1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25

QUYỂN 557

III. PHẨM BẢO THÁP

Bầy giờ, trời Ðế Thích v.v… trong chúng chư Thiên cõi Dục; Ðại Phạm Vương v.v… trong chúng chư Thiên cõi Sắc và các thần tiên khác vui mừng hớn hở, đồng một lúc cao giọng xướng lên:

– Lạ thay! Lạ thay! Tánh của các pháp sâu xa vi diệu! Như Lai xuất hiện ở đời dùng năng lực thần thông gia bị Thiện Hiện v.v… tuyên thuyết chỉ dạy: nếu các Bồ-tát không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa thì chúng ta sẽ cung kính, cúng dường vị đó như Phật Thế Tôn!

Khi ấy, Phật bảo chư Thiên v.v…:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Nếu các Bồ-tát không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa thì chư Thiên các ông nên cúng dường như Phật Thế Tôn. Chư Thiên nên biết: Thuở xưa, Ta đối với Phật Nhiên Ðăng, ở đầu ngã tư đường, nơi vương đô Liên Hoa, thấy Phật Nhiên Ðăng, Ta dâng năm cành hoa và trải tóc che bùn, nghe pháp yếu chơn chánh, chẳng xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Khi ấy, Như Lai kia thọ ký cho Ta: Ngươi ở đời sau, trải qua vô số kiếp sẽ thành Như Lai hiệu là Năng Tịch, tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa làm lợi ích lớn cho các hữu tình.

Chư Thiên v.v… đồng bạch Phật:

– Thật lạ thay, kính bạch Thế Tôn! Hiếm có thay, kính bạch Thiện Thệ! Bát-nhã ba-la-mật-đa này đầy đủ oai thần lớn, làm cho các Bồ-tát mau có thể phát sanh và hộ trì trí nhất thiết trí.

Khi ấy, Thế Tôn biết bốn chúng chư Thiên v.v… vân tập, đồng chứng minh cho họ nên bảo với trời Ðế Thích:

– Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, lại biên chép, giảng thuyết cho người, thì ma và quyến thuộc cùng nhơn phi nhơn v.v… rình tìm lỗi của người đó hoàn toàn không thể được, và tai họa, tật dịch… cũng không thể làm hại được. Các Thiên tử nào đã phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà chưa lắng nghe, thọ trì, đọc tụng kỹ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì nên đi đến chỗ thiện nam tử, thiện nữ v.v… này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng cho thật làu thông và giảng thuyết lại cho người khác.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, lại biên chép, giảng thuyết cho người khác, thì ở nhà trống, hoặc đồng hoang vu, đường hiểm nạn và chỗ nguy nan đều có chư Thiên, thiện thần thường đến ủng hộ, làm cho không sợ hãi.

Khi ấy, Tứ Thiên vương và trời Ðế Thích, Phạm thiên vương v.v… chấp tay cung kính, đồng bạch Phật:

– Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, lại biên chép, giảng thuyết cho người thì quyến thuộc chúng con thường theo hộ vệ, không để cho tất cả tai họa làm hại.

Trời Ðế Thích bạch Phật:

– Thật kỳ lạ thay, kính bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, kính bạch Thiện Thệ! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này phụng thờ Bát-nhã ba-la-mật-đa và giữ gìn công đức pháp hiện tại như thế.

Kính bạch Thế Tôn! Nếu các Thiện nam tử, thiện nữ v.v… giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là giữ gìn đầy đủ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Khi ấy, Phật bảo trời Ðế Thích:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, lại biên chép, giảng thuyết cho người thì đạt được công đức, ông nên lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói cho ông.

Trời Ðế Thích thưa:

– Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy. Chúng con ưa thích được nghe.

Phật bảo Kiều-thi-ca:

– Nếu có các Phạm chí ngoại đạo xấu ác, hoặc các ác ma hay quyến thuộc của ma, hoặc những kẻ tăng thượng mạn hung ác khác muốn làm những việc không lợi ích; kẻ đó vừa móng tâm, liền gặp tai họa, nên sự mong muốn dần dần bị tiêu diệt, chẳng được kết quả. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì thiện nam tử, thiện nữ v.v… này luôn chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, lại biên chép, giảng thuyết cho người. Vì lẽ đó nên thường làm cho kẻ phát khởi tâm xấu ác, tự gặp tai họa, nên sự mong muốn không đạt kết quả.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này phụng thờ Bát-nhã ba-la-mật-đa thì đạt được những công đức lợi ích thù thắng như vậy. Như có thuốc thần diệu tên là Mạt-kỳ, công lực của thuốc này có thể làm tiêu trừ các độc. Diệu dược này để bất kỳ chỗ nào, các loài trùng độc chẳng thể đến gần được. Có con rắn độc lớn đói, bò đi kiếm ăn, gặp được sinh vật muốn đớp ăn, sinh vật kia sợ chết, vội chạy tới chỗ thuốc thần diệu, rắn nghe mùi thuốc liền chạy trở lui. Vì sao? Này Kiều-thi-ca! Vì thuốc hay này có đầy đủ oai thế lớn, tiêu trừ các độc và làm lợi ích cho thân mạng. Nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa đầy đủ oai thế lớn cũng như vậy. Thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, lại biên chép, giảng thuyết cho người thì những hạng người xấu ác muốn làm điều chẳng lợi ích cho người khác, chắc chắn phải bị tiêu diệt, không làm gì được, vì oai thần của Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể dẹp hết tất cả.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này được bốn Ðại Thiên Vương và Thiên chúng cùng các thần tiên khác thường đến ủng hộ, không để cho tất cả tai họa làm hại. Chư Phật và Bồ-tát cũng thường hộ niệm, sự cầu như pháp đầy đủ hoàn toàn, lời nói oai nghiêm, mọi người nghe đều cung kính lãnh thọ. Họ nói lời đắn đo cân nhắc, chẳng nói lời huyên thuyên tạp nhạp, vững thờ bạn lành, rất biết báo ân; chẳng bị tham lam, ganh ghét, giận hờn, phiền não, nịnh bợ, kiêu căng, gạt gẫm v.v… che lấp tâm. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì thiện nam tử, thiện nữ v.v… này được oai lực của Bát-nhã ba-la-mật-đa điều phục thân tâm, làm cho người đó xa lìa tâm tham, sân, si v.v… tùy miên ràng buộc. Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này nhớ nghĩ đầy đủ chánh niệm chánh tri về từ bi hỷ xả, thường nghĩ: Ta không nên theo thế lực của tham lam, phá giới, giận dữ, lười nhác, tán loạn, ngu si xoay chuyển. Nếu xoay chuyển theo nó thì bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, diệu tuệ của ta chẳng thành tựu; muốn làm xinh đẹp và thanh tịnh sắc thân còn chẳng thể được, huống là đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì thế, ta không nên xoay chuyển theo thế lực đó.

Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này nhờ tư duy như vậy, thường được niệm chánh, các phiền não xấu ác không che lấp tâm họ.

Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, lại biên chép, giảng dạy cho người khác thì được những công đức lợi ích thù thắng như vậy.

Khi ấy, trời Ðế Thích bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế rất là hiếm có, vì có thể điều phục Bồ-tát, làm cho xa lìa tâm cao ngạo, hồi hướng sự cầu trí nhất thiết trí.

Khi ấy, Phật bảo trời Ðế Thích:

– Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa rất là hiếm có, có thể điều phục Bồ-tát làm cho xa lìa tâm cao ngạo, hồi hướng sự cầu trí nhất thiết trí?

Trời Ðế Thích thưa:

– Nếu các Bồ-tát không y vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không có phương tiện thiện xảo, nên tuy tu các pháp lành nhưng vẫn sanh tâm cao ngạo, không thể hồi hướng sự cầu trí nhất thiết trí. Nếu các Bồ-tát thường y vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có phương tiện thiện xảo, nên sự tu tập các pháp lành có thể điều phục tâm cao ngạo, hồi hướng sự cầu trí nhất thiết trí.

Phật bảo trời Ðế Thích:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói.

Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa thì chẳng bị tất cả tai họa làm hại. Hoặc ở quân ngũ, khi chiến trận giao tranh, chí tâm tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, từ bi hộ niệm các hữu tình thì chẳng bị dao gậy giết hại; đối với oán địch đều khởi tâm từ; giả sử khởi tâm ác, tự nhiên lui bại. Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… này ở quân trận bị dao gậy, cung tên làm trúng thương, mất mạng thì hoàn toàn không có lẽ đó. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này là chú đại thần, là chú vô thượng. Nếu ai có thể siêng năng tu học chú này thì không làm hại mình, không làm hại người, không hại cả hai, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do đây đạt được trí nhất thiết trí, quán sát hữu tình tâm hạnh sai khác, tùy nghi chuyển vận bánh xe pháp Vô thượng, làm cho y như lời dạy mà tu hành, đạt được lợi ích lớn.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa này để ở chỗ sạch sẽ, cung kính, cúng dường, lại siêng năng thọ trì, đọc tụng thì nhơn phi nhơn v.v… muốn tìm lỗi của người đó hoàn toàn không thể được. Chỉ trừ nghiệp ác đời trước nên phải chịu.

Kiều-thi-ca! Ví như có người hoặc bàng sanh đi vào viện Bồ-đề thọ, hoặc đến bên viện kia, thì nhơn phi nhơn v.v… chẳng thể làm hại được. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì chư Phật ba đời đều ngồi ở chỗ này mà đắc đại Bồ-đề và công bố cho các hữu tình về sự không khiếp, không sợ, không oán, không hại, thân tâm an lạc. Nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa ở chỗ nào cũng như vậy, tất cả trời, rồng, A-tố-lạc v.v… thường đến giữ gìn, hộ vệ. Nên biết chỗ ấy chính là bảo tháp, tất cả hữu tình nên kính lễ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, không nên tạm bỏ. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì đó là chỗ quay về nương tựa của các hữu tình vậy.

Khi ấy, trời Ðế Thích bạch Phật:

– Thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang sức bằng các thứ xinh đẹp, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn để cúng dường. Lại có các thiện nam tử, thiện nữ v.v… sau khi Phật Niết-bàn, xây tháp trang sức bằng bảy báu xinh đẹp, rương báu đựng đầy xá-lợi của Phật, đặt ở trong đó cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi. Lại dùng các thứ tràng hoa thượng diệu, cho đến ánh sáng của đèn để cúng dường. Hai sự việc đó, sự việc nào đạt được phước nhiều hơn?

Phật bảo trời Ðế Thích:

– Ta hỏi ông, tùy ý ông trả lời. Ý ông thế nào? Sự đắc được trí nhất thiết trí, sự chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề và sự nương cái thân của Như Lai là nương vào những đạo lý nào tu học mà được?

