1
2
3

Kinh Phật Lâm Niết Bàn Kí Pháp Trụ

Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Hiền

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe:

Một thời, Đức Phật ở trong rừng sa-la Song Thọ, vùng đất của chủng tộc Lực Sĩ, thành Câu-thi với vô lượng vô số thanh văn, đại bồ-tát, trời, người, a-tố-lạc v.v… vây quanh. Hôm ấy Đức Phật sắp niết-bàn, vì thương xót tất cả chúng sinh, nên Ngài ân cần nói với tôn giả A-nan:

– Này A-nan! Không bao lâu nữa Ta sẽ bát-niết-bàn, tất cả pháp hữu vi đều đã xả hết. Tất cả các Phật sự Ta đều đã làm xong. Ta cũng đã nói pháp xa lìa hang ổ tối tăm, pháp cam lộ vi diệu, pháp tự tại bậc nhất, pháp an lạc cùng tột. Những pháp ấy sâu xa, vi diệu khó hiểu, khó biết, không thể tìm cầu suy nghĩ, vượt ra ngoài lĩnh vực suy nghĩ. Đó là những pháp mà các tự tâm bậc thánh chứng được. Ta đã ba lần chuyển pháp luân vô thượng. Pháp luân ấy rất uy mãnh, đầy đủ mười hai tướng, các sa-môn, Bà-la-môn, trời, ma, Phạm v.v… đều không thể chuyển như thật. Ta đã vì các trời, người mà thổi pháp loa lớn, đánh trống pháp lớn, đánh thức chúng sinh chìm đắm trong giấc ngủ vô minh.

Ta đã vì các trời, người dựng cờ pháp lớn, đốt đuốc pháp lớn, để chiếu soi tất cả, diệt trừ tối tăm. Ta đã vì các hữu tình làm chiếc cầu pháp lớn, con thuyền pháp lớn, để cứu vớt tất cả chúng sinh bị chìm trong dòng thác. Ta đã vì các hữu tình rót dòng pháp lớn, mưa pháp lớn, khiến tất cả cỏ cây khô héo đều được thấm nhuần. Ta cũng đã mở ra con đường giải thoát, dẫn dắt tất cả người thế gian lạc lối. Những hữu tình nào đáng độ Ta đều đã độ xong. Những ai chưa độ Ta cũng tạo nhân duyên để họ được độ. Ta cũng đã thu phục được tất cả ngoại đạo, bẻ gãy hết tất cả tà luận. Ta cũng đã lật đổ hết các cung điện của ma, dẹp hết tất cả quân ma, phát tiếng rống sư tử, làm các Phật sự lớn, trọn vẹn bản nguyện của bậc Trượng phu. Lại giữ gìn pháp nhãn không để bị hủy hoại. Giáo hóa các thanh văn, thụ kí cho bồ-tát. Vì đời vị lai mà Phật nhãn vô thượng chiếu khắp thế gian, không bao giờ đoạn diệt. Này A-nan! Nay Ta không còn gì để làm nữa, chỉ có niết-bàn là nơi về của Ta thôi!

Nghe Phật dạy xong, A-nan vô cùng buồn đau và tuyệt vọng. Một hồi lâu, thầy mới thưa: “Bạch Thế Tôn! Con không biết chính pháp vô thượng mà Như Lai vì các hữu tình, trải qua vô số kiếp siêng năng tu hành khổ hạnh mới chứng được đó, sau khi Thế Tôn diệt độ, chính pháp ấy sẽ trụ ở đời được bao lâu để làm lợi ích cho trời, người, a-tu-la vv… rồi sẽ dần ẩn mất?”.

Lúc ấy, Thế Tôn lại đem lòng từ ôn tồn bảo A-nan:

– Này A-nan! Chính pháp mà chư Phật giáo hóa cũng đều như thế, ông chớ có lo. Sau khi Ta diệt độ, chính pháp của Ta sẽ trụ ở thế gian một nghìn năm làm lợi ích cho trời, người và a-tu-la v.v… Từ đó về sau sẽ dần dần ẩn mất.

Đức Phật dạy tiếp:

– Này A-nan! Ông nên biết, sau khi Ta diệt độ một trăm năm, là thời kì thánh pháp kiên cố trong thánh giáo của Ta. Lúc ấy các đệ tử của Ta thông minh đa văn, có biện tài không sợ sệt, nhiếp phục được tà luận, có thần lực lớn, làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Vì điều này, nên trời rồng hoan hỷ, hết lòng giữ gìn che chở, cho đến quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ cũng như thế, biết rõ ruộng phúc, sinh lòng tin thanh tịnh đối với Phật-pháp-tăng mà cúng dường, cung kính, khen ngợi. Một trăm năm sau có vị đại quốc vương tên là A-thâu-ca xuất hiện ở thế gian, đầy đủ oai lực, tống lĩnh Nam Thiệm-bộ châu, xây dựng tám vạn bốn nghìn tháp Phật cao rộng, uy nghiêm để cúng dường và lưu xá-lợi của Ta, khiến cho chúng sinh nghe thấy đều hoan hỷ, trồng nghiệp nhân sinh về cõi trời và giải thoát.

