Kinh Nước Sông Hằng

Hằng Thuỷ Kinh [恒水經]

Tây Tấn Pháp Cự dịch

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

***

Nghe như vầy:

Một thời Phật cùng đại Tỳ kheo tăng, các Bồ tát đại đệ tử đồng đi đến sông Hằng, chư thiên, nhân dân, quỷ, thần, rồng, người, không phải người và những vị mới phát đạo ý nhiều vô số, tất cả đều cầm hoa hương, kỹ nhạc đi theo sau Phật. Khi đến sông Hằng, tất cả đều trải tòa ra ngồi; khi chúng hội đã ngồi yên, vào ngày mười lăm trong tháng là ngày thuyết giới, Ngài A Nan từ tòa đứng dậy, sửa lại y phục, đến phía trước để đảnh lễ, đầu chạm sát chân Phật, rồi quỳ xuống chấp tay bạch rằng:

–Các đệ tử đã ngồi ổn định, cúi mong đức Phật có thể thuyết Giới kinh.

Đức Phật im lặng không đáp, ngài A Nan liền trở về chỗ ngồi, thật lâu mãi đến nửa đêm ngài A Nan lại đứng dậy, đến phía trước, quỳ dài bạch đức Phật:

–Đã nửa đêm rồi, các đệ tử đều ngồi yên lặng, mong được nghe đức Phật thuyết Giới kinh.

Đức Phật lại im lặng không trả lời, ngài A Nan lại về chỗ ngồi rất lâu, gà sắp sửa gáy, ngài A Nan lại đến phía trước quỳ xuống, chấp tay bạch đức Phật:

–Gà sắp gáy, các đệ tử mong muốn nghe Phật thuyết Giới kinh.

Đức Phật bảo ngài A Nan :

–Con người sống chết xoay vần qua lại trong năm đường, ở thế gian hết sức thống khổ, kẻ không tự hay biết đời trước, kiếp trước gốc và ngọn, đều do tâm ý không được ngay thẳng vậy. Thân người rất khó được, đã được thân rồi lại càng khó được nghe kinh Giới của Phật, đã được nghe kinh Giới của Phật rồi mà tin nhập được Phật đạo lại càng khó hơn, đã tin nhập Phật đạo mà giữ được Giới kinh lại càng khó hơn. Đức Phật muốn nói Giới kinh, nhưng nay có một đệ tử ngồi trong nhóm này không có thể thọ trì Giới kinh của Phật, do đó cho nên đức Phật mới không nói Giới kinh.

Ngài A Nan bạch đức Phật:

–Con không biết vị đệ tử không trì Giới kinh ngồi ở chỗ nào?

Ngài Đại Mục Kiền Liên ở trong tam muội, suốt xem thấy người đệ tử không trì giới, liền đứng dậy đi đến trước vị ấy nói rằng:

–Ngươi là đệ tử của đức Phật mà không thể thọ trì Giới pháp, đó là ngươi phế thải, không thể cùng ngồi chung chiếu với các tôn giả, hãy đứng dậy, đi ra, không được trở lại trong chúng này nữa.

Đức Phật bảo ngài Đại Mục Kiền Liên:

–Ngươi đã khéo giải thích, khiến cho người đệ tử không giữ giới ra khỏi nơi đây, tự biết xấu hổ nên đi ra.

Đức Phật bảo các đệ tử:

–Lành thay ! Nay ta thuyết pháp.

Các đệ tử đều chấp tay thưa rằng:

–Thưa vâng, chúng con xin thọ giáo.

Đức Phật dạy:

–Nước thủy triều trong biển lớn lúc dâng lên không vượt qua mức cũ, lúc xuống cũng không vượt qua mức cũ. Các đệ tử đều nên đoan tâm, chánh ý quay trở lại tự xem trong năm tạng của mình, suy nghĩ biết sự sanh tử rất đau khổ, hãy phụng trì Giới kinh, đừng để sứt mẻ. Người trì năm giới được sanh trở lại nhân gian làm người. Người giữ mười giới được sanh lên trời, người giữ 250 giới đời này được quả A la hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát Phật, Nê Hoàn đại đạo. Nhờ đạo mà được thân người, nên phụng trì giới kinh, dầu có chết thì chịu chết chứ đừng có để khuyết phạm dẫu cho lớn như lông tóc.