Trời Ðế Thích thưa:

– Ðều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa tu học mà được.

Phật bảo trời Ðế Thích:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói. Kiều-thi-ca! Chẳng phải chỉ đạt được thân tướng hảo nên gọi danh hiệu Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, mà chính là do chứng đắc trí nhất thiết trí mới gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Kiều-thi-ca! Như Lai đắc trí nhất thiết trí là chính nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa làm nhân nên phát sanh. Thân tướng hảo của Phật chỉ là chỗ nương. Nếu không nương tựa thân tướng hảo của Phật thì không do đâu mà phát sanh. Thế nên Bát-nhã ba-la-mật-đa chính là cái nhân sanh ra trí nhất thiết trí. Muốn làm cho trí này hiện tiền tiếp nối luôn nên tu tập thân tướng hảo của Phật. Do nhân duyên này nên sau khi Ta Niết-bàn, chư Thiên, rồng, thần, nhơn phi nhơn v.v… cung kính xá-lợi của Ta.

Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa này, trang sức bằng các thứ xinh đẹp, thọ trì, đọc tụng, lại đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, thì chính là cúng dường trí nhất thiết trí và nương tựa thân tướng hảo của Phật cùng xá-lợi của Phật sau khi Niết-bàn. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì trí nhất thiết trí và thân tướng hảo của Phật cùng xá-lợi đều lấy Bát-nhã ba-la-mật-đa làm căn bản.

Do vậy, này Kiều-thi-ca! Người biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang sức bằng các thứ xinh đẹp, cung kính, cúng dường, đạt được phước hơn phước dùng bảy báu xây tháp cúng dường xá-lợi của Như Lai. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa thì chính là cúng dường trí nhất thiết trí, thân tướng hảo và xá-lợi của Phật vậy.

Khi ấy, trời Ðế Thích bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Người châu Thiệm-bộ không thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, cung kính, cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Người kia lẽ nào không biết sự nói về công đức lợi ích thù thắng như thế?

Phật bảo trời Ðế Thích:

– Ta hỏi ông, tùy ý ông trả lời. Ý ông thế nào? Trong châu Thiệm-bộ có bao nhiêu người thành tựu sự chứng tịnh đối với Phật, thành tựu chứng tịnh đối với Pháp, thành tựu chứng tịnh đối với Tăng? Có bao nhiêu người đắc quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán? Có bao nhiêu người phát tâm quyết định hướng đến Bồ-đề của bậc Độc giác? Có bao nhiêu người phát tâm quyết định hướng đến Vô thượng Bồ-đề?

Trời Ðế Thích thưa:

– Trong châu Thiệm-bộ có một số ít vị thành tựu ba chứng tịnh, càng ít vị đắc quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Lại càng ít người phát tâm quyết định hướng đến Bồ-đề của bậc Độc giác. Lại càng ít người phát tâm quyết định hướng đến Vô thượng Bồ-đề.

Phật dạy:

– Kiều-thi-ca! Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói. Kiều-thi-ca! Trong châu Thiệm-bộ có rất ít người phát tâm quyết định hướng đến Vô thượng Bồ-đề. Trong ấy có một số ít vị đã phát tâm xong siêng năng tu học, hướng đến hạnh Bồ-đề. Trong ấy có một số ít vị khi siêng năng tu học hạnh Bồ-đề, hết lòng tin nhận Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Trong ấy có một số ít vị hết lòng tin nhận xong, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Trong ấy có một số ít vị đã tu hành xong, lần lượt an trụ địa vị Bất thối chuyển. Trong ấy có một số ít vị trụ địa vị này xong, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Kiều-thi-ca! Nếu các Bồ-tát nào đã được an trụ địa vị Bất thối chuyển, cầu chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mới có thể hết lòng tin nhận Bát-nhã ba-la-mật-đa, thọ trì, đọc tụng, cung kính, cúng dường, biên chép, giảng thuyết.

Kiều-thi-ca! Vô lượng, vô biên các loài hữu tình phát tâm Bồ-đề, trong số đó chỉ có một, hai, hoặc ba được trụ địa vị Bất thối chuyển, còn phần nhiều lui trụ địa vị Thanh văn, Độc giác. Vì thế, nên biết! Thiện nam tử v.v… phát tâm Bồ-đề tu hạnh Bồ-tát, muốn trụ địa vị Bồ-tát Bất thối chuyển, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không bị trở ngại thì nên biên chép, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa, cung kính, cúng dường, diễn thuyết cho người. Vì sao? Này Kiều-thi-ca! Các Bồ-tát này nên nghĩ: Như Lai xưa kia khi còn ở địa vị Bồ-tát, thường siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy. Chúng ta cũng nên siêng năng tu học như vậy. Bát-nhã ba-la-mật-đa này là Đại sư của chúng ta. Ta theo đó học, sự ước nguyện sẽ viên mãn.

Kiều-thi-ca! Tất cả Bồ-tát khi Phật còn trụ thế, hoặc sau khi Bát Niết-bàn, thường nên y chỉ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa siêng năng tu học.

Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… sau khi các đức Như Lai Bát Niết-bàn, vì cúng dường xá-lợi của Phật nên xây tháp bằng bảy báu tốt đẹp và trang sức xen lẫn bằng các thứ ngọc báu quí hiếm, xinh đẹp. Lại đem các thứ tràng hoa trời đẹp cho đến ánh sáng của đèn trọn đời cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi. Ý ông thế nào? Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này, do nhân duyên như vậy được phước có nhiều không?

Trời Ðế Thích thưa:

– Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!

Phật bảo Kiều-thi-ca:

– Có thiện nam tử, thiện nữ v.v… biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa này, trang sức bằng các thứ báu xinh đẹp và thọ trì, đọc tụng. Lại đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, thì thiện nam tử, thiện nữ v.v… này đạt được phước càng nhiều hơn trước vô lượng vô số.

Kiều-thi-ca! Để việc này qua một bên. Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… sau khi các đức Như Lai Bát Niết-bàn, vì cúng dường xá-lợi của Phật nên xây tháp bằng bảy báu tốt đẹp, trang sức xen lẫn bằng các thứ ngọc quý đầy dẫy một châu Thiệm-bộ như vậy, hoặc bốn châu lớn, hoặc cõi Tiểu thiên, hoặc cõi Trung thiên, hoặc thế giới Tam thiên đại thiên, đều đem các thứ tràng hoa trời tốt đẹp cho đến ánh sáng của đèn, trọn đời cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi. Ý ông thế nào? Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này do nhân duyên như vậy được phước có nhiều không?

Trời Ðế Thích thưa:

– Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!

Phật dạy Kiều-thi-ca:

– Có thiện nam tử, thiện nữ v.v… biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa này, trang sức bằng các thứ báu xinh đẹp, thọ trì, đọc tụng. Lại đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi. Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này đạt được phước nhiều hơn trước vô lượng vô số.

Kiều-thi-ca! Để việc này qua một bên. Giả sử các loài hữu tình ở thế giới Tam thiên đại thiên, đồng một lúc đều được thân người, mỗi mỗi người này vì cúng dường xá-lợi của Phật nên sau khi các đức Như Lai Bát Niết-bàn, xây tháp bằng bảy báu tốt đẹp, trang sức xen lẫn bằng các thứ ngọc quý hiếm xinh đẹp. Như vậy, mỗi mỗi đều đầy đủ cả thế giới Tam thiên đại thiên. Lại đem các thứ tràng hoa trời đẹp cho đến ánh sáng của đèn trọn đời cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi. Ý ông thế nào? Các hữu tình này do nhân duyên như vậy được phước có nhiều không?

Trời Ðế Thích thưa:

– Rất nhiều, kính bạch Thế Tôn! Rất nhiều, kính bạch Thiện Thệ!

Phật dạy:

– Kiều-thi-ca! Có thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa này, trang sức bằng các thứ báu xinh đẹp, thọ trì, đọc tụng. Lại đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, thì thiện nam tử, thiện nữ v.v… này đạt đuợc công đức càng nhiều hơn trước vô lượng vô số.

Trời Ðế Thích bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì nên biết, đó chính là cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi trí nhất thiết trí của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại.

Kính bạch Thế Tôn! Để việc này qua một bên. Giả sử tất cả hữu tình ở thế giới nhiều như cát sông Hằng trong mười phương, đồng một lúc đều được thân người, mỗi một người này vì cúng dường xá-lợi của Phật nên mỗi vị sau khi Như Lai Bát Niết-bàn đều xây tháp bằng bảy báu quý tốt và trang sức xen lẫn bằng các thứ ngọc quý hiếm, mỗi mỗi thứ như thế đều đầy cả thế giới chư Phật như cát sông Hằng trong mười phương. Lại đem các thứ tràng hoa trời đẹp cho đến ánh sáng của đèn cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, trải qua một kiếp hoặc hơn một kiếp, các hữu tình này do nhân duyên như vậy đạt được phước đức tuy là vô lượng. Nhưng lại có thiện nam tử v.v… khác biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa này, trang sức bằng các báu xinh đẹp, thọ trì, đọc tụng. Lại đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi thì đạt đuợc phước càng nhiều hơn trước vô lượng vô số.

Khi ấy, Phật bảo trời Ðế Thích:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói. Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ v.v… này công đức căn lành cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa vô lượng, vô biên, không thể tính kể, không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh trí nhất thiết trí của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Trí nhất thiết trí của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có thể sanh ra xá-lợi của chư Phật.

Thế nên, Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… có thể biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang sức bằng các thứ báu xinh đẹp, thọ trì, đọc tụng. Lại đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, đạt được phước hơn phước của việc xây các tháp và cúng dường ở trước gấp trăm lần, ngàn lần, cho đến cùng cực vô số lần.

IV. PHẨM THẦN CHÚ

Bấy giờ, trong chúng có bốn vạn Thiên tử đồng thanh thưa trời Ðế Thích:

– Ðại tiên thường nên lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này. Vì sao? Vì nếu ai có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này thì làm cho tất cả pháp ác giảm bớt, pháp lành tăng thêm.

Phật bảo trời Ðế Thích:

– Ông nên chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này. Vì sao? Vì nếu A-tố-lạc và bè lũ xấu ác phát sanh ý nghĩ: Chúng ta phải quyết gây chiến với trời Ba mươi ba, thì khi ấy các ông mỗi người nên chí thành tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi. Khi ấy, sự phát sanh tâm ác của A-tố-lạc và bè lũ kia tự nhiên tiêu tan.