Đức Phật lại dạy:

– Này A-nan! Sau khi Ta niết-bàn hai trăm năm, là thời kì tịch tĩnh kiên cố trong thánh giáo của Ta. Bấy giờ các đệ tử của Ta thông tuệ đa văn như thầy của trời người, đầy đủ đại oai đức, làm nhiều lợi ích cho chúng sinh. Vì lẽ đó, cho nên trời rồng hoan hỷ thường giữ gìn và che chở. Quốc vương, đại thần, trưởng giả cư sĩ cũng như thế, biết rõ ruộng phúc, sinh lòng tin thanh tịnh đối với Phật-pháp-tăng mà cúng dường cung kính, tôn trọng và khen ngợi.

Phật dạy tiếp:

– Này A-nan! Sau khi Ta niết-bàn ba trăm năm, là thời kì thánh hạnh kiên cố trong thánh giáo của Ta. Bấy giờ các đệ tử của Ta chứng được Tuệ giải thoát, Câu phần giải thoát, Thân chứng, Kiến chí đến vô lượng trăm nghìn người. Do nhiều người chứng thánh quả, nên trời rồng hoan hỷ, thường giữ gìn và che chở. Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ cũng như thế, biết rõ ruộng phúc, sinh lòng tin thanh tịnh đối với Phật pháp tăng, nên cúng dường cung kính, tôn trọng và khen ngợi.

Đức Phật lại bảo:

– Này A-nan! Sau khi Ta niết-bàn bốn trăm năm, là thời kì viễn li kiên cố trong thánh giáo của Ta. Các đệ tử của Ta thích ở nơi vắng lặng, siêng năng tu thiền định. Vì lẽ này, nên trời, rồng hoan hỷ thường theo gìn giữ và che chở. Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, cũng như thế, biết rõ ruộng phúc, sinh lòng tin thanh tịnh đối với Phật-pháp-tăng, nên cúng dường cung kính, tôn trọng và khen ngợi.

Đức Phật lại dạy:

– Này A-nan! Sau khi Ta niết-bàn năm trăm năm, là thời kì nghĩa pháp kiên cố trong thánh giáo của Ta. Bấy giờ các đệ tử của Ta ưa thích chính pháp, siêng năng tu học, luận nghị và lựa chọn. Vì lẽ này, nên trời rồng hoan hỷ, thường siêng năng theo gìn giữ và che chở. Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, cũng như thế, hiểu rõ ruộng phúc, sinh lòng tin thanh tịnh đối với Phật pháp tăng, nên cúng dường cung kính, tôn trọng và khen ngợi.

Đức Phật nói tiếp:

– Này A-nan! Sau khi Ta niết-bàn sáu trăm năm, là thời kì pháp giáo kiên cố trong thánh pháp của Ta. Bấy giờ các đệ tử của Ta, đối với giáo pháp, hầu hết siêng năng tụng tập, tâm không mệt mỏi, có thể làm nhiều lợi ích cho vô lượng hữu tình. Vì lẽ này, nên trời rồng hoan hỷ, thường siêng năng theo gìn giữ và che chở. Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, cũng như thế, biết rõ ruộng phúc, sinh lòng tin thanh tịnh đối với Phật pháp tăng, nên cúng dường cung kính, tôn trọng, ngợi ca, nhưng còn hoài nghi nghĩa lí.

Đức Phật lại dạy:

– Này A-nan! Sau khi Ta niết-bàn bảy trăm năm, là thời kì lợi dưỡng kiên cố trong thánh pháp của Ta. Trời, rồng, dạ-xoa, a-tu-la v.v… thường cúng dường, cung kính, tôn trọng và ca ngợi Phật-pháp-tăng. Bấy giờ các đệ tử của Ta phần nhiều tham đắm lợi dưỡng, xem trọng danh dự. Không siêng năng tu tập tăng thượng học giới-định-tuệ.

Đức Phật lại dạy:

– Này A-nan! Sau khi Ta niết-bàn tám trăm năm, là thời kì đấu tranh kiên cố trong thánh pháp của Ta. Bấy giờ các đệ tử của Ta hiện tướng ganh ghét, đố kị, kết cấu với kẻ ác, người thế tục chê bai, chỉ trích người trì giới, xem thường bậc đa văn, không biết lục hòa, chỉ nghĩ đến tranh cãi, thấy biết không khéo léo, không cung kính sư trưởng, trụ ở chỗ bất chính tri, lừa dối nịnh hót, lời nói thô ác như chiên-trà-la[1], xu phụ quốc vương, đại thần, trưởng giả, tìm cách tiêu phí tài vật của Tam bảo, kết bọn với kẻ ác, bức ép người tốt.

