Kinh Nói Về Nghi Thức Tẩm Liệm An Táng Khi Như Lai Diệt Độ
Thất dịch
Bản Việt dịch (1) của Thích Nguyên Lộc
Bản Việt dịch (2) của Nguyên Tánh – Nguyên Hiển
***
Kinh Nói Về Nghi Thức Tẩm Liệm An Táng Khi Như Lai Diệt Độ
Việt dịch: Thích Nguyên Lộc
***
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời đức Thế Tôn du hóa ở nước Hoa-thị. Lúc bấy giờ, A-nan bạch đức Thế Tôn:
– Sau khi Như Lai diệt độ, lễ nghi tẩm liệm thân Ngài như thế nào?
Thế Tôn dạy:
– Hãy tự lo cho bản thân, không phải lo cho Ta. Sau khi Ta diệt độ sẽ có hàng Phạm chí lo liệu nghi lễ an táng.
A-nan bạch:
– Nghi thức lễ như thế nào?
Phật dạy:
– Giống như nghi thức an táng hoàng đế Phi Hành[1] vậy.
A-nan bạch:
– Chúng con xin nghe và làm theo nghi thức như vậy!
Phật lại dạy:
– Lúc Thánh đế thăng hà, theo phép, mọi người dùng một nghìn tấm lụa trắng quấn thân, rưới nước thơm thấm ướt từ trên xuống dưới, rồi chất củi thơm quanh thân, bốn phía và trên dưới đều bằng nhau, sau đó châm lửa hỏa táng. Khi hỏa táng xong, nhặt xương dùng nước thơm rửa sạch và bỏ trong một chiếc bình bằng vàng. Kế đến dùng sáu tấm đá, mỗi tấm ngang dọc ba thước, dày một thước làm thành một chiếc hộp để an trí bình xá-lợi. Đồng thời dựng trụ treo các thứ lụa quí và cúng dường đầy đủ những phẩm vật thích hợp. Sau cùng, động thổ xây tháp, đốt hương, rải hoa cúng dường. Nghi thức an táng Phật phải hơn vị Thánh đế kia.
Vì sao? Ta từ vô số kiếp đã dùng bốn vô lượng tâm từ, bi, hỉ, xả; thực hành sáu độ vô cực để cứu vớt chúng sinh khắp mười phương; nhờ công đức cao dày ấy mà thành Phật, Vô sở trước, Chính chân đạo, Tối chính giác, Đạo pháp ngự, Thiên nhân sư cao tột chẳng ai bằng. Nếu người nào lấy đất cúng dường xây tháp, thì được vô lượng phúc. Trong thời mạt pháp ô trược, người thì có cuộc sống khốn khổ nghèo cùng, tiền tài thì có họa chia cho năm nhà. Vì lí do đó mà Ta lưu lại xá-lợi và bình bát để cứu tai họa khốn khổ nghèo cùng, an ủi giúp đỡ chúng sinh. Giống như hình tượng thánh vương thờ trong tông miếu để nhân dân chiêm lễ. Còn như các vị sa-môn giảng kinh giáo hóa những người chưa được nghe, khiến cho người sống thì vĩnh viễn xa lìa nạn lao ngục, người chết thoát khỏi tội trong tam đồ, nhất định sinh lên cõi trời. Như vậy nếu làm ngôi miếu thờ Phật, thì nên hơn vị Thánh đế kia.
A-nan bạch:
– Bát cũng phải như vậy, thưa Thế Tôn?
