1
2
3
4
5
6
7
8
9

Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm

Đường Địa Bà Ha La dịch

Bản Việt dịch của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

***

Phẩm 1: MỞ ĐẦU

Tôi nghe như vậy:

-Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ cùng với chúng đại Tỳ-kheo một vạn hai ngàn vị, đều là bậc đại A-la-hán. Tên các vị ấy là Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, Tôn giả Phú-lâu-na-di-đa-la-ni-tử, Tôn giả Ma-ha-nam, Tôn giả A-nậu-lâu-đà, Tôn giả Kiếp-tân-na, Tôn giả Bạt- đề-la, Tôn giả Ưu-ba-ly, Tôn giả Nan-đà, Tôn giả Sa-già-đà, Tôn giả A-nan, Tôn giả La-hầu-la… Đó là các vị A-la-hán mà mọi người đều biết.

Các bậc Đại Bồ-tát gồm ba vạn hai ngàn vị đều là bậc Nhất sinh bổ xứ, thần thông tam-muội diệu dụng, đại nguyện viên thành, được trí tuệ vô ngại đạt các pháp Nhẫn, đầy đủ pháp Đà-la-ni, biện tài thông suốt đều từ các pháp Ba-la-mật mà có, đều đã trải qua đầy đủ các Địa của bậc Bồ-tát, đạt được tất cả sự tự tại của một vị Bồ-tát. Đó là Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Đà-la-ni Tự Tại, Bồ-tát Sư Tử Vương, Bồ-tát Thành Tựu Nghĩa, Bồ-tát Tịch Giới Tuệ, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Vô Ngại Tuệ, Bồ-tát Đại Bi Tư Duy… cùng với các vị như vậy có mặt đông đủ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vì bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà- tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Vương tử, Đại thần, Quan thuộc, Sát-đế- lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ và các hàng ngoại đạo mà thường thọ nhận bốn sự cung kính cúng dường nhưng đối với những sự cúng dường rất là thù thắng ấy, tâm Phật không hề nhiễm, giống như hoa sen chẳng vướng mùi bùn, nên danh tiếng vang khắp mười phương, được xưng tụng qua mười danh hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Nói chung, đó là Bậc thành tựu ngũ nhãn, lục thông, thường ở thế gian cùng các quốc độ vì trời, người diễn thuyết Chánh pháp, chặng đầu, giữa, rốt sau đều nêu rõ nghĩa lý cao xa, ngôn từ khéo léo, thuần nhất viên mãn, trọn đủ các tướng phạm hạnh thanh bạch.

Lúc ấy vào khoảng nửa đêm, Đức Như Lai nhập Phật trang nghiêm tam-muội, từ nơi đảnh nhục kế phóng ra hào quang lớn tên là ức niệm quá khứ chư Phật vô trước (nhớ nghĩ chư Phật quá khứ, trí tuệ vô ngại) chiếu lên tới cõi trời Tịnh cư. Vì muốn khai thị cho các vị Thiên tử ở đấy nên từ trong luồng hào quang phát ra bài kệ:

Thân, khẩu, ý Mâu-ni thanh tịnh

Trí tuệ sáng soi khắp thế gian

Quang minh thù thắng trừ tăm tối

Nên quay về kính lễ Thích-ca.

Biển lớn trí tuệ đầy oai đức

Thấu pháp, tự tại Đấng Pháp Vương

Thế Gian Ứng Cúng, Thiên Trung Thiên

Ấy Bậc Đại Giác, nên quy ngưỡng.

Tâm chế ngự muôn vàn việc khó,

Ý tịnh xa lìa mọi lưới ma,

Là Bậc Kiến Văn sạch lỗi lầm,

Là Đấng Giải Thoát đáng quy kính.

Thể tính Phật lặng không, siêu việt.

Tạo tác vô biên thường tịch nhiên

Đạt lý tịnh diệu dứt trừ nghi

Thảy đều dốc tin, quy mạng lễ,

Như Đại Y Vương ban thuốc lành,

Biện tài hùng dũng trừ tà đạo

Muốn hàng quyến thuộc rõ thắng nghĩa,

Bậc Đạo Sư giảng pháp Vô thượng.

Bấy giờ, chư Thiên trời Tịnh cư từ cõi thiền định nghe rõ bài kệ như thế, tức thời nhớ nghĩ đến vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp chư Phật, Như Lai thời quá khứ, cùng các công đức trang nghiêm cõi Phật, các hội thuyết pháp đều hiện rõ. Thế rồi các vị Ma-hê-thủ-la, Nan-đà, Tô-nan-đà… cùng với vô số chư Thiên ở cõi trời Tịnh cư, ánh sáng rực rỡ, uy thần lồng lộng, chiếu đến khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc, và tất cả đều tới nơi Phật nhập định, đảnh lễ ngang chân Phật rồi đứng lên chắp tay hết lòng cung kính thưa:

