1
2

Luận Tâm Bồ Đề Lìa Hình Tướng

Bồ Đề Tâm Ly Tướng Luận

Long Thọ Bồ Tát tạo, Tống Thí Hộ dịch

Bản Việt dịch (1) của Thích Tâm Châu

Bản Việt dịch (2) của Thích Như Điển

***

Luận Tâm Bồ Đề Lìa Hình Tướng

Việt dịch: Thích Tâm Châu

Con xin quy mệnh kính lễ hết thảy chư Phật.

Nay con xin nói qua về nghĩa “bồ-đề-tâm”.

Con cũng xin chí thành đỉnh lễ bồ-đề-tâm.

Nghĩa của bồ-đề-tâm cũng như một đạo quân dũng kiện, cầm những đồ binh-khí tinh-nhuệ, quyết đem lại thắng lợi trong cuộc chiến. Chư Phật, Thế-Tôn cùng chư Ðại-bồ-tát, đều do nhân-duyên phát tâm đại-bồ-đề mà thành đạo-quả. Con nay cũng phát tâm bồ-đề như thế.

Thực vậy, chư Phật từ khi phát tâm cho đến khi ngồi trên đạo-tràng bồ-đề, thành quả chính-giác, đều do nơi tâm bồ-đề kiên-cố của mình. Tâm bồ-đề ấy, cũng là hành-môn tổng-trì[2] của các Bồ-tát. Quán tưởng như thế sẽ phát minh như thế.

Nay tôi nói lời tán-thán tâm bồ-đề ấy, là vì tất cả chúng-sinh. Tôi mong chúng-sinh khỏi bị sự đau khổ trong vòng luân-hồi sinh-tử. Tôi mong tất cả chúng-sinh, nếu ai chưa được độ sẽ được độ, chưa giải-thoát sẽ được giải-thoát, chưa an-ổn sẽ được an-ổn, chưa chứng niết-bàn sẽ chứng được niết-bàn. Vì muốn thành-tựu viên-mãn thắng nguyện như thế, vì muốn an lập thể-nhân[3] chân-chính của tự-tướng, vì muốn thể-nhập vào chân-thực-quán của đệ-nhất-nghĩa, vì muốn thể-nhập vào tự-tướng vô-sinh của bồ-đề-tâm kia, nên nay tôi viết ra luận này.

“Bồ-đề-tâm xa lìa hết thảy tính”.

HỎI: “Tại sao lại nói là Bồ-đề-tâm xa lìa hết thảy tính?”

ÐÁP: “câu nói ấy có nghĩa là, đối với năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, chúng đều thuộc về pháp vô ngã bình-đẳng, xa lìa thủ và xả, tự-tâm của chúng bản-lai không sinh, và tự-tính của chúng bản lai vốnkhông. Như thế, tại sao trong đây lại nói về ngã, uẩn, xứ, giới có chỗ biểu lộ rõ ràng mà phân-biệt được tâm hiện-tiện vô thể? Do đó, nếu ai thường giác liễu tâm bồ-đề, tức là người ấy an-trụ vào không-tướng của các pháp. Chỗ thường giác-liễu tâm bồ-đề kia: dùng bi-tâm quán, lấy đại-bi làm thể. Bởi thế, trong các pháp như uẩn, xứ, giới v.v…, không có ngã-tướng nào có thể tìm được.

Các ngoại-đạo khởi ra các hành-tướng phi-tướng-ứng, chấp tướng phân-biệt, cho rằng các uẩn là có, chẳng phải là pháp vô thường. Nhưng, thực ra, chúng chẳng phải thuộc về tướng ngã, pháp mà có thể tìm được. Trong tính chân-thực, sự nhậm-trì của các pháp, không thể chấp là “thường” cũng chẳng phải là “vô thường”. Trong các uẩn nơi ta, tên còn không có thực, huống là còn có sự tạo-tác hay phân-biệt. Nếu nói rằng có một pháp hay các pháp nào đó, đó chỉ là lời nói theo tâm của người đời, tùy chuyển theo hành-động của người đời, mà chúng chẳng phải ứng-hợp với hành-tướng thường hằng như thực, nên nghĩa ấy không phải. Vì thế, các pháp vô tính. Dù chúng thuộc bên trong hay bên ngoài cũng không có thể phân-biệt được.