Phật dạy:
– Bát của Ta do bốn vị Đại thiên vương cúng dường. Bát của Phật thụ thực là do bốn cái bát của bốn vị này hợp thành. Chúng sinh chớ nên sử dụng bát này. Sau khi Ta diệt độ, các nước đấu tranh nhau, tâm của dân chúng tà vạy, xem thường tính mạng, coi trọng dâm loạn, quay lưng với việc hiếu nghĩa, đề cao yêu mị. Lúc ấy bát của Ta biến hóa phóng ra ánh sáng năm màu, bay đi, lên xuống cảm hóa tâm chúng sinh. Dân chúng thấy việc này mà tìm cầu công đức của Phật. Nhờ đó mà dứt hết ngu si, liền có trí tuệ, thuận theo chính giáo, tất cả đều xây chùa miếu để biểu dương công đức của Phật. Sau đó, bát của Ta dần dần chuyển sang phương đông, các nước nào mà bát đi qua, thì nạn xấu và bệnh dịch liền hết, vua quan khỏe mạnh an vui, lúa thóc được mùa, lụa là tốt đẹp, vui vẻ không có tai họa, vĩnh viễn xa lìa ba đường dữ, sinh lên cõi trời. Bởi vị quốc vương ở vùng cực đông kia nhân từ, có trí tuệ, nên bát bay về hướng đó.
Nhưng sau khi vua ấy thăng hà, vị vua nối ngôi dâm loạn, bỏ chính theo tà, tâm địa của dân chúng cũng như vậy. Khi thấy bát, họ không cung kính đỉnh lễ. Trời rồng thấy việc này, ngậm ngùi thỉnh bát trở về biển cung kính cúng dường. Vua mất bát quí, trong lòng buồn lo, tức giận, bèn thông báo khắp các nước và treo giải thưởng, nếu ai tìm ra bình bát được thưởng nghìn vàng. Vua thông báo liên tục nhiều năm như vậy, lệnh vua truyền đi khắp nơi, người dân tham phần thưởng lớn, nên đi tìm cùng khắp mà không được. Bấy giờ có một người nghèo khổ tên là Sư giả làm tì-kheo, thích ăn thịt, uống rượu, lấy vợ sinh con. Một hôm lúc đang say rượu, ông ta dẫn đứa bé đến trước cửa cung và nói: “Tôi biết chỗ cất bát báu!”. Vua nghe nói như vậy, lòng rất vui mừng, liền cho mời sa-môn vào và hỏi:
– Bát đang ở đâu?
Tì-kheo tâu: “Ngài hãy mang vàng đến trước”. Vua liền ban cho ông ta một nghìn cân vàng.
Sa-môn tâu:
– Do các sa-môn kia trộm lấy mà thôi!
Nghe vậy, nhà vua liền ra lệnh đánh đập, tra khảo các sa-môn rất tàn độc. Nhân dân thấy việc này đều oán hận vua.
Vua hỏi sa-môn giả: Ông là sa-môn của ai?
Đáp: Tôi tin thờ Đức Phật!
Hỏi: Phật có bao nhiêu giới?
Đáp: Có hai trăm năm mươi giới.
Hỏi: Giới quan trọng là gì?
Đáp: Thứ nhất là phải kính giữ lòng từ ái, nhân đức, ban ân huệ cho tất cả chúng sinh, xem mạng sống của chúng sinh trong thiên hạ như thân mình. Lại khởi lòng từ bi thương xót, tha thứ cho người như tha thứ cho chính mình, vui vẻ khai hóa chúng sinh. Bảo vệ họ như bảo vệ thân mình, từ bi thấm nhuần đến cả cây cỏ, không để luống đoạn diệt vậy.
Vua bảo:
– Quí thay! Lòng nhân từ giáo hóa của Phật bao trùm cả trời đất, loài chúng sinh nào mà không nương nhờ.
Sa-môn nói tiếp:
– Thứ hai là phải giữ tâm trong sạch, không cất giữ vật báu bất chính, tôn vinh đất nước, không cướp đoạt ngôi vua. Dù những vật nhỏ, nếu không ban cho thì không được lấy.
Vua bảo:
– Quí thay! Thật là người trong sạch.
Sa-môn lại nói:
– Thứ ba giữ gìn tiết hạnh, tâm không dâm dục, miệng không nói lời trêu chọc; những âm thanh dối trá, sắc dâm tà đều không nên nghe-nhìn. Xem phụ nữ lớn tuổi như mẹ, như chị; xem người nữ nhỏ như em. Thà bị đốt thân chứ không làm việc dâm loạn!
Vua nói:
– Quí thay! Nói đến tâm chân thật và lòng trong sạch, thì giáo pháp của Đức Phật là bậc nhất.