Thí như nước trong đại hải lúc sáng, lúc tối, khi lên, khi xuống, không dám vượt qua mức cũ. Trong biển có bảy báu. Những gì là bảy?

1. Bạch ngân

2. Hoàng kim

3. San hô

4. Bạch châu

5. Xa cừ

6. Minh nguyệt châu

7. Ma ni châu.

Đó là bảy báu ở trong biển.

Nay trong đạo Phật cũng có bảy báu. Đức Phật dạy: bảy báu đó là:

1. Tu đà hoàn

2. Tư đà hàm

3. A na hàm

4. A la hán

5. Bích Chi Phật

6. Phát ý niệm độ tất cả Bồ tát

7. Phật Nê hoàn đại đạo.

Đó là thất bảo. Muốn được đạo báu cần phải vứt bỏ dâm dật, sân hận, ngu si, phải trì giới tinh tấn chứa nhiều công đức, trong ngoài thanh tịnh, tự giữ thanh cao phi thường. Như vậy, nước trong biển không chứa vật ô uế, nếu có người chết ô uế, hôi thúi, không thanh khiết, gió mạnh sẽ thổi lên bờ. Nay trong đạo Phật không chứa những người ác ô uế, không giữ Giới kinh. Các người đã phạm kinh Giới liền bị nắm tay kéo ra ngoài. Thí như có bốn loại chuột. Một là chuột ở trong phòng, hai là chuột ở trong nhà, ba là chuột ở ruộng hoang, bốn là loại chuột ở nơi dơ sạch lẫn lộn. Loại chuột ở trong phòng thì không thể sống ở đất bằng, loại chuột sống ở đất bằng thì không thể sống trong phòng ốc, loại chuột sống trong ruộng hoang thì không thể sống trong nhà người ta được, chuột trong nhà người ta thì không thể sống ngoài đồng hoang, chuột sống nơi vừa sạch vừa dơ không thể ra khỏi chỗ ấy mà sống được, vì không biết kho lúa đầy ắp vậy. Con người cũng lại có bốn hạng. Sao gọi là bốn hạng? Một là người đoan chánh tâm ý trì giới không phạm, muốn được đạo A la hán; hai là người trì giới tinh tấn muốn được đạo Bích Chi Phật; hạng người thứ ba là trì giới học hỏi, rõ kinh, trí tuệ nhớ độ tất cả, muốn được Phật đạo; hạng thứ tư là giả danh làm đệ tử, mà không thể phụng trì giới sáng suốt, không muốn học hỏi, tâm ý do dự vì sợ không đắc đạo. Đó là tiền kiếp đệ tử, như bốn loại chuột này.

Đức Phật dạy:

–Này các đệ tử, trong đất trời có năm con sông lớn. Dòng nước ở phương Đông có một con sông lớn tên là Sa Lộc, dòng nước ở phương Nam có một con sông lớn tên là A Di, dòng nước ở phương Tây có một con sông lớn tên là Hằng, dòng nước ở phương Bắc có một con sông lớn tên là Mặc Bồi Hồi, dòng nước ở chính giữ tên là Vi Giang. Chúng chảy vào biển đều bỏ tên riêng của nó, chỉ gọi là nước biển.