-Bạch Thế Tôn, có bộ kinh tên là Phương Quảng Thần Thông Du Hý Đại Trang Nghiêm Pháp Môn, nêu rõ các đức hạnh căn bản của bậc Bồ-tát. Bậc Bồ-tát ấy ở cõi trời Đâu-suất vi diệu, suy nghĩ về việc thị hiện giáng sinh vào hàng chủng tộc nổi tiếng, các công đức không thiếu, thực hành mọi phận sự của một đồng tử, tài nghệ dũng lực gồm đủ văn võ song toàn. Bậc Bồ-tát ấy ở cõi thế gian đều hoàn tất những sự kiện tối thắng, thọ nhận và biết rõ năm thứ dục, thực hiện đầy đủ đạo hạnh Bồ-tát, hàng phục chúng ma, thể hiện diệu lực vô úy của Như Lai cùng tất cả Phật pháp. Kinh ấy như vậy là đã được vô lượng chư Phật, Thế Tôn thời quá khứ diễn thuyết, đó là Phật Ba-đầu-ma Thắng, Phật Pháp Tràng, Phật Vi Chiếu Minh, Phật Công Đức Tràng, Phật Công Đức Tánh, Phật Đại Tánh, Phật Tiên Thiên, Phật Thắng Quang Minh, Phật Chân Tràng, Phật Kim Cang Kiên Cố, Phật Hàng Phục Nhất Thiết, Phật Chân Kim sắc, Phật Cực Cao Hạnh, Phật San Hô Hải, Phật Hoa Tràng, Phật Tối Thắng Sắc, Phật Thiện Nhãn, Phật Tiên Hộ, Phật Thắng Luân, Phật Cao Thắng, Phật Khai Phu Liên Hoa, Phật Mi Gian Quang Minh, Phật Liên Hoa Đài, Phật Thiện Quang Minh, Phật Cát Tường, Phật Thiện Kiến, Phật Sư Tử Quang, Phật Kiên Lao Tuệ Thí, Phật Hương Xuân, Phật Quảng Đại Danh Xưng, Phật Để Sa, Phật Phất Sa, Phật Thế Gian Đoan Nghiêm, Phật Phổ Quang Minh, Phật Bảo Xứng, Phật Tối Thắng Quang Minh, Phật Phạm Quang, Phật Thiện Thanh, Phật Diệu Hoa, Phật Mỹ Âm, Phật Thượng sắc Hạnh, Phật Vi Tiếu Mục, Phật Công Đức Tụ, Phật Đại Vân Thanh, Phật Thiện Sắc, Phật Thọ Quang, Phật Tượng Vương Du Bộ, Phật Thế Gian Hân Lạc, Phật Hàng Phục Ma Oán, Phật Chánh Ứng Cúng, Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-diệp-phù, Phật Ca-la-tôn, Phật Câu-na- hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp… vô lượng chư Phật, Như Lai thời quá khứ đều nói kinh này. Do vậy, mong được Thế Tôn cũng như chư Phật thời quá khứ, Vì lợi ích an lạc của vô lượng chúng sinh, thương xót thế gian, khiến đạt được nghĩa lợi, làm cho trời người được tăng thêm lợi ích của giáo pháp Đại thừa, các tà đạo, ma oán đều được hàng phục, phá trừ, nêu rõ các hạnh công đức của bậc Bồ-tát, tinh tấn gắng sức để đạt quả vị Thượng thừa, lãnh hội chánh pháp, phát huy sự an trụ của Tam bảo đừng để bị mai một, thị hiện thành Phật, sự nghiệp viên mãn. Chính vì thế mà chư Phật đều nói kinh này.

Đức Như Lai, lúc ấy thương xót chư Thiên nên đã im lặng chấp nhận. Thế là chư Thiên đội ân Phật đã thuận hứa nên rất vui mừng, tâm đều thanh tịnh, cúi đầu đảnh lễ, đi theo hướng phải quanh Phật ba vòng, tung hoa trời Mạn-đà-la cúng dường. Xong, tất cả đều biến mất.

Sáng sớm hôm sau, Đức Thế Tôn đến đạo tràng Ca-la, trải tọa cụ ngồi. Chư Đại Bồ-tát và chúng Thanh văn đều cung kính nhiễu quanh Ngài. Xong xuôi, Đức Thế Tôn nói với các vị Tỳ-kheo:

-Nửa đêm hôm qua, trời Ma-hê-thủ-la cùng Nan-đà, Tô-nan-đà và vô số chư Thiên cõi trời Tịnh cư đã vân tập đến đây, đảnh lễ cung kính thưa bạch mong được Ta diễn nói kinh Thần Thông Du Hý Đại Trang Nghiêm. Vì thương xót hết thảy người, trời ở cõi thế gian này, lại khiến cho các vị Bồ-tát thời hiện tại cũng như vị lai được tăng thêm lợi ích nên lúc đó Ta đã yên lặng nhận lời thỉnh cầu kia. Vậy chư Tỳ- kheo hãy hết sức lắng nghe, hôm nay Ta sẽ nói về kinh ấy.

***

Phẩm 2: CUNG TRỜI ĐÂU SUẤT

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Do những yếu tố gì mà kinh này có tên Phương Quảng Thần Thông Du Hý Đại Trang Nghiêm? Đó là vì kinh này hiển bày việc các vị Bồ-tát an trú nơi cung trời Đâu-suất thường tạo vô lượng uy đức được chư Thiên cúng dường, đến lúc làm phép quán đảnh được trăm ngàn Phạm chúng xưng tán. Lại nói về nguyện lực của các vị Bồ-tát ấy đã viên mãn có khả năng thông thấu Pháp tạng của chư Phật, tuệ nhãn thanh tịnh, tâm hòa hợp khắp chốn, có tàm, có quý, tri túc, chánh niệm, chánh tuệ, tu hành miên mật các Ba-la-mật, các phương tiện khéo léo: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ; đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả; phạm hạnh thanh tịnh, đắc đại thần thông, nhận thức các pháp đều vô ngại không chấp trước; các pháp Bồ-đề phần đều tu đạt rốt ráo là bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi và tám Thánh đạo. Các vị Bồ-tát ấy đầy đủ các tướng tốt trang nghiêm thân, luôn vì lợi ích của chúng sinh, không lúc nào rời bỏ; như pháp mà hành không hề hư dối; rộng giảng Chánh pháp không có niệm tham cầu, tâm thanh tịnh ngay thật lìa mọi dối trá sai quấy, không hề sợ hãi cũng không kiêu mạn, tâm luôn bình đẳng với tất cả chúng sinh; thường cúng dường vô lượng trăm ngàn muôn ức chư Phật, Như Lai; vì vô lượng trăm ngàn na-do-tha chư Đại Bồ-tát mà cung kính tôn quý; lại vì muốn các hàng Phạm, Thích Tứ vương, Ma-hê-thủ-la, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn- na-la, Ma-hầu-la-già… khi nghe tên kinh liền xưng tán, sinh tâm hoan hỷ, nên các Ngài dùng phương tiện thiện xảo, vô ngại giải thoát, đối với tất cả các hình thức sai biệt của văn chương, chữ nghĩa đều có thể thông suốt, nếu có diễn đạt đều không bị vướng mắc.