Vậy, do nhân gì mà họ thường có tâm chấp-trước như thế? Vì họ không xa lìa được sự tùy theo hành-tướng của đời. Nếu nương vào nhân, nương vào tướng thì đó thuộc về hai loại không cần phân-biệt. Ðó tức là chẳng phải thường và cũng chẳng phải là có thể chấp. Tâm-tính không thể chấp “thường”. Những tính “vô thường” lại cho là “thường”. Nếu biết những tính kia là vô thường thì chúng ta từ chỗ nào tạo tác ra và chúng từ chỗ nào phát sinh ra, mà chấp lấy tướng “ngã” của những pháp ấy? Nếu xa lìa được giả-tướng của thế-gian rồi, đối với các uẩn không có chướng-ngại. Giác-liễu rồi, đối với mười hai xứ, mười tám giới cũng không có chướng-ngại. “Thủ” và “Xả”, tức thời, không thể tìm đâu ra được.

Trong bài luận này nói về chữ “Uẩn”, tức là nói về: sắc, thụ, tưởng, hành và thức. năm uẩn này là mục-tiêu tu-học của các bậc Thanh-Văn. Sắc như đống bọt. Thụ như bọt nổi. Tưởng như tia sáng thái-dương. Hành như vỏ cây chuối. Thức như người làm trò huyễn-thuật. Nghĩa của năm uẩn này, chư Phật Thế-Tôn, cùng chư Bồ-Tát cũng đều nói về thí-dụ như thế.

Nay lược tỏ về hành-tướng của SẮC-UẨN. Tứ-đại-chủng (đất, nước, lửa, gió) và những pháp gì do chúng tạo ra, đó là Sắc-uẩn. Những pháp không phải là Sắc-uẩn, là thuộc về ba uẩn: Thụ, Tưởng và Hành. Hành-tưởng của thức-uẩn sẽ thuyết ở phần sau.

Nó về XỨ, tức là nói về: nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý-xứ ở trong và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp-xứ ở ngoài. Ðó là nói về mười hai xứ ở bên ngoài.

Nói về GIỚI, tức là nói về giới-phận của nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý-căn; giới-phận của nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý-thức và cảnh-giới của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp-trần. Ðó là mười tám giới.

Như thế, Uẩn, Xứ và Giới, chúng xa lìa các sự thủ và xả. Chúng không có phương-sở, không có giới-phận, không thể phân-biệt được. Phân-biệt để thấy, nghĩa ấy không phải. Vì, tùy theo sự phát khởi ra phân-biệt tức thì nó có ra chỗ chấp-trước. – Như thế, làm sao chúng tương-ứng với nhau được? – Nếu có một ảnh-tướng nào bị thấy ngoài nghĩa ấy, đó là nó bị sự chuyển biến của trí-tuệ phá-hoại. – Có chỗ nói: ý trưởng-dưỡng cho Sắc-uẩn là nghĩa thế nào? – Ðó là nghĩa “phi nhất, phi dị” (chẳng phải là một, chẳng phải là khác). Có những ngoại-đạo như Ba-rị-một-ra-nhã-ca…[4], họ tùy theo vào sự thấy biết khác lạ, khởi ra sự phân-biệt ba chiều (có, không, không có, không không…). Nghĩa ấy không đúng. Như người trong mộng, mơ thấy mình đang làm việc sát-hại, nhưng chỗ hành-tướng tạo-tác là giả, không thực. Lại như có người mơ thấy họ đang ở nơi tốt đẹp tối-thượng, nhưng sự thực, nơi chốn ấy không phải là hành-tướng thù-thắng. Thế là nghĩa gì? Nghĩa là, ánh sáng của THỨC đã phá hủy ảnh-tướng của thủ, xả. Pháp của Thức như thế, làm gì còn có nghĩa ngoài nào khác nữa. Cho nên, các pháp không có ngoại-nghĩa. Chỗ biểu-hiện của hết thảy sắc-tướng, do ánh quang-minh nơi tự-thức làm cho sắc-tướng soi tỏ. Ví như người ta thấy sự huyễn-hóa của ánh thái-dương biến ra thành Càn-thát-bà[5], lại chấp-trước là thực. Những người vô trí do tâm ngu-chấp, quán sát các cảnh-sắc cho là thực, cũng như thế. Do ngã-chấp ấy, tâm thức tùy theo đó chuyển biến.

Như trên kia đã nói về nghĩa của uẩn, Xứ, Giới. Chúng xa lìa tất cả các giới-phận sai-biệt. Chúng chỉ do sự bị xếp-đặt nơi phận-vị của tâm-thức. Sự thành-tựu của nghĩa ấy, trong Thành-Duy-Thức đã nói.