Trời Ðế Thích bạch Phật:

– Nếu như vậy thì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là chú đại thần, là chú đại minh, là chú vô thượng, là chú vô đẳng đẳng.

Phật bảo trời Ðế Thích:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói. Vì sao? Này Kiều-thi-ca! Vì chư Phật ba đời đều y vào vua đại thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này mới chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thuyết pháp mầu nhiệm cho các hữu tình.

Kiều-thi-ca! Y vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thế gian mới có mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định, năm thần thông, hoặc vô lượng, vô biên các Phật pháp khác đều được xuất hiện.

Kiều-thi-ca! Y vào vua đại thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thế gian mới có Bồ-tát xuất hiện. Y vào Bồ-tát nên thế gian liền có mười thiện nghiệp đạo hoặc bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định, năm thần thông, hoặc vô lượng, vô biên Phật pháp khác đều được xuất hiện.

Kiều-thi-ca! Nếu khi các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không xuất thế thì chỉ có Bồ-tát nhờ năng lực tăng thượng của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã được nghe trước kia mà phương tiện trình bày mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự v.v… làm cho các hữu tình siêng năng tu học.

Kiều-thi-ca! Ví như ban đêm nhờ vào mặt trăng tròn đầy, ánh sáng chiếu tận các vì tinh tú, làm cho các cây cỏ v.v… theo năng lượng đó đều được phát triển. Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đời trước đã diệt độ, chánh pháp không còn và khi chưa xuất hiện, các thiện hạnh, chánh hạnh trong thế gian… tất cả đều y vào Bồ-tát mà được xuất hiện. Phương tiện thiện xảo của Bồ-tát đều y vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được thành tựu. Thế nên, Bát-nhã ba-la-mật-đa là cội gốc của các pháp lành thù thắng vậy.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa thì sẽ được các thứ lợi ích ngay đời hiện tại, nghĩa là các thuốc độc, lửa, nước, đao binh, tai hoạ, tật dịch… hoàn toàn không thể làm hại. Nếu gặp phải việc quan, oán tặc ép ngặt, mà chí tâm tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì dù phải đến những chỗ đó cũng hoàn toàn không bị người kia trách phạt, làm hại. Người kia muốn tìm lỗi, hoàn toàn không thể được. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì thế lực oai thần của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa khiến được như vậy.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này nếu muốn đến chỗ quốc vương, vương tử, đại thần v.v… chí tâm tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì nhất định được quốc vương v.v… hoan hỷ hỏi han, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường đưa đến các thứ việc từ bi cho các hữu tình. Do nhân duyên này nên những kẻ tìm lỗi bằng vô số phương tiện cũng đều không thể tìm được.

Lúc đó có nhiều Phạm chí ngoại đạo muốn tìm lỗi của Phật, đi đến chỗ Phật. Khi ấy, Trời Ðế Thích thấy vậy nghĩ: Nhiều chúng Phạm chí ngoại đạo đi đến pháp hội dò xét, tìm lỗi của Phật. Lẽ nào không gây sự khó khăn, trở ngại cho Bát-nhã?! Ta phải tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã thọ nhận từ nơi Phật, khiến cho bọn tà kia rút lui.

Nghĩ xong, liền tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Ngay khi ấy, nhiều chúng Phạm chí ngoại đạo từ xa tỏ bày lễ kính, nhiễu quanh bên phải Thế Tôn và quay lui.

Xá-lợi Tử thấy việc như vậy, nghĩ: Chúng ngoại đạo kia do duyên gì vừa đến liền quay lui?

Phật biết ý nghĩ của Xá-lợi Tử nên bảo Xá-lợi Tử:

– Các ngoại đạo kia đến tìm lỗi của Ta, nhưng do trời Ðế Thích tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa nên khiến họ quay lui. Xá-lợi Tử! Ta hoàn toàn không thấy các ngoại đạo kia có chút bạch pháp nào, họ chỉ mang tâm xấu ác muốn tìm lỗi nên đi đến chỗ Ta. Xá-lợi Tử! Ta hoàn toàn không thấy khi thuyết Bát-nhã mà tất cả thế gian có các thiên ma và loài hữu tình ngoại đạo v.v… ôm ấp tâm xấu ác đến tìm lỗi được tiện lợi, vì oai lực của Bát-nhã nên không thể phá hoại được vậy.

Khi ấy, ác ma thầm nghĩ: Nay Phật đang có bốn chúng cung kính vây quanh và chư thiên cõi Dục, cõi Sắc đều đến hội họp, tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Trong ấy, chắc chắn có các Ðại Bồ-tát đích thân ở trước Phật được thọ ký Bồ-đề, sẽ đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển vận bánh xe diệu pháp, làm cho trống không cảnh giới của ta, ta phải đi đến phá hoại bạn bè họ. Nghĩ như vậy, ác ma hóa làm bốn quân tinh nhuệ dõng mãnh, đi đến chỗ Phật.

Trời Ðế Thích thấy vậy nghĩ: Phải chăng ác ma hóa ra việc như thế là chỉ vì muốn đến hại Phật và gây khó khăn trở ngại cho Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì bốn quân này trang bị uy nghiêm, dõng mãnh, các quân lính của vua đều không sánh kịp được. Nhất định là do ác ma hóa làm ra. Ác ma luôn luôn rình tìm lỗi của Phật, phá hoại sự tu nghiệp lành của các hữu tình. Ta phải tụng niệm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được nhận lãnh từ nơi Phật, làm cho ác ma kia rút lui.