Kinh này cũng giống như vị đại thương chủ lái chiếc thuyền pháp lớn vượt qua biển sinh tử, được ba mươi bảy món Bồ-đề phần vô cùng quý giá và đạt được pháp Đà-la-ni trong Phật pháp, là mẫu mực cho sự tu tập tâm niệm trọn không lầm lạc. Kinh này như Bậc Đại Đạo sư đã vượt bốn dòng thác sinh, lão, bệnh, tử, đầy đủ thệ nguyện, hàng phục ma oán, phá trừ các tà thuyết, dùng trí tuệ kim cang hợp với quân từ bi có thể phá hết mọi thứ phiền não. Kinh này ví như hoa sen trong ao bùn mà công đức rộng khắp, làm chỗ phát khởi và tăng lớn các nguyện lực, tâm đại Bồ-đề là cội rễ, các phương tiện thiện xảo pháp thủy thanh tịnh vi diệu làm nền; Bồ-đề là cành; thiền định là nhụy; lìa các nhiệt não, đạt thanh tịnh rộng khắp làm lá, đa văn, trì giới và không phóng dật đều không chướng ngại làm hương thơm, không hề bị nhiễm các pháp thế gian. Kinh này như Sư tử vương, phước trí là thể, thần thông là chân, bốn Thánh đế là móng, Phạm trụ là răng, bốn Nhiếp pháp là đầu, thấy rõ mười hai nhân duyên làm thân mạng, trí tuệ thâu đạt ba mươi bảy phẩm Bồ-đề làm đảnh đầu, ba cửa giải thoát làm hướng vươn tới, thiền định trí tuệ dùng làm mắt, các pháp Tam-muội làm chốn tu tập; từ rừng giới luật với bốn oai nghi, con đường đi vui hòa làm thân, mười lực cùng bốn vô sở úy nhờ tu tập đạt được làm sức mạnh, lìa mọi tham dục làm bước chân đi; tự tại, vô úy, vô ngã, vô pháp làm tiếng thét lớn hàng phục ngoại đạo như chế ngự bầy nai. Kinh này là mặt trời vô thượng trong đám trượng phu thế nhân; thiền định, trí tuệ, giải thoát là ánh sáng, đốm lửa loe loét của ngoại đạo tất bị mờ tắt, mọi vô minh tăm tối đều bị quét sạch, nơi cõi người trời càng thêm tỏ rạng; ví như mặt trăng tròn tỏa sáng trong lành không gợn chút mây, thế gian vui thích nhìn ngắm; là nguồn sáng an nhiên hơn hẳn trong các tinh tú, soi tỏ con đường giải thoát của đạo Bồ-đề; là đóa sen vàng nở tung trong cõi người trời. Cũng như bậc Chuyển Luân vương giáo hóa bình đẳng khắp bốn châu thiên hạ, lấy bảy món Bồ-đề phần làm vật báu, tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh làm mười pháp lành, lấy đại nguyện thành tựu các pháp vô ngại làm cỗ xe quý. Ví như biển lớn sâu rộng khó dò, lòng biển chứa vô số các thứ bảo vật, bị sóng dồi cũng không mất. Trí tuệ duyên khởi cũng thế, sâu rộng bao la, thâu nhiếp sung mãn hết thảy các pháp bảo. Tâm ấy bình đẳng như đất nước gió lửa, lìa mọi yêu ghét. Tâm lượng ấy thật cao tột, vi diệu, vững chắc, khó dời chuyển như núi Tu-di. Trí tuệ trùm khắp không hề bị cấu nhiễm vướng mắc, như hư không, ý vui vẻ thanh tịnh, thường hành bố thí pháp. Nghiệp tịnh tích chứa lâu đời, dứt mọi lời dối trá sai quấy, có thể bao gồm hết tất cả căn lành, tu tập tự tại suốt bảy a-tăng-kỳ, là chỗ các căn lành đã tu tập đều hướng về, phát huy năm phần phước đức, bố thí bảy món tịnh tài, thực hành Thập thiện làm tăng thêm năm mươi hai loại căn lành đã từng tu tập các chánh hạnh, tương ứng với bốn mươi phần vị; đã từng tu tập các thệ nguyện, tương ứng với bốn mươi phần vị; đã từng tu tập ý lạc, chánh trực đều tương ứng với bốn mươi phần vị; từng ở nơi bốn trăm ức (40.000.000) na-do-tha câu-chi cõi Phật xuất gia tu hành, từng ở nơi năm mươi trăm ức (500.000.000) na-do-tha câu-chi cõi Phật mà thực hành đại bố thí, đã từng gần gũi với ba trăm năm mươi câu-chi các vị Bích-chi-phật, đã từng giáo hóa vô lượng a-tăng-kỳ các chúng Thanh văn, đều khiến họ an trụ với các phương tiện chân chánh, vì muốn cho họ chứng đạt được quả vị A-nậu-đa-la-tam-miệu- tam Bồ-đề và đến địa vị Nhất sinh bổ xứ thành Phật. Từ đó, bậc Bồ-tát ấy mạng chung, sinh lên cõi trời Đâu-suất làm vị Thiên tử ở đấy tên Tịnh Tràng, luôn là chỗ để hàng chư Thiên cúng dường. Ở cõi trời đó, Bồ-tát sẽ thị hiện nơi cõi người, chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Ở cõi trời Đâu-suất ấy có đến ba vạn hai ngàn (32.000) nơi an lạc vi diệu. Điện lớn, cửa lớn, gác rộng lầu cao, mái hiên cửa sổ giăng mắc điểm tô nào cờ bay hoa kết, chuông báu lưới châu, thường xuyên tung hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la đầy khắp chốn. Chư Thiên thể nữ có tới trăm ngàn câu-chi na-do-tha, tấu lên các khúc Thiên nhạc. Các thứ cây báu ở đấy sinh ra nhiều loại hoa quý như hoa A-đề- mục-đa, hoa Câu-ni-la, hoa Chiêm-ba-ca, hoa Ba-sấc-la, hoa Mục- chân-đà-la, hoa A-du-ca, hoa Trấn-đầu-ca, hoa A-sa-na, hoa Kiến-ni- ca, hoa Kiên cố, hoa Đại kiên cố nở đầy khắp chốn. Ở trên cao phủ che đầy những dây lưới bằng vàng ròng bao quanh nhiều lớp trang nghiêm. Trong các ao báu cũng có nhiều thứ hoa đẹp như hoa Ma-lợi-ca, hoa Tô-mạn-na, hoa Bạt-la, hoa Bà-lợi-sư-ca, hoa Câu-đán-la, hoa Tô-kiến-đề, hoa Thiên-diệu-lý, hoa Ưu-bát-la, hoa Ba-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lợi, hoa Diệu hương… nhiều thứ hoa như vậy tạo thành màn hoa lớn muôn vẻ trang nghiêm. Lại có vô số loài chim như Anh vũ, Xá-lợi, Câu-chỉ-la, Nga, Nhạn, Uyên-ương, Khổng tước, Phỉ thúy, Ca-lăng-tần-già và nhiều chủng loại chim khác… hình sắc đủ loại, cất tiếng hót âm thanh vi diệu. Các vị Thiên tử ở cõi trời ấy số lượng có đến trăm ngàn câu-chi na-do-tha, thường vân tập đông đảo tại Đại pháp đường, nhiễu quanh chỗ Bồ-tát, lắng nghe nhận lãnh các pháp lớn vô thượng do Bồ-tát giảng, nhờ đó dứt trừ mọi tham sân kiêu mạn, kết sử, tất cả phiền não; sinh tâm rộng lớn, hoan hỷ tột độ, trụ trong an lạc, cảm nhận được nghiệp tịnh tu lâu dài của Bồ-tát.