Trước kia có nói qua về năm uẩn, nhưng, tự-tướng của THỨC như thế nào? – Thức cũng có nghĩa như chữ Tâm. Như đức Phật, Thế-Tôn thường nói: “hết thảy các pháp chỉ do sự biến hiện của tâm”. Nghĩa ấy rất sâu, những người ngu-si không thể hiểu và không thấy được lý chân-thực của nó. Cho nên, để cho ngã-tướng rỗng không, tâm ấy không sinh ra sự phân-biệt. Khởi ra tâm phân-biệt, đó là tà-giáo và chỗ kiến-lập của họ không thành nghĩa gì cả. Vì nghĩa như thực của nó là thấy sự sự vật vật (pháp) là vô ngã. Ngay trong Ðại-thừa, nghĩa của pháp (sự vật) cũng là vô ngã, vì bổn lai, tự-tâm không sinh. Nhưng, nếu có, đó là tùy theo chỗ sinh-khởi của nó, song, nó vẫn đều bình-đẳng. Tự-tâm tăng thượng, thể-nhập vào nghĩa chân-thực, vì chỗ ấy xuất sinh ra Du-già hành-môn[6]. Nhưng, trong vấn-đề này chúng ta cần biết, chỗ y-chỉ của pháp nọ, pháp kia là không có thực-thể. Ðó chỉ gọi là sự hiện-hành của tịnh-tâm mà thôi.

Nếu là pháp quá-khứ, quá-khứ không thực. Nếu là pháp vị-lai, vị-lai chưa đến. Nếu là pháp hiện-tại, hiện-tại không trụ. Vậy, các pháp ở trong ba đời nên gọi thế nào là “trụ”? – Như quân số, như rừng cây, do sự hợp thành của nhiều pháp. Thức là tướng vô-ngã. Thức chẳng phải là chỗ sở-y. Thấy được các pháp như thế, chúng cũng như đám mây đỏ, tan diệt một cách nhanh chóng. Có các pháp, do nơi suy nghĩ biến-hiện ra. A-lại-gia-thức[7] cũng như thế. Sự có đi, có lại của các loài hữu-tình, vì “pháp nhĩ như thị” (sự vật như thế là như thế). Ví như biển lớn, mọi dòng nước đều chảy về đó. Chỗ y-chỉ của A-lại-gia-thức cũng như thế.

Nếu có sự quán-sát các Thức kia như thế, tâm không sinh phân-biệt. Nếu mỗi loại kia đều có sự biết như thế, tên của mỗi loại ấy còn gì để nói. Nếu mỗi loại kia đều biết được vật-tính của chúng, mỗi loại ấy đều không thể nói ra được. Vì nói ra lời nói ấy là lới nói quyết-định sinh. Lời nói quyết-định, nên các pháp cũng quyết-định sinh. Ðối với hết thảy sự việc, thành-tựu theo sự chuyển biến. Năng-tri (chủ-động về sự biết), sở-tri (bị-động về sự biết) là hai phần sai-biệt. Sở-tri nếu không có năng-tri làm sao thành-lập được. Hai phần ấy đều là pháp vô thực, làm sao chứng thực được. Cho nên, sở dĩ nói về chữ “tâm”, là nói lên cái tên. Cái tên ấy không phân-biệt và không thể chứng được. Ðó chỉ là biểu-lộ sự thấu suốt tự-tính của cái tên kia và nó cũng không có thể chứng thực được.

Do các nghĩa ấy, các bậc trí-giả cần nên quán-sát tự-tính của tâm bồ-đề như huyễn. Dù là bên trong hay bên ngoài, hay trung-gian của hai phần ấy, chúng ta cố gắng tìm cầu cũng không thể chứng thực được. Không có pháp nào có thể nắm giữ được. Không có pháp nào có thể xả bỏ được. Chẳng phải dựa vào hình-sắc để có thể thấy. Chẳng phải do nơi hiển-sắc mà có thể biểu-lộ. Chúng chẳng phải tướng nam, nữ. Chúng chẳng phải tướng hoàng-môn[8]. Chúng chẳng trụ trong tất cả các sắc-tướng. Không có pháp nào có thể thấy. Cũng chẳng phải thấy do cảnh-giới của nhãn-căn. Chỉ có hết thảy chư Phật dùng Phật-trí quán-sát bình-đẳng mới có thể thấy được.

Trong pháp bình-đẳng, nếu tâm là tự-tính hay là vô-tự-tính, làm sao thấy được? – Nói về “tính”, là còn có cái tên phân-biệt. Lìa khỏi phân-biệt mới thấy được tâm, trong này, làm sao lại nói là “không”? – Vì vậy, chúng ta nên biết là không có “năng-giác” và cũng không có “sở-giác”. Nếu thường quán tâm bồ-đề như thế, liền thấy được Như-Lai. Nếu có năng-giác và có sở-giác, tâm bồ-đề không thể thành-lập dược. Nó vô tướng. Nó vô sinh. Chẳng phải dùng con đường ngôn-ngữ mà có thể khen ngợi nó được.