Trời Ðế Thích nghĩ xong, liền tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Ngay lúc đó, ác ma từ từ rút lui, vì bị oai lực vua đại thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bức bách vậy.

Khi ấy, có vô lượng trời Ba mươi ba cùng một lúc hóa làm hương hoa trời đẹp, phóng lên không trung để dâng lên Phật, chấp tay cung kính đồng bạch Phật:

– Nguyện Bát-nhã ba-la-mật-đa này trụ lâu trong cõi của người châu Thiệm-bộ, cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa lưu bố khắp nhơn gian châu Thiệm-bộ. Nên biết chỗ đó, Phật, Pháp và Tăng bảo thường không diệt mất, làm cho thế gian đạt được lợi ích an vui thù thắng.

Bấy giờ, chư thiên kia đều hóa làm hương hoa trời tốt đẹp để dâng lên Phật và bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì tất cả ác ma và quyến thuộc của chúng rình tìm lỗi của vị đó không thể được tiện lợi.

Trời Ðế Thích bạch Phật:

– Nếu các hữu tình chỉ nghe danh tự công đức của Bát-nhã ba-la-mật-đa thì nên biết các loài hữu tình như thế đã từng cúng dường vô lượng chư Phật và ở chỗ chư Phật phát thệ nguyện rộng lớn, tu tập nhiều căn lành mới có thể thành tựu được việc như thế, chứ chẳng phải từ chút ít căn lành mà đạt đến; huống là có thể lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp; lại biên chép, giảng thuyết cho hữu tình và cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi. Vì sao? Vì muốn cầu trí nhất thiết trí của chư Phật thì nên tìm cầu trong lý thú của Bát-nhã ba-la-mật-đa, như loài hữu tình muốn tìm châu báu quí thì nên phương tiện siêng tìm nơi biển cả.

Phật bảo trời Ðế Thích:

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói. Chư Phật đạt được trí nhất thiết trí là đều y vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được thành tựu.

Khi ấy, Khánh Hỷ bạch Phật:

– Vì nhân duyên gì Như Lai không khen ngợi bố thí cho đến tịnh lự Ba-la-mật-đa, mà chỉ khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Phật bảo Khánh Hỷ:

– Do Bát-nhã ba-la-mật-đa này có thể làm tôn chỉ, làm đạo sư cho năm Ba-la-mật-đa trước, nên Ta chú trọng khen.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Ý ông thế nào? Nếu không hồi hướng trí nhất thiết trí mà tu bố thí cho đến Bát-nhã thì như vậy có thể gọi là chơn thật tu bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa không?

Khánh Hỷ bạch:

– Thưa không, kính bạch Thế Tôn!

Phật bảo Khánh Hỷ:

– Ý ông thế nào? Nếu lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa là có thể chơn thật hồi hướng trí nhất thiết trí phải không?

Khánh Hỷ thưa:

– Thưa không, kính bạch Thế Tôn!

Phật bảo Khánh Hỷ:

– Do nhân duyên như vậy, Ta nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể làm tôn chỉ, làm đạo sư cho năm Ba-la-mật-đa trước, nên ta đặc biệt khen.

Khánh Hỷ nên biết! Ví như mặt đất, đem hạt giống rải vào trong đó, gặp các duyên hòa hợp bèn sanh trưởng. Nên biết, đất giúp cho hạt giống sanh trưởng, làm sự nương tựa vì có thể tạo nên. Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa và sự hồi hướng trí nhất thiết trí cùng với bố thí Ba-la-mật-đa v.v… làm sự nương tựa, làm cho sanh trưởng, vì có thể lập nên; nên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể làm tôn chỉ, làm đạo sư cho năm Ba-la-mật-đa trước, nên Ta đặc biệt khen.

Khánh Hỷ nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng có thể hộ trì trí nhất thiết trí nên Ta đặc biệt khen.

Trời Ðế Thích bạch Phật:

– Hôm nay Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nói cũng chưa hết về công đức lợi ích thù thắng của Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì con theo Thế Tôn lãnh thọ công đức lợi ích thù thắng của Bát-nhã ba-la-mật-đa rất sâu rộng, lượng không biên giới.

Thiện nam tử v.v… chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, lại biên chép, giảng thuyết cho người, hoặc đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn để cúng dường, đạt được công đức cũng không biên giới.

Phật bảo trời Ðế Thích:

– Ta không nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này chỉ có công đức lợi ích thù thắng như nói ở trước. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này đầy đủ vô biên công đức lợi ích thù thắng, phân biệt diễn nói không thể hết. Ta cũng không nói thiện nam tử v.v… chí tâm lắng nghe cho đến cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ có công đức như đã nói ở trước, vì người kia đạt được phước không biên giới vậy.

Trời Ðế Thích bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Chư thiên chúng con thường theo giữ gìn, hộ vệ thiện nam tử, thiện nữ v.v… này, không để cho tất cả nhơn phi nhơn v.v… và các thứ duyên xấu làm tổn hại.