Về kỹ nhạc của chư Thiên có đến tám vạn bốn ngàn loại đều phát ra các loại âm thanh hết sức vi diệu và trong âm thanh đó nghe rõ bài tụng:

Nhớ Nhiên Đăng thọ ký

Tích chứa phước vô biên,

Vượt ra khỏi sinh tử

Trí tuệ càng tỏa sáng.

Tu tuệ thí nhiều kiếp

Tâm ta luôn lìa nhiễm

Dứt hẳn ba cấu mạn

Khẩu nghiệp thường trực chánh.

Nhớ vô biên kiếp trước

Muôn loại đều xưng tôn

Giới, nhẫn cùng tinh tấn

Tu định tuệ dài lâu.

Lại nhớ vô biên kiếp

Cúng dường chư Như Lai

Vượt khỏi sinh già chết

Hóa độ bao chúng sinh

Hằng thương xót muôn loài

Luôn nghĩ không hề bỏ.

Rồng, Quỷ, Thần, chư Thiên

Đều chiêm ngưỡng cung kính,

Chúng sinh mãi tham dục

Như biển chứa muôn sông,

Chỉ nhờ Bậc Đại Trí

Cứu vớt muôn chúng sinh.

Lìa khỏi cõi mê lầm

Vui pháp bỏ tham dục,

Mắt thanh tịnh sạch cấu

Thương xót khắp cõi trần.

Bồ-tát dày phước đức

Trụ trời Đâu-suất-đà

Chư Thiên trăm ngàn ức

Nghe pháp không hề nản

Xuống cõi Diêm-phù-đề,

Tâm Từ rưới cam lộ

Khắp cùng nơi cõi Dục

Chư Thiên vô sô ức

Thảy đều dốc lòng mong

Bồ-tát nên hạ sinh

Ắt trừ hết ma nghiệp

Diệt phá các tà thuyết

Phật đạo như “quán chưởng ”

Ứng xử luôn khế hợp

Lửa phiền não bốc cao

Nguyện làm mây lành phủ

Mưa pháp tuôn khắp nơi

Diệt sạch mọi lửa dữ.

Cổ Phật đã qua rồi

Nay Phật là Y vương

Dùng ba cửa giải thoát

Làm thuốc trừ muôn bệnh.

Khiến các loài hữu tình

Niết-bàn đến an trú

Đại pháp âm Như Lai

Ngoại đạo đều quy phục.

Ví như Sư tử hống

Trăm thú đều kinh hoàng

Trí tuệ lấy làm tay

Tinh tấn sinh từ đấy.

Ma quân nhiều vô kể

Tự tại thảy chế, trừ.

Phạm Thích trăm ngàn vị

Cung kính mong gặp Phật

Tứ vương dâng y bát

Chỉ mong Phật hạ sinh.

Nay phải nên quán kỹ

Gắn bó chủng tộc nào

Xem qua cõi Diêm-phù

Nêu rõ hạnh Bồ-tát.

Như châu báu quý giá

Vật ấy thật uy đẹp,

Trí tịnh ngọc Ma-ni

Cam lộ tưới chốn ấy

Âm nhạc của chư Thiên,

Lời kệ diễn bày rõ

Cầu thỉnh đức Bồ-tát

Đại Bi cứu chúng sinh.

***

Phẩm 3: CHỦNG TỘC THÙ THẮNG

Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Bồ-tát lúc ấy nghe xong bài kệ liền rời chỗ mình ngồi, ra khỏi cung điện, đến pháp đường ngồi trên tòa Sư tử. Cùng lúc có vô số vô biên các vị Đại Bồ-tát vân tập đến Pháp đường ngồi vào tòa Sư tử, mà mỗi vị đều có đến sáu mươi tám câu-chi chúng quyến thuộc trước sau lần lượt nhiễu vòng quanh. Bồ-tát đang chuẩn bị cho việc giáng sinh. Ngài nhớ lại mười hai năm trước, có vị Thiên tử ở cõi trời Tịnh cư hạ sinh nơi cõi Diêm-phù làm vị Bà-la-môn nói luận Vi-đà (Veda), bộ luận ấy đã được lưu truyền. Mười hai năm sau lại có Thắng nhân hiện hình voi trắng nhập vào thai mẹ. Vị Thắng nhân ấy có đủ ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, quyết định hai việc: Nếu là tại gia sẽ làm bậc Chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia tu hành sẽ được thành Phật. Lại có vị Thiên tử xuống cõi Diêm-phù-đề nói với vị Bích-chi-phật kia: “Thưa nhân giả, ngài nên lìa bỏ cõi này. Vì sao vậy? Là vì mười hai năm sau sẽ có vị Bồ-tát giáng trần tại đây”. Bấy giờ ở núi Vĩ bàn thuộc thành Vương xá có vị Bích-chi-phật danh hiệu là Ma Đăng, nghe lời đó, tự xét bản thân mình chẳng qua như một thứ đất vô dụng liền rời chỗ ngồi phóng thẳng lên hư không cao đến bảy cây Đa-la, hóa lửa thiêu thân mình mà nhập Niết-bàn, chỉ còn các mảnh xá-lợi từ trên hư không rơi xuống, do đó vùng đất này mang tên là Tiên nhân đọa xứ.