Tâm bồ-đề cũng như hư-không. Tâm và hư-không, không có hai tướng. Ðây nói, tâm và hư-không, là nói về trí chân-không bình-đẳng. Thần-thông của Phật với Phật, Phật với Phật không khác nhau. Sự-nghiệp của chư Phật trong quá-khứ, hiện-tại, vị-lai, tất cả đều nhiếp-tàng và an-trụ trong cảnh-giới bồ-đề. Tuy sự-nghiệp ấy gọi là nhiếp-tàng, nhưng hết thảy pháp thường thường vẳng-lặng.

Quán-sát các pháp vô thường đều như huyễân-hóa. Chúng chẳng phải bị nhiếp-tàng. Chúng điều-phục cả ba hữu: Dục-hữu, sắc-hữu và Vô-sắc-hữu. Chúng trụ trong pháp không. Các pháp vô sinh, đây nói là “không”. Các pháp vô ngã cũng nói là “không”. Nếu đem vô sinh, vô ngã mà quán là “không”, quán ấy không thành. Nếu đem nhiễm và tịnh mà phân-biệt, chúng liền thành hai thứ kiến-tướng: đoạn và thường. Nếu dùng trí quán-sát về tướng không kia, tướng không kia không có bản thể phân-biệt. Cho nên tâm bồ-đề xa lìa các sở-duyên mà trụ trong tướng hư-không. Nếu quán hư-không là nơi bị an-trụ, trong ấy phải có không, có tính. Có hai tên sai-biệt, “không” ấy cũng như con sư-tử ở thế-gian, nó rống lên một tiếng, làm cho các loài thú đều sợ. Như nói một chữ “không”, mọi ngôn-ngữ đều vẳng lặng. Vì vậy, nơi này nơi khác thường lặng, cái này cái kia đều không.

Thức-pháp là pháp vô thường. Nó từ vô thường sinh ra. Tính vô thường là tâm bồ-đề. Ðây nói về nghĩa không, hẳn chúng cũng không trái nghịch nhau. Tính vô thường là tâm bô-đề, ưa thích bồ-đề là tâm bình-đẳng. Tuy nhiên, nơi đây cũng chẳng nói là ưa thích cái không. Tâm chấp cái không, làm sao chứng ngộ được. Bản-lai tự-tính chân-thực, hết thảy đều thành-tựu nghĩa bồ-đề-tâm. Vật vô-tự-tính. Tính vô-tự-tính, là nghĩa của thuyết này.

Thuyết này như thế, đối với tâm ra sao? Nếu xa lìa ngã và pháp thì tâm không trụ. Ðây chẳng phải là một pháp cũng chẳng phải là các pháp. Tự-tính của mỗi pháp, tự nó cách ly với tự-tính của nó. Như đường mật, ngọt là tự-tính. Như lửa, nóng là tự-tính. Các pháp kia không, tự-tính cũng vậy. Tính của các pháp kia, chúng chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, chẳng phải được, chẳng phải lìa. Vì nghĩa ấy, vô minh là đầu, lão tử là cuối, các pháp duyên sinh được thành-lập ra. Ví như mộng huyễn, thể nó không thực. Vì do nghĩa ấy, nói ra mười hai chi-pháp, tức cũng gọi là mười hai chi-luân. Chúng luân-chuyển tuần-hoàn trong cửa sinh-tử, mà thực không có ta, không phân-biệt với chúng-sinh và không sai-biệt với ba thứ: nghiệp, hành và quả-báo.

Trong ý-nghĩa ấy, nếu thấu suốt pháp duyên-sinh, tức thì ra khỏi các cửa cảnh-giới sinh-tử. Sự-kiện kia, chẳng phải là hành-tướng, chẳng làm băng-hoại chính nhân, mà nó do UẨN sinh ra. Chẳng phải là hành-tướng của biên-tế sau khi bị luân-hồi. Hết thảy đều không nắm giữ được “không”, vì do “không” sinh ra. Pháp pháp bình-đẳng, tạo nhân chịu quả, là lời Phật nói. Có các pháp hợp loại mà sinh ra, như đánh trống có tiếng, như trồng lúa mạch sinh mầm. Các pháp hợp loại khác, nghĩa cũng như thế. Như huyễn như mộng, bị sự biểu-hiện của duyên-sinh. Các pháp nhân sinh, mà cũng là vô sinh. Nhân này nhân khác tự nó là không, làm sao sinh ra được. Do đó, các pháp thuộc về vô sinh, tức là do vô sinh mà gọi là “không”.