Phật bảo trời Ðế Thích:

– Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và tuyên thuyết chỉ dạy rộng rãi cho người, thì khi ấy có vô lượng trăm ngàn Thiên tử, vì nghe pháp nên đều đến hội họp, vui mừng hớn hở kính nhận Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế. Các Thiên tử này dùng oai lực của chư Thiên làm cho vị thầy thuyết pháp tăng thêm biện tài tuyên dương không cùng tận, người không ưa thuyết làm cho ưa thuyết, người thân tâm mỏi mệt làm cho được khỏe mạnh.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và tuyên thuyết chỉ dạy rộng rãi cho người được những pháp lợi ích thù thắng hiện tiền như thế cả.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… ở giữa bốn chúng tuyên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thì tâm không khiếp sợ, không bị tất cả những luận thuyết của ngoại đạo bẻ dẹp. Vì sao? Vì người kia nhờ vua đại thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hộ trì vậy. Người kia trụ pháp Không, nên hoàn toàn không thấy có người vấn nạn, kẻ bị vấn nạn và sự vấn nạn. Cũng không thấy có người có thể tìm lỗi của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Cũng không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có lỗi lầm.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho chúng nên được những pháp lợi ích thù thắng hiện tại như thế.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, biên chép, giảng thuyết rộng rãi cho người thì thiện nam tử, thiện nữ v.v… này tâm không chìm đắm, cũng không lo buồn, hối hận, không kinh, không sợ. Vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ v.v… này không thấy có pháp có thể làm cho chìm đắm, lo buồn, sợ hãi; vì trong các pháp không có sự chấp trước vậy.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này do chí tâm lắng nghe cho đến giảng thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa cho người nên đạt được những pháp lợi ích thù thắng hiện tại như thế.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng biên chép, giảng thuyết cho người. Lại đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn để cúng dường thì thiện nam tử, thiện nữ v.v… này thường được cha mẹ, sư trưởng, bạn bè, quốc vương, đại thần và các Sa-môn, Bà-la-môn v.v… kính mến. Cũng được chư Phật, Bồ-tát, Thanh văn, Độc giác trong mười phương hộ niệm. Lại được chư thiên, ma, Phạm, nhơn phi nhơn ở thế gian giữ gìn, hộ vệ; tất cả tai họa đều tự tiêu diệt; luận thuyết ngoại đạo không thể bẻ dẹp.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này nhờ chí tâm lắng nghe cho đến cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa nên được những pháp lợi ích thù thắng hiện tiền như thế.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế và trang sức bằng các thứ báu xinh đẹp, đặt ở chỗ sạch sẽ, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, khi ấy cõi nước tam thiên đại thiên này và vô biên thế giới ở mười phương khác có chúng trời Tứ Đại Thiên Vương cho đến trời Quảng Quả … đã phát tâm Vô Thượng Bồ-đề đến chỗ này quán sát, đảnh lễ, đọc tụng, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, đi nhiễu vòng bên phải, lễ bái, chấp tay mà lui. Chư thiên Tịnh Cư cũng thường đến đây quan sát, lễ bái, đọc tụng, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, đi nhiễu quanh bên phải, lễ bái, chấp tay mà lui. Có các rồng, Dược-xoa oai đức lớn, nói rộng ra cho đến nhơn phi nhơn v.v… cũng thường đến đây quan sát, lễ bái, đọc tụng, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, nhiễu quanh bên phải, lễ bái, chấp tay rồi lui.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này nên nghĩ: Cõi nước tam thiên đại thiên này và tất cả trời, rồng ở vô biên thế giới trong mười phương khác, nói rộng ra cho đến nhơn phi nhơn v.v… thường đi đến đây quan sát, lễ bái, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của ta đã biên chép, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, nhiễu quanh bên phải, lễ bái, chấp tay mà lui. Như vậy thì chính là ta đã thiết lập pháp thí. Nghĩ như vậy xong, vui mừng hớn hở, làm cho sự đạt được phước càng tăng lên gấp bội.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này nhờ trời, rồng, Dược-xoa, A-tố-lạc v.v… ở vô biên thế giới thường theo hộ vệ. Chỗ ở của người đó, nhơn và phi nhơn v.v… Không thể làm hại được. Chỉ trừ nghiệp nhơn xấu đã tạo ở đời trước, đời này đã chín muồi; hoặc chuyển đổi nghiệp ác rất nặng ở đời trước, đời này chịu quả báo nhẹ.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này nhờ năng lực đại oai thần của Bát-nhã ba-la-mật-đa nên đạt được những pháp lợi ích thù thắng hiện tiền như vậy.

Khi ấy, trời Ðế Thích bạch Phật:

– Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này do đâu nghiệm biết được có trời, rồng, Dược-xoa, A-tố-lạc v.v… ở quốc độ tam thiên đại thiên này và vô biên thế giới trong mười phương khác đi đến chỗ người đó quán sát, lễ bái, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của người đó đã biên chép, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, chấp tay đi nhiễu vòng bên phải, hoan hỷ hộ niệm?

Phật bảo trời Ðế Thích:

– Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này, hoặc thấy chỗ để Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này có ánh sáng mầu nhiệm, hoặc nghe chỗ đó có mùi hương thơm ngào ngạt khác thường, hoặc nghe có tiếng âm nhạc vi diệu thì nên biết, lúc ấy có các trời, rồng v.v… có thần lực lớn và oai đức lẫy lừng đi đến chỗ đó quán sát, lễ bái, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa của người đó biên chép, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, chấp tay nhiễu quanh bên phải, hoan hỷ hộ niệm.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này tu tập tịnh hạnh trong sáng, trang sức đẹp đẽ nơi đó và chí tâm cúng dường Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; nên biết, bấy giờ có các trời, rồng v.v… có thần lực lớn, oai đức lẫy lừng, đi đến chỗ đó quán sát, lễ bái, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa do người kia biên chép, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, chấp tay nhiễu quanh bên phải, hoan hỷ hộ niệm.