Này các Tỳ-kheo, thời ấy ở nước Ba-la-nại có năm trăm vị Bích-chi-phật, khi nghe vị Thiên tử kia nói cũng đều làm như thế, phóng lên hư không hóa lửa thiêu thân mình, nhập Niết-bàn và các mảnh xá-lợi từ trên cao rơi xuống đất. Lại nữa, vào thời quá khứ có vị vua nhân từ để dành khu đất ấy cho đàn hươu, thành vùng đất không còn sợ hãi. Do vậy khu đất này cũng có tên là Tiên nhân Lộc uyển.

Này các Tỳ-kheo, Bồ-tát lúc ấy vẫn đang ở cung trời Đâu-suất, dùng bốn thứ tâm xem xét khắp nơi, một là xem xét về thời, hai là xem xét về phương, ba là xem xét về quốc độ và bốn là xem xét về chủng tộc. Này các Tỳ-kheo, thế nào là xem xét về thời? Bồ-tát không ở vào thời kỳ kiếp sơ mà nhập thai mẹ, chỉ chọn thời kỳ kiếp giảm, khi chúng sinh ở thế gian nhận rõ, biết được sự khổ của già, bệnh, chết, Bồ-tát mới ung dung nhập thai mẹ. Thế nào là xem xét về phương? Bồ-tát không giáng sinh ở các châu phía Đông, Tây, Bắc là Phất-bà-đề, cồ-da-ni, uất-đan-việt cũng như ở các cõi biên địa, chỉ thị hiện ở châu phía Nam là Diêm-phù-đề. Vì sao vậy? Là vì người ở cõi này có đầy đủ trí tuệ. Thế nào là xem xét về quốc độ? Bồ-tát không sinh vào các nơi biên địa, vì con người ở những nơi đó hầu hết là ngu độn, thiếu hẳn căn lành, cũng như ở bên điều phúc lành mà không thể hay biết được, không thể biện biệt được ý nghĩa thiện và bất thiện. Vì thế mà Bồ-tát chỉ sinh ở quốc độ vùng trung tâm. Còn thế nào là xem xét về chủng tộc? Bồ-tát không sinh vào các chủng tộc Chiên-đà-la, Tỳ-xá, Thủ-đà. Trong bốn chủng tộc, chỉ sinh vào hai chủng tộc trên là Sát-đế-lợi và Bà-la-môn. Nhưng thế gian hiện tôn trọng chủng tộc Sát-đế-lợi, vì vậy Bồ-tát chọn sinh vào gia đình thuộc chủng tộc ấy. Bồ-tát xem xét các việc xong xuôi thì tĩnh lặng an trụ.

Lúc đó trong chúng hội, các vị Bồ-tát cùng các vị Thiên tử bàn luận với nhau, về việc Bồ-tát nay nên dựa theo nước nào cùng tộc họ nào để giáng sinh?

Có vị Thiên tử cho rằng nước Ma-già-đà, vua là Tỳ-đề-ha, vô cùng giàu sang, có thể sinh vào chốn ấy. Có vị lại bảo Bồ-tát không nên sinh vào đấy, vì sao vậy? Vì cha mẹ của vua nước ấy đều không phải là hạng chân chánh, lại kiêu mạn, hung tợn, có ít căn lành, không có phước đức lớn nên Bồ-tát không nên sinh vào chốn ấy.

Có vị Thiên tử lại bảo vua Kiều-tát-la thuộc dòng họ thù thắng, được trọng vọng, có nhiều tài sản quý giá, đủ voi ngựa xe cộ, sai khiến chúng dân như hàng tôi tớ, có thể sinh vào chốn ấy. Nhưng có vị cho rằng, Bồ-tát không nên sinh vào đấy, vì sao vậy? Vì vua ấy vốn thuộc tộc họ Ma-đăng già, cha mẹ cùng thân tộc đều là hạng thấp kém, phước mỏng, thiếu lòng kính tin, không đáng sinh vào đấy.

Cũng có vị Thiên tử nói rằng vua Độc Tử thuộc dòng họ tài giỏi dũng mãnh, giàu sang sung sướng tột bậc, lại ưa thi ân, có thể sinh vào chốn ấy. Nhưng có vị bảo Bồ-tát không nên sinh vào đó. Vì sao vậy? Vì vua đó là hạng người tầm thường, thấp kém, không có oai đức lớn, hung ác đáng sợ, tộc họ bên mẹ lại càng thấp hèn, cướp giật, chỗ ở không xứng đáng để Bồ-tát sinh vào đấy.

Có vị Thiên tử thưa rằng vua xứ Tỳ-da-ly thuộc hàng sang giàu nổi tiếng, an vui sung sướng, không có kẻ thù oán, dân chúng đông đúc, cung điện, ngự viên, rừng suối, hoa quả thảy đều trang nghiêm tươi đẹp, chẳng khác gì cảnh tiên, có thể sinh vào chốn ấy. Nhưng có vị lên tiếng không tán thành cho là Bồ-tát không nên sinh vào đấy. Vì sao vậy? Trong đất nước ấy các Vương tử chia rẽ nhau, không hề kính thuận nhau, mỗi người hùng cứ một nơi, vì vậy mà Bồ-tát không nên sinh vào đấy.