Như nói về năm uẩn, tính của năm uẩn bình-đẳng. Hết thảy các pháp cũng nên quán niệm như thế. Nếu nói là “không”, là nói trong nghĩa như thực. Vì chỗ bị nói là không ấy, thể của nó chẳng phải đứt đoạn. Trong thể chẳng phải đứt đoạn ấy, thực cũng không thể nào tìm kiếm được. Nói thể là không, không cũng không phải là thể. Hiểu nó là không thực, sự tạo-tác là vô thường. Các nghiệp, phiền-não chứa góp lại làm thể. Nghiệp ấy cũng từ tâm sinh ra. Tâm không trụ, nghiệp làm sao có thể tạo được. Tâm khoái-lạc là tính tịch-tĩnh. Tâm tịch-tĩnh kia không thể nắm giữ được. Các bậc trí-giả nến quán-sát sự-vật một cách như thực. Thấy được lẽ như thực ấy, là được giải-thoát.

Tâm bồ-đề ấy là sự chân-thực tối thượng. Nghĩa chân-thực ấy là “không”. Cũng gọi là “chân-như”. Cũng gọi là “thực-tế”. Ðó là đệ nhất nghĩa đế về vô tướng. Nếu không thấu suốt được về nghĩa “không” như thế, là chẳng phải đã thuộc về phần giải-thoát, mà đối với trong cảnh luân-hồi, người ấy là đại-ngu-si. Người sống trong cảnh luân-hồi, bị luân-chuyển trong sáu thú: thiên, nhân, a-tu-la, địa-ngục, ngã-quỷ và súc-sinh.

Nếu bậc trí-giả thường quán-tưởng tâm bồ-đề kia một cách như thực, cùng tương-ứng với nghĩa “không”, khi quán-tưởng rồi sẽ thành-tựu được ý-niệm lợi tha và được trí-tuệ vô ngại, vô trước. Ðó là biết ơn và báo ơn Phật. Thường đem bi-tâm quán-tưởng tới tất cả mọi chủng-tướng chúng-sinh, cha mẹ quyến-thuộc, vì lửa dữ phiền-não thiêu đốt, khiến cho các chúng-sinh bị luân-hồi sinh-tử. Chúng-sinh chịu khổ, tôi sẽ chịu thay. Như trong trường-hợp có sự vui hòa-hợp, chúng ta nên nhớ nghĩ và bố-thí cho tất cả chúng-sinh.

Quán-tưởng về nghiệp-quả của ái và phi-ái, thiện-thú và ác-thú, lợi-ích và không lợi-ích, mà bản-lai của các chúng-sinh không thực chứng được. Tùy theo sự sai-biệt của trí-tuệ, khởi ra mọi thứ sắc-tướng: Phạm-Vương, Ðế-Thích, Hộ-Thế Thiên-Vương v.v… Là trời hay là người, hết thảy đều không lìa khỏi hành-tướng thế-gian.

Quán-tưởng về các nơi địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh. Tất cả chúng-sinh ở trong các cõi ấy, có vô lượng vô số chủng-loại sắc-tướng. Sự đau khổ, không được nhiêu-ích, thường bị chuyển theo chủng-loại. Ðói khát bức-bách, giết hại lẫn nhau. Bởi nhân như thế, nên quả-khổ không bị tiêu-hoại. Chư Phật, Bồ-Tát quán-tưởng về tự-tướng nghiệp-báo như thực của hết thảy chúng-sinh trong các thiện-thú vá ác-thú như thế. Quán-tưởng rồi, các Ngài liền khởi ra tâm phương-tiện, khéo léo giúp đỡ chúng-sinh, làm cho chúng-sinh xa lìa các nghiệp-cấu. Bởi thế, các vị Bồ-Tát lấy tâm đại-bi làm căn-bản, lấy chúng-sinh kia làm cảnh sở-duyên. Các vị Bồ-Tát không chấp-trước vào những ý-vị vui sướng trong các loại thiền-định, không cầu tự-lợi trong việc được các quả-báo. Vượt qua quả-địa Thanh-Văn, các Ngài không bỏ chúng-sinh, tu hạnh lợi tha, phát tâm đại-bồ-đề, nẩy mầm mống đại-bồ-đề và cầu quả bồ-đề của Phật. Các Ngài đem tâm đại-bi quán-tưởng về sự đau khổ của chúng-sinh. Các Ngài thấy ngục A-tỳ[9] rộng lớn vô biên, chúng-sinh tùy theo nghiệp-nhân, phải bị luân-chuyển vào khổ-báo ấy. Mọi tội báo ấy phải chịu mọi thứ đau khổ. tâm đại-bi của các vị Bồ-Tát, các Ngài nghĩ, các Ngài muốn chịu khổ thay cho chúng-sinh. Mọi thứ khổ ấy, có mọi thứ hình-tướng, nói ra như không có thực, nhưng cũng chẳng phải là không thực.