Đức Phật dạy:

–Này các đệ tử, có dòng Bà la môn, có dòng Sát Lợi, có dòng Công Sư, có dòng Điền gia, có người ăn xin, dòng họ nào cũng tự cho rằng: “Dòng họ của ta là hào quý”, nhưng sự phú quý, an lạc hay bần tiện đều giống như nước của năm con sông lớn chảy vào biển cả. Tất cả mọi dòng họ làm đệ tử của Phật đều bỏ tên họ riêng của mình, chỉ gọi là đệ tử của Phật mà thôi, làm gì có giàu nghèo mà tự cống cao? Kẻ biết trước phải dạy lại cho kẻ biết sau. Không được nói: “Ta biết đạo”, rồi tự cống cao. Không được nói: “Ta học lâu, biết nhiều kinh”, không được nói: “Ý mà ta nghĩ là đúng với đạo, ý của ngươi nghĩ thì sai đạo, nói như vậy đều là phạm giới, không được vào trong chúng. Trong đạo pháp lớn, nhỏ phải cùng nhau dạy dỗ, che chở, hãy cùng nhau thừa kế, có người chưa hiểu kinh đạo, không được nói cho họ nghe những việc sâu xa, đó là lỗi lớn. Lúc trời mưa to, nước mua chảy vào rãnh, nước rãnh chảy vào khe nước, khe chảy vào sông lớn, nước sông lớn chảy vào trong biển, nước trong biển thì không tăng, không giảm.

Này các đệ tử, có người đắc Tu Đà Hoàn; có người đắc Tư Đà Hàm; có người đắc A Na Hàm; có người đắc A La Hán; có người đắc Bích Chi Phật; có người đắc A Duy Việt Trí; có người đắc Phật đạo Nê Hoàn; có người đến, có người đi, đạo Phật cũng không tăng, cũng không giảm. Giống như nước biển không tăng không giảm vậy.

Đức Phật dạy:

–Ở trong biển có loại cá lớn: một là dài bốn ngàn dặm; hai là dài tám ngàn dặm; ba là dài một vạn hai ngàn dặm; bốn là dài một vạn sáu ngàn dặm; năm là dài hai vạn dặm; sáu là dài hai vạn bốn ngàn dặm; bảy là dài hai vạn tám ngàn dặm. Người học đạo nếu không gặp minh sư, nên biết rằng trong thiên hạ có một đạo lớn vậy. Chèo thuyền rong chơi ở rãnh, ao, suối nên biết rằng trong thiên hạ còn có sông to biển lớn nữa. Kinh của đức Phật như sông to bể rộng, tất cả kinh sách của thế gian đều nhờ kinh Phật mà lưu xuất. Kinh đã khó gặp mà được thấy nghe thì nên giữ gìn mà đọc tụng, lùi lại sau ngàn, vạn ức năm lại có Giới kinh của Phật nữa chăng? Mặt trời, mặt trăng, tinh tú còn có lúc hủy hoại, nhưng phụng hành Giới kinh của Phật không có lúc nào hoại diệt. Từ nay về sau đức Phật không còn thuyết Giới kinh lại nữa. Giới kinh của Phật hết sức quan trọng. Trong đó có người thọ trì giới mà phạm điều ác thì đầu bị bể làm bảy mảnh.

Đức Phật nói kinh này xong, các đệ tử đều một lòng trân trọng thọ trì Giới kinh, chư thiên, nhân dân, quỷ, thần, rồng đều đến phía trước, đầu mặt lạy Phật sát đất rồi lui ra.

    Xem thêm:

  • Kinh Hiếu Tử - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh chú Đà La Ni Thỉnh Bồ Tát Quán Thế Âm Tiêu Phục Độc Hại - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Tòng Đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 23 - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 16 – Kinh Tâm Hoang Vu (Cetokhila sutta) - Kinh Tạng
  • Tập Vãng Sanh - Kinh Tạng
  • Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu Đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 19 - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 44 - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Thí Dụ - Kinh Tạng
  • Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy - Kinh Tạng
  • Kinh Quan Trung Sáng Lập Giới Đàn Đồ - Kinh Tạng
  • Kinh Người Phụ Nữ Gặp Điều Bất Hạnh - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 21 Đến Phẩm 30 - Kinh Tạng
  • Kinh Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập - Kinh Tạng