1
2

Kinh Phân Biệt Duyên Sinh

Việt dịch: Thích Nữ Thành Thông

Đúng thật như thế! Chính tôi được nghe:

Một thời, Phật ở bên cây Bồ-đề gần sông Ni-liên-thiền, bên ao Ô-lư-vĩ-loa. Khi ấy, Phật vừa mới thành đạo, Ngài ngồi một mình và suy nghĩ: “Pháp khổ ở thế gian không ai có thể tránh, cũng không thể lo sợ, pháp ấy chắc chắn thật có; quán sát như vậy, thì được nghĩa lợi lớn. Pháp vui ở thế gian cũng như vậy, không ai tránh khỏi được, không ai nhàm chán, pháp đó quyết định thật có; quán sát như vậy là nghĩa lợi lớn. Ngài lại suy nghĩ: “Tất cả chúng sinh thế gian như trời, người, ma, phạm, sa-môn, bà-la-môn, đều không thể thông hiểu pháp này”.

Nếu có người nào tư duy kĩ, thận trọng với các pháp khổ, pháp vui, hiểu rõ pháp ấy chẳng phải rốt ráo. Người nào luôn suy nghĩ, như pháp tu hành, thì người ấy sẽ được đầy đủ các pháp như: giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Tất cả chư Phật quá khứ, vị lai đều thông đạt các pháp khổ pháp vui ở thế gian, biết rõ tất cả pháp, đúng như pháp tu hành. Nhờ sức tu tập của bản thân mà chư Phật mới thành Chính giác. Vì sao? Vì pháp này chưa từng có, không ai có thể hiểu rõ. Tất cả các Như Lai, Ứng cúng, Chính đẳng, Chính giác quá khứ đều hiểu rõ tất cả pháp này, đúng như pháp tu hành mới thành tựu viên mãn đạo quả.

Bấy giờ, chủ cõi Ta-bà là Đại Phạm Thiên vương nhờ uy lực Phật, cho nên biết được ý niệm của Ngài. Thế là trong chớp mắt, Phạm vương rời cõi Phạm đi đến chỗ Phật, cung kính đĩnh lễ Phật rồi thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn! Những điều Ngài suy nghĩ, thật là chính xác! Pháp khổ pháp vui ở đời, không ai tránh khỏi được, đó là nghĩa lợi lớn. Quá khứ, vị lại cũng lại như vậy. Ở trong cõi trời, người, ma, phạm, chỉ có Phật Thế Tôn mới biết tất cả pháp; hoặc tăng hoặc giảm, hoặc thiện hoặc ác các Ngài đều phân biệt rõ ràng. Chỉ có trí lực của Phật mới thấu hiểu như thật pháp duyên sinh.

Phật bảo Phạm vương:

– Đúng thật như thế! Chúng sinh ở đời không thông đạt, không thể liễu ngộ tất cả pháp, là do vô minh si ám che đậy, đó là vô minh. Do vô minh làm duyên mà sinh ra hành. Hành có ba loại là thân, khẩu, ý. Lại từ hành làm duyên mà sinh ra thức, thức có sáu loại: nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Từ thức làm duyên mà sinh ra danh sắc; danh thì không phải sắc, danh có bốn loại: thụ, tưởng, hành, thức; sắc chính là bốn đại; tất cả sắc pháp do bốn đại sinh. Như vậy hai loại uẩn là sắc uẩn và danh uẩn, đó là danh sắc. Do danh sắc làm duyên mà sinh lục xứ, nội lục xứ[2] thì có sáu: nhãn xứ, nhĩ xứ, tỉ xứ, thiệt xứ, thân xứ và ý xứ. Từ lục xứ làm duyên lại sinh ra xúc; xúc có sáu loại: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỉ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc. Lại từ xúc làm duyên mà sinh ra thụ, thụ có ba loại: thụ lạc, thụ khổ, thụ bất khổ bất lạc.