Sa-môn lại nói:
– Thứ tư phải cẩn thận lời nói, không nói hai chiều, nói lời thô ác, nói dối, nói lời hoa mĩ, trước khen ngợi, sau hủy báng, không vu oan người vô tội, hoặc dùng trùng độc, quỉ thần, yêu mị, chú thuật hại người. Thà nuốt than lửa chứ không dám nói lời ác độc!
Vua nói:
– Quí thay! Việc giáo hóa của Đức Phật thật đáng kinh sợ. Phải cẩn thận lời nói đến như vậy ư?
Sa-môn lại thưa:
– Thứ năm không uống rượu, vì rượu có thể khiến cho vua không có lòng nhân, khiến cho thần bất trung, khiến cha mẹ bất nghĩa, khiến con cháu bất hiếu, phụ nữ dâm đãng. Uống rượu có thể phạm ba mươi sáu lỗi, nước mất, nhà tan, tất cả đều do rượu mà ra. Thà uống thuốc độc mà chết, còn hơn uống rượu say để mà sống!
Vua nói:
– Quí thay! Sự giáo hóa sáng suốt của Đức Phật. Ngài khiến chúng sinh tu đức, giữ đạo, tiêu trừ các điều ác, phát triển những việc lành, thân thể thanh tịnh, ý chí đạm bạc. Kinh dạy mọi người nhân từ, nhưng ông ấy lại bảo ta giết hại. Giới bảo giữ sự trong sạch, không tham lam mà ông ta lại trộm vàng. Giới dạy không dâm dục mà ông nuôi vợ con. Giới dạy nên chân thật mà ông vu khống người khác.
Sa-môn thưa:
– Họ trộm bát, chứ tôi vô tội!
Vua nói:
– Trong giới không cho phép uống rượu mà ông uống say mèm đến đây. Các vị sa-môn khác có phải là bậc cao hạnh giữ đủ năm giới đức này chăng?
Đáp: Họ còn xấu xa hơn tôi nữa!
Vua hỏi quan phụ trách việc này:
– Các sa-môn kia lấy việc gì làm sự nghiệp?
Đáp: Họ khất thực không chừng mực, làm việc xấu xa hơn đối với thầy kia!
Vua hỏi:
– Giới của Phật có hai trăm năm mươi điều, nhân từ hơn trời đất, trong lặng như bầu trời, trinh khiết tựa hư không, chân thật như bốn mùa, sáng tỏ hơn nhật nguyệt. Chứ đâu có hạng người cướp đoạt pháp phục, lén trộm bình bát, giả làm sa-môn, nhiễu loạn chính pháp! Một giới, họ còn không giữ được mà bảo hai trăm năm mươi giới!
Vua bèn ban chiếu cho các quan:
– Miếu thờ Phật thanh tịnh là nơi ở của hiền thánh, chẳng phải là hang ổ của chim thú. Hãy đuổi hết những kẻ dơ bẩn đi, không cho ở trong miếu thờ Phật.
Bấy giờ, những người quân tử trong nước muốn xây chùa Phật, nhưng chỉ không có bậc hiền thánh an trú để xiển dương giáo pháp của Phật-đà, nên họ đành ngậm ngùi rơi lệ mà thôi. Từ đây đạo lớn suy tàn, việc giáo hóa ngày càng yếu.
Phật bảo A-nan:
– Tuy Ta diệt độ, nhưng vẫn còn để lại bát và xá-lợi, nếu có bậc hiền nào hết lòng thờ phụng cúng dường, thì hoàn toàn được sinh lên cõi trời.
A-nan thưa Phật:
– Sau một nghìn năm, bát sẽ hiện thần đức biến hóa như hôm nay, huống gì là sự linh hóa của bậc Vô thượng, Chính chân đạo, Tối chính giác!
Lúc Phật nói kinh này, trời rồng, quỉ thần, quốc vương, đại thần và bốn chúng đều nghẹn ngào, đỉnh lễ mà lui ra.
*
Chú thích:
[1] Hoàng đế Phi Hành 飛行皇帝: Tức Chuyển luân thánh vương.