Có vị Thiên tử góp lời cho rằng vua Thắng Quang uy lực gồm đủ, thống lãnh binh đội, đủ sức đánh thắng bất cứ một nước thù địch nào, có thể sinh vào chốn ấy. Lại có vị bác đi, bảo là Bồ-tát đừng nên sinh vào đấy. Vì sao vậy? Vì vua đó quá chuộng vũ lực, không tu thiện nghiệp, vì thế Bồ-tát đừng nên chấp thuận. Hoặc có vị Thiên tử nêu ý kiến, bảo vua thành Ma-thâu-la tên là Thiện Tý, hùng mạnh an vui, giàu sang tự tại, có thể sinh vào chốn ấy. Lại có vị cho rằng Bồ-tát đừng nên sinh vào đấy. Vì sao vậy? Vì vua đó theo tà kiến, tộc họ vô đạo, tàn hại lẫn nhau, vì thế Bồ-tát đừng nên chấp nhận.

Hoặc có vị Thiên tử nói tới vua Bàn-trà-bà, kinh đô ở Tượng thành, khỏe mạnh tháo vát, hình dáng vóc người mười phần đẹp đẽ, có sức chế ngự bao kẻ oán thù, có thể sinh vào chốn ấy. Lại có vị không đồng tình, cho rằng Bồ-tát không nên sinh vào đấy. Vì sao vậy? Vì ông vua nọ vốn là người của đám hoạn quan, gia thất hư hỏng rổi loạn, tuy có năm con trai nhưng không ai có thể nối dõi được, vì thế Bồ-tát đừng nên chấp thuận.

Hoặc có vị Thiên tử nói đến thành Di-thê-la trang nghiêm xinh đẹp, vua tên là Thiện Hữu, uy đức hàng phục các vua khác, voi ngựa, bốn binh chủng thảy đều đầy đủ, châu báu vô kể, lại thích nghe chánh pháp, có thể sinh vào đấy. Vẫn có vị không tán thành, cho là Bồ-tát đừng nên sinh vào đấy. Vì sao vậy? Vì vua ấy tuy có những việc tốt như thế, nhưng tuổi đã già suy, uy lực hầu như không còn gì, con cái lại đông đảo, vì vậy Bồ-tát nên từ khước.

Phật nói với các vị Tỳ-kheo:

-Như vậy là vô số các Bồ-tát cùng các vị Thiên tử, đã xem xét khắp mười sáu nước lớn trong cõi Diêm-phù-đề, từ dòng họ nhà vua đến danh vọng uy lực, đức hạnh vẫn chưa tìm ra một nơi thích hợp để Bồ-tát hạ sinh, cùng nhau bàn luận nhưng cuối cùng vẫn không biết nơi Bồ-tát sẽ sinh.

Lúc đó, trong hội chúng có một vị Thiên tử tên Trí Tràng khéo lãnh hội giáo pháp Đại thừa, tâm không thoái chuyển, nói với các vị Thiên tử kia:

-Chúng ta nên hỏi thẳng Bồ-tát sẽ sinh vào đâu?

Các vị Thiên tử đều đồng ý và cùng đến trước chỗ Bồ-tát ngồi, chắp tay cung kính thưa:

-Trong cõi Diêm-phù-đề, dòng họ nào, do có được những công đức gì, sẽ được Bồ-tát Bổ xứ chọn giáng sinh vào chốn ấy?

Bấy giờ Bồ-tát nói với các vị Thiên tử, trong cõi Diêm-phù-đề ấy, nếu có tộc họ nào danh vọng thù thắng, thành tựu đủ sáu mươi bốn loại công đức thì Bồ-tát sẽ quyết định sinh vào gia đình đó. Sáu mươi bốn loại công đức ấy là những gì?

Một là cõi nước rộng lớn, dòng họ thuộc hạng chân chánh; hai là được dân chúng tôn quý ngưỡng mộ; ba là dòng họ không có sự lộn xộn; bốn là tướng người phải đoan chánh trang nghiêm; năm là tộc loại phải đầy đủ, trọn vẹn; sáu là hai bên nội ngoại không hiềm khích nhau; bảy là tâm không ty tiện; tám là dòng họ thuộc hạng cao quý; chín là cả hai tộc họ cha mẹ đều đáng kính trọng; mười là cả hai tộc họ đều có danh vọng; mười một là cả hai tộc họ đều có đức hạnh; mười hai là gia tộc có nhiều con trai; mười ba là nơi sinh trưởng không có gì đáng sợ; mười bốn là không điều lầm lỗi; mười lăm là không đắm tham ái; mười sáu là tuân giữ giới cấm; mười bảy là mọi người đều là bậc trí tuệ; mười tám là các vật dụng cần thiết đều phải được thuộc hạ xem xét thử nghiệm trước; mười chín là mọi người trong tộc họ đều phải giỏi giang khéo léo; hai mươi là đối xử với bạn bè tốt, trước sau như một; hai mươi mốt là không làm tổn hại đến các loài; hai mươi hai là chẳng hề quên ân nghĩa; hai mươi ba là biết và làm đúng theo phép tắc; hai mươi bốn là nương giáo pháp mà hành động; hai mươi lăm là không sinh lòng ngờ vực; hai mươi sáu là không ngu dốt với nghề nghiệp của mình; hai mươi bảy là không keo kiệt đối với tài sản; hai mươi tám là không hề gây ra các tội ác; hai mươi chín là không khoe khoang công lao, ba mươi là có lòng xem trọng việc thi ân; ba mươi mốt là ý chí luôn mạnh mẽ; ba mươi hai là khéo léo trong sự chọn, bỏ, ba mươi ba là tin tưởng, vui vẻ bố thí; ba mươi bốn là hành động theo tư cách của bậc Trượng phu; ba mươi lăm là mọi việc làm đều lường tính đầy đủ; ba mươi sáu là siêng năng tháo vát, ung dung; ba mươi bảy là dũng mãnh luôn tăng trưởng; ba mươi tám là hay cúng dường bậc Tiên nhân; ba mươi chín là thường cúng dường chư Thiên; bốn mươi là thường cúng dường bậc Luận Sư; bốn mươi mốt là luôn cúng dường các đấng Tiên linh; bốn mươi hai là không hề oán giận; bốn mươi ba là tên tuổi vang khắp mười phương; bốn mươi bốn là có được quyến thuộc danh tiếng; bốn mươi lăm là không làm hại bạn lành; bốn mươi sáu là có đông đảo quyến thuộc; bốn mươi bảy là có quyến thuộc dũng mãnh; bốn mươi tám là quyến thuộc thuận hòa; bốn mươi chín là uy đức tự tại; năm mươi là hiếu thuận đối với cha mẹ; năm mươi mốt là luôn cung kính các bậc Sa-môn; năm mươi hai là tôn trọng Bà-la-môn; năm mươi ba là có đầy đủ bảy món châu báu; năm mươi bốn là ngũ cốc dồi dào sung mãn; năm mươi lăm là có vô số voi, ngựa; năm mươi sáu là có nhiều kẻ giúp việc; năm mươi bảy là không hề xâm phạm kẻ khác; năm mươi tám là mọi việc làm đều thành tựu; năm mươi chín là dòng giống vốn là bậc Chuyển luân vương; sáu mươi là căn lành đã vun trồng từ nhiều đời trước; sáu mươi mốt là gia tộc ấy, tất cả mọi sở hữu đều do căn lành của Bồ-tát mà ngày càng tăng thêm; sáu mươi hai là không hề phạm phải tội lỗi; sáu mươi ba là không hề có tỵ hiềm, ganh ghét vu khống; sáu mươi bốn là gia pháp luôn được thuận hòa. Đó là sáu mươi bốn thứ công đức. Nếu có tộc họ nào thành tựu đầy đủ các thứ công đức đó thì Bồ-tát Bổ xứ sẽ sinh vào chốn ấy.