Lại nữa, từ thụ làm duyên mới sinh ra ái, ái có ba loại: dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Lại từ ái duyên mà sinh ra thủ; thủ có bốn loại: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ. Lại từ thủ làm duyên mà sinh ra hữu, hữu có ba loại: dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Từ hữu làm duyên liền có pháp sinh; pháp sinh đó gọi là chúng sinh giới[3]. Tùy theo uẩn sinh khởi, mỗi chỗ sai biệt nên sinh ra pháp dị và diệt, thường và biến đổi. Do sinh làm gốc nên có các pháp uẩn, giới, xứ cho đến mạng căn, đó gọi là sinh. Từ sinh làm duyên mà có lão tử. Lão nghĩa là tâm thức mờ mịt, tóc bạc da nhăn, khí lực suy yếu, hơi thở đoạn đứt, thân thể gầy yếu, cho đến các căn đều suy kiệt, đó gọi là lão.

Tử là tướng gì? Tử: Đó là các chúng sinh trong ba cõi sáu đường sai biệt đều trở về vô thường, tuổi thọ đã hết, xả bỏ noãn và xúc. Khi mạng căn đã diệt, thì các uẩn cũng lìa, bốn đại phân tán, đó gọi là tử. Đó chính là hai pháp lão và tử.

Như Ta đã nói, đó là pháp Phân biệt duyên sinh. Nếu chúng sinh nào có thể hiểu rõ, người đó sẽ được đầy đủ ngũ phần pháp thân[4]. Phạm vương[5] nghe Phật nói pháp này xong liền đỉnh lễ Phật rồi trở về Phạm thiên.

Chú thích:

[1] Pháp thiên 法天: Người trung ấn Độ. Vốn là vị tăng ở chùa Na-lạn-đà thuộc nước Ma-kiệt-đà.

[2] Lục xứ 六處: tên khác của sáu căn. Xứ là nghĩa ra đời, nghĩa là chỗ phát sinh ra sáu thức, vì chỉ có sáu căn duyên với sáu trần, sinh khởi sáu thức.

[3] Chúng sinh giới 眾生界: trong mười cõi, trừ cõi Phật, còn chín cõi kia đều gọi là chúng sinh giới.

[4] Ngũ phần pháp thân 五分法身: nhờ năm loại công đức pháp mà thành Phật thân nên gọi là Ngũ phần pháp thân. Đó là: giới-định-tuệ giải thoát-giải thoát tri kiến.

[5] Phạm vương 梵王: tên gọi khác của Đại phạm thiên vương. Còn chỉ chung cho các chư thiên ở cõi sắc giới.

    Xem thêm:

  • Pháp Bồ Tát Quán Tự Tại Đại Bi Trí ấn Chu Biến Pháp Giới Lợi Ích Chúng Sanh Huân Chơn Như - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Đại Tì Lô Xá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh Liên Hoa Thai Tạng Bi Sanh Mạn Đồ La Quảng Đại Thành Tựu - Kinh Tạng
  • Kinh Biến Chiếu Đại Lực Minh Vương Xuất Sanh Hết Thảy Pháp Nhãn Như Lai - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Vãng Sanh Tịnh Độ Bản Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Duy Lực dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Tư Duy Lược Yếu Pháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 16 – Phóng Sanh - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Tập Cửu Phẩm Vãng Sanh A Di Đà Tam Ma Địa - Kinh Tạng
  • Kinh Phân Biệt - Kinh Tạng
  • Kinh A Nan Phân Biệt - Kinh Tạng
  • Tập Vãng Sanh - Kinh Tạng
  • Kinh Ðại Sanh Nghĩa - Kinh Tạng
  • Kinh Viên Sanh Thọ - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Sanh Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Mười Pháp Tu Vãng Sanh Cực Lạc - Kinh Tạng
  • Kinh Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Thọ Trì Danh Hiệu Bảy Đức Phật Sanh Ra Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Ðảnh Sanh Vương Cố Sự - Kinh Tạng