Nếu thấu suốt lẽ “không”, liền biết rõ các pháp ấy, thuận-hành theo các nghiệp-quả của chúng-sinh. Các vị Bồ-Tát vì muốn cứu độ chúng-sinh, các Ngài khởi ra tâm dũng-mãnh, lăn vào nơi bùn lầy sinh-tử. Các Ngài tuy ở trong sinh-tử, nhưng không nhiễm-trước. Ví như hoa sen thanh-tịnh không nhiễm. Các Ngài lấy đại-bi làm thể, nên không bỏ chúng-sinh, dùng không-trí quán-tưởng, nên không lìa phiền-não.

Bồ-Tát dùng sức phương-tiện, thị-hiện việc giáng-sinh nơi vương-cung, vượt thành xuất-gia, tu đạo khổ-hạnh, ngồi nơi đạo-tràng bồ-đề, thành Ðẳng-Chính-Giác. Ngài hiện thần-thông-lực phá các ma quân, vì độ chúng-sinh, chuyển đại-pháp-luân. Ngài hiện ra ba đạo bảo-giai, từ trên cung trời giáng xuống. Ngài hiện ra các hình-tướng biến-hóa. Ngài thuận theo tình đời, nhập đại-niết-bàn. Và, trong khoảng trung-gian ấy, Ngài hiện ra các sắc-tướng, hoặc làm Phạm-Vương, hoặc làm Ðế-Thích v.v… Là Trời hay là người… tùy theo các sắc-tướng mà chuyển. Do Ngài thị-hiện ra các sắc-tướng nên người đời gọi là bậc “Cứu Thế Ðạo-Sư”. Những sự-kiện ấy đều là nguyện-lực đại-bi của chư Phật, Bồ-Tát, điều-phục thế-gian, làm cho thế-gian được an-trụ vào những thắng-hạnh tương-ứng.

Thế nên, ở trong luân-hồi các Ngài không sinh tâm thoái-chuyển, mệt mỏi. Từ trong Nhất-thừa nói ra pháp Nhị-thừa. Nhất-thừa, Nhị-thừa đều ở trong nghĩa chân-thực. Là bồ-đề của bậc Thanh-Văn hay là bồ-đề của Phật, chỉ là một tướng của trí-thân (chân-thân của trí-tuệ), một thể của chính-định. Tuy có nói, nhưng nói mà chẳng phải nói. Hoặc có nói ra mọi hành-tướng, nhưng đó chỉ vì dẫn-đạo chúng-sinh mà thôi. Nếu chúng-sinh được lợi, bồ-đề của Phật vẫn là phúc-trí bình-đẳng, thực không có hai tướng có thể trụ. Nếu có trụ-tướng tức là chủng-tử. Tướng chủng-tử kia lại hợp theo loại sinh ra. Thế là làm tăng-trưởng mầm mống sinh-tử. Như đức Phật, Thế-Tôn thường nói: “Chỉ vì chúng-sinh tạo ra các phương-tiện, phá hủy mọi hành-tướng của thế-gian, nhưng thực chẳng phải phá hủy.” Ðó là có ý-nghĩa xa lìa sự phân-biệt. Nghĩa ấy rất sâu. Nghĩa rất sâu ấy không có hai tướng. Tuy nói là có phá-hủy, nhưng đây chẳng phải là phá-hủy.

Trong pháp “không”, không có hai tướng. Các pháp giữ vững tự-tính chân-thực của chúng. Trí-ba-la-mật là tâm bồ-đề. Tâm bồ-đề trừ hết thảy “kiến”. Do đó, các thân, ngữ, tâm, đều thuộc về pháp vô thường. Nhưng chỉ vì chúng-sinh, đem lại lợi-ích cho chúng-sinh mà thôi.

Trong này nói “không”, nhưng “không” không phải là đứt đoạn. Trong này nói “có”, nhưng “có” cũng chẳng phải là thường hằng. Thế nên, không có sinh-tử, cũng không có niết-bàn, mà đều an-trụ vào “vô-trụ niết-bàn”. Chư Phật, Thế-Tôn đều nói: “Bi-tâm khởi sinh ra, vô lượng phúc tụ hội.” Lời nói ấy là nói về lý “không” chân-thực tối thượng. Do uy-thần của chư Phật xuất sinh, mà hai hạnh tự-lợi và lợi-tha thành-tựu.