Kiều-thi-ca! Theo sau các trời, rồng v.v… có đầy đủ thần lực lớn, oai đức lẫy lừng như vậy để đi đến chỗ đó, trong đó có những tà thần, ác quỷ đều kinh sợ, rút lui không dám ở. Do nhân duyên này, thiện nam tử, thiện nữ v.v… này tâm liền rộng rãi, phát sanh hiểu biết thanh tịnh thù thắng, sự tu nghiệp lành càng thêm sáng suốt. Có ra làm việc gì đều không bị chướng ngại. Vì vậy, này Kiều-thi-ca! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bất kỳ ở chỗ nào cần phải dọn dẹp cấu uế chung quanh nơi đó, quét tước lau chùi, sửa sang và rưới nước thơm, bày tòa báu để an trí, đốt hương, rải hoa để cúng dường.

Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này nếu thường cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thì nhất định sẽ được thân tâm không mệt mỏi, thân tâm an vui, thân tâm mềm mại, thân tâm nhẹ nhàng, buộc tâm nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa; ban đêm khi ngủ nghỉ không có các mộng xấu, chỉ thấy mộng tốt.

Nghĩa là: Thấy Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thân sắc vàng ròng, tướng hảo trang nghiêm, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp tất cả, có Thanh văn và Bồ-tát cung kính vây quanh, đích thân mình ở giữa chúng, nghe Phật thuyết pháp bố thí v.v… lục độ Ba-la-mật-đa và các pháp nghĩa lý tương ưng với các căn lành khác.

Hoặc trong giấc mộng thấy cây Bồ-đề, tầm vóc nó cao rộng, trang sức xinh đẹp bằng các thứ báu, có Ðại Bồ-tát đi đến dưới gốc cây trải tòa, bắt tréo chân ngồi xếp bằng, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vận chuyển bánh xe diệu pháp, độ chúng hữu tình.

Hoặc trong giấc mộng thấy có vô lượng, vô số Bồ-tát luận bàn, quyết đoán, lựa chọn nghĩa của vô số các pháp. Hoặc trong giấc mộng thấy có vô lượng, vô số Bồ-tát tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, hồi hướng bảo vệ trí nhất thiết trí.

Hoặc trong giấc mộng thấy thế giới trong mười phương, mỗi thế giới có vô lượng muôn ức đức Phật cũng nghe tiếng các Ngài dạy:

“Thế giới tên đó, có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiệu đó, có vô số trăm ngàn Thanh văn và Bồ-tát gần gũi, cung kính thuyết pháp như thế. Hoặc trong giấc mộng thấy thế giới trong mười phương đều có vô lượng muôn ức đức Phật nhập Bát Niết-bàn, mỗi mỗi đức Phật đó sau khi nhập Bát Niết-bàn đều có thí chủ vì cúng dường xá-lợi của Phật nên xây vô lượng tháp lớn bằng bảy báu xinh đẹp. Lại ở mỗi mỗi tháp đều đem vô lượng tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, trải qua vô lượng kiếp.”

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… này thấy tướng các thứ mộng lành như thế, hoặc ngủ, hoặc thức, thân tâm an vui. Các thiên thần v.v… giúp thêm năng lực cho người kia, làm cho người kia tự biết, thân thể nhẹ nhàng. Do nhân duyên này, không có nhiều tham đắm về ăn uống, thuốc men, y phục, đồ nằm. Đối với bốn thứ cúng dường, tâm người đó nhẹ nhàng như sư Du-già nhập định thắng diệu. Nhờ năng lực định kia thấm nhuần thân tâm, từ định xuất, tuy gặp thức ăn ngon nhưng tâm nhẹ nhàng, người này cũng như vậy. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì thiện nam tử, thiện nữ v.v… này nhờ chư Phật, Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn, trời, rồng, Dược-xoa, A-tố-lạc v.v… ở cõi nước khắp tam thiên đại thiên này và vô biên thế giới khác ở mười phương từ bi hộ niệm, dùng năng lực tốt, thầm rót vào thân tâm khiến cho chí khí của người kia dũng mãnh, thể lực khỏe mạnh vậy.

Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào muốn đắc pháp lợi ích thù thắng hiện tiền như thế thì nên thường lắng nghe, thọ trì, đọc tụng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp, tuyên thuyết chỉ dạy rộng rãi cho tất cả hữu tình.

Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ v.v… nào mặc dù không thể lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, giảng thuyết chỉ dạy rộng rãi cho các hữu tình, nhưng vì muốn chánh pháp trụ lâu ở thế gian, làm lợi ích an vui cho hữu tình, không bị diệt mất, nên biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, trang sức xinh đẹp bằng các thứ báu. Lại đem vô lượng tràng hoa thượng diệu cho đến ánh sáng của đèn cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi thì cũng được lợi ích thù thắng như đã nói ở trước.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 5 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 6 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 4 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 18 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 14 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 21 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 22 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 13 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 16 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 20 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 17 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 19 - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm 46 đến 60) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 12 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 24 - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm 61 đến 75) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 7 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 8 - Kinh Tạng