Nếu có bậc nữ nhân nào thành tựu đầy đủ ba mươi hai loại công đức thì sẽ làm mẹ Bồ-tát. Ba mươi hai đức ấy là những gì?

Một là tên tuổi được nhiều người biết đến; hai là mọi người đều khen ngợi; ba là dung nghi mẫu mực; bốn là các tướng đều đầy đủ; năm là thuộc dòng họ cao quý; sáu là vô cùng đoan chánh; bảy là danh vọng và đức hạnh tương xứng; tám là hình dáng dung mạo cân đối xinh đẹp; chín là chưa từng mang thai; mười là giới tính trọn đủ; mười một là tâm không chấp trước; mười hai là nhan sắc luôn tươi vui; mười ba là vận động thuận theo phía tay phải; mười bốn là sáng suốt tỉnh táo; mười lăm là tính tình hòa dịu, mềm mỏng; mười sáu là thường không sợ hãi; mười bảy là nghe rộng, nhớ giỏi; mười tám là trí tuệ trang nghiêm; mười chín là tâm không nhỏ nhen, nịnh bợ; hai mươi là không hề trí trá, lừa dối; hai mươi mốt là chưa từng giận dữ; hai mươi hai là thường không keo kiệt, bỏn sẻn; hai mươi ba là tánh tình không ganh ghét, đố kỵ; hai mươi bốn là tánh tình không thô tháo, loạn động; hai mươi lăm là dung sắc luôn đằm thắm, dịu dàng; hai mươi sáu là miệng không thốt ra lời độc ác; hai mươi bảy là đối với sự việc luôn gắng nhẫn nhục; hai mươi tám là luôn biết tự hổ thẹn; hai mươi chín là cả ba độc đều không có; ba mươi là luôn xa lánh tất cả hạng nữ nhân tội lỗi; ba mươi mốt là hết lòng cung kính chư Thiên; ba mươi hai là các tướng đều viên mãn. Đó là nói về ba mươi hai đức hạnh. Nếu có bậc nữ nhân nào có đầy đủ các công đức ấy thì mới xứng đáng để làm mẹ Bồ-tát. Bồ-tát không nhập thai vào những ngày không có trăng sáng, chỉ chọn những ngày có trăng sáng hợp với sao Phất-sa, thời gian này người mẹ đang thọ trì trai giới thanh tịnh, chính lúc đó Bồ-tát sẽ thị hiện nhập thai.

Các vị Bồ-tát cùng các vị Thiên tử trong hội chúng nghe Bồ-tát nói rõ về chủng tộc, phụ mẫu với những công đức thanh tịnh như thế, mỗi vị đều suy tư, xem ai là người hội đủ các công đức ấy. Họ suy nghĩ như thế này: Chỉ có vua Du-đầu-đàn, họ Thích, chủng tộc có danh vọng thù thắng, thuộc dòng dõi là Chuyển luân vương, nơi kinh đô cũng như thành thị, làng xóm trong nước dân chúng đông đúc, an ổn sung túc, thật đáng yêu thích. Vua Du-đầu-đàn có nhân tướng viên mãn, dung nhan đoan chính, vi diệu bậc nhất, uy đức lớn lao tỏa khắp, phước trí trang nghiêm, thật là hoàn thiện, vua lấy thiện để giáo hóa thế tục. Gia tộc ấy vốn tài giỏi lại giàu sang, tài sản quý giá, ngựa, voi, bảy báu đều dồi dào, lại thâm hiểu lẽ nhân quả nghiệp báo, xa lìa các ác kiến. Ở trong tộc họ Thích chỉ có ông là vị chủ, bốn phương quy phục, ai trông thấy đều sinh lòng hoan hỷ, lại thành thạo tài nghệ, không già mà cũng không quá trẻ, biết dạy đúng thời mọi phép tắc ở thế gian không gì là không rõ, dùng pháp để trị nước, dựa theo pháp để điều khiển mọi vật. Hơn nữa, nhân dân ở đất nước ấy vun trồng căn lành từ trước, đều một lòng tuân theo sự dẫn dắt của người chủ.