Con nay xin đỉnh lễ Nhất-Thiết-Tính kia. Con thường tôn kính Tâm Bồ-Ðề kia. Mong chỗ xưng-tán của con đối với Phật-chủng không bị đoạn-diệt. Chư Phật, Thế-Tôn thường trụ ở thế-gian. Tâm bồ-đề là tâm tối thắng trong Ðại-thừa. Chính-niệm của con an-trụ trong tâm ấy.

Tâm bồ-đề, trụ nơi tâm Ðẳng-Dẫn[10], và từ nơi phương-tiện sinh ra. Nếu thấu suốt được tâm ấy, thấy sinh-tử bình-đẳng, hai hạnh: tự-lợi và lợi-tha thành-tựu. tâm bồ-đề, lìa các kiến-tướng, vô-phân-biệt-trí, chuyển biến chân-thực.

Các bậc trí-giả, phát tâm bồ-đề, hội-tụ được phúc-báo vô lượng vô biên. Nếu ai, trong khoảng sát-na, quán-tưởng tâm bồ-đề, người ấy hội-tụ được phúc-báo, cũng không thể tính lường được. Vì, tâm bồ-đề, chẳng phải thuộc về loại tính lường. Chất-liệu quý báu của tâm bồ-đề là thanh-tịnh không nhiễm. Nó thuộc vào bậc tối đại, tối thắng, tối thượng, đệ nhất. Nó thuộc vào chất-liệu chân-thực kiên-cố, không thể hoại và cũng chẳng phải là chỗ để hoại được. Nó thường phá các phiền-não, cùng tất cả các loại ma. Nó làm đầy đủ hạnh-nguyện Phổ-Hiền[11] của các vị Bồ-Tát. Tâm bồ-đề là chỗ hướng về của hết thảy pháp. Nói lời chân-thực, lìa các hý-luận. Ðây là hành-môn thanh-tịnh của Bồ-Tát Phổ-Hiền, xa lìa hết thảy tướng. Ðây xin nói rõ như thế.

Tôi nay khen ngợi tâm bồ-đề,

Như Lưỡng-Túc-Tôn[12] chính nói ra.

Tâm bồ-đề ấy: tối tôn, thắng,

Người được phúc-báo cũng không lường.

Tôi đem phúc này cho chúng-sinh,

Mong chóng vược khỏi biển tam hữu.

Khen ngợi như thực và như lý,

Trí-giả cần nên học như thế.

Chú thích:

[1] Bồ-Đề-Tâm Ly Tướng Luận: Luận này mang số 1661 trong Đại-Chính Đại-Tạng Kinh. Bồ-Đề (Bodhi): Xưa dịch nghĩa là “đạo”, nay dịch nghĩa là “giác”. Đạo có nghĩa là thông suốt. Giác có nghĩa là giác-ngộ. Chỗ thông suốt, chỗ giác-ngộ ấy có sự và có lý. LÝ: Niết-bàn. Dứt phiền-não-chướng chứng Nhất-thiết-trí niết-bàn. SỰ: Các pháp hữu-vi. Dứt sở-tri-chướng, biết rõ nhất-thiết chủng-trí của các pháp. Bồ-Đề-Tâm: Tâm mong cầu chân-đạo hay tâm mong cầu đạt tới chỗ chính-giác. Bồ-đề-tâm có hai loại: 1) Duyên-sự bồ-đề-tâm: Lấy 4 hoằng-thệ-nguyện làm thể, để hóa-độ chúng-sinh và viên-thành Phật-đạo. 2) Duyên lý bồ-đề- tâm: Quán chiếu hết thảy pháp bản-lai tịch-diệt, an-trụ trong thực-tướng trung-đạo, nguyện thành chính-giác, hóa-độ chúng-sinh. Bồ-đề-tâm ly tướng có nghĩa là muốn đạt tới tâm bồ-đề chân-thực, cần quán-chiếu: ngã, pháp, uẩn, xứ, giới, các ảnh-tướng ấy đều là hư-huyễn, đều do tâm-thức biến-hiện. Lìa mọi hành- tướng, thành-tựu đệ-nhất nghĩa không. Đó là Bồ-đề-tâm ly tướng.