Sau khi Ta niết-bàn chín trăm năm, là thời kì sự nghiệp kiên cố trong thánh giáo của Ta. Bấy giờ các đệ tử của Ta phần nhiều thích làm các nghề nghiệp thế gian như cày cấy, buôn bán, làm người đưa thư từ tin tức để nuôi sống thân mạng, xem thường và hủy phạm các Học giới do Như Lai chế định.

Sau khi Ta niết-bàn một nghìn năm, là thời kì hí luận kiên cố trong thánh giáo của Ta. Bấy giờ các đệ tử của Ta phần nhiều siêng năng tập học các loại hí luận, lìa bỏ chính giáo xuất thế của chư Phật. Đó là không học mười hai thể loại kinh như: Khế kinh, Ứng tụng, Kí biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Duyên khởi, Thí dụ, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Hi pháp và Luận nghị. Thay vào đó lại siêng năng tập tụng các sách hí luận của thế gian. Đó là các sách luận về vương quyền, luận về giặc giả, chiến tranh, ăn uống, cơm áo, xe cộ, luận về ngã, về dâm dục, nam, nữ, luận về các nước, luận về sông ngòi biển cả và các luận của ngoại đạo. Do thích các loại sách hí luận này nên khiến các sa-môn, Bà-la-môn xem thường, phá hoại thánh giáo của Ta. Trong chính pháp Tì-nại-da của Ta sẽ có các tì-kheo, tì-kheo ni xấu ác như thế, bọn họ không khéo tu tập thân giới và tâm tuệ, lại còn oán hận, tranh đấu, mưu hại và chê bai lẫn nhau. Lại thêm chìm đắm trong các thứ dục lạc như: y phục, bình bát, phòng nhà và tọa cụ… Do kết bè đảng tụ tập cùng các bạn ác, tuy trải qua nhiều năm giữ gìn tịnh giới, nhưng chỉ trong chốc lát đã hủy phạm tất cả; dù trải qua nhiều năm tích tập các gốc thiện, nhưng do nhiều sân giận nên tất cả đều mất hết. Vì nhân duyên đó mà các chúng trời rồng v.v… xót xa, phiền muộn, xa rời không bảo vệ nữa. Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ chẳng những không kính tin Tam bảo mà còn chê bai, xem thường hủy báng. Do nhân duyên đó mà chính pháp diệt mất.

Từ đó về sau các tì-kheo tạo ác ngày càng sâu dày. Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ lại càng không cung kính. Lúc đó Tam bảo chưa hoàn toàn diệt, nên cũng có các tì-kheo, tì-kheo ni v.v… sống thiểu dục tri túc, giữ gìn cấm giới, tu tập thiền định, ưa thích đa văn, thụ trì ba tạng giáo pháp của Như Lai, lại vì bốn chúng mà phân biệt giải nói, làm lợi ích an lạc cho vô số các hữu tình. Lại cũng có quốc vương, đại thần, trưởng giả và cư sĩ v.v… quí tiếc chính pháp, nên cúng dường, cung kính, tôn trọng, ca ngợi, hộ trì Tam bảo không nghĩ đến thân mạng. Ông phải biết, đó đều là do bất khả tư nghị bồ-tát dùng sức bản nguyện sinh vào thời kì này hộ trì chính pháp cao tột của Như Lai, làm lợi ích lớn cho các hữu tình.

Nghe Đức Phật huyền kí về hành nghiệp sai biệt của tì-kheo… vào thời kì Phật pháp trụ ở tương lai xong, A-nan, thanh văn, bồ-tát, trời, rồng, dạ-xoa, người, chẳng phải người v.v… cùng với tất cả đại chúng, lòng càng bi thương, cung kính tin nhận và làm theo.

*

Chú thích:

[1] Chiên Đà La 栴茶羅 (S: Candala): Giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, dưới cả bốn giai cấp chính thức, gồm những dân chày, tội nhân và những tay mãi võ, vân vân

    Xem thêm:

  • Dị Bộ Tông Luân Luận - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 28 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm – HT Thích Thanh Từ dịch (trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 29 – Kinh Thanh Tịnh (Pàsàdika Sutta) - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 32 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 32 – Linh Tinh - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 21 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 09 – Thụ Thỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 10 – Phẩm Lâm - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 24 - Kinh Tạng
  • Dược Sư Tam Muội Hành Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 7 – Phẩm Trường Thọ Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 9 – Phẩm Nhân - Kinh Tạng