trăm tam muội môn như vậy. Lúc đó, trong hội, có một ngàn vị Tỳ kheo nghe đức Phật Thế Tôn nói tam muội đó, thân tâm tùy hỷ. Do lực của nhân duyên căn lành tùy hỷ nên vượt qua được năm trăm vạn ức atăngkì kiếp tội sinh tử. Một ngàn vị Tỳ kheo lúc đó đâu phải người nào khác ư ? Đến nay là một ngàn vị Phật của kiếp Hiền vậy !

Đức Phật bảo đại chúng rằng :

– Sau khi Phật diệt độ, như Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, trời, rồng… tám bộ chúng và tất cả những người khác, nếu được tạm nghe thắng trí tuệ của Phật mà thân tâm tùy hỉ, chẳng dấy lên bài báng thì ở trong hàng trăm ngàn kiếp nhất định chẳng đọa vào đường ác, ở chỗ sinh ra luôn luôn được gặp các đức Phật và Bồ tát làm quyến thuộc. Nếu người nghe pháp này mà chẳng dấy lên lòng nghi ngờ, bài báng thì sau khi mạng chung, nhất định được sinh lên cõi trời Đâu Suất, gặp được đức Di Lặc, nghe ngài nói về hạnh Bất thoái chuyển địa pháp luân thậm thâm. Nếu có người thọ trì, đọc tụng giải nói, chép thành sách, dùng hương hoa, kỹ nhạc đủ thứ loại mà cúng dường thì những người này… lúc sắp mạng chung nếu có thể chí tâm niệm pháp thân của Phật thì ngay tức thời thấy chín mươi ức đức Phật cùng đến tiếp dẫn và tùy ý muốn của họ vãng sinh đến đất nước thanh tịnh của chư Phật, dạo chơi tự tại trong biển những tam muội – Đức Phật bảo ngài Di Lặc và sắc bảo ngài Anan – Các ông hãy thọ trì cho thật tốt, cẩn thận chớ quên mất ! Từ đây cho đến lúc pháp diệt, các ông phải diễn nói rộng rãi !

Ngài Anan bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Kinh này tên là gì ? Cốt yếu của pháp này phụng trì ra sao ?

Đức Phật bảo ngài Anan :

– Kinh này tên là Bách Tam Muội Hải Bất Hoại Bất Diệt, cũng tên là Kim Cương Tướng Tịch Diệt Bất Động, cũng tên là Kim Cương Tam Muội Bản Tánh Thanh Tịnh Bất Hoại Bất Diệt. Ông hãy phụng trì kinh đó !

Khi đức Phật nói lời nói này thì ngài Xá Lợi Phất .v.v… các đại Thanh văn, ngài Di Lặc.v.v… các Đại Bồ tát, trời, rồng… tám bộ chúng và tất cả đại chúng đều rất hoan hỷ, làm lễ đức Phật mà lui ra.

    Xem thêm:

  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Kinh Tạng
  • Kinh Lực Trang Nghiêm Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhơn Đạo - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Tập Đại Phương Đẳng Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Nguyệt Ðăng Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Nguyệt Quang Đồng Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Hoa Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi - Kinh Tạng
  • Hợp Bộ Kinh Kim Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Bảo Tinh Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Sanh Địa - Kinh Tạng
  • Những Kinh Do Tăng Già La Sát Tập Thành - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Quán Thế Âm Bí Mật Tạng Như Ý Luân Đà La Ni Thần Chú - Kinh Tạng
  • Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Hoằng Đạo Quảng Hiển Tam Muội - Kinh Tạng