[2] Tổng-trì: Tiếng Phạm gọi là Đà-ra-ni (Dhàrani), Trung-Hoa dịch nghĩa là Tổng-Trì: Nghĩa là giữ cho điều thiện không mất, giữ cho điều ác không sinh. Thực-hành Tổng-trì có 4 pháp-môn: pháp, nghĩa, chú và nhẫn.

[3] Thể-nhân: Nhân-tố nguyên-thủy trong bản-thể của sự-vật.

[4] Ba-rị-một-ra-nhã-ca: Đây là phái ngoại-đạo, thực-sự xuất-gia. Trung-Hoa dịch-nghĩa là “Biến xuất” hay “Phổ hành”. Phái này cạo đầu, nhưng để một chút tóc trên đỉnh đầu, mặc áo màu đất đỏ, đi xin ăn, nhưng sự nhận-thức về sự-vật khác với giáo-lý của Phật.

[5] Thành Càn-thát-bà: Đây nói về sự-vật trong giả-tưởng. Ánh thái-dương chiếu xuống nơi có vỏ sò, vỏ ốc trong biển, ánh nắng hiện lên lấp-lánh, ở xa, người ta trông như là có tường thành của loại Càn-thát-bà. Càn-thát-bà (Gandharva), Trung-Hoa dịch nghĩa là “Tầm Hương”, tên một loại thần chuyên về âm-nhạc trên cõi trời Đao-Lợi. Nơi trình diễn âm-nhạc, có vẽ những thành-quách, phong-cảnh cho đẹp mắt. Cảnh vẽ thuộc về sự giả-tạo, không thực.

[6] Du-già (Yoga): Trung-Hoa dịch nghĩa là “tương-ứng”. Tương-ứng với 5 loại: hoàn-cảnh, hành-động, lý luận, thành-quả và căn-cơ chúng-sinh. Đây là một pháp môn thực-hành, ứng-hợp với cảnh, hành, lý, quả và cơ.

[7] A-lại-gia thức (Alaya): Thức thứ 8 trong Duy-Thức-Học. Trung-Hoa dịch nghĩa là “Tạng-thức”, có nghĩa là Thức này hàm-tàng, hay cất giữ tất cả các hạt giống của sự vật.

[8] Hoàng-môn: Đây chỉ cho người mà phái-tính, hoặc bộ-phận sinh-dục không nhất định là nam hay nữ.

[9] A-Tỳ địa-ngục: A-Tỳ (Avichi), Trung-Hoa dịch nghĩa là “vô-gián”. Đây là một địa- ngục, không-gian, cũng như sự trừng-trị tội nhân không chút gián-đoạn.

[10] Đẳng-dẫn: Tiếng Phạm là Tam-ma-ế-đa (Samàhita), Trung-Hoa dịch nghĩa là đẳng-dẫn. Đây là một pháp trong pháp-môn thiền-định. Khi ngồi thiền, thân và tâm an-hòa, bình-đẳng, nên gọi là “đẳng-dẫn” v.v…

[11] Phổ-Hiền hạnh-nguyện: Lời phát-nguyện và thực-hành của Bồ-Tát Phổ-Hiền. Bồ- Tát Phổ-Hiền có 10 đại-nguyện chuyên hướng về sự thực-hành, phụng-sự Phật, Pháp và hóa độ chúng-sinh.

[12] Lưỡng-Túc-Tôn: Đây chỉ về đức Thế-Tôn, Ngài là bậc đầy-đủ phúc-đức và trí-tuệ.

    Xem thêm:

  • Luận Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Cửu Tụng Tinh Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Thích Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Viên Tập Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Lược Giải Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa - Luận Tạng
  • Luận Kim Cang Đỉnh Du Già Trung Phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học - Luận Tạng
  • Luận Bảo Hành Vương Chánh - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Thích Kinh Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa - Luận Tạng
  • Luận Tụng Kinh Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa - Luận Tạng
  • Luận Bản Nhân Minh Chánh Lý Môn - Luận Tạng
  • Luận Nhập Đại Thừa - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Khai Tâm Hiển Tánh Đốn Ngộ Chơn Tông - Luận Tạng
  • Luận Nhân Minh Chánh Lý Môn - Luận Tạng
  • Luận Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Viên Tập Yếu Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Chư Giáo Quyết Định Danh Nghĩa - Luận Tạng
  • Luận Đề Bà Bồ Tát Giải Thích Với Ngoại Đạo Tiểu Thừa Về Niết Bàn Theo Kinh Lăng Già - Luận Tạng
  • Luận Hồi Tránh - Luận Tạng
  • Luận Nhân Minh Nhập Chánh Lý - Luận Tạng
  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Viên Lý - Luận Tạng
  • Luận Bồ Đề Tư Lương - Luận Tạng