Chánh hậu của nhà vua tên là Ma-da, con gái vua Thiện Giác, tuổi trẻ sống trong cảnh phú quý, các tướng tốt, chưa từng mang thai sinh nở, vô cùng đoan chánh, tư sắc xinh đẹp như thể những nét vẽ tuyệt vời, lòi nói không vướng chút lỗi lầm xấu xa mà luôn thành thật đúng lý, âm thanh dịu dàng, thân tâm thư thái hài hòa, dứt mọi buồn phiền tội lỗi. Lại không có tính đố kỵ, lời nói ra luôn thích hợp, ưa thích thi ân, nữ tính thể hiện trọn vẹn, thường có lòng biết đủ đối với chồng mình, tâm không dao động bồng bột, tánh không bị nhiễm theo cảnh bên ngoài. Vóc dáng dung mạo lại càng tương xứng: lông mày cao mà dài, trán rộng và phẳng, tóc mượt màu đen óng giống như màu huyền của con ong, khi nói luôn mỉm cười phát ra âm thanh vô cùng nhã nhặn ngọt ngào, mọi động tác đều thuận phía tay phải, tánh tình thẳng thắn không quanh co, chân thật không tà vạy, không dối trá dua nịnh, luôn luôn biết hổ thẹn; tâm tính an tĩnh, dung nhan thanh tịnh, thường tránh xa ba độc, ôn hòa, giỏi nhẫn nhục; diện mạo, mắt, chân tay, tự mình khéo trang điểm. Thân thể mềm mại như y Ca-lân-đà, mắt trong và dài thon như bũp sen xanh, sắc môi đỏ thắm như trái Tần-bà, có nhiều ngấn như đường xoắn ốc, màu sắc đẹp giống cầu vồng, dài ngắn hợp mức, nghi dung đúng phép, vai thẳng đẹp, cánh tay thon dài. Các chi thể đều tròn đầy, da dẻ mượt mà đằm thắm, ví như chất kim cương không thể hủy hoại được. Lại khéo biết nhiều nghề, vì vậy mà có hiệu là Ma-da. Bà thường ở trong vương cung, giống như một Bảo nữ hay Hóa nữ, có dáng dấp một Thiên nữ trụ nơi vườn Hoan hỷ, có đủ các loại đức hạnh trên thật xứng đáng làm mẹ của Bồ-tát. Công đức như thế

chỉ dòng họ Thích mới hội đủ, ngoài ra không dòng họ nào có được, nên có bài tụng:

Bồ-tát tại Đâu-suất

Ngự nơi Pháp tập đường,

Cùng lúc ấy chư Thiên

Nhiễu quanh thật cung kính

Cùng xem các thắng tộc

Bồ-tát sinh chốn nào?

Nơi cõi Diêm-phù-đề

Đại tộc Sát-đế-lợi

Họ Thích thanh tịnh nhất

Nơi ấy thuận giáng trần,

Thành Ca-tỳ-la-vệ

Xưa thuộc dòng Luân vương

An ổn không thù oán

Thiện hóa dân thuận theo

Đất nước thật tươi đẹp

Muôn loài đều vui mừng

Quy ngưỡng theo thiện pháp

Một lòng với nhà vua .

Thân thuộc lắm bậc tài

Tướng dũng mãnh hơn voi

Sức địch muôn vật sợ,

Thật không ai hơn tài.

Vũ dũng tài nghệ đủ

Chẳng làm hại muôn loài

Chánh hậu của nhà vua

Giữa ngàn phi, bậc nhất

Đoan chánh thật ít có

Nên hiệu là Ma-da

Dung mạo vượt Thiên nữ,

Mọi nét đều tương xứng

Trời, người, A-tu-la,

Đồng dâng lời ca ngợi.

Thanh tịnh lìa mọi lỗi,

Chẳng bợn chút dục tâm,

Ngôn từ thật vi diệu,

Thành thật lại nhu hòa,

Thân thể luôn trong lành

Không vướng điều xấu ác,

Nét hàm tiếu thêm sắc

Biết thẹn thường giữ gìn,

Không kiêu mạn dua nịnh

Tâm cũng không ganh ghét

Theo tịnh nghiệp lìa tà

Lòng từ thích bô thí.

Bao nữ tội thế gian

Thảy đều luôn xa lánh

Tất cả cõi trời người

Thật không ai hơn được

Mọi công đức gồm đủ

Thật xứng mẹ Thánh nhân,

Từng qua năm trăm đời

Làm bậc Bồ-tát mẫu.

Vua cha cũng như thế

Nhiều kiếp là Thánh phụ

Mẹ vâng giữ giới cấm

Qua ba mươi hai tháng

Chứa uy đức Phạm hạnh

Thân thể luôn tỏa sáng.

Nơi Thánh hậu dạo bước,

Chốn chốn tự trang nghiêm

Trời, người, A-tu-la,

Tâm dục không hề dấy

Hết thảy đều cung kính

Như mẹ, chị em mình

Cùng hướng nghiệp thanh tịnh

Uy nghi sánh Hiền thánh

Khiến vua thêm tiếng tốt,

Khắp cõi đều quy phục

Công đức cùng tương xứng,

Đó là Bồ-tát mẫu.

Bậc nữ nhân tột bậc

Thật đúng là mẹ Phật

Uy đức của chư Thiên,

Chư Bồ-tát đại Trí

Cùng ca ngợi Thánh mẫu

Bồ-tát thuận giáng trần.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quá Khứ Trang Nghiêm Kiếp Thiên Phật Danh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Thiền Tâm dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Lực Trang Nghiêm Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Sư Tử Trang Nghiêm Vương Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Trang Nghiêm Tâm Bồ Đề - Kinh Tạng
  • Kinh Trang Nghiêm Vương Đà La Ni Chú - Kinh Tạng
  • Kim Cang Tràng Trang Nghiêm Bát Nhã Ba La Mật Đa Giáo - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhứt Thiết Như Lai Liên Hoa Nghi Quỹ Đại Mạn Đồ La Kim Cang Đỉnh Hàng Tam Thế Đại Pháp Vương Giáo Trung Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Chơn Ngôn - Kinh Tạng
  • Những Truyện Cảm Ứng Về Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4 - Kinh Tạng
  • Phẩm Nhập Pháp Giới Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Năng Thắng Phan Vương Như Lai Trang Nghiêm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 3 - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Khủng Bố Tập Hội Phương Quảng Quỹ Nghi Quán Tự Tại Bồ Tát Tam Thế Tối Thắng Tâm Minh Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 89 – Kinh Pháp Trang Nghiêm (Dhammacetiya sutta) - Kinh Tạng